- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Chiếc Vé Số Hy Vọng

24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 33380)



ve_so-content


Hắn dừng xe lại ở cây xăng, đổ đầy xăng, rảo bước vào bên trong trả tiền, và như thường lệ hắn mua một chiếc vé số. Hắn đi trở ra xe và chợt nhớ ra đã quên hỏi kết quả xổ số kỳ trước; hắn lắc đầu và nói lầm bầm: “Đầu với óc!” rồi leo lên xe dông tuốt.

Hắn chẳng nhớ chính xác từ lúc nào đã bắt đầu mua vé số; có lẽ từ cái ngày hắn nghe tin có một gã may mắn trúng một giải lớn ở tiểu bang Georgia, từ đó hắn có thói quen mua vé số mỗi khi dừng xe ở cây xăng để đổ xăng. Hắn đã từng thấy nhiều người nghèo bỏ ra hàng mấy chục bạc để mua vé số. Không như họ, hắn chẳng bao giờ bỏ ra hơn một đồng để mua vé số. Một đồng và chỉ một đồng vé số mỗi lần là quá đủ! Hắn nghĩ như vậy vì hắn vẫn thường lý luận theo toán học: không có sự khác biệt đáng kể khi so sánh xác xuất xuất hiện một dãy số với xác xuất xuất hiện của hàng chục hay ngay cả hàng trăm dãy số tương tự một khi có đến hơn cả tỷ trường hợp có thể xảy ra. Trong những ngày đầu khởi sự mua vé số, hắn hy vọng thật nhiều sẽ được trúng các giải lớn và hắn đã sống trong niềm mong đợi đến dịp cuối tuần, để rồi sau rốt cảm thấy hơi thất vọng khi biết mình không trúng một giải nào cả. Thế nhưng dần dần hắn thấy vui vui với những giấc mơ của một kẻ ngỡ mình đang trúng số; thật vậy, với chỉ một chiếc vé số mà hắn dệt không biết bao nhiêu là giấc mơ tuyệt vời! Nào là hắn sẽ cho ba mẹ hắn tiền đủ để về quê nhà thăm các anh chị em của hắn phải ở lại bên đó khiến ba mẹ hắn nhớ thương họ thật nhiều; nào là hắn có thể trả tiền lo tất cả thủ tục giấy tờ để đem vợ con hắn sang đây mau nhất như có thể được và rồi gia đình hắn lại sống những ngày đoàn tụ hạnh phúc… Hắn đã sống trong hạnh phúc, tràn trề hy vọng với những giấc mơ đại loại như thế suốt cả tuần lễ cho đến cuối tuần, lúc mà hắn sẽ đi mua một “niềm hy vọng” khác; rõ ràng lúc nào hắn cũng thấy vui vẻ. Với hắn các tấm vé số thật là rẻ làm sao!

Một dạo trong tiệm tạp hóa khi đang trả tiền mua 1 chiếc vé số, hắn đọc được sự chế diễu trên vẻ mặt người chủ tiệm. Hắn chợt nhớ một ngày nọ chính gã này đã nhìn một người đàn bà nghèo khổ với vẻ diễu cợt khi bà ta bỏ ra hai chục đồng để mua vé số và y đã hỏi bà ta có phải bà thích đánh bạc lắm phải không. Lần này không muốn bị coi là kẻ mê cờ bạc nên hắn cười gượng và nói với gã chủ tiệm:

–Tôi nghĩ nó rẻ. À...Ý tôi là vé số thật rẻ tiền.

Gã chủ và những người khác trong tiệm nhìn hắn như nhìn một thằng khùng. Nhưng hắn chẳng cần quan tâm đến suy nghĩ của bọn họ; bằng chính kinh nghiệm bản thân hắn biết rõ thật sự hắn đã có được thật nhiều thứ bằng vào chiếc vé số này. Vì thế hắn vẫn cứ tiếp tục làm theo sở thích của mình: dừng xe ở cây xăng đổ xăng, trả tiền xăng, mua một cái vé số, sống với niềm hy vọng suốt một tuần lễ, dò số xem có trúng không, mua 1 “niềm hy vọng” mới, và rồi cứ lập lại hoài cái chu kỳ đó. Nhiều khi hắn quên hỏi kết quả xổ số tuần trước nhưng như thường lệ hắn chẳng lấy làm bận tâm về điều đó cho lắm.

