- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

“QUÂN CHỦ LẬP HIẾN”: ĐOẠN KẾT MỘT THỜI ĐẠI, 1925-1927

26 Tháng Hai 201711:42 CH(Xem: 31670)

 


Emperor_Khai_Dinh_1916

    Vua Khải Định 1916


Ngày 23/4/1925, Toàn Quyền Merlin về nước. Maurice Monguillot, Thống sứ Bắc Kỳ (từ 27/2/1921 tới 5/7/1924), lại được XLTV Toàn Quyền [tới 18 /11/1925], dù tháng 7/1925, Tổng trưởng Thuộc Địa Léon Perrier đã cử Dân biểu Alexandre Varenne (1870-1947)—một lãnh tụ Xã Hội của Đệ Nhị Quốc Tế nổi danh—sang Đông Dương để thực hiện những đổi thay cần thiết giữa thời không mệnh danh là “tăng trưởng kinh tế.”

Trong bảy tháng Monguillot cầm quyền, nhiều đám mây đen dấy cuộn tràn vào Đông Dương, đe dọa trực tiếp an ninh, trật tự. Vấn đề sức khỏe Nguyễn Phước Tuấn mang từ Pháp về và việc nối ngôi ở Huế là mối quan tâm hàng đầu. Kế đó, Cử Nhân Châu—lãnh tụ phong trào Đông Dumới đổi tên Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng hơn nửa năm trước, sau tiếng bom Sa Diện, và mối liên hệ ngày thêm thân thiết giưa Mat-scơ-va với Trung Hoa Dân Quốc [THDQ] tại Quảng Châu. Thứ ba, mối hồng họa từ Quảng Châu thẩm thấu vào Đông Dương bằng cả đường bộ, đường biển, và truyền thông, báo chí—Lý Thụy [Li Jui] hay Trần Vương [Chen Vang] đã được xác nhận ngày 8/1/1925 chẳng là ai khác hơn Nguyễn Sinh Côn, tức Nguyễn Tất Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc mà Monguillot cùng Mật thám Pháp khẳng định từ đầu năm 1920 chỉ là một người, (1) hiện đang quấn quanh thân hình gày gò ngọn cờ hồng thêu búa liềm của Mat-scơ-va, với sự tiếp sức của liên minh Quốc Dân ĐảngCộng Sản Đảng Trung Hoa từ tháng 11/1924. Việc Phó bảng Trinh về nước, với ô dù Lập Hiến, cùng vụ án Phan Bội Châu sắp tới ở Hà Nội cũng sẽ không kém nhức đầu. Đó chỉ là vài ba tia lửa điện tiêu biểu có khả năng tạo nên những đám cháy rừng. Dĩ nhiên, còn vấn đề quán tính của toàn thuộc địa: những biến đổi giây chuyền của các chương trình phát triển kinh tế, như mộ phu mỏ, thợ cạo mủ cao su, sự căng thẳng giữa khoảng 30,000 Pháp kiều và dân bản xứ, khoảng cách biệt ngày một sâu rộng giữa thành thị và nhà quê, vấn đề công quản, thuế má, giáo dục, v.. v…

1. Báo cáo ngày 7/2/1920 của Nha Sưu Tầm và Mật Thám, Chính phủ Liên bang Đông Dương (Sài Gòn), gửi Sở Truy Tầm Nha Kiểm soát Các Đoàn Dân Thuộc Địa Đông Dương (Paris); CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries III, “Général”, carton 29.

 

I. SỰ BẾ TẮC CỦA LẬP TRƯỜNG HỢP TÁC:

 

Đầu thập niên 1920, trong khi các viên chức thuộc địa Pháp khẳng định hợp tác là chính sách duy nhất để cai trị thuộc địa giàu có nhất ở Á Châu, đa số người Việt quan tâm đến tương lai chính trị Việt Nam bắt đầu thấy sự bế tắc—nếu không phải khủng hoảng—của những vận động chính trị tại mẫu quốc, hay ngoại quốc. Thuộc địa là huyết mạch của Pháp, và vài ba chính khách, dân biểu hay văn sĩ, ký giả tả phái chưa đủ thay đổi cả một trào lưu thực dân đang ở mức cao nhất của thủy triều. Nuớc Pháp có nhiều điều hay, đẹp—như khẩu hiệu Tự Do, Bình Đẳng, và Thân hữu [Bác Ái]; một thể chế dân chủ hiến định; phân biệt giữa nhà nước và giáo hội—nhưng không phải tất cả những điều hay đẹp của mẫu quốc đều có thể xuất cảng. Những con “cá mập” [réquins] mà những trí thức trẻ như Nguyễn Thế Truyền, Dương Văn Giáo cùng chính khách tả phái như Constans, Moutet, đả kích chỉ là những con “cá mập” nhỏ. Nguồn gốc sản xuất ra giống cá mập đó, tức chủ nghĩa thực dân, nằm ngay tại Pháp, sự giàu sang và văn minh của nước Pháp. Thêm nữa, dù được tương đối tự do hoạt động, những người yêu nước Việt bị vây bọc bởi “liên đoàn danh dự nhặng báo,” thường được ngụy trang như những đồng chí thân thiết, nhiệt thành nhất. Hơn nữa, gần nửa vòng địa cầu cách biệt khiến những tranh đấu ở mẫu quốc không gây được kết quả hữu hiệu—chỉ mang đến, nói theo Phó bảng Trinh, những gói kẹo nho nhỏ sau trận đòn bầm tím vết roi. Bởi thế, nhiều người muốn về nước hay qua Trung Hoa hoạt động. Ngày 22/2/1922, chẳng hạn, Phó bảng Trinh từng khuyên Côn nên về nước tranh đấu. Nhưng tại Trung Hoa, Xiêm La, Singapore hay Việt Nam cũng có những vấn nạn riêng. Màng lưới tình báo Pháp và Trung Hoa đã gài được những mật báo viên bên cạnh Phan Bội Châu, rồi nhóm Tân Thanh Niên, hay “Lý Thụy.” (2)

2. CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries II, cartons 7 & 22; HC SPCE 368, d 1116 [18/10/1926, Nguyễn Sinh Côn cưới vợ]; Thư Lý Thụy gửi Tăng Tuyết Minh]; CARAN (Paris), F7-13405; Nguyên Vũ, Paris 1996,  (1997), tr 105.

 

Từ đầu thập niên 1920, các viên chức Âu Mỹ cũng đặc biệt quan tâm đến “Đệ Tam Quốc Tế” [Comintern]—đã bị một số trí thức Trung Hoa hiểu và dịch sai sang chữ Hán/Nho thành Quốc Tế Cộng Sản [International Communism], và/hoặc muốn cấy sâu hạt nhân sợ hãi trong đám đông về thế lực tử thù của các cường quốc thực dân và Giáo hội Vatican. Mặc dù Trung Hoa đang như người bệnh nặng—rã rời, phân hóa vì đủ loại sứ quân, nhưng chính phủ Nam Kinh dường hờ hững với các cường quốc, nuôi tham vọng thống nhất đất nước và hiện đại hóa quốc phòng qua sự tiếp tay của Liên Sô Nga.

Mối đe dọa của Marxist-Leninism càng hiển lộ hơn tại Đông Dương, khi từ năm 1921 một Đảng Marxist-Leninist Pháp ra đời, qui tụ nhiều dân bản xứ thuộc địa. Sự hình thành của Công Đoàn Liên Thuộc Địa trong Ban chấp hành Đảng Marxist-Leninism Pháp từ tháng 7/1921 khiến chính phủ Pháp chẳng còn lựa chọn nào khác liên minh với Hội Truyền Giáo cùng các cường quốc thuộc địa tìm phương sách khép kín cửa các thuộc địa hầu giảm thiểu ảnh hưởng ĐTQT. (3)

3 Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ, Kiện hay Không Kiện? (2016), tập 3, tr 19-20. Sau này, Ngô Đình Diệm đã từng chỉ trích việc chính phủ Pháp “nuôi dưỡng Đảng Cộng Sản Pháp.” Tuy nhiên, họ Ngô còn có những lỗi lầm lớn hơn, cho Nhu sử dụng những cán bộ tình báo chiến lược “phiến Cộng” như Vũ Văn Nhạ (cụm A-22), hay Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, hay Đai tá Đức ở Tình báo Trung Ương.

 

A. TỂ TưỚng HiỆp Sĩ Vatican:

Từ năm 1922, Khâm sứ Pasquier đã nghiên cứu kế hoạch để thực hiện chế độ trực trị sâu sát hơn ở Huế—hay, chính trị học hơn, thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến tại An Nam [tức “Trung Kỳ”]. Bởi vậy, khi Cơ Mật Viện trưởng Tôn Thất Hân (1854-1944) đến tuổi hồi hưu, do sự vận động của Giám mục Huế và Vinh (tức GM Francois Belleville, thay Pineau ngày 9/2/1911), tháng 2/1923, Pasquier đặc cách Pierre Nguyễn Hữu Bồi lên Cơ Mật viện trưởng thay Hân, kiêm nhiệm bộ Lại. Không những chỉ là con chiên ngoan đạo, chủ một trang trại rộng lớn tại Cam Lộ, Bồi còn được Pius XI tiếp kiến và phong chức Hiệp sĩ.(4)

 4. J B Roux, “Un grand mandarin catholique en Annam, Son Excellence Nguyen Huu Bai; ” Bulletiin  M.E.P. [Thành tích biểu Hội Truyền Giáo Hải Ngoại], (1935), p 764; Nguyễn Tiến Lãng, 1939, pp 135-137.

 

Hai năm sau, khoảng tháng 7/1925, Thân Trọng Huề đột ngột chết bệnh, Pasquier đặc cách Pierre Bồi làm Tổng lý Nội Các (Tể tướng), kiêm giữ bộ Lại. Ghế của Thân Trọng Huề tạm bỏ, chia cho Hồ Đắc Trung kiêm thêm bộ Học, Võ Liêm thêm bộ Binh. Phạm Văn Thụ vẫn giữ bộ Hộ; và, Tràn Đình Bách, bộ Hình. (5)

5. Nguyễn Tiến Lãng, 1939, pp 135-137. Ba năm sau, Bồi lại  đuọc Vatican cho huy chương Saint Grégoire le Grand; và hai năm sau nữa, 1931, được phong Hiệp sĩ (Commandeur de l’ordre de Pie IX).

 

Thông minh, tham vọng, Pierre Bồi trung thành tuyệt đối với Pháp, dù có những dị biệt nho nhỏ khi thi hành lệnh thượng cấp. Suốt những năm dài ở Huế, Bồi thiết lập một thứ "vương quốc trong vương quốc" bằng cách chiêu mộ giáo dân Ki-tô thành một thứ đảng chính trị không tên, dù rất quyền lực. Con rể Bồi, Ngô Đình Khôi (?-1945), con cả Ngô Đình Khả, nhiều năm núp bóng cha vợ ở Huế, sau khi Bồi lên làm Thượng thư Bộ Lại năm 1917, từ chức Chủ sự [chánh lục phẩm, VI:1] tại Phủ Phụ Chính đi ngồi Tri huyện Phù Cát [tòng lục phẩm, VI:2]; rồi Tri phủ Tuy An (Phú Yên, VI-1); Án sát [chánh ngũ phẩm tới tứ phẩm, V:1-IV:2] Phú Yên. Năm 1920 lên Bố Chánh Bình Định. Sáu năm sau, 1926, thăng Tuần vũ [tam phẩm, III:2] Quảng Ngãi. Bốn năm sau nữa, 1930, lẹn tới Tổng đốc [nhị phẩm, II:2] Quảng Nam-Quảng Ngãi. (6)

 6. Gouvernement General de l'Indochine [GGI],  Souverains et notablilités de l'Indochine.  (Hanoi:  IDEO, 1943), p 42. Trong bảy anh em họ Ngô, chỉ có Diệm và Cẩn không có tiểu sử trong ấn bản Souverains et Notabilités năm 1943 này. Vì lý do nào đó, không ghi ngày sinh của Khôi hay Thục. Sinh quán của Khôi ghi “Đại Phong Lộc.”

 

Con nuôi Bồi, Ngô Đình Diệm, em Khôi được tập ấm cửu phẩm năm 1915, rồi tốt nghiệp khóa Pháp chính ở Huế năm 1922—có bài đăng báo trên Đô Thành Hiếu Cổ [Bulletin des Amis de Vieux Húe]—và bốn năm sau ngày tốt nghiệp, trở thành một quan trẻ gương mẫu, với những lời truyền tụng thanh liêm, dù khắc nghiệt, tàn nhẫn với các phạm nhân—tương lai chính trị đầy sáng lạng. Điều duy nhất khiến Bồi không hài lòng là Diệm chưa chịu biến “mối tình lớn” đầu đời thành hôn lễ—con gái út Bồi đã mòn mỏi đợi chờ, và có ý chọn đường tu hành, vào dòng tu Carmel. Không một chi tiết nào khác hơn được biết ngoài lời tâm sự của Diệm với Đại tá Edward E Lansdale ba chục năm sau: Diệm đã quên mối tình đầu đời để phục vụ giáo dân Việt. (7)

7. Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (2004), tr 11, 386chú 4.

 

Dù đã lên tột đỉnh danh vọng—sau hơn 40 năm vào luồn, ra cúi—Pierre Bồi hiểu rõ hơn ai hết nỗi khủng hoảng thường trực trong nỗ lực phục vụ Pháp. Thực chất, Bồi cũng chỉ là một trong những công cụ cho viên chức Pháp hoàn tất nhiệm vụ. Cộng đồng Ki-tô chỉ là thiểu số, sấp sỉ từ 5 tới 7 phần trăm dân số, đang bị rút dần vào thế thủ, hy vọng bảo vệ sự thành đạt, thu gặt được suốt năm, sáu chục năm qua. Trong khi đó, viên chức Pháp linh hoạt thi hành nguyên tắc “chia đê trị” [Il faut divider pour régner] như Bộ trưởng Thuộc Địa Léon Perrier nhắc đến trong buổi bàn thảo với Toàn Quyền chỉ định Varenne ngày 15/9/1925. (8)

8. CAOM (Aix), INF, carton 276, d. 2423.

 

Kẻ thù mới—mối hồng họa ác quỉ—không chỉ giới hạn, cô lập và lỗi thời như các “râu dê” mọt sách bị gạt ra bên lề lịch sử. Mối hồng họa ở Quảng Châu, Xiêm La, Pháp hay Nga cũng không chấp nhận tự cô lập với những lời hô hào, tuyên truyền xuông. Nó là một thế lực chính trị nẩy nở từ lòng thù hận và biến căm thù thành bạo lực, dựa trên nguyên tăc liên lũy hành động và cải thiện hay sửa sai theo thực tế [Praxis]. Một đế quốc ác quỉ đang thành hình. “Những kẻ ngoài vòng pháp luật quốc tế” đang cao giọng hò hét “kách mệnh,” đánh giá tư sản là “tang chứng của sự trộm cắp, bóc lột tài sản chung,” nên ca ngợi, thúc dục “đấu tố” qua những “tòa án nhân dân,” chửi rủa, đánh đập, cướp đoạt nhà cửa, thóc gạo và toàn bộ tài sản để chia chác với nhau. Chúng ví nhà thờ như thuốc phiện, đe dọa quốc hữu hóa tài sản Hội truyền giáo. Chúng gọi trường học là nhà tù, gia đình là nhà tù, chính quyền hiện hữu là bạo lực áp bức. Sự biệt phân duy tâm/linh và duy vật/đấu tranh giai cấp tự trình diễn thế đối đầu bất khả khoan nhượng, chỉ có thể chấm dứt bằng sự ngừng hiện hữu của một phe. Mọi hòa giải chỉ tạm bợ và giai đoạn. Đấu trí chỉ là một khía cạnh của cuộc tranh đấu không ngừng  này. Những thuật ngữ “tả” hay “hữu” trở thành vô nghĩa. Chĩa họng súng vào ngực nhau để bóp cò, và hò hét như trong một cơn đồng bóng trở thành hoạt cảnh quen thuộc. (8)

8. Marr, Tradition On Trail, 1981, pp 82-88;  J M Thich, Vấn Đề Cộng Sản (Qui Nhơn: 1927); Thư ngày 12/11/1929, Gendreau, TGM Hà Nội, gửi RST; CAOM (Aix), GGI, carton 326, d 2637.

 

B. Nguyễn Sinh Côn Tại Hoa Nam, 1924-1927:

Trong văn sử cổ điển và tài liệu tuyên truyền của Đảng “Cộng Sản Việt Nam,” chuyến đi vào thực tế ở Quảng Đông là một bước ngoạt lịch sử. Chỉ trong nửa năm đầu 1925, Nguyễn Sinh Côn đã thực hiện được một số công tác đáng kể. Trước hết, cùng Liêu Trọng Khải, một người Mỹ gốc Hoa, thành lập Á Tế Á Bị Áp Bức Zân Tộc Liên Hợp Hội—một liên minh hai dân tộc bán thuộc địa và thuộc địa chống lại thực dân tư bản. Hai năm sau, trước khi Tưởng Giới Thạch xuống tay “thanh Cộng,” trục xuất Borodin, một tổ chức tự xưng Bị Áp Bức Zân Tộc Liên Hợp Hội cho in Đường Kách Mệnh, tập hợp những bài giảng dạy chính trị cho các học viên Thanh Niên ở Quảng Châu của Côn—những bài học vỡ lòng về “Lao Nông Quốc Tế” hay “Quốc Tế Cộng Sản.” Việc phiên dịch thuật ngữ “International Communism” thành “Quốc Tế Cộng Sản” từ năm 1925 chứng tỏ Côn cũng đã bắt chước sai lầm của nhóm Trần Độc Tú-Lý Đại Chiêu, vì thuật ngữ communism, vốn chỉ có nghĩa công hữu hay công sản. (9)

9. Đường Kách Mệnh (1927), ấn bản Bị Áp Bức Zân Tộc Liên Hợp Hội, Tuyên truyền bộ; trích in trong Văn Kiện Đảng Toàn Tập [VKĐTT], I:1924-1930 (Hà Nội: 2002), tr 15, 24-25 (kách mệnh là gì), 38-39 (kách mệnh Nga, đảng cộng sản) 45 (Đệ Tam Quốc Tế là một đảng Cộng Sản thế giới) [15-82].

 

2. Việt Nam Kách Mệnh Thanh Niên Hội: Một trong những công tác đầu tiên của Nguyễn Sinh Côn, là tập họp và tổ chức một số Việt kiều tại Hoa Nam thành Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Hội [VNKMTNH], hạt nhân Đệ Tam Quốc Tế trong khuôn khổ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Quốc Tế. VNKMTNH thực ra là cơ cấu ngoại vi để thu hút các thanh niên yêu nước. Phía sau tổ chức này có một bộ phận bí mật, tức Đoàn Cộng Sản, hạt nhân của cả tổ chức, do đích thân Côn tuyển chọn [tức Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Đồng Chí Hội].

Theo báo cáo của Côn về hoạt động trong hai tháng cuối năm 1924, những nhân vật nòng cốt của VNTNKMH gồm 9 người. Hồ Bá Cự, (tức Quốc Đống, con Hồ Bá Kiên, cháu nội Hồ Bá Ôn, cháu họ Hồ Học Lãm. Qua TH từ năm 1919, và từng trở lại Nghệ An năm 1923 qua đường giây Ban đôn, (Phichit), đông bắc Xiêm [Siam]. (10)

10. Hồng Hà 1980:163,170; Hoàng Văn Hoan, Giọt Nước Trong Biển Cả (Beijing: 1987), tr 40-54.

 

Lê Huy Doãn, tức Lê Hồng Phong [chú họ Lê Như Vọng], Lê Quảng Đạt [năm 1931 có nhiệm vụ tổ chức binh lính ở Thượng Hải], Nguyễn Công Viễn, Trương Văn Lễnh [Vân Lĩnh] (1902-1945) [Đạo gốc, học chủng viện Xã Đoài, Nghệ An. 1923, trốn qua Xiêm], Lưu Quốc Long. Trong số này có các sinh viên sĩ quan trường Hoàng Phố, khai mở khóa I ngày 16/6/1924, do Phan Bội Châu và Nguyễn Cẩm Giang giới thiệu với Trung Hoa Quốc Dân Đảng

Ba tháng sau—nhờ sự giúp đỡ của các cố vấn Nga và QTCS trong phái bộ Mikhail Borodin—Nguyễn Sinh Côn giới thiệu một nhóm khác vào trường nông dân Quảng Châu. Đồng thời, từ năm 1924, Nguyễn Sinh Côn đã mở ngay những lớp huấn luyện chính trị nhập môn cho những cán bộ của Phan Bội Châu và Nguyễn Cẩm Giàng, kể cả Viễn, Cự, Phan. Nếu tin được Hoàng Văn Hoan, Đảng THCSĐ—lúc này đều gia nhập THQDĐ của Tôn Dật Tiên—giúp đỡ từ lương thực tới việc giảng dạy.

