- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GIÁN

14 Tháng Ba 20163:11 CH(Xem: 29112)
 

 
DuNgon 2

 

Hôm đó là thứ hai Thanh mặc trên người một cái áo sơ mi xám thắt cà vạt xám, quần tây đen; anh cầm trên tay một chiếc cặp đơn giản, đen và vuông vức. Bên trong có cái laptop, vài bồ hồ sơ, ba cây viết bi và một cây viết chì bấm cùng hộp ngòi. Thanh bước vào một công viên vào lúc tám giờ mười phút sáng sau khi đã gửi xe ở bên ngoài rồi ngồi xuống một băng ghế đá, cặp đặt trên đùi ngay ngắn.

Anh chưa ăn sáng nhưng lại không thấy đói, chưa uống cà phê những cũng chẳng buồn ngủ. Buổi tối hôm qua Thanh đã có một giấc ngủ ngon, anh mơ về tuổi thơ của mình, những ngày mới mười hai mười ba tuổi, mơ về thằng bạn thân hồi ấy giờ chẳng còn gặp lại.

Một giấc mơ lúc rạng sáng, giấc mơ tiên tri theo quan điểm của người Hy Lạp cổ đại.

Ngày hôm nay nắng rất đẹp và bầu trời thì trong xanh dễ chịu, ngồi dưới bầu trời ấy Thanh im lặng sưởi nắng. Công viên đã thưa bớt những người đi tập thể dục, họ đi bộ hoặc đánh cầu lông, tụ tập lại thành từng nhóm trò chuyện với nhau. Cũng có người đi một mình tập luyện trong thầm lặng. Tất cả họ đều đi qua đôi mắt Thanh, anh không quan sát một ai và cũng chẳng chú tâm đến điều gì. Đầu óc anh vẫn còn lơ mơ, nó hồ như trống rỗng.

 

Sáng nay Thanh thức dậy và lục tìm cái điện thoại đi động dưới gầm giường, hôm qua có một cuộc gọi lúc nửa đêm anh bắt máy trong mơ màng rồi vứt bừa cái điện thoại trên giường. Sáng ngủ dậy chẳng thấy nó đâu nữa. Thanh bỏ hết chăn màn qua một bên, lật cái gối lên quẳng xuống sàn nhà. Cuối cùng anh dở cả tấm nệm nặng trịch và cồng kềnh lên, bên dưới là khung giường với vài mẫu nhang muỗi vụn, một cuốn sổ tay bìa vàng và xác một con gián bị ép đến mức khô kiệt.

Thanh nhìn chầm chầm cái xác của con vật, hẳn nó đã kẹt ở đây, bị ép dưới sức nặng của anh hết đêm này qua đêm khác. Loài gián sống rất lâu nên nó đã không chết ngay mà sống thoi thóp qua nhiều ngày liền. Ý nghĩ ấy len lỏi vào đầu Thanh và khơi gợi lên một điều gì đó khủng khiếp. Anh nuốt nước bọt một cách khó khăn.

Thả cái nệm xuống Thanh cúi xuống tìm dưới gầm giường, trong đầu anh hình ảnh con gián chết vẫn lởn vởn như một vết bẩn không thể lau sạch trên mặt kính.

Tìm ra được cái điện thoại thì đã sát giờ làm, anh dụi mắt vội, đánh răng rồi thay bộ quần áo mà hôm qua đã ủi. Vớ cái cặp theo, lao ra đường Thành nhìn đồng hồ rồi phóng xe đi.

Bình thường Thanh chạy đã nhanh nhưng hôm nay lại đặc biệt nhanh hơn, anh không thể tới trễ vào một ngày quan trọng. Hôm nay sẽ quyết định vị trí phó phòng sau khi tay ấy chuyển qua một chinh nhánh khác, anh là một trong những ứng viên nên không thể đến trễ. Vượt qua hai cái đèn đỏ, leo lên lề đường và lấn làn xe hơi Thanh phóng bạt mạng.

Cuối cùng anh đến nơi sớm năm phút, liếc nhìn đồng hồ khi đứng trước cửa cơ quan Thanh mỉm cười. Đó là một tòa nhà bảy tầng nằm ngay trên một con đường đông đúc xe qua lại, nó cao hẹp vài trải dài mãi về sau một cách không cân xứng. Mặt tiền đẹp đẽ chỉ để che giấu chiều sâu và dáng vẻ xấu xí của nó, một giàn bông giấy lòa xòa phía trước tím thẫm một cách giả tạo. Tay bảo vệ ngồi trước cổng đang rít một hơi thuốc với ly cà phê sữa đá. Cả tòa nhà như một người đàn bà quá lứa phô bày khuôn mặt trang điểm đậm của mình ra cho thiên hạ.

