- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGÔI NHÀ CÁNH CỬA KHÔNG BAO GIỜ KHÓA

18 Tháng Mười 20151:00 CH(Xem: 34309)

 

PhamHoaiNam 4
Thiếu nữ- ảnh Phạm Hoài Nam













 

LTS: Minh Lâm đang làm việc và định cư tại "Thung Lũng Điện Tử" - San Jose, lần đầu cọng tác cùng Hợp Lưu. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn đầu tiên của Minh Lâm: " Ngôi nhà cánh cửa không bao giờ khóa"

TCHL

 

 

Ngôi nhà hai tầng xây bằng gạch nằm trên ngã tư con lộ có những con đường song song một chiều chạy ngang qua một khu dân cư nằm ngay downtown, và phía bên kia mặt đường là những tòa nhà thuộc khuôn viên trường đại học San José State. Tầng dưới ngôi nhà trước kia là một tiệm bán quần áo, bây giờ là một quán ăn do một người Việt Nam làm chủ. Lối dẫn lên tầng hai là một cầu thang nằm bên ngoài có cánh cửa gỗ không bao giờ khóa.

Lần đầu tiên đến ngôi nhà này cách đây hơn một năm, tuy bề ngoài đã được sơn phết trông có vẻ bề thế trước mặt tiền của một quán ăn, nhưng khi bước lên tầng hai gian phòng cho thuê, Khang lấy làm lạ trước cái vẻ xập xệ gần như là một căn nhà bỏ hoang đã lâu năm. Gian phòng khách vuông vắn nằm phía trước khá rộng, bốn bức tường vây phủ kín bưng, màu sơn đã tróc lở những mảng đen ố như chưa bao giờ sơn phết lại lần nào. Sàn nhà bằng gỗ lót thảm màu huyết dụ đã ngả màu đen xỉn bám đầy bụi đất, và không biết bao nhiêu vết giầy đã giẫm lên, vết ói mửa, thức ăn đổ xuống từng mảng đen bám khắn; mùi ẩm mốc bốc hơi thum thủm. Căn phòng khách khá sáng nhờ khuôn cửa sổ lớn áp kính, hai bên có cánh cửa nhỏ hé mở được để mang luồng gió bên ngoài thổi vào. Đứng gần cửa sổ Khang có thể nhìn thấy rất rõ quang cảnh bên ngoài. Đối diện căn nhà là tiệm bán sách cho sinh viên. Xa xa dưới lùm cây xanh rậm là khu nội trú của sinh viên. Phía dưới giữa ngã tư con đường xe cộ qua lại ngày đêm, và hai bên lối đi rộng chạy dọc theo con đường nhiều người đi bộ qua lại. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe bus đi ngang qua đón khách dọc đường. Phòng khách không có đồ đạc, chỉ lèo tèo vài chiếc ghế xếp cũ kỹ dựng sát bên tường. Một căn phòng hoàn toàn thiếu tiện nghi. Phía sau ngôi nhà là gian bếp chật hẹp, một phòng tắm, nhà vệ sinh, và một phòng ngủ. Ở sau gian bếp có cánh cửa gỗ đã mục nát có một cầu thang bằng gỗ ọp ẹp dẫn ra phía sau bãi đầu xe chung với một dãy nhà trọ, một nơi duy nhất thoáng rộng khi được bước ra khỏi căn nhà hít thở được bầu không khí mát mẻ.

Đến chơi nhiều lần, Khang mới khám phá lý do tại sao anh Hàn Phong lại chọn căn nhà này làm nơi trú ngụ. Lý do đơn giản: anh muốn gian phòng khách rộng, phần lớn anh dùng để làm việc hằng ngày. Anh thích cái vẻ cũ kỹ, xập xệ của nó vì thích hợp công việc của anh. Người ta thường gọi anh là họa sĩ, dù chưa thành danh, anh vẫn miệt mài làm việc và sống bằng nghề vẽ quảng cáo. Anh không đủ tiền để thuê hết căn nhà, phía sau gian bếp người chủ nhà thuê lại cho người khác, thông thường chẳng ai ở lâu, họ đến rồi đi, đi rồi đến, ngôi nhà luôn luôn có người ở. Dù nó trông đã quá cũ kỹ, nhưng khi cần có một chỗ ở tạm, giá rẻ, chẳng ai màng đến cái vẻ bề ngoài xấu xí của nó.

