- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Lễ Cưới Một Tang Lễ

27 Tháng Bảy 20188:59 CH(Xem: 22946)


Cuối Con Đường- ảnh KD
Cuối Một Con Đường - ảnh K.Đặng


T
ôi buộc lòng phải đoạn tuyệt bố để được ngồi vào bàn tiệc hôm nay. Một cái bàn tròn nhỏ vừa đủ bốn người ngồi. Tôi và Bình là hai. Hai người còn lại là khách, là bạn của chúng tôi. Bàn ăn đặt giữa nhà, chung quanh bốn bức tường phủ kín. Trên tường có treo thánh giá. Ngoài kia trời tối lắm, không có trăng. Từ đâu, từng đợt gió thốc đến làm lạnh điếng hai tai, tôi từ tốn khép cửa sổ vào. Sao không thể cho Bình một cái tiệc cưới tử tế? Giá mà tôi có thể làm hơn như thế. Bố tôi hung hãn, đập tay xuống bàn quát: Mày đừng làm bẽ mặt tao. Cái văn hóa Việt này không chứa chấp trai yêu trai, trai cưới trai. Làm gì có bộ luật nào cho phép trai lấy trai! Bọn an ninh sẽ sờ gáy chúng mày! Mày coi chừng cái mạng của mày! Công lao mấy mươi năm phục vụ cho chính quyền Tự Do của tao bị mày bôi tro trát trấu. Mày là cháu đích tôn của dòng họ, mày lên giường với một thằng con trai thì hóa ra nhà này tuyệt tự. Người quen, hàng xóm trông vào cái đám cưới thì khác gì trò hề? Mày làm băng hoại những giá trị thuần phong mỹ tục. Mặt mũi đâu tao đi gặp tổ tiên? Mày chết đi thì lấy ai thờ phụng cái ban thờ mấy đời hương hỏa? Mày chỉ được lựa chọn hoặc là tao, hoặc là cái thứ tình yêu tiệt nòi của mày! Tôi chọn Bình. Tôi không hiểu chữ băng hoại của bố, không muốn sống mãi như thế nữa. Cái lễ cưới hôm nay chỉ có bốn người. Ngọn nến nhỏ gồng mình chống lại gió ác len lỏi. Xa xa có thể là gò hoang, nghĩa địa. Cái mùi máu tanh tanh ùa về. Chúng tôi không thể nói lớn, nào dám nói lớn. Bọn an ninh có thể đến đây và bắt chúng tôi bất cứ lúc nào. Nhưng dù sợ vào tù hay chịu lưu đày, tôi vẫn phải thành hôn với Bình. Tôi chọn Bình. Em có đôi mắt trong veo hiền lành dù bước qua đau khổ vẫn không thay màu sắc lạnh. Em cúi đầu dưới thánh giá hôm nay mà hồn em đã nguyện trao gửi cho tôi từ thuở khai sinh rồi. Ánh Dương cầu chúc cho chúng tôi mãi mãi hạnh phúc. Nhiên đã đứng ra làm chủ hôn lễ.

