- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đối Diện

20 Tháng Mười Hai 201411:41 CH(Xem: 31880)

TranhDinhCuong-lapthe
Tranh Đinh Cường

 

 

 

1

 

Tân ngồi đối diện với viên sĩ quan mang quân hàm đại úy của quân đội nhân dân, anh lơ đãng nhìn khuôn mặt khắc khổ của cán bộ trước mặt, đang chăm chú đọc mấy tờ giấy vở học trò mà lướt mắt nhìn qua anh biết là tờ khai lý lịch của anh, tay áo trái được giắt vào thắt lưng vì tay trái anh ta cụt mất từ vai. Từ những ngày đầu tiên vào trại, tất cả trại viên phải miệt mài viết bản tự khai về lý lịch, viết đi viết lại… lần nào cán bộ cũng bảo là chưa thành thật khai báo, chưa kê khai hết tội lỗi của mình, chưa thành thật hối cải, chưa thành khẩn khai báo, v.v… và v.v… Mãi về sau, Tân mới biết đó là thủ thuật của cán bộ, họ xem bản sau và bản trước có điểm nào khác nhau không, mong tìm thêm được chút gì “mới”, cũng là cách giữ tù nhân không có thì giờ nhàn rỗi suy tính chuyện gì khác. May mà lý lịch của anh khá đơn giản: cha mất sớm, má ở vậy nuôi con, tới tuổi bị động viên, học khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức, ra đơn vị leo dần đến cấp bậc trung úy, giữ một vị trí có tính chiến lược, bị thương, được về tiểu khu … cho đến ngày bị bắt buộc phải buông súng và sau đó, trình diện học tập. Tân cũng có gia đình, vợ là giáo viên tiểu học, lương chỉ đủ sống hết sức tiện tặn một tuần, phải bán buôn chèo chống kiếm thêm tiền nuôi chồng cải tạo và hai đứa con mọn. Người chị ruột cũng còn sống nơi làng quê ngày xưa trong căn nhà cũ của gia đình còn lại sau khi cha mất. Tân cũng có một người anh ruột kế Tân, đi bưng từ lúc mới mười lăm tuổi. Tạo, anh của Tân trốn luôn theo cách mạng nhân một lúc về thăm nhà, sau khi cha mất ít lâu. Lúc đó Tạo và Tân đang học trung học ở trên tỉnh lỵ, sống nhờ vào người chị bà con. Tạo về quê thăm nhà, lấy thêm vật dụng và tiền bạc… nhưng rồi đi luôn, không trở lại, Tân và anh mất liên lạc nhau từ lúc đó.

 

 

Năm một chín bảy mươi hai, Tân là trung úy đại đội trưởng đồn trú đặc khu Long Toàn. Long Toàn nằm cách chi khu Long Khánh (Vĩnh Bình), chi khu Trường Long Hòa và cửa biển Ba Động không xa, và là những chốt an toàn cho tỉnh Vĩnh Bình vì cả Long Khánh, Long Toàn lẫn Trường Long Hòa tạo thành một vành đai đối diện với Cồn Cù và Láng Cháo bấy lâu nay được coi là vùng của Việt Cộng. Thỉnh thoảng bộ binh của Sư Đoàn hay Biệt Động quân cũng tung quân sục tìm, nhưng sau chiến dịch là rút về, lực lượng địa phương quân của miền Nam ở vùng này mỏng và đôi khi chỉ là những người của Việt Cộng hay có bà con theo phía bên kia, đứng ra làm lá chắn và kịp thời thông báo cho bộ đội hay du kích biết trước các cuộc hành quân của phía quốc gia. Đã có nhiều lần lực lượng càn quét đánh vào chỗ trống, chỉ có đàn bà, trẻ con và ông bà lão, thanh niên trong các xã ấp này không có ai.

 

Việt Cộng im tiếng ít lâu sau chiến dịch Mậu Thân, nay lại rục rịch bắt đầu. Đã có những cuộc chạm súng cấp đại đội và những tin tức tình báo cho thấy đã có mặt của quân chính qui Bắc Việt. Láng Cháo là một xã ở một cửa sông Hậu, một phần giáp biển, dân cư thưa thớt coi như ngăn cách với các xã ấp trù phú hơn phía trong bằng rừng cây mấm, cây giá và chà là, khi thủy triều lên là cả một vùng bao la nước ngập đến đầu gối, nên trở thành nơi lý tưởng để nhận vũ khí, đạn dược tiếp tế từ ngoài Bắc. Miền Nam không đủ quân để giữ một vùng dân cư thưa thớt và hoang vu như vậy, nên các chi khu Long Vĩnh, Long Khánh, Long Toàn và Trường Long Hòa trở thành một vòng đai bảo vệ an ninh cho những vùng đông dân hơn ở phía trong. Hai chi khu Long Khánh và Trường Long Hòa có hai khẩu đội 105 ly, nhằm yểm trợ pháo binh cho toàn vùng.