Khang biết anh Hàn Phong trong cùng một giòng chảy của số phận và định mệnh. Năm 1979, phong trào vượt biên lên đến đỉnh cao, giữa bối cảnh tình hình chính trị bất ổn vùng biên giới phía bắc Việt Nam, một số người Việt gốc Hoa ồ ạt ra đi kéo theo một số người muốn trốn thoát cảnh nghèo khổ ra nước ngoài sinh sống, họ làm giấy tờ giả hòa vào nhóm người Hoa được điểm danh bước xuống con tàu đánh cá chở hàng trăm mạng người ra khởi trực chỉ sang Hồng Kông. Đêm ấy, Khang từ giã mẹ chàng, lòng tràn ngập cảm xúc chênh vênh trước khúc quanh đổi đời mà Khang chưa bao giờ mong đợi sẽ xảy ra. Trước phút chia ly, Khang biết từ đây phải rời xa mảnh đất nơi mình đã gắn bó thời thơ ấu đến lúc trưởng thành, bỏ lại sau lưng những hình ảnh in sâu vào trí nhớ những nỗi ám ảnh sợ hãi của một thời chiến tranh. Mặc dù gia đình Khang khá giả, nhưng cuộc sống sau năm 1975 đã ảnh hưởng chung vì bối cảnh xã hội đã thay đổi. Cha Khang bệnh nặng, người bác sĩ chữa bệnh cho ông đã ra đi nước ngoài, và thuốc men trở nên ngày càng khan hiếm, ông chịu đựng căn bệnh đau gan ngày càng trở nặng rồi qua đời ít năm sau đó. Là một thanh niên ở lứa tuổi lao động, Khang phải tìm một công việc để làm, nhưng thời ấy làm gì có công việc tư để làm, hầu hết các xí nghiệp đều do nhà nước quản lý, vì thế Khang phải theo mẹ ngày ngày ra vườn rẫy ở ngoại ô thành phố Nha Trang để cuốc đất giả dạng nông dân để che mắt cán bộ phường khóm. Thật ra mẹ Khang muốn ngụy trang tìm một chỗ để chôn vàng vì sợ chính sách đổi tiền của nhà nước. Mẹ Khang đang tìm đường vượt biên, nhưng vì bà nội Khang tuổi già sức yếu nên bà bỏ ý định vượt biên. Nay nhà nước tổ chức đi bán chính thức, Khang may mắn mua được một chỗ ngồi trên chiếc ghe. Dù muốn hay không, định mệnh đã đẩy Khang trôi lênh đênh vượt trùng dương đi tìm một bến bờ xa lạ khác mà trong ý nghĩ lúc ấy Khang chưa dự đoán được cuộc đời của Khang sẽ đi về đâu?

Đứng ngơ ngác nhìn những người xa lạ với đống hành lý chen chúc chờ điểm danh, Khang bất chợt nhìn thấy bóng dáng một người đàn ông có khuôn mặt sáng láng, đôi mắt toát ra vẻ ưu tư, trầm lắng qua đôi kính cận dày, với cái túi xách tay đựng quần áo đeo trên vai, và một tay khác xách một cái túi vải dài cuộn tròn không biết đựng thứ gì trong ấy. Cái phong cách trí thức khiến anh nổi bật giữa đám đông ngồi bên đống hành lý chờ đợi phút giây lên đường khiến Khang chú ý. Và chính cái hình bóng ấy Khang liên tưởng đến các thầy cô, anh chị một thời áo trắng sinh viên giữa sân trường lớp học miền Nam trước năm 1975, nó vẫn còn in sâu trên vầng trán những suy tư thao thức thời cuộc, những ước mơ khát vọng về tình yêu, quê hương đất nước, giữa hiện thực và ý tưởng tự do đi tìm sự giải thoát, hướng tới một chân lý cho một niềm tin họ đã chắt chiu, ôm ấp. Anh đứng lặng im như chiếc bóng buồn bã và cô đơn. Khang không biết anh đang nghĩ gì trong lúc chiếc ghe đang chuẩn bị ra khơi.

