- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

KHUẤT NGUYÊN TRONG TRÁI TIM NGUYỄN DU. Bài II : HỒN OAN NƯỚC SỞ HỠI, ĐỪNG VỀ !

02 Tháng Tư 201910:27 CH(Xem: 20791)

KHUAT NGUYÊN

Cũng như hai bài thơ Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu đã khảo sát ở phần I, trong các bài thơ còn lại về chủ đề này, Nguyễn Du vẫn say mê trò chuyện, luận bàn, thậm chí tranh cãi với Hồn oan nước Sở từ hơn hai ngàn năm, như hồn đang hiển hiện quanh quất bên mình, trên dòng sông lịch sử tựa một nấm mồ lớn đang vùi lấp thân xác của một con người tri âm tri kỷ đặc biệt đối với ông.

Đêm ở Tương Âm, một huyện thuộc tỉnh Hà Nam, có đoạn sông Tương gần với sông Mịch La nơi Khuất Nguyên trầm mình, Nguyễn Du lặng nhớ đến Khuất Nguyên từng thân thuộc với ông lâu nay qua sử sách. Thủy kinh chú sớ viết: “…ở quận Trường Sa có sông mà Khuất Nguyên tự trầm mình, núi sông trong sáng, khác với chỗ bình thường, dân lập miếu ở phía tây đầm Mịch. Ngày nay, miếu Mịch La ở bên sông Mịch La, cách phía bắc huyện Tương Âm 60 dặm… trước miếu có bia…”(1)

3. Tương Âm dạ

Mãn mục giai thu sắc

Mãn giang giai nguyệt minh

Tịch liêu kim dạ vọng

Thiên trích cổ nhân tình

Thu thủy tòng tây lai

Mang nhiên thông Động Đình

Tĩnh dạ tức ngâm khiếu

Vô sử giao long kinh.

湘陰夜 

滿目皆秋色,

滿江皆月明。

寂寥今夜望,

遷謫古人情。

秋水從西來,

茫然通洞庭。

靜夜息吟啸,

無使蛟龍驚。

Dịch nghĩa:

ĐÊM Ở TƯƠNG ÂM

Khắp chốn toàn là sắc thu. Khắp sông nơi nào cũng sáng trăng . Đêm nay vời trông khung cảnh hiu quạnh. Cạnh nhớ người xưa bị giáng chức đi đày. Nước thu từ phía tây đổ lại, Mênh mang thông với hồ Động Đình. Đêm yên tĩnh thôi đừng ngâm nga nữa, Chớ làm cho loài giao long kinh động.

             Vương Trọng dịch thơ:

Sắc thu ngời ánh mắt

Một dòng sông trăng đầy

Đêm nay nhìn cảnh vắng

Nhớ người xưa lưu đày.

Nước thu từ tây lại    

Vào Động Đình mênh mông

Đừng ngâm nga đêm vắng

Làm giật mình giao long.

Liên 1: Mãn mục giai thu sắc, Mãn giang giai nguyệt minh- Khắp chốn toàn là sắc thu. Khắp sông nơi nào cũng sáng trăng. Với hai câu đề lặp hai chữ mãn (đầy khắp) ở đầu câu, ta tưởng đâu tác giả đắm chìm trong cảm hứng về thiên nhiên tuyệt đẹp, khi cặp mắt ông tràn đầy sắc thu (mãn mục giai thu sắc), và cũng qua cặp mắt ấy, dòng sông thì tràn đầy ánh trăng thu được phản chiếu từ bầu trời đầy sắc thu (Mãn giang giai nguyệt minh). Nhưng, thực ra, cảnh vật đó càng khiến ông chợt lặng cả người, tê tái đến nôn nao tưởng nhớ đến số phận trớ trêu buồn thảm của Khuất Nguyên: Tịch liêu kim dạ vọng/Thiên trích cổ nhân tình-Đêm nay vời trông khung cảnh hiu quạnh, Chạnh nhớ người xưa bị giáng chức đi đày. Có cảm tưởng, khung cảnh thu càng trong, càng đẹp, hình bóng người xưa càng hiện về rõ nét, và Nguyễn Du càng cảm thấy cô độc khi in hằn tâm tưởng mình giữa không gian tràn trề trăng thu sáng ngời ngời, chúng chợt trở nên hiu quạnh (tịch liêu); cặp mắt ông đẫm lệ bởi “mãn trăng” và đồng thời có cảm giác thiếu vắng, trơ trọi đến vô cùng. Tâm trạng ấy dẫn đến liên 3: Thu thủy tòng tây lai / Mang nhiên thông Động Đình - Nước thu từ phía tây đổ lại, Mênh mang thông với hồ Động Đình. Trăng thu phản chiếu rờ rỡ trên sông kia chẳng qua chỉ là một mảnh của cả dòng nước thu đang cuồn cuộn đổ về, thông với hồ Động Đình bát ngát có liên quan tới nước Sở và Khuất Nguyên lúc cuối đời. Động Đình thuộc Hồ Nam, cũng nằm trong bản đồ nước Sở thời Chiến Quốc. Theo Thủ kính chú: “bốn con sông Tương, Tư, Nguyên, Lễ phía nam vào, sông Đại Giang từ phía bắc đi qua, hồ Động Đình tụ nước ở giữa gọi là Ngũ Chử… Nước hồ rộng tròn hơn 500 dặm, mặt trời mặt trăng giống như mọc lặn ở trong đó”(2). Còn theo Sơn hải kinh, núi Quân Sơn ở hồ Động Đình là nơi ở của hai người con gái vua Nghiêu, vua Thuấn…(3).

