- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HẬN LÒ ĐƯỜNG

30 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 36389)

 


nguyenhoangnam-lamdong-content

 Ảnh Nguyễn Hoàng Nam



LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, nhà văn Lê Minh Nhựt đang sống và làm việc tại Cà Mau Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu truyện ngắn "Hận Lò Đường" của tác giả Lê Minh Nhựt đến cùng quí văn hữu cùng bạn đọc Hợp Lưu.

TCHL



Ông nội của Tư Giáo có một thời làm Chủ ấp của ấp Cây Giá nên thường được gọi là ông Chủ Giá. Ông Chủ Giá sở hữu một lò đường ngay doi Ma, không có bảng hiệu nên người ta đặt tên luôn là lò đường Chủ Giá.

Đất đai ở ấp Cây Giá không trồng trọt được thứ gì. Trồng cây ăn trái thì lèo đèo lẹt đẹt mấy trái cam nhỏ hơn trái chanh mà chua lét; cây dừa là loại dễ tính cũng chẳng lớn lao gì nổi, còi cọc dần mòn rồi rũ đọt khi chưa kịp ra buồng. Chỉ có trồng mía là tốt. Ấp Cây Giá nhìn đâu cũng thấy bóng dáng cây mía: trong vườn, ngoài ruộng, cặp mé sông…cả trước nhà cũng trồng mía thay cho hàng rào quanh sân.

Nhờ vậy, lò đường Chủ Giá có mía để ép quanh năm suốt tháng. Những lúc đông ken ép không kịp, mía chất đống ngoài bãi; lớp đâm tược mọc thành cây, lớp trở mình lên men nồng nặc cả xóm.

 

Tư Giáo vẫn nhớ như in một buổi chiều năm 1959.

Đâu chừng chạng vạng, cánh khuân vác ráng lên hết ghe mía cuối cùng thì nghe có tiếng tàu sắt ầm ầm chạy ngang. Được chừng năm phút sau thì đám mía hai chục công bên sông của chú Sáu Dân phát hỏa; kế đến, tất cả các ruộng mía phía bên sông đối diện lò đường cũng đồng loạt cháy rừng rực. Gần nửa tiếng sau thì tàu sắt chạy về, tàu chạy đến đâu ruộng mía bắt lửa cháy theo tới đó. Lính tráng trên tàu dùng súng phun lửa phun liên tục lên bờ. Sự việc xảy ra trong chớp nhoáng, tới chừng hay được thì cả ấp cây Giá đã trở thành một biển lửa. Ruộng mía chưa kịp đánh lá; còn thứ gì bắt lửa ngon bằng lá mía khô. Tàu cập vô doi Ma, lính tráng ùa lên bao vây cả khu vực lò đường. Thiếu tá Quảng “chó điên” từ mũi tàu vừa bước xuống đã giáng thẳng ma trắc vô đầu một người khuân vác gần đó để thị uy. Tư Giáo năm đó được mười lăm tuổi, thấy máu tuôn xối xả, sợ quá bèn chui vô đống xác mía bên hè để trốn.

Sau khi chùi máu dính trên cây ma trắc, thiếu tá Quảng gầm lên:

- Thằng Chủ Giá đâu! Bò ra đây cho tao coi!

Ông nội của Tư Giáo mặt chuyển sang đỏ bầm, từ từ quỳ hai chân chống hai tay xuống đất bò từ cửa lò đường bò ra chỗ thiếu tá Quảng. Tới chỗ thiếu tá Quảng thì mặt ông Chủ Giá đã chuyển sang màu tái, từng thớ cơ trên mặt ông cứ giật giật liên hồi. Lúc ông nội bò ngang, Tư Giáo ở trong chỗ nấp còn nghe tiếng ông nghiến răng trèo trẹo.

