Tráng bánh- Photo Anh Tuấn
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, Minh Thùy sống và làm việc tại Âu Châu. Truyện của Minh Thùy sống động và lôi cuốn người đọc từ những dòng đầu tiên. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu truyện "Terminal, miễn phí!" cùng quí văn hữu và độc giả Hợp Lưu.
Tạp Chí Hợp Lưu
Hãn gia nhập “phố Terminal” mới hơn tháng, chưa lâu, cũng nhẵn mặt mấy tay “hàng xóm” quẩn quanh gần nơi cư trú. “Giáo sư hâm” với cặp kính gãy gọng, bộ râu dài gần tới ngực, lúc nào cũng kè kè cái cặp bên người, tưởng cất dấu sách quí trong đó, hóa ra chỉ có cuốn Lexikon* cũ mèm, mấy tờ báo và mớ giấy quảng cáo. Ban ngày giáo sư lang thang tìm đến thư viện và bảo tàng, ăn uống thế nào, ở đâu không biết, chập tối mới lần về Terminal tìm chỗ ngủ. Thiên hạ đồn: “Giáo sư có bằng Ph.D* cơ đấy, biết 7, 8 thứ tiếng, nhưng học nhiều quá hóa rồ, thành hâm nặng”. Như có luật ngầm, cái ghế nệm dài gần thang máy, chỉ dành cho “Vua Terminal” dù có lúc lão đi vắng đâu cả tuần. Lão là dân kỳ cựu nơi đây, từng là nhân viên Marketing, vì máu mê thị trường chứng khoán mà tiêu tán sự nghiệp, bị vợ con từ bỏ, mượn rượu tiêu sầu say xỉn liên miên đâm thất nghiệp, bám luôn nơi đây làm đất sống. Cảm thông số phận ông, Hãn hay dúi cho ông gói Pall Mall hay gói Lucky do khách để quên. Ghế dài đối diện, sát bên cửa kính lớn là của nhạc sĩ Romeo, đêm đêm ông nằm ngắm quầng sáng rực rỡ phủ trên thành phố Frankfurt mà hồi tưởng Barcelona vời vợi quê hương ông.
- Có xa xôi gì đâu bố, chỉ hai giờ bay, hơn 100 Euro thôi, là về tới nhà, khó gì!
Đám trẻ thúc giục, ông ngậm câm dửng dưng, không biết sợ tốn tiền vé máy bay hay sợ đối diện tình cũ ở quê nhà. Tính keo kiệt của ông đã thành bất tử, hằng ngày ông lê la trên mấy con đường chính trung tâm Frankfurt, khoác trên người cái áo da sờn, với cái kèn Harmonica cũ, ông nhả ra những tình khúc buồn da diết làm se lòng người đi đường, phải dừng chân bỏ vào nón ông vài đồng. Gần tối, ông lê chân về nhà ga chính, chờ bữa cơm miễn phí cho dân nghèo không nhà, do Sở xã hội cung cấp, không quên chôm thêm hai cái bánh mì dành cho bữa điểm tâm sáng mai. “Số lão bị giời đày” thiên hạ thì thầm: “chứ lão có cả triệu Euro trong sổ tiết kiệm ở nhà Bank, mà suốt đời cứ làm nhạc sĩ hành khất khốn khổ.”
Hai tay da đen trẻ, công nhân bên khâu chế biến thức ăn, cùng bị vợ đuổi khỏi nhà, sau khi phát giác ra là giai đồng tính, rủ nhau ăn ngủ luôn ở phi trường, khi cần bóng tối tâm tình mới dẫn nhau vào Hotel rẻ tiền. Tay người Thổ có bao nhiêu tiền nướng hết vào casino, tiền đâu thuê nhà ở, nhưng quần áo bao giờ cũng là hàng hiệu, áo khoác da, quần da, giày da bóng, nón dạ mềm. Lác đác đám công nhân ở sân bay, đôi khi giận đời, giận vợ, hay bị trễ chuyến tàu đêm về nhà phải tá túc ở lại Terminal qua đêm. Mùa đông xuất hiện thêm mấy nàng Zigeuner*, gái đứng đường xuất xứ từ Đông âu, mấy cô da đen làm tạp dịch. Thi thoảng mới có vài hành khách nhỡ chuyến bay, ngại tìm Hotel, đành ngủ vùi ở sân bay.
Lướt qua tình hình phố Terminal, Hãn hiểu ra đóng đô lâu dài ở đây đa số là giống đực quốc tế, đàn bà thường có nỗi niềm riêng, khó sống bụi đời, chỉ tạt qua một hai tuần là biến. Nhan nhản khắp phi trường đều có camera theo dõi mọi người, kể cả hành khách và nhân viên. Cảnh sát chẳng lạ mặt gì đám dân giang hồ, ban ngày tản mác kiếm ăn nơi đâu, tối đến chiếm mấy ghế dài nệm da làm giường, có bắt họ, đưa vô nhà xã hội hôm nay, ngày mai lại thấy ló mặt nơi khác, quẩn quanh phi trường. Phát chán, chẳng ai buồn để ý, miễn sao đạo quân này giữ trật tự, không xả rác, không bày trò chích choác, mua bán ma túy, chôm chỉa túi tiền hay hành lý của hành khách. Dân phố Terminal biết vậy, chấp hành luật giang hồ nghiêm chỉnh không chê được, chưa thấy ai bị kiện cáo gì.
Bây giờ mới đầu mùa thu, trời chưa lạnh lắm, Terminal vắng vẻ, dễ tìm chỗ ngủ. Đêm đầu tiên, Hãn trằn trọc trên ghế dài, không sao yên giấc được, tự hỏi sao đời mình bỗng dưng lại rơi vào cảnh éo le giống nhân vật trong phim Terminal với Tom Hanks đóng vai chính. Muốn quay lại thì đã cùng đường, hắn ngán ngẩm nhớ cái thân hình phì nộn, bộ mặt ám khí như hà mã của ông bố dượng Omar, người Thổ, dai dẳng kể lể:
- Tao trót dại nghe lời thánh Allah, cho mày thuê phòng này ba năm nay với giá quá hạ, đủ rồi, bây giờ mày phải tếch đi nơi khác, để tao cho người khác thuê được giá gấp đôi!
Mẹ hắn phụ họa:
- Mày đi làm lương khá, kiếm nơi khác sống, ở đây tiền phòng rẻ, dư giả tiền, mày chỉ toàn bao gái, chơi karaoke, có đưa giúp tao đồng nào.
Nỗi phẫn uất lâu ngày bùng ra, hắn xách cái ghế quăng luôn ra cửa sổ, kính vỡ toang, ghế bay xuống đường, may mà chẳng rơi xuống đầu ai.
- Bà nuôi tôi ngày nào mà đòi tiền tôi, từ ngày bà bảo lãnh sang đây, tôi với Hải toàn chúi nhũi làm chui ở nhà hàng có được học hành gì, đứa làm bồi bàn, đứa làm tả chạp, tự lập mà sống, có ai chăm sóc. Người ta đi lao động xứ người, gửi tiền về nuôi con, còn bà đi Tiệp 6 năm, mấy lần gửi tiền về? Thế nên bên ngoại thì ghét, xem cháu như của nợ, cha đẻ thì từ con không nhìn, hai đứa tôi còn cha còn mẹ mà như mồ côi…
Hắn nghẹn lời không nói tiếp được, đá luôn cái bàn văng vô tường, bỏ đi. Bà mẹ chửi với theo:
- Quân mất dạy, chỉ giỏi hỗn láo với mẹ. Có đi thì cuốn gói quần áo theo, lão Omar phải sửa chữa phòng để cho thuê, hạn chót là cuối tháng này, nhớ đấy.
