- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGUYỄN PHƯỚC ĐIỆN HỒI HƯƠNG (1932-1933)

11 Tháng Bảy 201711:56 CH(Xem: 27895)

 

BaoDai_1
Vua Bảo Đại

 

Vua thứ 13 và cuối cùng của nhà Nguyễn—Nguyễn Phước Điện (8/1/1926-25/8/1945)—được biết nhiều hơn với niên hiệu Bảo Đại. Chữ "Bảo" [ThCh 25] bên trái có chữ "Nhân," bên phải phía trên có chữ "khẩu," dưới có chữ "mộc," nghĩa là "giữ gìn, bảo vệ;" "Đại" [ThCh 121] là to lớn—"Bảo Đại," như thế, hàm ý "bảo vệ sự vĩ đại, to lớn [của cơ nghiệp nhà Nguyễn]." Mặc dù Nguyễn Phước Điện chỉ duy trì được vương quốc thêm gần 20 năm, và thực thể chính trị Quốc Gia Việt Nam [QGVN] hơn sáu năm nữa, các đối thủ từng sử dụng những thuật ngữ bất nhã—như "mannequin doré" [hình nhân giát vàng](1), hay bù nhìn [puppet, quisling, scarecrow, straw dummy](2)—nhưng vua  là một trong những vua lý tưởng, nếu không phải duy nhất, chế độ Bảo hộ Pháp có thể đào tạo suốt hơn 60 năm chiếm đóng Đại Nam (1884-1945).

1. La Tribune Indochinoise (Sài Gòn), 23/9/1930.
2. Người bện bằng rơm, rạ để giảm thiểu sự phá hoại của chim chóc.

 

Hiện nay, một số tư liệu văn khố Pháp-Việt-Mỹ đã giải mật, soi sáng thêm thân thế Nguyễn Phước Điện trước năm 1922, cùng giai đoạn lưu vong ở Trung Hoa và Hong Kong, 1946-1949. (3)

3. Xin cảm tạ bà Giám đốc Trung tâm Văn Khố Hải Ngoại tại Aix en Provence [CAOM (Aix)], đã cho phép đặc biệt tham khảo tư liệu Kho Cao Ủy Đông Dương thuộc Pháp [Haut Commissariat de France pour l’Indochine, HCFI], Cố vấn chính trị [Conseiller politique, CP], c. 255 về Hoàng tử Vĩnh San (Duy Tân) và Nguyễn Phước Điện.
 

Đặc điểm của Nguyễn Phước Điện là vua làm bất cứ điều gì người Pháp ra lệnh, trên nguyên tắc "rủ buông tay áo mà đời được trị." Suốt 10 năm ấu thơ, vua được đào tạo trong hệ thống giáo dục quí phái Pháp, dưới sự uốn nắn của vợ chồng cựu Khâm sứ Charles. Bởi thế, Nguyễn Phước Điện "ở ngôi mà không cai trị" lâu nhất [19 năm, 2 tháng] trong thời Nguyễn mạt, rồi được Nhật chọn làm vua Đế Quốc Việt Nam từ ngày 11/3 tới 25/8/1945. Ngày 9/9/1945, sau khi tuyên bố độc lập với cả Nhật lẫn Pháp. Hồ Chí Minh (tức Nguyễn Sinh Côn) phong vua làm Cố vấn sau khi thoái vị (2/9/1945-1/1947). Rồi lại được Pháp và Hội Truyền Giáo, với sự phê chuẩn của Liên Bang Mỹ [United States of America], đưa về làm Quốc trưởng thêm sáu [6] năm, từ 1949 tới 1955, trong thí nghiệm Quốc Gia Việt Nam “chống Cộng.”

Sau khi bị Thủ tướng Ngô Đình Diệm (27/7/1897-2/11/1963) cướp ngôi—qua cuộc “Trưng Cầu Dân Ý” ngày 23/10/1955, nhưng chính phủ Dwight D Eisenhower (20/1/1953-20/1/1961) quay mặt làm ngơ—cựu hoàng Nguyễn Phước Điện sống lưu vong ở Pháp với một tài sản khổng lồ, nhưng chết trong cảnh thanh bạch hơn 40 năm sau. (4)

4.  Vũ Ngự Chiêu, “Political and Social Change;” (1984), Part II; Idem., “The Other Side of the 1945 Revolution: The Empire of  Viet Nam (March-August 1945);” in Journal of Asian Studies [JAS], vol XLV, No. 2 (Feb 1986), pp. 293-328; bản dịch Việt ngữ 1992, và 2010; Chính Đạo, “Cuộc truất phế Bảo Đại;” Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston, TX: Văn Hóa, 2004), tr 151-242, 415-432.
 

Để dễ theo dõi những diễn biến, chúng tôi tạm chia triều Nguyễn Phước Điện làm sáu [6] giai đoạn chính: tuổi thiếu niên, từ 1913 tới 1932; giai đoạn “đích thân cầm quyền” 1932-1939; giai đoạn liên minh Nhật-Pháp, 7/1940-9/3/1945; giai đoạn độc lập trong khối Thịnh Vượng Chung Đông Á, từ 11/3 tới 25/8/1945; Quốc trưởng chống Cộng (1/7/1949-23/10/1955), và, lưu vong ở Pháp (1954-1997).

Chương này và chương kế tiếp sẽ giới hạn trong bốn giai đoạn đầu. Giai đoạn 1946-1949 sẽ được trình bày sơ lược trong chương “Nước Pháp Thiếu May Mắn?” Giai đoạn 1949-1955 được dành cho một biên khảo khác về cuộc chiến ba mươi năm 1945-1975, nhưng đã được trình bày sơ lược trong hai biên khảo Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, và 55 Ngày, 55 Đêm: Cuộc Sụp Đổ Của Việt Nam Cộng Hòa.

 

I. NguyỄn PhưỚc ĐiỆn LÀ AI?

Có nhiều dư luận về phụ hệ của Nguyễn Phước Điện từ khi vua chưa chào đời. Năm 1906, khi phân tích các ứng cử viên có thể lên ngôi, Khâm sứ Fernand Levecque dẫn lời một tôn thất mật báo rằng Hoàng tử Bửu Đảo—con Nguyễn Phước Biện, cháu ngoại Nguyễn Hữu Độ, một trong những ứng cử viên có thể thay Nguyễn Phước Chiêu—"không con và cũng không thể có con." (6) Bởi vậy, việc "chim loan tới gáy trên mái nhà" Bửu Đảo đầu năm 1913 khiến nghi vấn phụ hệ của Vĩnh Thụy trở thành một đề tài đàm tiếu trong mọi giới.

6. Nguyên Vũ, Paris: Xuân 1996 (Houston: Văn Hoá, 1997), tr 227. Sẽ dẫn Nguyên Vũ 1997.

 

A. TÔNG TÍCH BẤT MINH:

Đa số đồng ý rằng cha Vĩnh Thụy có thể là bất cứ ai, ngoại trừ Bửu Đảo. Một nhân chứng ở Paris, theo tác giả chẳng có gì đáng tin cậy, tuyên bố cha Nguyễn Phước Điện là nài ngựa ở Huế. Ronald E M Irving khẳng định Nguyễn Phước Điện là con nuôi hay thừa nhận [adopted son] của Nguyễn Phước Tuấn nhưng chỉ dựa theo nguồn tin truyền khẩu của hai ký giả Pháp [Philippe Devillers và Jean Lacouture], dù có nhắc đến ý kiến bác lại sự cả đoan trên của Paul Honey. (7)

7. Ronald E M Irving, The First Indochina War (London: Croom Helm, 1975), pp 45, 63n4.
 

Vấn đề tông tích bất minh của Nguyễn Phước Điện được ghi vào tài liệu văn khố Pháp từ năm 1922. Trong tờ trình mật [Note confidentielle] ngày 15/2/1922—về đề nghị tôn Vĩnh Thụy làm "Đông Cung Hoàng Thái tử" [hérétier présomptif] của năm [5] đại thần Viện Cơ Mật và Tôn Nhơn Phủ ngày 2/4/1921—Pasquier đã dẫn lại một số tin đồn về tông tích Vĩnh Thụy, tục gọi Mệ Vung.

Theo Pasquier, tin đồn quen thuộc nhất là cha mẹ Thụy—Thừa Quang, và Hoàng Thị Út, sau đổi thành Thị Cúc—là đầy tớ trong gia đình Phụng Hoá công Bửu Đảo. Nhưng Pasquier vội bác tin này, vì Thụy rất giống Nguyễn Phước Tuấn. [Cette légende a un défaut capital, elle ne tient aucun compte de  la grande ressemblance du jene prince avec Sa Majesté Khai Dinh]. (8)

8. “Note confidentielle a.s. de la désignation comme Prince Hérétier du Prince Vinh Thuy;” 15 Frévrier 1922, Pasquier gửi Long; Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia [TTLTQG] 2 (TP/HCM), Residence d’Annam [RSA], Hồ sơ [HS] 4129.
 

Một tin đồn khác khẳng định Dương Quang Lược, một đại thần trong bộ Lễ, mới là cha Vĩnh Thụy. Vì Lược là em ruột mẹ Bửu Đảo nên Vĩnh Thụy giống ông cậu mình, và Bửu Đảo ghi tên Vĩnh Thụy vào sổ Hoàng tử ở phủ Tôn nhơn vì có hiếu với mẹ. Nhưng Pasquier cũng bác thuyết "khôn khéo và vụ lợi" trên vì nó chẳng những không giải thích được điều Vĩnh Thụy giống Bửu Đảo mà còn chỉ được lưu truyền 4, 5 năm sau ngày Nguyễn Phước Tuấn lên ngôi.

Vẫn theo Pasquier, gia đình Trương Như Cương có lẽ phao ra những tin đồn về tông tích bất minh của Vĩnh Thụy hầu trả thù việc Bửu Đảo bỏ rơi con gái họ, một việc khiến tự ái bị tổn thương hay danh dự bị xúc phạm [l’enfant de l’amour-propre ou de l’honneur blessé]. Nguyên trước kia, Cương đã hứa cung cấp cho chàng rể Bửu Đảo mỗi tháng một số tiền lớn, nhưng không giữ lời. Vì vậy, Bửu Đảo bỏ rơi con gái Cương. Để gỡ sĩ diện, vợ chồng Cương tung tin Bửu Đảo bất lực. Chàng rể quí nổi giận, đã chọn một trong những tớ gái của vợ để chứng minh khả năng tình dục. Kết quả của "cơn sóng tình đột xuất này" tạo nên nhân vật mang trách nhiệm “bảo vệ cơ nghiệp vĩ đại của nhà Nguyễn.” (9)

9. Báo cáo của Pasquier ngày 15/2/1922; TTLTQG 2 (TP/HCM), Résidence d’An Nam [RSA], Hồ sơ [HS] 4129;  “Résumé de l’entretien entre M. le Gouverneur Général et Sa Majesté Khai Dinh;” Ibid. Xem thêm Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, Tập III: Nhân Vật Chí, tái bản có bổ sung (Houston: Văn Hóa, 1997), tr. 597-99; Phạm Khắc Hoè, "Vĩnh Thụy con ai?;" trong Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn (Huế: Thuận Hoá, 1989), tr. 210-12. Sẽ dẫn: Chính Đạo, Nhân Vật Chí (1997) & Phạm Khắc Hoè 1989. Hoè, người bộc lộ lòng thù hận cay nghiệt với chủ cũ qua nhiều bài viết, đưa ra kết luận: "Cha của Vĩnh Thụy là chế độ thực dân Pháp;" Ibid. Con trai Cương, Trương Như Đính, sau này lên tới chức Thượng thư Bộ Nông (5/1942); Gouvernement Général de l'Indochine, Souverains et notabilités d'Indochine (Hà Nội: IDEO, 1943), p 20.

 

Một nguồn tin khác nữa cho rằng Thị Cúc là hầu thiếp của một Hoàng thân thuộc vai "ông chú" Bửu Đảo (tên đệm Miên, ngang vai Nguyễn Phước Tuyền [Thiệu Trị]). (10)

10. Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện các Bà trong cung cấm (Huế: 1989).
 

Chuyện gì đi nữa, vì sinh được một con trai duy nhất cho Bửu Đảo, sau khi lên ngôi, Nguyễn Phước Tuấn phong Thị Cúc làm Tam giai Huệ tân năm 1917, Nhị giai Huệ phi năm 1918, và rồi Nhất giai Hậu phi [tương đương Hoàng hậu] năm 1923. Theo Nguyễn Phước Tuấn, dù xuất thân dân giả, Từ Cung rất được lòng mẹ vua là Khôn Nghi Thái Hoàng Thái hậu, Nhị giai của Nguyễn Phước Biện.(11)

11. Souverains 1943, p VII; Di chúc của Nguyễn Phước Tuấn, bản dịch của Pasquier; CAOM (Aix), Amiraux 64231 (côte cũ: F03/68); Kho Lưu trữ Quốc Gia 2 (TP/HCM), RSA, [HS] 4129. 
 

Mười năm sau, khi từ Pháp về "nắm quyền," Nguyễn Phước Điện tôn mẹ lên Đoan Huy Hoàng Thái hậu, tức Từ Cung Thái hậu.

Tưởng nên thêm rằng mặc dù Nguyễn Hữu Độ gả con gái cho Nguyễn Phước Biện, Độ không phải là ông ngoại Vĩnh Thụy như có tác giả ngộ nhận. Năm 1925, mẹ Nguyễn Phước Tuấn mưu tính làm Nhiếp Chính cho Vĩnh Thụy, nhưng Pasquier và các triều thần không đồng ý.

Sự kiện Nguyễn Phước Tuấn, với bảy phi tần, hàng chục cung nữ sau khi lên ngôi mà không có thêm người con nào khác dường xác tín hơn phủ nhận những loại tin đồn trên. Ngoài ra, còn những ca vũ khúc “chửi rủa” dân gian Việt Nam nói riêng, và Á Châu nói chung—mà chính phủ “kách mệnh vô sản” của Nguyễn Sinh Côn [Hồ Chí Minh] từ năm 1945-1949 và rồi “cách mạng nhân vị” Ngô Đình Diệm từ 1954-1955 vô cùng ưa chuộng, từ chợ búa tới dinh thự--để ám sát chính trị bất cứ đối thủ nào. Năm 1939, chẳng hạn, Nguyễn Sinh Côn từng lăng mạ nhóm trí thức tự nhận là Đệ Tứ Cộng Sản hay Trốt Kít là “chó săn” cho nước ngoài, dù thực chất liên hệ giữa Côn và “đồng chí” mới thực sự nằm gọn trong tay Ban Phương Đông của Đệ Tam Quốc Tế, cùng Đảng Cộng Sản Trung Hoa—khi vuông, lúc tròn theo lệnh ngoại nhân, được xưng tụng vĩ đại, muôn năm không chút ngượng ngùng. (12)

12. HCMTT, III, tr. 97-100. Ngày 30/4/1939, bầu cử vòng 2 Hội đồng quản hạt Nam Kỳ và thành phố Sài Gòn. “Sổ” Tranh Đấu thắng lớn: Tạ Thu Thâu, 1355 phiếu; Phan Văn Hùm, 1186 phiếu; và Trần Văn Thạch, 1121 phiếu (dự khuyết), nhưng kết quả cuộc bầu cử này bị hủy bỏ.  Ba ứng cử viên của Đảng Lập Hiến là Lê Quang Liêm tự Bảy, Huỳnh Văn Chín và Vương Quang Nhường đều thất cử. Sổ “Dân Chúng” hay CSĐD—gồm Nguyễn Văn Tạo (752 phiếu), Nguyễn An Ninh và Dương Bạch Mai (thay thế Võ Công Tồn, rút lui vào giờ chót)—cũng thất cử. Nguyễn Phan Long, dù được nhóm Stalinist và tư bản Pháp như Henri de Lachevrotière và Dân biểu Jean de Beaumont ủng hộ, chỉ được 665 phiếu. (Tranh Đấu, 5/5/1939; La Lutte, 5/5/1939; và, Dân Chúng, 21, 22 & 26/4/1939, 31/5/1939) Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử này không được chấp nhận vì “thiếu điều kiện” và “không đúng thể lệ.” [vì chống lại ngân sách quốc phòng]. [Xem thêm 16/10 & 24/10/1939]

Tháng 6-7/1939 bị  “P. C. Line ” [Linov Côn]  chửi rủa Thâu, Thạch và Hùm là “chó săn của phái xít Nhật,” “gián điệp,” “lũ vô loại.”

Cuối năm 1954, đầu năm 1955—khi đặc sứ Lawton Collins, Jr, của Tổng thống Dwight D “Ike” Eisenhower áp lực Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu phải nhận Phan Huy Quát và Trần Văn Đỗ vào chính phủ cải tổ sắp tới, cá nhân Diệm và Trần Thị Lệ Xuân cũng hết sức bôi nhọ hai y sĩ trên là tay sai Mỹ—dù phía sau hậu trường, từ năm 1946-1947 anh em Diệm đã âm thầm tự bán mình cho các nhà ngoại giao Mỹ, từ Tổng Lãnh sự Charles Reed, Jr, tới Tổng Lãnh sự Hongkong—ngụy tạo cả quan tước “Tể Tướng” của Nguyễn Phước Điện trong thập niên 1930, dù thực chất chỉ được đặc cách từ Tuần Vũ lên thượng thư, ngang hàng các đồng liêu, nếu không phải thấp nhỏ hơn Phạm Quỳnh. (13)

13. Despatch No. 450, Hong Kong (Hopper) to State, Dec 30, 1947; FRUS, 1947, VI: The Far East, (1972), pp. 152 [152-55])
Ngày 24/12/1947: Ngô Đình “Giệm” [Diệm] gặp Tổng lãnh sự Mỹ ở Hong Kong là George D. Hopper, trình bày về nội tình VN và giải pháp Bảo Đại. (Ngày 18/12/1947, Reed đã điện trước cho Hopper rằng có thể Diệm sẽ ghé thăm).

