- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

KHUẤT NGUYÊN TRONG TRÁI TIM NGUYỄN DU. Bài I : HƯƠNG HOA LAN CỦA HỒN OAN NƯỚC SỞ

09 Tháng Ba 201910:26 CH(Xem: 21986)

           


THI HAO NGUYEN DU
Đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820) - ành Internet


     H
ơn hai trăm năm trước, trong một cuộc “Bắc hành”, đại thi hào Nguyễn Du đã viết tới tám bài thơ chữ Hán về Khuất Nguyên hoặc có liên quan tới Khuất Nguyên. Trong “tòa lâu đài” thơ chữ Hán Nguyễn Du (Mai Quốc Liên), có một mảng thơ rất quan trọng là nói về các danh nhân văn hóa - lịch sử, đặc biệt là về các bậc thầy văn chương Trung Hoa. Tám bài thơ nói trên mà chúng tôi sẽ khảo sát có trữ lượng suy tưởng - cảm xúc cực kỳ phong phú, sâu sắc, cho thấy cả trái tim lớn của đại thi hào nước Việt dành cho một nhà thơ-nhà ái quốc vĩ đại của Trung Hoa cổ xưa, đồng thời thể hiện bút pháp siêu việt của Nguyễn Du trong khả năng khám phá chiều sâu tâm hồn bản thân lẫn đối tượng miêu tả, trong sự sáng tạo về nghệ thuật ngôn từ của một nhà văn-nghệ sĩ Việt Nam kiệt xuất thời Trung đại.

Khuất Nguyên là nhà thơ Trung Quốc duy nhất được nhân dân dành cho một ngày lễ đặc biệt được tiến hành hàng năm, đúng vào ngày nhà thơ trầm mình, từ suốt hơn hai ngàn năm nay, đó là tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5, có phong tục bơi thuyền rồng, ném bánh gói lá xuống sông để giao long ăn bánh đừng rỉa xác Khuất Nguyên… Tác phẩm Sở từ của Khuất Nguyên đã được dịch in ở Việt Nam từ hơn bốn chục năm trước, gồm 6 chương: Cửu ca, Bốc cư, Ngư phủ, Ly tao, Cửu chương, Thiên vấn(1) trong đó tuyệt tác Ly tao.

Trước khi Nguyễn Du tới các địa danh nước Sở gắn với một con người mà nhà tư tưởng lớn Dương Hùng thời tiền Hán từng ca ngợi: “Ông quả là viên hồng ngọc, là tấm pha lê”(2), qua sách vở không lúc nào rời xa, đại thi hào chắc hẳn đã nhiều lần rung động, đồng cảm, đồng điệu sâu sắc với một bậc quân tử kì tài ôm nỗi thống khổ tới cực độ cào xé tâm can, thành nỗi hận ngàn thu gửi gắm trong thơ ca. Thời tuổi trẻ, trong một đêm dài lạnh Không ngủ (Bất mị), Nguyễn Du đã Ngầm đọc bài Hỏi trời (Ám tụng Vấn thiên chương) - tức tác phẩm Thiên vấn trong bộ Sở từ của đại thi hào Khuất Nguyên, mong tìm được lời giải đáp cho những trăn trở cùng nỗi buồn trĩu nặng của ông về cái cuộc đời nhiều cạm bẫy đối với người lương thiện, mà ông gọi là Vô cùng kim cổ thương tâm xứ- Đó là chỗ đau lòng vô hạn xưa nay. Cái thời đại Khuất Nguyên sống mà Nguyễn Du từng lắng sâu hồn mình vào để cảm thụ thấu hiểu, là cái thời đại được nhà Phương Đông học nổi tiếng N. Konrat đã phân tích kỹ lưỡng về bản chất, trong đó, theo Tư Mã Thiên, con người được chia làm hai loại Quân tử và Tiểu nhân. Luận Ngữ của Khổng Tử phân biệt: Quân tử chỉ loại người có trí tuệ và phẩm chất đạo đức cao, Tiểu nhân là kẻ có phẩm chất ngược lại. Đến Tư Mã Thiên, ông vạch ra: khi kẻ tiểu nhân biến thành kẻ dã man và biến văn hóa thành giả ngụy khiến xã hội và nhà nước suy đồi, bại vong, càng cần tìm đến cái trung (sự thành thực), tức là bản tính trong sáng, thuần khiết, cái Tâm của con người mà cốt lõi là chữ Nhân, là tình thương yêu đối với con người; như khái quát của Tăng Tử về Đạo của Khổng Tử: thành thực và từ tâm (trung và thứ).(3) Đó cũng là giai đoạn lịch sử mà Trang Tử nhận định: “Ngày nay kẻ sĩ ở vào cái thời hôn quân loạn thần thì làm sao mà khỏi khốn khổ cho được. Chứng cớ là Tỷ Can bị moi tim đấy.”(4) Sau này, khi tới trước mộ Tỷ Can, Nguyễn Du đã bùi ngùi trước số phận của người đã dũng cảm can gián vua Trụ, nên đã bị ông vua tàn bạo mổ bụng để xem tim, trong khi các vị quân tử khác đều trốn tránh hay giả điên đều giữ được tính mệnh (Tỷ Can mộ). Lòng trung nghĩa, khí phách can trường cùng số phận bi đát của các bậc nghĩa liệt, như Tỷ Can, Dự Nhượng, Liêm Pha, Hàn Tín, Văn Thiên Tường, Nhạc Phi, Âu Dương, Bùi Độ, Cù Thức Trĩ, v.v đã tạo nguồn cảm hứng sâu sắc cho Nguyễn Du trên vạn dặm Trung Hoa.

