- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đẻ sách (trích tiểu thuyết) - Kỳ 1

07 Tháng Chín 20184:59 CH(Xem: 21214)

 de sach

 


[Trích tiểu thuyết châm biếm Đẻ sách, Người Việt Books 2018;

Chương 4: Người từ lòng bàn tay mà ra] *  (Đỗ Quyên)

 

 

Chương 4

 

Người từ lòng bàn tay mà ra

 

 

Rất khó kiểm chứng câu thơ đầu “Bàn tay ta làm nên tất cả”, nếu không có câu kế “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Chúng ta nên đọc lời ai điếu cho hai chữ “tất cả”. Đáng lẽ câu thơ đầu, với hai chữ này đã trở thành lời thách đố mênh mang bất định cho nhân loại sau hậu, nếu không có câu thơ sau. Tiếc! Đây là hai câu thơ không nên vợ nên chồng nhất trong các cặp đôi thơ hay.

 

Tiếc thôi, tiếc cho chữ nghĩa thôi; đừng nên trách văn nhân, những thư ký viên cho một thời đại nhất định. Nhất là những thư ký viên chỉ định. Xứ sở của hai câu thơ lúc đó đang thiếu cơm, thừa sỏi đá. Do đó, phải công nhận câu thơ kế có tác dụng vĩ đại của nó, cái vĩ đại của một dân tộc xác định. Nhưng, trong rất nhiều trường hợp, vĩ đại của một dân tộc xác định không trùng với vĩ đại của cả nhân loại, cho dù dân tộc xác định đó vĩ đại hay không vĩ đại so với nhân loại. Mệnh đề sông cái này sinh ra nhiều kênh lạch. Về mặt vĩ đại mà xét, điều kiện để cái vĩ đại vi mô trùng lên cái vĩ đại vĩ mô là gì? Trong quan điểm toán học ở lý thuyết tập hợp, nói thế ổn không? Một cái vĩ là tập hợp con của vi lại ánh xạ với một vĩ của vĩ? Lại nữa, làng văn Việt Nam (và của nhiều nước chưa có văn sĩ Nobel) tất nhiên nhảy đông đổng lên hỏi, đại để: “Đấy có là điều văn giới chúng tôi cùng chính phủ và nhân dân chúng tôi quan tâm: ‘Cớ gì nước ta chưa có tác phẩm lớn mang tầm quốc tế (nói thẳng ra chưa ẵm về giải Nô Beo) trong khi bên mặt trận đá bóng đã soán ngôi Á quân Á châu U23?’”

 

Tuyền những bức xúc hơi bị ấn tượng! Nhưng thôi, pho tiểu thuyết Đẻ Sách còn dài, sẽ có các chương hồi sau hầu tiếp. Cứ để những câu hỏi đó mang hình dấu hỏi ở đây. Nhưng mà, lại còn những câu hỏi cố: Liệu các dấu hỏi để lâu có bị biến thể? Cái hỏi này thõng xuống những dấu chấm than ai oán? Cái hỏi kia kéo lê thành dấu ba chấm bất lực? Phải làm gì với sự hỏi trôi đi theo dấu phẩy vô trách nhiệm? Nguy hiểm làm sao, tệ hại dường nào khi biết bao lời vấn bị dồn tụ thành một dấu chấm kết thúc tất tưởi? Ô là la… Đến chết vì hỏi! Nếu chúng ta muốn Chương 4 Người Từ Lòng Bàn Tay Mà Ra tiếp tục, chỉ có thể bất khả nhượng. Dẫu những câu hỏi không chỉ hỏi cho chính nó - hỏi để hỏi - mà còn những câu hỏi cho sự hỏi - hỏi để sinh tử - thì chúng cũng nên nằm vào số phận Hỏi của nó: Chờ đáp. Hình như trên đời, trong văn chữ cùng ngoài cuộc sống, không một câu hỏi nào vượt qua được số phận Hỏi? (Kể cả câu hỏi chót này!). Là nói theo lý; còn về tình? Việc róng riết đặt các câu hỏi cố, nêu hàng loạt các vấn nạn kiểu “có tao không mầy” tại ngay mở đầu một chương tiểu thuyết hay một đoạn đời nhân mạng thì sẽ không thể được coi là lề lối văn chương, không thể được xem như cận nhân tình. Đó là sự khẳng định hoàn toàn chứ không còn tranh biện nữa; từ lâu lắm rồi, trước khi có Đẻ Sách. Những vấn nạn mang sắc màu văn chương, những câu hỏi ngào ngạt đắc nhân tâm - gọi giản dị là hỏi đẹp - thường không uốn lượn hình câu hỏi, đem vẻ ngoài của mình móc xóc câu chữ, siết họng người đời, trói buộc xã hội. Chân lý của Hỏi thường là chân chất và lương thiện, dù bị nằm trong những cái lắt léo hèn hạ, cái thách đố dơ dởm của chủ nghĩa hình thức. Có hỏi đẹp, mới sinh ra đáp hay. Đó, những câu trả lời một mất một còn, thời hiện đại đã số hóa thành dạng 0 - 1, Yes or No. “Tự do hay là chết?”, “Làm búa hay làm đe?”, “Ra đi hay ở lại?”, “Tháo nhẫn kia ra hay lãnh nhát dao này?”, “Yêu em hay thương mẹ của anh?”... Đó, còn là những cái hỏi suốt đời không chịu số hóa, như “Thơ đến từ đâu”, “Why I Am Not a Christian”... - các câu hỏi thiền tới mức luôn luôn nói Không với dấu chấm hỏi. Từ khi mài tay trên bàn lớp học, thậm chí không ít lần tự nguyện xòe hai búp tay non ra lãnh phạt dưới những cây thước lim quyền lực và công lý, Đẻ Sách được dạy rằng, nếu không biết hỏi sẽ không nhận được lời đáp; và tệ hại hơn, sẽ không biết đáp. Có bé nọ bi bô hỏi: “Mẹ ơi, tới bây giờ thì con học nói được rồi, con phải nói cái gì trước hở mẹ?”. Không, không chỉ là câu hài hước, đó còn là triết lý của cái Học và của cái Hỏi. Ở đây, tiếng Việt hình như thú vị hơn tiếng Anh, Pháp, Đức, Úc, Mỹ, Canada, Nga, Tiệp, Hòa Lan - các nước mà Đẻ Sách từng kinh qua thai nghén - ở chỗ trong những chữ vệ tinh quanh chữ mặt trời Học có một chữ rất trái đất, rất con người: Học hỏi.

