- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THƠ NGÔ QUỐC PHƯƠNG

12 Tháng Tám 20198:47 CH(Xem: 18118)
May - photo UL
Mây - photo UL

DÒNG SÔNG THAY TÊN

 

Ơi cô gái rũ lụa sông Tương

giữa đô thành mấy mùa trăng trước

gặp lại em anh ngỡ ngàng

quay quắt

tâm tư theo mãi đến giờ.

 

Anh mãi là kẻ đứng ngoài

nhưng nhìn em như thần tượng

mùa cau nào úa lúa

ai dâng đến nhà em

để trầu têm cánh phụng

để em về với ai.

 

Đời một giấc mơ dài

không ngờ ngày gặp lại

tình lại càng thêm nồng.

 

Giờ anh thức từng đêm

gọi thầm thỉ tên em

và lụa kia như mới

... con sông giờ thay tên!

 

Ngô Quốc Phương

Kent, Mùa Hè 2019

 

DÒNG SÔNG XƯA

 

Có một dòng sông tuổi thơ

chảy hoài trong ký ức

có một miền thơ ngây

hiện về trong mắt trẻ hôm nay

 

hát nữa đi em

hát nữa đi anh

bài ca ngày xưa ấy

bồi hồi tim ta

khúc nhạc ấm một thời

 

có một dòng sông xa

tìm hoài như chẳng thấy

anh cầm đàn guitar

em hát say xưa

 

'dòng sông mênh mông

sóng reo đôi bờ

nhịp cầu hùng vĩ

ta bắc qua đây..."*

  

ôi những lời anh hát

từ trái tim

hôm nay em nhẩm lại

thấy thật gần

 

mùa xuân này lại về với quê ta

xin dâng một nhành hoa đồng nội

dâng lên mẹ, lên cha

niềm thương nhớ đêm ngày

 

đêm nay con ở rất xa

nhưng tim con gần lắm

như tiếng sóng âm thầm

gọi mãi quê hương...


Ngô Quốc Phương 

10/4/2015, tặng mẹ, các chị, các anh nơi xa

(* Ý một ca khúc trữ tình của Ngô Trọng Bắc những năm 1980)

 

 

MÙA THU

 

Rồi cũng đến mùa thu

gió nhẹ nhàng gọi lá

em về miền đất lạ

mùa thu bỗng bâng khuâng...

 

rồi cũng đến tình yêu

yêu càng nhiều càng lặng

ở tuổi này nó vậy

mùa thu giấu trong tim

 

anh đã đi và em đã đi

để mùa thu thành kỷ niệm trong đời

ơi chiếc lá ngày xưa vẫy gọi

đã vàng chưa trong ký ức đôi mình

 

mùa thu này em ở tận trời xa

anh khắc khoải bên phím đàn trùng xuống

thu ơi thu, sao còn đi mãi thế

dù lẽ vô thường,

vẫn

trống vắng

trông mong...

 

Ngô Quốc Phương
27/10/2014, Tặng mùa Thu nhớ nhà, nhớ phố

 

 

 

NGƯỜI CON GÁI ĐI VỀ PHÍA BIỂN

 

Này người con gái đang đi về phía biển

ở nơi ấy đẹp không, sóng có vỗ miên man

ta gửi nhé tình yêu trong gió

gió gọi sóng về, sóng sẽ hát em nghe

 

này em gái đang xuôi về nơi xa ấy

có nghe thấy chăng tiếng đất nước gọi ta

ôi quê hương bao năm trời hậu chiến

giấc ngủ vẫn chưa lành, oan ức khóc từng đêm

 

em hỏi anh bao giờ mùa trăng đầy

và biển kia sẽ thôi còn khắc khoải

anh trả lời ngày ấy sẽ không xa

đến nhẹ nhàng như biển kia, sóng vỗ

 

sớm nay dậy, mặt trời dâng nắng sớm

ban an lành cho muôn cõi chúng sinh

và biển kia bập bềnh cơn sóng nhẹ

vẫy gọi cánh buồm thương nhớ tự do...

 


Ngô Quốc Phương
23/8/2013, Gửi biển xa và sóng thương

 

 

NỖI BUỒN, BẢN CELLO VÀ ĐÊM

 

Khi ta buồn, ta lại đến tìm em

bản Cello đưa tình đêm vào giấc

giọt giọt mơ màng,

giọt giọt rơi

 

Khi ta buồn ta ghì em vào lòng

da diết, xót xa, quấn quanh nhau muôn lối

khi em buồn ta có hát cho em?

này bàn tay ai chới với,

kìa tình đang yêu chia cắt

này giận hờn gọi nụ hoa đơn côi

kìa nụ hôn làm lành trong dạ tiệc

dạ tiệc một mình

quấn quýt nỗi buồn đêm

 

Khi ta buồn Cello hỡi ta tìm em

và trao em tinh yêu mùa gió chướng

phím đàn em ngất ngây tình muôn kiếp

 

Khi ta buồn

ta tấu khúc tình em

 

Ngô Quốc Phương

02.8.2013, hẹn hò đêm đêm

 

 

ĐI XUYÊN MÀN ĐÊM

 

Tôi đi xuyên màn đêm để gặp chính mình

bước chân đi mà lòng rơm rớm

không nhìn lại mà lòng còn khắc khoải

ánh sáng nào ở cuối con đường?