Nhưng, trước và trong khi “Bắc hành”, là người ôm mộng văn chương xuất thân hàng ngũ quý tộc, với vốn Nho học dầy dặn được đào tạo bài bản qua “cửa Khổng sân Trình”, Nguyễn Du đã từng trăn trở đi tìm thêm cái nguyên do, cái cội nguồn của sự sáng tạo văn học, thông qua những bậc thầy văn chương nước bạn như Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Liễu Tông Nguyên, v.v, cùng những tư tưởng văn học từ thời cổ đại Trung Quốc, mà đặc biệt là cái tư tưởng “xem văn học như một sự tự biểu hiện của những chiều sâu bí ẩn của tồn tại. Với tư cách đó người ta sử dụng văn học vào việc sáng tạo cuộc sống và bản thân con người như là nơi chứa đựng của khí, một thực thể cực kỳ tinh vi của thế giới, như là điểm quy tụ của tinh thần thế giới có khả năng nhận được hồi âm từ mọi phía của vũ trụ… là một sự đột phá trong khoảnh khắc vào bản chất, là sự bừng sáng thi vị, một trong những phương thức nhận thức siêu cảm tính.”(5)

Như thế là, Nguyễn Du quan tâm sâu sắc tới số phận của Khuất Nguyên không chỉ bởi đó là một nhân cách sáng chói về đạo làm người trong thời đại loạn ly, tàn bạo, mà còn bởi đấy là một nghệ sĩ ngôn từ, được đời sau đánh giá: “Bắt đầu từ Khuất Nguyên tác giả cá nhân trong thơ đã trở thành chuẩn mực”(6); Nguyễn Du không chỉ coi “ngôn từ chỉ là môi giới của cái vĩ đại” (6), mà ông đã coi bản thân ngôn từ nghệ thuật cũng là một hiện hữu vĩ đại không kém, “là một sự đột phá trong khoảnh khắc vào bản chất, là sự bừng sáng thi vị, một trong những phương thức nhận thức siêu cảm tính.”

Chắc chắn Nguyễn Du đã biết tới Khuất Nguyên qua Sử ký của Tư Mã Thiên, mà điều ông tâm đắc nhất trong đó là sự kết hợp giữa cái khí chất con người Khuất Nguyên với văn chất của Khuất Nguyên như hai mặt của một tờ giấy mà sử gia vĩ đại đã phát hiện thần tình: “Khuất Bình theo đạo ngay đi đường thẳng, dốc hết lòng trung, đưa hết trí khôn ra thờ vua, nhưng lại bị kẻ gièm pha ly gián, có thể gọi là ở vào cảnh khốn cùng vậy!… Khuất Bình viết Ly Tao là do oán thán mà ra vậy!... Nó nêu rõ tầm quan trọng của đạo đức, nguyên nhân làm nước nhà trị hay loạn, không có chuyện gì là không nói đến. Văn ông ngắn gọn, kín đáo, chí ông trong sạch, nết ông thanh cao; tuy nói những điều vụn vặt, nhưng ý nghĩa rất rộng; việc nhắc đến tuy gần, nhưng nghĩa thì xa. Chí ông trong sạch nên hay nói đến cái hoa thơm. Nết ông cao cho nên dù chết cũng không được dung nạp. Ông thoát khỏi cái thế giới bùn lầy như con ve bỏ lốt ở nơi dơ đục, để cất mình ra khỏi đám bụi trần chẳng để cho đời làm dơ bẩn. Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen. Suy cái chí ấy thì ông có thể thi sáng với Mặt Trăng, Mặt Trời vậy!”(7) Sau Tư Mã Thiên trên hai ngàn năm, nhà Đông Phương học người Nga Alecxâyep cũng nhấn mạnh tới vẻ đẹp của văn chương Khuất Nguyên hòa hợp kỳ diệu với chiều sâu tâm hồn ông: “Phong cách thơ của ông có một hình thức hàm súc, ngôn từ của ông tinh vi và không dễ hiểu, tâm hồn ông thuần khiết, hành vi ông trong sạch không một vết nhơ. Tất cả những gì ông nói bằng thơ hình thức thì không lớn, nhưng về nội dung thì rất to tát, vượt ra ngoài mọi thước đo. Những cái ông đưa vào hình ảnh thì gần gũi, nhưng ý tứ thì sâu xa…”(8). Rõ ràng là bắt đầu từ Khuất Nguyên, văn chương đã có một mẫu hình tác giả và thoát thai ra khỏi các tài liệu triết học - đạo đức - chính trị mà sẽ còn ám ảnh suốt nhiều thế kỷ sau đó ở các nước Á Đông.

Thiết nghĩ, trước khi đi vào các bài thơ cụ thể của Nguyễn Du viết về Khuất Nguyên, cần đưa ra vài ý tưởng có tính chất tiền đề như vậy, để có một lối đi, một cánh cửa bước vào khả dĩ có thể hiểu một cách tương đối thấu đáo những gì mà Nguyễn Du với tư cách là một nhà văn-nghệ sĩ muốn gửi gắm về một tác giả vĩ đại của Sở từ, qua các bài trong Bắc hành tạp lục: 1, 2. Tương Đàm điếu Tam Lư Đại Phu, 3. Tương Âm dạ, 4. Phản Chiêu Hồn, 5. Biện Giả Nghị, 6.Trường Sa Giả Thái phó, 7. Ngũ nguyệt quan cạnh độ, 8.Thương Ngô trúc chi ca kỳ11(9).

1. Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu 1

Hiếu tu nhân khứ nhị thiên tải,

Thử địa do văn lan chỉ hương.

Tông quốc tam niên bi phóng trục,

Sở từ vạn cổ thiện văn chương.

Ngư long giang thượng vô tàn cốt,

Đỗ nhược châu biên hữu chúng phương.

Cực mục thương tâm hà xứ thị,

Thu phong lạc mộc quá Nguyên Tương.

