- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Chuyện Đời Nay

24 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 36374)

ngannammaytrangbay-nghoangnam-content

Ngàn năm mây bay -ảnh Nguyễn Hoàng Nam


Bà Tư quay lưng bước vội vào máy bay, hình ảnh đứa con trai và hai đứa cháu nội đứng vẫy tay nhìn theo hằn sâu vào tâm trí đã cằn cỗi, nhàu nát của bà. Suốt đoạn đường lái xe ra phi trường, bà và thằng con trai cưng quý của bà đã không có một mẩu đối thoại nào, dù từ mấy tuần nay Bà đã không ngừng lẩm bẩm tới lui hàng trăm lần những điều muốn nói với con lần cuối. Quái, từ ngày xóm giềng đưa xác ông Tư về, bà đã trải qua bao nhiêu trận đói khát, xách nhiễu, một mình nuôi hai con khôn lớn giữa hai làn đạn, bà chưa một lần ngần ngại, chả sợ sống chết. Vậy mà bây giờ,ở ngay giữa lòng cuộc sống ấm yên no đủ này, trái tim đã được cuộc đời và tuổi tác tôi luyện của bà lại thường xuyên co thắt, rụt rè. Cánh cửa máy bay hạ xuống, một tay ôm ngực khi không đau nhói, tay còn lại bà quệt vội những giọt nước mắt bỗng dưng ràn rụa trên gò má nhăn nheo. Đằng sau cánh cửa đóng chặt đó là giọt máu, khúc ruột, tình yêu, lẽ sống duy nhất của bà.

Máy bay cất cánh lên tầng không, bên dưới trùng trùng lớp lớp những bãi tuyết tiếp nối nhau, trắng bóc một màu bôi xoá. Mặt hồ Michigan đóng băng cứng ngắt, lạnh nhạt chôn sâu quãng đời ngắn ngủi bà sống ở Mỹ với vợ chồng thằng Hùng. Vẫn cái thói quen hằng chục năm nay, bà lẩm bẩm nói chuyện với ông Tư. Có thể nào bà vừa tỉnh dậy từ một giấc mơ.Nhưng sao cái mùi đau xót, mất mát vẫn còn hừng hực đến thế, như cái mùi bốc lên trong chiếc xe lam ngày bà vĩnh viễn mất Ông.

Vài năm trước đây, lòng đầy tự tin, từ quê nhà bà đáp máy bay sang Mỹ sau khi nghe tin con trai và con dâu lục đục. Bà thật không hiểu nỗi cái thằng con dở hơi, có vợ ngoan hiền như con Hà mà cũng không đủ sức cột thắt thì làm được cái ngữ gì. Bà nhớ rõ như in ngày bà bị bệnh u nan tử cung phải vào nằm bệnh viện, con bé nhà quê hiền lành đã ngày đêm túc trực chăm lo săn sóc cho bà. Khi lâm bệnh nặng, gọi con trai từ Mỹ về, bà và đứa con gái của bà đã dàn xếp cho thằng Hùng lấy nó. Họ hàng xa không bằng láng giềng gần, con bé cùng quê thân thiết với con Thảo con gái bà, gần đây chăm sóc Bà như mẹ ruột, sẵn sàng là người vợ nâng khăn sẻ áo cho thằng con trưởng ở Mỹ chỉ biết nai lưng làm lụng kiếm tiền, chẳng có chút tơ tưởng, hiểu biết gì về giống cái.