 

Ôi, những tháng năm không thể nào quên. Nghĩ lại, ứa nước mắt, bạn ạ! Đẻ Sách và các bạn học đầu đội mũ rơm vàng tươi ngực khăn quàng đỏ rực (dù quần áo vá rách, dẫu bùn dơ đất bẩn nhưng khăn quàng đỏ lúc nào cũng rực một màu nghiêm sạch) và chui xuống những hầm kèo tránh bom Mỹ, dưới ánh đèn dầu mà học mà hỏi. Trong vòng khoảng 40 năm sau, không ít người thuộc thế hệ Đẻ Sách (trong nước gọi tắt 5X) còn sống (để làm nhiều việc trong đó có việc) đến được Mỹ (bằng nhiều cách khác nhau, vô tình hay hữu ý) nghe bài giảng như sau (từng đã có khoảng 40 năm trước):

 

Điều cần biết đối với sinh viên năm thứ nhất Đại học Yale: Tò mò và thông tri

 

Con người không thích tò mò. Dân gian thường nói tò mò là tính xấu và thường mang lại hiểm nguy. Các bậc phụ huynh dùng mọi cách để ngăn chặn tính tò mò nơi con trẻ, bởi nó làm cho đời sống trở nên rối rắm, đối diện với hàng loạt những câu hỏi nan giải. Trẻ con – những kẻ đang nỗ lực trưởng thành, những kẻ mà tính tò mò của chúng khiến những lời răn đe của cha mẹ luôn cần tồn tại – được chào đón gia nhập Đại học Yale.

Tại đây, chúng tiếp tục hỏi và cố gắng tìm ra lời đáp cho câu hỏi của chính mình. Dưới đôi mắt của người học, đó chính là lý do người ta cần phải có ngôi trường đại học, nơi mọi thái độ thù nghịch đối với tính tò mò sẽ bị từ khước. (…) Tôi đã nói tò mò là hành động nguy hiểm. Không chỉ vì các hệ quả ngẫu nhiên như bom nguyên tử, mà còn vì nó thực sự là nỗi khát khao chân lý.

 

Trên thực tế, sự khao khát chân lý xem chừng như là một tình cảm được tôn trọng. Vì có nhiều người đáng kính quả quyết với ta rằng họ đã tìm thấy chân lý; điều ấy nghe như chân lý không có vẻ gì là nguy hiểm. Nhưng trái lại, nó thực sự là điều hiểm nguy. Truy tìm chân lý luôn phải đối diện và đánh đổ các định chế và niềm tin tồn tại lâu đời trong các lãnh vực khoa học, tôn giáo và chính trị. Và người học đã ý thức rằng không thể nào tham gia vào hoạt động ấy nếu đôi khi thiếu vắng sự tranh đấu.

