- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TRĂNG TRÒN

23 Tháng Mười Một 20193:27 CH(Xem: 16982)

Yasushi Inoue
Yasushi Inoue (1907-1991)

Yasushi Inoue, sinsh ngày 6 tháng Năm 1907 và qua đời ngày 29 tháng Giêng 1991, là một văn sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng người Nhật.  Ông theo học tại hai đại  học Kyushu và Kyoto.  Ông còn là võ sĩ Nhu đạo tranh tài nhưng đã bỏ để tập trung vào việc viết lách.  Ông viết truyện ngắn, tiểu thuyết, nghị luận và thơ nhưng nổi tiếng qua những truyện dã sử lồng trong khung cảnh lịch sử cổ Nhật bản và Á châu.  Ông đã thắng nhiều giải văn chương Nhật.  BnKhôi dịch truyện Trăng Tròn từ tập truyện ngắn Le Faussaire (Kẻ mạo danh) ấn bản Pháp ngữ của Linda Lê, một nữ văn sĩ Việt sinh năm 1963 tại Đà Lạt sau sang Pháp vào năm 1977.  Bà học đại học Sorbonne và đã xuất bản những tác phẩm đâù trong thập niên 80.  Bà đã đoạt được một số giải văn chương như Prix Concours des Lycéens, Concourt List Poland's Choice, Concourt List Choice of the Orient, Prix Médicis essai, vân vân.

 

Trong suốt đời của Kagébayashi Miyuki, không có ngày nào ghi sâu đậm vào trí nhớ bằng cái đêm mùa thu 1950, đúng vào ngày lễ trăng tròn.  Sau đại hội cho các cổ đông viên trong phòng họp danh dự của hãng, hãng luôn tổ chức một buổi tiếp tân nhỏ tại một trong những nhà hàng có tiếng ở vùng Nam Osaka.  Giới giám đốc và quản trị được mời tham dự.  Mùa thu năm ấy đã không là ngoại lệ.

Trong căn phòng mới được xây lên của Tokiya, một trong những nhà hàng có tiếng trong vùng, độ ba chục người ngồi quây quần theo hình móng ngựa.  Ông chủ tịch hãng, Ôtaka Yûnoshin, ngồi chỗ danh dự, hai bên ông là hai người giữ vai trò quan trọng trong hãng, ông chủ tịch S. chứng khoán và ông Ạ. Kagébayashi giám đốc ngân hàng.  Những chỗ ngồi khác trước thì dành cho ủy ban quản trị và kế tiếp là các chánh sở và chủ sự.  Mỗi người ngồi chỗ quen thuộc của mình ngoại trừ Kagébayashi luôn là người cuối cùng trong hàng giám đốc.

Bầu không khí trong phòng có gì khác lạ.  Mấy nàng kỹ nữ geisha đông như số khách thì chia nhau ngồi trong bốn góc phòng nhưng buổi tiếp tân đã trải qua cả giờ đồng hồ mà cả nơi trông như thiếu sinh khí.

Thỉnh thoảng trỗi lên giọng ngả ngớn đằng cuối bàn nhưng nghe có vẻ quá trớn và gượng gạo.  Ngoài ra chỉ có tiếng chén đũa chạm nhau.  Tại sao bầu không khí lại không ra vẻ gì là lễ lạc?  Mấy tay xếp cấp thấp bị sắp ngồi hàng ngoài chả biết gì.  Họ chỉ trò truyện với nhau, ăn uống và đôi lúc liếc nhìn mấy tay xếp lớn ngồi đầu kia.  Phải có gì khác lạ hôm nay.

Đến lúc này thì mấy nàng geisha ngầm hiểu buổi tiệc đã thất bại.  Ngay lúc đầu khi mới lần lượt từng hai người một bước vào phòng rồi được sắp ngồi xung quanh khách, mấy nàng cảm thấy một bầu không khí nặng nề.

Tấm phên xếp ở cuối phòng được kéo sang và cảnh trí đã được sắp sẵn cho những vũ điệu geisha hiện ra trong ánh đèn nê-ông trắng nhách.  Chủ tịch Ôtaka bất chợt đứng lên.  Lão này có tiếng có tính tình xấu xa và xính hàng xịn hôm nay mặc một bộ complet thật sang và đẹp.  Lão lách người đi ra khỏi phòng vào hành lang với bộ mặt tỉnh bơ mắt thì dán lên trần nhà.  Lão đi ra cửa.

Khi Ôtaka đứng lên, Kagébayashi đoán lão ra về.  Đối với lão, buổi tiếp tân chẳng có gì là vui và lão được cho thấy rõ chừng nào mình còn có mặt ở đây thì bầu không khí là tẻ nhạt.  Kagébayashi quay sang A, một người đàn ông nhỏ thó bên cạnh có nhiều quyền điều hành nội vụ trong hãng.

- Tôi cần lo cho ông Ôtaka đêm nay, tôi phải làm chuyện này.

Viên giám đốc đồng ý và bằng một giọng khàn khàn nói đó là ý kiến hay.  Kagébayashi nói vài câu với viên chủ tịch bộ phận chứng khoán xong đứng lên lẳng lặng đi ra không muốn gây chú ý.  Hắn đã gọi ông Ôtaka thay vì chủ tịch Ôtaka vì đúng ra lão này đã không còn là chủ tịch hãng từ ba tiếng đồng hồ qua.   Kagébayashi được thăng chức kế vị và hắn đã có ý dùng danh từ cho đúng.

Đến trước cửa phòng Ôtaka, Kagébayashi thấy lão cựu chủ tịch ngồi trên thềm và đang được Téruko, cô em gái của bà chủ nhà hàng, giúp mang giầy vào.  Hai ba tên thuộc cấp đứng lảng vảng xung quanh thấy xếp ra về vội chạy theo.

Kagébayashi cũng vội mang giầy rồi đi ra nhưng lại không lên chung xe với người tiền nhiệm mà bảo Téruko cho đem xe mình đến.