Khi đến trại tỵ nạn, Khang biết anh Hàn Phong nhiều hơn qua lời kể của một người cùng quê. Anh mồ cô tự nhỏ, cuộc sống anh trong sạch, làm nghề gỏ đầu trẻ trong ngôi làng anh sinh ra và lớn lên. Anh đam mê hội họa, ngoài giờ dạy học, anh dành hết thời gian để sống với niềm đam mê của mình. Anh chấp nhận cuộc sống đơn giản, chẳng màng đến vật chất và danh lợi để hòa mình trong cái không khí thanh bình nơi làng quê có những mái đầu tóc xanh và đôi mắt ngây thơ của đám học trò ngày ngày đến lớp nghe anh giảng bài. Đứng trước bảng đen, anh cầm sách đọc từng câu chữ mang hình ảnh của một đất nước thời thanh bình xinh đẹp, tiềm năng tương lai giàu có : quê hương ta rừng vàng biển bạc. Anh gieo vào đầu tuổi thơ câu nói sáo ngữ ấy như chính anh được học từ nhỏ. Nó đã được lập lại từ chính cửa miệng anh. Anh vốn ghét bọn nhà giàu khinh khi kẻ khốn cùng. Sau 1975, anh chứng kiến cảnh người giàu đang từ từ bị “hủy diệt”, mọi người sẽ trở thành bình đẳng sống cuộc sống nghèo khó như nhau. Đất nước đang lâm vào cảnh khốn khổ vì người nghèo ngày càng nghèo, người giàu không còn chỗ đứng trong xã hội đành phải tìm cách ra đi. Để đánh đổi điều đó, họ phải cống hiến tài sản và vàng bạc. Nếu ra đi không được chấp nhận họ sẽ mang tội danh phản quốc. Anh không nghĩ mình đang phải có một sự lựa chọn ở lại hay ra đi khi người cậu nhắn tin gấp bảo anh vào Nha trang để làm thủ tục vượt biên bán chánh thức. Cậu anh bảo:

- Cậu muốn con phải ra đi. Đây là cơ hội duy nhất không có lần thứ hai. Tùy con. Cậu không ép buộc.

Im lặng quay trở về làng, anh thao thức suy nghĩ suốt đêm trước một quyết định trọng đại của cuộc đời. Đêm cuối cùng trước khi cuộc hành trình bắt đầu, anh xuất hiện trước cửa nhà cậu với cái xách tay đựng vài bộ áo quần và một cái túi vải cuộn tròn trong ấy anh cất giữ những bức tranh do anh vẽ bằng chính tâm huyết của mình qua hình ảnh Quê Hương của anh. Anh xem nó là vật quý giá anh phải mang theo. Khi người cậu phát hiện những thứ lỉnh ca lỉnh kỉnh ấy, ông giận dữ bảo :

- Này! Con có điên không? Vác ba cái thứ lỉnh kỉnh ấy làm gì cho nặng nhọc. Phải chi vàng bạc gì cho cam.

Anh tái mặt trước câu nói đầy vẻ khinh miệt của “bọn nhà giàu”, những người chỉ xem trọng vật chất, thiếu sự suy nghĩ chiều sâu của tâm hồn. Anh buồn vì người ấy chính là cậu ruột của mình. Anh im lặng trầm tư trước cuộc sống mà con người cố phấn đấu để tranh dành sự sống còn trên bước đường mưu tìm hạnh phúc. Tất cả đều phải trả một cái giá nào đó trước khi nhận lãnh sự thưởng phạt công bằng của quy luật con người và trời đất. Anh mỉm cười không còn băn khoăn, buồn tủi nữa.

Khi chiếc ghe lênh đênh giữa một màu xanh mênh mông biển trời, mọi đường ranh giới bị xóa mờ. Ý thức trong anh là hình tượng một trái tim rực lửa đốt cháy hết thảy cát bụi, rác rưởi làm hoen ố sự trong sạch của đôi mắt và tâm hồn. Anh nhìn về viễn ảnh tương lai trên một mảnh đất bên trời viễn Tây sẽ đón nhận những kẻ “khốn cùng” tìm một nơi chốn an bình để dung thân. Anh nhìn sau lưng hình dung những khuôn mặt bạn bè, người thân còn ở lại sẽ kinh ngạc khi thấy anh biệt tích. Đám học trò ngơ ngác không còn nhìn thấy anh đến lớp đứng giảng bài và kể chuyện cho chúng nghe. Tất cả đã khép lại như bức màn đêm buông xuống phủ chụp một không gian khuất mờ. Còn lại trong anh chỉ là giấc mơ hoài niệm chất đầy yêu thương nhung nhớ một bóng hình Quê Hương xa cách.

