- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1884-1945 / Phần I - Gánh Nặng Di Sản (1802-1883)

22 Tháng Năm 20181:14 CH(Xem: 33075)



Redsvn-Dien-Thai-Hoa-03
Điện Thái Hòa




Các Vua Cuối Nhà Nguyễn,

1884-1945

Tái bản lần thứ nhất, có b sung

 

 

Kính dâng anh linh cha mẹ

Vũ Ngự Thủy (1918-1979)

Phạm Thị Dự (1918-2016)

 

 

Phần I

Gánh Nặng Di Sản (1802-1883)

 

 

 

 

2018

 

 

Dẫn Nhập

Ở Lần Tái Bản Thứ Nhất

Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1883-1945:

 

Hạnh phúc biết bao cho một người không có quá khứ, hay một dân tộc không có lịch sử—nhiều người quan niệm như thế. Nhưng con người, mỗi người trong chúng ta, đều có quá khứ, vui, buồn hay buồn vui trộn lẫn. Một dân tộc luôn luôn có lịch sử, vinh quang, tủi buồn, hay vinh nhục đủ mùi vị. Quá khứ luôn luôn là tấm gương cho mỗi người tự sửa mình, rút cho mình một kinh nghiệm sống, chuẩn bị cải thiện tương lai. Lịch sử một quốc gia, nếu được ghi chép trung thực, là kho tàng kinh nghiệm cho việc ích quốc, lợi dân, và phát huy tình nhân loại cho một thế giới đáng sống hơn.

Việt Nam không phải là một đại cường, cũng chẳng là một tiểu quốc. Ý chí và quyết tâm giữ vững và bảo vệ nền độc lập và chủ quyền tối thượng lãnh thổ—kể cả những chủ quyền thềm lục địa, lãnh hải, hải đảo, không gian, do công pháp quốc tế qui định—khiến người chép sử chưa phải sử gia, với huấn luyện chuyên biệt—thường chỉ nỗ lực uốn nắn các sử kiện vào khuôn thước quốc thống và chính thống của chế độ hiện hữu, như thứ tài liệu huấn luyện giai tầng cai trị và trung gian. Sử quan và sử công thường im lặng, hoặc tảng lờ, những dữ kiện đi ngược lại mục tiêu chính trị giai đoạn của chế độ. Và, nếu cần, kiêu hãnh và ngạo mạn đánh giá các tác nhân lịch sử như anh hùng hay gian ngụy theo đúng luật “được làm vua, thua làm giặc.” Sử văn biến thành tài liệu tuyên truyền, đủ màu sắc ý thức hệ và tôn giáo. Sự thực sử học bị phủ khuất dần. Hậu thế nhìn vào quá khứ chỉ thấy những rừng rậm nhá nhem đủ loại bóng tối, cây cổ thụ bị giây leo chằng chịt vây phủ. Bốn mươi ba năm sau ngày Sài Gòn thất thủ, chẳng hạn, còn bao người biết rằng hình ảnh chiếc xe tăng Bắc quân hùng hổ  húc vào cánh cổng Dinh Độc Lập (Thống Nhất, hiện nay) là kết quả của một màn đạo diễn phim tuyên truyền? (Một sử gia nổi danh Việt Nam, xin tạm dấu tên, đã cho tác giả biết chi tiết này)

Song song và dưới ảnh hưởng của các kỹ thuật bẻ cong hoặc nhất thống lịch sử trên là vấn đề tư liệu, hoặc thiếu sử liệu khả tín. Cho tới đầu thế kỷ XXI, chẳng hạn, vấn đề tư liệu còn nổi cộm. Mới chỉ có những nỗ lực đơn lẻ, cá nhân hoặc một nhóm nhỏ các chuyên viên, bỏ công sức đời mình tìm đọc các kho tài liệu văn khố rải rác năm châu—trong sự hờ hững của đám đông, đố kị và thù nghịch của một số thế lực và chính phủ.

Các kho tài liệu văn khố thế giới liên quan đến Việt Nam cũng chưa hoàn toàn mở rộng. Đó là chưa kể đến vấn đề khả năng ngoại ngữ. Và, sự hạn chế của một số văn khố quốc gia. Tại Việt Nam, chẳng hạn, chỉ một số nhà nghiên cứu ngoại quốc được phép làm việc tại ba trung tâm lưu trữ Quốc Gia tại Hà Nội và Sài Gòn. Thủ tục xin tham khảo hay làm phóng ảnh tài liệu cũng rất khe khắt và tốn thời gian. Đó là chưa nói đến khả năng ngoại ngữ cần thiết về chữ Hán và chữ Nôm để nghiên cứu các kho tài liệu như Nguyễn Triều Châu Bản.

Ở lần tái bản thứ nhất này—nhờ được vài học bổng nghiên cứu tại các văn khố và thư viện Việt Nam, thu thập thêm sử liệu mới, phỏng vấn quí ông Vũ Đình Hoè, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng cùng nhiều vị khác từ Bắc chí Nam, cũng như tham quan các địa danh miền Bắc mà tác giả chỉ giữ được những ấn tượng thiếu niên rất mơ hồ—chưa kể việc thay đổi ranh giới hành chính hay tên các tỉnh, quận—chúng tôi tu chỉnh lại một số chi tiết kỹ thuật trong ấn bản 1999-2000, đặc biệt là giai đoạn trước 1883, và thập niên 1930, nhờ sự phát hiện nhiều tư liệu mới.

Chúng tôi cũng may mắn được sự trợ giúp nhiệt tình của một số chuyên viên, học giả trong nước suốt thời gian du khảo năm 2004-2005 cũng như giai đoạn hậu du khảo. Xin ghi nhận sự ân cần của quí vị Hiệu trưởng cùng nhân viên Đại học Khoa Học & Xã Hội Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh, quí vị Giám đốc và nhân viên các trung tâm lưu trữ Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, và Ban học bổng Fulbright Tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Giáo sư Mai Quốc Liên đã mua giúp tập Lịch Vạn Niên: Âm lịch Dương lịch đối chiếu, 0001-2060 của Lê Quí Ngưu biên soạn (3 tập, ấn bản 2004), giúp điều chỉnh lại một số ngày tháng chính xác hơn, khi chuyển từ lịch Trung Hoa sang Tây lịch. Anh chị Vũ Ngự Triệu và các cháu mua tặng bản đồ Việt Nam năm 2016, cùng các bản dịch An Nam Chí Lược của Lê Tắc, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nội các tàng bản, v.. v..

Houston, 23/4/2018

Vũ Ngự Chiêu,

 Tiến sĩ Sử học (1984), Tiến Sĩ Luật (1999)

 

© 2000, 2018 by Chieu Ngu Vu & Van Hoa Publishing Co.

All Rights Reserved

 

 

 

Dẫn Nhập

 

Mặc dù họ Nguyễn chỉ chính thức làm vua Việt Nam từ năm 1802, tổ tiên đã hùng cứ vùng đất phía Nam sông Gianh nhiều thế kỷ. Dưới danh nghĩa tôn thờ nhà Lê (29/4/1428-12/7/1527, 1593-1/2/1789), các chúa Nguyễn (10-11/1558-17/[18]/10/1777), dòng giõi Nguyễn Cam/Kim (1467 [1468]-20/6/1545) đất Gia Miêu, Thanh Hóa, nhiều lần đánh nhau với họ Trịnh (1545-1787) ở phương Bắc—chắc chắn là hơn bảy [7] lần mà các bài học sử cấp đồng ấu bắt thuộc nằm lòng. Đồng thời, mở rộng dần lãnh thổ Đại Việt về phía Nam, xoá tên tiểu quốc Muslim Champa [Chàm] khoảng năm 1697, và rồi tiểu quốc Chenla [Thủy Chân Lạp] trong thế kỷ XIX (1837).

Cuối năm 1774, đầu năm 1775, Trịnh Sâm (1-2/1767-10-11/1782) sai Hoàng Ngũ Phúc vào chiếm Phú Xuân [Huế] và Quảng Nam, đuổi chúa Nguyễn thứ chín, Nguyễn Phước Thuần (7/7/1765-14/12/1776 [17/18-10/1777]), chạy vào Phiên An, tức Sài Gòn. Trong khi đó, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, nổi lên từ Bình Định, diệt cả Nguyễn (10/1777) lẫn Trịnh (21/7/1786). Ngày 22, hay 19/12/1788, Nguyễn Huệ tự xưng Hoàng đế, đả bại đạo quân viễn chinh của Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị [Sun Shi-yi], (từ 10,000 tới 290,000) trong trận đánh sáu ngày xuân Kỷ Dậu (26/1-1/2/1789), loại bỏ luôn nhà Lê Trung Hưng (25/1/1533-1/2/1789), hậu duệ của Bình Định Vương Lê Lợi ([10/9/1385] 29/4/1428-5/10/1433). (1)

  1. Tài liệu Ngô Gia Văn Phái ghi lên ngôi ngày 19 hay 17/12/1788 [22/11 Mậu Thân, tùy theo lịch Việt hay Thanh]; “Tức vị chiếu” [Chiếu lên ngôi] của Nguyễn Huệ, do Ngô Thì Nhiệm soạn; Hàn Các Anh Hoa, Tuyển Tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, bản dịch Mai Quốc Liên, 2 tập (Hà Nội: KHXH, 1978), II:105 [103-6] Hán, 108 [107-9] Việt. Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện [ĐNCBLT], ghi ngày 22/12/1788 25/11 Mậu Thân]; q XXX: Ngụy Tây, 32A; (Sài Gòn: 1970), tr 129-30; bản dịch Thuận Hóa, (Huế: 1993), 2:517. Đại Nam Thực Lục Chính Biên [ĐNTLCB], và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], Chính Biên [CB], đều không ghi ngày; q I, 2: 1778-1801, bản dịch Viện Sử Học (Hà Nội: 1963)), tr 83; XLVII::39-40, (Hà Nội: 1960), tập XX, tr 60-1 [1982-983]; (Hà Nội: 1998), II:845

Ngay trong ngày, mang quân ra Bắc đánh quân Thanh. Ra tới Nghệ An ngày 26/12/1878 [29/11 Mậu Thân]. Lấy thêm 80,000 quân Nghệ An và Thanh Hoa. (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], XLVII:40, (Hà Nội: 1960), tập XX, tr 61 [1983]; (Hà Nội: 1998), II:845

ĐNCBLT, XXX:32B; (Sài Gòn: 1970), tr 132-33; (Huế: 1993), 2: [491-503] (Nhạc), 517 [503-30] (Huệ), [530-49] (Toản).

Từ đó, ba anh em Tây Sơn chia nhau cai trị một Đại Việt mới, trải dài từ biên giới Trung Hoa tới Mũi bán đảo Cà Mau. Phần Ải Tân Giác La Hoàng Lịch (1735-1796), niên hiệu Càn Long, [Qianlong]—sau khi thất bại trong kế hoạch “hưng” Lê Tư Khiêm, tức Duy Kỳ (Chiêu Thống, 10/8/1786-1/2/1789)—thừa nhận “Nguyễn Quang Bình” [Huệ] làm An Nam Quốc Vương, cai trị lãnh thổ Đại Việt cũ; (2) trong khi Nguyễn Nhạc vẫn tự xưng Hoàng đế ở Vijaya [Hoàng Đế Thành], và Nguyễn Phước Chủng (8/2/1762-3/2/1820) cai trị ở miền nam, khởi đầu giai đoạn tranh hùng thứ hai với nhà Tây Sơn, còn gọi là thời “trung hưng” cơ nghiệp chúa Nguyễn (1778-1802).

2. Các vua Việt thường xuất hiện trong sử Trung Hoa với một tên khác trong nước. Lê Nghi Dân (1/11/1459-24/6/1460) xuất hiện trong Minh thực lục như Lê Tông, [Li Cong]; Lê Tư Thành (26/6/1460-3/3/1497), tức Lê Thánh Tông, có tên Lê Hiệu hay Hạo [Li Hao], Lê Oanh (13/1/1510-8/5/1516),  hay Tương Dực là Lê Trừu [Li Zhu].

 

Lúc đầu, thế còn yếu, lại đa nghi giết oan Đỗ Thanh Nhân, Nguyễn Phước Chủng—còn tên húy thứ hai là Ánh, và tự là Noãn—bị Nguyễn Huệ truy đuổi, lưu lạc khắp nơi. Hai lần chạy sang Xiêm La cầu viện (1783 và 1785), nhưng sau lần đại bại ở Trà Suốt, Mỹ Tho, ngày 18/1/1785 dưới tay Nguyễn Huệ, quân Xiêm sợ oai Tây Sơn như sợ cọp. Nguyễn Phước Chủng còn nhờ một Giám mục Ki-tô là Pierre Joseph Georges Pigneau [Phi Nho Bá Đa Lộc] mang con trưởng là Nguyễn Cảnh qua Đại Tây cầu viện, ký Hiệp ước Liên Minh phòng thủ 21-28/7/1787, nhưng Thống Đốc Pondéchery không quyết tâm thi hành.