Theo Diệm, những đề nghị của Pháp cách biệt rất xa nền độc lập thực sự mà người Việt mong ước [the terms of the proposal as falling far short of real independence, which is the ultimate desire of his people].

Đề nghị của Bollaert không thể chấp nhận được với Bảo Đại; nhưng Diệm sợ rằng Bảo Đại đang túng quẫn không có tiền bạc để vận động chính trị. 

Diệm cũng tiết lộ là trước khi lên đường qua Âu Châu [Swizerland, thăm gia đình, theo Hooper], Bảo Đại đề nghị Diệm về nước, thành lập một chính phủ theo khuôn khổ đề nghị của Pháp, với càng nhiều tu chính càng tốt hầu thỏa mãn nhu cầu quốc gia.  Diệm sợ rằng một khi đã đạt thỏa thuận, Pháp sẽ giao hết việc chống Cộng cho chính phủ tân lập vì Pháp đã chán ngán chiến tranh, với những thiệt hại trầm trọng.

Việt Nam, theo Diệm, đã bị Pháp bóc lột kinh tế bấy lâu, và chắc chắn Pháp sẽ không chấp nhận chính sách “cửa mở.”

Hy vọng duy nhất của Việt Nam để thoát khỏi sự thống trị của Pháp là các cường quốc, đặc biệt là Mỹ. Chỉ có hành động phối hợp của các ngoại cường mới có thể khiến Pháp chấp nhận những điều kiện hợp lý trong việc thành lập một chính phủ bản xứ, và chính phủ này hẳn cần ngoại viện một thời gian hầu có thể tự túc. Nếu CS lên cầm quyền ở Pháp, Cộng Sản sẽ chiếm Đông Dương.

Diệm tự giới thiệu là bạn cũ của Bảo Đại, từng làm “Tể tướng” [Prime Minister] của Bảo Đại, và hai gia đình rất thân thiết.

Điều này không đúng. Tháng 5/1933, Toàn Quyền Pasquier và Khâm sứ Thibeaudeau làm một cuộc đảo chính cung đình. Bắt Tổng lý Bồi và 4 Thượng thư về hưu. Diệm, con nuôi của Bồi, được đặc cách từ Tuần vũ lên Thượng thư bộ Lại, nhưng không được tước Cơ mật viện trưởng, vì Bảo Đại đích thân cầm quyền từ năm 1932. Hai tháng sau, Diệm gửi thư cho Bảo Đại, xin từ chức, vì Pasquier thi hành chính sách bảo hộ trực tiếp mà không phải bảo hộ kiểm soát như Hiệp ước 1884 qui định. Đây cũng là chủ trương của Bồi, đã lâu. Bảo Đại bị gọi từ Đà Lạt ra Huế để giải quyết. Bảo Đại không phản đối việc từ chức, nhưng bảo Diệm nếu đưa ra lý do chính trị là hình tội. Diệm bèn làm lại đơn khác, xin từ chức vì lòng mộ đạo. Ít lâu sau, một tờ báo ở Sài Gòn mở chiến dịch đả kích Pasquier và Thibeaudeau.

Theo Luật sư Lê Văn Kim, tài liệu đăng báo từ Huế gửi vào. Diệm cũng vào Nam, tiếp xúc giới trí thức Ki-tô miền nam. Biết được tin này, Pasquier cách hết phẩm hàm của Bài, Diệm và Pierre Nguyễn Đệ. Diệm còn bị đầy về quê là Đại Phong, Lệ Thủy, Quảng Bình. Xem, báo cáo của Pasquier ngày 22/7/1933; CAOM (Aix), INF, carton 366, d. 2905. Xem thêm Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập (Houston: Văn Hóa, 1999-2002), tập III; Chính Đạo, “Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897-1963): Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền;” Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004), tr  11-70, 385-405; revised versions: Hopluu.net, vietnamvanhien.net.

 

Lại có tin Bửu Đảo bị đồng tình luyến ái [gay], nhưng điều này chưa đủ bác bỏ khả năng có người nối dõi tông đường của Bửu Đảo. Đáng ghi nhận thêm rằng xét theo cảm tình Nguyễn Phước Tuấn dành cho Vĩnh Thụy—đặc biệt là cảnh trước khi chết tha thiết gửi gấm Vĩnh Thụy cho Pasquier, "một người bạn và thân tín," cùng Tổng lý, “Phước Môn Bá” Nguyễn Hữu Bài (tên thuở nhỏ là Pierre Bồi)—người ta nghĩ rằng ít nữa Nguyễn Phước Tuấn tin và muốn người khác tin Vĩnh Thụy là con trai ruột. Cách nào đi nữa, ngày 22/2/1922, khi ra Huế, Toàn quyền Maurice Long chấp thuận đề nghị cho Vĩnh Thụy lên làm Đông Cung Thái tử; chính thức từ ngày 28/4. (14)

14. CAOM (Aix), Amiraux 64231; Haut Commissariat de France pour l’Indochine [HCFI], Conseiller politique [CP], c. 255;

 

Ngoài ra, luật pháp Việt Nam cũng như Âu Mỹ không đặt nặng vấn đề con ruột và con nuôi—miễn hồ nguyện vọng hay kỳ vọng của mẹ cha nuôi được tôn trọng và nỗ lực thực hiện. Ba con nuôi của Nguyễn Phước Thời—Ưng Chơn, Ưng Hỗ, rồi Ưng Kỹ—đều lần lượt làm vua. Năm 1889, cháu nội nuôi Nguyễn Phước Thời là Bửu Lân, rồi con trai nối nhau lên ngôi. Tiếp đến cháu nội nuôi khác của Nguyễn Phước Thời, Bửu Đảo và con là Vĩnh Thụy.

Cổ sử ghi Dương Diên [Đình] Nghệ (?932-937) có tới 3,000 con nuôi, giúp Ngô Quyền từ châu Ái dấy binh diệt Kiều Công Tiễn (937-938), báo thù cho cha vợ, và tiếp tục duy trì phong trào tự trị của tộc Việt—với DNA M-119, khác với DNA M-117 của Hán tộc. Tinh thần bảo vệ tự chủ này là đặc tính nhiều nhân chứng lịch sử ghi nhận suốt hai ngàn năm qua. Năm 231, chẳng hạn, Thái thú Đông Quan (Hợp Phố) Tiết Tông  viết cho Ngô Tôn Quyền: “Song [Giao Chỉ] đất rộng người nhiều, núi rừng hiểm trở, dễ bề làm loạn. [nhiêu thổ quảng nhân chúng, trở hiểm độc hại, dị dĩ vi loạn. Thả tại cửu điện chi ngoại, trưởng lại chi tuyển loại bất tinh hạch]. (15)

15. CMTB, III:8 (Sài Gòn 1970), 3:22-23; (Hà Nội: 1998), 1:141; ĐVSKTB, IV:6, The (1997), tr 87; ĐVSK, NKTT, IV:3, Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (1944), tr. 172; Giu (1967), 1:103-4; Thọ (2009), 1:198;.Lê Tắc, An Nam Chí Lược [ANCL], q. VII, bản dịch Trần Kính Hòa (Huế: 1961), tr 147-48 [Lữ Đại]; [nhiên thổ quảng nhân chúng, hiểm trở sơn lâm, dị dĩ vi loạn, nan sử tùng trị, huyện quan cơ mi, thị linh oai phục; . . . .]

 

Từ Lưu Nghiễm tới Chu Chiêm Cơ, giới lãnh đạo Hán tộc cũng hơn một lần tuyên bố dân Việt “ưa làm loạn,” chỉ có thể áp dụng chính sách “ràng buộc” [ky mi]. (16)

16. ANCL, IV, Tiền triều chinh thảo, 1961:97; q XI: Ngũ Đại thời tiếm thiết, 1961:190-192 [Việt ngữ], 115 [Hán], cột 4-13 [Khúc Hạo-Thừa Mỹ], cột 19-22 [Dương Đình Nghệ]; cột 23-26 [Kiều Công Tiễn]; , cột 27-116 [Hán], cột 1-5 [Ngô Quyền]; ba con, Ngập, Tuấn, Văn]; ĐVSK, NKTT, V:19, Thọ (2009), 1:242-44; Giu (1967), 1:145-46, 327n52 [dẫn Ngũ Đại sử, Nam Hán thế gia (q. 65); CMTB, V:16-18a, (Hà Nội: 1998), I:220-22; Ming shi-lu [Minh thực lục], Xuanzong, juan 16:1b-2b;  Vũ Ngự Chiêu và Hoàng Đỗ Vũ, Nhục Hận Biển Đông Nam Á: Kiện hay Không Kiện, 3 tập (Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2015-2016), tập II & III. [Ngày 9/5/1426: Chu Chiêm Cơ nói chuyện với bốn cận thần Kiến Nghĩa [Jian Yi], Hà Nguyên Ký [Xia Yuan-ji], Dương Sĩ Kỳ [Yang Shi-qi] và Dương Vinh [Yang Rong]. Từ Minh Cao Tổ chỉ muốn sống hòa bình. Tuyên bố: “Nếu chiếm được đất cùa chúng, nó không sản xuất đủ đế tụ nuôi. Nếu chiếm được dân, ta khó thế nuôi chúng.” (If their land is obtained, it could not supply sufficient to maintain it. If their people are obtained, we cannot supply them). Thái Tông cũng chỉ muốn trừng phạt Quí Ly, rồi lập con cháu nhà Trần. Nhưng không tìm được ai. Cần giải quyết; không thể dùng võ lực. Dương Sĩ Kỳ và Dương Vinh đồng ý].
3. Ngày 8/6/1426 [1/5 Bính Ngọ] Chu Chiêm Cơ ra lệnh ân xá cho Lê Lợi, Phan Liêu và Lò Văn Luật. (Xuanzong, juan 17 :1b-2b; MLS, vol 17, pp 448/50; ĐVSK, BKTT, X:18b, Lâu (2009), 2:321.
Ngày 29/6/1426 đang làm việc chuộc tội, Trần Trí báo cáo Lê Lợi đã chiếm huyện Trà Long. Hiện có 3.000 quân, nhưng vẫn thiếu. Đề nghị bỏ đồn điền, cho mang 5,000 trong số 8,000 thổ binh ở các đồn điền, đi tác chiến. Chiêm Cơ đồng ý. (Xuanzong, juan 17:11b-12a;

 

B. HỌC VẤN:

Mùa Xuân 1922, khi mới 9 tuổi, Vĩnh Thụy được Nguyễn Phước Tuấn mang qua Pháp du học. Cựu Khâm sứ Charles, mới về Pháp nghỉ hưu, chịu trách nhiệm huấn luyện Vĩnh Thụy. Là công chức ngạch thuộc địa từng ở Đông Dương hơn 20 năm, Charles thuộc loại có kiến thức nhất về Trung Kỳ cũng như giới vua quan Việt. Chính Charles đã chọn Nguyễn Phước Tuấn lên thay Nguyễn Phước Hoãng năm 1916. Cao ngạo, hống hách như hầu hết giới viên chức bảo hộ Pháp đương thời, nhưng thông minh, quyền biến, Charles đã có công khám phá hoặc đào tạo được hai vua nhà Nguyễn cuối cùng khá lý tưởng trong vai trò "ở ngôi mà không cai trị." Vĩnh Thụy cũng có một phụ đạo người Việt, Lê Nhữ Lâm, nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Ngày 29/4/1924, nhân dịp "tứ tuần" của Nguyễn Phước Tuấn, Vĩnh Thụy được về thăm nhà, và tháng 2/1925, trở lại Paris.

 

C. VUA "BÉ CON":

Mặc dù Nguyễn Phước Tuấn chết vào mờ sáng 6/11/1925, và hai ngày sau, 8/11, XLTV Toàn quyền Monguillot tuyên bố Thái tử Vĩnh Thụy được chọn làm tự quân [sẽ nối ngôi vua], mãi tới ngày 3/1/1926, Vĩnh Thụy mới về tới Huế. Năm ngày sau, 8/1, Vĩnh Thụy làm lễ đăng quang, lấy niên hiệu là Bảo Đại. Trong thư gửi Thủ tướng Gaston Doumergue ngày 8/1/1926, Vĩnh Thụy ký tên "thánh" là Nguyễn Phước Điện, có bộ “nhật” rút ra từ sách vàng của Nguyễn Phước Đảm (14/2/1820-20/1/1841).(17)

17. CĐ số 7-D, ngày 9/1/1926, RSA gửi Gougal; CĐ số 39, ngày 7/1/1926, Gougal gửi Colonies; và Thư ngày 18/1/1926, Varenne gửi BT/TĐ (Léon Perrier); CAOM (Aix), FOM, carton 919, d. 2797.

                                                         

Sau lễ đăng quang, Vĩnh Thụy trở lại Pháp tiếp tục việc học. Theo một ký giả Mỹ, Vĩnh Thụy ghi danh học trường Concordet, nhưng các giáo viên phải tới tận tư gia Charles giảng bài cho ấu vương.(18) Trong sáu [6] năm kế tiếp, Vĩnh Thụy sống thanh bình, yên ổn tại Paris, chẳng phải bận tâm đến những âm mưu, thủ thuật chính trị phía sau Cấm thành, hay bị hủ hoá vì bầy cung nữ và thái giám giống như những người tiền nhiệm. Dấu ấn sự giáo dục nghiêm khắc của vợ chồng Charles cũng đậm nét trong tâm trí vua. Như thành tích sau này minh chứng, Vĩnh Thụy chẳng quan tâm đến điều gì ngoài việc bảo vệ ngai vua, mạng sống và quyền lợi bản thân. Tôn chỉ của Vĩnh Thụy là thần phục người có uy quyền, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi bản thân, bất kể Pháp, Nhật, Việt Nam hay một chủng tộc nào khác. Việc chọn Ngô Đình Luyện làm đại diện vua bên cạnh phái đoàn Mỹ dự hòa đàm Geneva, hay cử Diệm thay Bửu Lộc (1/1954-6/1954) làm Thủ tướng trên cơ bản chỉ nhắm vào viện trợ Mỹ, chẳng phải vì tài năng hay đức hạnh của “nhà tiên tri không có lời rao giảng,” hay một tín đồ Ki-tô cuồng tín, với chứng bệnh tưởng là mình được Ơn Trên lựa chọn làm người cứu nguy cho giáo dân Việt. (19)

18. Wilbur Burton, "H. M. Bao Dai puppet à la mode parisienne;" Asia (12/1935); CAOM (Aix), Amiraux 42489.
19. Chính Đạo, “Jean-Baptiste Ngô Đình Diệm (27/7/1897-2/11/1963): Thời Kỳ Chưa Cầm Quyền (1897-1954);” Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston, TX: Văn Hóa, 2004), tr 70 [11-71].

 

Kiến thức quốc ngữ mới của Vĩnh Thụy cũng kém cỏi. Theo Phạm Khắc Hoè, Ngự tiền Tổng lý đầu thập niên 1940, Vĩnh Thụy nói và viết tiếng Pháp rành rẽ hơn tiếng Việt—một điều dễ hiểu sau gần 10 năm du học suốt tuổi thiếu niên. (20)

20. Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế tới chiến khu Việt Bắc (Hà Nội: 1981), tr. 22-23. Lời chứng này chưa hẳn đáng tin cậy.

 

Từ năm 1929, Hoàng tộc và nội các do Nguyễn Hữu Bồi cầm đầu đã bắt đầu bàn về việc hồi hương của Nguyễn Phước Điện. Lập luận của họ là Phủ Phụ chính [PPC] phải giải thể khi vua đã trưởng thành (18 tuổi ta [sui]) vào năm 1930. Tuy nhiên Khâm sứ Aristide E Le Fol (5/1-23/5/1929; 28/2/1930-27/5/1931) không đồng ý, muốn vua tiếp tục học cho tới năm 20 tuổi. Charles cũng như Nguyễn Phước Điện đều tán thành. “Tể tướng” Bồi chưa chịu khuất phục. Trong năm 1930, Bồi hai lần nêu lên vấn đề hồi hương của Nguyễn Phước Điện: khi Le Fol áp lực phải cử một Kinh lược đại thần ra Vinh, bên cạnh đại diện Khâm sứ, và rồi đến việc biểu quyết Sắc dụ trưng thu tài sản [un projet d’arrêté concernant les expropriations pour cause d’utilité publique], trong chiến dịch bình định bắc Trung Kỳ. Đầu tháng 11/1930, Bồi còn vận động Viện Cơ Mật gửi thư cho Toàn Quyền Pasquier, yêu cầu Nguyễn Phước Điện hồi hương ngay. Ngày 9/11/1930, trên đường về nước, Pasquier phải ghé qua Huế, chủ tọa một phiên họp Viện Cơ Mật, bắt sửa lại hình thức cũng như nội dung thư, và nói thẳng rằng việc hồi hương của vua chưa thích hợp [inopportun]. (21)

21. Biên bản phiên họp Cơ Mật ngày Chủ Nhật 9/11/1930 về việc hồi hương của Bảo Đại (1930); TTLTQG 2 (TP/HCM), RSA, HS 4141. [Hiện diện: Pasquier, Gougal; Le Fol, RSA; Thibaudeau: Giám đốc các văn phòng RSA; Torel: Chánh văn phòng RSA; NHBồi: Võ Hiển, Bộ Lại, Tổng lý Cơ Mật Viện; Võ Liêm (Lễ); Phạm Liệu (Binh); Thái Văn Toản (Hộ); Vương Tứ Đại (Công); Delage, đại biểu Pháp [délégué] ở Bộ Lại; Hồng Quang Dịch: TTK. Tôn Thất Đàn (Hình, Kinh lược bắc An Nam) vắng mặt)].

Theo báo cáo của Le Fol, thời kỳ Pierre Jabouille còn làm xử lý Khâm sứ (24/5/1928—5/1/1929, 23/5/1929-28/2/1930), Cơ Mật đã nêu lên vấn đề này. Cơ Mật than phiền rằng Le Fol (5/1-23/5//1929, 28/2/1930-11/6/1931) không trả lời nguyện vọng của họ. Dù Le Fol không trả lời bằng văn bản, nhưng đã có những lời tuyên bố chính thức và chính xác với sự đồng ý của  Toàn quyền [Gougal].