- Ông cũng đi nữa sao?  Cô ta hỏi giọng ngạc nhiên.

Cô ta ngạc nhiên là phải vì người đàn ông trẻ thường kè kè đi theo Ôtaka như hình với bóng và hiếm khi nào đưa người kia về, vả lại cô không hiểu nổi tại sao ông ta bỏ về sớm trước nhất.

Kagébayashi đứng trước cổng vài phút chờ xe đến.  Hắn giả vờ lỉnh ra khỏi bữa tiệc để ra vẻ lo lắng cho Ôtaka chỉ vì đối với hắn nếu để người đã mất chức ra về trước mình làm hắn bực mình.

Xe đánh vòng qua một bụi cây to tướng, trờ đến.  Leo lên xe, hắn ngạc thấy Tôyama, chủ phòng hành chính, ngồi trên cạnh người tài xế.

- Tôi đi theo ông, tên này lên tiếng mà không quay đầu lại.

Tên trẻ tuổi này đã được Ôtaka chú ý đến và mặc dù còn trẻ, chỉ mới ba mươi ba, đã được thăng chức làm chủ sự hành chính, một chuyện hiếm có.  Hắn đẹp trai như tài tử xi nê, lũ con gái trong hãng chỉ nói về hắn.

Kagébayashi vừa bực mình lẫn hãnh diện ngầm Tôyama đi với mình thay vì lão cựu chủ tịch, trong bụng thì khen tên này là con cáo khôn lanh.  Hắn không có lời trách cứ gì tên chủ sự.  Ngoài một vài nhân vật quyền cao chức trọng trong hãng, chưa ai khác biết hắn đã được đưa lên làm chủ tịch.  Quyết định thăng chức chỉ đạt được vào lúc ba giờ trưa và ủy ban thường vụ muốn giữ bí mật hoàn toàn cho đến khi ra thông báo chính thức ba ngày sau.  Tôyama không thể nào đánh hơi được và nếu hắn làm cách nào biết được, hẳn là một linh tính bén nhậy.

Chắc là vậy rồi vì ai cũng nghĩ rằng trong kỳ đại hội cổ đông viên này sẽ có những thay đổi to tát trong giới lãnh đạo công ty nhưng không ai nghĩ sẽ là Ôtaka, sư phụ tột đỉnh.  Lão đã tận tụy trong việc làm và nhờ lão công ty S. mới có ngày hôm nay.  Trong hai năm qua, lão đã lập ra thêm ba chi nhánh nhưng kết quả thu hoạch lại không được tốt.  Dĩ nhiên lão phải chịu trách nhiệm nhưng có ai ngờ đâu hình phạt là cưỡng bách về hưu.  Chỉ Tôyama tinh ý tiên đoán ra điều này.  Với hắn, sự hiện hữu là một chuỗi những biến cố tuy hãn hữu nhưng vẫn xảy đến.  Thế giới là thế!  Cá tính hắn được nhào nặn ra qua chuỗi đời niên thiếu khổ ải.  Cha tự vẫn chết sau những thất bại làm ăn, mẹ thì bỏ đi lập lại cuộc đời với tình nhân.  Và chính hắn vào được đại học là nhờ sự giúp đỡ từ một ân nhân tính khác thường.  Nói cho hợp lý, tất cả những chuyện này không thể xảy ra.

Khi Ôtaka đứng lên và Kagébayashi đi theo, Tôyama cũng lỉnh ra theo.  Hắn không đọc được ý nghĩ gì trên mặt Ôtaka.  Lão này mặt lúc nào cũng ra vẻ lầm lì khó chịu hơn ai hết và ngay cả trong trường hợp khó khăn cùng cực mặt lão vẫn thế.

Kagébayashi cũng không có vẻ gì là hài lòng vì bị buộc dấu diếm sự may mắn của mình sau một bộ mặt khó chịu.  Cho đến khi đó, nhẽ ra hắn không còn cần đóng bộ mặt đăm đăm mà phải thay vào đó bằng nét hớn hở.  Điều này khiến Tôyama thắc mắc.  Tên này có cảm tưởng đằng sau nét mặt sụ đó là những bí ẩn gì đó.

Tôyama đáng lẽ lên nắm chức vị của Ôtaka nhưng khi hắn thấy Kagébayashi đi theo sau lão kia, hắn biết mình phải đi theo người nào vì chẳng có cơ hội nào khác tốt hơn để ngả cờ theo gió.

Xe đón thêm một hành khách bất ngờ, Téruko, em gái bà chủ nhà hàng.  Cô nàng mới được ba mươi.  Đã có nhiều khách của nhà hàng ve vãn nhưng cô nàng õng ẹo em chã và những lời cầu hôn chẳng đi đến đâu.

Thấy hai người đàn ông lên cùng xe, Téruko đoan chắc họ đi đến một nhà khách khác ở miệt bắc và muốn đi theo.

- Hai anh cho phép?

Vừa nói nàng ta vừa leo lên xe ngồi ép tấm thân mềm mại mà nàng rất hãnh diện vào Kagébayashi.

- Ậy, không được!

Tôyama vội lên tiếng cản.

Đã quá quen thuộc với lối đối xử nồng nhiệt từ phái nữ, hắn luôn nghĩ rằng mấy nàng chỉ để ý đến mình.  Vì vậy hắn tin là Téruko lên xe vì thấy mình và nếu thế thì không ổn cho những gì hắn sắp xếp với Kagébayashi.

- Ông Tôyama, im.  Không ai hỏi ý ông đâu!

- Nhưng cũng không có ai cần cô đêm nay mà!

- Các ông chỉ định đi làm vài ly thôi, đúng không?

Rồi bằng một giọng mơn trớn.

- Ông chủ tịch chịu chứ?

Tôyama giật mình.  Kagébayashi cũng hơi giật mình, thấy lo trong bụng vì người con gái đã không ngần ngại gọi mình là “ông chủ tịch”.

