- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐỨA TRẺ CỦA RỪNG TRE

23 Tháng Ba 20153:57 SA(Xem: 32433)
RUNG TRE-ThienDi

LTS: Thiên Di là bút danh, lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí văn hữu và bạn đọc  “Đứa trẻ của tre”, một truyện đọc… khó quên.

Tạp Chí Hợp Lưu

 

Cô thường đi lang thang trong cái công viên cách nơi cô sống chừng năm cây số, mỗi buổi tối nơi đó lại đông nghịt người tới tập thể dục.

Đây là nơi cô tìm đến mỗi khi chán nản, hòa lẫn vào dòng người như bất tận; những cặp đôi quấn lấy nhau trên những băng ghế đá trong góc tối. Cô nhấn chìm mình trong đó, như người ta trầm mình xuống một đại dương hỗn loạn. Tiếng trẻ con hòa lấy tiếng người lớn, tiếng cười lẫn vào tiếng la hét và những hồi còi không ngớt của bảo vệ. Chúng như từng đợt sóng ào đến, tan đi rồi lại tiếp tục dập đến. Cô mặc cho mình chìm xuống trong lúc chân đang bước đi, đôi mắt nhìn mông lung, ánh sáng và bóng tối xen kẻ.

Mỗi khi thấy cô đơn cô lại tới công viên, cô cần một nơi thật đông đúc và ồn ào để cho bản thân không phải suy nghĩ về bất cứ việc gì; trong cái đại dương dữ dội ấy cô thấy bản thân mình yên tĩnh.

Một giải pháp đáng buồn.

Sau khi đã đi chán chê cô lại leo lên xe phóng ra đường, nhìn thành phố lập lòe trong những ánh đèn đủ màu sắc, hứng gió đêm tan vào làn tóc xõa. Cô nhìn khung cảnh xung quanh mà như nhìn vào chốn không người, ảm đạm. Màu sắc của những ngọn đèn không chạm đến trí óc, chúng như tiếng vọng lại từ vực sâu chỉ thì thầm khe khẽ. Cô cứ chạy không mục đích như vậy, không muốn về nhà mà cũng chẳng biết đi đâu, tựa như một cái lông vũ nương theo chiều gió.

Buổi sáng làm việc, sáu ngày trong tuần, quay cuồng với đủ thứ số liệu, vài cuộc trò chuyện ấm ớ với những người đồng nghiệp mà cô phải cố tỏ ra thân thiện; cái cười khả ố của gã trưởng phòng, đôi mắt của gã khiến cô sởn gai ốc, một nỗi thèm khát công khai không hề xấu hổ. Đôi khi gã cố tình đụng chạm vào cô, mỗi lần như vậy khiến cô sởn hết gai ốc vì kinh tởm. Những buổi chiều về nhà cô chỉ muốn nằm một chỗ chờ ngày trôi qua và tất cả chìm vào dĩ vãng, ngủ một giấc thật sâu và không bao giờ tỉnh lại nữa. Nhưng rồi ngày mai vẫn tới, cô vẫn sống, vẫn tiếp tục làm cái mình không hề thích, vẫn bấu víu vào cái thành phố rộng lớn mà lạnh lẽo này.

Những ngày chủ nhật cô nằm cả ngày ở căn phòng trọ chật hẹp trên lầu hai, ngồi dựa vào tường hút thuốc rồi nhìn mãi cánh cửa đang mở, một đoạn lan can sơm màu xanh biển nhạt. Đôi khi vài bóng người lướt ngang qua, cô mỉm cười chào vài người và tảng lờ những người còn lại.

Nhỏ bạn cùng phòng nhìn cô một cách lo lắng, cô đáp lại bằng cái vẻ mặt bình thản, u buồn của mình.

- Có chuyện gì với mày vậy?

Có lần nhỏ hỏi.

Cô nhìn nhỏ rồi nhìn bàn tay mình, những ngón tay thon đều úp lên đầu gối.

- Tao không biết, tao chán, cô ngập ngừng, mà cũng không biết mình chán gì…

- Kiếm người yêu đi.

- Để làm gì?

Nhỏ nhún vai.

Cô cười nhạt châm một điếu thuốc, khói phả bồng bềnh.