 

Tân bị điều về đó khá lâu. Long Toàn tuy vậy mà an ninh có khá hơn các chốt chiến lược kế cận, nhờ dân cư đông hơn và tương đối sầm uất hơn, nhưng cũng vì thế nên khó kiểm soát và bảo vệ cho dân chúng hơn. Khu Long Vĩnh, Long Khánh chẳng hạn, trời chạng vạng tối là lính rút hết vào mấy lượt vòng rào, trừ mấy chốt chặn an ninh bên ngoài. Cấp số của chi khu Long Toàn là đại đội nhưng quân số không quá trăm người. Mỗi đêm Tân tung hai tiểu đội ra ngoài làm thành vòng đai quanh khu vực. Từ lâu hoạt động của địch chỉ là những quấy rối nhỏ, men về vùng ven, thu thuế, rải truyền đơn tuyên truyền… không có một đụng độ lớn nào quan trọng nào cho đến tháng trước, tiểu đội do trung sĩ nhất Thạch Lên nằm chốt đụng phải một đơn vị không rõ quân số của địch. Sau hơn hai mươi phút, địch rút, bỏ lại trận hai xác chết. Tài liệu thu được cho thấy chúng thuộc một tiểu đoàn chính qui Bắc Việt. Phân tích tình báo trên tiểu khu gửi xuống cũng cho thấy địch đang gom quân mong đánh thủng vòng đai an toàn để có thể thọc sâu hơn vào bên trong, nhưng tài liệu không cho thấy địch sẽ tập kích ở chỗ nào. Cũng cách nay không lâu, lực lượng giang đoàn trong lúc tuần tiểu trên sông Hậu, dọc Cù Lao Dung đã chận bắt được một ghe chài chở vũ khí, đạn được đủ cung cấp cho cả một đại đội, gồm cả AK lẫn súng cối và B40. Những tin tức đó cho thấy sắp có cơn những biến động mới trong vùng.

 

Tân cho rà lại những tọa độ chấm trước quanh đặc khu, phòng khi bị tấn công, các khẩu đội từ Long Khánh và Trường Long Hòa có thể yểm trợ hữu hiệu và nhanh chóng. Vòng rào kẽm gai quanh chi khu cũng được nới xa thêm mười mét. Công sự phòng phủ cũng được củng cố thêm.

 

 

2

 

Đêm xuống cùng với cái oi bức mùa hè, muỗi bay từng đàn như vãi trấu, cùng với tiếng xè xè, rọt rẹt của máy truyền tin. Hạ sĩ Lập đang liên lạc với hai tiểu đội chốt bên ngoài, tình hình vẫn yên tĩnh như mọi ngày… chương trình ca nhạc của đài phát thanh Cần Thơ đã chấm dứt, Tân vén tay áo xem giờ, đã gần mười giờ mà không gian yên ắng như là khuya lắm, đài đang phát chương trình tin tức và bình luận cuối ngày, vài tiếng chó sủa ma, Tân vói tay tắt radio và chui vào mùng dỗ giấc…

 

Tiểu đội của trung sĩ nhất Hàn chốt ở phía cầu Long Toàn lên máy báo tình hình, chỗ này tiếp giáp với địa phận trách nhiệm của chi khu Long Khánh. Cầu đã bị phá hủy từ lâu, thay vào đó là một bến đò nối liền con lộ từ Long Toàn qua Long Khánh và ngược lại, hai bên chịu trách nhiệm an ninh ở hai đầu cầu. Tiếng binh nhất truyền tin liên tục trên máy:

 

- Đống Đa, Đống Đa, đây Chí Linh.

 

Tân chồm dậy, hạ sĩ Lập vẫn ngồi cạnh máy truyền tin.

 

- Đống Đa nghe, tiếng hạ sĩ Lập

 

- Phía thằng Lê Lai đang đụng, Chí Linh vẫn chưa thấy gì – Lê Lai là danh hiệu của chi khu Long Khánh.

 

Tân nói nhanh vào ống liên hợp:

 

- Chí Linh coi chừng mấy thằng con…

 

Tân chưa dứt lời thì một trái pháo rơi vào ngay cổng đặc khu, cả hai vùng dậy, chạy vội về phía công sự. Súng các loại bắt đầu nổ. Đêm tối như mực. Thêm một trái pháo rơi sâu hơn vào bên trong, địch đang điều chỉnh tác xạ. Tân lên máy liên lạc về tiểu khu và xin pháo sáng. Anh cũng báo cho hai tiểu đội bên ngoài biết đặc khu đang bị tấn công và lệnh cho hai tiểu đội giữ vững vị trí, chờ lệnh… Một trái B 40 bắn thẳng vào công sự phòng thủ của trung đội hai đang phòng thủ đặc khu, phá một lỗ thủng trên hàng kẽm gai và bờ tường, tiếng AK, M16 đáp trả nhau giòn giả. Cối 81 ly của địch nổ hàng loạt, một trái rơi gần cột cờ đặc khu… B 40 lại phá bung thêm một lỗ trên hàng rào gai phòng thủ. Một trái pháo sáng nổ bụp trên không, ánh sáng vàng vọt của hỏa châu soi lúc tỏ lúc mờ khung cảnh bên ngoài, vài bóng người vụt ẩn vụt hiện bên ngoài vòng rào… khẩu đại liên bên công sự góc trái của chi khu vẫn đều đều nhả đạn vào bất cứ chuyển động nào ở bên ngoài.

