- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

SONG TỬ TRÀN ĐẦY NGHỊCH LÝ

23 Tháng Ba 201710:52 CH(Xem: 24523)



NHU QUYNH
Tập thơ SONG TỬ của Như Quỳnh de Prelle 2017

           

 

Đôi nét về tác giả bài viết:

Nguyễn Thị Thanh Lưu, sinh năm 1983, quê quán Vinh, Nghệ An, tiến sĩ ngữ văn

Đã xuất bản: Làm dâu nước Mỹ (2014), Nhật kí Cà Kiu (2015)

Từng làm việc tại Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Hiện đang sống tại Sài Gòn và viết tự do.

 

 

 

Đã từ rất lâu rồi, tôi hài lòng với việc đọc thơ trong màu xám của một nỗi tuyệt vọng - nỗi tuyệt vọng không bao giờ phân tách nổi trắng đen giữa đám sương mù xám đặc dường như chỉ có dấu hiệu đậm dần lên trong những lớp lang chữ nghĩa, trong cách ngắt nhịp, buông vần. Tôi đọc Song tử của Quỳnh cũng trong cùng đám mây tuyệt vọng đó, với tâm thế của một kẻ mộng du lạc bước vào chốn mơ của một kẻ mộng du khác.

 

Vừa bước vào vườn thơ đã “Vỡ ngực” vì những xúc cảm kì lạ của người thơ, may mắn là trước khi chết ngất trong những dòng thơ úa tàn mệt nhọc, linh hồn tôi được vực dậy bởi những câu từ tha thiết nồng nàn của “Thư viết cho người yêu” trước khi đi loanh quanh mãi không thoát ra khỏi phần kết đậm màu sắc suy tư mang tên “Song Tử và thi ca”. Không rõ có phải là tác giả đã tiên liệu được những gánh nặng xúc cảm mà tập thơ mang tới cho độc giả hay không mà kết cấu tập thơ đầy dụng ý thế kia?

 

Cũng chính cách kết cấu bất thình lình với những khúc quanh hiểm hóc đó mà tôi xin thú nhận là tôi đọc mãi tập thơ suốt mấy tháng trời nhưng vẫn cảm thấy mình chỉ là một người đi lạc chưa tìm thấy lối ra. Thơ Như Quỳnh de Prelle không phải là thứ thơ êm ái, dễ dãi, đọc trôi tuồn tuột. Trái lại, nó tràn đầy nghịch lí: nghịch lí cảm xúc, nghịch lí ngôn từ, nghịch lí ngắt dòng, nghịch lí cấu trúc. Người đọc hoang mang vấp váp chính mình trong những chuỗi nghịch lí hiển nhiên phô phang ấy mà không khỏi hoài nghi về một sự sắp đặt quá tinh vi của người viết. Cứ vấp lại phải quay lại, đọc cho vỡ từng chữ. Những cú vấp trong vườn thơ âm u của Quỳnh khiến độc giả không thể cứ thế mà khoan thai dạo bước. Mỗi bước đi trong vườn thơ của Quỳnh là một dò dẫm, đòi hỏi suy tư cật lực, tiêu rút xúc cảm đến kiệt cùng. Nhà thơ Charles Simic quả không sai khi cho rằng: “Nghịch lý là gia vị bí mật của thơ. Không có vô số điều mâu thuẫn và ngạo mạn, thơ sẽ nhạt nhẽo như bài giảng ngày Chủ nhật hay bài phát biểu thông điệp liên bang của tổng thống”. Quỳnh - với sự nhạy cảm hồn nhiên của một người mới đến với thơ, dường như đã bắt nắm được thứ gia vị đặc trưng đó của thơ để viết ra những dòng lãng đãng thơ mà như không thơ, những rủ rỉ tâm tình ngăn ngắt hoang mang và yêu đương khờ dại cuộc đời.

