- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐÔI CÁNH

26 Tháng Hai 20153:55 SA(Xem: 30607)

                                                                                                                                                                     

noell oszvald
Photo - Noell S. Oszvald




     Tôi phải dậy từ sớm để chuẩn bị cho ngày hôm nay. Để mọi chuyện thuận lợi, tôi đã phải bước đi thật rón rén, tránh những âm thanh quá lớn có thể đánh thức bà ta. Cơn ngái ngủ khiến cơ thể tôi ì ạch và tôi phải dùng chút nước lạnh để mình tỉnh táo lại. Tấm gương phòng tắm đặt nghiêng nghiêng, tôi lùi xa một chút để có thể nhìn thấy toàn bộ thân thể mình. Với cơ thể này thì chuyện cởi trần ra bãi tắm, dù là buổi đêm cũng là điều ngớ ngẩn. Nhiều năm rồi, các cơ bắp trên cơ thể tôi đã nhăn nhúm lại và cả cái thứ gắn với bản sắc đàn ông kia cũng đã trở nên xấu xí. Các ngón tay dài, thuôn thả cũng đã nhăn nheo và cứng nhắc như lớp vỏ cây. Tôi tiến gần hơn về phía gương, nhìn ngắm hồi lâu. Tiếng thở dài vang khe khẽ. Tôi đã từng nghĩ mình sẽ có lúc già nua nhưng thật tội nghiệp khi biết cơ thể mình sẽ dặt dẹo, ốm đói tới mức này. Gương mặt thanh tú với cái mũi cao và đôi mắt sâu thẳm có thể chôn vùi trái tim mọi thiếu nữ giờ tôi chỉ còn được thấy trong sự hồi tưởng thôi sao.  

     Mặt trời đã nhô khỏi chân núi và thấp thoáng trên bầu trời. Một cơn gió thổi qua, các cành cây khẽ lay động, vài chiếc lá đã úa vàng bứt cành rớt xuống.

     Bà vợ già có lẽ vẫn đang co quắp trên giường như con mèo hen. Tôi đã phải chịu đựng bà ta quá lâu rồi. Từ ngày nào tới giờ bà ta luôn quá quắt với tôi. Con người trải qua một quá trình tiến hoá lớn những có lẽ người đàn bà cộc cằn kia lại đi ngược với tiến trình đó. Bà ta là sinh vật đã bị Thượng Đế lãng quên và chẳng biết bằng cách nào lại lọt xuống nhân gian. Bà ta đã đeo một chiếc mặt nạ để gặp được tôi và giờ thì lớp tạo hình đó đã nhòa đi. Tôi đã bị xích chặt vào một ả đàn bà thô thiển. Bà ta chẳng cần biết Đức Thích Ca vì sao lại từ bỏ thân phận hoàng tộc để tham thiền khổ hạnh, Chúa JeSu vì sao phải ghim mình vào thánh giá, bà ta luôn bĩu môi khi thấy những bức tranh mang tính tượng hình, nhạc thính phỏng chỉ khiến cơn ngáp vặt của bà ta mau đến, nghĩa trang hay lăng mộ với bà ta cũng chỉ là nơi chôn người.

     Tôi bước ra ngoài, cố xua đi hình ảnh của bà ta. Vài ngày nữa tôi mới trở về. Người đàn bà đó sẽ tức điên lên và gào thét như con sói đã để vuột mất mồi. Tôi bắt đầu tưởng tượng ra gương mặt già nua, dày đặc những nếp nhăn kia khi bắt đầu nổi đóa. Các đường gân sẽ chạy quanh gò má mà nay đã hóp lại, trông xanh xao. Cơ thể bà ta sẽ run lên bần bật như sợi dây đàn, hai hàm răng bập lại, nghiến ken két. Nếu cơn nóng giận có lớn hơn và phần nào tác động đến chứng suy tim của bà ta thì thật là một điều đáng mừng.

     Từ đằng xa tôi đã thấy chiếc ô tô bốn chỗ quen thuộc của ông ta. Chiếc xe đỗ ở một con đường nhỏ. Giữa Thu nên lá cây rụng rất nhiều. Những chiếc lá rơi xuống, xếp chồng chất lên nhau, phủ vàng một quãng đường. Tôi đạp lên lớp lá khô, đi về phía chiếc xe.

   “Ông Bound! Tôi tới rồi đây!”

     Cửa kính mở ra, một cái đầu bạc trắng ngó ra ngoài.

   “Chào ông. Ái chà, tôi cứ nghĩ phải lâu nữa ông mới tới.”

   “Chúng ta đi luôn chứ.”

     Bound mở cửa xe, tôi bước vào.

     Bên trong xe chỉ có mình Bound, tôi ngồi sau ông ta. Điều hoà được đặt ở chế độ trung bình nên khá ấm áp. Bound mặc một chiếc măng-tô kiểu Pháp, chiếc áo màu trắng và khá dày. Phát tướng lúc tuổi già khiến thân hình ông ta cân đối và hợp với chiếc áo vốn dành cho người có vóc dáng cao lớn này hơn. 

   “Bao lâu thì tới được chỗ ông?”

   “Quá trưa là đến, nhưng ông phải ở lâu đấy.”

   “Tất nhiên.”

     Bound nhấn ga, chiếc xe lao vút đi.

*

     Lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với Bound là vào hai tháng trước. Hôm đó tôi ra cửa hàng chim cảnh để mua một con. Tôi vốn không thích nuôi chim nhưng chẳng rõ tại sao về già tôi lại có sở thích này.

     Cửa hàng rất vắng và tôi là vị khách duy nhất. Chủ quán giới thiệu các loại chim có trong quán để tôi lựa chọn. Tôi chẳng phải người sành chơi chim nên đã chọn một con chào mào có giá rẻ nhất. Trong lúc ông chủ vào buồng trong lấy thức ăn cho chim thì tôi ghé mắt vào lồng để nhìn con chim kỹ hơn. Con chào mào vẫn còn nhỏ và hơi gầy. Nó xoè đôi cánh, nhảy sang trái rồi nhảy sang phải. Thân hình bé nhỏ đó lay động khá lâu. Chợt, nó thò đầu ra phía kẽ hở của những thanh gỗ. Cái đầu nó lúc rúc nhưng chỉ cái mỏ bé con con là chui qua được chiếc lồng. Nó bỗng nhảy lên trên nóc lồng, đầu ngoảnh ra.

   “Nó đang vùng vẫy đấy.”

     Tôi nhìn sang thì thấy bên cạnh mình là một ông lão. Ông ta hơn tuổi tôi nhưng trên khuôn mặt già nua, lốm đốm nếp nhăn vẫn còn nét hồng hào và tươi trẻ.

   “Ông nhìn xem, con chào mào đang muốn bay khỏi chiếc lồng đấy.”

   “Ông có vẻ rành về chim.”

   “Tôi không thích chơi chim, tôi chỉ thích ngắm chúng thôi.”

     Ông lão lạ mặt kia nhìn về phía con chào mào, ánh mắt ông ta lộ vẻ buồn bã.

     Chủ quán bước ra. Ông ta đưa cho tôi một túi thức ăn cho chim.

   “Của ông đây. Nhớ cho nó ăn theo bữa như tôi dặn.”

     Chủ quán nhìn thấy ông lão, vẻ mặt mừng rỡ “Chào ông. Ông mua như lần trước chứ.”

     Ông lão kia gật đầu rồi vẫy tay, hai gã thanh niên lạ từ ngoài đi vào. Họ mang toàn bộ lồng chim trong cửa hàng ra chiếc xe tải đỗ bên ngoài. Phía trên xe tải còn có một chiếc xe nhỏ. Xe bốn chỗ màu trắng, mui cao, cửa kính để mở. 

   “Còn cái lồng chim này nữa.”

     Ông lão nhìn sang con chào mào mà tôi mua. Hai gã thanh niên định mang nó đi thì tôi ngăn lại.

   “Xin lỗi, con chào mào này tôi đã mua rồi.”

   “Ông bán lại cho tôi chứ - Ông ta nói.”

   “Tôi đã mua rồi!” – Tôi nói

   “Một triệu đủ chứ!” – Ông ta nói.

     Tôi quay đi, cầm lồng chim lên.

   “Chiếc lồng này không phải nơi nó nên ở. Nó sẽ chết trong đó.”

