- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GIỐNG THỦY TINH

24 Tháng Mười 20198:54 CH(Xem: 17045)

Mùa Vàng - ảnh UL
Mùa Vàng - ảnh UL


C
ơn lạnh cuối cùng, gió mặc sức thổi. Làng Hiên yên ắng. Mưa rớt thấm bụi, kể cả con đường đầy lá vàng cũng nhơn nhớt. Đất bám vào bánh xe rồi tuồn từ rừng ra đường cái. Quết mưa, nhão, đường nhựa mà cứ như đường đất. Thún đi trước, Ton cắm cúi đi sau, đi không biết mỏi. Chốc chốc Thún nhìn lại, không biết Ton nghĩ gì. Làm con đực đã hơn ba năm, đi lang bạt khắp nơi con của Ton giờ chắc đã thành ngàn, thành vạn. Thún chợt chùng mình, trong hành trình đi phối giống, có khi nào Ton gặp những đứa con của mình? Lấy ý nghĩ của người đặt vào Ton thì cũng hơi quá đáng. Nhưng Thún đã không thể làm khác được, vì Thún là người, Thún sẽ suy nghĩ theo kiểu người. Ton là lợn, Ton hành động theo kiểu lợn. Cho nên lỡ có gặp đứa con nào của mình cũng là chuyện thường tình. Thún dừng lại vỗ lên bờm Ton, thôi kệ nó đi. Tối nay ở lại làng Hiên, mày thức, tao ngủ, miễn sao mày thực hiện hiệu quả nhiệm vụ để sáng sớm ngày mai chủ tớ còn đi. Thún buộc tạm Ton vào gốc dừa, chuẩn bị dọn đường cho Ton vào chuồng lợn mới. Thún nhìn con lợn cái mướt mát rồi nhìn Ton, chúc mừng mày, em này láng mượt thế chắc còn trinh tiết. Thún nhíu mày, chợt quên, không ghi chép xem Ton đã gom góp trinh tiết được mấy lần.

Chị chủ nhà là người điềm đạm, chừng ba lăm tuổi, da trắng, cổ xinh. Thún chưa bao giờ thấy người đàn bà nào có cái cổ đẹp đến thế. Không một thứ trang sức trên mình, chị vẫn toát lên vẽ kiêu sa của con nhà quyền quý. Chị chủ nhà lấy nước cho Thún rửa tay, vừa nói. Con đực của anh lớn thế, không biết con nái nhà em chịu được không? Thún không nói gì, chỉ nghe có chút trái ngược với suy nghĩ ban đầu của anh.

Đêm ở Hiên mưa tầm tả. Mưa quất vào mái tôn ràn rạt. Âm thanh đó không đủ khuất đi tiếng kêu của Ton và con nái. Cơn mưa không dữ dội bằng cuộc giao hoan của đôi tình nhân. Tiếng Ton thi thoảng lại ừn ựt, ừn ựt. Tiếng nái ré lên chói tai. Không tài nào ngủ được, Thún ngồi dậy pha trà. Từ chiếc bóng đèn bốn oát, gương mặt của Thún thấp thoáng vẽ liêu trai. Phòng bên, chị nhìn qua cánh cửa thông gió. Hơi thở hắt ra vô tình lọt vào tai Thún. Chồng chị đâu? Thún hỏi, khi vừa nhấp một ngụm trà. Người đàn bà lặng im hồi lâu, Thún nói tiếp. Ở đây lạnh thật, tôi đi nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào lạnh như vậy. Khó ngủ, người cứ cồn cào. Thế anh đừng uống trà nữa... chị bảo. Thún liếc ngang, căn phòng nhỏ nhưng đẹp và ấm áp, chiếc áo đàn ông màu xanh mắc lên tường. Khi nhớ đến con nái, Thún nhếch mép cười, con nái lần đầu đúng không? Sao anh biết? Nó kêu ầm lên ấy. Anh giỏi thật. Nghề của tôi và Ton mà. Ton là ai? Là bạn tình của con nái chị, đang đào bới để tìm những đứa con trong bụng kia. Chị cười, Thún vẫn không xê dịch. Vì điều này, Thún quá quen.