Đám trẻ con khu nhà dân tị nạn đang chơi ở sân, nhìn thấy Hãn, ùa chạy đến hỏi xin chocolat. Hắn làm bồi bàn ở bộ phận Business Lounge phục vụ hành khách cao cấp, hay mang bánh kẹo dư thừa về cho lũ nhóc. Xứ này bánh kẹo không thiếu, nhưng được quà bánh ngon ai cho, lũ trẻ vui hớn hở. Nhìn đám trẻ con chia nhau bánh kẹo, hắn chạnh nhớ tuổi thơ lang thang trên mấy phố Hà nội với thằng anh bán lạc rang. Buổi sáng sau giờ tan trường, về nhà ăn cơm trưa xong, hai anh em bê hai cái rổ nhựa bày sẵn từng vòng tròn gói lạc rang, gói giấy đủ màu, ra phố bán dạo, bất kể ngày mưa hay nắng. Anh hắn mới chính hiệu nhân viên tiếp thị, hắn nhỏ tuổi hơn theo làm thợ phụ. Hôm nào trúng mối dân nhậu bia hơi, lạc trên rổ sắp hết, hắn ù chạy về nhà ngoại lấy thêm hàng. Tiền bán được phải mang về nộp đủ cho bà, hắn chỉ mơ cây kẹo ngọt mà chưa bao giờ được nếm.
Duy nhất một lần, ông khách tây thương tình mua vài gói lạc, khi được trả tiền bằng tờ giấy lớn, anh hắn nắn nót đếm đủ tiền lẻ thối lại, ông ta cười, cho thêm tiền, thêm mấy thỏi chocolat. Hai anh em dẹp rổ lạc, tự cho phép nghỉ bán, ngồi vắt chân trên ghế đá bên bờ hồ mút kẹo. Lần đầu trong đời hắn biết hương vị chocolat thơm ngon thế nào. Khi mới đến nước Đức, nhớ cơn thèm thuồng thuở bé, Hãn vào siêu thị Aldi, mua đủ loại chocolat, ngày nào cũng ăn chục thỏi đến đau bụng mới thôi.
Đôi khi hắn tự an ủi, trong đời vẫn còn thằng anh thương mình, chia sẻ với nhau nỗi khổ côi cút, thiếu tình thương, đến khi anh hắn có vợ thì hắn thấm thía cuộc đời. Ra đời sớm, nếm khá nhiều bài học cay đắng, hắn vẫn chưa hiểu hết lòng dạ con người. Người đời như con thò lò hai mặt, chớp mắt đã tráo trở thay đổi, ai nói “nhân chi sơ tính bản thiện”, hắn cho rằng: nhân chi sơ tính hám lợi! Bản chất ích kỷ, tham lam, chỉ muốn giành giật cái lợi về mình biến họ thành tàn nhẫn với người khác. Chính hắn là người kết nối anh Hải với Ngọc, đúng lúc cô nàng đang lo sốt vó sợ bị trục xuất về nước vì hết hạn tạm dung. Anh hắn cũng cảm cái nết chí thú làm ăn, vẻ đẹp đơn sơ của cô ta, sẵn lòng ký giấy hôn thú. Khi mới gắn bó với nhau, giữa bữa cơm gia đình, Ngọc nhìn hắn trìu mến:
- Chị xem Hãn như em ruột, khi nào thích thì về share phòng với anh chị, ăn thì nhiều chứ ở có bao nhiêu.
Khi biết chuyện hắn phải rời căn phòng thuê của ông bố dượng, câu nói dửng dưng của Ngọc làm hắn hụt hẫng:
- Hãn tìm nơi khác mà thuê, nếu đắt quá thì chị giúp cho ít tiền, chứ anh chị sẽ có con, Hãn về ở chung không tiện.
Anh Hải xoa dịu:
- Nó ở tạm một hai tháng thôi, rồi sẽ tìm nơi khác mà.
Ngọc cứng rắn:
- Không được, nó dọn vô ở thì dễ mà bảo dọn ra khó lắm, đời là vậy.
Chả buồn nhìn bộ mặt thê lương của thằng anh, hắn không muốn biết có phải anh hắn đang đóng kịch, để đỡ đau lòng hơn. Hắn thu gom đồ đạc, gửi lại số giấy tờ quan trọng, ít đồ dùng ở nhà dì Mai, ra đi với mớ quần áo cần thiết và cái laptop. Gia nhập thành phần phố Terminal, hắn có vẻ lương thiện đàng hoàng giữa đám xô bồ lộn xộn. Cái va-li đắt tiền, mới mua từ shop ở phi trường khiến hắn giống một hành khách lỡ chuyến bay hơn kẻ đi bụi. Hai tên da đen mừng rỡ nhận ra người quen từng đụng mặt nhau ở quán billard và Fast-food. Hãn cười, nói mới bị vợ đuổi, ở tạm đây rồi tìm nơi khác. Hai tên hí hửng:
- Té ra đồng hội với nhau, mày dân schwul* không? Tao tìm cho một tên cặp đôi chơi cho vui.
Hãn gạt phắt:
- Từ từ, tao đang đau vì bị người yêu đá, đời còn dài mà.
&
Sống bụi ở Terminal hóa ra được nhiều cái lợi: không phải mất tiền thuê nhà, tiền điện thoại, đỡ tốn xăng chạy đi chạy về, không phải thức dậy từ 4 giờ sáng, phóng xe như điên ra nhà ga để bắt tàu điện vô phi trường. Bộ phận hắn làm việc có phòng tắm và vệ sinh dành riêng cho khách VIP* sạch sẽ bóng loáng hơn ở nhà, hắn tùy nghi sử dụng, miễn phí. Ở đây mỗi nhân viên có một ngăn tủ riêng, quần áo thay ra nhét vô đấy, cuối tuần đem về nhà dì Mai cho vào máy giặt, giặt nhờ, miễn phí. Cần ăn, có fast food Âu, Á, Mexico đủ kiểu ở restaurant ngay phi trường. Cần ngủ, có ghế dài nệm da, miễn phí. Tủ bàn, tivi là xa xí phẩm, rải rác khắp phi trường đều có tivi để hành khách xem tin tức, lại có internet, miễn phí. Làm bạn với hắn là cái laptop Apple mới cứng, rảnh rỗi xem phim, đọc báo online, vô Skype chát chit với mấy em gái phương xa. Chỉ những đêm làm ca tối ra muộn, ghế dài bị chiếm hết, còn ghế ngắn hai chỗ ngồi, nằm ngủ không duỗi thẳng chân được, hơi phiền. Sau mấy lần được Hãn mời đi ăn Buffet ở nhà hàng, Vua Terminal tự động giữ chỗ sẵn cho hắn, đêm về hắn ung dung ngả lưng trên ghế nệm da. Dân phố Terminal xì xào gọi hắn là Phó vương!
Dì Mai hay quấy rầy hắn bằng thứ triết lý vớ vẩn của đàn bà:
- Sống bụi đời thế mà chịu được hở con? Người thời đồ đá còn tìm cái hang để chui ra chui vào. Nếu con người không cần chỗ ở, chả ai xây nhà làm gì, đi làm về phải có chỗ êm ấm nghỉ ngơi dưỡng sức, cứ ngủ bờ ngủ bụi thì không ốm, sức lực cũng hao mòn dần.
- Cháu có ngủ bờ ngủ bụi đâu, cả phi trường là nhà kính, ấm áp ra phết, mưa gió không lo, tiền lò sưởi, tiền điện nước đâu phải trả, miễn phí! Terminal rộng mênh mông, cháu có góc ngủ riêng khác gì phòng thuê riêng đâu, lại miễn phí! Báo tin dì biết cháu đang đầu tư bất động sản đấy!
- Mày bó hầu bó họng chẳng dám ăn tiêu để tiền mua nhà, rủi phát bệnh ung thư, lăn đùng ra chết thì có mang nhà theo được không, mà cuộc đời thì chả được hưởng bao nhiêu.
- Cháu đang khỏe như vâm, dì đừng trù ẻo nhá. Cháu có chân lý sống của cháu, dì đừng can ngăn nữa, rách việc!