Sinh ra và lớn lên ở miền quê lam lũ, Bà cần cù làm lụng, cuộc sống đơn thuần những buổi sáng làm ruộng cho đến khi trời chạng vạng tối về nhà lo trong lo ngoài. Ngày gặp ông Tư, bà trân trân nhìn bàn tay và khuôn mặt thư sinh trắng nõm như bức tranh sơn thuỷ đã có lần bà được thấy qua, rồi để yên cho tiếng tiêu êm tai và những ngón tay thoăn thoắt của ông vuốt cổ bà. Gia đình hai bên không môn đăng hộ đối, các cụ chê Bà gái quê ít chữ.Chỉ ba tháng sau, bà bỏ quê bỏ ruộng, ông bỏ nhà bỏ đất đưa bà ra Đà Nẵng lập nghiệp. Hai vợ chồng sống chật vật, ông Tư không một lần hối tiếc. Ngày thằng Hùng chào đời, bà quỳ sụp khấn vái tổ tiên, cầu cho thằng con sống khoẻ mạnh, no đủ, có chữ có nghĩa, quan trọng nhất bà cầu cho nó có khí khái của ông Tư. Khi binh đoàn của Ông Tư ra quân, bà một mình gánh thằng Hùng vượt xóm xuyên làng đem con về quê cũ.

Làng quê Bà nằm ngay trên tuyến đường binh lửa. Ban đêm Việt Cộng đến quấy nhiễu. Ban ngày lính quốc gia về ra oai. Ngày ngày bà còng lưng ra sức cầy cấy, đêm về bao nhiêu lúa gạo phải nộp hết cho bộ đội. Đói rách lam lũ là đời sống thường tình của dân nghèo trong xóm chợ. Khi thằng Hùng lên bốn và con Thảo mới ba tháng tuổi còn nằm yên trong bụng, đang gánh lúa ra chợ, bà đổ quỵ xuống khi chứng kiến cảnh thằng con bé xíu lẽo đẽo theo sau chiếc xe chở xác ông Tư về, vắt vẻo chân trong chân ngoài. Dân làng nói ông Tư bị đạn bắn vào thái dương, xác vứt bên kia núi. Người ta trao cho gia đình bà cái bằng tử sĩ trong khi tự tay bà đào đất mai táng chồng. Đặt tấm hình cái mặt còn non choẹt của ông Tư lên bàn thờ, bà thề độc sẽ mang hết sức mình bảo bọc thằng con thoát khỏi số phận cha chú nó.

Ông Tư mất đi, thằng Hùng con Thảo trở thành mạch sống duy nhất của Bà. Ngày tháng đốt rụi tuổi xuân. Cuộc sống cơ cực, khắc khổ khiến Bà gầy rộc, cằn cỗi hơn cây khô mùa hạn. Ban ngày bà bận rộn luôn chân luôn tay việc đồng áng, chật vật, tất bật miếng ăn. Ban đêm là lúc bà sống lại. Bà ngồi đăm đăm nhìn tấm hình ông Tư trên bàn thờ, lắng nghe tiếng tiêu ngày nào văng vẳng ru bà vào giấc ngủ đầy mộng, của những tháng ngày ngắn ngủi Bà cùng ông Tư xắn quần trầm mình dưới cái nắng gắt của cát biển Đà Nẵng, những đêm trời mưa âm ỉ ông Tư đốt củi, bà quấn chặt thằng Hùng ấm áp cuộn sát một bên. Người ta có thể cướp trâu, cướp đất, cướp nhà cửa của Bà, nhưng cái kho tàng quý giá bất khả xâm phạm chính là tình yêu son sắt bà có với Ông.

Thằng Hùng ngày càng khôn lớn, được gia đình ông Tư thương yêu, dạy dỗ, nuôi ăn nuôi học. Niềm vui duy nhất của bà là khi nghe người ta khen nó nhìn giống ông Tư như khuôn đúc. Mà quả thật như vậy, mặt mày nó trắng trẻo thư sinh, chữ nghĩa lưu loát, lớn lên ngoài đồng ruộng, mà mắt nó sáng rực mỗi khi Cô Út mang về cho cuốn sách mới. Bà chạy chọt cho con đi học trường cao đẳng sư phạm. Khi ra trường, lý lịch tối, bà lại ra công đút lót mua cho nó cái chân giáo viên quèn ở trường làng bên kia núi. Tưởng là yên ổn, ngày công an đến gọi thằng con đi nghĩa vụ quân sự, bà lên cơn chửi đổng.Tổ cha cái xứ sở khốn nạn, mẹ con bà chả có nghĩa vụ gì với cái đất nước cùng khổ này nữa. Ba ngày sau, khi thằng Hùng vừa tròn 23 tuổi, bà bấm bụng đẩy con lên tàu vượt biển. Mới ngoài tuổi 43, tóc bà bạc trắng qua đêm, bà mất ăn mất ngủ cho đến ngày được tin chiếc tàu mang thằng Hùng đi khỏi cuộc đời bà đã đáp bến bình an.