Trong Ly tao, Khuất Nguyên thường hay nhắc đến Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Chu Văn Vương… như những hình mẫu của người đứng đầu nhà nước mà ông mong vua Sở noi theo để hành đạo: Theo đạo chính nhằm đường ngay thẳng/ Nghiêu Thuấn xưa thiệt đấng minh quân (Ly tao). Trong khi u uất không than thở được với ai, ông đã mơ ước lên trời xuống biển để tìm được người hiểu mình. Ông từng trò chuyện trong tưởng tượng với vua Trùng Hoa (vua Thuấn), bày tỏ lý tưởng chính trị của mình, và điều đó chỉ có thể diễn ra ở vùng hồ Động Đình mang nhiều linh khí sông núi và truyền thuyết cổ xưa chứa đựng hoài bão cao cả của Khuất Nguyên...

Tới đây, Nguyễn Du như nghe thấy lời thơ tuyệt mệnh của Khuất Nguyên: Mênh mông Nguyên Tương/ Cuồn cuộn chừ sóng dồi/ Đường xa man mác/ Ngất tạnh chừ mù khơi (Hoài sa phú), và ông bất giác thốt lên: Tĩnh dạ tức ngâm khiếu/ Vô sử giao long kinh. Đêm yên tĩnh thôi đừng ngâm nga nữa, Chớ làm cho loài giao long kinh động (Liên 4). Ông muốn nhắn ai đó và với chính mình: trong khung cảnh tĩnh mịch bao phủ bởi linh khí đất trời và sự ngưỡng vọng Khuất Nguyên, đừng làm cho cá, rồng sợ hãi nhốn nháo, khiến oan hồn nước Sở nằm dưới đó không yên! Phải chăng, đó cũng là một lời an ủi đầy ý nghĩa đối với vong hồn đang vất vưởng, xót đau suốt bao thế kỷ, và đối với cả chính tác giả đương ngậm ngùi xót thương cho Khuất Nguyên? Toàn bài thơ là phương thức thi ca quen thuộc của văn chương phương Đông: “Dĩ vạn vật vi ngã” (lấy mọi vật để làm rõ mình) mà ở đây Nguyễn Du đã vận dụng nhuần nhị thông qua suy tưởng trĩu nặng của mình - Ánh trăng thu, dòng sông thu êm ả, nước thu cuồn cuộn đổ về, hồ Động Đình, đêm tĩnh mịch, giao long, và cái bóng của Nguyễn Du in trên dòng sông trăng thu đang vời nhìn về phía xa mù mịt… Rất có thể, chính trong cái tâm thế cảm xúc và suy tưởng đó mà Nguyễn Du viết Phản chiêu hồn.

4. Phản chiêu hồn

Hồn hề! Hồn hề! Hồ bất quy?

Đông tây nam bắc vô sở y.

Thướng thiên há địa giai bất khả,

Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi?

Thành quách do thị, nhân dân phi,

Trần ai cổn cổn ô nhân y.

Xuất giả khu xa, nhập cứ toạ,

Toạ đàm lập nghị giai Cao, Quỳ.

Bất lộ trảo nha dữ giác độc,

Giảo tước nhân nhục cam như di!

Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu,

Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì.

Hồn hề! hồn hề! suất thử đạo

Tam Hoàng chi hậu phi kỳ thì.

Tảo liễm tinh thần phản thái cực,

Thận vật tái phản linh nhân xi,

Hậu thế nhân gian giai Thượng Quan

Đại địa xứ xứ giai Mịch La,

Ngư long bất thực, sài hổ thực,

Hồn hề! hồn hề! nại hồn hà?

反招魂 

魂兮魂兮胡不歸,

東西南北無所依。

上天下地皆不可,

鄢郢城中來何為。

城郭猶是人民非,

塵埃滾滾汙人衣。

出者驅車入踞坐,

坐談立議皆皋夔。

不露爪牙與角毒,

咬嚼人肉甘如飴。

君不見湖南數百州,

只有瘦瘠無充肥。

魂兮魂兮率此道,

三皇之後非其時。

早斂精神返太極,

慎勿再返令人嗤。

後世人人皆上官,

大地處處皆汨羅。

魚龍不食豺虎食,

魂兮魂兮奈魂何。

Dịch nghĩa

CHỐNG LẠI BÀI CHIÊU HỒN

Hồn ơi! hồn ơi! sao chẳng về? Đông tây nam bắc không chốn nương tựa. Lên trời xuống đất đều không được. Còn trở về thành Yên thành Sính làm gì? Thành quách còn đây, nhân dân đã khác, Bụi bặm mù bay làm dơ bẩn quần áo. Ra ngoài thì ruổi xe, vào nhà ngồi chễm chệ, Đứng ngồi bàn bạc như hai bậc hiền thần Cao, Quỳ, Không để lộ ra nanh vuốt nọc độc, Mà cắn xé thịt người ngọt xớt. Không thấy sao mấy trăm châu ở Hồ Nam, Chỉ có người gầy gò, không ai béo tốt. Hồn ơi! hồn ơi! nếu cứ noi theo lối đó, Thì sau Tam Hoàng không hợp thời nữa. Hãy sớm thu góp tinh thần trở lại Thái Cực. Đừng trở lại đây nữa để người ta mai mỉa. Đời sau đều là Thượng Quan, Khắp mặt đất đều là sông Mịch La, Cá rồng không ăn, sói hùm cũng nuốt. Hồn ơi! hồn ơi! hồn làm sao đây?

