- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Văn Học Miền Nam Điều Sót Lại

26 Tháng Chín 20143:07 SA(Xem: 33868)

SachXua- Luu Na

Một phút một đời - Sống mới xuất bản 1972


 

Tôi đến Mỹ đầu tuổi đôi mươi.  Tôi đã lao vào một cuộc phiêu lưu, đã hứng lấy những kinh hoàng không ai tưởng tượng được, để bắt đầu một cuộc đời mới với cái vạ tuyệt thông trùm phủ lên tất cả mọi người dân Việt lưu lạc: tuyệt lối về, đoạn dứt tình thân.  Dưới chân không còn đất, chung quanh không còn người, chỉ còn mảnh trăng cũ thì cũng chỉ là trăng của nhà ai.  Trong nỗi bơ vơ thất lạc, còn cứu cánh nào hơn là tìm lại chính mình.  Mà biết đâu tìm, quanh tôi chỉ là nỗi trống.  Chỉ còn một sợi chỉ mỏng manh _ đó là tiếng Mẹ, những con chữ.  Tôi lao vào đống chữ còn sót, và thấy…

 

 

 

Thấy tôi

 

 

Tôi thấy tôi những ngày thơ dại, 10 tuổi, lớp nhất.  Cô giáo Tân áo dài đen tóc búi da trắng ngà ánh mắt buồn bã tâm sự cùng lũ trẻ ngây ngô: cha cô không thích cô học Luật, nói rằng đó là nghề bất nhân.  Tôi thấy tôi tìm mua Tâm Hồn Cao Thượng vì thầy dạy luyện thi đệ thất nói nên đọc. 

 

Tôi thấy tôi vào trường nữ trung học, những năm đệ nhất cấp học Kim văn với Lê văn Trương, Tự Lực Văn đoàn, Nửa chùng Xuân…, học cổ văn với những bài thơ của Cao bá Quát Tú Xương Nguyễn công Trứ Lê thánh Tông, giảng và bình:

 

Nghi ngút đầu gềnh tỏa khói hương

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương

Ngọn đèn dù nhẵn đừng nghe trẻ

Làn nước chi cho lụy đến nàng

Chứng quả đã đôi vừng nhật nguyệt

Giải oan chi mượn đến đàn tràng

Qua đây mới rõ nguồn cơn ấy

Khá trách chàng Trương khéo phụ phàng

 

(Đề Miếu chàng Trương, Lê Thánh Tông)

http://hovuvo.com/Forum.aspx?View=ViewNews&NewsID=41

 

Ở tuổi 13 tôi vẫn còn cột 2 tà áo dài vào một bên hông để chơi u trong sân chùa Xá Lợi, mấy bài thơ vớ vẩn ấy chỉ gieo được vào lòng một âm hưởng ngậm ngùi.  Nhưng ngoài học đường, sách truyện vui và hay hơn nhiều.  Tha hồ đọc Tuổi Hoa Xanh tình cảm nhẹ nhàng hay Tuổi Hoa Đỏ trinh thám giật gân, hay xé rào mà đọc Quỳnh Dao, đọc truyện chưởng.  Anh tôi mê truyện du đãng Duyên Anh, chị tôi tỉ tê em ơi lửa tắt bình khô rượu, má tôi khoái Bên giòng sông Trẹm đăng hằng ngày trên nhật báo, ba tôi bĩu môi _ xem tin tức nghị luận chứ xem chi những thứ rặt màu son phấn. 

 

Mười lăm mười sáu tôi đã có thể tha hồ đọc những quyển sách người lớn, nhờ cô hàng xóm học Văn Khoa.  Tôi mượn cô đưa liền, chắc hẳn thâm tâm cô nghĩ tôi trả lại ngay vì có đọc được đâu.  Những cuốn truyện dịch Yêu Chỉ Một Người, Những Bông Hồng Đầu Hạ, Một Phút Một Đời…  Bạn tôi thì đằm thắm hơn, đọc sách học làm người do Nguyễn Hiến Lê giới thiệu, và các anh của nó thì lúc nào cũng suy tư nghiêm trọng mà lẩm bẩm những cái tên lạ hoắc hết hồn…

 

