- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGƯỜI QUÂN TỬ

05 Tháng Bảy 20152:32 SA(Xem: 31167)

 

LTS_ Người Quân Tử là truyện ngắn trích từ Tầu Ngựa Cũ, tác phẩm văn học được trao giải thưởng văn chương 1961. Người Quân Tử và Áo Mới của Linh Bảo đã được Trung tâm Văn Bút Quốc tế / PEN International tuyển chọn là hai trong số 26 truyện ngắn hay nhất thế giới năm đó.

*



LinhBao chan dungDung băn khoăn suy nghĩ lăn lộn trên giường đã hơn một tiếng đồng hồ. Đáng lẽ nàng phải đi chợ nhưng hôm nay có cớ để cho nàng giận dữ nên định đâm liều một bữa xem sao.

 

     Dung còn nhớ rõ hôm ấy nàng đang chạy dưới đám mưa đạn thì gặp hắn. Hắn đón nàng về nhà hắn trong khu vực an toàn. Vợ hắn về quê không trở lại nên hắn rất tự do. Luôn mấy ngày hai người bị kẹt trong cái tổ ấm đó. Thế là hắn thành ra "chính phủ bảo hộ" của Dung. Kể ra lúc đầu hắn cũng mất một ít công phu. Nào là mua nước hoa đắt tiền tặng nào là tắm rửa cho hai đứa con riêng mồ côi chị nàng, nào là thức dậy từ ba giờ sáng khuấy cà-phê cho nàng uống để đi làm. Nhưng hắn thuộc về loại đàn ông tán gái chỉ mất ba bó hoa là về sau lấy lại cả vốn lẫn lời.

 

     Khi hãng máy bay Dung làm đóng cửa, hắn hết sức dỗ dành cho Dung đừng làm nơi khác, hắn hứa sẽ trả lương cho Dung gấp đôi nếu Dung làm thư ký cho hắn. Hắn nói:

 

     - Tôi đã có vợ rồi nên không thể cưới em được. Tôi chỉ là một người ân nhân, một người quân tử giúp em qua khỏi lúc khó khăn tai nạn. Em cần có một người đàn ông làm hậu thuẫn cho em để em dựa vào đó mà làm ăn, để tinh thần em có chỗ ký thác. Con em cần phải có cha, người ta cần phải có mái nhà như con chim cần tổ ấm. Em không thể sống mãi cái cuộc sống cô độc, trống trải tâm hồn và phải phấn đấu lo miếng cơm manh áo cho con như thế mãi được.

 

LinhBao vhnn

Giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay số 6, đăng truyện ngắn Người Quân Tử

của nhà văn Linh Bảo [nguồn:thuviennguoiviet/index.asp]

 

     Hắn tán ngọt như mía lùi. Dung nghe như ăn phải bùa mê. Nàng ký thác trọn thể xác lẫn tâm hồn. Mỗi năm nàng đẻ cho hắn một đứa con. Những đứa bé này đều theo họ mẹ và gọi hắn bằng bác.

 

     Với mọi người hắn chỉ nhận Dung là thư ký của hắn. Mà cũng đúng như thế thực. Như phải viết thư đòi nợ cho hắn; giao thiệp với trạng sư, vì hắn rất thích đi kiện; đi thu tiền nhà, lo chạy các giấy tờ trong việc buôn bán của hắn, nay Sở này mai Bộ nọ toàn là phận sự của cô thư ký cả. Còn những việc "phi phận sự" thư ký như lau nhà, làm bếp, đẻ con, hắn cũng giao cho Dung nốt. Hắn rất hà tiện nhất định không mướn người làm trong nhà, hắn lấy cớ là không tin ai hết để bắt Dung làm lấy tất cả. Hắn đưa cho Dung mỗi tháng ba nghìn gọi là tiền lương thư ký. Và trong số ba nghìn đó cô thứ ký phải nấu cơm cho ông chủ ăn nữa.

 

     Số tiền ấy chỉ bằng một phần năm lương Dung đi làm trước kia. Nhưng biết làm sao được khi từ một thư ký thường người ta đã biến thành cô thư ký "vạn năng". Và người "quân tử" lại là hạng quân tử khôn chứ không phải quân tử dại. Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn. Hắn thuộc về loại quân tử khôn. Còn Dung xưa nay vẫn nổi tiếng khôn nhưng lại là khôn dại.