Đầu thập niên 1790, vì anh em Tây Sơn bất hoà, và nhất là từ cái chết đột ngột ngày 13/11/1792 của Nguyễn Huệ, thanh thế Nguyễn Phước Chủng mới lên dần. Đạo quân Lê-dương “Thập Tự” cũng lục tục kéo đến, giúp mua vũ khí, đạn dược, và hiện đại hóa tàu chiến. Năm 1800, Chủng tái chiếm Quảng Nam, rồi kéo ra Phú Xuân, khôi phục kinh đô ngày 13/5/1801. Nguyễn Quang Toản bỏ chạy ra Bắc, không kịp mang theo ấn tín nhà Thanh ban phong. Mùa Thu 1801, Quang Toản mang 30,000 quân vào đành Bố Chính, nhưng thảm bại. Hai đại tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bị bắt ở Qui Hợp và Thanh Hóa trên đường triệt thoái từ Qui Nhơn về bắc. Năm sau, ngày 1/6/1802, Nguyễn Chủng tự lập làm vua, tức Nguyễn Thế Tổ (1/6/1802-3/2/1820), niên hiệu Gia Long, xuống chiếu đã giành lại thiên mệnh từ tay “ngụy Tây,” khai mở một triều đại mới. Rồi mang quân ra bắc, diệt nhà Tây Sơn trong vòng một tháng, ngày 20/7/1802 nhất thống đất nước, đặt kinh đô ở Huế. Sai hai sứ đoàn qua nhà Thanh xin cầu phong làm Nam Việt quốc vương.

Ngày 23/2/1804, Ải Tân Giác La Ngung Diễm (Thanh Nhân Tông, 1798-1820), niên hiệu Gia Khánh [Jiaqing], phong Nguyễn Chủng làm Việt Nam Quốc Vương—một nước chư hầu bao gồm đất An Nam (Đại Việt) cũ và nước Việt Thường [Yue-shang] cổ thời (theo truyền thuyết xuất hiện năm 1,110 TTL đời Chu Cơ Tụng-Chu Cơ Đán (1115-1079 Trước Tây Lịch [TTL]), cống chim trĩ trắng cho “thánh nhân.”(3)

3. ĐNTLCB, I, XXIII, 3:1802-1808, 1963:157-158. Chủng chính thức ban chiếu ngày 28/3/1804; Ibid., 1963:169-170. Sử nhà Trần  và Lê còn nhắc đến Nam Việt [Nan Yue] (208-111 TTL) của Triệu Đà [Chao Tuo] và con cháu, nên năm 1804, Ngung Diễm đổi tên “Nam Việt” Nguyễn Chủng đề nghị thành “Việt Nam”—loại bỏ lãnh thổ phía nam Dương Tử hay Lĩnh Nam khỏi cương giới cổ Việt. Các bộ quốc sử Việt thời quôn chủ chuyên chế đều chép về  Việt Thường thị và Nam Việt, dựa theo Sima Qian [Tư Mã Thiên], Shi-ji [Sử Ký], Bk 113; Ban Gu [Ban Cố], Hanshu [Hán Thư], Bk 95, và Fan Ye [Phạm Việp,] Hou Hanshu [Hậu Hán Thư], 86/76; Vũ Ngự Chiêu Hoàng Đỗ Vũ, “Nhà Hồng Bàng, 2879-258 TTL;” Viết Tử Chân Đền Hùng (Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2016), tr 84-88,  139-143, 171-186.

 

Chữ Việt [Yue] có bộ Tẩu [Thiều Chửu 655-656] trong các truyền bản quốc sử Lê, Tây Sơn và Nguyễn; và được diễn giải là xuất xứ từ huyền thoại Việt Thường thị. (4)

4. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], Tiền Biên [TB], [1884], bản dịch Trương Bửu Lâm et al., (Sài Gòn: 1960-1970); bản dịch viện Sử học, 2 tập (Hà Nội: NXB Giáo Dục, 1998), I:6A-B, 1965:28-29, 30-31; Ngô Sĩ Liên, et al, Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư [ĐVSK, NKTT], (1478, 1697-1698), bản dịch Nội các tàng bản,  I:1a, 4a, Thọ (2009), 1:150, 154; bản dịch Quốc tử Giám tàng bản, Giu (1967), 1:

 

Trong khi đó, các tộc “Bách Việt” ở phía nam sông Dương Tử hay Trường Giang chép là chữ Việt bộ Mễ [Thiều Chửu 474], ám chỉ việc trồng lúa gạo [wet rice], khác với lúa mạch [millet] ở phía bắc Trung Hoa. (5)

5. Bách Việt tiên hiền chí; dẫn trong CMTB, II:34A, (Sài Gòn: 1965), 2:140.

 

Nỗ lực tách biệt Đại Việt hay Việt Nam với Nam Việt [Nan Yue] (207-111 TTL) của Triệu Đà (207-137 TTL) và dòng giõi, tại Phiên Ngu [Quảng Châu]—chữ Việt cũng bộ tẩu—khởi đi từ Ngô Thời Sĩ-Ngô Thời Nhậm. (6)

6. Đại Việt Sử Ký Tiền Biên [ĐVSKTB], Ngoại Kỷ [NK] II:1a-2, The (1997), tr 52-53.

 

Truyền bản An Nam Chí Lược của Lê Tắc, Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi (1434), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên et al (1479, 1697-1698) còn liệt kê họ Triệu như một vua cổ thời của “Đại Việt.” (7)

7. Lê Tắc, An Nam Chí Lược, bản dịch Chen Ching Ho [Trần Kính Hòa] et al. (dựa trên truyền bản Lạc Thiện Đường Annan Zhilue [1884], Ginko Kishida [Ngạn Điền Ngâm Hương] sưu tập và hiệu đính năm 1884) (Huế: Đại học Huế, 1961), q XI: Triệu thị thế gia, tr 187-190 (Việt), 113-121 [Nho];  Nguyễn Trãi, Dư Địa Chí [1434] trong Ức Trai Di Tập (1868); bản dịch Viện Sử Học; Nguyễn Trãi Toàn Tập [NTTT], in lần thứ hai có tăng bổ và hiệu đính, (Hà Nội: KHXH, 1976) [tr 211-46, 543-662]; ĐVSK, NKTT, II: Kỷ Nhà Triệu (1679), Thọ et al (2009), tr 163-81.

 

Truyền bản những mảnh vụn bộ sử đầu tiên triều Trần (10 [20]/1/1226-4/3/1400) của Bảng Nhãn Lê Văn Hưu, cũng gián tiếp nói đến liên hệ giữa Triệu Đà với An Dương Vương Thục Phán, cùng hai hay ba sứ giả cổ Việt khoảng năm 198 TTL. (8)

8. ĐVSK, NKTT [1479, 1697-1698], Quyển Thủ, Phàm Lệ, 1a, Thọ (2009), tr 117 [Ngô vương nối đại thống của Hùng Vương và Triệu Vũ [đế]. Nay theo Vũ Quỳnh, trong Đại Việt Bản Kỷ Toàn Thư, lấy Đinh Tiên Hoàng mở đầu đại quốc thống]
 

 

 

Ngày 7/9/1788, Nguyễn Chủng chiếm lại thành Phiên An. Nhờ lực lượng hải thuyền và khí giới mua của Bri-tên, Portugal [Bồ Đào Nha], và rồi nhóm lính đánh thuê Pháp vài ba chục người do Pigneau mang tới từ năm 1789, quân Nguyễn bắt đầu lớn mạnh dần.

 

Nhà Nguyễn gồm tất cả 13 đời vua.

Bốn vua đầu tiên—Nguyễn Phước Chủng (1/6/1802-3/2/1820), niên hiệu Gia Long, tự xưng Hoàng đế từ 1806), Nguyễn Phước Đảm (14/2/1820-20/1/1841), niên hiệu Minh Mạng, Nguyễn Phước Tuyền [Miên Tông, Dung] (11/2/1841-4/11/1847), niên hiệu Thiệu Trị, và Nguyễn Phước Thời (10/11/1847-19/7/1883), niên hiệu Tự Đức—theo chế độ quân chủ chuyên chế, mô phỏng triều chính nhà Minh (Ming, 1368-1644) và Thanh (Qing, 1644-1912) của Trung Hoa. Đây là những vua, ít nhất trên danh nghĩa, có uy quyền tuyệt đối. Họ quyết định mọi việc trong nước, với sự giúp đỡ của Tôn Nhơn phủ, Cơ Mật Viện và một chính phủ [triều đình], gồm sáu [6] bộ lại, hộ, lễ, binh, hình và công, cơ quan đầu não của hệ thống quan lại trong nước.

Triều Nguyễn Phước Đảm có thể coi như hùng cường nhất. Quân Nguyễn chiếm được đất Căm Bốt (Kambojia, tức Chân Lạp [Chen La] hay Cao Man), đổi tên làm Trấn Tây Thành. Bởi thế, từ năm 1838, Nguyễn Phước Đảm chính thức đổi quốc hiệu thành Đại Nam. Từ triều Nguyễn Phước Tuyền, uy tín và quyền lực vua Nguyễn ngày thêm suy giảm. Với sự trợ giúp của Xiêm La, dân Khmer nổi lên giành tự chủ. Năm 1841, Nguyễn Phước Tuyền phải rút đạo quân viễn chinh khỏi đất chùa Tháp. Từ năm 1846, Nguyễn Phước Tuyền quay mặt làm ngơ cho Xiêm La thống trị Kambojia. Trong khi đó, năm 1847, Pháp bắt đầu đường lối ngoại giao chiến thuyền đối với Đại Nam. Sau khi liên thủ với Bri-tên xâu xé Trung Hoa, duy trì một lực lượng quân sự ở Viễn Đông, ngày 15/4/1847, Pháp cho hai chiến hạm GloireVictorieuse bắn phá thị oai Đà Nẵng, đánh đắm cả năm thuyền bọc đồng hiện đại nhất của nhà Nguyễn, giết hại hơn 1,000 người, vì không được thỏa mãn yêu sách tự do giao thương và truyền đạo. Năm 1856, chiến hạm Pháp Catinat lại bắn phá Đà Nẵng trước khi giao chiến thư đòi giao thương của sứ đoàn Montigny. Rồi, từ ngày 1/9/1858, theo lối tằm ăn dâu, Đại Pháp (France) xâm chiếm dần Đại Nam. Ba tỉnh miền Đông Nam kỳ bị mất trong ba năm 1859-1861, Nguyễn Phước Thời phải trả cho Pháp và Espania số tiền bồi hoàn chiến phí bốn [4] triệu Mỹ Kim trong vòng 10 năm. Năm 1867, Pháp chiếm thêm ba tỉnh còn lại của Nam kỳ không tốn một viên đạn, thiết lập thuộc địa Nam Kỳ thuộc Pháp [Cochinchine]. Nhưng tham vọng của Pháp không ngừng ở đó. Giấc mơ Ki-tô hoá Đại Nam của các giáo sĩ, tham vọng làm giàu của các tài phiệt cùng các tay phiêu lưu, và giấc mộng công danh của những sĩ quan Hải quân Pháp đưa đến việc chinh phục những phần đất còn lại của Đại Nam từ đầu thập niên 1870, hầu có đường thông thương với Vân Nam và miền tây Hoa Nam mà Đại Bri-tên đang xâm lược.

Mặt khác, từ thập niên 1860—nếu không phải sớm hơn—thổ phỉ và hải tặc Trung Hoa lộng hành trên đất Bắc. Liên quân Thanh-Nguyễn tảo thanh suốt hơn một thập niên vẫn không dẹp yên. Cuối cùng, Khâm sai Hoàng Kế [Tá] Viêm—chú rể Nguyễn Phước Thời—thi hành chính sách “dĩ Di trị Di,” cắt đất và ban phong chức tước cho Tướng thổ phỉ Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc, sử dụng Phúc đối đầu với các nhóm thổ phỉ khác, cũng như người Pháp.

Trong khi đó, các giai tầng xã hội mất dần lòng tin nơi triều đình. Tầng lớp hưởng nhiều đặc ân nhất là văn thân xa lánh dần triều đình, qua phong trào “Bình Tây, Tả Đạo,” và rồi từ năm 1883 bỏ quan chức, mộ nghĩa dũng kháng Pháp. Nông dân đói khổ, nổi lên chống đối khắp nơi. Đáng sợ hơn nữa là các âm mưu xúi dục giáo dân Ki-tô làm loạn của các giáo sĩ Pháp và Espania—như Pierre Retord, Etienne Théodore Cuénot [chết trong ngục Bình Định ngày 14/11/1862], Dominico Lefèbvre, Francois-Marie Pellerin, Jean-Claude Miche (Mịch, rồi Gioăng, 1805-1873), Paul Francois Puginier, J. D. Gauthier, Theophile Le Grand de La Liraye—để làm suy yếu triều đình, và đồng thời khuyến khích quan tướng Pháp đẩy mạnh hơn cuộc xâm lăng.