Sau lớp huấn luyện vỡ long về nghệ thuật tuyên truyền và tổ chức, đa số học viên được gửi về trong nước xây dựng cơ sở như Lê Huy Lập (Giáo Lập, hay Hoàng Lùn), thư ký vùng Nghệ An và Hà Tĩnh. người đã đưa hàng chục thanh niên qua Quảng Châu trong năm 1926. Từ năm 1927, những nhân vật như Trần Xu, Hoàng Văn Hoan, v..v... mới bắt đầu có tiếng tăm.

Tại Bắc Kỳ, cơ sở đầu tiên là tiệm sách của vợ chồng Nguyễn Công Viễn. Sau đó, khoảng tháng 9/1926, Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ) về Hải Phòng mở một đường dây liên lạc giữa nội địa với Quảng Châu. Năm 1925, Bằng được một cán bộ CSTH Cẩm Xuỳn giới thiệu với vợ chồng Ích [Hồ Bá Cự], rồi Trần Vương ở Quảng Châu-Sa Diện, và được kết nạp, dự huấn luyện. 2 lần một tuần, rồi tình nguyện về nước hoạt động. (11)

11. Nguyễn Lương Bằng, “Những lần gặp bác;” Đầu Nguồn, tr 18, 21-22 [17-41]

 

Tại Nam Kỳ, mãi tới mùa Thu 1926, hai cán bộ VNKMTNH đầu tiên là Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi (Lợi Lù) mới vào Sài Gòn xây dựng cơ sở. Tôn Đức Thắng (1888-1980) gia nhập Thanh Niên từ năm 1926, trở thành Thư ký Kỳ bộ Nam Kỳ.

Qua năm 1927, Kỳ bộ Sài Gòn được tăng cường thêm Phạm Văn Đồng, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng. Phạm Văn Đồng sinh ngày 1/3/1908 [1906] tại Thị Phố Nhì, tổng Lai Đức, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi—con một quan trong triều Huế (Phạm Văn Ngà?); mẹ là Nguyễn Thị Tuần—từng học ở Huế. Sau ra Hà Nội, vào trường Bưởi (Collège du Protectorat). Năm 1925, Đồng bí mật qua Quảng Châu, học lớp huấn luyện của VNKMTNH. Về nước, năm 1926, Đồng bị trục xuất khỏi trường vì tham gia bãi khóa để tang Phan Chu Trinh. Tuy nhiên, Đồng tiếp tục ở lại Hà Nội, cố thi bằng Tú Tài I. Trượt liền hai khóa, Đồng vào Nam, kiếm cách trốn qua Pháp. Thất bại, Đồng đành nhận chân dạy Pháp Văn ở Chợ Lớn độ nhật. (12)

12. CAOM (Aix), INF, c.360/d.2848.

 

Một số đảng viên được giới thiệu vào các trường huấn luyện của Trung Hoa, Lê Văn Nghiệm [tức Lê Như Vọng], học lớp Nông dân vận động, rồi giáo đạo đoàn [295], trường Hoàng Phố], tham gia chiến dịch đánh Trần Quýnh Minh [295], phá Nguyễn Hải Thần-Đàm Dâm Tây [296-297], gài đi ăn cắp tài liệu của Hồ Học Lãm [300] (13)

13. Lê Thiết Hùng [Lê Văn Nghiệm], “Mãi mãi nhớ ơn người;” Đầu Nguồn, tr 288-289, 292, 295-297, 300 [287-310]

 

Trần Phú, tức Năm Lé, được gửi thẳng qua Nga, theo học trường Stalin. Lê Huy Doãn, đã bỏ Việt Nam Cách Mạng Đảng, gia nhập Thanh Niên, rồi học trường Không Quân Quảng Đông, trước khi qua Nga huấn luyện tiếp với bí danh Mikhail Litvinov; nhưng không tốt nghiệp khóa phi hành, nên được Nguyễn Sinh Côn đề nghị chuyển qua KUTV hay KUTB huấn luyện kỹ thuật tuyên truyền [agitprop] và thực hiện cách mệnh [apparatchiki]. Litvinov Doãn còn được gia nhập Đảng Marxist-Leninist Nga. Tổng cộng có 7 người Việt gửi qua Nga theo lối Trung Hoa.

Nhưng đa số học viên KUTV người Việt do đảng Marist-Leninist Pháp giới thiệu—qua các trung tâm sơ tuyển ở Paris, Marseille hoặc Le Hâvre. Trong số này có ba anh em họ của Nguyễn Thé Truyền, hai anh em Đặng Đình Phúc, sinh năm 1908, chủ khách sạn Công Đoàn Liên Thuộc Địa, và Thomas Đặng Đình Thọ, gốc Bắc Ninh, mật báo viên của Pháp, thư ký Tổng Công Đoàn Lao Công Le Hâvre (1928-1930), năm 1932 đổi tên thành Đông Dương Tổng Hợp Hội. Theo Pasquier, từ đầu năm 1929, Đặng Đình Phúc còn có chân trong ban chấp hành Hội tương tế Lao động Đông Dương ở Le Hâvre, một chi nhánh của Đồng Phàp Thân Ái, thành lập năm 1923. Ngày 20/2/1927, đổi tên thành Hội tương tế Đông Dương, để thu nhận cả sinh viên. (14)

14. CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries III, carton 1; Nguyên Vũ, Paris Xuân 1996 (1997), tr 104-106.

 

Ngoài ra, còn những cán bộ lừng lẫy như Nguyễn Ngọc Minh, Dương Bạch Mai, Nguyễn Khánh Toàn, v.. v..

 

3. Kinh Nghiệm Nông Hội :

Nhiệm vụ chính yếu của Nguyễn Sinh Côn, thực ra, là học hỏi kinh nghiệm tổ chức “nông hội.” Bởi thế phần nhiều thời gian của Côn dành cho các nông hội ở phía đông Quảng Đông, mà theo nguồn tin Đảng CSTH lên tới hơn 500,000 xã viên. Đây có thể là những bài học bổ túc trong kỹ thuật người giết người đã thu thập được ở Nga; tiếp giúp Côn và thuộc hạ những kỹ thuật đấu tố, hay văn hoa hơn, “kách mệnh thổ địa.” Người ta thường nghĩ rằng “đấu tố” chỉ xảy ra từ năm 1952-1953, dướp áp lực của Mao Nhuận Chi và Josef Stalin. Thực ra, truy giết “tư bản” địa chủ, cùng cường hào, trí thức đã được nhóm Trần Phú thực hiện ở Nghệ-Tĩnh—qua khẩu hiệu “trí, phú, địa, hào; đào tận gốc, trốc tận ngọn.” Đợt tàn sát tập thể thứ hai, “thà sai lầm hơn bỏ sót” Việt Gian, Trốt-Kít, Phản Động v.. v.. kéo dài trọn năm 1945; với những lời hô hào “Hãy Triệt Ngay Bọn Trốt Kít,” hay “nhân tài quí thật, nhưng phải triệt hạ,” bằng những kỹ thuật như “mò tôm,” hay băm vằm bằng mã tấu, giáo mác vì cần dành đạn bắn Tây. Những ai từng sống trong giai đoạn 1945-1954, hẳn chưa quên hình ảnh những tử thi phình trương, thả trôi theo những bè lục bình của sông rạch. Đầu thập niên 1930 thì có cảnh dìm chét trẻ thơ mới vài ba tuổi, vì mẹ cha “đắc tội với tổ chức, tức nhân dân.”

Khoảng thời không 1924-1927, Nguyễn Sinh Côn còn được nếm mùi hạnh phúc hôn nhân quốc tế. “Pinot” Nguyễn Công Viễn tạo cơ hội cho Nguyễn Sinh Côn có người đầu gối tay ấp gốc Mai Huyện, đạo dòng, vừa hành xử như một trợ giáo về phong tục và thổ âm Quảng Đông.

VNKMTNH trong nội địa cũng có những khó khăn của nó. Tại miền Bắc, sự bành trướng rất nhanh của VNQDĐ, thu hút mạnh các binh sĩ, học sinh, trung nông, và thợ thuyền. Tại miền Trung, VNKMTNH chạm trán với tổ chức Hưng Nam của nhóm Trần Mộng Bạch, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt—đang phát triển sau những cuộc vận động hủy án chung thân của Phan Bội Châu (23/11/1925), quốc tang Phan Chu Trinh (4/4/1926), rồi sự xuất hiện của Chủ tịch Viện Dân Biểu Trung Kỳ Huỳnh Thúc Kháng, cùng sự ra đời của báo Tiếng Dân từ tháng 8/1927, với Đào Duy Anh, một lãnh tụ Hưng Nam, thân cận với Trần Mộng Bạch, Lê Văn Huân, v.. v.., phụ tá chủ biên. Mặc dù một số cán bộ ưu tú của Hưng Nam ngả hẳn về phía Côn sau ngày qua Quảng Châu bàn việc thống nhất—như Lê Duy Điếm, Trần Phú (1904-1931)—hay trực tiếp liên lạc với lãnh sự Nga như Hà Huy Tập (1906-1941), qua đường dây Đảng CS Pháp như Ngô Đức Trì—những lãnh tụ còn lại tìm đủ cách để bảo tồn danh tiếng và thế lực của Đảng mình. Những lời chỉ trích nặng nề cá nhân Nguyễn Sinh Côn hay tổng bộ Thanh Niên của Hà Huy Tập và Trần Ngọc Ranh—em trai Trần Phú—từ năm 1930 phần lớn đã phát xuất từ chiến lược “giác ngộ” cán bộ các đảng phái khác, cùng mưu đồ phá hoại những tổ chức chống Cộng, hay tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng hải ngoại được ghi lại khá đầy đủ trong các hồi ký của Lê Thiết Hùng, Hoàng Văn Hoan, v.. v.. Kế hoạch sử dụng đoàn viên Cộng Sản Lê Văn Nghiệm để hạ uy tín Nguyễn Câm Giàng-Đàm Văn Tây, hay cho lệnh Lê Văn Nghiệm tìm cách thân cận Đại tá Hồ Học Lãm để ăn cắp kế hoạch hành quân của Thạch cho thấy Côn không “đạo đức” như nhiều người hoang tưởng. Triệt hạ các đối thủ bằng mọi giá, kể cả việc “lợi dụng” bất cứ ai có thể lợi dụng để giành đoạt và độc quyền cai trị là hai trong những “thương hiệu kách mệnh” của Côn.

Siniskine [Cinitchkin] Tập cũng nhiều hơn một lần tố cáo Côn có vợ là “Fan Lan” Nguyễn Thị Vịnh (1910-1941), người được cử qua Mat-scơ-va huấn luyện từ 1934 tới 1937. (Các nhà nghiên cứu Việt tại văn khố Nga thường bỏ qua, không dịch chi tiết này)

 

C. PHAN BỘI CHÂU VỀ NƯỚC:

Ngày 30/6/1925—trên đường xuống Quảng Châu dự lễ truy niệm thứ nhất Phạm Hồng Thái, tương đương với ngày 7/7/1925, theo truyền thống sử dụng lịch ta—Phan Bội Châu bị bắt ở tô giới Thượng Hải, rồi đưa về nước, giam giữ tại Hỏa Lò, Hà Nội. Theo tin truyền khẩu, chính Cử Nhân Châu nói với người tù giữ việc ghi tên tù xuất nhập rằng “Trẩn Văn Đức” chỉ là tên giả người Pháp sử dụng trên đường giải giao Cử nhân Châu về nước.

Người công bố tin bí mật trên là Lê Dư, bút hiệu Sở Cuồng, đã bỏ Duy Tân Hội làm việc cho Liêm Phóng Pháp ở Hà Nội. Ký giả Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc—một thành viên của nhóm Phục Việt, do Giải Nguyên Lê Văn Huân, Tôn Quang Phiệt, và Trần Mộng Bạch bí mật thành lập năm 1925, qui tụ một số sinh viên, học sinh nhiệt huyết—vào tận Hỏa Lò điều tra và xác nhận Cử Nhân Châu đã chịu cảnh cá chậu, chim lồng. Được sự khuyến khích của các cựu lãnh tụ Đông Kinh Nghĩa Thục như Hoàng Tăng Bí, nhóm Phục Việt loan truyền tin trên và phát động phong trào xin ân xá vì ngày 5/9/1913, Cử Nhân Châu và Cường Để cùng bốn [4] người khác đã bị lên án tử hình khiếm diện.

Theo Niên Biểu hoàn tất trong thời khoảng 1926-1940, Cử nhân Châu bị bắt cóc, và trên đường dẫn giải về nước đã nhờ một người Hoa chuyển tin cho người quen. “Ông già Bến Ngự” kết luận rằng người “làm ma” cho Tây là Nguyễn Thượng Huyền—cháu gọi Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền, một lãnh tụ cao cấp của Quang Phục Hội, bằng ông chú. Nguyễn Thượng Huyền đã phải dùng phần cuối đời để giải oan, kể cả những trang ký ức trên bán nguyệt san Bách Khoa tại Sài Gòn đầu năm 1960. (15)

15. NB (Chương Thâu); PBCTT (2001), VI:262-263; Nguyễn Thượng Huyền, “Cụ Phan Bội Châu ở Hàng Châu;” Bách Khoa, số 73 (1/1960), tr  39-40. Đa tạ ông Khai Trí đã tặng một phóng ảnh bài viết của Nguyễn Thượng Huyền.

 

Nhưng năm 1948, nhân ngày giỗ thứ 8 Cử nhân Châu, Đào Trinh Nhất—người đã dịch Ngục Trung Thư tức Tự Phán ra quốc ngữ mới—đột nhiên dùng tờ Cải Tạo ở Hà Nội tố cáo chính Nguyễn Sinh Côn, lúc đó hóa thân thành Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đã bán Cử nhân Châu cho Pháp lấy tiền thưởng. (16)

16. Cải Tạo (Hà Nội), 30/10/1948;

 

Vài tác giả chống Cộng khác như Hoàng Văn Chí, Joseph Buttinger, P. J. Honey—một chuyên viên Bri-tên về Việt Nam—có cùng kết luận. Theo Honey, ngoài số tiền thưởng từ 100,000 tới 150,000 đồng [40,000-60,000 Mỹ Kim] còn có chủ đích dân và địch vận: loại bỏ Phan Bội Châu, một đối thủ không Cộng Sản, và lợi dụng án tử hình của Sào Nam để khích động nhân tâm. (17)

17. P J Honey, North Vietnam Today, (Cambridge: MIT Press, 1963), p 4; Hoàng Văn Chí, From Colonialism to Communism (New Dehli: 1966), tr. 13-4, 18; Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled, 2 tập  (NY: Praeger, 1967), I:156.

Honey là một học giả Bri-tên được các viên chứcMỹ rất tin tưởng. Ngày 26/9/1963, Honey thuyết phục được Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert S McNamara  là không thể chiến thắng với anh em họ Ngô—dẫn đến ba cái chết của Diệm, Nhu và Cẩn, cùng vạ tuyệt thông cho Tổng Giám Mục Thục; McNamara, In Retrospect, 1995, pp 74-75. Khâm sứ Vatican Salvatore d'Asta, đến Việt Nam từ 15/2/1963, cũng tin rằng nếu Nhu lên cầm quyền sẽ yêu cầu Mỹ triệt thoái để hòa giải, hòa hợp với BV; phía dưới vẻ bình lặng, Nam Việt Nam đã trở thành một bang cảnh sát trị, tra tấn diễn ra khắp nơi [The state had established a police state and perpatrated widespread torture]. Hà Nội đang tiếp xúc Nhu qua trung gian Pháp; McNamara, In Retrospect, 1995, tr. 74-5; AMAE (Paris), CLV, SV, d.46, tờ 272.

 

Lý do này có thêm sức thuyết phục khi xét đến tình trạng  năm 1924-1925 Lý Thụy đang “giác ngộ” những người ủng hộ Cường Để và Phan Bội Châu, kể cả con rể Sào Nam là Vương Thúc Oánh về “kách ngôn” của Lenin: “Không kó lý luận Kách mệnh thì không kó kách mệnh vận động;” chuẩn bị khai sinh tổ chức Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Đồng Chí Hội [VBTNKMĐCH]—hạt nhân của Đảng Cộng Sản Việt Nam [CSVN] mà Nguyễn Sinh Côn sẽ mạo nhận chỉ thị từ Đệ Tam Quốc Tế để khai sinh vào ngày 6/1/1930. (18)

18. Phóng ảnh Cứu Quốc (Nam Bộ), về lễ kỷ niệm thứ 18 khai sinh Đảng CSVN (6/1/1948); Chính Đạo, Hồ Chí Minh, I (1997), tr 247. Xem chi tiết trong chương sau.

 

Hơn nữa, việc dẫn giải Cử nhân Châu về nước—người bị án tử hình khiếm diện  từ ngày 5/9/1913—sẽ là cách đánh thức người Việt khỏi giấc ngủ suốt ba chục năm trước như Cử nhân Châu từng thúc dục “Dân ta ơi! Đồng bào ta ơi! Dậy! Dậy!” Những người viết hồi ký cho Cường Để nhắc đến vai trò Nguyễn Công Viễn, một trong ba nhân vật chủ chốt của Tổng Bộ Thanh Niên—vì Viễn từng hãnh diện tự nhận đã “đưa lửa vào trong nước,” tạo cho Pháp những khó khăn khi mang Cử Nhân Châu ra xét xử, đồng thời khích động tinh thần đấu tranh trong nội địa. (19) 

19. CĐCMCĐ, (1957), tr 120-121; Marr, Anti-colonialism (1971), pp 260-61.

 

Tư liệu văn khố Pháp xác định vợ chồng Nguyễn Công Viễn-Lương Huệ Quần là mật báo viên bí danh “Pinot.” Viễn cung cấp cho an ninh Pháp ở Hong Kong hình ảnh và hoạt động của Lý Thụy từ đầu năm 1925 tới năm 1927. Pinot còn chăm sóc Lý Thụy và Lê Văn Phan, một sát thủ, bằng cách lần lượt tìm cho hai người hai cô vợ cách mạng trẻ—Tăng Tuyết Minh (1905-1991), và Lý Phượng Đức (1912-1931), mới 15 tuổi, thua Phan trên một giáp. (20)

20. “Mission Noel;” CAOM (Aix), HC, SPCE 368, d 1116; Chính Đạo, Hồ Chí Minh, II (1993), tr 28-35; Brocheux, Ho Chi Minh (2003), pp 71-73.

 

Trong Dẫn nhập của bản dịch Tự Phán [Ngục Trung thư], do Đại học Ohio-Athens xuất bản, Marr cho rằng lời cáo buộc trên chỉ nhằm hạ uy tín Hồ Chí Minh [Nguyễn Sinh Cung]. Lập luận này có vẻ xuôi tai khi các khuôn viên Đại học Mỹ còn nhan nhản khẩu hiệu “Vạn tuế Hồ Chí Minh,” hay “Hồ Chí Minh muôn năm;” cùng lời sỉ nhục cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam là “sát nhân,” giết hại đàn bà con trẻ; hay Tổng thống Lyndon B Johnson là “war criminal” [tội phạm chiến tranh]. Nhưng Marr không đưa ra được bằng chứng khả tín nào để bác bỏ, hay bạch hóa hồ sơ cho Nguyễn Sinh Côn.