Khi chiếc ghe chao nghiêng anh vô tình đánh rơi cuộn vải chứa đầy những hình vẽ Quê Hương rơi xuống biển. Con sóng ập tới đã cuốn tất cả chìm đắm trong dòng nước trôi đi thật xa. Anh đứng ngẩn ngơ nhìn theo nó từ từ biến mất. Anh không còn giữ được gì ngoài hai bàn tay trắng. Một trái tim hoang vắng, cô đơn.

Đến trại tỵ nạn,anh quen biết nhiều người, những người bạn luôn ở bên cạnh kể cho anh nghe về cuộc đời thăng trầm trước thời cuộc biến đổi, ảnh hưởng đến số phận và định mệnh của con người. Câu chuyện hôm qua, những người đã nằm xuống cho cuộc chiến, những kẻ ở lại học tập trong lao tù cộng sản, những kẻ tìm đường vượt biên, biết bao câu chuyện thương đau mà những kẻ bất hạnh đã phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình. Anh ngồi giữa đám bạn bè quay quanh kể chuyện bên những ly rượu nồng cay đầy ấp tình người tha hương. Anh không thích uống rượu, nhưng khi cầm ly anh uống đến giọt rượu cuối cùng. Bạn bè rất yếu mến anh, họ khắng khít bên nhau trong những chuỗi ngày ngắn ngủi sống trong trại tỵ nạn chờ ngày đi định cư.

Anh đến Mỹ sống ở một tiểu bang miền Bắc được một năm sau thì tìm đường bay sang Cali. Đến thành phố San José anh tìm một chổ ở tạm trên căn lầu tầng hai xập xệ đổ nát này và quyết định ở lại nơi đây làm việc sinh sống. Hồi mới gặp lại nhau lần đầu, anh vui mừng cho Khang địa chỉ nơi anh trú ngụ. Khi Khang đến căn nhà trống vắng, lạnh tanh, cửa luôn luôn mở toang, và không có anh ở đó. Hôm sau Khang trở lại vẫn không thấy anh, ngồi chờ mãi vẫn không thấy anh về khiến Khang nản chí. Đến nhiều lần như thế Khang mới “bắt” được anh bèn hỏi :

- Anh vắng nhà sao không khóa cửa.

Anh cho biết ngôi nhà cánh cửa không bao giờ khóa. Gian phòng khách rộng là giang sơn của anh. Phía sau căn bếp, phòng ngủ, phòng bath room đã có người ở. Họ đi suốt ngày đêm mới về. Còn anh cũng thế, đi đi về về trên những chuyến bus đến những nơi anh cần đến. Khi ở nhà là lúc anh bắt đầu làm việc. Trên mặt thảm lót đầy những giấy báo, lọ sơn, cọ vẽ. Anh đứng, ngồi, nằm, lăn lộn xuống sàn nhà chăm chú làm việc. Anh ăn uống vội vã, mì gói, tương chao, chẳng màng đến cao lương mỹ vị. Tối nằm chui mình trong cái túi ngủ sleeping bag khi trời lạnh; mùa hè anh mở tung hết cánh cửa trải một tấm khăn xuống nền thảm nằm chong đèn đọc sách rồi ngủ thiếp đi cho đến sáng. Một hôm tình cờ người cậu ghé thăm, nhìn cái cảnh tượng sống “bất cần đời” ấy của anh khiến ông kinh ngạc. Ông thất vọng đã không nhìn thấy người cháu mồ côi của ông có cuộc sống khá hơn khi đến Mỹ. Ông muốn mang anh đi để mong có một cuộc đời tương lai tốt đẹp. Trước kia ông nghĩ nghề dạy học ở Việt Nam lương bổng khiêm tốn, không giàu có nhưng là một nghề thanh cao được nhiều người trọng vọng. Thế mà anh đã đánh đổi nó bằng tất cả những lòng thương yêu, sự mong đợi của người cậu để chọn cho mình một cuộc sống “phiêu lưu lãng tử”. Thật ra đó là một cách sống hoàn toàn do anh lựa chọn, phù hợp với cá tính và sở thích của anh.