Cuộc đời là một vòng xoay bất tận tới nhàm chán…

 

Đôi khi cô nhớ tới những ngày mình ở quê, khi đó cô còn là một con bé mới mười mấy tuổi, không có lo nghĩ gì rõ ràng. Gần nhà cô có một khu rừng tre rất rộng, những buổi chiều không đi học cô hay đi lang thang trong đó cả giờ liền, ngồi dưới những gốc tre, nghe gió đưa xào xạc những lá cành ở trên đầu, lá tre phủ một lớp dày dưới mặt đất. Cô có thể ngồi đó mãi. Có một thằng nhóc nhà gần đó cũng vào rừng tre suốt, thỉnh thoảng cô gặp nó, cả hai đã từng rất vui vẻ. Cô không còn nhớ mặt nó, cũng không biết nhà nó ở đâu cả hai gọi nhau mày tao một cách đơn giản.

Mùa hè chặt tre làm diều, tháng sáu tháng bảy đi hái măng, đốn tre làm kiếm; khi còn nhỏ cô quậy phá như một đứa con trai, lang thang cả ngày tới chiều muộn mới ló mặt về nhà. Lúc cha còn sống ông vẫn hay đánh cô vì tội đi chơi về trễ. Màu xanh của lá tre bao phủ tuổi thơ cô.

Lên 13 cha mất, cô phải phụ giúp mẹ để lo cho thằng em mới năm tuổi. Cô không vào rừng tre chơi nữa, mỗi buổi chiều cô vừa học bài vừa nấu cơm và trông em. Thằng nhóc kia cũng bỏ đi phương nào, chẳng bao giờ cô thấy mặt nó trong xóm. Tre vẫn mọc đều đặn, lớn lên, xanh tươi và khô héo, phủ cả một vùng rộng lớn; tiếng chúng xào xạc mỗi buổi tối vọng đến phòng cô như một lời nhắc nhở. Thỉnh thoảng cô nhìn về phía rừng tre, đôi mắt buồn bã, cái buồn của một đứa trẻ vừa mới lớn lên một chút, cái buồn mênh mông không điểm nhấn.

 Ngày cô đi, tre nở hoa lác đác trong rừng, hoa tre không đẹp cũng không có hương thơm, nở xong cả cây tre khô kiệt mà chết. Cô thấy chính mình cũng đang chết, chết trong lòng, chết khi tóc hãy còn xanh, khi ngực còn đang phập phồng hơi thở.

Một phần của tuổi thơ đã chết trong cô.

Năm ấy cô 20 tuổi.

 

Giờ cô đã 24, đối với nhiều người cuộc sống của cô không có gì đáng phàn nàn, tốt nghiệp loại khá, kiếm được việc làm ổn định, mỗi tháng đều đặn gửi tiền về cho gia đình, lễ tết về quê. Cô là một bánh răng điển hình, sáng bóng trong bộ máy khổng lồ của thành phố; làm việc mỗi ngày, tiêu xài mỗi tháng và mỗi năm lại càng lọc lõi, sỏi đời hơn. Thành phố đã dạy cho cô những điều đó, một nơi chốn trải rộng đến bất tận từ cao đến thấp, phân tầng một cách khắc nghiệt; chật chội mà cũng mênh mông đến vô chừng.

Hai năm trước người ta đã đốn khu rừng tre đi, những gốc tre nằm chỏng chơ đơn độc. Tuổi thơ cô thế là hết, tan thành tro bụi cuốn theo gió hay làm khói bốc về trời. Ngày về cô đứng trước khu rừng khóc tấm tức, lâu lắm rồi không khóc, nước mắt chảy ra mặn chát.

Chẳng biết từ bao giờ cô trở nên lạc lối, lạc lối trong sự hiển nhiên của những việc phải làm và không nên làm, trước mặt cô là một con đường thẳng tấp vậy mà cô vẫn lạc. Chân bước đi về phía trước còn trí óc mãi vẩn vơ không định hướng, cô chỉ đi theo người trước mặt một cách máy móc.

Rồi cô tập hút thuốc lá, cắt tóc ngắn và không về quê nếu không cần thiết. Mỗi lần về quê cô phải nhịn thuốc lá, cô ghét điều đó, mẹ mà biết được cô hút thuốc sẽ chết giấc mất. Có lần khi về quê nửa đêm cô ra ngoài bờ sông hút thuốc, vừa hút vừa khóc thầm. Thấy thương mẹ mà cũng thương cho chính cô.

 

Rồi anh đến trong những tháng ngày bơ vơ ấy, hết sức tình cờ. Cô gặp anh trong một lần lang thang ở công viên; hai người ngẫu nhiên ngồi xuống cùng một băng ghế trống, anh mỉm cười chào cô và cô cười lại. Không ai đứng lên, hôm đó công viên còn đông đúc hơn bình thường. Ngày quốc tế thiếu nhi cả con nít lẫn các cặp đôi đều gia tăng mạnh mẽ.