- Chồng tôi ở tận biên giới, tháng về lần, có khi không. Chị chủ nhà nói.

- Tôi biết rồi.

- Sao anh biết?

- Nhìn chiếc áo màu xanh.

- Để đấy, cho vui nhà.

Chị lần tìm chiếc nịt vú trong chăn rồi đeo vào, lúc sang chỗ Thún nhìn chị đầy đặn. Thún chợt nhớ lại hình ảnh của Ton. Khi Thún đặt tấm ván, Ton thoăn thoắt bốn chiếc chân ngắn củn để bước vội vào chuồng và hành động ngay tức khắc. Thún cười, thấy Ton hạnh phúc. Giống lợn đến với nhau cực kì đơn giản. Thún ngồi nhìn chị hồi lâu, mọi thứ trong cơ thể dường như sắp vỡ ra nhưng phải dồn nén. Thún chép miệng và đi ra chỗ Ton, đi tìm tấm ván, chẳng lẽ đôi chân dài của Thún không bằng bốn cái chân ngắn của Ton. Thún bắt đầu tỏ ra là người có âm mưu, khi cứ đứng mãi ở chuồng lợn mặc cho lũ muỗi thả sức châm đốt. Chị ngồi trong nhà hồi lâu, cũng thấy lòng ngờ vực. Chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Chị nghe tiếng người lẫn vào tiếng lợn. Âm thanh khiến chị không thể không đến chỗ đó. Đúng là nghề truyền con giống, chị thấy những cử chỉ, động tác hết sức điên rồ nhưng nhìn rất thích thú. Thún đang cổ vũ cho Ton, rất phấn khích. Chị đứng nhìn trân trân, hai chân run rẩy nhưng đồng tử thì dán vào những nơi cần thiết trên người anh. Thún đã nhận ra chị đang đến gần mình, đang hừng hực mà không hề kìm nén. Không một tấm chiếu, trên nền đất trộn lẫn phân của Ton, Thún đè chị xuống, thân chị bẹp dí, mỏng tang, gãy gập. Tiếng Thún và tiếng của Ton nhập nhoạng vào nhau. Sau tiếng hực lên của Thún, chị thét lớn rồi duỗi thẳng hai tay, mắt miên man nhìn lên chiếc bóng đèn đã lâu bị bồ hóng và mạng nhện đan chằng chịt. Nó đẹp, bí ẩn đến vô chừng.

Chị mời Thún ở lại thêm một đêm, chủ nhà lo con nái chưa chắc chắn thụ thai nên giữ Ton lại chuồng. Việc đó đồng nghĩa với chủ của Ton cũng ở lại, và chị sẽ được những thứ mình cần. Chị hứa sẽ trả thêm tiền. Thún gật đầu đồng ý. Lần đầu trong đời Thún có ý nghĩ để cho Ton dừng lại ở một ngôi làng nhất định và Thún cũng không muốn đi lang bạt quá nhiều nơi. Tuyệt nhiên, Thún không nghĩ đến ngôi nhà của mình, mặc dù ở đó đời sống khá hơn. Nhìn chị, Thún chẳng thiết ăn, cứ muốn chui vào chăn để hưởng thú vui trong đó. Nhưng chị không đồng tình, chờ đêm xuống, chị lại ra chuồng lợn, Thún hiểu điều này có ý nghĩa gì. Đấy là nơi đầu tiên hai người tan vào nhau, tất nhiên, Thún thường nhập cuộc thô bạo và kết thúc như một bản tình ca. Có lẽ điều này làm nhiều người đàn bà nhớ. Và trên dặm đường Thún đi qua, họ thường lấy cớ từ con nái của mình, từ con đực của Thún có con giống khỏe chỉ cần một vài lần là lợn nái đã thụ thai, nên, không ít lần mong Thún dắt Ton trở lại.