Nhiều lần đến chơi căn nhà xập xệ cánh cửa không bao giờ khóa ấy, Khang khám phá ra một điều trái với những gì Khang đã nghĩ trước đó. Ngôi nhà của anh không hoàn toàn im lặng, hoang vắng mà là một nơi chốn dừng chân của khách thập phương. Nó như là một thứ “trại tỵ nạn thứ hai” mà hầu hết những người lui tới gặp anh đều có mục đích khác nhau. Có người đến để nhờ anh “hợp tác” làm một công việc gì đó; có người đến vì cần một nơi chốn ở tạm; có người đến chỉ để bày ra những cuộc rượu say bí tử, ca hát, ngâm thơ, bày tỏ những tàn tích quá khứ, họ là những người lính đã từng tham dự chiến tranh kể về những trận đánh, trong đó có người đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến. Họ là những “linh hồn” vất vưởng, thất lạc giữa một khoảng trống mênh mông trong tâm thức bám vào cái hào quang quá khứ hào hùng, đau thương đầy căm phẫn tủi nhục của lịch sử. Có người rũ bỏ quá khứ, lột xác hội nhập vào đời sống mới của xứ sở tự do. Họ bước vào cuộc thử thách trong thương trường, khởi nghiệp bằng đôi bàn tay trắng. Có người muốn làm một công việc khác to tác hơn, mang nặng những tâm tư mơ ước trước vận mạng tương lai của đất nước. Nhiều lần Khang đến chơi, thấy một vài khuôn mặt mới, anh bắt đầu kể hàng loạt tiểu sử của họ. Giáo sư. Bác sĩ. Nhà báo. Nhà văn. Nhà Thơ. Nhạc sĩ. Cựu sĩ quan cao cấp miền Nam trước kia. Tất cả đều là những thành phần trí thức đang sống “lưu vong” tại hải ngoại. Họ có nhiều mơ ước to lớn, và họ đang bắt đầu làm lại cuộc đời trên đất nước tự do.

Sau lần gặp anh ở San José, Khang trở về lại Texas. Một năm sau Khang nhận được tin nhắn của anh Hàn Phong muốn giới thiệu Khang một công việc làm mà ông Wong, một thương gia người Hồng Kông đang cần. Lẽ ra người làm công việc ấy phải là anh, nhưng anh từ chối. Anh không muốn có sự thay đổi, dường như anh hiểu rõ số phận của anh khi quyết định cách thế sống chẳng màng đến tiền bạc và danh lợi. Anh biết sống chừng mực để tồn tại và làm công việc anh yêu thích.

Suốt ba tháng hè bận rộn làm việc tại công ty điện tử do ông Wong cùng một số đồng nghiệp điều hành, Khang chưa có cơ hội đến thăm anh. Hình dung căn nhà tầng hai có một người đàn ông độc thân với vóc dáng gầy, đôi mắt đeo kính cận dày, âm thầm một bóng trong căn nhà xập xệ giữa một khu phố đông người qua lại, anh vẫn thản nhiên sống từng hơi thở nhịp tim với công việc nhọc nhằn vẽ từng con chữ trên những tấm pano. Lẽ ra anh không phải làm công việc ấy nếu có điều kiện. Lẽ ra anh phải dành hết thời gian để vẽ bằng chính cảm xúc của mình như anh đã từng vẽ những bức tranh quê hương luôn luôn cuộn trong cái túi vải mang theo bên người. Nó đã rơi mất trên đường vượt biên. Khang muốn anh vẽ lại, ngay lúc này khi cơ hội đang đến. Hôm qua, ông Wong nói với Khang:

- Tôi đã nói với A Phung về việc nhờ cậu ấy vẽ cho tôi vài bức tranh ven vùng vịnh Monterey. Cậu ấy hứa sẽ làm nhưng chờ mãi tôi chẳng thấy cậu ấy trả lời. Tôi nhắc lại thì cậu ấy bảo anh có thể làm việc ấy thay thế cậu ấy.

- Được! Để tôi hối thúc anh ấy, Khang nói.