Đối với người học, đặc tính thứ hai tưởng như không liên quan gì đến đặc tính thứ nhất - tính tò mò - nhưng lại gắn bó một cách mật thiết với nó. Đó là sự thúc bách thông tri. Người học bị chi phối bởi một thế lực mạnh mẽ không kém tính tò mò, và thế lực ấy buộc anh ta phải kể lại cho mọi người nghe những gì anh ta đã học được. Tinh thần học hỏi khởi đầu bằng tính tò mò, nhưng kết thúc bằng sự thông tri.

Trong bốn năm học, chúng tôi mong muốn các bạn cùng tham gia hành trình truy tìm chân lý, và chúng tôi sẽ đòi hỏi ở các bạn những gì mà chúng tôi đòi hỏi cho chính bản thân mình, đó là: tính tò mò và sự thông tri. Chúng tôi không muốn đặt các bạn vào khóa học rèn luyện trí tuệ. Chúng tôi chỉ muốn các bạn không được ưng thuận với bất cứ điều gì ngoài toàn bộ sự thật về đề tài khiến bạn quan tâm. Chúng tôi muốn các bạn dồn chúng tôi vào chân tường, vạch mặt và buộc chúng tôi phải thú nhận rằng chúng tôi không biết. Điều này có ghê gớm lắm không? Xin thưa: Không.

Thông tri là một tiến trình hai chiều, và đại học là nơi mà câu hỏi được hỏi và lời đáp được thông tri.” [1]

 

Trở lại câu thơ suýt thành vĩ đại của nhân loại. Nó chính là lý do thúc đẩy một số người cầm bút vương vào nghiệp ăn tay trong quá trình đẻ ra tác phẩm của mình. “Bàn tay ta mà đã “làm nên tất cả”, thì những bàn tay người ắt cũng vậy. Những tay viết ưa ăn máu thịt nơi tay của đồng loại hồ hởi phấn khởi lao vào công cuộc này, với cao vọng bằng phương tiện tiếp cận lý thú và hợp khẩu vị được Trời phú, sẽ có những đứa con tinh thần chào đời từ họ.

 

“Thế nào là ‘tất cả’ trong câu thơ ‘Bàn tay ta làm nên tất cả’?”. Lại hỏi! Chạy trời không tránh được những cơn nắng gắt gao của cái hỏi. Đành tạm nhân nhượng một cái hỏi này thôi, vì làm tiêu đề cho hai Hội thảo khoa học văn chương dành cho các nhà văn ăn tay sinh sách của các nước thuộc Thế giới thứ ba. Văn giới những nước thuộc Thế giới thứ nhất và thứ hai ứ chịu ngồi chung hội thảo. Họ xin lỗi: “Dù sao đấy cũng biểu lộ sự kỳ thị vô hại và có phần dễ thương. Chúng tôi bị sốc bởi câu thơ kế. Bài toán cơm áo đã được giải quyết ở các quốc gia chúng tôi từ hai phần ba thế kỷ nay!”. Nhưng sự vắng mặt của các văn sĩ “không cơm áo” chỉ ước lệ. Họ vẫn gởi tham luận, theo dõi bàn thảo của các đồng nghiệp “sỏi đá”. Như vậy, giới nhà văn toàn cầu chính thức hay bán chính thức - vốn tính bản thiện văn nghệ sĩ rỗi hơi hễ thấy cái gì hay thì xen vào - đã bàn đến các đề tài nhằm tìm lời đáp cho các câu hỏi: Bàn tay loài người làm được những điều gì; Liệu có phải “tất cả” hay không? v.v...

 

Có thể nói, trong giới ăn thịt người viết lách, cánh ăn tay là đoàn kết nhất. Đoàn kết viết. Đoàn kết lách. Đoàn kết vừa viết vừa lách. Viết lách xong xuôi, văn ai người ấy giữ, họ biết bảo nhau để tay... ngồi xuống, “xòe bàn tay, đếm ngón tay” cùng tìm cách ăn tay sao có lợi nhất.

