- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VINH LIỀU

07 Tháng Năm 20211:47 SA(Xem: 10956)

NguyenTri 2- photo LeNhatÁnhLe
Nhà văn Nguyễn Trí - ảnh Lê Nhật Ánh Lê

Vinh Liều

                                                                    Truyện Ngắn của Nguyễn Trí

 

       Nguyễn Vinh. Con trai lớn của Ông Nguyên Vĩnh và bà Trần Thị Dung. Bà Dung đưa con gái út là Vân đi học bằng xe đạp điện. Một chiếc mô tô 125 phân khối tông một phát. Vậy là, cả mẹ cả con ra người thiên cổ. Kẻ gây án vù một hơi mất dạng. Đoạn đường nơi xẩy ra tai nạn không có camera hành trình nên bó tay cái vụ truy thủ phạm. Nhưng... dễ chi qua được mắt ta bà – và – xưa nay kẻ câm còn nhiều chuyện huống chi quý ông quý bà nói được. Vinh không cần hỏi cũng biết thủ phạm là thằng nào. Ta bà nói thì được nhưng để ra làm chứng thì không, và phải chi gia đình kẻ gây án chịu đưa con ra đầu thú, chấp nhận tang ma và bồi thường theo luật định thì hay xiết bao. Kẹt cái, kẻ gây ra cái chết cho mẹ và em gái là, con trai ông xã đội trưởng của cái xã mà Vinh là công dân. Cái lớn thứ hai là thằng con ông xã đội mới mười lăm tuổi. Đầu thú là tiêu tan một sự nghiệp dày công xây dựng. Ngu sao đầu trong khi không bằng không chứng? Ta bà nói thì ta bà nghe chứ vào ngày tháng năm tai nạn xẩy ra, thằng con trai ông xã đội trưởng đang ở nhà ôn bài để ôn thì tốt nghiệp cấp hai.

       Phải chi thằng sinh viên năm thứ hai biết uống rượu để giải sầu như cha Vĩnh của nó thì hay xiết bao. Cứ một ly vào mồm là cả người Vinh bị ngứa. Gãi đã đời, gãi đổ cả máu mà ngứa vẫn ngứa. Sinh viên thời nay, nói ra e quơ đũa cả nắm nên, xin kê thêm bốn từ “một số rất nhiều” gì chứ, chiều chiều quý anh, quý chị, rời ký túc xá ghé quá cóc vỉa hè chơi chai ba xị một cái ly rồi thơ rằng “Rót cho nghiêng dải giang-hà. Cho nghe vang vọng trong ta một thời”. Rượu là chuyện nhỏ, các anh các chị con nhà gia thế chơi luôn lắc liếc, ma túy xì ke, đá đấm là thường. Bằng chứng hả? Chả phải chỉ là xã đội trưởng mà, con trai đã vù vù 125 phân khối khi mới mười lăm đó sao?

        Vinh không rượu và nhà nghèo thí mụ nội lấy đâu ra mà chén chú chén anh hay lắc liếc cùng chúng bạn. Nó lành như đất. Nhưng tất cả mọi thứ trên đời nầy vốn từ đất mà ra. Vàng bạc ngọc ngà châu báu từ đất chứ không trên trời rơi xuống. Đất vốn lành nhưng khi động, động đất thì chết đa nghe. Vinh là dân đen, là đất thó... trong lòng đất luôn âm ỉ một sức nóng, cái nóng ấy ai cũng biết là đủ lực để tạo ra sức hút. Suy ra đất dữ lắm chứ không hề là đùa chơi.