Chiều nay Khang đến nhà anh Hàn Phong với mục đích nói cho anh biết ý định của ông Wong. Khang tìm chổ đậu xe phía sau dãy nhà trọ. Đi ra phía trước bước lên bậc thềm cao trước mặt quán ăn đèn mở sáng trưng bên trong không có khách. Cánh cửa nằm ở góc bên trái của tòa nhà hai tầng vẫn còn giữ màu sơn nâu cũ kỷ đập vào mắt Khang với hình dáng quen thuộc của nó. Cánh cửa đã đóng kín, nó không còn mở toang như lúc trước mỗi lần trước. Khang đứng tần ngần giây lâu, nôn nóng đưa tay xoay nấm cửa, cánh cửa bật mở, ánh sáng từ bên ngoài tuôn vào bên trong soi rõ chiếc cầu thang đã không còn lót thảm nữa, nó bị lột đi như lông của con cừu đã bị cạo sạch để trơ ra lớp da nhẵn bóng. Bậc cầu thang còn lại lớp gỗ sần sùi, trơ trơ trông dị họm, nhưng nó không còn bốc mùi ẩm mốc như lúc trước.

Khang bước lên cầu thang, gót giầy nện lên nền gỗ kêu lộp cộp. Lên đến tầng trên đưa mắt quan sát gian phòng có chút gì đó đổi khác, toàn bộ thảm lót đã bị lột sạch, có vẻ như căn nhà đang được sửa chữa lại. Ở một góc phòng đồ đạt, lọ sơn, băng vải để ngổn ngang, bên cạnh đó một bảng giá vẽ bằng gỗ dựng đứng với một tấm canvas có phác họa hình nét không nhìn thấy rõ. Khang chợt nghĩ anh Hàn Phong bắt đầu bắt tay vào công việc sáng tác trở lại. Mừng rỡ trước cái cảm hứng bất chợt khi nhìn thấy trên chiếc canvas kia đang bắt đầu mơn man những hạt nắng lung linh, chiếu rọi xuống cái nền đất phẳng lì vô nghĩa một hơi ấm tỏa sáng tạo thành một hương sắc nhiệm mầu cho sự sống trổi dậy. Khoảng trống của gian phòng chung quanh phải lấp đầy những hình thể, đường nét, sắc màu và một niềm hy vọng hứng khởi trong Khang trước hình ảnh của đôi bàn tay lả lướt trên những tấm canvas giữa một vùng biển xanh ven biển Monterey. Anh Hàn Phong ! Ngày mai anh phải lên đường đến nơi ấy để tìm cho anh một chân trời viễn mơ như anh đã từng liên tưởng khi con tàu đưa anh ra khơi, bỏ lại sau lưng một vùng trời yêu dấu nơi anh sinh ra và lớn lên. Nó chính là hơi thở của đất, máu, mồ hôi và giọt lệ âm thầm thánh thót rơi xuống trong lòng anh, và Khi anh đứng giữa lòng đại dương mênh mông, ý thức muốn xóa mờ mọi quan niệm để tìm cho mình một cảm xúc mới hòa nhập vào cái tận cùng của trời đất. Anh tưởng điều đó là có thật trong thế giới anh đang tồn tại. Nó chỉ được thể hiện bằng những cảm xúc lây chuyển những hạt màu trên từng mạch sống của những lớp màng trắng phêu của chiếc canvas. Một thế giới khác sẽ được hành thành, chìm đắm và say mê.

Có tiếng động loạt soạt từ phía sau nhà bếp khiến Khang giậc mình bừng tỉnh giấc mộng. Một cơn gió nhẹ luồn qua cánh cửa bay xuyên qua hành lang hẹp nối giữa hai giang phòng. Có tiếng bước chân lẹp xẹp trên sàn gỗ, Khang ngoảnh mặt lại bất ngờ nhìn thấy một người phụ nữ mặc bộ đồ ngủ bằng vải lụa màu hồng mềm mỏng ôm sát thân hình thon thả, mảnh mai. Một gương mặt trái soan da trắng, mái tóc đen thả dài quá lưng. Khang nhìn người phụ nữ với tâm trạng hoài nghi, lúng túng trước sự có mặt của cô trong ngôi nhà này. Người phụ nữ nhìn Khang hỏi :

- Anh kiếm ai?

Khang lúng túng đáp:

- Anh Hàn Phong.

- Anh ấy đi mấy ngày rồi chưa thấy về.