Đêm hôm đó bà quỳ trước bàn thờ. Lần đầu tiên kể từ ngày ông Tư mất, bà cho phép mình khóc ròng. Những giọt nước mắt chảy ngược từ bao năm được dịp xối xả. Bà khóc như trận mưa đầu mùa, gội rửa cho ráo những tháng ngày bất hạnh, những nỗi sợ hãi, những cơn ám ảnh. Bà khóc mừng thằng con đã thoát khỏi cái chết, cái nghèo, cái số phận bi thảm, bất an của dân tộc bà. Bà khóc thương cho cái cảm giác ly tán, mất mát mơ hồ.Từ nay về sau, bà sẽ chẳng bao giờ còn có dịp chăm chút cho thằng con cưng quý nữa.

***

Ngày đặt chân xuống thành phố tuyết trắng, lòng bà rộn ràng biết mấy. Thằng Hùng dang tay ôm Mẹ, bà vừa hít ngửi, vừa luống cuống, lọng cọng vuốt cái mặt, cái đầu, cái lưng dài của nó. Niềm vui hội ngộ chưa đầy, bà đưa mắt nhìn quanh, mặt bà đanh lại: “Vợ con mày đâu sao không thấy?” Thằng Hùng thản nhiên: -Tụi nhỏ đi học. Hà đang ở HorseShoe? Bà trợn mắt: -Ho sù cái gì? Mẹ hỏi sao con Hà không đi đón Mẹ? Thằng Hùng chậm rãi: -HorseShoe là sòng bài cách nhà chừng một tiếng đồng hồ lái xe. Hai hôm nay Hà ở lại HorseShoe không về nhà.

Suốt đoạn đường lái xe, thằng Hùng im lặng, bà Tư mở mắt thao láo nhìn đường xá, quang cảnh, miệng kể chuyện huyên thuyên. Xe lái xuyên qua những cánh đồng trắng xoá, những hạt tuyết trắng rơi lan man như những hạt mưa bụi ở quê bà, bao phủ, bủa vây tứ phía. Bà chặc lưỡi: -Băng tuyết phủ kín đồng ruộng cây lúa làm sao sống nổi hả con? Cũng chẳng buồn chờ thằng Hùng trả lời, bà nói tiếp chuyện nhà, chuyện họ hàng, chuyện xóm làng. Nói đến chuyện xu gia, bà chép miệng: -Sao mày im thin thít thế kia. Kể chuyện vợ con cho mẹ nghe. Hai đứa bây có chuyện gì?