     Ông ta nhìn tôi, khẽ thở dài rồi quay đi. Khi ông ta bước khỏi cửa, tôi gọi lại.

   “Ông muốn mua nó thật chứ.” Ông ta quay lại, khuôn mặt không giấu được vẻ mừng rỡ.

     Ông ta nhận lấy chiếc lồng chim rồi gửi tôi tiền. Sau đó ông ta gửi tiền chủ quán, tiền thối ông ta không nhận. Điều cuối cùng tôi thấy được ở ông ta là những nụ cười. Khi ra khỏi cửa hàng, cái đầu ông ta cứ gật gù.

     Chắc chắn ông ta không phải là người chơi chim vì người sành chim sẽ chỉ mua tập trung vào những loại đặc biệt quý giá.

     Tôi được biết thêm, ông lão lạ mặt kia lâu lâu lại tới các cửa hàng bán chim cảnh và mua tất cả với giá rất cao. Một lần khác, tôi vô tình gặp ông ta ở một cửa hàng nhỏ ở cuối phố. Lần này chúng tôi đã bắt chuyện với nhau và còn gặp lại khá nhiều lần.

*

     Tên ông ta là Bound, nhưng ông ta không phải là một người nước ngoài, ông ta có gương mặt và dòng máu của một người Việt. Theo những gì tôi nghe được thì từ nhỏ ông ta đã lưu vong bên Pháp. Ông ta chỉ có một mình, phải tay trắng lập nghiệp. Việc thay đổi quốc tịch không phải là điều Bound mong nhất, ông ta vẫn nói được tiếng Việt và vẫn là người Việt. Không gì thay đổi được dòng máu trong người Bound.  Đó là chuyện của quá khứ và tôi không muốn hỏi nhiều về nó. Quá khứ luôn tàn nhẫn.

    Bound và tôi đều là những người cô đơn. Tôi cô đơn trong căn nhà đó còn ông ta thì cô đơn ở cái xứ sở rộng lớn, khi mà phải ngồi trong bóng đêm, nói tiếng mẹ đẻ với bốn bức tường.

   “Tôi ghét sự trói buộc. Nhưng tôi lại chẳng thể nhìn thấy sợi dây mà mình đã giăng ra để vây lấy bản thân.”

     Có lần Bound nói với tôi như vậy. Lời nói chỉ dừng ở đó và tôi cũng không hỏi thêm. Tôi im lặng. Bound ngước nhìn ngước lên bầu trời. Một thứ linh cảm nào đó trong tôi đã đọc ra Bound đang buồn phiền, cuộc sống sung tú ở phương trời xa vẫn chưa khiến ông ta quên đi những phiền muộn.

     Một tiếng thở dài. Những suy nghĩ đang chìm xuống và im lặng.

     Ngày còn trẻ tôi thích đi lại khắp nơi, tôi quen biết nhiều người và nhiều cô gái đã ngã vào lòng tôi chỉ với vài lời tán tỉnh bâng quơ. Những cuộc chè chén luôn kéo dài. Nhưng mọi chuyện đã biến mất khi tôi gặp cô ta. Tôi không biết vì lý do gì nhưng rõ ràng khi gặp cô ta ánh mắt tôi đã không còn nhìn thấy thêm người phụ nữ nào nữa. Cặp mắt của tôi dành riêng cho cô ta. Suốt cả tháng trời tôi không đi đâu cả, mặc cho đám bạn hữu gọi cả trăm cú điện thoại. Tôi chẳng ăn uống gì và chỉ vẽ thôi. Tôi vẽ rất nhiều, có lẽ tới cả trăm bức. Những bức tranh đó đều mang khuôn mặt của cô ta. Gương mặt đó luôn lơ lửng trong tim tôi kể cả khi tôi không nghĩ tới nó vẫn hiện rất rõ. Sự nông nổi thời trai trẻ đã khiến tôi không nhìn ra cái sắc đẹp đó chỉ là một lớp ngụy trang. 

   “Ông đã theo cái tình yêu đó.”

   “Đúng!”

   “Không ai ngăn cản?”

   “Tôi gạt đi hết.”

   “Ông có từng nghĩ lại?”

   “Tới giờ thì luôn luôn.”

*

     Đám cưới diễn ra vắng lặng. Đám văn hữu chẳng ai tới. Chỉ có một số ít hàng xóm tới chia vui. Ngày hôm đó không rõ ai đã gửi cho tôi một cuốn băng cùng một tấm thiệp chúc màu trắng. Tôi mở cuốn băng lên thì nghe thấy những lời khóc lóc ai oán, trên màn hình tivi hiện ra một toán người đưa tang, các cô gái trẻ đầu chít khăn trắng, mái tóc rũ xuống, các thanh niên và những người già đi đằng sau cũng mặc thứ trang phục như vậy, họ đều khóc. Tiếng khóc ai oán xoáy quanh gian phòng và nghiền nát những gì trong đó. Loa bật hết volume nên tiếng khóc vang rất lớn. Cả con phố đều nghe thấy thứ âm thanh đó. Mọi thứ về ngày hôm đó tôi nhớ rất rõ. Tôi quăng cuốn băng xuống đất và dẫm nát. Tiếng khóc chẳng dứt được. Hình ảnh tang tóc đó, nó vẫn kí sinh trong đầu tôi như loài tầm gửi. Lời bàn tán của các vị khách càng khiến cơn giận trong tôi lớn thêm. Tôi đã đuổi hết họ đi và an ủi cô ta. Phải mất khá lâu những giọt nước mắt của cô ta mới ngưng rơi. Không cần tới lời tuyên bố của chủ hôn, chúng tôi tự trao nhẫn cưới.

     Tôi ngừng vẽ và chuyển sang kinh doanh. “Đó chỉ là một giấc mộng thôi. Tình yêu của chúng ta không cần những giấc mộng viển vông đó. Anh nghĩ xem, thứ gì mới cần cho cuộc sống sau này, hơn cả việc chìm đắm vào trò vẽ  vời”. – Cô ả nói vậy và tôi đã nghe theo như một mệnh lệnh. Cô nàng quăng hết tranh của tôi vào sọt rác. Tôi cũng cắt đi mái tóc bồng bềnh ngả rạp tới sau gáy. Giá vẽ cùng những lọ màu giờ có lẽ vẫn nằm yên trong nhà kho, lẫn vào bao thứ vật dụng lỉnh kỉnh thô tục.  “Đó là một sự ngu muội”. Tôi đã giăng một tấm lưới lớn để tự bẫy mình. Người vợ đáng yêu đó quản lý mọi thứ. Cả tiền bạc, cả tự do của tôi. Sự dịu dàng biến mất qúa nhanh. Thậm chí tôi đã tự cược rằng cái vỏ bọc mỹ miều mà tôi đã nghĩ rằng còn đáng giá hơn cuộc sống tự do và niềm say mê bên giá vẽ đã tan nhanh như một làn khói. Vài năm sau đó cô ta bắt đầu mắng nhiếc về lối sống luộm thuộm và sự bê trễ về thời gian của tôi.

   “Ngày trước khi bà ta ngã bệnh, tôi đã quỳ trước bàn thờ mong bà ta tai qua nạn khỏi và xin thần linh hãy chuyển bệnh tật của bà ta sang tôi. Còn giờ thì ngược lại.”

   “Ông kể nhiều về quá khứ. Là ông chưa có dịp kể cho ai hay không ai muốn nghe ông kể.”

   “Tôi cần một người bạn.”

   “Những người bạn ngày trước thì sao.”

   “Chẳng ai trong họ còn muốn gặp tôi. Những chú chim, chúng chịu nghe tôi kể và luôn im lặng. Nhưng chúng mau chết quá mà tôi thì không thể thả chúng được. Chúng sẽ mãi lánh tôi.”

     Bound thở dài, ông ta đặt tay lên vai tôi. Bàn tay ông ta rất ấm.

   “Ông chẳng cần thiết phải nuôi chim làm gì. Ông hãy nói gì đi và tôi sẽ nghe hết. Phải rồi, khác với lũ chim, tôi có thể trò chuyện với ông.” 