Thanh thở ra một hơi, bỗng nhiên mọi thứ trong anh đều tắt ngấm, giống như ngọn lửa bị một trận mưa ra dập tắt. Một sự chán nản kinh khủng dâng lên trong lòng anh, anh nghĩ tới cảnh con gián bị ép đến chết dưới gầm giường của mình. Thanh cảm thấy ghê sợ, anh sởn gai ốc và rùng mình mà chẳng biết vì điều gì. Và anh nghĩ  nếu mình bước vào nơi đó thì chính mình cũng sẽ là con gián kia, bị ép dần dần cho đến chết. Vì sự chật hẹp và dài thậm thượt của tòa nhà, vì cái mặt tiền phô trương của nó, vì cả cái giàn hoa giấy màu sắc giải tạo nữa. Ý nghĩ ấy vô cớ xâm chiếm anh, ập xuống như một bức màn đen tuyền trống rỗng.

 

Thanh vít ga chạy thẳng, anh phóng còn nhanh hơn lúc rời khỏi nhà, như muốn chạy trốn; liếc nhìn kính chiếu hậu Thanh thầm mong tay bảo vệ không nhìn thấy mình, thầm mong cho đừng có đôi mắt nào trên những ô cửa sổ nhìn thấy anh đang chạy trốn.

Đường phố mịt mùng người xe, Thanh lại vượt đèn đỏ qua ba cái ngã tư nữa trong một buổi sáng chật nức hơi người. Rồi anh dừng lại ở một công viên, chẳng vì sao hết, chỉ muốn tìm một nơi để ngồi xuống.

 

 

Xòe bàn tay mình ra Thanh chăm chăm nhìn vào chúng, chẳng có một vết chai nào trên bàn tay trắng sạch của anh, những ngón tay đầy đặn chìa ra khỏe mạnh. Anh ngơ ngác nhìn nó như một vật lạ, bao năm rồi anh không nhìn kỹ bàn tay mình, mà tại sao phải nhìn chứ? Nó vẫn ở đó, anh luôn luôn biết vậy.

“Có khi nào tay ta không phải là của ta chưa?” Thanh nghĩ thầm rồi chau mày.

“Mà có khi nào ta không phải là của ta chưa?”

Rồi anh ngước mặt lên nhận ra lần đầu tiên trong nhiều năm mình chẳng biết phải làm gì tiếp theo cả. Anh vừa chạy trốn khỏi công việc nhưng giờ vẫn còn kịp để quay về, chỉ cần nói là bị kẹt xe, lý do ấy luôn được chấp nhận, mà không chấp nhận thì sao chứ? Họ có cấm anh vào đâu, anh vào lúc nào cũng được, chẳng cần lý do gì hết, chỉ cần bịa bừa ra một thứ nghe có vẻ hợp lý.

Lý do chỉ là một thứ đề con người ta nói dối với nhau, vậy thôi. Anh chẳng cần phải lý do gì cả.

Nhưng Thanh vẫn ngồi im tại chỗ không động cựa. Lấy cái di động đang nhét trong túi anh nhìn chằm chằm vào nó.

-       Tất cả là tại mày!- Anh thì thầm với cái màn hình đen ngòm đang phản chiếu lại khuôn mặt mình.

Mở nắp điện thoại ra anh rút thẻ sim một ra. Sau một lúc ngần ngừ Thanh vứt nó vào thảm cỏ trước mặt. Tất cả số liên lạc hiện tại đều nằm trong sim một, trong đó có người nhà, bạn bè, đồng nghiệp. Vứt nó đi có nghĩa là cắt rời chính mình khỏi thế giới thực tại nơi anh vẫn sống, vứt nó đi là Thanh đã bắt đầu trôi dạt về vô định.

Còn sim hai giống như một đầm lầy, một thứ di tích cổ xưa. Ở đó lưu số của những người yêu cũ, vài đứa bạn không còn gặp thậm chí còn có số của một hai người họ hàng đã chết. Thanh dùng cái sim này từ hồi học cáp ba, khi thay điện thoại mới thì anh cũng nhét nó vào, chẳng biết cái sim đã qua bao nhiêu đời điện thoại. Nhưng hết năm này qua năm khác cái sim vẫn ở đó, từ vai chính thành vai phụ cho tới lúc mất hút trong cuộc sống của Thanh với cái danh bạ cũ mòn.