Thiếu tá Quảng ngồi trên bó mía cao ngất chắn ngang trước sân, sau tràng cười sằng sặc như đang lên cơn điên, hắn nhịp nhịp cây ma trắc và rít qua kẽ răng:

- Nghe kỹ nè ông già, ấp Cây Giá kể từ nay không được trồng mía nữa. Trồng mía là làm ổ cho Việt Cộng ém, là chống lại Quốc gia. Phải đốt hết. Còn cái lò đường của ông, dẹp đi. Ai mà biết trong mấy thằng làm công cho ông không có Việt Cộng nằm vùng? Nể tình ông từng làm chủ ấp nên tui mới xử lý như vậy chớ nếu không thì đã xài cái đó rồi…

Thiếu tá Quảng trỏ cây ma trắc xuống dưới sông về phía chiếc tàu sắt đậu, qua ánh lửa của ruộng mía đang cháy rần rật người ta nhìn thấy một vật hình thù kỳ dị đang chập chờn uốn éo, được đặt chính giữa boong tàu: Nó trông giống một chiếc bàn nhổ mạ nhưng dài và chân thì thấp hơn, một đầu dính với hai cây cột song song vươn lên trời. Lửa lan tới con kinh bên hông lò đường, hắt lên vật đó và nhảy múa trên một lưỡi búa khổng lồ sáng loáng được treo cao chính giữa hai cây cột. Máy chém!

Thiếu tá Quảng có máu điên nên được người ta đặt cho biệt danh là Quảng “chó điên”. Chó điên bạ đâu cũng cắn còn thiếu tá Quảng đi tới đâu là bắn giết, đốt phá tới đó, tới khi nào thấy máu mới hả dạ. Đến ngay ông Sáu Dân là ông già ruột, Quảng “chó điên” còn cho lính còng tay đem về quận giam cả tuần lễ ngoài đó, nữa là…

Cả lò đường trừ cánh lính của thiếu tá Quảng, còn lại hơn chục con người làm thuê cho lò đường chẳng ai dám hé răng nửa lời. Lúc này lửa đã cháy đến sát lò đường, nhờ xung quanh có mấy mương nước ngăn lại nếu không chắc lò đường đã cháy ra tro. Lửa vây ba phía chỉ chừa có mặt trước, tức mặt sông. Trời lặng gió nên lửa bốc cao ngọn, liếm thẳng lên trời soi tỏ từng gương mặt đầm đìa mồ hôi. Tất cả trông giống như đang bị nhốt trong hỏa ngục.

Dường như hỏa ngục đã lại làm thiếu tá Quảng sôi máu chó điên lên thêm chút nữa. Hắn không nhìn ông Chủ Giá nữa mà nhìn vào lửa. Không biết bao lâu, hắn mới nhảy từ đống mía xuống chỗ ông Chủ Giá vẫn còn đang quỳ dưới đất. Mắt thiếu tá Quảng đỏ quạch một màu lửa. Một tay túm tóc, tay kia dùng ma trắc nâng cằm ông Chủ Giá lên. Giọng hắn âm u như vọng về từ cõi a tỳ:

- Tui đổi ý rồi, ông già. Tất cả phải tham gia vào trò chơi mới. Không những ấp Cây Giá không được trồng mía, lò đường phải dẹp mà cả ông và tụi làm thuê cho ông nữa…tất cả…

Quảng “chó điên” bỏ lửng câu nói, nhìn về phía tụi lính hất hàm ra hiệu rồi trỏ vào phía trong lò đường. Trong tốp lính có hai thằng bước vào, lát sau ì ạch khiêng ra một chảo đường sền sệt đang sôi ùng ục đặt xuống trước mặt ông Chủ Giá.

Người đầu tiên tham gia “trò chơi” của thiếu tá Quảng chính là người khuân vác ban nãy bị đánh một cây ma trắc vào đầu. Hai thằng lính khiêng chảo đường giờ đè chặt người này xuống đất. Thiếu tá Quảng lấy cái muỗng sắt, múc đường từ trong chảo ra cứ thế mà rót thẳng lên mình người ta. Rót hết muỗng đường thiếu tá Quảng đếm: Một! Hai thằng lính buông tay ra. Người bị đè dưới đất vùng bật lên vừa chạy vừa la làng và chạy thẳng ra mé sông, phóng xuống nước.

