- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ngày tôi mất tháng 4

20 Tháng Tư 20214:23 CH(Xem: 10593)

Dinh Tu Bich Thuy-Ngay toi mat
Nhà văn Đinh Từ Bích Thúy

ĐINH TỪ BÍCH THÚY

Ngày tôi mất tháng 4

 

LTS: Sinh 1962 và rời Việt Nam tháng 04-1975, Đinh Từ Bích Thúy sinh sống trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hành nghề luật về cổ phần hàng hóa, sau khi tốt nghiệp cử nhân danh dự song khoa văn chương Anh Pháp năm 1984 rồi tiến sĩ Luật 1987 tại University of Virginia, Charlottesville, Virginia. Gần đây, cùng với Martha Collins, đã hoàn tất dịch hợp tuyển thơ Cốm Non (Green Rice) của Lâm Thị Mỹ Dạ (Curbstone Press, 2005). Hồi ký Luggage and Shoes được đăng trong tuyển tập Once upon A Dream: Twenty Years of Vietnamese-American Experience, ed. Andre Lam and De Tran (Andrews McMeel, 1995). Đinh Từ Bích Thúy từng viết phê bình trên Hợp Lưu số 57, Tân Niên tháng 2 & 3 năm 2001 và cho các tạp chí Rain Taxi Review , Amerasia Journal.

 

 

Nghệ thuật đánh mất không khó để nắm vững;

bao nhiêu thứ như có số

mất nên khi mất chẳng có gì thành thiên tai.

                            Elizabeth Bishop, “Độc Nghệ” (“One Art”)

 

Tôi đã thay đổi vì biến cố tháng Tư Bảy Lăm, nhưng cũng có thể tôi đã mất thiên đường từ trước khi ra đời. Đó là câu hỏi mà tôi ngẫm nghĩ gần đây. Năm nay tôi 43 tuổi, mặc dù tôi nhuộm tóc và vẫn thích người ngoài khen tôi trẻ, tôi hiểu mình nhiều hơn, và cũng chân thật với mình nhiều hơn lúc còn trong tuổi niên thiếu. Trên nhiều phương diện, có thể tôi cũng đầy đủ hơn ngày xưa. Nhưng tất cả những câu chuyện mà tôi hay kể với bạn bè để biểu lộ tâm trạng “cá ra khỏi nước” mà tôi vẫn cảm thấy đeo đuổi mình thường trực, đều bắt nguồn từ trước biến cố Bảy Lăm.

Tôi sinh năm 1962 tại nhà thương St. Paul, Sài Gòn, là con gái đầu lòng của một cặp vợ chồng trẻ, lúc đó định mệnh chưa ngã ngũ cho miền Nam cũng như cho cuộc đời bố mẹ tôi. (Bây giờ tôi vẫn tưởng tượng mình như thánh Pao Lô trước khi được tiếng sét của Chúa đánh ngã ngựa, nên vẫn còn trong hôn mê và chưa truyền tin là Chúa đã sinh ra, chết đi và sống lại.) Mẹ tôi không phải là một phụ nữ đòi quyền sống, tính tình lãng mạn, thích được che chở, bây giờ vẫn tin rằng hôn nhân biến hai cá nhân thành một. Bà không vui khi chồng con muốn có khoảng cách riêng. Còn bố tôi—ngay từ lúc bé tôi đã mường tượng rằng tên ông tiêu biểu cho một chối bỏ. Từ Thức là người chưa thức dậy. Từ Thức lạc mất thiên thai. Ông nội tôi, xuất thân nông dân, thành địa chủ, cuối cùng tay trắng khi Việt Minh nắm quyền, sau một chuyến đi xem động Từ Thức ở Thanh Hóa, nhớ thắng cảnh đẹp, trở về Nam Định đặt tên con trai út mới sinh ra là Từ Thức. Bố tôi bỏ quê đi lên Hà Nội học, về sau thành nhà báo, không nói nhiều, chống Thiệu, chống tham nhũng, thuộc phe đối lập. Bút hiệu của bố tôi là Sức Mấy. Về sau tôi tạm dịch Sức Mấy cho các em tôi đã quên tiếng Việt, là Mr. No Way Able. Trong tiếng Anh bút hiệu ấy như mất đi phần mỉa mai thách thức. Các em tôi cũng không còn nhớ nhiều về quãng đời xưa, mà tôi là chị cả vẫn tưởng như lịch sử mới xẩy ra ngày hôm qua.