- Đêm nay là lễ trăng tròn.  Mình phải đi ngắm chứ, phải không ông chủ tịch?

Kagébayashi không cải chính, chỉ hỏi Tôyama trong khi đề nghị một nhà khách đằng miệt bắc.

- Tôyama, bọn mình đi lại chỗ Wakimoto?

Đêm nay đúng là lễ trăng tròn nhưng trời lại bị mây che kín.  Nghe Téruko nói, hai người đàn ông quay đầu nhìn ra ngoài xe.  Chỉ có người tài xế là không màng gì đến lễ trăng tròn, giữ bộ mặt thờ ơ lạnh lùng.

* * *

Họ đi lại Wakimoto ăn lễ.  Trước kia, Téruko gọi Kagébayashi là “ông giám đốc” hay có lúc “ông Kagé” nhưng tại nhà Wakimoto thì cô nàng luôn miệng dùng từ “ông chủ tịch” như lúc đang trên xe đến đây.  Cô nàng đã biết trước là Kagébayashi đang ra tay làm những thay đổi lớn trong hãng và khi thấy ông ta đi theo Ôtaka, nàng phong phanh đoán hẳn có chuyện gì xảy ra.  Gọi Kagébayashi “ông chủ tịch” là kêu đại thôi nhưng hên sao lại là đúng và cô nàng cứ dùng tước hiệu mới.  Phần Tôyama thì hắn thận trọng hơn nên chưa dám dùng tước hiệu mới đó nhưng vì không thể gọi người kia là ông giám đốc nữa, hắn đành nói “ông chủ tịch”.

Hẳn cảm thấy thoải mái sau khi bỏ buổi tiếp tân kia, Kagébayashi đêm nay uống thật nhiều, trái với thói quen ít uống.  Trước kia không ai thấy hắn say, tối nay thì khác và rượu đã làm hắn thả lỏng rồi khi đứng lên đi nhà vệ sinh thì cảm thấy cặp chân mình như hai cọng bún.

Lúc về lại phòng ăn, Kagébayashi nhớ đến Kitazaka, một trong những giám đốc, người đã hết sức tìm cách dọn đường cho hắn lên tận đỉnh và nay chắc vui mừng về thành quả đạt được.  Kagébayashi thấy mình phải mời người giám đốc này đến đây chung vui ăn mừng.  Một xúc cảm dâng lên khiến hắn muốn bắt tay và cụng ly với Kitazaka.

Vào hành lang, hắn cầm điện thoại lên kêu lại cái nhà hàng miệt nam.  Bà chủ nhà Tokiya trả lời.

- Ở đây cũng vừa xong, mấy ông đang sửa soạn ra về.

Kagébayashi xin được nói chuyện với Kitazaka một cách kín đáo và khi người kia lên máy thì nói mình đang ở nhà Wakimoto.

Kitazaka nói nhỏ vào ống nói.

- Ăn mừng rồi à, ông chẳng phí một giây.

Xong nói thêm mình sẽ đến đó ngay.

Nửa giờ đồng hồ sau có tiếng động cơ xe rồi Kitazaka bước vào.  Khuôn mặt nghiêm trọng của hắn bây giờ đã hơi đỏ lên.  Thấy Tôyama ngồi đó, Kitazaka không thấy vui vì cho rằng gã con trai đó không được phép tham dự nhưng làm mặt tỉnh rồi tuyên bố.

- Ăn mừng sớm nhỉ!

Nghe vậy Tôyama hiểu ngay Kagébayashi nay thực sự lên làm chủ tịch.  Chuyện đáng lẽ không nên xảy ra đã xảy đến.  Hắn không còn ngại ngùng gì mà không dùng tước hiệu mới của người tân chủ tịch.

Sau cùng mặt trăng ló ra sau những cụm mây.  Cô chiêu đãi kéo những phên giấy ngăn căn phòng và hiên ngoài sang một bên để lộ một bình hoa với một bó hoa mùa thu cắm ở trong.  Ai cũng ngồi đó ngoại trừ Tékuro đi ra ngoài hiên ngồi ngắm trăng.  Đến lúc đó nàng ta hiểu rõ tại sao mình không ở lại với chị mà đi theo Tôkama vì đã phải lòng hắn.

Bữa tiệc trở nên vui nhộn.  Bốn năm nàng geisha trẻ đi vào, bà chủ bỏ rơi những đám khách khác để thù tiếp Kagébayashi.  Từ đó trở đi, mọi người gọi hắn “ông chủ tịch”.  Đến lúc này thì hắn cho rằng tước hiệu đó đến với mình thì cũng đúng thôi.

Kitazaka tuyên bố.

- Khi một người đàn ông trở thành giàu có, ông ta muốn quyền lực và tấm vóc quan trọng, kế đó là phụ nữ và sau khi đạt được tất cả những gì mình muốn thì mục tiêu kế tiếp là danh vọng và danh dự.  Ngay cả chủ tịch Ôtaka cũng chịu bỏ ra bất cứ gì để được vinh danh.

Tên này vào hãng làm năm năm sau Kagébayashi.  Ngoài ra khác biệt tuổi tác giữa hai người cũng khá lớn.  Trong khi hắn độ bốn mươi lăm, người kia đã năm mươi lăm nhưng hắn lại chững chạc hơn.  Những gì hắn nói và ý kiến đưa ra đều được ghi nhận là những gì nghiêm chỉnh, không là trò đùa.

Kagébayashi đồng ý.

- Phải, con người là một tạo vật rất kỳ thú.

Đúng thế, tên này đã nhúng tay vào tất cả mọi việc của Ôtaka, bất kể gì, từ tiền bạc cho đến quyền lực, rồi phụ nữ và danh dự.  Còn gì mà hắn đã không phải chịu đựng một cách âm thầm để làm cho thuợng cấp hài lòng?  Phụng sự cho một người như Ôtaka là một việc khổ ải.  Thân thể hắn tê cứng lại vì rượu chè, lưng thì cong xuống vì bị đè bởi những năm tháng còng lưng trước người chủ.

