- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VIẾT CHO BA. MÙA THANH MINH THỨ 3.

08 Tháng Tư 20191:46 SA(Xem: 19882)

MuaThanhMinh- photoUL
Mùa Thanh Minh - ảnh UL


Tôi không có tham vọng sẽ viết được hết về ba tôi, tôi chắc chắn không có đứa con nào có thể viết hết được về tình yêu của cha mẹ dành cho mình.
Cái cách người đàn ông đó, lặng lẽ đi qua cuộc sống, vật lộn với nó, vắt kiệt mình cho công việc và để nuôi lớn một đàn con cháu, thật lạ lùng và kỳ diệu.
Cái quá khứ âu yếm mà lặng lẽ của ba tôi, cuối cùng chỉ còn là những mảng ký ức.
Những mảng ký ức, thao thức, tươi rói, nhoi nhói, đập mãi, như quả tim thứ hai. Trong lòng của mỗi đứa con.
"Ở trong tôi, quá khứ đập như trái tim thứ hai"

Ký ức nằm sâu trong phần não phía sau gáy, mỗi ngày lại thêm cuồn cuộn chảy về.
28 ngày sau khi ba tôi ra đi, Mẹ tôi mơ thấy ba tôi. Một buổi trưa, chỉ là giấc mơ ngắn vào buổi trưa thôi, mà mẹ tôi mừng vui hết mấy tuần và đi đâu, gặp ai, cũng khoe đã mơ thấy ba tôi vào buổi trưa. "Mơ thấy ba vào buổi trưa là ba đã siêu thoát lên niết bàn rồi", mẹ tôi giải thích như thế, bằng niềm tin tưởng chắc nịch và thanh thản.
Tôi cũng tin như thế, dù ba không hiện về trong giấc mơ nào của tôi, mặc cho tôi mong mỏi đến thế nào.
Có đêm, tôi chỉ mơ hồ nghe tiếng ba tôi gọi, đúng là giọng của ba, nhẹ nhàng, nhưng có chút nghiêm trang :
-“Mai!",
Thế rồi thôi.
Thế rồi tôi tỉnh dậy. Và tôi tin mình không mơ. Có thể ba tôi gọi tôi dậy đi làm cho đúng giờ, hay là như ngày xưa, thức sớm để học bài thi, có khi là đục thêm chồng bì thơ.
Ba tôi lúc sinh thời luôn là người ít nói, càng về sau này lại càng im lặng. Chỉ lúc nằm trong khu D, khu dịch vụ, lúc ba tôi còn chưa phải cắm ống thở vào trong khí quản, ba tôi lại nói rất nhiều. Nói nhiều, đùa giỡn nhiều, gấp hơn nhiều lần những năm sau này. Những năm ba tôi im lặng, mà bác sĩ giải thích, trầm cảm cũng là một triệu chứng của bệnh thận.

 

Nhưng giờ đây, trong dòng chảy ầm ì của ký ức, tôi từ từ nhớ lại, chưa bao giờ ba tôi là người đàn ông xởi lởi, bặt thiệp. Hình ảnh của ba tôi lúc nào cũng lặng lẽ như thế. Hình ảnh đó khắc sâu vào tôi cho đến nỗi, tôi luôn tin rằng, những người thật sự đàn ông là những người lặng lẽ, nói ít và làm nhiều.

 

Đó là hình ảnh của đêm khuya, bao giờ cũng là nửa đêm, rất khuya, khi tôi giật mình thức dậy. Ba tôi ngồi nghiêng người bên chiếc tủ đồng hồ, chiếc kính lúp gọng tròn đeo dính sát vào một bên mắt. Ba tôi vẽ mặt số đồng hồ, cái nghề lạ lùng. Sau này tôi ít thấy ai theo ngoài ba tôi. Ba tôi vẽ những con số li ti ấy tinh xảo như được in từ máy móc công phu. Có nhiều những chiếc đồng hồ Seiko 5 dân Saigon đeo ngày xưa kia đã được ba tôi vẽ tay, tôi dám chắc. Những người quen làm việc giữa đêm khuya thường phải trầm lặng, giờ thì tôi hiểu, do đã đồng điệu với cái im lặng của màn đêm.

 

Sau này khi nhà trồng nấm, ba tôi vẫn thức khuya như vậy. Ba tôi canh nấm nở để hái. Ngoài việc nấm rơm thường nở xòe hết mũ nấm về sáng và mất hết dưỡng chất và tinh chất nấm ngọt ngào, thì nầm búp được dân lái mua chuộng hơn. Tôi còn nghĩ, ba tôi thức nhìn lũ nấm con lách tách nở trong đêm vì đam mê. Tôi dám chắc trong im lặng của đêm gần về sáng, ba tôi nhìn lũ nấm lau chau cất đầu lên khỏi mặt rơm tỏa mùi meo mốc, cũng âu yếm như cái cách ba tôi ngắm đàn con sáu đứa lăn lóc ngủ thỏa thuê trên 3 chiếc giường tầng.