Bởi vì điện thoại có hai khe nhét nên anh phải có hai cái sim lấp đầy chúng, chỉ đơn giản có thế.

Mở điện nguồn thoại lên Thanh lại đút nó vào túi rồi nhìn bãi cỏ trước mắt, một con mèo vàng chạy ngang qua; Thanh không nhìn theo, trong mắt anh nó tựa như một ảo ảnh.

 

 

-       Tôi cứ tưởng ông không tới!

Một người đàn ông cất giọng hồ hởi rồi ngồi xuống bên cạnh Thanh. Đó là một gã mà anh chưa gặp bao giờ; khuôn mặt rắn rỏi, nước da sạm đen, bộ râu quai nón đen nhánh. Gã đeo một cặp kính cận gọng vuông, đôi mắt phảng phất sự thông minh và hoang dã. Trên chiếc áo thun trắng của gã có vài vết bẩn đã cũ, quần jean bạc màu và đôi dép lê chẳng ăn nhập vào đâu.

-       Xin lỗi, nhưng anh là …

-       Tôi gọi cho ông hôm qua còn gì?- Gã nói và một nụ cười tươi rói nở ra trên khuôn mặt.- Lúc nửa đêm, tôi nói tôi đang ở thành phố và hẹn gặp ông ở đây vào buổi sáng nếu ông rảnh. Ông không nhớ à?

-       Tôi có nhớ về cuộc điện thoại.- Thanh gật đầu một cách ngớ ngẩn.- Nhưng anh là ai mới được chứ?

-       Ông không nhận ra tôi hả? Tôi nói trong điện thoại rồi còn gì, tôi là thằng bạn lúc nhỏ của ông đây! Cái thằng hàng xóm vẫn thường qua nhà rủ ông đi chơi.

-       Nhưng, làm sao mà…

Thanh nói rồi đột ngột im bặt, anh nhìn kỹ khuôn mặt gã đàn ông đang đối diện với mình, đúng là cũng có nét quen thuộc thật. Có lẽ đêm qua hắn đã gọi, chính vì vậy mà Thanh mới nằm mơ. Nhưng anh chợt nhớ là mình cũng chẳng rõ khuôn mặt của thằng bạn thân ra sao, đã hơn mười năm rồi còn gì. Vậy mà hắn nhận ra anh, Thanh liếc gã đàn ông từ đầu xuống chân một lần nữa rồi nhìn quanh công viên.

-       Ông không tin thì tôi còn có cả tấm hình tụi mình chụp chung hồi nhỏ.- Hắn luồn tay vào túi quần móc bóp ra rồi lôi một tấm ảnh đã vàng vọt cho Thanh xem.- Đây là hai tụi mình, mẹ tôi chụp cho chúng ta ông còn nhớ không? Vào sinh nhật lần thứ mười ba của tôi, đừng nói là ông cũng chẳng nhận mình.

Thanh xem xét kỹ tấm ảnh, đúng là hình anh ta thật, vào hồi mười hai mươi ba tuổi gi đó.

-       Vậy là rõ rồi nhé? Không có nghi ngờ gì nữa phải không?

Thanh lại gật đầu một cách ngớ ngẩn thêm lần nữa rồi trả tấm ảnh lại.

 

 

-       Ông tới đây có việc hả?- Thanh hỏi cho đỡ bối rối.- Ý tôi là tới thành phố này.

-       Thì dĩ nhiên. Ông ăn gì chưa?

Anh lắc đầu, hắn vỗ vai rồi kéo Thanh đứng lên.

-       Đi mua gì đó ăn đi, tôi cũng chưa ăn sáng, hình như có xe bánh mỳ ngoài kia, khi nãy tôi mới thấy.

-       Thì đâu mả chả có xe bánh mì trong cái thành phố này.- Thanh lẩm bẩm bước theo hắn.

-       Ông nói gì?

-       Không có gì!

 

 

-       Lúc này ông làm gì?- Hắn hỏi khi cả hai đang rảo bước.

-       Chẳng có gì, việc văn phòng thôi.

-       Hèn gì ăn mặc bảnh quá. Công việc của ông thế nào?