Ngay ngày tới Huế, 5/1/1929, Le Fol đã gặp các thành viên của Cơ Mật. Le Fol cũng từng nói chuyện với Nguyễn Phước Điện trước khi rời Paris. Nguyễn Phước Điện gửi lời cám ơn Cơ Mật đã gìn giữ vương quốc trong thời gian vắng mặt, nhưng sẽ chỉ trở về An Nam khi hoàn tất việc giáo dục.

Vấn đề vua hồi hương chỉ hâm nóng trở lại khi cần dẹp yên những cuộc nổi dạy ở Bắc An Nam.

Nhân dịp Le Fol yêu cầu [bổ nhiệm một đại diện Cơ Mật ở Nghệ An], vấn đề vua hồi hương lại được nêu lên. Pierre Bồi cho rằng những quyết định quan trọng phải do vua quyết định. Le Fol trả lời rằng những điều khoản của Qui ước 6/11/1925 cho phép Khâm sứ toàn quyền hành động khi cần thiết, sau khi đã tham khảo triều đình mà Khâm sứ là chủ tọa, và Le Fol cũng quyết tâm thực thi những quyền hạn trong Qui ước 1925.

Pierre Bồi bèn nêu lên vấn đề hiện nay vua đã trưởng thành, nên qui ước 1925 đã hết hiệu lực. Đây là lần đầu tiên vấn đề này được nêu lên. Nhưng trong qui ước 1925, chẳng có điều khoản nào nói rằng nó chỉ có hiệu lực khi vua còn nhỏ tuổi, chỉ nói Khâm sứ sẽ cai trị khi vua vắng mặt. Bởi thế Khâm sứ quyết định sẽ tiếp tục cho tới khi vua hồi hương.

Pierre Bồi bèn đưa ra ý kiến là gửi tối hậu thư cho Nguyễn Phước Điện, yêu cầu vua về nước ngay. Quyết định của vua “không quan trọng,” Nguyễn Phước Điện, giống như các lý trưởng, sẽ phải ngả theo các hào tộc. Le Fol còn được biết trong khi thảo luận với các giới, Bồi từng tuyên bố nếu vua không nghe theo lời yêu cầu của các Thượng thư, vua phải thoái vị. Điều này sai trái về cả hình thức lẫn nội dung. Từ nay, vấn đề này sẽ do Toàn quyền và vua quyết định. Toàn quyền sắp đi Pháp, sẽ có dịp bàn định với vua. Là đại diện của chính phủ Pháp, Le Fol sẽ tiếp tục đường lối hiện hành, cho tới khi có lệnh mới.

Bồi bào chữa rằng không ám chỉ Nguyễn Phước Điện, chỉ nói chung chung là trên nguyên tắc, vua phải nghe theo triều đình, hoặc phải thoái vị [si dans un Royaume, le roi ne se soumet pas aux règlements de la Constitution du pays, il doit abdiquer].

Le Fol bèn đưa ra vấn đề số tuổi 18 như dấu hiệu của trưởng thành. Tại Annam không có diều luật nào như thế.

Bồi đáp rằng số tuổi 18 không những chỉ phải ghi danh nộp thuế mà còn là tuổi phải đăng ký hộ tịch. Theo nguyên tắc của cả nước, dưới 18 là vị thành niên, trên 18 là trưởng thành. Nếu vua còn nhỏ, sẽ có một phủ phụ chính giúp việc; trên 18 tuổi, vua phải đích thân cầm quyền. Bồi cho rằng có bổn phận với Nguyễn Phước Tuấn cũng như Nguyễn Phước Điện để nói lên ý kiến của mình: vua đã trưởng thành, phải cho vua nắm quyền. Nếu không sớm cử hành lễ đăng quang, dư luận sẽ cho rằng các Thượng thư tiếm quyền vua. Nếu Nguyễn Phước Điện không chịu lên nắm quyền, dư luận sẽ cho rằng vua có vẻ quên lãng nhiệm vụ và lễ nghi [culte].

Vương Tứ Đại, thượng thư bộ Công, xác định rằng theo Bồi, nếu không hoàn trả quyền lực cho vua, người ta không những chỉ chê trách là muốn thay vua, mà còn lên án là soán ngôi [usurpateurs].

Từ ngày làm Khâm sứ vào đầu năm 1929, Le Fol nghiên cứu kỹ tình hình, nhận thấy chính sách “đồng hóa”  không xuôi chảy và quá nguy hiểm (Je dois dire qu’en Indochine, la politique d’assimilation a été reconnue, par la plupart des indigènes ausi que par nous-mêmes, inopérante et dangereuse). Riêng tại An Nam, “không thực hiện được” (irréalisable). Khó thể cai trị 5-6 triệu dân bản xứ bằng khoảng 50 chục viên chức Pháp và phụ tá, cùng con số tương tự viên chức bản xứ. Vấn đề đặt ra là người Pháp có nên thực thi một cách trung thành và rộng rãi chính sách hợp tác [collaboration] hay không. Vào tháng 3/1929, Le Fol đã viết thư cho Viện Cơ Mật khẳng định Qui ước 6/11/1925 chỉ có tính cách tạm thời và tất cả những điều khoản trong đó sẽ hết hiệu lực khi vua hồi hương.

Trong thời gian ở Pháp, Le Fol nhiều dịp tiếp xúc với Nguyễn Phước Điện cũng như Charles, Le Fol nghĩ rằng Nguyễn Phước Điện được thu nhận một nền giáo dục tuyệt vời, và sự thông minh, tư cách, cùng sự trung thành hiển lộ với nước Pháp có thể bảo đảm rằng Nguyễn Phước Điện sẽ thành công trong việc cai trị.

Đã hẳn, để vượt qua những khó khăn hiện tại, Nguyễn Phước Điện cần thu thập thêm kinh nghiệm và quyền uy chỉ có được sau tuổi 20.

Trước ngày Le Fol rời Paris, Nguyễn Phước Điện—trước những âm mưu tại Huế như đòi vua về nước ngay của Nguyễn Hữu Bồi—đã nêu ra một số điều kiện cần trước khi nắm quyền, đặc biệt là Nguyễn Phước Điện chỉ muốn hồi hương ở tuổi 20.

Khi tới Huế năm 1929, Le Fol dễ dàng thuyết phục được các Hoàng thái hậu về quyết định sáng suốt của Nguyễn Phước Điện. Le Fol cũng thuyết phục được Viện Cơ Mật về việc này, nhân dịp Pasquier vào dự lễ Nam Giao. Chỉ riêng Nguyễn Hữu Bồi muốn Nguyễn Phước Điện hồi hương càng sớm càng tốt. Có lẽ vì Bồi nghĩ rằng sự khống chế của Bồi sẽ mạnh hơn khi vua còn trẻ. Dầu vậy, Bồi chỉ im lặng, chờ đợi một cơ hội thuận tiện hơn.

Trong những cuộc kinh lý, Le Fol nhận thấy các quan chức và những người có học quan tâm đến chính trị đều rất thích thú theo dõi những tiến bộ của Nguyễn Phước Điện tại Pháp. Mới đây, các đại biểu trong Viện Dân biểu cũng bày tỏ sự cám ơn về việc huấn luyện Nguyễn Phước Điện và trông đợi một triều đại mới.

Vấn đề xảy ra khi Bồi chống lại việc cử một đại diện Viện Cơ Mật bên cạnh viên Thanh tra Hành chính và Chính trị của Le Fol tại Vinh để đáp ứng tình thế. Bồi nại cớ rằng chỉ có vua mới có quyền cử một kinh lược như thế. Tuy nhiên, cuối cùng Tôn Thất Đàn, Thượng thư bộ Hình, chịu ra Vinh làm kinh lược bắc Trung kỳ.

Vẫn theo Bồi, các điều khoản của qui ước 6/11/1925 không còn thi hành được nữa vì chúng chỉ để bảo vệ vua trong thời niên thiếu; nay vua đã 18 tuổi, số tuổi thành nhân. Khi đa số thành viên Viện Cơ Mật không ủng hộ, Bồi thôi chống đối, nhưng lại nhấn mạnh việc hồi hương của Nguyễn Phước Điện. Bồi vận động với các thái hậu và những người quyền lực về vấn đề này. Có lần Bồi công khai tuyên bố Nguyễn Phước Điện phải hồi hương, ở Huế, hoặc phải thoái vị. Phụ chính thân thần Tôn Thất Hân to tiếng tranh luận với Bồi. Le Fol chỉ biết việc này ít giờ sau.

Bồi cũng vận động các Thái hậu xin cho vua hồi hương càng sớm, càng tốt. Bồi còn thuyết phục các quan rằng nếu không yêu cầu cho vua hồi hương, dư luận sẽ lên án Cơ Mật là soán quyền [usurpation de pouvoir].

Vương Tứ Đại ghi rằng việc này do chính vua quyết định. Thái Văn Toản yêu cầu nên ghi vấn đề này vào lịch trình bàn luận của Viện Cơ Mật.

Trong phiên họp Cơ Mật ngày 24/10/1930, khi bàn về dự thảo luật trưng dụng tài sản, Bồi lại cho rằng chỉ có vua mới có quyền hạn. [tr. 8]

Tôn Thất Đàn, khi được Le Fol hỏi ý kiến, cho biết Viện Cơ Mật phải lo ổn định tình hình an ninh trước ngày vua hồi hương.

Tuy nhiên, Le Fol vẫn tin Nguyễn Phước Điện cần ở lại Pháp thêm 2 năm. Về những mưu mô của Bồi, Le Fol tin rằng Bồi chỉ muốn tự biến thành một thứ cố vấn cần thiết và quyền uy [un conseiller indispensable et autoraire] bên cạnh Nguyễn Phước Điện, trước khi vua có thể dần dần bộc lộ một ý chí cá nhân. (22)

22. Báo cáo của Le Fol soạn ngày 19/11/1930, về việc Procès-verbal buổi họp Cơ Mật ngày 9/11/1930 [với Pasquier chủ tọa]: HS 4141: Thư từ mật giữa Gougal và RSA về việc hồi hương của Bảo Đại (1930) [12 trang]

 

II. BẢY NĂM "ĐẠI CẢI CÁCH," 1932-1939:

Từ đầu thập niên 1930—trên bối cảnh việc quân Nhật xâm chiếm Mãn Châu, lập nên Mãn Châu quốc từ ngày 1/3/1933, dưới quyền Henry Fu-Yi, cựu Hoàng đế Mãn Thanh đã thoái vị năm 1912, và trở thành mối hiểm họa da vàng ("hoàng họa") cho các cường quốc thực dân Âu Mỹ, cùng cuộc nội chiến Quốc-Cộng tại Trung Hoa từ tháng 4/1927, và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 1929-1933—các viên chức thuộc địa Pháp tự hiểu không thể tiếp tục đô hộ Đại Nam theo lối cũ. Khí thế đang lên của các phong trào quốc gia mới vào cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930—biểu lộ qua cuộc nổi dạy của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) nhân dịp Tết Canh Ngọ (9-10/2/1930) và Đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) từ Lễ Lao Động (1/5/1930) tới mùa Hè 1931, và sự đổi hướng của giới "tân học" mà đa số là tín đồ Ki-tô tại các tỉnh lị và thị xã—dù chịu ảnh hưởng của các Giáo hoàng Benedict XV (1914-1922) và Pius XI (1922-1939) hay chăng, dấu hiệu của “kẻ được khai hoá muốn nhai nuốt người khai hóa” càng tạo thêm sức đẩy cho nhu cầu cải cách. Toàn quyền Pasquier, trong chính sách quen thuộc mà sau này được biết như "cây gậy và củ cà rốt" áp dụng hai biện pháp song hành: Một mặt, thẳng tay đàn áp, sử dụng đủ loại khí giới tối tân như phi cơ và bom đạn để thị uy. Mặt khác tìm cách ve vuốt giai tầng trung gian, phục hồi thế giá truyền thống đạo đức, bao gồm kế hoạch đánh bóng lại uy tín triều Huế hầu có thể điều kiện hóa và hướng dẫn các phong trào quốc gia. Được Bộ trưởng Thuộc địa Albert Sarraut đồng ý, năm 1932, Pasquier cho Nguyễn Phước Điện hồi hương.

Đây là một nỗ lực tuyệt vọng. Trước hết, chế độ quân chủ đã bị công kích mạnh mẽ trong mọi giới. Hơn nữa, còn rất ít giới thị dân và trí thức trọng vọng ngôi vua hư vị. Nhóm Lập Hiến ở Nam Kỳ, thường được coi như đại diện khuynh hướng quốc gia ôn hoà, theo mô thức mẫu quốc Đại Pháp, từng dùng tiếng "mannequin doré" [hình nhân giát vàng] để gọi Vĩnh Thụy. (23)

23. La Tribune Indochinoise (Sài Gòn), 23/9/1930.
 

Nhưng cả Pasquier lẫn Sarraut đều tin rằng đại đa số thầm lặng còn trung thành với vua Nguyễn. Nếu có thể đánh bóng lại cái "thiên mệnh" [tianmeng], và hiện đại hoá triều chế Nguyễn Phước Điển bằng nhân sự trẻ trung, thấm nhuần Tây học, cuộc "đại cải cách" ấy đủ ngăn chặn đám đông ngả theo Quốc Tế Cộng Sản, hoặc các phong trào quốc gia khác như Đại Đông Á của quân phiệt Nhật, hay Tam Dân Chủ Nghĩa [Sanmin Zhou [Yu] I] của Tôn Dật Tiên.

Để chuẩn bị cho cuộc đại cải cách, Pasquier đưa ra chính sách sau:

1. Hủy bỏ Qui ước 6/11/1925, tức trao trả lại Nguyễn Phước Điển một số quyền hạn mà Nguyễn Phước Tuấn được hưởng.

Qui ước ngày 6/11/1925, Pasquier giải thích, nhằm qui định những quyền hạn của Phụ chính Đại thần, Viện Cơ Mật và Khâm Sứ trong thời gian Nguyễn Phước Điển du học ở Pháp. Nó chỉ có tính cách tạm thời, để ngăn chặn những tham vọng và mưu toan bất chính suốt thời vị thành niên của vua. Pasquier còn dự liệu cho phép trở lại tinh thần của hiệp ước 6/6/1884, nếu cần, bất kể sự chống đối tại chỗ của một số Pháp kiều.

 

2. Pháp sẽ theo đuổi một chính sách hợp tác tinh thành, mở rộng hàng ngũ quan lại cho trí thức Việt tham gia; tức Âu hoá và trẻ trung hoá triều đình Huế.

 

3. Nguyễn Phước Điển sẽ được phép tuyên bố những cải cách sau:

a. Tu chính toàn bộ luật Đại Nam.

Bộ luật mới sẽ dựa theo tinh thần của bộ luật Gia Long [1815]; nhưng chú trọng đến những nguyên tắc nhân bản của luật pháp [Âu Châu] hiện đại.

 

b. Tái tổ chức hệ thống Tư pháp.

Quyền tư pháp hiện nằm trong tay quan lại hành chính sẽ chuyển dần sang các pháp quan (án sát).

 

c. Một qui chế lao động.

Chính phủ Liên bang sẽ nghiên cứu qui chế này, cùng Khâm sứ An Nam và sự cộng tác của Viện Cơ Mật.

 

d. Vấn đề quan lại:

Cần thanh lọc guồng máy hành chính, tiến dần đến chỗ chính phủ Bảo Hộ chỉ còn giới hạn ở việc kiểm soát và giám sát mà thôi. Muốn thế, cần tái lập trường Hậu Bổ, kế đó trường Cao Đẳng, để chuẩn bị những quan lại trẻ. Ở đây, họ được tái tôi luyện bằng những cội nguồn truyền thống, và tinh thần rộng mở đón nhận những phương pháp Tây phương. Những học viện này sẽ đào tạo những người chuyên môn bằng cách tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật, trí dục và nhất là đạo đức. Ngoài ra, cần gia tăng lương bổng thích đáng cho quan lại. Để thực hiện điều này, ngân sách liên bang sẽ tài trợ cho ngân sách chính phủ An Nam.

 

e. Giải đáp những nguyện vọng của dân:

Nguyễn Phước Điển phải cố gắng giải đáp khát vọng của quần chúng như nạn đói và tệ nạn độc quyền mua, bán rượu cùng thuốc phiện. Vì dân số tăng mau, cần gia tăng diện tích trồng trọt, qua các công trình dẫn thủy nhập điền. Phải giải quyết vấn đề rượu và muối, nhất là những sự tố giác nấu rượu lậu vô cớ khiến người dân căm phẫn.

 

f. Giáo dục:

Trả lại cho nền giáo dục tính chất đạo đức và truyền thống cố hữu. Làng xã sẽ chịu trách nhiệm vấn đề ấu học, như bảo trì trường ốc và trả lương giáo chức, dưới sự chỉ huy của triều đình An Nam và sự kiểm soát của chính phủ bảo hộ. Phải chấm dứt tình trạng một quốc gia trong một quốc gia.

 

g. Tu chính Hiến Chương:

Từ từ, vua sẽ phải làm dịu bớt tính chuyên chế của vương quyền bằng những cải tổ căn bản. Viện Dân biểu sẽ có những quyền hạn thuần túy tư vấn. Có thể thành lập thêm một Thượng Hội Đồng theo đề nghị của hai Khâm sứ Aristide Le Fol và Yves de Châtel. Thượng Hội Đồng sẽ ngăn bớt sự quá lố của Viện Dân biểu và giảm gánh nặng cho vua. Thượng Hội Đồng sẽ qui tụ các nhân sĩ Đại Nam đã chối từ xin xỏ một nhiệm kỳ ở Viện Dân biểu.

 

h. Quan hệ giữa triều đình An Nam và Bắc Kỳ:

Sẽ thắt chặt hơn quan hệ giữa Huế và Bắc Kỳ. Vua sẽ phê chuẩn sắc lệnh bổ nhiệm quan lại Bắc Kỳ. Pasquier còn hứa sẽ cứu xét trên nguyên tắc việc Bắc Kỳ đóng góp tài chính cho An Nam; sự đóng góp này hiện đang dưới dạng thức ngân khoản chi phí cho sắc lệnh bổ nhiệm quan chức.