Thế nhưng lần này thì khác hẳn. Một thằng bạn cũ của hắn vừa trúng số hai ngàn đô la đã tặng hắn hai chục đồng và một tấm vé số lấy hên. Người bạn nói nửa đùa với hắn rằng bảo đảm hắn sẽ là một triệu phú! Từ lúc đó hắn cảm thấy một nỗi bồn chồn kỳ lạ càng lúc càng lớn dần, niềm hy vọng trúng số độc đắc! Càng gần đến cuối tuần, niềm hy vọng đã trở nên một ước muốn mãnh liệt và sau rốt biến thành một nỗi ám ảnh; thay vì chiếc vé số đem lại hạnh phúc như thường lệ giờ đây thành nỗi lo âu trong lòng. Thế rồi tại cây xăng vào ngày Chủ Nhật hóa ra hắn không trúng được một con số nào trên tấm vé số đầy hứa hẹn của mình. Thoạt đầu hắn choáng váng và ngay sau đó nghi ngờ người thâu ngân đã đưa nhầm kết quả cho hắn, có thể đó là kết quả của tuần trước. Hắn nghĩ hắn phải là người trúng số và ngoài hắn ra không có thể là ai khác được! Càng nhìn vào tờ kết quả xổ số hắn càng thấy người mụ mẫm. Đột nhiên hắn thấy trong lòng dâng lên một niềm bi đát, tuyệt vọng; cùng một lúc có như có cái gì rạn vỡ bên trong người; cảm giác giống như một đống đá đổ nhào xuống khi ai đó vừa lấy đi một hòn đá nằm ở phía dưới chân đống đá. Suy nghĩ của hắn chậm chạp và khật khưởng y như chiếc xe số tay leo lên dốc nhưng không được sang xuống số nhỏ; tệ hơn nữa, ký ức của hắn dường như bị lộn tùng phèo và các “ngăn nhớ” bị lật nhào làm bao nhiêu thứ chứa trong đó văng tung tóe khắp nơi…

*

...Đây là lá thư của người vợ yêu dấu hắn vừa nhận được tuần trước. Y như mỗi lần hắn muốn lướt qua để đọc trọn lá thư là hắn bị khựng lại ngay ở cái dòng chữ: “Hãy giúp em! Ôi hãy giúp em! Anh ơi!” Nỗi đau chói làm nhức nhối và mỗi chữ như xé lòng đó là một con dao đang cứa lên trái tim hắn bởi hắn hiểu rất rõ điều gì nàng muốn nói qua những chữ này. Giây phút đó nàng cần có hắn, cần chính sự hiện diện bằng xương bằng thịt của hắn mà không phải một thứ gì khác có thể thay được! Đó là tất cả điều mà nàng cầu xin trong vô vọng nhưng hắn chẳng có thể giúp được gì cả và chính điều đó làm hắn cảm thấy mình quá đỗi bất lực, rất chi có lỗi và đau quặn thắt cả lòng. Hắn không nhớ đã ngồi bất động trước chiếc bàn trong bao lâu, mắt nhìn trừng trừng nhìn ra ngoài khung cửa sổ mà chẳng thấy một cái gì cả, cho đến khi nhận ra mình ràn rụa nước mắt thì ngoài kia những ngọn đèn đã lên trong bãi đậu xe của khu chung cư; nhìn lại lá thư trên bàn, những chữ trước đó màu xanh bây giờ đen hơn màn đêm.

*

…Một đêm mưa bão hắn cố đi ngủ sớm nhưng biết chắc mình chẳng bao giờ chợp mắt được trước nửa khuya. Trong lúc mơ mơ màng màng hắn nghe rõ ràng giọng nói dễ thương của đứa con trai bốn tuổi:

–Ba ơi! Coi nè ba!

Quá đỗi ngạc nhiên và choáng ngợp bởi niềm sung sướng khi được nghe lại giọng nói quen thuộc đó, hắn choàng tỉnh dậy và cứ tưởng như thật nên nhìn quanh quất tìm thằng bé để rồi cay đắng nhận ra rằng đó chỉ là ảo giác! Thế mà tiếng kêu đó vẫn như còn vang lên trong đầu hắn, trong tận cùng nỗi thất vọng hắn thấy lòng như bị ai thiêu đốt, một thứ lửa rất nóng và dữ dội làm hắn không thể chịu nỗi. Vừa run rẩy vừa thở hổn hển, hắn nhào đến bên cửa sổ, mở toang cửa ra để cho những hạt mưa và mưa gió tấp lên khắp mặt mày và ngực hắn cho đến lúc toàn thân ướt sũng. Khi hắn run lên lẩy bẩy vì lạnh là lúc ngọn lửa ghê gớm bên trong người hắn cuối cùng đã dịu đi.