Hắn khẽ kêu lên nghe như rên rỉ.

- Ừm!

- Gì vậy?

Bà chủ hỏi xong bật cười lên nhưng tên này không lòng dạ nào hưởng ứng theo.

- Năm nay tụi mình sẽ không đi ngắm trăng ở nhà Kagiya nhỉ.

Nghe Kitazaka nhắc, Kagébayashi mới sực nhớ là mình đã quên bẵng điều này.  Hãng có lệ tổ chức lễ ngắm trăng thu tròn mỗi năm vào tháng chín hay tháng mười.  Khoảng hai chục quản trị viên dự ngồi xung quanh Ôtaka.  Chính Kagébayashi là người tổ chức và luôn tự mìnnh bao khoán mọi việc chứ không dám giao cho bất cứ ai khác.  Người ta phải chờ cho đến giây phút cuối mới quyết định làm đêm nào vì lão Ôtaka luôn khó chịu dám không chịu đến nhất là trời mưa.  Cứ đến tháng chín là Kagébayashi phải cho người đến ty khí tượng để xin phúc trình tiên đoán thời tiết.  Nếu tiên đoán trời không mưa thì họ cho làm lễ tháng chín nhưng nếu có chút nghi ngờ gì thì làm tháng mười.

Năm nay cũng thế, mười hôm trước hắn cho người đến văn phòng ty khí tượng và được cho biết là trời sẽ mưa nhiều nên hắn phải dời lễ đến tháng mười.  Nhưng ngược lại, trời lại đẹp và hơn nữa hắn trở thành chủ tịch hãng trùng với ngày trăng tròn.  Còn gì đẹp hơn.

Kagébayashi đi ra ngoài hiên.  Mặt trăng trắng chiếu xuống gáy Téruko một ánh sáng kỳ lạ khiến hắn dán mắt nhìn, một sự kiện lạ vì hắn chưa bao giờ bị lôi cuốn bởi phụ nữ.

Đang nói chuyện với Kitazaka, Tôyama chợt quay sang hắn.

- Ông chủ tịch, nếu mình nhớ lại đêm nay thì mình vẫn tiếp tục lễ trăng tròn mỗi năm chứ?  Ông Tôyaka đi rồi nhưng nếu không còn làm thì thật là tiếc.

Nghe vậy Kagébayashi chợt nhớ đến Kagiya và căn phòng thật to với bốn vách được mở hẳn ra để khách ngắm trăng.  Hắn thấy lại hình ảnh Ôtaka ngồi chễm chệ ra dáng lãnh đạo trước tokonoma.

- Nếu thế thì cậu cứ đứng ra tổ chức đi.

Kagébayashi đáp trong khi vẫn ngắm trăng tròn tháng chín sáng lồng lộng trên nền trời xanh không còn một áng mây.  Hắn nghĩ mặt trăng là một cái gì thật đẹp.

Tối hôm đó họ có thêm một người khách, Kaibara Jirô, một ký giả thể thao nổi tiếng chuyên viết về môn bóng chày (baseball).  Tên này lại Wakimoto với vài đồng nghiệp. Khi hắn sắp ra về  thì khám phá ra Kagébayashi Miyuki cũng ở đó, hắn bèn quyết định gặp.  Khi xưa hắn học tại một trường trung học tỉnh lẻ và có tiếng chơi bóng chày rất tài.  Năm thứ năm, hắn đã thắng giải liên trường.  Môn thể thao này đã dính liền với số mệnh của hắn.  Vào một trường đại học tư, Jirô được xem là một tay ném bóng chày (pitcher) thật tuyệt không ai sánh bằng.  Sau đó hắn vào làm cho một tờ báo và viết về môn bóng chày, những bài hắn viết có tiếng.  Sau chiến tranh, danh tiếng hắn càng lên khi cầm đầu một đội banh chuyên nghiệp.  Nhưng rượu chè đã làm hỏng hết.  Tài nghệ hắn lụt, làm ăn mạt.

Đã từ lâu hắn mong đợi được gặp nhà kinh doanh Kagébayashi vì người này đã học cùng trường với hắn nhưng ra trường tám năm sớm hơn và cả hai đều là thành viên cùng một hội bóng chày.  Tay phóng viên hoàn toàn không biết tài bóng chày của Kagébayashi ra sao nhưng làm quen được sư huynh sẽ đem lại nhiều điều lợi.

Hắn nhờ bà chủ thông báo trước xong hắn bước vào với thân hình to lớn cao thước tám.

Kagébayashi biết mình và tay phóng viên khi xưa học cùng trường.  Cả hai bắt đầu nói chuyện về ngồi trường cũ và quê quán mình.  Kaibara tuyên bố.

- Có lần chúng mình được tập với nhau.  Ông nhớ không?  Ông ném bóng cho tôi quất.

Kagébayashi ngẩn ra.  Hồi còn đi học, có lẽ hắn có tạt qua trường cũ trong những kỳ nghỉ hè.  Hẳn hắn đã giúp trường trong việc huấn luyện đám học sinh cầu thủ kế vị và ném bóng cho bọn chúng quất nhưng hắn hoàn toàn không nhớ gì về tay này.

Kaibara nói thêm.

- Mấy trái banh ông ném nhanh thật kinh hồn làm tôi khốn đốn, ông biết không?

- Thật hả?

- Tôi chắc chắn bên ông không ai biết ông là vô địch bóng chày, ông chủ tịch.  Chính tôi cũng không, khi đó tôi không biết ông nhưng những trái bóng ông ném thì nhanh kinh hồn.

Không chỉ người được tâng bốc là ngạc nhiên mà Tôyama lẫn Kitazaka đều sửng sốt.  Ai tin được là cánh tay của người tân chủ tịch hãng, một người đã năm mươi lăm tuổi và gầy ốm như một cái đinh, một thời là một pitcher khét tiếng.  Bà chủ và mấy nàng geisha cũng ngẩn ra.

