- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

LÀNG ĂN MÀY VÀ MẪU BÁNH MÌ CŨ

19 Tháng Mười Hai 201711:54 CH(Xem: 26428)



UYEN LE -Truyen thang 12
Uyên Lê - SG 2017

 

Bà bác dâu đón tôi ở phi trường Trudeau, không phải bà cô ruột. Tôi đã mong đợi bà cô ruột. 

 

Bố tôi có hai bà cô, một là cô ruột và bà bác dâu. Từ lúc tôi chào đời đã có hai bà ở đó, Tôi vẫn quen gọi bằng bà dù hai bà còn khá trẻ. Ông cố tôi nhiều vợ, lắm thiếp, lại đẻ dày, đến nỗi con và cháu nội ra đời cách nhau không xa lắm.

 

Quê bố tôi ở Hương Sơn Hà tĩnh, mảnh đất cúi Bắc, đầu Trung, nửa núi, nửa đồng bằng, người nói giọng trọ trẹ, nửa thị và quá nửa quê, mà quê đá, quê núi, quê cằn, quê cỗi, quê không có đất để cày, có trâu để cưỡi. Bà bác dâu vẫn hay kể cho tôi nghe như vậy.

 

Không gian phi trường Trudeau cũ mèm, trên nềm thảm cũ màu tối, đèn đêm mờ tối,  chuyến bay 12 giờ đêm làm những con người lơ láo chung quanh cũng xuống màu, nhàu nát, cũ kỹ,  bà đứng đó lặng im nhìn tôi, không ôm vồ vập,  áp môi hôn một bên má như kiểu Tây gặp nhau, đôi mắt đen sắc như hai đường chì kẻ mảnh, nhìn trực diện vào mặt người đối diện, miệng mơ hồ như cười như không, làn da trắng xanh mỏng như giấy lụa bóng.

 

Cả nhà, cả họ hàng ai cũng sợ bà vì nhan sắc lạnh lẽo này.

 

Trừ tôi và bố tôi. Bố tôi bảo cả họ nhà bố tôi nợ bà nhiều thứ, và bố tôi ra sức mà trả để không dây dưa qua kiếp sau. Tôi chỉ biết tôi vừa yêu bà, vừa nể, vừa sợ.

 

Bà tự tay lái xe đưa tôi về nhà, vẫn lặng im không nói gì nhiều. Ngôi nhà bằng gỗ, lọt thỏm giữa khu rừng cây lá kim dày đặc, trời mùa hè nên 10 giờ vẫn còn sáng rực, chỉ có hơi ẩm bắt đầu len qua nhánh lá thông, lọt vào khung cửa lưới. 

 

Bà cô ruột từ trong nhà ào ra, tóc bạc trắng, vừa khóc vừa cười, tíu ta tíu tít. Và ngay lập tức tôi được ôm ấp, hôn hít chầm chập vào cổ, vào má, kèm theo bao nhiêu là rên rỉ, sờ sẫm suýt soa. Và mùi hương người già, trong giá lạnh, phả ra héo hắt mốc thếch, bao vây lấy tôi.

 

Đây là bà cô ruột của tôi rồi, đúng tính chất của họ Lê nhà tôi rồi, vồ vập, hối hả thắm thiết đấy mà lợt lạt, hời hợt, bạc bẽo ngay đấy!

 

Giữa chừng cái ôm ra rít, thắm thiết, bà cô ruột chợt vụng trộm  thầm thì vào tai tôi,

- Con có để dành bánh mì cho bà không?

 

Vì bố tôi đã dặn dò rất kỹ lưỡng, nên tôi lật đật lục tung túi xách, đưa ngay cho bà một túm bánh mì phần ăn trên máy bay, và hớn hở:- Có ngay đây bà ạ!

 

Mắt bà cô ruột sáng lóe lên rồi đờ dại hẵn đi, như chạm vào giọng nói đều đều lành lạnh của bà bác dâu  xuyên qua căn phòng rộng:

 

- Bà lại xin bánh mì nữa à?