 

trong cái lạnh lẽo của mùa hè tháng 7 

nàng bước ra dưới cái nắng hiếm hoi của xứ sở ôn đới hiền hoà 

để làm cháy đi làn da châu á 

để cạo hết nỗi buồn trên gương mặt, trên cơ thể, trên tóc và răng của nàng 

mọi bộ phận đang chết lâm sàng và lặng yên lặng yên 

như đang chờ một kết quả cho một hy vọng mong manh 

mong manh 

(Nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng)

 

Động từ “cạo” khiến tôi rùng mình y như cái rùng mình dưới cơn nắng lạnh phi lí của mùa hè trong thơ. Cũng thế, tôi rùng mình vì nỗi buồn thảm thiết của “nàng”. Nếu đã lỡ dấn bước vào khu vườn bí ẩn Quỳnh thơ, bạn sẽ thấy rùng mình là cảm giác thường trực.

 

Đọc thơ Quỳnh không phải để vui, để say sưa rồi quên như quên một cảm xúc hời hợt bột phát nào đó bởi thơ Quỳnh khiến người ta mệt lử vì nỗi buồn và niềm tuyệt vọng.

 

Những cơn thở dài không phải yếm thế

nỗi buồn lặn sâu cào xới những rạn nứt

sự tù tội của tinh thần

nghèo nàn của những tâm hồn cứ như thơ ca

mà thì ra như những kẻ chết tiệt, bệnh hoạn

 

Những cơn thở dài bao lâu có một lần

lòng người như gió cuốn cuốn đi vì lòng người quá mỏng mà thôi

gió chả vô tình vô ý

đâu đủ đậm sâu giữ lại cho riêng ai

ban phát tung toé giả vờ yêu đương

như những kẻ điên trên những đôi mắt kính khác màu

đầy hiểu biết và thông dụng

giàu có và hơn người

toan tính quẩn quanh

triệt tiêu cái này để có cái kia

 

Ôi những cơn thở dài chết tiệt

nó làm cho một ngày cúi xuống tận đáy mồ sâu

tự chôn mình, chôn cả linh thiêng, tận hiến

 

chôn cả trái tim và bộ óc đủ đầy lý trí thị phi

chôn đôi bàn tay viết lách trên những con chữ vô nghĩa và tình yêu trở thành phù phiếm

 

làm gì có tình yêu

cơ hội và luôn là cơ hội

của những kẻ săn mồi

(Một buổi chiều mùa hè)

 

“Buổi chiều mùa hè” trong thơ Quỳnh mới ngột ngạt làm sao giữa đông đặc những động từ mạnh và những tính từ tàn úa. Trong sự cùng quẫn của cảm xúc tiêu cực, nhân vật trữ tình đã để tiếng thở dài đào mồ chôn chính trái tim và tình yêu của mình. Giữa mùa hè, mùa của sinh sôi, nấm mồ tinh thần ấy đột nhiên trở nên phi lí hết sức. Thế là, người đọc đã bị đánh lừa ngay từ cái tiêu đề dịu dàng của bài thơ.

 

Cũng thế, dù chưa từng có duyên gặp mặt người thơ, tôi đồ rằng, vẻ mong manh của Quỳnh chẳng mảy may giống những câu thơ buốt chật linh hồn mà Quỳnh viết. Thơ Quỳnh trong nỗi tuyệt vọng quá đỗi đàn bà không ít lần khiến ta rã rời thân xác vì những ý niệm cuồng loạn, vì những cảm xúc thiêu đốt tận đáy sâu tâm can.

 

Những tình yêu mồ côi

sinh ra những tinh thần mồ côi vĩnh viễn

Những bài thơ ra đời

sự sinh sản vô tính của một nhà thơ nữ hoặc một nhà thơ nam

giao hợp bằng tinh thần khuyết tật đầy khát khao

 

hoặc những bài thơ sự sinh sản hữu tính khác

sự kết hợp tình yêu trong những đau khổ muộn màng đầy khắc khoải

tình yêu thiêu huỷ thế giới này

trước chữ nghĩa tình yêu trở nên giới hạn và vô vọng

không thể giãi bày sẻ chia

 

sự sinh sản hữu tính trở thành vô tính

tầm thường

sự vô tính trở thành nhịp điệu thường hằng như một thú mode thể hiện sự thành công mạnh mẽ phi thường

 

tình yêu thiêu huỷ

làm cho nát tan không hàn gắn

giữa 2 con người

một người đợi và cho

một người phí phạm vứt đi và không chờ nữa

 

họ không đối thoại với nhau

họ triệt tiêu nhau bằng im lặng phép lịch sự tinh thần của thế giới vô ngôn tưởng là thiền và có học đầy hiểu biết