 

Như vậy là địch tấn công cùng một lúc Long Khánh và Long Toàn, nghe tiếng súng giòn giả và liên tục, anh nghĩ là quân số của địch phải lên đến cấp đại đội hay tiểu đoàn. Máy truyền tin lại thông báo định bắt đầu xung phong vào vòng rào an ninh của Long Khánh sau một trận mưa pháo. Thiếu Úy Định đại đội phó bên chi khu Long Khánh đã bị thương nặng, sau khi ra lệnh hạ nòng khẩu 105 ly, sẵn sàng trực xạ, còn trung úy Sơn đã tử trận sau trận pháo đầu tiên, bây giờ bên Long Khánh chỉ còn hai sĩ quan trung đội trưởng mà một là chuẩn úy mới đến đơn vị hơn tháng nay cầm cự với lực lượng đông đảo hơn gấp bội của địch. Tân đoán chừng địch cũng sắp xung phong vào đặc khu của mình. Quả không sai, sau một trận pháo đủ loại vào các công sự, máy phát điện trong đặc khu bị pháo trúng, bóng tối phủ trùm… địch bắt đầu ôm bộc pha tràn lên, qua ánh sáng của mấy ngọn hỏa châu, những thân người cứ từng đợt, từng đợt chồm lên, ngã gục trước hai khẩu đại liên đặt ở hai cánh của chi khu. Vài trái mìn phòng thủ và lựu đạn gài quanh đặc khu cũng đã nổ ghìm bớt sức tấn công của địch. Tuy vậy Việt cộng cũng đã lập được một đầu cầu gần bên công sự của khẩu đại liên bên trái. Tân ra lệnh khẩu đội bỏ vị trí, lui sâu vào trong cạnh bộ chỉ huy. Tiếng máy PRC báo:

 

- Đống Đa, Đống Đa, đây Chí Linh 1, tụi nó đông quá, chờ lệnh Đống Đa…

 

Tân nghe mấy tràng súng chát chúa qua máy, anh gọi lớn:

 

- Chí Linh, đây Đống Đa – Chí Linh, đây Đống Đa…

 

Không có tiếng trả lời, chỉ còn tiếng rè rè liên tục của máy truyền tin, Tân không còn liên lạc được với Hàn và tiểu đội của anh nữa…

 

Trận chiến không cân sức giữa hai trung đội còn đồn trú trong đặc khu với một lực lượng quá hùng hậu của Việt cộng. Tân đã cho gọi pháo yểm trợ bắn chận, từng đợt pháo rơi chính xác vào các tọa độ chấm trước, nhưng với chiến thuật thí quân, địch cũng đã vượt qua vòng rào cuối cùng, sau khi hy sinh một số cho hai quả mìn claymore. Địch sắp tràn vào đặc khu, anh đã yêu cầu tiểu khu xin phi cơ thả bom lên sát hàng rào cuối cùng của đặc khu, mong làm chùn bước địch quân. Sau hơn một giờ cầm cự, hơn một nửa lực lượng đồn trú lớp chết lớp bị thương, không còn khả năng chiến đấu. Cuối cùng tiểu khu ra lệnh cho Tân bằng mọi cách phải bỏ vị trí, đưa thương binh ra ngoài.

 

Tân lệnh cho hai khẩu đại liên bắn rát tạo lưới lửa để tản thương binh, xạ thủ bắn cho đến giây đạn cuối cùng rồi bỏ súng...

Khi Tân rút được ra ngoài, bên cạnh anh chỉ còn gần hai mươi binh sĩ thương tích cùng mình, bản thân anh cũng phải được dìu bởi hai binh sĩ khác vì một mảnh pháo ở bắp vế phải và một mảnh khác bên hông, máu nhuộm đỏ ướt lần băng cá nhân. Hai chiếc skyraider đang quần thảo trên không, rải đều lưới đạn lên đặc khu, cuối cùng hai quả bom được thả ngay trên khu vực, toàn bộ đặc khu trở thành bình địa.

 

 

3

 

 

Đó cũng là trận mà Tạo là chính ủy của lực lượng tấn công. Trên đã cung cấp cho anh hai tiểu đoàn, gồm cả bộ đội chính qui và du kích. Lực lượng tấn công Long Khánh gồm hai đại đội. Điểm chính mà trên muốn thanh toán là đặc khu Long Toàn, anh đã dùng hơn một tiểu đoàn, cộng với một tiểu đội cối tăng viện. Lúc màn đêm buông xuống, phủ một màu đen đồng lõa, viên tiểu đoàn trưởng báo cáo các cánh tấn công đã vào các vị trí, chỉ còn chờ lệnh của chính ủy. Anh cùng ba Qui, tiểu đoàn trưởng, duyệt soát lại mọi chi tiết đã hoạch định. Mọi việc đều khớp với kế hoạch ban đầu, các cánh quân đã được ém kỹ, chỉ còn chờ phía lực lượng chịu trách nhiệm bên chi khu Long Khánh nổ súng, mở màn cho mặt trận nghi binh. Vài tiếng chó xa xa. Cơn gió chướng không xua được không khí oi bức và đàn muỗi đói bu quanh hơi người. Mười giờ mười lăm, tiếng cối và đạn đủ loại vọng về từ phía chi khu Long Khánh. Mười lăm phút sau, Tạo ra lệnh cho cối pháo tới tấp vào đặc khu Long Toàn, ánh đèn pha trên lô-cốt cạnh cổng chính tắt phụt, chỉ còn những làn đạn lửa đan chéo nhau. Súng các loại nổ rền điểm thêm những tiếng cối... Ba Qui lợi dụng bóng đêm, ra lệnh xung phong, tiếng kèn thúc những thân người chồm dậy, ôm súng xông tới; hai khẩu đại liên từ hai góc của đặc khu nhả đạn tới tấp, tạo thành lưới lửa, ghìm bộ đội xuống đất.