      Vinh nghỉ học. Học hành chi nữa khi oán thù đầy ặp tâm can tì phế thận. Thằng trai liều lĩnh rằng... dào... học hành lắm cũng rứa, cũng cơn ăn ngày ba bữa tắm rửa nhiều lắm ba lần, tao không tắm cũng chẳng hôi mà có hôi cũng chả sao. Trai trẻ bèn ngó vô mấy tờ quảng cáo trên cột điện,  a lô cho vay giải ngân trong vòng một nốt nhạc mượn tạm một chục triệu. Tới tháng trả thì bốn mươi phân. Góp thì ngày một triệu trong vòng mười ba ngày. Ô kê thì tiền trao ngay. Vinh góp ngày, cu cậu tậu một chiếc đờ rim tàu để chạy ôm. Thêm một cái bàn và một tủ thuốc lá để bán lẻ. Thời buổi mà gái gú con taxi đến nhà nghỉ khách sạn để bán vốn tự có thì xe ôm có mà ăn cám. Thuốc lá thì con nít còn mua nguyên gói thì bán lẻ cho ai? Ngày thứ năm bọn cho vay đến:

-                     Sao không trả mậy?

-                     Chưa có.

-                     May tin cái tủ thuốc nầy vô sọt rác không?

-                     Tao thách mày đó. Tủ thuốc bể mày lòi ruột liền. Tao vay của mày à?

-                     À... mày ngon...

-                     Về nói với Mười Cường tao không trả thử xem nó dám làm chi tao.

      Không nói chắc ai cũng biết rằng, nếu không có chống lưng còn khuya bọn cho vay nặng lãi mới đứng được trên trần gian ô trọc lóc nầy. Và bọn đòi nợ thuê – thật ra – dữ ở cái hình xâm chứ lá gan nhiều thằng nhỏ xíu. Thấy Vinh lo le lưỡi dao Thái Lan nhọn lễu và lớn tiếng thách chúng cũng... rét bèn phi về báo với anh lớn.

      Anh lớn đâu có dại mà ra mặt. Anh bèn phone cho người thân. Ra người thân của Mười Cường là ông xã đội trưởng. Vậy là một cuộc giải tỏa bọn lấn chiếm lòng lề đường được thực thi. Một chiếc ba bánh Hoa Lâm tàn tàn theo sau các anh xã đội và công an viên. Ngoại trừ xã đội trưởng có súng lục bên hông còn tất cả là dui cui. Bọn lấn chiếm một phen hơn cả vịt chạy đồng mà hàng họ vẫn bị quăng lên thùng xe ba bánh. Vinh thì không. Trai trẻ vẫn trên yên xe cạnh tủ thuốc lá. Một công an viên đến và:

-                     Ai cho mày đặt tủ thuốc ở đây?

-                     Cứ tịch thu. Hỏi chi cho mệt.

-                     Mày thách hả? Có tin cho ma trắc vô đầu mày không?

   Vinh lo le lưỡi dao thái:

-                     Anh đánh là tôi cho ăn dao liền. Tin không?

    Không lường được nỗi buồn của đất. Ừ... khi buồn đất thương động và khi động đất rất bất thường, nó tạo ra bão tố sóng thần chứ động là rất nhỏ. Tay công an viên giơ dùi cui lên nện liền chứ sợ à. Anh không nện vào đầu mà vào lưng thằng đã bất tuân còn bướng. Vậy là Vinh đâm một nhát vào bụng công an viên.

     Ba bốn anh bâu lại và Vinh bị khóa tay. Nhìn xã đội trưởng Vinh nói:

-                     Tôi vào khám rèn luyện chục năm. Khi về sẽ hỏi tội thằng con ông.

Vậy là cái tên Vinh Liều được lưu truyền.

                                                             ***

         Bọn từng xé lịch bảo rằng, kẻ bị giam tạm ít nhất một tuần mới được gặp người nhà. Nhưng ông Nguyễn Vĩnh phải hai tuần và lần thứ hai mới gặp được con trai. Lần một ông đến nhưng Vinh bị biệt giam. Khi gặp, ông Vĩnh vô cùng bất ngờ bởi trên trán Vinh có một vết sẹo và vết khâu còn mới rợi. Cha già vô cùng tội nghiệp... Tội nghiệp chi xiết kể với kẻ có hoàn cảnh, vợ chết con gái chết, con trai tù chắc vì tội đã chống đối còn hành hung ngươi đang thi hành công vụ.  Kẻ bên trong người bên ngoài tấm kính cường lực mười hai ly. Cha con tâm sự với nhau qua tám cái lỗ tròn bằng ngón tay út trên tấm kính. Vinh bảo với cha rằng đừng lo gì cho cu cậu bởi chuyện nó làm chả ai lo nỗi đâu. Hay để tù dạy cho Vinh đánh vần hai chữ lễ độ. Cu cậu vừa nói vừa cười cứ như tạm giam là nơi để tấu hài. Ông cha hỏi:

-                     Cái trán bị sao vậy?