 

     Hắn sợ Dung tiếp xúc với bạn bè bà con nhỡ người ta bày khôn bày khéo nên cấm nàng không được giao thiệp chơi bời với ai cả. Hắn không cho Dung diện và đi phố vì hắn biết Dung còn đẹp lắm, nhỡ gặp người "cao tay ấn" hơn hắn thì hắn mất một món bở. Còn biết tìm đâu trên đời này một người đàn bà "ngon một cách thuần tuý" như Dung? Trong kỹ nghệ làm vợ "chợ đen" ai cũng đòi được hưởng thụ vật chất đầy đủ để đền bù sự thiệt hại về tinh thần. Chỉ có một mình Dung đã làm cách mạng trái với định luật ấy. Khi Dung đẻ cho hắn đứa con trai thứ hai hắn mua cho nàng một cái nhẫn hột xoàn giả. Đó là món quà đầu tiên từ khi nàng về làm "vạn năng thư ký" cho hắn. Không đeo thì sợ hắn giận, đeo thì cũng khổ tâm lắm! Cuối cùng Dung nghĩ được cách đeo nhưng quay mặt nhẫn vào trong. Nàng sợ người ta biết nhẫn giả nên quay mặt nhẫn như vậy cố ý để mập mờ thế cho mọi người tưởng mình giầu nhưng khiêm nhượng không muốn ai biết.

 

     Dung được hắn nhồi sọ rất kỹ; bắt nàng tâm niệm hắn là người ân nhân của nàng, hắn là người quân tử đã cưu mang và cứu vớt nàng trong cảnh lửa đạn và Dung cũng tin như thế thật.

 

     Nàng vẫn giữ lòng tin ấy cho đến hôm "bác" của mấy đứa nhỏ chạm trán với Loan, một bạn gái từ thuở bé của nàng.

     "Bác" của mấy đứa nhỏ nói thao thao bất tuyệt như lên diễn đàn:

 

     - Tôi là người quân tử, tôi là người ân nhân của Dung. Nếu không có tôi Dung đã chết giữa đám đạn lạc. Tôi chỉ bảo Dung cách thức làm ăn. Tôi không nuôi Dung có tính ỷ lại ăn sống nhờ vào đàn ông như những người đàn bà khác, nhỡ khi chồng chết thì làm sao? Vì thế nên tôi không nuôi Dung; tôi tập cho Dung phải làm lấy mà sống, và sống "Độc-lập"!

 

     Hắn nói xong chừng biết mình nguỵ biện, sợ chỉ có một mình Dung nghe lọt tai và tin, chứ còn ngoài ra chẳng ai tin những lời quỷ quái của hắn hết, nên vừa dứt câu, hắn sợ Loan trả lời vội chân sau đá chân trước chạy ra cửa như bị ma đuổi:

 

     - Tôi xin lỗi, tôi đi đây có chút việc!

 

     Hắn đi rồi, Loan cáu lên với Dung. Nàng cười mũi:

 

     - Hừ quân tử! Hừ ân nhân! Đã quân tử đã ân nhân sao lại làm cho người ta có con? Đồ không chịu trách nhiệm, thừa nước đục thả câu còn dám mở miệng xưng là ân nhân, quân tử!

 

     Dung làm trạng sư cho hắn:

 

     - Nếu không có hắn hôm ấy thì tôi thực chết đấy Loan ạ.

 

     Loan cười gằn:

 

     - Nếu là em thì chết phứt đi còn hơn! Hắn chỉ nghĩ đến phần hắn mà không nghĩ đến phần người ta. Hắn giúp chị thì chả có gì là lạ. Trong hoàn cảnh ấy ai chả giúp nhau! Nhưng đâu có phải giúp một tí rồi bắt người ta phải là tôi mọi suốt đời để trả ơn không? Người quân tử như thế sao?

 

     - Tôi nghĩ ra lạ quá! Thì ra hắn đòi trả ơn như thế đấy!