 

- Tôi thấy thèm bánh mì- bà cô ruột cúi gằm đầu, tiếng nói lí nhí như thoát ra từ đôi vai rụt.

 

- Thế những thứ này là gì?

 

Bà bác dâu giựt mạnh tất cả các cánh tủ bếp trên đầu, một trận mưa bánh mì rào rào rơi xuống, bánh mì đen, bánh mì trắng, bánh mì sandwich, bánh crossant còn nửa cái, bánh mì vòng còn nguyên vẹn, bánh mì bagguette chỉ còn  lại cùi nhọn hay mẫu vụn, và vô số bánh mì tròn bằng lòng bàn tay từ phần ăn của các hảng Airlines tuôn xuống, không ngừng.

 

Mặt bà cô ruột của tôi chuyển sang nhăn nhúm rồi trắng bệch, bà gào lên bằng tất cả hơi sức của mình, gân cổ căng ra đỏ tía:

- Bà làm nhục tôi thế này vì bà thù tôi, bà đã  hận tôi suốt đời bà.

- Vì lẽ gì tôi phải hận bà? Tôi đem bà về đây nuôi khi con của bà bỏ bà vào nhà dưỡng lảo- bà bác dâu vẫn không thay đổi giọng nói.

- Vì cái làng ăn mày của nhà bà. Vì chúng tôi cứu bà từ cái làng ăn mày đấy! 

 

Bà bác dâu lặng lẻ đi lên cầu thang, lưng vẫn thẳng, đầu ngẩng cao như không hề nghe thấy gì. Đến bậc đá cẩm thạch  đen tuyền cuối cùng, bà đứng sững người, không quay đầu lại, ném vào không gian lặng ngắt từng từ một, không âm sắc:

 

- Cái làng ăn mày đó, tôi quên hẳn rồi. Nó chỉ còn sống trong đầu bà thôi. Trong nỗi sợ của bà, trong nỗi ám ảnh sợ đói của bà. 

 

Bà cô ruột của tôi khóc, khóc rấm rứt trong khi cùng tôi thu dọn đống chiến trường ngỗn ngang bánh mì cũ khô mốc, nhét đầy lại trong ngăn tủ bếp.

 

Đầu óc tôi quay cuồng, ngay lúc ấy, tôi chỉ nghĩ về làng ăn mày. Làm sao bà ấy lại có thể quên được làng ăn mày? Và trên cái nền của sắc màu vàng vọt kỳ ảo nửa đêm trắng, trong không gian sặc mùi mốc xanh lên meo nấm của bánh mì, tôi nhớ về quê cha tôi, tôi nhớ về bài học lịch sử đầu tiên qua những nốt đậu mùa chi chít trên mặt bà bác dâu.

 

Tôi gọi đó là "bài học lịch sử đậu mùa"

 

Từ bé tôi đã mê mẫn môn lịch sử. Tôi khám phá ra niềm phấn khích lạ kỳ, nỗi đam mê rợn chân tóc, và tò mò lầm râm dưới làn da khi lật trang sách sử, dù đôi khi chỉ là ngày tháng lạnh lẽo, cộc lốc, những tên người, tên đất, tên miền, tên sự kiện lầm lủi nối tiếp nhau như ảnh mờ chạy chậm trên màn hình đen trắng, như dợm một bước chân vào sau tấm gương đồng mở lối vào đường hầm quá khứ…

 

Tình yêu này, trong sâu xa, bắt nguồn từ bà bác dâu.

 

Từ những nốt đậu mùa trên khuôn mặt trắng nhợt nhạt của bà bác dâu.  Khuôn mặt đầu tiên cúi nhìn tôi khi tôi vừa ngo ngoe ra đời từ bụng mẹ.

Người ta nói, ký ức về khuôn mặt đầu tiên người ta nhìn thấy khi chào đời sẽ nằm mãi trong trí nhớ và tiềm thức của người ta suốt một đời. Tôi tin vào điều đó.

 

Vì sau hết những ký ức ngồn  ngộn chất đầy trong bộ não tò mò phấn khích của tôi, thu nhận, lấp đầy, chảy mãi miết rồi đào thải, để lại tiếp tục tiếp nhận những hình ảnh mới, ký ức mới. Thì phần nằm lại kiên nhẫn nhất và sâu nhất vẫn là khuôn mặt của bà bác dâu.