-                     Bị té chứ không có gì đâu. Ba về đi đừng có thăm nuôi làm chi cho tốn tiền.

-                     Ba tính bán sào đất...

    Vinh cướp lời:

-                     Bán rồi ba ở đâu? Bán làm chi?

-                     Ba tính thuê luật sư gỡ cho con được chút nào hay chút đó.

-                     Đừng có thuê chi cho mất công. Ba bán rồi khi về đời con biết ở vào đâu?

    Hai ngày sau Vinh lại được thăm gặp. Lần này là một anh trai quần áo chỉnh chện cổ thắt cà la oách, anh giới thiệu là luật sư sẽ biện hộ cho Vinh. Vinh hỏi:

-                     Ba tôi thuê anh hả?

-                     Vâng. Ba cậu nhờ tôi...

-                     Anh ăn giá bao nhiêu?

     Luật sư bảo anh làm việc cho công ty. Công ty và khách hàng biết với nhau vụ giá chứ anh ta ăn... Vinh cười:

-                     Tôi không cần biện hộ biện hậu gì cả. Anh và cái công ty của anh đừng có ăn của ông già tôi đồng nào. Nhiều lắm tôi bị chục năm là cùng. Tôi về mà biết anh hay công ty quái quỷ nào đó ăn của ba tôi một đồng là tôi móc họng lấy lại đó nghe.

    Rồi Vinh chỉ vào cái trán:

-                     Biết cái sẹo này vì sao mà có không?

   Cu cậu nhếch mép trả lời luôn:

-                     Tôi tự gõ vào cạnh bê tông cửa đó. Tại sao hả? Thích thì làm cho vui chứ chả sao trăng gì sất. Và khi con người ta, cả cái thân mình còn không quý thì tha nhân chả là cái đinh gì. Tao nói mày hiểu chứ luật sư?

   Nói xong Vinh đứng lên chấm dứt buổi thăm gặp.

     Tạm giam – giang hồ rằng thì – nghĩa là anh vẫn còn là công dân.  Vài tháng giam tạm để cũng cố hồ sơ án tích. Sau khi tòa đóng búa một cái cốp xuống bàn, lúc đó anh mới thiệt thọ mất quyền công dân. Nhưng, tạm giam thì cũng cha ông cố nội của tù. Và là cha, là ông cố nội nên tạm giam cũng có vua chúa và bầy tôi. Những kẻ xem trại giam như nhà, vào ra như cơm bữa đương nhiên là cha. Lúc Vinh vào, căn phòng hai chục mét vuông chứa những mười lăm thằng đầu trộm đuôi cướp, xì ke xì cọc... Nóng như lửa nên chúng đánh trần mặc độc cái xiệp, dùng áo quần lau mồ hôi chờ đến giờ  lao động. Mẹ cha ơi... chưa nơi nào trên trần gian mong đến giờ đi làm như ở tạm giam. Và, không gian như thế nầy rất dễ làm con người ta nổi nóng:

-                     Mày tên gì thằng kia?

       Đàn anh phòng hỏi. Vinh trả lời:

-                     Vinh.

-                     Gì Vinh?

-                     Vinh Liều.

-                     Liều cỡ nào làm tao xem thử.