 

     - Người đàn bà cũng cần phải có một người đàn ông riêng của mình, yêu mình và hoàn toàn thuộc về mình. Cần phải có gia đình. Hắn quân tử gì? Ân nhân gì? Hắn hại chị thì có. Hắn lấy chị đẻ con ra mà hắn khỏi nuôi. Chị không phải là vợ hắn mà cũng không còn mong lấy ai được nữa, không mong gì có một gia đình riêng của mình. Chị chỉ là một kẻ nô lệ của hắn, chỉ làm bổn phận mà không có quyền lợi gì hết! Con đẻ ra mang họ chị! Đấy chị xem hắn nhẫn tâm biết bao nhiêu? Chị phải nai lưng ra suốt đời làm tôi mọi nuôi con cho hắn, làm giầu cho hắn trong khi hắn có tiền chở chuyên về cho vợ lớn hết. Đến lúc hắn đá chị thì chị đã thành một bà già đi ở đợ nuôi con! Hắn chỉ lợi dụng, ích kỷ thế mà dám xưng là quân tử cho nó nhục nhã cái chữ quân tử đi. Chẳng thà cứ vỗ ngực nói: Tao là một cái thằng đểu, ai ngu thì mắc mưu ta! Nghe còn sảng khoái hơn!

 

     Dung ngơ ngác như vừa bị mất cắp! Đúng là nàng đã bị mất cắp ngay cả cuộc đời. Kẻ đánh cắp ngay giữa thanh thiên bạch nhật còn cười vào mũi người bị mất cắp nữa!

 

     Loan thấy Dung sững sờ, nói tiếp:

 

     - Em còn nhớ câu chuyện "áo người quân tử" của ba em kể ngày xưa: "có một chàng nọ có một cái áo rất đẹp. Một hôm anh túng tiền liền vào một tiệm cầm đồ hỏi cầm. Chủ tiệm bảo:

     "- Cái áo này tôi cầm cho ông hai trăm. Ba tháng nữa ông chuộc phải trả thêm hai trăm tiền lời nữa thành bốn trăm đồng.

     "Anh chàng kia bằng lòng, cởi áo giao cho chủ tiệm và cầm tiền xong ra về. Anh vừa ra đến cửa thì chủ tiệm gọi giật lại:

     "- Này ông, tôi có ý kiến này hay lắm. Tôi thấy ông thật thà tôi thương tôi làm phúc làm đức nói hơn thiệt cho ông nghe. Ông bây giờ trong túi không có lấy một đồng đến nỗi phải đi cầm áo. Vậy ba tháng nữa ông lấy đâu ra bốn trăm để chuộc áo về. Nếu lúc ấy ông không trả đủ vốn lời cho tôi, để quá ba tháng nữa thì sẽ phải trả gấp đôi thành tám trăm đồng. Tôi hỏi ông, ông sẽ đào đâu ra số tiền ấy?

     "Anh chàng kia gật đầu cho là phải:

     "- Vâng, ông nói đúng lắm. Ba tháng nữa tôi cũng không làm sao xoay được bốn trăm đồng.

     "Chủ tiệm cười híp cả mắt lại:

     "- Tôi biết mà! Vì vậy tôi mới khuyên ông, nếu ông chịu nghe tôi thì đỡ khổ. Này nhé, bây giờ trong túi ông đã có hai trăm đồng rồi. Vậy ông trả trước cho tôi hai trăm đồng đi. Ba tháng sau ông chỉ phài trả có hai trăm đồng nữa thôi chứ không phải bốn trăm đồng. Như thế có phải lợi biết bao nhiêu! Nếu ông không trả được, trễ đến ba tháng nữa cũng chỉ thành có bốn trăm đồng chứ không phải tám trăm đồng. Lời đến một nửa, ông nghĩ thế nào?

     "Anh chàng nghĩ đi nghĩ lại, thấy quả thực đúng lý vô cùng. Anh móc túi lấy hai trăm đồng ra trả cho chủ tiệm và ra về.

     "Anh về nhà thấy lạnh, chợt nhớ ra mình không có áo khoác nữa. Anh ngẫm nghĩ:

     "- Lạ quá! Khi mình chưa bước chân vào tiệm cầm đồ thì tuy túi mình rỗng nhưng vẫn còn có áo khoác ngoài mặc và không nợ. Bây giờ ở trong tiệm bước ra, túi vẫn trống không, áo không có nữa lại có một số nợ phải lo trả lạ quá!"