湘潭弔三閭大夫其一 

好修人去二千載,

此地猶聞蘭芷香。

宗國三年悲放逐,

楚詞萬古擅文章。

魚龍江上無殘骨,

杜蒻洲邊有眾芳。

極目傷心何處是,

秋風落木過沅湘。

Dịch nghĩa

ĐẾN TƯƠNG ĐÀM VIẾNG TAM LƯ ĐẠI PHU1

Người ham muốn tu dưỡng đức tốt cho đời ra đi đã hai nghìn năm. Đất này còn thoang thoảng mùi hương của hoa lan, cỏ chỉ. Ba năm bị đày xa tổ quốc (tông quốc) khôn xiết đau buồn. (Nhưng) muôn đời Sở Từ của ông vẫn là áng văn chương tuyệt tác. Trên sông đầy cá, rồng, vì vậy nắm xương tàn không còn nữa. (Nhưng) bên bãi sông đầy hoa đỗ nhược có thêm những giống cỏ thơm. Nhìn hết tầm mắt, đau lòng vì chẳng biết dấu tích cũ ở nơi nào, Chỉ thấy gió thu thổi lá rụng qua sông Nguyên Tương.

Sông Tương đã là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thi ca Trung Quốc và Việt Nam, như Kinh Thi có câu: Quân tại Tương giang đầu,Thiếp tại Tương giang vĩ, Tương giang bất tương kiến, Đồng ẩm Tương giang thủy. (Chàng ở đầu sông Tương, Thiếp ở cuối sông Tương, Sông Tương không gặp mặt, Cùng uống nước sông Tương), như chính Nguyễn Du viết trong Đoạn trường tân thanh: Sông Tương một dải nông sờ. Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia… Sông Mịch La là một nhánh chảy vào sông Tương. Sách Thủy kinh chú sớ đã trích nhiều sách sử viết về địa danh này gắn với Khuất Nguyên: “Trường Sa có sông Mịch La là sông mà Khuất Nguyên trầm mình ở đấy… Khuất Nguyên đến bờ sông, làm bài Hoài sa phú rồi ôm đá nhảy xuống sông Mịch La tự tử. Cho nên đầm sâu lấy tên là Khuất. Ngày xưa Giả Nghị, Sử Thiên đều từng đi qua chỗ này, dừng mái chèo, thả bài điếu Khuất Nguyên xuống vực…”(10)

Theo ông Phạm Trọng Chánh, Nguyễn Du có đến huyện Tương Đàm thuộc tỉnh Hồ Nam thời đi giang hồ năm 1789 vào tháng 5, lúc có đua thuyền kỷ niệm tết Đoan Ngọ; và nhiều năm sau lúc đi sứ lại qua đây, làm bài thơ Đến Tương Đàm viếng Tam Lư Đại Phu, có câu: Chỉ thấy gió thu thổi lá rụng qua sông Nguyên Tương, chứng tỏ bài thơ này làm vào tháng 7 năm 1813. Chúng tôi nghiêng về ý kiến này(11).

Hai câu đề khẳng định ngay một điều như chân lý không ai có thể chối cãi: Hiếu tu nhân khứ nhị thiên tải, Thử địa do văn lan chỉ hương. (Người ham muốn tu dưỡng đức tốt cho đời ra đi đã hai nghìn năm. Đất này còn thoang thoảng mùi hương của hoa lan, cỏ chỉ.) Nhà thơ như lấy cả cái khoảng cách thời gian và không gian mịt mù dằng dặc suốt hơn hai thiên niên kỷ nhằm dựng nên một tấm bia hùng vĩ để khắc vào đó công đức sáng chói của bậc hiền lương - Hiếu tu nhân (chữ lấy trong Sở từ) - tức là người sửa sang các đức tính tốt cho đời… Và dường như “tấm bia” đặc biệt này lại càng có khả năng làm nổi bật hơn cái mỏng manh cao khiết và hiếm hoi của hương thơm hoa lan, cỏ chỉ ( Khuất Nguyên có câu thơ: Bờ sông Nguyên có cỏ chỉ, bờ sông Lễ có hoa lan), mùi hương thanh khiết ấy toát ra từ thân thể tới tâm hồn Khuất Nguyên giữa một không gian cao vời tràn ngập ánh sáng vùng Thiên thai, khi Khuất Nguyên căm ghét khinh bỉ cái cuộc đời ngột ngạt nhơ bẩn, muốn cưỡi mây đạp gió tới các phương trời và các vùng cổ tích để lánh xa chúng, như Ly tao đã kể: Hương còn thoang thoảng xa đưa/ Đẹp còn nguyên vẹn vẫn như ngày nào/ Tự an ủi, theo vào mực thước/ Ngắm hoa đeo ngày trước còn xinh/ Khắp vùng trời đất mông mênh/ Tìm cho thấy bạn hữu tình mới thôi (Nhượng Tống dịch.) Hai câu thơ này Nguyễn Du như viết trong một cảm xúc nghẹn ngào vì thương cảm và kính phục, tâm tưởng ông chợt hiện về mồn một hình bóng con người kỳ vĩ song gần gũi vô hạn với mình.