Một lúc lâu không ai nói gì, cô rít thuốc một cách sành sỏi, quay quay cái Zippo dỏm trong tay; anh nhìn xung quanh với đôi mắt buồn ngủ, thỉnh thoảng lại ngáp dài. Cô quan sát anh. Anh mặc áo khoác đen không cài dây kéo, bên trong để lộ cái áo thun đỏ thẫm đã bay màu, quần lửng, dép lào tất cả chẳng ăn nhập gì nhau. Kiểu người không quan tâm chuyện ăn mặc. Khuôn mặt anh bị một phần mái tóc che mất, bàn tay thô cứng đang vào nhau, bắp chân rắn chắc. Nhìn anh có vẻ gì đó quen thuộc dù cô khá chắn cả hai chưa gặp nhau trước đó bao giờ.

Đây không phải là một cảm giác hiếm hoi, đôi khi ta thấy thân quen với những con người xa lạ

"Quốc tế thiếu nhi gì, quốc tế sản xuất thiếu nhi thì có," cô nghe anh lầm bầm.

Cô phì cười.

- Có gì làm anh khó chịu hả?

- Vậy cô không thấy khó chịu à? Thì ngoài đường người ta đang bán hoa hồng và  trong này thì đầy các cặp đôi. Rốt cuộc thì cứ như Valentine của tháng 6.

- Đúng vậy thật, mà tôi không quan tâm.

Cô phà ra một hơi thuốc rồi vứt nửa điếu xuống đất.

- Bọn họ cần lý do để ra khỏi nhà, nếu không có ngày này họ sẽ vơ lấy những ngày khác. Chỉ vì họ có ai đó để đi cùng ra đường.

Anh ngẫm nghĩ một lúc, ngồi xích gần hơn một chút, cô nhích ra ngoài thêm một chút, khoảng cách vẫn giữ nguyên.

- Ra đường vào mấy ngày này đúng là xốn mắt, anh nhận xét.

- Vì anh có một mình nên anh thấy vậy thôi, cô nhếch mép.

- Cô không thấy vậy à?

- Không.

Anh nheo mắt.

- Cô nên thấy vậy đi!

- Vì sao?

- Có cảm xúc, dù là sự ghen tỵ cũng là một điều tốt. Nó phân biệt con người với một cái máy.

- Vậy à?

Cô trả lời lơ đãng và nghĩ gã quái này đang lảm nhảm gì vậy, cô chẳng cần ai dạy bài học nào về cuộc sống, nhất là khi đang ở trong cái đại dương đông đúc này và ngồi kế một người xa lạ.

Cô đã học đủ rồi!

- Cô cũng nên bỏ thuốc lá đi, cái đó không tốt đâu?

Cô nhăn mặt gắt.

- Sao anh không im đi. Tôi làm gì thì có ảnh hưởng gì tới anh.

Cô mồi một điếu thuốc mới.

- Anh thấy khó chịu là việc của anh đừng có lôi tôi vào. Tôi không quan tâm tới mấy cặp tình nhân vớ vẩn ở đây, cũng chả quan tâm tới ngày quốc tế gì hết, tôi chỉ muốn vứt mình ở đâu đó thôi. Sao không để yên cho tôi, tôi hút thì liên quan gì tới anh? Nếu không thích thì biến chỗ khác.

Gằn giọng, cô rít vội một hơi rồi ho sù sụ.

- Thấy chưa? Đã có chút cảm xúc rồi đó, anh mỉm cười, đừng cố kìm nén cứ xả ra hết đi!

Cô bật cười vừa cười vừa ho.

Anh và cô đã quen nhau như vậy.

 

Hai người ngồi xích lại gần hơn.

- Anh làm quen với gái như vậy à? Làm cho họ khó chịu rồi chọc họ cười.

- Không, làm gì có. Chỉ là tôi đang khó chịu, tôi tới công viên là để khuây khỏa, thế rồi gặp phải một đống những cặp tình nhân và họ chiếm hết ghế. Cuối cùng khi tìm được một cái thì phải chia sẻ nó với một người lạ và cô ta cứ phả khói vào mặt tôi cả buổi.

Giọng anh ta đều đều không cảm xúc hay điểm nhấn cứ như tường thuật lại một câu chuyện nào đó vậy.

- Nên tôi nghĩ phải làm cho ai đó bực mình mới được, anh nhìn cô cười nhạt, làm cho người khác bực mình là cách nhanh nhất để giải tỏa sự bực bội của bản thân.