Kagébayashi tin là Kaibara đã lầm mình với người khác nhưng không thấy có bổn phận đính chính.

Càng về đêm trời càng trở lạnh, mấy tấm phên được kéo đóng lại.  Mọi người uống tiếp và uống mạnh.  Kaibara cứ tiếp rượu cho Tékuro và cô nàng đã say.  Nàng ta có ý lôi cuốn sự chú ý của Tôyama bằng cách luôn miệng gọi tên hắn nhưng thất vọng khi thấy tên này có vẻ xa lánh.  Hắn thấy rõ cô nàng luôn dựa người vào Kagébayashi.

* * *


Từ ngày Kagébayashi lên nắm chức chủ tịch hãng, họ luôn tổ chức ăn mừng lễ trăng tròn mỗi mùa thu.  Dưới thời Ôtaka thì ăn tại Kagiya ở miệt Nam của Ôsaka.  Bây giờ Tôyama được giao trách nhiệm tổ chức lễ lạc cho xếp Kagébayashi thì họ ngủ một đêm ở khách sạn.

Năm 1951 họ đi đến tận Wakano, năm sau thì tại Katada bên bờ hồ Biwa.  Mùa xuân 1953 văn phòng chính của hãng dời về Tôkyô và nhiều quản trị viên dọn nhà về đó.  Từ đó trở đi, họ ăn uống tại những nơi gần thủ đô.

1953 đi Chôsi, năm sau Mito vă 1955 tại Shimoda, 1956 Sengokubara.  Thường thì Kagébayashi đến buổi tối hôm trước theo lời khuyên của Tôyama vì tên này bảo làm lễ lạc buổi chiều cùng ngày mình đến thì rất mệt.  Công việc đa đoan trong hãng không cho Kagébayashi nghỉ ngơi tí nào, ngoại trừ những chuyến bay giữa Tôkyô và Ôsaka hoặc từ Tôkyô đi Fukuoka, ông chủ tịch chả đi được nơi nào khác.  Tuy nhiên, buổi lễ ngắm trăng là một trường hợp ngoại lệ và hắn dẹp mọi chuyện khác sang một bên.  Không thể nào hủy bỏ truyền thống lễ ngắm trăng đã bắt đầu từ thời Ôtaka và đây cũng nhằm ăn mừng kỷ niệm ngày hắn lên nắm quyền, trùng vào ngày trăng tròn mùa thu.

Ngoài ra còn có một lý do khác mà chỉ Tôyama và một vài cộng sự viên thân tín mới biết tại sao Kagébayashi đến đêm hôm trước, đó là đêm duy nhất mà hắn có thể trải qua với Téruko mà không cần dấu diếm và trốn tránh.

Cái đêm mà Kagébayashi trở thành chủ tịch hãng, Téruko đã uống say túy lúy và sau đó đã ngã vào vòng tay hắn cũng say mèm.  Với Téruko, đây là một biến cố bất ngờ.  Nếu là Tôyama thì là chả có gì là ngạc nhiên nhưng lại là Kagébayashi, thật khó tưởng tượng.  Gian díu với người mình không yêu làm đảo lộn ý tưởng cô nàng áp dụng trong mối liên hệ với giới nam.  Từ đó trở đi, Téruko tự nhủ là xuân sắc của một người đàn bà chỉ có thời và Tôyama, cũng như mấy tay kia, đã có vợ con và không thể cưới mình.  Vậy cặp với ông chủ tịch hãng là chuyện đúng.

Mỗi tháng đuợc trợ cấp một số tiền lớn, cô nàng thích nói đùa với mình sự quan hệ giữa hai người giờ thành quan hệ tiền bạc.  Tuy nhiên cô ta vẫn kè kè giữ Kagébayashi và có lúc lên cơn ghen.  Khi ông ta dọn lên Tôkyô, cô mua vé một miếng đất độ bốn trăm thước vuông ở Kamakura và cho xây một căn nhà xong về đó ở với một cô gia nhân.  Khi nào bị tình nhân già  lãng quên vì quá bận việc sở, cô thề sẽ làm cho ông ta trả giá đắt.

Phần Kagébayashi, lễ trăng tròn, dù chỉ hai đêm, là cơ hội duy nhất để đi thăm những nơi mới với cô tình nhân trẻ mà mình ít có dịp chăm sóc đến.  Với Téruko, đêm lễ và cái đêm trước là những lúc duy nhất nàng có thể kéo tình nhân ra khỏi sở và gia đình để cho riêng mình thôi.  Cái tối hôm trước luôn khởi đầu bằng một cãi vã, hai người cãi nhau và đe dọa bỏ nhau.  Có khi Tôyama phải can thiệp.  Đến hôm sau hai người làm hòa  để dự lễ trăng tròn.  Téruko thức chờ Kagébayashi đi ăn tiệc về trễ sau khi gặp khách khứa ở nhà hàng.  Trong vài năm đầu cô nàng rất bất mãn bị bỏ rơi thui thủi một mình nhưng rồi cũng quen đi.  Ngồi ngoài hiên chan hòa ánh trăng, nàng ta dũa sơn móng tay hay đếm tiền.  Như vậy Téruko đã được đi xem trăng tròn mùa thu ở Chôchi, Mito, Shimoda và Hanoké.

  Từ ngày dọn về Tôkyo,  Kagébayashi bắt đầu có thói quen mặc quốc phục Nhật khi dự lễ trăng tròn giống như người tiền nhiệm và họ không chỉ giống nhau ở điểm đó.  Thái độ im lặng và khó chịu ra mặt của  Kagébayashi mỗi khi có chuyện gì trái ý dù chỉ một ít càng ngày càng giống Ôtaka.  Thật may mấy đêm lễ không bị mưa nhưng lúc trước hai năm liên tục ở Chôshi và sau đó Mito, trời giăng kín mây che mặt trăng làm xếp Kagébayashi bực mình.