Hai câu thực: Tông quốc tam niên bi phóng trục/ Sở từ vạn cổ thiện văn chương. (Ba năm bị đày xa tổ quốc, khôn xiết đau buồn. Nhưng muôn đời Sở Từ của ông vẫn là áng văn chương tuyệt tác.) Các nhà lý luận văn học Trung Quốc các thời đại và các nhà Đông Phương học, Trung Quốc học Phương Tây hiện đại cũng đều nhất trí khẳng định:  “Khuất Nguyên- nhà thơ vĩ đại đầu tiên của Trung Quốc, trường ca và ca khúc của ông đánh dấu sự ra đời của một loại văn học mới.” Ông vĩ đại “ở chỗ cá tính của người sáng tác, tính khác thường và tính sinh động thực tại trong số phận của nhân vật trữ tình chưa từng có trong văn học, ở sức mạnh và sự hùng vĩ của bản thân nhân cách nhà thơ”- “Văn học cổ đại Trung Quốc cũng không truyền lại cho ta một tác phẩm nào khác giống như Ly tao với một tâm hồn cởi mở và sự bay bổng mãnh liệt của trí tưởng tượng.”(12)

Như thế là, bằng sự hiểu biết sâu sắc cộng với mối thiện cảm tuyệt đối của mình, vô tình Nguyễn Du đã có một đánh giá chân xác giàu tính khoa học về tác phẩm của Khuất Nguyên cũng như vị trí của ông trong lịch sử văn học Trung Quốc qua hàng ngàn năm. Có điều, sự đánh giá ở đây là thông qua cảm xúc về thân phận bi tráng một con người-tác giả mang nỗi đau buồn tha hương bị đuổi khỏi tổ quốc ba năm ròng bởi chính tình yêu tổ quốc của mình! Hai câu thực này - sự đánh giá bằng xúc cảm thơ ở mức độ cao nhất của lý trí và tình cảm, cũng là cơ sở gốc quan trọng để Nguyễn Du tiếp tục phát biểu cảm nghĩ của mình- không chỉ ở bài thơ này mà còn ở tất cả các bài thơ khác, về một tác giả mà ông vô cùng yêu quý, kính trọng, với một nỗi “liên tài liên tình” (thương tài thương tình) cao độ.

Hai câu luận: Ngư long giang thượng vô tàn cốt/ Đỗ nhược châu biên hữu chúng phương.(Trên sông đầy cá, rồng, vì vậy nắm xương tàn không còn nữa. Nhưng bên bãi sông đầy hoa đỗ nhược có thêm những giống cỏ thơm.) Ở trên, Nguyễn Du mới nói về hoa lan, cỏ chỉ, giờ lại nói thêm tới hoa đỗ nhược - cũng là một giống hoa cỏ thơm mà Khuất Nguyên hay nhắc đến trong Sở từ - tác phẩm vạn cổ thiện văn chương. Hình ảnh về những loài hoa cỏ thơm có thật này gợi cảm xúc và trí tưởng tượng rất mạnh, và mặc nhiên tượng trưng thuyết phục nhất cho tâm hồn cao khiết của Khuất Nguyên, đối lập một cách tuyệt đối với cái xã hội “ăn thịt người” đã vùi dập đày ải một con người đầy tài năng giàu lòng yêu nước, mà khi ông chết đi, chúng vẫn hiển hiện là loài cá, rồng độc ác hủy hoại nắm xương tàn của ông dưới đáy sông, chẳng để anh linh ông được yên lành! Những cặp tiểu đối theo cách rất chỉnh (công đối): ngư long/ đỗ nhược + vô tàn cốt/ hữu chúng phương đã góp phần cực tả cái sự thật về cuộc đời đau thương bi phẫn của thi hào Khuất Nguyên và đồng thời gửi gắm được một cách thấm thía nỗi lòng thương cảm, xót xa của thi hào Nguyễn Du! Nhưng có điều an ủi lớn lao với cuộc đời, và với những ai yêu quý Khuất Nguyên, là bên bãi sông đầy hoa đỗ nhược có thêm những giống cỏ thơm dường giúp lưu mãi danh hương của một con người vĩ đại.

Hai câu kết: Cực mục thương tâm hà xứ thị/ Thu phong lạc diệp quá Nguyên Tương. (Nhìn hết tầm mắt, đau lòng vì chẳng biết dấu tích cũ ở nơi nào, Chỉ thấy gió thu thổi lá rụng qua sông Nguyên Tương.)

Chúng ta hình dung: Nguyễn Du đứng trước dòng sông như một nấm mồ lớn mùa thu, nhớ lại những vần thơ nồng ấm và xót đau của Khuất Nguyên, ngắm nhìn cảnh vật lạnh lẽo tiêu tao và cố tìm lại dấu tích xưa gắn với người ôm đá nhảy xuống sông tự trầm mình. Có gì hao hao với Đỗ Phủ trong một mùa thu “cố viên tâm”: Nhớ cố đô, bạc đầu, thơ nát ruột (Thu hứng VIII - Phan Ngọc dịch). Bài thơ tới đây mở ra mấy bình diện để có thể thâu tóm toàn bộ thần khí của cả bài: bên ngoài là cảnh vật, bên trong là nội tâm nhà thơ, trong hai bình diện ấy lại có cả quá khứ và hiện tại, cả mộng ảo và thực, và tất cả các bình diện này lại hòa lẫn nhau trong một cái khí của văn chương mà “theo cái nhìn của Lưu Hiệp thì đó là hình tượng một sinh thể có xương có thịt, nhưng xuyên qua mọi ví von văn học, vẫn là một cái gì sống động, thậm chí còn sống động hơn bất cứ thứ cỏ cây cầm thú nào trên quả đất, bởi nó mang đầy khí, một thứ khí tinh vi, trong sạch chỉ có ở các nấc thang thẳng tiến cao nhất của tinh thần.”(13). Cảnh vật mùa thu với làn gió lạnh (thu phong, phong hàn) từng xao động, vận hành trong cảm hứng thơ ca phương Đông nhiều thế kỷ, ở đây, lúc này, hơn bao giờ hết đã rung động mạnh mẽ tâm hồn Nguyễn, chuyển hóa hầu như toàn bộ cái khí của thiên nhiên thành sức mạnh tinh thần khi tìm kiếm, tưởng nhớ Khất Nguyên, lắng nghe trong những tiếng lá rụng bay qua sông như tiếng sắt ấy “một thứ khí tinh vi, trong sạch” mang nỗi buồn ai oán của Khuất Nguyên, bởi theo Trang Tử, “Khúc ca của con người là phong của người đó, có điều đó là thứ phong có thể nghe thấy được.”(14)

Như vậy, trước cảnh vật thê lương não nề, khi Nguyễn “nhìn hết tầm mắt” cũng là đồng thời nghe thấy những gì cần nghe bằng mọi cung bậc suy tư cảm xúc; ông đau lòng khôn xiết khi không tìm thấy dấu tích cũ, song bởi vậy lại có khả năng cảm nhận hết nỗi niềm của người xưa… Đó cũng là cách “ý đáo nhi bút bất đáo” ( ý đến mà bút không đến) đặc sắc của nghệ thuật Đường thi.

2. Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu 2

Sở quốc oan hồn táng thử trung,

Yên ba nhất vọng diểu hà cùng.

Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ,

Hà hữu Ly tao kế Quốc phong ?

Thiên cổ thuỳ nhân liên độc tỉnh,

Tứ phương hà xứ thác cô trung ?

Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục,

Sở bội tiêu lan cánh bất đồng.

湘潭弔三閭大夫其二 

楚國冤魂葬此中,

煙波一望渺何窮。

直交憲令行天下,

何有離騷繼國風。

千古誰人憐獨醒,

四方何處托孤忠。

近時每好為奇服,

所揹椒蘭竟不同。

Dịch nghĩa

ĐẾN TƯƠNG ĐÀM VIẾNG TAM  LƯ ĐẠI PHU 2

Hồn oan của nước Sở chôn vùi tại chốn này đây, Vời trông khói sóng mênh mông chẳng biết đến đâu là cùng. Ví như hiến lệnh đó được ban hành trong thiên hạ, Thì làm gì có được Ly tao nối tiếp Quốc phong? Nghìn xưa, có ai thương người một mình tỉnh táo, Bốn phương có chốn nào gửi được tấm lòng cô trung? Gần đây, mỗi khi người ta thích trang phục lạ, Nhưng thứ hoa tiêu, hoa lan của họ đeo chẳng giống ông chút nào.

Liên 1: Sở quốc oan hồn táng thử trung/ Yên ba nhất vọng diểu hà cùng. (Oan hồn của nước Sở chôn vùi tại chốn này đây, Vời trông khói sóng mênh mông chẳng biết đến đâu là tận cùng.)

Bằng câu thừa đề: Oan hồn của nước Sở chôn vùi tại chốn này đây, Nguyễn Du đã khẳng định/ vẽ lên ngay tức thì một sự thực lịch sử bi thảm vào bậc nhất của lịch sử Trung Quốc: Khuất Nguyên vì tài năng, trung nghĩa, yêu nước nên bị ghen ghét, vùi dập, xua đuổi, và khi bất lực tuyệt vọng trước vua u mê, trước những kẻ tiểu nhân xâu xé hoành hành tổ quốc mình, ông đã phải đau đớn tự trầm mình xuống sông. Ông trở thành một oan hồn nước Sở làm xúc động biết bao thế hệ người Trung Quốc và thế giới suốt hơn ngàn năm qua. Tới Tương Đàm, bên dòng Mịch La, Nguyễn Du đã giống như nhiều văn nhân, chính khách là làm thơ tưởng nhớ Khuất Nguyên; và ông có ném bài thơ xuống dòng sông điếu Khuất Nguyên giống như Giả Nghị hay không, không ai biết được, nhưng có điều chắc chắn ông đã làm thơ về Khuất Nguyên nhiều hơn tất cả mọi người - và chắc chắn hơn nữa là độ sâu sắc, mức rung cảm cùng sự thấu hiểu nỗi niềm thăm thẳm của Khuất Nguyên thì không tác giả nào khóc/ điếu Khuất Nguyên có thể so sánh nổi! Hai bài thơ viếng Khuất Nguyên này cũng có chung một nguồn cảm hứng với hai bài viếng Đỗ Phủ (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ- nhị thủ). Cũng ở một bến sông thu đầy rẫy cá, rồng, từ mộ Đỗ Phủ, lúc thi tứ dào dạt, Nguyễn Du thả chiếc thuyền trên sông (Thiên chu giang thượng đa thu tứ) để khóc thương cho người đất Đỗ Lăng sống ngàn năm trước, buồn thương cho người văn chương đáng bậc thầy muôn thở mà phải gửi nấm mồ gió cô đơn nơi đất khách (Thiên niên nhất khốc Đỗ Lăng nhân. Cộng tiễn thi danh sư bách thế. Độc bi dị vực ký cô phần).

Câu phá đề: Vời trông khói sóng mênh mông chẳng biết đến đâu là tận cùng, như trực cảm và sự hình dung rõ rệt của Nguyễn: khói sóng vật vờ mênh mông đó chính là oan hồn Khất Nguyên vẫn chưa tan, và giúp người đọc trực tiếp liên tưởng ngay tới nỗi niềm oan khuất vô bờ bến mà Khuất Nguyên ôm suốt hơn hai thiên niên kỷ dưới đáy sông! Đây là cách thức “tá khách hình chủ” quen thuộc của thơ ca phương Đông, có điều, qua tâm hồn và ngòi bút Nguyễn Du, chúng dường có thêm sức mạnh phi thường nêu bật tình cảm, thái độ của tác giả với đối tượng viếng/ điếu và in hằn trong tâm trí người đọc. Nếu thử thao tác chồng văn bản hai câu này với hai câu đề của bài I , sẽ thấy sự tương đồng & bổ trợ về nội dung: vùng khói sóng mênh mang chứa oan hồn vĩ đại nước Sở ấy cũng thoang thoảng mùi hoa lan, cỏ chỉ, hoa đỗ nhược gợi nhớ một tâm hồn cao khiết, và oan hồn đó càng trải qua thời gian lại càng khắc sâu vào tâm trí mọi người: đó là oan hồn của một người hiền lương hiếm có trên đời… Trong bài Sơ thu cảm hứng1, Nguyễn cũng nhắc đến nỗi đau lòng này: Sông Sở (sông Tương) hoang vắng lá cây rụng bời bời.Trong một đêm xiết bao đau lòng (Tiêu tiêu mộc lạc Sở giang không,Vô hạn thương tâm nhất dạ trung).