Thanh không muốn nói rằng mình vừa chạy trốn sáng nay, anh không muốn nhắc lại chuyện cái điện thoại và con gián, ngày hôm nay đã quá đủ phức tạp rồi.

-       Ông gọi tôi bằng số nào vậy?

-       Số có đuôi chín hai.

Thanh gật đầu, sim hai. Một kẻ trồi lên từ đầm lầy của quá khứ, cái đầm lầy chết tiệt.

Anh nhìn bà bán bánh mì bỏ những miếng thịt nướng trông có vẻ đáng ngờ vào hai ổ bánh mì, tiếng rào rào của xe cộ đang chạy ngoài đường. Bỗng nhiên anh thấy buồn nôn, sao người ta có thể ăn uống ở cái nơi này. Thật khủng khiếp. Một cơn choáng váng xâm chiếm đầu óc Thanh, anh day day vầng trán rồi nheo mắt nhìn dòng xe cộ. Dòng người như dính liền nhau chảy đi trên mặt đường, một dòng chảy bất tận không hồi kết.

Thanh cảm thấy cái cặp trên tay mình thật thừa thải, anh chỉ muốn vứt đi mặc kệ bên trong nó có có gì. Còn bộ quần áo nữa, nó bó tới nỗi khiến anh khó thở, làm sao mà di chuyển được trong thứ này. Không thể đi lại ngoài trời với bộ quán áo anh đang mặc được. Mỗi bước đi như một sự phản bội lại nó và mọi thứ chỉ chờ được rách toạt ra.

-       Ông có việc gì ở đây vậy?

-       À, tôi nghiên cứu gián.- Hắn trả lời trong khi đưa anh một ổ, cả hai rảo bước về lại công viên.

-       Nghiên cứu gián?- Thanh lập lại, anh đứng sững lại, đầu óc anh trống rỗng nhìn hắn.

Một sự trùng hợp đến quái dị, anh nuốt nước bọt, ổ bánh mì cầm trên tay nặng trịch.

-       Ừ, thật ra tôi là nhà sinh vật học, nhưng thời gian này thì tôi làm đề tài về gián. Gián trong thành phố.- Hắn cười ngồi xuống một cái ghế gần đó, Thanh cũng ngồi kế bên.- Thành phố càng lớn càng hiện đại thì gián lại càng nhiều, thế nên tôi mới đến đây, thành phố lớn nhất nước ta.

Rồi hắn bắt đầu ăn, nhai nuốt một cách ngon lành. Thanh cắn một miếng và thấy bánh mì kẹt lại trong cổ họng khô khốc, anh nhìn cái vòi tưới cây trước mặt đang xịt nước, xoay tròn. Một đôi tình nhân ở mãi đằng xa thì thầm trò chuyện, nhìn họ rất hạnh phúc trong một buổi sáng đẹp trời.

-       Tập tính loài gián rất hay nhé, giống như chúng được tạo ra để sống chung với chúng ta vậy.- Hắn vẫn huyên thuyên.- Con người thích gì thì chúng thích đó, ta ăn gì thì chúng ăn đó; nhưng thích nhất vẫn là socola và các loại đồ ngọt. Nghe hơi lạ nhưng lũ gián thích socola, rất hay phải không.

Thanh gật gù, một nửa ổ bánh mì của hắn đã biến mất trong khi anh mới cắn có ba miếng, lũ chim kêu ríu rít trên đầu như đang hối thúc điều gì đó.

-       Chúng lại thích nghi cực kỳ tốt với môi trường, ở đâu cũng sống được. Ngoài ra bọn chúng có thể ăn bất cứ cái gì; giấy, bìa cứng, ván ép…

Thanh cắt ngang.

-       Ông có nghĩ là một con gián sống ở gầm giường có thể bị ép tới chết không, bởi sức nặng của người nằm trên đó?

-       Không, làm gì có chuyện đó.- Hắn phẩy tay.- Gián sống rất dai, trừ khi anh lấy chân hay vật nặng giáng thẳng vào nó, còn không thì làm gì có chuyện bị ép từ từ đến chết.

-       Vậy mà tôi thấy một con ở dưới gầm giường của tôi, chết khô.

Hắn mỉm cười, cả ổ bánh mì đã biến mất, hắn vò tờ giấy và ném vào cái thùng rác gần đó.

-       Không đâu, nếu nó chết thì hẳn là chết vì đói. Loài gián cũng có cá tính riêng, có lẽ con gián ấy chết vì quá nhát gan.

-       Vậy à?

