- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Còng Gió

05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 115105)

w-finalfinal3-hopluu173_0_169x300_1Ba tháng trời, thằng nhỏ đã bớt lầm lì hơn nhưng Sa ngày càng ghét nó. Nó có đôi mắt sâu bí hiểm. Đôi mắt đựng những mảng trời xanh tan tác. Đôi mắt hay nhìn ra biển chiều.

Nó thích đuổi theo những con còng gió dọc bờ biển vào những buổi chiều tà. Lũ còng gió trốn chạy từng đợt sóng biển vỗ bờ.

Chị thích bắt lũ còng không? Để em bắt cho.

Cắn chặt đôi môi căng mọng đến bật máu, Sa nhìn thằng nhỏ chới với đuổi loài giáp xác. Lũ còng gió sống vô ưu đua nhau vẽ những vồng hoa trên cát trắng.

 Thấy mằn mặn trên môi.

 Nó chạy ngã dúi cắm mặt xuống cát, hai đầu gối lấm lem... Mặc kệ, Sa nhìn ra biển chiều.

 Thấy mằn mặn trên môi.

 Nó bảo lũ còng khôn như ranh em không bắt nổi. Em mệt muốn chết chị ơi. Mặc kệ! Ngoài khơi xa nghe có tiếng còi rúc dài dồn dập. Có thể đó chuyến tàu đưa Triều về bên Sa mãi mãi. 

 Thấy mằn mặn trên môi. 

 Chuyến tàu cuối cùng cập bến. Không thấy bóng Triều vạm vỡ đổ dài trên cát. Đám người dưới tàu chú Thuận nhìn Sa lắc đầu ái ngại. Đã khá lâu rồi, Sa quen những chuyến tàu cập bến thiếu anh. Chẳng biết từ khi nào Sa bỗng thấy ghét chuyến tàu xanh xao trôi nổi giữa đại dương rì rầm sóng vỗ. Chúng cập bến với khoang cá ăm ắp đủ loại. Đó là món nợ ngàn đời của dân biển với đại dương. Những con cá thân trắng bạc giẫy đèn đẹt bong tróc lớp vẩy li ti dát đầy khoang thuyền. Người ta bảo với Sa, Triều qua tàu bạn chơi, chuyến sau về. Sa đứng bên bờ biển lặng nhìn lũ còng gió giơ giơ đôi càng. Chúng giương mắt nhìn Sa rồi như bảo nhau trốn chạy. Đoàn người đội trên đầu những thúng cá nối dài bóng nhau đi về cuối bến.

* * * 

 

Có một ngày sau bão, mẹ đi ra bờ biển ngóng về phía mặt trời đang nhô lên đỏ ối buổi hừng đông. Mẹ trở về dẫn theo một đứa trẻ chừng năm tuổi có nước da đen nhẻm, tóc xoăn bết dính chất mặn của biển cả. 

Sa có một đứa em. 

 Hỏi nó tên gì nó bặm môi lại, lắc đầu quầy quậy, tới bữa cơm nó lầm lì ngồi ở góc nhà đợi mẹ dỗ dành mãi mới chịu ra ăn. Sa không ưa tính nó thậm chí là ghét nó. Chiếc giường ngày cha còn sống, người xẻ gỗ cây phi lao cổ thụ đóng cho Sa, nay lại có thêm nó nằm nữa. Đêm, Sa nhăn mũi lại khi bên cạnh nó ngáy phì phò. Đầu tóc nó, quần áo nó bốc lên mùi chua chua mằn mặn.

Sa gắp mấy ngọn rau lang cho vào bát. Cái giống khoai lang trồng trên cát mùa này dẫu cố nuốt trôi xuống tận dạ dày vẫn còn nguyên cái vị chan chát bứ lại ở đầu lưỡi. Bữa cơm ba người quay quắt nhìn nhau. Mấy mẹt cá phơi ngoài kia tạt vào mùi tanh nồng mặn chát.Trên cái mẹt còn những vệt muối ngấn trắng có duy nhất món cá kho mặn và bát ngọn khoai lang luộc chấm nước cá kho. Mẹ vuốt vuốt lên mái đầu bết của nó giọng nói như chùng xuống:

Cố ăn đi con, vài ngày nữa có chợ phiên, mua thêm cho chị em mi ít thức ăn. Cực quá!

Nó vẫn lùi lũi ăn chẳng nói năng gì. Sa quắc mắt nhìn nó, nó ngang ngạnh dùng tay bốc một dúm rau luộc cho vào cái miệng bé tẹo nhồm nhoàm nhai. 