        Khương Hữu dụng và Xuân Diệu dịch thơ :

Hồn ơi! Hồn ơi, sao không về?

Đông tây nam bắc không nơi tựa

Lên trời xuống đất đều chẳng xong

Về thành Yên, Sính làm chi nữa ?

Thành quách y nguyên, dân sự khác

Cát bụi nhớp cả quần áo người

Đi ra xe ngựa về vênh váo

Lên mặt Quì, Cao tán chuyện đời

Không lộ vuốt nanh cùng nọc độc

Mà xé thịt người nhai ngọt xớt !

Kìa hồn chẳng thấy: mấy trăm châu ở Hồ Nam

Chỉ có gầy nhom, không béo tốt !

Hồn ơi, vì cứ theo đường ấy

Sau Tam Hoàng thôi chẳng hợp thời !

Đành sớm thu hồn về thái cực

Chớ về đây nữa, người mỉa mai

Hậu thế đều là họ Thượng quan

Mặt đất đâu cũng sông Mịch La

Cá rồng không nuốt, hùm beo nuốt

Hồn ơi! Hồn ơi! biết sao mà ?

              Vương Trọng dịch thơ:

Sao không về, hỡi hồn ơi?

Đông tây nam bắc không nơi nương vì

Về thành Yên Dĩnh làm gì

Lên trời, xuống đất chẳng đi được nào

Thành quách cũ, người khác sao

Bụi bay mù mịt bẩn bao áo quần

Họ đi xe ngựa rầm rầm

Đứng, ngồi đàm đạo ngang tầm Quỳ, Cao!

Vuốt, nanh, nọc độc giấu vào

Thịt người chén ngọt khác nào đường, cam

Kìa hồn, nhìn xuống Hồ Nam :

Không ai béo tốt, gầy tàn trăm châu

Từ Tam Hoàng trở về sau

Hồn theo đường ấy còn đâu hợp thời?

Sớm tìm Thái cực đi thôi

Đừng về, mai mỉa miệng người thế gian

Đời sau, ai cũng Thượng Quan

Nơi nơi, chốn chốn sông toàn Mịch La

Rồng không nuốt, hổ cũng tha

Hồn ơi, hồn hỡi biết là làm sao?

Theo ông Phạm Trọng Chánh, bài thơ này Nguyễn Du làm lúc đi giang hồ năm 22 tuổi. Lúc đó nhà thơ mang tâm sự của người không nơi nương tựa, chưa muốn về chốn cũ, vì chưa biết tin anh Nguyễn Nễ. Thời thế đổi khác nhiều từ sau khi nhà Lê- Trịnh sụp đổ vào năm 1786. Hai anh Nguyễn Khản, Nguyễn Điều mất. Nguyễn Du sau khởi nghĩa cùng Nguyễn Đăng Tiến tại Thái Nguyên thất bại, được tướng Tây Sơn Vũ Văn Nhậm tha chết, sang Vân Nam rồi đi giang hồ khắp Trung Quốc… Tình hình Trung Quốc cũng chẳng yên. Do cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà Càn Long phát động, người dân Trung Quốc phải đóng góp vật lực nuôi lính viễn chinh, nên đời sống cơ cực, nghèo đói, không ai béo tốt. Thời thế trong giai đoạn này, từ Việt Nam sang đến Trung Quốc, Nguyễn Du thấy đâu đâu cũng là sông Mịch La, ai ai cũng là Thượng Quan; còn dưới triều Gia Long, thời thế đã ổn định, Nguyễn Du ra làm quan được trọng dụng, được thăng tiến nhanh chóng, hẳn sẽ không viết như thế.(4)

Chúng tôi chỉ đồng tình với ý kiến trên ở vế thứ nhất: Nguyễn Du làm bài thơ này lúc đi giang hồ năm 22 tuổi.

Nguyễn Du như tranh luận trực tiếp với người trên hai ngàn năm trước, tác giả của Chiêu hồn: Tống Ngọc - thuộc hàng học trò của Khuất Nguyên, người nước Sở, lãng mạn và đa tình, tác giả của nhiều bài từ, phú. (Trong Truyện Kiều có câu: Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh. Tống Ngọc là con người này, còn Tràng Khanh là Tư Mã Tương Như - cũng là một nhà từ phú nổi tiếng, được Tư Mã Thiên dành cả một thiên trong Sử ký. Sớm tối Kiều phải tiếp khách ở lầu xanh Tú Bà, nhưng toàn là khách phong lưu tài tử cỡ Tống Ngọc, Trường Khanh, không phải là loại khách tầm thường). Các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc cho biết: tác phẩm của Tống Ngọc gồm 16 thiên, trong đó có Cửu biện, Chiêu hồn. Từ thể tao do Khuất Nguyên sáng tạo ra, Tống Ngọc đã biến hóa để tạo ra thể phú. Ông cũng là người yêu chính nghĩa, ghét kẻ xu nịnh hãm hại người hiền, và Cửu biện của ông là tác phẩm ưu tú nhất trong các tác phẩm mô phỏng thơ ca Khuất Nguyên cho tới thời Hán cả về nội dung lẫn nghệ thuật, thể hiện tình cảm thương tiếc Khuất Nguyên một cách sâu sắc và tinh tế. Chiêu hồn đã phát huy, mở rộng nội dung và bút pháp của Cửu biện.(5)  