    Tạm giam thì có cái gì mà làm. Để đề phòng phạm manh động, nhất là bọn ma túy khi lên cơn chúng liều lắm. Một cọng cỏ còn không có nói chi thứ có thể gây thương tích. Vinh nhìn quanh một lúc rồi bước lại bên cánh cửa phòng. Cu cậu gõ đầu vào cạnh bê tông cửa nghe một cái cốp, cái trán bị tét ngay tắp lự. Máu ròng ròng chảy ướt cả mặt cả áo. Cả bọn ngây người đúng hai giây rồi la lên như giặc dậy. Mười lăm cái miệng đồng thanh cùng lúc nên:

-                     Tiên sư tụi mày – quản giáo mở cửa, tay lăm le ma trắc -  làm loạn hả?

   Vậy là cả Vinh cả đàn anh bị gô đi. Vinh lên tram xá tạm giam khâu vá vết thương, sau đó cùng đàn anh nhập biệt giam tâm sự cho vui. Đàn anh bị quy tội đánh người vô duyên cớ. Cách nhau một song sắt xà lim đàn anh nói trong bóng tối:

-                     Đây là lần đầu tiên tao bị biệt giam mà không có tội.

-                     Đâu phải lỗi của tao. Tao chả nói gì với quản giáo hết.

-                     Mày phải nói là mày tự đập đầu chớ.

-                     Họ đâu có tin.

-                     Bà mẹ nó... mày liều thiệt Vinh ơi

   Sau ba ngày biệt giam ăn cháo trắng và muối cả hai xanh xao như lá chuối non. Cả phòng sợ Vinh như sợ cọp. Đàn anh cũng rét. Mẹ cha ơi... chưa ra đòn mà nó cho mình biệt giam thì thằng nầy ghê quá cha ơi. Đàn anh tên Phòng. Mặt bị rỗ huê nên gọi Phòng Rỗ. Thằng hai mươi mốt tuổi tên Vinh mày mi tau tớ với râu ria ba mươi tuổi Phòng Rỗ, mới hay rằng giang hồ hơn nhau chục tuổi chả là cái cóc khô gì. Đàn anh hỏi:

-                     Mày bị gì mà tống vô đây?

-                     Chống người thi hành công vụ.

-                     Vậy cũng nhẹ.

-                     Tao đâm lủng bụng một công an viên. Theo mày chừng mấy năm?

-                     Mẹ cha ơi... mút mùa đa con.

      Vậy là ở tạm giam nếu Phòng Rỗ là vua thì Vinh là chúa.

                                                           ***

       Một chục. Đúng một chục năm sau Vinh Liều trở về.

       Án chỉ bảy mà mười năm mới về là nghĩa làm sao? Ta bà trên toàn cõi thị trấn – nơi mà – Vinh sẽ phải trình diện, tuần một lần trong sáu tháng ngớ hết cả người. Ra là nó còn sống nhăn chứ đâu có chết như lời bàn của bọn nhiều chuyện. Chúng bảo rằng chắc là Vinh ngủm trong tù rồi. Trong chăm êm nệm ấm có kẻ hầu người hạ còn chết huống chi cõi tù. Nghe bàn Vinh đã chết, người hạnh phúc nhất chắc chắn là ông xã đội trưởng và thằng con trai... Và, phải chi Vinh chết như lời bàn thì hay xiết bao. Đằng này nó lù lù lên xã trình diện mới chết ông bà cố tổ. Ông xã đội sau phiên tòa đã cuốn gói về vườn bởi cái tội thoái hóa biến chất vì bảo kê cho bọn vay nặng lãi. Nhưng bảo kê thì nghĩa địa gì với chuyện thằng trai tông xe làm chết người. Không bằng chứng, luật pháp không sờ gáy được nhưng lương tâm thì sao hả ông cựu xã đội?