 

Thời kỳ nhà tôi trở thành xưởng in thủ công và làm bì thư, thiệp cưới. Ba tôi lại càng phải thức khuya hơn mọi người. Ba tôi âm thầm xã giấy cuộn bằng máy cắt lớn thành những chồng giấy khổ vừa và nhỏ cho mẹ tôi đục góc sáng mai và lũ nhỏ chúng tôi dán lại thành phong bì thư sau khi đã tan lớp học về. Thời gian ấy, nhà tôi rất đông người, ba tôi mang con cháu ở quê về nuôi phụ làm nghề và cho đi học. Tôi không thể nhớ hết những người cháu họ và anh em họ từ quê vào đã được ba tôi nuôi trong thời gian đó. Chỉ trong đám tang của ba tôi, khi tất cả cùng về viếng ba tôi và ngồi nhắc lại thời kỳ gian khó đó, với đầy lòng trân trọng, biết ơn, tôi mới hiểu ba tôi đã lặng llẽ cưu mang và bảo bọc rất nhiều người, mà phần đông hiện giờ đều nên người, trưởng thành, khá giả. 

 

Cái cách người đàn ông đó, lặng lẽ đi qua cuộc sống, vật lộn với nó, vắt kiệt mình cho công việc và để nuôi lớn một đàn con cháu, thật lạ lùng và kỳ diệu.
Kỳ diệu hơn nữa, mỗi lần tụ tập cúng thất sau này, khi anh em tôi tranh nhau kể từng mẫu nhỏ ký ức về ba, dù không nhiều, tôi chợt hiểu ra, dù âm thầm, ít nói, ít biểu hiện tình cảm ra bên ngoài, nhưng ba tôi đã yêu mỗi đứa con theo một cách riêng, đặc biệt, khó mà quên.

 

Em gái út của tôi khoe riêng mình được ba chở đi ăn mì xào giòn, ngày xưa mì xào giòn là món sang trọng lắm, cả nhà chẳng mấy khi mơ đến món đó. Lúc đó ba chở em đi nhận giải thưởng vẻ tranh nhi đồng quốc tế, (do Liên xô tổ chức, tôi nhớ thế), ba tôi đã đãi em tôi một bữa mì xào giòn nhớ đời. Em tôi nói, sau này chẳng bao giờ em được ăn món gì ngon như vậy nữa.

 

Tôi cũng có riêng một kỉ niệm với ba tôi, vào ngày ba chở tôi bằng xe đạp từ ngã tư Bảy Hiền lên tận trường Trưng Vương bên hông Sở thú để tập trung học chuyên Văn cấp Thành phố. Đường thì rất xa, vào buổi sáng, ba tôi ghé cho tôi ăn phở Hòa đường Pasteur. Thời đó phở Hòa ngon nổi tiếng, một tô to đến người lớn ăn phải thừa, nhưng tôi  nhớ đã vục mặt vào tô phở loại to nhất đó, húp cho đến giọt nước lèo cuối cùng. Khi ngẩng lên vẫn thấy ba tôi ngồi nhìn tôi đăm đăm. Sau này tôi mãi không nhớ rõ, ba tôi có ăn phở hay không, hay chỉ ngồi nhìn tôi ăn. Mỗi lần ký ức mắc kẹt lại ở điểm không rõ đó, đều làm tôi phải trào nước mắt.

 

Tôi còn nhớ những chiều sáu anh chị em ngồi ngong ngóng chờ ba tôi đi làm về, thường khi có chút tiền hàng thu được, ba tôi sẽ mua lúc ổ bánh mì Lan Huệ ở chợ Hòa Hưng. Lúc đó bánh mì Lan Huệ ngon nức tiếng, một ổ bánh mì chia ra làm sáu khúc, khúc nào cũng ngậy mùi ba tê gan heo và bơ đánh sốt trứng thơm lừng. Chúng tôi dành nhau ăn đến mẫu vụn bánh cuối cùng, ít đứa nào để tâm xem ba mẹ có ăn chung không. Nếu nhiều tiền hơn, ba tôi sẽ mua bánh mì nhét thịt chim cút quay giòn kèm rau răm ở bên hông nhà hàng Thanh Thế, chợ Tạ thu Thâu. Tôi còn nhớ mãi mùi thơm ngậy và giòn tan của chim cút, tôi tin là chẳng bao giờ có thứ gì ngon hơn khúc bánh mì có dính chút thịt lưng hay đùi chim cút nhỏ tí nhét không hết kẻ răng đó.

 

Trong trái tim của ký ức, còn sót lại đôi mắt thương xót của ba tôi với lũ con nhà nghèo lúc nào cũng hau háu chuyện ăn và đói ăn.
Lâu lâu tôi vẫn giật mình nửa đêm tưởng mình còn phải tiếp tục một cuộc thi nào đó, suốt thời học sinh của tôi gắn liền với vô số cuộc thi lớn nhỏ. Lần nào cũng là ba tôi chở tôi đi bằng xe đạp, sau này có khi bằng xe Honda đam, kiểu xe Honda của Nhật dành cho phụ nữ. Có khi phải thi suốt hai buổi sáng kéo dài tới chiều. Buổi trưa hai cha con ngồi ké hàng hiên nhà người ta. Ba tôi trải tờ báo ra cho tôi nằm nghỉ, và ngồi thẳng lưng cả buổi trưa canh cho tôi chợp được trọn một giấc trưa. Nhiều năm sau này, cái dáng ngồi lặng lẽ, lưng thẳng tắp và gầy gầy đó, vẫn làm tôi nhói trong tim.