Tống Ngọc lập đàn giải oan cho Khuất Nguyên, đọc bài Chiêu hồn cầu cho hồn được siêu thoát. Nhưng Chiêu hồn đã nói những gì để Nguyễn Du phản bác lại quyết liệt đến thế, để rồi ông khuyên hồn Khuất Nguyên không nên trở về cõi trần đầy kẻ thâm hiểm gian ác?(6) Thực ra, bài Chiêu hồn giống như niệm chú của thầy phù thủy. (Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc còn cho rằng: trong tác phẩm này, hồn được gọi về chính là hồn của một Sở vương nào đó). Điều khiến Nguyễn Du phản bác không phải là cái nội dung trong bài từ của Tống Ngọc, mà là bản thân việc gọi hồn về trong bối cảnh nước Sở bại vong, sau khi những hiền tài trung lương bị đày đọa, hãm hại… Tống Ngọc kêu gọi hồn Khuất Nguyên hãy trở về nước Sở; còn những nơi Tống Ngọc khuyên hồn Khuất Nguyên đừng về được miêu tả thật rùng rợn. Lúc sinh thời, Khuất Nguyên đã để tâm hồn mình bay bổng tới để thoát ly cảnh sống ngột ngạt, tối tăm, nguy hiểm của triều đình hủ bại, ông tìm thấy không phải hàng chục mặt trời làm chảy đá ở biển Đông, hay băng tuyết phủ dầy phương bắc hoặc sa mạc cỏ cây không mọc được phía tây, cũng như lũ mãng xà vương, bọn xăm trán, bọn răng đen muốn ăn thịt hồn phương nam như Chiêu hồn dọa dẫm, mà là những hình ảnh chói lọi, huy hoàng như cảnh thần tiên mà Ly tao đã miêu tả.

Phản chiêu hồn được viết theo thể cổ phong, thất ngôn trường thiên, gồm có 20 câu.

Đầu tiên,Tống Ngọc gợi ý hồn nên về nước Sở, thì Khuất Nguyên phản bác lại ngay bằng bốn câu:

Hồn hề! Hồn hề! Hồ bất quy? Đông tây nam bắc vô sở y. Thướng thiên há địa giai bất khả, Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi? Hồn ơi! Hồn ơi! sao không về? Đông tây nam bắc không có nơi nào nương tựa. Lên trời xuống đất đều không được, Còn trở về thành Yên, thành Dĩnh làm gì?

Câu đầu tiên, Nguyễn Du như hiểu nỗi niềm bối rối của hồn trước những lời kêu gọi tử tế, chân thành, là hồn hãy trở về nước Sở; nhưng, sau hai câu cảm thán như một tiếng khóc, Nguyễn Du đưa ra câu hỏi tu từ, diễn tả sự chần chừ của hồn và sự thắc mắc của tác giả lẫn người đọc: hồn sao không về?

Tiếp liền, ba câu sau là sự khẳng định một sự thật đau lòng, nhằm lý giải ngay lập tức cái mắc mớ vừa nói trên: Đông tây nam bắc không có nơi nào nương tựa, Lên trời xuống đất đều không được, Còn trở về thành Yên, thành Dĩnh làm gì? Như vậy có khác gì nói thẳng với hồn: hồn đừng về trần gian nữa, vì còn chỗ nào mà về, cả Đông Tây Nam Bắc, dưới đất trên trời. Còn thành Yên, thành Dĩnh (Sính)  - hai thành thuộc nước Sở, sao lại không thể về? Về làm gì nữa, khi đó là địa ngục với hồn lúc còn trên dương thế! Khẩu khí luận chiến gay gắt với Chiêu hồn ngay từ khởi đầu. Nguyễn Du như ngầm bảo Tống Ngọc: gọi hồn Khuất Nguyên về làm gì nữa bởi bốn phương tám hướng đất trời không còn nơi nào cho hồn “nương tựa” cả. Hai chữ “hồn hề!” điệp lại như tiếng kêu xót thương não nùng: Hồn hề! Hồn hề! Hồ bất quy? Kinh đô nước Sở, và cả tổ quốc của Khuất Nguyên chẳng còn tồn tại nữa để cho hồn dung thân! Hồn đã tuyệt lộ ! Hơn ai hết, Khuất Nguyên đau đớn khi phải rời xa thành Sính, và lẽ ra, ông phải là người thiết tha mong được trở lại cố đô. Bài thơ dài Ai Sính của ông như một tiếng khóc đau đớn ngày ông buồn thương cho kinh đô của nước Sở là đất Sính bị Tần vây hãm, Sở Hoài Vương chịu nhục tại nước Tần: …Qua Hạ Thủ sang tây trông lại/ Cửa thành rồng nhìn mãi thấy đâu!/ Thở dài ngắm dãy cây cao/ Rưng rưng nước mắt tuôn trào như sương(7)

Phần thứ hai, tám câu tiếp theo, nhà thơ nói với hồn về một thế giới đau thương: Nhân dân lầm than, cái ác ngự trị, cùng những nguyên cớ gây ra nỗi bi thảm đang diễn ra trên nước Sở thời ấy.