Tôyama mỗi năm thỉnh bà chủ Wakimoto lại và cũng mời mấy nàng geisha mà có mặt cái đêm  Kagébayashi được thăng chức.  Số kỳ nữ đến càng thưa đi vì một số đã giải nghệ một số khác thì ổn định nên không đi được.  Thấy vậy Kagébayashi làm mặt hầm hầm và Tôyama kinh hoàng về thái độ đó.

Đã phải điên đầu với mưa và mây cộng thêm mấy nàng geisha Ôsaka đến hay không cũng khó như tiên đoán thời tiết, Tôyama năm nay bị thêm một vấn đề nan giải.  Sau lần ăn lễ ở Mito, Kitazaka nói sẽ không đến dự nữa vì bấy lâu nay tên này bất mãn ra mặt về thái độ độc tài của Kagébayashi.

Tôyama năn nỉ.

- Tôi xin ông đi, chịu khó một đêm thôi.

Kitazaka đáp.

- Cậu trở thành giám đốc là nhờ hoàng đế Kagébayashi vậy cậu phải đi, tôi hả, tôi thì miễn.

Thật thế, Tôyama được cho tước hiệu giám đốc.  Như Kitazaka nói, hắn có thể tham gia vào hội đồng quản trị và ngay cả được ngồi đầu bàn.  Kagébayashi đã quyết định vậy.  Tôyama nai lưng ra phục vụ xếp.  Có khi hắn lại nhà Kagébayashi vào bếp an ủi vợ xếp, có lúc hắn khốn khổ bị kẹt trên đe dưới búa giữa hai người đàn bà.  Dĩ nhiên hắn phải được tưởng thưởng.

Khách đến dự lễ trăng tròn không mấy thích ngồi nghe Kaibara Jirô lải nhải nói dài dòng.  Sau ngày gặp Kagébayashi, tên này trở thành một trong những cộng sự viên không chính thức của hãng.  Tại mỗi buổi tiệc, hắn luôn tâmg bốc ông chủ tịch, sư huynh của hắn trong hội bóng chày, kể về những cú ném bóng siêu tốc kinh hồn của ông đến độ hắn không quất được, nói về quãng thời gian hai người cùng huấn luyện đám trẻ.

Lần nào hắn cũng lập lại câu chuyện đó nhưng với tài kể chuyện hắn thêm thắt vài chi tiết.  Những khách mới đến lần đầu còn chưa biết rõ vai trò của Kaibara, họ say mê lắng nghe bài ca tụng của hắn vì dù sao tên này cũng là một tay phóng viên thể thao nổi tiếng nhưng đến lần thứ nhì thì họ đâm chán và chỉ mong hắn nói xong.  Câu chuyện tán tụng Kaibara kể đi kể lại ngày càng phong phú hơn với thêm nhiều chi tiết mới.  Hắn kể một cách hùng hồn cứ như là đang thật sự sống lại những cảnh đó.

Kagébayashi ngồi nghe không chán.  Khi Kaibara đứng lên nói, ông chủ tịch nhớ lại thời thanh niên khi mình còn là vô địch bóng chày.  Ông còn tưởng tượng ra hình ảnh tên phóng viên trong bộ đồng phục lực sĩ thời đó đứng ngây người bất lực trước những trái banh ông ném.

Năm 1955 tại Shimoda xảy ra một chuyện nhỏ.  Trong khi Kaibara đang huyên thuyên với lời ca tụng thường lệ, Kitazaka, hôm đó đến dự sau lời nài nỉ của Tôyama, nổi nóng la lên.

- Thôi như vậy đủ rồi!

Tên phóng viên gãi đầu, nói vội cho xong rồi ngồi xuống mặt lộ vẻ kinh ngạc.  Ai nấy đều hồi hộp chờ xem phản ứng của Kagébayashi nhưng ông ta như có vẻ không biết gì trong khi mắt thì nhìn ra ngoài hiên xem mặt trăng tròn chiếu sáng trên biển.

Thật ra Kagébayashi có nghe và lặng người đi trước sự bùng nổ của Kitazaka.  Điều trầm trọng nhất không phải là người trước kia là cánh tay phải đã dám lên tiếng đánh tan cái hư ảo mà ông ta đang mơ mộng.  Kagébayashi còn nhớ một truyện tương tự đã xảy ra thời Ôtaka mấy năm trước cũng với Kitazaka.  Hắn mở miệng chỉ trích một trong những người của xếp.  Lão chủ tịch không nói một tiếng nhưng cầm ly thủy tinh lên ném về tên thuộc cấp, cái ly bay vòng trên không qua đầu mấy người khách rồi phớt qua lông mày tên này rớt xuống sàn ngoài hiên vỡ tan.

Vẫn nhìn chỗ khác, Kagébayashi thấy trong lòng mình trỗi lên một ý muốn mạnh mẽ làm cũng như thế nhưng dằn xuống.  Ông không hiểu tại sao mình lại muốn ra tay trả thù giống như Ôtaka nhưng rốt cuộc ngồi im một lúc cho xúc cảm lắng xuống thay vì ném ly.  Để trả thù, ông giáng chức Kitazaka xuống làm cố vấn nhằm trục xuất hắn ra khỏi hãng.

Hai tháng sau biến cố ở bữa tiệc, Kitazaka bị đưa vào chức vị mới, mùa xuân năm sau hắn bỏ hãng.

Trong quãng thời gian này, Kagébayashi để ý thấy hội đồng cố vấn quản trị gây khó khăn cho Tôyama.  Vì không ai dám nói thẳng với ông chủ tịch thành thử tên phụ tá phải hứng chịu những than phiền từ dưới lên, những than phiền trong mọi lãnh vực từ nhân viên đến khế ước.

