- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bước Vội Bước Buồn…

13 Tháng Giêng 201512:08 SA(Xem: 31427)

 

SaiGon 2BW
Sài gòn giờ tan tầm-ảnh Internet

 

Sài Gòn tháng Mười Hai, tôi về trời nóng dịu và nắng êm.  Nơi phi trường, anh Hải quan trẻ tuổi hỏi nơi sinh của chúng tôi và lập lại _ Sài Gòn, Hà Nội _ với một nụ cười.  Ra khỏi phi trường em gái tôi nói cho tôi hiểu, anh ta nháy mắt với bạn đồng nghiệp đứng kề là không có tiền kẹp vào passport đó. 

 

Xe 7 chỗ đưa chúng tôi ra khỏi phi trường.  Đường phố ngăn nắp và sạch sẽ hơn so với 8 năm trước lúc tôi về.  Người nhà cho biết, cứ mỗi năm thì phố phường đã đổi khác nhiều, những người lâu mới về như tôi thấy lạ chứ dân địa phương thì họ nhìn những thay đổi hằng ngày đã quen.  Nhưng sao quanh tôi quạnh vắng.  Tôi không nghe tiếng tin tin của xe hai bánh xin đường, không nghe tiếng còi xe hơi báo quẹo, không tiếng còi tiếng máy tiếng người trộn lẫn vào nhau?  Người ta âm thầm đâm vào nhau rồi lách qua một bên, âm thầm lừ lừ lăn bánh xe tưởng sắp cán vào một xe gắn máy nào đó rồi va chạm tưởng có chợt hóa ảo.  Sự sống tưng bừng tấp nập chói chang sao im vắng thảm thiết, hay tôi điếc?  Lớp bụi trong phủ trọn thành phố theo chân tôi về căn nhà cũ. 

 

Nhà nay đã khác xưa, nhỏ hơn vì bị xén bớt đất, nhưng lại rộng hơn vì thêm lầu.  Tôi lên phòng vào thăm em. 

 

Em bịnh lay lất đã 10 năm.  Đến năm này, sau một tháng lăn lóc nơi nhà thường và phòng cấp cứu, em nói với chị tôi, người đã hoạn nạn cùng em bấy lâu, rằng thôi, mang em về nhà, để em yên nghỉ.  Tắm cho em, mặc cho em tấm áo, và gọi điện thoại sang Mỹ cho em chào giã từ mẹ, giã từ chị, giã từ em gái.  Số tiền em gái nhỏ cho anh để vào ngân hàng thì lấy ra trả lại cho em gái.  Từ nay xin đừng đem em đi nhà thương bác sĩ thử nghiệm, xin đừng nói em thử điều nọ điều kia.  Tôi nghĩ, dẫu anh em kiến giả nhất phận, dẫu tôi và em không còn cái tình thân quyến luyến của 2 chị em sát tuổi lúc mới vào đời, dẫu em  đã gây biết bao u oán cho mẹ, cho gia đình, dẫu sao chăng nữa, một lời rất mực kiên cường và đàn ông của em xứng cho tôi bỏ tất cả mọi thứ để về bên em giây phút cuối, về bên một người sau nửa đời hệ lụy có can đảm bảo vệ phẩm giá của mình.  Em can đảm hơn tôi nhiều.

 

Em ngồi dậy đón tôi, trên mình chỉ tấm chăn mỏng đắp trên bó xương khô trong tấm tã.  Hình ảnh tôi bắt gặp trong giấc mơ năm xưa nay hiện tiền với tất cả những sắc mùi của cái chết.  Tôi biết em áy náy.  Tôi biết em ngượng ngùng.  Và tôi biết em đắng cay.  Có ai đứng trước cái chết mà không sợ.  Tôi ôm em vào lòng.  Chị biết, sống đã khó, chết càng khó hơn, con sâu cái kiến cũng còn ham sống, chị đã về với em….