Trường hợp Pedro Tạ Văn Phượng/Phụng, dưới tên giả Lê Duy Minh, Cai tổng Vàng (Nguyễn Văn Thịnh) hay Hồ Văn Vạn chỉ là vài ba trường hợp tiêu biểu. Trong khi đó, như đã quyết định từ mùa Hè 1857 ở Paris, quan tướng Pháp sử dụng các linh mục bản xứ và thày kẻ giảng—như Petrus Key (Trương Vĩnh Ký), Paul Nguyễn Trường Tộ, Huyện Sĩ Lê Phát Đạt, Diệp Văn Cương, Ngô Đình Khả, Pierre Nguyễn Hữu Bồi/Bài, Trần Văn Triêm, tức Lục—giữ vai trò thông ngôn và thủ lĩnh thổ binh bản xứ, tiếp giúp đạo quân viễn chinh “Pha-lang-sa” thiết lập nền bảo hộ Đại Nam. Nhóm người này hành xử giống các thổ quan và thổ binh kiểu anh em Mạc Thúy, Mạc Địch, Mạc Viễn, cùng Nguyễn Huân, Trần Phong, Lương Nhữ Hốt v.. v.. thời Minh thuộc chưa xa (5/7/1407-2/1/1428) (9)—nhưng đã cố tình ngụy tạo lịch sử, tự phong làm công thần của Đại Pháp, hay Hội Truyền Giáo Hải Ngoại. Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục (6/10/1897-1984?), chẳng hạn, đã mang thành tích trung thành của cha con họ Ngô để xin Toàn quyền Jean Decoux (20/7/1940-9/3/1945) tha tội cho Ngô Đình Khôi (?-1945) và Ngô Đình Diệm (27/7/1897-2/11/1963) đã hợp tác với Hiến Binh Nhật (Kempeitai) để lập đảng Đại Việt Phục Hưng, và một chính phủ lưu vong (Ủy Ban Kiến Quốc) với Hoàng thân Cường Để (1887-1951) làm Minh chủ. Hay, biện hộ với Linh Mục/Cao Ủy Georges Thierry d’Argenlieu (1945-1947) về lý do Diệm hai lần từ chối lời mời làm Tổng Lý [Thủ tướng] của Nguyễn Phước Điển/Điện (8/1/1926-25/8/1945), niên hiệu Bảo Đại, trong mùa Xuân 1945—dù trên thực tế, tân Toàn Quyền Đông Dương Nhật quyết định giữ Nguyễn Phước Điển/Điện ở vị trí vua bù nhìn, tránh xáo trộn vô ích nếu không phải đầy nguy hiểm, khi Đồng Minh đổ bộ, phản công—khai sinh ra “Việt Nam Đế Quốc,” với Trần Trọng Kim (1883-1953) làm Tổng lý chính phủ độc lập đầu tiên và duy nhất dưới Thiên Mệnh quân phiệt Nhật (9/3-21/8/1945).

9. Vũ Ngự Chiêu Hoàng Đỗ Vũ, “Giao Chỉ Đô Thống Sứ Ti, 5/7/1407-2/1/1428;” Nhục Hận Biến Đông Nam Á: Kiện Hay Không Kiện?, 3 tập Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2015-2016), tập II, tr 137-45, 171-186 [5-2014];
 

Cái chết của Nguyễn Phước Thời ngày 19/7/1883 đánh dấu sự suy tàn của quyền lực vua Nguyễn. Tại Huế, các Phụ chính Đại thần—đặc biệt là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết—mặc sức phế lập, tạo nên cuộc khủng hoảng triều chính suốt hai năm kế tiếp. Từ tháng 7/1883 tới tháng 8/1884, bốn Hoàng tử được đưa lên ngôi cho Tường và Thuyết thực thi chính sách của họ. Trong hai năm 1883 và 1884, triều đình Huế cũng bị Pháp cưỡng ép ký thêm hai hoà ước nhìn nhận sự bảo hộ của Pháp, với những điều kiện chẳng khác biệt nhau bao lăm. Ngay trước khi ký hiệp ước Bảo hộ 6/6/1884, đại diện Pháp cho lệnh các quan Việt nộp ấn tín sắc phong của nhà Thanh (1644-1912) ném vào lò rèn, rồi thụt bễ mà hủy đi, chỉ với điều kiện được dịch thuật ngữ “protectorat” [bảo hộ] thành “bảo trợ [“protection/assistance”] trong văn bản hiệp ước bằng chữ nôm/nho. Thiên mệnh Pháp khởi đầu từ giai đoạn 1883-1884 đầy biến loạn này.

Vua quan Nguyễn biến thành một tầng lớp trung gian bản xứ để giúp các viên chức thuộc địa Pháp cai trị. Cái chết của Nguyễn Phước Hạo [Ưng Hỗ/Đăng] (2/12/1883-31/7/1884), niên hiệu Kiến Phước, tạo cơ hội cho Trú sứ Pierre Rheinart des Essarts lập nên tiền lệ bắt vua Việt, tức Nguyễn Phước Minh [Ưng Lịch] (2 [17]/8/1884-5/7/1885 [1/11/1888]), niên hiệu Hàm Nghi, phải nhận lễ phong vương của Pháp, đồng thời mở cửa Ngọ Môn cho ba sĩ quan Hải quân tiến vào Hoàng thành chủ tọa lễ phong vương. Hơn một năm sau, Tổng trú sứ Philippe Roussel, tức Bá tước de Courcy, bước thêm một bước xa hơn nữa—Biến Nguyễn Phước Biện [tự Ưng Kỹ hay Đường] (19/9/1885-28/1/1889), thành một hình nhân giát vàng, thân hành qua Tòa Khâm sứ nhận lễ phong vương ngày 14/9/1885, rồi mới về điện Thái Hòa làm lễ đăng quang năm ngày sau dưới sự hộ tống của quan binh Pháp, niên hiệu Đồng Khánh, cùng chiếc ghế bành [kiệu] “Tây” vốn dự trù tặng Nguyễn Phước Minh [Ưng Lịch], để cả hai phe “đều vui.” Từ nay, vua Nguyễn chỉ còn là một công chức của Bảo hộ Pháp, được cấp phát lương bổng hàng năm, với lãnh thổ kiểm soát một cách biểu kiến thu gọn lại trong phạm vi lãnh thổ đồng bằng và duyên hải Trung Kỳ, dưới tên “An Nam,” khiến gợi nhớ đến tên “An-Nam đô hộ phủ” thời Bắc thuộc, hay An Nam Đô thống sứ ti mà Chu Hậu Tổng (Thế Tông, 27/5/1521-23/1/1567) phong cho ông cháu Mạc Đăng Dung năm 1541 sau lễ đầu hàng ô nhục ngày 30/11/1540 trong “Trấn Nam Quan”—một tiền lệ cho các vua Lê Trung hưng, từ 1598 tới ngày quân đội “Bát kỳ” Mãn Châu, cùng bọn Hán gian Ngô Tam Quế [Wu San-Gui] giúp khai sinh nhà Đại Thanh năm 1644. (10)

10. Phụ Bản V: “Lễ đầu hàng của ông cháu Mạc Đăng Dung, 30/11/1540-29/4/1541;” Ibid., tr 301-22, 348-50.

 

Tại Huế, dù hoà ước “bảo trợ”—thực ra là “bảo hộ”—đã ký ngày 6/6/1884, nhưng có hai khuynh hướng dị biệt. Một, chân thành chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, do một số Hoàng thân cầm đầu như Tuy Lý Vương, Thọ Xuân Vương, cùng nhóm Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, Nguyễn Thân, Nguyễn Trọng Hợp, Cao Xuân Dục, Hoàng Cao Khải, v.. v... Phe khác, do Tôn Thất Thuyết cầm đầu, chủ trương nghiến răng nuốt nhục, chờ cơ hội vận động toàn dân kháng chiến. Biết được kế hoạch này qua hệ thống tình báo đại chúng của các Giám Mục Louis Caspar và Paul F Puginier, quan tướng Pháp tìm cách khích động Phụ chính Thuyết (“Tôn thất” là tên họ kép cho các gia đình Hoàng tộc; khác với họ “Tôn,” như Tôn Đức Thắng hay Tôn Quang Phiệt) phải ra tay trước. Trung tá Pernot, chỉ huy trưởng Thuận An, từng tiết lộ với Tổng Trú sứ Victor Lemaire là đã nhận lệnh Tướng Louis Brière de l’Isle cho binh sĩ phá phách Huế và phong tỏa hai phụ chính Tường, Thuyết. Đêm mồng 4 rạng mồng 5/7/1885 [tức 22 rạng 23  tháng 5 Ất Dậu], Thuyết đánh úp đồn Mang Cá (tức Trấn Bình Đài, nằm ở góc đông bắc Hoàng thành) và Tòa Khâm sứ Huế, ở bờ nam sông Hương, gần Phú Cam) với hy vọng giết được Tổng trú sứ Roussel de Courcy, kiêm Tư lệnh quân viễn chinh. Thất bại, Thuyết mang ấu vương Nguyễn Phước Minh cùng ba Hoàng Thái hậu và Thái phi di tản ra Quảng Trị, rồi ngày 13/7/1885 xuống hịch Cần Vương (giúp vua). Đệ nhất Phụ chính Tường ở lại, nhờ Caspar, Giám mục giáo phận Đường Trong Bắc, giúp đầu thú, và được Roussel de Courcy cho một tháng để ổn định tình hình và đưa Nguyễn Phước Minh hồi cung.

Khi thời hạn chấm dứt, do đề nghị của Nguyễn Hữu Độ và Giám Mục Caspar, ngày 14/9, de Courcy lập con nuôi thứ hai của Nguyễn Phước Thời là Ưng Kỹ (Đường), lên ngôi, mượn chiêu bài "trung hưng dòng chính thống" của Nguyễn Phước Thời chống lại phong trào Cần Vương đang bộc phát trên toàn quốc. Nguyễn Văn Tường cùng Phạm Thận Duật và Tôn Thất Đính (cha của Tôn Thất Thuyết) bị đầy ra Côn Đảo, và rồi thuộc địa Haiiti. Phạm Thận Duật chết trên đường giải giao ngoài biển, trong khi Nguyễn Văn Tường mất vì bướu cổ tại Haiti vài năm sau. Chỉ có Hoàng thân Đính được phóng thích, hồi hương.

Ngày 19/9/1885, Nguyễn Phước Biện  lên ngôi, đặt niên hiệu là Đồng Khánh—có nghĩa “cùng vui” hay “chung vui.” Đây là vua thứ chin [9], và cũng vua Nguyễn đầu tiên do Pháp tuyển chọn để thay thế và chống lại em cùng cha khác mẹ—cũng đã được Pháp chủ tọa lễ đăng quang [lần thứ hai, ngày 17/8/1884], nhưng đang hóa thân thành một ấu vương lang thang khắp rừng núi phía tây Quảng Trị, Quảng Bình, và Hà Tĩnh. Trong vòng 60 năm kế tiếp của giai đoạn Nguyễn mạt, thêm bốn [4] vua Nguyễn được đặt lên ngôi, nhưng chỉ "rủ buông tay áo" cho Pháp lo việc cai trị—dẫu vậy, họ khó thể là “Nghiêu-Thuấn” tân thời. Việc phế lập, đào tạo, kiểm soát những vua cuối triều Nguyễn này, cũng như cuộc sống phía sau Tử Cấm Thành của họ, đã được thảo luận đó đây, nhưng chưa có một nỗ lực nghiên cứu riêng biệt nào.

Chúng tôi sẽ đặt trọng tâm vào chính sách của Pháp đối với các vua Nguyễn cuối cùng và phản ứng của họ trên mặt trượt dốc của vương quyền. Giới quan lại và những biến đổi kinh tế, văn hoá và xã hội dưới mỗi triều vua chỉ lược thuật để có một ý niệm tổng quát. Thời gian nghiên cứu giới hạn trong khoảng 1884-1945, dù Nguyễn Phước Điển, vua thứ 13 và cuối cùng, còn được Pháp đưa lên làm Quốc trưởng trong sáu [6] năm, từ 1/7/1949 tới 23/10/1955, mới bị Thủ tướng toàn quyền quân và dân sự Ngô Đình Diệm (7/7/1954-2/11/1963) cướp ngôi bằng một cuộc “trưng cầu dân ý” gian ngụy. Từ ngày 29/4/1955, sau ba lần nhẫn nhịn, hoà hoãn theo lời khuyên của các viên chức Mỹ, Nguyễn Phước Điện [Bảo Đại] đã cay đắng nói với William H Gibson, nhân viên Toà Đại sứ Mỹ ở Paris trước đó từng phục vụ ở Hà Nội, Diệm đang trở thành một thứ “bệnh thần kinh” (psychopath), muốn làm một thứ thánh tử đạo bất kể giá sinh mạng hàng ngàn người vô tội. Diệm khoan khoái với ý nghĩ mạng sống mình đang bị nguy hiểm và chào đón cái chết thiêng liêng—cái chết mà hẳn Diệm sẽ phải đón nhận. Vì, sự thù ghét Diệm đã lên cao độ và sẽ có người ám sát Diệm trong một tương lai gần nếu Diệm nhất quyết cai trị bằng bạo lực chỉ "với sự giúp đỡ của gia đình [họ Ngô] và người Mỹ." (11) Một lời tuyên bố ứng nghiệm như một lời tiên tri.