Ngày tháng trôi qua ở Mỹ, đã nhiều ngày, nhiều tháng Bà ở với con trai, con dâu và cháu nội. Chuyện vợ chồng thằng Hùng mãi đến bây giờ bà cũng không hiểu ra. Đàn bà đàn ông ở thời đại này, trên cái xứ sở quái đản này, cứ như loài dã thú không đầu không đuôi, không trước không sau.Thuở xưa còn ở quê nhà, trước khi thằng Hùng từ Mỹ về, con Hà quấn quít bên Bà không rời một bước.Tướng tá tròn trịa có vẻ nhân hậu, bắp chân săn vồng, đôi mông tròn mẩy khiến mấy ông già không dời nổi mắt, còn các bà mẹ như bà chỉ nghĩ đến chuyện rước nàng dâu mắn đẻ về cho con trai. Ngày thằng Hùng từ Mỹ về thăm nhà, con bé nhà quê như con bò mộng đã đóng ách, liu ríu quanh quẩn bên chân bà. Mặc kệ họ hàng khuyên can con bé đít to đầu teo không tương xứng với thằng con có chữ có nghĩa của mình, bà khăng khăng gả ghép nó cho con trai. Hôm thằng Hùng bằng lòng lấy nó làm vợ, nó sụt sịt kêu tiếng Mẹ, bà cảm động rơi nước mắt nhớ lại giấc mơ gái quê một thời của mình khi bà lẽo đẽo theo gót ông Tư. Mới ngày hôm qua đó thôi, bà nghe chính mình lẩm bẩm... rồi bà giật mình nghe tiếng cười rộ của con Hà và đám đàn bà trẻ. -Bà già nói gì? Giọng con Hà văng vẳng: -Bả đang diễn tuồng than thân trách phận. Ai thèm để ý. Tràng cười the thé nổi lên, rồi tan biến, bà chỉ kịp nhìn thấy những cánh chân trần bắp vế núc ních trên những chiếc giày xanh đỏ, cao nhồng nhọn hoắt đang lộp cộp bước xa dần. Chúng nó lại kéo nhau đi Ho-Sù. Bà nhớ ra thằng cháu nội đã giải thích: Bà nội, hỏng phải ho-sù, Horseshoe. Cái gì đó liên quan đến giày với ngựa. Bà làu bàu: mã mẹ mấy con đĩ ngựa.

Thật ra Bà Tư đâu phải là người không biết phải trái. Bà sang Mỹ chỉ với một tấm lòng duy nhất là hàn gắn tình cảm cho vợ chồng chúng nó. Đã nhiều lần bà cố gắng tìm cách gợi chuyện với con dâu. Bà thường bắt đầu bằng những kỷ niệm xưa cũ, cố tìm đâu đó trong cái bộ mặt khinh khỉnh, thái độ lạnh nhạt, hỗn láo của con Hà tấm lòng của con bé nhà quê chân chất ngày nào. Hồi mới sang, chân ướt chân ráo chưa hiểu trật tự xứ Mỹ, nóng lòng thấy thằng con và hai đứa cháu cưng của mình ngày nào cũng ăn mì tôm và pi-xà, bà xót ruột nặng nhẹ với con dâu. Có lần bà vô tình mắng nó: Mày tô son trét phấn làm gì mà để con cái bê bối, luộm thuộm. Mày tròn ủng tròn ỉnh mà để thằng chồng đói mốc đói meo. Mày là cái ngữ đàn bà thứ gì? Con Hà quay ngược lại, sát đến nhìn thẳng mặt bà đáp trả: Đàn bà xứ Mỹ thời nay không đần độn như các bà thời xưa. Nhà quê, xấu xí, mốc meo từ đầu tới chân. Có gì hay ho mà lên mặt dạy đời. Thật là hết chịu nỗi, bà quát: Cái con mất dạy. Thằng chồng mày không biết dạy mày nên mày mới ra nông nổi này.Con Hà cười khinh khỉnh: Bà già nói điên nói khùng mà lần này nói trúng, con trai bà mà có bản lãnh thì ngữ này đã khá hơn từ lâu.