Nếu tin được trí nhớ Phan Bội Châu, tháng 8/1924, Cư Nhân Châu về Quảng Châu lo việc dựng bia tạm cho Phạm Hồng Thái. Rồi cùng Nguyễn Hải Thần vào gặp Tưởng Giới Thạch, Lý Tế Thâm và huấn luyện viên Nga tại Hoàng Phố [Huangpu]. Tháng 8-9/1924, hoàn tất văn kiện thành lập VNQDĐ, theo kiểu mẫu THQDĐ. Tháng 9-10/1924, Phan Bội Châu ủy Cự mang tài liệu VNQDĐ xuống Xiêm và vào trong nước, rồi trở lại Hàng Châu trước khi Côn từ Nga đến, dưới ô dù của Borodin.

Trong những lá thư của Phan Bội Châu, do Nguyễn Công Viễn dịch sang quốc ngữ bị cảnh sát Quảng Châu tịch thu ngày 31/1//1929 tại nhà Hồ Bá Cự—trước khi cùng Lê Văn Phan và Nguyễn Công Viễn di tản sang Hongkong—Cử Nhân Châu xác nhận:

(1) Trong giai đoạn 1924-1925, Lý Thụy ít nhất  hai lần gửi thư yêu cầu “Sào Nam” sửa đổi cương lĩnh VNQDĐ. (21)

21. Thư gửi Lý Thụy ngày 13/2/1925 (nhờ Cự tức Quốc Đống chuyển); CAOM (Aix), HC SPCE 354; PBCTT (2001), VI:458.

 

(2) Ngày 5 [4]/1/1925, Hồ Bá Cự và Phan Bội Châu “về tới Hàng Châu.” (22) Từ đâu về? Cự đột ngột gặp Cử Nhân Châu về việc gì?

22. Thư gửi Nguyễn Công Viễn ngày 14/1/1925 (nhờ Cự tức Quốc Đông chuyển).Ibid., HC SPCE 354; PBCTT (2001), VI:455-456.

 

(3) Ngày 13/2/1925, Cử nhân Châu viết thư cho Lý Thụy, khen ngợi tài năng xuất chúng, đã vượt trên cả hai “ông già đáng thương” Tây Hồ lẫn Sào Nam. Tại sao? Phan Bội Châu còn gợi nhắc việc đến nhà Phó bảng Huy, uống rượu, ngâm thơ, khi hai anh em Côn mới trên 10 tuổi. (23)

23. Thư gửi Lý Thụy ngày 13/2/1925 (nhờ Cự tức Quốc Đông chuyển). Ibid., HC SPCE 354; PBCTT (2001), VI:458-459.

 

Năm 1955, Chương Thâu đã chú thích trong bản dịch Niên Biểu là Nguyễn Sinh Côn vẫn nhắc đến hai câu thơ của một thi sĩ Thanh Phan Bội Châu tâm đắc ngâm nga mỗi lần ngà say ở nhà Cử nhân Vương Thúc Quí: “Mỗi phận bất vong duy trúc bạch; Lập thân tối hạ vị văn chương [Sớm tối chỉ mong ghi tên vào sử sách; [Nhưng] lập danh thấp nhất là đường cử nghiệp] để nêu lên tình thân thiết giữa Côn và Cử Nhân Châu từ ngày còn ở Nghệ An hay Huế. (24)

24. NB (Chương Thâu, 1955), tr 30; PBCTT (2001), VI, tr 112, 118chú 32. Không có trong bản chữ Hán, hay bản dịch NB (Sài Gòn: 1971)

 

Chương Thâu cũng không đề cập đến cá tính “un flatteur” mà các viên chức Pháp đề cập—tức khả năng làm cho mình nhỏ lại, sử dụng những thuật ngữ như tình thân hữu thật thà “liên lũy,” hầu đạt được những gì Côn muốn. Thời điểm tháng 6/1925 ấy, Côn muốn thu thập những người thân cận Cử nhân Châu, giác ngộ họ thành những hạt nhân thanh niên, thiếu nữ cho Đảng Marxist-Leninist tương lai—khởi đầu bằng cơ quan ngoại vi Thanh Niên Kách Mạng Hội mà Côn đã báo cáo lên Comintern vào tháng 2/1925. Vấn đề cần tra cứu là liên hệ thực sự giữa Côn với Phan Bội Châu. Côn đã từng gặp Cử Nhân Châu, hay chỉ gián tiếp, qua thư từ và những người thân cận như Cự, Viễn, Nguyễn Thượng Huyền? Chuyện gì xảy ra trong chuyến đi Hàng Châu năm 1925 của Cự? Phan Bội Châu có biết việc Côn đang bí mật mua chuộc cán bộ của VNQDĐ để khai sinh một tổ chức mới liên hệ đến Thanh Niên Quốc Tế, hay Lao Nông Quốc Tế? Côn hẳn khó thản nhiên cướp chiếm cán bộ của Phan Bội Châu, nếu Cử Nhân Châu có mặt ở Quảng Châu đúng ngày giỗ Phan Đài, và lễ tuyên thệ của Thanh Niên Kách Mệnh Hội.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý: Một viên chức đương thời—Ramoin, phụ tá của Lãnh sự J. Royère ở Côn Minh năm 1944—thuật lại rằng Cử nhân Châu đã “đầu thú” với Pháp năm 1925.(25)

25. CAOM (Aix), HCFI, Conseiller Politique [CP] carton 192.

 

Nghi án ai bán Phan Bội Châu cho Mật Thám Pháp, bởi thế, cần được nghiên cứu thêm.

Dù Nguyễn Công Viễn, Nguyễn Thượng Huyền hay Nguyễn Sinh Côn là chính phạm khiến Cử Nhân Châu biến dạng khỏi Hoa Nam, biến cố này vẫn mang lại những hậu quả vượt ngoài mức dự liệu của người hoặc nhóm chủ mưu.

Điều đáng ghi nhận là do một trùng hợp ngẫu nhiên, mùa Hè 1925, hai nhà giác đấu cho quyền lợi quốc gia, dân tộc đầu thế kỷ XX cùng tái hiện trên quê hương, mang lửa và ánh sáng vào đêm dài của dân tộc.

Chúng ta sẽ trở lại kỳ tích này trong những phần sau.

 

II. CÁI CHẾT CỦA Nguyễn Phước Tuấn:

 

Giữa thời điểm này, ngày 6/11/1925, sau một thời gian đau ốm khá dài, Nguyễn Phước Tuấn chết vì bệnh lao phổi và lao tủy sống (tuberculose pulmonaire ouverte et tuberculose vertébrale). (26)

26. “Constatation de décès de Sa Majesté Khai Dinh, Empereur d’Annam, par Laurent Gaide, Chef de Service de Santé d’Annam, et Léon Normet, (7/11/1925);” TTLTQG 2 (TP/HCM), RSA, HS 4137.

 

Từ ngày 1/11/1925—khi bệnh tình vua đã nghiêm trọng, trước sự hiện diện của các Hoàng Thái hậu, đại diện Tôn Nhơn Phủ và các Thượng thư—Nguyễn Phước Tuấn công khai ủy thác mọi việc vào tay Pasquier. Nguyên ngày hôm trước, Nguyễn Phước Tuấn trao ấn tín, thẻ bài, kiếm lệnh v.. v.. cho Nội Các cất giữ. Nhưng tối đó, Hoàng Thái hậu—con gái Nguyễn Hữu Độ, anh trai làm Thị vệ trưởng—ép Nội Các giao những tín vật trên, định tổ chức một buổi lễ cho thái giám tuyên đọc di chiếu của vua.

Lúc 8G30 sáng ngày 1/11, Hoàng Thái Hậu triệu tập Viện Cơ Mật và Tôn Nhơn Phủ vào điện Kiến Trung. Lúc 10G00, họ quyết định mời Pasquier đến thảo luận. 10G10, sau khi bàn bạc sơ sài với Viện Cơ Mật, Pasquier cùng họ vào phòng Nguyễn Phước Tuấn, nơi đã có các Hoàng Thái hậu, Thái phi. Hiện diện, ngoài Pasquier, có Nguyễn Hữu Bồi; Hồ Đắc Trung, Tôn Thất Trạm, Chủ Tịch Tôn nhơn phủ; Võ Liêm: Trần Đình Bách; Phạm Văn Thụ, và Thái Văn Toản: Phủ doãn Thừa Thiên, phụ trách thông ngôn. Nguyễn Phước Tuấn ủy thác mọi việc cho Pasquier. (27)

27. Biên bản của Pasquier và Thái Văn Toản ngày 1/11/1925; TTLTQG 2 (TP/HCM), RSA, HS 4135:

 

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, nhận hiểu phong trào chống đối chế độ quân chủ, cổ võ thể chế Cộng Hòa—bộc lộ rõ ràng nhất qua việc bổ nhiệm chức Đại Tổng Thống ở Trung Hoa trước và sau cái chết của Viên Thế Khải năm 1916, việc hành hinh vua Nga năm 1919, và nhất là chủ trương Cộng Hòa của giới trí thức miền Nam, hay những cá nhân như Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Thế Truyền ở hải ngoại, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Văn Vĩnh trong nước—Nguyễn Phước Tuấn đích thân viết thư riêng cho Pasquier cùng Pierre Bồi để gửi gấm Đông cung—dự phòng các biện pháp và việc phân chia tài sản nếu Vĩnh Thụy không được thừa kế “Thiên mệnh Đại Pháp.”

Trong hai di chúc bằng chữ Nho và quốc ngữ, Nguyễn Phước Tuấn tha thiết mong muốn Vĩnh Thụy được lên ngôi. Theo vua, tất cả những thay đổi về chính trị là do lỗi của Nguyễn Phước Chiêu và Nguyễn Phước Hoãng: Phước Chiêu là một vua trụy lạc, đã phạm nhựng lỗi vô đạo đức, chẳng lo gì đến dân chúng hay vương quốc, không tôn trọng Cửu miếu [Thanh Thai est un roi débauché, il a commis des actes immoraux, il ne s’est pas occupé ni de son peuple, ni de son royaume, il n’a pas respecté la culte des “Cửu Miếu” (Temples royaux: Il y a dans chaque temple neuf autels dédiés aux rois antérieurs. Ces 9 autels correspondant aux 9 grandes urnes dynastiques qui elles mêmes sont anonymes de pouvoir royal et autoritée royale)] Nguyễn Phước Tuấn yêu cầu chính phủ Bảo hộ cứu vớt [sauvegarder], bảo vệ tông miếu và lăng tẩm Hoàng tộc. Cho Vĩnh Thụy tất cả di sản. Sau khi Vĩnh Thụy lên ngôi, cho mẹ đẻ [sinh] lên làm Thái hậu [Reine Mère]. (28)

29. TTLTQG 2 (TP/HCM), RSA, HS 4134. (Nguyễn Phước Tuấn để lại trong một cái hộp một di chúc bằng chữ Nho và một bằng quốc ngữ. Mở ra ngày 7/11/1925. (Bản dịch Pháp ngữ, 6 trang). CAOM (Aix), Amiraux 64230 (cũ: F03-68).

 

A. QUI ƯỚC 6/11/1925:

Ngay trong ngày 6/11, khi thi hài Nguyễn Phước Tuấn chưa kịp lạnh, Monguillot và Phủ Phụ chính/Cơ Mật Viện ký một qui ước [convention] gồm bốn điều khoản, cắt nhượng hết quyền lực còn sót lại của vua Nguyễn. Từ nay, vua chỉ còn nhiệm vụ tế trời đất hay ký sắc phong thần hoàng cho các thôn xã. Việc cai trị đều ủy cho Cơ Mật viện, do Khâm sứ Trung Kỳ chủ tọa. (30)

30. JOIF (Hà Nội), 1925, tr. 2403-404; Nam Phong (Hà Nội), số 99 (12/1925), tr. 297-299 [bản dịch tại Huế]. Ký tên Monguillot; Tôn Thất Hân, Tôn Thất Trạm; Phụ chính Tôn Nhân phủ; Nguyễn Hữu Bồi, Hồ Đắc Trung, Võ Liêm, Trần Đình Bách, Nguyễn Đăng Tâm; Nam Phong, 12/1925; tr 289-90. [Phụ Bản II:7], [Trung Kỳ Khâm sứ Đại thần Pierre Pasquier]

 

Theo Huỳnh Thúc Kháng, Pierre Bồi thoạt tiên không chịu ký Qui ước 6/11/1925, nhưng cuối cùng nhượng bộ vì Pháp đồng ý lập Viện Dân Biểu (tức mất vua, được dân). (31)

31. Tiếng Dân (Huế), 2/8/1935.

 

Quyết định này, nói theo các kế hoạch gia và chính trị gia Pháp, là thiết lập một nền Quân chủ Lập hiến, nhưng đồng thời hợp thức hoá chế độ trực trị ở Trung Kỳ [tên mới của An Nam]. Theo Pasquier, đây chỉ là một phương tiện nhằm ngăn chặn những âm mưu khuynh đảo triều đình của các phe nhóm, như Bửu Trác (em Nguyễn Phước Chiêu), và Hoàng Quí Phi của Phước Tuấn, con gái Nguyễn Hữu Độ, người nuôi tham vọng làm Nữ Phụ chính. Hơn hai năm trước, như đã lược thuật, Pasquier đã trình kế hoạch này lên Toàn quyền Long ngày 7/1/1923, và được chấp thuận. Ngày 20/3/1925, khi sức khoẻ Phước Tuấn suy giảm, Merlin viết thư tham khảo Pasquier về vấn đề trên, và ngày 6/4/1925, Merlin tán thành. Tân Toàn quyền Alexandre Varenne, đến Đông Dương ngày 18/11/1925, dĩ nhiên cũng chấp thuận, coi qui ước 6/11/1925 thuần túy như một biện pháp hành chính nội bộ [une acte d'administration intérieure]. (32)

32. CAOM (Aix), INF, carton 276, d 2423; Báo cáo ngày 16/3/1926, Pasquier gửi Varenne [pp 17-20]; Ibid., GGI, Amiraux 64231.

 

Thoạt tiên, Pasquier đặt một Phủ Phụ chính, nhưng Varenne không đồng ý, chọn Tôn Thất Hân, đã về hưu từ năm 1922, làm Phụ chính thân thần. Pierre Bồi nắm Cơ Mật viện trưởng (Tổng lý Nội các) kiêm Bộ Lại (33)

33. Thư ngày 18/1/1926, Varenne gửi Perrier; Ibid., FOM, carton 919, d. 2797.

 

Bộ Binh và Học lại tách ra. Bộ Học sát nhập với Bộ Lễ, do Hồ Đắc Trung cai quản. Bộ Binh, gom với Bộ Hộ, giao cho Phạm Văn Thụ. Võ Liêm vẫn nắm bộ Công, và Trần Đình Bách [Bá], bộ Hình. Thực tế, trong mắt những người thân cận Pasquier, Nội các do Bồi cầm đầu chẳng là gì khác hơn một “tiểu nha môn” của Tòa Khâm sứ Huế. (34)

34. Nam Phong (Hà Nội), (6/1933), tr 18. Năm 1946, Nguyễn Phước Điện còn ví triều đình Huế như một “bureau” của Tòa Khâm sứ. Xem Phụ Bản.

 

B. Nguyễn Phước Điện (8/1/1926-25/8/1945):

Về việc kế vị, từ ngày 4/11/1925, Monguillot đã yêu cầu Bộ Thuộc Địa cho Vĩnh Thụy hồi hương gấp. Ngày 6/11, Nguyễn Đức Tâm, TTK Cơ Mật, gửi CĐ báo tin Nguyễn Phước Tuấn từ trần lúc 5 giờ 10 sáng hôm đó, Pasquier đề nghị và ngày 8/11, Monguillot chính thức ra tuyên cáo công nhận Vĩnh Thụy làm tự quân. Hôm sau, 9/11, Cơ Mật gửi công điện cho các tỉnh báo tin Vĩnh Thụy được lập làm tự quân, với Tôn Thất Hân, Phụ chính. Nhưng tám ngày sau nữa, 17/11, Monguillot chấp thuận đề nghị của Viện Cơ Mật ngưng việc treo cờ rủ, để đón chào tân Toàn quyền Varenne và lễ đăng quang của Vĩnh Thụy.

Ngày 19/11, Jean Charles báo tin Vĩnh Thụy sẽ lên đường về nước ngày 4/12/1925. Ngày 3/1/1926, tự quân về tới Huế. Ngày 6/1 được tên thánh là Điển hay Điện. Hai ngày sau, 8/1, Nguyễn Phước Điển hay Điện (8/1/1926-25/8/1945) làm lễ đăng quang, lấy niên hiệu là Bảo Đại. (35)

35. CĐ ngày 19/11/1925, J. d’Elloy, gửi Cơ Mật. Thư gửi Gaston Doumergue ngày 8/1/1926; CĐ số 7-D, ngày 9/1/1926, RSA gửi Gougal; CĐ số 39, ngày 7/1/1926, Gougal gửi Colonies; và Thư ngày 18/1/1926, Varenne gửi BT/TĐ (Léon Perrier); Ibid., FOM, carton 919, d. 2797.

 

Sau đó, ấu vương trở lại Pháp. Việc cai trị An Nam từ nay do chính Pasquier điều hành, với sự tiếp sức của Tổng lý Nội Các, Cơ Mật Viện, do Pierre Bồi cầm đầu. (36)

36. CAOM (Aix), Amiraux 42489.

 

Cái chết của Nguyễn Phước Tuấn và lễ đăng quang của Nguyễn Phước Điện hầu như chẳng gây được tiếng vang đáng kể nào. Qui ước 6/11/1925—tờ khế ước cắt nhượng hết quyền hành của vua Nguyễn—cũng chẳng tạo một phản ứng. Một trong những lý do là Hội Truyền giáo—với những cơ quan truyền thông trong tay—đã tạm hài lòng trước sự thăng tiến của “Hiệp sĩ Vatican” Bồi lên chức Tể tướng tại Huế. Chỉ có nhóm Luật sư Trường và Nguyễn An Ninh biểu lộ sự bất mãn trên tờ La Cloche Fêlée (Chuông Rạn)—mới tuc bản ngày 26/11/1925—về việc “thằng” Pasquier quyết duy trì một “le roi bé con” (Vĩnh Thụy) để lộng hành. (37)

37. La Clôche fêlée (Sài Gòn), 4/1/1926.

 

Nhưng sự mỉa mai của Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh—cùng những ngừoi bạn Pháp như Monin—mang quan điểm Cộng Hòa; và, không một lý thuyết gia Bảo hoàng nào, ngoài Pasquier, lên tiếng bảo vệ vương quyền, dẫu chỉ thứ vương quyền biểu kiến. Những trí thức miền bắc như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim cũng đều nghiêng về chủ trương Cộng Hòa, theo kiểu Pháp của thế kỷ XVIII-XIX.

Pierre Bồi cũng chẳng gặp phản ứng nào giống như Trương Như Cương cùng các đại thần của Cơ Mật Viện 18 năm trước. Dư luận còn tảng lờ việc Monguillot cắt ngắn thời gian treo cờ rủ để tang Nguyễn Phước Tuấn, hầu chào mừng tân Toàn Quyền Varenne (18/11/1925-1/11/1927).

Đây là một khúc quanh và trắc nghiệm hệ trọng, báo hiệu Thiên mệnh Đại Pháp nhà Nguyễn đã phá sản. Hơn nữa, giới quan lại cũng như “tân sĩ phu” chỉ còn biết đến người Pháp, và có khuynh hướng không đánh giá cao giới quan lại bản xứ. Các quan chỉ cốt sao cho được lòng viên chức Bảo hộ Pháp, đặc biệt là các Công sứ, Khâm sứ hay Thống sứ, hơn triều đình Huế dưới sự điều hành chuyên chính Ki-tô và tham nhũng đặc thù của Pierre Bồi.

Đặc tính con chiên ngoan đạo trên cũng phản ảnh qua các quyết định hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc truyền đạo Tin Lành của Mỹ tại Trung Kỳ từ thập niên 1920, hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức đạo Cao Đài, ở cao trào phát triển của hệ phái Phật Giáo Đổi Mới của nhóm Ngô Văn Chiêu, Lê Văn Trung này. (38)

38. Vũ Ngự Chiêu, “Political and Social Change,” (1984), chapt VI. Xem thêm về Tin Lành và Cao Đài trong những phần sau.

 

Điều đáng ghi nhận khác là năm 1925, Bồi không giữ chức vụ gì trong tang lễ  Nguyễn Phước Tuấn, chỉ cử Tham tri của mình làm Đổng lý. Ngoài ra lễ tang cũng rút ngắn còn chín [9] ngày treo cờ rủ. Lời tự biện hộ “mất vua, được dân” [như Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Huân] dường thiếu sức nặng. Phải chăng vì thế, Phạm Quỳnh đã cho đăng trên Nam Phong loạt bài về hiện tình nông thôn trong nước, dưới nanh vuốt ba loại quan:

Theo tác giả Đ N, có ba loại “cha mẹ của dân  [dân chi phụ mẫu]” : Loại tuổi già, trung niên, và thiếu niên.