Liên 2: Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ, Hà hữu Ly tao kế Quốc phong? Ví như hiến lệnh đó được ban hành trong thiên hạ, Thì làm gì có được Ly tao  nối tiếp Quốc phong?

Hiến lệnh, tức là pháp lệnh mà Khuất Nguyên làm giúp Sở Hoài vương, nhưng không được chấp thuận. Sử ký viết: “Tuy bị ruồng bỏ, xua đuổi, ông vẫn lo toan cho nước Sở, lòng vẫn nghĩ đến Hoài vương, cứ mong trở về, mong có một ngày nào nhà vua tỉnh ngộ, tập tục sẽ thay đổi. Lòng ông chỉ mong sao cho nhà vua được còn, nước được mạnh… Nhưng rốt cục vẫn không làm sao được! Điều đó chứng tỏ Hoài vương suốt đời không tỉnh ngộ…”(15)

Hai câu thực này đưa ra một giả thiết lịch sử não lòng mà nó đã không hề xảy ra: nếu Khuất Nguyên được thiên tử nước Sở trọng dụng và những tư tưởng trị quốc bình thiên hạ của ông được Sở Hoài vương ủng hộ, được thực hiện tốt đẹp, thì sẽ không có một kiệt tác của Sở từ xuất hiện! Trước hết, Nguyễn đã cảm nhận khá sâu sắc một trong những bi kịch của lịch sử mà bản thân ông cùng gia tộc từng nếm trải, đó là tình trạng đối chọi giữa “tính liên tục thầm lặng, tính trường cửu trong sự tồn tại tầng lới viên chức trí thức” với “trạng thái không an toàn của cuộc đời, sự không ổn định trong số phận của những phần tử của nó xét với tư cách cá nhân” mà trong đó, “Chịu chi phối của chính quyền độc tài tuyệt đối và chuyên chế, những quan chức cao cấp nhất cũng có thể biến mất đi từng ngày một, ngày hôm nay còn là thượng thư, nhưng ngày mai đã chết trong xó ngục…” (Êchiên Balat)(16). Đó cũng chính là cảnh ngộ của bậc hiền nhân quân tử, bậc “hiếu tu” số một của quốc gia như Khuất Nguyên mà Tư Mã Thiên đã vạch ra: “Hoài vương vì không biết phân biệt kẻ trung thần cho nên ở trong thì bị Trịnh Tụ làm mê hoặc, ở ngoài bị Trương Nghi lừa dối, rốt cục ruồng bỏ Khuất Nguyên mà tin đại phu Thượng Quan, lệnh doãn Tử Lan. Rốt cục quân thua, đất bị cắt, mất đứt sáu quận, chết bỏ xác ở đất Tần, làm trò cười cho thiên hạ… Vua không sáng thì thực là vô phúc vậy!”(17).

Trong cái phản đề mang tính giả thiết đầy cay đắng này, ta thấy thái độ phê phán ngầm song cũng khá gay gắt của Nguyễn đối với triều đình nước Sở. Nhưng chúng ta hãy quay trở lại với ý tứ của thơ. Lịch sử diễn ra không có chữ “giá như”, không thể làm lại được, tuy thế, Nguyễn vẫn mượn cái tình thế giả định bất đắc dĩ này để tôn vinh giá trị cuộc đời Khuất Nguyên qua sáng tạo thơ ca - bằng sự phủ định cái quy luật đối kháng thê thảm giữa chính trị và văn chương, giữa sự sủng ái hoặc thù địch của nhà cầm quyền với sự sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Cái “phản đề” oái oăm đầy nghịch lý này không chỉ xảy ra một lần trong đời sống nghệ thuật thế giới Cổ Kim. Như một viên quan triều đình khi nhìn văn hào Tây Ban Nha M. Cervantes phải làm người thu thuế vất vả, đã phán: cần phải để ông ta khốn khổ hơn nữa thì mới có thể tiếp tục viết được truyện hay cho đời! Như nhà thơ Âu Dương Tu đời Tống từng chua chát thốt lên: Không phải thơ làm cho người ta cùng khổ mà có cùng khổ đã, thơ mới hay! (18) Chính Nguyễn cũng ngậm ngùi nói tới nghịch lý này khi viết về Đỗ Phủ- người “Thiên cổ văn chương thiên cổ sư”: Thơ hay đến độ kinh động lòng người lẫn quỷ thần phải chăng chính vì xuất phát từ cảnh cùng khốn của nhà thơ? (Nhất cùng chí thử khởi công thi- Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ1).

Qủa thực là, nếu Khuất Nguyên không bị biếm trích, bị đi đày thì ông sẽ không viết Ly tao, tác phẩm mà Nguyễn trân trọng nhắc đến, chính là tiếng khóc đớn đau đến xé lòng Trông về nước Sở gạt hàng lệ rơi của Khuất Nguyên:

…Xưa nay chỉ bậc thánh hiền, Thương dân mới được cầm quyền trị dân.Trông sau trước xét lần sự thế, Hãy để tâm suy nghĩ cho cùng. Làm đâu được việc bất công! Những phường bất nghĩa có dùng được đâu. Lòng này nghĩ trước sau như một, Dẫu chết ngay chẳng chút nôn nao. Người xưa oan thác biết bao, Theo vuông lựa có vào sao lỗ tròn. Nức nở khóc cho buồn đầy dạ, Tủi cho thân sinh đã lỗi thời! Gạt sầu bứt cánh huệ tươi, Áo khăn lã chã lệ rơi ướt đầm! (Trích, Nhượng Tống dịch )(19)

Sử ký giải thích: “Khuất Bình giận về nỗi nhà vua nghe không phân biệt phải trái, để lời gièm pha che mất óc sáng suốt, để kẻ gian ác làm hại người trung thành, khiến cho người ngay không có chỗ dung thân, cho nên lo buồn nghĩ ngợi (ly ưu) mà làm ra Ly tao… Khuất Bình viết Ly tao là do oán thán mà ra vậy!”(20).