 

i. Cận thần của vua:

Cần có vẻ "hiện đại," gồm một nhóm người Việt và một nhóm người Pháp. Đám cận thần Pháp sẽ gồm một sĩ quan và một công chức trẻ, thụ đắc một nền giáo dục hoàn hảo và đức tính bảo mật cao độ. Phần đám cận thần An-nam-mít, các Thượng thư, ít nữa là đa số các Thượng thư, dường như không đồng ý, và có lý do. (24)

24. “Ghi Chú Về Việc Hoàng Đế Bảo Đại Trở Lại An Nam,” ngày 12/7/1932; CAOM (Aix), INF, carton 366, d. 2905. Xem thêm Ibid., dossier 2904.

 

A. VUA QUAN TÂN THỜI:

Từ tháng 7/1932, Pasquier đã cho guồng máy thông tin quảng cáo mạnh việc Nguyễn Phước Điển hồi hương. Rồi, ngày 12/8/1932, khi đã 19 tuổi [20 tuổi ta] và sau hơn 9 năm ở Pháp, Nguyễn Phước Điển xuống tàu d'Artagnan, của hãng Messageries Maritimes, tại Marseille để hồi hương. Mặc dù có tin Đảng Cộng Sản Pháp định biểu tình phản đối, nhưng chuyến đi của Nguyễn Phước Điển được an toàn. Chỉ có một truyền đơn công kích bản thân vua ("đứa con đốc giống [hoang] của Khải Định"), chế độ quân chủ và thực dân Pháp rải ở Marseille ít ngày trước khi Nguyễn Phước Điển xuống tàu. (25)

25. "Cùng anh em lao động và học sanh Đông Dương tại Pháp;" Ibid., SLOTFOM, Séries III, Carton 135.

 

Ngày 7/9, Nguyễn Phước Điển về tới Sài Gòn, và hôm sau tới Đà Nẵng, rồi Huế. Ngày 9/9, Pasquier từ Hà Nội vào thăm vua. Nguyễn Phước Điển hướng dẫn các Thượng thư qua yết kiến Pasquier tại Tòa Khâm; sau đó Pasquier vào Hoàng cung đáp lễ. Hôm sau nữa, 10/9, Nguyễn Phước Điển ký Dụ tuyên bố tự cầm quyền, ra mắt quốc dân bằng món quà bỏ lễ lạy, và tiếp kiến các phái đoàn nhân sĩ. Ngày 24/9/1932, vua ra thêm một Dụ hứa sẽ thực hiện nhiều cải cách.

Suốt nửa năm kế tiếp, Nguyễn Phước Điển tuần du khắp nơi. Ngày 4/11, ra Thanh Hoá làm lễ tế tổ tiên, rồi đến những chuyến viếng thăm Bắc Kỳ và An-Nam—kể cả vùng cao nguyên miền Trung do các giáo sĩ Ki-tô và giáo dân khai khẩn từ giữa thế kỷ XIX. (26)

26. Tiếng Dân (Huế), 20/7, 14/9, 17/9 & 28/9/1932; Bulletin de l'Ecole Francaise d'Extrême-Orient (BEFEO) (1933), vol 23, No. 1, tr. 506; Tiểu sử Bảo Đại, trong CAOM (Aix), HCFI, CP, carton 255 [mới giải mật năm 2009].

 

Những nghi lễ rình rang này tạo nên đôi chút dư âm về một "tân quân." Nguyệt san Nam Phong dành hai số đặc biệt tháng 5 và 6/5/1933 để phổ biến tin tức và các Dụ cải tổ “cái cổ vật yên tri trong nhà bảo tàng bác cổ.” và nhấn mạnh việc cải cách tự nhà vua, “chứ không phải Bảo hộ có ý cưỡng ép vậy.” (27)

27. Nam Phong (Hà Nội), số 184, tháng 5/1933 [tr 436] và số 185, tháng 6/1933; trích in trong Các Vua Cuối, III (2000), tr 1111. Số 186, tháng 7/1933; tr 18-99;  số 187, 8/1933. Tr 149-176.

Từ năm 1925, Phạm Quỳnh đã đưa ra ý kiến “tôn quân cũng là ái quốc.” Nam Phong (Hà Nội), tháng 11/1925; trích in trong Các Vua Cuối, II (2000), tr 765.

 

Cơ quan ngôn luận của Đảng Lập Hiến—với Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phan Long làm Giám đốc chính trị—thoạt tiên cũng dành cho cuộc đảo chính cung đình 2/5/1933 sự vị nể. (28)

28. Phụ Bản La Tribune Indochinoise (Sài Gòn), trong Các Vua Cuối, tập III, tr 1110.

 

Nhưng "tuần trăng mật" của vương quyền không lâu. Đại đa số, như Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng, đều thấy rõ vai trò vượt trội của viên chức Bảo hộ trong mọi sự, mọi việc.

 

1. "Tể tướng" Hiệp sĩ Giáo hội Vatican:

Hơn một tháng sau, ngày 18/10/1932, Nguyễn Hữu Bồi đệ đơn xin từ chức. Pasquier không đồng ý, cho lệnh Bồi trình lên một kế hoạch cải cách. Bồi đề nghị phải trở lại với Hiệp ước 6/6/1884, khởi đầu tất cả những cải cách trong tương lai bằng cách bỏ hai chức Thống sứ Bắc Kỳ và Khâm sứ An Nam, tái lập chức Tổng trú sứ ở Huế. Pasquier, dĩ nhiên, không chấp thuận—dù chính Pasquier sẵn sàng trở lại tinh thần Hiệp ước 6/6/1884 khi thuận tiện. (29)

29. Báo cáo ngày 10/5/1933, Gougal gửi Colonies; Ibid., INF, Carton 366, d. 2905. Các tác giả viết hồi ký cho Nguyễn Phước Điển cũng cùng một nhận xét này; Le Dragon d'Annam (Paris: Plon, 1980), tr. 61.

 

Ngày 1/11/1932, Nguyễn Phước Điển phong Bồi lên chức Quận Công để trả ơn nhiếp chính trong thời gian vua du học. Ngày 28/12/1932, tăng lương Bồi lên 1,000 đồng, thêm 100 phụ bổng.

Tuy vậy, Bồi vẫn chưa hài lòng. Từ ngày Nguyễn Phước Điển hồi hương, Bồi—sau gần 7 năm hành xử như một nhà độc tài nho nhỏ ở An Nam—đã tìm đủ cách duy trì ảnh hưởng và quyền lực. Một trong những thủ thuật là qua đường giây các Thái hậu—kể cả mẹ ruột Nguyễn Phước Điển. Theo Pasquier, trong khoảng thời gian Vua sống ở Pháp, vì ăn xài phung phí và đam mê đổ bác, các Thái hậu đã mắc nợ mà không ai ước lượng đúng được là bao nhiêu, bởi lẽ mỗi ngày người ta lại phát hiện ra những chủ nợ mới. Nhà vua đã ưng thuận giải quyết ngay từ lúc về nước, trích từ ngân quĩ cá nhân, khoảng ba vạn đồng [30,000$] cho những món nợ kêu ca ầm ĩ nhất và phải tăng bổng lộc hàng năm của các Thái hậu từ 12,000$ lên đến 18,000$. Nhưng chưa đủ để thanh toán nợ nần. Tất cả các chủ nợ ở Trung Kỳ ... đang ráo riết đòi các Thái hậu trả những món nợ lâu ngày trở thành kếch xù, do tiền lời cắt cổ tích lũy.

Việc vua hồi hương đã khiến các Thái hậu hy vọng rằng họ sẽ dễ dàng kiếm tiền để tăng ngân quĩ cá nhân nếu họ có thể can dự tích cực vào việc thuyên chuyển và thăng thưởng các quan từ cấp cao xuống thấp.... Nguyễn Hữu Bồi, và đây là một trong những điều mà đích thân vua than phiền, chẳng làm gì để dập tắt niềm hy vọng trên hay ngăn chặn những toan tính tổ chức một cuộc kinh doanh quyền thế chung quanh bản thân nhà vua trong cung cấm. Trái lại rõ ràng lão liên kết với các Thái hậu và, đã nhiều phen, vua thấy rằng các Thái hậu can thiệp để xin bổ nhiệm những chức vụ mà Bồi, với cương vị Thượng thư Bộ Lại, đã thông đồng với các Thái hậu đệ trình lên. Phải am tường mọi mặt bí ẩn ở phía sau triều đình Huế này mới hiểu thấu tâm trạng của một ông vua được giáo dục theo lối Pháp—với sự tôn thờ tính cương trực, danh dự và sự lương thiện, và biết rằng phẩm cách quân vương phải tách biệt khỏi mọi việc làm hại đến thanh danh—đã biến đổi ra sao sau vài tháng tiếp xúc với môi sinh như thế.

[S]au khi Nguyễn Phước Điển hồi hương, [Bồi] đã cảm thấy rằng nhà vua với lối giáo dục Âu châu và tấm tình chân thật gắn bó với nước Pháp sẽ không dễ dàng để chi phối, nên lão làm đủ mọi cách làm rối trí vua và khiến cho "không khí của hoàng cung nghẹt thở"—đây là chính chữ vua dùng.

Bằng những lời khiển trách lạm dụng cái luận cứ về chữ "hiếu" của những Thái hậu đối với nhà vua trẻ, [Bồi] mưu toan bẻ gãy ý chí cương quyết của nhà vua ở tuổi 20, dẫn vua đến chỗ qui phục hầu tha hồ khai thác, bằng cách đặt bên cạnh vua một hoàng hậu trung thành và tận tụy với vây cánh của các thái hậu. Nhưng kế hoạch này thất bại vì sự hiện diện của Ông bà Charles mà nhà vua dứt khoát muốn giữ lại bên mình cho đến khi nào vua có khả năng vượt thoát cái lưới bủa vây của những ảnh hưởng ác hại nọ.

Lòng trung thành của vua, niềm tin sắt đá vào sự ngay thẳng của những kế hoạch của chúng ta đối với vua, và nhận hiểu sự rỗng tuếch của các chính sách tiêu cực kiểu Á châu mà những Thượng thư áp dụng từ buổi đầu của nền Bảo Hộ, đã vô hiệu hóa mọi nỗ lực của Bồi nhằm đẩy vua đến chỗ có một thái độ chính trị khác thường hoặc ít ra cũng kém thân thiện đối với chính phủ Pháp. Bởi vậy Pasquier đồng ý với tân Khâm sứ Yves de Châtel (11/6/1931-25/2/1933) rằng sự ra đi của Nguyễn Hữu Bồi là cần thiết, bất luận Bài sẽ phản ứng ra sao.

"Chúng ta đủ mạnh để làm chủ lão ta," Pasquier khẳng quyết. "Điều quan trọng trước hết là làm sao để vua thoát ra khỏi cái mạng lưới mưu mô [của lão] đang xiết quấn quanh vua." (30)

30. Báo cáo số 303/CTV, v/v thủ đoạn của Nguyễn Hữu Bồi, ngày 22/7/1933, Pasquier gửi BTTĐ; CAOM (Aix), INF, carton 366, d. 2905.

 

2. Ngựa Mới:

Ngày 11/11/1932, Pasquier bổ nhậm Phạm Quỳnh, một người thân tín đã nhiều năm, làm Ngự tiền Tổng lý của Nguyễn Phước Điển, với hàm Thượng thư. Pierre Nguyễn Đệ, 33 tuổi, một cựu chuyên viên của Ngân Hàng Đông Dương trước khi tốt nghiệp trường Pháp Chính,  ngồi tri huyện, được cử làm Bí thư. (31)

31. Xem tiểu sử Đệ trong Souverains 1943, tr. 17. Sau này, Đệ lại làm Đổng lý văn/võ phòng của "Quốc trưởng Bảo Đại." Tuy nhiên, đồng minh với anh em nhà Ngô bị gãy đổ vì Nhu từ hôn em gái Đệ, lấy Trần Thị Lệ Xuân. Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu [VNNB], 1939-1975, tập I-B: 1947-1954 (Houston: Văn Hoá, 1997). Một viên chức ngoại giao Mỹ đánh giá Nguyễn Đệ như “một thiên tài ác quỉ.”

 

Sự hiện diện của Phạm Quỳnh tại Huế lập tức gây nên công phẫn trong hàng ngũ các đại thần quyền thế và giới thân hào, nhân sĩ. Xuất thân thủ khoa trường Thông Ngôn Hà Nội (tức trường Bưởi) năm 1908, nhờ sự tin cậy của thượng cấp, năm 1917, khi mới 25 tuổi, Phạm Quỳnh đã chủ biên tờ báo tháng song ngữ Việt-Nho Nam Phong—với Louis Marty đứng tên Chủ nhiệmđể  thực hiện những chính sách văn hoá của Pháp. Nhờ vậy, Phạm Quỳnh nổi danh là một nhà báo có tài, một học giả uyên bác, thủ lĩnh phong trào văn hoá "về nguồn" ở miền Bắc—với những tổ chức như Khai Trí Tiến Đức Hội, v.. v...

Khi nắm tờ Nam Phong, phần chữ Việt mới, Quỳnh—dù nhận lệnh Pháp hay không—đã cổ võ lập trường Cộng Hòa, và nhiều lần đả kích nặng nề hệ thống quan lại "tân trào" do khối Ki-tô thao túng. Quỳnh cũng dính líu vào Đảng Jeune An Nam năm 1926, khiến một số trí thức miền Trung như Y sĩ Trần Đình Nam bị thuyên chuyển vào Ban Mê Thuột gần ba năm mới được trở lại Huế. Sự thay đổi lập trường từ "Cộng Hòa" sang "tôn quân" của Quỳnh tạo nên những phản ứng tiêu cực trong hàng ngũ tân học. (32)

32. Khuynh hướng tôn quân xuất hiện từ khoảng 1925 trên Nam Phong. Xem, Nam Phong, số 175 (8/1932), tr. 108.

 

Tuy nhiên, Pasquier và các viên chức Pháp chấp thuận cho Phạm Quỳnh và Đảng Lập Hiến thả những quả bong bóng quân chủ lập hiến dưới sự bảo hộ của Pháp trong suốt hai năm 1931-1932.

Sự hiện diện của Phạm Quỳnh tại kinh đô còn thách thức trực diện với những gia đình "thông ngôn" Ki-tô giáo, cựu công thần Pháp, đại diện bằng Nguyễn Hữu Bồi và giòng dõi Ngô Đình Khả, đặc biệt là anh em Khôi, con rể Bài; Diệm, con nuôi Bài; Linh mục Thục, Hiệu trưởng Đại Chủng Viện Huế. Họ coi sự thăng tiến của Phạm Quỳnh như một "cuộc đảo chính" không đổ máu, giữa lúc cuộc "thánh chiến chống Cộng" vừa mới khởi đầu. Từ năm 1930, Quỳnh cũng từng cổ võ việc trở lại với Hiệp ước Bảo hộ 6/6/1884 giống như Bồi. Năm 1931, khi Bộ trưởng Thuộc địa Paul Reynaud qua thăm Đông Dương từ ngày 6/11/1931, Phạm Quỳnh còn viết một bài trên tờ France-Indochine, xin trở lại với Hiệp ước Bảo hộ trên. (33)

33. France-Indochine, tháng 5-6/1930 & 6/11/1931; Nam Phong, số 151 (6/1930), tr. 42-4, 527-37; & số 166 (10/1931), tr 224-25; Phạm Thị Ngoạn 1993, tr. 389-92. Về chuyến đi của Reynaud, xem TTLTQG 2 (TP/HCM), RSA/HC, HS 2728.

 

Tháng 2/1933, để thực hiện cuộc đại cải cách của mình, Pasquier cử Léon Thibaudeau làm XLTV Khâm sứ từ ngày 25/2/1933 [tới 27/7/1934], thay Yves Châtel. Ba tháng sau, đích thân Pasquier vào Huế bàn định mọi việc cùng Thibaudeau và Nguyễn Phước Điển.

Kế hoạch thanh trừng của Pasquier được giữ bí mật tối đa tới phút chót. Nguyễn Hữu Bồi cùng 4 trong số 5 Thượng thư—Võ Liêm (Lễ), Tôn Thất Đàn (Hình), Phạm Liệu (Binh), Vương Tứ Đại (Công)—bị đồng loạt giải nhiệm vì không còn thích hợp với nhu cầu tiến hoá hiện đại, cần thay thế bằng một ê-kíp trẻ. Chức “Tể tướng” Bồi nắm giữ từ năm 1923 bị bỏ, vì Nguyễn Phước Điển đích thân nắm giữ triều chính. Bộ Binh bị giải tán, và những cơ quan còn lại của bộ này sát nhập vào Bộ Lại. Bộ Công và Lễ nhập thành một bộ mới với tên Bộ Công tác, kiêm Mỹ thuật và Lễ nghi. Bộ Hình cải danh thành Bộ Tư pháp, và bộ Hộ, Tài chánh và Xã hội cứu tế. Bộ Học, đã bỏ năm 1929, được tái lập với tên mới là Bộ Quốc dân Giáo dục. (34)

34. Dụ số 29 và 30 ngày 2/5/1933; Bulletin administratif d’Annam [BAA], số 10, 21/6/1933, tr. 753-55; Nam Phong, số 184 (5/1933), tr. 425-29.

 

Bồi không hay biết gì về "cuộc đảo chính" này. Đúng 5 giờ rưỡi chiều 2/5/1933, trong một buổi họp tại Điện Kiến Trung, Nguyễn Phước Điển mới cho Bồi biết tin, trước mặt Pasquier, Thibaudeau và Marty, Giám đốc Liêm Phóng. Bồi xin phép được qua Viện Cơ Mật báo cho các cộng sự viên. Pasquier đồng ý, cùng Thibaudeau và Bồi qua gặp thành viên Viện Cơ Mật; đã được mời dự một phiên họp vào 6 giờ chiều đó. Ngoài các Thượng thư còn có sự hiện diện của Phạm Quỳnh, Viện trưởng Viện Dân biểu Nguyễn Trác, và Trần Thanh Đạt, Thương tá Cơ Mật. Thibaudeau đọc hai bản Dụ cải tổ triều đình bằng chữ Pháp, và Đạt đọc hai bản Dụ chữ Nho. Toàn Viện Cơ Mật sửng sốt không nói nên lời. Thibaudeau, rồi Pasquier vắn tắt nhắc mọi người cần tuân lệnh vua, vì vua sẽ "thực trị" mà không "bị vị" như bấy lâu nay.