Bên cạnh khói mù xe lam xe gắn máy, trưa trưa các bác xích lô ăn cơm tấm hành mỡ xong thì đọc báo và úp tờ báo lên mặt đánh một giấc.  Các chị giúp việc đến tối rảnh rang thì ra tiệm tạp hóa của ông Z27 đường Phan Đình Phùng mua bản nhạc về hát, mua tập vọng cổ về ca.  Cả xã hội miền Nam lăn ra nuốt chữ, nghĩa là đâu đó có cả huyện các tác giả lăn ra viết, và những nhà xuất bản tiệm sách sạp báo tiệm cho thuê truyện lăn ra mà sống bằng chữ.  Sách giáo khoa ở trường, sách đọc ở bên ngoài, nhìn lại, tôi đã lớn lên trong văn học miền Nam dẫu tôi không nhìn thấy không ý thức được điều ấy.  Vả chăng, muốn “thấy” một nền văn học thì phải đứng bên ngoài nó chứ không thể nào đứng ở trong ở giữa nó mà mong thấy đúng thấy đủ một nền văn học.  Bây giờ, dù muốn hay không, tôi cũng đã ra khỏi nền văn học đó.

 

Thời cuộc buộc Văn Học Miền Nam phải chấm dứt năm 1975, tôi cho đó là phải lẽ vì không thể nào có một biến động xã hội lịch sử lớn lao ảnh hưởng đến cuộc sống con người xảy ra mà văn học không chuyển mình thay đổi, chấm dứt một thời kỳ để bước qua một thời kỳ khác.  Vấn đề chỉ là nó đã chấm dứt ra sao, ở đây có thể nói ngay là hết, không chuyển hướng không đẩy lùi cái cũ tiếp thu cái mới không thêm vào một khuynh hướng một đường lối gì cả, chấm hết, hết; và nó đã được bảo tồn thế nào cho thế hệ chuyển tiếp.  Tôi nói bảo tồn, vì văn học cùng với giáo dục cùng với tập quán sinh sống cùng với tục lệ xã hội là những thành tố của văn hóa dân tộc, văn hóa một miền đất một nhóm con người, không bảo tồn để cho nó mất đi thì kể như lịch sử bị đục thủng bị đứt đoạn, quá khứ bị xóa nhòa, ai biết ai là ai, chúng ta liên hệ với nhau ra sao, làm sao để tôi thấy được người?

 

 

 

Thấy Người

 

 

Thấy người, chẳng phải tôi không thấy người.  Còn người còn chữ viết, chả phải không thể thấy.  Chỉ là, tôi phải thấy nền văn học cũ qua hoài niệm của những người đi trước, của thế hệ đàn anh hơn tôi một giáp, mươi mười lăm tuổi.  Tôi chỉ thấy Mai Thảo, Sáng Tạo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, thầy triết Nguyên Sa, thầy triết Nguyễn xuân Hoàng…  Cả một rừng chữ với người đâu phải chỉ có bấy nhiêu tên?  Bậc đàn anh tôi đã đi qua rất nhiều, đã thu nhận biết bao nhiêu, sao chỉ lập lại mãi hoài mấy tên tuổi đó, và cũng chả ai nói được điều gì mới, có đủ ý nghĩa về một tác giả, ngoài những tiểu sử, những vụn vặt bên lề, những hào quang đã tỏa những vương miện đã được trao.  Tôi khát khao biết tại sao văn Mai Thảo hay, tại sao người ta chỉ biết có Thanh Tâm Tuyền Dương Nghiễm Mậu, tại sao các thầy triết Nguyên Sa, Nguyễn Xuân Hoàng mới đáng nhắc.  Không phải thầy Nguyễn văn Trung mới thực đã góp nhiều công mang khái niệm triết học đến cho sinh viên thời ấy?  Tại thầy Hoàng đẹp trai, tại thầy Lan biết làm thơ?  Tại Nguyễn Đình Toàn không thuộc nhóm Sáng Tạo?  Đi học ở Paris thì phải nhắc Paris trong nhạc trong thơ và như vậy mới hay mới xịn mới sang?  Hoàng Ngọc Tuấn Thư Về Đường Sơn Cúc đâu có đi Paris bao giờ nhưng thơ truyện hay quá trời đó chứ?