Thành quách do thị, nhân dân phi, thành quách vẫn còn đấy, nhưng nhân dân đã khác, người không phải như xưa nữa đâu! Như xưa, Nguyễn Du muốn nói tới thời Khuất Nguyên sống. Đó là thời cái kỳ: Trần ai cổn cổn ô nhân y. Bụi bặm cuồn cuộn mù bay làm dơ bẩn quần áo. Trần ai (bụi)- hình ảnh tượng trưng cho một thời loạn lạc, nhân dân lầm than, đau khổ, mà bụi bặm đó chính là cái không gian ngầu đục, nhơ bẩn do lũ người “căn tính sói” đã tạo ra.

Xuất giả khu xa, nhập cứ tọa, hàm ý mỉa mai sâu cay: Ra ngoài thì ruổi xe, ngựa xe tiền hô hậu ủng, vào nhà ngồi chễm chệ, ngồi lỳ trên ghế quyền lực đã chiếm được bằng mọi thủ đoạn. Bọn nịnh thần được đặc tả bằng những nét rất điển hình của kẻ cơ hội, kiêu ngạo, sống xa hoa: “ngựa ngựa xe xe”, “vênh vênh váo váo”, và tọa đàm lập nghị giai Cao, Quì. Đứng ngồi bàn bạc như hai bậc hiền thần Cao, Quỳ, mở miệng ra nói toàn điều nhân đức như ông Cao ông Quỳ thời Nghiêu - Thuấn huyền sử, vốn là người thương dân thương nước thực sự. So sánh như thế, Nguyễn Du đã vạch trần bản chất tàn ác, tham lam nhưng đạo đức giả của bọn quan lại, quý tộc nước Sở khi đó đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhân dân. Chúng ta liên tưởng tới văn hào Lỗ Tấn thời hiện đại trong Nhật ký người điên từng kể: giở lịch sử ra tra cứu, “trang nào cũng có mấy chữ Nhân Nghĩa Đạo đức viết lung tung tí mẹt” nhưng đọc kỹ tới khuya mới thấy từ đầu chí cuối ở giữa các hàng ba chữ : “Ăn thịt người”; và nhà văn khái quát: “Bây giờ mới biết mình đã sống bao nhiêu năm ở một nơi mà người ta ăn thịt lẫn nhau từ bốn nghìn năm nay!”(8)

Từ câu 5 đến câu 8, Nguyễn Du đã cố ghìm sự phẫn nộ trong sự mỉa mai thực sâu cay.

Nhưng rồi Nguyễn Du đã không kìm được sự phẫn nộ nữa, ông cất lời lên án nghiêm khắc như của một quan tòa, vạch ra bản chất lang sói của bọn cầm quyền sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt dân lành, hèn hạ luồn cúi cầu thân với giặc để cầu vinh, chúng đẩy cả một đất nước vào thảm cảnh điêu linh, nhân dân bị áp bức, bóc lột tận xương tuỷ: Bất lộ trảo nha dữ giác độc, Giảo tước nhân nhục cam như di! Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu, Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì. Không để lộ ra nanh vuốt nọc độc, Mà cắn xé thịt người ngọt xớt như đường. Không thấy sao mấy trăm châu ở Hồ Nam, Chỉ có người gầy gò, không ai béo tốt ! Nguyễn Du đã vẽ lên sống động một loại người-thú có “vuốt nanh, sừng và nọc độc” nhưng lại gian ngoan xảo quyệt, không để lộ thủ đoạn và hành động man rợ: cắn xé thịt người ngọt xớt như đường!

Hồn hề! hồn hề! suất thử đạo,Tam Hoàng chi hậu phi kỳ thì.Tảo liễm tinh thần phản thái cực,Thận vật tái phản linh nhân xi, Hậu thế nhân gian giai Thượng Quan, Đại địa xứ xứ giai Mịch La, Ngư long bất thực, sài hổ thực, Hồn hề! hồn hề! nại hồn hà? Hồn ơi! hồn ơi! nếu cứ noi theo lối đó, Thì sau Tam Hoàng không hợp thời nữa. Hãy sớm thu góp tinh thần trở lại Thái Cực, Đừng trở lại đây nữa để người ta mai mỉa. Đời sau đều là Thượng Quan, Khắp mặt đất đều là sông Mịch La. Cá rồng không ăn, sói hùm cũng nuốt. Hồn ơi! hồn ơi! hồn làm sao đây?

Tám câu cuối khuyên hồn phải sớm liệu về trời, nếu trở về nước Sở lần nữa vẫn không thoát khỏi cái chết thảm khốc. Ngư Long - cá, rồng, sài hổ - hùm, sói, những hình ảnh tượng trưng cho cái ác, mọi thế lực thù địch với lòng nhân hậu, sự tử tế.