 

Má bắt đầu càm ràm tại sao.  Bà không còn minh mẫn tỉnh táo để biết con trai bà nay là đèn đã cạn dầu.  Em gái tôi sau khi đã thăm hỏi anh gọi ngay taxi dẫn tôi đi ăn bún.  Hắn có một danh sách những món ngon, những chỗ ăn ngon để dẫn tôi đi.  Buổi chiều, Sài gòn chào đón người xa với trận mưa cuối mùa.  Tôi lính quýnh hấp tấp tìm máy hình.  Mưa tạt ướt khuôn cửa sổ, tôi chỉ đành đứng nhìn dòng nước mưa chảy như một tấm mành thưa và trong từ mái tôn nhà đối diện… 

 

 

Một ngày mới bắt đầu, với chị lịch kịch dậy đi mua thức ăn sáng về cho em trai.  Sau đó, cả nhà uống cà phê rồi mạnh ai nấy vào sở.  Sau vài tiếng đồng hồ náo loạn, mọi sự chìm trong quạnh hiu.  Tôi vào phòng thăm em.  Em ngồi dậy nói năm ba câu, nhắc tôi bật quạt kẻo nóng.  Sao đến lúc này vẫn chẳng có gì để nói cùng nhau?  Tôi ngồi độ mươi phút rồi rút lui, tôi biết em đã oải, tôi biết em không thoải mái phải phô bó xương gầy phô cái tang thương trước mặt bất cứ ai.  Tôi không biết em có nghe được tiếng lòng tôi, rằng tôi ngưỡng mộ em, ngưỡng mộ cái can đảm trước cái chết của em, và tôi cũng sợ như em, cũng buồn như em.

 

Ngày rất dài, tôi bắt đầu tìm gọi một vài người bạn thân quen và bắt đầu đi một mình.  Tôi về Việt Nam đã nhiều lần, không phải mới, nhưng chưa bao giờ tôi bước chân ra đường mà anh rể không phải tìm cho tôi ông xe ôm quen thuộc, hoặc gọi taxi cho tôi dặn dò taxi chỗ tôi phải đến.  Nhưng bây giờ tôi phải biết nhường mọi chú tâm cho em, và khi bị bắt buộc thì ai cũng làm tròn công việc hết thẩy: tôi báo cơm _ ăn hay không bữa trưa, bữa chiều, tôi viết số phôn lên lịch dán trên tường cho mọi người thấy, tôi báo thời khóa biểu: ngày mai có mối gì với ai!!!!!  Ra đầu ngõ nếu không có anh taxi nào đang đậu bên đường, thì xịch ra đầu hẻm chỗ đại học Vạn Hạnh sẽ có chán vạn. 

 

Những chuyến xe vào Chợ Lớn lấp đầy ngày cho tôi, nói chuyện với tài xế cũng mang lại nhiều thú vị cho cả tôi lẫn bạn bè.

 

Em trẻ nhất tuổi độ hai ba, hai bốn.  Em nhanh và khôn ngoan lắm.  Em dạy tôi chớ cầm phôn đứng vơ vẩn nơi lề đường chờ xe, vì kẻ gian cứ lụi mình trước rồi hãy tính việc của có xứng.  Em nói cái bề mặt của những nhà hàng cơ sở chỉ là bẫy cho Việt kiều về đầu tư để rồi mất trắng.  Nghe em bảo gốc Rạch Giá, tôi cho là ở dưới quê được cái may sống tự nhiên thoải mái.  Dè đâu em nói sự thật phũ phàng: những ai có tiền có ruộng thì thoải mái, chứ dân quê mà lại nghèo thì, như em đây lên Sài Gòn lái taxi đủ nuôi thân cũng đã mừng Má không phải nuôi mình…

 

Có em tuổi vừa vừa, độ ba lăm, thì mơ màng quay kính xe xuống, gác tay lên thành cửa và kể về những cuộc điện đàm với “cô ấy” ở bang Tếch Xa.  Cô làm nghề nêu, là người hiền lành và bây giờ chỉ chú tâm nuôi hai con nhỏ.  Tối tối em gọi điện thoại nói chuyện, kể cho nhau nghe những buồn vui trong ngày, vậy thôi.

 

Có em cũng vừa vừa, độ ba tám thì mau miệng hơn. 

 

_Chị ạ, thế em ngồi xe với chị rất nâu mới biết chị Việt kiều đấy.

_Em làm sao để phân biệt?

_Thế này nhá, Việt kiều họ nói chưa hết câu là đã chèn tiếng Anh vào rồi.  Chị chỉ nói toàn tiếng Việt.

_Rồi cái gì khiến em nghe ra?

_Thì chị bảo anh bạn lúc xưa 49 ký mà giờ gặp lại 90 ký, thì chị hỏi đường đi rất kỹ, đến mỗi chỗ rẽ chị đều hỏi tên đường…

_Không phải chị sợ taxi ẩu, mà là muốn học đường đi cho nhớ, mai mốt bạn khác hỏi thì biết mà trả lời.

_Vâng, chị không phải no, em rất nghiêm chỉnh.

 

Bắt đầu kể lể tâm tình.