Riêng Bồi bày tỏ sự vui mừng được về hưu; và Đàn (Bộ Hình), khi Pasquier và Thibaudeau chuẩn bị ra về, mới đề nghị cho Tôn Thất Quảng, một người trong Tôn thất, được vào Cơ Mật Viện; nhưng Thibaudeau chỉ vắn tắt nói Hoàng tộc đã được chính vua đại diện. Phiên họp kéo dài vỏn vẹn 45 phút. Ngay tối đó, "tin truyền đi khắp kinh thành Huế như sấm vang, như chớp nhoáng, ai nấy sửng sốt lạ lùng." (35)

35. "Việc cải cách trong triều đình Huế;" Nam Phong (Hà-nội), số 184 (5/1933), tr. 423-37. Xem Phụ Bản.
 

Các tân Thượng thư—ngoại trừ Phạm Quỳnh, người có trách nhiệm soạn thảo và dịch hai đạo Dụ—cũng chẳng hề được dò ý về việc cải tổ. Chiều 2/5, công điện mới từ Huế đánh đi, gọi họ về Kinh nhận lệnh. Hôm sau, 3/5, hãng thông tấn ARIP ấn hành bản tin thay đổi triều chính. Trưa đó, Pasquier đáp xe lửa tốc hành trở lại Hà Nội. Ba ngày sau nữa, Thứ Bảy 6/5, Nguyễn Phước Điển làm lễ thưởng huy chương và hàm tước cho Bài cùng bốn thuộc hạ, với sự hiện diện của các tân Thượng thư. (36)

36. "Một cuộc thay đổi quan trường rất quan hệ: 5 ông thượng thư về hưu, 5 ông thượng thư mới lên thay;" Tiếng Dân (Huế), (6/5/1933), tr. 1-2 (dịch từ bản tin của hãng thông tín ARIP, đăng trên nhiều báo); La Tribune indochinoise [Diễn đàn Đông Dương] (Sài Gòn), 10, 15, 17, 24 và 29/5/1933.

 

Sau đó, một số tân Thượng thư trở lại nhiệm sở bàn giao công việc, và phiên họp đầu tiên của "Nội các" chỉ cử hành ngày 17/5/1933, do Thibaudeau chủ tọa. Mười ngày sau, 27/5, Pasquier lại vào Huế tham dự buổi họp Cơ Mật đầu tiên dưới sự chủ tọa của Nguyễn Phước Điển. Charles, Toàn quyền danh dự—cố vấn đặc biệt của vua từ ngày hồi hương—cũng có mặt trong buổi ra mắt tân triều này.

Thái Văn Toản, 48 tuổi, là người duy nhất của nội các Bồi được lưu giữ. Toản từng làm Ngự tiền Đổng lý của Nguyễn Phước Tuấn, và mới lên hàng Thượng thư (Bộ Hộ tức Tài chính) năm 1929. Năm 1931, Pasquier cho Toản tháp tùng chuyến kinh lý vùng bắc An Nam để "trấn an lòng dân" sau những cuộc đàn áp đẫm máu. Năm sau, nhờ tước vị "phò mã," Toản đại diện triều đình qua Pháp đón Nguyễn Phước Điển hồi hương. Trong chính phủ mới, Toản nắm bộ Công tác, kiêm Mỹ thuật và Lễ nghi.

Thượng thư trẻ nhất là Ngô Đình Diệm. Sinh ngày 21/7/1897 tại Đại Phong, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình—từ năm 1955, đổi thành ngày 3/1/1901 tại Thừa Thiên—Diệm thuộc một gia đình Ki-tô phục vụ Pháp từ buổi đầu. Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Nhu có lần thề trên thập tự giá rằng luôn luôn coi Bảo Hộ Pháp như bát cơm dòng họ Ngô. (37)

37. Chính Đạo, “Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897-1963);” trong Cuộc thánh chiến chống Cộng (Houston: Văn Hoá, 2004), tr 11-70, 385-405; Nguyên Vũ, Paris Xuân 1996 (1997), tr. 171-77. Theo Ngô Đình Luyện, Diệm khai tăng thêm 4 tuổi—từ 1901 [14 tuổi] lên 1897 [18] để đi học; Phỏng vấn ngày 2/11/1895, tại Paris; Chính Đạo, Nhân Vật Chí (1997), tr. 261-306.

 

Khả, cha Diệm, là cựu trưởng phòng thông ngôn của Rheinart des Essarts, lập công lớn trong chiến dịch đánh phá phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng tại vùng rừng núi tây bắc Quảng Bình năm 1895-1896. Vì một lý do nào đó, Diệm thường sống với gia đình cha nuôi là Nguyễn Hữu Bồi.

Anh em Diệm khá đông. Anh cả là Khôi, con vợ lớn Khả. Sau khi tốt nghiệp trường Hậu bổ, nhờ cha vợ, Khôi làm việc ở các Bộ, trước khi đi ngồi tri huyện. Năm 1930, nhờ công lao đánh phá các tổ chức kháng Pháp, Khôi đã lên tới chức Tổng đốc Quảng Nam. Xét về thâm niên chức vụ, Khôi phải được đưa lên Thượng thư—mà không phải Diệm, hay Quỳnh.

Để vuốt ve long tự ái của Khôi, Thibaudeau phong Khôi làm Kinh lược các tỉnh miền Nam Trung Kỳ (Souverains 1943:42).

Khôi, theo các viên chức Thuộc Địa Pháp, không dấu sự ganh ghét với Phạm Quỳnh. Khôi cũng cảm thấy bị mất mặt, khi Khâm sứ Maurice Grandjean lên nhiệm chức năm 1941, Khôi viết thư, nhưng Grandjean không hồi âm. Càng bi phẫn hơn nữa khi Grandjean không đưa Khôi lên làm Thượng Thư trong cuộc cải tổ triều đình vào tháng 5/1942 (Báo cáo của Arnoux, 20/8/1944; CAOM [Aix], 14 PA, c.2).

1943: Bị Grandjean ép về hưu không được hàm Thượng Thư [nhị phẩm]. 8/1945: Bị Việt Minh bắt cùng con trai là Huân, thư ký riêng của Yokoyama Masayuki, giết tại làng Hiền Sĩ, Phong Điền, Thừa Thiên.

 “Anh” thứ hai là Thục (6/10/1897-1984). Thục từng học tư thục Pellerin Huế tới năm 1909, rồi tu học ở tiểu chủng viện Cửa Tùng, và từ năm 1917, Đại chủng viện Huế. Từ năm 1921, du học Roma, thụ phong Linh Mục, đậu Tiến sĩ Thần học năm 1926. Rồi Cử nhân Văn chương tại đại học Sorbonne, Paris, năm 1929, trên nhà báo lừng danh Trần Văn Thạch của nhóm La Lutte ba năm.(38)

38. Tiểu sử Ngô Đình Thục (tiếng Pháp), Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004), tr 464-465; Petits Clous [Những chiếc đinh nhỏ], “Một Đức Ông Mới;” La Lutte, só 196, 12/5/1938; trích dịch trong Trần Minh Châu & Phạm Thị Trọng Tuyển, Trần Văn Thạch (1905-1942), (Victoria, Canada: 2013), tr 266-268.

 

Ba em trai Diệm là Nhu, Cẩn và Luyện. Ngoại trừ Cẩn học hành lỡ dở, Nhu và Luyện đều học rất xuất sắc, du học tại Pháp. Khôi được coi như quyền huynh thế phụ vì Khả chết khi Diệm mới 17 tuổi (hoặc 13, nếu muốn).

Rất ít tài liệu khả tín về học vấn của Diệm được công bố. Một bạn đồng học cho biết Diệm đã có bằng Cao đẳng tiểu học (Diplôme), tức hết ba năm trung học đệ nhất cấp.(39)

39. Hà Ngại, "Hồi ký Khúc Tiêu Đồng: Năm Mươi Năm, 1895-1945" (bản thảo), tr. 116.

 

Sau đó, theo lời giới thiệu của tạp chí nghiên cứu Bulletin de Vieux Hué [Đô thành hiếu cổ] Diệm được tập ấm chức cửu phẩm, làm việc tại Tân thư viện Huế năm 1916-1917, trước khi vào trường Hậu bổ từ niên khóa 1919-1920. (40)

40. BAVH, IV, No 3 (7-9/1917), p 209; Chính Đạo, “Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897-1963),” (2004), tr  13-14 [11-70, 385-405]. Ngô Đình Diệm, “L’Ambassade de Phan Thanh Gian (1863-1864);” BAVH, VI, Số 1bis và 2 (Avril-Juin 1919), p 161. Ở đầu bài, Diệm được giới thiệu là “học sinh trường Hậu bổ,” và bài này đã được đọc tại các buổi họp [hôi thảo] ngày 27/8 và 3/12/1918, và 4/3/1919. Ibid. Diệm chỉ dịch một phần tập tâu của Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ, dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Đình Hòe.  Phần còn lại (thiếu đoạn đi sứ Espania) do Trần Công Tạn dịch; BAVH (1921), pp 147-187. Oanh 1974:174-92; Osborne 1969:6 ;

 

Tốt nghiệp năm 1922, nhờ quyền thế của Nguyễn Hữu Bồi, lúc này đã cầm đầu Bộ Lại và Hộ, Diệm được bổ nhậm ngay. Năm 1928, Diệm đã lên tới chức Quản đạo Phan Rang và được cấp trên đặc biệt chú ý vì sự thanh liêm và tinh thần diệt Cộng rất cao. Từ ngày còn Tri huyện, Tri phủ, Diệm khiến các quan Pháp rất hài lòng trong cách đối xử “nghiệt ngã” với Cộng Sản. Nhiều hơn một tác giả đã tiết lộ Tri huyện, rồi Tri phủ Diệm từng dùng những đòn tra tấn như lấy nến đốt hậu môn tù nhân để khảo cung. Có lẽ vì thế, theo lời chứng của Ngô Đình Thục vào tháng 8/1944, Cộng Sản mướn sát thủ người Hoa ra tận Phan Rang để loại trừ Diệm, nhưng Diệm chỉ bị thương. (41)

41. Thư ngày 21/8/1944, Ngô Đình Thục gửi Decoux; CAOM (Aix), PA 14 [tư liệu Decoux], carton 2; Trích in trong Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, 1939-1975, Tập I-A: 1939-1946 (1996), tr. 200; Idem., 55 Ngày & 55 Đêm: Cuộc sụp đổ của VNCH, in lần thứ 5, có bổ sung (Houston: Văn Hoá, 1999), tr. 14.

 

Tháng 5/1933, Pasquier “đặc cách” Diệm, từ chức Tuần vũ [III:2] Phan Rang, lên Thượng thư [II:2]. Theo Pasquier, là tín đồ Ki-tô rất ngoan đạo, Diệm nổi danh nhờ sự lương thiện, nếp sống khổ hạnh, tính tình nghiệt ngã và tinh thần trọng công lý. Pasquier hy vọng rằng sự thanh liêm của Diệm sẽ là tấm gương sửa mình cho các quan dưới quyền. Hơn nữa, cần dành một ghế trong triều đình mới cho người Ki-tô vì suốt phần tư thế kỷ trước đó, tín đồ Ki-tô ở An-Nam—một tập thể quan trọng về cả số lượng, khoảng 400,000 người, và ảnh hưởng chính trị—đã có thói quen nhìn thấy tín hữu Ki-tô Nguyễn Hữu Bồi chiếm địa vị vượt trội trong triều. (42) Diệm được giao nắm Bộ Lại, và sau đó kiêm thêm chức Tổng thư ký Ủy ban cải cách.

42. Báo cáo số 303/CTV, ngày 22/7/1933, Pasquier gửi BT TĐ; CAOM (Aix), INF, carton 366, d. 2905. Năm 1922, Bồi từng được yết kiến Giáo hoàng, thụ phong tước Hiệp sĩ, và nuôi tham vọng thay Hội truyền giáo Pháp bằng một Giáo hội bản xứ. Năm 1933, Nguyễn Bá Tòng trở thành Giám Mục [Bishop] bản xứ đầu tiên.

Bộ Tư pháp, cơ quan sẽ có nhiều cải cách lớn nhất, được giao cho Bùi Bằng Đoàn, 43 tuổi. Đoàn thuộc một gia đình quan lại có thế lực ở Hà Đông. Ông nội giữ chức Tổng đốc triều Nguyễn Phước Thời. Cha là Bùi Tây, lên tới hàng Tuần phủ [vũ]. Hai anh ruột, Phấn và Thuận, đều làm quan đầu tỉnh đất Bắc. Đậu Cử Nhân năm 1906, Đoàn vào trường Hậu bổ Bắc Kỳ (sau là trường Sĩ Hoạn), tốt nghiệp thủ khoa năm 1911. Sau đó, được bổ nhiệm tri huyện ở Nam Định. Trong 12 năm kế tiếp, Đoàn cai trị 5 huyện, 2 phủ khác nhau. Qua năm 1926, lên chức Án sát, rồi Tuần phủ Cao Bằng, Ninh Bình. Đoàn còn được cử làm bồi thẩm trong phiên toà xử Phan Bội Châu ngày 23/11/1925, và Chánh thẩm Bắc Ninh từ năm 1930. (43) Giống như Diệm, Đoàn được “đặc cách” từ Tuần vũ [chính tam phẩm] lên hàng Thượng thư [tùng nhị phẩm].

  1. 43. Ibid., Amiraux, 47473; Souverains 1943, tr. 21, 66, 88. Có tin đồn Đoàn tiết lộ vụ Phan Bội Châu bị bắt cho báo chí, nhưng không được kiểm chứng. Xem thêm Chính Đạo, Hồ Chí Minh, tập II: 1925-1945 (1993), tr. 28-35.
  2.  Hồ Đắc Khải, 39 tuổi, đương kim Tổng đốc Bình Định, được giao Bộ Tài chánh và Cứu tế Xã hội. Khải là con Hồ Đắc Trung, một trong những nhân vật được Pháp tin dùng từ cuộc dân biến 1908. Anh em Khải đều học hành đỗ đạt. Điềm, em Khải, đậu Tiến sĩ Luật và sau này lên tới chức Tổng đốc Hà Đông. (44) Năm 1945, Paul Mus, tức Đại úy Caille, đã dự trù đưa Điềm và Phạm Quỳnh ra hải ngoại, chuẩn bị cho kế hoạch tái chiếm Đông Dương của phe Gaullist, nhưng chưa kịp thực hiện.

44. Souverains 1943, tr. 19.

 

Nhân vật thứ năm của nhóm "quan trẻ" được ủy thác sứ mệnh "đại cải cách" là Phạm Quỳnh. Quỳnh được nắm Bộ Quốc dân Giáo dục, đang trên đà cải tiến, kiêm Tổng Báo cáo (rapporteur) Ủy ban Cải cách. Cũng chính Quỳnh được giao nhiệm vụ thông dịch các đạo Dụ của Nguyễn Phước Điển do Pasquier và Thibaudeau soạn thảo.

Ngày 23/5/1933, “Nguyễn Phước Điển” còn ban hành một Dụ qui định nhiệm vụ các cơ quan trong chính phủ An Nam. Đạo Dụ này nhằm thiết lập một qui chế cho phép mỗi Thượng thư thấu hiểu chính xác nhiệm vụ của mình và nhất là qui định những liên hệ thực tiễn giữa các cơ quan triều đình, và với Tòa Khâm sứ. Theo Pasquier, nó phân biệt giữa "quyền lập pháp" và "quyền đặt ra qui chế":

Như một nhà lập pháp, vua có quyền lực tuyệt đối, không thể chia xẻ, chẳng có một thuộc cấp nào có thể thay vua. Quyền lập pháp này, vua vẫn sở hữu với thần dân Bắc Kỳ giống như ở An Nam; Hiệp ước ngày 6/6/1884 thật sự bảo đảm cho vua những quyền lực tối cao đó trong vương quốc. Trái lại, như người cầm đầu ngành hành pháp, vua có toàn quyền ủy nhiệm cho những Thượng thư tất cả hoặc một phần quyền đặt ra qui chế và những biện pháp hành chánh. Về điểm này, Đạo Dụ ngày 23/5 đã thực hiện một sự tản quyền cho các Bộ và vua chỉ còn giữ lại quyền khảo sát và quyết định những vấn đề thật quan trọng.

.... Hiển nhiên mọi điều nói trên chưa được trình bày chính xác, thật rõ ràng, những thuật ngữ sử dụng chưa đáp ứng hoàn toàn với các định nghĩa tư pháp quen thuộc của chúng ta về công quyền. Nhưng người ta không thể phủ nhận rằng một nỗ lực về cấu trúc pháp lý của công quyền trong vương quốc An Nam đã được hoàn tất trong tháng 5 này, và chỉ còn lại phần chúng ta làm sao khuyến khích chính phủ được Bảo hộ tiếp tục theo con đường đó.

Về phần mình, tôi thấy thật lợi ích nếu thoát ra khỏi tình trạng mờ tối và thiếu rõ rệt đã kéo dài qua lâu về công thức Bảo Hộ hai miền An Nam-Bắc Kỳ. Trên bình diện lập pháp, vị vua chính thống là nhà lập pháp duy nhất cho cả hai miền của vương quốc. Quan trọng gì chuyện dự thảo của các Đạo Dụ do quan chức Pháp chuyển đến vua, hay chính quyền Bảo Hộ đã cho các ủy ban Pháp hoặc ủy ban hỗn hợp [Pháp-Việt] cùng nghiên cứu; từ lúc chúng được ban hành dưới hình thức Đạo Dụ, chúng là luật của vương quốc.