Vứt điếu thuốc cô mỉm cười thoải mái. Hai người trò chuyện với nhau về đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất. Cả hai có nhiều điểm chung: tính mỉa mai, sự bất cần và âm nhac  thập niên 60-70. Cô than vãn với anh về công việc nhàm chán của mình, những người đồng nghiệp giả tạo. Anh nói với cô về sự suy tàn của văn mình nhân loại và những album của The Beatles, cái chết của Jonh Lennon. Tất cả các đề tài ấy cô đều có những nhận xét riêng, hai người trò chuyện với nhau rất hợp.

Cô hỏi, chau mày.

- Anh bao nhiêu tuổi rồi vậy?  Anh nói chuyện giống như mấy ông già vậy, như cái thời đại này không dành cho anh.

- Tôi 24, bằng tuổi cô.

Rồi anh chép miệng, chắc đúng là thời đại này không dành cho tôi thật, nó quá bình thường; một sự bình thường bị trầm trọng hóa tới mức quái dị.

- Anh đang nói gì vậy?

- Nói nhảm thôi, làm ra vẻ cao siêu, đại loại vậy; cô biết đó, giống như mấy thằng cha văn nghệ sĩ mỗi lần được phỏng vấn trên ti vi.

Hôm đó cô đã cười rất nhiều.

- Cho tôi số điện thoại đi động của anh đi, cô nói trước khi hai người chia tay.

- Không, tôi không có.

- Thật à?

- Thật, tôi không có điện thoại di động, cũng không muốn có.

- Vậy muốn tìm anh người ta làm thế nào?

- Thì cứ tới nhà tôi mà tìm thôi.

Anh nhún vai rồi chỉ vu vơ về phía sau.

- Tôi sống ngay gần công viên này, cái nhà kế bên thảm cỏ. Tôi thấy không có lý do gì để có một cái. Điện thoại bàn là đủ rồi.

- Vậy cho tôi số bàn đi.

Anh cho số. Cô mỉm cười chào anh rồi ra về, khi bước đi cô vẫn còn cảm thấy ánh mắt anh đang nhìn mình, cái nhìn bình thản.

Hôm đó cô đi ngủ với một nụ cười trên môi, một gã kỳ lạ, cô đã nghĩ vậy.

 

Từ đó mỗi lần tới công viên cô đều gọi anh ra và bao giờ anh cũng xuất hiện, bất kể sáng trưa, chiều hay tối. Dường như anh rỗi rãi cả ngày để có thể đi lang thang với cô bất cứ khi nào cô thấy buồn chán.

- Anh làm nghề gì vậy? Thấy anh rảnh cả ngày!

Có lần cô hỏi anh, khi ấy cả hai đang đi cạnh nhau trong công viên, con đường quanh co qua những khóm hoa đủ màu sắc được cắt tỉa cẩn thận.

- Nếu không thích thì không trả lời cũng được, cô nói thêm rít nhanh một hơi rồi vứt điếu thuốc xuống đất.

Mỗi lần gặp nhau cô luôn thấy không thoải mái khi hút thuốc trước mặt anh.

- Có làm gì đâu, tôi đang thất nghiệp, nghỉ từ hồi ba tháng trước, anh trả lời bình thản.

- Sao vậy?

- Chán, mỗi ngày cứ tới chỗ làm, làm việc mà mình không thích, cười với những kẻ mà mình không ưa. Tôi không chịu nổi, một ngày nọ tôi nghĩ phải biến đi không thì mình sẽ rỉ sét hết, vậy là tôi nghỉ.

Giống y như tình trạng của cô hiện này có điều cô vẫn phải đi làm mỗi ngày, cô cười nhạt.

- Vậy anh muốn làm gì?

- Tôi không biết, anh đột ngột dừng lại, tôi vẫn đang suy nghĩ.

Cũng giống như cô.

Hai người ngồi xuống một băng ghế đá, trời chiều đã ngả về đêm, vài câu lạc bộ khiêu vũ bắt đầu mở loa, tiếng nhập xập xình, những cặp đôi trung niên nhún nhảy từ những bước khập khiễng của người mới tập tới những bước sành sõi của kẻ đã thuần thục. Cô ngâm nga theo nhạc, tiếng Tây Ba Nha, vài giai điệu rất quen thuộc.

- Nhiều khi tôi cũng muốn bỏ quách cái việc đang làm cho rồi, rời khỏi thành phố này, đi đâu thật xa, quên hết mọi thứ.

- Ai cũng muốn vậy mà, anh nheo mắt nhìn hai đứa nhóc ở phía xa đang la hét vào mặt nhau, tôi không thích thành phố này: quá ồn ào, quá náo nhiệt. Tôi vẫn nghĩ về quê mình, nhưng khi xa nó một thời gian dài, sống ở đây tôi nhận thấy mình không còn phù hợp với quê hương nữa. Mỗi lần về quê tôi lại càng thấy xa lạ hơn. Cảm giác như không còn chỗ nào thân thuộc nữa.

- Anh với tôi rất giống nhau đó, cô hít vào một hơi ngả người vào băng ghế đá lạnh toát, nói chuyện với anh rất dễ chịu.

- Tôi cũng thấy vậy.

Cả hai im lặng một lúc, cô đuổi theo những ý nghĩ của riêng mình. Đôi khi cô tự hỏi sao mình lại ghét thành phố này, cô đã từng rất thích nó: đông đúc, nhộn nhịp, đủ mọi trò vui. Có lẽ cô ghét nó cũng chính vì vậy, vì nó đã thay đổi con người cô, một sự thay đổi không thể nào cưỡng lại được.

- Anh có người yêu chưa? Cô hỏi, một ý nghĩ bất chợt bật thành lời.

- Chưa, còn cô

- Đã từng có.

- Vậy giờ anh ta đâu rồi?

- Đâu đó trong thành phố này thôi.

Cô nói, mồi một điếu thuốc, rít một hơi rồi vứt bỏ.

Ngày lụi dần nhường chỗ cho đêm, đèn sáng, người tràn ra đường; khói bụi mù mịt bị gió lạnh ban đêm thổi bạt đi mất. Anh thì thầm nói cho cô nghe, giữa tiếng nhạc xập xình, về một bộ phim mà anh thích, thật tình cờ cô cũng rất thích bộ phim ấy, hai người bàn luận sôi nổi.

Cô kể cho anh nghe về gia đình mình, người mẹ đang bệnh và đứa em học hết cấp 3 và sắp sửa lên thành phố, những gánh nặng, bao nhiêu lo toan đang đổ xuống cô, cô thấy chán nản, có khi thức dậy giữa đêm rồi khóc một mình mà không hiểu vì sao. Rồi cô nhận xét hình như lần nào gặp anh cô cũng toàn than thở về đời mình.

- Có sao đâu tôi cũng thích nghe mà, anh đáp lại kèm theo một cách nhếch mép.

Trong công viên có một nơi trồng rất nhiều trúc, những bụi trúc vươn tán lòa xòa che cho con đường quanh co bên dưới, nơi đó không có ánh đèn và yên tĩnh, tối tối những cặp tình nhân rúc vào đó, thì thâm nói chuyện với những cánh tay ôm siết. Ban ngày cô và anh hay đi tới đó, cô thích ngắm nhìn những cành trúc trong ánh sáng ban ngày hơn. Nhìn mắt lá đan vào nhau, nắng trong rọi xuống, xuyên qua kẽ lá lấp loáng nằm trên mặt đất.

Chúng làm cô nhớ tới khu rừng tre ngày xưa ở dưới quê, khi lớn lên ta buộc phải hài lòng với những thứ nhỏ nhoi mà mình có được. Tuổi thơ cô từ một cánh rừng tre bạt ngàn, xanh huyền ảo teo tóp lại thành một con đường vài với chục cây trúc nhỏ nhoi mỗi ngày được chăm bón kỹ càng.

Và đó là thứ mà người ta gọi là ký ức, một bức tranh nghèo nàn sắc màu so với thực tế; chúng ta ai cũng có cái gì đó để nhớ và đáng buồn thay càng về sau chúng càng nhỏ lại để cuối cùng trở thành một mẫu vô nghĩa chìm vào lãng quên.

Cô nói điều này cho anh nghe.

- Cô đa sầu đa cảm hơn vẻ bề ngoài nhiều, anh cười.

Cô đỏ mặt ngại ngùng và đánh vào lưng anh một cái.

 

- Lúc này mày nhìn vui vẻ hơn hồi trước, nhỏ bạn cùng phòng có lần nhận xét, có chuyện gì hả? Tìm được anh nào rồi phải không? Thấy nữ tính hơn trước nhiều.

Cô xua tay lắc đầu nhưng mặt đỏ bừng lên.

Vài người ở chỗ làm cũng nhận xét vậy, cô giật mình nhìn bản thân thật lâu trong gương. Cô có gì khác lạ so với mọi khi? Chính cô cũng không biết, lâu rồi cô không nhìn bản thân mình, không trang điểm hay tô son đánh phấn gì. Lâu rồi cô quên mất chính mình mà cứ mãi nghĩ về những việc xung quanh. Soi mói tấm gương một lúc cô quyết định đi chăm sóc lại mái tóc khô cứng và xác xơ của mình.

- Mái tóc này rất hợp với cô, nhìn rất xinh.

Anh nhận xét, rồi dùng tay vuốt tóc cô.

Cô cười.

Từ đó cô lại càng chú ý tới bản thân hơn, cô bắt đầu chăm sóc làn da, bờ môi; rồi trang điểm, chú ý tới cách ăn mặc. Cô cũng bỏ thuốc dần dần.

Những người xung quanh lại được dịp bàn tán nhiều hơn.

Thấy cô với bộ dạng mới gã trưởng phòng lại càng bạo dạn, có lẽ gã tưởng cô làm đẹp vì hắn, đàn ông thường dễ dàng tưởng tượng ra những chuyện như thế. Gã càng lấn tới cô càng quyết liệt hơn. Một lần khi gã cố tình sờ soạng cô cô đã thẳng tay tát gã một phát ngay vào giờ nghỉ trưa. Sự việc khá ồn ào.

Hôm sau cô được chuyển qua bộ phận khác không phải làm việc với gã nữa, gã vẫn không hề hấn gì, chú của gã là giám đốc. Nhưng từ đó công việc của cô cũng xuống dốc, cô bị giao cho những việc khó, bị cô lập, cô không nói chuyện được với ai ở chỗ làm.

Buồn và vui đến với cô cùng một lúc. Yên bình và hoang hoải cùng ập tới vùi dập cô đến ngẩn ngơ.

 

- Tôi muốn nghỉ việc! Cô nói trong khi tựa đầu vào vai anh.

- Tại sao?

- Mệt mỏi quá, đủ thứ chuyện dồn ép, cô vẫn chưa nói với anh về gã trưởng phòng, tôi muốn bỏ hết cho rồi.

- Vậy thì bỏ đi, đừng ngại.

- Nhưng con gia đình, ai sẽ lo cho gia đình tôi?

- Vậy thì đừng bỏ.

Cô ngồi thẳng dậy gắt.

- Anh nói chuyện kiểu gì vậy? Tôi đang nói nghiêm túc…

- Vậy cô muốn được trả lời như thế nào? Anh nói mà không nhìn cô.

- Muốn tôi nói rằng mọi chuyện sẽ ổn và rồi cô sẽ lo được hết cho tất cả à? Làm gì có chuyện đó, thậm chí nó còn chẳng phải là một giải pháp nữa kìa, chỉ là một sự trốn tránh. Cô muốn cái gì? Hy sinh vì gia đình của mình để rồi sau đó than khóc vì sự hy sinh đó à? Vậy thì đừng có hy sinh hãy ích kỷ một lần đi. Mẹ cô cũng chẳng muốn cô hy sinh vì bà đâu, đặc biệt là kiểu hy sinh này. Đừng có hy sinh một cách ích kỷ như vậy, nếu cô hy sinh thì cô không phải là nạn nhân, cô chỉ là một người chấp nhận bất công về mình. Cô đã tự nguyện làm điều đó thì còn đòi hỏi gì nữa. Nếu ghét một cái gì đó hãy vứt bỏ nó, nếu thích thì giữ nó bên mình, lấp lửng chỉ làm cô chậm lại thôi.

Anh nói một hơi như trút hết giận dữ trong mình ra ngoài.

Im lặng, cô sững sờ nhìn anh không biết nói gì. Anh vẫn bình thản đan hai bàn tay vào nhau, không nhìn cô mà nhìn về phía trước, đôi mắt anh trống rỗng trải ra đến mênh mông.

Một lúc sau cô đứng lên ra về, vừa chạy xe trên đường cô vừa khóc, nước mắt mặn chát phủ nhòe quanh cảnh trước mặt. Tối hôm đó cô gọi điện về cho mẹ kể hết những bức bối trong lòng, cô khóc với mẹ như một đứa trẻ.

Hai ngày sau cô chính thức thôi việc, vừa tìm việc mới cô vừa nhận những công việc bán thời gian: sáng chạy bàn cho quán cà phê, chiều bán hàng ở một nhà sách; rồi thêm những việc làm thời vụ. Công việc bận rộn cuốn cô đi không cho cô một giây phút ngơi tay. Cô không còn thời gian để đi công viên nữa, cũng không gặp hay liên lạc với anh.

Từ lúc bỏ việc cảm giác chán nản trong cô vơi dần đi, không còn những buổi tối ngồi một mình rít thuốc; không còn nỗi buồn mênh mông khi thức dậy. Lần đầu tiên trong đời, cô thấy thoải mái và sung sướng khi bỏ cuộc, khi đầu hàng một cái gì đó. Vì cô từ bỏ một thứ không đáng để chiến đấu và để dành sức cho những thứ đáng giá hơn.

Và cô biết, anh đã đúng.

 

Một buổi sáng rảnh rỗi hiếm hoi cô tới công viên và gọi cho anh. Giọng nói máy móc của tổng đài thông báo số điện thoại không tồn tại, cô bấm lại hai ba lần kết quả vẫn như vậy. Ngồi ngẩn ngơ một lúc cô đứng lên đi lòng vòng công viên, tìm về hướng anh đã từng chỉ và nói nhà mình ở đó. Hướng ấy không có ngôi nhà nào cả, chỉ có một cái cây to lớn vươn bóng mát che phủ một vùng rộng lớn. Cô ngồi xuống gốc cây và thiếp đi lúc nào không biết.

Trong giấc ngủ cô mơ thấy anh, anh nắm tay dẫn cô đi trên con đường quanh co trồng những bụi trúc của công viên. Cô không thấy mặt anh, cũng không nghe được tiếng anh nói. Càng đi những bụi trúc càng lớn hơn và dày hơn. Đến một lúc nào đó cô thấy mình đang đứng giữa khu rừng tre ngày xưa còn anh và cô thì trở thành những đứa trẻ 12, 13 tuổi. Anh quay mặt lại, cô reo lên thích thú, anh là thằng nhóc ngày xưa trong khu rừng tre. Anh dẫn cô chạy sâu hơn vào rừng và cả hai chơi đùa với nhau như ngày còn nhỏ.

Rồi khi chiều muộn anh lại dẫn cô ra khỏi rừng tre, hai người từ từ lớn lên trở lại như ban đầu.

- Vậy anh chỉ là tưởng tượng của tôi, cô hỏi trong mơ.

- Có quan trọng không?

- Có chứ, nếu đúng vậy thì tôi chỉ tự huyễn hoặc mình, tự yêu bản thân.

Anh cười, nụ cười diu dàng; bàn tay anh luồn vào tóc cô.

- Không, điều đó có nghĩa là tự cô đã luôn có câu trả lời cho mình; tự cô đã cứu giúp mình không cần đến ai khác. Có nghĩa là cô rất mạnh mẽ.

- Sau này anh có còn xuất hiện nữa không?

- Tôi không biết, chỉ có cô mới trả lời được câu hỏi đó thôi.

Thức dậy, cô ngồi ngẩn ngơ bên thân cây to lớn ấy một lúc rồi ra về với một nụ cười mỉm. Lòng cô thấy bình yên vô hạn.

Cô vẫn không biết anh có thực sự tồn tại hay không, rằng suốt thời gian nói chuyện với anh có phải cô chỉ tự độc thoại với chính bản thân mình; nhưng cô nhận ra câu trả lời không còn quan trọng nữa. Đối với cô anh chính là quê hương, cái quê hương từng là một thằng nhóc ham chơi, lấm lem đất cát giờ trở thành một chàng trai xa xôi, kỳ lạ. Đó là quê hương ở trong cô, đổi khác và lớn lên từng ngày như chính cô vậy.

Nhưng bao giờ cũng vậy, ở bên anh rất đỗi yên bình; giống như khi cô đi sâu vào khu rừng tre vẫn tỏa bóng mát trong ký ức của cô.

Đó là chốn an yên bất diệt…

 