 

họ im lặng giết nhau bằng thứ bao lực không âm thanh không giai điệu họ trốn tìm nhau như những con thú ác

 

tình yêu thiêu huỷ loài người

thiêu huỷ bản năng tự nhiên và cái Đẹp

trở thành mù loà

dang dở

ngay cả khi trên những đôi mắt kính lấp lánh niềm vui

tràn đầy thi ca

 

những bài thơ tràn đầy tuyệt vọng âm u

trượt ngã từ ngay chính từ tác giả

từ bạn đọc

không ai còn tin nhau

trao cho nhau nữa

họ cố thủ trong cái tôi định kiến

sự hẹp hòi đầy tăm tối

 

những cái hang không còn ánh sáng xuyên qua

những buổi hoà nhạc chỉ là một giấc mơ ở phía Tây bên kia đại dương

ở nơi nào đó, những con người đó, vĩnh hằng cô đơn như sự lựa chọn không thể khác của chính họ, của những cái Tôi không thể trở thành Trách nhiệm trưởng thành

 

có bao nhiêu cái hang, có bao nhiêu đời sống trong hang tối và không chịu thoát ra khỏi đó

 

nỗi buồn thời này chất chứa từ bao đời, từ quá khứ, từ hiện tại và tương lai chỉ là hy vọng hão huyền cho sự ảo tưởng khốn cùng

 

và vẫn phải tiếp tục

tiếp tục

 

sự sinh sản vô tính, hữu tính, ảo tưởng

cái chết và sự sống

như anh và em

một cuộc tình thi ca dở dang

những bài thơ mồ côi

sự sáng tạo mồ côi

sự chia sẻ mồ côi

cả những bạn đọc mồ côi

tuyệt vọng đến bao giờ

(Tình yêu thời này)

 

Nếu tình yêu là một thực thể, tôi tin là nó sẽ ngã quị ngay trước những dòng chữ kết tội sầu muộn bế tắc này. Quỳnh đã không còn tin vào tình yêu, không còn tin cả vào chữ nghĩa thi ca. Nỗi tuyệt vọng cùng cực đã đẩy Quỳnh đến những liên nối nặng nề giữa tình yêu, sự sáng tạo, nhà thơ và độc giả.

 

Nhưng may thay, giữa những tứ thơ siêu thực điên rồ, thơ Quỳnh vẫn còn những câu đẫm vẻ dịu dàng đời thường thế này:

lần đầu tiên nàng khóc trước đêm giao thừa

hoa thuỷ tiên trên bàn gỗ đã tàn

không nở vào lúc ấy

nước mắt của người đàn bà ngoài 30

như một đứa trẻ

nhớ nhà

 

lần đầu tiên nàng nhận ra

dòng máu An Nam của nàng đã cạn khô và tái sinh

như lúc này

nó chảy ra trong não của nàng

và tình yêu ấy quá bền lâu

khiến nàng thêm dằn vặt

khổ đau

 

chưa bao giờ nàng khóc những ngày giáp Tết

cả khi nỗi cô độc thanh xuân giữa thành phố hơn 6 triệu dân

nàng thanh thản mỉm cười

thế mà lúc này nàng khóc

giữa mùa đông Châu âu

 

nước mắt như một bông hoa héo

rơi xuống

lặng im

nước mắt rửa khô và hàn gắn

tình yêu tưởng như tan biến

tưởng như nát tan

giấu chặt

 (Giao thừa 16)

 

Những câu thơ khắc khoải tuyệt vọng sầu u thế này chỉ có thể là những câu thơ được viết ra bởi một người đàn bà say đắm.