 

- Bộc pha, toán bộc pha đâu, Tạo gầm lên át tiếng súng.

 

Tạo ra lệnh cho đặc công ôm bộc pha phá lổ hổng cạnh ụ đại liên trong đặc khu, làm đầu cầu cho toán xung kích. Bộc pha làm thủng một lỗ lớn trên hàng kẽm gai, kèn xung phong lại nổi lên, từng toán người lại ôm súng tràn lên, tràn lên, một quả B40 nổ ngay trước ụ đại liên, súng phóng lựu M79 tới tấp từ trong đồn đáp trả, những thân người gục xuống, có xác nằm vắt qua kẽm gai. Ngoài kia hàng người vẫn nhào lên như những con thiêu thân lao vào ánh lửa. Một quả mìn claymore nổ, soi rõ những thân người gục xuống, lớp khác lại chồm lên, đạp lên những xác người vắt vẻo trên hàng rào kẽm gai. Pháo binh yểm trợ từ Trường Long Hòa bắn phủ chụp trên trận địa, cứ co dần vào sát hàng rào cuối cùng của đặc khu…

 

***

 

Khi lực lượng tấn công tràn được vào đặc khu, các ổ kháng cự cuối cùng bị dập tắt, xác người nằm ngổn ngang, có người bị B40 thổi bay mất đầu, có người bị đạn xuyên qua cổ chết gục mà mắt vẫn mở trừng, có người chết banh xác vì cối, không khí khét đặc mùi thuốc súng và mùi máu. Không còn nghe tiếng M16 kháng cự của quân đồn trú, nhưng đồng thời Tạo cũng nghe tiếng rít xé gió của khu trục trên trời, Tạo hiểu ngay là quân đồn trú đã rút được hết ra ngoài, nhường trận địa cho phi pháo, anh liền ra lệnh bộ đội rút nhanh ra khỏi mục tiêu vừa chiếm được để tránh tổn thất, nhưng không kịp nữa rồi, pháo binh bắn cấp tập, đạn pháo nổ chụp ngay trên đầu, pháo sáng soi rõ mọi vật... Cuối cùng Tạo còn kịp nghe tiếng nổ đinh tai của quả bom từ chiếc khu trục rồi tất cả tối sầm.

 

 

4

 

 

Lúc Tạo tỉnh dậy, toàn thân ê ẩm, anh cựa mình cảm thấy đau nhói bên trái. Tạo mò mẫn trong bóng tối, khám phá dần anh bị băng bó toàn thân. Quanh anh là bóng tối dày đặc và không một tiếng người, chỉ có tiếng rì rầm của chiếc máy đuôi tôm ở trên cao, và tiếng óc ách của nước trong khoang ngay chỗ anh nằm, anh biết mình đang nằm dưới khoang của một chiếc ghe bầu… Anh khát nước kinh khủng, không có ai bên cạnh, chung quanh yên lặng chỉ trừ tiếng máy tàu đều đặn. Anh mò tay xuống dưới sạp nằm thấm nước đưa lên miệng liếm láp, nước lờ lợ và lẫn mùi dầu… Không biết giờ này đơn vị của anh ra sao, anh đang đi đâu? Chịu, chung quanh chỉ là một màn đen bưng kín mắt, không khí chung quanh nóng bức và ngột ngạt. Đói, khát, đau đớn và tiếng máy tàu đều đều lại đưa anh chìm vào cơn mê.

 

Lúc tỉnh dậy lần nữa, anh thấy mình nằm trên một chiếc sạp tre trong ánh sáng mờ mờ của chiếc đèn chong nhỏ soi sáng một không gian hẹp, chỉ vừa đủ cho chiếc sạp nằm và chiếc bàn gỗ tạp. Anh muốn cựa mình, nhưng toàn thân ê ẩm. Tạo cố nhớ lại trận đánh, lúc anh vừa nhận thức được quân trú phòng trong đặc khu rút hết ra ngoài và vừa nghe tiếng khu trục gầm thét trên bầu trời, anh hiểu ra là địch muốn phá thành bình địa đặc khu, tiêu diệt luôn đơn vị vừa chiếm đóng. Anh toan ra lệnh rút ra ngoài thì một quả bom rơi gần đó, tiếng nổ và sức ép, hất Tạo văng vào một góc công sự, rồi anh không còn biết gì nữa… Bây giờ thì Tạo hiểu anh đang bị thương và nằm ở đâu đó. Có tiếng bước chân và tiếng lịch kịch mở cửa, ánh sáng rõ dần, một người đàn bà cầm đèn và một tô cháo bước vào, Tạo cố cử động.