 

Ký ức đó pha trộn ký hiệu đầy cảm xúc của da ngón tay lần dò trên nốt đậu mùa lồi lõm, và mùi ngọn bấc đèn dầu cháy gần tàn hoi hoi, tiếng reo lửa lục bục, đêm mùa hè ẩm ướt sau sóng lưng:

-  Những nốt sẹo này làm sao bà có?- tôi hỏi , rợn người vì sự thôi thúc của lòng gan dạ và trí tò mò.

-   Từ một năm đói, rất đói, cả làng đói, cả xã đói, không gì dày vò hủy hoại người ta bằng cái đói, cái đói làm người bò bằng đầu gối, vùng dậy trong đêm, đi như ma qua những cánh đồng chết vàng vì hoàng trùng, qua những ngõ xóm tối hoang và không bóng gia súc, vì tất cả đã bị đem ra làm thịt, kể cả lũ chuột.

-  Bà không chết đói à? – tôi rùng mình khi mồ hôi chạy dọc qua sóng lưng lạnh ngắt, là một đợt gió nửa nồm hè.

- Không, người ta chỉ có thể chết vì một thứ trong đời, người chết nhiều đến nỗi thần đói không màng giành giựt, ông ấy nhường bà vào tay thần đậu mùa, vậy mà bà sống đấy. Nhưng cả nhà bà đã chết hết, chết dấm dúi trong bụi, đống rơm, cây chuối, dưới ao, trên mặt nước, khi trên đường bò ra tìm côn trùng hay bất cứ thứ gì có thể bỏ vào mồm được. Bà sống được nhờ mẹ của bà, cụ chết đã ba ngày, chết đói, vàng mắt, hõm má, nhưng bầu sữa thì kỳ diệu, vẫn còn nóng cho bà lay lắt riết róng mãi cho đến lúc người ta kéo xác mẹ của bà hắt vào xe bò.  Nếu đôi mắt của bà không lóe lên trong đêm, người ta đã hắt bà xuống ao cùng cả nhà.

 

Từ trong góc tối ngọn đèn dầu không hắt tới, bà cô ruột của tôi chen vào , cười nhạt:

 

-  Bà không kể nốt chuyện làng ăn mày của bà à? Người ta cứu bà ấy cốt nuôi lớn để đi ăn mày và sai vặt. Làng ăn mày đông lắm , mà lại lười, chẳng ai muốn động tay động chân, chỉ có bà ấy là choắt người mà khỏe như hơn trâu vật. Cái số người đã lọt lưới tử thần một lần thì  sống dai lắm, dai hơn đĩa đã tróc lên bờ, dính phải vôi!

 

Tôi ngồi im trong sự lặng lẽ bất thường của bà bác dâu, bà cô ruột vẫn hơn hớn kể chuyện liến láu, từng từ lộn xộn như va chạm xo đẩy nhau tuôn ra:

- Bà cố mình lấy bà ấy về cho bác trưởng, bác ấy chẳng thiết vợ con, chỉ muốn người siêng làm về hầu hạ cả nhà. Ngày đón bà ấy về mới là kinh. Đám rước cũng đàng hoàng bằng đò, ba chiếc, người làng ăn mày bu theo ăn cỗ thừa đông cơ man là đông. Níu trĩu be xuồng không nhích được tất nào. Thế là người đi rước dâu phải lấy mái chèo quất thật lực vào tay dân đi ăn chực, bao nhiêu là ngón tay rụng lã chã xuống nước. Có mấy lóng tay còn dính cả vào be xuồng cứ run giật như thằn lằn phải mất đuôi. Vậy mà cũng không cản được mấy. Dân ăn mày ấy, chúng nó dai lì như đỉa trâu thấy mùi máu càng say! Tôi kể thế có đúng hay không?

 

Bác dâu chỉ bấu tay vào cạnh bàn, những đốt tay trắng bệch phình ra to khác thường, chờn vờn trên tường.

