- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GIỐNG THỦY TINH

24 Tháng Mười 20198:54 CH(Xem: 16513)

Mùa Vàng - ảnh UL
Mùa Vàng - ảnh UL


C
ơn lạnh cuối cùng, gió mặc sức thổi. Làng Hiên yên ắng. Mưa rớt thấm bụi, kể cả con đường đầy lá vàng cũng nhơn nhớt. Đất bám vào bánh xe rồi tuồn từ rừng ra đường cái. Quết mưa, nhão, đường nhựa mà cứ như đường đất. Thún đi trước, Ton cắm cúi đi sau, đi không biết mỏi. Chốc chốc Thún nhìn lại, không biết Ton nghĩ gì. Làm con đực đã hơn ba năm, đi lang bạt khắp nơi con của Ton giờ chắc đã thành ngàn, thành vạn. Thún chợt chùng mình, trong hành trình đi phối giống, có khi nào Ton gặp những đứa con của mình? Lấy ý nghĩ của người đặt vào Ton thì cũng hơi quá đáng. Nhưng Thún đã không thể làm khác được, vì Thún là người, Thún sẽ suy nghĩ theo kiểu người. Ton là lợn, Ton hành động theo kiểu lợn. Cho nên lỡ có gặp đứa con nào của mình cũng là chuyện thường tình. Thún dừng lại vỗ lên bờm Ton, thôi kệ nó đi. Tối nay ở lại làng Hiên, mày thức, tao ngủ, miễn sao mày thực hiện hiệu quả nhiệm vụ để sáng sớm ngày mai chủ tớ còn đi. Thún buộc tạm Ton vào gốc dừa, chuẩn bị dọn đường cho Ton vào chuồng lợn mới. Thún nhìn con lợn cái mướt mát rồi nhìn Ton, chúc mừng mày, em này láng mượt thế chắc còn trinh tiết. Thún nhíu mày, chợt quên, không ghi chép xem Ton đã gom góp trinh tiết được mấy lần.

Chị chủ nhà là người điềm đạm, chừng ba lăm tuổi, da trắng, cổ xinh. Thún chưa bao giờ thấy người đàn bà nào có cái cổ đẹp đến thế. Không một thứ trang sức trên mình, chị vẫn toát lên vẽ kiêu sa của con nhà quyền quý. Chị chủ nhà lấy nước cho Thún rửa tay, vừa nói. Con đực của anh lớn thế, không biết con nái nhà em chịu được không? Thún không nói gì, chỉ nghe có chút trái ngược với suy nghĩ ban đầu của anh.

Đêm ở Hiên mưa tầm tả. Mưa quất vào mái tôn ràn rạt. Âm thanh đó không đủ khuất đi tiếng kêu của Ton và con nái. Cơn mưa không dữ dội bằng cuộc giao hoan của đôi tình nhân. Tiếng Ton thi thoảng lại ừn ựt, ừn ựt. Tiếng nái ré lên chói tai. Không tài nào ngủ được, Thún ngồi dậy pha trà. Từ chiếc bóng đèn bốn oát, gương mặt của Thún thấp thoáng vẽ liêu trai. Phòng bên, chị nhìn qua cánh cửa thông gió. Hơi thở hắt ra vô tình lọt vào tai Thún. Chồng chị đâu? Thún hỏi, khi vừa nhấp một ngụm trà. Người đàn bà lặng im hồi lâu, Thún nói tiếp. Ở đây lạnh thật, tôi đi nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào lạnh như vậy. Khó ngủ, người cứ cồn cào. Thế anh đừng uống trà nữa... chị bảo. Thún liếc ngang, căn phòng nhỏ nhưng đẹp và ấm áp, chiếc áo đàn ông màu xanh mắc lên tường. Khi nhớ đến con nái, Thún nhếch mép cười, con nái lần đầu đúng không? Sao anh biết? Nó kêu ầm lên ấy. Anh giỏi thật. Nghề của tôi và Ton mà. Ton là ai? Là bạn tình của con nái chị, đang đào bới để tìm những đứa con trong bụng kia. Chị cười, Thún vẫn không xê dịch. Vì điều này, Thún quá quen.