Cũng vì nhiều nguyên nhân... “Tay là nơi dễ xòe khoe, dễ đo đếm nhất. Không khó như với tụi tôi. Ừ thì tất nhiên, các tai nạn xiêm áo trong chữ nghĩa thường xảy ra; và tụi tôi cũng có những trang văn bị phơi ngực trái kiểu Janet Jackson, những bài thơ mặc váy hổng cần quần kiểu Britney Spears.” - Đại diện nhóm văn sĩ ăn bộ phận sinh dục nhanh nhảu tuyên bố, vừa nói vừa ẹo nửa người, môi trên liếm môi dưới. Nghe xong cái điều con nít cũng biết nếu chúng học xong môn giới tính, cả làng văn thiên địa cười xòa. Chê thì ít mà cảm thông cho đám nhà văn gần gụi những cơ phận dễ nhậy cảm và khó xòe khó đếm. Phân hội nhà văn ăn “những cái ấy” đâu như có được hai lần hội thảo. Lần đầu tại một bãi tắm khỏa thân FKK tại Hòa Lan. (Khổ, thì chính Hà Lan đấy ạ; cậu đánh máy nhà cháu có lỗi là lỗi các chỗ khác chứ không ở chữ nhậy cảm như thế trên thân thể chữ nghĩa Việt hải ngoại ta.) Rồi lần sau cả đám tồng ngồng kéo đến một FKK của nước Đức. (Vưng, biết phải gọi là Đức quốc mới đúng đường lối phe ta mà cháu phá lệ chơi xem sao… Hi hi). Nhưng đều bất thành. Lỗi thuộc về các tham dự viên đến từ các nước chậm phát triển, tức các nhà văn “sỏi đá”. Không đủ ăn, thế mà khi đến hiện trường hội thảo, dù quen xơi xực các cái của nợ đó rồi, nhưng nhìn đám ong bướm mông ngực trắng hồng phơi phới nở tưng bừng hoa lá dưới trời hạ nắng đẹp bên dòng sông xanh rờn, “sỏi đá” của các nhà văn “sỏi đá” - dù nam dẫu nữ - cứ triển khai lai láng cả ra. Phần vì ngượng - nhà văn là giống mắc bệnh sĩ diện cao nhất - phần vì “sỏi đá” mải mê làm việc thì mần răng miệng lưỡi, tinh thần đọ lại được. “Không thành công, cũng thành… chim bướm”. Các hội thảo viên an ủi nhau khi ra về. Đẻ Sách kể lại vậy không hề mang ý chê cười các nhà văn thuộc thế giới chậm tiến (nhưng cu hĩm họ khi cần vẫn cứ tiến, lại còn tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc nữa cơ!), mà chỉ để độc giả hiểu cho một điều: tổ chức được một buổi hội thảo đâu có dễ. Thì đấy! Diễn Đàn Tóc, ở Chương 3, đang ngon lành cành đào thế mà sập tiệm cái rụp. Đến chương này, có tóc lông nào hó hé ra đâu. Cái đám văn học èo uột đã rắc rối tơ lại lắm điều tiếng, hễ thò ló ra là toàn văn đàn im lặng, đâu đến lượt thứ văn chương tay chỉ biết múa may.

 

Hội Văn học Ăn Tay Toàn cầu đáng được vinh danh vì thế! Một nguyên nhân khác đem lại thành công cho giới văn sĩ ăn tay; đó là không hiểu bàn tay nào (chửa chắc CIA đâu nhá!) đưa họ đến với các tổ chức chính trị, cộng đồng và tôn giáo Việt hải ngoại, nhất là Hội người Việt Tỵ nạn tại các thành phố lớn ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức quốc, Hòa Lan và Úc, để học hỏi kinh nghiệm tạo dựng, khuyếch trương những buổi hội thảo, mà đáng phục nhứt là biến tí tị tì ti khói hội thảo thành lửa chuyển về quê hương.

 

Cũng có cách giải thích thế vầy: Vì trong văn hóa dân gian Việt, như ca dao tục ngữ, và trong văn học Việt vấn đề tay, bàn tay, ngón tay được nhắc đến nhiều nhứt. Ừ nhỉ? Thuở Hà Thành đẹp gái tân thời đã có Nguyễn Bính đứng đó tả “Dịu dàng đôi ngón tay tiên / Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường”. Hòa bình khai hoang: thơ Hoàng Trung Thông dẫn thượng, khai mở chương sách này. Thơ uýnh Mẽo leo thang ra miền Bắc thảy bom có Lưu Quang Vũ với “Phút chia tay ta chỉ nắm tay mình - Hẳn nhiên! Trai gái Bắc thời đó dứ kẹo cũng đét dám nắm “cái ấy” của nhau! - Điều chưa nói mà bàn tay đã nói / Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại / Còn bồi hồi trong những ngón tay ta”. Chia tay nắm tay xong như vậy là để “đi B” (cách gọi BEM của Nam tiến thời đó í mà) chớ không thật phí tay. Đến B rồi, lẹ nhứt là các con ngựa sắt Nga trong đó che chở những chiến binh Việt lâm trận máu sôi lên thịt trào ra mà Hữu Thỉnh vẫn vô tư tâng tẩng “Năm anh em trên một chiếc xe tăng (…) / Như năm ngón tay trên một bàn tay / Đã xung trận cả năm người như một”. Nghe thơ nổ rền hơn pháo tăng, các “năm anh em” bên phía kia chạy re khói có ngòi là phải: Họ sợ thơ chớ chưa hẳn sợ tăng! “Thơ có thép” - thép tăng. Còn ở miền Nam trước 1975 cùng là thơ da vàng văn mũi tẹt tay tí toáy chữ quốc ngữ cả thôi, nay có kể ra e nhiều độc giả nhí hổng biết. Sao? 8X, 9X mà cũng biết thơ bàn tay, thơ ngón tay đến từ các thi sĩ miền Nam à? “Người trở về trên năm ngón chân / Tôi buồn, người bảo có tay nâng / Bàn tay người có đầy năm ngón” – “Không Trung niên Thi sĩ thì ai viết nổi!”“Giỏi! Thế “Bình minh trên những búp tay hồng” là của…” - “Của Đinh Hùng, có treo trên Cây Nêu Thơ Văn Miếu Ngày Thơ Việt Nam lần thứ V Nguyên Tiêu Tết Đinh Hợi 2007 chứ gì!” - “Quá giỏi! Quốc nội giỏi thế, hơn cả hải ngoại rồi!” - “Thưa còn “Ai nhớ ngàn năm một ngón tay” nữa ạ?” - Cái của “Ngựa Trời” K.H. Bùi mới ấn tượng: “một, hai, ba, bốn, năm / người đàn ông đếm đi đếm lại / sao bàn tay thiếu đâu một ngón (chuyên dùng để chỉ trăng)” - “Thế thì cháu cũng tiến cử câu “Chủ nhật làm tay thừa thãi” mà tác giả trẻ Đường Hải Yến là người cùng phố với anh trai của bạn gái người em họ xa bên chồng cháu.” – “Ừ ừ... Thôi đủ rồi.” Sẽ còn nhiều cái tay nữa, khác. Cũng như còn nhiều cái tay khác nữa.