 

- Đồng chí tỉnh rồi à.

 

- Đây là đâu vậy?

 

- Nhà của cơ sở, đồng chí bị thương nặng, được đưa về đây đã năm hôm rồi. Đồng chí ăn chút cháo nhen, mấy ngày nay nằm mê man.

 

Anh hỏi tin tức về đơn vị của mình, người đàn bà không biết gì, chỉ cho biết anh bị thương rất nặng, cánh tay trái đã bị mảnh bom cắt mất, đồng đội đã băng bó mang về đây dưỡng thương.

 

Mất hơn một tháng nằm dưới hầm bí mật trong một căn nhà cơ sở, anh mới được liên lạc đưa về gặp Liên Khu. Tạo mới được biết lực lượng tấn công do anh chịu trách nhiệm gồm hơn tiểu đoàn chính qui và du kích, được tăng phái một tiểu đội cối và một tiểu đội đặc công, đã bị xóa sổ gần như hoàn toàn. Tiểu đội cối may mắn nằm ngoài để yểm trợ nên thoát khỏi trận mưa pháo và bom biến đặc khu Long Toàn thành bình địa. Tiểu đoàn trưởng Ba Qui chết tan xác trong trận phi pháo. Tạo may mắn bị hất văng vào góc công sự, mấy bao cát đổ chụp trên người… Khi du kích moi được anh ra thì Tạo đã bất tỉnh, cánh tay trái bị mảnh bom cắt lìa, họ phải xé áo Tạo, buộc chặt vào vết thương và thay nhau cõng anh thoát ra ngoài với chừng hơn chục bộ đội và du kích thương tích tả tơi. Gần như trọn bộ lực lượng tấn công đặc khu Long Toàn bị tiêu diệt. Trong thời gian dưỡng thương ở liên khu, anh phải viết đi viết lại báo cáo khuyết điểm của mình, không tiên liệu được lực lượng phòng thủ đã gọi phi pháo trút bom đạn lên đặc khu sau khi rút được ra ngoài, làm tiêu hao lực lượng nòng cốt của Mặt Trận. Anh thành khẩn nhận khuyết điểm và xin hạ tầng công tác.

 

 

5

 

 

Tháng Năm năm Bảy Lăm, anh cùng một nhóm cán bộ và bộ đội về tiếp thu tiểu khu Vĩnh Bình. Sổ sách giấy tờ của tiểu khu bị tiêu hủy gần hết khi địch tháo chạy, nhưng may mắn tài liệu của phòng hành quân phần lớn vẫn còn nhưng anh tìm mãi không thấy báo cáo về trận đánh vào đặc khu Long Toàn năm nào. Lòng cứ thấy ê chề về sự thất bại của mình, anh cố tìm mà không biết mình tìm gì…

 

Cho đến một ngày, anh về thăm nhà.

 

Má đã mất từ hồi tổng công kích Mậu Thân, không biết vì đạn của bên nào, sau khi bỏ nhà cửa mồ mả cha ông ở làng quê lánh về thị trấn sống tạm. Tạo chỉ gặp lại chị, chồng là trung sĩ sư đoàn 9, không ưa cán bộ Việt Cộng như Tạo nên giao tiếp giữa hai người đàn ông không mấy thân thiện, nhưng chị Thơ của Tạo thì mừng vô kể khi tìm gặp lại người em bao năm không tin tức. Chị kể mọi chuyện của gia đình, chuyện má trước khi chết còn cố nói với chị làm sao tìm cho được Tạo. Chị nói về hai anh em của Tạo đi lính cho hai bên, má cứ lo là có ngày hai thằng con của bà đối mặt nhau, bắn nhau.

 

Má không hiểu gì hết. Má không hiểu tại sao cứ đánh nhau liên miên, đánh nhau từ hồi bà còn con gái cho đến bây giờ, không mấy khi yên. Má không hiểu vì sao người Việt lại giết nhau… cũng như ngày xưa, chính chồng bà là người đi kháng chiến, được gài về vùng quốc gia làm xã trưởng, nằm vùng làm cơ sở, tai mắt cho cách mạng. Nhưng rồi ông lại bị chính các đồng chí trong đó về xử lý trong một đêm mưa gió với bản án là “xử lý tên ác ôn hoạt động cho ngụy quyền”. Về sau, khi móc nối cho Tạo thoát ly, người ta có giải thích cho bà đó là do hiểu lầm, ban ám sát không thuộc đơn vị của chồng bà, nên không biết ông ta hoạt động cho cách mạng, chừng ở trên biết được thì chuyện đã rồi, nên tạo điều kiện cho anh em Tân, Tạo thoát ly để sửa sai. Người về móc nối cho các con bà thoát ly là người bạn lâu năm của chồng bà, thỉnh thoảng vẫn ghé thăm, có khi chỉ ghé nói vài ba chuyện rồi đi, có khi ở lại nhà đôi ba ngày… lúc nào cũng vậy, chồng bà luôn quí mến. Chỉ đến khi chồng chết, bà mới biết ông ta là người bên kia. Lần Tạo từ tỉnh về lấy thêm lương thực và tiền bạc, vật dụng, Tạo được đưa luôn vào bưng, bà mất tin con từ đó.