- Chồng tôi ở tận biên giới, tháng về lần, có khi không. Chị chủ nhà nói.

- Tôi biết rồi.

- Sao anh biết?

- Nhìn chiếc áo màu xanh.

- Để đấy, cho vui nhà.

Chị lần tìm chiếc nịt vú trong chăn rồi đeo vào, lúc sang chỗ Thún nhìn chị đầy đặn. Thún chợt nhớ lại hình ảnh của Ton. Khi Thún đặt tấm ván, Ton thoăn thoắt bốn chiếc chân ngắn củn để bước vội vào chuồng và hành động ngay tức khắc. Thún cười, thấy Ton hạnh phúc. Giống lợn đến với nhau cực kì đơn giản. Thún ngồi nhìn chị hồi lâu, mọi thứ trong cơ thể dường như sắp vỡ ra nhưng phải dồn nén. Thún chép miệng và đi ra chỗ Ton, đi tìm tấm ván, chẳng lẽ đôi chân dài của Thún không bằng bốn cái chân ngắn của Ton. Thún bắt đầu tỏ ra là người có âm mưu, khi cứ đứng mãi ở chuồng lợn mặc cho lũ muỗi thả sức châm đốt. Chị ngồi trong nhà hồi lâu, cũng thấy lòng ngờ vực. Chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Chị nghe tiếng người lẫn vào tiếng lợn. Âm thanh khiến chị không thể không đến chỗ đó. Đúng là nghề truyền con giống, chị thấy những cử chỉ, động tác hết sức điên rồ nhưng nhìn rất thích thú. Thún đang cổ vũ cho Ton, rất phấn khích. Chị đứng nhìn trân trân, hai chân run rẩy nhưng đồng tử thì dán vào những nơi cần thiết trên người anh. Thún đã nhận ra chị đang đến gần mình, đang hừng hực mà không hề kìm nén. Không một tấm chiếu, trên nền đất trộn lẫn phân của Ton, Thún đè chị xuống, thân chị bẹp dí, mỏng tang, gãy gập. Tiếng Thún và tiếng của Ton nhập nhoạng vào nhau. Sau tiếng hực lên của Thún, chị thét lớn rồi duỗi thẳng hai tay, mắt miên man nhìn lên chiếc bóng đèn đã lâu bị bồ hóng và mạng nhện đan chằng chịt. Nó đẹp, bí ẩn đến vô chừng.

Chị mời Thún ở lại thêm một đêm, chủ nhà lo con nái chưa chắc chắn thụ thai nên giữ Ton lại chuồng. Việc đó đồng nghĩa với chủ của Ton cũng ở lại, và chị sẽ được những thứ mình cần. Chị hứa sẽ trả thêm tiền. Thún gật đầu đồng ý. Lần đầu trong đời Thún có ý nghĩ để cho Ton dừng lại ở một ngôi làng nhất định và Thún cũng không muốn đi lang bạt quá nhiều nơi. Tuyệt nhiên, Thún không nghĩ đến ngôi nhà của mình, mặc dù ở đó đời sống khá hơn. Nhìn chị, Thún chẳng thiết ăn, cứ muốn chui vào chăn để hưởng thú vui trong đó. Nhưng chị không đồng tình, chờ đêm xuống, chị lại ra chuồng lợn, Thún hiểu điều này có ý nghĩa gì. Đấy là nơi đầu tiên hai người tan vào nhau, tất nhiên, Thún thường nhập cuộc thô bạo và kết thúc như một bản tình ca. Có lẽ điều này làm nhiều người đàn bà nhớ. Và trên dặm đường Thún đi qua, họ thường lấy cớ từ con nái của mình, từ con đực của Thún có con giống khỏe chỉ cần một vài lần là lợn nái đã thụ thai, nên, không ít lần mong Thún dắt Ton trở lại.

Bữa sáng, chị chủ nhà nấu cho anh tô cháo ngon kèm mấy cái trứng lộn mua tận trại ấp. Nhìn những thứ này Thún hiểu được chủ nhà muốn gì, việc này Thún thường làm với Ton. Để khi đến chuồng mới, làm nhiệm vụ cũ với một con nái mới Ton còn có sức, có chất để giữ chữ tín cho chủ. Chị đẩy tô cháo về phía Thún, rụt rè.

- Anh học ở đâu ra mà thích đến vậy?

- Từ Ton.

- Cái gì, Ton phải học từ anh chứ?

- Chuyện đó động vật là bậc thầy. Ton lúc nào cũng mãnh liệt. Còn tôi lúc có, lúc không.

- Đôi lúc cũng chán. Anh đi nhiều nơi, có nhiều đàn bà...

- Không phải lúc nào cũng thế. Vì văn minh người, nên có lúc phải giữ.

- Anh cũng có văn minh sao?

- Ton còn có văn minh đấy.

Chị cười, không ngại ngoắt tay và kề sát đầu vào vai anh. Sáng đến vội vàng. Mưa ngưng nghỉ nhưng chủ nhà vẫn thèm cảm giác hôm qua. Được bê bết trên bùn đất, được cảm nhận hết mùi phân lợn phảng phất. Thún bắc tấm ván, Ton lặc lè bước ra. Con lợn nái trong chuồng cắm cúi ăn không hề để ý. Chị nhìn Thún lưng lẻo, định nói gì đó rồi lặng im, chị đưa cho Thún thếp tiền. Thún cầm rồi nói.

- Tiền mới quá.

- Lương biên giới đấy.

- Của chồng chị ư?

- Vâng.

- Tôi chỉ lấy một phần ba thôi.

- Anh cầm đi, xem như tôi cho thêm và bồi thường cho Ton.

- Bồi thường ư?

- Con nái đó không thụ thai được nên nó mới mướt như thế.

- Tôi cứ tưởng nó lần đầu.

- Tôi xin số điện thoại anh.

- Tôi là Thún.

- Tôi biết tên anh sau Ton, để tôi lưu số, có gì hẳn gọi.

- Con nái... chị làm thế để làm gì.

- Ở một mình buồn, nuôi con lợn cho vui. Mà đàn bà thì nên nuôi lợn nái, nhất là ở một mình. Để nó ở không cũng tội, lâu lâu tôi vẫn gọi con đực cho nó. Nhưng Ton nhà anh là được nhất, tôi chắc đấy. Chủ nào thì lợn nấy.

Câu nói này của chị khiến Thún chậc lưỡi. Thún chẳng cười, anh dắt Ton đi. Ra đến thị trấn thì Thún nhận được tin nhắn của chị “tôi cũng thế, chồng tôi lạnh nhạt vì tôi không sinh được con. Anh ta vừa về, anh ta sạch sẽ quá”.

Sau lần ấy Thún chẳng nhận được tin nhắn nào của chị. Thỉnh thoảng muốn dắt Ton về làng Hiên, thỉnh thoảng đi đến những nơi thơm tho hay thối khẳm thì Thún vẫn nhớ mùi phân lợn cùng mái tóc bê bết đất của chị chủ nhà. Thêm chuyến này nữa là Thún nghỉ, cuối năm rồi, Ton sẽ được đưa vào chuồng và bồi bổ thức ăn ngon để bù đắp những ngày đi lang thang theo Thún và làm nhiệm vụ của một con đực. Đi mãi thành quen, đôi lúc Thún hiểu Ton hơn hiểu người. Và gần gũi nhất là Thún nhận biết cảm xúc của Ton hơn biểu đạt của vợ mình. Mấy tháng liền trôi nổi, Thún đem về cho vợ thếp tiền. Nhận tiền từ Thún, chị chẳng hề quan sát xem Thún béo gầy ra sao đã ngồi lên giường đếm tiền. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy.... tiền Thún đem về nhiều hơn thường lệ. Miệng chị ta tươi cười, lần này khá hơn nhiều anh Thún nhỉ. Thún cười, người ta cho thêm. Vợ Thún nháy mắt rồi đi cất tiền, Thún nằm thườn người trên chiếc ghế. Vợ Thún trở ra hớn hở.