 

Đặc biệt, khi giao tiếp, Phan Ngọc thường gọi tôi bằng một từ rất thân mật là “ông”. Mỗi khi hứng lên, bàn tay ông lại đập nhẹ vào đùi tôi rồi nói một cụm từ gần như điểm xuyết trong cả buổi nói chuyện: “Thế mới thú ông ạ”. Còn bàn tay ông, thú thật tôi chưa nhìn thấy một bàn tay người đàn ông nào đẹp đến thế. Tất cả các ngón đều thon thả, hình tháp bút, nhỏ nhắn, trắng trẻo. Nội chỉ nhìn bàn tay cũng thấy là quí tướng, nho nhã hơn người. (…) Tôi trộm ngắm hai bàn tay đẹp như tháp bút của ông. Tôi thấy ngón trỏ và ngón tay cái trên bàn tay trái ông mỗi ngày một cháy vàng khè. Ông nói chuyện mà vẫn đốt thuốc liên tục. Qua hình ảnh của ông, tôi thấy người dính đến “vụ án Nhân Văn” cũng không có gì đáng gớm cả.” [2]

 

Nếu trong chương ăn tay chưa ăn xuể thì ở các chương sau ăn gì bất kể thế nào vẫn có những cánh tay, những bàn tay, những ngón tay thơ thân thương và bất thần rẽ lối câu xé hàng chữ chạy ra chào đón quý bạn. Nói sẵn vậy để quý bạn đỡ bất ngờ trước Tay - cái vật thể năng động nhất, “hồ hởi phấn khởi” nhất của thân thể. Lưỡi miệng, chim bướm gì cũng thua!

 

Suỵt! Có thích nghe một câu chuyện nội bộ trong dân viết lách ăn thịt người không? Mà thôi, kể ra mang tiếng lắm điều. Không kể thì tiếc, nào có cuốn Đẻ Sách thứ hai mà kể! Có nên hay không nên? Shakespeare ơi ời, to kể or not to kể? Nhưng not to kể, sao thành tiểu thuyết? Nguyên thủy và đương đại, bản chất tiểu thuyết là kể. Hình như Lỗ Tấn bảo vậy! Mà hà tất phải họ Lỗ bảo, tiểu thuyết vẫn cứ là kể. Và còn hơn thế nữa: Là cách kể. Kể cái gì, xét cho cùng, không là trọng. Chuyện đời chỉ ba bảy hai mươi mốt điều thôi, và có tới ba vạn tám ngàn lối kể. Vậy thì kể này…

 

Trong giới viết xơi thịt người, phe nhà văn ăn lưỡi coi các đồng nghiệp ăn tay là tử thù. Và ngược lại. Tình thế tệ hơn Việt-Mỹ trước khi bỏ cấm vận. Càng hơn cả Hồi giáo và Mỹ xưa và nay và muôn đời sau. Theo quy chế cơ thể học của tạo hóa, đúng ra đấy phải là hai cái đinh ốc liên đới khít khao nhất trong guồng máy người. Nhưng đời đâu chiều lòng Trời. Đời cứ để lời nói đào mả cha việc làm, việc làm chửi ông cố nội lời nói. Trong vô số ngôn ngữ và phương ngữ loài người thì tục ngữ Việt là mợ xăng xái nhất trong việc minh họa, lý giải rồi lại vừa hòa giải vừa gây rối cho mối tương quan bất khả tranh Lưỡi-Tay, Lời nói-Hành động.