Kagébayashi bèn nảy ra ý kiến bành trướng chi nhánh ở Kysûhû và thuyên chuyển Tôyama về đó làm giám đốc chỉ huy vì tin rằng như thế có lợi cho hai người.  Nhưng Tôyama lại ghét vậy, hắn căm vì cho là mình bị đẩy đi sau khi đã phục vụ cho xếp hết mình.  Hắn tuân lệnh và lên đường đi nhận nhiệm sở mới nhưng chỉ trong vòng sáu tháng có nhiều tiếng nói chống đối Kagébayashi đến từ nghiệp đoàn thợ thuyền ở chi nhánh đó.  Vài đại biểu nghiệp đoàn đi lên tận thủ đô và truyền đơn được phát ra trong văn phòng.  Chắc chắn là Tôyama không chủ mưu chuyện này nhưng mọi người ở Tôkyô thì cho là hắn đã thả lỏng nhân viên và điều hành xí nghiệp một cách kỳ quặc.

Lễ trăng tròn 1956 ở Hakoné, Tôyama không đến dự.  Một chuyện bất ngờ!  Không Tôyama, không Kitazaka, cũng không có bà chủ Wakimoto vì bị cảm nặng, buổi lễ diễn ra thật tẻ nhạt.

Tiếp tân vừa xong, Kagébayashi và Kaibara về khách sạn nơi Téruko đang chờ.  Bộ ba đi tản bộ khoảng nửa tiếng giữa những dãy nhà thưa thớt dọc theo hai bên đường dưới ánh trăng sáng trắng.  Kagébayashi cảm thấy lạnh nên bỏ hai người kia để về lại khách sạn trước.

Vào trong phòng, Kagébayashi tự nhiên nhìn vào ví tay của Téruko nằm mở he hé dưới sàn và thấy hai hộp diêm ở trong, một trong hai hộp này mang nhãn hiệu một tuyến bay quốc nội của Japan Airlines trong khi hộp kia thì của một khách sạn ở Fukuoka.  Ông không bao giờ để ý đến những gì Téruko làm và biết cô nàng làm bất cứ gì theo ý mình.

Nửa tiếng sau, Téruko về.

- Em bay Fukuoka khi nào vậy?

Cô nàng giật thót mình mặt tái đi.  Khi nhận được thơ của Tôyama cho biết hắn sẽ không đến dự lễ trăng tròn và hiểu là mình sẽ không được đi chung xe với hắn như thường lệ đến nhà hàng, nàng ta chợt nhận ra mình vẫn còn yêu hắn trong suốt mấy năm qua.  Cô nàng tự nhủ mình không thể là vợ bé của Kagébayashi và cặp với lão chỉ để có dịp đi chơi với lão mỗi năm một lần.  Chợt hứng lên trong lòng không dằn xuống được, nàng mua vé bay ngay trưa hôm đó về Hanéda.

Người một thời là cánh tay phải của Kagébayashi ra đón cô nàng tại phi trường xong họ lái thẳng về Hakozaki và trải qua một đêm với nhau ở khách sạn.  Sáng hôm sau Tôyama đi làm, Téruko gọi xe đưa ra phi trường.  Chắc cô nàng đi con đường dọc theo biển nên đến Fukuoka nhưng không xem gì cả.

Bây giờ đối diện với Kagébayashi, Téruko nghênh mặt nhìn lão nhưng rồi bình tĩnh lại.  Cô nàng tin chắc tình nhân già không thể nào biết được về hẹn hò của mình với người tình trẻ mà chắc có ai tình cờ thấy mình lên máy bay.

- Em nghe nói ở đó có một cuộc bán kim cương rất to.  Đừng nhìn em như vậy!  Em thách anh nói là không tin em.  Anh bỏ em một mình suốt ngày thì em có quyền mua kim hoàn chứ, đúng không?

Rồi cô nàng khoe nữ trang của mình.  Kagébayashi không hẳn tin những gì cô vợ bé nói nhưng giá đắt của vòng vàng làm lão lo hơn.  Cả hai ngưng chiến và chuyện này đến đây chấm dứt.

* * *


Mùa thu năm 1957, buổi họp khoáng đạt của cổ đông viên đưa ra yêu cầu Kagébayashi từ chức vì cho rằng lão phải chịu trách nhiệm cho những kết quả hoạt động không được tốt của hãng.  Chắc chắn là có âm mưu, kẻ thù trong và ngoài đang kết hợp với nhau.  Kagébayashi không có cách nào chống đỡ được những mũi dùi tấn công.  Cũng chả trách lão được, bị bao vây bởi Tôyama và mấy tay kia thì trước sau gì chuyện này sẽ xảy đến.  Lão đang đi trên con đường cũ của Ôtaka.  Để cứu vãn tình thế, lão cầu cứu nhiều đồng minh là những giám đốc có thớ trong mấy ngân hàng, văn phòng bán chứng khoán và công ty bảo hiểm nhưng chẳng ai đáp ứng.  Kẹt quá lão đành nhường.

Kagébayashi nhìn nhận mình phần nào có lỗi cho thất bại nhưng Tôyama hẳn có nhúng tay vào.  Mặc dù chưa ai được nêu tên như người kế vị, lão hoàn toàn tin là chẳng bao lâu người cận sự thân tín một thời sẽ nhập cuộc.  Ngoài hắn ra còn ai khác có tham vọng làm chủ tịch?

Một tuần lễ sau kỳ họp khoáng đạt, Kagébayashi chịu thua và thông báo cho hội đồng quản trị là mình sẽ về hưu.  Lão rời phòng họp về lại văn phòng.  Cảm giác mệt mỏi vô cùng thấm toàn cơ thể, lão ngồi dựa lưng mà trong người không còn một tí sinh lực gì.  Tin đồn lão bị cách chức loan đi nhanh chóng và lão thấy dường như ai cũng nhìn lão với cái nhìn khác trước.

Bảy gìờ chiều, lão cho người đánh xe đến đón, Kaibara, người cao lớn, đi vào.

- Chuyện gì vậy?  Ngày mai là trăng tròn mà tôi vẫn chưa nhận được thiệp mời.

Tên đại chuyên viên bóng chày hỏi một câu thật không đúng lúc.

Bây giờ Kagébayashi mới nhận ra mình quên bẵng ngày này.  Lễ trăng tròn mùa thu năm nay sẽ là lễ cuối cùng cho những phiền muộn của lão.