*

...Hắn thấy mình đang ở phòng đợi ở phi trường vào cái ngày hắn theo gia đình rời Việt Nam đi định cư ở Mỹ. Trí óc hắn như bị che phủ bởi một màn sương và cảm thấy quá khốn khổ đau đớn đến nỗi không còn biết những gì đang xảy ra chung quang mình. Điều duy nhất trong đầu hắn lúc đó là cảnh mà hắn mường tượng đang xảy ra ở nhà mình. Có thể lúc này đây vợ hắn đang chuẩn bị thức ăn sáng cho con trai hắn trong bếp trong lúc thằng bé cứ hỏi hoài rằng ba nó ở đâu, có chở nó đi học không. Và hắn có thể thấy nước mắt chảy dài trên má nàng cùng vẻ mặt ngơ ngác của thằng bé… Ngay lúc đó hắn ước chi có thể khóc òa và chợt thấy đau nhói trong lồng ngực như có ai bóp nghẹt trái tim. Hắn không biết bằng cách nào và lúc nào hắn đã lên máy bay, nhưng hắn nhớ thật rõ cái cảm giác không thể nào chịu đựng nỗi khi thắt sợi dây an toàn; tim hắn tan nát với một nỗi đau quá đỗi. Hắn thì thào: “Thế đấy! Cái này không có thật! Không! Cái này không có thật!” Rồi hắn lẩm bẩm: “Vĩnh biệt em yêu! Vĩnh biệt con trai của ba! Xin vĩnh biệt đất tổ!” Vào lúc đó, hắn cảm nhận từng cơn sóng dữ dội đang cuộn trào trong lòng,và ngay cái lúc máy bay cất cánh chúng chợt vỡ oà thành những giọt nước mắt. Xin cám ơn ông Trời! Rốt cuộc hắn đã khóc được rồi!

*

...Hắn nhìn thấy một cái cây chết khô với các cành trơ trụi nằm bên kia đường nơi hắn làm việc. Lần đầu tiên hắn thấy cái cây có lẽ là vào một ngày mùa đông. Nếu không chú ý những vệt trăng trắng nơi vỏ cây tróc ra chắc hắn chẳng có thể nào phân biệt được cái cây khô này với các cây khác trong khu rừng bởi chúng trông giống nhau trong mùa đông vì đều không còn lá. Chẳng biết do đâu hắn bỗng có thói quen ngắm cái cây chết khô mỗi khi từ nơi đứng làm việc chợt nhìn ra ngoài trời. Bao giờ cũng thế, suốt bốn mùa cái cây khô cứ đứng một mình ở đó, tách biệt hẳn với các cây còn xanh tươi khác.

Vào mùa Xuân khi tất cả cây cối trong khu rừng đua nhau đơm nụ rồi nở hoa, cái cây khô trông xấu xí với lớp vỏ bị tróc ra và cành thì trơ trụi không một ngọn lá. Mùa Hạ về, lúc những chiếc lá xanh trên những ngọn cây khác nhảy múa ca hát cùng với gió, trên cái cây khô có thêm những cành nhỏ gãy lìa lặng lẽ rơi xuống. Rồi mùa Thu tới, khi những cây cối chung quanh tự làm đỏm cho mình bằng các chiếc lá đổi màu sặc sỡ, cái cây khô tội nghiệp cứ đứng nép mình ở đó bên bìa rừng. Có một điều bí ẩn chính hắn cũng không hiểu nổi là mỗi khi nhìn cái cây khô, hắn cảm thấy mơ hồ như thiếu một cái gì đó mà đã nhiều lần hắn cố nghĩ ngợi nhưng không thể nào đoán ra.

Mãi cho đến một buổi chiều đông trời mây âm u, một con quạ đến đậu ngay trên ngọn cái cây khô và chuyện đó làm cho hắn thấy lòng bồn chồn xao xuyến. Trước mắt là một cảnh tượng kỳ lạ: bóng con chim màu đen đơn độc đậu trên ngọn cây khô với những cành trơ trụi giống như những ngón tay ma quái in lên nền trời xám xịt. Bây giờ hắn hiểu được cái hắn chờ đợi lâu nay, con quạ đen này đây! Vâng chính con quạ đã hoàn thành bức tranh ẩn dấu lâu nay trong tiềm thức của hắn và hắn thấy lòng nhẹ nhõm như vừa cất được gánh nặng trên vai. Hắn như tên tội phạm vừa được tuyên án xong và thế là chấm dứt những ngày tháng khắc khoải đợi chờ vì không biết được số phận mình sẽ ra sao. Từ dạo đó hắn không còn bận tâm về cái cây chết khô kia nữa, nhưng thỉnh thoảng trong những giấc mơ, hắn lại thấy một bức tranh có một bộ ba gồm một con quạ cô độc, một cái cây chết khô, và một bầu trời u ám. Hắn như vừa thoát khỏi một điều gì đó thôi thúc, mơ hồ, huyền hoặc nhưng đồng thời lại rơi vào một nỗi ám ảnh khác rất đỗi kỳ bí và tối tăm. Bây giờ hắn không còn thấy bần thần khi nhìn cái cây khô, nhưng sự xuất hiện của con quạ dường như báo trước một điềm triệu của định mệnh…