Đêm hôm đó, bà thức chờ thằng Hùng đi làm về. Thằng con tội nghiệp, nghe Mẹ mắng nó đàn ông nhu nhược, nó dựng cổ vợ dậy cho một cái bạt tai. Bà nghe hai vợ chồng to tiếng, con Hà kêu cảnh sát, rồi giận dữ xách giỏ bỏ đi mấy ngày không về. Thấy thằng Hùng xấc bấc xang bang, mặt mày hốc hác, một mình lo ăn, lo uống, lo bài vở, đưa đón con đi học, bà lại thương con và ân hận. Bà tự nhủ từ nay sẽ thôi xen vào chuyện chúng nó. Có ông Tư hiểu tấm lòng của bà, ngày bà từ giã con gái và cháu ngoại rời quê cha đất tổ, ý nguyện duy nhất của Bà là dùng tình thương yêu chân thật để hàn gắn cho vợ chồng nó. Có lẽ nào chính bà đã già, lỗi thời, không hiểu được vai trò vợ chồng thời nay, hay vì Bà nhà quê trơn trất không đủ khôn ngoan lý lẽ với con dâu, con bé nhà quê đã có lần bà yêu thương nó như con ruột của Bà.

Cằn nhằn, mắng mỏ, dỗ dành,năn nỉ con dâu, cố gắng đủ cách cũng không thay đổi được gì, bàTư tự xăng tay áo lo cơm lo nước cho con cho cháu. Con Hà được dịp rảnh tay chân ngày càng đổ đốn. Cứ đến chiều thứ Sáu cuối tuần là nó lên quần lên áo biến mất.Thằng Hùng đi làm đêm. Nó đi làm ngày. Hai vợ chồng như mặt trăng mặt trời tránh gặp mặt nhau. Cuối tuần, thằng Hùng chở Mẹ và hai con đi đây đó. Cuộc sống sinh hoạt thường ngày của mấy cha con không bận tâm gì đến nó. Nó thay xác đổi dạ. Chỉ cái tướng tròn trịa xưa nay còn nguyên vẹn, ngày một ủn ỉn hơn. Mặt nó trắng bệt. Da nó căng phồng. Mắt xanh môi đỏ,người không ra người, ngợm không ra ngợm. Nó mê nhất là kiếm ra đồng tiền. Rồi đem đồng tiền đi mua sắm, nướng sạch ở sòng bài, chả ngó ngàng gì đến chồng con.

Lời ra tiếng vào, mấy bà bạn già cùng quê mách bà, thấy con Hà cặp bồ đi chơi ở sòng bài. Bà thương con, thương cháu dấu nhẹm không nói gì với con. Tận trong thâm tâm, bà Tư tự trách chính mình. Lỗi bà đã gả ép thằng Hùng với nó. Ở quê Bà, đàn ông đàn bà đã một lần lấy nhau là ăn ở suốt đời. Bà chỉ biết lâm râm khấn vái. Ở cái xứ không có mồ mả tổ tiên này, con người như cái cây bị bứng rể, không ông bà phù hộ, con Hà sống dở người dở thú, thằng Hùng thì dở sống dở chết.

Càng ngày, tình cảnh càng tệ hại hơn. Bà và con dâu ở cùng nhà, đôi lúc ngồi cùng mâm mà không ai nói với ai tiếng nào. Thằng Hùng đã từ lâu chả còn thiết gì đến quan hệ vợ chồng, chúi đầu vào sách vở và công việc không quan tâm gì đến chuyện tình cảm. Cho đến khi con Hà ngang nhiên đi chơi với bạn trai không còn nể nang gì nữa. Thằng con trai của Bà xưa nay phong giáo nhẹ nhàng, giờ đây đổi tính đổi nết, cộc cằn, say xỉn, thô lỗ. Nhìn cái gia đình tan nát của nó, Bà nhớ lời ông Tư năm xưa thường nói phải dám bỏ cái cần bỏ và dám làm điều cần làm mỗi khi Bà ái ngại việc ông bỏ nhà bỏ của vì Bà. Cái đầu già nua của Bà hôm nay lại bận rộn bưng bức.