Đang ngon lành Miệng nói tay làm”, “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, bỗng trở mặt “Mồm miệng đỡ chân tay”, “Miệng hỏi, tay rứt đùa”. Đểu nhất là kiểu khích bác thầy dùi chui qua lỗ trôn Cái miệng làm khổ cái thân.” Sao, bạn thấy rõ tục ngữ Việt Nam nhà mình hèn chưa: Sợ cái tay nó đục hay sao mà không nói thẳng, phải nói vòng qua cái thân! Hèn hết chỗ nói, khi đem cả kỹ năng đối lập và so sánh của dòng văn học dân gian truyền khẩu ra cúi xuống nâng tay lên làm cha thiên hạ: nào “Vỏ quít dày, móng tay nhọn”, nào “Trăm hay không bằng tay quen”... Thiệt tình, nhân viên thời Bao cấp ở Việt Nam thế kỷ trước cũng không nịnh thủ trưởng đến vậy! Khen riêng tay chân thôi chưa đủ, lại kéo cái miệng cái lưỡi ra một nơi, vùi đạp cho mồm miệng hết đường sống: này là Há miệng chờ sung”; kia là “Miệng quan trôn trẻ” nữa. Ối toàn cầu ơi coi kìa: “Lưỡi không xương nhiều điều lắt léo”. Ngẫm lại, mấy trự lâm nạn Nhân văn - Giai phẩm hay Cách mạng Văn hóa cũng còn sướng chán, đâu có bị đì dí dì dị như bè lũ miệng lưỡi dưới ách đè nén của tục ngữ Việt! Đã hết đâu... Nhãn quan xuề xòa chủ nghĩa, thế giới quan ngắn dài mặc bay của tục ngữ Việt lồ lộ trong câu “Bàn tay có ngón dài ngón ngắn”. Đừng đùa! Không muốn nâng quan điểm hại nhau đâu, nhưng khách quan, lịch sử và biện chứng mà nói câu tục ngữ trên cực phản động. Không nghi ngờ gì, các ngón tay của người Việt Nam chúng mình chính vì nghe câu tục ngữ mà ỷ lại, không chịu phấn đấu vươn lên trong 4.000 năm nay. Đáng trách nữa, chính ngay trong tục ngữ, phương ngữ, ngôn ngữ Việt các mâu thuẫn chất đầy ra đấy, sao không lo suôn sẻ phận mình đi rồi hẵng mong dùng mình trau chuốt chuyện nhân gian. Một bài học đau đớn từ ngôn ngữ truyền thống Việt khiến không ít ngôn ngữ khác nhanh nhẹn học được! Chúng ta nên đồng thanh kiến nghị: Chừng nào tiếng Việt còn chưa viết được chặt chẽ, chính xác và logic một cái đơn kiện cấp huyện tầm cỡ trâu nhà ông ăn cỏ vườn nhà bà, chừng đó chưa thể làm các chuyện vác ngà voi như vụ hòa giải Lưỡi-Tay tày trời mà đến cả tháp Babel cũng phải cúi xuống nhận là nan giải.

 

À, nói cho công bằng, trong tranh chấp hành động và việc làm có cả chân cẳng dự phần. Nhưng tay phản ứng lẹ hơn chân 4,7 lần trở lên, theo đánh giá của giới văn sĩ ăn tay và ăn chân. Cánh khoa học gia và y khoa thấy vậy đành tuyên bố: Công cuộc nghiên cứu sự khác nhau giữa tốc độ phản xạ của tay và chân con người từ nay thuộc về ngành văn học. Không lạ! Từ khoảng 450 năm nay, khoa học luôn là nơi không bao giờ muốn lộ ra sự mù quáng cực đoan của mình, nhất là sau hai vụ khẳng định hớ hênh có tính lịch sử rằng, mặt trời quay và rằng, chỉ một phần nhỏ (mười phần trăm ngay cả ở những vĩ nhân, hào kiệt) của não người là được dùng đến. Vụ mặt trời quay đã lâu quá lâu, ai mà nhớ nổi trừ lũ chắt chút chít chìn chịt nhà Copernicus. Nhưng vụ đa phần diện tích não vẫn đang ngái ngủ thì các cơ phận khác không thể quên. Miệng lưỡi của giới ngoại giao và đám quan tham nhũng cùng dân buôn nước bọt, chân của những người tỵ nạn chính trị và tỵ nạn không chính trị, tim của bao kẻ yêu nhau chết trong tức tưởi như vợ chồng Lưu Trầm Tư, cặp đôi nhà văn ăn tim - ăn chân, O'Donovan - McAmmond, mớ tóc giả của Nhà thơ-tự-ăn tóc, rồi dương vật âm hộ âm đạo điểm G của những kẻ hủ hóa đồi trụy, v.v… luôn gào lên: “Trừ những cơ phận trên đất Pháp lè phè với 35 tiếng một tuần là trường hợp cá biệt giữa nhân loại hiện đại, tất cả chúng tôi đều phải làm việc vất vả, thời xã hội chủ nghĩa là tám giờ vàng ngọc, thời tư bản là overtime! Không thể nào Tạo hóa bất công đến độ để cả một đống não nằm chơi xơi máu trong suốt mấy trăm ngàn năm tiến hóa của loài người. Hãy chọn đi, một trong hai thành ngữ: Hoặc là ‘Bất công như Tạo hóa!’, hoặc là ‘Mù quáng như khoa học thực nghiệm!’ Không lẽ cả hai?”