-       Phải phải, gián cũng có cá tính riêng. Có loại thích phiêu lưu tìm hiểu mọi việc nhưng có loại thích ở trong nơi trú ẩn an toàn. Những con thích phiêu lưu thường kiếm được nhiều thức ăn nhưng dễ chết do tại nạn; bị mèo ăn thịt, chó vồ, thuốc diệt gián đủ cả. Những con thích ở yên một chỗ thì an toàn nhưng dễ bị chết đói.

Thanh im lặng, anh nghĩ tới những con gián và thấy chúng bò trong đầu óc mình, cả một bầy bò qua một vùng tối, đôi chân chúng rào rào lướt qua, cái màu nâu trên thân mình chúng ẩn hiện trong bóng đêm.

-       Vậy ý ông là con gián chọn cách nó sống? Hay đúng hơn là chọn cách chết.

-       Không hẳn là chọn.- Hắn chau mày.- Giống như thiên hướng hơn, ông đâu có thật sự lựa chọn được cái gì phải không? Mọi thứ cứ phát triển tự nhiên, giống như được định sẵn bên trong ông vậy. Kiểu như ông không thể nhận ra được từ bao giờ mà mình đã trở thành người như mình hiện tại. Khi ông nhìn lại ông không biết mình đã thay đổi từ lúc nào, thông thường là vậy.

-       Có lẽ.- Thanh xác nhận một cách yếu ớt.

Hắn nhìn anh rồi mỉm cười.

-       Thì thiên hướng của ông là trở nên bảnh bao như bây giờ, còn của tôi thì trở thành một gã hoang dã suốt ngày theo đuổi mấy con côn trùng, ruồi bọ.

Thanh rặn ra một nụ cười nhạt nhẽo.

-       Gián khá giống người theo một mặt nào đó, chúng ta càng đông thì gián cũng sẽ càng đông hơn, đó là loài phát triển dưới cái bóng của con người.

-       Gián là người, còn người là gián!- Thanh thốt lên.

-       Cũng có thể nói là như vậy. Chúng là kiểu có thể làm mọi thứ để sống sót, khi không còn gì để ăn bọn chúng sẽ ăn xác đồng loại để mà sống.

-       Ông ăn giùm tôi ổ bánh mì được không, tôi không thấy đói.

-       Được thôi, đối với tôi một ổ hay hai ổ cũng chẳng vấn đề gì.

Hắn ăn còn Thanh lại tiếp tục ngẩn ngơ nhìn xung quanh, cái cặp đặt dưới chân anh ngay ngắn. Anh cảm thấy đầu óc mình lơ mơ, hôm nay thật nhiều chuyện xảy ra, toàn những thứ mơ hồ chẳng có ý nghĩa gì. Anh tự hỏi giờ cái sim mình đã vứt đang ở đâu, hai người đã ngồi chỗ khác rồi; Thanh không nhớ rõ khi mới vào đây mình đã ngồi ở chỗ nào, lúc đó anh giống như đi trong cơn mộng du.

-       Nói tôi nghe lũ gián có cảm thấy đau không?

-       Theo lẽ thông thường thì không. Đa số côn trùng đều không có cơ quan thụ cảm nỗi đau, loài giáp xác cũng vậy. Nhưng đó chỉ là cách nhìn của chúng ta, chỉ là kiểu đau của con người.- Hắn phủi vụn bánh mì trên áo, ổ bánh mì đã biến mất.- Tôi tin mỗi loài lại có một kiểu đau khác nhau. Ngay cả vi trùng, nếu anh tiêm chất độc cho một con trùng biến hình thì nó cũng vặn mình lại. Người ta nói đó chỉ là phản xạ thần kinh chứ không phải nỗi đau đúng nghĩa. Nhưng họ thì biết quái gì chứ, tôi tin đó là nỗi đau, nỗi đau mà con người không cảm thụ được.

Thanh gật gù. Có lẽ anh cũng đang chịu một thứ đau đớn tương tự, bản thân anh còn không biết là mình bị đau. Một nỗi đau không thể cảm thụ.

-       Thôi tôi có việc rồi.- Hắn đột ngột đứng dậy.- Tới giờ làm rồi, ông cũng có công việc phải không?

Trong thoáng chốc anh muốn đưa tay giữ hắn ở lại, anh không muốn ở một mình lúc này; nhưng anh kềm chế được cái ham muốn đó, thật ngớ ngẩn nếu làm vậy.