11. Tel 4746, 30/4/1955, Gibson gửi Young; Paris gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I: Vietnam (1986), pp 334 [Tài liệu 160, pp 332-336])

 

Nguyễn Phước Điển cũng nhận xét thêm vai trò của Diệm như một tín đồ Ki-tô. Diệm, theo Nguyễn Phước Điện, đang tin rằng mình tham dự một cuộc thánh chiến; nhưng làm thế, Diệm khiến Ki-tô giáo bị mọi người oán ghét. Nguyễn Phước Điện thêm rằng chính gia đình bên vợ Nguyễn Phước Điện [Huyện Sĩ Lê Phát Đạt, và Nguyễn Hữu Hào] cũng là Ki-tô lâu đời (tức không có ý bài xích Ki-tô). Tuy nhiên, thực tế là chỉ vì người ta ghét Diệm, bất cứ người Ki-tô nào cũng lo sợ khi ra khỏi phạm vi các thành thị. (12)

12. Tel 4746, 30/4/1955, Gibson gửi Young; Paris gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I: Vietnam (1986), pp 334-35 [Tài liệu 160, pp 332-336])

 

Tương tự như di ngôn của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đúng ngày “song thất” thứ chin [7/7/1963], rằng miền nam sẽ mất vào tay “Cộng Sản Bắc Việt,” vì Diệm và gia đình chỉ đủ khả năng giết hại những người thực tâm yêu nước “chống Cộng” hay “không Cộng Sản”—tức chống lại thứ mê tín, dị đoan “công hữu nguyên thủy” [Communism] của Karl Marx-Frederich Engels—nên thủ lĩnh nhóm Tự Lực Văn Đoàn hóa thân lãnh tụ cách mạng Đại Việt Dân Chính/Quốc Dân Đảng đã theo gương Thượng Tọa Thích Quảng Đức dùng xác thân làm ngọn đuốc đấu tranh  cho nhân quyền, tự do dân chủ, và quốc gia, dân tộc. Theo bản tin Đài VOA ngày 9/7/1963, Nhất Linh để lại di ngôn:

 “Đời tôi có lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập Quốc Gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng Sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người trà đạp mọi thứ tự do.” (13)

13. Điện văn số 1252 ngày 8/7/1963, BNV gửi Đổng lý VP/BT tại PTT; Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia TTLTQG II (TP/HCM), Kho Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa [PTT/ĐICH], Hồ Sơ [HS] 8500. Có bản tin đài VOA, và giấy khám nghiệm của Phòng Giảo Nghiệm Tổng Nha CS-CA.

 

Phần II, "Thiên Mệnh Đại Pháp, 1884-1945," gồm mười bốn [14] chương. Mười một [11] chương đầu nói về các vua Nguyễn Phước Minh [Ưng Lịch], Nguyễn Phước Biện [Ưng Kỹ], Nguyễn Phước Chiêu [Bửu Lân] (1/2/1889-[30/8]3/9//1907), Nguyễn Phước Hoãng [Vĩnh San] (5/9/1907-10/5/1916), Nguyễn Phước Tuấn [Bửu Đảo] (18/6/1916-6/11/1925) và Nguyễn Phước Điển/Điện [Vĩnh Thụy] (8/1/1926-25/8/1945). Tác giả không nuôi tham vọng ghi lại những sách lược của các triều vua này—và, thực ra cũng chẳng có sách lược nào, ngoài việc ban hành Dụ, Sắc, hay Chỉ theo lệnh các cường thần, hay Toàn quyền và Khâm sứ Pháp. Sợi dây xuyên suốt qua sáu triều vua cuối nhà Nguyễn này là sự thực thi "Thiên mệnh Đại Pháp”—từ cách tuyển chọn vua quan, tới những sách lược sử dụng giai tầng trung gian bản xứ trong việc đổi thay các cấu trúc xã hội, kinh tế và văn hoá Việt. Nhưng không kém quan trọng là chu trình biệt phân và hình thành các giai tầng xã hội/văn hoá/kinh tế Việt Nam suốt giai đoạn nghiên cứu, để thay thế dần các tầng lớp xã hội/văn hoá/kinh tế bị Hán hóa cũ. Riêng ba Chương thứ XXIII, XXIV và XXV nói sơ lược về thời Nhật thuộc (1940-1945), và những kế hoạch sử dụng uy tín nhà Nguyễn để qui tụ các lực lượng “chống Cộng” trong cuộc tái xâm chiếm Việt Nam của chính phủ Charles de Gaulle (24/8/1944-20/1/1946), và những chính phủ Đệ Tứ Cộng Hòa Pháp kế tiếp trong giai đoạn 1945-1955. Phần kết luận trình bày nhận xét riêng về một trong những giai tầng trung gian bản xứ người Việt mà Pháp đã sử dụng trong "sứ mệnh khai hoá" Việt Nam, và giá trị lịch sử của giai đoạn Nguyễn mạt này.

Vì lý do kỹ thuật, mỗi phần sẽ in riêng biệt, tức tập I, “Đại Nam Mất Tự Chủ, 1858-1883,” và tập II, III, “Thiên Mệnh Đại Pháp, 1884-1945.”

Tài liệu chính yếu sử dụng là văn khố Pháp và Thực Lục triều Nguyễn. Năm kho tài liệu tác giả được may mắn tham khảo gồm Văn khố trung ương Pháp, Văn khố Bộ Thuộc Địa, Văn khố Bộ Ngoại Giao, Văn khố Hải quân, Văn khố Lục quân và Văn Khố Hội Truyền Giáo Pháp. Những tư liệu văn khố Hải quân và Lục quân mà tác giả sử dụng phần lớn mới được công bố lần đầu tiên trên thế giới từ năm 1996. Đây là các hồ sơ báo cáo, công điện, nhật ký, phóng đồ hành quân giữa Paris và Sài Gòn, cũng như từ Sài Gòn tới các địa phương trong giai đoạn nghiên cứu. Loại "văn chương đao bút" của những Khâm sứ, Toàn quyền, Tư lệnh đạo quân viễn chinh và cơ quan an ninh Pháp ở Đông Dương, cùng những kế hoạch đại cương chỉ đạo từ Paris này không dễ sử dụng. Mỗi khi nhận định về vua quan Việt, sự yêu ghét, khen thưởng hay chê trách của viên chức Pháp đều có hàm ý chính trị, và không tránh được sự chủ quan. Chính nghĩa và lẽ phải của các tư liệu này là thứ chính nghĩa và lẽ phải của người chinh phục—nên chính nghĩa và lẽ phải của phe bị chinh phục thường bị lãng quên.

Tuy nhiên, ưu điểm của tư liệu văn khố Pháp là sự chính xác về ngày tháng và nhân sự. Ngoài ra, còn nhiều văn bản hiếm quí mà giá trị không ai có thể chối cãi như thủ bút của các tác nhân lịch sử, đặc biệt là trường hợp vua Nguyễn Phước Minh [Hàm Nghi], Nguyễn Phước Chiêu [Thành Thái], Nguyễn Phước Hoãng [Duy Tân], Nguyễn Phước Tuấn [Khải Định], và Nguyễn Phước Điển [Bảo Đại], hay các quan tướng Pháp,  giáo sĩ Tây phương cùng những người hăm hở, tình nguyện giương cao ngọn cờ Đại Pháp trên chính quê cha đất tổ mình như Petrus Key [Trương Vĩnh Ký], Tạ Văn Phượng, Huyện Thy Lê Bá Đĩnh, Ngô Đình Khả và các con cháu, Nguyễn Hữu Bồi tức Bài, Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Cao Khải, v.. v... Ngoài ra còn rất nhiều bản đồ đương thời, có giá trị cao về mức chính xác cùng thời gian tính (như bản đồ khu vực hành quân đánh phá tàn quân của Ngự sử Phan Đình Phùng tại Hà Tĩnh-Quảng Bình năm 1895-1896).

Chúng tôi cũng may mắn được tham khảo một số tư liệu của Hội truyền giáo Hải ngoại Pháp trên phố [rue du] Bac, Paris. Đây là kho tàng tư liệu chưa được các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp khai thác đầy đủ trước 1975. Đứng vào địa vị ủng hộ—rồi đối lập, và, cuối cùng lại ủng hộ nhiệt thành nhà Nguyễn sau khi người Pháp thiết lập xong chế độ bảo hộ—các thư từ viết từ Việt Nam của các giáo sĩ Ki-tô giúp soi sáng nhiều bí ẩn lịch sử cũng như sinh hoạt đại cương ở hạ tầng xã hội, hoặc phía sau sân khấu thời cuộc.

Để bổ khuyết những phần thiếu sót của hồ sơ văn khố Pháp cũng như tư liệu Hội truyền giáo hải ngoại, chúng tôi may mắn được tham khảo ba nguồn tài liệu khác. Trước hết có tài liệu quốc sử quán nhà Nguyễn. Đó là các bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, do Viện sử học Hà Nội chuyển ngữ từ nguyên bản chữ Hán.

Dù bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên [ĐNTLCB] do các cháu tác giả giúp sưu tập ở Việt Nam chưa được toàn vẹn, nhưng cũng tạm đủ sử dụng. Một trong những lý do là những tập Thực Lục từ cuối đời Nguyễn Phước Thời tới đời Nguyễn Phước Biện đã phải chịu sự kiểm duyệt của người Pháp trước khi khắc bản. Hơn nữa, tác giả được các thân hữu như quí ông Bùi Quang Tung, Vũ Hữu Nho cho mượn đọc những tập bị thiếu sót. Ngoài ra, tác giả còn may mắn có trong tay bản toát yếu thư mục Châu Bản triều Nguyễn dưới triều Nguyễn Phước Thời và Nguyễn Phước Đảm. Đóng góp không nhỏ cho việc sơ thảo bộ sách này hai chục năm trước là các tập Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu của Cao Xuân Dục, Quốc Sử Di Biên của Phan Thúc Trực, Huấn địch thập điều diễn nghĩa của vua Nguyễn Phước Thời, cùng tập và Sử Ký Đại Nam Việt của một tác giả vô danh, có lẽ là giáo sĩ hay thày kẻ giảng nào đó.

Tác giả cũng có cơ hội tham khảo và sử dụng một số báo chí đương thời tại Pháp và Đông Dương. Những tựa báo khảo sát có Le Courrier de Saigon, Gia Định Báo, LAvenir du Tonkin, Le Courrier d’Haiphong, Đại Việt Tân Báo, Le Temps, Nam Phong, Tiếng Dân, La Cloche Fêlée, L’Annam, La Lutte, v.. v... Mức khả tín của loại tài liệu này không cao, nhưng giúp khai sáng nhiều kẽ hở của các tư liệu văn khố.

Khiếm khuyết quan trọng là tác giả chưa có dịp khảo sát các tư liệu nguyên bản nhà Thanh hoặc Espania, Bri-tên, Germany, và Holland trong giai đoạn khảo cứu. Hy vọng rằng những sử gia tương lai có dịp đi xa hơn tác giả, bổ khuyết những thiếu sót khó tránh.

 

Sử học là một khoa học nhân văn, mượn những phương pháp điều tra, phân tích khoa học, có hệ thống để tái dựng những biến cố trong dĩ vãng. Dù đôi khi người nghiên cứu chuyên nghiệp cũng bị lẫn lộn giữa việc tuyên truyền với tri thức sử, hoặc bị thiên kiến cá nhân làm sai lệch, yếu tố căn bản nhất là sự chính xác, hoặc ít nữa chính xác tối đa với số tư liệu có trong tay. Dù một tác phẩm hoàn hảo, tuyệt mỹ là điều khó thể hiện hữu, nhưng một biên khảo, nghiên cứu sử học nghiêm túc luôn tách biệt khỏi sự yêu, ghét thông thường của mỗi cá nhân.

Sự khác biệt giữa Các Vua Cuối Nhà Nguyễn và những tài liệu nghiên cứu sử học khác là nỗ lực sử dụng những biến đổi văn hoá và xã hội để giải thích và tái tạo 100 năm lịch sử cận đại Việt—trong một trường phái tạm gọi là văn hoá sử. Những biến cố thời cuộc—quân sự hay chính trị—chỉ là dấu mốc thời gian định hướng sự phân tích và diễn dịch. Những từ như "đô hộ" hay "thực dân" sẽ không còn ý nghĩa qui ước nặng nề, cứng ngắc chính-trị-tính. Sự đô hộ hay chính sách thực dân của Pháp và Trung Hoa, Nhật Bản sẽ không được đưa lên bàn cân nhất nguyên hay nhị nguyên phải/trái, chính/ngụy, đạo đức/vô luân. Bởi thế sẽ không có những khuôn thước sỉn tanh dấu máu và thù hận như "Việt gian," "phản quốc," "giặc," hay "phản động," "phản cách mạng." Cũng giảm thiểu tối đa các đại danh từ và tĩnh từ nặng tính cách tôn xưng.

Mỗi tác nhân lịch sử Á châu sẽ được ghi chép bằng họ và tên đầy đủ lần đầu (như Nguyễn Phước Chủng, Nguyễn Phước Tuấn), sau đó chỉ dùng tên (Chủng, Tuấn). Ở lần tái bản thứ nhất này, chúng tôi quyết định sử dụng tên “Thánh” của các vua Nguyễn, ngoại trừ hai vua đầu tiên. Tên Chủng của Nguyễn Phước Chủng được liệt kê đầu tiên trong Đại Nam Thực Lục, trước hai tên Noãn và Ánh. Nó cũng được nhắc đến trong Sử Ký Đại Nam Việt, qua lời dẫn một câu tuyên bố của Nguyễn Huệ năm 1792. Tên Nguyễn Ánh xuất hiện lần đầu trong tài liệu ngoại giao Pháp—tức bản hòa ước 21-28/11/1787; nhưng chỉ xuất hiện theo thứ tự ưu tiên 3 trong Thực Lục. Bởi vậy, chúng tôi đã chọn tên húy Chủng cho vua lập nghiệp nhà Nguyễn; nhưng sẽ chú thích thêm hai tên khác, cùng niên hiệu Gia Long.

Bốn trường hợp khiến chúng tôi hơn một lần ngần ngại là trường hợp các vua niên hiệu Tự Đức, Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân. Tên ”thánh” của Tự Đức là Thời hay Thì; tên tự là Nhiệm [Nhậm]. Chúng tôi sẽ dùng nguyên tên Nguyễn Phước Thời, và ghi thêm tên tự Hường Nhiệm khi cần thiết. Riêng ba vua bị ép thoái vị, kết án đầy, đổi thành tước công hay Hoàng tử, chúng tôi dùng tên thánh—tức Minh, Tuấn, Hoãng—trong giai đoạn đang trị vì. Thời gian bị tù đày của họ, chúng tôi đôi khi dùng tên thánh, nhưng cũng có thể linh động dùng tên tự như Ưng Lịch, Bửu Lân hay Vĩnh San.