           Sau khi được người của thị trấn bảo ban cách “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” Vinh đi một hơi lên nhà lão Năm Lựu Đạn. Chả là khi bóc lịch ở trại Xuyên Ma, con trai lão Năm nhờ cậy chúa phòng Vinh Liều nhiều lắm. Khi thăm nuôi con trai, vợ chồng Năm Lựu Đạn xin với ủy ban nhân dân thị trấn cái giấy xác nhận rằng Vinh là con. Ủy ban cho liền vì Năm Lựu Đạn và Nguyễn Vĩnh là bạn. Vậy nên tuy ủ tờ nhưng Vinh cũng biết cha chết sau khi cu cậu ôm án bảy năm. Con trai Năm Lựu Đạn bóc ba cuốn lịch thì về đời. Trong ba năm ấy Vinh được thăm nuôi ké sáu lần. Ngày lão Năm lên rước con trai về làm lại đời Vinh nói:

-                     Chú đừng thăm nuôi con nữa nghe. Chú cũng khổ. Con ăn miếng của chú  không ngon lành gì. Với lại ở đây con đầy đủ lắm, không tin hỏi thằng con ông thì biết.

      Năm Lựu Đạn nghèo thí mụ nội. Thăm con sẵn thăm Vinh luôn chứ dân bán sức mà ăn có đâu mà thăm khi chả bà con tộc thuộc chi. Nhưng mà ca dao có câu một ngày cũng nghĩa phu thê, đằng nầy ba năm Vinh Liều được thăm nuôi sáu lần là hơn cã nghĩa tình. Nên chi Vinh ghé thăm lão Năm là phải quá:

-                     Khỏe mậy? Mới về hả? – Lựu Đạn hỏi

-                     Dạ... con khỏe chú.

-                     Cơm nước gì chưa?

-                     Yên tâm. Thân ai nấy lo đi chú Năm.

-                     Ừ tự thân vận động đi há.

-                     Con thành thật cám ơn chú đã hương khói cho ba con suốt chục năm nay. Con tưởng đâu nhà mình “giậu đổ tường xiêu thềm um cỏ” ai ngờ cũng hoa lá cành ghê. Cám ơn chú nghe.

-                     Không riêng mình tao đâu. Mai vàng, Mai Chiếu Thủy, Lộc Vừng... trên sào đất là của thằng Năm Nê trồng đó.

-                     Năm Nê xã đội trưởng đó hả chú?

-                     Ừ...

-                     Ông ta hối hận?

-                     Tao không biết... nhưng e là vậy.

-                     Hối cái chi. Thằng con ông đã cho tôi cái kết nầy chứ ông ta nhẹ thôi.

-                     Ừ... nhưng... sao mày ở thêm ba năm?

-                     Con đâm một anh lớn nên tòa án trại kêu thêm ba năm.

     Ghê thật. Vinh Liều nói “con đâm một anh lớn” tỉnh khô ai nghe qua là ớn liền. Nhưng ai chứ Năm Lựu Đạn thì không. Nếu Vinh Liều xé chục cuốn lịch thì lão Năm cũng từng vài cuốn cho vui:

-                      Sao đâm? - Năm hỏi.

-                      Bị hai chục cuốn về tội cướp giết, vào Xuyên Ma nó muốn làm vua nên chơi con một trận nên hồn. Sau khi ra khỏi biệt giam con mài nhọn cái bàn chải răng đâm cho nó một nhát. Vậy là thêm ba năm.

-                     Giờ mày tính làm gì? 

-                     Chú làm gì con theo với. 

-                     Chuyện tao mày không làm được đâu.

-                     Chuyện tay chân chi thiên hạ làm được Vinh Liều làm tốt chú Năm. Xuyên Ma cho con nghề hồ, nghề sơn nước, nghề đan lát...

-                     Vậy mày theo thằng Hùng con tao đi xây tô dán gạch sơn nước.

-                     Còn chú?

-                     Tao viết lách kiếm tí nhuận bút còm chăm bà xã. Chuyện lột óc mà ăn mày làm được không?

-                     À... lột óc và năng khiếu thì con thua. Mà nè... trong Xuyên Ma con đọc báo có một bài viết về con gái chú bị người ta đâm chết mà, khi ra tòa chú xin giảm án... ông nghĩ sao mà xin tội cho kẻ giết con mình hả ông già?

-                     Vậy chớ ông già mày nghĩ gì mà giao hết đất đai nhà cửa cho bà trước dù biết bà trước ngoại tình?

-                     ...