 

em chả thể nào khóc được như thế

mà trong lòng đầy nước mắt héo khô

ước được là chim sải cánh dài vượt đại dương tìm anh

đậu trên vai anh

rồi biến mất

chạm vào tim anh

rồi chết đi

(Đi về phía biển)

 

Song tử có ba phần nhưng đọc phần nào, tôi cũng đều nhận ra nỗi khắc khoải của người viết trong mối liên hệ qua lại giữa tình yêu và thi ca, giữa chữ và người.

chữ làm tình làm tội

những tham vọng

thèm muốn

ngoài khả năng

chữ rửa tội

đôi tình nhân

tình tứ

trên bàn phím

trên những email

rửa tội những linh hồn

thoát xác

 

mỗi ngày chữ sinh ra

bao nhiêu luyến ái

bao nhiêu oán thù

ngày mai

chữ đi đâu

về đâu

cùng cái chết

chữ rửa tội

cho những tội đồ

vụng dại yêu đương

nhẹ dạ

tin chữ

hơn tin người

tin đời

 

chữ xưng tội

với người

trong hư vô

chữ nhìn thấy sự phản bội

ẩn náu tương sinh

trong hàm tương khắc

sinh khắc trong chữ như nhau

chữ biết tất cả bí mật

sự vô thức

cái chết ngập tràn

sự sống trong phút giây

vụt tắt

không tương lai gần xa

 

chữ như thân phận

như tình người

chung thuỷ

bạc bẽo

xa xôi

gần gũi

nát tan

 

còn chữ

còn tình

hết chữ

hết tình

hư vô

thương chữ

thương tình

 

tình đa đoan tình dang dở

thương người thương chữ thương tình tình thương

(Tình chữ)

 

Xuyên suốt tập thơ Song tử của Như Quỳnh de Prelle là bầu không gian của linh hồn với những ý nghĩ vốn ẩn nấp nhưng bị đào xới lên không thương tiếc. Chính vì cái không gian vừa mở vô biên vừa bó kín ấy mà thơ Quỳnh vẫn là khu vườn bí mật. Dường như Quỳnh, trong một nỗ lực bất thành hoặc một sự cố tình sắp đặt đã cố gắng dẫn thơ về quỹ đạo thường hằng của vũ trụ bằng những nhấn mạnh về mặt thời gian. Ngay phần đầu tiên, tập thơ có hẳn một chùm thơ nối nhau, mỗi bài viết cho một tháng (Chào tháng 3 và những cái chết trong tưởng tượng, Nỗi buồn tháng 4,  Tuyệt vọng tháng 5,  Thư tháng 6,  Niệm sinh tháng 7). Nhân vật thời gian xuất hiện khá thường xuyên trong tập thơ (mùa, ngày, tháng), như một níu kéo, một neo đậu để mọi ý nghĩ xa xôi đến mấy cũng còn chỗ quay về.

 

Vẫn trong đám mây mù ý niệm, tôi đọc thơ Quỳnh và cố gắng hiểu vì sao Quỳnh đặt độc giả vào những trạng huống tinh thần khác thường ở những thời điểm, thời đoạn tưởng như bình thường nhất. Ngoài chuyện cố tính gây hiệu ứng xung động mạnh cho độc giả bằng thứ gia vị nghịch lí, tôi vẫn cho là còn có lí do nào đó khác mang màu sắc cá nhân của người viết. Liệu có phải rằng, Quỳnh đang tự sự về mình, giữa một cuộc đời ấm êm, giữa những giây phút thanh bình nhất của đời thường, cô vẫn luôn tìm thấy điều gì đó nhói buốt tâm can khi tự đào sâu vào nội tâm của chính mình. Dường như, nội tâm cô vẫn luôn quẫy đạp đòi hỏi được sống kiệt cùng.

 

Tôi đoan chắc cũng chính vì tinh thần tự bứt phá và giải phóng ấy mà Quỳnh chọn lối thơ tự do, với cách ngắt dòng bất qui tắc, với nhịp thơ phóng túng. Đáng kể là tập thơ có sự góp mặt của thơ văn xuôi, với lối kết hợp ngẫu hứng của việc kể và việc tỏ bày trong hình hài của một tự sự thơ.