Khang ngỡ ngàng trước câu trả lời của người phụ nữ. Cô ta là ai Khang chưa bao giờ thấy bóng dáng người phụ nữ lui tới trong căn nhà này trước đây. Sự xuất hiện của người phụ nữ cho Khang một cảm giác có sự thay đổi trong ngôi nhà này mà trước kia chỉ có bọn đàn ông thường xuyên lui tới. Sự thay đổi trong cuộc sống là điều bình thường, Khang không cần phải thắc mắc điều ấy. Sự vắng mặt của anh Hàn Phong cũng không làm cho Khang ngạc nhiên, với anh luôn luôn là như thế. Chỉ có điều Khang hơi thất vọng không gặp được anh hôm nay, để kể cho anh nghe về cảm xúc mà Khang vừa mới bắt gặp khi mường tượng gian phòng có anh đứng trước những bức tranh tỏa sáng sắc màu, xóa hết những dấu tích muộn phiền trên cái bề mặt thô thiển của một đời sống thiếu vắng tinh hoa nghệ thuật. Dù sự im lặng không nói thành lời, những cảm xúc vẫn âm thầm tuôn chảy lấp đầy khoảng trống giữa hai tâm hồn đồng cảm. Khang nghĩ, anh cũng có cùng cảm xúc như Khang.

Khang nhìn người phụ nữ nói lời cám ơn rồi bước xuống cầu thang đi ra ngoài. Đưa tay khép nhẹ cánh cửa gỗ, bóng tối phủ trùm một khoảng trống im lặng bên trong căn nhà. Bên ngoài nắng chiều hắt ánh nắng vàng hanh lên tòa nhà hai tầng, bên dưới quán ăn đã có thực khách ra vào tấp nập. Đứng giữa khung cảnh trên đường phố nước Mỹ tươm tất sạch sẽ, nhìn những dòng xe cô chạy trên tuyến đường thẳng tấp,và trên những lối đi bộ thấp thoáng hình bóng những sinh viên lưng vác “gùi sách” thong thả bước đi trên đường phố, Khang hòa mình vào cái nhịp sống thanh bình, tự do trên đất Mỹ.

Hình dung chuyến đi đến vùng biển xanh Monterey ngày mai, Khang cảm nhận một niềm vui hứng khởi trước một công việc đầy hứng thú mà mình chưa bao giờ mơ tưởng mình có thể thực hiện được. Còn anh? Anh Hàn Phong. Anh có giấc mơ to lớn nào để đeo đuổi trong một cuộc sống có quá nhiều sự lựa chọn. Con đường anh đang đi có dẫn anh đến cái mục đích cuối cùng cho những ước mơ mà tất cả những người bạn “đồng hành” bên anh đang khao khát, hay anh vẫn ung dung đi giữa trời mưa gió thênh thang không màng đến thế sự chung quanh.

Anh im lặng như cái khoảng trống trong căn nhà khi anh đi vắng, như cái khoảng trống trên chiếc canvas chưa bao giờ lấp đầy những nét vẽ màu sơn. Anh đi lặng lẻ một mình, về trong trạng thái bình yên như không có gì thay đổi chung quanh. Tâm hồn anh mở rộng thênh thang đầy nắng gió.

Còn Khang? Có phải Khang đang dấn thân vào con đường đầy thử thách trước mặt, liệu Khang có dứt khoát đeo đuổi con đường nghệ thuật đến mục đích cuối cùng không? Những gì Khang đã nhìn thấy qua hình ảnh anh Hàn Phong khiến Khang băn khoăn, suy nghĩ. Anh không có thời giờ để thực hiện một giấc mơ chính mình đã từng mơ ước thời niên thiếu là khi lớn lên sẽ chọn con đường dấn thân cho nghệ thuật.Vậy mà khi nhìn thấy một họa sĩ tài ba như anh lại sống một cuộc sống bần cùng vất vả, lo kiếm tiền đội nắng dầm mưa mà quên đi lý tưởng cao đẹp chìm sâu trong tâm hồn đầy ấp những ước mở cao đẹp của anh. Còn Khang sẽ làm gì trong những tháng ngày dài của chàng thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi đời?

Một thoáng buồn vui ẩn hiện trong suy nghĩ, Khang bước ra phía sau dãy nhà trọ, vội leo lên xe lái ra ngoài ngã ba đường.

Sau lưng ngày đã tắt nắng.