***

Tôi đã không còn có thể yêu ai được kể từ ngày anh rời tôi đi. Anh là Thắng, tôi chỉ yêu mỗi Thắng. Căn hộ ấy ở tầng năm, một tòa chung cư nào đó, tôi không còn nhớ. Anh và tôi đã cùng chung sống ở đó. Những tháng ngày êm ái lướt qua, lướt qua. Anh cài chặt cửa sổ. Tôi hay quên cài cửa sổ. Anh nói: Đừng để người khác nhòm ngó hạnh phúc của chúng mình. Tôi chạy lại mở toang cửa sổ. Nhìn ra bầu trời bát ngát, tôi chỉ cho anh thấy: Kìa anh, trời xanh lắm. Mở cửa ra chỉ trông thấy trời, làm gì có ai nhòm ngó chúng ta. Nhưng bầu trời hôm ấy bẩn lắm. Anh nằm trên nền nhà, tôi gọi mãi anh không dậy nữa. Tôi gọi anh bằng tiếng kêu thảm thiết. Tôi gọi anh bằng giọt nước mắt tràn lan. Tôi gọi anh bằng những nụ hôn miên man xưa cũ. Người ta nói anh đã ra đi vĩnh viễn rồi. Tôi không tin. Tôi bỏ việc. Tôi chán công sở. Tôi có bao giờ thích công sở đâu. Sáng sớm đến công sở rồi chiều lại về. Thế là hết một ngày nhàm chán. Sáng mai lại đi. Anh nói: Miễn là công việc ấy em yêu thích thì mỗi ngày của em sẽ không còn nhàm chán nữa. Và tôi tìm công việc yêu thích. Và tôi yêu anh. Tôi hạnh phúc bên anh. Mỗi ngày đến công sở là một ngày hội. Tôi bỏ việc. Tôi đi tìm anh. Tôi thấy ngôi mộ ghi rõ tên anh, có một nhành hoa nào đó không còn màu sắc. Anh tên Thắng. Tình yêu của tôi chết không bê bết máu, không biết đau, nằm sâu dưới huyệt. Tôi rùng mình chấp nhận. Bầu trời vẫn bẩn đục và tôi vẫn đơn độc bước mãi cho đến tận hôm nay. Ngồi vào chiếc bàn tròn. Bàn chỉ có ngọn nến và mấy đĩa thức ăn lạnh ngắt. Đứng dưới chân thánh giá, tôi công nhận cuộc hôn nhân của Hưng và Bình. Họ không thể sống thiếu nhau, thiếu tình yêu. Tôi cũng cần tình yêu. Nhưng anh ra đi mang theo cả tình yêu. Tôi thì thầm: Nếu ai phản đối cuộc hôn nhân này thì hãy lên tiếng, còn không xin hãy im lặng mãi mãi! Tôi thở phào nhẹ nhõm. Không ai lên tiếng phản đối họ. Làm gì có ai phản đối họ? Tôi và Ánh Dương thương quý hai người bạn này biết bao. Nhưng tối qua, tôi đã linh cảm thấy điều bất ổn. Trong cơn mê, tôi thấy bọn an ninh xông vào, tàn nhẫn và chĩa súng.

***

Hưng và Bình là cặp đôi đẹp nhất vũ trụ đêm nay. Họ trao nhẫn cho nhau, ánh mắt ngời lên hạnh phúc. Không một nhà hàng nào nhận tổ chức tiệc cưới. Không một nhà thờ nào cho phép hôn lễ thế này diễn ra. Tạ ơn Chúa, từ nay không gì có thể chia cách họ. Chỉ cần Chúa thừa nhận, chỉ cần Nhiên đứng ra làm chủ hôn, chỉ cần vài người bạn chứng kiến là đủ. Ngoài kia trời mỗi lúc một lạnh. Trận gió quái ác bật toang cánh cửa sổ. Khách không mời ngang nhiên ùa vào cười khanh khách trên vách tường vôi. Bọn chúng đạp cánh cửa sắt, giương cao nòng súng: Tất cả đứng yên! Giọng gã chỉ huy vang lên, chỉ nghe tiếng mà không thấy rõ mặt. Mặt râu che kín. Mắt chỉ có bóng tối. Đồng tử tôi giãn nở, kinh sợ. Cái điều chúng tôi lo lắng nhất cũng xảy ra. Gã chỉ huy bọn an ninh có lẽ trạc bốn mươi. Lão lên tiếng lần nữa. Cái thanh âm thoát ra từ miệng lão làm tôi lạnh sống lưng: Có người báo lại ở đây đang lén lút tổ chức lễ thành hôn của hai thằng con trai. Ai cho chúng mày lấy nhau? Lũ vô đạo đức, làm băng hoại những giá trị thuần phong mỹ tục. Tôi nghe rõ từng từ một lão thốt ra, không chịu nổi nữa, phải lên tiếng: Cớ sao yêu nhau không thể thành hôn? Tại sao chúng tôi không được tự do? Cái lễ cưới thế này, còn gì thê thảm hơn? Cái tiếng cười ma quái vang lên, lão ra lệnh câm miệng lại nếu không muốn chết. Lão nhếch mép, đừng có học theo bọn Huê Kỳ. Kết lại  một tràng tục tĩu chửi rủa là hai tiếng “bê-đê!” phát ra, như tiếng súng điếng tai, như tiếng nhái rác tai. Bây giờ cái tiếng ấy trở thành cái mốt. Bị kết án là “bê-đê” thì sẽ không thể sống yên sống ổn. Bọn chúng làm cái công tác kỳ quặc là bí mật kiểm tra tình trạng rì lây sần síp của từng người. Có dấu hiệu sơ khai của một gia đình đồng tính, chúng sẽ triệt ngay. Trong đêm nay, bọn chúng có thể tước đi mạng sống của Hưng, của Bình bất cứ lúc nào, như chúng đã giết người yêu của Nhiên. Hưng không lẩn trốn. Anh gan góc đứng phía trước che chở cho Bình. Họ đã nguyện dù sống, dù chết thì vẫn luôn bên nhau. Họ luôn bên nhau.