 

Tôi đi tìm tôi tìm người trong văn học cũ, lòng ngao ngán ê chề, vì tôi thì còn nhỏ, còn ngu, và người thì dường mang nhiều quên lãng, quên quá khứ, quên nhau?  Tôi hậm hực, người ta càng tung hô tôi càng không đọc Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền.  Cũng còn may tôi biết mê Võ Phiến _ văn Võ Phiến không cần sự tung hô hay giới thiệu, ngày ngày chờ Văn Học Tổng Quan in ra được cuốn nào thì rước về cuốn đó, mua bao ny lông bọc, mua tem màu hình sao dán vào gáy sách để đánh dấu phân loại…  Cái trò trẻ con ấy tôi làm với tất cả thành kính, vì chứa trong đó là dĩ vãng của tôi, của biết bao người.  Nhưng tôi vẫn không thấy người.

 

Tôi đi qua một nửa đời, tìm đọc không biết là bao sách cũ dù biết là mình không thể nào đọc hết dẫu có thể thu góp lại tất cả kho tàng, những câu hỏi cũ còn hoài, cho đến khi tuổi đời ghè bớt cái tánh cứng đầu, bớt lòng háo thắng.  Tôi phải tìm đọc Mai Thảo Thanh Tâm Tuyền để tự trả lời mình, văn học miền Nam lẽ đâu chỉ gồm những cái tên vô nghĩa.  Quá khứ của tôi, của bao người, lẽ nào chỉ là những dòng mực đen.

 

Tôi tìm thấy Mai Thảo khi đọc câu thơ  Đời ta sử chép cả nghìn chương,” khi đọc Luân, đọc trang nói lên cảm xúc của người đàn ông, một lòng xót thương, và bị cuốn hút theo cái lên đồng của Mai Thảo khi Mai Thảo tuôn đổ cảm xúc nghĩ suy xuống trang giấy trắng.  Cái nhìn về một quyết định không thể giải thích của một cõi lòng hoang mang trong một khoảnh khắc thật ngắn mà không thể bỏ qua không thể quên đi, đọc lại vẫn thấy ngợp.  Và không thể nhớ gì hơn dù một chữ một lời.  Những con chữ, chấm câu ngắt khúc, nó có nhịp sống riêng không gạn lọc so đo.  Chưa chắc người viết có thể sửa được những gì đã được viết xuống mà không phản bội cảm xúc ý nghĩ của mình.  Nếu đọc chữ của Mai Thảo như đọc văn, một mạch với những kết cấu dựng nên thì sẽ bị nhốt trong cái sườn văn hoa đó.  Quên hết đi chỉ đọc những suy cảm, không tìm mà thấy một Mai Thảo với tâm hồn và suy nghĩ thật phong phú sâu sắc, một con người chỉ viết về quá khứ và chỉ nói về cảm xúc của mình.  Mai Thảo sống thật trọn vẹn mà vẫn mang theo mình một nỗi cô đơn; xem thường tất cả mà mọi người chung quanh vẫn cảm được cái quan hoài; thật ngang ngược thật quái mà người chung quanh vẫn bị cuốn hút vào, hạt cát sông Hằng ấy, từ những năm 50’s, 60’s, đã đòi

 

…chế lấy mây và gây lấy nắng

Chế lấy, đừng vay mượn đất trời…

 

Văn học với những tâm hồn ý tưởng đó đáng ra phải được bảo tồn phát huy, có phải?

 

Và văn học đó không chỉ có Mai Thảo.  Bây giờ tôi cắm đầu đọc Thanh Tâm Tuyền.  Tôi hiểu vì sao thanh niên thời đó, những bậc đàn anh của tôi chỉ nhớ TTT.  Những lời TTT viết ra chỉ toàn gầm gừ đòi xóa bỏ mình, xóa bỏ chữ nghĩa, xóa bỏ suy tư, xóa bỏ tình cảm _  những thói quen của cuộc đời, tự làm rỗng mình để sống, sống trọn vẹn từng phút giây, sống cuộc sống như phải là, sống:

 

nếu ưa cái đời sống của mình thì hãy sống với nó thực hơn. Viết là muốn cái khác, trong khi muốn cái khác mà cứ phải che đậy nói về cái mình đã bỏ đi là giả dối, là đạo đức giả. Anh có ưa cái đời sống loăng quăng này của anh không? Có. Anh còn muốn gì khác không? Không. Vậy đúng rồi, ôm lấy nó mà sống mà tận hưởng thú vị, việc gì phải viết, bỏ cái thú sống thực đổi lấy cái thứ sống giả..”