 

* * *

Mẹ bảo: " Nhà có hai mẹ con, chừ có thêm em, mi phải thương lấy hắn". Mẹ nói giọng miền Trung phả lại nghe nằng nặng buồn buồn. Sa không nói gì. Sa căng mắt nhìn những con sóng ngoài khơi ì ào xô bờ cát. Sau bão, đủ mọi thứ rác rưởi dạt vào bờ biển từ túi ni lông, vỏ cây, thân cây cho tới kim tiêm, giẻ rách... Xa xa, những con còng gió dàn hàng ngang chạy liêu xiêu. Sa nhớ tới Triều… 

Thấy cuộc sống sao mà buồn. 

Sa bỗng ước được như những con còng ngoài kia dàn hàng ra mà trêu ngươi sóng biển, trêu ngươi đại dương sau trận mưa trắng trời lại như dềnh lên cơn khát muối.

Nó đứng sau Sa, gió thổi bạt mùi bồ kết nồng nồng trên tóc nó. Thằng nhóc, lại hành tội mẹ phải gội cái đầu chua sặc bết dính đây mà. Đôi mắt nó vẫn lì lợm nhìn Sa. Là con trai mà hàng lông mi của nó dày kì lạ, gần như che kín đôi mắt bao giờ cũng mở to như thách thức.

Không về trông nhà còn ra đây làm chi?

Sa mắng nó. Mẹ lườm Sa, mẹ bỏ cuốc xuống ngả nón ra quạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt rồi vẫy nó lại bên mình. Bực. Sa cúi xuống mặt đất cát đặt tiếp những dây khoai héo teo xuống ươm. Nắng như làm cát tan chảy hay sao ấy, thấy dưới chân rát lên đến khó chịu, chỗ vết thương nhỏ hôm qua bị lưỡi cuốc sắc lẹm lia qua giờ Sa lại thấy hơi ngưa ngứa. Mồ hôi rịn ra quện với mấy hạt cát lúc gió to đậu lại trên cổ Sa nhớp nhúa. Mẹ chẳng để ý gì tới Sa. Mẹ nhìn vào đôi mắt lì lợm của nó mà cười. 

 

* * * 

Sa đằm mình trong nước biển. Sóng nhồn nhột túa vào ngực Sa từng đợt, từng đợt tưng tức. Dưới ánh trăng bầu ngực Sa căng tròn nhô lên khỏi mặt nước thách đố. Triều hứa với Sa anh chỉ theo chú Thuận đi hết chuyến tàu này sẽ về cưới Sa, hai đứa sẽ đi lên thành phố làm ăn không phải xa nhau nữa. Trên kia, hàng phi lao cao hứng với gió quất mạnh tán cây lên khoảng không bất tận của trời khuya. Sau bão, Triều vẫn đi theo tàu đánh cá. Triều nhìn đôi mắt Sa đỏ hoe mà bình thản: "Phải đi thêm đôi ba chuyến nữa mới có tiền cưới em". Sa nén tiếng thở dài ngả mái đầu vào vai anh, bờ vai vững chãi của một người đàn ông trên ba mươi tuổi. Sa nghĩ tới một đám cưới nhỏ làng biển. Có hoa và rộn những tiếng cười. Sa là cô dâu. Sa khoác lên mình bộ váy cưới màu trắng. Ừ, con gái làng chài không mặc đồ màu trắng bao giờ nhưng ngày cưới, Sa sẽ kiêu hãnh để gió bông đùa thổi lên màu trắng tinh khôi ấy.

 Dưới chân hai người cát vẫn lấn đầy và gió vẫn gào trên đầu thảm thiết. Sa nghĩ tới lúc mình là cô dâu. Những hạt cát bao giờ cũng là kẻ phá bĩnh Sa và anh trong lúc họ âu yếm. Chúng như bảo nhau xâm lấn vào mọi nơi, mọi chỗ,… Ngay cả nụ hôn anh trao Sa cũng khàn khạn như lẫn cát. Duỗi mạnh cặp chân trần, dưới lưng Sa, dưới chân Sa cát như lún sâu xuống từng vũng hút. Không biết nó sẽ nhấn chìm Sa và anh hay không. Xung quanh, những con còng gió cũng là tòng phạm, là đồng minh của cát. Chúng lổm ngổm bò, bò dọc, bò ngang. Nằm xuống nhìn mặt cát, Sa bỗng thấy bọn còng gió to hơn mức bình thường. Chúng giương đôi càng màu hồng cam lên như giễu cợt. Chẳng hiểu chúng muốn giễu Sa hay anh nữa. 