Loại tuổi già, thì “bó cẩn,” quí hồ thờ quan trên cho được nể lòng, nể mặt những kẻ hào cường, “đứa dân nào dễ bóp thì bóp cho kỳ cùng mà ăn độc [một mình] không để phần cho nha lệ, đứa dân nào ngạnh thì lờ đi, trộm cắp mặc, cuộc cải lương hư ứng cho tắc trách, chỉ nhặt nhạnh cho đầy túi để nay mai về dưỡng lão.” 

Loại trung niên, “người nào cũng biết chữ Tây, tiếng Tây, hoặc ở trường Hậu bổ, hoặc từ chân thông phán, việc quan đã thạo, lại hay có những ông thày to, nên cái cách làm tiền cũng giói.” Bởi thế, “nhà quan vốn nghèo, mới tri huyện vài huyện mà đã có sáu bảy cái nhà gạch ở tỉnh.”

Loại thiếu niên. Từng học qua khoa “pháp chính” Âu Châu, nhưng “ai ngờ được vài tháng chỉ thấy tát khỏe, chửi khỏe, lấy tiền khỏe, sắc đòi hương hộ lên chậm một ngày lá giam cổ lại, lễ dăm sáu đồng thì tha, mới được độ một năm mà sắm được bao nhiêu đồ và lo gỡ được cái kiện cho cố ông, mà còn sắm ngay được cái ô tô nữa.”

Bên dưới bậc “cha mẹ của dân” có các quan trợ tá, lục sự, thừa phái, nhưng phần lớn công việc do bọn tịch sĩ (tục gọi là anh nho), nhiều khi lên tới 15, 17 người. Lục sự hay thừa phái, “mỗi người hàng tháng lương hơn 10 đồng bạc mà nào cũng vợ con, đầy tớ, ăn chơi mỗi tháng đến hàng trăm, lại còn cờ bạc hay đem về làm vốn, không xoay vào dân thì lấy ở đâu.” (39)

39. Đ. N., “Điều tra về hiện tình ở nhà quê;” Nam Phong (Hà Nội), số 104 (4/1926), tr 257-65. Đa tạ Tiến sĩ Peter Baugher đã tặng một phóng ảnh bài này, và cho mượn bản luận án rất công phu về Việt Nam—khác hẳn những dã sử chỉ sao chép lại công trình tim óc người khác, rồi nhắm mắt lại mà phê phán theo sự hoang tưởng nông cạn của mình.

 

Người Pháp. dĩ nhiên hiểu rõ và nhiều người muốn sửa chữa những tệ nạn này. Nhưng họ đành chịu bất lực, quay mặt làm ngơ. Quan lại bản xứ, nói theo Puginier, là những chiếc càng cua phối hợp nhau nâng đỡ mình cua Bảo hộ. Không thể ảo vọng những chính nhân, quân tử bước ra tiếp sức kẻ xâm lược thống trị đất nước dân tộc mình. Chỉ có những cá nhân—dưới áp lực tôn giáo, văn hóa và kinh tế của những quyền lợi riêng phải xin gia nhập hang ngũ cai trị ngoại nhân.

 

II. Alexandre Varenne (18/11/1925-4/10/1926, [Pasquier] 16/5-1/11/1927)

 

Ngày 29/7/1925, Bộ trưởng Thuộc Địa bổ nhiệm Varenne thay Merlin làm Toàn quyền, nhưng gần bốn tháng sau, ngày 18/11/1925, mới nhận chức. Là một dân biểu Xã Hội, trước khi Varenne tới Đông Dương, danh tiếng đã vang dội khắp ba kỳ. Người ta trông đợi Varenne sẽ mang lại những cải cách quan trọng đáp ứng với sự mong mỏi của giới thượng trung lưu Việt—đại diện bằng các thành phần có học thức cao nhất trong nước, gồm dù không giới hạn trong số cựu du sinh viên từ Algérie hay Pháp về—như một qui chế rộng rãi hơn cho ba xứ Nam Kỳ, Bắc Kỳ và An Nam.

Ngay hôm sau, ngày 19/11, báo L’Indochine enchainée [Đông Pháp Trong Xiềng Xích] của Luật sư Monin và André Malraux viết thư ngỏ cho Varenne, đả kích Thống đốc Maurice Cognacq (14/2/1922-19/4/1926).

Nhân dịp Varenne tới Sài Gòn, phe Lập Hiến dàn dựng một cuộc tiếp đón long trọng Nghị viên Bùi Quang Chiêu, mới hồi hương sau chuyến qua Pháp để đệ trình bản thỉnh nguyện cho trí thức Việt được hưởng những quyền lợi pháp lý mà trên lý thuyết họ được quyền hưởng.

Pháp kiều bảo thủ cũng xuống đường biểu dương sức mạnh. Điều này chẳng có gì khiến Varenne bất bình. Vì, trên thực tế, chủ trương “tiến bộ” [libéralisme] dựa trên nguyên tắc cộng hòa của Varenne có những giới hạn tiên thiên của quyền lợi và uy thế da trắng tại Đông Dương.

Dĩ nhiên, Đông Dương cũng còn nhiều vấn đề, từ sự bất ổn và đòi quyền sống của giới trí thức đô thị, tới thực trạng cảnh sống bên thềm địa ngục của đại đa số nông dân, và đặc biệt thiểu số công nhân tha phương cầu thực ở những trung tâm quặng mỏ, cùng các đồn điền đất đỏ tứ Nam Kỳ tới Căm Bốt. Nhưng vấn đề sôi bỏng thời sự lúc Varenne đặt chân tới Đông Dương là bản án chung thân của Phan Bội Châu mà Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ [Commission criminelle de Tonkin] tuyên đọc ngày 23/11/1925. Ngoài ra, còn trắc nghiệm “trực trị” ở Huế cùng Bắc Kỳ, và căn bản pháp lý cho cây gậy bảo vệ “từ tâm hợp tác” đầu môi chót lưỡi—tức luật báo chí 1927 mà nòng cốt vẫn là những tiết mục nòng cốt của luật báo chí 1898.

 

A. VỤ ÁN PHAN BỘI CHÂU (23/11/1925):

Năm ngày sau khi Varenne tới Đông Dương, ngày 23/11/1925, Hội đồng đề hình Bắc Kỳ nhóm họp để xét xử Phan Bội Châu tại Hà Nội—nên tân Toàn Quyền/Dân biểu Xã Hội đã được báo cáo trước, và cho những chỉ thị cần thiết. Hội đồng xét xử do Jules Joseph Bride chủ tọa, gồm Đốc lý Dupuy, Biện lý Boyer, hai Phụ thẩm Đại úy Bellier và Bùi Bằng Đoàn, cùng một người Pháp làm thông ngôn. . Hai Luật sư Larre và Raymond Bona biện hộ cho Cử Nhân Châu. Bride đồng ý cho dân chúng tự do vào xem, khác hẳn thông lệ xử kín các tội phạm chính trị. Số học sinh Trường Bưởi tham dụ rất đông.

Mở đầu, Bride tuyên bố Cử Nhân Châu khi tại Tàu và Xiêm, bị tội tùng đảng, “xui dục cho người ta phạm tội, cấp tạc đạn cho Phạm Văn Tráng giết chết Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn ngày 13/4/1913, xui dục Nguyễn Văn Tuy tức Tài Xế và Nguyễn Khắc Cần lấy lựu đạn ném chết Thiếu tá Mongrand và Chapuis tại Hanoi Hotel, can dự vào những việc âm mưu chực thay đổi chính phủ, khiến cho việc chính trị phải rối loạn.” Đây chính là những tội danh đã nêu lên và xét xử ngày 5/9/1913—đưa đến bảy [7] án tử hình, nhưng mới chỉ có một người bị hành quyết. Sáu người khác, kể cả Cường Để (còn được biết như Hoàng Thực, Vong Xóc Kỳ Ngoại Hầu, Lâm Đức Thuận), Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Quýnh Chi, Nguyễn Văn Thúy, tự Hàn Minh, hay Tài Xế; Nguyễn Bá Trác ; Nguyễn Thiện Kế, tức Nguyễn Văn Vân, anh Nguyễn Thiện Thuật, bị án tử hình khiếm diện.  Trước khi ra trước vành móng ngựa, Phan Bội Châu trải qua những cuộc phỏng vấn suốt năm tháng—với nhiều bằng chứng thu thập được suốt phần tư thế kỷ hoạt động chống Pháp. (40)

40. “Affaire Phan Boi Chau: Interrogatoire de Phan Boi Chau;” CAOM (Aix), HC  [SPCE] cartons 342, 351-354; PBCTT (2001), II-VI.

Theo Phan Bội Châu, VNQPH cấp cho NHT và Nguyễn Trọng Thưởng, (tức Nguyễn Quỳnh Chi, sinh năm 1874) 400$ và 6 quả bom vào BK ám sát Sarraut [nhân dịp thi Hương, tháng 11/1912], nhưng chỉ giết được Nguyễn Duy Hàn và Tây buôn vào tháng 4/1913. (48)48. NB (CT), PBCTT (2001), VI:227-228.

 

Cử Nhân Châu giữ vững lời khai “chỉ có tội muốn độc lập; lập dân chủ; du học ngoại quốc; bỏ lối thi cử cũ; đánh thức dân Annam đang say ngủ;” lấy văn hóa tranh đấu; không dùng bạo lực. Theo Luật sư Bona: PBC viết thành sách ba lý do khiến mất nước: vua không biết mình có dân [quân chi bất tri hữu dân], quan lại không biết mình có dân [quan trường chi bất tri hữu dân], dân không biết mình có nước [dân chi bất tri hữu quốc], [1-24] (41)

41. Ibid., tr. 11. Xem thêm, “Dư cửu niên lai sở trì chi chủ nghĩa” [Chủ nghĩa mà tôi ôm ấp chin năm nay];” [Đào Trinh Nhất dịch, 1921]; CAOM (Aix), HC, SPCE 351; PBCTT (2001), VI:207-223.

 

20G30 phiên tòa chấm dứt. Đa số thành viên Hội đồng đề hình cho rằng Phan Bội Châu có tội trong cả 9 khoản cáo buộc; kết án Cử Nhân Châu khổ sai chung thân. (42)

42. Phiên xử ngày Thứ Hai, 23/11/1925, Việc Phan Bội Châu tại Hội đồng Đề Hình: Phiên ngày 23 Novembre 1925 (Hà Nội: Trung Bắc Tân Văn, 1925);

 

Tại buổi xét xử này Tú Tài Nguyễn Khách Doanh người Nam Định xin chịu tội thay Cử nhân Châu nhưng tòa không chấp thuận.

Phong trào tranh đấu xin ân xá cho Phan Bội Châu lại bộc phát mạnh mẽ. Chính sách chia để trị và ranh giới hành chính Bắc, Trung, Nam trong nhất thời bị xoá bỏ. Trong nước, từ khắp ba kỳ, mà không giới hạn trong một xứ hay một giai tầng xã hội nào, phong trào xin ân xá cho Phan Bội Châu đột ngột dâng lên như thủy triều. Hàng trăm, hàng ngàn người Việt—đặc biệt là thị dân, học sinh, sinh viên—can đảm đứng lên bênh vực một nhà ái quốc Việt. Công điện và thỉnh nguyện thư xin ân xá được gửi đi khắp nơi. Nhiều tổ chức, hội đoàn được khai sinh trong khí thế tranh đấu, như Phục Việt ở Hà Nội, Đảng Thanh Niên của Trần Huy Liệu (Nam Kiều, 1901-1969) ở Sài Gòn, hay nhóm “Jeune Annam” của Phạm Quỳnh, Trần Đình Nam v.. v... Ngày 24/12/1925, nhóm Jeune Annam viết thư xin Varenne ân xá cho Phan Bội Châu để tránh biến Phan Bội Châu thành một “thánh tử đạo” (martyr); và tránh khỏi việc phải cai trị bằng bạo lực. Đồng thời, gửi điện tín xin Bộ Thuộc Địa hủy bản án Phan Bội Châu. (43)

43. CAOM (Aix), Amiraux 64230 (cote cũ: GGI, F03-68); Indochine Républicaine (Hà Nội), 2/11/1925; Marr, On Trial, 1981, pp 15-19; Nguyễn Xuân Chữ, Hồi ký, 1996:143-146.

Sau này, Phạm Quỳnh cùng Trần Đình Nam lập Việt Nam Tiến Bộ Dân Hội, xin gặp Varenne, nhưng Varenne không tiếp. (52)52. Gouvernement Général d'Indochine [GGI], DAP & SG, Contribution à l'histoire des mouvements politiques de l'Indochine Francaise, Documents, vol I: Le “Tân Việt Cách Mạng Đảng” (Hà Nội: 1933), tr. 18. [Sẽ dẫn: GGI, Contribution, vol I]. Sau đó, Nam bị thuyên chuyển khỏi Huế, và trở thành tử thù của Quỳnh. Xem thêm CAOM (Aix), Amiraux 64231 (F-03 68). Theo Đào Duy Anh, tài liệu này không hoàn toàn đúng sự thực, vì những lãnh đạo đã bí mật liên lạc để sắp đặt lời khai chạy tội. Xem thêm, Hà Huy Tập, “Lịch sử của Tân Việt Cách Mệnh Đảng” (Mat-scơ-va, 4/10/1929); VKĐTT, I: 1924-1930, 2002:433-459.

 

Nhiệt tình nhất trong phong trào tranh đấu xin ân xá—trên khía cạnh dư luận—là nhóm Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh tại Sài Gòn, và Nguyễn Thế Truyền ở Paris.

Ngày 26/11/1925, giữa tình hình tranh đấu sô nổi khắp ba kỳ, Nguyễn An Ninh tục bản La Cloche felée, với Luật sư Phan Văn Trường làm Giám đốc chính trị. E. Dejean de la Bâtie, quản lý báo, ca ngợi Luật sư Trường là "một người An-Nam toàn vẹn [un annamite complet]." Cũng ngày này, Luật sư Trường [đã mở văn phòng ở 119 MacMahon] kêu gọi dân chúng đừng đón tiếp Varenne trên đường ra Hà Nội, nếu Phan Bội Châu không được ân xá; và đưa kiến nghị (Cahier des Voeux Annamites) để phản đối việc Phan Bội Châu bị kết án chung thân khổ sai ba ngày trước. (44) 

44. La Cloche Fêlée, số 20, (26/11/1925).

 

Nhóm La Cloche Fêlée còn luôn đòi hỏi cải cách xã hội, luật pháp và giáo dục, hủy bỏ chế độ quân chủ, thay bằng chế độ Cộng hòa. Báo cũng đăng tải nhiều khảo luận về các biến cố lịch sử, như cuộc du hành của vua Nguyễn Phước Hoãng năm 1916, v.. v...

Những nét đặc thù Phan Chu Trinh xuất hiện từ La Cloche Fêlée số 52, với câu nói bất hủ của Mạnh Kha: Dân vi quí, quân vi khinh, xã tắc thứ chi. Nhóm chủ trương còn cho trích đăng những bài về cuộc kháng chiến chống Pháp của Nguyễn Phước Minh [Ưng Lịch], hay cuộc nổi dạy năm 1916 của Nguyễn Phước Hoãng [Vĩnh San]. Sau đó, tổ chức quyên góp làm nhà và nuôi Phan Bội Châu. Khi La Cloche Fêlée và rồi L’Annam bị ngưng xuất bản, báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ở Huế tiếp tục nghĩa cử này.

Ngày 5/12/1925, khi Varenne  ra tới Hà Nội, hàng trăm học sinh, sinh viên biểu tình chào mừng và yêu cầu ân xá cho Phan Bội Châu. Nhóm Phục Việt còn chọn hai nữ sinh Huế xinh đẹp ra tặng hoa Varenne, và xin ân xá cho Cử Nhân Châu. Tại Hải Phòng, học sinh các trường, kể cả Trường Bách Nghệ, tổ chức chặn đường đoàn xe  Varenne tại Cầu Rào, trên đường xuống Đồ Sơn, để đệ đơn ân xá. Một số học sinh năm thứ ba như Hạ Bá Cang (1904-1992), Lương Khánh Thiện bị đuổi học.

Bốn ngày sau, 9/12, Hội đồng Bảo hộ Bắc Kỳ triệu tập một phiên họp đặc biệt dưới sự chủ tọa của tân Thống sứ Eugene L J René Robin (12/1925-11/1930) để tái xét trường hợp Phan Bội Châu. Hoàng Trọng Phu và Nguyễn Đình Quỳ (thay thế Trần Văn Thông, cáo bệnh) là hai ủy viên người Việt. Bản án chung thân khổ sai của Phan Bội Châu được giảm còn án treo.(45)

45. CAOM (Aix), PA 13 [Papiers Jules Bride], Carton 1.

 

Ngày 21/12, Pasquier từ Huế ra Hà Nội, đại diện Varenne, vào gặp riêng Cử nhân Châu tại văn phòng chúa ngục một tiếng đồng hồ, từ 7 tới 8 giờ tối, để dò ý tứ. Hai ngày sau, Varenne ký nghị định ân xá có điều kiện, chỉ định cư trú Phan Bội Châu ở Huế, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Léon Sogny. (46)

46. JOIF (Hà Nội), 26/12/1925; CAOM (Aix), AP, carton 1642; La Cloche Fêlée (Sài Gòn), 4/1/1926.

 

Ngoại trừ vài trường hợp như Cử nhân Châu xin phép ra báo nhưng bị Pasquier từ chối,(47) hay Sào Nam định rời Huế ra Hà Nội ngày 1/12/1926, nhưng bị chặn lại ở Vinh, rồi đưa trở lại Huế,(48) khiến Khâm sứ Aristide E Le Fol (5/1/1929-[23/5/1929-28/2/1930]-11/11/1931) đề nghị trục xuất khỏi Trung Kỳ suốt đời—Phan Bội Châu sống ẩn dật bên lề lịch sử.

47. Extrait du procès-verbal de la 8è séance de 1926 (13 Oct 1926) du Conseil de Co Mat [Một đoạn trích từ phiên họp Cơ Mật Viện ngày 13/10/1926]; TTLTQG II (Sài Gòn), HC/Annam, RSA, HS 1869 [Pasquier nói Phan Bội Châu từng xin ra báo, nhưng đã được khuyên nên rút đơn. Nay Huỳnh Thúc Kháng cũng xin ra báo. Muốn được biết ý kiến Viện Cơ Mật. Thượng thư Hồ Đắc Trung (Bộ Lễ và Học) và Tổng lý Nội các Nguyễn Hữu Bồi đều đồng ý, với điều kiện phải kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ];

48. L'Humanité (Paris), 29/1/1927. Theo Nguyễn Xuân Chữ, việc Phan Bội Châu trốn ra bắc xảy ra sau ngày Nguyễn Đắc Lộc từ Pháp về; Hồi Ký Nguyễn Xuân Chữ, 1996, tr 151-152. Nếu trí nhớ Y sĩ Chữ chính xác, Nguyễn Đắc Lộc không thể gặp Nguyễn Ái Quốc [Sinh Côn] ở Paris. Tháng 11/1927, Côn mới rời Mat-scơ-va qua Germany và Pháp; bị đối xử lạnh nhạt; và Nguyễn VănTạo (1908-1972) được cử làm đại diện Đảng Marxist-Leninist Pháp tại Bruxelles, rồi đi dự Đại Hội VI Đệ Tam Quốc Tế ở Nga (6-7/1928; thuyết Cộng Sản trong một nước của Bukharin ). Vào cuối năm 1927, Nguyễn Thế Truyền cùng gia đình xuống tàu về nước. Như Phong Nguyễn Văn Luân, cùng Huỳnh Văn Phương, Tạ Thu Thâu phụ trách điều hành Đảng Độc Lập. Báo của nhóm Việt Nam Độc Lập thời gian này có Việt Nam Hồn (1/1/1926), Phục Việt (9/1926). Hồn Việt Nam chỉ ra được ba số ngày15/1/1927, 1/2/1927, và ngày 1/4/1927 [bán nguyệt san]; CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries II, carton 7, Séries III, cartons 2, 3, 23, 32, 44, & 98; series VI, cartons 11 &12. Báo Việt Nam của Như Phong Nguyễn Văn Luân, chỉ ra số 1, tháng 9/1927, kỷ niệm Lương Ngọc Can vào tháng 8/1927.