 

 (Khuôn Mặt, Tập truyện ngắn, nxb Sáng Tạo 1964)

http://motsach.info/story.php?story=khuon_mat__thanh_tam_tuyen&chapter=002

 

A ha, Thanh Tâm Tuyền, cái ngần ngừ _ luôn ngần ngừ, cái dằn vặt _ luôn dằn vặt, được viết ra một cách sắc xảo quyết liệt, cái sắc quyết ấy như tiếng sấm làm ù tai, như làn sét làm lóa mắt, tôi đọc, và dù không hiểu hết vẫn cảm được cái bồng bột nhiệt huyết của tuổi trẻ như lửa bùng như nắm cát bỏng của sa mạc ném vào mặt mình.  Mang vết bỏng đó ở tuổi vào đời chắc tôi cũng sẽ như bậc đàn anh chỉ nhớ hoài một cái tên và cũng sẽ gọi hoài cái tên ấy cho đỡ nhớ!!!  Tôi hiểu vì sao nơi rừng văn học ấy Thanh Tâm Tuyền được nhắc hoài và Nguyễn đình Toàn được quên hoài dù người ta vẫn đọc, vẫn tìm mua sách vẫn mang lòng quí mến cho đến tận bây giờ.  Bên cạnh lò lửa Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn đình Toàn như sương, phủ sương mờ lên cuộc sống.  Nguyễn đình Toàn mang hết chữ, tràng giang đại hải, viết xuống chỉ để không nói.  Mang vết bỏng Thanh Tâm Tuyền thì dễ nhắc, nhưng mang cái sương mờ của Nguyễn Đình Toàn thì chỉ thấy ớn nặng tâm hồn chứ biết nhắc cái gì?  Tôi nhớ cái ngu của mình khi đọc Một Phút Một Đời, hình như của Pearl Buck, ba mươi năm trước. 

 

 

Một phút một đời 


Một Phút Một Đời nói chuyện một anh họa sĩ về miền đồng quê vẽ.  Khi chiều xuống, từ giã đồng hoang rạ vàng trong nắng anh đến gõ cửa nhà một nông dân, và người con gái ra mở cửa.  Trong ánh hoàng hôn thôn dã, cô đứng đó hoàn tất bức họa đồng quê và anh yêu cô ngay phút ấy.  Rồi anh cưới cô, mang cô về thành thị.  Những ngày ray rứt rã rời vì thương nhớ làng quê, những ngày khó ở vì mang đứa con đầu, anh yêu từng giây phút đổi thay của cô.  Đưa cô trở về quê cũ, anh yêu từng hình ảnh của cô, người mẹ trẻ, phút giận dữ phút dã dượi mệt mỏi đồng áng phút lấm tấm mồ hôi lau chùi quét dọn, phút lo lắng cho con phút nổi giận với chồng.  Anh yêu, mải yêu đến một lúc nào đó đã thấy răng long đầu bạc.  Bây giờ, bà cụ leo qua ngọn đồi, tới ngồi dưới gốc cây trong nắng tưởng nhớ đến người chồng một đời của mình đã khuất. 

 

Mười mấy tuổi tôi đọc thấy lãng xẹt.  Ba mươi tuổi tôi đọc, cũng vẫn thấy nhàn nhạt buồn buồn.  Bây giờ đọc Nguyễn Đình Toàn mấy ngàn trang mấy mươi ngàn chữ tôi hốt hoảng nhận ra NĐT viết để không nói cái điều mà Thanh Tâm Tuyền vẫn gầm gừ: sống.  Nguyễn Đình Toàn đã sống mỗi một phút bằng cả một đời, sống không biết bao nhiêu kiếp rồi trong mỗi trang viết về một phút.  Hiện sinh, Thanh Tâm Tuyền và Nguyễn Đình Toàn như nước với lửa như âm với dương như âm bản và dương bản của bức hình sự sống.  Nguyễn Đình Toàn không dạy, nhưng tôi vỡ ra thế nào là Một Phút Một Đời.  Tác giả ấy đã viết, người nào đó đã dịch, đã đem nó đến với văn học, với tôi, với chúng ta, và tôi đã lớn lên như cỏ cây hoang dại trong rối ren chữ nghĩa ấy, mang một nỗi băn khoăn thắc mắc 30 năm dài.  Văn học, không phải nhiệm vụ của nó là đánh thức lương tri trí thức cảm xúc sâu thẳm của mỗi con người?  Văn học, không phải chính nó cầy xới gieo mầm cho hiểu biết cảm xúc của mình lớn mạnh để tìm chính mình, thấy mình thấy người và thấy được tha nhân?