 

     Dung thét lên:

 

     - Thôi, tôi biết rồi! Chính tôi mới là người quân tử! Tôi là cái anh chàng đem áo đi cầm. Khi tôi chưa bước chân vào nhà hắn, thì tôi không có chồng, tôi trẻ, tôi đẹp, tôi tự do, tôi có việc làm để nuôi con tôi. Bây giờ ở nhà hắn bước ra thì tôi mất tự do, mất việc. Tôi phải hầu hạ hắn, nấu cơm cho hắn ăn, nuôi con cho hắn. Tôi vẫn phải làm việc lấy đồng lương để sống mà phải đội ơn hắn nữa. Tôi vẫn không chồng, hắn ở nhà hắn, tôi ở nhà tôi thế mà tôi vẫn phải thuộc quyền hắn xử dụng...

 

     Loan ngắt lời:

 

     - Chị hiểu thế là đủ! Em về nhé!

 

     Loan về rồi, Dung gục đầu lên gối khóc nức nở. Nàng muốn liều lĩnh không nghĩ tới bữa cơm chiều nhưng chợt nhớ tới những cái tát như trời giáng của hắn, Dung vội vàng mặc áo đi chợ.

    Dung không có cách nào để kháng cự lại hắn được, nàng đâm ra giận Loan. Phải, tại Loan tất cả! Trước khi gặp Loan nàng thấy đời vẫn êm đẹp. Tuy nhà cửa nàng bẩn thỉu thực, tuy con cái nàng rách rưới thực, tuy những lời hắn đều láo thực, tuy nàng phải làm việc quần quật suốt ngày cho hắn, tuy hắn hay gây gổ mắng chửi nhưng nàng đã coi như một sự dĩ nhiên. Ngày trước hắn khuyên nàng lấy hắn để cho con nàng được sung sướng, ngày nay con nàng giống như con mồ côi cả cha lẫn mẹ, nàng không hề phàn nàn, băn khoăn, thắc mắc, nghĩ ngợi, tìm hiểu ai hơn ai thiệt. Tất cả mọi sự đều thành ra dĩ nhiên cả rồi. Nàng chỉ biết cố nấu cơm ngon cho hắn ăn. Lo đi đòi được tiền nhà và nợ về cho hắn vui. Mỗi ngày đến nhà hắn làm tròn phận sự và "phi phận sự" xong tối về ngủ với con. Dung không hề thấy khổ hay nghĩ đến khổ. Nhưng không ngờ hôm nay những câu nói của Loan làm đảo lộn cả tâm hồn nàng.

 

     Không lẽ lại chửi người đàn ông đã từng âu yếm mình. Dung nghĩ được cách giải quyết là trút hết cả tội lỗi lên đầu Loan. Nàng nghiến răng lẩm bẩm:

 

     - Đồ ranh con! Mày thì đã hơn ai! Còn mày cũng phải tự nuôi lấy lại còn nhiếc tao! Chỉ được cái tài nói dóc, chửi người ta là giỏi, chính mình thì cũng ngu như bò!

 

     Dung thấy thoả mãn như đã được trả thù, nàng nghĩ đến lúc hắn khen món ăn nàng làm ngon. Hắn cười tít lên rung rinh cả cái thân hình đồ sộ và cái bộ mặt "đồng tháp mười", bộ mặt bí hiểm, thâm trầm, dữ tợn và cũng "phì nhiêu" ấy! Bỗng nàng thấy buồn nôn. Không phải nôn vì nghĩ đến hắn nhưng chắc là tại có một người "quân tử bé con" nữa sắp ra đời.

 

 

LINH BẢO

[Trích Tầu Ngựa Cũ, tr. 43-52,

Nxb Ngày Nay, Sài Gòn 1961]

 

 

 

 

 

 

    