 

* * * 

 

Bão biển. Bão Sêsan. Cơn bão biển thứ hai đổ bộ cướp đi hai sáu mạng người trên tàu chú Thuận. Xóm chài xác xơ như tấm lưới vá chằng nay bị xé toạc bởi những tiếng kêu khóc tang thương. Mẹ bỏ mặc những mẹt cá hong ngấm nước mưa nhung nhúc dòi bọ. Thằng nhỏ bỏ quên lũ còng gió vô ưu. Sa ngóng về phía mặt trời lặn nơi những người dân chài tụ tập chít lên đầu vòng tang trắng xoá.

Triều không trở về. Người ta báo anh mất tích. Sa rẽ những tiếng gào khóc chạy về phía rặng phi lao đầy gió. Bàn chân Sa nhẹ đi lướt đều trên cát. Sa thấy trước mắt một con đường dài trải đầy hoa. Hoa ngày cưới. Sa thấy mình là cô dâu. Triều đợi Sa nơi hằng đêm hai người vẫn thường hò hẹn. Sa là cô dâu làng biển. Sa nhắm mắt mỉm cười. Sa nằm xuống cát đè lên cả những dây khoai mới ươm héo úa.

(…) thấy như có một vũng hút sâu hoắm dưới lưng(... ) 

(…) thấy cát xâm lấn và lũ còng gió giương đôi càng chế nhạo(...)

Thiêm thiếp trong nỗi đau không thể bật thành lời. Sa gọi tên anh. 

 * * *

 "Nó là con của thằng Triều và người đàn bà trên đảo, người đàn bà bị chết trong trận bão trước, thằng Triều đem nó cập bến theo tàu". Mẹ bảo thế. Sa cười khanh khách.

 "Triều hắn yêu Sa thật đó" em gái chú Thuận vuốt mái tóc Sa bảo thế. Sa lắc đầu, cào cấu, giãy giụa đòi đuổi chị ta đi.

Dưới trăng khuya, có hai người đàn bà nhìn Sa rồi khóc.

"Người điên", "người điên chúng mày ơi!"… những đứa trẻ xóm chài xúm xít đằng sau Sa lớn tiếng gọi. Sa im lặng cúi đầu. Lũ còng gió liêu xiêu dàn hàng vây kín chân Sa do thám.

Mẹ lặng lẽ chải mớ tóc loà xoà rũ xuống che lấp khuôn mặt và bờ vai Sa. Hơn một năm sau bão dân chài gọi chị là người điên. Lâu lâu, lũ trẻ có vẻ đã chán trêu chị. Chỉ thằng nhỏ kiên nhẫn chạy theo tiếng cười khanh khách của Sa. Đôi mắt sâu thẳm trong veo của nó nhìn ra trập trùng sóng biển. Mảng trời xanh như vỡ ra thành nhiều mảnh vụn.

"Chị Sa ơi! Sao chị Sa khóc…để em bắt lũ còng gió cho Sa nhé!". Thằng nhỏ lay lay đôi tay chị rấm rứt. Chị ngửa mặt lên trời cười khanh khách. Tiếng cười man dại hắt lên khoảng không giễu cợt cái nắng quái lúc xế chiều. Sa ngây ngô nhìn thấy tất cả người dân làng biển chạy ra đầu bến. Người già, phụ nữ và cả trẻ con. Có tiếng còi tàu rúc lên từng hồi dài. Đó không phải là tiếng còi tàu dồn dập khấp khởi lúc cập bờ, tiếng còi tàu xướng lên da diết giữa trùng khơi tiễn những vong hồn đã khuất. Những con tàu lùi lũi vây thành vòng tròn trên mặt biển… Dân chài làm lễ tưởng nhớ người xấu số ra đi sau bão. Gió thổi ngược vào bờ mang theo hơi lạnh. Chị đẩy thằng nhỏ ngã xoài trên cát. Chị chạy. Chạy theo tiếng con tàu ngân xa day dứt. Sa thấy con đường rải đầy hoa trước mắt. Hoa ngày cưới. Hoa của biển. Sa là cô dâu… Những con còng mải miết chạy theo đôi gót chân lấm cát của Sa do thám. Chị là người điên! Chị thành người điên. Chúng không tin là thế.

…Bình minh

Hoàng hôn

…Và cả những đêm trăng gió vô ý giỡn hoài trên rặng phi lao… người dân biển thấy thằng nhỏ và Sa vẫn say sưa bày trò chơi trên cát. Hai người lấy ngón tay vẽ theo những đường vòng vô nghĩa lũ còng gió tạo nên. Lũ còng giương đôi mắt nhìn rồi bỏ đi. Sa cười. Thằng nhỏ cười. Đó là trò chơi duy nhất trên đời người điên không biết chán.