Ngày xưa bố tôi viết báo, giả vờ như viết lại tích Đông Châu Liệt Quốc của Tàu để chỉnh bọn gia nô Thiệu, lúc chúng hiểu ra, chúng bắt vào tù không cho xử, cũng không biết kết là tội gì. Bây giờ ở Mỹ tôi theo nghề Luật. Tôi tưởng rằng nó sẽ cho tôi những hạn định rõ ràng. Nhưng ngày ngày phân tích từ luật tiếng Anh trong công việc, tôi mới thấy trong ngôn ngữ không có gì nhất định cả. Hiểu thêm một thứ tiếng chỉ làm tôi ngờ vực thêm. Tôi còn nhớ lúc học lớp Luật Công Ty, giáo sư Luật đã hỏi, “tại sao chỉ cho những cá nhân có cổ phần (shareholders) mới được bầu phiếu quyết định cho đường lối của một công ty?’’ Ông giảng rằng căn bản của nền dân chủ tư bản la quyền sở hữu chủ. Dân Mỹ, sinh sống ở Mỹ, trả thuế cho chính quyền Mỹ, bầu cho Tổng Thống Mỹ, cũng giống như những cá nhân có cổ phần mới tự quyết được cho sứ mệnh của một công ty. Tôi thành dân Mỹ hai tuần sau khi tốt nghiệp trường Luật. Đã từ lâu lắm rồi tôi mơ bằng tiếng Anh, nhưng trong những giấc mơ ấy, tôi không ở trong nước Mỹ, mà thường ở trên sân thượng nhìn ra một vùng nhiệt đới ngấm ướt mùi hoa sứ lẫn lộn với mùi nhựa cây vú sữa. Tôi chưa một lần nào về Việt Nam sau biến cố Bảy Lăm. 

Nhiều người nghĩ tôi giống bố vì đôi lúc tôi cũng viết lách, nhưng thật ra tôi muốn giống ông ngoại tôi. Bố tôi viết bình luận chính trị, ông ngoại tôi lúc còn sống không phải là người cầm bút, mà làm thông dịch viên cho văn phòng tùy viên phòng thủ (defense attache office, hoặc DAO) của quân đội Mỹ, chép và dịch mật mã Việt Cộng ra tiếng Anh. Mẹ tôi kể rằng lúc thiếu thời, một hôm ông ngoại tôi nẩy ra hứng tự học tiếng Anh, bèn cạo trọc đầu vào giường, thả mùng học không thèm đi chơi với bạn bè trong một năm liền. Năm 1954, mẹ tôi nói ông chán ngấy cảnh bọn cộng sản “phơi áo quần thả bèo nuôi cá trồng rau làm bẩn thanh cảnh Hồ Hoàn Kiếm,” bèn di cư với gia đình vào Nam. Gia đình ông ngoại mới đầu định cư ở Biên Hòa, lúc đó đã có đại diện cố vấn của quân đội Mỹ dùng làm căn cứ. Mới đầu ông đi dạy học, nhưng chán bọn học trò ngỗ nghịch và tiền lương thấp, ông nộp đơn xin việc làm vào cơ sở Mỹ tại Biên Hòa, được nhận vào làm thông dịch viên nhân sự. Về sau, lúc ông được chuyển về văn phòng trong Phi Trường Tân Sơn Nhất, ông mang gia đình về Sài Gòn, mua nhà trong hẻm đường Nguyễn Trãi đối diện trường Bác Ái gần Chợ Lớn. 

Ông ngoại tôi là hình ảnh của tuổi trẻ đầy tự tin nam tính. Ngoài sáu mươi trong những năm trước khi Sài Gòn mất, ông vẫn nhuộm tóc đen, đánh bồng kiểu pompadour với brilliantine, thích mặc áo sơ mi trắng toanh ủi bằng hồ giắt luồn qua quần lót, đi giầy đen đánh bóng sáng choanh. Lúc tôi còn bé ông hay kể chuyện thời ông còn trẻ, lúc ông vào bưng làm thủ quỹ cho Việt Minh. Nhà chỉ có bà ngoại và hai cô con gái là bác tôi và mẹ tôi, ông kéo họ—suốt đời là những người đàn bà sùng tượng ông, đi khắp những vùng rừng thiêng nước độc, ăn trứng rắn (ông bảo có vị giống trứng gà), học tiếng Lào, dậy người Lào nói tiếng Anh. Lúc người nhà ái ngại, sai người vào bưng nói ông trở về kinh, lãnh tụ Việt Minh muốn giữ ông và gia đình ở lại, ông liều mạng đánh cờ người, noí với lãnh tụ ông phải về đưa tang người thân, nhưng sẽ để bà ngoại và hai con gái nhỏ ở lại làm con tin rồi ông sẽ trở lại, nhưng lãnh tụ phải cam kết cho sự an toàn của gia-đình ông trong lúc ông vắng mặt. Lãnh tụ không muốn chịu trách nhiệm cao như vậy, đành cho ông và gia đình về Hà Nội. Thế là ông hú vía thoát mạng. 

Tôi thích xung phong đi mua thuốc lá Camel (no filter) cho ông ở sạp báo bà Sáu đầu hẻm đường Nguyễn Trãi. Đọc trộm quyển sách dịch danh ngôn của La Rochefoucaud ông để trên bàn, tôi cũng bắt chước bịa viết danh ngôn, nhưng khiêm nhường ký tên là “vô danh.” Ông khen “vô danh” có những quan sát kỳ lạ, nhưng tôi biết ông coi tôi là một con bé vụng về. Tôi tay trái, lúc nào cầm đũa thià cũng lóng nghóng, viết chữ số nhiều khi viết ngược. Ông không dậy tôi đánh đàn tranh như ông dậy chị họ tôi. Tôi không hiểu được động từ to be, không chia được động từ này khi ông dậy tôi tiếng Anh. Ông phàn nàn với mẹ tôi là con bé chậm hiểu, về sau chắc lấy chồng sớm. 

 

Nhà bố mẹ tôi ở trên đường Cao Đạt, không xa nhà ông bà ngoại tôi lắm. Sau Tết Mâụ Thân, tôi nghỉ học mẫu giáo ở Bác Ái. Ở nhà bố mẹ tôi kèm tôi học tiếng Việt. Muà thu năm 1968, bố mẹ xin cho tôi vào học lớp một ở trường Thánh Linh, cách nhà ông bà ngoại bằng một con hẻm. Vào những năm 1972, 73 bố tôi hay đi trốn công an Thiệu, mẹ tôi ở nhà bận bịu hết việc nọ, thường hay gửi tôi ở bên ông bà ngoại qua đêm. Ở trường tôi nói bố tôi phải đi công tác ra ngoại quốc nên ít có nhà. Mẹ tôi ở nhà một mình, bèn đi học lái xe để tự đưa mình đi dạy học, đi chạy tiền, đi đến những địa điểm bí mật thăm nuôi cho bố. Mẹ tôi lái xe không thạo, hay thắng gấp hoặc sang số xe bất thình lình, vừa lái vừa nói chúng tôi lúc nào cũng phải quay nhìn về phía sau để xem có “mật vụ” nào theo không. Đi xe với mẹ, nhiều khi chúng tôi bị xanh xẩm mặt mày, va vật vào những nút xe này nọ.

 Khi tình hình có vẻ bớt căng thẳng, nhưng chưa muốn xuất hiện công khai, bố tôi đưa ý kiến cho cả gia đình lên Đà Lạt chơi sau ngày tôi thi đỗ đệ thất vào Trưng Vương. Ở Đà Lạt, gia đình tôi mướn một căn nhà chalet. Nhà chalet này từ lâu không có người chăm sóc, có mùi mốc ẩm thấp. Đường điện không hiểu sao chạy vào hệ thống nước, mỗi lần mọi người rửa ráy hay dùng phòng vệ sinh đều bị điện giật đau nhói. Ban đêm tôi và các em tôi bị bọ nhện trong chăn nệm cắn ngưá inh, sáng sáng bố tôi lùa chúng tôi ra mảnh vườn trước nhà chalet, nói không khí lạnh sẽ giết bọ và làm cho đỡ ngưá. Mặc dù như vậy, chúng tôi vẫn vui, chạy nhặt những quả thông rớt trên cỏ, ngửi mùi hoa huệ xoè ra như chuông, tối tối xum họp với gia đình bên mâm cơm thịt đông, dưa chua, canh cải cúc nấu giò viên, gia vị thức ăn có phần thêm ngon vì cái lạnh ấm áp như len mịn của Đà Lạt. Về sau tôi mới biết mùa hè 73 là muà hè nghỉ mát cuối cùng của gia-đình. 

Sau đó gia đình tôi mua lại căn nhà ở Hàng Xanh, ngoại ô Sài Gòn, từ một ngừời Mỹ sắp về nước. Nhà rộng, chia làm nhiều phòng, có sân thượng lát gạch, nhưng không khí tịch liêu về ban đêm, làm tôi nhớ căn nhà cũ đường Cao Đạt, với mặt tiền nhan nhản những xe sinh tố, xe mì xực tắc, người đi tấp nập. Chuyển về Hàng Xanh, bố tôi bán xe hơi, mua xe đạp để đi làm toà soạn. Một hôm, xe đạp bị đánh cắp, bố tôi chuyển đi xe buýt công cộng. Lúc bứớc ra khỏi xe buýt về đến bến gần nhà, bị công an còng tay dẫn đi biến, không có dịp báo cho mẹ tôi. Hôm ấy ở nhà chúng tôi đợi cơm thật lâu, cuối cùng mẹ dẹp hết thức ăn mặc dù chúng tôi chưa ai ăn. Mẹ nói, “miếng ăn là miếng nhục. Mình không ăn khi người thân gặp nạn. Thôi, các con đi ngủ đi. Bố sẽ không về nưã.” 

Mẹ tôi chạy tiền, liên lạc với người anh họ là luật sư. Bác G. nói công an đưa bố tôi về khám Chí Hoà. Ít lâu sau tôi theo mẹ vào thăm bố ở Chí Hòa. Tôi hãnh diện vì lúc đó được mẹ coi như người lớn, được chia sẻ với mẹ nhiều chuyện mà những đứa em không được biết. Ngày thăm tù bao nhiêu người chen lấn. Những người vợ trang điểm, mặc quần aó đẹp đi thăm nuôi chồng, mang pa tê gan, jăm bông, nho táo. Ngay lúc đó tôi đã tự hỏi, “làm vậy có nghĩa gì.” Mọi người giống như giả vờ, phớt tỉnh như đây là ngày hội. Bố tôi ra ngồi với chúng tôi, vẫn phong độ cũ, tươi cừời, mặc áo sơ mi mầu da bò bỏ ra ngoài quần. Về sau bố noí bố vứt áo màu da bò, vì nó là aó xui—bố đã mặc áo ấy khi bị công an bắt. Bố chỉ ông Nguyễn Tấn Đời, bị can kinh tài ngồi cách bố hai băng ghế. Ông Nguyễn Tấn Đời trông cũng vui vẻ như bố, cười nói oang oang với người nhà, tay lôi ra chai sâm banh từ giỏ người vợ mang vào. Tôi nhìn quanh, hoang mang không biết trong đám tù nhân ai có tội, ai bị bắt oan. Hai mươi năm sau, một đêm tôi nằm mơ thấy mình ngồi giặt quần áo ven sông với một đám đàn bà. Trên sông có bao nhiêu cỗ quan tài lững lờ trôi qua. Tôi kinh ngạc nhìn bọn đàn bà. Họ vẫn cười nói, tiếp tục giặt dũ. 

Mẹ tôi trong những ngày tháng 74 hay đi sớm về muộn. Ông nội lên ở nhà Hàng Xanh trông nom chúng tôi khi mẹ đi vắng. Ông nấu nướng may vá đảm đang, nhưng sau lưng ông chúng tôi nghĩ ông quê mùa không biết đùa với trẻ con. Ông chăm vườn, nuôi gà, trồng bí. Một hôm ông đan lưới đánh chim sẻ, rồi nứớng chim sẻ cả con, con nào con nấy nằm chổng chân cứng ngắc, làm bữa tối cho chúng tôi. Mùi chim sẻ nướng quyện mùi bơ và mật ong thơm như mùi chả nướng Hà Nội, nhưng chúng tôi nhìn chim nâu thẫm trơ trụi mắt mở trừng mà buồn nôn. Từ đó tôi xung phong làm đầu bếp nấu cho cả nhà. Cơm nát bấy, canh mặn chát, trứng chiên nhầy nhụa lẫn lộn vỏ trứng. Ông nội chỉ lo việc rửa bát. Ông già đã ngoài bẩy mươi, cúi lom khom xuống chỗ lõm có cống thông trong bếp rửa bát, một hôm mất thăng bằng ngã chúi xuống chậu nước nhờn lổm ngổm bát đĩa. Tụi cháu mất dậy thấy vậy cười nắc nẻ. 

Gần cuối năm 74 ông ngoại tôi đến thăm, khuyên mẹ và chúng tôi về ở với ông bà ở căn nhà đường Nguyễn Trãi. Mới đầu mẹ còn do dự, nhưng về sau, mẹ sợ ở Hàng Xanh không được an toàn về đêm, bèn mang chúng tôi về nhà ngoại. Ông nội ở lại nhà Hàng Xanh trông nhà đợi “cho đến khi bố Thức nó về.” 

No-en cuối cùng ở Viêt Nam—lúc đó tôi đã gần 13 tuổi nhưng là lần đầu khám phá ông già No-en không có thật. Đi mua sắm No-en, mẹ tôi lơ đãng đưa cho tôi xem một bộ bát đĩa đồ chơi bằng nhựa đen giả sơn mài, nói con có thích bộ bát đĩa này không? Mẹ mua tạm làm quà No-en nhé, năm nay mình không như những năm trước . Tôi ngớ ra (thấy mình thật thộn khi đã tin vào chuyện huyền thoại quá lâu) rồi gạt phắt, thôi mẹ, mua làm gì. Con lớn rồi, từ lâu đâu có chơi bát điã nữa. 

Những ngày tháng mùa xuân 75 trôi qua như một giấc mơ. Tôi bắt đầu thấy mẹ và ông ngoại nói chuyện thầm thì trong đêm hôm khuya khoắt. Chiều chiều tôi thấy ông ngoại mang về những đồng tiền xanh thẳng tắp mà từ xa tôi biết là không phải tiền Việt Nam. Thỉnh thoảng mẹ tôi hỏi chúng tôi những câu hỏi khó hiểu: “Nếu mẹ lo cho tụi con đi máy bay với trẻ mồ côi qua Mỹ, tụi con thấy thế nào?’’ 

Lúc đó ông bà ngoại chỉ có mẹ và chúng tôi là con cháu thân cận nhất ở Việt Nam. Bác K., con gái lớn của ông bà và chị của mẹ, đã theo bác trai là tuỳ viên sứ quán Việt Nam đóng nhiệm kỳ bên Úc. Một đêm tôi bất chợt thức dậy, nghe lỏm được câu chuyện giữa ông ngoại và mẹ. Ông có trên 20 năm với quân đội Mỹ nên đã được Mỹ cam kết cho đi trong trường hợp Sài Gòn mất. Ông nói, bây giờ chưa tưởng tượng được là Sài Gòn sẽ mất, nhưng mình có cơ hội, con nên chuẩn bị mang trẻ con theo ba mợ qua Mỹ. Mẹ tôi do dự, còn nhà con thì sao. Ông nói, thằng Thức nó về nếu chỉ có một mình nó thì đi còn dễ, chứ mà đèo bồng một vợ sáu con thì xoay xở thế nào. Mẹ im một lúc, sau nói, nhưng nếu nhà con ra muộn, bị kẹt ở lại, thì con và các cháu nếu đi chắc chẳng bao giờ gặp mặt lại. Ông thở dài, con nghĩ kỹ lại đi. Bây giờ khó nhìn được tương lai, nhưng thử tưởng tượng, con có muốn các con mình làm cu li cho Việt Cộng không? 

Tôi không nghe thấy mẹ tôi trả lời. Nhưng tôi đoán là mẹ nghe theo lời ông, vì sau đó mẹ tôi đi sắm cho chúng tôi mỗi đưá một túi hành lý nhỏ. Mẹ nói, mỗi đưá bỏ vào đây hai bộ quần áo và đồ dùng cần thiết, mình sẽ đi xa trong một ngày gần đây. Tôi hỏi thẳng mẹ, mình sẽ đi Mỹ với ông bà phải không mẹ? Mẹ nói, đừng nói cho ai biết cả, hễ hàng xóm tò mò con nói mình sắp ra biển nghỉ mát. Trong lúc này, những thành phố lớn của miền Nam đã dần dần thất thủ. Họ hàng bên ông bà ngoại tản cư từ Ban Mê Thuột về Sài Gòn, xin ở nhà ông bà vài hôm. Họ không biết rằng, trong vòng hai tuần sau, Sài Gòn cũng sẽ mất. 

Tối tối tụi trẻ con chúng tôi hì hục xếp hành lý. Chúng tôi không định được những gì là đồ dùng cần thiết cho một chuyến đi vượt ngoài sức tưởng tượng. Ông ngoại dự định mang cây đàn tranh, nhưng chính ông lại bảo không ai được mang đồ cồng kềnh. Em gái tôi muốn mang đi quyển truyện tranh Tintin—quà sinh nhật vừa được mẹ cho. Mẹ nhất định nói không. Tôi bèn đi gói bát đũa bỏ vào túi ba lô, mẹ nói con này ngớ ngẩn, ở Mỹ không thiếu gì bát đũa. Ông ngoại nói đồ dùng cần thiết là giầy da. Ở bên Mỹ giầy bán đắt, nên cho tụi nhỏ đi mua giầy tốt. Mẹ tôi đi sắm cho chúng tôi giầy diện có đế mỏng dính. Đến Guam một tháng sau giầy tụi tôi cùn đế hoác mõm. 

Ngày 21 tháng Tư ông ngoại gọi điện thoại từ văn phòng Tân Sơn Nhất về, nói mọi người phải đi ngay. Ông đón ở cổng phi trường, dẫn vào cơ sở làm việc. Đến đó chúng tôi đã thấy một đám đông đang đợi. Chiều xuống chậm. Ông nói mọi người sẽ ở qua đêm trong cơ sở DAO, nên phải triệt để im lặng vì không muốn cảnh binh bên ngoài biết. Trẻ con nếu ồn ào sẽ phải uống thuốc ngủ. Văn phòng có maý lạnh đến đêm lạnh ngắt, một vài cô gái chưa chồng làm trong sở ông đến nói với mẹ, chị chị cho em mượn mấy cháu ôm cho đỡ lạnh. Một vài người kéo những bản đồ Việt Nam trên tuờng xuống đắp thay chăn, suốt đêm tiếng giấy sột soạt giày xéo không ngơi. Thỉnh thoảng trong đêm có những tiếng chân người đi bên ngoài, nghe ngóng, như theo dõi, chờ đợi, làm một vài người đàn ông yếu vía bên trong chạy trốn vào phòng tắm, đứng thắt nút chật cứng không sao đóng được cửa phòng tắm, có người chửi đổng, người khác cự nự, suýt soát ầm ĩ trong bóng tối. Sáng hôm sau chúng tôi ra con vườn đằng sau văn phòng ông ngoại, bên cạnh một con lạch nhỏ ngôì đợi xe cam-nhông đến chở ra máy bay. Trẻ con đồng lưá tuổi chúng tôi lôi tiền Việt Nam mang theo xếp thành thuyền giấy đủ màu xanh đỏ tím, thả thuyền chạy trên con lạch. 

Máy bay chúng tôi đi ngày 22 tháng Tư là chiến hạm vận tải C-141 của quân đội Mỹ. Có ai đã cài nòng súng hai bên cưả sổ máy bay. Máy bay cất cánh lên thật nhanh, làm đa số người đi bị đột ngột không đủ khí thở ngất đi. Tôi cũng thấy khó chịu ngộp thở, cảm tưởng như mình đang đứng trên bờ vực thẳm, nhưng không thể nào lao xuống sâu vào quên lãng--cái cảm giác mà hai mươi ba năm sau tôi sẽ nếm lại khi đẻ đứa con gái đầu lòng.

 

                                                                                    ĐINH TỪ BÍCH THÚY

                                                                    Hoa Thịnh Đốn, mùa xuân 2005

(Nguồn HỢP LƯU 82)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 4315)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 3917)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4251)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 6389)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 5650)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4279)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi
12 Tháng Chín 20238:24 CH(Xem: 5710)
Đá nghe chuyện của mưa / Mang lời cho gió / Phía sau câu chuyện là tiếng sóng / Nụ cười gieo / Gió cuốn mây / Những đứa trẻ nhặt mưa ban ngày.
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 5303)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
12 Tháng Chín 20232:20 SA(Xem: 5968)
Ngủ đi. mênh mang suối nguồn / Ngủ đi. vợi nhẹ tâm buồn không đâu / Một bóng đời vút ảnh câu / Mà trần gian vẫn nhiệm mầu sắc không
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 5404)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.