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30859)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31290)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31975)
T ình trạng dịch thuật hiện nay ở Việt Nam đang ở mức cần phải báo động. Radio RFI đã dành nhiều chương trình cho những buổi nói chuyện với nhiều dịch giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Sau Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên là những nhận định có phần nghiêm khắc của dịch giả Trần Thiện-Đạo đã sống ở Paris trên nửa thế kỷ. Trước 30-04-1975, Trần Thiện-Đạo cộng tác với các báoVăn, Tân Văn, Bách Khoa, Nghệ thuật... ở Sàigòn và hiện nay vẫn thường xuyên gửi bài in trên các sách báo văn học trong-ngoài nước. Ý kiến của Trần Thiện-Đạo sẽ như một liều thuốc đắng, may ra giã được một số tật cố hữu trong địa hạt dịch thuật của Việt Nam.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34220)
Trước 30-04-1975 Thế Phong là một nhà văn quân đội. Ưu điểm của Thủy và T6 nằm ở giọng văn chuyển tải suy nghĩ nhân vật liên tục không chấm dứt, qua đó, người đọc bắt gặp thủ đô Sàigòn về đêm. Một thủ đô phù phiếm dù mặt trận kề cận. Một Sàigòn vừa trải qua Đảo Chánh đã chờ đợi Chỉnh Lý. Thế Phong ghi lại tâm trạng bấp bênh của xã hội miền Nam mà các chi tiết vũ trường, thao thức nhân vật có thể chuyển hoán cho hôm nay, bây giờ. Bối cảnh truyện xảy ra năm 1964, năm khởi đầu của nền đệ nhị Cộng Hoà.(TCHL)
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35056)
C ánh tay tôi rơi dài bên tôi, tựa tiếng thở sâu từ ngàn năm trước. Tôi thở mơn man, dịu dàng trên đồi cao cùng người tình xa xứ đáng thương. Tôi thở lười biếng, hão huyền bên người đàn ông dậy nực phù sa sông Hồng. Tôi thở không thành tiếng trên triền cát vàng tựa chiếu chỉ vua ban, nghẹn ngào nuốt sâm quý hắc mùi đền đài Trung Hoa. Tôi thở dồn dập kích động, rên hú thanh quản từng hơi trong căn phòng Tim. Nước sông Hồng mùa đông cạn ráo. Dầu cho Hồ Tây tràn nước ra đường, sương mù dăng trắng thành phố. Không khí ẩm ướt đọng thành vũng trong những ngôi nhà phố cổ. Không ai, không gì biết đến sự tồn tại của tôi. Đồng loã cùng thân thể mát thơm, uốn dẻo và trái tim hỗn mang của tôi là màu đêm tối.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34252)
Tôi xô nó ra nói thôi mà, làm ở trong chùa tội chết. Nhưng thằng nhỏ giờ phút này còn có biết gì nữa, công an nó còn chưa sợ, sợ gì tội. Tôi ngó lên bức hình ông Quan Công trên bàn thờ, tôi nói coi chừng cái ông cầm cây Thanh Long đao kìa. Danh bước đến thổi tắt phụt ngọn đèn dầu. Trong phòng bỗng tối mực. Danh đã cởi áo tự hồi nào. Nó kéo tôi nằm ngữa ra nền xi-măng. Bóng tối như đêm làm cho dạn dĩ hơn, không còn mặc cảm tội lỗi nữa, tôi ôm Danh với tất cả ham mê. Thằng nhỏ tuổi trẻ mà tài cao. Nó làm tình như giông, như bão.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33166)
...Trong hoàn cảnh hiện nay, người làm văn học, trong hay ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ, đang có cơ hội và khả năng tạo một sinh khí cho xã hội VN, giúp giảm thiểu những phá sản tinh thần đang xẩy ra. Muốn vậy, rất cần có sự đam mê, học hỏi, và lòng can đảm nói thật, viết thật. Không có nền văn học có giá trị nào được xây dựng trên sự giả dối và tránh né.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 41125)
T ừ ngày 7/3/1975, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày. Thật khó ngờ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người–có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với những vũ khí khá hiện đại như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]– bị sụp đổ hoàn toàn [...] Những hình ảnh điên loạn mà ống kính các phóng viên quốc tế thu nhận được chẳng khác cảnh vỡ đê trước con nước lũ, hay sự sụp đổ của một tòa lâu đài dựng trên bãi cát, khi nước triều dâng lên.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33333)
c ắm que nhang tưởng niệm cho ngày ra đi thấy niềm cô đơn một lần nữa trở lại đêm soi gương sâu hút ánh mắt thoai thoải đường cong li tâm ấm ức
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35859)
X uân Lộc là nút chặn đường tiến vào Sài gòn của quân Bắc Việt. 35 năm, thời gian tuy dài, nhưng có khi không thể xóa nhòa một vui buồn, huống chi những mất mát đớn đau trong đời người. Trong ký ức của người dân Long Khánh, và người dân miền Nam, trận chiến Xuân Lộc, không thể phôi pha.