Lữ Thị Mai

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30640)
H đã rời bỏ nơi chốn chúng tôi cùng rong chơi “ nơi đó sặc mùi lừa bịp – H nói những cái thớt và những đứa liếm thớt H không chịu được mùi không phải của người”
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30848)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31287)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31975)
T ình trạng dịch thuật hiện nay ở Việt Nam đang ở mức cần phải báo động. Radio RFI đã dành nhiều chương trình cho những buổi nói chuyện với nhiều dịch giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Sau Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên là những nhận định có phần nghiêm khắc của dịch giả Trần Thiện-Đạo đã sống ở Paris trên nửa thế kỷ. Trước 30-04-1975, Trần Thiện-Đạo cộng tác với các báoVăn, Tân Văn, Bách Khoa, Nghệ thuật... ở Sàigòn và hiện nay vẫn thường xuyên gửi bài in trên các sách báo văn học trong-ngoài nước. Ý kiến của Trần Thiện-Đạo sẽ như một liều thuốc đắng, may ra giã được một số tật cố hữu trong địa hạt dịch thuật của Việt Nam.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34220)
Trước 30-04-1975 Thế Phong là một nhà văn quân đội. Ưu điểm của Thủy và T6 nằm ở giọng văn chuyển tải suy nghĩ nhân vật liên tục không chấm dứt, qua đó, người đọc bắt gặp thủ đô Sàigòn về đêm. Một thủ đô phù phiếm dù mặt trận kề cận. Một Sàigòn vừa trải qua Đảo Chánh đã chờ đợi Chỉnh Lý. Thế Phong ghi lại tâm trạng bấp bênh của xã hội miền Nam mà các chi tiết vũ trường, thao thức nhân vật có thể chuyển hoán cho hôm nay, bây giờ. Bối cảnh truyện xảy ra năm 1964, năm khởi đầu của nền đệ nhị Cộng Hoà.(TCHL)
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35056)
C ánh tay tôi rơi dài bên tôi, tựa tiếng thở sâu từ ngàn năm trước. Tôi thở mơn man, dịu dàng trên đồi cao cùng người tình xa xứ đáng thương. Tôi thở lười biếng, hão huyền bên người đàn ông dậy nực phù sa sông Hồng. Tôi thở không thành tiếng trên triền cát vàng tựa chiếu chỉ vua ban, nghẹn ngào nuốt sâm quý hắc mùi đền đài Trung Hoa. Tôi thở dồn dập kích động, rên hú thanh quản từng hơi trong căn phòng Tim. Nước sông Hồng mùa đông cạn ráo. Dầu cho Hồ Tây tràn nước ra đường, sương mù dăng trắng thành phố. Không khí ẩm ướt đọng thành vũng trong những ngôi nhà phố cổ. Không ai, không gì biết đến sự tồn tại của tôi. Đồng loã cùng thân thể mát thơm, uốn dẻo và trái tim hỗn mang của tôi là màu đêm tối.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34252)
Tôi xô nó ra nói thôi mà, làm ở trong chùa tội chết. Nhưng thằng nhỏ giờ phút này còn có biết gì nữa, công an nó còn chưa sợ, sợ gì tội. Tôi ngó lên bức hình ông Quan Công trên bàn thờ, tôi nói coi chừng cái ông cầm cây Thanh Long đao kìa. Danh bước đến thổi tắt phụt ngọn đèn dầu. Trong phòng bỗng tối mực. Danh đã cởi áo tự hồi nào. Nó kéo tôi nằm ngữa ra nền xi-măng. Bóng tối như đêm làm cho dạn dĩ hơn, không còn mặc cảm tội lỗi nữa, tôi ôm Danh với tất cả ham mê. Thằng nhỏ tuổi trẻ mà tài cao. Nó làm tình như giông, như bão.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33163)
...Trong hoàn cảnh hiện nay, người làm văn học, trong hay ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ, đang có cơ hội và khả năng tạo một sinh khí cho xã hội VN, giúp giảm thiểu những phá sản tinh thần đang xẩy ra. Muốn vậy, rất cần có sự đam mê, học hỏi, và lòng can đảm nói thật, viết thật. Không có nền văn học có giá trị nào được xây dựng trên sự giả dối và tránh né.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 41123)
T ừ ngày 7/3/1975, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày. Thật khó ngờ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người–có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với những vũ khí khá hiện đại như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]– bị sụp đổ hoàn toàn [...] Những hình ảnh điên loạn mà ống kính các phóng viên quốc tế thu nhận được chẳng khác cảnh vỡ đê trước con nước lũ, hay sự sụp đổ của một tòa lâu đài dựng trên bãi cát, khi nước triều dâng lên.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33324)
c ắm que nhang tưởng niệm cho ngày ra đi thấy niềm cô đơn một lần nữa trở lại đêm soi gương sâu hút ánh mắt thoai thoải đường cong li tâm ấm ức