***

Tôi không ngờ cũng có ngày chúng tôi được thừa nhận. Con cảm ơn Thượng đế! Con cảm ơn Người đã ban phúc lành xuống thế gian. Con chưa từng gặp Người, nhưng con xem vốn đã xem Người như cha của mình, luôn dang rộng vòng tay bảo vệ con mình… Tôi nói với Hưng, tôi không phải là trẻ mồ côi như lời nói dối. Tôi giấu cái thân phận hèn mọn vì sợ anh ruồng bỏ. Tôi từng có cha mẹ. Mẹ bỏ đi từ năm tôi lên sáu tuổi. Mẹ không thể ở với một người cha suốt ngày chỉ có rượu chè, canh bạc và đánh vợ. Nhưng sao ngày ấy mẹ không dẫn tôi theo? Mười năm ròng tôi chờ mẹ ở bến nước. Tôi tưởng mẹ sẽ quay lại rước tôi. Mười năm ròng tôi ôm mặt khóc những khi chui vào một hốc nhỏ. Cha ngập men cầm roi vụt. Cờ bạc là thú vui lúc tỉnh, đánh tôi là thú vui lúc say. Tôi phải chạy thoát chết. Sống với ông, tôi biết sớm muộn mình cũng sẽ chết nhưng ra đời thì cái chết cũng luôn cận kề gang tấc. Như tối nay, nòng súng có thể giật lên bất cứ lúc nào, tôi có thể chết đi hoặc có thể mất Hưng. Anh có một gia đình êm ấm, yêu thương nhưng vẫn chấp nhận từ bỏ để đến với cuộc hôn nhân đầy oan trái. Từng ngón tay tôi tê liệt khi anh cầm tay, trao nhẫn. Thoáng nhìn ra xa, qua song cửa, tôi thoáng thấy mẹ của anh đang trộm nhìn khoảnh khắc chúng tôi hạnh phúc. Tôi nói với Hưng, tôi đã thấy mẹ anh, có lẽ bà khóc. Tôi không có mẹ nhưng tôi hiểu nỗi lòng của người mẹ có con bỏ nhà ra đi. Tôi biết mình đã cướp Hưng từ gia đình của anh. Chúng ta có phải quái thai của thời đại không? Hưng đỡ tôi ngả lưng xuống giường. Hôm nay, tôi mới nhận ra anh có đôi mắt đầy vẻ kiên cường. Tôi bị hút vào đôi mắt ấy, thấy mình trôi trên vực thẳm. Hưng dỗ tôi vào giấc ngủ: Không! Chúng ta là con người như mọi thời đại đã sống và yêu. Chúng ta là con người hạnh phúc. Chúng ta không thể để ai tước đoạt tự do và hạnh phúc. Em phải tin anh…