 

Từ đó cho tới ngày từ trần vào cuối tháng 10/1940, Phan Bội Châu chỉ xuất hiện trước công chúng 3 lần: tháng 3/1926, nói chuyện với học sinh trường Khải Định (đổi tên thành Quốc Học dưới thời Ngô Đình Diệm (7/7/1954-2/11/1963) và Đồng Khánh Huế; và, đọc điếu văn nhân dịp quốc táng Phan Chu Trinh. Ngọn đuốc tranh đấu của thế hệ Phan Bội Châu đã trao xuống tay thế hệ trẻ trung hơn.

 

B. Đám Tang Phan Chu Trinh:

Sau khi Nguyễn Sinh Côn rời Paris vào tháng 6/1923, rồi Phan Văn Trường hồi hương ngày 22/12/1923, Paris chỉ còn Phan Chu Trinh với chứng bệnh ho lao thời kỳ cuối. Như ngọn đèn bùng lên lần chót, Phó bảng Trinh hoạt động tích cực hơn. Đầu năm 1924, Phan Chu Trinh nộp đơn xin vào Pháp tịch. Trong một buổi họp mặt của Việt kiều, Phan Chu Trinh tuyên bố sẽ không về nước nếu đơn xin nhập tịch bị từ chối. Tháng 3/1924, bệnh phổi tái phát, Phó bảng Trinh phải vào nhà thương Saint Antoine điều trị. Xuất viện ngày 23/3, không tiền bạc, Phó bảng đến tá túc với Lê Văn Thuyết tại số 9 Impasse Compoint. Quan điểm của Trinh vẫn chỉ là chống đối chế độ quân chủ, hợp tác tinh thành với Pháp. Tuy nhiên, đôi khi Phan Chu Trinh cùng Nguyễn Thế Truyền tham dự buổi họp của Công Đoàn Liên Thuộc Địa, và tiếp xúc với nhóm Lập Hiến. Đầu tháng 2/1925, còn thành lập Hội Liên Hiệp Pháp-Đông Dương, và Phan Chu Trinh giữ chức Chủ tịch; Trần Văn Khá Tổng thư ký.(49)

49. Báo cáo của Désirée ngày 26/2/1925. Trụ sở hội này đặt tại số 15 phố Sommerard; CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries IX, Cartons 1-2.

 

Nhưng chưa rõ G Grandjean—bị Nguyễn Sinh Côn đánh giá là “vô chính phủ,” đại diện nhóm Lập Hiến ở Pháp—có quan hệ gì với Phó bảng Trinh hay chăng.

Việc xin nhập tịch của Phan Chu Trinh, dĩ nhiên, gặp trở ngại. Một trong những lý do là viên chức Pháp coi việc nhập tịch như đặc ân cho những người trung thành với Pháp, mà không phải thứ khiên giáp để đấu tranh chính trị. Giám đốc Sở Kiểm Soát và Trợ Giúp Binh Sĩ Đông Dương [Service de contrôle et d'assistance des troupes indochinoises, CAI] đã đưa ra ý kiến chung như sau:

Một việc khó thể chối cãi là phần đông những thanh niên An Nam [xin nhập Pháp tịch] ao ước được điều khiển việc quốc sự mà chẳng cần sự trợ giúp của Pháp. Mới lĩnh hội được một tí kiến thức khoa học, họ ngỡ tưởng đã sở đắc tất cả, và những mảnh bằng của họ, thường được ban phát do sự khoan hồng tối đa của ban giám khảo, đã đủ mở ra cho họ tất cả những cánh cửa, và họ đủ sức thay thế những kinh nghiệm [cần thiết]. Ở tuổi 25, họ đã tự coi mình có khả năng lãnh đạo đồng bào họ về hướng định mệnh lịch sử.(50)

50. CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries IX, Carton 1-2.

 

Riêng trường hợp Phó bảng Trinh, viên chức trên nhấn mạnh:

Phan Chu Trinh đã sai lầm khi nghĩ rằng tại quê hương ông có những người đầy đủ khả năng như quốc gia chúng ta. Quan niệm này cho phép chúng ta nghĩ rằng suốt thời gian dài ở Pháp, Phan Chu Trinh chẳng học, chẳng thấy, chẳng hiểu gì—hoặc chẳng muốn hiểu hay học—vì vẫn giữ khư khư cái tinh thần nho sĩ cổ thời An Nam, với niềm tin rằng khoa học chỉ gợi hứng, và họ là những sinh vật thượng đẳng, siêu vượt trên toàn nhân loại.(51)

51. Ibid.

 

Tới tháng 12/1924, đơn xin nhập tịch vẫn chưa có kết quả. Ngày 16/12, Phó bảng Trinh nhờ đến Dân biểu Moutet—người từng giúp Trinh và Tiến sĩ Trường được tự do năm 1915. Trong buổi thảo luận về ngân sách Bộ Thuộc địa ngày 22/11/1924, Bộ trưởng TĐ Edouard Daladier—để trả lời câu hỏi của Moutet—cho biết Phan Chu Trinh được chấp thuận về nước, còn vấn đề nhập tịch chưa hợp thời. (52)

52. JO, Débats parlementaires, 23/11/1924, pp 4730-733.

 

Nhưng trong báo cáo gửi ĐTQT ngày 19/2/1925, Nguyễn Sinh Côn ước đoán rằng vào đầu năm 1925, Thủ tướng E Herriot đặc ân cho Phó bảng Trinh vào dân Pháp trước ngày hồi hương. Đây chỉ là suy đoán vu vơ. Trong buổi thảo luận về chính sách thi hành ở Đông Dương, Bộ trưởng Thuộc Địa Léon Perrier và Dân Biểu Alexandre Varenne đều đồng ý rằng không thể cho nhập tịch tập thể [sans naturalisations en masse]. (53)

53. Chính Đạo, Hồ Chí Minh, tập I (1997), tr. 264; Hà, 1980:169-170; VKĐTT, I: 1924-1930, 2002:10-2; CAOM (Aix), INF, carton 276, d 2423 [p 6].

 

Tháng 5/1925, khi bệnh tình đã trầm trọng, Phó bảng Trinh chấp nhận về nước. Bộ trưởng Thuộc Địa chỉ thị Merlin tặng vé tàu thủy hạng nhì, và 5,000 francs bồi thường thiệt hại từ năm 1914. Ngày 25/5, Phó bảng Trinh tham dự buổi tiễn đưa khá đông đảo của một số người Pháp và giới thượng lưu miền nam, do nhóm Dương Văn Giáo, Diệp Văn Kỳ, v.. v... tổ chức. Nhân dịp này, Hội Liên Hiệp Pháp-Đông Dương thông qua một nghị quyết đòi hỏi những quyền tự do cơ bản, kể cả tự do báo chí, tự do giáo dục, bình đẳng trong các nghề tự do, được cử đại diện, được nhập quốc tịch, v.. v..

Ngày 29/5/1925, sau 14 năm “lãnh hội văn minh,” Phan Chu Trinh cùng Nguyễn An Ninh xuống tàu Fontainebleau ở Marseille. Tại Singapore có việc rắc rối khi khám hành lý, nhưng cuối cùng an toàn đặt chân tới Sài Gòn ngày 24/6. 

Tại thủ đô miền nam, Phó bảng Trinh được giới báo chí, trí thức và thanh niên nồng nhiệt đón tiếp. Phó bảng Trinh tuyên bố có ý định về Tourane hay ra Hà Nội làm báo. Ít lâu sau, khi biết tin Phan Bội Châu bị bắt, dẫn về Hà Nội, Phan Chu Trinh định ra thăm. Cuối cùng, Phó bảng Trinh bỏ ý định này sau buổi gặp mặt ngày 16/8/1925 với Monguillot. (54)

54. CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries IX, Carton 10.

 

Phan Chu Trinh dành nhiều thì giờ tiếp xúc mọi giới. Với giới trẻ, ông luôn thúc dục họ phải hành động. Cuối năm 1925, giữa lúc cao trào tranh đấu xin ân xá cho Cử Nhân Châu khắp ba kỳ, cái chết của Nguyễn Phước Tuấn, hay qui ước 6/11/1925 cắt hầu hết vương quyền ở Huế, chỉ còn công dụng trang trí với nhiệm vụ tế lễ, được coi như chiến thắng tinh thần của Phan Tây Hồ. Trong khi tự quân Vĩnh Thụy đang trên đường hồi hương, ngày 19/11/1925, PCTrinh  được mời diễn thuyết về “Đạo Đức và Luận Lý Đông Tây.” Hơn một tuần sau, ngày 27/11/1925, Phan “Tây Hồ” lại nói chuyện về “Quân Chủ và Dân Chủ.” Phải chăng Phó bảng Trinh và thân hữu mong mỏi người Pháp chấm dứt chế độ quan chủ, đổi sang chế độ Cộng Hòa?

Những ý tưởng trong hai bài này chẳng có gì mới lạ, chỉ tổng hợp những điều đã viết và nói đó đây. Nhưng sự hiện diện của Phan Chu Trinh giữa không khí đấu tranh xin ân xá cho Phan Bội Châu—cùng những đột xuất ở Huế—tự nó tạo được hứng khởi và xúc động mạnh trong giới trí thức và hoạt động chính trị hay cách mạng.

Ngày 8/1/1926, Vĩnh Thụy vẫn làm lễ đăng quang, tức Nguyễn Phước Điện, với niên hiệu Bảo Đại. Quan chức bảo hộ Pháp, kể cả Varenne, ra công bảo vệ phòng Nguyễn Phước Tuấn, chấp nhận sự gửi gấm Vĩnh Thụy. “Tể tướng” Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bồi cũng tôn phò vòng hoa vương giả cuối cùng họ Nguyễn.

Nhưng ít nữa, những tháng cuối đời Phó bảng Trinh được chứng nghiệm nhiều tổ chức, hội đoàn ra công khai để đòi hủy bỏ án chung thân của Phan Bội Châu như Phục Việt của Tôn Quang Phiệt tại Hà Nội, nhóm “Jeune Annam” của Phạm Quỳnh, Trần Đình Nam v.. v..., Đảng Thanh Niên An Nam của Trần Huy Liệu (Nam Kiều, 1901-1969), Trịnh Hưng Ngẫu, v.. v.. ở Sài Gòn. Tuổi trẻ thế hệ 1925-1926 không còn say ngủ mà đang thức giấc, góp phần vào việc thay đổi hiện trạng. (55)

55. CAOM (Aix), Amiraux 64230 (côte cũ: GGI, F03-68). Ibid., Amiraux 64231; GGI, DAP & SG, Contribution à l'histoire des mouvements politiques de l'Indochine Francaise, Documents, vol I: Le “Tân Việt Cách Mạng Đảng” (Hà Nội: 1933), p 18. [Sẽ dẫn: GGI, Contribution, vol I]. Theo Đào Duy Anh, tài liệu này không đúng sự thực, vì những lãnh đạo đã bí mật liên lạc để sắp đặt lời khai chạy tội. Xem thêm, Hà Huy Tập, “Lịch sử của Tân Việt Cách Mệnh Đảng” (Mat-scơ-va, 4/10/1929); VKĐTT, I: 1924-1930, 2002:433-59.

 

Tháng 3/1926, bệnh tình Phan Chu Trinh ngày một trầm trọng. Ngày 24/3, Phó bảng Trinh từ trần. Nhiều đoàn thể và cá nhân—đặc biệt là giới giáo chức, học snh, sinh viên—lại hăng hái chọn ngày 4/4/1926 chọn làm “lễ quốc táng” cho nhà chí sĩ bất hạnh. Khí thế tranh đấu trong thời gian đòi ân xá Phan Bội Châu lại bùng dạy khắp ba kỳ. Nhiều tiệm buôn đóng cửa, nhân công nghỉ làm việc, học sinh kêu gọi bãi khoá (nghỉ học) để tham dự đám tang hay tưởng niệm. Tại Huế, Phan Bội Châu hết lời ca ngợi.

Tại Sài Gòn, tang lễ qui tụ đủ mọi giới. Hầu hết “nhân sĩ” đương thời—từ nhóm Lập Hiến, đại diện bằng Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Thinh, tới giới sĩ phu Duy Tân như Huỳnh Thúc Kháng, đều có mặt, đọc diễn văn phúng điếu. Có nguồn tin nói số người dự tang lễ lên tới trên 60,000 người, nhưng Mật Thám Pháp chỉ ghi khoảng 3,000 người.(56)

56. Nam Kiều [Trần Huy Liệu], Tiểu sử ông Phan Châu Trinh (Sài Gòn: Đông Pháp Thời Báo, 1926), tr. 115-200; Marr, Tradition On Trial, (1981), pp. 19-23. Idem., Anti-Colonialism, 1971:273n70; Phan Chu Trinh, A Complete Account, 1983:111.

 

Trong thư gửi Y sĩ Hồ Tá Khanh ngày 26/4/1974, Phan Thị Liên, con gái Phó bảng Trinh, tức bà Lê Ấm, nói năm 1926 cựu Phó bảng Huy đến thăm bạn đồng khoa hầu như mỗi ngày tại số 64 đường Pellerin. (57)

57. Đa tạ Y sĩ Khanh đã cho phỏng vấn nhiều lần trong hai năm 1982-1983; và tặng phóng ảnh thư tay viết từ địa chỉ 68 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.

 

Không muốn dân Việt, đặc biệt là giới thanh niên học sinh, bày tỏ lòng kính trọng với Phan Chu Trinh, các viên chức Pháp tìm đủ cách ngăn chặn. Mật thám bám sát những người đi vận động bãi thị. Học sinh các trường công được khuyến cáo không nên tham gia bãi khoá. Nhưng nỗ lực của người Pháp đều thất bại. Quốc táng dành cho Phó bảng Trinh, cùng dư âm cuộc tranh đấu xin ân xá cho Phan Bội Châu ít tháng trước chỉ là cái cớ cho tinh thần quốc gia mới biểu lộ.

Quyết định ngăn chặn việc tổ chức lễ tang Cử nhân Lương Văn [Ngọc] Can ít tháng sau, bằng biện pháp mạnh, chỉ kích thích thêm tinh thần bạo động.(58)

58. Nguyễn Xuân Chữ, Hồi ký, 1996:146-149; “Kỷ Niệm Lương Ngọc Can Tiên Sinh;” Việt Nam (Le Havre), số 1, 9/1927.

 

Giống như khối nham thạch của một ngọn núi lửa đang hoạt động chỉ chờ những kẽ nứt của mặt địa cầu để trào lên, trước khi làm bùng nổ tan tành những khối đá ngăn chặn trên miệng. Hầu hết các đảng viên chính trị hay cách mạng trong thế hệ kế tiếp—kể cả Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ), v.. v... —đều tham gia ba phong trào yểm trợ Phan Bội Châu (1925), quốc táng Phan Chu Trinh (1926), và Quốc táng Lương [Ngọc] Can (8/1927).

Nói cách khác, giai tầng sĩ phu nho học tàn lụn đi, nhưng ngọn đuốc độc lập, tự do đã truyền lại cho những thế hệ trẻ trung hơn, thích hợp hơn với trật tự thế giới hiện đại.

 

C. Những Kế HOẠch Của Varenne:

Trước ngày Varenne nhậm chức vào tháng 11/1925, mối quan tâm lớn nhất của viên chức Thuộc địa Pháp tại Paris là tâm trạng bất bình của giới thanh niên tân học Đông Dương. Mặc dù Pháp có khả năng dẹp yên những người bất mãn trong nước, nhưng các tổ chức chống đối ở Trung Hoa hay tại chính mẫu quốc không dễ đối phó. Nhóm Tam Tâm Xã từng mưu sát cựu Toàn quyền Merlin tại Quảng Châu tối 18/6/1924. Năm 1925, từ Quảng Châu và Xiêm, tổ chức có khuynh hướng Bolshevik Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Hội của Lý Thụy, với sự trợ giúp của Đệ Tam Quốc Tế, tiếp tục huấn luyện cán bộ, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị làm kách mệnh. Những nỗ lực liên kết hay thống nhất giữa các phe nhóm trong nước và Tổng Bộ Thanh Niên âm thầm diễn ra. Kết quả chung cuộc là một số cán bộ lọt ra được nước ngoài có cơ hội dự những lớp huấn luyện ở Trung Hoa hay Liên Sô Nga. Đại đa số thanh niên, thanh nữ bị kẹt lại trong nước trở thành nạn nhân những cuộc khủng bố trắng của an ninh Pháp và giới quan lại bản xứ đã và đang được khuyến khích thắp hồng ngọn lửa thánh chiến chống Cộng”—dù thực sự cùng chẳng hiểu Cộng Sản là gì.

Tại Pháp, các học sinh, sinh viên ở Trung tâm Đông Dương (Foyer indochinois) cũng ngày thêm bất an. Ngày 15/9/1925, Bộ trưởng Thuộc Địa cho Varenne những chỉ thị tổng quát về chính sách bản xứ như sau:

(1) Thứ nhất là tạo công ăn, việc làm cho giai tầng tân học;

(2) thứ hai, cải tổ Đại học Hà Nội, hầu đáp ứng nhu cầu học hỏi về kỹ thuật, và cải tổ lại nền giáo dục tiểu học; và,

(3) thứ ba, cải tổ các cơ quan dân cử địa phương cũng như Hội đồng chính phủ, để có sự tham gia của giai tầng tân học.(59)

59. CAOM (Aix), INF, carton 276, d. 2423. Xem thêm “Note pour le Ministre” ngày 14/3/1927; Ibid., d. 2425.

 

Ngay sau khi nhiệm chức, Varenne cải tổ Hội đồng Tư Vấn Bắc Kỳ và An Nam thành Viện Dân Biểu. Tại Huế, một việc ít ai ngờ là một số cựu tù nhân chính trị trong 13 năm, từ 1908 tới 1921, bỗng có cơ hội tái xuất hiện trên sân khấu chính trị Pháp-Việt đề huề. Tháng 10/1926, trong cuộc bầu cử Viện Dân Biểu Trung Kỳ, Hoàng Giáp Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) và Giải Nguyên Lê Văn Huân (1875-1/1/1930) đều đắc cử. Hoàng Giáp Kháng còn đạt số phiếu cao nhất, 600 phiếu trên tổng số 640 cử tri. Vì vậy, được cử làm Chủ tịch Viện Dân Biểu Trung Kỳ. (60)

60. La Tribune indochinoise (Sài Gòn), 15/9/1926. TTLTQG 2 (Sài Gòn), RSA/HC, HS 1763. [Ngày 30/10/1926, Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Viện Dân Biểu An Nam, gửi thư cho Khâm sứ về mẫu triện [con dấu] Viện Dân Biểu An Nam];

 

Hoàng Giáp Kháng sinh tại Thanh Bình, Tiên Phước, Quảng Nam. Bạn đồng học của Phan Chu Trinh và Trần Quí Cáp. Năm 1900, đậu đầu thi Hương. Bốn năm sau, 1904, đậu đầu thi Hội; nhưng chỉ được hạng tư tại Đình thí, nên gọi là Hoàng Giáp.