 

Chà, đi hơi bị xa rồi, chúng ta quay về vụ tử thù tử thủ. Hãy nghe các nhà văn ăn lưỡi nói về văn sĩ ăn tay:

“Đã đành như cái lưỡi không xương dễ nhiều đường lắt léo sắc sắc không không – Lạy Chúa, nhầm qua kinh Phật rồi! – nói có nói không. Nhưng cứng cáp uyển chuyển như tay, xương cốt gân thịt da mỡ móng đủ cả thì sự tráo trở từ những cú trở bàn tay lại thành bão tố. Một quả thụi đo ván? Một cái bắt tay nồng ấm? Một cú chém sống tay? Một cái vuốt ve? Ôi kể sao hết tính thời tiết, sự thất thường, mặt giảo hoạt, chất đĩ điếm của bàn tay! (Ngón tay lắm khi đĩ điếm hơn cả đĩ điếm! Đọc chương Ăn Tóc, bạn thấy đấy...). Các tác giả ăn tay, tất nhiên họ phải biết đồng hóa và dị hóa nó bằng tài năng của mình. Ăn gio ăn phân vẫn có thể sinh ra các câu thơ hoa sen, các kịch bản bông hồng. Vấn đề là tài năng. Chúng tôi tôn trọng tay của họ – cũng như lưỡi chúng tôi, như đầu như đít với các đồng nghiệp ăn đầu ăn đít. Tất cả đều là đối tượng văn học. Không có đối tượng xấu đẹp, cũng chẳng có chủ đề hèn sang. (Khổ thân những văn sĩ chứng nhân trong các thời đại bỗng cao to vọt lên, còn chứng nhân thì  không sao rặn ra được các sáng tác mang tầm vóc cao to vọt lên ấy!). Chỉ có cách phản ánh, lối sáng tác hèn sang, xấu đẹp. Cuối cùng vẫn là tác phẩm. Cho chúng tôi được dành quyền nghi ngờ tài năng nơi các đồng nghiệp tay. Tại sao không? Có tài năng nào không bị nghi ngờ? Hãy để chúng tôi không phải nâng niu các tác phẩm sinh ra từ thứ tài năng bị nghi ngờ.”

 

 

(Còn tiếp)

 

-------------

*) Bản này có sửa chữa rất nhỏ ở nhiều chữ trên đa số các trang, so với bản Người Việt Books đã phát hành lần đầu 1/5/2018.

 

 

 

Đỗ Quyên

 



[1] Co rút từ Edmund S. Morgan; Cao Hùng Lynh dịch, Saturday Review 23/1/1960, talawas.org 6/3/2007

[2] Rút gọn Hữu Đạt; “Phó giáo sư Phan Ngọc: Sự uyên bác và tài hoa”, vanhoanghean.vn 23/4/2013