 

Rồi đến một ngày Tân cũng bị động viên, đóng lon chuẩn úy về tiểu khu Vĩnh Bình. Như vậy hai người con trai của bà đang cầm súng đứng về hai phía. Dù không có chút tin tức của Tạo, nhưng hàng đêm bà thắp nhang van vái Phật Trời cho hai anh em đừng gặp nhau trong một trận chiến, đừng bắn nhau, vì khi đụng trận có ai nhìn thấy rõ kẻ trước mặt mình là ai đâu.

 

Qua lời chị Thơ, Tạo biết em mình có thời gian trấn đóng ở Long Toàn và bị thương, rồi về Tiểu Khu Vĩnh Bình. Tạo không nói gì nhưng trong lòng cũng mong ước là anh em đã không gặp nhau trong trận đánh ác liệt năm đó, trận mà anh đã hy sinh hơn tiểu đoàn cho phi pháo và bản thân anh đã để lại nơi đó cánh tay trái và lòng kiêu hãnh của mình. Anh cũng cảm thấy như má, thật là bi thảm nếu anh em Tạo lại cùng tham chiến trong trận Long Toàn năm nào, mỗi người lại đứng về một phía.

 

Bây giờ Tân đang học tập cải tạo, trớ trêu thay lại đang lao động ở trại cải tạo Long Toàn. Người em dâu, vợ Tân là một cô giáo tiểu học, lương không đủ cho bản thân và hai đứa con còn dại, biết chồng học tập ở đó mà lâu lắm mới gom góp đủ tiền mua quà thăm nuôi chồng, mà lần nào cũng chỉ vài bánh thuốc rê, vài viên thuốc tây, một ít thức ăn khô… Tạo nhủ lòng phải tìm gặp em mình.

 

 

6

 

 

Bây giờ thì Tạo biết rõ ai là người mà ngày xưa ở Long Toàn đã gọi phi pháo dội thẳng lên đặc khu, sau khi quân trú phòng đã rút hết ra ngoài. Tạo cay đắng biết cánh tay mình đã để lại trong trận đánh tàn khốc đó, phần nào chính là do Tân, dù biết em mình chỉ làm theo phản xạ của một chiến binh, chính em mình đã dùng yểm trợ phi pháo, súng đạn của Mỹ để diệt gọn hơn một tiểu đoàn gồm cả chính qui, đặc công và du kích, và nhất là đã hủy hoại thành quả mà anh tưởng đã nắm được, kết quả đã đẩy Tạo phải tự kiểm thảo, hạ tầng công tác… Lòng kiêu hãnh của một con người trui rèn trong cách mạng từ lúc còn là một thiếu nên, trong lòng luôn rực lửa căm thù Mỹ Ngụy bị lung lay khi nhận biết trong thành phần địch cần tiêu diệt không khoan nhượng, lại có thằng em trai hiền lành của mình. Dù thấm nhuần tinh thần cách mạng, luôn nhìn chính phủ Sài Gòn như một con cờ của Đế Quốc Mỹ, sĩ quan và lính ngụy như những kẻ không còn tri thức lương tâm, luôn ăn gan, uống máu, bắt bớ hiếp đáp người dân vô tội, anh vẫn không tin Tân là hạng người đó.  Hình ảnh của Tân trong trí anh là một cậu bé hiền lành, có phần nhút nhát, luôn tránh những đám đông.  Ngày xưa lúc còn đi học, Tạo luôn là người chăm sóc, bảo vệ cho Tân, luôn giành lấy những công việc nặng nhọc… cho đến ngày theo cách mạng, rời xa gia đình hấp thụ những tư tưởng đấu tranh giai cấp, giải phóng quê hương.  Tạo theo cách mạng là mong có ngày nhìn thấy đất nước mình không còn bóng dáng kẻ ngoại xâm, mang lại tự do no ấm cho người dân…

 

Tạo ngồi yên, nhìn Tân bằng đôi mắt bi phẩn mà không nói được gì. Làm sao có thể trách Tân được, Tân chỉ làm bổn phận của người lính ngay tại mặt trận. Ví thử lúc đó, Tạo biết người chỉ huy của đặc khu Long Toàn là Tân thì anh phải làm sao? Anh có dồn hết tâm trí mình để lên phương án tấn công một cách toàn diện như lúc đó anh đã làm không. Cái bi thảm của cuộc chiến này là xương máu của người Việt đã đổ xuống vì bom đạn của hai khối cộng sản và tư bản lúc bấy giờ, ai cũng nhân danh cho chủ thuyết mình đang theo và tin rằng mình đã làm đúng. Cả miền Bắc và miền Nam có ai chế tạo, sản xuất được cây súng, viên đạn nào đâu? Có sản xuất được quả bom, khẩu pháo nào đâu? Tất cả chỉ được mang từ ngoài vào. Và tính chất bi thảm đó đã tăng lên bội phần khi anh em ruột đứng về hai phía, bắn vào nhau, một bên vì lý tưởng giải phóng, một bên vì tự vệ, như trường hợp của Tạo và Tân. Ngày xưa má của Tạo không có một ý niệm nào về cuộc chiến, nhưng bà đã lo sợ cái bi thảm ấy sẽ xảy đến cho các con của bà, sự cầu nguyện hàng đêm của bà cũng không ngăn được việc anh em bắn nhau xảy ra, dù cả Tân và Tạo không hề ý thức việc đó.