-                     Không biết hả? Là con người – theo tao – không gì hơn cái thanh thản. Tích cái oán trong lòng thì chỉ khổ cho mình thôi mày ơi. Cả chục năm nay mày oán hận lắm phải không? Tao biết chuyến nầy cha con Năm Nê mệt với mày...

-                     Không có đâu – Vinh Liều cười – chú nói vậy lỡ Năm Nê có gì là mệt cho con chú Năm.

-                     Mười năm xé lịch như mày dễ chi ra hai chữ có gì. Nhưng mà để tao nói mày nghe... tích cái oán tuy khổ nhưng không bằng ôm cái âu lo và hãi sợ đâu.

-                     Là sao? Chú nói con không hiểu

-                     Mày gặp Năm Nê và con trai của nó bây giờ là biết liền. Ngồi chơi xí đi. Thằng Năm đến liền đó

-                     ...

   Y như trong kinh. Chưa đến hai nốt nhạc Năm Nê đã có mặt. Mẹ cha ơi... Vinh Liều trố mắt ngạc nhiên... xã đội trưởng một thời hét ra nham thạch đây sao? Năm Nê ốm như cây sậy với đầu tóc bạc như cước. Tay ông ta cầm chai trà xanh không độ vừa vào nhà Năm Lựu Đạn vừa nhấp. Mùi rượu nghe rất là... nồng nàn:

-                     Xỉn hoài vậy Năm Nê?

-                     Chứ tui biết làm gì bây giờ hả Lựu Đạn?

    Nhìn Vinh Liều ông ta hỏi:

-                     Thằng nào đây?

     Rồi không đợi câu trả lời Năm Nê tự bước ra khỏi nhà:

-                     Tui lên cha Vĩnh đây. Nghe nói thằng Vinh Liều về rồi... ông có gặp nó thì nói tui đang chờ nó nghe lụ đạn. Tui đố nó làm gì được tui.

   Vinh Liều nhìn theo. Với hí kịch nầy trời còn bó tay huống chi thằng tù:

-                     Ông ta sao vậy chú Năm?

-                     Thì... tao đã nói... tích oán tuy khổ nhưng không khổ bằng sự âu lo và sợ hãi...

   Và – Lựu Đạn tiếp tục – khi chúng ta sợ, ma chẳng hạn, thì ta vin vô thánh thần tiên phật chúa trời, nhưng sợ con người thì sao? Thì kẻ có trí sẽ chiêm nghiệm con người cụ thể để chống lại sự hãi sợ ấy. Nhưng khi nỗi sợ vô hình vô ảnh, ngày đêm vây hãm thì rượu sẽ cho ta... trời đất còn như mảnh vung bể lọ chi đời. Và Năm Nê đã chạy trốn cái sợ vô hình ấy vào ma men. Bất kể thằng hay con người nào khi để rượu làm chủ thì hóa súc vật hết ráo. Thoạt tiên Năm Nê đổ tội chiều con cái lên đầu vợ. Đang hiền hòa như nai Nê hóa hổ khi vợ cự lại. Hắn ta vung tay hạ chân không thương tiếc vào đầu ấp tay gối. Người đàn bà mười tám tuổi lấy chồng, con trai đầu mới mười lăm, con gái kế mười ba ớn thằng chồng bốn mươi tuổi như cơm nếp nát. Đã rượu chè còn vũ phu không chán đâu phải người. Tình cảm không. Tình dục cũng không. May mà sương phụ nửa chừng xuân có tiền, nhiều tiền. Và nhiều tiền không xài để làm gì cơ chứ? Và để giải quyết cái bản năng cơ bản lúc nào cũng hừng hực, sương phụ ghé vào khách sạn a lô cho mat-xa nam đến tận nơi phục vụ. Và cái câu “của lạ bằng một tạ đường phèn” đâu có dành riêng cho bọn râu mày.