Với các tác nhân Tây phương, do thói quen và nhu cầu truyền thông, thường ghi họ tên lần đầu (Jules Ferry), rồi đến họ (Ferry).

 

Tác phẩm này đã được sơ thảo từ hơn 30 năm trước, khi tác giả đang chuẩn bị luận án Tiến sĩ Sử học Đông Nam Á tại Đại học Wisconsin-Madison. Nhiều chi tiết được tu bổ suốt thời gian qua, nhờ những cuộc nghiên cứu thêm ở các văn khố Pháp, Mỹ, và Việt Nam, hoặc do học hỏi được từ công trình nghiên cứu của nhiều học giả trên thế giới. Dẫu vậy, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn vẫn còn ở mức sơ thảo. Nỗ lực gói ghém gần 90 năm tao loạn, từ 1858 tới 1945, trong hơn 1,000 trang sách có lẽ là một tham vọng. Nhưng thiết tưởng hơn 50 năm nghiên cứu đã đủ đúc kết một dàn bài chi tiết, khả tín, cho những công trình nghiên cứu toàn vẹn hơn trong tương lai. Đặc biệt chúng tôi công bố một phụ bản tóm lược tiểu sử 13 vua Nguyễn, để hướng dẫn độc giả vượt qua những lỗi lầm kỹ thuật khó tránh.

Để hoàn tất tác phẩm này, tác giả được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Các Giáo sư John R W Smail, Daniel F Doeppers, Richard D Coy, Gary Penanan, Duane Fischer, John Dower, Maurice J Meisner, giúp tác giả cơ hội đi sâu vào lãnh vực Sử học. Học giả Hoàng Xuân Hãn đã giúp phiên dịch một số tư liệu chữ Hán và chữ Nôm. Tiến sĩ/Luật sư Peter Baugher, Giáo sư Bruce Taylor, Tiến sĩ Vũ Đình Đỉnh, quí Hoà thượng Tâm Châu, Hoà thượng Hộ Giác, Linh mục Cao Văn Luận, các tác nhân lịch sử như Hồ Tá Khanh, Vũ Đình Hòe, Trần Văn Giàu, Nguyễn Chánh Thi, Phạm Văn Liễu, Trần Bạch Đằng,  cùng các thân hữu như Vũ Hữu Nho, Trịnh Như Hoa, Phạm Kế Viêm, Nguyễn Văn Hà, v.. v... tiếp giúp nhiều tài liệu quí hiếm. Quí ông Nguyễn Thượng Tiến và Trần Thượng Thủ, trong khi thực hiện việc chuyển ngữ tuyển tập Tài Liệu Nghiên Cứu Sử Học, Giai Đoạn Pháp Xâm Lăng, 1858-1896 cũng giúp tác giả cơ hội khảo sát lại nhiều tài liệu quan trọng. Họa sĩ Phạm Mộng Chương  giúp trình bày bìa và một số bản đồ ở lần in thứ nhất.

Dài theo đường nghiên cứu và những chuyến du khảo, không thể kể xiết những thân tình và sự giúp đỡ của rất nhiều bằng hữu hay độc giả. Quí vị quản thủ và nhân viên Văn khố Quốc Gia Pháp, Văn khố Pháp quốc Hải ngoại ở Aix-en Provence, Văn khố Bộ binh và Hải quân tại Chateaux de Vincennes, Văn khố Bộ Ngoại giao Pháp và Văn khố Hội truyền giáo Hải ngoại Paris, các Thư viện Tổng thống ở Mỹ, đã tận tình giúp đỡ suốt bao năm qua. Quí vị hữu trách tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hố Chí Minh, đặc biệt là Tiến sĩ Dương Đình Nham, Giám đốc TTLTQG II, cũng đã dành cho tác giả những tiện nghi khi khảo cứu bổ túc tại Việt Nam trong niên khoá 2004-2005 dưới sự tài trợ của chương trình Fulbright Bộ Ngoại Giao Mỹ, và Rockfeller của Đại học Massachussetts-Boston.

Chân tình của Bà Mộng Điệp, chị Lan Phương, cô Vương Ngọc Cúc, quí ông Phạm Văn Liễu, Nguyễn Tăng Huyến, Nguyễn Chánh Thi, Phạm Mộng Chương, Trần Thanh Hiệp, Đỗ Mậu, Bùi Ngọc Tô, Long Ân, Nguyễn Chí Hòa, Lê Văn Thặng, Trần Tôn Trí, Chou Norindr, Nguyễn Mạnh Quang, v.. v... khó thể diễn thành lời. Anh Vũ Ngự Triệu đã giúp kiểm đọc bản sắp chữ lần cuối, loại bỏ nhiều lỗi kỹ thuật.

Những khuyến khích của gia đình tác giả—đặc biệt là từ mẫu, anh chị Vũ Ngự Triệu và các cháu, cùng các em gái Phương, Phượng, Nga, vợ chồng các cháu Đặng Hiền, Vũ Hưng Hải, Phạm Hữu Lộc, v.. v..—cho tác giả sức mạnh tinh thần vượt qua bao khó khăn suốt hơn phần tư thế kỷ khảo học.

Người bạn đời, luôn luôn ân cần từ thuở học sinh mặt trắng sáu chục năm trước, là nguồn năng lực vô biên giúp tác phẩm được hình thành trong hiện trạng.

Những chuyến du khảo tại Pháp, Mỹ và Việt Nam là nhờ một số học bổng, đặc biệt là ba học bổng Fulbright trong các niên học 1982-1983 và 1985-1986 tại Pháp và 2004-2005 tại Việt Nam.

Nhưng những khiếm khuyết, hẳn có, chỉ riêng tác giả chịu trách nhiệm.

 

Houston, 15/1/1999-Sài Gòn, 2/5/2005- Houston, 23/4/2018

Vũ Ngự Chiêu

 

Thiên Mệnh Đại Pháp (1884-1945)

Phụ Bản I-01

Nhà NGUYỄN: 1/6/1802-25/8/1945:

 

I. Nguyễn Phước Chủng [Ánh, Noãn] ([28/1/1778] [28/2/1780], Thế Tổ, 1/6/1802-3/2/1820), niên hiệu Gia Long.

II. Nguyễn Phước Đảm, [Hiệu] (Thánh Tổ, 14/2/1820-20/1/1841), niên hiệu Minh Mạng.

III. Nguyễn Phước Tuyền [Miên Tông, Dung] (Hiến Tổ, 11/2/1841-4/11/1847), niên hiệu Thiệu Trị.

IV. Nguyễn Phước Thời, [Hường Nhiệm] (Dực Tông, 10/11/1847-19/7/1883), niên hiệu Tự Đức.

V. Nguyễn Phước Ưng Chơn/Ái (Dục Đức [Cung Tông], 20-23/7/1883).

VI. Nguyễn Phước Thăng [Hường Dật] (Phế đế, 30/7-29/11/1883), niên hiệu Hiệp Hoà.

VII. Nguyễn Phước Hạo/Hiệu [Ưng Hỗ/Đăng] (2/12/1883-31/7/1884), niên hiệu Kiến Phước.

VIII. Nguyễn Phước Minh [Ưng Lịch] (Xuất đế, 2 [17]/8/1884-1/11/1888), niên hiệu Hàm Nghi.

IX. Nguyễn Phước Biện [Ưng Kỹ/Đường] (19/9/1885-28/1/1889), niên hiệu Đồng Khánh.

X. Nguyễn Phước Chiêu [Bửu Lân] (1/2/1889-3/9/1907), niên hiệu Thành Thái.

XI. Nguyễn Phước Hoãng [Vĩnh San] (5/9/1907-10/5/1916), niên hiệu Duy Tân

XII. Nguyễn Phước Tuấn [Bửu Đảo] (18/5/1916-6/11/1925), niên hiệu Khải Định.

XIII. Nguyễn Phước Điển [Vĩnh Thụy] (8/1/1926-25/8/1945), niên hiệu Bảo Đại.

 

13 vua Nguyễn, nối nhau trị vì 143 năm (1802-1945). Trong số 13 vua:

- ở ngôi lâu nhất là Nguyễn Phước Thời [Hường Nhiệm] (niên hiệu Tự Đức, miếu hiệu Dực Tông): 35 năm, 8 tháng; ngắn nhất là Ưng Chơn (tự quân Dục Đức): ba [3] ngày (20-23/7/1883); sau được truy phong miếu hiệu Cung Tông.

- Vua thọ nhất là Nguyễn Phước Điển (niên hiệu  Bảo Đại, 74 tuổi), mất sớm nhất là Nguyễn Phước Hạo/Hiệu (niên hiệu Kiến Phước, 15 tuổi).

Hai vua bị triều thần giết là Ưng Chơn (Dục Đức 24/10/1884), và Nguyễn Phước Thăng (niên hiệu Hiệp Hòa, 30/7-29/11/1883)

Ba vua bị Pháp đày ra ngoại quốc là: Nguyễn Phước Minh [Ưng Lịch] [Hàm Nghi], (Algeria), Nguyễn Phước Chiêu [Bửu Lân] [Thành Thái] và Nguyễn Phước Hoãng [Vĩnh San] [Duy Tân] (Réunion).

Vua bị triều thần cướp ngôi là Nguyễn Phước Điển (23/10/1955)

 

A. Bốn vua nhận sắc phong của nhà Thanh.

I. Nguyễn Phước Chủng [Ánh, Noãn] ([28/1/1778] [28/2/1780], Thế Tổ, 1/6/1802-3/2/1820), niên hiệu Gia Long

Ngày 23/2/1804, Ngung Diễm (Thanh Nhân Tông [Qing Renzong], 1796-1820), niên hiệu Gia Khánh [Jiaqing], ban quốc hiệu Việt Nam—tức đảo ngược tên đề nghị Nam Việt, dựa trên huyền thoại tộc Việt Thường [Yueshang] đời Tây Chu để khỏi lầm lẫn với Mân Việt và Đông Việt (Quảng Đông và Quảng Tây), và phong Nguyễn Phước Chủng tước Việt Nam Quốc Vương. (ĐNTLCB, I, XIX, 3:1802-1808, 1963:91; & XXIII, Ibid, 1963: 157-58, 169-70)]

Ngày 28/3/1804, Nguyễn Phước Chủng làm lễ ở Thái Miếu Huế, rồi ban chiếu đổi quốc hiệu Việt Nam, không được dùng quốc hiệu An Nam nữa. (Ibid., 169-70)

Nên ghi nhớ, mặc dù sử Lê coi Triệu Đà [Zhao Tuo], vua Nam Việt (207-111 TTL) có kinh đô là Phiên Ngu [Quảng Châu hiện nay], chữ Việt bộ Tẩu của các tên nước “Đại Cồ [Cù] Việt,” hay “Đại Việt” khởi nguồn từ Việt Thường. Ngô Sĩ Liên et al, Đại Việt Sử Ký, Ngoại Kỷ Toàn Thư (1679), Nội Các quan bản,  I:1a, 4a; bản dịch Ngô Đức Thọ (2009), 1:150, 154.

1802: Nguyễn Phước Chủng sai Trịnh Hoài Đức, Thượng thư Bộ Hộ, đi Quảng Đông trao trả ấn tín nhà Thanh đã phong cho Tây Sơn. Phái đoàn có Ngô Nhân Tĩnh (Tham tri bộ Binh), và Hoàng Ngọc Uẩn (Tham tri bộ Hình) (ĐNTLCB, I, XVII, 3:1802-1808, 1963:29-30; Khâm Định Đại Nam Hội Điển sự lệ).

Tháng 11-12.1802 [11 Nhâm Tuất], lại sai Lê Quang Định đi sứ, xin lấy quốc hiệu là Nam Việt. (ĐNTLCB, I, XIX, 3:1802-1808, 1963:91). Nhưng ngày 23/2/1804, Ngung Diễm nhà Thanh chỉ phong quốc hiệu Việt Nam để khỏi lầm lẫn với Mân Việt và Đông Việt (Quảng Đông và Quảng Tây). (ĐNTLCB, I, XXIII, 3:1802-1808, 1963: 157-58)

Thứ Bảy, 28/6/1806, Nguyễn Phước Chủng lên ngôi Hoàng đế. Từ ngày 23/6/1806 [7/5] đã làm lễ cáo trời đất. Ngày 25/6/1806 [9/5] kính cáo các đền miếu. (ĐNTLCB, I, XXIX, 3:1802-1808, 1963:283-85)

 

2. Nguyễn Phước Đảm, [Hiệu] (Thánh Tổ, 14/2/1820-20/1/1841), niên hiệu Minh Mạng.

Ngày 8/1/1822 [19/12 Tân Tị], sứ nhà Thanh Phan Cung Thần phong Nguyễn Phước Đảm chức Việt Nam quốc vương tại Hà Nội; (ĐNTLCB, II, XIII, 6:1822-1823, 1963:5)

Mất ngày 20/1/1841 (28/12 Canh Tí), thọ 50 tuổi. (ĐNTLCB, II, CCXX, 22:1840, 1969:388;  III, I, 23:1841, 1970:30)

Tháng 8-9/1835 [Bảy Ất Mùi, 24/8-21/9/1835]: Nguyễn Phước Đảm xây hầm chứa bạc ở Nội vụ phủ. Lấy 800,000 lạng đựng vào 800 hòm [rương].  (ĐNTLCB, II,17:1835, 1966:35)

Có 142 con, 78 trai, 64 gái. (ĐNTLCB, II, CCXX, 22:1840, 1969:388; ĐNCBLT, II, q  6, 7, 8 & 9 (1993), 3:82-152, 171-91)

Miên Định, thứ ba; mẹ là gia phi họ Phạm, Tuy Viễn, Bình Định; Thọ Xuân vương, ĐNCBLT, II, q 5 (1993), 3:82-95.