 

Tạo ngước mắt nhìn thẳng vào em đang ngồi trước mặt, cố hình dung lại hình ảnh của Tân hơn gần hai mươi năm trước để cảm nhận thấm thía rằng không ai có lỗi trong việc này, nhưng sao trong lòng vẫn có chút ân hận. Cuộc chiến tương tàn đã đưa anh em Tạo, và có thể còn nhiều trường hợp tương tự, vào một tình huống bi thương không dễ xóa nhòa.

 

Tạo lên tiếng, hỏi cho có hỏi:

 

- Anh quê ở đâu?

 

- Thưa cán bộ, huyện Cầu Ngang

 

Đó không phải là câu anh muốn hỏi, tất cả đều nằm trong bản lý lịch của Tân nằm trước mặt Tạo, anh chỉ muốn nghe giọng nói của Tân, giọng nói mà anh đã không được nghe từ mấy mươi năm nay.

 

Bỗng nhiên Tạo lại hỏi, câu hỏi bậc ra không ý thức:

 

- Hồi cuối năm bảy hai, anh ở đâu?

 

- Thưa cán bộ, lúc đó tôi là đại đội trưởng giữ đặc khu Long Toàn.

 

 Tạo nuốt nước miếng, như cố nuốt vật gì khó nuốt:

 

- Anh nói tiếp đi!

 

- Tôi bị thương trong trận cuối năm đó, về dưỡng thương ở Quân Y Viện Cần Thơ, sau đó tôi được điều về ban ba của tiểu khu cho đến ba mươi tháng tư…

 

Tạo lơ đãng ngồi nghe mà trong lòng có thừa sự chua chát. Tất cả đều nằm trong bản tự khai của Tân. Anh lại tiếp tục hỏi và Tân cứ tiếp tục trả lời, Tạo cũng không biết tại sao mình lại hỏi, để nghe những câu trả lời mình đã biết. Cuối cùng, Tạo nói sau khi xếp lại bản tự khai của Tân:

 

- Bây giờ anh cứ yên tâm học tập, chấp hành kỷ luật cho tốt, thành tâm hối cải tội lỗi chống lại nhân dân, chống lại cách mạng, chúng tôi sẽ sớm xét cho anh trở về với gia đình…

 

***

 

Tháng Tư năm một chín tám mốt Tân được ra trại, sau gần sáu năm lang thang hết trại này sang trại khác. Về đến nhà sau những mừng mừng tủi tủi, Tân mới được chị Thơ và vợ anh cho biết Tạo còn sống, trở về hỏi về anh đã đến tìm thăm anh ở trại cải tạo. Qua lời kể chuyện, Tân ngỡ ngàng khi biết viên sĩ quan cụt tay trái nói chuyện với anh hồi ở trại lao động Long Toàn ba năm trước chính là Tạo. Nhưng Tân không hề biết anh mình là người đã lên phương án tấn công cứ điểm, là người đã mang một quân số gấp ba lực lượng đồn trú để tấn công cũng không biết chính anh mình đã sử dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung, mong bẻ gảy sức kháng cự của lực lượng trong đặc khu để nhổ đi cái gai trên đường lấn vào trong của Mặt Trận, sửa soạn cho hiệp định Paris ký kết sau đó vài tháng.

 

Sau những thông tin đó, Tân cũng không có dịp gặp lại anh mình cho đến ngày gia đình Tân định cư ở Mỹ theo diện HO.

 

 

7

 

 

Sau gần hai mươi năm trên xứ người, năm hai ngàn mười anh thu xếp trở về sau khi nhận được thư của chị Thơ nói Tạo đang bệnh nặng. Dù không cùng lý tưởng, tình máu mủ đã thôi thúc anh về để gặp lại người anh không cùng chiến tuyến.

 

Ngồi cạnh giường bệnh, anh chăm chú nhìn thân hình khô héo trên giường mong tìm lại hình ảnh của người anh thủa nào, nhưng anh chỉ tìm thấy trên gương mặt hốc hác, một tia nhìn bao dung. Tạo cố nắm lấy tay Tân, nước mắt ứa ra từ đôi mắt khô héo. Nụ cười héo hắt trên môi. Thân thể Tạo gầy còm trong bộ quân phục bộ đội cũ kỷ. Chế độ chu cấp cho thương binh hưu trí của nhà nước chỉ có chừng.

 

Hai người yên lặng rất lâu, Tân không biết phải nói gì với anh. Cuối cùng Tạo hỏi, rồi tự trả lời:

 

- Chú biết anh mất cánh tay này lúc nào không? – Trong trận Long Toàn năm một chín bảy hai đó.

 

Tân thầm kêu Trời, nghẹn ngào ứa nước mắt nhìn anh.