Nhưng, xuất phát từ niềm oán thán, bi phẫn, nỗi ưu phiền sâu kín nhất tự đáy lòng Khuất Nguyên, kiệt tác Ly tao đã miêu tả một cách sâu sắc, khúc triết toàn bộ tư tưởng và hành động trong hơn nửa đời người của Khuất Nguyên, hơn thế, đã lột tả một cách sáng rõ và cảm động tấm lòng yêu nước thương dân, lòng căm ghét những gì xấu xa bỉ ổi đang thống trị thế gian và cản trở ông thực hiện lý tưởng giúp dân cứu nước; và tất cả được thể hiện bằng một nghệ thuật ngôn từ trác tuyệt, một trí tưởng tượng bay bổng, một kết cấu hoàn mỹ, một bút pháp tráng lệ, huyền ảo, nhiều màu sắc làm say lòng người… Và Nguyễn đánh giá: tác phẩm Ly tao nối theo Quốc phong, tức là Kinh Thi (đúng hơn là phần quan trọng nhất của Kinh Thi) - tổng tập thi ca đầu tiên của Trung Quốc, một di sản văn hóa vô giá của nhân dân Trung Hoa và của nhân loại. Sau ngọn núi thi ca hùng vĩ Kinh Thi khuyết danh, qua mấy trăm năm nữa, qua hết các thời kỳ tản văn lịch sử, tản văn triết học chư tử, mới có đỉnh cao sáng tác văn chương của Khuất Nguyên - nổi bật nhất là Ly tao; đó không chỉ là một nhận định xuất phát từ lòng ngưỡng mộ Khuất Nguyên của Nguyễn, mà đó còn là sự thật khách quan mà khoa lịch sử văn học tại chính quốc từ thời đó và các nước Âu - Mỹ sau này đã chỉ ra. (Một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp của ta đã nhầm lẫn tai hại khi viết: “Bởi nếu như kế trị quốc của Khuất Nguyên được vua Sở chấp thuận, hiến lệnh được ban hành thì không chắc hai kiệt tác Ly taoQuốc phong sẽ ra đời.”21 )

Liên 3: Với cách đối cực chuẩn về ý tứ và cú pháp (công đối), hai câu luận đã lý giải và khái quát lên một cách sinh động toàn bộ thực chất tấn bi kịch của nhà nho-người cầm bút vĩ đại thời Chiến quốc gây nên bởi tập đoàn thống trị hủ bại, và trở thành hai câu thơ kinh điển có thể nói là hay nhất trong thơ chữ Hán Nguyễn Du: Thiên cổ thuỳ nhân liên độc tỉnh, Tứ phương hà xứ thác cô trung? Nghìn xưa, có ai thương người một mình tỉnh táo, Bốn phương có chốn nào gửi được tấm lòng cô trung?

Trong các cặp tiểu đối, cặp từ thuỳ nhân/ hà xứ có thể nói là trung tâm cho cả liên 3, như hai câu hỏi đầy khắc khoải viết lên bầu trời thu vần vụ u ám treo suốt hơn ngàn năm về hồn oan nước Sở, cho thấy trái tim Nguyễn Du rung động và đồng cảm với Khuất Nguyên sâu sắc, mênh mông đến dường nào!

Sử gia Tư Mã Thiên đã diễn tả lại thiên Ngư phủ từ, tương truyền là của Khuất Nguyên, trong đó dựng lên một ông lão đánh cá, và Khuất Nguyên vấn đáp với nhân vật tượng trưng này để bày tỏ lòng mình, có câu: “Chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh” ( Mọi người đều sau chỉ riêng mình ta tỉnh): “Khuất Nguyên đến bờ sông, xõa tóc đi, ngâm nga trên bờ đầm, sắc mặt tiều tụy, hình dung khô héo. Một ông cụ đánh cá, thấy hỏi ông ta:- Ông là quan tam lư đại phu đấy phải không? Vì sao đến nông nỗi này? Khuất Nguyên nói: - Tất cả đời đều nhơ đục, chỉ mình ta trong, tất cả mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh, cho nên bị đuổi.”(22)

Theo Sử ký: “Khuất Nguyên tên là Bình cùng họ với vua nước Sở. Bình làm chức tả đô đời Sở Hoài vương ( tương đương với tể tướng), học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lẽ trị loạn, thạo việc giấy tờ. Vào cung thì cùng vua bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh, ra thì tiếp đãi khách khứa, ứng đối với chư hầu. Nhà vua rất tin dùng”(23)

Dù Sở Hòai vương đồng ý cho Khuất Nguyên thực hành những chủ trương chính trị do ông đề xuất, từng nói cùng ông những lời “thề ước” ( Trước cùng ta nặng lời thề ước/ Sau vì đâu biếng nhác đơn sai - Ly tao), nhưng quanh Sở Hoài vương là một bọn đại thần bảo thủ, phản động, ghen ghét tài năng, rình rập mọi cơ hội để hãm hại Khuất Nguyên, một người hiền lương ôm ấp lý tưởng cao đẹp và hoài bão to lớn cho tổ quốc mình, nhưng rồi bị cả hai đời vua xa lánh, phế bỏ, phải bị đày đi Giang Nam. Nỗi niềm “cô trung” của Khuất Nguyên là điều dễ hiểu, qua Ly tao, qua sử sách kể lại, và được trái tim nghệ sĩ VN hơn ngàn năm sau đồng cảm sâu sắc, như chính Nguyễn là người cùng cảnh ngộ: Bốn phương có chốn nào gửi được tấm lòng cô trung?