         Khi bà xã tránh mình như tránh hủi Năm Nê quay qua chiết con cái. Trai gái chi là báo cô ráo. Hắn chửi luôn ông bà nhạc. Con là nợ, vợ là oan gia, ông bà già vợ là hai con khỉ già chỉ có cô em vợ là nàng tiên giáng thế.... hứng lên Nê ngửa mặt lên trời mà... tao đố mày đó Vinh Liều. Mày đụng đến tao là đi đứt ba mươi xu đa con... Có nên thông cảm cho người say không? Nên lắm bởi ai đó nói ngươi điên không biết nhớ và người say không biết buồn. Say là ông nội của điên:

-                     Trời ơi... – Vinh Liều kêu lên – tệ vậy sao? Còn thằng Hải thì sao hả chú Năm?

   Hải là tên cúng cơm của thằng đã gây ra cái chết cho mẹ và em của Vinh Liều:

-                     Nó đang trong trung tâm cai nghiện và dạy nghề X...

-                     Trời ơi...

       Năm Lựu Đạn trầm ngâm một lát:

-                     Tao năm nay đã sáu mươi lăm. Trải đời không hơn ai nhưng cũng biết tí chút về cái chết. Tao từng đi trong chiến tranh nên biết thế nào là “chiều đi qua bãi dâu, hát trên nhưng xác người”, “người chết hai lần thịt da nát tan”. Đi làm trầm thì chết bởi lũ cuốn, rắn cắn, heo rừng húc cũng thường luôn. Đãi vàng hầm sập chết vài mươi mạng là thường... nhưng những cái chết ấy nhanh gọn và đẹp không như cái chết của gia đình Năm Nê và mày. Mày thì chết trong oán hận những chục năm. Năm Nê thì trong hãi sợ...

   Năm Lựu Đạn nhìn vào mắt Vinh Liều:

-                     Mày liều và luôn trong báo oán rửa thù nên chắc không biết đến sợ hãi. Hãi sợ là niềm đáng sợ nhất của kiếp làm người. Nó hơn cả đói đau bệnh tật. Hãi sợ chỉ một mình ta đối diện chứ bệnh dù nặng cỡ nào cũng còn có ngươi thân, mà nếu không có thân thuộc thì chí ít cũng còn có niềm hy vọng... hãi sợ thì không. Nó giết con ngươi lần mòn. Tao nói mày hiểu không?

-                     Dạ hiểu... con hiểu rồi.

   Hiểu. Vinh Liều biết gì về hãi sợ mà hiểu? Còn bạn? Bạn nghĩ gì khi Vinh Liều bảo rằng anh ta HIỂU.