 

 

 

Thấy Tha Nhân

 

 

Thấy mình, thấy bậc đàn anh, thấy người, tôi cũng thấy ra tha nhân.  Tha nhân của tôi là người miền Nam.  Tôi buồn lòng và xấu hổ thú nhận như vậy.  Nhưng chính là nhờ những học giả nhà văn của miền Nam cũ, những người đã mang công sức dịch những truyện nhàn nhạt buồn buồn, dịch những tác phẩm văn học mà bên Mỹ này học sinh trung học phải đọc, đưa những ý niệm văn triết của phương Tây đến giới thiệu với xã hội miền Nam, sáng tác những tác phẩm văn chương nhiều màu sắc dạng hình đánh thức lòng yêu thương cuộc sống, mà miền Nam đã có những thành quả văn hóa, những sinh hoạt văn hóa nhiều sắc màu, mà tôi biết thích những vần thơ Giang Nam những năm đầu ở với Cộng Sản.  Bài thơ ấy thì chỉ giản dị thôi, thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường, yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ, nhưng nó nói với tôi người miền Bắc cũng là người, cũng yêu quê hương như mình, và nhất là, họ cũng đau khổ như mình:

 

Từ độ xa nhau thư không bao giờ gửi nữa

Anh vui đời sương gió

Nhọc nhằn gian khổ đã mười năm

Khăn em trao từ độ lên đường

Trải bao dãi nắng dầm sương vẫn còn

Nay công đồn Ninh Bắc,

Mai Hạ Lào Sầm Giả

Điện Biên Phủ anh gian khổ từng giờ

Mong ngày dựng lại màu cờ

Anh về quê cũ em chờ đợi anh

 

Nhưng anh nào có đâu ngờ

Lịnh Đảng về Giải Phóng

Gia đình em bị qui phản động

Chỉ vì năm mẫu ruộng ngày xưa

Cưới em không được nữa

Bây giờ ai đợi ai chờ ai đây

Sầu dưng lệ đổ bàn tay

Thư không gửi nữa từ ngày xa nhau  *

 

 

Tác giả là ai tôi không còn nhớ, nhưng tuổi mười sáu đơn sơ dẫu oán hận người cộng sản tôi vẫn thấy cảm xúc dâng đầy với bài thơ mộc mạc ấy.  Máu ai không đỏ, lòng ai không mềm.  Đáng ra Nam và Bắc đã có thể lại gần nhau hơn, vì rõ ràng có con đường nào có nhịp cầu nào nối được lòng người với nhau hơn nhịp cầu văn học?  Đáng ra văn học Việt Nam đã có thể có nhiều những sinh hoạt văn học gắn kết người trong ngoài xưa nay với nhau hơn, có nhiều những thành quả đồng bộ hơn là những giải văn chương cá nhân và cá biệt.

 

Tôi nghĩ rằng chúng ta không có được một sinh hoạt văn học như phải có: người sáng tác sáng tác cho mình nhưng phải với tới tha nhân làm giàu tha nhân, người làm công việc biên soạn khảo cứu làm vì lẽ thật vì điều hay để xã hội được cùng tiến, và chúng ta đến với nhau để chấp nhận nhau để cùng nhau hướng về một điều gì cao cả hơn chúng ta bây giờ, đẹp đẽ hơn những gì đang có bây giờ.

 

Khi tôi đọc lại người cũ, những gì đã viết và bây giờ được viết, tôi sung sướng ghi nhận cái riêng tư của mỗi người.  Như Phan Lạc Phúc và Phan Lạc Tiếp.  Họ là anh em lớn lên trong cùng một gia đình, cùng trong quân đội Cộng Hòa, cùng trong cuộc chiến, cùng phục vụ một chính thể, nhưng họ tiếp cận cùng một vấn đề theo tính cách riêng, theo suy nghĩ riêng của mỗi người.  Phan Lạc Phúc thấy cái giải đất chữ S của Việt Nam giúp mình nhiều cơ hội tiếp cận nhiều nguồn văn hóa khác nhau, nhưng vì nhiều văn hóa quá nên thành bánh da lợn (Tuyển Tập Tạp Ghi).  Phan Lạc Tiếp thấy mảnh đất chữ S giáp biển giúp mình nhiều cơ hội học hỏi nhưng chiến tranh triền miên nên cái học không thấm sâu nên nhân tài cho đất nước còn thiếu.  Nói chung không chỉ có anh em nhà họ Phan khác nhau, mà là cả thiên hạ miền Nam nói và nghĩ theo ý của riêng mình. 