Sau sự phẫn nộ, giọng thơ đi vào chiều sâu tâm tình, khuyên nhủ. Nguyễn Du dẫn sử sách: Sau thời Tam Hoàng (Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, ba vị vua cổ nhất của Trung Quốc) - xã hội lí tưởng, tốt đẹp ấy đâu còn, nếu hồn cứ khăng khăng trở về là “không còn hợp thời nữa” tất sẽ bị người “mỉa mai” chê cười và xa lánh. Nguyễn Du khuyên hồn trở về với Thái cực - thuở ban đầu của trời đất, thời hoang sơ, khi con người còn chưa biết đâm chém hãm hại lẫn nhau bởi quyền lợi ích kỷ. Nhưng bảo Hồn đừng về đây nữa, để người ta khỏi mai mỉa chỉ là một cách nói giảm khinh, bởi điều đáng sợ nhất đối với Hồn chính là sự thật này: Đời sau đều là Thượng Quan, Khắp mặt đất đều là sông Mịch La. Cá rồng không ăn, sói hùm cũng nuốt. Thượng quan Ngân Thượng là quan địa phu nước Sở đã dâng đất cho Tần, xúi vua xa lánh ruồng rẫy Khuất nguyên, rồi cùng đồng bọn thao túng vua Sở làm khổ dân để vinh thân phì gia. Nguyễn Du muốn nói với Hồn: người đời nay và hậu thế trên đất Sở đều cùng một duộc với bọn Thượng Quan Ngân Thượng đó! Mịch La là nơi hợp lưu của hai sông là Mịch và La, nơi Khuất nguyên trầm mình, trong lời gọi Hồn, lại trở thành một địa danh khủng khiếp tượng trưng cho chốn địa ngục của những người trung nghĩa, mà thế gian này khi còn loại người như Thượng Quan thì mọi nơi chốn đều trở thành Mịch La! Đâu chỉ có bọn nịnh thần Thượng Quan thời ấy, mà khắp mọi nơi trên thế gian này đã/ đang đầy rẫy cái ác và cạm bẫy giết người. (Trong bài Tháng năm xem đua thuyền, Nguyễn Du cũng nói với Hồn Khuất Nguyên: Trong khói sóng mênh mông, lòng ta luống những đau thương và oán giận. Hàng năm chiêng trống chỉ  để vui chơi, nô đùa. Hồn có về thì cũng không có nơi chốn để nương tựa. Rắn rồng quỉ quái ở khắp nhân gian). Trong sự phẫn uất tột độ, Nguyễn Du vẫn đủ sự tỉnh táo để khái quát về nhân tình thế thái - không chỉ về nước Sở thời Chiến quốc mà về cả xã hội đương thời, ở nước ông và đất nước Trung Hoa ông đang trải nghiệm bằng vốn văn hóa lịch sử và bằng thực tế “sở kiến”, những điều trông thấy mà đau đớn lòng! Bọn vua chúa suy đồi, bọn gian thần và nhân dân nước Sở được Nguyễn Du đặt trong thế đối lập tương phản gay gắt, để nói lớn với Hồn như một tiếng thét đau đớn: Hồn ơi, hồn không còn chỗ nương tựa nào nữa đâu! Hồn vốn thanh cao, trong sạch, làm sao có thể về nước Sở để sống cùng bọn ác thú ăn thịt người ấy được! Đó chính là nguyên cớ thực sự và sâu xa chống lại việc chiêu hồn, chống lại bài Chiêu hồn.

Câu kết: Hồn hề! Hồn hề! nại hồn hà? Hồn ơi! Hồn ơi! Hồn biết làm thế nào, một câu hỏi thấm đầy nước mắt, gần như lặp lại câu đầu: Hồn hề! Hồn hề! Hồ bất quy? Hồn ơi! Hồn ơi! Sao không về? góp phần diễn tả tâm trạng quẩn quanh, bối rối, lo nghĩ, khó xử của Hồn, bởi Hồn vốn là người trung hậu, giàu tình yêu thương, dễ tin người, vì thế mà bao lần bị kẻ tiểu nhân cho sa bẫy, và cho đến chết vẫn ôm mối cô trung đáng thương. Trước khi Nguyễn Du “Bắc hành”, có nhiều bài thơ, câu thơ trong Thanh hiên thi tậpNam trung tạp ngâm cũng mang không khí bi thương và tâm trạng phẫn uất không kém Phản chiêu hồn, như Bát muộn (Xua nỗi buồn): Cát bụi che mờ thềm ngọc mười năm nay. Thành phủ xây dựng trăm năm trước, một nửa thành gò hoang, Các loài chim nhỏ bé đều bay lên cao hết. Sau các cuộc huyết chiến, cõi càn khôn trở nên nhơ nhớp. Quê nhà trong cơn binh lửa hẳn đã tiêu điều, Ở xa muôn dặm nghĩ đến mà rơi nước mắt. Bạn bè, bà con chỉ còn lại mấy hàng thư dưới đèn. Đêm thu vắng, cá rồng lặng lẽ, trăm mối u hoài chưa dẹp được chút nào! (Thập tải trần ai ám ngọc trừ, Bách niên thành phủ bán hoang khư.Yêu ma trùng điểu cao phi tận,Trĩ uế càn khôn huyết chiến dư.Tang tử binh tiền thiên lý lệ,Thân bằng đăng hạ sổ hàng thư. Ngư long lãnh lạc nhàn thu dạ, Bách chủng u hoài vị nhất sư).