Miên Áo, con thứ 6; Phú Bình Công (cha Hường Tập); ĐNCBLT, II, q 5 (1993), 3:99-100.

Miên Thẩm, con thứ 10; Tùng Thiện vương (giỏi thơ văn, cha vợ Đoàn Trưng; ĐNCBLT, II, q 5 (1993), 3:101-6.

Miên Trinh, con thứ 11; ĐNCBLT, II, q 6 (1993), 3:108-13; Tuy Lý vương; con là Hường Tu, Hường Sâm, ĐNCBLT, II, q 6 (1993), 3:113-16.

Miên Lâm, con thứ 57;  phụ chính thân thần của Nguyễn Phước Minh [Hàm Nghi]; Hoài Đức Quận Công; ĐNCBLT, II, q 6 (1993), 3:145-46; 3-4/1885: Gia Quốc Công;. (ĐNTLCB, V, VII, 38:1883-1885, 1976:198)

 

3. Nguyễn Phước Tuyền [Miên Tông, Dung] (Hiến Tổ, 11/2/1841-4/11/1847), niên hiệu Thiệu Trị.

Vợ là Phạm Thị Hằng (Từ Dụ, 10 [20]/6/1810 [9? [19]/5 Gia Long IX]-22/5/1901 [5/4 Tân Sửu, Thành Thái XIII]); con Phạm Đăng Hưng, quê ở Gò Công, Gia Định. (ĐNLTCB, Nhị tập, q 2 & 3 (1993), 3:25-64). Sinh hai công chúa và Hường [Hồng, bộ nhân đứng] Nhiệm, tức Nguyễn Phước Thời [Tự Đức].

Vợ nhỏ [Đinh Thị Hạnh, cô của Phạm Thị Hằng [?], sinh ra Hường Bảo (29/4/1825-1854).

Sứ nhà Thanh Bảo Thanh phong vương tại Hà Nội ngày 7/5/1842. (ĐNTLCB, III, XVIII, 24:1842-1843, 1971:91, 95-6, 98) Ngày 8/5/1842: Phúng tế Nguyễn Phước Đảm. [1971:98].

1/3/1842: Nguyễn Phước Tuyền rời kinh đô ra Bắc nhận lễ thụ phong. Cho An Phong đình hầu Hường Bảo, 18 tuổi, làm Lưu kinh. Có Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Lê Văn Phú, Tôn Thất Bạch phụ tá. (ĐNTLCB, III, XV,  24: 1842-1843, 1971:20-2) Đây là theo ý Thái hoàng Thái hậu. Nguyễn Phước Tuyền muốn cho Hoàng tử thứ hai là Hường Nhiệm làm lưu kinh, vì "Hường Bảo tuy tuổi đã lớn, nhưng không có học, kiến văn hẹp hòi, e khó làm xong công việc." Bởi thế, mang Hường Nhiệm theo. Hộ giá có Trương Đăng Quế. (ĐNTLCB, III, XV, 24: 1842-1843, 1971:25) Từ Dũ cũng đi theo. (ĐNCBLT, II)

25/10/1847 [ngày Quí tị, 17/9 Đinh Mùi]: Nguyễn Phước Tuyền bí mật lập "di chiếu" đưa Phước Tuy Công Hường Nhiệm lên ngôi. Gọi bốn [4] đại thần là Trương Đăng Quế (1794-1865), Võ Văn Giải (chết 1853), Nguyễn Tri Phương (1800-1873) và Lâm Duy Hiệp [Thiệp] đến bên giường bệnh, cho biết muốn lập con thứ hai là Nhiệm thay vì con trưởng, An Phong Công Hường Bảo. “Hường Bảo tuy lớn, nhưng là con vợ thứ, mà lại ngu độn, ít học, chỉ ham vui chơi, không thể để cho kế thừa nghiệp lớn được.” Ngoài triều đình không ai hay biết. [Di chiếu không đề ngày] (ĐNTLCB, III, LXXII, 26:1846-1847, 1972:389, 392; Ibid., IV, I, 27:1848-1853, 1973:32-33)

Hai hoàng tử của Nguyễn Phước Tuyền lên ngôi vua là Nguyễn Phước Thời [Hường Nhiệm] (10/11/1847-19/7/1883), và Nguyễn Phước Thăng [Hường Dật] (30/7-29/11/1883). Tất cả những vua cuối triều Nguyễn đều là dòng giõi Nguyễn Phước Tuyền và Thái hậu Từ Dũ; nên có miếu hiệu Hiến Tổ.

 

4. Nguyễn Phước Thời, [Hường Nhiệm], (Dực Tông, 10/11/1847-19/7/1883), niên hiệu Tự Đức.

Ngày 8/9/1849 [22/7 Kỷ Dậu]: Sứ Thanh Lao Sùng Quang, án sát Quảng Tây, làm lễ phong vương cho Nguyễn Phước Thời tại Huế. (ĐNTLCB, IV, IV, 27:1848-1853,  1973:186-87)

Tháng 4-5/1848: Đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn xin ban ơn cho Tôn Thất Lệ Chung, cháu nội Thái tử Cảnh. Rồi xin ban ơn cho dòng giõi Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất; (ĐNTLCB, IV, II, 27: 1848-1853, 1973:74-77, & III, Ibid., 1973:119-20 [tháng 8-9/1848])

 

B. Ba vua không nhận sắc phong của nước nào:

V. Nguyễn Phước Ưng Chơn/Ái (Dục Đức [Cung Tông], 20-23/7/1883)

VI. Nguyễn Phước Thăng [Hường Dật] (Phế đế, 30/7-29/11/1883), niên hiệu Hiệp Hoà.

VII. Nguyễn Phước Hạo/Hiệu [Ưng Hỗ/Đăng] (2/12/1883-31/7/1884), niên hiệu Kiến Phước.

 

C. Sáu [6] vua nhận sắc phong của Pháp: Nguyễn Phước Minh, Nguyễn Phước Biện, Nguyễn Phước Chiêu, Nguyễn Phước Hoãng, Nguyễn Phước Tuấn, Nguyễn Phước Điển.

VIII. Nguyễn Phước Minh [Ưng Lịch] (Xuất đế, 2 [17]/8/1884-1/11/1888), niên hiệu Hàm Nghi.

IX. Nguyễn Phước Biện [Ưng Kỹ/Đường] (19/9/1885-28/1/1889), niên hiệu Đồng Khánh.

X. Nguyễn Phước Chiêu [Bửu Lân] (1/2/1889-3/9/1907), niên hiệu Thành Thái.

XI. Nguyễn Phước Hoãng [Vĩnh San] (5/9/1907-10/5/1916), niên hiệu Duy Tân.

XII. Nguyễn Phước Tuấn [Bửu Đảo] (18/5/1916-6/11/1925), niên hiệu Khải Định.

XIII. Nguyễn Phước Điển [Vĩnh Thụy] (8/1/1926-25/8/1945), niên hiệu Bảo Đại.

 

Phụ Bản I-02

Chúa Nguyễn, 1558-1777

C1. Nguyễn Cam hay Kim ([1468] (1529 [25/1/1533]-28/6/1545)

Truy tặng Tĩnh Triệu Tổ

C2b. Nguyễn Hoàng ([28/7]?/1525- 20/7/1613):

Chúa Tiên ([11-12/1558]- 20/7/1613): 58 năm, Truy tặng Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế. (ĐNTLTB, 1962:26-45)

1. Chúa Tiên hay Nguyễn Hoàng: Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế.

Tháng 11-12/1558 vào trấn nhậm Thuận Hóa, tức nam Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và bắc Quảng Nam hiện nay.

1-2/1570: Trịnh Kiểm cho Nguyễn Hoàng được cai trị thêm Quảng Nam.

Con Ngọc Bảo là Trịnh Tùng (Zheng Song, 19/9/1570-22/7/1623) cướp ngôi anh khác mẹ là Trịnh Cối (24/3-9/1570), đuổi họ Mạc khỏi Hà Nội, kéo dài và củng cố hệ thống chính quyền Vua Lê [Trung hưng] (1533-1789), Chúa Trịnh (1545-1787).

 

C3. Nguyễn Phước Nguyên (18/8/1563-19/11/1635):

Chúa Sãi (20/7/1613-19/11/1635) Hy Tông

C4. Nguyễn Phước Lan hay Khoát (13/8/1601-19/3/1648):

Chúa Thượng ([13/8/1601] 19/11/1635-19/3/1648): Thần Tông Hiếu chiêu Hoàng đế.

C5 . Nguyễn Phước Tần ([1620] 19/3/1648-30/4/1687):

Chúa Hiền (19/3/1648-30/4/1687): Thái tông Hiếu triết Hoàng đế.

C 6. Nguyễn Phước Trăn (30/4/1687-7/2/1691) Ngãi Vương

Anh tông Hiếu nghĩa Hoàng đế. (ĐNTLTB, V & VI, 1962:109-31, 132-44;)

C 7. Nguyễn Phước Chu (7/2/1691-1/6/1725): Minh Vương

Hiển tông Hiếu minh Hoàng đế. (ĐNTLTB, VII & VIII, 1962:145-63, 164-89)

C8. Nguyễn Phước Trú (1/6/1725-7/6/1738):

Túc Tông Hiếu ninh Hoàng đế. (ĐNTLTB, IX, 1962:189-200).

C 9. Nguyễn Phước Khoát (7/6/1738-7/7/1765)

Võ vương (7/6/1738-7/7/1765) Thế tông Hiếu vũ Hoàng đế.

C10. Nguyễn Phước Thuần (7/7/1765-31/12/1754 18[19]/10/1777)

Định vương (7/7/1765-31/12/1754) 14 năm, Duệ tông Hiếu định Hoàng đế.

ĐNTLTB, XI: Duệ Tông Hiếu định Hoàng đế (7/7/1765-), thượng, 1962: 230 [230-49]; ĐNTLTB, I, 12: Duệ Tông Hoàng đế (7/7/1765-18/10/1777 [ngày Canh Thìn tháng 9 Đinh Dậu), hạ, 1962: 263 [250-64];

C11. Nguyễn Phước Dương ([31/12/1754] -18 [19]/9/1777)

Tân Chính Vương (14/12/1776 18 [19]/9/1777) . Mục Vương Chép chung với Phước Thuần. (ĐNTLTB, XI-XII, 1962:230-49, 250-64)

 

C1. Nguyễn Kim hay Cam ([1468] (1529 [25/1/1533]-28/6/1545)

Từ ngày 12/7/1527, sau khi cướp ngôi nhà Hậu Lê “sơ” (29/4/1428-12/7/1527), cha con Mạc Đăng Dung đã gặp sự chống đối của nhiều phe phái, kể cả con cháu họ Lê, và những cựu thần, thế gia vọng tộc. Tổ chức kháng Mạc có thực lực nhất là Nguyễn Cam hay Kim, và họ Trịnh ở Thanh Hóa, với lá bài vương giả “Lê Ninh,” tự nhận “con” Lê Y tức Huệ, hay Chiêu Tông (28/5/1516-1522 [1527], nổi lên ở Ai Lao năm 1533.

Từ năm 1545, sau cái chết đột ngột của Thái Tể Nguyễn Cam, tham gia cuộc tranh hùng với họ Mạc, có Nguyễn Hoàng, con thứ Nguyễn Cam, sau lên tới chức Đoan Quốc Công. Thực ra, người được chính thức thay Cam nắm binh quyền là Nguyễn Uông, con trai lớn “Ngã Triệu tổ,” mà cả truyền bản sử Lê lẫn sử Nguyễn cho biết rất ít thông tin—ngoại trừ lời kết tội mơ hồ là bị “hãm hại” bởi Đại tướng quân, Dực Quốc công Trịnh Kiểm ([1503] 9-10/1545-24/3/1570).

Tháng 9-10/1545, tức khoảng ba bốn tháng sau cái chết của Nguyễn Cam, quyền lực lọt về tay Lượng [Lạng]  Quốc Công Trịnh Kiểm người con rể gốc Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hoá). Thuở nhỏ, Trịnh Kiểm nhà nghèo, đi chăn trâu. Theo phò Nguyễn Cam, được gả con gái đầu lòng là Ngọc Bảo. Năm 1539, khi mới 36 tuổi, đã lên đến Đại tướng quân, Dực Quốc công, tạo nên những chiến thắng quân Mạc, giúp triều đình Minh quyết định chọn Lê Ninh như một trong những thế lực kềm chế họ Mạc, theo chính sách dĩ di trị di.