 

Không ai dám nhắc lại chuyện về làng ăn mày với bà bác dâu, trừ bà cô ruột. Bố tôi nói, có những người vì được chăm nom, chiều chuộng quá kỹ lưỡng đến nỗi chỉ có thể già đi mà không biết lớn lên. Bà cô ruột của tôi là một. Bà là con gái một , dù nhà kiết vẫn ra dáng tiểu thư con nhà chức sắc, quanh năm ốm đau quặt quẹo. Lớn lên lấy chồng , đẻ con một tay bà bác dâu trông nom bế ẵm.

Mà hầu như con cháu trong nhà, chỉ một tay bà bác dâu chăm sóc, ai chửa đẻ cũng gọi bà bác dâu hầu hạ thuốc thang, quạt than, hơ lửa. Số bà là thế rồi, người ta lấy dâu trưởng về không để ngồi đầu mâm, mà để chui vào xó bếp, không phải để ăn miếng ngon, miếng nóng mà chỉ được phần hẩm, và thừa.

 

Ngay cả với chồng, đêm đầu tiên về động phòng, ông bác tôi chỉ đạp bà một phát lăn xuống giường, ông đã quen ngủ một mình, và bà lúc ấy vừa hôi, vừa gầy nhom ,lại vừa rỗ chằng chịt. Mãi đến năm lên mười bảy, sau bốn năm thừa hưởng cơm thừa canh cặn nhà chồng, da thịt đỏ thắm lành lặn, bà mới được nằm cạnh bên chồng, mà chỉ thấy sấp lưng to tê đè nghiến, cảm giác tình yêu vừa thô vừa vụng về, mà lại nhớ hôi hổi hoài.

 

Ai dè cũng nhờ cái đạp xuống chân giường và cái lưng đè nghiến thô bè ấy, bà đã nhận ra xác của ông bác trai.

 

Ông thuộc diện lính kiểng, lính canh kho bạc mà chỉ một lần mang quân lương ra trận đã thành ngay tử sĩ , pháo giật đi nguyên đoàn phơi mình mấy ngày trên mặt ruộng.

 

Thời ấy chiến trận ác liệt, chẳng ai dám mang xác ông về, mà xác tanh bành té bẹ lẫn lộn, cũng không ai nhận ra ai nỗi mà lọc ra đem về.

 

Bà bác dâu một mình trong chiều, kéo xe bò cọc cạch đi tìm xác chồng. Bà cố tôi khóc hời hời : vì con vợ mặt mỏng, lại bạc như vôi nên hại hết phúc nhà chồng. 

 

Bà bác dâu lầm lũi kèo xe bò đi, cọc cạch , đường làng cọc cạch, năm ấy trăng quầng rất lớn , ráng chiều đỏ như máu loang, quạ đen bay đầy đồng, béo đến không cất cánh lên nổi.

 

Bà nhận ra xác chồng chỉ từ cái bàn chân dài khác thường, bàn chân một đêm đã đạp bà văng xuống đất , và cái lưng to bè, cái lưng đè sấp lên bà suốt những đêm yêu, cái lưng mà bà đã tưới biết bao nhiêu âu yếm nhớ thương mỗi đêm, bà hiếm khi thấy được mặt chồng sau những lần yêu vội vã.

 

Bà chỉ gào lên một tiếng nhỏ: Mình ơi ! rồi nín bặt, tiếng kêu duy nhất suốt mười năm làm vợ ấy không phải nghẹn vì đau đớn. Mà bà nghẹn tắt nữa chừng vì thấy lạ lùng. Cái dáng nằm của chồng bà ấy, sao mà co quắp, khốn khổ lạ lùng. Như đang ôm ấp, ủ ẩn cái gì đến quặn thắt bên trong. Bà lật xác bác trưởng lên, một bọc tiền lớn rơi ra, còn tươi màu máu và mùi máu.

 

Lúc này bà mới hộc lên nức nở: - Mình ơi!

 

Cả đời bà chưa rờ được vào đồng tiền, chồng bà chưa cho bà được một cái nhìn, một nụ cười âu yếm. Chỉ sau khi chết đi, ông mới vặn vẹo gìn giữ được cho bà một gia tài.