Hai. Ba. Bốn….Bảy. Tám. Chín… Mười một. Mười hai. Thiếu tá Quảng đếm tới Mười Hai thì có mười hai người bị rót đường lên người và phóng xuống sông.

Tiếng “mười hai” vừa rời khỏi miệng thiếu tá Quảng thì ông Chủ Giá đột nhiên bật dậy, gầm lên: Quảng chó điên! Mày không phải là con người. Tao liều mạng với mày! Ông già sáu mươi lăm tuổi lao về phía thiếu tá Quảng với cây đòn xóc nhọn hoắc không biết chụp được ở đâu trong lúc đang quỳ dưới đất. Quảng “chó điên” kịp né người qua một bên, cây đòn xóc đâm vào cánh tay đang cầm muỗng sắt để rót đường. Tụi lính bu lại đè chặt ông Chủ Giá xuống đất đấm đá liên tục. Quảng “chó điên” rút súng ra bắn chỉ thiên, nạt lớn:

- Tụi bây tránh chỗ khác, không biết nhẹ tay với người già cả sao?

Mặc chỗ cánh tay bị cây đòn xóc ban nãy đâm vào máu còn đang chảy ròng ròng ướt cả một bên tay áo, thiếu tá Quảng đến bên cạnh ông Chủ Giá đang thở thoi thóp dưới đất. Chân đạp lên mình ông, tay trái thì giật ngược đầu ông già hướng về phía lò đường:

- Nghe nói lò đường của ông nấu đường ngon nhứt vùng này, bữa nay thử coi ông có bí quyết gì không. Chắc là trong thịt da, xương cốt của ông cũng có đường ở trỏng. Tụi bây khiêng ông già này vô trong cho tao!

Sau tiếng thét của thiếu tá Quảng “chó điên”, tụi lính hè nhau khiêng ông Chủ Giá vô phía trong. Tư Giáo chỉ nghe đánh “sầm” một tiếng, giống như có tiếng vật gì rơi xuống mặt ao vừa tát cạn nước, đầy sình non.

Tư Giáo biết, phía trong lò đường có gần một trăm chiếc chảo sắt khổng lồ chiếc nào chiếc nấy đầy nhóc đường chảy, đang sôi sùng sục.

***

Thiếu tá Quảng “chó điên” chết vào cuối năm 1961. Không phải bởi đội “Diệt ác” của ấp Cây Giá.

Tuy rằng Quảng bị bắt sống tại nhà vợ bé của hắn ở cuối ấp lúc nửa đêm bởi đội “Diệt ác” nhưng sau đó đã bị giải vô Cứ chuẩn bị đưa ra xét xử trước nhân dân.

Khoảng bốn giờ sáng, người canh gác phát hiện Quảng đã biến mất khỏi nơi giam giữ. Hắn bị trói gô quăng dưới một căn hầm bí mật – nơi mà chỉ có Lãnh đạo Cứ với các đội viên đội “Diệt ác” biết. Khả năng Quảng tự cởi trói và trốn khỏi hầm là hoàn toàn không thể, bởi một bên đùi hắn đã bị thương khá nặng do chống trả trước khi bị bắt. Xung quanh còn vương vãi dây trói bị cắt dứt bằng dao. Vậy là có người giúp đỡ hắn trốn thoát. Trong Cứ có nội gián?

Với một bên đùi bị thương thì chắc chắn Quảng “chó điên” chưa thể đi xa, trừ phi có người giúp đỡ. Muốn ra khỏi Cứ thì chỉ có một con đường đó là đường sông. Đường sông thì làm sao thoát khỏi các chốt chặn. Lãnh đạo Cứ khẳng định: Quảng vẫn còn ở đâu đó trong Cứ.