 

 

C2b. Nguyễn Hoàng (1525 [11-12/1558]-20/7/1613)

Không bị Trịnh Kiểm thanh trừng như anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Uông có lẽ nhờ chị ruột là Ngọc Bảo che chở. Theo truyền thuyết, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (khóa 1535) đã cố vấn cho Nguyễn Hoàng vào miền nam dựng nghiệp—một giải Hoành Sơn đủ giúp sống còn vạn đời. Cách nào đi nữa, tháng 11-12/1558 [tháng 10 Mậu Ngọ, 10/11-9/12/1558], Trịnh Kiểm cho Hoàng, 33 tuổi, vào trấn thủ Thuận Hóa—vùng giới tuyến với Chiêm Thành [Champa hay Chàm] đã được cắt nhượng cho Đại Việt từ đời nhà Trần (10 [20]/1/1226-23/3/1400), và Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông, 26/6/1460-3/3/1497) nới rộng hơn nữa về phía nam trong chiến dịch 1470-1471. (Năm 1489, Lê Tư Thành còn phải viết biểu lên vua Minh, chấp thuận cho Bắc Kinh làm chủ việc định lại biên giới Chiêm Thành). Thời gian này, Thuận Hóa gồm hai [2] phủ Tiên [Tân] Bình, Triệu Phong], chin [9] huyện [Khang Lộc, Lệ Thủy, Minh Linh, Vũ Xương, Hải Lăng, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang], ba [3] châu Bố Chính, Thuận Bình, Sa Bồn].

Nguyễn Hoàng mang theo con Nguyễn Uông, cậu ruột là Nguyễn Ư Dĩ, cùng một số thân thuộc gốc thôn Gia Miêu Ngoại, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa. Trấn lỵ đầu tiên đặt tại Dinh Cát (xã Ái Tử, huyện Vũ Xương, nay là Triệu Phong, Quảng Trị; năm 1965-1973 trở thành một căn cứ quan trọng của quân Mỹ và Đồng Minh). Trong số những người phó tá đắc lực có con cháu Nguyễn Uông, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống (tự nhận em Mạc Kính Điển, cha vợ Chúa Sãi Nguyển Phước Nguyên (1613-1635).

Vì cuộc tranh hùng Mạc-Trịnh ngày thêm quyết liệt, đẫm máu, Nguyễn Hoàng bẻ gãy nhiều âm mưu ngả theo Mạc của một số quan lại địa phương, giữ vững mặt nam của lãnh địa nhà Lê, đồng thời cung cấp một phần lương thực, cùng sản vật địa phương, đặc biệt là gỗ quí..

12 năm sau—tháng 11-12/1569, khi Kiểm bị chứng bệnh kiết lỵ khiến phải tạm giao binh quyền cho con trai lớn là Trịnh Cối—Hoàng ra Thanh Hóa chào Lê Duy Bang, tức Thế Tông (2/2/1573-12/10/1599), và bàn định với Kiểm về hậu sự. Đầu năm 1570, Kiểm cho Hoàng cai quản thêm trấn Quảng Nam; gồm ba phủ [Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn], 9 huyện. (ĐVSK, BKTB, XVI:2b-3a, 7ab, Lâu &  Long (2009), 3:152, 154-55; Giu (1967), 3:135-36; CMCB, XXVII:41-42, XXVIII:11-12, (Hà Nội: 1959),  XIV:36- 37, 47-48;  (Hà Nội: 1998),  II:123- 24, 137-38.

Trở lại Ái Tử, Nguyễn Hoàng dời trị sở từ Dinh Cát sang phía đông. Hoàng cũng yểm trợ Trịnh Tùng (Zheng Song, 19/9/1570-22 [24]/7/1623) trong cuộc cướp ngôi của Trịnh Cối (11-12/1569-15/9/1570). từ tháng 3-4/1570 đã gửi sứ ra Thanh Hóa mừng Trịnh Tùng  “nối ngôi,” dù mãi tới ngày 19/9/1570 Tùng mới được phong chức Tiết chế, sau khi Cối và hàng ngàn thuộc hạ hàng Mạc Kính Điển.

Liên hệ giữa Hoàng và Trịnh Tùng khá tốt đẹp cho tới năm 1600. Hoàng nộp thuế đầy đủ, và yểm trợ cháu [em chị ruột] trong cuộc tranh ngôi với Trịnh Cối. Năm 1572, Hoàng bẻ gãy cuộc tấn công của họ Mạc vào Thuận Hóa, nhờ nữ thần Oa Oa hay Trao Trao bày  kế mỹ nhân giết được tướng Mạc là Lập Bạo, và lập đền thờ ở Cồn Tiên để tạ ơn. ĐNTLTB,  I, 1962:34-36)

Mùa Đông 1592-1593, Trịnh Tùng chiếm Hà Nội—bắt sống và hành hình Mạc Mậu Hợp (1-2/1562 [18/2/1564]-1/1593) vào tháng 1/1593, Mạc Kính Chỉ (1593) ngày 27/2/1593—và  Lê Duy Đàm  dời đô từ An Trường ra Thăng Long. Tháng 5-6/1593, Nguyễn Hoàng mang binh tướng ra bắc, phụ giúp việc đánh dẹp dư đảng họ Mạc. Được phong Đoan Quốc Công, cai quản vùng Thanh Hóa. Nguyễn Hoàng cũng tham dự cuộc chinh thảo Vũ Đức Cung [dòng giõi chúa Bầu] ở Tuyên Quang. Hai lần hộ tống Lê Duy Đàm lên Trấn Nam Quan “hội khám” việc sắc phong với đại diện nhà Minh năm 1596 và 1597. (ĐNTLTB, I, 1962:40). Tuy nhiên, tháng 11/1597, Chu Dực Quân (Minh Thần Tông, 5/7/1572-18/8/1620) chỉ thuận phong Duy Đàm chức An Nam Đô thống sứ ti Đô thống sứ, giống họ Mạc. (Ming shi-lu, Shenzong (Wade, NUS data base, 2005), juan 315:4ab, 316:3a;  MSL, vol 110, pp 5887/88) .

Ngày 2/1/1599 [6/12 Mậu Tuất], Phùng Khắc Khoan rời Bắc Kinh về nước. Mang theo sắc phong của Chu Dực Quân, cho Lê Duy Đàm chức Đô thống sứ ti. (Thông sử, Long (1978), tr 375; ĐVSK, BKTB, XVII:70-71, Lâu & Long (2009), 3:249-50, Giu (1967), 3:224; CMCB, XXX:26; (Hà Nội: 1959), XV:22 [1424]; (Hà Nội: 1998), II:221)

Ngày 11/1/1599 [15/12 Mậu Tuất], Phùng Khắc Khoan về tới Lạng Sơn. Quan Tả Giang nhà Minh sai Vương Kiến Lập theo Khoan xuống Hà Nội. Ngày 21/1 [25/12 Mậu Tuất], Lê Duy Đàm qua sông Bồ Đề đón sứ đoàn. (ĐVSK, BKTB, XVII:71ab, Lâu & Long (2009), 3:249-50; Giu (1967), 3:225;

Nhưng thổ quan Quảng Tây nhận hối lộ, xin cho Mạc Kính Cung được giữ 4 châu: Thạch Lâm (22 xã), Quảng Uyên (38 xã), Thượng Lang (32 xã), Hạ Lang (22 xã) [tới 1677]). thuộc trấn Ninh Sóc [Thái Nguyên]. Phùng Khắc Khoan khuyên Chúa Trịnh “phải thờ nước lớn.” (ĐVSK, BKTB, XVII:71b, Lâu & Long (2009), 3:250; Giu (1967), 3:225; CMCB, XXX:27, (Hà Nội: 1959), XV:23 [1425]; (Hà Nội: 1998), II:221- 22; Thông sử, Long (1978), tr. 375; Đại Nam Nhất Thống Chí [ĐNNTC], (1997), :402); LTHCLC, Nhân Vật Chí, q. VIII, (1992), 1:260-61]

Tháng 4-5/1599, Trịnh Tùng xưng vương. Nguyên chức tước như sau: Đô nguyên soái, tổng quốc chính, thượng phụ Bình Yên vương. CMCB, XXX:28, (Hà Nội: 1959), XV:24 [1426]; (Hà Nội: 1998), II:222-223. [Sử Nguyễn trừng phạt Tùng bằng cách chỉ chép tên Tùng, lược bỏ họ và chức tước]

Ngày 12/10/1599: Lê Duy Đàm chết. Ba ngày sau, 15/10, Trịnh Tùng phế thái tử Duy Trì với lý do ngu độn, lập em thái tử là Duy Tân kế vị chức Đô thống sứ ti của Duy Đàm, tức Lê Kính Tông (15/10/1599-23/6/1619).

Nhưng sau lễ tự xưng vương của Tùng trong tháng 4-5/1599, với quyết định vua Lê chỉ còn được hưởng bổng lộc hàng năm gồm 1,000 xã thượng tiến, 7 thớt voi, 20 thuyền rồng, 3,000 lính trong nội điện; và, lễ đăng quang của Lê Duy Tân, với nhiệm vụ “chĩnh chện mặc long bào, cầm hốt ngọc, nhận lễ triều yết,” Hoàng mưu tính trốn về Thuận Hóa, để lại con thứ năm và con cháu con cả ở lại miền bắc làm con tin.  Tuổi 75 và tám năm xa Thuận Hóa có lẽ cũng đóng góp vào quyết định này.

Theo một nguồn tin, Hoàng đã xúi bọn Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga làm loạn ở Sơn Nam, và tháng 6-7/1600 mượn cớ xin đi đánh dẹp, rồi trốn về trấn. (ĐVSK, BKTB, XVII:74a, XVIII:1a, Lâu & Long (2009), 3:252, 255; Giu (1967), 3:226-27;. CMCB, XXX:27-28; XXXI:2-5; (Hà Nội: 1959), XV: 23, 28-30 [1430-1432]; (Hà Nội: 1998), II:227-229.  .

Bản thảo sử Lê tục biên của Phạm Công Trứ ghi ngày 8/6/1600  [27/4 Canh Tí], (ĐVSK, BKTB [PCT], XX:1b, Long (2009), 3:368.

Nhân dịp này, con cháu nhà Mạc nổi lên ở Sơn Nam và Hải Dương. Bọn Ngô Đình Nga đón mẹ Mạc Mậu Hợp là Bùi Thị chiếm Hà Nội, tự xưng làm quốc mẫu. Đón Mạc Kính Cung từ Long Châu vào Hà Nội. (ĐVSK, BKTB, XVIII: 1ab, 3b-4a, Lâu & Long (2009), 3:255; 258; Giu (1967) 3:231, 233-234; PBTL (1972), tr 73; ĐNTLTB, I: Thái tổ, 1962:41; CMCB, XXXI:3- 6; (Hà Nội: 1959), XV:28-29 [1327-1328]; II:227- 228)

Tháng 8-9/1600  [7 Canh Tý, 9/8-6/9/1600], Trịnh Tùng sai Lê Nghĩa Trạch mang thư chiêu dụ Nguyễn Hoàng. Vẫn cho cai quản Thuận Hóa và Quảng Nam. Khuyên nên mang thư đến triều đình giải thích, nộp thuế. Hoàng cho người nửa đêm đến sứ quán, hành hung và đốt phá đồ đạc. Nhưng Lê Nghĩa Trạch đã dấu kín trước thư Trịnh Tùng. Hôm sau, vẫn mang thư tới được. Nguyễn Hoàng thầm phục, không muốn gây hấn với Trịnh Tùng nữa.

(ĐVSK, BKTB, XVIII:1b-3b, Lâu & Long (2009), 3:256-257; Giu (1967) 3:232-33; BKTB [PCT], XX:3a-4b, Long (2009), 3:369-

Tháng 9-10/1600, Trịnh Tùng kéo quân ra Hà Nội. Bắt được mẹ Mậu Hợp. Lấy lại được Trung Đô. Mạc Kính Cung chạy qua Kim Thành (Hải Dương); (BKTB [PCT], XX:5b, Long (2009), 3:372;

Nửa đường trở lại Thăng Long, vua gặp con Hoàng là Hắc lạy chào, nói Hoàng đã già muốn về Thuận Hóa, để con cháu lại làm tin. (ĐVSK, BKTB, XVIII:1a-5a, Lâu & Long (2009), 3:251-259; Giu (1967), 3:228;  [PCT], XX:1b-2b, Long (2009), 3:368-369; CMCB, XXXI:5; (Hà Nội: 1959), XV:30 [1432]; (Hà Nội: 1998), II:227-228.

Tháng 10-11/1600, Trịnh Tráng bắt được Ngô Đình Nga ở sông Thiên Đức [sông Đuống], mang về Hà Nội giết. (ĐVSK, BKTB, XVIII:4b, Lâu & Long (2009), 3:258; BKTB [PCT], XX:5b, Long (2009), 3:372; Kính Cung rút qua Kim Thành, rồi ngược về Ninh Sóc. (BKTB [PCT], XX:5b, Long (2009), 3:372; CMCB, XXXI:5-6, 8-9; (Hà Nội: 1959), XV:31, 32-33 [1433, 1434-1435]; (Hà Nội: 1998), II:229-230, 232-233.

Tháng 11-12/1600 [10 Canh Tý, 6/11-5/12/1600], Lê Duy Tân về lại kinh thành. Có lẽ năm mơ thấy rồng vàng xuất hiện. (BKTB [PCT], XX:6b-7a, Long (2009), 3:373).

 Tháng 11-12/1600 Hoàng cũng gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (22 [24]/7/1623-1657), con Tùng. (PBTL (1972), tr 74; ĐNTLTB, I, 1962:41) (BKTB [PCT], XX:4b-5a, Long (2009), 3:371; ĐNTLTB,  I, 1962:41)

Cho tới khi chết năm 1613, Hoàng vẫn giữ đúng phép nộp thuế và thần phục Trịnh Tùng.