 

Nguyễn Văn Trung viết Ngôn Ngữ Và Thân Xác thì Võ Phiến cười cợt Chửi (Võ Phiến, Tùy Bút 1); người ta nói Nguyễn đình Toàn Thanh Tâm Tuyền Hùynh Phan Anh là hiện sinh thì Nguyễn Hiến Lê nói văn học miền Nam không có hiện sinh (Nguyễn Hiến Lê.  Hồi Ký, tập II.  Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, USA.  1990); người ta nói thuyết Việt Học gì đó thì có người hỏi khẽ đâu là bằng chứng. 

Bây giờ trong và ngoài nước hình như đồng loạt mang tứ khoái vào văn chương, nói là hiện sinh thì đó là bước thụt lùi, nói là thực hóa thì cũng vẫn là lui lại.  Bây giờ hình như chúng ta bình văn thơ bằng kiến thức hơn là bằng tâm hồn đồng cảm đồng điệu.  Tôi không thấy ai bình thơ như Bùi Giáng bình Tuệ Sỹ, Võ Phiến bình Tô Thùy Yên, Huỳnh Phan Anh viết về Áo Mơ Phai.  Nói đề tài hay nói hình thức, tôi đều cho đó là sự giật lùi khi nghĩ đến điều Mai Thảo đã khêu gợi năm xưa: Chế lấy mây và gây lấy nắng, Chế lấy đừng vay mượn đất trời.

 

Hãy cho rằng tôi là một người lỗi thời không theo kịp ngôn ngữ thời đại nên đọc người thời nay, trong cũng như ngoài nước, mà không cảm được như đã từng ghi nhận hai năm trước trong Giữa Đọc Và Viết:

 

Có cần không một cái nền liên kết người đọc và người viết?  Cái chung cần có không nhất thiết là mảnh đất địa lý dù đó là nơi mà chúng ta cùng đứng để cùng yêu mến; một tổ quốc chung cũng vẫn là điều khả thể khi bị ngăn cách không gian. 

 

…Nền văn học cũ toát ra cái ý chung: bảo tồn một bản sắc đã có _dân tộc, đất nước, con người_  và mong làm giầu nó.  Người ta muốn khác nhau chứ không chống nhau.  Những tiếng kêu những trăn trở dù mơ hồ nhưng có nét thực của tâm hồn, gắn bó người viết với người đọc.  Văn học bây giờ, bên ngoài là hoài niệm cái đã mất, là đi tìm lối thoát cho cái đã có và đưa nó đi xa hơn, là hội nhập và nói với thế giới bên ngoài về mình.  Nhưng chúng ta có thực biết mình muốn viết cái gì, sẽ viết ra sao?  Hình như chúng ta nhận định phê bình rất nhiều trước khi có tác phẩm thực để phê bình, trước khi biết rõ thế nào là phê bình.  Số người am hiểu và viết đứng đắn không đủ để tạo ra một cái nền.  Tôi đọc mãi đọc hoài, vẫn thấy không gắn kết được những trang chữ hải ngoại lại cho thành một nền văn học văn chương.  Văn học bên trong dường như là đi tìm chính mình, khẳng định bản sắc.  Tại sao mình phải đi tìm bản sắc khi mình đã có bản sắc từ lịch sử bao nhiêu năm?  Chung chung những tác phẩm bài viết trong nước mà tôi đọc được đầy rẫy ẩn dụ và những tình tiết éo le kinh khủng, những tiếng kêu thống khổ; rõ là thực mà lại không mang cho tôi được ý niệm người viết là ai, và có điều gì nơi tâm hồn người ấy.  Những hàng chữ vẫn như chưa ra khỏi tính cách “hiện thực xã hội.”  Tôi vẫn thấy mình thất lạc với cái viết của hôm nay, bây giờ. 