Trên bình diện hành pháp, sự tản quyền cho Bắc Kỳ đã có từ lúc lập ra chức Kinh lược Bắc Kỳ và rồi bàn giao quyền hạn này cho Thống sứ [Résident Supérieur], được biện minh bằng cả pháp luật lẫn thực tế, cũng như được biện minh bằng sự ủy thác rộng lớn các quyền đặt qui chế của Vua cho các Thượng thư tại An Nam.

Những lá thư chỉ thị cho Thống sứ Bắc Kỳ sau việc hủy bỏ Qui ước ngày 6/11/1925, mà tôi đã báo cáo thường xuyên với Ngài, minh định học thuyết này, trong đó tôi đã nêu rõ cái học thuyết duy nhất mà theo tôi có thể áp dụng thích đáng Hiệp ước 1884 và làm sáng tỏ những điểm pháp lý nền tảng cho sự tổ chức phức tạp của nền bảo hộ. Toàn bộ vấn đề quanh những quan hệ giữa chính phủ Bắc Kỳ với triều đình Huế tóm gọn lại chỉ còn sự phân biệt giữa quyền hạn lập pháp và quyền hạn đặt qui chế, có nghĩa là quyền hạn của vị Kinh lược đã được chuyển giao qua vị Thống sứ ở Bắc Kỳ để bảo đảm cho vị này những sáng kiến rộng lớn nhất và sự độc lập với triều đình Huế trên mọi lãnh vực hành chánh. Đặt vấn đề như thế thì dễ dàng giải quyết. (45)

45. Công báo Đông Dương [J.O.I.F.] số 55 ngày 13/7/1933; Báo cáo ngày 26/7/1933, Pasquier gửi BTTĐ; CAOM (Aix), INF, carton 366, d. 2905.

 

Công dụng của Đạo Dụ này, ngoài việc thiết lập một nền tảng pháp lý cho việc duy trì chức Thống sứ Bắc Kỳ, trong tinh thần Hiệp ước 1884, còn nhắm chặt cắt mọi tham vọng chức Tể tướng mà Nguyễn Hữu Bồi được ân thưởng với tính cách cá nhân.

Ngày 3/7/1933, Nguyễn Phước Điển—đang nghỉ mát ở Đà Lạt—còn xuống Dụ về bộ hình luật mới, một Dụ khác về việc cải tổ Viện Dân biểu, và một Chỉ về qui chế quan lại. Hôm sau, 4/7, mở cuộc thi tuyển quan lại trong giới tân học. (46)

46. Ibid., GGI, Amiraux 64238 (cũ: F03/75).

 

3. Sự Trả Thù Của Nguyễn Hữu Bồi:

Pierre Bồi, dĩ nhiên, chưa chịu buông xuôi, quyết "sống, còn" với Pasquier. Dù chưa thuộc hạng khai quốc công thần như những Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Bồi cũng đã dày công hãn mã cho Pháp gần nửa thế kỷ.

Bồi, theo Pasquier, thường khiến người ta tin rằng Bồi có sau lưng một đảng quốc gia và chính đảng này đồng nghĩa với đảng Ki-tô. Trong những buổi hội thảo sau khi Nguyễn Phước Hoãng bị truất phế, Bồi công khai đề nghị mời Cường Để về lên ngôi vua, bởi vì Cường Để là hậu duệ đích truyền của Thái tử Cảnh, và vì sự tuyển chọn này sẽ làm vui lòng người Ki-tô giáo. Pasquier nghĩ rằng "lão quỉ quyệt và kiên trì phá đám ngầm nền Bảo hộ" này luôn luôn ấp ủ ảo tưởng rằng Giáo hội Vatican sẽ thay đổi chính sách về An Nam, và tìm được hậu thuẫn trong giới Ki-tô Pháp ủng hộ việc thay một vua ngoại đạo bằng một vua hoặc Quốc trưởng Ki-tô có khả năng đề xướng một phong trào tự trị dựa trên sự hậu thuẫn của các cộng đồng Ki-tô. Các cộng đồng Ki-tô này đã trở thành rất quan trọng trên các xứ An Nam, vì các dòng tu đã gia tăng thập bội cơ sở từ sau Thế chiến 1914-1918. Hơn nữa, những tin tức quanh vụ tấn phong Nguyễn Bá Tòng làm Giám mục người Việt đầu tiên cũng có thể góp phần cường điệu những ảo tưởng trên. Pasquier nhận xét:

Một giáo phẩm cao cấp người An-nam-mít trực thuộc Giáo Hoàng và không phải chịu sự che chở của các giáo sĩ Pháp, có thể được một số nhân vật bản xứ coi như đòn bẩy mạnh mẽ để khích động những khát vọng quốc gia trong số người đã cải đạo. Cái chính sách Machiavel [đạt mục tiêu bằng mọi giá] tăng lữ đã hôn ám lão, và làm cho lão trở nên mù quáng đến độ phạm phải những khinh xuất trong cử chỉ và lời nói, trở thành bỉ ổi đối với vua [Nguyễn Phước Điện] trong mùa Đông vừa qua. Hơn bao giờ hết, tôi thấy rằng cuộc cải tổ thực hiện vào tháng 5 [1933] quả là cần thiết để giữ cho Vua khỏi bị vướng vào những mưu mẹo mà về lâu về dài có cơ nguy đánh bại sức kháng cự của nhà Vua cả về mặt thể xác lẫn đạo đức.(47)

47. Ibid., INF, carton 366, d. 2905.

 

a. Chiến dịch báo chí:

Phản ứng đầu tiên của Nguyễn Hữu Bồi và phe nhóm là sử dụng báo chí để tấn công Pasquier. Nguyễn Phan Long, đại diện dân cử ở Nam Kỳ, cũng một tiểu thuyết gia viết tiếng Pháp lưu loát, nhập cuộc đầu tiên. Trên mặt báo La Tribune indochinoise [Diễn đàn Đông Dương], xuất bản ở Sài Gòn, Long cáo buộc Pasquier và Thibaudeau đã lợi dụng tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của Nguyễn Phước Điển để xiết chặt thêm Nam triều. (48)

48. Nguyễn Phan Long, "La politique indigène de M. Pasquier;" La tribune indochinoise (Sài Gòn), 24/5/1933; Idem., "Gérontocratie et autocratie" [Chính sách già lẫn và chuyên chính]; Ibid., 29/5/1933.
 

Theo Pasquier:

Sự nghèo nàn trong cách lập luận của họ khiến tôi miễn tranh cãi và tôi không nghĩ rằng điều đó có thể tạo được điểm khả tín nào đó ở quí Bộ. Hòn đá tảng trong lập luận của họ là việc chỉ định vị Khâm sứ làm chủ tịch Hội đồng Thượng thư đã gia tăng sự trực trị của nền Bảo hộ và làm thay đổi tận gốc những thể chế đặc thù của vương quốc Đại Nam. Những người không sợ viết ra và cho in những điều võ đoán như thế là những kẻ lợi dụng sự ngu dốt của độc giả. Thật vậy chỉ cần tham chiếu Đạo Dụ ngày 27/9/1897, bắt đầu có hiệu lực qua Nghị định của Toàn quyền [Paul Doumer] ngày 28/9 (JOIF, trang 858) đủ thấy rằng đạo luật này, đạo luật duy nhất qui định điều hành của triều đình An Nam kể từ khi thiết lập nền Bảo Hộ, đã ủy cho vị Khâm sứ (điều 3) chức vụ chủ tịch không những của Viện Cơ Mật (Hội đồng Thượng thư) mà còn của cả Hội đồng Tôn Nhân Phủ.

Người ta biết rằng vị Khâm sứ An Nam, giống như vị Khâm sứ Căm-bốt [Kambogia], chẳng bao giờ ngưng chủ tọa Hội đồng Bộ trưởng của xứ được Bảo hộ. Vậy về mặt này, chẳng có một sự sửa đổi nào trong đạo Dụ ngày 23/5/1933, hoặc giả nếu có cải cách, các đối thủ của chúng ta giả vờ không nhận thấy điều đó, vì cải cách ấy chỉ lợi cho vương triều. Thật vậy, trong lúc Dụ năm 1897 rõ ràng ban cho vị Khâm sứ chức chủ tịch Viện Cơ Mật thì cái Dụ mới [ngày 23/5/1933] chỉ nói đến "Hội đồng Thượng thư." Sự tu chính này nhắm vào tầm quan trọng và sự ích lợi của nó.

Cơ Mật Viện chỉ mang danh hiệu này khi nào vua tham dự phiên họp của Hội đồng Viện. Người ta phân biệt Cơ Mật Viện nhỏ chỉ gồm các Thượng thư đương nhiệm và Cơ Mật Viện lớn còn gồm thêm các quan từ tam phẩm trở lên tại kinh đô. Viện này mỗi tháng chỉ họp một lần. Việc điều 3 của Đạo Dụ năm 1897 trao chức Chủ tịch Viện Cơ Mật cho vị Khâm sứ là điều quái lạ và, trên thật tế, chẳng có vị Khâm sứ nào đòi chủ tọa các phiên họp của Viện Cơ Mật có vua tham dự.

Khâm sứ chỉ chủ tọa những buổi họp thường kỳ của các Thượng thư, thảo luận về những công việc thường xuyên. Bản văn của Đạo Dụ ngày 23/5[/1933] xác định điểm này của đạo luật trước đây, và việc loại bỏ sự lẫn lộn giữa “Cơ Mật Viện” và "Hội đồng Thượng thư" không đáng hứng chịu sự đả kích từ những phát ngôn viên của Bồi.

Sự thật là những Đạo Dụ của tháng 5[/1933] chỉ hủy bỏ độc nhất cái chức "Cơ Mật Viện trưởng" mà Bồi đã được giao phó suốt giai đoạn vị thành niên của vua và thời kỳ phụ chính. Từ vương triều Đại Nam cũ tới khi thiết lập chế độ Bảo hộ, chưa hề có chức vụ "Tể tướng Nam Triều," cho đến lúc Bồi được chỉ định vào chức vụ ấy. Đây là một ưu đãi thuần có tính cách cá nhân mà viên quan già đã vận động để được ban phong và nhờ đó lão đã thi hành một thể chế độc tài và vẫn còn mong nắm giữ sau khi vua Nguyễn Phước Điện về nước.

Nguyễn Hữu Bồi được chấp thuận về hưu và vua quyết định nắm quyền chỉ huy thật sự chính phủ của mình, vua không thể cho bất cứ ai giữ chức Cơ Mật viện trưởng. Cho nên vua bỏ chức "viện trưởng" mà Bồi đã nắm giữ và tước đi cái ảo vọng của những kẻ nuôi tham vọng thay thế Bồi diễn lại cái trò độc tài. Đạo Dụ ngày 23/5 rất rõ ràng về việc này.

Chính cái biện pháp [hủy bỏ chức Cơ mật viện trưởng] này mà người ta muốn truyền rao trước mắt công chúng Pháp và bản xứ, vốn được thông tin kém hoặc không đầy đủ những chuyện đã xảy ra ở Huế, như một xúc phạm trầm trọng đến những thể chế căn bản của vương quốc.

Tôi chưa thể kết thúc nếu muốn trả lời từng chi tiết những chỉ trích chống lại sự cải cách được thực hiện qua hai Đạo Dụ công bố trong tháng 5 vừa qua. Tôi tin rằng đã nói khá đủ về sự hão huyền của chiến dịch mà tôi luôn luôn chờ đợi, bởi lẽ dĩ nhiên những hạng người như Bồi, đã nắm giữ quyền bính trong hơn phần tư thế kỷ, dễ gì bị lật đổ mà chẳng phản ứng. Phải chăng đây là để "gỡ sĩ diện," vì chúng ta đang sống trên đất nước của dân Á Châu. (49)

49. Báo cáo ngày 26/7/1933, Pasquier gửi BTTĐ; CAOM (Aix), INF, carton 366, d. 2905.

 

b. Ngô Đình Diệm Từ Chức:

Vừa thành lập chưa đầy 10 tuần lễ, triều đình tân thời của Nguyễn Phước Điện đã trải qua cuộc thử thách đầu tiên. Theo chỉ thị của Khâm sứ Thibaudeau, Diệm đệ trình lên một dự án cải cách, gồm hai điểm chính:

- Phải thống nhất Bắc Kỳ và An Nam, và bổ nhiệm một Tổng Trú sứ (Résident Général) cho An Nam và Bắc Kỳ như Hoà ước 6/6/1884 đã qui định.

- Phải cho Viện Dân biểu, mới được cải tổ theo Dụ ngày 3/7/1933, quyền thảo luận. (50)

50. Báo cáo số 303-AP., 22/7/1933, Gougal gửi Colonies; Ibid.

 

Thibaudeau không chấp thuận. Theo Pasquier, ngày 9/7, Diệm thố lộ ý muốn từ chức với Nguyễn Hữu Bồi, đang hưu trí tại đồn điền ở [Cam Lộ,] phía nam Quảng Trị—nơi Tôn Thất Thuyết đã bí mật chôn dấu vàng bạc trước biến cố 5/7/1885. Sau một ngày sống bên cạnh Bồi, Diệm dứt khoát từ quan. Ngày 12/7, Diệm trao cho Thibaudeau bản sao lá thư xin từ chức mới trình lên Nguyễn Phước Điện.

Bức thư này, phần nào được soạn thảo do ảnh hưởng của Bồi, nêu ra ba lý do:

1. Chế độ hiện tại không phù hợp với Hiệp ước 6/6/1884, dự kiến một thể chế bảo hộ kiểm soát mà không phải bảo hộ trực trị; thể chế trực trị nầy còn khe khắt hơn qua những cải cách mới đây, mà theo Diệm, có thể xóa bỏ những cơ cấu chính yếu của vương quốc.

2. Việc hồi hương của vua không đi đôi với sự sát nhập Bắc Kỳ vào Triều đình Huế và việc lập chức Tổng Trú Sứ đã được Hiệp ước qui định.

3. Sau cùng, Viện Dân biểu không có quyền biểu quyết.

Vẫn theo Pasquier, bức thư từ chức của Diệm chỉ sao lại ba yêu sách chính trong các đòi hỏi mà Bồi đã lập đi lập lại tại mỗi kỳ họp của Viện Cơ Mật do Nguyễn Phước Điển chủ tọa. Kể từ lúc lên làm Thượng thư, Bồi không ngớt đòi trở lại với tổ chức Liên bang Đông Dương do Toàn quyền Doumer thiết lập và những sắc lệnh tổ chức cơ bản ngày 20/10/1911 dưới thời Albert Sarraut. Đối với mọi cải cách do Pháp gợi ý, Bồi tảng lờ, ngầm cho các đồng sự và phe cánh hiểu rằng điều cải cách đầu tiên phải làm là dẹp bỏ hai chức Khâm sứ Huế và Thống sứ Hà Nội, trả lại triều đình An Nam quyền tự trị ngân sách và phần thu nhập các lợi tức quan thuế và bưu chính qui định trong Hiệp ước 1884, đồng thời ủy nhiệm một vị Tổng Trú sứ bên cạnh triều đình. Bồi tuyên bố, "sau đó mới xét đến việc canh tân các cơ cấu của vương quốc. Đó sẽ là chuyện của chúng tôi."

Trên thực tế Diệm không có vẻ nồng nhiệt đón nhận chức vụ mới được giao phó. Đã lắm phen, kể từ khi vào triều, Diệm thường tuyên bố không có tham vọng chính trị, và ngày càng cảm thấy bị đời sống tu hành thu hút. Trong những buổi họp Hội đồng cải cách, Diệm đặc biệt quan tâm đến những vấn đề lương tâm và sự mưu tìm một lý tưởng xã hội đặc trưng Ki-tô giáo, rất giáo điều và đôi khi không tưởng (utopique). Theo Pasquier, Diệm chỉ quan tâm đến sự sùng tín, chẳng đoái hoài gì đến tài sản và danh vọng ở đời và, ngay vào cơ hội đầu tiên, sẽ xin về hưu. Công việc bề bộn đổ ập lên các Thương thư vào hạ tuần tháng 6/1933 để hoàn thành sáu Đạo Dụ mà Nguyễn Phước Điển phê chuẩn tại Đà Lạt ngày 3 và 4 tháng 7 làm gia tăng sự mệt mỏi trí não, khiến Diệm cần sự tĩnh tâm cầu nguyện.

Sự từ chức của Diệm, nói tóm lại—theo Pasquier—là do Bồi xếp đặt.

Sau khi được đơn từ chức của Diệm, từ Đà Lạt, Nguyễn Phước Điển cho Diệm biết rằng không thể chấp nhận cả về nội dung lẫn hình thức. Dĩ nhiên, Diệm có thể xin từ chức vì lý do cá nhân, nhưng nếu khoác cho sự từ chức của mình tính chất chính trị thì đó là hành động phản nghịch. Nguyễn Phước Điển cũng được lệnh về ngay Huế giải quyết. Sau khi triều kiến Nguyễn Phước Điển vào sáng Chủ nhật 16/7, Diệm xin Thibaudeau coi như không có bức thư đệ lên vua, và nộp đơn từ chức với Thibaudeau. Ngay hôm ấy Nguyễn Phước Điển chấp thuận.

Để dò ý Giáo hội Vatican, trong tháng 7/1933, Pasquier "vô tình" gặp Tổng Giám mục Colomban Dreyer, Khâm mạng Giáo hội Vatican (1928-1936), ở Đà Lạt. Dreyer tuyên bố không chút do dự: "Nhưng Vua không phải chấp nhận cái thái độ như thế; một Thượng thư phải 'tuân lệnh và phục tùng' vua của hắn." Lời tuyên bố này khiến Pasquier nghĩ rằng đại diện Vatican coi việc cộng tác với chính phủ Pháp quan trọng hơn những mưu đồ của Bồi, "một lão già 72 tuổi, mà giờ về hưu xứng đáng với lão đã điểm." (51)

51. Ibid.

 

Qua ngày 22/7, Thibaudeau cử Thái Văn Toản thay Diệm, dù Toản nghiện rượu, hà khắc và tham nhũng. Tôn Thất Quảng, 51 tuổi, Tổng đốc Thanh Hoá kiêm Kinh lược các tỉnh Bắc An Nam từ 1929 tới 1933, mới lập công lớn trong các cuộc đàn áp đẫm máu ở Nghệ An/Hà Tĩnh, được gọi về nắm bộ Công tác, Mỹ thuật và Lễ nghi thay Toản.