 

Những ngày cầm súng chống lại những người cộng sản mù quáng nghe theo những lý thuyết man dại, mang súng đạn trút lên đầu dân lành, Tân nghĩ là mình đang làm người bảo vệ cho dân, bảo vệ cho tự do, dân chủ, cho nền cộng hòa còn non trẻ của miền Nam.  Thảm cảnh Mậu Thân, Đại Lộ Kinh Hoàng… càng làm cho anh tin tưởng rằng người cộng sản chỉ biết hận thù, chỉ có đảng, chỉ có đấu tranh giai cấp.  Anh cầm súng cũng trong ý niệm không muốn nhìn thấy vợ con mình, gia đình mình, ngày nào đó lại là những nạn nhân vô tội của những quả rocket 122 ly, phóng bừa bãi vào thị trấn, thành phố…

 

Bây giờ thì đã rõ, thương tích trên thân thể anh, trên anh Tạo, là do chính anh em mang tới cho nhau.  Còn bao nhiêu gia đình Việt Nam rơi vào thảm cảnh này trong cuộc chiến mà cả hai bên đều nhân danh cho lý tưởng mình đang theo.

 

Cuối cùng thì ai thắng, ai bại?

 

 

Hòa Đa

Houston – 2013

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 93132)
AUSTIN, Texas (VAHF) -- Vietnam Center thuộc Đại học Texas Tech tại Lubbock vừa thông báo một tin vui cho hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation - VAHF). Đó là, trung tâm này vừa nhận được ngân khoản tài trợ 144,120 Mỹ kim từ Ủy Ban Xuất Bản Sử liệu và Tài liệu Quốc Gia (National Historical Publications and Records Commission – NHPRC) để giúp trung tâm hoàn tất việc vi tính hoá (digitize) trên 200,000 trang tài liệu để đưa lên Thư viện Điện tử Quốc gia bộ sưu tập về Tù Nhân Chính Trị Việt Nam, mà hội VAHF đã và đang hợp tác với Việt Nam Center từ năm 2005.
01 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 113304)
01 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 102952)
A nh đã lớn lên với những bát phở ở Hanoi, sau khi đất nước chia đôi, anh lại trưởng thành với những bát phở ở Saigon. Anh ăn phở gần như hàng ngày, tại những quán phở có tên tuổi như Tàu Bay, 79, Tương Lai, phở Hòa, Hòa Cựu... hay những xe phở đầu đường không ai cần nhớ tên và cũng chỉ gọi bằng những biệt danh, như các gánh phở ngày xưa.
22 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 93696)
N ếu không trì hoãn được ít nhất một thập niên, Xayaburi như con cờ Domino đầu tiên đổ xuống, sẽ kéo theo những bước khai thác ồ ạt các con đập hạ lưu khác và hậu quả tác hại trước mắt và lâu dài ra sao trên toàn hệ sinh thái Sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long là không sao lường trước được. NGÔ THẾ VINH
17 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 108048)
C âu hỏi được đặt ra là tại sao bài Đáp Lời Sông Núi [2] của Trúc Hồ lại có thể vượt không gian và đặc biệt là đường ranh Quốc - Cộng để không riêng được mọi người ưa thích mà còn được hát lên như vậy? Câu hỏi này đã khiến cho những người từng theo dõi sự xuất hiện và phổ biến của những bài hùng ca [...] nhớ tới những bài hát của thời thập niên bốn mươi của thế kỷ trước.
16 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 95418)
N hìn cái tựa sách, ngắm bức hình người bạn đồng nghiệp (dư) cầm bút, đồng nơi sinh (Sơn Tây) và đồng tuổi (song thua tôi mấy tháng) chít cái khăn đầy vẻ giang hồ trên hình bìa, tôi không khỏi mỉm cười. Lững thững, theo vdict.com, là thong thả, ung dung, như trong “đi lững thững ở bờ sông,” và informatik.uni-leipzig.de cũng dùng cùng một định nghĩa.
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 101230)
S au nhiều năm bị giam cầm và cả 7 năm quản thúc tại gia, lãnh tụ dân chủ đối lập bà Aung San Suu Kyi được thả ra. Ngay sau đó, từ tháng 8 năm 2011, bà đã mạnh dạn lên tiếng kêu gọi phong trào quần chúng hãy bảo vệ con sông Irrawaddy cùng với yêu cầu phải tái lượng giá ảnh hưởng môi sinh...
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 116373)
N hà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.
25 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 91396)
H ợp Lưu 115 đến với quí độc giả và văn hữu vào những ngày cuối tháng Mười khi “Cuộc cách mạnh Mùa Xuân Ả Rập” ở Lybia đã thành công bằng sự ra đi vĩnh viễn của Gaddafi, một tin ngắn của Reuters cho biết: “Ông Gaddafi và con trai đã bị thương, bị bắt sống nhưng sau đó đã chết. Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải chôn cất trong vòng một ngày, nên việc trưng bày xác chết cho người xem trong nhiều ngày đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu, nhưng […]mọi người và các nhà lãnh đạo Libya đều đến xem xác Gaddafi để rút bài học và đừng bao giờ đàn áp người dân.” Đoạn tin trên khiến cho chúng ta liên tưởng đến nhiều việc...
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 88625)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu