- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHỮNG BÀ QUẢ PHỤ NĂM XƯA

25 Tháng Ba 202110:39 CH(Xem: 13028)

KHAN TANG
Khăn tang - ảnh Internet

Tôi nhớ ngày tôi còn nhỏ, tôi nghe đài Radio thường phát bài hát của Trần thiện Thanh "Anh không chết đâu anh ".Bản nhạc một thời vang bóng đi vào lòng người ai cũng biết...


Đêm nay cả nhà đi vắng hết chỉ mình tôi ở nhà. Đêm dài thăm thẳm vì tôi không ngủ được. Lang thang trên Google, tôi tình cờ xem được một clip về bà góa phụ vợ của Đại úy Đương năm xưa.


Tôi thật sự bất ngờ và cũng thật xúc động... Ngần ấy năm trôi qua " Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở đến những chiến công... " một hình ảnh đẹp của bà Đương xa mất rồi so với bà bây giờ, khác xưa nhiều quá. Cuộc sống quá khó khăn, bà đã già nua, khắc khổ. Bốn đứa con chỉ còn có hai và hơn 40 năm rồi mẹ con bà mới đến được đồi 31 Hạ Lào nơi đại úy Đương ngã xuống. để thắp một nén hương, hốt một chút đất đưa linh hồn của chồng, của cha về với đất mẹ VN. Nếu không nhờ có sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt bên nước ngoài, bà sẽ không thể nào đến được nơi này dù chỉ một lần trước khi nhắm mắt. Thật đáng thương biết ngần nào cho số phận của người phụ nữ trong thời chinh chiến.


Tôi nhỏ bé, tầm hiểu biết còn rất hạn hẹp, nên tôi không dám nói về chính trị ở đây, không phân biệt là chế độ nào ai đúng ai sai. Tôi chỉ nói ở đây cái tình con người với những con người khổ đau ấy còn hiện hữu trên quê hương tôi...


Tôi cũng có một người chị họ con cô tôi, cũng héo hắt cả một đời như thế. Trước năm 1975, chồng chị là một sỹ quan quân đội VNCH. Anh chị kết hôn bằng một tình yêu rất đẹp của một thuở xuân thì. Chị rời bỏ Quy nhơn vào Phan thiết để sống cùng gia đình chồng. Anh đi chinh chiến quanh năm, lâu lâu mới có một ngày về phép dành cho gia đình. Trong một lần xông pha ra chiến trường năm 1974 anh đã mất biệt, không có ngày về. Để lại cho chị hai đứa con thơ dại và một mẹ già. Đứa lớn chỉ mới ba tuổi, đứa bé còn trong bụng mẹ chưa chào đời và chị chỉ mới 26 tuổi đời. Ngày ấy anh đi, chị vẫn mong đợi và tin là anh sẽ trở về, dù chị đã mơ thấy anh về trong bộ quân phục đầy là máu và sau đó anh đi mãi chẳng về nữa dù cả trong mơ. Chồng chị người chiến sỹ năm xưa đã hy sinh cho tổ quốc, chị và anh cũng đậm nét trong bài hát ngày ấy "...Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con. Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết yêu đời lính... Trong những tiếng reo hò kia lẻ loi tiếng súng anh nhiệm mầu. Ôi tiếng súng sau cùng đó anh còn nghe tầm đạn đi không anh... Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ. Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân. Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh ..."


Năm1975 thời cuộc đã đổi thay, ngày về của anh đã quá xa xăm chẳng còn hy vọng, chị quyết định lấy ngày anh đi làm ngày giỗ chồng. Chị vừa chăm sóc mẹ chồng vừa tần tảo nuôi con thơ dại, chị không có dư thời gian để nghĩ đến cảnh đời bất hạnh của mình. Nhưng đến năm 1983, cha của chị bị đau, chị đưa hai con về Quy nhơn thăm cha. Trên đường về, một tai nạn thảm khốc xảy ra đã cướp mất 2 đứa con của chị. Đứa con trai đầu và đứa bé con gái, cả hai cháu đều rất ngoan mặt mũi sáng sủa, xinh đẹp. Chị bị thương rất nặng, gãy chân và bể cả bánh chè. Sau cơn hôn mê tỉnh dậy chị còn đau cắt ruột gan khi biết hai đứa con mình đã mất. Chị thành một kẻ tật nguyền bất hạnh thêm hơn...


Mất chồng, mất cả con thơ và lại không một khoản tiền nào trợ cấp cho chị vì chị là vợ của sỹ quan chế độ cũ. Sau khi mẹ chồng chị qua đời, chị về Quy nhơn, phụng dưỡng cha mẹ đẻ của mình. Chị thức khuya dậy sớm làm thịt, làm chả để bán bánh mì. Gia đình nhà chị, ai cũng nghèo khổ bệnh tật, chị bương chải với đôi chân khập khễnh của mình góp phần công sức lo cho cha mẹ, em út cháu con trong nhà. Cứ như thế nhưng chị vẫn hiền hòa, chân chất cam chịu không than van, nụ cười luôn nở trên môi dù rất héo hắt. Có một lần nghe chị kể say sưa về ngày chị và anh gặp gỡ nhau hồi xưa ấy, tôi thấy mắt chị ngời sáng long lanh. Chị còn yêu anh nhiều lắm...


- Chị Bảy ơi... Bây giờ nhà ngoại cảm nhiều lắm, sao mình không tìm thử hài cốt anh đâu hả chị.


- Tiền đâu mà tìm em, ăn còn không đủ mà ăn có đâu mà tìm, mà chồng chị là người Quốc gia mà!


Mấy mươi năm trôi qua, cả cuộc đời chị chăm chút lo cho gia đình không phút nào nghĩ đến bản thân. Những người quả phụ năm xưa còn sót lại ở VN không có quyền lên tiếng và dòng đời trôi xa mãi chìm khuất mất họ rồi. Nhưng định mệnh khắc khiệt thì không hề quên chị. Một buổi chiều trời sẩm tối, chị đi bán về đang chuẩn bị băng qua đường Trần hưng Đạo để về nhà. Một con bé đi xe máy từ xa lao tới tông vào chị khiến chị té xuống. Nó hoảng hốt quỳ lạy chị.


- Cô ơi... con xin lỗi cô... con lỡ... Cô ơi... Con là sinh viên con không có tiền cô ơi !


-Trời ơi... Cô thấy con từ xa, cô đã sợ cô đứng nép sát lề rồi mà cũng không thoát được...


Con bé vừa khóc vừa lạy chị. Chị nghĩ nó như con gái mình, thấy cũng tội. Chị nghĩ chắc không đến nỗi nào nên chị cho nó đi... Nhưng khi chị đứng dậy, chị không gượng dậy nỗi, chị bị gãy chân lần nữa rồi. Anh Chín em trai chị ở nhà chờ không thấy chị về, anh đi tìm chị và đưa chị vào bệnh viện, tiền thuốc tựa vào cái bảo hiểm y tế sơ sài đó, chị em chị đều không có tiền. Lần đó, tôi chỉ kịp tất tả vào thăm chị giúi vào tay chị một ít tiền rồi đi liền vì đêm đó tôi phải đi Sài gòn thăm con. Một tuần sau về lại Qui nhơn, tôi đến thăm chị thì chị đã ra viện và chân băng kín bột. Tôi gởi thêm cho chị một ít tiền của tôi, của con gái tôi cho dì Bảy, của mấy đứa em dâu tôi và của chị tôi nữa. Con nhà nghèo không nằm lâu trên giường bệnh, chị lại khập khểnh đi nạn, rồi lại mò mẩm ra chợ bán bánh mì kiếm sống mỗi ngày.


Bẳng một thời gian sau, tôi ghé lại thăm chị trước khi tôi vào Sài gòn, tôi lại đau lòng khi chị lại bị tai nạn lần nữa. Lần này, trời mưa to đôi chân khập khểnh của chị làm chị trượt ngã trên đường. Đôi chân của chị lại bó bột và tệ hơn lần trước nữa, chị không thể đi lại được, không thể đi bán được nữa, chị đã già chị không còn sức nữa. Chợ thì mua bán ế ẩm, thuế cao, chị không còn đứa con nào để đỡ đần cho chị, con đường chị đi đã vào ngõ cụt mất rồi.


Tiền mà tôi cứ thỉnh thoảng giắm giúi cho chị, tựa hồ như muối bỏ biển mà thôi. Tôi bỏ, tôi không làm từ thiện ở đâu xa nữa, người mà tôi cần giúp nhất bây giờ là chị. Một người có thật, một người khổ đau trong đời mà tôi chứng kiến thật sự không hư dối. Một người chị hiền hòa mà luôn chịu nỗi bất hạnh trong đời...


Đã 43 năm trôi qua, sự khe khắt về lý lịch, về người của chế độ cũ dần rồi cũng nguôi ngoai. Nhờ đó mà tôi mới được viết lên những dòng này cho chị họ tôi. Chị Bảy Long, vợ một sỹ quan VNCH, người phụ nữ thầm lặng gánh chịu những đau thương mất mát của chiến tranh của nghiệp đời. Chị đã già, tuổi xuân đã qua đi, chị còn bất hạnh hơn cả bà quả phụ đại úy Đương vì không ai biết đến chị. Hết một đời đến khi nhắm mắt, chị sẽ vĩnh viễn không bao giờ được hốt một nắm đất nơi anh đã hy sinh để về chùa cúi lạy. Chị chẳng còn một đứa con nào để nương tựa tuổi già heo hắt bên song. Ôi đất mẹ Việt nam còn có bao người như thế... Thương biết bao!


Lạy Phật cho tai ương đừng đến với chị nữa, xin cho chị có được an lành cho đến ngày thanh thản mà đi. Lạy Phật con biết chẳng còn bao nhiêu ngày nữa đâu xin chở che cho chị Bồ tát ơi...!

Thái Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 106564)
C hiến tranh đồng nghĩa với bom đạn, với súng gươm, với giết chóc, với gian lao, khổ ải, với tàn phá, hủy diệt, ... mà lại nói tới lãng mạn, hay dù hẹp hơn, tới thi ca lãng mạn là một điều hoàn toàn nghịch lý, khó có thể tưởng tượng được. Nhưng đối với những người Việt Nam đã từng sống trong cuộc chiến ba mươi năm vừa qua, đây lại là một sự thực, một sự thực có bằng chứng hẳn hoi mà người tìm hiểu khó có thể chối cãi.
22 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 167150)
t háng sáu tàn sen rụng rơi mang theo mùa hạ tím đẩy cánh diều bằng lăng lên không trung cao xanh thế làm sao ta biết được nhúm thẳm sâu le lói mặt đầm lầy
06 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 137103)
M ấy năm trước anh về em dẫn người yêu đến gặp anh Mấy năm sau anh về em đưa em bé đến chào anh Thời gian đi qua đi qua Anh với tuổi già ngồi lại
01 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 115021)
Theo nguôn tin từ RFI - Đầu tháng Tư vừa qua, có một sự kiện văn hóa quan trọng. Đó là tác phẩm "Biển và Chim bói cá " của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được trao giải thưởng mang tên nhà văn Pháp chuyên viết về biển Henri Queffélec (1910 - 1992), nhằm tôn vinh những tác phẩm viết về biển trên thế giới.
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 135858)
đ ừng nhìn em như thế hãy để em ở cạnh anh theo cách của mình hãy để em yêu anh theo cách của mình ừ
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 120444)
N ăm đầu tiên Sài Gòn sập, tôi không nhớ được TV, Radio, và báo chí, có những gì nói những gì. Cả ngày quần quật, hết cái loa phường thét vào tai lại đến học tập chính trị ở trường, hội họp ở tổ dân phố và đi mít tinh (là cái gì cũng chưa hiểu hết). Ngoài đường thì vù vù xe Honda với băng đỏ trên cánh tay của bọn cách mạng 30, và cờ đỏ bán tràn lan tứ phía. Đêm về, cả nhà nhìn nhau lặng lẽ.
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 103789)
Mặt Trận Ở Sài Gòn’ sẽ tạo mối xúc động hay chú tâm cho những ai còn tha thiết tới số phận của Việt Nam. Nó cũng sẽ gây ngạc nhiên cho những ai ít hiểu biết về tâm trạng phức tạp của người dân miền Nam đối với cuộc chiến tranh mà cho đến nay vẫn còn để lại những hậu quả và ảnh hưởng trên số phận của họ.
26 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 92109)
Vì đấu tranh cho tự do tôn giáo và cho dân chủ, nhân quyền, Ngài đã bị nhà chức trách tống tù từ tháng 6 năm 1977. Đến năm 1982, Ngài cùng thân mẫu bị trục xuất về nguyên quán xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để quản thúc. Mười năm sau Ngài trở vào Nam hoạt động công khai đòi duy trì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tháng 1 năm 1995 Ngài lại bị Công an thành phố HCM bắt giam, kết án 5 năm tù và 5 năm quản chế.
26 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 93250)
Mùa xuân năm 2012 này, nước Pháp chuẩn bị bầu Tổng thống mới, nhiệm kì năm năm của Tổng thống tại chức Nicolas Sarkozy sắp hết hạn. Trong một nước dân chủ, ai cũng có quyền ứng cử trong vòng đầu, từ dân quèn cho đến chánh trị gia lão luyện, kể cả Tổng thống sắp mãn nhiệm, miễn là * tin mình có cơ được bầu, hoặc * muốn lợi dụng thời gian quần chúng chú tâm nghe đề giãi bày tâm huyết và í hướng của mình. Sau đó, hai nhà nào được nhiều phiếu hơn mấy người kia thì mới ứng cử tiếp. Trong vòng thứ hai này, người được đa số phiếu, từ 50,1% trở lên, sẽ đăng quang, chánh thức đóng vai Tổng thống trong nhiệm kì sắp tới.
22 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 97134)
Nhiều nhà phê bình vẫn phàn nàn Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn không có tim hay không có lương tâm. Sao y có thể say mê tẩn mẩn tỉ mỉ về cái ác đến bệnh hoạn vậy? Tôi thực sự nghĩ rằng đó là vì tấm lòng và tình yêu cuộc sống quá lớn của ông! Trong tác phẩm mới nhất,  Vong bướm cũng thể hiện rất rõ điều ấy!