Đêm hôm, con Hà dẫn bạn trai về nhà tiệc tùng, Bà quen giấc hằng đêm thức đến 3 giờ sáng chờ con đi làm về cơm nước rồi mới đi ngủ. Thằng con ngồi xuống bàn ăn mặt mày mệt mỏi, Bà ôn tồn gợi chuyện: -Con à, dạo này con Hà hết thuốc chữa, nó đưa bạn trai về nhà cợt nhã trước mặt Mẹ. Con tính sao... Chưa nói dứt câu, thằng Hùng vất đôi đũa đập chén cơm vào bàn, nước canh văng tung toé vào mặt hai mẹ con: -Trời ơi, sao khổ quá hả trời, sống sao cho nỗi với hai người đàn bà chỉ giỏi chì chiết nhau. Mẹ muốn con phải làm sao cho Mẹ vừa lòng. Hơn bốn giờ sáng, thằng Hùng rồ máy xe phóng ra đường, bà mở cửa nhìn theo, ngoài trời bông tuyết rơi trắng xoá, hơi lạnh trời đêm hắt vào, ngấm sâu vào lằn da sớ thịt, bà rùng mình nhìn lên bầu trời, cái xứ sở gì mà cả ngôi sao cũng không có, lấy đâu mà soi đường dẫn lối. Lần đầu tiên trong đời Bà không biết sắp tới sẽ phải làm gì. Ông bà tổ tiên đang ở đâu? Sao Bà thấy trơ trọi và lạc hướng. Bà quay vào nhà lặng lẽ thu dọn chén miểng. Rồi thấy đau nhói, Bà ngồi bệch xuống sàn nhà hai tay ôm lấy ngực, nghe miếng miểng trong lòng mình vỡ vụn. Ở đây, trong căn nhà này, trên xứ sở này, Bà thừa thãi vô dụng. Bà thấy mình như ngôi sao lẩn biến trên bầu trời, chực tắt.

Những ngày cuối năm, trời lạnh đến tê cứng, con người và vạn vật đều chạy nước rút. Mấy bà bạn già cùng quê biết bà sắp trở về quê sống liên tục rủ rê nhóm họp. Gặp nhau cũng chỉ để ca cẩm. Con Hà và đám bạn chợ búa của nó cũng bận rộn suốt ngày với khách khứa làm móng tay móng chân mùa lễ,rồi còn thì giờ thì xe xua tiệc tùng. Hai bàn tay núng nứ của nó mùa này móng dài nhọn hoắt sơn màu đỏ chót. Thấy bà trân trân nhìn, nó dương cặp mắt lồi, trề cặp môi thịt chảy xệ: bộ rảnh lắm sao mà nhìn trân nhìn tráo. Chẳng hiểu sao bà lại nghĩ đến cảnh làng quê ngày nào ông cậu nó chọc tiết heo đỏ ối mừng gả nó cho thằng Hùng của Bà. Bà nhìn nó cười hiền lành. Nó đá lông nheo đắc ý xách ví xỏ giày lồng ngồng bước ra cửa, miệng không quên xỉa xói: Bà già bây giờ học văn minh nước Mỹ bắt đầu biết điều hơn rồi đó. BàTư im lặng không nói gì, từ bao giờ, bà đã bỏ ngoài tai những điều chướng tai gai mắt.

Thật ra Bà đang tập trung để ý đến thằng Hùng. Mấy hôm nay không hiểu sao mặt mày nó có vẻ tươi vui hơn khiến bà cũng vui lây. Hôm qua nó đi làm về, mặt tươi cười, miệng kể chuyện liến thoắng. Có hôm nó ăn cơm khen Mẹ nấu ngon, nhắc đến món thịt ngâm nước mắm của Bà, rồi hỏi thăm Mẹ có cần con chở đi chợ. Đêm đêm bà thấy nó ngồi trước máy vi tính lẻng bẻng cười. Có khi bà nghe nó to nhỏ như chuyện trò với ai đó, ánh mắt nó mơ màng nhìn đăm đăm vào một bóng hình trên màn ảnh. Có thật hay không, thằng con yêu quý nhất đời của bà đang thật sự sống lại. Ông Tư phù hộ, bà lầm bầm khấn vái, nhưng rồi chợt nhận ra mình sai trái, bà chăm bẳm nhìn thằng con rồi chép miệng làu bàu: cái thằng mất nết, vợ hư chồng dại chỉ làm khổ con khổ cái.