Theo Pasquier:

Tình thế buộc phải chọn những giải pháp chờ đợi. Theo số lượng, Diệm sẽ được thay thế trong triều đình bằng Tổng đốc Thanh Hóa, Tôn Thất Quảng, người hoàng tộc. Đây là một nhà quí tộc kiêu kỳ và nghiệt ngã, biết cách làm cho người sợ mình và có tinh thần kỷ luật, nhưng lại luôn luôn có rất nhiều tham vọng và hám lợi, cũng như tất cả bạn đồng liêu. Có thể nào người ta thuyết phục được Toản rằng từ nay về sau sẽ phải nêu gương về đức tính chính trực chu đáo hay không? Tôi vẫn hoài nghi.

Tạm thời Bộ Lại được giao cho Thái Văn Toản, nhưng nên dự đoán rằng Toản khó thể giữ chức vụ Thượng thư lâu dài. Thật vậy sức khỏe của ông ta gần đây đã suy giảm rất nhiều, hoặc vì bét rượu, hoặc vì di truyền (thân phụ ông nằm liệt giường), ông ta biểu lộ những dấu hiệu mất thăng bằng cân não. Mối quan tâm hàng đầu của Vua và Thibaudeau sẽ là cố gắng phát hiện và thúc đẩy để có những phần tử ít nhược điểm nhất trong hàng ngũ các quan tỉnh để tìm một ứng cử viên thích hợp, hầu thay thế Toản nếu cần.(52)

52. Báo cáo chính trị tháng 7/1933, tr. 4-5; Ibid., Amiraux 64238. Xem thêm tiểu sử Tôn Thất Quảng trong Souverains 1943, tr. 70-1. Việc thay đổi này chỉ được công bố chính thức trong BAA số 11, ngày 2/9/1933. Có lẽ vì thế một số tác giả nghĩ rằng Diệm chỉ từ chức vào tháng 9/1933.

 

Cũng ngày này, Nguyễn Phước Điển cho lệnh xúc tiến kế hoạch cải cách giáo dục sơ cấp bản xứ và tiểu học Pháp-Nam ở An Nam. Ngày 7/8, Phạm Quỳnh chính thức nắm bộ Học. Hơn ba tuần sau, ngày 29/8, Nguyễn Phước Điển chấp nhận đơn xin từ chức của Pierre Đệ, Bí thư riêng của vua. (53) Ngày 24/10, Nguyễn Phước Điển ký thêm Dụ thành lập Hội Đồng Tư Vấn Bắc Kỳ.

53. CAOM (Aix), Amiraux 64238. Theo Bảo Đại, Đệ nêu lý do xin từ chức là vì lương bổng quá thấp, chỉ có 120$ một tháng, trong khi kiếm được 300$ tại Ngân Hàng Đông Dương; Bảo Đại, Le Dragon d’Annam [Con Rồng An Nam] (Paris: Plon, 1980), p 61.

 

Kế hoạch cải cách của Pasquier còn gặp sức chống đối của kiều dân Pháp và thành phần bảo thủ trong giới công chức thuộc địa. Mùa Thu 1933, Hội truyền giáo Hải ngoại Pháp nhập cuộc, đòi cựu Toàn quyền Varenne qua thay Pasquier, và cựu Khâm sứ Châtel trở lại Huế thay Thibaudeau. Chuyến đi Nam của Ngô Đình Diệm vào tháng 12/1933 ít nhiều dính líu đến chiến dịch vận động trên của nhóm Nguyễn Phan Long, Lê Văn Kim, Jacques Lê Văn Đức v..v... Được Luật sư Lê Văn Kim mật báo việc làm của Diệm với số tiền thưởng 20,000 đồng, Pasquier nổi giận, truất hết chức sắc của Bài, Diệm và Đệ. Diệm còn bị trục xuất khỏi Huế, chỉ định cư trú ở Quảng Bình.(54)

54. Báo La Lanterne (Paris) cũng tham gia vận động để thay Pasquier bằng Varenne; CAOM (Aix), INF, carton 366, d. 2905.

 

Nhưng Pasquier đột ngột tử nạn phi cơ tại Corbigny, Nièvre, ngày 15/1/1934, trên đường thăm Mỹ châu trở lại Paris. [Những đối thủ của Pasquier khoan khoái nhận xét: Lửa đâu mà cháy tám gà [bát kê] trên mây]. Ngày 27/2, René Robin được cử làm Toàn quyền, nhưng gần 5 tháng sau, ngày 23/7, mới nhiệm chức. Graffeuil, "Phó Toàn quyền," tiếp tục Xử lý thường vụ, và chấp thuận cho Nguyễn Phước Điện thực hiện thêm một cuộc đại cải cách khác: Ngày 7/3/1934, Nguyễn Phước Điển làm lễ thành hôn cùng Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, con gái Pierre Nguyễn Hữu Hào, một đại điền chủ, theo đạo Ki-tô, ở miền Nam, tức Nam Phương Hoàng hậu. "Anh" Diệm, tức Thục, cực lực phản đối việc Nguyễn Phước Điển không "rửa tội" trước lễ cưới. Charles bèn dàn xếp một linh mục Pháp bí mật làm lễ thành hôn, không cần bắt Nguyễn Phước Điển theo Ki-tô giáo.(55)

55. Báo cáo chính trị tháng 5/1934; Ibid., Amiraux 64239. Giáo hội Vatican không chính thức chấp nhận lễ cưới trên nhưng quay mặt làm ngơ. Nhân dịp này, Nguyễn Phước Điển tặng Charles tước Tế Nam Vương; Ibid. Về tiểu sử Nam Phương Hoàng hậu, xem Souverains 1943, tr. III, 1 và 29-30; Chính Đạo, Nhân Vật Chí (1997), tr.342-43.

 

Hơn một năm sau, ngày 11/3/1935, Khâm sứ Graffeuil và Toàn quyền Robin lập thêm một bộ thứ sáu để triều đình Huế có đủ 6 bộ. Nguyễn Khoa Kỳ, Tổng đốc An-Tĩnh (Nghệ An/Hà Tĩnh), được giữ Bộ Nông và An Sinh Xã Hội này.(56) Ngày 20/3, dưới áp lực của Hội truyền giáo, Graffeuil sai Nguyễn Phước Điển ký ba Sắc phục hồi tuớc vị cho Bồi, Diệm và Đệ.(57)

56. Báo cáo chính trị tháng 3/1935; CAOM (Aix), Amiraux 64240.

57. Ba "Sắc" cùng ký ngày ngày 20/3/1935; dẫn trong Báo cáo chính trị tháng 3/1935; Ibid.

 

Thời gian này, Nguyễn Phước Điển đã thu hẳn vào trong lớp vỏ ốc "thánh thượng" (Pontif suprême) của một minh quân "rủ buông tay áo mà đời được trị." Vua dành hầu hết thời gian cho thú săn bắn, cờ bạc, và nhất là thiên mệnh bảo vệ giòng máu hoàng tộc. Nhờ vậy, ngày 4/1/1936, Nam Phương sinh hạ được con trai đầu lòng là Bảo Long. Ba năm sau, ngày 17/9/1938, Bảo Long được phong làm Đông Cung Thái tử.

 

B. SƠ LƯỢC VỀ NHỮNG CUỘC CẢI CÁCH 1932-1936:

Trong khi đó, những cuộc cải cách do Pasquier đề xướng bắt đầu mang lại những thay đổi nho nhỏ trong vương quốc An-Nam.

 

1. Tu chính “luật Gia Long:”

Cải cách quan trọng nhất, như đã lược thuật ở trên, là việc tu chính bộ luật Gia Long, do Nguyễn Văn Thành biên soạn năm 1985. Tác giả của bộ Luật mới là Collet, cố vấn Bộ Tư Pháp. Ngày 3/7/1933, Nguyễn Phước Điển ký Dụ ban hành đạo luật trên. Hôm sau, Pasquier ký Nghị định chấp thuận, và Bộ hình luật Collet có hiệu lực từ tháng 9 cùng năm.(58)

58. Biên bản buổi họp đặc biệt trong hai ngày 4 và 5/2/1937 của Cơ Mật Viện, dưới sự chủ tọa của Toàn quyền Jules Brévié. Phần tường trình của Bùi Bằng Đoàn.

 

Theo Bùi Bằng Đoàn, những nét chính của Bộ luật trên như sau: Trước hết, giống như bộ luật hình sự Pháp được áp dụng ở Bắc Kỳ, những vụ vi phạm chia làm ba loại, vi cảnh (contraventions), khinh tội (délits) và hình tội (crimes). Việc phân định tội trạng uyển chuyển hơn, tùy thuộc vào từng loại hình tội và từng vụ phạm pháp. Luật lấy tiền chuộc tội được thay bằng phạt vạ (amendes). Những biện pháp "văn minh" như án treo, thời hiệu (prescription) được áp dụng. Những trường hợp án đại hình như "dự mưu" và "tái phạm" được ấn định rõ ràng hơn luật cũ. Những điều khoản mù mờ, được tự do giải thích theo ý kiến mỗi quan lại—như "đã làm những điều đáng lẽ không được làm" (59)—bị cắt bỏ. Điểm đáng chú ý nhất là bộ luật mới hủy bỏ trách nhiệm liên đới giữa cha và con, anh cả với các em, lý trưởng hào mục với xã dân trong mọi khinh và trọng tội. Ngoài ra, còn dự trù những điều khoản có thể miễn tố như bệnh thần kinh, tự vệ chính đáng, v.. v.. Collet và Gaye còn hợp soạn một bộ dân luật dự trù lên tới 5 tập.

59. Xem, chẳng hạn, bản án các thân sĩ Quảng Nam trong Phan Chu Trinh, A Complete Account of the Peasants' Uprising in the Central Region, translated by Peter Baugher and Vu Ngu Chieu (Madison, WI: Center for Southeast Asian Studies, Monograph No. 1, 1983).

 

2. Cải cách hệ thống quan lại:

Việc cải cách hàng ngũ quan lại được đặc biệt chú ý. Căn bản cho cuộc cải cách là qui chế quan lại (Dụ ngày 3/7/1933) và điều lệ tuyển chọn quan lại (Chỉ ngày 4/7/1933, 23/7/1933, và 21/1/1934). Một trong những mục tiêu chính nhằm trẻ trung hoá nhân sự, với hy vọng sẽ tăng cường hiệu lực của guồng máy thư lại. Trong vòng 3 năm, từ 1933 tới 1936, nếu chúng ta có thể tin được báo cáo của Thái Văn Toản, khoảng 100 quan viên các cấp bị nghỉ hưu hay bãi chức vì thiếu sức khoẻ hoặc năng lực. Trong giai tầng quan lại mới có 2 Tiến sĩ Luật, 5 Cử nhân Luật, 1 Cử nhân Khoa học, 1 Kỹ sư điện, 1 Kỹ sư Canh nông, 1 tốt nghiệp trường Cao đẳng Chính trị (Pháp), 39 người có bằng Tú tài (Pháp hoặc Pháp-Nam), 98 người có bằng Thành chung, và 8 người tốt nghiệp các khoá thi Hương hoặc Hội. Ngoài ra, trong Bộ Tư Pháp, thiết lập một ngạch quan mới là "Lục sự" [clerk], theo thể thức Toà án Pháp.

 

3. Các Viện Dân biểu:

Về việc khuyến khích dân chúng tham gia quốc sự, các viện Dân biểu thành lập năm 1926 được sửa đổi bằng Dụ ngày 3/7/1933. Viện Dân biểu Trung Kỳ vẫn giữ tính cách tư vấn, nhưng được hội ý về nhiều vấn đề quan trọng hơn, kể cả những kế hoạch tài chính, kinh tế. Mỗi năm, Viện này bầu lên một ủy ban thường trực gồm 3 người, làm việc trực tiếp với Bộ Lại. Số cử tri cũng được nới rộng hơn cho các tầng lớp dân chúng.

 

4. Giáo dục:

Về phương diện giáo dục, Phạm Quỳnh nhấn mạnh vào việc phát triển hương học. Nhờ vậy, số học sinh từ lớp nhất trở xuống tại Trung Kỳ tăng từ 68,354 trò vào tháng 6/1933 lên tới 73,520 trò vào tháng 6/1934, 77,798 trò năm 1935, và 84,870 trò vào cuối niên học 1936. Huấn luyện thể dục cũng được khuyến khích. Từ năm 1936, học sinh còn có sổ khám sức khoẻ. Tuy nhiên, theo Quỳnh, kế hoạch này phần nào bị trở ngại vì Nghị định ngày 16/8/1932, qui định trách nhiệm quản trị các trường làng cho hương chức. Từ lương bổng tới vấn đề tuyển chọn hương sư đều do các xã quyết định và chu toàn, nên khó lượng giá khả năng các hương sư. Hơn nữa, tại nông thôn, phần đông trẻ em chỉ theo học hai năm đầu, tức ấu học và dự bị. Số trò học đến lớp nhất, chuẩn bị thi tiểu học chỉ được khoảng 2.5% tổng số học sinh. Năm 1936, chẳng hạn, trong số 84,870 học sinh ở Trung Kỳ, 38,165 trò ấu học, 30,400 trò lớp dự bị, 6,998 trò học sơ học (lớp 4), 4,396 học lớp 3 (moyen 1), 2,865 lớp nhì (moyen 2) và 2,055 lớp nhất (supérieur). (60)

60. Biên bản buổi họp đặc biệt trong hai ngày 4 và 5/2/1937; phần tường trình của Phạm Quỳnh.

 

5. Nghi lễ:

Tại triều đình, các nghi lễ như tế Nam Giao hay tang ma được đơn giản hoá tối đa. Mỗi năm chỉ còn 8 ngày lễ chính; và trong những buổi lễ này, bỏ hẳn tục lệ giết súc vật cúng tế. Nguyễn Phước Điện không còn tham dự buổi lễ "cấy lúa" [tịch điền] hàng năm nữa, mà giao cho một đại thần thay mình. Đám tang của Đệ nhất Hoàng Thái hậu năm 1935 chỉ tiêu hết 5,000 đồng ($), so với 27,000$ cho Trang Ý Hoàng Thái hậu (vợ Nguyễn Phước Thời, năm 1902), và 60,000$ cho Từ Dụ Thái Hoàng Thái Hậu (mẹ Nguyễn Phước Thời, năm 1901).

 

6. Cải thiện đời sống nông thôn:

Sau ngày thành lập Bộ Nông và An Sinh xã hội năm 1935, nhiều biện pháp nhằm cải thiện đời sống nông thôn cũng được thực hiện. Tại nhiều xã đã có những nhà hộ sinh và nữ hộ sinh theo y khoa Tây phương.

Tuy nhiên, thực tế những cải cách trên quá ít và quá chậm. Ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 còn sâu đậm. Nhu cầu và đòi hỏi cải thiện đời sống của mọi giai tầng dân chúng vượt quá xa những cải cách mà người Pháp muốn thực hiện. Những bản kiến nghị của dân Trung Kỳ thu thập vào mùa Hè 1936 để đệ trình lên chính phủ Bình Dân Pháp cho thấy những cải cách tại Trung Kỳ chẳng thay đổi được bao nhiêu thực trạng.(61)

61. Ibid., Papiers d'Agents [PA] 28 (Moutet), Cartons 7 & 3.

 

Đáng chú ý hơn nữa là đại đa số thị dân Việt khắp ba miền chẳng còn chút trọng vọng nào với vua quan Việt. Ngay chính cá nhân Nguyễn Phước Điện cũng bị công kích, đàm tiếu trên báo chí.

Nhờ trải qua một khoá huấn luyện 10 năm dưới sự chăm sóc của Charles—người đã đồng ý ở lại Huế giúp Nguyễn Phước Điện vượt qua những mưu mô đánh phá của nhóm Nguyễn Hữu Bồi, và năm 1934 được vua phong tước Tề Nam Vương để tạ ơn— Nguyễn Phước Điện chẳng coi việc gì quan trọng hơn nếp sống thu nhỏ trong căn nhà kính vương giả hay những cuộc săn bắn, tiệc tùng. Tuyên bố bất cứ điều gì người Pháp bảo nói. Ký bất cứ Dụ, Chỉ nào người Pháp bảo ký. Miễn hồ bảo vệ được đời sống xa hoa, nhung lụa, khác hẳn bầu không khí thảm đạm, buồn tẻ và nghèo nàn của lăng tẩm Nguyễn Phước Biện. Đây là đặc tính có một không hai của Nguyễn Phước Điện, giúp vua sống còn qua bao thăng trầm của lịch sử.

 

VI. KẾ HOẠCH CẢI CÁCH LẦN THỨ HAI (1939):

 

Từ ngày chính phủ Bình Dân Pháp lên nắm quyền không khí sinh hoạt chính trị tại cả ba kỳ ngày một sôi động. Một trong những nguyên động lực chính là sự biến đổi cán cân quyền lực thế giới. Tại Âu Châu, Germany [nước Đức] ngày một hùng mạnh. Adolf Hitler và quân phiệt Germany bắt đầu có tham tâm vẽ lại biên giới chính trị. Liên Bang Sô Viết Nga của Stalin, dù kinh tế vẫn còn yếu kém, nhưng đạt được những tiến bộ quan trọng về kỹ nghệ quốc phòng. Ba cường quốc thực dân Bri-tên, Pháp và Holland (hay Netherlands, tức Hoà Lan) thì chưa kịp hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933, và phải bận tâm vì những phong trào đòi độc lập khắp các thuộc địa. Nói chung, ba thế lực quân phiệt (phát xít), thực dân (đế quốc) và Cộng Sản bắt đầu một cuộc tranh chấp gay cấn, xoá nhoà những năm tháng hiếu hoà, lên án chiến tranh vào cuối thập niên 1920 và đầu thập niên 1930 chưa xa.