Liên 4: Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục, Sở bội tiêu lan cánh bất đồng. Gần đây, mỗi khi người ta thích trang phục lạ, Nhưng thứ hoa tiêu, hoa lan của họ đeo chẳng giống ông chút nào.

Tới hai câu kết, Nguyễn Du đột ngột kéo ngàn xưa về với hôm nay, bằng sự so sánh tương phản để nêu bật phẩm chất con người ông hằng kính trọng, thương cảm, đồng thời thêm một lần nữa luận bàn về giá trị của Nhân phẩm, giá trị của Văn chương.

Trong nhiều tác phẩm Sở từ, đặc biệt là Ly tao, Khuất Nguyên đã miêu tả mình buổi sớm uống sương đọng trên hoa lan, chiều ăn cánh hoa cúc mới nở, và trên người lúc nào cũng ăn mặc lạ, đeo gươm dài, đội mũ cao, khoác các vòng hoa cỏ thơm như hoa tiêu, hoa lan, hoa thiên lý, hoa huệ… Trang phục lạ đó, cùng những loài hoa cỏ thơm để ví với đức tính cao quý, trong sạch, và ý thích sự tu dưỡng bản thân, luôn gắng làm điều đức nghĩa; như một thái độ khinh bỉ, cố tình đối lập lại với sự tham lam, ích kỷ, ghen tỵ, thói bon chen danh lợi của bọn người xấu xa. Phải là nhân cách đó mới có thể đưa thơ ca bay lên được với núi sông, với vũ trụ, và thâm nhập được vào cõi sâu thẳm của truyền thuyết, của lịch sử, của tâm hồn người, như Ly tao đã làm. Còn giờ đây, trong mắt Nguyễn, con người ham vật chất, ham của lạ - cũng là một thứ ham vật chất biến tướng, học đòi cái vẻ ngoài của Khuất Nguyên xưa nhưng không thể hiểu nổi tâm sự thầm kín cùng vẻ đẹp tâm hồn ông, và càng không thể so sánh nổi cùng ông ở bất cứ phương diện nào, nên vô tình trở thành kệch cỡm, lố lăng. Bởi thế, Nguyễn mỉa mai kín đáo: Nhưng thứ hoa tiêu, hoa lan của họ đeo chẳng giống ông chút nào! Cái kết này tựa như một lời thở dài của Nguyễn về nhân tình thế thái, sau khi ông trầm mặc tưởng nhớ về Khuất Nguyên với tất cả lòng thương cảm, kính trọng.

                              (Còn tiếp phần II, phần III)

_____________________

1. Sở từ. Đào Duy Anh, Nguyễn Sĩ Lâm dịch. Nxb Văn học,1974

2. I.X. Lixêvich. Tư tưởng văn học cổ Trung quốc. Trần Đình Sử dịch. Nxb Giáo dục 2000. tr. 317

3. Phương Đông và Phương Tây. Trịnh Bá Đĩnh dịch. Nxb Giáo dục,1997. Tr.31.

4. Trang Tử và Nam Hoa kinh. Nguyễn Hiến Lê giới thiệu và chú dịch. Nxb Văn hóa - Thông tin 1994, tr.20

5. Tư tưởng văn học cổ Trung quốc. Sđd, tr.328

6. Tư tưởng văn học cổ Trung quốc. Sđd, tr.231

7. Tư Mã Thiên. Sử ký. (Thiên Khuất Nguyên liệt truyện) Phan Ngọc dịch, Nxb Văn học & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây 1999

8. Tư tưởng văn học cổ Trung quốc. Sđd, tr.235

9. Những thơ trích dẫn và chú thích chủ yếu lấy ở nguồn: Nguyễn Du toàn tập, Thơ chữ Hán. Tập II. Mai Quốc Liên & Vũ Tuấn Sán dịch nghĩa, chú thích. Nxb Văn Học, 2015

10. Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ. Thủy kinh chú sớ. Nguyễn Bá Mão dịch, Nxb Thuận Hóa & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005- tr. 563

11. Phạm Trọng Chánh- Nguyễn Du trên quê hương Khuất Nguyên. Vanhoanghean

12. Dẫn theo: Tư tưởng văn học cổ Trung quốc. Sđd, tr. 235

13. Tư tưởng văn học cổ Trung quốc. Sđd, tr. 231- 232

14. Tư tưởng văn học cổ Trung quốc. Sđd, tr.136

15. Sử ký. Sđd

16. Dẫn theo: Thơ văn cổ Trung Hoa- mảnh đất quen mà lạ. Nguyễn Khắc Phi -Nxb Giáo dục 1999, tr.450

17. Sử ký. Sđd

18. Khâu Chấn Thanh. Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc. Mai Xuân Hải dịch, Nxb Văn học 2001, tr. 94

19. Theo Thivien.net

20. Sử ký. Sđd

21. ĐHQGTP. HCM - Trường ĐHKH xã hội & Nhân văn. Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Nxb ĐHQG, TPHCM, 2015, tr.45

22, 23. Sử ký. Sđd

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 4315)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 3917)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4251)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 6389)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 5650)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4279)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi
12 Tháng Chín 20238:24 CH(Xem: 5710)
Đá nghe chuyện của mưa / Mang lời cho gió / Phía sau câu chuyện là tiếng sóng / Nụ cười gieo / Gió cuốn mây / Những đứa trẻ nhặt mưa ban ngày.
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 5302)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
12 Tháng Chín 20232:20 SA(Xem: 5968)
Ngủ đi. mênh mang suối nguồn / Ngủ đi. vợi nhẹ tâm buồn không đâu / Một bóng đời vút ảnh câu / Mà trần gian vẫn nhiệm mầu sắc không
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 5404)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.