- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CÓ THỂ MÙA XUÂN NÓI VỚI ANH

27 Tháng Ba 201912:35 SA(Xem: 21865)

Mơ Xa - ảnh UL
Mơ Xa - ảnh UL
 

CÓ THỂ MÙA XUÂN NÓI VỚI ANH

 

Tấm huy chương còn mặt trái không ngờ 

Làm sao chiếu đời nhau nơi góc khuất

Biết tìm đâu tấm lòng chân thật

Se sắt theo nhau đi hết cõi người.

 

Có thể em còn nửa khoé cười 

tiếng lụa xé mười phương ai vãn 

Dẫu bầu trời muôn ngàn chấm sáng

Vẫn lẻ loi khi vắng một tinh cầu.

 

Có thể anh chẳng còn nữa buồn đau

Giấu một góc ngăn tim hình giọt lệ

Sờ qua vai nghe tuổi mình sóng bể

Quay hướng nào lòng cũng hóa nương dâu.

 

Có thể thời gian vừa trổ nhánh sầu

Tiễn ngày tháng của tình người ngao ngán

Ngửa mặt cười khan, đem lòng rao bán

Bầu trời anh mây xẻ lối điêu tàn.

 

Anh trót gieo vào cõi hỗn mang  

Cả vốn liếng của đời thừa vung vãi

Để bây giờ thánh thần cũng vụng dại

Xô đẩy anh, con chiên ghẻ lạc đàn.

 

Có thể anh ngạo mạn chẳng màng

Xem công danh, lợi lộc là phù thế

Và được mất chẳng qua trò con trẻ

Chỉ thời gian trổ lạch phía ta về. 

 

Anh đọc em - những phụ trang bên lề 

tưởng nghiền ngẫm trang đời toe cả gáy

suốt nẻo hoang vu lòng như cỏ dại  

tìm người làm vườn giẫy cỏ vun cây.

...... 

Vạch một nét chì vào tay

mùa xuân đã cạn lời tái bút 

những dòng thơ mang bộ mặt sáp 

sấp ngửa xuống hàng.

 

Nguyễn Huyền Thoại Vy


NGƯỜI ĐỪNG ĐỌC THƠ TÔI !

 

Này người, chớ đọc thơ tôi

chẳng có gì ngoài cơn gió lùa

trong căn nhà vắng

những âm ghép rời rạc

qua khu vườn lòng cỏ đã lên xanh.

 

Đừng đọc thơ tôi, những chữ trống không. 

bầy ký tự bám nhau lỏng lẻo

những phụ âm cười cợt nguyên âm - ôm vai bá cổ

thiếu nỗi nhân từ. 

 

Đừng đọc những bài thơ vụng đường tu

chữ nghĩa tôi như con chiên lạc bầy

chẳng dọn lòng trông cậy, không lớn khôn từng ngày.

 

Người đừng đọc những câu thơ nông nổi khói mây

lời tung hô ca ngợi khuôn sáo

ẩn sau nụ cười xã giao 

những dụ ngôn khoác áo đồng dao

chỉ dành cho người lớn 

mệt nhoài.

 

Này người, chớ đọc thơ tôi !

chẳng có gì ngoài khoé môi gượng gạo

nếm đủ bội bạc, ân tình

những câu thơ tôi tặng riêng mình

chẳng còn gì ngoài lau trắng

chẳng có gì thắp lên ngày 

mưa nắng ?

đã gội trên phế tích tiêu điều.

 

Đọc gì những câu thơ như ngọn cỏ liêu xiêu

rạp mình theo gió

đừng ví thơ như giọt cam lồ sau cùng đã cạn

nhân danh tự do

rao bán cả thánh thần. 

 

Đừng đọc những vần thơ lùi lại nhìn mình  

xuyên qua bản thể 

tôi đi tìm tôi

tìm nỗi buồn tro nguội

những ký tự sinh thành từ nước mắt 

cho câu hát ngân lên trong vắt

ứa ra từ tim.

 

Nguyễn Huyền Thoại Vy

 


SONATA THÁNG CHẠP

 

Tháng chạp dắt mưa về quán nhỏ

Ngày vẫn lên xanh, rêu khép nép hẹn hò

Tháng chạp mắc mưa vào nhớ

Ngực phố lô xô, mái ngói nghẹn lời

Vai chẳng rộng, tay chẳng dài 

Để che những ngôi nhà

xám lạnh .

 

Chuyến xe thổ mộ đi vào quá vãng

Chở chiều về qua nẻo đường muôn vạn

Giữa nhịp phố gầy, quán cũng nhỏ theo mưa.

*

Hàng cây tỉnh giấc trưa

Dụi mắt lá hiền minh

Sau mái phố lim dim ngái ngủ

Bỏ lại mùa thao thức sau lưng

Phố khép lại nụ cười ấp ủ

Nơi cánh cửa mùa thu đầy gió

Quán nhỏ vai gầy cũng ướt theo mưa.


Nguyễn Huyền Thoại Vy

 

 

NIÊM HOA

 

Một hôm cõng núi lên buồn 

Một tôi phác thảo nửa khuôn mặt mình

Một hôm ngồi với lặng thinh

Phủi tàng hoa các vô minh

nói cười 

Một hôm ngồi nhớ mặt người

Tay năm ngón núi xô trời cô liêu

Một tôi,

ngồi với quạnh hiu

Mỗi mình thương nỗi tiêu điều 

hoa rơi ...