- Giờ thì có tiền, có thêm tin vui...

- Gì thế?

- Có thai rồi Thún à.

- Mấy tháng.

- Anh hỏi thế là ý gì?

Thún nhún vai rồi đi ra chỗ Ton.

Chợ tết, Thún dắt Ton đi theo. Vợ Thún khóa cửa rồi vội vàng theo sau xem chồng giở trò gì. Chẳng phải đi chơi, Thún dắt Ton ra chợ, ra quảng trường, ra công viên và được nhiều người thích thú xúm lại nhìn. Ai muốn chụp ảnh với Ton phải mất mười ngàn đồng. Khách chụp ảnh với Ton rất đông, Ton đẹp mã, lại hiền và hay có những cử chỉ thân thiện nên việc chụp ảnh đưa lên mạng khiến mọi người rất thích thú. Vợ Thún khen chồng giỏi, thông minh và chịu khó kiếm tiền. Cứ lâu lâu chị ta lại đưa tay sửa bụng mặc dù cái thai chưa đủ lớn để phải làm như thế. Thún thở dài, hôm trước anh gặp bác sĩ Trung. Vị bác sĩ quen thuộc lắc đầu “vẫn thế, giống thủy tinh”. Thún chẳng buồn vì Thún thừa biết, lúc nhỏ mang nhiều bệnh, có hàng tá liều kháng sinh được chuyền vào cơ thể mình. Mặc dù khỏe nhưng Thún như con dã tràng se cát. Rất nhiều lần muốn vợ xin con nhưng việc vợ mang thai, Thún có chút thoáng buồn. Đàn ông vốn thế, đi khắp nơi nhưng không muốn người đàn bà mình ra khỏi nhà. Lang thang suốt buổi sáng, Thún dắt Ton trở về. Lúc nhốt Ton vào chuồng, Thún không muốn vào nhà nữa. Hình ảnh về cái chuồng lợn ở làng Hiên khiến Thún ngợp người, anh chần chừ đứng lại. Thún nhận được tin nhắn của chị chủ nhà “Kim Liên có chửa rồi...”. Trong nhà, vợ Thún ngồi đếm tiền. Nhìn ra, thấy Thún cười, chị ta nghĩ rằng nụ cười đó giành cho mình nên đáp lại, Thún không nhìn thấy điều đó, anh bỏ chiếc điện thoại vào túi quần. Con lợn nái của chị chủ nhà đã có chửa. Sau bao năm cứ nghĩ rằng nó không đẻ được, giờ như thế là vui rồi, còn có cả hi vọng cho người khác. Thún trở lại phòng khám của bác sĩ Trung, không phải để xét nghiệm y khoa mà chỉ để hỏi một câu. Và bác sĩ Trung mỉm cười “cũng có lúc nảy nở, nhưng hiếm. Thời điểm xét nghiệm là con giống thủy tinh...”

Tết, Thún trở lại làng Hiên. Chưa vào nhà chị, Thún đã ra chuồng lợn. Cái chuồng trống không, Thún vội vàng vào trong, căn nhà vắng vẻ, chị chủ nhà chắc đang chơi nhà hàng xóm. Nghĩ thế nên Thún ngồi đợi hồi lâu, cơn mưa kéo dài gần cả giờ đồng hồ, gọi điện chị cũng không bắt máy, lúc sau Thún thấy chiếc điện thoại trên bàn, nó được để chế độ im lặng.

Tận mưa thì chị về. Từ xa, Thún thấy chị sửa bụng như hành động của vợ Thún. Trông thấy Thún, chị cười.

- Biết thể nào anh cũng đến, cơn mưa dài quá.

- Kim Liên đâu?

- Thịt rồi.

- Kim Liên có chửa cơ mà.

- Thịt mới biết!

Chị vẫn giữ khuôn mặt tươi vui, Thún thấy lòng mình hơi trống rỗng. Thún sẽ về, có lẽ thế. Chần chừ ở lại làng Hiên cũng chẳng để làm gì. Lần đầu Thún quan tâm con lợn có chửa đến mức độ như thế, rất hào hứng, hi vọng. Dọc đường đi, Thún cứ nghĩ rằng. Sau khi ở làng Hiên về Thún sẽ vỗ lên bờm của Ton mà rằng, Ton, mi giỏi lắm, đến Kim Liên còn có chửa được nữa là. Thún nghĩ thế, nhưng giờ về, Thún sẽ chẳng có hành động nào hứng khỏi với Ton. Chị chủ nhà nhìn Thún vẻ khác đi nhưng cố níu câu chuyện.

- Sao anh không đưa Ton đi cùng?

- Cũng may tôi không đưa Ton đi cùng.

- Sao anh đến đây?

Câu hỏi này của chị chủ nhà khiến Thún im lặng. Lúc trở về, Thún lại nhận được tin nhắn của chị “tôi đã có thai...”

Hành trình trở về nhà của Thún chơ bao giờ dở tệ đến thế. Nó ngập bởi những suy nghĩ. Vợ Thún có thai, chị chủ nhà có thai. Bào thai nào là con của Thún? Có một hoặc cả hai, hoặc không có cái nào. Những đứa con của Ton thì đã không còn, người ta đã đem thịt Kim Liên. Nếu biết nghĩ, Ton sẽ xử sự như thế nào với cảm xúc của mình. Không về nhà vội, Thún chọn quán cà phê, bản nhạc buổi chiều nghe quá chừng xao xác. Tết nhưng mưa nắng vội vàng, Thún nhận được thêm tin nhắn của chị chủ nhà “tôi nghĩ cái thai là của anh, chồng tôi chưa tới mười ba phần trăm...”. Thún trở về nhà, ra đến chuồng lợn thì không thấy Ton. Chợt nhớ, thoáng trên đường về có chiếc xe gắn máy chở chiếc lồng, trong đó có một con heo...

 

Hoảng Hải Lâm

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 99158)
T ôi trở về ngôi nhà của gia đình sau hơn hai mươi năm xa cách. Ngôi nhà chừng như không thay đổi mấy ở mặt tiền. Vẫn ba gian tường quét vôi trắng, điểm một vài khung cửa khép hờ, một chái bếp ở hiên sau và mảnh sân con vuông vức nơi lối ra vào. Dấu tích của thời gian chỉ ẩn hiện lờ mờ từng đốm ố trên vách tường cũ, đã ngả màu cháo lòng và loang lổ đây đó như những vệt mụt nhọt thâm sâu...
19 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 89505)
. . Với tôi, thơ không rao truyền một ngôn ngữ nào to tát: thơ chỉ là tâm sự, là “một chút riêng tư”trao gởi người thân, bạn bè, những kẻ đồng hành biết, và sẽ quen.” . . .
17 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 71686)
C húng tôi tiếp đón những người khách đầu tiên của chương trình 500 lịch sử phỏng vấn, với niềm hân hoan xen lẫn xúc động. Tưởng rằng sẽ rất bỡ ngỡ và khó khăn khi phỏng vấn một người lạ về những gì rất riêng tư, thế nhưng mọi việc đã trôi qua thật êm đềm, nỗi thương đau cũng như niềm hạnh phúc của từng người đã được chia sớt trong ân cần và thương cảm.
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 71290)
.. . M ắt thuyền của Nguyễn Xuân Tường Vy là một minh chứng về kiếm tìm và kiến tạo bản sắc của một cây bút. Mười hai tác phẩm của chị đã cho tôi những trải nghiệm thú vị. Khi dấn bước vào con đường văn chương chữ nghĩa, có lẽ ai cũng mong cho mình sẽ có được bước khởi đầu thuận lợi. Song con đường đến thành công thường luôn chứa đựng nhiều thử thách. Một khi được tôi luyện qua thử thách, mỗi cây bút sẽ trưởng thành hơn, vững vàng hơn: “ Có thể vượt qua thế giới lớn lao của loài người, không phải bằng cách tự xóa bỏ mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình ” (R. Tagor)
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 85770)
N hư nhiều người, khi đọc bài “Tìm Thăm Nguyễn Hữu Đang” của Phùng Quán, chúng tôi rất xúc động. Cụ là một người xuất sắc về đủ mọi lãnh vực: văn chương, khoa học, chính trị, thông thạo nhiều thứ tiếng, mà suốt hơn 50 năm qua đã bị đọa đầy đến cùng cực...
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 112896)
Ơ i Hoài Khanh đang còn ở Biên Hoà tóc bạc phơ nhớ đêm giáng sinh nào lên Đà Lạt thăm Thiện Ơi Hoàng trúc Ly khuất mặt những câu thơ Thiện ngợi ca bởi Thiện là thi sĩ là hoạ sĩ lạ lùng kia đã đi qua rồi đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (7) Thiện đã về Thiện đã tới.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 95177)
N hà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, dịch giả, giáo sư, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện vừa qua đời vào ngày 8 tháng 3 tức thứ ba vừa qua tại Houston Texas, hưởng thọ 71 tuổi, theo Cáo bạch của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cũng như sự xác nhận của gia đình.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 90405)
G iấc mơ thổ kể chuyện một lũ người hoá điên vì ám ảnh quá khứ. Quá khứ ở trong mọi ý nghĩ, đè nặng lên từng số phận. Quá khứ hằn dấu lên ngôn ngữ, trong những lời nói đã trở thành thói quen, được phát ra như những khẩu hiệu trơ cứng, như trong câu của Quý với Vĩnh lúc đi săn rồng “ Khẩn trương lên giặc lái đến bây giờ ”. Quá khứ ở trong từng thức ăn, đồ uống, trong giải trí, trong thịt rồng, tim phượng, trong “rượu Armagnac Marquis de Caussade, đóng chai năm 71” , và trong “trận World Cup của năm 66” .
10 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 93134)
... T iếng khóc thút thít hiền lành. Tiếng khóc của Toàn thời thơ ấu. Cánh cửa sổ mở rộng, không có chút nắng nào. Tôi nhìn bầu trời, màu trời đục lờ lợ. Đột nhiên tôi nhớ lại tất cả, nhớ từng chi tiết thật kỹ càng. Nhớ từ lúc đặt chân xuống thuyền vượt biên gặp hải tặc cho đến lúc Toàn hãm tôi mới đây. Nhớ cả câu nói của người lính thủy bị bắn. Nhưng mà... Trời ơi! Chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi còn ở Vũng Tàu hôm qua kia mà! Tôi gục xuống, Toàn quay lại mặt đầy thẹo. Vết thẹo. Trời ơi, buổi sáng.
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 97072)
... Ở đây các nhà thơ đều phải bỏ tiền ra in thơ. Mà họ có giầu gì cho cam. Phải dành dụm từng đồng, bớt xén tiền ăn của cả nhà, có khi đến mấy năm mới in được tập thơ. Mà in rồi chỉ đem đi tặng cũng đủ hết hơi. Thì ra trên thế gian này, thơ văn sinh ra để làm vất vả cho con người...