Nhà nghiên cứu Trương Chính băn khoăn: “Lời thơ trong bài Phản chiêu hồn, sôi nổi mà đầy oán hận, không ra vịnh sử hoài cổ. Vì nếu thế thì giọng phải điềm tĩnh hơn, buồn man mác hơn, chứ đâu có cái ảo não thắt ruột, thắt gan đến thế.”(9) Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên nhận định: “Đại địa xứ xứ giai Mịch La! Bi phẫn biết chừng nào! Sao Nguyễn Du, con người hay sầu mộng và đa cảm nữa, lại có thể bất ngờ vút lên một câu thơ khái quát vĩ đại đến thế?... Phản chiêu hồn cũng như Hamlet là sự khẳng định chủ nghĩa nhân văn bằng cái nhìn phủ định.”(10) Còn nhà thơ Xuân Diệu thì có cảm xúc đặc biệt: “nhìn chung thơ trong Bắc hành tạp lục, đa phần để lại cảm giác chung của một buổi chiều thu tê tái. Buổi chiều đó là xã hội phong kiến ở Việt Nam, ở Trung Quốc, phản ảnh trong tâm hồn Nguyễn Du. Trên con đường đi sứ, nhà thơ được thấy nhiều cảnh xưa nổi danh và đây là những dịp tức cảnh, đề vịnh, cảm hoài… Nhưng Nguyễn Du là một tâm hồn nghệ sĩ lớn, nên có những cái vượt bậc đột ngột, có những cái lượng biến thành chất kỳ diệu, nghĩa là trong cái buổi chiều thu tê tái trên bỗng nhiên có sấm chớp mưa gió bão bùng, có bài Phản Chiêu hồn, căm giận trên đầu tóc dựng...”(11)

Nhiều bài viết đã nêu ra: giá trị tố cáo hiện thực gắn liền với tinh thần nhân đạo bao la là cốt cách, là vẻ đẹp của bài thơ Phản chiêu hồn. Điều đó là chính xác, song chưa đủ. Chúng tôi nghĩ, gần đây, có một số nhà nghiên cứu đã đi sâu vào tập Bắc hành tạp lục dưới khía cạnh tìm hiểu tư tưởng “giải ảo, giải thiêng” Trung Hoa cũng như chế độ phong kiến mạt kỳ, con đường này có thể giúp chúng ta giải mã được rất nhiều giá trị còn ẩn sâu trong thơ chữ Hán Nguyễn Du nói chung, bài Phản chiêu hồn nói riêng. Bài viết Nguyễn Du, từ giải ảo Trung Hoa đến giải thiêng chế độ phong kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng là khá tiêu biểu, có đoạn: “Dường như, bằng nghệ thuật, Nguyễn Du muốn nói rằng, Trung Hoa không phải là mảnh đất “thiên đường” như nhiều người ảo tưởng, mà chỉ là một “mảnh đất lắm người nhiều ma”, cũng đầy đau khổ và bất trắc.”(12)

Trong Phản chiêu hồn, chúng ta nhận ra: Nguyễn Du như mang trong lòng nỗi “ly ưu”, uất hận nóng bỏng của chính Khuất Nguyên, với tư cách là một “đồng tâm nhân”, ông thay mặt Khuất Nguyên ném ra lời lên án, phán xét hùng hồn, nghiêm khắc của một sử gia, và với sức mạnh của sự “phân tích tâm lý tàn nhẫn” (Phan Ngọc) của một nhà văn lớn.


MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

_________________

1, 2, 3. Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ. Thủy kinh chú sớ. Nguyễn Bá Mão dịch, Nxb Thuận Hóa & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005 tr. 568

4. Nguyễn Du trên quê hương Khuất Nguyên. Vanhoanghean

5. Sở nghiên cứu văn học, Viện KHXH Trung Quốc. Lịch sử văn học Trung Quốc. Tập I. Nhiều người dịch. Nxb Giáo dục 1997, tr.121-125

6. Bài Chiêu hồn: Hồn hỡi hồn về đây đừng ra bể Đông/ Ở đó hàng chục mặt trời làm chảy đá, chảy kim loại/ Hồn sẽ tiêu tan thành nước, đừng tin cậy vùng đó./ Hồn hỡi hồn về đây, đừng đi về hướng Tây/cát mềm ngàn dặm sa mạc mênh mông/ Ngũ cốc không mọc, sông hồ cạn queo/ Hồn sẽ bị đốt chóng khô, nên tránh hướng đó./ Hồn hỡi hồn về đây đừng lên miền Bắc,/ Băng giá như núi, tuyết phủ ngàn dậm,/  Hồn hỡi hồn về đây đừng xuống phương Nam,/ Đó là xứ rắn mãng xà vương khổng lồ,/ Bọn xăm trán, bọn răng đen sẽ ăn thịt,/ Hồn để cúng tế, nấu xương hồn làm canh... (Bình Nguyên Lộc. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971, tr. 808-809). Theo Bình Nguyên Lộc, đất phương nam tả trong bài thơ Chiêu hồn không phải là nước Văn Lang hay Âu Lạc, mà đại khái là vùng Lĩnh Nam. Người Việt tộc ở Lĩnh Nam xăm trán, nhuộm răng đen. Người Lạc Việt tổ tiên ta cũng xăm trán, nhuộm răng đen. Tức cái tục xăm da, nhuộm răng là tục chung của nhiều nhóm Bách Việt.