 

Cả một gia tài lớn so với thời ấy!

 

Bà đánh xe bò lầm lũi cả đêm đi về , bọc tiền vẫn úp dưới bụng chồng.

Sau đêm ấy bà trở nên người đàn bà hoàn toàn khác.

...

 

UYÊN LÊ

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 117291)
Đừng đánh thức giấc mơ tôi trong lúc ngửa mặt lên trời hứng những giọt mưa đêm tháng chạp với hình ảnh duy nhất là đôi mắt em.
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85933)
Ernest Miller Hemingway (21 tháng 7, 1899- 2 tháng 7, 1961) là một nhà văn, nhà báo Mỹ. Cách viết văn riêng biệt - biểu thị qua đặc điểm lối mô tả khiệm lời và khiêm nhường - cũng như những cuộc phiêu lưu và hình tượng công chúng của ông đã tạo nên nhiều ảnh hưởng cho nền văn chương hư cấu của thế kỷ thứ 20.
23 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 97979)
Chương trình phát thanh tiếng Việt hàng ngày của đài BBC, Anh Quốc, quen thuộc với người Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, sẽ chính thức ngưng hoạt động sau buổi phát thanh cuối cùng vào Thứ Bảy 26 tháng 3 từ 14 giờ 30 đến 14 giờ 45 giờ quốc tế hay từ 9 giờ 30 đến 9 giờ 45 phút giờ Việt Nam.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 77420)
Hoàng Chính chuyển ngữ từ Peeling trong tập truyện "The Fat Man in History" của Peter Carey. Peter Carey, tiểu thuyết gia người Úc, sinh ngày 7 tháng 5, 1943, hai lần đoạt giải Man Booker với các cuốn "Oscar and Lucinda" (1988) và "True History of the Kelly Gang" (2001). Hiện Peter Carey dạy đại học tại New York.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85913)
Những cái chết sau quá khứ về sau vẫn tiếp tục tiếp diễn mãi cho đến tận bây giờ. Những cái chết trên biển, bên kia biển, và bên này đất liền.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 111372)
Tháng Mười chơi trò xếp đặt Những con rồng được tạc bằng xương người Những con rắn cong khô trên bếp than cời Dưới nền trời xám và khô Phố phường mạ bằng vàng mã Người người ướp lạnh.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 81666)
T rước năm 1975, mỗi dịp Tết âm lịch, văn gia và dân chúng miền nam thường làm lễ kỷ niệm chiến thắng Tết Kỷ Dậu (31/1/1789) của Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792). Đây là một trong những võ công vệ quốc lịch sử của dân tộc Việt chống lại âm mưu thôn tính của bắc phương từ ngày giành được độc lập năm 939–sau khi Ngô Quyền (898-944) phá quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng (theo Nguyễn Trãi, còn gọi là sông Vân Cừ), khai sinh ra một vương quốc mới, tức Đại Việt (từ năm 1054) hay Việt Nam (từ năm 1804). (1)
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 80760)
Từ xưa đến nay, tình mẫu tử luôn là đề tài sáng tác vô tận cho thơ ca nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung. Một cách tự nhiên, Nguyễn Xuân Tường Vy đã chinh phục độc giả bằng chính những dòng viết giản dị, chân thật về tình cảm muôn thuở ấy.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 90091)
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975 như vết nước mắt loang dài của miền Trung ngắn dần đi khi dân chúng di tản vào Nam kiệt sức đến không còn nước mắt khóc cho những xác người ven đường.
21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86520)
Ông Nguyễn Hưng Quốc là người rất xục xạo đã lôi ra được những vấn đề văn học độc đáo. Cũng trong một bài viết blog, ông đã phát giác ra là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất thích cái thứ chúng ta thường thả vào bồn cầu! Ông viết : “Trong các truyện ngắn, ông (Nguyễn Huy Thiệp) cho chữ (cứt) ấy xuất hiện khá nhiều, một cách trần trụi, hung hãn, đầy bạo động.