Nhiều con toán chiến lược và chiến thuật của ba khối này được đem ra thử thách để tiêu diệt đối thủ. Năm 1935, Stalin cho lệnh QTCS (tức Comintern) tạm gác khẩu hiệu đánh phá đế quốc thực dân, dồn nỗ lực vào việc chống quân phiệt [Fascist].

Riêng Liên Bang Mỹ, một siêu cường đang lên, theo đuổi chính sách tự cô lập chính trị, giữ vị thế trung lập trong mọi cuộc tranh chấp. Chính phủ Franklin D. Roosevelt (1933-1945) đồn mọi nỗ lực vào mục tiêu hồi phục kinh tế Mỹ qua chính sách "New Deal" (Vận hội mới), đồng thời phát triển và củng cố màng lưới kinh tế với các nước Mỹ Châu.

Tại Á Châu, Nhật Bản tham vọng thực hiện chủ thuyết Đại Đông Á, dành độc quyền cai trị Á Châu. Năm 1931, Nhật chiếm đóng Mãn Châu [Manchuria], rồi đưa vua cuối cùng của nhà Qing [Thanh] là Henry Fu Yi [Phổ Nghi] về cai trị Mãn Châu quốc [Manzhouguo]. Tháng 7/1937, nhân vụ đổ máu ở Lư Cầu Kiều (Marco Polo Bridge), Nhật chính thức xâm lăng Trung Hoa. Chính phủ Tưởng Giới Thạch phải rút về Zhongqing [Trùng Khánh]. Dưới áp lực của giới quân phiệt, Tưởng Giới Thạch đồng ý liên minh với Đảng Cộng Sản Trung Hoa [CSTH] của Mao Trạch Đông—đã rút lên Diên An sau cuộc vạn lý trường chinh 1934-1935—để kháng Nhật. Được Hội Quốc Liên yểm trợ tinh thần và Liên bang Mỹ tài trợ bán chính thức, chính phủ Trùng Khánh tiếp tục kháng chiến, dù đã mất hết các thị trấn duyên hải và Nhật đã đưa Wang Jingwei [Uông Tinh Vệ], một lãnh tụ lão thành của Zhonghua Guomindang [Trung Hoa Quốc Dân Đảng, THQDĐ], lên cầm đầu một chính phủ thân Nhật tại Nam Kinh [Nanjing].

Tình báo Nhật cũng âm thầm tiếp xúc nhiều giới tôn giáo, trí thức Việt. Tại Huế và Quảng Nam, nhóm Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng, và anh em Ngô Đình Khôi- Ngô Đình Diệm đều bắt liên lạc với các chuyên viên Nhật. Khôi còn cho con trai trưởng làm việc cho Nhật. Tại miền Nam, vài hệ phái Cao Đài, đặc biệt là hệ Tây Ninh và Tiên Thiên, âm thầm ủng hộ tổ chức kháng Pháp của Cường Để. Đạo Xên Huỳnh Phú Sổ—người khai lập đạo Hòa Hảo sau này—cũng bắt đầu lập danh qua những "kệ dẫn" chống Pháp. Nhiều “nhân sĩ kháng Pháp” bắt đầu xuất hiện, đáng kể nhất là những người có liên hệ với Matsushita Mitsuhiro, chủ công ty Đại Nam (Dainan Koosi), một cơ sở tình báo dân sự Nhật ở Đông Dương từ thập niên 1920. Trong số này có Y sĩ Trương Kế An, chủ tịch Liên Đoàn Ái Quốc, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Văn Sâm, Lương Trọng Tường, Đỗ Dư Ánh, Đinh Khắc Thiệt, Năm Lửa Trần Văn Soái, v.. v.. Tại miền Bắc, hoặc do cảm tình với chủ thuyết Đại Đông Á, hoặc vì được Nhật móc nối, một số tổ chức, phe nhóm có khuynh hướng "Đại Việt" cũng bắt đầu xuất hiện. Tổ chức được nhiều người biết nhất là Đông Phương Tự Trị Đảng, tiền thân của Việt Nam Ái Quốc Đảng của Lê Toàn, Vũ Đình Dy, Nguyễn Xuân Chữ, v.. v...

Trước "hoàng họa" đang nổi lên từ quần đảo Nhật Bản, chính phủ Pháp đặc biệt quan tâm. Một mặt, nêu lý do Nhật và Trung Hoa chưa hề tuyên chiến, Pháp giữ thái độ trung lập, tiếp tục buôn bán với cả hai phe. Trên thực tế, đây là cách yểm trợ chính phủ Trùng Khánh không những về tinh thần mà còn cả về vật chất. Hàng hoá Mỹ bán cho Trùng Khánh được chuyên chở từ Hải Phòng lên Vân Nam bằng đường xe lửa, và chuyển vào Hoa Nam qua biên giới Bắc Kỳ cũng như Lào. Chính phủ Pháp còn quay mặt làm ngơ cho Hoa kiều ở Đông Nam Á sử dụng lãnh thổ Đông Dương và Đông Dương Ngân Hàng [Banque de l’Indochine] để tiếp tế cho quê mẹ chống Nhật. Các giới chức Nhật không ngớt phản kháng; và đã nhiều lần đe dọa sẽ có phản ứng mạnh. Đầu năm 1939, Nhật chiếm Hải Nam (10/2/1939), và rồi Trường Sa (Spratleys, hay “Sinnan Gunto,” 31/3/1939).

Trong thâm tâm, các viên chức Pháp nuôi hy vọng là nếu Trùng Khánh có thể kéo dài cuộc kháng chiến, Nhật sẽ bị trói tay buộc chân trong lãnh thổ Trung Hoa, chẳng còn lực lượng và tham tâm nhòm ngó Đông Dương. Mặt khác, tại nội địa Đông Dương, Pháp xúc tiến việc xây dựng các tuyến phòng thủ, đặc biệt là các đồn bót trong vùng Lạng Sơn, như chiến lũy Đồng Đăng. Những biện pháp mạnh cũng được sử dụng để bẻ gãy các tổ chức kháng Pháp. Từ năm 1937, Toàn quyền Brévié xuống tay đàn áp tất cả những tổ chức chống đối. Để được rộng quyền đàn áp, các viên chức Pháp chụp cho nạn nhân họ cái mũ “phản loạn” hoặc “Cộng Sản.”

Khi Mandel thay Moutet, chính sách Pháp chẳng thay đổi bao lăm ngoài kế hoạch biến Đông Dương thành một trong những kho cung cấp tài vật và nhân lực cho khả năng chiến tranh của mẫu quốc.

Để đối phó với Nhật, Mandel tìm cách liên kết với Bri-tên, Dutch và Mỹ hầu ngăn chặn tham vọng của Tokyo. Paris hứa với các đồng minh là sẽ tiếp tục việc chuyên chở hàng hóa và viện trợ Mỹ cho Trùng Khánh, bất chấp áp lực Nhật. Mỹ tuyên bố sẽ không ký Hiệp ước thương mại mới với Nhật khi Hiệp ước 1911 giữa hai nước hết hạn vào năm 1940. Dutch quyết không chịu bán cao su và dầu thô cho Tokyo. Bri-tên, ngoài việc sẵn sàng đương đầu với Nhật bằng Hải quân, cũng tham gia cuộc phong tỏa kinh tế nếu cần thiết.

Tại Đông Dương, Mandel tiếp tục tăng cường việc phòng thủ, thiết lập một xưởng đóng phi cơ tại Tong (tức Thông, Sơn Tây). Khi Toàn quyền Brévié chống lại kế hoạch này, Mandel bổ nhiệm Tướng về hưu Georges Catroux thay thế, hy vọng Catroux sẽ là “người của hành động” khi cần.

Mandel còn có ý định phục hồi đôi chút uy tín cho Nguyễn Phước Điện—đã bị báo chí công khai đả kích là thứ hình nhân múa rối (pantin), do Pháp giật giây—hầu có thể đương đầu với người mới được Nhật công khai ủng hộ là Cường Để.

Mùa Hè 1939, nhân dịp Nguyễn Phước Điện bị gẫy chân phải qua Pháp điều trị, Mandel gợi ý cho vua một kế hoạch cải cách mới. Viện trưởng Viện Dân biểu Bắc kỳ là Phạm Lê Bổng—đang có mặt tại Paris để dự lễ kỷ niệm 150 năm ngày Cách Mạng 14/7/1789—cũng được Mandel tham khảo ý kiến. Sự trùng hợp này khiến một số báo chí phát động chiến dịch chống việc thống nhất hai miền Trung và Bắc. Phạm Ngọc Thạch và nhóm Văn Lang ở Sài Gòn còn đi xa hơn nữa, đòi hủy bỏ cả Hiệp ước 6/6/1884, một hiệp ước mà theo Phạm Ngọc Thạch—một bác sĩ chuyên bệnh phổi ở Sài Gòn, có quốc tịch và vợ Pháp— không được Quốc hội Pháp chuẩn y. Theo Thạch, cả năm xứ Đông Dương phải được hợp nhất, và dân bản xứ được tham gia rộng rãi hơn vào chính phủ.(65)

65. "Contre le rattachement du Tonkin à l'Annam, Pour l'abrogation du traité de 1884 et l'unité administrative indochinoise;" Văn Lang (Sài Gòn), số 5, ngày 26/8/1939. Về lập trường của Đảng CSĐD, xem Dân Chúng (Sài Gòn), số 72 (5/7/1939), và số 73 (19/7/1939).

 

Thực ra, nhân vật "Bảo hoàng" Phạm Lê Bổng không tán thành kế hoạch thống nhất như báo chí loan tải. Trong một phiếu trình lên Mandel, Phạm Lê Bổng chống đối việc sát nhập Bắc Kỳ vào An Nam. Bổng cũng đề nghị khôi phục nền tam giáo cổ truyền để duy trì đạo đức xã hội.

Tình thế Âu Châu cũng biến đổi nhanh chóng ngoài mức dự tưởng của Mandel. Ngày 24/8/1939, Germany và Liên sô Nga ký hiệp ước bất tương xâm. Thái độ của Hitler trong việc tranh chấp biên giới càng ngạo mạn, hống hách.

Mandel vội cho lệnh Nguyễn Phước Điện cấp tốc đáp phi cơ về Huế. Trước khi rời Pháp trở lại nhiệm sở, Nguyễn Phước Điện đưa ra một kế hoạch cải cách gồm 4 điểm:

1. Cử một đại thần Việt làm phụ tá cho Thống sứ Bắc Kỳ, phụ trách việc kiểm soát quan lại Việt. Đại thần này không mang chức Kinh lược sứ, chỉ phụ giúp Thống sứ.

2. Cải tổ Hội Đồng Tư Vấn Bắc Kỳ (thiết lập do Dụ ngày 24/10/1933) thành một thứ chính phủ địa phương giống như triều đình Huế, do Thống sứ Chủ tọa, và Phụ tá thanh tra người Việt làm Phó.

3. Tái lập ngân quĩ riêng cho triều Huế, do Bắc Kỳ và Trung Kỳ đóng góp.

4. Cử một đại diện triều Huế ở Bộ Thuộc địa.(66)

 

Trong buổi hội kiến tân Toàn quyền Catroux tại Huế ngày 12/9/1939, tức 9 ngày sau khi Pháp tuyên chiến với Germany, Nguyễn Phước Điện còn rất tha thiết với việc cải cách. Catroux khuyên Nguyễn Phước Điện nên viết lại những yêu cầu thành văn bản để tiện việc cứu xét. Ngày hôm sau, 13/9, Nguyễn Phước Điện viết cho Catroux một thư khá dài, đưa ra hai đề nghị mới:

- Cải tổ Viện Dân Biểu Bắc Kỳ, cho viện này quyền hành rộng rãi hơn về vấn đề bản xứ. Theo Nguyễn Phước Điện, hiện nay, Viện Dân Biểu chỉ được tham khảo những vấn đề thứ yếu, còn mọi việc quan trọng như cải tổ thuế thân chẳng hề được thông báo. Ngay chính vua cũng chỉ biết tin trên qua báo chí.

- Đặt một chức phụ tá người bản xứ bên cạnh Thống sứ Bắc Kỳ. Viên quan trên sẽ đại diện chính thức vua. Việc này, theo Nguyễn Phước Điện, rất dễ thực hiện vì không thay đổi gì hệ thống hành chính hiện hữu. Vua yêu cầu Catroux giao cho những người kinh nghiệm về Đông Dương như Pierre Delsalle, Tổng thư ký chính phủ Đông Dương, Louis Marty, Emile Grandjean v..v... nghiên cứu thêm để thực hiện. Về phía người Việt, Nguyễn Phước Điện đề nghị nên tham khảo ý kiến Hoàng Trọng Phu, cố vấn nguyên lão triều Huế, và "đại diện tinh thần" của vua ở Bắc Kỳ. (67)

66. Thư ngày 27/8/1939, Nguyễn Phước Điện gửi Mandel; CAOM (Aix), INF, Carton 132, d. 1190.

67. Thư ngày 13/9/1939, Nguyễn Phước Điện gửi Catroux; Ibid.

 

Mười ngày sau, Catroux thông báo cho Nguyễn Phước Điện biết rằng mặc dù đồng ý trên nguyên tắc nhu cầu hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, tình trạng chiến tranh tại Âu Châu khiến Catroux phải tạm gác việc nghiên cứu đề nghị của Nguyễn Phước Điện. Vua, dĩ nhiên, hoàn toàn đồng ý. Catroux hài lòng, tặng vua một chiếc phi cơ thám thính để học bay.(68)

68. Thư ngày 23/9/1939, Catroux gửi Nguyễn Phước Điện, và thư ngày 30/9/1939, Nguyễn Phước Điện gửi Catroux; và báo cáo của Catroux gửi Mandel ngày 4/10/1939; Ibid. Xem thêm Bảo Đại 1980, p 95.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Bảy 202311:26 CH(Xem: 6033)
Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn kính báo tin cùng Chư Tôn Đức, Thân Bằng Quyến Thuộc và Bạn Hữu xa gần: Con, cháu chúng tôi là: Phật tử: PHẠM TRƯỜNG SONNY / Pháp danh: TRÍ LẠC / Sinh ngày: 11 tháng 9 năm 1994 tại Orange County, California./ Mất ngày: 11 tháng 7 năm 2023 tại Orange County, California. Hưởng dương: 30 tuổi
13 Tháng Bảy 20235:38 CH(Xem: 5894)
con lòng tong nhỏ / trôi đi / bâng khuâng / buồn lại phương phi / giữa trời
10 Tháng Bảy 20235:10 CH(Xem: 4869)
cửa em / không phải cửa mình / cửa ta / nhà bạn / thình lình mở toang
10 Tháng Bảy 20231:55 CH(Xem: 6313)
PHỤ NỮ GIỮA CHIẾN TRANH VIỆT NAM: THỜI ĐIỂM 1969 Tầm nhìn Chiến tranh, Giấc mơ Hòa bình [Visions of War, Dreams of Peace] [1] là nhan đề một tuyển tập thơ của các nhà thơ nữ; nếu là Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, họ đã là những nữ quân nhân như y tá, bác sĩ đã từng chăm sóc các thương bệnh binh; nếu ở những ngành nghề khác, họ đảm trách các dịch vụ không tác chiến như chuyên viên truyền tin, tiếp vận, kiểm soát không lưu, nhân viên Hồng Thập Tự... Nếu là người Việt, họ là những phụ nữ thuộc hai miền Nam hay Bắc, với những trải nghiệm khác nhau, qua những năm tháng chiến tranh. Và như từ bao giờ, cho dù ở đâu, phụ nữ và trẻ em vẫn là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh. Trong tập thơ này, có 34 nhà thơ nữ Hoa Kỳ, và sáu nhà thơ nữ Việt Nam: Xuân Quỳnh (My Son’s Childhood), Hương Tràm (The Vietnamese Mother), Hà Phương (To An Phu, From This Distance I Talk To You), Trần Mộng Tú (The Gift In Wartime, Dream of Peace), Minh Đức Hoài Trinh..., Nguyễn Ngọc Xuân...
28 Tháng Sáu 20239:58 CH(Xem: 6751)
anh là chim cánh mỏi / bay về tổ chiều hôm / không còn ai ngóng đợi / tay với cành hoa thơm
18 Tháng Sáu 20236:37 CH(Xem: 5636)
Lối Về Của Nước là một tập truyện & kịch có những nét đặc biệt. Nó viết về Con Người, về Ngôn Ngữ, về Hiện-hữu-người, Thể-tính-người. Nó trình hiện trước mắt người đọc những tương-giao-người giăng mắc, chồng chéo, và đầy phức tạp. Tất cả chập chờn giữa mộng và thực. Mộng và thực gắn bó, trộn lẫn vào nhau. Con người nhìn vào hiện cảnh như nhìn vào một giấc mơ. Truyện & kịch của Trần C. Trí mở ra cho ta thấy một cách sáng rõ ngôn ngữ là những quan hệ. Là giao tiếp. Là tâm hồn con người. Nó phả ra cái hơi thở, cái tình cảm của con người. Nó soi chiếu và phóng lên màn hình nội tâm chúng ta những phác đồ tâm lý người. Tôi lại nghĩ đến Heidegger với ý tưởng Ngôn ngữ là nơi an cư của tính thể. Con người cư ngụ trong chính ngôn ngữ của nó.
18 Tháng Sáu 20236:10 CH(Xem: 6546)
có một đêm rằm trăng sáng thơ thẩn ta đi trên đường bỗng dưng nhớ bài thơ cũ … “cúi đầu chợt nhớ cố hương”
18 Tháng Sáu 20235:32 CH(Xem: 5806)
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. ..."
18 Tháng Sáu 20235:22 CH(Xem: 6227)
mấp mé mấp mé chiều quanh / tiếng kêu sẫm buồn rợn tối / chim. lia rẽ / một khúc quành / xao xác đường về rất vội
18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 5865)
Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này.