 

_Xưa em rất xinh trai chị ạ, mà cuộc đời chìm nổi nắm.  Khi em ra quân _ là sao? _ là ra bộ đội ấy, em đã quyết đời sống núc nào cũng nghiêm chỉnh như còn trong quân chị ạ.  Em tuy làm tài xế nhưng luôn ủi quần áo thẳng ni, em thà mua ít quần áo nhưng tấm nào cho ra tấm ấy, em không mua đồ si đa đâu chị ạ.  Nay mai giầy A Di Đà sêu, em sẽ mua 2 đôi, đôi chậy bộ và đôi đi hằng ngày.

_Chà, chậy bộ hằng ngày?

_Vâng, còn đá banh nữa chị nhá.  Đội banh chúng chỉ toàn hai tư hai lăm mà chậy không bằng em đâu.  Làm taxi không có cách sống nành mạnh thì bao tiền cũng hết, không đủ nuôi thân đâu.

_Nghĩa là không lăng nhăng chi cả?

_Thế này nhá, cái chuyện ăn bánh trả tiền thì không nói làm gì, nhưng em có đạo, đây này, lật tấm visor xuống, một bức hình nhỏ của Đức Thánh Cha dán nơi góc.  Năm em mới ra quân có người đưa lên Bảo Lộc làm ăn.  Anh đấy cũng sắp già, độ hơn năm mươi, chị vợ thì hơn em độ mươi tuổi.  Thế mà những lúc anh đấy không đi cùng chị ta cứ ôm em chắc cứng

_Rồi em bảo sao?

_Em lói đây là chốn đông người, chị nàm thế xem không được.  Để núc khác chị muốn thì em chở chị đến ô ten tha hồ không ai thấy.

_Rồi?

_Em chậy.  Đã nói rồi, em đâu có nạ gì cái chuyện ăn bánh trả tiền, nhưng anh ấy có ơn với em, còn chị ấy thì cũng có chồng con rồi, em đâu dám phá gia đình người ta…  Sau này nghĩ nại, em nói giá núc ấy em sút cho quả rồi ôm tiền chậy có phải ấm thân!

 

Hết cuốc xe 260 ngàn, em viết số phôn dặn gọi cho em trước 30 phút khi cần về, em sẽ đúng giờ.  Tôi ngồi kể chuyện tài xế cho T nghe, T hỏi có cho tiền típ.  Tôi không có nhiều để cho nhiều, nhưng chả tiếc như đã tiếc 10 phút hôm qua gặp anh bạn nay 90 ký.  Anh ngồi đầy cái ghế, mặt hồng hào thắm tươi xinh đẹp.  Anh nói ở đâu chả vậy, mình vào đảng thì phải đi sinh hoạt, nếu không thì họ đuổi mình, đảng Cộng Hòa đảng Dân chủ gì cũng vậy thôi.  Bây giờ không làm ở cơ quan thì về địa phương giúp quản trị dân, bên Mỹ cũng có chính quyền các cấp đó thôi. 

 

_Ừ khi em còn nhỏ, thời Cộng Hòa thấy xóm mình ở cũng có ông Liên Gia Trưởng, trưởng khóm, mà chả biết mấy ông đó có làm ăn gì không.

_Có chứ

_Sao anh biết?

_Biết, biết hết, ta cài người khắp nơi từ thấp đến cao,  nếu không sao chiến thắng?

 

Anh cười rạng rỡ thấy tôi im miệng, tựa như anh chiến thắng lần thứ 2.  Anh ra về rồi tôi và T nhìn nhau cười.  Mấy mươi năm trước khi tình cờ gặp nhau ở lớp học tôi muốn kết thân với T mà lại bị chia khác tổ.  Qua nhiều chặng đời, trực giác không đánh lừa tôi _ T chưa bao giờ bị đồng tiền và cuộc sống xoay chuyển bản chất.  Còn anh ấy, cái thuở trước cũng chỉ hơn tôi vài tuổi, công lao gì với cách mạng đâu, và cái thuở này thì tấm thân 90 ký với lại những nhà những đất thì biết cách mạng cỡ nào rồi…  tôi không còn biết anh, và có lẽ anh cũng không còn biết mình.  Dẫu sao, anh không phải người đầu tiên và duy nhất làm tôi thất vọng

 

Buổi tối, M đến chở tôi ra chợ Sài Gòn.  Hai đứa đi ăn, đi uống cà phê.  Một bên hông chợ Bến Thành nay là phố Mã Lai, người buôn kẻ bán ngả giá với nhau bằng tiếng Mã Lai, hàng hóa là khăn áo vải thêu cho những người đạo Hồi.  M là dân Sài Gòn mấy mươi năm, có lẽ từ lúc sinh ra, chợt bây giờ ngỡ ngàng.  Đường đêm lạnh và mát, đèn giăng sáng khắp nơi. 