 

Nàng cắt từng ngọn cây non trên hàng rào xanh như ngọc của mùa xuân đang hết dần

từng ngọn từng ngọn một, từ cao đến thấp, từ xanh già đến xanh non

cho thật bằng nhau cân đối của khuôn hình hàng rào như một bon sai sắp đặt

sự tỉ mỉ của việc làm vườn cho nàng ngưng lại những ý nghĩ điên loạn trong thoáng chốc

rồi nó lại bừng lên rạng rỡ sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong 2 bán cầu não của nàng và 2 trái tim bập bùng như lửa

cắt cây trong vườn tỉ mỉ tỉ mỉ làm nàng nhớ có những lúc nàng cần điềm nhiên như thế này khỏi cơn nhớ anh nhớ thời gian xa cách bằng một buổi sáng

dù có lúc nàng diễn dịch sai hoàn toàn thiện chí của người đàn ông mà nàng đang yêu

và không thể chính xác như từng ngọn cây bị cắt thật bằng phẳng của đôi bàn tay dài trơ xương của nàng

nàng thích vườn, cây cối, hoa và cỏ. có lúc nàng lười biếng nằm nghe tiếng chim liến thoắng cùng tiếng gió đung đưa cùng nắng và mặt trời trong đôi mắt kính màu nâu sẫm. tiếng máy bay trực thăng ầm ầm ngay trên đầu.

nàng sợ ánh sáng tự nhiên chói loà như hào quang lấp lánh của sân khấu của các nhà hát, của những cuộc gặp gỡ, hò reo.

nàng chui mình vào một lỗ cây mận đang trĩu quả bị sâu cùng với cành hoa lys gẫy, nằm nguyên đó cảbuổi chiều thanh vắng, tiếng chuông nhà thờ ngoài phố vang vọng chả khiến nàng ngân lên chút cầu nguyện nào.

nàng chôn cả mùa hè xanh như ngọc vào những buổi chiều ngoài vườn.

(Làm vườn 1)

 

Như Quỳnh de Prelle, có lẽ cũng đồng điệu với Charles Simic – nhà thơ người Mỹ khi coi những bài thơ văn xuôi là “kết quả của việc cố gắng thoát khỏi bản thân”, là “sự do khỏi trí tưởng tượng và bộ não của chính mình, dấn thân vào cuộc phiêu lưu với những hệ quả không thể lường trước”. Tuy nhiên, thơ văn xuôi của Quỳnh chưa phải là “đứa con quái đản của hai chiến lược không tương thích, trữ tình và tự sự” bởi trong những câu chữ mềm mại du dương được cố tình kéo dài trên đây, tôi vẫn nhận ra một thứ nhịp điệu của cảm xúc khiến phần thơ vẫn là phần dẫn dắt.

Dù đã đọc đi đọc lại tập thơ không biết bao nhiêu lần, tôi vẫn luôn cảm thấy bị bao vây khi cố gắng đột nhập thế giới của riêng Quỳnh bởi thứ chữ lắm khi cố tình giấu nghĩa nhưng lại tuôn bất cẩn không dè chừng không lấp liếm, không giấu che. Mỗi bài thơ hãy còn là một thử thách với riêng tôi. Tập thơ dù đã được tôi đọc ròng rã mấy tháng trời vẫn còn niêm giữ vẻ bí ẩn khó đoán của nó. Bởi thế, tôi không cho là mấy dòng cảm nhận đơn giản tôi được hân hạnh viết ra đây ảnh hưởng gì tới việc thưởng thơ của bạn. Nếu yêu thơ, xin mời nhập cuộc. Có điều này, tôi phải nhắc: thơ Như Quỳnh de Prelle không dành cho những người yếu tim.

 

NGUYỄN THỊ THANH LƯU       
Sài Gòn, 28/11/2016

 

 

       

 