Ngày 13/1/1908, Công sứ Quảng Nam Charles cho lệnh Tổng đốc Hồ Đắc Trung cấm Tiến sĩ Trần Quí Cáp—Giáo thụ Ninh Hòa—diễn thuyết ở Quảng Nam. Ngày 18/1/1908, Trung ra thông cáo cấm Trần Quí Cáp diễn thuyết, và đồng thời cấm các trường hương học đánh trống nhập học, sợ làm phiền dân chúng xã thôn lân cận. Trung còn cho lệnh khám xét trường học ở làng Tây Lộc, Tam Kỳ, quê của Phó Bảng Trinh. Tìm thấy những tài liệu “nguy hiểm” của Phan Chu Trinh. Trung làm án thày giáo và đóng cửa trường.  Ngày 6/3/1908 [4/2 Mậu Thân], 63 hương chức ký đơn khiếu nại lệnh ngày 18/1/1908 của Tổng đốc Trung. (61)

61. CAOM (Aix), Gougal, 5887.Về quan điểm của các tác nhân, xem Phan Chu Trinh, A Complete Account of the Peasants' Uprising in the Central Region, bản dịch Peter Baugher và Vũ Ngự Chiêu (Madison, WI: Univ. of Wisconsin, Center for Southeast Asian Studies, Monograph No. 1, 1983) [sẽ dẫn A Complete Account]; Huỳnh Thúc Kháng, “Cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908,” trong Nguyễn Quốc Thắng, Huỳnh Thúc Kháng: Con người và thơ văn (Sài Gòn: 1972).

 

Hoàng Giáp Kháng và hơn 20 người bị bắt tại Quảng Nam vào hạ tuần tháng 3/1908. Sáu người bị đầy ngay lên Lao Bảo. Tổng đốc Trung kết tội Huỳnh Thúc Kháng và Phan Thúc Diện “âm mưu làm loạn, nhưng chưa thực hiện” [mưu bạn vi hành], kết án tử hình [giảo giam hậu], đổi thành đánh 100 trượng, chung thân khổ sai, đầy đi Côn Đảo. Lê Bá Thuần [tự Trinh], Nguyễn Thành, Nguyễn Bá Trác và Trương Huy bị án đánh 100 trượng, 7 năm khổ sai. Nguyễn Đình Tân, vì đã 70 tuổi, bị lột bỏ mọi chức sắc. 10 người khác bị 100 trượng, 3 năm khổ sai vì biết mà không báo cáo. Ngày 29/8/1908, Phủ Phụ Chính duyệt xét và y án tỉnh Quảng Nam, ngoại trừ trường hợp Trác, lúc ấy đã trốn qua Nhật. Cử nhân Trác được giảm án còn 3 năm khổ sai.

Nhờ bản điều trần của Phó bảng Trinh nộp cho Sarraut năm 1911 (do Đại úy Jules Roux dịch, gồm khoảng 50 trang giấy khổ lớn), và sự can thiệp tích cực của Hội Nhân Quyền, năm 1913 Phủ Phụ chính Huế giảm án một số nho sĩ duy tân. Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn được giảm còn 13 năm ở Côn Đảo, năm 1921 được phóng thích, nhưng bị chỉ định cư trú ở Huế..(62)

62. CAOM (Aix), GGI, 9PA, d. 15.

 

Tại miền Bắc, có Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Lê Bổng, v.. v... được bầu vào Viện Dân Biểu. Varenne dự trù thiết lập một Thượng Hội Đồng (Grand Conseil) với 32 thành viên, mà một nửa là người bản xứ.

Để kiện toàn sự thống nhất chương trình học vấn khắp ba miền, Varenne cải tổ Nha Học Chính Đông Pháp, thành lập sở Thanh tra. Ở cấp tiểu học, chỉ dạy tiếng quốc ngữ mới và phần sơ đẳng tiếng Pháp. Trong tinh thần sắc lệnh 10/5/1926, Nha Học chính ủy nhiệm Thanh tra các trường sơ đẳng Bắc Kỳ Trần Trọng Kim, và sơ đẳng giáo học thượng hạng Đặng Đình Phúc, soạn Sử Ký-Địa Dư giáo khoa thư (lớp sơ đẳng [élémentaire]), cùng một số sách khác như Quốc văn [Langue indigène] (lớp đồng ấu [enfantin], dự bị [préparatoire] và sơ đẳng [élémentaire]), Luân Lý [morale], Toán Pháp [calcul, système métrique, dessin linéaire], Cách Trí [lecons des choses], Vệ Sinh [principes élémentaires d’hygiènes]. (63)

63. Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư, Sử Ký-Địa Dư Giáo Khoa Thư Lớp Sơ Đẳng, Trần Trọng Kim và Đặng Đình Phúc soạn (Hà Nội: Nha Học chính Đông Pháp, 1927), [trang bìa mặt và cuối]

 

Đại học Hà Nội được nâng cấp, tổ chức chương trình cử nhân luật khoa (ba năm, sau bằng Tú Tài II). Trường Thuốc (Y Khoa) được nối kết với Đại học Y Khoa Paris. Các y sinh tốt nghiệp ở Hà Nội, nếu xuất sắc, có thể qua tu nghiệp tại Paris để hoàn tất chương trình Tiến sĩ. Y khoa phòng ngừa và bình dân cũng được phát triển. (Năm 1928, các viện Pasteur Sài Gòn và Nha Trang hoạt động mạnh, chích ngừa dịch tả cho khoảng 12 triệu người). (64)

64. Báo cáo ngày 3/3/1926, Varenne gửi BTTĐ; CAOM (Aix), INF, carton 276, d. 2424; “Note pour le Ministre” ngày 14/3/1927; Ibid., d. 2425. Một hồi ký xuất sắc về ngành thuốc tại Đông Dương là Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ (1996).

 

Varenne cũng ban hành Nghị định ngày 27/2/1926, cùng hai nghị định ngày 20/5 và 28/8/1926, cho phép người Việt có bằng cấp và quốc tịch Pháp được gia nhập ngạch công chức thuộc địa “người Âu,” ngoại trừ tiền trợ cấp xa xứ. Họ cũng có quyền, ít nhất trên lý thuyết, nắm những chức vụ ngang hàng với người Pháp trong guồng máy hành chính thuộc địa, ngoại trừ các chức vụ chính trị và tư pháp. Varenne còn định ban hành nhiều biện pháp nâng đỡ công nhân và nông dân, đặc biệt là phu đồn điền cao su, như giới hạn giờ làm việc từ 12 tới 13 giờ mỗi ngày, nhưng gặp sức chống đối mãnh liệt của Pháp kiều. Varenne cũng nghiên cứu biện pháp giúp đỡ những người mang hai dòng máu Pháp-Việt (métis).

Món quà chính trị đáng ghi nhớ nhất của Varenne với người Việt, dĩ nhiên, là lệnh ân xá Cử nhân Châu vào dịp Giáng Sinh 1925, và phản ứng tương đối ôn hòa trong lễ quốc táng Phó bảng Trinh ngày 4/4/1926. Một thanh tra Mật thám Hà Nội, chẳng hạn, kiên nhẫn bám sát y sĩ Nguyễn Xuân Chữ đến từng cửa tiệm để khuyên chủ nhân đừng đình công bãi chợ.

Tuy nhiên, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng đang đi vào một khúc quanh lịch sử dạy sóng bạo lực. Quốc hiệu Việt Nam bắt đầu hồi sinh từ thập niên 1910, và sử dụng trong các tài liệu giảng dạy ở cấp tiểu học. Phong trào quốc gia mới bắt đầu lan tràn khắp ba kỳ. Cầm đầu phong trào này đa số gồm những người sở đắc những mảnh vụn văn hóa Pháp, cộng thêm chút kiến thức bì phu hoặc cảm nhận về lịch sử hay chủ thuyết “Cộng Sản.” (Chẳng hạn, chưa hề có một trí thức hay giáo sư Triết nào của VNCH nêu lên câu hỏi về thực trạng đại đồng hay công sản trong xã hội nguyên thủy mà chưa ai từng chứng nghiệm; nên 100 năm sau ngày cách mạng Bolshevick Nga, mới chỉ có những chế độ “định hướng” xã hội chủ nghĩa—những cuộc phiêu lưu đầy bất trắc từ một xã hội quân chủ chuyên chế đã chết, tới một tương lai mù sương chưa kịp hình thành)

Một số người Việt từ Pháp trở về cũng không hoàn toàn tán thành. Theo họ, những cải cách của Varenne quá ít, và quá chậm. Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, v.. v... không ngớt đả phá nền hành chính thuộc địa, đặc biệt là triều đình Huế. Bởi vậy Ninh và Trường trở thành nạn nhân đầu tiên của viên chức Pháp. Thống đốc Nam Kỳ Cognacq bí mật yêu cầu Varenne có biện pháp ngăn chặn những hành vi mà Cognacq mệnh danh là phỉ báng các viên chức thuộc địa Pháp cùng giới quan lại Việt. 

Ngày 24/3/1926, khi Nguyễn An Ninh đang tổ chức biểu tình phản đối việc trục xuất ký giả Phạm Cao Đông về quê, Phó bảng Trinh từ trần. Ngay tối đó, Ninh bị bắt, tống giam hai ngày sau, rồi bị kết án 18 tháng tù. Từ 6/5/1926 báo La Cloche fêlée đổi tên thành L’Annam, do Luật sư Trường trực tiếp điều khiển. Ngày 7/1/1927 Ninh được đặc xá, tiếp tục lao nào hoạt động, lập nên tổ chức Thanh Niên Cao Vọng hay Cao Vọng Đảng. Mật Thám Pháp nghi ngờ Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh có liên hệ với Lý Thụy ở Quảng Châu, qua đường giây bí mật của Luật sư Monin. Tuy nhiên, vì không có bằng chứng, số phận L’Annam cùng Luật sư Trường và Ninh giống như những miếng thịt cá trên thớt, chờ ngày bị lưỡi dao “luật pháp và chủ quyền Bảo Hộ” băm vằm, mổ xẻ.

Các nhóm Pháp kiều cũng chống đối chính sách “đề huề” của Varenne. Là cư dân thượng lưu của thuộc địa—cộng đồng bao gồm các viên chức thuộc địa, quân đội, tư bản và gia đình—tự cho mình những quyền lợi tối ưu. Nghị sĩ Ernest Outrey (1863-1941) còn công khai chống đối luật cắt nhượng đồn điền và quặng mỏ của Varenne nên từ ngày 5/7/1927, chỉ có Bộ Thuộc Địa mới có quyền cấp phát trên 2,000 hectares đất; Toàn Quyền chỉ được cấp từ 2,000 hectares trở xuống, Thống sứ, Khâm sứ từ 1,000 mẫu tây trở xuống. (65)

65. Marr, Tradition On Trial, 1981, p 68. Về cộng đồng Pháp tại Đông Dương, xem Vũ Ngự Chiêu, “Political  and  Social Change,” (1984), Part I. chapt 3.

 

Những biến động trong năm 1926 khiến Varenne phải về Paris tham khảo ý kiến từ ngày 4/10/1926 đến 16/5/1927. Pasquier ra Hà Nội làm XLTV Toàn quyền. Jean C Joseph d’Elloy xử lý thường vụ tại Huế.

 

1. Huỳnh Thúc Kháng & Tiếng Dân:

Do thỉnh nguyện của Huỳnh Thúc Kháng từ tháng 10/1926,  sau khi tham khảo Viện Cơ Mật, ngày 12/2/1927, Pasquier ký Nghị định (Arreté) cho phép Chủ tịch Viện Dân Biểu Trung Kỳ (1926-1928)  Kháng xuất bản Tiếng Dân,  tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Trung Kỳ. Lập trường chống Cộng, duy tân ôn hòa. và chịu Mật Thám Pháp kiểm duyệt. (65)

66. TTLTQG II (TP/HCM), RSA/HC, HS 1869

 

Báo ra mỗi tuần 2 lần, vào Thứ Tư và Thứ Bảy. Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút. Quản lý là Trần Đình Phiên. Danh số cũ tại thư viện Versailles: Jo 94195. Hiện đã chụp microfilm, lưu trữ trong thư viện Quốc Gia Pháp (Francois Mitterand) ở quận XIII Paris. (BNF, MICR D-996)

Mặc dù Huỳnh Thúc Kháng khẳng định lập trường chống Cộng, và cổ võ chính sách duy tân thân Pháp, ôn hòa, viên chức Pháp vẫn theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Bài và Hồ Đắc Trung, thực hiện những biện pháp kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ. Ngày 16/2/1927, XLTV Khâm sứ Jean C G d’Elloy (4/10/1926-13/2/1927) chỉ thị Sở Liêm Phóng An Nam theo dõi kỹ Tiếng Dân. Sở Liêm Phóng phải lưu trữ và theo dõi thường xuyên.  Ngày 19/3/1927, Sogny đệ trình tân Khâm sứ Jules Frìès (13/2/1927-24/5/1928) kế hoạch kiểm soát Tiếng Dân. Lập một ban kiểm soát riêng dưới quyền Bùi Văn Cung và hai người khác. (Bùi Văn Cung từng cùng H Peyssonnaux hợp dịch nhật ký của Linh mục Nguyễn Văn Thơ (hay Cư), một trong hai thông ngôn của sứ đoàn Lê Tuấn tham dự cuộc nghị hòa năm 1873 ở Sài Gòn, đăng trên Đô thành hiếu cổ [Bulletin des Amis de Vieux Hué]) Ban kiểm duyệt này sẽ bảo đảm bài vở không được xúc phạm chủ quyền bảo hộ Pháp và chế độ thiết lập tại Annam. Mỗi số báo phải nộp hai bản vỗ cho Sở Liêm Phóng với bản dịch Pháp ngữ. Đích thân Sogny, hoặc “cò” đặc biệt Dussaut, ký dưới câu “Visa pour publication” [thuận cho xuất bản], với con dấu. (66)

66. Tờ trình số 462, ngày 19/3/1927, RSA/HC, HS 1869.

 

Sau một thời gian dài tranh luận, ngày 13/4/1927, Huỳnh Thúc Kháng bỏ dự định xuất bản báo ở Đà Nẵng, đặt tòa soạn tại số 123 đường Đông Ba, Huế.

Đào Duy Anh (1904-1988) nguyên quán huyện Thanh Oai, Hà Đông, nhưng sinh tại Thanh Hóa—một giáo viên ở Đồng Hới, Quảng Bình—phụ tá chủ biên Tiếng Dân. Giống như đa số “thế hệ 1925,” Đào Duy Anh bắt đầu có ý thức quốc gia dân tộc nhờ phiên tòa xử Phan Bội Châu ngày 23/11/1925 tại Hà Nội. Sau khi Cử nhân Châu được giảm còn án treo, chỉ định cư trú ở Huế, trên đường xe hơi từ Hà Nội về kinh thành, Phan Bội Châu ghé qua trụ sở Hội Quảng Trị ở Đồng Hới, Quảng Bình. Lần gặp Phan Bội Châu này khiến Đào Duy Anh bỏ nghề giáo, định vào Sài Gòn làm báo. Tới Đà Nẵng, gặp Huỳnh Thúc Kháng, Anh đổi ý, tham gia công ty Tiếng Dân. (67)

67. Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm (Hà Nội: Trẻ, 1989), tr 7, 20.

Theo Đào Duy Anh, còn có, Trần Hoành, tức Cửu Cai, bạn tù Côn Đảo của HTK, giúp việc quản đốc nhà in; Nguyễn Xương Thái, từ chức thư ký sở Thương chính Tourane, giúp việc văn thư. (Anh, 1989:24-25) Chủ nhân rạp chiếu bóng Tam Tân ở Huế, ông Trần Kiêm Trinh và cháu là Phạm Đăng Nghiệp, giúp đỡ chỗ ở trong những tháng đầu, và rồi thuê tòa soạn, v.. v... (Anh, 1989:25) Y sĩ  Đông Dương Trần Đình Nam (1896-1974) là một mạnh thường quân, tham gia ban biên tập. Ngoài ra còn Võ Liêm Sơn, v.. v...

Ngày 11/1/1927, từ Tourane Huỳnh Thúc Kháng báo cho Jean C G d’Elloy (4/10/1926-13/2/1927) là mình sẽ giữ chức sẽ là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Phụ tá biên tập là Đào Duy Anh. Quản trị giao cho Trần Đình Phiên, thương gia ở Phan Thiết. (Tài liệu 12)

 

Mùa Hè 1926, Trần Mộng Bạch kết nạp Anh vào Việt Nam Cách Mệnh Đảng, hoá thân của Hưng Nam Hội (Anh, 1989:20, 28-31). Lúc này Bạch đã chịu ảnh hưởng của Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Hội [VNTNKMH] của Lý Thụy, qua đường dây Lê Duy Điểm, và tháng 7/1926 cử Trần Phú qua Quảng Châu. Nhưng Điểm thực ra đã bí mật tham gia tổ chức VNTNKMH, và được gửi về nội địa hoạt động. Trần Phú rồi cũng ngả theo Lý Thụy và qua Nga huấn luyện với bí danh “Lý Quí.”

Năm 1927, Đào Duy Anh còn tham gia Việt Nam Tấn Bộ Đảng [Parti Progressive Annamite], với ý định cử Phan Bội Châu làm Đảng trưởng, nhưng bị Pasquier cho lệnh cấm (68)

68. Đào Duy Anh, 1989:9-10. 20, 21, 28-31

 

Mùa Hè 1927, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Xương Thái, và Đào Duy Anh ra Hà Nội mua lại trọn nhà in Nghiêm Hàm mang về Huế, và dự trù xuất bản báo vào tháng 7/1927; nhưng bị chậm trễ ít ngày. (69)

69. Đào Duy Anh, 1989:22, 24.

 

Ngày 5/8/1927, Khâm sứ Frìès lập lại điều kiện hai ngày trước khi in phải nộp cho Sở Liêm Phóng hai bản vỗ kèm theo bản dịch Pháp ngữ. Ngày 10/8/1927  Tiếng Dân ra mắt độc giả.

Trong thời gian ở Huế, Huỳnh Thúc Kháng khá thân với Phan Bội Châu. Sau khi báo L’Annam của Phan Văn Trường/Nguyễn An Ninh bị đóng cửa, Tiếng Dân đứng ra tiếp tục nhận quyên góp giúp Cử Nhân Châu sống suốt những năm cuối đời. Hoàng giáp Kháng cũng ít nhiều tham gia việc hiệu đính bản dịch Việt ngữ hồi ký của Phan Bội Châu (Niên Biểu Ngục Trung Thư hay Tự Phán), và viết về Phan Tây Hồ, kể cả một tiểu sử tóm lược không chính xác lắm. Hoàng giáp Kháng còn viết về cuộc dân biến 1908, cùng lược sử đời minh—dưới lưỡi kéo kiểm duyệt “chống Cộng,” và trung thành với sứ mệnh Bảo hộ Pháp. Đáp lại, Phan Bội Châu thường có thơ hay câu đối chúc mừng Tiếng Dân. Đáng ghi nhận, một số cán bộ Đệ Tam Quốc Tế, mới từ Nga về, sẵng giọng chỉ trích Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng “phá hoại cách mạng” vì khiến dân chúng nhìn lệch hướng tranh đấu. Nghị quyết Đại hội I (27-31/3/1935), thì cực lực chỉ trích “bọn” cải lương Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Dương Văn Giáo, v.. v... là “phản đối đế quốc” “để bán mình cho cao giá.” (70)

70.VKĐTT, I:1924-1930, 2002:14.  Tháng 11/1931, Hà Huy Tập còn chê Nguyễn Sinh Côn [Ái Quốc] đã viết ra “những lý thuyết đầu cơ, cải lương, duy tâm, quốc gia chủ nghĩa (như quyển sách Đường Kách Mệnh . . ., quyển Duy Vật Sử Quan Sơ học của Đảng Xiêm); Ibid., 2002:20. 

 

Ba nhóm “bản xứ” Việt khiến người Pháp chú ý đặc biệt là Đảng Lập Hiến [Le Parti Constitutionalist] của Bùi Quang Chiêu; Đảng Lao Động Nam Kỳ [Le Parti Travailliste de la Cochinchine] của Cao Triều Phát (1888-1956) và Cao Hải Đề (?), chủ báo L'Ère nouvelle [Thời Đại Mới] (Vũ Đình Dy [1906-1945] làm Chủ bút), đạo Cao Đài của Lê Văn Trung (1875-1934). Ngoài ra phải kể Thanh Niên của Lý Thụy ở Canton (Quảng Châu), và các nhóm Bôn-xê-vích như Việt Nam Hồn của Nguyễn Thế Truyền tại Pháp. (71)

71. Note của Duchêne ngày 14/3/1927; Ibid., INF, carton 276, d. 2425.

 

2. Đảng Lập Hiến:

Đảng Lập Hiến thành hình từ năm 1917. Năm này, Bùi Quang Chiêu (1873-1945), Charles Nguyễn Phú Khai (sinh 1887-?) cùng bạn hữu trong giới trí thức mới—từng du học Pháp, hay tốt nghiệp trong nước—xuất bản tờ La Tribune indigène [Diễn đàn bản xứ] ở Sài Gòn để tranh đấu cho quyền lợi những người Pháp gốc Việt. Chín năm sau, Đảng Lập Hiến mới chính thức nộp đơn xin hoạt động theo tinh thần luật 1901. Trong số các đảng viên có thêm Dương Văn Giáo, Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Thinh, Trần Văn Đôn v.v... Đảng này còn xuất bản tờ L'Echo annamite [Tiếng Dội dân An-na-mit], chuẩn bị cho cuộc tranh cử Hội Đồng quản hạt Nam Kỳ.