 

Nơi cái thất lạc nêu trên, tôi càng tiếc là văn học miền Nam đã không được bảo tồn.  Trên cái căn bản văn học miền Nam mà tôi đã lớn lên, tôi đã có thể cảm thương với những mất mát của người anh em phía Bắc, tôi chấp nhận những khác biệt của văn hóa của con người, và tôi biết đợi chờ biết thành thực để trả lời cho mình những thắc mắc.  Giả mà chúng ta kẻ Nam người Bắc đã có thể cùng đọc những gì đã được viết ra trong 20 năm văn học miền Nam, nếu không tiếp nhận được cái nhân bản trong nền văn học ấy, tối thiểu chúng ta vẫn có thể có cùng niềm yêu mến Quốc Văn Giáo Khoa Thư như người xưa, hoặc nếu có bất đồng, chúng ta đã có chung một ngôn ngữ để bàn trên một tác phẩm.  Nghĩ thêm,  tôi tin rằng ngôn ngữ, của thời đã qua, chính là điều nối chúng ta lại, giúp chúng ta hiểu nhau hơn.  Thời đại đổi thay ngôn ngữ đổi thay, chúng ta đã có thể cùng nhau đổi thay, không như bây giờ cùng nói tiếng Việt mà mỗi nơi mỗi khác, chúng ta không hiểu nhau và cũng chẳng chấp nhận nhau. 

 

 

 

Đâu là kẻ khác

 

 

Khi trong với ngoài cùng lúc nêu vấn đề 20 năm Văn Học Miền Nam, phải chăng chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy nhau?  Đã đủ dài chưa những tháng ngày vùi dập lấp che, mắt liếc mắt nhìn mà chẳng dám nhận nhau?  Trong khi đất nước đối mặt cùng hiểm họa xâm lăng thì một hố chia rẽ dù nhỏ cũng mang lại tổn thất bội phần, làm vấy một nền văn học sau khi nó đã từng bị dập vùi e không còn lối quay lui. 

 

Văn Học Miền Nam, trước hết, là văn học của Việt Nam Cộng Hòa, một thực thể toàn vẹn, không có tạm chiếm hay đô thị núi rừng gì cả, và nó đã qua, đã chấm dứt sau cuộc chiến 20 năm.  Nền văn học đó đã có dẫu công nhận hay không, với những thành tựu và giới hạn của riêng nó. Nhắc lại quá khứ là để thấy ta thấy người, để có thể cảm hòa.  Nếu ngoài này nêu vấn đề 20 năm Văn Học Miền Nam chỉ để quanh quẩn tung hô người muôn năm cũ, hay làm sống lại một thời đã qua, thì chỉ là mở đường cho chuyện chối bỏ nhau thêm.  Nếu bên trong cho là cứu vớt, đó có thể là ném bùn vào mặt người anh em mà mình mong bắt tay nối nhịp cảm thông.

 

Nói là hội luận tìm hiểu, nói là bảo tồn phát triển, nói là gì đi nữa, chúng ta nên chính danh và thành thực hỏi lòng, mình làm điều đó cho ai và mong muốn điều gì. 

 

 

Lưu Na

Tháng 9-12-2014

 

 

 

* Lá thư không gửi của Nhất Tuấn:

lá thư không gửi

Tác giả: Nhất Tuấn
Từ độ xa em thư không bao giờ gửi nữa
Anh vui đời sương gió
Nuốt hận thù trong lòng súng hờn căm
Đêm ngày say máu giặc
Nhọc nhằn gian khổ đã mười năm

Khăn em trao từ độ lên đường
Trải bao dãi nắng dầm sương vẫn còn
Hết Ninh Bắc công đồn
Qua thượng Lào Sầm Nứa
Từng vùng bom rơi đạn nổ
Điện Biên Phủ anh gian khổ từng giờ
Mơ ngày chiến thắng dựng cờ
Anh về quê cũ em chờ đợi anh
Đôi lúc hành quân qua đèo
Nhìn mây đầu núi , lòng tương tư về
Sầu dưng vời vợi
Không biết quê người em gái
Có gì đổi thay
Những đêm mưa bay bay
Nằm nghe gió về rung lá chết
Nhớ thương sao mà da diết
Sầu núp mặt bàn tay
Anh về mong gặp người em gái
Biết nói làm sao khỏi nghẹn lời
Từng chiều xôn xao nhớ
Từng chiều nao nao buồn
Những mộng đêm đêm đầu gối súng
Những vần thơ yêu nóng bỏng
Viết trong chiến dịch mùa Đông
Bao nhiêu là nhớ là mong
Bao nhiêu là đợi là trông là chờ