***

“Hoặc là chúng mày phải tuyên bố hủy hôn trước mặt tao, hoặc là chúng mày sẽ phải bị giam. Một thằng sẽ vào ngục, một thằng sẽ phải vào bệnh viện tâm thần!”. Tôi đã ra lệnh như thế, chính bố ruột của một trong hai người đã tố cáo họ, buộc tôi phải trừng phạt. Cô gái nhỏ nhắn đứng đó quát lớn: Ông không phải là bố của họ! Ông không có quyền gì cả! Họ đã đủ tuổi công dân từ lâu, bố họ cũng không thể áp đặt được họ. Chúa đã chứng giám hôn nhân của họ. Ông không đủ tư cách để chứng kiến họ tuyên bố hủy hôn! Lần đầu tiên tôi bị một cô gái quát. Mặc kệ! Tôi phải làm tròn nhiệm vụ: giải tán cái tiệc cưới này, diệt trừ cái gia đình đồng tính từ khi còn là trứng nước. Hai người họ cương quyết, không tuyên bố hủy hôn. Tôi giở trò khác, nghĩ là có trò vui để xem. Muốn không hủy hôn, chúng nó phải tự chặt ngón tay đeo nhẫn. Tôi mang mặt nạ vô cảm làm việc ở bộ an ninh được hai mươi năm từ cái ngày bị tình yêu đầu đời phản bội. Làm gì có chuyện tình trai sẽ mãi mãi? Tôi đã không tin họ dám vượt qua những ranh giới của ngục tù, sống chết, đau đớn để được ở lại bên nhau. Tưởng rằng chúng sẽ hèn nhát bỏ cuộc. Bị đe dọa, biết bao đứa đã chấp nhận bỏ cuộc thay vì vào tù. Lần này, hoặc chúng chọn hủy hôn, hoặc chọn vào tù, nhưng tôi đã lầm! Một thằng đã cả gan: Chặt thì chặt, tôi xin chịu bị chặt. Ở đâu thì cũng ngột ngạt như ngục tù! Không tuyên bố hủy hôn, chúng tôi đã là một gia đình rồi! Ngay khi đao lạnh vung lên, thằng còn lại cũng thét lớn: Khoan! Không thể chỉ có một người hy sinh. Hãy lấy cả ngón tay của tôi. Chúng tôi thực sự là bạn đời. Nó chìa bàn tay tay ra, chấp nhận bị lấy mất, bằng đau đớn, sắc bén. Tôi như liệm đi, rồi sực tỉnh. Tại sao tôi lại ở đây, làm cái công việc này? Có lần đến trụ sở, tôi đánh hơi thấy mùi tội phạm, liếc mắt nhận ra cửa phòng trực bị khóa chặt, nhưng chỉ cần một cái vặn mạnh là mở toang. Tôi phát hiện ba thằng thiếu úy đang làm tình với nhau. Một thằng nằm, một thằng đứng, một thằng quỳ. Tôi đã rút súng ra bắn chết cả ba. Tôi đã hành động không kịp suy nghĩ vì đã quá quen với mệnh lệnh “gay thì phải giết”. Tôi đã muốn tham dự vào cuộc làm tình không chính thống đó. Tôi muốn khuôn mặt mình không râu ria bóng tối. Tôi muốn mình hai mươi. Tôi muốn được yêu lại. Tôi muốn được ve vuốt. Tôi thua cuộc.

***

Trên chiếc giường ấm áp, Bình hỏi tôi hàng vạn câu hỏi. Bình hỏi tôi: Chúng ta há chẳng phải tội đồ? Tôi chắc chắn câu trả lời là “không”. Tôi khước từ áp đặt của bố để học lĩnh vực mình đam mê, chọn làm công việc mình yêu thích. Tôi đoạn tuyệt bố để nên duyên với người tôi yêu. Tôi đấu tranh với quyền lực luật pháp để được ở bên người tôi yêu và hạnh phúc. Chúng tôi cũng cần hạnh phúc. Lễ cưới của chúng tôi hôm nay biết đâu chừng là điềm báo tang lễ cho ngục tù tình yêu đồng tính.

LÝ MINH KỲ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 98108)
L oan cởi nhẫn cưới đeo vào cho Hoàng. “Anh cố giữ làm bùa hộ mệnh, lúc nào cũng có em bên cạnh”. Hoàng thấy vậy mà thương vợ thêm. Có người vợ biết chăm sóc từng li từng tí. Hoàng rưng rưng nước mắt bước ra khỏi nhà…
30 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 104024)
N gày 30 tháng Giêng năm 1948, một tên sát thủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu đã sát hại nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần Ấn Độ là ông Mohandas Karamchand Gandhi. Ông bị bắn ba phát đạn vào ngực và bụng trong khi đang trên đường đến nhà thờ để đọc lời cầu nguyện hàng ngày.
30 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 98501)
... C ó điều người ta cần phải ghi nhớ là người Tàu luôn luôn kiêu căng, tự coi nước mình là một nước lớn là duy nhất văn minh, chung quanh họ đều là man di mọi rợ, Việt Nam hay Đại Việt đi chăng nữa cũng chỉ là man, Nam Man, nằm ngoài rìa của Hoa Hạ, của Trung Hoa thời Dân Quốc, của Trung Quốc thời Cộng Sản hiện tại...Những chiến thắng của người Việt trong các thời Lý Trần, đặc biệt là chiến thắng chống quân Mông Cổ trong khi người Tàu thực hiện không nổi là những gì họ không chấp nhận được.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 96911)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 92570)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91123)
T răng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99389)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106306)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91601)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105752)
LTS : Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi. Tạp Chí Hợp Lưu