Số hắn với dì Mai chắc “khắc khẩu”, gặp nhau là tranh cãi, nhưng dì thương đứa cháu bơ vơ mà ngang bướng, tuần nào biết hắn ghé về thăm dì với giặt quần áo, dì nấu sẵn mấy món ăn ngon. Khi ra đi, lại được dì đóng gói thức ăn mang theo, hắn gọi đó là Buffet miễn phí!
Tháng đầu tiên, kiểm tra tài chánh, nguyên tháng lương còn trọn vẹn, chỉ tiêu có 200 Euro, Hãn bắt đầu tính sổ, lập kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất. Mỗi tháng cố dành dụm 1.000 Euro, một năm có 12.000 Euro dễ như bỡn. Công nhân như hắn làm mửa mật, giỏi lắm để dành 300 Euro là cùng, phải chi tiêu, đóng thuế bao nhiêu thứ. Còn hắn, sống ở Terminal, miễn phí tất tần tật!Hãn quen đời chay tịnh, không hút thuốc, không rượu bia, không cá độ bóng đá, cả đời chưa bước chân vào casino, chuyện gái gú hắn càng tránh, sợ bị dính HIV! Thú giải sầu trước kia của hắn chỉ tụ họp ở mấy quán billard, quán café có karaoke với đồng hương, tìm mấy nàng mới chân ướt chân ráo đến đây, tán tỉnh, hò hát với nhau vài lần, thích thì đưa nhau đi ăn Buffet, gạ gẫm được nàng thì qua đêm làm tình với nhau, không thì bắt tay chào nhau, như tây, khỏi nợ nần gì nhau.Có lẽ nên dẹp luôn karaoke cuối tuần, ráng đi cày thêm, làm chui trốn thuế ở nhà hàng, mỗi tháng dôi ra vài trăm nữa. Chịu cực khổ vài năm lên đời đâu khó! Chừng ba năm, có 40.000 Euro trong tay, hắn có thể đặt cọc tiền mua một căn hộ chung cư có một phòng khách, hai phòng ngủ, mượn tiền ngân hàng trả góp trong 20 năm. Rồi cho thuê bớt một phòng ngủ, có thêm tiền, cuộc đời thong dong, chả cần du lịch xứ lạ nào vì không có nhà người quen, phải ở Hotel thì như đốt tiền, bay về quê làm Việt kiều du lịch trên quê hương mình. Cần nhất thuộc lòng lời răn thứ 11 của Chúa: “Chớ dại dột đeo cùm vào bà vợ nào, tan nát đời trai!” Không hiểu sao mấy mụ vợ chỉ giỏi tài làm tiêu tán sự nghiệp đàn ông. Như anh Hải, từ khi có vợ, tiền dành dụm vơi đi, hết sắm thứ này lại sửa thứ kia, chả thấy dôi ra đồng nào. Tiền lương vào chưa nóng túi, vội vã ra đi, như gió vào nhà trống, tội nghiệp ông anh.
Có một căn hộ là vật thế chấp chắc chắn nhất, hắn sẽ vay thêm tiền nhà Bank, tiến lên kế hoạch ngũ niên lần thứ hai: tậu thêm một căn hộ nữa để cho thuê. Mọi người sẽ trố mắt ra thán phục, hắn chỉ làm hai job, mà kinh doanh nhà đất như ai! Mười năm sau, hắn chỉ mới 40 tuổi, đời vẫn huy hoàng, bấy giờ mới bắt đầu tuyển vợ, phải là một nàng đẹp gái, có bằng cấp, chí thú làm ra tiền, không phải chỉ mơ có chồng để báo cô, chuyện ấy xưa rồi, hắn thề với lòng: không bao giờ đi theo vết xe đổ của thằng anh ngu dại.
Đêm, trước khi ngủ, Hãn mở laptop, mở lịch nhật ký ra ghi chép, không phải tâm sự nỗi lòng, mà là những món tiền chi tiêu trong ngày, cái bánh: 3 Euro, tô mì 4 Euro, sửa giày: 6, mua 2 quần lót: 7… Hắn ra kỷ luật không được chi tiêu quá giới hạn 100 Euro mỗi tháng. Món nào chi tiêu quá tay, có ghi chú mực đỏ bên cạnh: “Phí phạm, cắt!” hắn tự bằng lòng chính mình, khoan khoái thấy số tiền trong tài khoản ở nhà Bank mỗi tháng tăng dần.
&
Hãn thức giấc nửa đêm, cảm giác như có ánh đèn vừa soi qua mặt mình, bàn tay ai chạm khẽ vô người, môi ai lướt nhẹ bên má trái. Hắn ngồi bật dậy, đưa tay xoa lên má, lạ thật, phảng phất mùi nước hoa Lavender* bên mình, hay ở đây có ma, nếu có, chắc là ma nữ mới trêu ghẹo hắn!?
Hắn đảo mắt quan sát xung quanh, nghĩ ngay đến hai tay da đen đồng tính, dám có tên lên cơn dê sảng đến gần sờ mó mình, chợt nhớ ra hai tay này mấy đêm nay đưa nhau tìm chỗ khác du dương, không thấy xuất hiện. Gần bên nhạc sĩ Romeo ngáy ro ro như xe rồ máy. Terminal rộng mênh mông hàng trăm mét vuông, từng hàng ghế đặt rải rác khắp nơi, bên những chậu cây cảnh, chậu hoa, ánh đèn trắng dịu tỏa sáng, người ngủ nằm, ngủ ngồi trên ghế cách xa nhau.
Nhìn qua cửa kính, thấy phi đạo lung linh ánh đèn, từng hàng máy bay xếp ngay ngắn, có chiếc sáng trưng ánh đèn vì nhân viên đang làm tạp dịch trên đó, quanh phi trường lúc nào cũng có xe chạy qua lại, nhân viên ca đêm ra về, nhân viên ca sáng đến. Hôm nay giữa tuần, ít người tá túc ở phi trường như cuối tuần, hình như có mấy người lạ, nhìn qua là biết, khi ngủ họ ôm chặt hành lý vào người. Dân vãng lai ở đây, thường chỉ có ba-lô con cóc, hay túi xách cũ, vứt ngay dưới ghế chả ai thèm chôm lấy. Chỉ riêng hắn có cái Koffer (va-li) mới cứng, rất hoành tráng. Hãn thử kiểm tra cái dây xích cột va-li của hắn vào chân ghế, vẫn an toàn, yên tâm. Khi ngủ hắn mặc thêm áo khoác, có 2 túi bên trong, cất chìa khóa vali, thẻ nhân viên, Passport, ít tiền vào túi, áo với túi lại có dây kéo an toàn, rồi chui vào cái túi ngủ, kéo lên tận cổ, chả sợ ai lục áo chôm chỉa. Va-li tuy nhẹ, nhưng có vài món đáng giá, hai bộ quần áo rất model, vài cravat đẹp để diện đi chơi, cái laptop Apple 1.400 Euro, đồng hồ Rolex hơn 1.000 Euro, cái smartphone đời mới, mấy thứ này hắn dấu kín trong va-li, chỉ mở ra ngắm khi ngồi một mình.
Khi Hãn mới gia nhập Terminal, tên Thổ, dân chơi casino nói xỏ:
- Đứa nào ngu mới móc túi mày, nó khiêng mày vứt luôn vào máy ép rác phi tang luôn xác, rồi chôm cái Koffer là xong, dám trong đó có gia tài bạc triệu.
Hắn chột dạ, gườm gườm nhìn tên Thổ, lớn tiếng cảnh cáo:
- Thử đụng vô tao xem, tao rất tỉnh ngủ, còn ngủ như chết như mày mới dễ khiêng đấy.
- Đừng tưởng bở, tao luyện được phép thần thông: ngủ mở nửa mắt, ai động đậy biết ngay, mày thử hỏi đêm qua ai về Terminal trễ nhất, tao nói, xem có đúng không.
Đúng là khi ngủ, miệng tên Thổ vẫn ngáy, mà mắt mở trừng trừng như xác chết, trông dễ sợ. Tên cờ bạc này nhiều mánh khóe đáng ngờ, phải cảnh giác hắn. Vua Terminal nói tạt vào mặt nó:
-Mày thì trên răng dưới d…, đéo có gì để mất mà ngủ phải mở mắt rình thiên hạ. Thế đi casino mày nhắm mắt hay sao mà cả đời không thấy vô mánh lần nào.
-Đừng coi thường, con thắng lớn mấy lần đấy bố già, vô cả chục ngàn Euro, ngu gì khai báo cho bọn chôm chỉa biết, tớ lặn đi du lịch với mấy em tóc vàng, ở Hotel 5 sao nhé.
Quả đúng, đôi khi thấy hắn biệt tăm mấy tuần. Nhưng về lại Terminal vẫn chỉ có bộ quần áo da dính trên người. Nhạc sĩ Romeo buột miệng chửi:
- Dám mày ở Hotel Hilton lắm? Mẹ kiếp, chém gió nghe sợ quá, chắc đi lừa gạt đàn bà, bị nó thưa kiện, phải nằm ấp có lính canh chứ Hotel 5 sao nào.
Cả đám phá ra cười, tên Thổ quê mặt, lỉnh đi nơi khác.
Từ hồi thơ ấu, Hãn ôm ấp giấc mơ thầm kín, trở thành một VIP* nổi tiếng trên thế giới, đi máy bay du lịch khắp nơi, ở Hotel sang trọng, có xe hơi, tài xế đưa đón ra tận phi trường. Giờ đây tuy không phải VIP, chỉ là nhân viên phi trường nhưng hắn được quyền mua vé máy bay giá rẻ, có thể thực hiện giấc mơ du lịch dễ dàng, thì lại bị ràng buộc với kế hoạch thắt lưng buộc bụng để đầu tư nhà đất. Hắn chép miệng mơ ước: “Giá được bay miễn phí, chắc mình bay đến cùng trời cuối đất, mỗi năm cả chục lần, tội gì phí của giời!” Thôi giờ tự an ủi: “Đây là bước quá độ, để tiến lên thiên đường của mình”, cái thiên đường do hắn vẽ ra để xoa dịu cơn đau lưng, đau vai ê ẩm mỗi ngày, vì phải ngủ trên ghế chật hẹp, tuy là ghế nệm da, nhưng sao ấm áp bằng nệm giường. Mà sao không nghe mấy tay hàng xóm đóng đô thường trực ở đây than thở đau lưng đau mông gì như mình, có lẽ phải hỏi họ bí quyết làm giảm đau để sống thọ lâu bền ở Terminal. Đêm đêm, ngã lưng xuống cái ghế dài, hắn lôi mộng thiên đường với “kế hoạch ngũ niên” ra ru giấc ngủ. Tậu một căn hộ có 2 phòng ngủ, cho share bớt một phòng, tiến lên tậu thêm căn hộ nữa, tiền trong sổ tiết kiệm ở Bank thăng tiến lên, từ 4 con số, lên 5, rồi 6…Biết đâu có ngày thành triệu phú! Hắn chìm vào giấc ngủ say với nụ cười phảng phất trên môi.
Hắn lãng tránh gặp dì Mai cuối tuần. Dì tốt thì tốt thật, nhưng chân ngắn ngũn, mà óc cũng ngắn như đa số giống cái trên thế gian, chỉ chực lôi tuột hắn ra khỏi thiên đường, ấn mặt hắn xuống trần thế đầy dẫy rối rắm bằng thứ triết lý con cóc của dì. Đã vậy, dì lại hay “ní nuận”:
- Con người ta sinh ra là để sống, hưởng thụ cuộc sống ngay trong đời này, hôm nay và ở đây; chứ không phải chuẩn bị sống cho ngày mai. Cái thiên đường của mày chỉ là ảo ảnh thôi con ạ, nó có thực đâu, chính mày tự vẽ ra mà mơ ước, huyễn hoặc chính mày, rồi mê hoặc, dụ dỗ luôn người khác. Thế là có tội với con người đấy! Rồi mày sống cứ thắt lưng buộc bụng, hy sinh cho tương lai. Nói phỉ phui, nhỡ ngày mai trái đất chạm phải thiên thạch khác nổ tung, thì thiên đường của mày còn không?
Hắn cáu gắt, cãi lại bằng “ní nuận” sắt đá của mình:
- Dì cứ hay lý sự cùn, mỗi người có hướng đi riêng, sống như thế nào là quyền tự do của con người, dì định âm mưu phá hoại thiên đường của cháu đấy hả?
- Tao chả hơi đâu đi phá thiên đường của mày, nhưng thấy mày đang lao đầu xuống hố, còn muốn lôi kéo người khác lỡ dại tin mày cùng xuống hố theo, tao lơ đi sao được. Yên chí, dì mày cũng cứng đầu không kém gì mày, cứ “ní nuận” mãi, tới khi nào mày sáng mắt, ra khỏi thiên đường mới thôi!
Từ bận tranh cãi kịch liệt đó, hắn ít ghé về thăm dì Mai, tuy hơi tiếc chỗ giặt quần áo miễn phí và cơm Buffet miễn phí, nhưng đành chịu tốn tiền ra tiệm giặt, chứ cứ tranh cãi miết với dì, hắn sợ thiên đường của mình lung lay mất.
&
Nàng đẹp man dại như con nai rừng, da ngăm đen, mặt mộc không son phấn, tóc nâu xoăn, môi dày như cô đào Angelina Jolie, mắt nâu hạt dẻ, chân mày xếch lên đáo để. Áo lửng, chân dài xỏ trong cái quần Jean trễ quá rốn, hở cái bụng phẳng, chắc lẳn. Ấn tượng nhất là cái khoen nhỏ gắn ngay rốn, rung rinh theo bước chân nàng, khiến quí ông cảm thấy tim đập dồn dập, tay chân ngứa ngáy mỗi khi đảo mắt qua đó. Hãn thở ra: “Cỡ này không phải gái hiền lành, dám xách túi ra Terminal ngủ thì chẳng vừa, ôi, sao trông em ngon như trái ớt hiểm!” Hắn giả vờ cắm cúi gõ trên laptop nhưng mắt không rời nàng. Tay Thổ, dân chơi casino tối nay lỉnh đâu mất chứ không hắn đã sán đến gần nàng. Cô gái không để mắt tới ai, chăm chú đọc mớ tài liệu đặt trên đùi, thi thoảng lại gạch xanh, gạch đỏ loạn trên giấy, ra vẻ bận rộn như dân Büro chính hiệu. Bố già Vua Terminal tu xong mấy tợp rượu, nhét chai rượu vào túi áo, định lăn ra ngủ, thấy ngứa mắt, lên tiếng:
- Bé kia, ở đâu dạt đến đây, đi lạc mẹ hở?
Lập tức, con nai rừng dương sừng lên:
- Can dự gì tới ông, đừng xen vào đời tư người khác, không lạc mẹ đâu, đây chỉ lạc chồng thôi.
Đám đàn ông há hốc mồm sững sờ giây lát, phá ra cười. Nhạc sĩ già lên tiếng:
- Đúng, không nên xen vào đời tư ai, nhưng bé không nên xen vào ghế của lão Romeo, coi chừng bị lão nện cho.
- Bộ lão Romeo tự mua sắm cái ghế này làm của riêng, có giấy tờ chứng minh không?
- Không, nhưng lão đóng đô trên ghế đó 10 năm rồi, dính đầy rận rệp, mồ hôi, nước dãi của lão trên ghế đó, dễ lây bệnh đấy.
Tác dụng thấy liền, nai rừng đứng bật dậy, than van:
- Thảo nào, ngồi đây nghe mùi thum thủm, nhưng chỗ này ngắm thành phố mới đẹp.
- Dĩ nhiên, cái đó đâu phải khám phá đầu tiên của bé đâu, a lê, đi chỗ khác chơi!
- Thế nếu Juliette tái sinh thì lão Romeo có nhường ghế cho nàng không?
Mặt nhạc sĩ già thộn ra, đã lâu lắm không ai nhắc đến tình sử Romeo và Juliette trước mặt lão. Mọi người phì cười, nhưng mắt lão dân dấn nước. Mối tình éo le đã đẩy lão biền biệt bỏ quê hương ra đi, chả biết ngày nào hát khúc “Về mái nhà xưa”, dám khi trở về thì tóc nàng đã bạc phơ hay đã nằm dưới mộ. Ngày xưa chỉ vì là một nhạc sĩ nghèo kiết xác nên gia đình nàng từ chối lời cầu hôn của lão, gả nàng cho một tay triệu phú. Gã ra đi với lời thề chỉ trở về quê cũ khi thành tỉ phú, nhưng ra đi gần hết đời người mà mộng ngày một tàn phai. Lão thở dài, lẩm bẩm một mình:
- Ta dâng cho Juliette cả cuộc đời, cả giấc mơ âm nhạc, chứ sá gì cái ghế tầm thường này.
Những cái ghế dài khác đã có người chiếm, Hãn ra tay nghĩa hiệp:
- Cô có thể nằm ở đây, tôi nằm trên ghế ngắn cũng được.
Nai rừng có vẻ xúc động, đem túi xách với cái chăn nhẹ đến ngồi cạnh Hãn, bắt tay làm quen:
- Cậu tên gì, còn đi học không? Ra vẻ thư sinh quá.
- Học hành gì, tự lập lâu rồi, tôi tên Hãn. Vô sản chuyên chính, không cha mẹ, không vợ con, không nhà cửa, xe cộ….
Cô gái tròn mắt, ngắt lời:
- Cái gì, tên cậu là Hahn? Con gà trống à? Gớm, bộ dạng mềm nhẽo thế kia thì sao là Hahn được? Vậy tớ đây là Henne! (Henne: gà mái)
Nàng cười, thú vị món chơi chữ, Hãn sôi gan muốn đấm vào ngực mình, không biết bố mẹ khi xưa nghĩ gì mà đặt tên Hãn, dân tây đọc không bỏ dấu được, nên thành Han, cứ như hang hóc, rõ chán. Thấy bộ mặt cáu kỉnh của hắn, nàng thôi không cười, dịu giọng:
- Đùa tí thôi mà, tên tớ là Melody. Mẹ tớ thích âm nhạc nên cho cái tên chẳng giống ai.
- Tên nghe du dương đấy chứ! Này cậu làm gì mà gạch xanh đỏ lên tập giấy ghê thế?
- Đây, thích thì ngó qua xem.
Melody đưa Hãn xem tập giấy, đó là tài liệu khóa học Service Agent Check-in của phi trường.
- Tớ nộp đơn thi tuyển, được vào khóa học này, 6 tuần, sau đó phải thi nữa, qua được thì học tiếp 2 tuần rồi thành nhân viên bộ phận Check-in ở phi trường.
Hắn thầm nể phục nàng, vì thi đậu vào bộ phận này không phải dễ.
- Chắc Melody giỏi sinh ngữ mới thi đậu được.
- Tớ chỉ giỏi Tây ban Nha và Đức ngữ, vì mẹ dân Brazil, bố Đức mà, cả hai chết lâu rồi, còn tiếng Anh, Pháp tàm tạm đủ để cãi nhau.
Hãn thắc mắc:
- Thế nhà đâu, sao lại dạt ra ngủ bụi ở Terminal này? Không sợ sao?
Không trả lời vào câu hỏi, nàng tỉnh bơ hỏi lại:
- Sợ cái gì, sao lại sợ, tên nào muốn dở trò xem, có bị ăn đá không, báo tin buồn cho quí ông biết, tớ đai đen Judo đấy!
Hãn rụt vai sợ sệt:
- Ghê quá, gặp đối thủ rồi, muốn thử sức nhau không, tớ đây cũng dân Kung Fu, xuất thân từ Thiếu lâm tự bên Tàu.
Cả hai cùng cười, Hãn nhường Melody cái ghế dài, tối đó hắn bị mất ngủ vì phải bó chân trên cái ghế ngắn hai chỗ ngồi, mà lòng rộn lên niềm vui ấm áp.
Melody như làn gió mát thổi qua Terminal, quí ông tối về Terminal tụ họp đủ mặt, mang theo bánh, trái cây, thuốc lá, nước uống chia nhau. Nai rừng không non nớt ngây thơ như họ tưởng, tính tự lập, ngỗ ngáo và bụi đời của Melody hợp với tính cách của đám dân ngủ bụi. Không phải đêm nào nàng cũng về đó, chỉ tạt qua một, hai đêm rồi biến. Cô có chỗ trọ với cô bạn Anna ở gần phi trường, nhưng tay người yêu của bạn dở chứng, muốn chơi tình tay ba với cả Anna và Melody. Mấy lần hắn toan dở trò nham nhở bị Melody cho bài học Judo đến sái quai hàm, đi cà nhắc vẫn không chừa, nàng đành bỏ đi ngủ bụi ở Terminal những hôm nào tên đó về nhà Anna. Melody nói, giọng căm phẫn:
- Nó chỉ lợi dụng Anna thôi, nó ở đâu, có vợ con gì chưa, không ai biết, khi nào cần sex, cần tiền mới bò về nhà Anna, em giải thích bao lần mà Anna si mê nó quá, không dứt ra được. Vào tay em, thì nó ra đường lâu rồi. Thứ đàn ông tồi này, muốn yêu, mà lại chỉ thích yêu miễn phí.
Hãn cười:
- Đó là thứ chỉ biết chơi chịu mà không chịu chơi. Thế còn yêu không miễn phí là thế nào?
- Anh có hiểu yêu là thế nào không? Đã xem phim Love Story* bao giờ chưa? Trong phim có câu rất
hay: “Yêu là cho đi mà không bao giờ hối tiếc.”
- Công nhận hay tuyệt, vậy nếu bị người yêu chôm hết cả tình lẫn tiền rồi quất ngựa truy phong thì đừng khóc hối tiếc nghe, bé yêu!
- Ngu sao mà khóc, trước khi hắn cao bay xa chạy, em sẽ tẩn cho hắn mềm xương. Mà chưa biết ai phải lăn ra khóc trước ai đấy, anh yêu!
- Melody tính hăm dọa anh đấy à?
- Bộ anh tưởng anh là người yêu của Melody chắc? Việc quái gì phải hăm dọa, khi cần em cho vài đường Judo trước, chắc ăn.
Hãn cười, xoa dịu tình thế, đánh đường dò dẫm:
- Chắc anh mắc bệnh tưởng, cả tuần nay cứ tưởng chúng mình yêu nhau rồi, đúng không Melody?
- Coi bộ anh lây bệnh giáo sư hâm, sắp tưng tửng rồi, ngu sao mà yêu người giữa đường thế này?
- Người như anh mà em không yêu là bỏ qua cơ hội tuyệt vời, trăm năm mới gặp đó!
Melody không nhịn cười được, cười rạng rỡ, nụ cười làm gương mặt nàng hồng lên, mắt long lanh, Hãn nghệt mặt ra, thấy nàng đẹp như bầu trời ráng hồng lúc mặt trời mới mọc.
Tự dưng hắn buột miệng câu nói vừa bật ra trong đầu:
- Có lẽ mình phải thuê nhà ở thôi, anh không muốn em sống bụi thế này.
Melody nhìn hắn giây lát, như muốn đánh giá sự thật:
- Nghe cảm-động-đậy quá! Đâu ai muốn đi bụi thế này, xong khóa học, đi làm có lương, em thuê nhà ngay. Lương nhân viên Check-in cũng khá, gần 1.600 Euro đấy. Có nhà, em sẽ mời anh đến chơi.
- Đến chơi thôi à, Melody cho anh share phòng với chứ! Tiền phòng chia hai, đỡ tốn kém hơn.
Nàng lùi ra, đánh một vòng quanh hắn, nheo mắt quan sát:
- Chưa được, phải qua kỳ thi sát hạch xem có đủ tư cách, trình độ để share phòng không, chứ không dễ đâu, thưa ngài!
Tuần sau, đúng giờ cao điểm, Hãn đang bù đầu với công việc thì Melody gọi phone, hấp tấp báo tin vừa tìm được căn hộ có một phòng khách, hai phòng ngủ, cần gặp Hãn gấp. Hắn giả vờ khai bị đau bụng, xin nghỉ nửa giờ chạy đi gặp Melody. Nàng đứng đó, trước cửa bộ phận hắn làm việc, đưa xem hợp đồng thuê nhà, hớn hở khoe:
- Em tìm trên internet thấy căn hộ này, vừa đi xem nhà xong, được lắm, mà tiền thuê rẻ, có 500 Euro/tháng, ở ngay vùng Kelsterbach, gần phi trường.
Hắn chúc mừng nàng, hơi ngạc nhiên với giá cho thuê rẻ, từ Kelsterbach đến phi trường chỉ 5 phút tầu điện, ở đó đi làm không phải thức sớm, về muộn.
- Đúng là may mắn, nhưng coi chừng nhà cũ quá, thiếu tiện nghi, vào ở mà cứ phải sửa chữa này nọ thì bực mình lắm, nên cẩn thận trước khi ký hợp đồng.
Melody tỏ ra bằng lòng với kinh nghiệm của Hãn:
- Thế nên em mới nhờ anh giúp đỡ. Sáng nay thấy nhiều người đến xem nhà, em hơi lo bị vuột căn hộ này, chủ nhà nói ai đặt tiền Kaution trước (tiền cọc) thì giữ được nhà. Kaution khá cao, mà em chưa đi làm, đâu có tiền ngay lúc này.
Gương mặt lo lắng, đăm chiêu khiến nàng trông như già hơn mọi ngày, hắn thấy rưng rưng thương cảm. Quen Melody được ba tuần, mới biết nàng trông hồn nhiên, ngỗ ngáo nhưng rất biết tự lập, chăm chỉ học để có việc làm, không lôi kéo hắn đi ăn nhà hàng, đi nhảy disco như nhiều cô gái khác. Hãn buông ra câu nói chưa kịp nghĩ kỹ :
- Em nói với chủ nhà đợi đến ngày mai, anh đi cùng em đến xem nhà, được thì mình đặt tiền cọc, cùng ký tên thuê nhà, đồng ý?
- Cái gì lạ dzậy bồ, hổng lẽ giờ hai đứa thuê chung, ở chung với nhau? Sáng kiến đâu ra vậy?
- Thế em không chịu “một mái nhà tranh với hai quả tim vàng” à? Đừng làm cao quá, bé yêu. Cho share nhà đi em, đỡ tốn kém, anh đây rất đàng hoàng, sẵn sàng chia đôi tiền nhà, tiền ăn đầy đủ, không ở miễn phí đâu mà lo.
- Dĩ nhiên, đời này làm gì có chuyện cho ở miễn phí, bộ không biết châm ngôn: “Không ai cho không ta điều gì cả, kể cả thượng đế” sao? Chuyện này em phải suy nghĩ lại, cảm phiền nhé, anh yêu!
Melody lừng lững bỏ đi, hắn không biết làm sao thuyết phục nàng cho share phòng. Hắn cũng ngớ người vì thay đổi đột ngột của chính mình. Sao tự dưng đang yên vị đóng đô ở Terminal hắn lại đổi ý muốn tìm nơi share phòng? Còn kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất? Không lẽ lại phá sản giấc mộng thiên đường mau thế? Tại đôi mắt màu hạt dẻ, tại nụ cười sáng rỡ của nàng, tại cái khoen hấp dẫn ở ngay rốn, hay cái tính ngỗ ngáo đáng yêu đã hút hồn hắn. Hắn chưa gặp nàng nào làm hắn vui cười, ăn nói bạt mạng như tính cách bụi đời dân dã của hắn, vốn ghét những gì khuôn sáo, mẫu mực. Mình yêu nàng hay sao, hắn tự tra vấn, mình đang tỉnh hay điên, hay sắp lên cơn tưng tửng như nàng nói, mà nếu yêu nàng thì có lợi hay bất lợi cái gì?
Đêm đó, Melody không về Terminal, hắn thức trắng đêm mong đợi nàng, gọi handy mấy lần không gặp, hắn mở laptop ra suy nghĩ, gạch đôi bảng tính, bên lợi bên hại, đánh số 1, 2… phân tích từng vấn đề. Bên nàng hắn thấy cuộc sống như chan hòa niềm vui, quên bẵng nỗi cô độc, giận đời đen bạc vì bị gia đình bỏ rơi. Mỗi ngày vừa dứt công việc xong, hắn hân hoan về lại Terminal trông ngóng tiếng cười như chuông reo của nàng, chờ đợi những câu đùa trêu ghẹo của cánh đàn ông, nghe nàng ranh mãnh đốp chát lại, và mọi người cười ồ lên sảng khoái. Nhưng còn giấc mộng thiên đường: mua được nhà, làm giàu nhờ đầu tư nhà, có bị trở ngại gì không?
Hắn ôm trán suy tư, đã share phòng thì phải chia đôi tiền nhà, đóng góp tiền ăn, tiền điện nước, chứ không thể tính toán chi ly, ký ca ký cóp bên cạnh người đẹp được. Lương tháng chắc bị hao hụt, không còn dành dụm nguyên vẹn như trước, nhưng có thể từ giã Terminal, từ giã chứng đau lưng, đau vai làm hắn có hôm bải hoải không làm việc nổi. Mùa đông đang tới, cuối năm nhiều ngày lễ, phi trường tấp nập hành khách, đôi khi mấy chục chuyến bay bị hủy vì bão tuyết, hành khách dồn lại ngủ lăn lóc ở phi trường. Chỗ ngủ của hắn ở Terminal đâu phải thứ thuê bao hằng tháng, gặp những đêm không có ghế trống, biết đi đâu ngủ qua đêm. Hắn phải tính trước khi chuyện xảy ra. Đành phải hạ bớt chỉ tiêu dành dụm tiền lương, kế hoạch mua nhà có thể chậm lại, tuy nhiên share phòng vẫn rẻ hơn là một mình thuê riêng phòng. Điều lo âu nhất là Melody có ưng thuận không? Nai rừng kể ra khá lợi hại, khôn ngoan chứ không dễ dụ dỗ như hắn tưởng. Nhưng hắn có lý do tự tin, nàng dường như dành cho hắn tình cảm đặc biệt hơn, so với cánh đàn ông ở Terminal. Hãn gọi handy liên tục cho Melody mấy ngày, nàng không bắt máy, im lặng bí ẩn.
&
Bỏ thuốc lá đã lâu, hắn lại phải tìm đến khói thuốc khi buồn nhớ nàng. Trong phi trường cấm ngặt hút thuốc, khi thèm thuốc, người ta phải tìm khu vực riêng hay ra công viên phía sau. Cả tuần không gặp Melody, Hãn gần phát điên, nhưng không dám thổ lộ nỗi niềm với ai. Tên Thổ ngồi vắt vẻo trên bờ tường, miệng phì phèo thở khói, nheo mắt nhìn hắn trêu cợt, hát bâng quơ:
- Tình là tình nhiều khi không mà có, tình là tình nhiều lúc có như không….
Hãn nhảy mấy bước đến trước mặt tay Thổ, nắm cổ áo hắn, gằn giọng:
- Mày nói gì, đồ đểu.
Tên Thổ vung ngay nắm đấm vào mặt Hãn, hắn quay sang bên, tránh được, vung tay đấm lại ngay mũi nó, máu ứa ra. Hai tay da đen đứng gần đó, chạy đến kéo hai người ra, la lớn:
- Cảnh sát đến bây giờ, tụi mày muốn nằm ấp hả?
Hai người đành lùi ra xa, gườm gườm nhìn nhau.
Ngay lúc đó, cửa kính tự động bật mở, Melody hiện ra, tiến về công viên, bước đi ung dung yểu điệu. Trông nàng như một công chúa vừa bước ra từ lâu đài, áo pulli đen bó sát, jupe hoa tím, áo khoác len màu hồng tro, không phải T-shirt với quần Jean sờn rách như mọi ngày. Mấy tay đàn ông há hốc mồm ngạc nhiên. Melody nheo mắt nhìn mọi người, cười hỏi:
- Thế nào quí ông, vẫn còn sống đủ chứ, chưa ai về bên kia thế giới ư?
Cả bọn phì cười, Hãn chạy ngay đến, vặn hỏi nàng:
- Handy cất đâu, tại sao anh gọi mà không bắt máy trả lời?
- Đổi sim card, đâu dùng số cũ, làm sao anh gọi được, mà mấy ngày nay em phải ôn thi cuối khóa, không nhớ à? Báo tin với quí ông là em đã ký hợp đồng làm việc, sẽ là nhân viên Check-in đấy! Giờ phải lên đồ hàng cho tư cách chứ! Đâu còn dân bụi nữa.
Mấy người nhao nhao chúc mừng, mặt Hãn chưa vui, gắt gỏng:
- Ít ra em phải cho biết để anh không lo, mà sao em đổi sim card liên tục vậy? Sợ bị theo dõi sao? Thế việc thuê nhà thế nào?
Melody dẫn hắn ra xa cho dễ nói chuyện riêng:
- Em phải lo thi, đâu có thì giờ lo việc nhà, tưởng vuột mất căn hộ rồi, hôm qua bất ngờ bà chủ nhà gọi đến, hỏi muốn thuê không thì trở lại, có vẻ bà ta thích cho em thuê, vì bà sống một mình nên muốn người thuê cũng là phụ nữ. Nhưng mà….
Nàng ngập ngừng giây lát, giọng buồn buồn:
- Tiền Kaution cao quá, đến 3.500 Euro, em chỉ mới đặt trước 500 để làm tin, giờ phải chạy vạy mượn thêm tiền đây.
Đầu óc hắn căng ra suy nghĩ. Ba tháng dành dụm, Hãn mới có gần 4.000 Euro trong sổ tiết kiệm, mới thập thò ở cửa thiên đường, giờ đây Melody đang cần kíp quá, biết tính sao, nhưng chỉ có dịp này mới thu phục tình cảm của nàng, nếu không nàng sẽ như cánh chim bay đi mất biệt, người như nàng thiếu gì tay đàn ông sẵn sàng cung phụng đủ mọi yêu cầu, có đáng chi món tiền Kaution mấy ngàn bạc. Hắn nói dứt khoát với Melody:
- Anh sẽ đưa em số tiền đó, nhưng để đến mai anh đi cùng em gặp bà chủ nhà. Hôm nay anh phải làm ca tối, đến 11 giờ đêm mới tan ca.
- Không được, hôm nay là hạn chót giao tiền đặt cọc, nếu không thì mất căn hộ, em đã xin bà chủ nhà dời thời hạn hai lần rồi. Thôi nếu anh không giúp được thì em đi hỏi người khác, chứ khi bắt đầu làm việc, em không thể ngủ bụi ở Terminal được, dám bị đuổi việc luôn.
Melody quay phắt đi, hắn như người sợ bị vuột mất món hàng quí giá, vội chạy theo giữ nàng lại.
- Khoan đã, giờ đi cùng anh ra ngân hàng lấy tiền, em đi đặt tiền cọc, ký hợp đồng thuê nhà xong, quay lại đây, đưa giấy tờ cho anh xem. Đồng ý tụi mình share phòng nhé.
Melody hơi do dự khi cầm số tiền 3.000 Euro, nàng hỏi thẳng thắn:
- Anh suy nghĩ chín chắn rồi chứ, đây là tiền đặt cọc, khi nào mình không thuê nhà nữa thì chủ nhà trả lại số tiền này, tiền của anh vẫn là của anh.
- Có gì phải suy nghĩ, “yêu là cho đi mà không bao giờ hối tiếc” đúng không, bé yêu?
Chưa bao giờ Melody nhìn hắn dịu dàng tha thiết như thế, nàng bước đến gần, tự nhiên ôm chặt hắn, hôn lên má hắn, cái hôn đằm thắm, đầu tiên, mỉm cười quay đi. Hắn đứng đó ngẩn ngơ, thầm tiếc sao nàng không hôn lên môi mà chỉ bên má, mùi hương từ người nàng còn phảng phất. Hãn tự nhủ lần sau sẽ chủ động hơn, không chờ đợi nàng ngõ ý. Hắn cười một mình, còn khối thời gian trước mắt, share phòng với nhau mà, chờ đó bé yêu!
Bất chợt hắn bần thần, hình như mùi hương từ nàng giống với mùi hương Lavender đêm nào làm hắn thức giấc giữa khuya. Hay con ma đêm đó là nàng? Hay phụ nữ ưa dùng nước hoa mùi hương giống nhau? Chắc mình nằm mơ, tưởng tượng thế thôi, chứ có ma nào hiện ra giữa thời đại “a còng” này?
Phải nhanh chân vào ca làm việc ngay, hắn quên bẵng con ma nữ với mùi hương Lavender.
&
Tuyết lất phất rơi, trời buốt lạnh, những con đường gần nhà ga về đêm càng vắng vẻ quạnh hiu. Hãn đi đi lại lại quanh đó hơn một giờ, không tìm ra điểm hẹn ở Alexander Platz. Bản hợp đồng thuê nhà có trên tay, ghi rõ tên đường, số nhà, tên chủ nhà, mà không tìm ra. Melody đã dặn: “Từ nhà ga đi bộ đến đó chưa tới 10 phút”. Không có số điện thoại nhà, gọi Handy không gặp được Melody. Ruột gan hắn như lửa đốt, có chuyện gì xảy ra cho nàng? Melody một mình đến đó, có thể nàng bị sập bẫy lừa gạt nào chăng? Trời ơi, bây giờ em ra sao?
Đã quá nửa đêm, hắn quyết định đi vào trung tâm phố, chợt thấy có nhà hàng còn ánh đèn, hắn bước vào, chủ yếu hỏi thăm địa chỉ. Người bồi đang lau quầy rượu, ngước nhìn Hãn, nói ngay.
- Sorry, đã đóng cửa, chúng tôi không phục vụ nữa.
- Vâng, tôi biết, chỉ muốn một ly rượu, trời lạnh quá, và muốn hỏi thăm có ai biết Alexander Platz ở đâu, chỉ giúp, tôi tìm nhà người quen.
Ông ta đẩy ly rượu về phía Hãn, đọc địa chỉ trên giấy, lắc đầu, chưa từng biết. Một ông già ngồi khuất trong góc tối, bước đến gần quầy rượu:
- Này chú em, tôi sinh ra, lớn lên ở đây, thành phố này bị chiến tranh phá hủy, xây dựng đổi mới mấy lần, chưa hề có Alexander Platz. Họa may chú bay lên Berlin, ở đó mới có quảng trường nổi tiếng ấy.
Hãn chới với, như bị đợt sóng mạnh tạt ngay vào mặt, hắn ngơ ngẩn đi trở lại nhà ga, bước chân trở nên nặng nề, con đường đêm sao dài hun hút. Hắn thấy mình như bị hụt chân, rơi tuột xuống cái giếng sâu tối đen. “Melody! Em ở đâu!” Đứng trơ vơ đơn độc ở nhà ga, hắn kêu lớn tên nàng thống thiết, đường phố im lặng, không có cả âm thanh dội lại tiếng kêu của hắn. Một con mèo đen từ đâu nhảy qua mặt hắn, chạy biến vào bóng đêm bên kia đường.
Vừa tan ca đêm, hắn phóng ngay lên tàu điện về Kelsterbach, lòng mừng khấp khởi, Melody chắc cũng đang sốt ruột chờ hắn. Đêm nay là đêm đầu tiên hai người có cùng chung mái nhà. Melody muốn đón hắn tại nhà ga, đưa về căn hộ mới thuê, để hắn khỏi đi lạc đường. Nhưng Hãn muốn tự mình đến đó, không muốn đêm lạnh mà Melody phải đứng chờ mình ở nhà ga. Nàng nói: - Ở đó có sẵn cái giường rộng, em về nhà Anna lấy tấm nệm, với chăn gối mang đến, từ nay mình không phải ngủ bụi ở Terminal.
Hắn vui sướng ra mặt, giục Melody đi cùng Anna thu xếp công việc. Sau khi đóng xong tiền Kaution, có hợp đồng thuê nhà, Melody quay lại nơi Hãn làm việc, đưa hắn xem hợp đồng, có chữ ký của chủ nhà và người thuê đầy đủ, hắn không ngờ mọi việc êm xuôi mau chóng. Anna tử tế, đánh xe chở va-li quần áo, đồ dùng cho Melody về chỗ trọ mới. Chợt nhớ ra điều gì, Melody quay lại hỏi :
- Va-li của anh đâu, có nặng không? Nếu anh muốn, nhân tiện có xe, em đưa luôn về nhà, tối nay anh đi tay không đến, tiện hơn, còn nếu sợ mất thì tự anh mang đến.
Hãn cười, có gì quí đâu mà sợ mất, cuộc đời mình còn muốn trao luôn cho Melody kia mà. Hắn đưa ngay chiếc va-li, trong đó có tất cả tài sản của hắn, cả giấy tờ quan trọng, cả cái pass Đức, nhưng tính vốn cẩn thận, hắn không giao chìa khóa. Hai nàng vui vẻ mang va-li ra xe, lúc đó mới hơn 9 giờ tối, còn hai tiếng nữa, hắn mới hết giờ làm việc. Hắn kéo Melody sát vào mình, thì thầm:
- Em nhớ đuổi Anna về nhà cô ta, anh muốn tối nay về nhà chỉ có hai đứa mình, anh sẽ mang về chai Champagne để mình uống mừng nhà mới.
Melody ôm chầm hắn, hôn lên hai bên má, cười tươi. Hắn hơi bực, vẫn chưa chịu hôn môi, sao khó thế, bé yêu. Đợi tối nay anh về đấy! Một giờ sau, hắn còn nhận được phone của nàng, báo tin đang ở đó, lau chùi nhà, và có sẵn bánh pizza với salad chờ hắn.
Xong công việc, hắn phone gọi Melody báo tin sẽ về ngay, nhưng không nghe chuông, chắc nàng đang bận. Khi lên tàu điện, hắn gọi lần nữa, vẫn im lặng. Rồi từ đó im bặt….im bặt mãi mãi….
Hãn ngồi bó gối trên băng ghế ở công viên, mắt nhìn vào khoảng không, tựa như vô hồn. Vua Terminal ngồi bên cạnh lặng thing, hút thuốc. Lão không nói lời nào, cứ lẳng lặng đi theo hắn, sợ hắn tuyệt vọng, phẫn chí, dám tự tử. Đêm lạnh, lão tìm đâu ra cái chăn len đắp lên người hắn. Hắn không trở lại Terminal, không muốn mọi người nhìn thấy bộ mặt sầu thảm của mình mà cười cợt, chế giễu. Cứ tưởng sống bụi ở Terminal, miễn phí tất tần tật, được nhiều cái lợi, ngờ đâu lại mất tất tần tật! Vua Terminal thở dài, triết lý:
- Con người thường ngu muội lắm, khi được, họ tưởng chiếm được hết của thế gian, ôm giữ của lâu bền, đâu biết rằng khi được tất cả, thì cũng là lúc sắp mất tất cả. Đời vô thường mà.
Chỉ trong một sát na mà hắn mất tất cả. Đâu Melody, đâu căn hộ mới thuê, đâu tài sản ký cóp mấy tháng qua, đâu giấc mộng thiên đường? Người ta nói với hắn: “Nai rừng luôn quay về rừng xanh của nó, hệt như ngựa quen đường cũ”. Hắn không tin con nai rừng đáng yêu như thế lại lừa gạt hắn. Nàng đã hôn hắn, đã hứa hẹn share phòng với hắn kia mà. Phải có bí mật gì đó xảy đến cho nàng. Tại sao nàng không báo tin cho hắn?
Hắn làm đơn khắp nơi nhờ cảnh sát điều tra về việc mất tích của Melody, chắc nàng đang gặp nguy khốn, bị bắt cóc đưa vào nghề mãi dâm bởi bọn buôn người, hay bị hãm hiếp rồi thủ tiêu mất vì những tên thủ ác tâm thần nào đó, như trong nhiều phim hình sự chiếu đầy dẫy trên Ti vi. Hắn giận mình khi quen thân Melody, không hỏi kỹ về Anna, để biết địa chỉ cô ta. Đó là đầu mối duy nhất dẫn đến Melody, nhưng cô ả này cũng biệt tăm tích. Càng bí ẩn hơn, trong danh sách những người vừa kết thúc khóa đào tạo nhân viên Check-in ở phi trường không có tên ai là Melody!
Cơ quan hành chánh và cảnh sát đều xác nhận không có công trường Alexander Platz, không có tên chủ căn hộ cho thuê, thậm chí bản hợp đồng thuê nhà chỉ viết tay, không có con dấu của chính quyền. Lúc xem qua, vì quá hưng phấn, hắn không nhận ra điều phi lý đó. Sau khi điều tra kỹ hơn, cảnh sát nhận thấy chẳng có dấu vết tay ai trên bản hợp đồng, ngoài dấu tay chính hắn, họ yêu cầu hắn đi khám bệnh ở bác sĩ tâm thần! Tất cả như rơi vào hư vô! Cả Melody, cả thiên đường đều như xây trên cát.
Hắn khóc thầm trong giấc ngủ, trong khi làm việc, trong lúc ngồi tàu điện. Hằng đêm mong gặp lại mùi hương Lavender và bàn tay bí mật đêm nào. Hắn vẫn tin có lúc Melody sẽ quay về với hắn. Dạo này hắn hay lang thang trên những đường phố trung tâm Frankfurt, mong mỏi phép lạ hiện ra cho hắn gặp nàng. Nàng, hắn không gặp, chỉ hay gặp nhạc sĩ Romeo thổi harmonica ở khu phố đông người, với ca khúc “Về mái nhà xưa” buồn da diết: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh. Về đây với màu gió ngày lang thang. Về đây với xác hiu hắt lạnh lùng. Ôi lãng du quay về điêu tàn….”*
Gần tàn cuộc đời, lão Romeo vẫn chưa quay về quê cũ. Hắn còn quê cũ đâu mà quay về, hắn cũng vỡ mộng thiên đường của tương lai. Hắn đi tìm hoài một hình bóng xa vời.
Melody, em ở đâu? Em có thật hay chỉ là ảo ảnh?
Minh Thùy
Mainz, tháng 11.2013
Ghi chú:
- Lexikon: Bách khoa toàn thư
- Bằng Ph.D: bằng tiến sĩ
- Zigeuner: dân di-gan
- Schwul: gay: đồng tính (nam) lesbian: đồng tính (nữ)
- VIP: very important person: nhân vật quan trọng
- Lavender: hoa oải hương, màu tím, thơm dịu
- Về mái nhà xưa: bài hát Come back to Sorrento. Nguyên tác: Torna a Surriento. Tác giả: De Curtis. Lời Việt: Phạm Duy