Bữa sáng, chị chủ nhà nấu cho anh tô cháo ngon kèm mấy cái trứng lộn mua tận trại ấp. Nhìn những thứ này Thún hiểu được chủ nhà muốn gì, việc này Thún thường làm với Ton. Để khi đến chuồng mới, làm nhiệm vụ cũ với một con nái mới Ton còn có sức, có chất để giữ chữ tín cho chủ. Chị đẩy tô cháo về phía Thún, rụt rè.

- Anh học ở đâu ra mà thích đến vậy?

- Từ Ton.

- Cái gì, Ton phải học từ anh chứ?

- Chuyện đó động vật là bậc thầy. Ton lúc nào cũng mãnh liệt. Còn tôi lúc có, lúc không.

- Đôi lúc cũng chán. Anh đi nhiều nơi, có nhiều đàn bà...

- Không phải lúc nào cũng thế. Vì văn minh người, nên có lúc phải giữ.

- Anh cũng có văn minh sao?

- Ton còn có văn minh đấy.

Chị cười, không ngại ngoắt tay và kề sát đầu vào vai anh. Sáng đến vội vàng. Mưa ngưng nghỉ nhưng chủ nhà vẫn thèm cảm giác hôm qua. Được bê bết trên bùn đất, được cảm nhận hết mùi phân lợn phảng phất. Thún bắc tấm ván, Ton lặc lè bước ra. Con lợn nái trong chuồng cắm cúi ăn không hề để ý. Chị nhìn Thún lưng lẻo, định nói gì đó rồi lặng im, chị đưa cho Thún thếp tiền. Thún cầm rồi nói.

- Tiền mới quá.

- Lương biên giới đấy.

- Của chồng chị ư?

- Vâng.

- Tôi chỉ lấy một phần ba thôi.

- Anh cầm đi, xem như tôi cho thêm và bồi thường cho Ton.

- Bồi thường ư?

- Con nái đó không thụ thai được nên nó mới mướt như thế.

- Tôi cứ tưởng nó lần đầu.

- Tôi xin số điện thoại anh.

- Tôi là Thún.

- Tôi biết tên anh sau Ton, để tôi lưu số, có gì hẳn gọi.

- Con nái... chị làm thế để làm gì.

- Ở một mình buồn, nuôi con lợn cho vui. Mà đàn bà thì nên nuôi lợn nái, nhất là ở một mình. Để nó ở không cũng tội, lâu lâu tôi vẫn gọi con đực cho nó. Nhưng Ton nhà anh là được nhất, tôi chắc đấy. Chủ nào thì lợn nấy.

Câu nói này của chị khiến Thún chậc lưỡi. Thún chẳng cười, anh dắt Ton đi. Ra đến thị trấn thì Thún nhận được tin nhắn của chị “tôi cũng thế, chồng tôi lạnh nhạt vì tôi không sinh được con. Anh ta vừa về, anh ta sạch sẽ quá”.

Sau lần ấy Thún chẳng nhận được tin nhắn nào của chị. Thỉnh thoảng muốn dắt Ton về làng Hiên, thỉnh thoảng đi đến những nơi thơm tho hay thối khẳm thì Thún vẫn nhớ mùi phân lợn cùng mái tóc bê bết đất của chị chủ nhà. Thêm chuyến này nữa là Thún nghỉ, cuối năm rồi, Ton sẽ được đưa vào chuồng và bồi bổ thức ăn ngon để bù đắp những ngày đi lang thang theo Thún và làm nhiệm vụ của một con đực. Đi mãi thành quen, đôi lúc Thún hiểu Ton hơn hiểu người. Và gần gũi nhất là Thún nhận biết cảm xúc của Ton hơn biểu đạt của vợ mình. Mấy tháng liền trôi nổi, Thún đem về cho vợ thếp tiền. Nhận tiền từ Thún, chị chẳng hề quan sát xem Thún béo gầy ra sao đã ngồi lên giường đếm tiền. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy.... tiền Thún đem về nhiều hơn thường lệ. Miệng chị ta tươi cười, lần này khá hơn nhiều anh Thún nhỉ. Thún cười, người ta cho thêm. Vợ Thún nháy mắt rồi đi cất tiền, Thún nằm thườn người trên chiếc ghế. Vợ Thún trở ra hớn hở.