     Bound mỉm cười. Bàn tay ông ta xiết chặt thêm. Hơi ấm trên tay ông ta tan dần vào tôi. Có thứ gì ươn ướt chực bên khoé mắt. Trong quán bia vỉa hè ồn ào này đột nhiên tôi lại cảm thấy mình nghe rõ được tiếng lưu chuyển của cơn gió. Cái tiếng động thảng hoặc, nhè nhẹ đó rơi vào tai tôi và nó đã bít kín phần hổng còn lại của lỗ tai. Tôi chẳng nghe thêm được gì, ngoài tiếng gió hiu hiu. Cái khí thanh tao có chút lành lạnh lan ra và tôi tưởng như mình đã rơi xuống một con suối mà vạn năm trước đức chúa trời đã từng trầm mình, tẩy rửa hết uế tạp để chuẩn bị trở về thiên đàng.

*

     Căn nhà của tôi xuất hiện những vết loang lổ, khung cửa sổ cũng đã hoen rỉ, cái chồi non ngày nào giờ đã vươn cao, mọc sừng sững như một ngọn tháp. Tôi và bà ta vẫn chưa có được mụn con. Vấn đề chẳng ở ai. Giấy xét nghiệm rõ rành rành nhưng chuyện không có đứa trẻ nào chào đời thì chẳng ai cãi được.  

   “Tôi ra ngoài một chút.”

   “Về muộn thì ra quán mà ăn.”

     Bà ta liếc xéo mắt rồi lại chúi mũi vào bộ phim ướt át. Tôi thấy buồn cười khi bà ta cười, nói, thậm chí kêu lên khi tới một khúc cao trào. Tôi dám cá nếu bà ta có lọt vào bộ phim đó thì bà ta sẽ được các diễn viên quý hoá đó chầu chực bên giường gọi tên. Vai diễn của bà ta đơn giản chỉ là nằm đó run rẩy rồi lịm đi trong tiếng gọi của những thanh nam tú nữ.

     Tôi về muộn, Trên bàn mâm cơm vẫn còn nhưng có vẻ bà ta đã ăn trước. Tôi mở lồng bàn thì thấy thức ăn trên đó đã chẳng còn mấy. Đĩa rau xào chỉ còn vài cọng, bát thịt gà chỉ còn phần ức và hai mẩu cánh tí xíu. Bát canh rau muống cũng đã vơi quá nửa.

     Bà ta đã xong bữa và đang ở  phòng trong. Tôi nghe thấy tiếng bà ta cười. Chẳng rõ tiếng cười này là nguồn cơn của một chương trình hài ước nào đó trên vô tuyến hay là một sự trâm trọc quen thuộc mà bà ta chỉ dành cho tôi. Cái khuôn mặt già nua này giờ chỉ khiến tôi thấy khó thở. Ấy thế mà bà ta vẫn son phấn và mặc những trang phục hở hang. Trông bà ta còn gớm ghiếc hơn bất kì bức tranh châm biếm nào của Pablo Picasso. Gương mặt này lẽ ra nhiều năm trước tôi phải nghĩ tới rồi chứ. Tiếng khóc ai oán trong cuốn băng hôm đám cưới chợt vang lên. Tôi xúc miếng cơm, cố nuốt nhưng họng ứ nghẹn như có vật gì tắc trong đó. Tôi bưng bát canh uống một miếng lớn. Phần thức ăn trôi tuột xuống.

     Một lần nọ, có người ở hội liên hiệp tranh quốc tế báo những bức tranh ngày trước mà tôi tặng cho mấy người bạn đã được trao giải và dự định sẽ tổ chức một cuộc triển lãm lớn ở Đà Nẵng.

   “Thú thực đây là một niềm vui nhưng tôi xin được vắng mặt vì giờ tôi đã không còn vẽ được tranh.”

   “Một dịp tốt thế này. Ông không vẽ được nữa nhưng ông vẫn là cha đẻ của những bức tranh đó.”

   “Phiền ông nói lại rằng người cha đó chết rồi.”

    Người đàn bà đó từ buồng trong chạy ra và tôi lấy làm mất mặt.

   “Ồ không, ông nhà tôi sẽ có mặt. Ông ấy đã vẽ ra các bức tranh đó mà.”

   “Bà nhà tôi đùa đấy. Không còn sớm nữa, tôi đang mệt và cần được nghỉ ngơi.”

   “Các bức tranh đó đâu phải vô chủ. Các anh định huỷ hoại một tên tuổi à.”

     Tôi kéo họ ra cửa trước khi người đàn bà này nói thêm những điều điên khùng. Và sau hôm đó bà ta bắt tôi cầm bút vẽ. Bà ta hiền đi và thay vì việc phàn nàn hay những câu gắt khi tôi sơ ý làm rơi cái gì đó thì tôi lại nghe thấy những câu động viên. Bữa cơm có đầy đủ thịt cá và trước khi đi ngủ bà ta còn pha nước nóng cho tôi ngâm chân, buổi sáng thì bà ta luôn pha sẵn một ấm trà, loại tôi vẫn thích uống. Bà ta cười với tôi nhiều hơn. Mỗi ngày bà ta đều vào nhà kho và lục tung các thứ ra. Vẫn còn một số ít những bức tranh của tôi trong đó và tôi đã kịp đốt chúng đi, trước khi chúng lọt vào tay bà ta. Tôi cần thiêu hủy chúng, trước khi chúng trở thành một hợp đồng giao dịch đầy nhục nhã. 

     Tuổi trẻ đã qua rồi, trong tôi chỉ còn sự già cỗi. Việc quá lâu không cầm cọ đã khiến những ngón tay tôi co rút lại. Những nốt chai và sẹo do làm nặng đã hủy hoại đời họa sỹ của tôi. Những bức tranh đã quá xa với tôi và tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc cất chúng sâu trong ký ức.

     Khi không còn khuyên nhủ được tôi, bà ta liền tẩy đi lớp hóa trang nhu mì mà thời trẻ đã khiến tôi mê muội. Cuộc sống ngày trước trở lại, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng gắt gỏng. Nếu như tôi còn có thể vẽ trở lại, chắc chắn tôi sẽ hoạ chính xác khuôn mặt của bà ta.

     Mọi việc làm của tôi đều khiến bà ta chướng mắt, thậm chí ngay cả việc quên khép cửa mỗi khi ra ngoài cũng khiến khuôn mặt già nua đó tức giận. Mỗi lúc có ai đến, dù là người thu tiền điện bà ta cũng đều ngồi ở một góc mà hát.

                                    “Chồng người đánh Bắc dẹp Đông

                                    Chồng em ngồi bếp giương cung bắn mèo”

*

     Còn hai tiếng nữa tôi sẽ tới khu biệt thự của Bound.

     Bound luôn tới các cửa hàng bán chim và mua bằng hết, ông ta đem nó về khu dinh thự của mình và thả chúng đi. Không chỉ là những con chim mà các loài khác như thỏ, sóc, hươu hay khỉ ông ta đều mua. Có một lần ông ta nói với tôi.

   “Tôi không hiểu nổi tại sao mấy người lại nhốt loài chim vào chuồng.”

   “Như vậy nó sẽ không bay đi đâu được.”

   “Ông không thấy là mình đang cầm tù nó ư.”

   “Nhốt chúng lại chúng sẽ không còn đi được đâu, tôi cũng có thể kể với chúng nhiều hơn.”

   “Các người chỉ biết tận hưởng sở thích của mình thôi. Ông hãy xem nhiều lúc con chim nhảy bên này nhảy bên kia và hót. Chẳng phải đâu, nó đang tìm lối ra và nếu nó biết nói ông sẽ hiểu rằng những âm thanh trước đó chỉ là một lời cầu cứu.”

     Tôi lặng đi một lúc lâu.

     Ông ta không mua mèo vì mèo là giống bạc bẽo và lười nhác. Tôi nhớ ông ta đã từng nói rằng “ Tôi không ưa mèo.”Loài mèo luôn ve vãn bên chân chủ và nếu vị chủ đó có chuyển nó cho người khác và người đó có thể cung cấp đầy đủ thức ăn thì nó sẽ quên ta ngay thôi. Tôi thích loài mèo rừng hơn vì chúng từ sớm đã sống ở nơi hoang dã, chúng tự túc được và không sùng bái thứ tự do theo kiểu ăn bám.”

   “Tại sao ông không thả chúng vào rừng.”

   “Bây giờ đã không còn cánh rừng nào an toàn nữa. Rồi thì tôi sẽ lại được gặp chúng trên bàn ăn của khách sạn hoặc ở một cái lồng nào đó.”

   “Khu dinh thự của ông sẽ có đủ chỗ cho chúng ư?”

   “Hai tiếng nữa thôi. Rồi ông sẽ thấy.”

     Chiếc xe phóng băng băng trên đường. Ngoài cửa kính thấp thoáng những hàng tre xanh rì.

   “Bao giờ ông sẽ bay.”

   “Tôi không muốn trở lại đó nữa nhưng chẳng gì thay đổi được quốc tịch của  tôi.”

   “Có thể! Ông chỉ cần làm thủ tục. Rồi thì ông sẽ được trở về quê hương.”

   “Tôi biết điều đó.”

   “Vậy tại sao?”

   “Từ bỏ nơi đó…tôi…sẽ còn gì?”

   “Ông còn luyến tiếc?”

     Xe bỗng chậm lại. Bound nhìn về phía phương trời xa xa, cúi mặt xuống. Tôi nghe thấy tiếng thở dài.

   “Tôi già mất rồi.”

     Bound nắm vôlăng, bàn tay hơi run run. Chiếc xe phóng đi. Nền trời xám xịt lại và bắt đầu chuyển mưa. Cơn gió kéo rụng những chiếc lá tàn úa còn sót lại trên những cây Bàng. Tôi kéo màn che cửa, nhìn ra bên ngoài. Mây đen che nửa vòm trời nhưng vẫn chưa có mưa.

     Một lúc lâu sau trời mới thực sự đổ mưa. Những hạt mưa rơi xuống mui xe và mặt đất, vỡ toang ra tạo thành vô vàn hạt nước nhỏ.

     Xe lao vun vút, xé toang màn mưa.

*

     Tôi không hề muốn trở về căn nhà đó nữa. Tôi đã ở đó quá lâu rồi và cũng ngần ấy thời gian tôi chưa thể đi đâu được xa. Đã nhiều năm chung sống nhưng chưa lần nào bà ta chịu nghe tôi tâm sự. Đôi tai bà ta chỉ chăm chú hơn khi nghe tôi nói về số tiền thưởng cuối năm hay một công việc béo bở mà từ đó có thể giúp bà ta sắm thêm các bộ quần áo sang trọng. Nỗi buồn và cả niềm day dứt nó đã ở trong tim tôi quá lâu. Không ai chịu dừng chân thật lâu để nghe tôi nói. Các bóng hình lướt qua rất nhanh, tôi không thể khiến họ dừng lại. Đôi lúc, tôi tưởng đã chạm được và giữ lại được một bóng người nhưng rồi thứ ảo ảnh đó lại chạy vụt qua tôi, biến mất trong bóng tối. Tôi chỉ có thể đem nó kể cho những chú chim. Nhưng rồi chúng chỉ ở với tôi vài tháng. Tôi chăm chúng rất chu đáo nhưng chúng vẫn chết, hoặc không thì bà vợ cũng sẽ thả chúng đi, và tàn nhẫn hơn sẽ biến chúng thành một món điểm tâm.

     Những hạt thức ăn cao cấp không thể cản được đôi mắt thôi hướng về phía bầu trời. Chúng chỉ có thể bay lượn trong chiếc lồng này. Còn tôi. Đôi chân tôi chỉ có thể đi lại trong bốn bức tường hoặc rộng hơn là đầu phố và cuối phố. Tôi cũng có nhiều dịp phải đi xa nhưng bà ta luôn theo sát. Những chuyến đi đó tôi chẳng còn thấy những cảnh đẹp, nó giống một cuộc đày ải hơn. Tiếng khóc, ông biết không quá nhiều lần tôi đã muốn than khóc cho mình. Đáng ra tôi phải nhận ra tiệc cưới hôm đó vốn dĩ là một đám tang. Âm thanh ai oán của cuốn băng đã đưa tang cho sự tự do và thanh xuân của tôi, đám văn hữu đã lánh mặt để ngăn những giọt nước mắt không rơi xuống. Họ đã cảnh tỉnh tôi quá nhiều vậy mà tôi vẫn bảo thủ đi theo thứ gọi là tình yêu, hẳn là lúc đó linh hồn tôi đã bị đánh cắp đi đôi mắt. Nó đã bị thứ hương thơm trí trá nhưng đầy mê hoặc khống chế, cũng như một kẻ nghiện rượu, nó đã chìm trong đó và say sưa rất lâu. Tại sao lúc đó tôi không đủ tỉnh táo để thấy những bông hoa tôi tặng bà ta rồi sẽ tàn úa và nằm trong sọt rác. “Tôi đã từng nghĩ bà ta sẽ biến mất”. Ý nghĩ đó luôn hiện trong đầu tôi. Khi người đàn bà đó đi chơi xa, tôi đã cầu bà ta bị tai nạn hoặc giả sẽ vì một lý do gì đấy chịu ký vào tờ ly hôn mà giờ mối đã xông mục. Mỗi lần bà ta ngồi ở nơi nào đó, có thể là trong phòng khách, dưới nhà bếp, ghế đá công viên hoặc đâu đó trong các bữa ăn. Tôi thường nhìn quanh, khi thì là chiếc quạt trần, cái bóng đèn lúc là bờ tường, trần nhà…Tóm lại là bất cứ thứ gì lơ lửng trên đầu bà ta. Tôi luôn nghĩ giá như nó rơi xuống, ngay chính đỉnh đầu bà ta thì hay biết bao. Tôi thường mỉm cười khi tưởng tượng tới điều đó. Suy nghĩ đó không biết từ lúc nào đã bám rễ vào tôi, nó luôn ở trong đầu tôi, mọi lúc. Thậm chí khi tôi đã ngủ chúng vẫn hiện lên dưới hình dạng những giấc mơ. Không hiểu sao tôi không dứt nó ra được. Sự già nua và tù túng đã khiến linh hồn tôi dơ bẩn tới vậy ư? Bà ta rõ ràng là đáng ghét nhưng thực sự tôi chẳng nên vỗ béo mình bằng những suy nghĩ đó. Và cũng chẳng biết từ lúc nào tôi đã quên đi chuyện đứng trước gương quá lâu. Tôi luôn tránh điều đó vì biết đâu, vào một lúc nào đấy tôi lại nhìn thấy bóng dáng một con quỷ. 

     Những quầng mây xám xịt tản ra, mưa ngưng rơi và bầu trời đang dần trong xanh trở lại. Cơn mưa ẩm ướt này khiến tiết trời thêm lạnh lẽo. Xe đã ra khỏi quốc lộ và tiến tới một con đường đất rộng lớn. Tôi đẩy cửa kính để có thể nhìn cảnh vật kĩ hơn. Bound có lẽ cũng biết điều đó nên lái xe chậm lại.

   “Qua con đường này là đến.”

     Hai bên đường chẳng có cây cối hay ngôi nhà nào. Thứ tôi nhìn thấy chỉ là những đống gạch đá ngổn ngang. Con đường gồ ghề, đôi lúc lại vấp phải vài hòn đá. Chiếc xe nghiêng ngả hồi lâu mới lên tới nơi.

     Khu biệt thự mà Bound đã kể với tôi ít nhiều tôi cũng đã có vài lần nghĩ đến. Cố nhiên là tôi đã tưởng tượng ra mọi hình dáng nhưng mọi thứ thật quá xa vời. Khu dinh thự này vượt quá sự tưởng tượng về mọi khu nhà sang trọng. Phải gọi là một lâu đài mới đúng. Lâu đài không xây theo kiểu cổ đại, cũng không theo dạng tân kỳ, tôi không thể nói rõ được nhưng hình như nó được xây dựng theo kiến trúc tổng hợp. Tôi có thể thấy rõ những nét cao quý của điện Nga Hoàng, sự diễm lệ, gấp khúc của Vạn Lý trường thành. Đây chẳng phải lâu đài cổ. Các lớp gạch vẫn chưa có dấu hiệu rêu phong. Các bậc thang ở lâu đài xây theo dạng uốn, nhìn từ xa lâu đài như một cái vỏ ốc khổng lồ. Phần đỉnh lâu đài có xây một tòa tháp cao. Mũi tháp nhọn như một mũi kiếm. Phần mũi của ngọn tháp hướng lên cao và dường như đã chạm tới những đám mây. Lâu đài không quá đồ sộ bởi đứng lùi ra quãng gần vài trăm mét tôi có thể thu nó gọn vào tầm mắt. Không có dấu ấn lịch sử nào ở thứ công trình này, nó mang tính cá nhân nhiều hơn, nhưng dù thế nào thì cũng quá xa hoa khi tự xây cho mình một cơ ngơi to lớn thế này. Lâu đài của Bound nằm dựa vào một cánh rừng rộng bạt ngàn. Dù vẫn ở xa nhưng tôi vẫn ngửi thấy mùi lá thông, hoa ỏai hương và  cây chà là.

     Trong tòa lâu đài có rất nhiều người. Tất cả đều là người giúp việc. Vợ con của Bound vẫn ở bên Pháp và dường như ông ta luôn về nước một mình. Chưa lần nào ông ta kể cho tôi về gia đình mình. Ngoài ông lão quản gia thì những người khác chỉ có nhiệm vụ duy nhất là ngày ngày quét dọn các căn phòng ở lâu đài. Tôi không hỏi nhiều nhưng có lẽ toà lâu đài này phải hơn trăm phòng. Phòng nào cũng rất tiện nghi. Tôi đã ghé vào mười gian phòng khác nhau, có thể cách bố trí khác nhau nhưng mọi căn phòng đều rất sạch sẽ, ngay cả một vết bụi nho nhỏ cũng khó mà tìm thấy.

   “Cháu làm ở đây lâu chưa?” – Tôi hỏi một cô gái giúp việc, tuổi cô ta khoảng mười tám, mười chín.

     Cô gái im lặng.

   “Cháu tên gì?”

     Cô gái vẫn tiếp tục lau chiếc tủ dù nó đã quá sạch sẽ rồi.

     Chẳng phải chỉ cô gái đó mà bất kì ai cũng đều im lặng, tôi chưa bao giờ nghe thấy họ nói chuyện. Không hiểu do họ còn ngại ngần hay vốn dĩ từ nhỏ họ đã bị câm.

*

   “Ông có thể ở luôn đây.”

   “Tôi chỉ ở đây ba ngày thôi.”

   “Ông vẫn muốn trở về ngôi nhà đó?”

   “Tôi chẳng muốn nhìn thấy bà ta nhưng dù gì đó cũng là nhà của tôi.”

     Bound gật đầu, khuôn mặt lộ vẻ buồn bã. Tôi cũng rất mong có thể ở lại nơi này. Ngày còn quàng khăn đỏ tôi đã nhiều lần mơ ước được nhìn thấy những toà thành có kiến trúc lạ lẫm. Ước mơ đó cứ vậy mà lớn lên. Tôi luôn tìm kiếm những cuốn sách viết về các toà lâu đài, thậm chí nhiều hôm, trong những giấc mơ tôi đã thấy mình được đặt chân tới đó. Các toà lâu đài đó, không ít thì nhiều cũng có mặt trong những bức tranh của tôi. Chúng uốn lượn dưới hình dạng những gam màu đen trắng. Điều này chỉ mình tôi hiểu. Toà lâu đài này còn rất nhiều phòng, mất đi một phòng cũng chẳng ảnh hưởng gì. Và tôi, có nên ở lại đây?

     3h chiều, Bound dẫn tôi ra khỏi lâu đài. Ông ta mặc một chiếc sơmi mỏng cộc tay. Hai bên cổ tay của ông ta lộ khỏi lớp áo và tôi thấy rõ ở hai cánh tay không hề có dấu vết nào của sự già cỗi. Da thịt ông ta săn chắc và còn có vẻ rất cứng cáp. Quản gia lái xe đưa tôi và Bound lên khu rừng.

  Quản gia ở lại canh chừng chiếc xe. Tôi cùng Bound đi lên trên. Tiếng chim hót văng vẳng bên những bụi cây. Tôi không nghĩ khu rừng này lại rộng tới vậy. Những cây thông mọc thẳng đứng, đan xen chằng chịt, lá thông nhuộm xanh rì cả một góc rừng. Gió thổi mang theo mùi hương của những bông hoa. Tôi hít một hơi thật sâu, không hẳn chỉ là mùi thơm của những bông hoa, còn có mùi gỗ thơm và một thứ mùi là lạ mang đặc trưng của rừng núi.

   “Ông thử nhìn bên kia.”

     Tôi nhìn ra, ở cuối ngón tay của Bound là một cây Phong, lá ít nhiều cũng đã rụng. Có một đôi chào mào bay lượn trên cành cây đó. Chúng bay vòng quanh, đậu xuống cành cây rồi lại cất cánh.

   “Nơi này mới thực sự cần cho chúng. Ông nghe mà xem, âm thanh du dương này mới là tiếng hót. Chỉ ở nơi này đôi cánh chúng có được sự tự do. Chúng sẽ bay tới mọi nơi.”

*

     Bound đã xây cả một cánh rừng rộng như vậy cho chúng. Những chú chim đó sẽ chẳng muốn nhớ tới cái lồng khum khum đó nữa, đôi cánh của chúng hoàn toàn tự do. Chúng bay thành bầy, bay thành cặp, đôi lúc thì cô đơn một mình. Tôi thật không rõ trong đó đâu mới là con chào mào Bound mua lại của tôi. Nó đang ở trước mắt tôi, ở đâu đó trong khu rừng hay đang bay lượn tìm mồi cho đám chim non mới nở. Bound có vẻ rất vui khi dẫn tôi vào khu rừng. Khuôn mặt ông ta nhũn nhặn. Chốc chốc ông ta lại dừng chân để ngắm thật kĩ khu rừng. Tôi và Bound đi rất lâu trong rừng. Tiếng chim hót như gần ngay bên tai tôi, ngân vang như tiếng dương cầm. Đám thỏ đuổi nhau dọc theo con rừng và khi nhìn thấy tôi chúng giật mình, chạy núp vào một chiếc hang gần đó. Bầu trời vừa ráo mưa nên trong xanh lạ kì, các gợn mây đang chảy dần về phía chân trời. Mây trôi rất chậm, đủ để tôi nhìn ngắm và liên tưởng ra đủ điều. Tôi quên hẳn căn nhà ọp ẹp cùng người vợ già kia. Tôi dạo trong rừng mà không hề nghỉ chân. Cách một đoạn đừng lại có những hồ nước nhỏ xây hình bán nguyệt. Hồ không có bệ chống nên tôi có thể múc nước rửa tay hoặc sắn quần, thọc hai chân xuống để thứ nước trong trẻo đó rửa trôi mọi mệt mỏi. Có một đôi bướm rượt nhau trên mặt hồ, vài con nhện nước bơi trên đó tạo thành những vòng tròn nhỏ.

     Bound đứng cách tôi một đoạn. Ông ta châm thuốc và hút một hơi thật sâu.

     Tôi tựa lưng vào một tảng đá nhìn lên bầu trời. Mây đen đã tan từ lâu và như một quy luật ở đằng xa đã hiện ra một chiếc cầu vồng. Những sắc màu lộng lẫy uốn cong trên bầu trời. Ánh mắt tôi đăm đắm nhìn lên trên, bỗng nhiên tôi thấy các nếp nhăn trên khuôn mặt đã lặn đâu mất. Cái lưng hơi khòm xuống vì tuổi già cũng đã có thể duỗi thẳng. Đôi mắt tôi không còn phải nheo nheo để nhìn rõ một vật quá xa nữa. Tôi sờ ra sau thấy mái tóc mình đã dài trở lại. Trước mặt tôi hiện ra một giá vẽ. Tờ giấy gió đã đặt sẵn trên giá. Chiếc cọ vẽ uốn khúc và các gam màu trong hộp vẽ lần lượt chạy đều trên trang giấy. Từng đừơng bút đều khiến tinh thần tôi phấn chấn. Tôi như rơi vào một cõi nào đó, mọi thứ xung quanh dần mờ đi và bắt đầu tan biến. Chỉ còn mình tôi bên giá vẽ. Những màu sắc khi trùng lặp, khi rời rạc, lúc lại đơn lẻ. Phải rất lâu sau tôi mới hoàn thành bức vẽ. Tôi buông bút, ngắm nghía hồi lâu. Chỉ là một bức phong cảnh. Những khoảng màu trùng lặp, nhiều khi rối loạn chắp vá. Bức tranh dù có chỗ phối màu rất đặc nhưng nhìn tổng thể thì tất cả đều nhàn nhạt, nửa kín nửa hở. Khung cảnh chỉ nhỏ gọn ở vài cái cây, dòng sông và ít mây trôi nhưng nhìn chúng đều rất thoáng và tôi cảm thấy mỗi chiếc lá trên cành cây đang động đậy, những đám mây đang chậm chạp trôi đi.  

   “Quoác!”

     Tôi khẽ giật mình. Giá vẽ cùng bức tranh biến mất. Dáng dấp của bức tranh vẫn hiện chập chờn trong đầu tôi. Tôi nhắm mắt và cố nhớ lại bức tranh đó. Hình ảnh chỉ mang máng.

*

     Ngày hôm sau trời mưa nên tôi phải ở lại lâu đài. Bound dẫn tôi dạo quanh các tầng của lâu đài. Lần này tôi có dịp quan sát những người giúp việc nhiều hơn. Họ có đủ mọi độ tuổi, có cả những thanh niên trai tráng lẫn những bà cụ hom hem. Họ làm việc chăm chỉ và hình như họ chỉ biết mỗi làm việc thôi. Tôi đã xa khỏi thời trai trẻ, những sự kiện kì lạ cũng đã không còn hấp dẫn được tôi nữa, nhưng tôi vẫn có thể đoán được những người trong lâu đài đều cùng mắc chứng bệnh đau lưng. Kể cả những cô gái trẻ và những chàng trai, lưng của họ đều khom xuống và mắt họ chỉ có thể nhìn sạt xuống đất. Những bộ quần áo họ mặc đều rất đẹp và có phần còn trang trọng, tôi không hỏi nhiều về số tiền công của họ, nhưng chắc cũng khá hậu hĩnh, nhưng dù thế nào thì dáng đi của họ trông cũng rất buồn cười. Chứng bệnh này không khó chữa, tôi cũng đã đưa bài thuốc cho quản gia nhưng ông ta gạt đi và bảo “Chúng tôi không có bệnh”.

   “Tôi thấy lưng các ông có vấn đề.”

   “Chúng tôi chẳng sao cả.”

   “Nhưng lưng của ông và những người khác.”

     Quản gia im lặng, bảo “ Bây giờ tôi phải đi chuẩn bị bữa tối cho ông chủ”. Quản gia chào tôi rồi chậm chạp bước ra khỏi hành lạng. Tôi đứng ra lan can. Mưa vẫn tầm tã. Tôi nhìn lên trên ngọn tháp. Có một người đứng trên đó. Đôi mắt tôi không còn minh mẫn nữa nhưng tôi vẫn nhìn ra đó là Bound. Ông ta cũng như tôi, đều đang ngắm trời mưa. Trong toà lâu đài này có lẽ chỉ mình ông ta miễn nhiễm với căn bệnh này. Mưa đã dứt. Mây đen tản ra. Tôi thấy Bound vẫn đứng trên đó, ánh mắt ông ta hướng về phương xa. Nơi ông ta đứng là ngọn tháp, cao hơn nơi tôi đang đứng. 

     Tôi đi ngược hành lang, trở về phòng.

     Bound vẫn đứng trên đó, thật lâu, mắt ngước về phía bầu trời. Có vài cánh chim nhỏ xíu đang bay về phía chân trời. Ông ta thở dài rồi bước vào. Căn phòng nhỏ trên toà tháp rộng rãi nhưng chỉ có một chiếc ghế duy nhất. Chiếc ghế được làm bằng bạc, quanh ghế còn đính những mảnh đá quý. Ghế đặt hướng ra cửa sổ. Qua ô cửa nhỏ xíu, có thể thấy rõ bầu trời xám xịt đang dần trong xanh, nắng mới lên và phảng phất trên nền trời. Thứ sắc màu đó không chói, cũng không nhè nhẹ như nắng sớm mai, nó phết quanh bầu trời, sâm sẫm như lớp mật ong. Bound đi vài bước chợt dừng lại, ông ta nhìn chiếc ghế, đạp mạnh một cái. Chiếc ghế đổ xuống, lăn ra. Bound bước đi. Ra gần tới cửa thì dừng lại, ông ta quay lại, dựng chiếc ghế lên, phủi lớp bụi vừa dính trên đó. Bound im lặng, thở dài rồi đi ra cửa.

*

     Hôm nay sẽ là ngày cuối cùng tôi ở lại nơi này. Bữa tối hôm qua ông ta có nói sắp tới sẽ trở về Pháp. Quá nhiều việc phải cần tới ông. Bound hơn tuổi tôi, ông ta cũng đã không còn đủ minh mẫn để quyết toán mọi kế hoạch nữa. Tuổi của ông ta cần phải được nghỉ ngơi hơn là ngồi một chỗ và vùi đầu vào đống văn thư dày đặc chữ nghĩa. Phải rất lâu nữa ông ta mới trở về Việt Nam, cũng có thể sẽ chẳng bao giờ. Tôi thả khăn mặt vào chậu, vò hồi lâu rồi lau mặt. Tôi lau qua người rồi bước ra, cô bé giúp việc đợi sẵn bên ngoài để sau đó sẽ đưa tôi tới phòng ăn. Gần chiều Bound sẽ cho người lái xe đưa tôi về và vì vậy chúng tôi phải ăn sáng thật nhanh để từ giờ tới chiều sẽ chỉ đi dạo trong rừng. Bound có nói hôm nay sẽ đưa tôi đi hết cả khu rừng. Ông ta đã định lái xe chở tôi đi nhưng tôi từ chối. Khu rừng vẫn còn rất rộng. Đường sẽ còn rất xa, tôi cũng đã không còn là một trai tráng nữa. Có lẽ tôi sẽ rất mệt nhưng dù thế nào tôi vẫn muốn đi hết cả khu rừng, bằng chính đôi chân mình.

     Phòng ăn hôm nay được quét dọn và bày biện khá sang trọng. Chiếc đèn chùm phalê lớn nằm trên trần toả ra những vầng sáng lấp loáng. Bàn ăn rộng và bày rất nhiều món, đều là sơn hào hải vị. Ở giữa mặt bàn có đặt một bình hoa. Trong bình cắm một vài bông hồng, hương thơm ngào ngạt.

     Bound ngồi xoay lưng về phía cửa sổ. Vì ông ta ngồi chếch một bên nên tôi có thể ngó thấy toàn bộ khung cửa. Cửa sổ mở rất rộng nên tôicó thể nhìn thấy mọi thứ ngoài đó. Mây đen đã tan và bầu trời trở lại với màu xanh biếc. Ở phía xa xa là khoảng màu xanh thẳm của cánh rừng. Những lớp mây trắng bông chậm rãi trôi. Còn sớm nên sương vẫn chưa tan hết. Sương không dày lắm mà chỉ mờ mờ. Khu rừng nằm ẩn sau lớp sương mù, màu xanh của cây cối tan vào màu trắng lạnh của màn sương. Nhìn từ xa cái màu xanh đó mờ nhạt nhưng lại sâu thăm thẳm.

   “Một bức tranh thơ mộng.” – Tôi buột miệng.

   “Bức tranh nào?” – Bound hỏi.

   “Ô cửa sổ kia thật giống một bức tranh.”

     Bound xoay lưng nhìn ra.

   “Chỉ là một ô cửa sổ thôi mà.”

     Những món ăn được dọn hết lên. Thức ăn nhiều và gần như kín cả mặt bàn.

   “Ông chẳng nên làm nhiều món ăn thế này.”

   “Không biết bao giờ chúng ta mới lại gặp nhau, cứ no nê một bữa đi.”

   “Tôi đã lớn tuổi rồi, răng cũng yếu, không ăn được nhiều đâu.”

   “Ông cứ ăn món mình thích.”

   “Ông gọi quản gia vào ăn chung chứ.”

   “Sao lại phải vậy.”

   “Ngần này món ăn tôi nhìn thôi đã no căng, có thêm người tiệc sẽ vui hơn.”

     Bound đặt đũa xuống, lông mày nhíu lại. Ông ta nhìn ra phía quản gia đang sắp xếp lại đồ ăn, bảo.

   “Ông ngồi xuống đi.”

     Quản gia nói, mắt vẫn nhìn xuống đất. Tôi thấy lưng ông ta khom thấp hơn thường ngày.

   “Ông chủ và ông cứ ăn. Tôi không thấy đói.”

     Bound xua tay, quản gia chúc Bound và tôi ăn ngon miệng rồi lui ra sau. Trong phòng chỉ còn tôi với Bound. Tôi và ông ta ngồi ở hai đầu chiếc bàn. Những món ăn bày chật cứng bít đi những khoảng trống trên mặt bàn. Chiếc bàn chẳng rộng lắm nhưng tôi thấy Bound ở thật xa. Ánh sáng của chiếc đèn chùm vẫn vậy nhưng sao tôi lại thấy nó đang mờ đi, cũng như bức tranh ở khu rừng hôm qua, màu sắc của nó đang nhoè đi rồi lẫn hẳn vào nhau. Tôi ăn mỗi thứ một chút rồi buông đũa.

*

     Tôi và Bound giờ đã ở trong rừng. Nền đất ẩm ướt, đôi chỗ nước mưa đọng thành những vũng nhỏ. Trên những chiếc lá vẫn còn chút nước đọng lại, hạt nước nho nhỏ lấp lánh dưới ánh mặt trời nom như những viên trân châu. Tiếng chim hót văng vẳng trong những tán cây. Tôi và Bound chầm chậm đi, đôi lúc dừng lại hít một hơi thật sâu để cảm nhận cái khí thanh khiết trong lành chốn rừng núi. Nơi này rất yên bình, không gian thanh bạch đủ để xua đi mọi sự dơ dáy trong tâm hồn. Nếu tôi gặp Bound sớm hơn thì thật tuyệt. Người vợ già đó, tôi chẳng còn thấy bà ta đáng ghét nữa. “ Bà ta luôn gây chuyện, nhưng chẳng phải lúc mình nằm viện bà ta cũng đã chăm sóc rất chu đáo đó ư ?”. Người vợ đó, tôi đã si mê từ thời trai trẻ và chỉ khi đã luống tuổi tôi mới thành kiến với bà ta. Không có quá nhiều điều tốt đẹp ở bà ta nhưng tôi cũng đâu hoàn mỹ gì. Ký ức mà nhiều lần nghĩ đến tôi luôn muốn ôm mặt và khóc như một đứa bé bỗng trôi đi rất mau. Trong đầu tôi chúng chỉ còn nhàn nhạt và chắc rằng chúng cũng như khối băng trôi về lục địa, đang tan chảy dần trước khi biến mất và trở thành một phần của Đại Dương.

     Bound đi cạnh tôi, trán ông ta mồ hôi đã đổ lấm tấm. Tôi bảo “ Nghỉ chân chút nhé”. Bound nhìn tôi, mỉm cười rồi đi tiếp. Bước chân ông ta chậm đi nhưng chẳng có vẻ gì là sẽ dừng lại. Ông ta vẫn đi cạnh tôi. Chúng tôi đi qua vài nơi, những cây thông ít đi và tôi thấy những bãi cỏ lớn, đám sóc nô đùa trên những cành cây, tiếng chim hót râm ran, vào sâu bên trong tôi thấy thêm loài hươu và những chú khỉ.

     Tôi và Bound chẳng nói lời nào, cũng không dừng chân lại.

   “Quoác!”

     Tiếng kêu thảm thiết vang từ lùm cây phía xa.

   “Tiếng gì nghe thảm thiết vậy.”

   “Chắc là bọn giúp việc.”

   “Họ ở đây làm gì?”

   “Có một con sói. Có lẽ họ gặp nó.”

   “Ông thả cả sói vào ư.”

   “Trước đây có một con, giờ nó cũng già rồi. Ông không phải lo, tôi có một cái còi, chỉ cần thổi đám giúp việc sẽ tới ngay. Khác với những người khác, bọn người này có mang theo cung tên.”

     Vẻ mặt Bound bình thản nên tôi cũng bớt lo. Tôi và ông ta đi tiếp.

   ‘‘Ông không về đây thì toà lâu đài này sẽ vẫn để lại ư?’’

   “Biết bao giờ tôi mới có thể trở lại.”

   “Ông lớn tuổi rồi, đã tới lúc cần được nghỉ ngơi. ”

   “Bây giờ tôi đang nghỉ ngơi. ”

   “Ông có thể về hẳn đây, vợ con ông cũng sẽ hiểu. ”

   “Sẽ chẳng ai hiểu cho tôi đâu”

   “Chiếc măng-tô này ông mặc lâu rồi, trời cũng đã bớt lạnh. Ông không muốn cởi bỏ nó ư? ”

   “Không dễ đâu…”

     Bound im lặng, rồi lặng lẽ đi tiếp. Cứ vậy tôi và ông ta đi rất lâu trong rừng.

     Gần xế chiều. Tôi và Bound  bước trở lại. Hai chúng tôi đi, chẳng ai nói câu nào.

     Bước chân tôi và Bound chậm lại nhưng chẳng phải vì mỏi hay do căn bệnh đau khớp cố hữu của tuổi già. Tôi cứ nghĩ, nếu khu rừng rộng hơn tôi và Bound có thể đi cùng nhau lâu hơn.

     Bound nhìn về phía tán cây rậm rạp mà chốc lát chúng tôi sẽ đi qua để tới con đường dẫn ra khỏi rừng. Ông ta chẹp miệng, thở dài. Bước chân ông ta chậm như muốn ngừng lại. Tôi đi chậm lại để đợi ông ta. Chặng đường của chúng tôi vì vậy mà kéo dài thêm.

*

     Tôi đã ra khỏi khu rừng. Bên ngoài là chiếc xe bốn chỗ, quản gia đợi sẵn ngoài đó. Tiếng chim thánh thót vẫn văng vẳng phía sau như muốn níu tôi lại. Bound nhìn tôi, ánh mắt đầy vẻ nuối tiếc.

   “Ông…”

      Bound chỉ nói đến đó, ông ta vỗ vai tôi, ánh mắt lộ vẻ buồn bã.

      Tôi gật đầu, mắt hết nhìn Bound lại nhìn về phía khu rừng.

      Tôi chuẩn bị lên xe thì nghe thấy một tiếng kêu rất lớn. Tiếng súng, và tiếng kêu. Sau đó, một vật từ trên không rơi xuống. Tôi giật mình khi thấy đó là một con chào mào. Con vật trúng đạn, ngay tim. Cơ thể con chim gần như vỡ toác. Máu đổ ra, ngấm đỏ bộ lông. Tôi nhặt con chào mào lên, đặt nó vào giữa hai lòng bàn tay. Máu trên người con chim rỉ xuống tay tôi. Con chào mào run rẩy, mắt nó nhìn lên bầu trời, đôi cánh vẫy vẫy như muốn bay lên. Được một lúc thì tắt thở.

     Tôi nhìn quanh. Mắt đánh tia căm thù về kẻ cầm súng. Tôi thấy Bound, lửa mắt nguội đi và đôi mắt tôi buốt lạnh như bị đông thành băng tuyết.

   “Tại sao…”

   “Nó đã bay khỏi khu rừng.”

     Tôi chợt rùng mình vì giọng của Bound.

   “Ông nói vậy…Không lẽ những tiếng kêu thảm thiết mà tôi nghe được đều là…”

   “Tôi đã vì sự tự do của chúng mà làm cả cánh rừng rộng lớn. Chúng có thể bay lượn thoải mái. Thế giới ngoài kia quá nguy hiểm.”

   “Ông cho người bắn chết chúng vì chúng đã bay khỏi khu rừng.”

     Bound chẳng đáp, chẳng gật. Lặng lẽ nhét khẩu súng vào túi. Tôi thấy mắt hoa lên, óc tôi đau nhức như bị ai bổ một búa.

   “Đây là sự tự do mà ông nói ư? Ông nghĩ khu rừng này sẽ cho chúng tự do.”

   “Phải!”

   “Từ bỏ chiếc lồng nhỏ để bước vào chiếc lồng lớn hơn ư.” 

   “Không có chiếc lồng nào ở đây cả. Ông không thấy chúng đã rất vui vẻ sao. Loài vật không biết nói dối, ông phải biết tiếng hót thánh thót ấy là biểu lộ cho niềm hạnh phúc chứ.”

   “Nếu chúng đã hạnh phúc thì sao còn muốn bay khỏi khu rừng.”

     Tôi ôm mặt.

   “Ông chỉ coi đám chim như một trò tiêu khiển.”   

   “Đó là ông nghĩ thế thôi. Tôi yêu quý chúng.”

   “Khu rừng này sẽ cho chúng tự do, vậy tại sao chúng vẫn muốn bay khỏi đó. Ông nói với tôi ghét sự trói buộc, vậy tại sao ông không tìm một con dao để cắt những sợi dây đó ra. Hay là…Ông vẫn muốn đứng ở một chỗ để mơ mộng tự do.”

     Bound im lặng, khuôn mặt tỏ vẻ khó chịu.

   “Sai cả rồi. Hai ta đều là những kẻ ngu muội. Chúng ta đã tự nhốt mình vào lồng mất rồi!”

     Tôi cười lớn.

  “Muốn tự do? Sao không tự tìm lối…”

     Mang theo con chào mào, tôi bỏ đi.

     Bound ngập ngừng hồi lâu và nói :

   “Để tôi đưa ông về. ”

   “Tôi sẽ không về ngôi nhà đó nữa.”

   “Vậy ông định đi đâu. Ông đâu có thông thạo nơi này.”

   “Phá lồng mà ra đi thôi.”

   “Khoan đã…”

     Tôi cứ vậy đi. Tiếng gọi của Bound xa dần rồi lặng vào thinh không.

     Bound nhìn về con đường. Ông ta nhìn rất lâu, khuôn mặt nghiêm trang đã hằn rõ những nếp nhăn. Cánh rừng đã ở sau lưng ông ta. Những đôi cánh loay hoay trong đó. Tòa lâu đài ở trước mặt Bound, quản gia vẫn đợi ở đó. Ông ta đang đợi một cái gật đầu để có thể đưa chủ nhân của mình về. Ở phía xa vẫn thấy ngọn tháp cao ở lâu đài. Ngọn tháp cao hơn mọi thứ ở đây, nhưng dù lâu đài có to lớn hơn và ngọn tháp được xây cao thêm, nhô tới những vì sao thì nó vẫn chỉ có thể đứng bất động một chỗ. Chân lâu đài chôn sâu dưới đất và mãi đứng yên.

     Bound ôm mặt, lời nói của người tri kỉ vang mãi trong đầu

     “Khu rừng này sẽ cho chúng tự do, vậy tại sao chúng vẫn muốn bay khỏi đó?”

   “Ông chủ, lên xe đi.”

     “Khu rừng này sẽ cho chúng tự do, vậy tại sao chúng vẫn muốn bay khỏi đó?”

   “Ông chủ…”

     “Khu rừng này sẽ cho chúng tự do, vậy tại sao chúng vẫn muốn bay khỏi đó?”

     Bound bước đi loạng choạng, mọi vật trong mắt ông ta đều uốn éo kì dị. Ông ta lảo đảo hồi lâu rồi ngã xuống. Mắt Bound nhòe dần và ướt át. Miệng ông ta lẩm bẩm “Tự tìm lối cho mình…”

     Quản gia dìu Bound lên xe và nổ máy. Bound với tay về sau. Bàn tay Bound huơ hoắng trên không, cứ thế với, cứ thế với. Cánh rừng đã ở xa. Tòa lâu đài gần ngay trước mặt.

     Bound rút súng.

 
TRU SA

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 95627)
LTS: Nguyễn Hạnh Nguyên sinh năm 1985, tốt nghiệp thạc sĩ khoa học ngành Ngữ Văn. Hiện sống và làm việc tại Hạ Long, Quảng Ninh. Năm mới, bài viết mới lần đầu đăng ở trang mạng Hợp Lưu như một món quà xuân gởi đến quí văn hữu và bạn đọc đầu năm Tân Mão 2011. TCHL
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83222)
Bài viết này duyệt lại huyền thoại trụ đồng Mã Viện xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ IV-V, nhưng không hề có dấu vết trên thực địa hay trong quốc sử Hán. Những dã sử về số lượng và vị trí trụ đồng chẳng những thiếu cơ sở, mà còn di động, từ châu Khâm tới Hà Tiên-An Giang—không ngừng nam tiến, giống như tấm bản đồ biển Đông Bắc Kinh mới công bố năm 2009, ấn chứng của “thực dân xã hội chủ nghĩa” [Han social-colonialism ], vò đựng mới cho tinh thần Đại Hán phong kiến.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 73045)
Vichto Olegovich Pelevin sinh ngày 22.11.1967 tại Moskva, trong một gia đình quân nhân. Năm 1989 Pelevin thi vào trường đại học năng lượng, từ 1989-1990 học hàm thụ trường đại học viết văn Maxime Gorki. Pelevin bắt đầu sáng tác vào giữa những năm 80, mười năm sau, chưa đầy ba mươi tuổi, có trong tay hơn chục tiểu thuyết, truyện vừa và năm-sáu tập truyện ngắn, anh đã trở thành "hiện tượng bí hiểm nhất và nổi tiếng nhất trong thế hệ các nhà văn hậu Xô Viết".
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89792)
Nhân viên trực phòng xác bật đèn. Ánh sáng xanh nhợt gây thêm sự lạnh lẽo. Hai bàn tay Sinh nắm chặt lại trong túi áo khoác. Gã nhân viên liếc nhìn Sinh, rất nhanh. Sinh tưởng như hai người kia cũng nghe được tiếng tim đập của mình. Gã nhân viên kéo chiếc hộp sắt hình quan tài nằm sâu trong vách tường. Nhẹ nhàng, cẩn thận như thể gã cũng ngại làm người nằm bên trong thức giấc.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82027)
...Anh là cơn gió chướng của đời em. Anh là nỗi ám ảnh không mặt mũi, nhưng tồn tại mãi trong ngăn kéo ký ức em. Em đọc được trong mắt anh ước muốn hoan lạc của một tình yêu với một thân xác. Một sự hoà hợp nhịp nhàng như sấm sét và mưa. Cho anh tan chảy như trăng trong ngõ ngách đêm.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89868)
... Thiếp không muốn về, cũng không muốn ngồi lên, cũng chẳng hề thấy lạnh. Thiếp chỉ muốn nằm đó, với chàng, muôn kiếp muôn đời gặm nhấm niềm yêu. Khởi đầu chỉ là những mưu toan mà trời ơi, sao người ta cứ phải dùng những tấm thân liễu yếu, sao người ta vẫn cứ phải nhờ vả chút nhan sắc bọt bèo.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 77984)
Alexandre Lucien Abel de Rhodes mang gương mặt thống khổ và si mê của oan hồn chưa hề biết đến tình yêu. Những ai bắt gặp giáo sĩ những năm thánh chiến, thảng thốt nhận ra bóng ma mang nỗi buồn chín thối ruột gan của một người đàn ông chưa toại nguyện thân xác. Hôi thối đến nỗi những người lính Marốc của tiểu đoàn 10 Tabor tăng cường cho trung đoàn 3 Lê Dương phải bịt mũi trước xú uế nồng nặc bốc toả từ nhà thờ chính toà Cao Bằng.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 101737)
Tôi đưa nàng đi, như mộng du, ra khỏi thành phố. Ánh đèn đường và ánh sáng trong các loại nhà ở hai bên quốc lộ loáng thoáng hắt vệt ra. Chúng tôi chỉ còn vài giờ ở bên nhau. Trước mặt tôi, vài chục cây số nữa là vài ngọn đèo lớn, một cung biển đẹp, tôi biết đưa nàng đi đâu để không hoang phí vài tiếng đồng hồ quý báu này. Chuyện gì sẽ xảy ra với cô gái tên Thu Sắc và chàng trai bị gọi là Thiền Sư. Hay chính nàng mới là Thiền Sư còn tôi đang sôi sục toàn thân nỗi nôn nao làm thú.
29 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84660)
Vậy mà đã 54 năm kể từ ngày Liên Hiệp Quốc khai sinh Ủy Ban Sông Mekong [1957] và cũng đã 16 năm kể từ ngày thành lập Ủy Hội Sông Mekong[1995]. Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây những con đập thủy điện khổng lồ chắn ngang dòng chính thượng nguồn sông Mekong, Thái Lan có kế hoạch chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong, và nay lại có thêm dự án 12 con đập hạ lưu.
29 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90025)
Được tin Nhà giáo, nhà phê bình văn học, tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến  đã từ trần vào lúc 23h ngày 24.01.2011 tại Bệnh viện Hữu Nghị- Hà Nội, hưởng thọ 81 tuổi.