 

Tôi đi trong tình thương của bè bạn chân tình

trái tim non nhận an ủi ủi an

ôi đường xa mà lòng thêm chắp cánh

thoáng thấy nhẹ lòng, thoáng thấy bâng khuâng.

 

Mơ trong miền xa có bao điều mời gọi

mơ bóng ai về tặng một búp tự do

bàn tay ai, vòng tay ai mở rộng

chia sẻ, sẻ chia, vượt giông tố bão bùng

 

Tôi đi trong triền miên tìm vượt cơn ác mộng

gông cùm nào còn cản bước đồng bào

kìa nỗi sợ đang nguẩy ngoe, ngoe nguẩy,

nhen nhóm trong ai bởi kìm, kẹp, nhà tù

 

Kìa hỏa châu bỗng nổ tung trời đêm tăm tối

kìa ánh sáng vạn hoa bỗng rực rỡ đổ về

kìa vầng dương nồng nàn tình yêu tỏa chiếu

bóng tối đâu rồi, hay đã tự cút đi?

 

Hôm nay đi trên con đường mơ ước

vẫn nhớ hoài những lối nhỏ đơn côi

vẫn thương hoài bao phận đời khốn khó

mong ánh sáng mau về sưởi ấm bạn tôi!

 

Sidcup, Mùa nắng lên, 13/5/2013

 

NGÔ QUỐC PHƯƠNG

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31436)
D ưới đây là bài “Nguyễn Hữu Hồng Minh - Nhà thơ hiện nay như con sói trụi lông...” của "Văn Chương Việt" phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Văn Chương Việt”TCHL
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37325)
Nhân viên mai táng đến thật đúng giờ khiến María Dos Prazerès, còn khoác áo choàng tắm và đầu gắn các kẹp tóc, chỉ kịp giắt một đoá hồng đỏ lên vành tai để không xuất hiện quá ít quyến rũ như bà đang ấn tượng về chính mình.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35256)
Đ êm đọc những bài thơ của em Quả thật không sao giấu được nụ cười Vài ý nghĩ muốn làm một tuyển tập Gồm những bài thơ cứt thời gian
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33150)
D ưới đây là bài “Trần Vũ: mỗi con người trưởng thành mang trong mình một tín ngưỡng văn chương” của Da Màu phỏng vấn nhà văn Trần Vũ. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Da Màu.” TCHL
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33179)
A nh giới thiệu với tôi tên cô nhưng không nói cô là gì của anh, một cách ngầm bảo tôi hiểu thế nào cũng được, cô có thể là tình nhân mà cũng có thể là em họ xa (chẳng hạn). Anh cũng nói thêm cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyến này sang Mĩ du lịch và định ở lại chơi chừng hai tháng. Cô đẹp, dĩ nhiên—tôi chưa thấy anh đi với người đàn bà không nhan sắc bao giờ—nhưng không còn trẻ nữa. Tuy thế thật khó đoán tuổi cô, có thể ngoài ba mươi, có thể hơn. Cô ít nói. Hình như cô chẳng để tâm gì đến câu chuyện giữa tôi và Quang mà chỉ ngồi trầm tư uống cà phê, phóng tia mắt ra ngoài khơi, nơi có những cánh buồn trắng dật dờ trên mặt biển như đang trôi về nơi vô định.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30459)
C on hẻm vắng người lạ kỳ dẫn cô vào một cửa tiệm u tối, ngoài cửa kính màu sắc thế kỷ thứ 18 chỉ treo vỏn vẹn một biển hiệu xộc xệch và bức tranh chân dung sỉn màu. Cô ghé lại gần nhìn kỹ và choáng váng; chân dung của chính cô, lệch lạc, méo mó nhưng đúng là đường nét Á đông của đôi mắt 1 mí cách xa nhau, sóng mũi thấp, gò má tròn dẹt và đôi môi hơi cong hai bên khóe.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 29991)
H đã rời bỏ nơi chốn chúng tôi cùng rong chơi “ nơi đó sặc mùi lừa bịp – H nói những cái thớt và những đứa liếm thớt H không chịu được mùi không phải của người”
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30239)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30718)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31377)
T ình trạng dịch thuật hiện nay ở Việt Nam đang ở mức cần phải báo động. Radio RFI đã dành nhiều chương trình cho những buổi nói chuyện với nhiều dịch giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Sau Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên là những nhận định có phần nghiêm khắc của dịch giả Trần Thiện-Đạo đã sống ở Paris trên nửa thế kỷ. Trước 30-04-1975, Trần Thiện-Đạo cộng tác với các báoVăn, Tân Văn, Bách Khoa, Nghệ thuật... ở Sàigòn và hiện nay vẫn thường xuyên gửi bài in trên các sách báo văn học trong-ngoài nước. Ý kiến của Trần Thiện-Đạo sẽ như một liều thuốc đắng, may ra giã được một số tật cố hữu trong địa hạt dịch thuật của Việt Nam.