Do khẳng định Quảng vẫn còn ở Cứ nên người ta cứ quần đi quần lại từng gốc cây, kênh rạch, căn hầm trong Cứ mà quên mất có một cái lò đường bỏ hoang tuy không nằm trong Cứ nhưng cách đó không xa là mấy. Tới sáng bét, khi ai nấy đều đã mệt phờ râu thì được tin báo là phía lò đường có ai đó đốt khói lên nghi ngút. Lát sau, nghe có tiếng tàu sắt mở hết tốc lực chạy vô rồi dừng ở chỗ lò đường bỏ hoang. Trưa một chút, có tin ngoài quận: quân cảnh đang đồn rần thiếu tá Quảng bị Việt Cộng đưa vô chảo nấu đường để trả thù. Lúc đem thiếu tá Quảng xuống tàu thì thấy giống như một con rùa bị lật ngửa, chỉ ló cái đầu với hai tay hai chân ra bên ngoài, còn khúc mình ngập trong chảo đường đã đặc cứng, không sao cạy đem ra được.

Tin còn nói thêm là, trên tường lò đường có dòng chữ ghi bằng máu: “Lễ tế ông Chủ Giá”.

Cả Cứ cùng dân ấp Cây Giá tới đó mới bật ngửa, chạy đi kiếm Tư Giáo. Từ lúc phát hiện Quảng mất tích cho đến trưa không ai thấy bóng dáng Tư Giáo – đội viên đội “Diệt ác” ở đâu.

Cuối ấp Cây Giá, vợ bé của thiếu tá Quảng đau bụng đẻ vào xế chiều.

Sau vụ thiếu tá Quảng, ngoài quận tung lính vô bình định ấp Cây Giá. Ấp Cây Giá trở thành vùng trắng, tự do trút xả bom đạn. Chịu không nổi, cả ấp rút hết vô sâu trong Cứ. Đến sau tiếp thu, dân ấp Cây Giá mới lục tục kéo nhau về chốn cũ. Hầu như nhà nào còn người thì cũng về lại đất của mình, không còn đủ cây cối để cất một căn nhà tươm tất thì cũng phải ráng dựng một căn chòi, trên nền nhà cũ.

Chỉ có chỗ lò đường bỏ hoang giờ vẫn còn là một đống gạch vụn, nằm vun lên như một nấm mồ, lạnh ngắt.

***

Nghe nói ở phía dưới hạ lưu sông Cái xưa kia có một cái doi gọi là doi Ma vì thời chiến tranh giặc giã, có nhiều thây ma thường trôi tấp vào. Sau này sông Cái đổi dòng xoáy thẳng vô doi, doi Ma biến thành vịnh.

Vừa qua khúc cua của con sông, vịnh đã bất thần hiện ra. Không quen đường, đôi khi tài công giật bắn cả mình vì hình thù của nó trông giống như vết ngoạm cật lực của một con cá mú khổng lồ trong lúc giận dữ. Mỗi khi nước ròng, vịnh phơi ra lô nhô những gạch vụn, đá tảng bám đầy rêu xanh rờn. Bãi đá này mỗi khi nước lớn lại trở thành một cái bẫy ngầm cực kỳ nguy hiểm cho tàu bè, xuồng ghe qua lại. Đã có không biết bao vụ tai nạn xảy ra chỗ cái vịnh này. Dân đi đường sông gọi nơi đây là vịnh Đá Ngầm.