Ý kiến bạn đọc
26 Tháng Ba 20171:11 SA
Khách
Một sự đột phá
vừa lạ lẫm
vừa mới mẻ....
nhưng, rất quyến rũ
tuy... chút e dè
chút cởi mở
vì...muốn khám phá
vẻ bao la
vẻ mượt mà...
của thế giới chữ
mà chữ thì ...
mênh mông...
rất mênh mông...
chưa một lần dừng
cho ai đã từng...
thích ...rồi dấn thân
và cứ thế
đắm say
say đắm...
nhìn ngày bảo đêm
xoáy vào đời
suy nghĩ
...chả giống ai !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84092)
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916 tại quê ngoại, xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, nhưng lớn lên tại quê nội thị xã Thu Xà, xã Nghiã Hoà. Hai nơi đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mất ngày 17/1/ 1946, tại Thu Xà.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 92540)
Nguyễn Thị Thảo An sinh ngày 03 tháng 2 năm 1960 tại Sài Gòn, tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn, hiện định cư tại Kennesaw Georgia, USA . Tác phẩm : *Tuyển Tập (in chung với 4 tác giả khác) *Bức Phù điêu Khắc Cạn (tập truyện, Văn Mới 2001)
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85056)
LTS: Lê Vương Ngọc tên thật là Lê Đình Quỳnh, xuất thân là giáo sư tư thục Trung học các trường Hưng Yên, Hải Phòng thập niên 1950 và Sài gòn 1960. Ông nhìn vấn đề văn hoá như một “hobby” – Làm thơ, dịch sách, nghiên cứu, biên khảo nhiều về Phân tâm và Di truyền học – Theo quan niệm phê bình sáng tạo của Oscar Wilde…
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 87843)
Bạn có thấy đâu đó, người ta bày bán ba hình tượng ngồi riêng rẽ với hai bàn tay bịt kín hai mắt, bịt kín đôi tai, bịt kín miệng? Hay có lúc ba người ngồi chồng lên nhau theo thể hình tháp. Đứng nhìn lâu, có chút sảng khoái ở nghệ thuật mời chào. Nhưng đem về tập tành chủ nghĩa sống theo. Không thấy. Không nghe. Không nói. Bạn mới thấy nỗi niềm của từng nhịp thở ở đôi tay người.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 114266)
Em Người đàn bà sống dậy lúc nửa đêm icon bật sáng Lang thang trong thế giới ngôn từ Đi về bằng đôi chân giả Dối gạt nhau qua lũ hình nhân sặc sỡ Sắc màu
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 73528)
Một cái chết tức tưởi, phi lí như thân phận con người trên cõi đời, như Albert Camus đã nhận xét trước kia. Ở tuổi 46, hai năm sau ngày lãnh giải Nobel. Trong túi xách của ông có đựng bản thảo cuốn tự sự hư cấu còn dang dở Le Premier Homme (Người đầu tiên), kí ức tặng mẹ, “người sẽ không đọc được nó’’. Cây ngô đồng (không hiểu sao) nay không còn nữa, chỉ có đài tưởng niệm dựng ở ven làng. (1)
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 95367)
Sự thật là tôi không khóc khi chị cướp mất người đàn ông của tôi. Chị trơ trẽn mơn trớn anh ngay trước mắt tôi, rồi lại giả đò lúng túng vì những hành động ấy. Giá tôi có thể đẩy chị về nơi thật xa. Đẩy chị vào khoảng không vô chừng của bóng tối, trong sa mạc, cát bụi.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 82485)
Thật trơ trẽn, chúng nó hít hà, giá mà bóp vú em - dù chỉ qua lớp áo bà ba và áo nịt - được cái thì dù tử thần bảo phải nhượng cho mươi tuổi thọ, chúng cũng ký cả hai tay. Chàng cười diễu, bọn mày chẳng biết thế nào là tình ái. Chẳng chịu khó tìm phương đến đích. Nếu chinh phục được họ, sá gì hai quả đào mưng sữa kia chứ, bao nhiêu hầm mỏ ruộng nương mà các cô không dâng sạch cho tình lang?
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 94342)
...Cô y tá nựng tôi! Tôi chồm lên ngang vai rồi liếm vào mồm, cô ngã ngửa ra, tôi tiếp tục vồ lấy. Tôi hôn cô. Tôi hít cô. Tôi xé quần áo cô. Tôi kiên quyết không rời cô. Tôi không có ý thức, mà cũng chẳng biết đạo đức là gì? Tôi đã tấn công cô y tá, đấy là họ bảo tôi thế, có người bàn thiến hai hạt dái của tôi...
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 93894)
Nơi nào mùa xuân bắt đầu? Mùa Xuân bắt đầu từ những mầm cây non còn ngủ sâu dưới lòng đất giữa mùa Đông giá buốt. Chúng là những đứa con của các cây bố cường tráng, khỏe mạnh; và những cây mẹ dẻo dai, sum suê kết quả suốt mùa Hạ thơm lừng; sau những đêm ấm nồng lửa nhiệt đới và mặt trời không bao giờ tắt giữa đôi tay. Các bố mẹ cây gửi tình yêu của họ trong bọc lụa theo gió, để những đứa con mang mùa Xuân đến cho mặt đất và muôn loài.