Suốt tuần lễ giáng sinh và tết dương lịch trước khi bà về Việt Nam, thằng Hùng nhẹ nhàng, vui vẻ, lo lắng cho Bà hết mình.Rạng sáng ngày giáng sinh, hai thằng cháu nội dậy thật sớm mở quà. Con Hà đi đêm về khuya, mặt nặng mầy nhẹ rầy la tụi nhỏ để yên cho nó ngủ. Thằng Hùng hôm nay khuôn mặt cũng trẻ thơ như hai thằng cháu nội, Bà thấy nó mở ra một hộp quà gói giấy màu xinh xắn, nó ngồi thừ ra nhìn đầy vẻ cảm động, rồi mặt nó rạng rỡ cầm cuốn sách lên lật tới lật lui. Bên ngoài trời lạnh như căm, nó chạy ra cửa tóc tai chỉnh tề nhờ thằng con nháy giùm tấm bóng. Bà nhìn nó dọ hỏi, nó cười thành tiếng hỏi Mẹ hôm nay muốn làm gì.Trưa hôm đó, mặt cho bão tuyết, thằng Hùng chở Bà và hai thằng con trai đi Michigan thăm đồng hương.

Trên đường về, giả vờ ngủ bà nghe giọng thằng Hùng nhỏ nhẹ nói điện thoại.Ai đó bên đường giây làm nó cười. Nụ cười trong mắt nó rạng rỡ hệt như hồi còn bé mỗi lần chạy ra đầu ngõ đón bà gánh lúa về. Lòng Bà chợt ấm áp. Mùa xuân có lẽ rồi cũng sẽ trở về, như bao lần ly tan, mất mát, cuộc đời rồi cũng xoay vòng tuần hoàn. Bà chợt hiểu ra, đã nhiều lần bà tiếp tay giúp xoay chuyển cuộc đời nó, nhưng đã đến lúc bà phải buông tay để chính nó tự tìm cho mình cứu cánh.

***

Mùa hè miền Trung nóng bức, nằm đong đưa trên chiếc võng trước hè, đứa cháu đang nịnh bà ngoại xin tiền đứng bên cạnh phe phẩy chiếc quạt mo to tướng. Điện thoại reo, bà nghe giọng con Thảo tươi cười, rồi nó đưa điện thoại: Mẹ ơi, anh Hai gọi từ Mỹ nè. Tim bà rộn ràng. Chẳng hiểu sao từ ngày trở về quê, bà cứ mong thầm trong lòng một điều gì đó.Chính bà cũng không biết rõ bà chờ đợi tin gì vui. Có lẽ bà bám vào chút hy vọng từ ánh mắt rạng rỡ của thằng Hùng những ngày cuối trước khi bà rời nước Mỹ.Thằng con trai hỏi thăm Mẹ, rồi bỗng ngập ngừng: Mẹ à. Con báo mẹ tin vui. Hà mới qua khỏi cơn bệnh thập tử nhất sinh, đang dần dần hồi phục. Vợ chồng con đã hoà thuận trở lại. Bà im lặng, đưa mắt nhìn dàn hoa giấy đỏ rực dưới cái nắng gay gắt. Ánh nắng vàng rực bỗng dưng đổi màu trắng xám. Xa xa những hạt mưa bụi bất chợt lất phất, nhoà nhạt, hệt như những hạt tuyết trắng xứ người, phủ lắp, lạnh ngắt.

Buông điện thoại, lòng bà lặng câm, mắt bà vô vọng dõi về một phương trời xa xôi, vô định. Bão tuyết và vực thẳm, ai đó đang bứt khúc ruột của bà, ném xuống.