THIÊN DI

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 95612)
LTS: Nguyễn Hạnh Nguyên sinh năm 1985, tốt nghiệp thạc sĩ khoa học ngành Ngữ Văn. Hiện sống và làm việc tại Hạ Long, Quảng Ninh. Năm mới, bài viết mới lần đầu đăng ở trang mạng Hợp Lưu như một món quà xuân gởi đến quí văn hữu và bạn đọc đầu năm Tân Mão 2011. TCHL
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83210)
Bài viết này duyệt lại huyền thoại trụ đồng Mã Viện xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ IV-V, nhưng không hề có dấu vết trên thực địa hay trong quốc sử Hán. Những dã sử về số lượng và vị trí trụ đồng chẳng những thiếu cơ sở, mà còn di động, từ châu Khâm tới Hà Tiên-An Giang—không ngừng nam tiến, giống như tấm bản đồ biển Đông Bắc Kinh mới công bố năm 2009, ấn chứng của “thực dân xã hội chủ nghĩa” [Han social-colonialism ], vò đựng mới cho tinh thần Đại Hán phong kiến.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 73036)
Vichto Olegovich Pelevin sinh ngày 22.11.1967 tại Moskva, trong một gia đình quân nhân. Năm 1989 Pelevin thi vào trường đại học năng lượng, từ 1989-1990 học hàm thụ trường đại học viết văn Maxime Gorki. Pelevin bắt đầu sáng tác vào giữa những năm 80, mười năm sau, chưa đầy ba mươi tuổi, có trong tay hơn chục tiểu thuyết, truyện vừa và năm-sáu tập truyện ngắn, anh đã trở thành "hiện tượng bí hiểm nhất và nổi tiếng nhất trong thế hệ các nhà văn hậu Xô Viết".
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89783)
Nhân viên trực phòng xác bật đèn. Ánh sáng xanh nhợt gây thêm sự lạnh lẽo. Hai bàn tay Sinh nắm chặt lại trong túi áo khoác. Gã nhân viên liếc nhìn Sinh, rất nhanh. Sinh tưởng như hai người kia cũng nghe được tiếng tim đập của mình. Gã nhân viên kéo chiếc hộp sắt hình quan tài nằm sâu trong vách tường. Nhẹ nhàng, cẩn thận như thể gã cũng ngại làm người nằm bên trong thức giấc.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82015)
...Anh là cơn gió chướng của đời em. Anh là nỗi ám ảnh không mặt mũi, nhưng tồn tại mãi trong ngăn kéo ký ức em. Em đọc được trong mắt anh ước muốn hoan lạc của một tình yêu với một thân xác. Một sự hoà hợp nhịp nhàng như sấm sét và mưa. Cho anh tan chảy như trăng trong ngõ ngách đêm.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89842)
... Thiếp không muốn về, cũng không muốn ngồi lên, cũng chẳng hề thấy lạnh. Thiếp chỉ muốn nằm đó, với chàng, muôn kiếp muôn đời gặm nhấm niềm yêu. Khởi đầu chỉ là những mưu toan mà trời ơi, sao người ta cứ phải dùng những tấm thân liễu yếu, sao người ta vẫn cứ phải nhờ vả chút nhan sắc bọt bèo.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 77973)
Alexandre Lucien Abel de Rhodes mang gương mặt thống khổ và si mê của oan hồn chưa hề biết đến tình yêu. Những ai bắt gặp giáo sĩ những năm thánh chiến, thảng thốt nhận ra bóng ma mang nỗi buồn chín thối ruột gan của một người đàn ông chưa toại nguyện thân xác. Hôi thối đến nỗi những người lính Marốc của tiểu đoàn 10 Tabor tăng cường cho trung đoàn 3 Lê Dương phải bịt mũi trước xú uế nồng nặc bốc toả từ nhà thờ chính toà Cao Bằng.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 101727)
Tôi đưa nàng đi, như mộng du, ra khỏi thành phố. Ánh đèn đường và ánh sáng trong các loại nhà ở hai bên quốc lộ loáng thoáng hắt vệt ra. Chúng tôi chỉ còn vài giờ ở bên nhau. Trước mặt tôi, vài chục cây số nữa là vài ngọn đèo lớn, một cung biển đẹp, tôi biết đưa nàng đi đâu để không hoang phí vài tiếng đồng hồ quý báu này. Chuyện gì sẽ xảy ra với cô gái tên Thu Sắc và chàng trai bị gọi là Thiền Sư. Hay chính nàng mới là Thiền Sư còn tôi đang sôi sục toàn thân nỗi nôn nao làm thú.
29 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84646)
Vậy mà đã 54 năm kể từ ngày Liên Hiệp Quốc khai sinh Ủy Ban Sông Mekong [1957] và cũng đã 16 năm kể từ ngày thành lập Ủy Hội Sông Mekong[1995]. Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây những con đập thủy điện khổng lồ chắn ngang dòng chính thượng nguồn sông Mekong, Thái Lan có kế hoạch chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong, và nay lại có thêm dự án 12 con đập hạ lưu.
29 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90015)
Được tin Nhà giáo, nhà phê bình văn học, tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến  đã từ trần vào lúc 23h ngày 24.01.2011 tại Bệnh viện Hữu Nghị- Hà Nội, hưởng thọ 81 tuổi.