-       Vậy tạm biệt, hẹn gặp lại.- Thanh nói một cách trống rỗng, anh vẫn ngồi im.

Hắn trân trân nhìn Thanh một lúc rồi cũng gật đầu cười hồ hởi.

-       Ừ, tạm biệt, cuối tuần này đi nhậu nhẹt gì đó đi. Tôi sẽ gọi ông, đừng nói là ông không uống được nhé.

Nở một nụ cười yếu ớt anh nói như kiệt sức.

-       Tôi uống được!

Vậy là hắn bỏ đi, thẳng ra ngoài đường lộ mà không hướng tới nhà để xe, hắn là hắn làm việc gần đây.

 

 

Thanh nhận ra anh vẫn chưa hỏi tên hắn, anh không thật sự nhớ được khuôn mặt hồi nhỏ của hắn cũng như việc hắn tên gì. Chỉ biết mình từng có một đứa bạn hàng xóm, từng chơi rất thân, ký ức lờ mờ như đang nhìn qua một màn sương đục. Bao nhiêu năm rồi, sẽ thật kỳ lạ nếu Thanh còn nhớ được, ảnh cảm thấy vậy.

Một lần nữa Thanh lại nhìn vào bàn tay mình, đầu óc anh trống rỗng, thậm chí anh còn không nhớ dược mình làm gì ở văn phòng. Cứ như bao năm qua anh đi về trên một con đường mòn, giờ chệch ra khỏi con đường ấy rồi thì anh thành kẻ ngây ngốc; tựa một toa xe lửa trật đường ray thì chẳng thể chạy được nữa.

Đứng lên, Thanh đi về bãi giữ xe, anh chỉ muốn về nhà; vào phòng và đóng chặt cửa.

“Làm con gián thích ở yên một chỗ!”

Ý nghĩ ấy xuất hiện trong đầu Thanh.

 

 

Để tránh đi qua nơi mình làm việc Thanh chọn một con đường vòng rất xa, nó luồn lách qua nhiều con hẻm và đường ngang lối tắt. Dòng xe lúc chín giờ sáng đã trở nên thưa thớt, anh chạy chậm rãi qua những con đường vắng lặng và lách vào những con ngõ chật hẹp.

Thanh cảm thấy không việc gì phải vội cả, dù gì anh cũng đã nghỉ hôm nay rồi, điện thoại thì cũng vứt đi cái sim rồi. Sẽ chẳng ai gọi hay làm phiền anh cả, không ai chạm được vào anh nữa. Giờ anh tự do làm cái gì mình thích.

Thanh chỉ nghỉ ngày hôm nay thôi; anh bị khủng hoảng vì căng thẳng, chỉ cần một thời gian để bình tâm lại. Anh cũng làm việc mãi rồi còn gì, ngay cả những ngày cuối tuần đôi khi cũng phải tới chỗ làm, không thì lại phải nhậu nhẹt giao tiếp. Thanh không có thời gian cho riêng mình nên mới thành ra thế này. Ngày mai anh sẽ lại đến chỗ làm, nghỉ một ngày không có gì nghiêm trọng cả, cái chức phó phòng thì của anh hay không của anh cũng không sao. Anh có việc làm, anh có một vị trí nhất định trong guồng máy; không phải là con gián bị ép đến chết, cũng không phải là con gián trốn trong một góc chịu đói khát, càng không phải con gián lang thang bị mèo vồ. Anh là con người, con người thì phải hơn con gián.Thanh tự an ủi mình như vậy trong lúc chạy xe.

-       Mình là người!- Thanh nói to khi dừng ở ngã từ làm một người đàn ông trung niên giật mình, ông ta quay qua nhìn anh như kẻ điên.

 

Tâm trạng phấn khởi thì bao tử lại hoạt động, Thanh thấy đói cồn cào, vừa chạy anh vừa ngó quanh quất tìm một hàng quán nào đó. Tấp vào một quán hủ tiếu bày ra ngay cạnh lối vào một con ngõ hẹp anh ngồi xuống và gọi một tô.

Vừa ăn anh vừa nhìn ra ngoài, con đường vắng tanh lâu lâu mới có một hai bóng xe qua lại. Phía bên kìa đường là một nhà nghỉ đã cũ, có vẻ như họ đang tiến hành sửa chữa nâng cấp. Khung cửa sổ mở toang và từ bên trong phát ra âm thanh của những cúa búa đập vào tường thạch cao. Đột ngột người ta vứt một tấm nệm từ trên lầu hai thẳng xuống bên dưới qua đường cửa sổ. Cái nệm đã rất cũ kỹ rách rưới nhiều chỗ, lò xo thòi ra từ bên trong tua tủa.