 Phía trên vịnh Đá Ngầm, sát chỗ bực sông lở, xuất hiện một căn chòi. Dân ấp Cây Giá không biết nó được dựng lên từ khi nào, nhưng khi phát hiện ra, người này hỏi người kia thì ai nấy cũng đều ngơ ngác. Thây kệ, chỗ đó vô chủ từ lâu, trước sau gì cũng bị văng xuống dưới sông. Quan tâm làm gì! Phía trước chòi, có cột một chiếc tam bản nhỏ. Cứ tầm bốn năm giờ sáng, một người đàn ông trên dưới năm mươi tuổi từ trong chòi bước ra, mở dây cột chiếc tam bản. Trước khi bơi ra sông, người đàn ông này còn nói vọng trở vô căn chòi tối om: Tui đi thăm lú nghen ông Tư! Chiếc tam bản bơi lòng vòng trên sông một hồi trở lại chỗ căn chòi đúng lúc mặt trời vừa lên trên biền dừa nước chừng nửa con sào. Người đàn ông ban sớm giờ bước lên căn chòi với một chiếc can nhựa nằng nặng cộng với tiếng búng lách chách của mớ tôm hay mớ cá trong đó. Từ khoảng chín giờ trở đi đến xế trưa là thời gian người đàn ông ngâm mình dưới bến. Y chỉ làm có mỗi việc: Mò mẫm từng viên gạch dưới nước và cọ rửa từng viên một cho đến khi sạch hết mớ rong rêu bám xung quanh và thảy lên bờ. Thỉnh thoảng trong chòi cũng vọng ra tiếng ho húng hắng của một ai đó mà người đàn ông gọi bằng “ông Tư”, nhưng chưa có ai từng thấy “ông Tư” bước ra cửa chòi.

Đến ngày người ta thấy đống gạch đã đầy vun xếp ngay ngắn bên cạnh căn chòi thì vịnh Đá Ngầm đã sạch bách, không còn một cục gạch hay một tảng đá nào nữa. Những viên gạch cứng như đá cầm hai cục lên giáng vào nhau đến tóe lửa mà vẫn không bể. Có người vì tò mò nên ban đêm len lén ăn cắp vài cục về nhà coi thử. Trên mỗi cục gạch đều có đóng dấu: Lò đường Chủ Giá. Lạ một điều là khi sờ vào, cục gạch lại có mùi rin rít ngòn ngọt như mùi đường chảy và như thoảng mùi thịt khét. Hoảng quá, người này vội vàng đem trả mấy cục gạch ăn cắp về chỗ cũ.

***

“Thiếu tá Quảng khảm cho hồi năm năm chín đó! Mười hai người có cái sẹo y chang như vầy. Chỉ mình tao là còn sống tới bây giờ!”. Mỗi khi có chừng năm trăm đồng rượu là ông già Chín Thơm lại cởi áo, giơ lưng khoe vết sẹo như một con rết chạy dài từ cổ xuống khỏi lưng quần. “Thằng Quảng rót đường dở thấy mẹ, phải chi nó đều tay một chút thì tao bít luôn chỗ đi ỉa rồi!”. Đám cưới, đám gả, giỗ quảy, thôi nôi đầy tháng…bất kể ở đâu, bất kể mưa hay nắng, cho dù có mời hay không, hễ quan khách vừa đặt đít xuống ghế là đã thấy ông già lót tót từ đâu chen vô ngồi giữa bàn. Ăn uống chấm mút lấy lệ, sau đó chiếu lại “phim tài liệu năm một ngàn chín trăm năm chín” – cái tên do dân ấp Cây Giá đặt cho. Đám tiệc nào xuất hiện ông già Chín Thơm thì coi như chủ nhà muốn cắn lưỡi tự vận vì ông cứ kể đi kể lại một cách xà quần, không cho ai ăn uống gì hết. Vậy mà câu chuyện vẫn huyên náo như thường, đó là vì người ta chờ cho ổng sần sần rồi rủ nhau cười rần rần, khích tướng:

- Thôi đừng có nói dóc cha nội ơi!

- Đù mẹ thằng nào nói tao nói dóc!

- Vậy có ngon diễn lại cái cảnh cuối cùng: ông nhảy xuống sông năm đó thì tụi tui mới tin là thiệt!