 

[Sử Lê tục biên ghi ngày 9/6/1600 [27/4 Canh Tí] tướng thủy quân Kế Quận Công Phan Ngạn, Mỹ Quận Công Bùi Văn Khuê và Tráng Quận Công Ngô Đình Nga làm phản ở Sơn Nam theo sự xúi dục của Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng, và Hoàng tình nguyện đi đánh dẹp bọn Ngạn, Khuê và Nga, nhưng cùng con thứ 6 là Nguyễn Phước Nguyên đem 20,000 lính và 300 chiến thuyền xuống Sơn Nam, ra cửa Đại An, rồi trực chỉ Thuận Hóa. Để lại con thứ năm là Cẩm quận công Hải, cháu nội là Hắc làm con tin].

Trở lại Ái Tử, Nguyễn Hoàng dời trị sở từ Dinh Cát sang phía đông. Cho con thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên (16/8/1563- 19/11/1635), 37 tuổi, “con rể họ Mạc,” trấn thủ Quảng Nam. (ĐNTLTB, I, 1962:41).

Hiển nhiên, có sự nghi kỵ giữa Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng từ sau ngày Tùng tự xưng vương, rồi đến việc lập vua mới. Ngày 12/10/1599, An Nam Đô thống sứ ti Đô thống sứ Lê Duy Đàm  mất. Ba ngày sau, 15/10, Trịnh Tùng phế thái tử với lý do ngu độn, lập em là Lê Duy Tân lên ngôi, tức Lê Kính Tông (15/10/1599-23/6/1619). ĐVSK, BKTL, XVII:74a, Lâu & Long (2009), 3:252  [24 & 27 tháng 8 Kỷ Hợi].

Duy Tân, mới 11 tuổi; và chỉ còn được hưởng bổng lộc hàng năm gồm 1,000 xã thượng tiến, 7 thớt voi, 20 thuyền rồng, 3,000 lính trong nội điện; và, lễ đăng quang của Lê Duy Tân (Kình Tông, 15/10/1599-23/6/1619), với nhiệm vụ “chĩnh chện mặc long bào, cầm hốt ngọc, nhận lễ triều yết.”  ĐVSK, BKTB, XVII:74a-75b, Lâu & Long (2009), 3:252-253. ĐVSK, BKTB, XVIII:1a-19a, Lâu & Long (2009), 3:255-71.

Ngày 17/6/1600, Tùng đưa Lê Duy Tân vào Thanh Hóa, đề phòng mọi âm mưu của Nguyễn Hoàng. Thái bảo Đỗ Uông khuyên Tùng nên ở lại, bị chết khi hỗn loạn. Dòng giõi họ Mạc lập tức nổi dạy, mưu toan tái chiếm Thăng Long. Nhờ lời trấn an của con cháu Hoàng, Tùng an tâm đưa quân trở lại Hà Nội, tái chiếm kinh thành. Sai sứ giả vào Thuận Hóa khuyên Hoàng nên trung thành, tiếp tục nộp thuế và cống lễ. ĐVSK, BKTB, XXII:1a-4b, Long (2009), 3:367-371. Tháng 11-12/1600 Nguyễn Hoàng gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (Sheng Zhuang, 25/7/1623-28/5/1657), con Trịnh Tùng, để trấn an Tùng; đồng thời cống lễ hậu hĩ như cũ. (ĐNTLTB, I, 1962:41; Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên [ĐNLTTB], q I, “Công chúa Liệt truyện,” bản dịch Cao Tự Thanh (Hà Nội: KHXH, 1995), tr 119 [sẽ dẫn: ĐNLTTB, Thanh (1995)].

Năm 1611, Nguyễn Hoàng đặt thêm phủ Phú Yên, từ phía nam Đèo Nhông xuống tới phía bắc Đèo Cả trong rặng núi Thạch Bi. Cử Văn Phong làm lưu thủ. Cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. (ĐNTLTB, I, 1962:43-44; Sử Lê và CMCB không chép).

Sử sách có khuynh hướng bestiary của Trung Hoa từ đời Đường (Tang, 618-906) tới đời Tồng (Song, 968-1126, 1127-1279), Nguyên (Yuan, 1260-1368), rồi Minh (Ming, 1368-1644) đã bịa đặt ra huyền thoại Mã Phục Ba, tức Ma Yuan [Mã Viện], đã trồng một, hai [2] hoặc năm [5] trụ đồng đời Lưu Tú (Hán Quang Vũ, 5/8/25-29/3/57) từ Đồng Đăng, châu Khâm, tới Hoành Sơn, Nhật Nam, rồi Đèo Cả hay Hà Tiên—dù những bộ chính sử  từ đời Tùy (571-617) trở về trước, như Hậu Hán Thư [Hou Hanshu] của Phạm Việp [Fan Ye, 498-536] q 24: Mã Viện truyện không hề ghi chép.

Ngày 20/7/1613  Nguyễn Hoàng chết. Thọ 89 tuổi. Con thứ 6 là Phước Nguyên (16/8/1563- 9/11/1635), 50 tuổi, tức Chúa Sãi [vì chuộng đạo Phật], lên thay. ĐNTLTB,  I: Thái tổ, 1962:44; II: Hy Tông, 1962:46; ĐVSK, BKTB, [PCT], XX:13b, Long (2009), 3:381; Giu (1967), 3:239.  (Bản Lê Hy không chép. Lâu & Long (2009), 3:263

Từ đó, dòng giõi Nguyễn Hoàng, gốc Gia Miêu ngoại, Tống Sơn, Thanh Hoa, hùng cứ và mở mang miền Trung và Nam.

 

Tháng 11-12/1769 [11 Kỷ Sửu 28/11-27/12/1769]: Lập sổ sách, thuế khóa hàng năm.

Thuận Hóa: 2 phủ, 8 huyện, 1 châu, ruộng 133,180 mẫu; dân: 126,850 người. Thu 3,533,356  thăng thóc, 63,655 thăng gạo, 153,600 quan tiền.

Quảng Nam đến Gia Định: 9 phủ, 25 huyện, 1 châu, ruộng 270,000 mẫu, đinh hơn 165,060 người. Thu 6,048,500  thăng thóc, 782,000 thăng gạo, 241,900 quan tiền. (ĐNTLTB, XI: Duệ Tông thượng, 1962:235-36)

Năm 1802, Nguyễn Phước Chủng diệt nhà Tây Sơn (1778-1802), khai mở nhà Nguyễn (1/6/1802-25/8/1945), thống nhất vương quốc tương đương với lãnh thổ hiện nay cùng đất đai biên giới bắc và lãnh hải đã cắt nhượng năm 1886, 1999, 2000, cùng lãnh hải và hải đảo bị lấn chiếm bất hợp pháp từ năm 1956 tới 2018. [Năm 1806, khi lên ngôi đế, Nguyễn Chủng (Gia Long) truy tặng Cam/Kim làm Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế], và Nguyễn Hoàng tước Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế. ĐNTLTB, I: Thái tổ; 1962:27, 30, 31-32. Đa tạ Hoàng thân Bửu Hoàng đã tặng một bản tóm lược gia phả họ Nguyễn năm 1978 tại Houston, TX.

 

Phụ Bản I-03

Toàn quyền

 

Luật ngày 17/10/1887, tổ chức hành chính Đông Dương:

Gouverneur Général civil [một Toàn quyền dân sự],

1 Lieutenant-Gouverneur en Cochinchine [Thống đốc];

1 Résident Général [Tổng Trú Sứ] en Annam & Tonkin,

1 Résident Général au Cambodge.

 

Toàn Quyền chỉ huy Thống đốc Sài Gòn, Khâm sứ [Résident Superieur] Huế, Thống sứ [Résident Superieur] Hà Nội.và Khâm sứ [Résident Superieur] Pnom Penh.

Jean A E Constans (9/11/1887-22/4/1888).

Etienne A G Richaud (22/4-9/9//1888, 9/9/1888-10/5/1889).

Georges  J  Piquet ([10]31/5/1889-7/2/1891)

Jean M Antoine de Lanessan (26/6/1891-10/3/1894-26/10/1894-29/12/1894)

Paul A Rousseau ([29/12/1894]-15/3/1895-[21/10/1895-14/3/1896]-10/12/1896)

Paul Doumer ([27/12/1896]-12/2/1897-[29/9/1898-24/1/1899, Paul Fourès]-24/1/1899-16/2/1901 [16/2-20/8/1901, Edouard Broni]-14/3/1902)

Jean B P Beau ([1/7/1902]-15/10/1902-1/7/1905 [1/7-/6/12/1905]-18/2/1908)

Anthony W Klobukowski ([26/6/1908]-24/9/1908-13/1/1910-[13/1-11/6/1910]-17/2/1911),

[cựu Tổng thư ký của Toàn quyền Jean Constans (9/11/1887-22/4/1888)].

Albert Sarraut ([1/6/1911-]-15/11/1911-4/1/1914-[4/1-7/5//1914]-7/5-5/8/1914)

Joost Van Vollenhoven (5/8/1914-26/1/1915)

Ernest N Roume ([26/1/1915]-5/3/1915-23/5/1916-[23/5/1916)

Albert Sarraut II ([7/11/1916]-22/1/1917-22/5/1919)

Maurice Long ([10/12/1919]-20/2/1920-18/11/1920-1/4/1921]-1/4/1921-15/4/1922-[15/4/1922-15/1/1923]-15/1-10/8/1923)

Martial H Merlin ([20/2/1923]-10/8/1923-23/4/1925)

Alexandre Varennes (28/7/1925-4/10/1926-[4/10/1926-17/5/1927]-17/5/1927-1/11/1927)

Pierre Pasquier [4/10/1926-17/5/1927], Maurice A F Monguillot [1/11/1927-], Eugene J L R Robin [7/8/1928-]

Pierre Pasquier ([23/8/1928]-26/12/1928-1/12/1930-[31/12/1930-30/6/1931, René Robin]-30/6/1931-15/1/1934 [14/1-23/7/1934, Maurice Graffeuil]

Eugene J L René Robin ([27/2/1934]-23/7/1934-9/9/1936-[9/9/1636-14/1/1937, Achille L A Silvestre])

Jules Brévié ([8/8.1936]-14/1/1937-26/7/1939 [22/8/1939])

Georges Catroux ([20/8/1939]-28/8/1939 [31/8/1939]-20/7/1940)

Jean Decoux ([25/6/1940]-20/7/1940-9/3/1945)

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười 20144:02 CH(Xem: 27105)
We have a simple message. It's that we just want a democracy and a fair voting of choosing our chief executive of Hong Kong. Just a simple -- nothing more." -Marco, a student protester in Hong Kong
02 Tháng Mười 20143:12 SA(Xem: 30626)
Trong đêm thứ sáu ngày 26/09/14 vừa qua tại Quảng trường Dân sự (Civic Square), tuổi trẻ Hồng Kông đã chứng tỏ sự dũng cảm của mình khi đứng cùng nhau, kiên định đấu tranh vì một nền dân chủ thực sự cho Hồng Kông. Lời nhắn gởi của lãnh đạo sinh viên 17 tuổi Joshua Wong khi anh bị cảnh sát lôi kéo đi đã làm rung động trái tim người Hồng Kông và thế giới.
02 Tháng Mười 20141:36 SA(Xem: 34486)
Rất vui khi nhận được thư của nhà biên khảo Đinh Văn Tuấn là tác giả bài viết đã đăng trên HL về Quốc Tử Giám cho biết anh có một số bài thơ (bút hiệu Thuận An) gửi đến để chia sẻ cùng bạn đọc của Hợp Lưu. Những bài thơ của Thuận An viết dưới những ghi chú tháng ngày như dạng nhật ký của tác giả. Chúng tôi trân trọng mời quí bạn đọc cùng vào thăm thế giới thơ của Thuận An.
02 Tháng Mười 20141:29 SA(Xem: 32301)
một đóa bời lời dòm vô mặt rạng vẫn ngồi cười cười đầu hôm tới sáng
02 Tháng Mười 201412:53 SA(Xem: 30469)
nói cho cùng- ngay chính đời sống này trên mảnh đất quê tuyệt đại đa số- thực tế cả nghĩa đen nghĩa bóng- chúng ta đều đã từng lên thiên đàng
29 Tháng Chín 20141:19 CH(Xem: 26794)
Đầu giờ sáng hôm thứ Hai, 29/9, tình hình không cho thấy mấy tình yêu cũng như sự hòa bình. Cảnh sát chống bạo động ở tuyến trên đã bắn khí cay vào người biểu tình. Không chỉ ở khu trung tâm, không khí biểu tình đã lan ra cả khu vịnh, tới Mong Kok, và khu quận mua sắm Causway Bay.
29 Tháng Chín 20143:54 SA(Xem: 27950)
Hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ vẫn còn trụ lại trên đường phố Hong Kong bất chấp hơi cay của cảnh sát và phớt lờ lời kêu gọi hãy về nhà của chính quyền.
29 Tháng Chín 20143:40 SA(Xem: 26319)
We are HongKongers ! We are peaceful! We fight for freedom and democracy!
28 Tháng Chín 20142:08 CH(Xem: 31364)
tỉnh rượu. lại nhìn ra ủ dột bộ mặt đêm qua của tưng bừng rót trót. kệ. tràn ly không đáy cụngcụng. người điên kết gã khùng
26 Tháng Chín 20143:07 SA(Xem: 33971)
Tôi đi qua một nửa đời, tìm đọc không biết là bao sách cũ dù biết là mình không thể nào đọc hết dẫu có thể thu góp lại tất cả kho tàng, những câu hỏi cũ còn hoài, ... để tự trả lời mình, văn học miền Nam lẽ đâu chỉ gồm những cái tên vô nghĩa. Quá khứ của tôi, của bao người, lẽ nào chỉ là những dòng mực đen.