Rồi ngay sau đó là một tấm nệm khác, cũng được vứt thẳng xuống chồng lên tấm nệm cũ. Và bỗng nhiên vô số gián bò ra từ hai tấm nệm được vứt xuống, chúng chạy toán loạn. Đa số nhanh chóng lẫn vào những góc tối nhưng cũng có vài con băng qua đường trong con hoảng loạn. Một con gián chạy ngang qua bàn chân Thanh, anh quay đầu nhìn theo nó. Ngay khi con gián vừa lèo lên một bức tường thì người đàn bà chủ quán dùng một cái vỉ đập ruồi đánh trúng nó. Con gián rơi xuống, bà ta bồi thêm vài cú đạp thật lực nữa.

-       Cái giống này phải như vậy mới chết được.- Người đàn bà nói lớn như để giải thích.- Đập một cái tụi nó vẫn còn sống được. Gì chứ tôi ghét gián nhất trên đời.

Thanh không nói gì, anh nhìn xuống tô hủ tiếu mới ăn được hai đũa, nước lèo vẫn bốc khói và hai ba miéng thịt heo trăng trắng chìm nổi trong đó, một cục giò với lớp da heo màu tái. Cảm giác buồn nôn lại quay về với Thanh, anh nhìn chỗ khác vì sợ mình sẽ nôn vào trong tô.

-       Tính tiền bà chủ!

 

 

Lên xe anh lại phóng nhanh về nhà, nhanh hơn bao giờ hết, mọi thứ lướt qua vùn vụt, phòng cảnh xô nhau về phía sau, Thanh thấy người lạnh toát, anh như đang trong cơ mê sảng. Mọi thứ đều nhạt nhòa. Thanh nhận ra mình đã bỏ lại cáp cặp ở quán hủ tiếu, hoặc bỏ lại ở công viên, anh cũng không chắc nhưng nó không có ở trên xe. Dù vậy anh vẫn chạy về nhà, bên trong cặp có cái laptop nhưng anh chẳng buồn quay lại lấy, kệ nó, anh chỉ muốn về nhà, chỉ muốn đóng cửa phòng lại và yên tĩnh ở trong đó.

Mở cổng, dắt xe vào Thanh cẩn thận bấm khóa lại, anh cũng khóa cả cửa nhà. Rút cái điện thoại ra di động ra Thanh thả xuống đất, có tiếng gì như mặt kính bị vỡ. Chẳng buồn quay lại nhìn Thanh bắt đầu cởi cúc áo sơmi.

Làm sao người ta có thể đi lại được trong thứ này?

Làm sao mà anh đi lại được?

Ngay khi cúc áo đầu tiên vừa được gỡ ra thì một điều kỳ quái xảy ra, điều kỳ quái nhất trong tất cả những điều kỳ quái của ngày hôm nay. Cơ thể Thanh bắt đầu phân rã ra thành hàng ngàn con gián. Anh gần như không nhận thấy sự thay đổi này, nó xảy ra qua nhanh; anh không cảm thấy sự chết đến vì nó không phải sự chết, nó chỉ đơn giản là sự biến đổi.

Ý thức của Thanh cũng tan rã giống như cơ thể, nó chia cho những con gián vừa mới được sinh ra

Cả cơ thể Thanh đổ sụp xuống nền nhà một cách nhanh chóng, từ trong bộ quần áo, đôi vớ hàng ngàn con gián túa ra đi về mọi hướng của căn nhà.

Có con gián sẽ sục sạo tìm thức ăn để rồi bị mèo vồ, bị chó bắt, bị con ngừoi lấy vĩ ruồi đập và giẫm nát.

Có con gián sẽ chui vào những góc tối, rúc trong gầm giường và chết vì đói.

Chúng sẽ ăn mọi thứ mình thấy, chúng thích đồ ngọt và socola, chúng ăn cả mạt cưa, ván ép, gặm mòn quần áo, bìa cứng, thùng các tông;  khi không còn gì để ăn chúng ăn cả xác đồng loại của mình.

THIÊN DI
04/03/2016.