Ngay lập tức, ông già vừa múa túy quyền từ trong đám ra tới bờ sông miệng vừa la làng: Trời ơi nóng quá, cứu tui với bà con ơi! Rồi nhảy ùm xuống nước, lặn một hơi, sau đó thả tàu qua phía bên kia sông, nơi có cái chòi rách teng beng. Chưa hết, sau khi leo lên bờ ông già còn làm một động tác hết sức kỳ quặc: Tiến đến sát vách chòi, cởi chiếc quần ướt mem ra, một dòng nước bắn lên theo hình cầu vồng rót thẳng vào vách…sau đó rùng mình mấy cái. Khỏi cần giải thích, ai cũng biết ông già vừa làm xong chuyện gì!. Mười lần như một.

Trên quãng đường đi từ chòi về nhà ông già Chín Thơm vẫn chưa hết cơn say, động thứ gì cũng chửi: từ đứa con nít vô phước bị ông chộp dính đến mấy gốc me, gốc chuối bên đường cũng bị ông già bứt trụi hết lá. Thứ gì ông cũng kêu bằng “Quảng chó điên” rồi huơ chân huơ tay tán loạn như thể đang cố gạt thứ chất lỏng nóng chảy vô hình nào đó đang được rót lên lưng mình.

Dân ấp Cây Giá từ lâu đã thuộc lòng vụ thiếu tá Quảng hồi năm 1959. Nhưng có vài điều mà không một ai biết, ngoại trừ ông già Chín Thơm, nhờ ông già mà cả ấp Cây Giá mới ráp được “bộ phim tài liệu” một cách trọn vẹn:

- Biết cái thằng đang ở trong chòi bên sông là ai không? Con của thằng thiếu tá Quảng đó! Nó đang nuôi ai? Trả lời được, chặt đầu tao xuống làm ghế ngồi! Nó nuôi Tư Giáo – kẻ thù truyền đời của mình. Để làm gì hả? Để nấu đường! Để trả thù! Trả thù đó, biết chưa?

Chuyện này thì dân ấp Cây Giá không tin mấy vì vài người trong họ tận mắt thấy: Chính tay người đàn ông – con của thiếu tá Quảng ẳm ông già nhẹ như bông gòn vô chòi khi y phát hiện ông già nằm cong queo trước cửa chòi của mình vào một buổi sáng. Rồi nấu cháo đút từng muỗng, múc nước kỳ cọ, tắm rửa. Cả tháng trời vẫn không thấy ai đến nhận, cho tới bây giờ khi y biết được ông già đó là Tư Giáo thì Tư Giáo vẫn sống nhăn răng chớ có thấy bị nấu đường hay trả thù gì đâu.

Bí thế, ông già Chín Thơm trỏ vô đống gạch:

- Tụi bây không thấy gì hết à? Nó mót gạch để xây lò đường, chừng nào lò đường xây xong thì số của Tư Giáo cũng tận!

- Nhưng sao tụi tui nghe nó nói: Đống gạch đó mò lên định để dành làm cái nhà coi cho được một chút? Nó còn nói thêm: nhưng điệu này chắc là ông Tư Giáo ổng xài trước quá. Coi bộ ổng cũng không cầm cự được bao lâu nữa, yếu lắm rồi!

Ông già Chín Thơm hậm hực:

 - Tụi bây là một lũ đui, không nấu đường thì nó cũng thả Tư Giáo trôi sông. Để rồi coi!

 - Để rồi coi! Tụi thanh niên nhại lại.

 Nhưng cho dù ông già Chín Thơm có lội thêm vài chục lượt qua sông, đứng đái đến mục cả vách chòi thì vẫn chưa thấy được cái cảnh Tư Giáo bị con của thiếu tá Quảng đem quăng vô lò nấu đường hay thả trôi sông để trả thù. Mà người trôi sông lại là ông già Chín Thơm. Dân ấp Cây Giá kể lại rằng: lần đó ổng ực tới hơn một lít, không ai thách đố gì cả, lẳng lặng men ra mé sông nhảy xuống rồi lặn luôn. Đến khi phát hiện ra thì ổng đã tấp vô vịnh Đá Ngầm.