- Giờ thì có tiền, có thêm tin vui...

- Gì thế?

- Có thai rồi Thún à.

- Mấy tháng.

- Anh hỏi thế là ý gì?

Thún nhún vai rồi đi ra chỗ Ton.

Chợ tết, Thún dắt Ton đi theo. Vợ Thún khóa cửa rồi vội vàng theo sau xem chồng giở trò gì. Chẳng phải đi chơi, Thún dắt Ton ra chợ, ra quảng trường, ra công viên và được nhiều người thích thú xúm lại nhìn. Ai muốn chụp ảnh với Ton phải mất mười ngàn đồng. Khách chụp ảnh với Ton rất đông, Ton đẹp mã, lại hiền và hay có những cử chỉ thân thiện nên việc chụp ảnh đưa lên mạng khiến mọi người rất thích thú. Vợ Thún khen chồng giỏi, thông minh và chịu khó kiếm tiền. Cứ lâu lâu chị ta lại đưa tay sửa bụng mặc dù cái thai chưa đủ lớn để phải làm như thế. Thún thở dài, hôm trước anh gặp bác sĩ Trung. Vị bác sĩ quen thuộc lắc đầu “vẫn thế, giống thủy tinh”. Thún chẳng buồn vì Thún thừa biết, lúc nhỏ mang nhiều bệnh, có hàng tá liều kháng sinh được chuyền vào cơ thể mình. Mặc dù khỏe nhưng Thún như con dã tràng se cát. Rất nhiều lần muốn vợ xin con nhưng việc vợ mang thai, Thún có chút thoáng buồn. Đàn ông vốn thế, đi khắp nơi nhưng không muốn người đàn bà mình ra khỏi nhà. Lang thang suốt buổi sáng, Thún dắt Ton trở về. Lúc nhốt Ton vào chuồng, Thún không muốn vào nhà nữa. Hình ảnh về cái chuồng lợn ở làng Hiên khiến Thún ngợp người, anh chần chừ đứng lại. Thún nhận được tin nhắn của chị chủ nhà “Kim Liên có chửa rồi...”. Trong nhà, vợ Thún ngồi đếm tiền. Nhìn ra, thấy Thún cười, chị ta nghĩ rằng nụ cười đó giành cho mình nên đáp lại, Thún không nhìn thấy điều đó, anh bỏ chiếc điện thoại vào túi quần. Con lợn nái của chị chủ nhà đã có chửa. Sau bao năm cứ nghĩ rằng nó không đẻ được, giờ như thế là vui rồi, còn có cả hi vọng cho người khác. Thún trở lại phòng khám của bác sĩ Trung, không phải để xét nghiệm y khoa mà chỉ để hỏi một câu. Và bác sĩ Trung mỉm cười “cũng có lúc nảy nở, nhưng hiếm. Thời điểm xét nghiệm là con giống thủy tinh...”

Tết, Thún trở lại làng Hiên. Chưa vào nhà chị, Thún đã ra chuồng lợn. Cái chuồng trống không, Thún vội vàng vào trong, căn nhà vắng vẻ, chị chủ nhà chắc đang chơi nhà hàng xóm. Nghĩ thế nên Thún ngồi đợi hồi lâu, cơn mưa kéo dài gần cả giờ đồng hồ, gọi điện chị cũng không bắt máy, lúc sau Thún thấy chiếc điện thoại trên bàn, nó được để chế độ im lặng.

Tận mưa thì chị về. Từ xa, Thún thấy chị sửa bụng như hành động của vợ Thún. Trông thấy Thún, chị cười.

- Biết thể nào anh cũng đến, cơn mưa dài quá.

- Kim Liên đâu?

- Thịt rồi.

- Kim Liên có chửa cơ mà.

- Thịt mới biết!

Chị vẫn giữ khuôn mặt tươi vui, Thún thấy lòng mình hơi trống rỗng. Thún sẽ về, có lẽ thế. Chần chừ ở lại làng Hiên cũng chẳng để làm gì. Lần đầu Thún quan tâm con lợn có chửa đến mức độ như thế, rất hào hứng, hi vọng. Dọc đường đi, Thún cứ nghĩ rằng. Sau khi ở làng Hiên về Thún sẽ vỗ lên bờm của Ton mà rằng, Ton, mi giỏi lắm, đến Kim Liên còn có chửa được nữa là. Thún nghĩ thế, nhưng giờ về, Thún sẽ chẳng có hành động nào hứng khỏi với Ton. Chị chủ nhà nhìn Thún vẻ khác đi nhưng cố níu câu chuyện.

- Sao anh không đưa Ton đi cùng?

- Cũng may tôi không đưa Ton đi cùng.

- Sao anh đến đây?

Câu hỏi này của chị chủ nhà khiến Thún im lặng. Lúc trở về, Thún lại nhận được tin nhắn của chị “tôi đã có thai...”

Hành trình trở về nhà của Thún chơ bao giờ dở tệ đến thế. Nó ngập bởi những suy nghĩ. Vợ Thún có thai, chị chủ nhà có thai. Bào thai nào là con của Thún? Có một hoặc cả hai, hoặc không có cái nào. Những đứa con của Ton thì đã không còn, người ta đã đem thịt Kim Liên. Nếu biết nghĩ, Ton sẽ xử sự như thế nào với cảm xúc của mình. Không về nhà vội, Thún chọn quán cà phê, bản nhạc buổi chiều nghe quá chừng xao xác. Tết nhưng mưa nắng vội vàng, Thún nhận được thêm tin nhắn của chị chủ nhà “tôi nghĩ cái thai là của anh, chồng tôi chưa tới mười ba phần trăm...”. Thún trở về nhà, ra đến chuồng lợn thì không thấy Ton. Chợt nhớ, thoáng trên đường về có chiếc xe gắn máy chở chiếc lồng, trong đó có một con heo...

 

Hoảng Hải Lâm

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Chín 202310:02 CH(Xem: 5682)
Tháng Chín, đêm khuya về ngồi lặng / Nghe gió cười khúc khích rượu tan / Mai chắc sầu in trên đá / Em chắc quên rồi tháng Chín, trôi.
04 Tháng Chín 20238:58 CH(Xem: 7038)
tôi gặp người lính già / trên chùa đồng yên tử / chốn rừng thiêng trúc lâm / trời đêm ... mưa mịt mù / người lính ngồi nguyện cầu / co ro dáng trầm tư / mặt xương gầy khắc khổ / mắt buồn sâu tâm tư
04 Tháng Chín 20238:52 CH(Xem: 4978)
Mùa thu này, nhà thơ Hoàng Hưng và phu nhân trở lại thăm Thủ đô. Ông có gọi tôi cùng tới studio riêng của họa sĩ Trần Lương. Giữa cơn hứng trò chuyện với họa sĩ, ông tìm đến “quốc hồn quốc túy” qua sợi thuốc lào Vĩnh Bảo, và tôi đã chộp được một hình ảnh của ông để rồi chợt thấm một nỗi buồn…
04 Tháng Chín 20238:36 CH(Xem: 5726)
Dáng đi cô gái làm tôi bâng khuâng ngưỡng mộ như chứng kiến một tuyệt tác tạo hóa vừa ban tặng cho nữ giới. Vóc người cao cao, thanh mảnh với những bước chân bắt chéo uyển chuyển, nhẹ nhàng. Điều tôi muốn lưu ý: Cô ấy đi rất tự nhiên, không như các cô người mẫu luôn luôn sượng sùng vì cố phô trương những điều khác, hơn các bước đi được mẹ thiên nhiên ban tặng...
04 Tháng Chín 20238:30 CH(Xem: 5628)
Trong ngót hai chục phim truyện điện ảnh tham dự tranh Giải Cánh Diều năm nay của Hội Điện ảnh VN, có thể nói “Em & Trịnh” là một tác phẩm hoành tráng bậc nhất. Và cũng cần phải thẳng thắn điều này: những người làm “Em & Trịnh” đã rơi vào cả hai tình huống đặc biệt của Điện ảnh: a. thực hiện một bộ phim chân dung vốn đầy thử thách, b. đặc biệt là phim ca nhạc sẽ cực kỳ khó khăn về các yếu tố kỹ thuật!
15 Tháng Tám 20237:29 CH(Xem: 6077)
kiếm điểm / giật / mình / nghìn trang đã giở tới / hình thiên chương / viết như thuyền say độ đường / thước chim /
15 Tháng Tám 20237:13 CH(Xem: 6751)
anh không phải là con chim / cánh mỏi đường bay … / nhưng giọt lệ Người đã chảy thành đại dương / mà tiếng sóng không nguôi vỗ buồn trong trí nhớ…
15 Tháng Tám 20236:52 CH(Xem: 6258)
Chẳng biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng hôm nay rõ ràng là mặt biển nhìn cao hơn bờ, dù hãy còn thấp thoáng từ xa lắm. Trời trưa nắng gắt, lối đi dẫn xuống bãi biển dường như cứ tiếp tục trải dài thêm theo từng bước chân của tôi. Chưa thấy nhà của ông Morpheus ở đâu cả. Hai bên đường là những cụm xương rồng tua tủa trông dữ tợn, nhưng lại lác đác điểm những bông hoa màu sắc rực rỡ. Gió biển khô khốc, nồng nồng trong mũi tôi. Tiếng sóng vỗ nghe chập chờn từ tít ngoài xa. Tôi cố nhìn xem có những dấu hiệu gì đặc biệt hai bên đường để khi quay về có thể lần theo ra lại đường cái. Toàn là xương rồng và xương rồng, không có lấy một cái cây cao hay một mỏm đá. Dưới chân tôi là cát trắng lẫn vào sỏi đá, khiến đường đi thấy gập ghềnh, không mời gọi.
15 Tháng Tám 20235:39 CH(Xem: 6085)
Trước sân anh thơ thẩn / Đăm đăm trông nhạn về / Mây chiều còn phiêu bạt / Lang thang trên đồi quê / In the yard I was pacing / Longing for faraway news / Whilst the clouds kept wandering / High above the rural hills /
05 Tháng Tám 20239:50 CH(Xem: 5975)
“Khi người ta 19 tuổi, người ta là bà hoàng” - đó là một câu trong bộ tiểu thuyết sử thi “Con đường đau khổ” của nhà văn Nga A. Tolstoy mà bố từng lấy làm đề từ cho bài cảm ngôn “Viết dành cho con gái năm con 19 tuổi” từ những năm bố còn là một chàng trai mơ mộng lang thang trên những nẻo rừng Tây Bắc. Vài chục năm sau, vào lúc con đọc những dòng này của bố, khi con chuẩn bị bước vào năm thứ hai đại học, cũng là lúc cả xã hội ta đang trong một cơn xáo động kinh hoàng với bao giá trị đảo lộn quay cuồng khiến những cô cậu sinh viên quen sống trong vòng tay gia đình che chở như con phải hoang mang, ngơ ngác, hoảng sợ…