 

Nguyễn Huyền Thoại Vy


 

NHỎ NHẸ VỚI MÙA XUÂN

 

Thương nữ là cỏ dại

nào phải đâu hoa nhường 

qua bao cuộc phù thế

biết rồi sẽ tang thương.

 

Hỏi hoa nội bên đường   

mai về miền bụi đỏ 

tình non như ngọn cỏ  

thiếp ngủ trên thung sầu.

 

Lời thì thầm nhỏ nhẹ

giấc miên xuân gọi mời

cỏ hoa mừng rẽ lối

gối đầu lên hoang đồi.

.......

Thương nữ là cỏ nội

đâu phải nhành thiên hương

mười ngón tay làm chiếu 

Đan giữa giấc miên trường. 


Nguyễn Huyền Thoại Vy


 

BUỒN 

 

Đừng hỏi vì sao buổi chiều thắp lửa

Mà sầu tư không cháy 

ngọn nến lụn dần cuối ngày  

Buồn sao mà cai được ?

Buổi mai gõ cửa chợ chiều 

mua thêm dăm ba điều ước 

làm quà tất niên

con gà và chị hàng xén thi nhau mắng như tát nước

khuyến mãi thêm một cái nguýt dài 

bác xe ôm dắt xe qua bên kia đường 

tránh đuôi mắt dao cau

sát thương

Gọi hoài gọi huỷ vận may nhật thực

người đàn ông bán tăm lầm lũi đi

bỏ mặc sau lưng năm cùng tháng cạn

Đừng hỏi ngã tư tấp nập

sao không bật hoài đèn xanh đèn đỏ 

để những chiếc xe đạp cải tiến 

còn dừng lại giữa ngã ba chiều rao hủ tiếu, cá viên chiên

thương chi những mảnh đời biến động 

ta và chiều vá víu nhau cho lành lặn nỗi buồn

nhân danh những hoàng hôn đã ngún 

đốt ngọn bấc ngày thành tro.

 

Nguyễn Huyền Thoại Vy
(18/01/2019)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31440)
D ưới đây là bài “Nguyễn Hữu Hồng Minh - Nhà thơ hiện nay như con sói trụi lông...” của "Văn Chương Việt" phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Văn Chương Việt”TCHL
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37329)
Nhân viên mai táng đến thật đúng giờ khiến María Dos Prazerès, còn khoác áo choàng tắm và đầu gắn các kẹp tóc, chỉ kịp giắt một đoá hồng đỏ lên vành tai để không xuất hiện quá ít quyến rũ như bà đang ấn tượng về chính mình.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35266)
Đ êm đọc những bài thơ của em Quả thật không sao giấu được nụ cười Vài ý nghĩ muốn làm một tuyển tập Gồm những bài thơ cứt thời gian
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33152)
D ưới đây là bài “Trần Vũ: mỗi con người trưởng thành mang trong mình một tín ngưỡng văn chương” của Da Màu phỏng vấn nhà văn Trần Vũ. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Da Màu.” TCHL
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33188)
A nh giới thiệu với tôi tên cô nhưng không nói cô là gì của anh, một cách ngầm bảo tôi hiểu thế nào cũng được, cô có thể là tình nhân mà cũng có thể là em họ xa (chẳng hạn). Anh cũng nói thêm cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyến này sang Mĩ du lịch và định ở lại chơi chừng hai tháng. Cô đẹp, dĩ nhiên—tôi chưa thấy anh đi với người đàn bà không nhan sắc bao giờ—nhưng không còn trẻ nữa. Tuy thế thật khó đoán tuổi cô, có thể ngoài ba mươi, có thể hơn. Cô ít nói. Hình như cô chẳng để tâm gì đến câu chuyện giữa tôi và Quang mà chỉ ngồi trầm tư uống cà phê, phóng tia mắt ra ngoài khơi, nơi có những cánh buồn trắng dật dờ trên mặt biển như đang trôi về nơi vô định.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30468)
C on hẻm vắng người lạ kỳ dẫn cô vào một cửa tiệm u tối, ngoài cửa kính màu sắc thế kỷ thứ 18 chỉ treo vỏn vẹn một biển hiệu xộc xệch và bức tranh chân dung sỉn màu. Cô ghé lại gần nhìn kỹ và choáng váng; chân dung của chính cô, lệch lạc, méo mó nhưng đúng là đường nét Á đông của đôi mắt 1 mí cách xa nhau, sóng mũi thấp, gò má tròn dẹt và đôi môi hơi cong hai bên khóe.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 29995)
H đã rời bỏ nơi chốn chúng tôi cùng rong chơi “ nơi đó sặc mùi lừa bịp – H nói những cái thớt và những đứa liếm thớt H không chịu được mùi không phải của người”
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30245)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30718)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31379)
T ình trạng dịch thuật hiện nay ở Việt Nam đang ở mức cần phải báo động. Radio RFI đã dành nhiều chương trình cho những buổi nói chuyện với nhiều dịch giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Sau Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên là những nhận định có phần nghiêm khắc của dịch giả Trần Thiện-Đạo đã sống ở Paris trên nửa thế kỷ. Trước 30-04-1975, Trần Thiện-Đạo cộng tác với các báoVăn, Tân Văn, Bách Khoa, Nghệ thuật... ở Sàigòn và hiện nay vẫn thường xuyên gửi bài in trên các sách báo văn học trong-ngoài nước. Ý kiến của Trần Thiện-Đạo sẽ như một liều thuốc đắng, may ra giã được một số tật cố hữu trong địa hạt dịch thuật của Việt Nam.