Người vớt ổng lên lại là con của thiếu tá Quảng.

 Sau vụ ông già Chín Thơm chết trôi, ở ấp Cây Giá, dường như mọi chuyện cũng phai đi ít nhiều.

 Nhưng nhìn từng nhịp dầm có vẻ thanh thản của người đàn ông trên chiếc tam bản mỗi sáng đi đổ lú trên sông kia, dân ấp Cây Giá không ai dám chắc: Đã đến lúc coi chuyện cũ như là những câu chuyện phiếm có thể kể trong lúc trà dư tửu hậu. Vì, không phải ai cũng thích nghe người khác nhắc lại chuyện cũ, bởi ngoài chuyện vui thì vẫn còn có những chuyện khi được nhắc nhớ, nó gợi về những kỷ niệm không vui. Có khi còn hơn thế, đó là cả một mối hận. Dù từ lâu, nó đã thành sẹo, ở trong lòng…

LÊ MINH NHỰT

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 117010)
N hà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.
25 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 91668)
H ợp Lưu 115 đến với quí độc giả và văn hữu vào những ngày cuối tháng Mười khi “Cuộc cách mạnh Mùa Xuân Ả Rập” ở Lybia đã thành công bằng sự ra đi vĩnh viễn của Gaddafi, một tin ngắn của Reuters cho biết: “Ông Gaddafi và con trai đã bị thương, bị bắt sống nhưng sau đó đã chết. Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải chôn cất trong vòng một ngày, nên việc trưng bày xác chết cho người xem trong nhiều ngày đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu, nhưng […]mọi người và các nhà lãnh đạo Libya đều đến xem xác Gaddafi để rút bài học và đừng bao giờ đàn áp người dân.” Đoạn tin trên khiến cho chúng ta liên tưởng đến nhiều việc...
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89160)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105724)
D ưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay [...] Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963...
16 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89020)
H iệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Đông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)
15 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101580)
N hạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt, không rào cản so với nhạc sĩ cùng thời. Người lắng nghe giao thoa những tiến triển nền âm nhạc Việt so với thế giới từ những năm 1930 cho đến nay.Từ cái bắt gặp đầu tiên trên bộ đồ bà ba xanh, đôi mắt sáng trên vành tai thính âm tài hoa ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy chợt cười, nụ cười nhéo mắt luôn điểm lại con người ấy từng nốt nhạc vượt không gian thời gian. Hồn nhiên Phạm Duy cười nói: : “Tôi có hai con mắt, một con trái mắt tỉnh tảo thực tế với dòng đời. Và mắt phải luôn làm việc sáng tạo.” Cuộc phỏng vấn sau đây ghi lại một vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy với thế hệ trẻ tại Việt Nam đang muốn cùng ông bày tỏ tâm sự.
14 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 96613)
T rong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết có bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89432)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 119002)
Đ ó là Tetbury, một thành phố thơ mộng nằm về phía nam Luân Đôn khoảng 200 cây số (?).Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi. Thành phố nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà với mái xuôi nhọn hoắt, nằm liền nhau, phần lớn mở shop bày bán đồ cổ, quán ăn uống, tiệm cà phê.
08 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105303)
... k ể từ hôm nay(Oct 8-2011) , người ta không còn mua vi cá ở California được nữa. Thống Đốc tiểu bang California đã ký ban hành luật cấm thủ đắc và bán vi cá nhập cảng vào California. Trong bản tuyên bố sau khi ký ban hành luật, Thống Đốc Jerry Brown nói rằng việc cắt những vi của những con cá mập còn sống và ném thân chúng xuống biển không những là hành động tàn bạo mà còn làm ô nhiễm nước biển.