Sáng…

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Chín 201512:07 SA(Xem: 30001)
Cánh đồng cỏ trải dài dường như bất tận, gió ào ạt thổi tràn qua cánh cửa, những ngọn cỏ xanh run rẩy không ngừng. Bị khung cảnh làm cho choáng ngợp tôi đứng im như tượng một lúc, tim đập liên hồi và trong trí óc của một đứa trẻ năm tuổi nảy ra đủ mọi ý nghĩ sợ hãi, kỳ quái.
12 Tháng Chín 201510:14 CH(Xem: 45706)
Về những nhà văn quân đội nổi tiếng với những tác phẩm (thơ cũng như văn) của họ, có thể kể những tên tuổi về thơ, như có Tường Linh, Phạm văn Bình, hay Linh Phương... Cả hai nhà thơ sau, đều nổi tiếng nhờ có thơ được cố nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc. (Phạm Văn Bình với ca khúc “Chuyện tình buồn,” và “Mười hai tháng anh đi”; Linh Phương với “Kỷ vật cho em”) (1). Về văn có thể kể Văn Quang (lớp trước). Lớp sau vài năm, có thể kể tới Trần Hoài Thư, Đào Vũ Anh Hùng, Huỳnh Văn Phú... Nhưng, nổi bật hơn cả, theo tôi vẫn là Nguyên Vũ (truyện) và, Phan Nhật Nam (bút ký, phóng sự).
08 Tháng Chín 201511:47 SA(Xem: 30253)
"Đời sống bên này có cái thực tế khắc nghiệt là vậy. Càng khắc nghiệt tôi càng trầm tĩnh. Nghiệm ra một điều: hãy làm hết sức mình cho một công việc tốt, cũng có lúc bù đắp lại. Những tấm tranh cũng đã từng nuôi sống tôi, tôi không thể bỏ vẽ được". (Đinh Cường)
03 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 28477)
khi những ngón tay không còn theo đuổi những thanh âm phím đàn nghẹn ngào góc tối cây tỳ bà bỏ quên bên vách tường và khóc hoang vu trăng xanh
02 Tháng Chín 201511:35 CH(Xem: 29586)
Có một sự xáo trộn trong mùa đông năm nay bắt đầu từ chiếc áo màu đỏ cô mặc. Đó là chiếc áo len mang hơi ấm của ba con người, ba cuộc đời kéo dài trọn một thế kỷ trừ ra những năm nó nằm vạ vật ở một nơi nào đó mà cô đã làm thất lạc.
01 Tháng Chín 201512:51 SA(Xem: 31674)
LTS: Cuối tháng 8, Hợp Lưu nhận được chùm thơ gởi từ Nguyễn Nhựt Hùng, một người làm thơ hiện đang sinh sống tại Vũng Tàu. Mặc dầu còn rất trẻ, anh sinh năm 1989. Nhưng thơ anh mênh mang như sóng biển của thành phố anh đang ở. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí văn hữu và độc giả những thi phẩm của Nguyễn Nhựt Hùng
01 Tháng Chín 201512:41 SA(Xem: 28968)
Con gái tròn 24 rồi, Má biết không Đã qua thuở thì ngồi đan chiếc khăn dài hơn nỗi nhớ Đã qua cái tuổi cam đoan rằng yêu là hạnh phúc Đã biết len lén nhìn, rồi lặng im
30 Tháng Tám 201511:39 CH(Xem: 30985)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Lưu Mêlan là bút hiệu của Nguyễn Thị Nguyệt, sinh năm 1989. hiện sống tại Sài Gòn. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu những thi phẩm của Lưu Mêlan cùng quí văn hữu và đọc giả Tạp chí Hợp Lưu.
28 Tháng Tám 201511:15 CH(Xem: 40337)
Mùa Thu, năm 1994, chúng tôi trở lại Hà-nội sau 40 năm xa cách. Một trong mục đích của chuyến đi này là đề gặp ông Nguyễn Hữu Đang, người đứng đầu trong nhóm Nhân Văn, sau khi đọc bài của Phùng Quán viết về chuyến đi thăm ông. Ông đã bị giam tại trại Cổng Trời gần 20 năm, đến đó là chỉ chờ chết, khó có thể trở về được.
27 Tháng Tám 20158:59 SA(Xem: 33364)
Năm 1972, Nguyễn Bắc Sơn in tập thơ “ Chiến tranh Việt nam và tôi”, lập tức được giới văn nghệ và đặc biệt lính chiến sài gòn yêu thích vì lối viết phóng túng, giang hồ ...