7. Theo: Văn học Trung Quốc- Tài liệu tham khảo, tập 1. NXB Giáo dục, 1963.

8.  Lỗ Tấn. Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn học 2004, Trương Chính dịch, tr. 20, 31

9. Trương Chính. Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nhà xuất bản Văn học. 1978.

10. Trung tâm nghiên cứu Quốc học. Nguyễn Du toàn tập, TII. Mai Quốc Liên-Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú thích. Nxb Văn học 2015. tr.11.

11. Xuân Diệu. Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Tập I. Nxb Văn học1981.

12. Viện hàn lâm KHXHVN &Viện văn học. Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du: 250 năm nhìn lại. Nxb KHXH, HN 2015. Tr. 276. Xin tham khảo thêm bài: Bắc hành tạp lục- sự thức ngộ của Nguyễn Du về Trung Hoa của Trần Thị Băng Thanh, cũng trong sách này.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 38699)
t huở ấy tự đỉnh chiều áp thấp mỏm vực mưa ai đó gieo mình một màu sắc nhọn như đinh trổ vào lênh loang nhớ
14 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 36769)
K hác với quân đội của các đế quốc, quân đội Việt Nam đã luôn phải xây dựng sức mạnh trên chính lòng ái quốc của dân tộc mình. Ngay cả khi Đại Nam đạt đến sức mạnh của một đế quốc Đông Dương, quân đội Đại Nam chưa biết vận dụng sức lực của các sắc tộc Chàm, Ai Lao hay Thủy Chân Lạp. Sức mạnh của quân đội Việt Nam là sức mạnh của sự đoàn kết, chết để giữ đất và chết để mở đất, của sắc tộc Kinh. Mạc Cửu ở Hà Tiên là một biệt lệ.
12 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 33863)
C hập chùng đồi núi mây vô ngại Thênh thang trang giấy nốt nhạc trầm Bùn sen ngan ngan trăng đại hải Cánh cửa xuân thì đương mưa râm.
11 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 38522)
T ôi luôn nhớ cái cách Peter áp sát vào người tôi, rối rít, cuồng si, dịu dàng, hung bạo và cho tôi một cảm giác kích thích chưa từng có. Cái cảm giác đó vượt qua tất cả, nó như mách bảo rằng hãy yêu, hãy đánh đổi hết, cả công việc, cuộc đời, tương lai, giá trị đạo đức cũ rích của loài người, để ôm trọn vẹn Peter vạm vỡ trong tay, để cảm thấy Peter trong người mình, cảm thấy sự sẻ chia ngọt ngào, đau đớn, điên cuồng, lạ lùng của một tình yêu vượt thoát trên mọi lý lẽ…
08 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34363)
t rời đương nắng xin đừng ra bửa củi sợ mưa về kéo rụp cả chân mây trời hết nắng. thôi đừng ra sân nữa để ôn nhu còn đậm nét chơn mày
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 36693)
T uần rồi, nhân kỷ niệm 70 năm ngày 6 tháng 6 năm 1944 khi quân Đồng Minh đổ bộ chiếm bờ biển Normandy để từ đó tiến vào giải phóng Âu Châu đang bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, hệ thống truyền hình PBS chiếu một loạt phim tài liệu liên hệ, trong số đó tôi có dịp xem hai phim, đó là “D-Day 360” do Windfall Films của Anh Quốc sản xuất dưới quyền đạo diễn của Ian Duncan; và phim “D-Day’s Sunken Secrets” do NOVA thuộc PBS thực hiện.
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 36414)
D ohamide là một tên tuổi quen thuộc trên báo Bách Khoa trước 1975, chuyên khảo về lịch sử và văn minh Chàm. Đã xuất bản năm 2000: “Dân Tộc Champa: Hành trình Tìm về Cội Nguồn”. Xuất thân Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và tốt nghiệp M.A. Đại Học Kansas, Hoa Kỳ. Lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc nên rất am tường về hệ sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đây là bài điểm sách thứ hai của anh Dohamide nhân dịp CLCD BĐDS tái bản lần thứ 3.
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 33269)
e m đừng hỏi tôi một thứ tình yêu mỏng như giấy kẹp thời buổi lơ mơ hàng họ giấy má tái sinh hầm cầu những khuôn mặt người từ đâu hoang mang đại để kim rãi đường mũi dùi cắm sâu vào họng nựng nịu lũ đầu têu hí hửng cá độ hung tàn
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 28242)
...nhắc đến cuộc vượt thoát của những cựu lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn, người ta không khỏi bồi hồi nhớ lại những cái chết ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh chỉ mới hai tháng trước. Ngày 18/4 năm 2014 đã có những người Duy Ngô Nhĩ tị nạn, tuyệt vọng tự sát tại cửa khẩu Quảng Ninh. Hình ảnh thi thể của họ bị vất nằm ngổn ngang trên những chiếc xe lôi đã đem đến cho chúng ta cái cảm giác bất nhẫn, thương tâm.
04 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 32198)
A nh đang làm gì sao chưa ngủ Em biết anh đang yêu Như vòng tròn tự vẽ Như cởi truồng tắm với vòi sen Em không ghen sao anh lại sợ Một bề mặt phi lý của đêm...