 

Minh Lâm

11 tháng Hai 2015

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 202411:21 CH(Xem: 1676)
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ. Tên chùa là Phước Huệ, nhà sư trụ trì có pháp danh là Thích Phước Toàn, hai cái tên thật là chân phương. Danh vị của nhà sư là Tỳ Kheo, khác với nhiều chùa các vị trụ trì đều là Hòa Thượng hay Thượng Tọa, điều đó không có gì khác biệt đối với sự hâm mộ của tôi với nhà sư.
13 Tháng Hai 202411:02 CH(Xem: 2238)
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường.
13 Tháng Hai 202410:58 CH(Xem: 1896)
Từ California khi trở lại thăm Saigon trong một dịp tết, điều thú vị nhất là tôi được một mình rong ruổi trên những chuyến xe bus, tôi đi khắp Saigon, Chợ Lớn, Phú Lâm. Chẳng cần biết trạm sẽ dừng nơi đâu, tôi đi hết đường hết sá, ngắm nhìn mọi thứ xe lớn xe nhỏ, phố bé xíu hay đường rộng thênh thang. Và để tôi thấy hết mọi người, cùng nhìn luôn mọi thứ… Hôm nay tôi cũng bước đại xuống một trạm dừng, chẳng cần biết tên gọi. Loanh quanh rồi tôi định ngồi ăn trưa ở lề đường nào đó. Nắng và bụi sẽ là gia vị cho những dĩa cơm đường chợ, ly nước mía sẽ làm dịu bớt ồn ào của những tiếng còi xe không bao giờ dứt, khiến thiên hạ chỉ muốn điên đầu. Saigon, những ngày giáp tết, mọi sự vội vàng như đã được nhân lên qua đủ thứ màu trang trí nóng nảy, kiểu xanh vàng và tím đỏ.
13 Tháng Hai 202410:35 CH(Xem: 1772)
Chuyện Huân có nhiều người yêu thì cả thị xã, quần chúng nhân dân các giới đều biết chứ chẳng cứ gì đám con gái trẻ. Bọn này thực ra cũng đang mắt liên mày láo tia lấy một anh chàng nào đó làm chồng cho xứng đáng cái tấm thân ngà ngọc bố mẹ ban cho. “Lấy chồng cho xứng tấm chồng/ bõ công trang điểm má hồng răng đen”, lời các cụ dạy cấm có sai. Xưa không sai đã đành, nay cũng vẫn đúng nguyên. Nên nói một cách sòng phẳng, hình như Huân bị đám con gái ấy nó chủ động đưa vào lưới tình...
08 Tháng Hai 20243:27 CH(Xem: 2034)
Con đường thủy chung bụi đỏ / Cánh đồng gian nan chữ nghĩa / Râm ran dế gáy cội nguồn / Những đứa trẻ chuồn chuồn / Đuổi bắt / Những hạt mầm bùn lầy ẩn nấp / Đất bao dung / Nơi bắt đầu những yêu thương /
08 Tháng Hai 20242:20 CH(Xem: 1933)
một hôm nào bỗng nhớ / mơ hồ tiếng hát xưa / vọng dài trên sông vắng / giọng buồn vang âm mưa
08 Tháng Hai 20242:08 CH(Xem: 1806)
Niềm hư ảo / Cõi thực mơ hồ bảng lảng bâng khuâng / Ngôi sao mai / Đọng ở đôi mắt em lóng lánh giữa đời
08 Tháng Hai 20242:52 SA(Xem: 1397)
Bên hoa / e ấp…bóng hồng / Vai mềm dáng liễu / hương nồng nàn bay Mượt mềm / dải lụa tóc mây...
08 Tháng Hai 20242:46 SA(Xem: 1613)
Đôi tình nhân đã có một thời 20 hoặc 30 năm… / Họ, dường như khó hoặc là (!)nhận ra nhau. / “Xin lỗi cô, tôi không cố ý!” / Sự gặp nhau trên bãi tắm . Họ đang bơi và vô tình va chạm nhau.
07 Tháng Hai 20244:36 SA(Xem: 1681)
em gở vòng tay đêm, choàng dậy / những tia chớp đuổi nhau / tiếng sấm gầm, tiếng bầu trời nổ tung / nghìn hạt thuỷ tinh đen / mưa tháng chạp /