Nguyễn Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Một 20236:01 CH(Xem: 3257)
Được tin Thân Mẫu nhà thơ Đặng- Hiền, Chủ Biên Tạp Chí Hợp Lưu là / Cụ Bà quả phụ Đặng- văn- Ngữ / Nhũ danh ĐẶNG-TRẦN-THỊ- Y / Pháp danh TỊNH-Ý / Đã quy tiên ngày 22 tháng 11 năm 2023 tại nam CA , Hưởng thọ 87 tuổi .
14 Tháng Mười Một 202312:15 SA(Xem: 4037)
Anh về nhà không có em ! Anh đẩy cửa bước vào, anh xô cửa bước ra. Sắc sắc không không , một trời vô vọng. Em ở đâu ? Anh dáo dác tìm tìm kiếm kiếm. Em đi rồi ư? Ô chao ! Sao nghe buồn nẫu ruột.
14 Tháng Mười Một 202312:01 SA(Xem: 4757)
Bước qua sóng biếc / Ngu ngơ dấu chân còng / Vỏ ốc bơ vơ khoắc khoải / Cánh cò vụng dại Lao xao xanh / Và những người con gái trinh nguyên vá lưới tím hoàng hôn
12 Tháng Mười Một 20239:09 CH(Xem: 3609)
Nhận được tin buồn /Thân mẫu của nhà văn Trần Thanh Cảnh /Cụ bà DƯƠNG THỊ BÉ / Đã từ trần lúc 19h05 phút ngày 11/11/2023 (ngày 28/9 Quý Mão). / Hưởng thọ 84 tuổi.
07 Tháng Mười Một 20236:34 SA(Xem: 4076)
“…câu chuyện giáo sĩ Alexandre de Rhodes là câu chuyện cũ đã hơn 300 năm trước. Ông không sáng chế ra chuyện đánh vần tiếng Việt ra mẫu tự Bồ. Tôi nghĩ ông là một giáo sĩ tận tụy với nghiệp vụ truyền giáo, chỉ có điều kiến thức quá giới hạn của ông về văn hóa tôn giáo và con người Việt Nam làm tôi bực mình, và thèm khát một ngày mà những bất cập như vậy không còn sót lại nơi một giáo sĩ dù với đức tin nào. Tuy nhiên, phê phán nặng nề một giáo sĩ 300 năm trước là điều không nên, khi mà các giáo sĩ nói chung bấy giờ một phần vì giới hạn kiến thức, không có truyền thống kính trọng văn hóa địa phương. Nhưng ta tự nguyện tự lãnh một cái ơn tày đình với những giáo sĩ như De Rhodes cũng là chuyện không căn cứ. Có lẽ thỉnh thỏang ta nên đọc lại Phép Giảng Tám Ngày của ông ta để có một viễn cận phải chăng với câu chuyện.” (Mai Kim Ngọc).
03 Tháng Mười Một 20235:00 CH(Xem: 4921)
Đứng dưới núi tôi nhìn lên núi / Núi trên kia núi rộng bao la / Vất vả lắm tôi leo lên đỉnh núi / Núi dưới kia sao chẳng giống quê nhà
03 Tháng Mười Một 20234:47 CH(Xem: 4340)
Em ăn rau tôi ăn thịt / Mà xương xóc đã phồn vinh / Chúng bảo yêu là giả tạo / Ừ thôi cái nắng xập xình
01 Tháng Mười Một 20231:28 SA(Xem: 5580)
Liêu xiêu lối nhỏ mưa dầm / Vai gầy Mẹ gánh tảo tần vì con / Gánh đời vất vả héo hon / Rảo chân Mẹ khắp lối mòn bể dâu
01 Tháng Mười Một 202312:55 SA(Xem: 4019)
Hun Sen đã chính thức chuyển quyền cho con từ ngày 22/8/2023. Tuy Hun Manet là Thủ tướng mới nhưng Hun Sen vẫn có một ảnh hưởng gần như tuyệt đối từ phía sau hậu trường. Hun Sen viết trên trang Facebook – “Đây chưa phải là kết thúc. Tôi còn tiếp tục phục vụ ở những cương vị khác ít nhất cũng tới năm 2033” (tức là mười năm nữa, lúc đó Hun Sen 81 tuổi). Tìm hiểu về giới lãnh đạo bao gồm hai thế hệ Cha và Con của chính trường Cam Bốt hiện nay và ít ra trong 10 năm tới thiết nghĩ là điều rất cần thiết.
24 Tháng Mười 202311:00 CH(Xem: 4972)
Cạn mấy ly rượu mạnh với anh chủ khách sạn Huy Hoàng để xóa đi cái âm khí nặng nề ở nghĩa trang Hàng Dương, tôi loạng choạng trở về phòng, đóng sầm cửa lại, nằm vật ra giường, chìm ngay vào giấc ngủ. Tiếng gõ cửa làm tôi giật mình thức giấc. Cửa mở, cô gái có khuôn mặt trắng hồng, dáng thon thả, tha thướt trong bộ đầm dài bằng lụa màu mỡ gà; từ đôi mắt, hàng chân mày cho đến làn môi đều xinh tươi... / -Cô tìm tôi? /-Dạ, biển đẹp như vầy, anh ngủ làm gì cho phí, đi dạo với tôi nhé. / Chúng tôi tiến ra bờ biển. Gió lồng lộng, mát rượi, sóng biển vỗ bờ cát trắng rì rầm. Ngoài xa ánh đèn các con thuyền đánh cá thao thức, nhấp nháy khôn nguôi.