Hai người đi ra ngoài, lên xe đậu chờ sẵn ở cửa.  Trời đã tối.  Mấy người phụ tá đi theo ông cựu chủ tịch tỏ ra tôn kính ông hơn thường lệ và cúi người chào thật thấp.  Thật cũng lạ, họ lại kính trọng ông hơn khi ông rời hãng.

Kagébayashi nói tài xế đưa mình về Kamakura.  Lão không muốn về nhà lúc này mà đi tìm an ủi với Téruko.

Xe chạy trên quốc lộ Tôkyô-Yokohama.  Những xe đi sau vượt qua mặt vùn vụt.  Kagébayashi không thích tốc độ cao, tài xế cẩn thận lái chậm.  Lúc đang đi trên cầu Rokugo, xe tưng lên một cái.  Tài xế ngừng xe lại, mặt lộ vẻ lo âu.

- Tôi xin lỗi, xe bị bể bánh.  Mình cần năm phút để sửa.

Kagébayashi có cảm tưởng người tài xế lúc nào cũng nể sợ mình, bảo ông ta không cần xin lỗi.

Xe đi đến cuối cầu xa thêm một ít rồi rời lộ đi về hướng mấy ruộng lúa.  Hai người kia ngồi ghế sau im lặng.  Tên phóng viên muốn dùng cơ hội ngưng xe trước khi họ tiếp tục đi về nhà cô tình nhân của ông chủ tịch để nói chuyện về kế hoạch dựng lên một đội bóng chày chuyên nghiệp trong hãng.  Suốt năm qua mỗi lần gặp Kagébayashi là hắn đem chuyện này ra nói nhưng vẫn chưa được câu trả lời dứt khoát.  Nếu dự án lập đội banh được thông qua, Kaibara hiện đang được ăn lương mà không làm gì sẽ củng cố ngôi vị mình trong hãng.

Là người tin dị đoan, hắn không dám đem chuyện ra bàn sau khi bánh xe nổ.  Tốt hơn là chờ.  Thế là hắn im, không thấy mình có lý do gì đi chung xe với Kagébayashi về nhà vợ bé.  Hắn muốn tìm chuyện để nói nhưng là người không giàu trí tưởng tượng nên không nghĩ ra gì.

Phần Kagébayashi cũng cảm thấy bực mình vì bánh xe bị nổ.  Khi lão còn là chủ tịch, không bao giờ có chuyện bánh xe nổ.  Đúng ngày mất chức thì nó xảy đến!   Cảm nghĩ này làm lão tự nhiên đâm ngại về ý định đi gặp Téruko.  Thường thì lão điện thoại cho cô nàng biết trước mấy giờ đồng hồ nhưng lần này thì lại không.  Lão nghĩ có lẽ tình nhân vắng nhà, hay là cô ta đã trở lại Fukuoka mua kim cương?  (Lão đã cố gắng hết sức tin lời giải thích của nàng lần đó).  Nỗi băn khoăn lớn dần rồi làm lão tin chắc là Téruko không có nhà, không còn nghi ngờ gì.

- Ông chủ tịch, mấy trái bóng ông ném nhanh kinh hồn, không tài nào đánh được.  Tôi chưa bao giờ thấy ai ném được như thế.

Sau cùng Kaibara Jirô nghĩ ra chuyện để nói.

Hắn chưa bao giờ nói chuyện này với  Kagébayashi khi chỉ có hai người, đây là lần đầu tiên.  Đối với tay viết báo thể thao này, câu chuyện không còn là một huyền thoại nữa, hắn đã kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần đến độ rốt cuộc trở thành sự thật với chính hắn.

Kagébayashi bỗng cảm thấy mê hoặc cứ như là tìm được dưới đáy hộc tủ một vật gì quý báu tưởng đã mất từ lâu.  Ném banh với tốc độ kinh hồn thời còn là sinh viên là vinh quang duy nhất cho lão bây giờ?  Cánh tay đó đã ném banh nhanh đến độ ngay cả tay quất nổi tiếng Kaibara cũng bó tay.

Kagébayashi mở cửa xe hỏi tài xế.

- Sao?

- Xin ông năm phút nữa thôi.

Người tài xế đã gỡ bánh xe ra ôm trong hai tay.  Tóc hắn xù lên làm đầu trông như là đang quấn khăn kiểu.  Bóng hắn đen như một vết mực đổ dài trên mặt đất chan hòa ánh trăng trắng xóa.

Kagébayashi bước xuống xe.  Để đánh đuổi cái cảm giác lạnh và trống trải trỗi lên trong lòng dưới ánh trăng, lão đưa cánh tay phải lên.  Lần đầu tiên sao bao năm qua, lão vào thế đứng của người ném banh (pitcher).  Lão có tính luôn cẩn thận tránh đi lên đất nhưng lúc này lão bất cần.  Cúi người xuống như sắp sửa ném banh, lão đánh một vòng thật to rồi hạ tay xuống.  Lão muốn ném một cú thật mạnh ngay cả một tay vô địch quất cũng phải chịu thua, không tài nào quất trúng.

Ngồi trong xe nhìn ra ngoài, Kaibara chợt thấy một ông già trong một thế đứng kỳ quặc trong khi cánh tay gầy guộc thì quay vòng vòng.  Hắn nín thở nhìn.  Trong ánh sáng trắng của trăng tròn, hình ảnh bên ngoài trông thật ma quái như một bóng ma đang nhảy múa.

 

 

~ HẾT ~

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 89197)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 110106)
(Gởi anh Huy & chị Minh) Câu thơ còn trong trí nhớ Như mùa thu mỗi năm lại về Theo tuần hoàn trời đất Như đôi mắt em buồn giấu kín Chịu đựng An phận Cuộc đời mình mùa xuân đi qua Rất xa, rất xa...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 90955)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 90513)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 80701)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 85166)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 86520)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 77657)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 99556)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 80560)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.