Bùi Quang Chiêu, “Bác vật” Canh nông đầu tiên của Việt Nam, từng du học ở Algérie, rồi chuyển sang trường Thuộc địa Paris (1895-1897). Sau khi tốt nghiệp, Chiêu về nước, dạy tại trường Canh nông Hưng Hoá. Tháng 7/1911, khi gặp Côn làm bồi trên tàu Đô Đốc Latouche-Tréville, Chiêu đã khuyên Côn nên tìm đường tiến thân khác. (72)

72. Tran Dan Tien, 1976:14-8; Lời khai của Chiêu vào tháng 9/ 1922, CAOM (Aix), SPCE 364; Hemery, 1990:30, 37.

 

Nguyễn Phú Khai, sinh ngày 2/2/1887, cũng là cựu trú sinh Trường Thuộc Địa từ năm 1904. Sau hai lần không qua được kỳ thi tuyển vào Ecole Centrale ở Paris, tháng 12/1907 Khai bị trục xuất khỏi trường. Tuy nhiên, Khai cũng tốt nghiệp kỹ sư, và năm 1914 tình nguyện gia nhập quân đội với cấp bậc Thiếu úy. Về Sài Gòn năm 1917, Khai cùng Chiêu xuất bản tờ La tribune indigène [Diễn đàn bản xứ] tại Sài Gòn. Ba năm sau, Khai trở lại Paris để vận động “tự trị” cho Đông Dương, và lập Hội Tương Trợ Đông Dương ở Paris. Mùa Xuân 1921, Khai cùng Nguyễn Khắc Vệ và Ernest Babut xuất bản  La Tribune annamite [Diễn đàn An Nam], nhưng cuộc vận động của Khai không có kết quả. Báo La Tribune annamite bị đình bản trong năm 1921. Trở lại Sài Gòn, Khai tiếp tục làm báo.

Y sĩ Nguyễn Văn Thinh (1888-1946) cũng từng sống khá lâu trên đất Pháp. Sau khi tốt nghiệp y sĩ bản xứ [Đông Dương], năm 1910 Thinh được học bổng qua Pháp tu nghiệp, và là một sinh viên xuất sắc tại Đại Học Y Khoa Paris. Trong thế chiến thứ I, Thinh nhập ngũ, rồi lấy vợ Pháp. Năm 1919-1920 từng gặp Phan Chu Trinh và Nguyễn Sinh Côn, tranh luận về chính trị sôi nổi.

Dương Văn Giáo (1895-1945), Tiến sĩ Luật, từng du học ở Pháp và gia nhập nhóm Lập Hiến năm 1923.

Nguyễn Phan Long, một ký giả tài danh, cũng gia nhập Đảng Lập Hiến năm 1923.

“Đảng Lập Hiến” có hai [2] tờ báo lớn nhất là La Tribune indigène L'Echo annamite, số lượng phát hành 3000 tờ một ngày. Năm 1925, Nguyễn Sinh Côn báo cáo lên Comintern rằng Lập Hiến chưa phải là một đảng [theo định nghĩa và tổ chức Marxist-Leninist], mà chỉ tập họp khoảng 250 thượng lưu trí thức tranh đấu cho quyền lợi phe nhóm [trong số 2550 người có quốc tịch Tây].

Thái độ của các viên chức thuộc địa với nhóm Bùi Quang Chiêu, hay Nguyễn Phan Long v..v... chẳng khác biệt bao lăm với nhóm Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Bồi—có thẻ xếp chung vào khuynh hướng hợp tác.

: Đầu thập niên 1930, nhóm này lên tột đỉnh danh vọng. Bùi Quang Chiêu được làm đại diện Nam Kỳ tại Thượng Hội Đồng Thuộc Địa ở Paris. Nguyễn Phan Long cùng những người khác nắm giữ các ghế Hội đồng Quản hạt và Hội đồng thành phố Sài Gòn. Cơ quan ngôn luận của nhóm (La Tribune indigène) đổi tên thành La Tribune indochinoise. của Nguyễn Văn Của và Lê Quang Liêm, tự Phủ Bảy làm chủ Lục tỉnh Tân Văn [Tin Tức Sáu Tỉnh]. Tuy nhiên, sau khi yêu cầu Thống sứ Pháp thẳng tay đàn áp các cuộc nổi dạy năm 1930-1931, nhóm Lập Hiến trở thành mục tiêu đánh phá của cán bộ Cộng Sản cũng như giới trí thức tiến bộ.

Ngay trong nhóm Lập Hiến cũng có rạn nứt. Cuộc tranh cử chức đại diện Nam Kỳ tại Thượng Hội đồng thuộc địa giữa Long và Chiêu năm 1936 báo hiệu sự suy thoái của nhóm này. Thất cử, Long ngả theo đạo Cao Đài, cùng Nguyễn Văn Nhã nối kết các hệ phái đối nghịch nhau. Nỗ lực của họ chỉ tạo nên một hệ phái Cao Đài mới, tức Liên Hoà Đại Đạo.

Trong khi đó, năm 1937, Nguyễn Văn Thinh tách ra lập Đảng Dân Chủ, qui tụ hầu hết các bác sĩ, và đảng này lập tức có biệt danh là “Đảng thày thuốc.”

Sự phân hoá trên khiến trong cuộc bầu cử ngày 30/4/1939, không những Nguyễn Phan Long mà cả ba ứng cử viên Lê Quang Liêm, Huỳnh Văn Chín và Vương Quang Nhường đều lọt sổ. [Xem Phong trào Đại hội Đông Dương]

 

3. Việt Nam Độc Lập:

Tại Pháp, người hăng say bênh vực Phan Bội Châu nhất là Nguyễn Thế Truyền—đây là một điểm son trong sự nghiệp cách mạng của con Nguyễn Duy Nhạc, và cháu nội Tuần Phủ Hàn, người đã bị Quang Phục Hội ám sát năm 1913. Kỹ sư Truyền—qua chiêu bài Công Đoàn Liên Thuộc Địa—vận động Đảng Marxist-Leninist Pháp cùng Hội Nhân và Dân Quyền tiếp tục mở chiến dịch, lôi kéo được sự ủng hộ của rất nhiều nhân sĩ.

Năm 1926, nhóm Truyền giúp ấn hành tài liệu Bản Án Thực Dân Pháp [Le Procès de la Colonisation francaise], dựa trên bản thảo Les Opprimés của Nguyễn Sinh Côn. Do áp lực gia đình, năm 1926, Truyền ngưng hoạt động với Đảng Marxist-Leninist Pháp, nhưng tiếp nối cuộc tranh đấu cao cả hơn là nhân và dân quyền, thành lập đảng Việt Nam Độc Lập, có cơ quan ngôn luận là tờ Việt Nam Hồn, với tiểu tựa “Tự Do Diễn Đàn của Học sinh và Lao động.” Toà soạn đặt tại 127 rue Montparnasse.

Ngay trang nhất có bài “Nhời viếng Khải Định” của “Nguyễn Văn Ánh” đã nhắc dến trong một chương trước. Ngoài ra, còn đăng tài liệu về Việt Nam Quốc Dân Đảng Cương của  Phan Bội Châu. Báo ra được ba số thì Bộ trưởng Nội Vụ Sarraut cấm lưu hành. An ninh Pháp cho rằng Truyền và nhóm Việt Nam Hồn là Đệ Tam QTCS. (73)

73. CARAN (Paris), F7/13405; CAOM (Aix), SLOTFOM, III, c.3. Phóng ảnh Việt Nam Hồn, trích in trong Chính Đạo, Hồ Chí Minh, I (1997), tr 262. Theo Hémery, Việt Nam Hồn xuất bản bằng quốc ngữ tháng 5/1923, một tháng hai số, trước ngày Côn rời Paris  (13/6/1923?);  Hémery, 1990, p 51.

 

Ngày 23/8/1926, Sarraut lại ra lệnh cấm xuất bản Việt Nam Hồn. Tháng 9/1926, Nguyễn Thế Truyền và đồng chí xuất bản Phục Quốc, "Cơ quan để yêu sách quyền lợi của dân Việt Nam." Báo chỉ ra được 2 số. Ngày 11/10/1926, Sarraut cấm báo Phục Quốc. Tuy nhiên, Kỹ sư Truyền xuất bản thêm được 3 số mang tên Hồn Việt Nam (số 1, 15/1/1927, số 2, 1/2/1927, số 3, 1/4/1927) và 1 số Việt Nam (9/1927), ở Le Hâvre), mới chính thức đình bản. (74)

74. CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries V, carton 15 & 35.

 

Năm 1927, Nguyễn Thế Truyền tháp tùng các dân biểu Pháp tham quan Đông Dương. Trở lại Pháp, Nguyễn Thế Truyền chỉ trích các tệ nạn kinh tế, xã hội như chính sách độc quyền bán “rượu ty,” muối và thuốc phiện. Theo Chủ tịch Đảng Việt Nam Độc Lập, khi A F Fontaine thành lập công ty Société francaise des Distilleries de l'Indochine [SFDI] tại miền Bắc năm 1901, tổng số vốn chỉ có 2 triệu francs. Phần tư thế kỷ sau, năm 1926, vốn của Fontaine tăng lên 1500% (30 triệu francs), trong khi trị giá mỗi cổ phần tăng lên 1320% (500 francs năm 1901 lên 6,600 francs năm 1926). Đó là chưa kể những tệ nạn bắt rượu lậu—đưa đến những vụ tố cáo rượu lậu vô bằng chứng, nhưng đủ mang lại bao thảm kịch, khó khăn cho nông dân. Nạn độc quyền muối, ban hành từ năm 1898, cũng khiến dân chúng cực kỳ bất mãn. Dân làm muối ở vùng biển phải mang số muối thu hoạch tới cân ở sở đoan, bán cho nhà nước; rồi nhà nước bán lại cho giới tiêu thụ qua trung gian các đại lý. Năm 1926, chính phủ mua vào, 6 hào một tạ; nhưng bán ra cho đại lý 3.70 đồng 1 tạ, và khi nhà buôn bán ra cho dân, giá lên tới 6$ tới 7$ 1 tạ. (75)

75. CAOM (Aix),  SLOTFOM, Séries III, cartons 2 & 3. Xem thêm hồ sơ các báo Đông Dương và Pháp trong Ibid., INF, carton 276, d. 2424, 2426, và 2427.

 

Cựu Toàn quyền Jean A E Constans (9/11/1887-22/4/1888), Chủ tịch Tổng Công Đoàn Lao Công, tuyên bố phải ngả nón cùng 500,000 hội viên để tỏ lòng kính phục sự chịu đựng của công nhân Việt.

Ngày 14/6/1927, Kỹ sư Truyền chính thức khai báo việc thành lập Đảng Việt Nam Độc Lập. Cờ nền vàng, 5 sao đỏ. Chủ tịch: Nguyễn Thế Truyền; Tổng Thư Ký: Nguyễn Văn Luận (cử nhân Triết); Phó TTK: Bùi Ái (cựu giáo viên tiểu học); Tổng thủ quĩ: Bùi Đức Thành (chủ tịch Hội Ái hữu đầu bếp người Việt); Phó Thủ quĩ: Trần Vinh Hiển (sinh viên Mỹ thuật). Nhân dịp này, Như Phong Nguyễn Văn Luân xuất bản báo Việt Nam tại Le Hâvre, có bài tưởng niệm Lương Văn Can, thuộc nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội.

Tạ Thu Thâu, qua Pháp ngày 6/9/1927 để theo học ban Cử nhân Toán Đại học Paris, gia nhập Việt Nam Độc Lập Ngoài ra, trong số các cộng sự viên, có Huỳnh Văn Phương, thuộc một gia đình đại điền chủ, mới qua Pháp du học.

Vào cuối năm 1927, Nguyễn Thế Truyền cùng gia đình, có Nguyễn An Ninh tháp tùng, xuống tàu về nước. Như Phong Nguyễn Văn Luân, cùng Huỳnh Văn Phương, Tạ Thu Thâu phụ trách điều hành Đảng Độc Lập. (76) Cùng các bạn trẻ đương thời—như Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Thạch, rồi Hồ Tá Khanh, Phan Văn Hùm, v..v..—họ trở thành lãnh tụ của nhóm Tả phái, tự xưng là Trốt Kít, tức Đệ Tứ Cộng Sản, sau khi bị trục xuất tập thể khỏi Pháp.

76. Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, 1919-1975, Tập III: Nhân vật chí, tái bản có bổ sung (1997), tr  374-377.

 

D. Nguyễn Sinh Côn Rời Quảng Châu:

Trong khi đó, từ năm 1926, mối tình Đệ Tam Quốc Tế xen lẫn nhu cầu kinh tế/xã hội giữa Lý Thụy và Tăng Tuyết Minh kéo dài chưa đầy nửa năm, tai biến xảy ra đột ngột. Trước tình hình hỗn loạn do các công hội và thị dân gây nên, Tưởng Giới Thạch và phe nhóm quyết diệt Cộng [thanh Cộng]. Nhân dịp công nhân Thượng Hải nổi loạn ngày 21-22/3/1927, ngày 26/3. quân Tưởng tiến vào thành phố cảng này. Bất chấp thái độ qui phục của công nhân Thượng Hải, ngày 12/4/1927, Bạch Sùng Hy xuống tay đàn áp. Hôm sau, 13/4/1927, Thạch sai Lý Tế Thâm thanh Cộng ở Canton. Borodin chạy lên Wuhan, định sử dụng cánh tả THQDĐ chống lại Thạch, nhưng thất bại. Thạch chỉ trục xuất Borodin, nhưng giết chết Trương Thái Lôi, UV/BCHTW Đảng CSTH, giữ chức thông dịch viên.

Từ tháng 4/1927, trụ sở VNKMTNH ở Quảng Châu cũng không thoát khỏi bàn tay “thanh Cộng” của THQDĐ.

Hồ Bá Cự bị bắt. Các khoá sinh Việt trong trường Hoàng Phố bị giam lỏng và qua nhiều cuộc thanh lọc, tra vấn. Năm 1929, Tổng bộ Thanh Niên phải bỏ Quảng Châu, trốn lên Hong Kong, trước khi công an Quảng Châu đột kích nhà vợ chồng Cự ngày 31/1/1929.. Đáng sợ hơn nữa là Nguyễn Công Viễn đã công khai “chống Cộng,” nhưng vẫn duy trì được liên hệ với cô vợ người Quảng Đông Tăng Tuyết Minh của Nguyễn Sinh Côn.

Phần Côn, mùa Xuân 1927 đang ở Lục Hải Phong, được một sĩ quan Cảnh sát mật báo tin sắp bị bắt giữ, chỉ kịp từ giã người vợ cách mạng quốc tế, Tuyết Minh, trốn khỏi Lục Hải Phong (Quảng Đông), đến tạm trú trong tòa Lãnh sự Nga ở Hán Khẩu [Hankow] (Hồ Bắc), tây nam Nam Kinh, rồi theo một cánh quân Trung Cộng tới Sa Đầu [Swatow], lên Thượng Hải, tìm đến Vladivostok [Hải Sâm Uy], và về tới Mat-scơ-va ngày 15/6/1927. (77)

77. CĐ ngày 15/6/1927, Voitinsky gửi Abramov?; RC 495, Box 154, File 298, p. 89 [Tran Van Hung, 2000, 8, tr 52.

 

Giới lãnh đạo Mat-scơ-va, dĩ nhiên, chẳng có gì để vui mừng chào đón những người thua cuộc. Trong nội bộ Liên Xô Nga, hiềm khích ngày một căng thẳng giữa hai phe trường kỳ cách mạng, do Leon Trostky chủ xướng, và cách mạng trong nội bộ mỗi quốc gia, do Josef V. Stalin [Dzhugasvili] cầm đầu.

Dẫu vậy, theo tài liệu văn khố Nga, trong tháng 6/1927, Côn đề nghị Ban Phương Đông chọn Trần Phú (KUTV, 12/2/1927-11/1929) làm thư ký nhóm học viên Việt tại Trường Đại học Phương Đông, và yêu cầu cho Litvinov Lê Huy Doãn chuyển sang Đại học Phương Đông, sau khi qua lớp huấn luyện phi hành. (78)

78. Hồng Hà, 1980:198, Sokolov, 253-55.

 

Tháng 11/1927, Côn rời Mat-scơ-va qua Germany và Pháp. Công Đoàn Liên Thuộc Địa vô cùng lạnh nhạt. Chẳng những từ chối cung cấp địa chỉ cơ sở bí mật ở Á Châu, Đảng Marxist-Leninist Pháp còn yêu cầu Ban thường vụ Comintern cho biết về nhiệm vụ Côn tại Pháp. Trong khi đó, Nguyễn Văn Tạo (1908-1972), bí danh An, được cử làm đại diện Đảng Marxist-Leninist Pháp tại Hội Nghị chống Quốc Tế Xâm Lược ở Bruxelles. (79)

79. Charles B. McLane, Soviet Strategies in Southeast Asia (Princeton: Princeton Univ. Press, 1968), pp. 102-3.

 

Chưa phát hiện tài liệu văn khố nào về liên hệ giữa Nguyễn Sinh Côn cùng Nguyễn Thế Truyền hay cộng đồng Việt kiều trong khoảng thời gian này. Từ tháng 2 tới tháng 5/1928, Côn sống ở Germany, nhưng không có trách nhiệm rõ ràng. (80)

80. RC 495, Box 154, File  596, p. 6; Tran Van Hung, TCLSĐ (2000), 8:52.

 

Ngày 21/5/1928, Côn viết thư cho Comintern, chỉ trích Công Đoàn Liên Thuộc Địa Pháp. Dù đã trở lại Mat-scơ-va, Côn không được mời tham dự Đại Hội VI QTCS từ 17/6 tới 8/7/1928—Nguyễn Văn Tạo và hai người khác đại diện Đảng Marxist-Leninist Pháp. Đại Hội này đánh dấu sự  ưu thắng của phe Stalin. Nghị quyết Đại hội VI chấp nhận thuyết Cộng Sản trong một nước [national communism] của Nikolai I. Bukharin, tức ủng hộ chiến lược đấu tranh giai cấp trong một nước, tạm ngưng việc xuất cảng cách mạng vô sản, tập trung vào cách mạng thổ địa. Tiếp đó, là cuộc thanh trừng rộng lớn các đối thủ chính trị của Người Thép—kể cả Trotsky và thành viên tam đầu chế kế vị Lenin.

Ngày 30/5/1928, Côn rời Mat-scơ-va qua Germany Italia, rồi đáp tàu thủy đi Xiêm, dưới sự điều động của Dalburo Phương Nam ở Thượng Hải—hoạt động trong lãnh thổ Xiêm La, Malaysia, Singapore từ 1928. Côn—dưới bí danh Thọ, Nam Sơn, Thẩu Chín—thành lập các chi bộ ở Bản Đông (gần Pichit, Đông bắc Xiêm), và rồi Bangkok. Côn còn góp công vào việc thành lập Đảng Cộng Sản Xiêm, Đảng CS Malaysia, và cải tổ Đảng CS In-đô-nê-xia-a. (81)

81. CAOM (Aix), INF, c. 326, d. 2637;  Hoan, 1987:55-63;

 

Côn giữ liên hệ với các tổ Thanh Niên tại Xiêm, các chi bộ THCS hải ngoại, và hệ thống thợ thuyền đi tàu—xương sống của hệ thống liên lạc.