Ý kiến bạn đọc
06 Tháng Năm 20226:32 CH
Khách
Làm sao có thể tự mâu thuẫn khi cho “Bàn tay ta làm nên tất cả, Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” là một trong các cặp đôi thơ hay, khi lại than rằng, chúng là hai câu thơ không nên vợ nên chồng nhất. Hai chữ “tất cả” cũng chẳng có vai trò thách đố mênh mang bất định cho nhân loại sau hậu, vì bàn tay chỉ có thể làm nên tất cả ở những xứ "từ tay lên miệng". Tóm lại hai câu thơ ấy của Hoàng Trung Thông chỉ là lặp lại một cách thô kệch hai câu thơ của Tố Hữu:
Vững tay người chiến sĩ nông thôn
Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 117936)
Thiên nhiên vừa khe khẽ đặt xuống con như viên sỏi trắng tinh khôi trên bãi cát bình an ấm áp viên sỏi cười với ánh mặt trời
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 89458)
Hư cấu trên năm, bẩy mảnh đời cóp nhặt tạo ra những nhân vật của truyện ngắn này. Chúng không là những người bằng xương bằng thịt, tức có thật, hoặc tưởng là mình có thật, kể cả (và nhất là) nhân vật mang danh xưng Tôi trong truyện. Tôi, phần não phải, nơi điều hành tâm và tình, trong truyện này mâu thuẫn với phần não trái, nhân vật tên Th, mang chức năng sai khiến lý tính. Khi mâu thuẫn biện chứng - lý và tình - bế tắc, thực tại mang tính định mệnh, một loại tổng hợp mang nét ngẫu nhiên, có người cho đó chính là chữ Duyên trong Phật pháp. Tác giả nói quanh, xin lỗi bạn. Có lẽ bạn muốn xem hắn kể chuyện thế nào cho thành truyện, thời giờ đâu mà viển vông.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96334)
Ở Trung Quốc, màu đỏ có thể được nhìn như màu trắng. Hoặc không màu? Khi mà tất thảy đều mang sắc đỏ, con người ta bị mù màu tạm thời. Nhìn cái gì cũng thấy xanh biếc. Trong veo. Chẳng biết vì sao trâu bò thường rất căm ghét màu đỏ? Trăn cũng vậy? Nó có thấy trong veo và xanh biếc? Không giống với môi trường mà nó đang sống? Phải liều chết tranh đấu với con người để tìm lại chỗ của mình? Đấu bò? Có lẽ vì thế Trung Quốc không thể chơi môn thể thao này? Nhưng mặc áo đỏ ở Trung Quốc? Chẳng làm ai bận tâm. Chỉ như quả ớt chín ném thêm vào hũ tương ớt.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 111602)
Sáng sớm qua sông hái bông điên điển Áo sẽ thơm mùi cỏ dại hoa đồng Khi đêm về lòng nhớ mênh mông Tâm xanh biếc cả khung trời cao rộng.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 112854)
Lần đầu tiên đến Hà Nội, hẳn bất kỳ ai, nhìn thấy điều gì cũng dễ dàng xúc động, cũng làm gợi nhớ đến những hình ảnh bàng bạc trong ký ức đã gặp gỡ ở tiểu thuyết, thơ ca... Nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả, đó là những cô thiếu nữ Hà Nội.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 116727)
Đêm qua anh mơ thấy biển Sóng êm đềm liếm gót chân em Gió lao xao rụng nhành dương liễu Em nhặt vội vàng xõa mớ tóc xanh Giá như mặt trời đứng yên trên biển Chắc kịp buổi anh về.
26 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 118748)
Hãy ra chỗ Thúy Tân Định lấy chai Chivas về quán Đò Đưa trên đường Trịnh Công Sơn rửa bảng tên sơn còn ướt cụng ly nhau mừng con đường mới ngồi quanh bàn có Phạm văn Đỉnh Toulouse Đinh Cường Virginia, Bửu Ý Huế cả Đặng Tiến vừa mổ tim Lê Khắc Cầm, Ngụy Ngữ…Sài gòn
25 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 93866)
Trên trang văn hóa báo Le Monde hôm nay có bài giới thiệu về một cuộc triển lãm ảnh của phóng viên ảnh chiến trường người Pháp Henri Huet về cuộc chiến tranh Việt Nam với Mỹ qua bài viết: "Chiến tranh Việt Nam : Những hình ảnh, bạn hữu và cái chết".
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86869)
C húng tôi hãy còn rất trẻ. Tuổi trẻ không trông thấy trên khuôn mặt, trong đôi mắt, nhưng ở những giấc mơ không bao giờ tắt. Tết Giáp Tuất. Tôi về sống ngôi nhà của Quý, phía nam phần lục địa. Trái đất xoay như thỏi đá cứng, những cạnh gai góc cắt vào chốn vô hình. Mỗi trưa, tôi với Quý và Chiến - cũng một người bạn ở nhờ - bầy những tiệc rượu đón bắt những vô hình mà cả ba đều linh cảm rất rõ, theo sóng của cây rừng tràn đến tận thềm. Cả một triền núi lươn lướt tắp đến bàn rượu. Cơ ngơi của Quý to lớn sừng sững.
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86045)
H ồ Đình Nghiêm, sinh ở Huế. Làm thuyền nhân trôi giạt qua Hồng-kông năm 1979. Định cư ở Montréal từ 1980. Viết lai rai cho hầu hết các tạp chí xuất bản tại hải ngoại, cộng tác với Hợp Lưu ngày từ số ra mắt. Đã in bốn tập truyện ngắn...Chưa hề trở lại cố quận đìu hiu.