Nhưng anh nào có đâu ngờ
Lệnh Đảng về giải phóng (**)
Gia đình em bị qui phản động !
Vì năm mẫu ruộng ngày xưa
Cưới em không được nữa
Bây giờ ai đợi ai chờ ai đây ?
Sầu dưng lệ đẫm bàn tay
Thư không gửi nữa từ ngày xa nhau ...

nguồn: http://poem.tkaraoke.com/11159/La_Thu_Khong_Gui.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Mười 202310:38 CH(Xem: 4524)
Hàng ngày trên con đường kiếm sống, thỉnh thoảng ta vẫn nghe trên cây khế trước nhà tiếng kêu của một loài quạ “ăn khế trả vàng, may túi ba gang mà đựng”. Dân ta ai cũng may sẵn những chiếc túi ba gang. Thời mở cửa, ai cũng hăm hở, ai cũng tưởng mình đã hốt đầy vàng trong cái kho của trời đất. Có biết đâu rằng vàng đã cho đi cả, chỉ còn lại sỏi và đá trong chiếc túi ba gang của mình. / Ta cho đi hết, cho hết cả … từ tài nguyên, của cải cho đến những giá trị cốt lõi. Và thế là đất không còn lành, chim không muốn đậu. Bầy chim túa đi thiên di mang theo tất cả, cả tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết,… rời bỏ đất nước mình!
24 Tháng Mười 20235:59 CH(Xem: 4354)
Em có buồn khi phải chia tay / Làm sao quên được phút giây này / Ngày mai tôi chết ai còn nhớ / Mộng đã không thành mây vẫn bay
24 Tháng Mười 20233:58 CH(Xem: 3698)
Người ta thường ví Mèo như một người phụ nữ, bởi Mèo có vẻ nhẹ nhàng nhỏ nhẻ từ cách ăn, cách ngủ cả đến lúc Mèo gần gũi, nũng nịu bên chủ để được che chở vuốt ve. Tôi không thích Mèo và không bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ nuôi Mèo. Tôi cho rằng cái cách dịu dàng của Mèo như một sự dối trá ẩn sau cái ác. Bởi lẽ lúc nhỏ, tôi đã từng chứng kiến và xót đau khi cái lũ mèo nhà hàng xóm xé tan xác ăn thịt mấy con chim bồ câu nhà mình nuôi. Nửa đêm khuya khắc tôi hay bị thức giấc vì tiếng kêu, tiếng chạy đuổi nhau trên mái tôn nhà ông Lý sát cạnh nhà mình, nghe bắt rợn người. Và có lẽ vì Mèo nó có cái vẻ yểu điệu, dịu dàng tương phản với cái vẻ thô thô, cứng ngắt của tôi nên tôi ghét nó...
24 Tháng Mười 20233:51 CH(Xem: 4198)
sáng mùa đông ta đi tản bộ / cỏ cây còn đẫm lạnh hơi sương / ta đi mà vẫn chưa về đến / đất cũ quê nhà chốn cố hương
24 Tháng Mười 20233:22 CH(Xem: 3432)
Mọi thông tin luôn nhanh chóng hiển thị trước mán hình vi tính . Chuỗi sự kiện của cuộc sống quanh tôi và tôi cảm nhận nó bằng tâm hồn mình./ Mỗi buổi sáng, khi thức thức dậy, bước xuống giường, vén mùng là tôi đã start máy, rê chuột là cả thế giới hiển thị trước mặt . Cây trong vườn vẫn xanh như độ nào, cành nhãn nở chùm bông trắng đầu mùa in bên khung cửa sổ như một bức tranh. Ngày nắng cũng như mưa, nó luôn hiển thị. Một thế giới hiện thực đầy hư ảo! / Tôi thích mơ mộng, trong tôi luôn hình dung những sự kiện rồi huyễn tưởng và sống với niềm hạnh phúc chứa chan trong cõi mộng đó.
24 Tháng Mười 20232:52 CH(Xem: 4311)
bởi mùa thu chỉ là hoàng hôn bên cửa / bên ngoài sân ga / mà tôi bỏ quên dấu tay chưa che lại / của giọt sương mai trên mái tóc buông dài / cho thêm dỗi hờn lên ngực / đã ngủ say khi cơn mưa vừa thức / lắng nghe âm thanh của ký ức mịt mù / khi rừng vừa bị đốn sạch / chôn trọn mối tư tình vào hoang phế mùa thu
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 3910)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 3817)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 4222)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 4523)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…