 

Tôi về, nằm thao thức trong đèn sáng trong tiếng khua của má.  “Ăn bánh trả tiền,” anh taxi người Bắc dùng chữ ấy, cái chữ đặc miền Nam.  Bốn năm đầu ở với họ, có bao giờ nghe họ dùng chữ đó, giờ nghe từ miệng của một em chưa 40 tuổi đầu thật ngạc nhiên, tựa như lúc xuống phi trường tôi đã ngỡ ngàng khi nhận ra, trong 10 giọng nói trên loa giờ chỉ có 1 giọng Bắc, và trong 40 năm, giờ mới có một giọng Nam nói bằng cái âm điệu véo von của người Bắc 75.  Mọi ranh giới đã nhòa, cái cách biệt của lòng người có còn?

 

Khác giờ giấc, Má bắt đầu lục đục.  Hôm qua thì sột soạt bao ny lông tìm thuốc.  Hôm nay bị em gái tôi la, Má lò mò xuống lầu tìm bóp.  Ba giờ sáng nghe lục đục, tôi mở mắt: Má đeo bóp qua vai lộp cộp ra khỏi phòng _ Má đi đâu giờ này?  Má đi nhà vệ sinh.  Muốn cười mà mất giấc ngủ cười không được.

 

Ngày vẫn rất dài.  Có ngày tôi vào thăm 4 lần chỉ gặp em nằm thiêm thiếp ngủ.  Bây giờ em không còn gọi phôn xuống nhà dặn chị mua món ăn gì nữa.  Đến giờ ăn chị phải gọi phôn thức em dậy hỏi em ăn món gì để mua.  Buổi trưa chị từ sở về mua thức ăn đem lên lầu cho em, rồi mua cơm hộp về cho Má và chị ăn trưa.  Tôi nhìn chị.  Chị tròn quay, thấp bé như con chim cút.  Tôi nhớ, những ngày đầu “giải phóng” chị phải đi dạy học ở Củ Chi, người ốm rạc chỉ còn 30 ký.  Những lúc về thăm nhà, mua được mớ giấy trắng, mớ viết theo tiêu chuẩn giáo viên, chị lẽo đẽo sau tôi, bảo tôi lấy xài đi.  Những khi vui chị hát, và toàn hát lạc tông.  Khi được cái gì đẹp, chị reo vui như đứa trẻ.  Tôi “đi” rồi chị lấy anh, thiếu úy phi công bị bắt tù binh.  Mấy mươi năm, ông anh rể to như hộ pháp của tôi lúc nào cũng loay hoay làm mọi thứ cho chị chim cút, và chị vẫn cứ tưng tửng như trẻ con, đứa trẻ con hiền lành và tận tụy với gia đình.  Mà lạ sao, cái tổ ấm của chị như nhờ cái tưng tửng ấy mà gắn bó với nhau tha thiết.  Mỗi ngày anh rể đem xe xuống sân cho chị đi làm rồi mới đi.  Mỗi lần ngắc ngứ một cái gì đó, chị lại tửng tửng nói trỏng trơ, “ờ cái này mình làm hông được, có ai làm dùm hông ta,” thì rồi ông hộ pháp sẽ làm và sẽ nhiếc, và sẽ làm nữa, làm mãi.  Công việc của anh được rộng rãi thì giờ nên thường về sớm nấu cơm cho gia đình.  Mỗi tối mấy đứa nhỏ đều về ăn cơm nhà rồi mới đi đâu thì đi, và đêm đến, chúng vẫn sán vào ngủ chung phòng với bố mẹ dù thằng con trai đã 32, đứa con gái đã 23.  Họ nói chuyện với nhau, đả kích chê bôi tâm tình với nhau, “mổ” nhau, toàn bằng cái giọng tưng tửng của chị.  Nhìn lại, tôi thật đã không có duyên lành được tưng tửng như vậy.