Nguyên Yên

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Mười 202310:38 CH(Xem: 4740)
Hàng ngày trên con đường kiếm sống, thỉnh thoảng ta vẫn nghe trên cây khế trước nhà tiếng kêu của một loài quạ “ăn khế trả vàng, may túi ba gang mà đựng”. Dân ta ai cũng may sẵn những chiếc túi ba gang. Thời mở cửa, ai cũng hăm hở, ai cũng tưởng mình đã hốt đầy vàng trong cái kho của trời đất. Có biết đâu rằng vàng đã cho đi cả, chỉ còn lại sỏi và đá trong chiếc túi ba gang của mình. / Ta cho đi hết, cho hết cả … từ tài nguyên, của cải cho đến những giá trị cốt lõi. Và thế là đất không còn lành, chim không muốn đậu. Bầy chim túa đi thiên di mang theo tất cả, cả tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết,… rời bỏ đất nước mình!
24 Tháng Mười 20235:59 CH(Xem: 4707)
Em có buồn khi phải chia tay / Làm sao quên được phút giây này / Ngày mai tôi chết ai còn nhớ / Mộng đã không thành mây vẫn bay
24 Tháng Mười 20233:58 CH(Xem: 3874)
Người ta thường ví Mèo như một người phụ nữ, bởi Mèo có vẻ nhẹ nhàng nhỏ nhẻ từ cách ăn, cách ngủ cả đến lúc Mèo gần gũi, nũng nịu bên chủ để được che chở vuốt ve. Tôi không thích Mèo và không bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ nuôi Mèo. Tôi cho rằng cái cách dịu dàng của Mèo như một sự dối trá ẩn sau cái ác. Bởi lẽ lúc nhỏ, tôi đã từng chứng kiến và xót đau khi cái lũ mèo nhà hàng xóm xé tan xác ăn thịt mấy con chim bồ câu nhà mình nuôi. Nửa đêm khuya khắc tôi hay bị thức giấc vì tiếng kêu, tiếng chạy đuổi nhau trên mái tôn nhà ông Lý sát cạnh nhà mình, nghe bắt rợn người. Và có lẽ vì Mèo nó có cái vẻ yểu điệu, dịu dàng tương phản với cái vẻ thô thô, cứng ngắt của tôi nên tôi ghét nó...
24 Tháng Mười 20233:51 CH(Xem: 4474)
sáng mùa đông ta đi tản bộ / cỏ cây còn đẫm lạnh hơi sương / ta đi mà vẫn chưa về đến / đất cũ quê nhà chốn cố hương
24 Tháng Mười 20233:22 CH(Xem: 3590)
Mọi thông tin luôn nhanh chóng hiển thị trước mán hình vi tính . Chuỗi sự kiện của cuộc sống quanh tôi và tôi cảm nhận nó bằng tâm hồn mình./ Mỗi buổi sáng, khi thức thức dậy, bước xuống giường, vén mùng là tôi đã start máy, rê chuột là cả thế giới hiển thị trước mặt . Cây trong vườn vẫn xanh như độ nào, cành nhãn nở chùm bông trắng đầu mùa in bên khung cửa sổ như một bức tranh. Ngày nắng cũng như mưa, nó luôn hiển thị. Một thế giới hiện thực đầy hư ảo! / Tôi thích mơ mộng, trong tôi luôn hình dung những sự kiện rồi huyễn tưởng và sống với niềm hạnh phúc chứa chan trong cõi mộng đó.
24 Tháng Mười 20232:52 CH(Xem: 4700)
bởi mùa thu chỉ là hoàng hôn bên cửa / bên ngoài sân ga / mà tôi bỏ quên dấu tay chưa che lại / của giọt sương mai trên mái tóc buông dài / cho thêm dỗi hờn lên ngực / đã ngủ say khi cơn mưa vừa thức / lắng nghe âm thanh của ký ức mịt mù / khi rừng vừa bị đốn sạch / chôn trọn mối tư tình vào hoang phế mùa thu
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4209)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4143)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 4513)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 4714)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…