Em trai tôi cười cười, kể lại lần cuối trong khu D, bà con họ hàng biết ba tôi bị bệnh nặng, vào thăm rất đông, giữa lúc mọi người đang nói cười vui vẻ, đột nhiên ba nói to:
- "Chấm dứt" , em tôi cúi đầu hỏi ba tôi :
- "Chấm dứt cái gì ba?
"- Chấm dứt tất cả!" - ba tôi cười mỉm nói.
Em tôi vừa kể vừa rưng rưng nước mắt, "Lúc đó mà ba còn biết đùa, mà đùa rất ý nhị, dí dỏm" vì cả đời ba tôi ít khi nào nói đùa. Chỉ cho đến mấy ngày cuối đó.

Cuộc đời ba tôi , trải dài suốt 80 năm, im lặng cho đi rất nhiều, nhận lại không được bao nhiêu mà chưa bao giờ đòi hỏi được nhận lại. Tôi không có tham vọng sẽ viết được hết về ba, tôi chắc chắn không có đứa con nào có thể viết hết được về tình yêu của cha mẹ dành cho mình.
Cái quá khứ âu yếm mà lặng lẽ của ba tôi, cuối cùng chỉ còn là những mảng ký ức.
Những mảng ký ức, thao thức, tươi rói, nhoi nhói, đập mãi, như quả tim thứ hai. Trong lòng của mỗi đứa con.

 

UYÊN LÊ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 3132)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 3245)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 2782)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.
25 Tháng Mười Hai 202310:36 CH(Xem: 3457)
Em ngồi hứng / ánh sao rơi / Đêm Đông áo mông…/ khép đôi vạt mềm / Ta gieo / lời Thánh kinh đêm / Nẩy mầm xanh / vọng ước nguyền… trổ hoa /
22 Tháng Mười Hai 202310:34 CH(Xem: 3777)
đưa tay đỡ nhẹ cành hoa / thả trôi dĩ vãng nhạt nhòa mùi hương / thấy mắt em cũng vô thường / tan trong nhịp thở hoang đường của tôi /
22 Tháng Mười Hai 202312:10 CH(Xem: 3801)
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối, Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang: Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi, Từng con sông từng huyết lệ lan tràn…
22 Tháng Mười Hai 202311:56 SA(Xem: 4205)
Tôi sống như một kẻ không nhà, lang thang suốt dãi đất miền Trung, một bóng trắng mỏi mòn những ngọn đồi trọc, nhọc nhằn vàng những đụn cát hoang sơ, lặng lẽ giữa phố xá ồn ào. Thuở đó, Giáng Sinh vẫn rất lặng lẽ… Đêm Giáng Sinh năm ấy, tôi từ Sài Gòn trở về, xe khách hỏng máy ở rừng cao su thuộc địa phận Đồng Nai( một chuyện rất thường xảy ra). Hành khách bước xuống, những khuôn mặt mệt mỏi, những bộ quần áo nhàu nát. Đa số là những người tha hương kiếm sống, có một số sạch sẽ hơn là những con buôn, và con buôn lúc ấy đều là buôn lậu, cuộc mưu sinh đã làm cho họ trở thành những kẻ gian manh và lì lợm. Hành khách ngửa nghiêng vệ cỏ ven đường lấy những nắm cơm, bắp ngô, khoai lang, trứng luộc ra ăn một cách ngon lành, có một số rải rác vào các quán tranh.
22 Tháng Mười Hai 202311:15 SA(Xem: 4415)
tháng chạp, cỏ lau chờ tiết trời lạnh ngày đông đồng loạt trổ trắng màu bông tinh khiết trái bần chín vị ngọt chua tan trong miệng nụ cười tuổi thơ biền biệt biết đâu tìm
22 Tháng Mười Hai 202310:07 SA(Xem: 3224)
Như bài viết gần đây của ông về kênh đào Phù Nam của Cam Bốt, và đặc biệt như một tuyên bố gần đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet: “Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp)\”, xin ý kiến của ông về những vấn đề sau:
19 Tháng Mười Hai 202311:46 CH(Xem: 4042)
Dạo này sao mình hay nghĩ về cái chết. Mình giống như ba mình hồi trước thường bâng khuâng day dứt khi thấy tuổi già của nhiều người sắp rời bỏ dương trần thường sẽ bị đau yếu nằm yên một chỗ sống tật nguyển trong một thời gian. Ngày ấy ba đã phản kháng sợ kiểu sống như thế trước khi chết. Ý niệm của ba là khi hết số thì đi liền không đau bệnh. Và ước nguyện ấy đã thành sự thật, không đợi đến già yếu, đến lúc phải làm cho con cháu lo lắng buồn phiền, ba đã ra đi nhanh nhẹ nhàng không kịp cho ai phụng dưỡng ba dù chỉ một ngày.