 

Để lấp cho ngày, tôi giở laptop của cháu những khi nó đi làm để đọc thư, để xem bài.  Rồi tôi lại hẹn bạn cà phê.  Cà phê Bean đối diện Nhà Thờ Đức Bà rất đông và phần nhiều là giới trẻ.  Khách của tiệm đại khái cũng giống như nơi tôi ở, trẻ thì túm tụm vào nhau mà chẳng chung chuyện chung lòng _ mỗi em một điện thoại; không còn trẻ lắm và rảnh việc thì luôn ngồi bàn bên ngoài để tha hồ ngắm nhìn người chung quanh một cách tự do và lộ liễu!!!  Tôi chuồn vào một góc để dễ nói chuyện với bạn mình.  Chuyện mưa nắng giãi dầu, chuyện tào lao, rồi lại chia tay nhau.

 

Tôi ra về băng ngang đại lộ, ngang Vương Cung Thánh Đường, ngang qua 3 đám cưới.  Các cô dâu đều áo trắng môi son.  Một cô đi đất, chú rể tuxedo theo sau, bàn tay xòe bưng đôi giày cao gót đỏ.  Cô khác hai tay túm áo cưới kéo vạt, ôm cái mớ voan trắng lên cho khỏi lấm đất, bên trong lòi ra tấm quần đen bó và đôi dép cao su.  Một cô khăn choàng trắng phủ lưng trần đã sang hết đường qua lề bên kia không kịp ngó mặt.  Nắng chiếu lên tấm thân già héo, tôi nghĩ mai mốt cứ hỏa thiêu cho khỏi tốn đất, khỏi thắc mắc chuyện về đâu.  Và tôi nhận ra, từ hôm về đến nay tôi chưa hề thèm muốn chụp bức hình nào của phố phường của đất quê như đã nghĩ, dù lòng thấy phố phường êm vui.  Cái máy hình vẫn luôn theo tôi khắp nơi, nhưng dường như tôi đã hòa giải được với lòng mình, không còn thấy mình là một du khách để ham săn hình.  Tôi chỉ còn là một bóng ma đi tìm tôi ngày cũ.

 

Ngày bất tận, tôi nửa mong vậy, nửa buồn, và càng hồi hộp lo âu biết mình đến lúc phải về.  Tôi lên phòng từ giã em, hẹn qua năm có phép sẽ lại về, nhưng cõi lòng đắng ngắt _ biết em có còn để tôi về.  Ngay lúc này đây tôi hãy kíp quay lưng, vì biết đâu phút tới em sẽ thở hơi vĩnh biệt.  Tôi bước vào phi trường, vội vã như lúc về, nhưng chỉ còn là những bước ngẩn ngơ.

 

Ba tuần sau em ra đi.  Hai giờ trước chị chim cút gọi điện thoại em vẫn trả lời.  Khi chị về, tay chân em đã bắt đầu cứng.  Chị hỏi, em không còn nói được _ bàn tay mỏng manh khẽ nắm lại tay chị.  Ánh mắt em chao đảo tìm kiếm, chị gọi anh hộ pháp đến với em.  Mặt em bừng sáng, ánh mắt mừng vui mãn nguyện khi anh nắm tay em an ủi vỗ về.  Em thở hơi cuối cùng, cũng phải anh hộ pháp vuốt mắt em mới khép.  Tôi lái xe trên đường về, cơn mưa hụt nhẹ nhàng lất phất, chân cầu vồng hiện dần rực rỡ và một hạt mưa rụt rè lăn chảy xuống góc kính. 

 

Khi ban kèn tây hòa bài Công Đức Sinh Thành đưa tiễn, bên này anh Tư gọi tôi thắp nhang cho em.  Anh dẫn tôi ra chỉ cái ghế đẩu đặt ngay cửa ra vào tựa như lúc cúng giao thừa hằng năm.  Trên mặt ghế có một ly gạo để cắm nhang, một ly nước, một trái cam, và một dĩa đựng một khúc bánh mì, một củ khoai vàng cắt đôi, một củ khoai tím cắt đôi, và một quả trứng luộc.  Anh chờ tôi thắp nhang xong thì cũng bước tới khấn nguyện.  Nếu biết, chắc em nở một nụ cười.  Nếu biết, hồn em sẽ ấm dù trong cõi mịt mù.   Tôi xa em, giờ đây không chỉ nửa vòng trái đất mà cả một kiếp đời…

 

 

Lưu Na

01092015

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 89208)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 110113)
(Gởi anh Huy & chị Minh) Câu thơ còn trong trí nhớ Như mùa thu mỗi năm lại về Theo tuần hoàn trời đất Như đôi mắt em buồn giấu kín Chịu đựng An phận Cuộc đời mình mùa xuân đi qua Rất xa, rất xa...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 90967)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 90522)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 80931)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 85180)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 86531)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 77664)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 99569)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 80570)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.