Trong khi đó, tổ chức VNTNKMĐCH ngày thêm phân hóa. Chính sách Thanh Cộng của Tưởng Giới Thạch tạo nên nhiều khó khăn cho Tổng bộ cũng như đoàn viên. Trong năm 1927, Tổng bộ Thanh Niên hại lần bị lục soát. Cuối năm 1928—trước khi Đại Hội thứ I của Thanh Niên diễn ra từ ngày 1 tới 9/5/1929 tại Hong Kong—nội bộ Thanh Niên trải qua một chuỗi khủng hoảng khiến tổ chức hầu như tận diệt. Đêm 8 rạng 9/12/1928, Tôn Đức Thắng cho lệnh ba thuộc hạ giết Lê Văn Phát, một cán bộ VNTNCMH, và một nữ cán bộ tên Nhựt ở số 5 đường Barbier (Tân Định). Tháng 2/1929, Thắng bị bắt, rồi ngày 15/7/1930, bị kết án 20 năm khổ sai; đầy ra Côn Đảo. Ba thủ phạm bị kết án tử hình, nhưng ngày 21/5/1931, chỉ có Trần Trương và Trần Văn Công bị xử chém. Ngô Thiêm, trốn qua  Hong Kong báo cáo. Tổng bộ Thanh Niên giải tán Kỳ bộ Nam Kỳ. (82)

82. CAOM (Aix), 7F 55.

 

Phạm Văn Đồng mới đi dự Đại Hội ngày 1-9/5/1929 ở Hong Kong về cũng bị sa lưới ở Sài Gòn. Ngày 18/7/1930, bị 10 năm khổ sai, đầy Côn Đảo. 23 người khác bị án tù.

Cao Hồng Lĩnh, người Hội An, sống trong nam, gia nhập VNKMTNH từ cuối 1926, qua Cương, người Hà Tĩnh. cũng bị ảnh hưởng. Năm 1928, Lĩnh được chọn qua Quảng Châu huấn luyện, nhưng bị đình hoãn vì vụ thảm sát Lê Văn Phát. Mãi tới cuối năm 1928, Lĩnh mới tới Trung Hoa, nên chỉ gặp Cự, Phan, cùng những người bị Tưởng bắt nhốt. (83)

83.  Cao Hồng Lĩnh, “Mãi mãi đi theo con đường của người;” Đầu Nguồn (1977), tr 311-313 [311-332]; Hoàng Quốc Việt, Chặng đường nóng bỏng (Hà Nội: Lao Động, 1985), tr. 273-76; CAOM (Aix), 7F 55.

 

Mặc dù có tổ chức khá chặt chẽ, VNKMTNH không phát triển mạnh.

Tại Bắc Kỳ, khuynh hướng được nhiều người yêu chuộng là Tam Dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên. Sự hình thành của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) của nhóm Nguyễn Thái Học và Nam Đồng Thị Xã ở Hà Nội năm 1927 khiến VNKMTNH bị rơi xuống hàng thứ yếu.

Tại Trung Kỳ, VNKMTNH không những phải tranh chấp ảnh hưởng với Việt Nam Cách Mạng Đảng (hậu thân của Phục Việt, Hưng Nam, và tiền thân của Tân Việt Cách Mệnh Đảng, 7/1928-1/1/1930) mà còn bị mật thám Pháp và quan chức Việt xuống tay đánh phá từ cuối năm 1927, đầu năm 1928. Nhiều cán bộ phải bỏ trốn sang Xiêm La.

Tại Nam Kỳ, VNKMTNH cũng gặp sức chống đối của Tân Việt, VNQDĐ cùng nhiều tổ chức khác như Đảng Lập Hiến, và đặc biệt là giáo phái Cao Đài, phát triển mạnh mẽ từ năm 1926.

Nguy hiểm hơn nữa, VNKMTNH bị chia làm nhiều phe.

Phe qua lớp huấn luyện cấp tốc rồi về nước hoạt động thường bài bác những người tốt nghiệp Hoàng Phố hay đã qua Nga.

Phe giáo điều, cực đoan, muốn thực hiện ngay cách mạng vô sản tại một quốc gia trước khi thực hiện các mạng thế giới, qua hình thái “cách mạng thổ địa”—tức, “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn.” Nhưng vì đại đa số các đoàn viên VNKMTNH đều có xuất thân trí, phú, địa, hào, họ được khuyến khích phải thoát ly gia đình, vô sản hoá bản thân bằng cách gia nhập giới lao động. Xứ bộ Bắc Kỳ của Nguyễn Đức Cảnh, Phiếm Du, Dương Hạc Đính bí mật thành lập chi bộ Hàm Long của Đảng Cộng Sản Đông Dương [ĐCSĐD] từ tháng 3/1929, và chính thức ra công khai sau khi bộ ba Viễn, Cự và Phan khai trừ các đại diện Bắc Kỳ sau Đại hội 1-9/5/1929.

Phe khác muốn trung thành với những lời dạy bảo của Côn, tức cách mạng giai đoạn:  thực hiện chủ nghĩa quốc gia tư sản trước, thế giới cách mạng sau như Nghị Quyết Đại Hội V Đệ Tam Quốc Tế (17/6-7/7/1924) chỉ thị.

Năm 1936 được gửi đi huấn luyện quân sự ở Thiểm Cam Ninh [Diên An]. 1940: Gặp HCM ở Côn Minh (với Phùng Chí Kiên) (313).1941: Ở lại Tĩnh Tây với Hoan, Đồng, Giáp và Lê Thiết Hùng (314).

([Trần Tử Bình], Phú Riềng Đỏ (Hà Nội: Lao Động, 1971) 5)

1926 Phạm Văn Phu bị đuổi khỏi chủng viện Latin Hoàng Nguyên;

Sáu năm sau, ngày 14/7/1936, Đồng được ân xá, nhưng bị quản thúc tại Quảng Ngãi. Tháng 4/1937, Đồng trốn ra Hà Nội, sống với Võ Giáp và làm báo Le Travail, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã Hội (tức ĐCSĐD trá hình). Cuối năm đó, Đồng bị trục xuất về Trung. Tuy nhiên, ngày 23/2/1938, Đồng được Mật thám Pháp cho phép trở lại Hà Nội sinh sống.

8/1945: Cao Hồng Lĩnh cùng Nguyễn Thị Thập, Bùi Lâm từ nam ra Tuyên Quang dự Đại hội Tân Trào. 23/8/1945: Tới Huế, được Phan Huy Quát tiếp. Ra Hà Nội, đã trễ đại hội. Cao Hồng Lãnh đến Thái Nguyên. Được Hồ và Hoàng Quốc Việt (Hà Bá Cang) chọn vào nam, làm đại diện Việt Minh. 27/8/1945: Tháp tùng Cang tới Hà Nội. Sử dụng xe Nguyễn Thị Thập mướn từ Sài Gòn ra. (Hoàng Quốc Việt, Chặng đường nóng bỏng (Hà Nội: Lao Động, 1985), tr. 273-76

 

E. Varenne Sang Đônng Dương Lần Thứ Hai (16/5-1/11/1927):

Năm 1927, tình hình chính trị Đông Dương có những chuyển biến khá lớn.

Quyết định cắt đứt bang giao với Mat-scơ-va của Tưởng Giới Thạch, chấm dứt chính sách liên hiệp, phát động chiến dịch “thanh Cộng” từ tháng 4/1927 khiến Bộ trưởng Thuộc Địa Léon Perrier cho lệnh Varenne trở lại Đông Dương để đáp ứng tình hình.

Trước khi Varenne rời Paris, ngày 21/4/1927 Bộ trưởng Thuộc Địa chỉ thị rõ ràng rằng đừng nên vội vã cải cách, và vấn đề “chủ quyền” Pháp phải ưu tiên hàng đầu. Varenne cần tuyên bố rõ ràng rằng mặc dù Pháp theo đuổi một chính sách cởi mở, nhưng không quên bảo vệ quyền lợi Pháp; sẽ trừng phạt nặng nề và tức khắc những vi phạm luật pháp, kể cả giới báo chí. Varenne phải theo dõi và cô lập hoá những phần tử bị nghi ngờ, như nhóm Bùi Quang Chiêu, Cao Triều Phát, cùng các nhóm có khuynh hướng Đệ Tam.(83)

83. Thư ngày 21/4/1927, Perrier gửi GGI; CAOM [Aix]. INF, carton 276, d. 2425.

 

Hôm sau, ngày 22/4/1927, Perrier cử Tướng Claudel, Tổng Thanh Tra Quân lực Thuộc địa, qua Viễn Đông để nghiên cứu kế hoạch phòng thủ chống lại mọi xâm phạm an ninh của Đông Dương cũng như Quảng Châu Loan—một thị xã cảng Quảng Đông, dưới quyền quản lý của Hà Nội. (84)

84. “Instructions secrètes au sujet de la Mission confiée au Général de Division Claudel;” Ibid. INF, carton 276, d. 2425.

 

Ngày 16/5/1927, Varenne trở lại Đông Dương. Pasquier về Pháp, cầm đầu Sở Kinh tế Đông Dương tại Bộ Thuộc Địa. Giữa Pasquier và Varenne có chuyện không vui, vì Pasquier đã có lần mở thư Monguillot gửi Varenne.

Ngày 4/10/1927, Varenne ký nghị định, áp dụng những biện pháp hành chính để ngăn chặn giới cầm bút sử dụng báo chí và sách vở chống chính quyền bảo hộ. Theo Nghị định này, “mọi âm mưu và hành vi gây rối loạn trật tự công cộng hay gây nên những bất ổn trầm trọng, hay khích động lòng ghét bỏ chính phủ Pháp hay những chính phủ được bảo hộ” sẽ bị truy tố ra tòa sơ thẩm hình sự và có thế bị kết án tù tới 5 năm” [theo điều 91 hình sự]. Những điều khoản của Luật báo chí năm 1898 vẫn giữ nguyên.(85)

85. “Le régime de la presse;” Văn Lang (Sài Gòn), 26/8/1939, tr. 31. Thực ra, tinh thần sắc luật ày vẫn còn áp dụng ở Việt Nam, và có phần thô bạo gơn.

 

Nghị định ban hành trước ngày Varenne hồi hương được linh động áp dụng, xiết chặt lại sự kiểm soát báo giới.

Nhóm Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường tại Sài Gòn trở thành nạn nhân đầu tiên. Mặc dù La Cloche Fêlée đã đổi tên thành L’Annam ngày 6/5/1926, báo bị gián đoạn từ hạ tuần tháng 7/1927. Ngày 21/7/1927 Luật sư Trường bị bắt và truy tố ra tòa. Ba ngày sau, 24/7, L’Annam bị đình bản. Ngày 12/1/1928, sau khi được tại ngoại hầu tra, Phan Văn Trường cho báo L’Annam tục bản được ít số, đến ngày 2/2/1928. Ngày 27/3, Luật sư Trường bị Tòa Đại hình Sài Gòn kết án hai năm tù. Vì có quốc tịch Pháp, Luật sư Trường chống án tại Pháp. Tháng 6/1928, về Pháp, ngụ tại số 11 Bellevue. Nhưng ngày 14/8/1929, bị bắt ở Paris, giam trong ngục Santé 2 năm vì bị y án. Mãn hạn, Luật sư về nước, sống tại Hà Nội cho tới khi từ trần ngày 22[21?]/4/1933.

Phần Nguyễn An Ninh, sau chuyến qua Pháp đón vợ chồng Nguyễn Thế Truyền vào cuối năm 1927, ngày 3/10/1928, bị kết án 3 năm tù [tới 3/10/1931] vì tội hành hung một nhân viên liêm phóng [Cai Nên] tại ga xe lửa Bến Lức. Phan Văn Hùm, hung thủ thực sự, chỉ bị án treo, qua Pháp du học. Từ ngày này, cuộc tranh đấu cho dân quyền và độc lập của Nguyễn An Ninh là một chuỗi những cuộc bắt giữ, thẩm cung và ngày tháng lao tù.

Đã có nhiều nghiên cứu về Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường và “khuynh hướng Cộng Sản” của hai tờ La Cloche FeléeL’Annam. Tâm Vũ, tức Trần Văn Giàu, là một thí dụ tiêu biếu.(86)

86. Tâm Vũ, “Khuynh hướng Cộng Sản trong hai tờ báo La Cloche FeléeL’Annam ở Sài Gòn (1923- 1927);” Nghiên Cứu Lịch Sử (Hà Nội), số 175 (7&8/1977), tr. 1926, 36.  Văn kiện Đảng Toàn Tập [VKĐTT], tập VI:1936-1939 (Hà Nội: CTQG, 2003).

 

Nhưng Tâm Vũ có lẽ đi quá xa. Tài liệu của Ban chỉ huy ở ngoài [BCHON] Đảng CSĐD cho thấy tới giữa thập niên 1930, Nguyễn An Ninh vẫn chưa hề được coi như Cộng Sản, mà chỉ bị lợi dụng để phát động chính sách “Mặt trận thống nhất” của Đệ Tam Quốc tế [ĐTQT], đồng thời đương đầu nhóm “Trotskyite.” Tạ Thu Thâu-Trần Văn Thạch-Phan Văn Hùm—những người bạn cũ, chia ngọt xẻ bùi với nhóm Bourov Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, giờ đã có lệnh từ Mat-scơ-va phải truy diệt, khiến ngừng hiện hữu vì có tư tưởng “Trotskyite.” Mùa Hè 1937, Dân biểu Maurice Honel còn tặng hoa cho bà Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn như để khoét sâu dị biệt giữa NAN với nhóm La Lutte. Kết luận Nguyễn An Ninh có khuynh hướng Trotskyite—như Y sĩ Trần Ngươn Phiêu trong Phan Văn Hùm (2003)—sợ rằng không đủ bằng chứng. (87)

87. Trần Ngươn Phiêu, Phan Văn Hùm (Amerillo, TX: Hải Mã, 2003).

 

Phan Văn Trường hay Nguyễn An Ninh chỉ là những người yêu nước nhiệt thành. Cả hai chủ trương tranh đấu một cách hợp pháp cho nhân và dân quyền, và chủ nghĩa cộng hòa với lòng ngưỡng mộ và niềm tin ở truyền thống dân chủ, tự do, pháp trị của dân tộc Pháp. Cũng như Nguyễn Sinh Côn, Phan Văn Trường hay Nguyễn An Ninh chỉ tả khuynh, ngưỡng mộ Liên Xô—một cách sai lầm—là nước duy nhất đứng về phía các nước bị ngoại cường xâm chiếm và đô hộ. Trong khi đó, các nhóm hữu khuynh như Phan Chu Trinh, Bùi Quang Chiêu, v.. v... muốn hợp tác tinh thành với Pháp, đấu tranh trong khuôn khổ pháp định. Chua chát là tả khuynh hay hữu khuynh, những người Việt yêu nước đều bị chính quyền Pháp thường trực nghi ngờ, theo dõi và sẵn sàng hủy diệt khi đụng chạm, hoặc bị tình nghi là làm tổn hại, đến “chủ quyền” Đại Pháp cùng nền “trật tự thuộc địa.”

Trong khi đó, Nga Sô của Dzhugasvili [Stalin]—hay Trung Cộng [Zhonghua Renmin Gongheguo] của Mao Nhuận Chi sau này—có những lý do riêng để thực hiện “nghĩa vụ quốc tế” tại Đông Dương. Cần những nghiên cứu mới, dưới ánh sáng sử học, mới thây rõ được những “ảo ảnh sa mạc” của trí thức Việt Nam trong giai đoạn 1925-1945. (88)

88. Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ, Kiện hay Không Kiện?, tập 3 [bổ túc] (2016).

 

Ngày 1/11/1927, Varenne về nước. Tổng thư ký Đông Dương, Monguillot, xử lý thường vụ cho tới ngày 7/8/1928. Mặc dù có những vận động đưa Monguillot lên thay Varenne, tháng 8/1928, Pasquier được cử làm Toàn quyền. René Robin, Thống sứ Bắc Kỳ, xử lý thường vụ tới ngày 26/12/1928, khi Pasquier nhiệm chức.(89)

89. Thư ngày 23/1/1928, Darles gửi BTTĐ; CAOM (Aix), INF, carton 276, d. 2425.

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933, và nỗ lực tuyệt vọng của Pasquier trong việc tiêu diệt mọi chống đối—bằng bạo lực, nếu cần—đưa Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng vào những cuộc tắm máu dã man. Trong khi đó, mối hoàng họa quân phiệt Nhật ngày một hiển lộ. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, thế hệ 1925-1927 sẽ đứng lên xóa bỏ chế độ thực dân Pháp, và đồng thời chấm dứt chế độ “quân chủ lập hiến” kiểu Pháp.

 

 VŨ NGỰ CHIÊU

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 42588)
Ô ng Giản nhớ lại, năm ngoái chính vợ ông cũng đã nằm ở đây trong chiếc quan tài để người ta đưa ra cánh đồng, ông đưa tiễn vợ ra tận nghĩa trang. Ông thì thầm với vợ rồi cũng có ngày tôi sẽ nằm đây để người ta đưa ra với bà, bà đi trước tôi đợi tôi nhé! Bây giờ thì chính ông đang nằm đây, chỉ có khác vợ ở chỗ ông chưa chết nên chưa được nằm trong quan tài.
21 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 36913)
A nh đi rồi còn ai vuốt tóc Lời tình thơm sách vở học trò Đêm xuống rồi em buồn không hở Trời xa mù tầm tay với âu lo…
18 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 37303)
V ậy hôm nay anh thấy gì Thấy những tay lưu manh ở diễn đàn Asia chơi trò súc vật Làm những người hiền lành phải tránh xa
18 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 34024)
T heo văn phong cải lương của Khổng tử thì hôn nhân là “The River of no-return”, đạo đức như tớ thì đời vợ chồng là “thánh giá Chúa gửi ,” vì như lời thánh kinh đã nói: “ Này ta bảo thật các con: những gã đực rựa nào vừa đi làm đổ mồ hôi lấy tiền nuôi gia đình, vừa nhẫn nhục sống trong cảnh vợ chúa chồng tôi, thì dù có bay bướm chút đỉnh, nước Thiên Đàng vẫn chính là của họ.”
18 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 34367)
luôn đi ngủ khi mặt trời thức dậy sao tôi có thể yêu đêm đến độ phải ruồng rẫy vừng hồng bình minh lên từ đâu trong tôi mọc một nhành đêm rất trắng
16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 46222)
B ài viết này cố gắng xuyên suốt qua những màn hỏa mù tuyên truyền, tái dựng lại “bài học Đặng Tiểu Bình” dưới ánh sáng lịch sử và luật học. Nguồn tư liệu cơ bản của chúng tôi là tư liệu văn khố Mỹ, Pháp, Nga, Trung Hoa và Việt Nam thu thập hơn 30 năm qua—kể cả tư liệu kho Châu Bản nhà Nguyễn, chuyến thăm viếng vài trận địa cũ trong năm 2004-2005 nhân dịp du khảo Việt Nam với một học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao Mỹ và tài trợ khác, cùng những thông tin truyền khẩu của một số người đã tham dự cuộc chiến, gồm dù không giới hạn trong số các bộ đội QĐND từng tham chiến.
15 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 34643)
... m ột điều mà cả 14 người chúng tôi đều đồng ý là nhạc sĩ P.Q.Phan đã thành công với những dòng nhạc hay tuyệt ngoài mức mong đợi. Tâm nguyện của cả nhóm là vở Opera Chuyện Bà Thị Kính của P.Q.Phan sẽ cất cánh thành một vở Opera được lưu diễn khắp nơi ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Tại sao không? Cốt lõi chính là phần âm nhạc và tuần bản đã đạt đến mức độ tuyệt vời.
13 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 35419)
N ói anh nghe một chút về vui Cũng nói anh nghe tại sao em buồn Anh sẽ nhớ, mặc cho buổi chiều mù mờ sương Mặc cho alzheimer thấp thoáng
13 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 33965)
Mẹ chưa bao giờ biết đến ngày Valentine! Mẹ chờ con về đã 40 cái Tết Mẹ vẫn hàng đêm nguyện cầu cho con
13 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 36274)
k hông phải là u sầu của những ngày không nhau trong em mùa nầy chói chang màu nắng bởi hôm qua hai tâm hồn chết lặng đuối một lần trong yêu dấu nồng say