*

...Kìa trong khu vườn vợ hắn làm bộ rượt theo thằng bé con thật dễ thương; thằng bé vừa chạy vừa cười ngặt nghẽo. Ánh nắng ban mai chiếu lên những khóm bông hồng và thật kỳ diệu, tất cả các giọt sương đọng trên các chiếc lá xanh, trên những nụ hồng hàm tiếu, những đóa hồng mãn khai bỗng chuyển mình hóa thành những hạt ngọc muôn mầu lóng lánh. Nơi mái hiên nhà, các chòm phong lan đong đưa nhè nhẹ theo từng cơn gió thoảng; hòa với tiếng chim hót, một điệu nhạc vui tươi bay lượn khắp khu vườn... và hắn nghe được bài hát quen thuộc hắn thích:“Ta về nơi đây đã im tiếng động, đã về trên sông những cánh bèo trôi... Ta về nơi đây tháng năm quá rộng… Bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông…” (TCS)

*

Có tiếng còi xe và âm thanh của bánh xe nghiến trên mặt đường vẳng đến từ một nơi nào xa xôi và một tiếng đụng ầm, hắn cảm thấy người giật mạnh và chẳng hay biết gì nữa!

…Không ai còn nhớ điều gì đã xảy ra cho hắn sau lần cuối cùng nhìn thấy hắn mua tấm vé số đầy hứa hẹn – mà hắn vẫn thường gọi là “chiếc vé số hy vọng”. Có lẽ hình ảnh một gã khùng khùng như hắn đã lãng quên trong ký ức những người sống ở thành phố này. Thời gian vô tình trôi đi, hết năm này sang năm khác, mặt trời và mặt trăng như những tên lãng tử mãi mê ngao du trên bầu trời. Trong sân chơi có một ông già đi lòng vòng. Chính là hắn! Nhìn chăm chăm vào chiếc vé số nhàu bẩn trên tay hắn lẩm bẩm: “Chắc mẩm mấy con số này trúng mà! A! Mình trúng số!”; rồi hắn mỉm cười ngờ nghệch. Bên ngoài không xa lắm từ khu sân chơi có dãy rào cao vây kín, bên trên chiếc cổng, người ta có thể thấy trên tấm biển ghi: BỆNH VIỆN TÂM THẦN./.

THỌ MÂN
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Hai 201510:16 SA(Xem: 32599)
Ngày ấy mẹ sinh em ra ở làng Hương Hồ bên bờ sông Bạch Yến. Không có con sông nào lặng lờ nước biếc xanh như dòng Bạch Yến, một nhánh của sông Hương tẻ ngang uốn lượn loanh quanh bên làng quê nhỏ nhu mì hiền lành của vùng Hương hồ, tưới mát hết hai triền bờ xanh um, trước khi xuôi về Bao Vinh nhập mình trở lại vào dòng Hương.
18 Tháng Hai 20159:45 SA(Xem: 37113)
Vậy mà đã 40 năm qua đi 1975-2015, với đời người như một cơn gió thoảng, với lịch sử chỉ là một chớp mắt, nhưng lại là một chặng đường rất dài trải nghiệm những tang thương. Thêm một chớp mắt nữa, thế hệ những người cầm bút 1954-1975 đều trở về với cát bụi, một số có thể còn được nhắc tới qua tác phẩm nhưng rồi cũng phải kể tới cuộc sống đầy đoạ và cả những cái chết tức tưởi của họ. Nói tới Văn Học Miền Nam, không thể không có một “cuốn sách trắng/ livre blanc” về thời kỳ đó, một Wikipedia mở, như một “bộ nhớ” cho các thế hệ Việt Nam tương lai.
18 Tháng Hai 20159:32 SA(Xem: 32317)
Anh không về, hèn chi hôm qua, hôm kia, hôm kia kia nữa Con hẻm quen tự dưng nỗi chứng gập ghềnh Bầu trời đêm nay chẳng thắp nổi vì sao Mây cũng giận, khóc oà như trẻ con lạc mẹ
18 Tháng Hai 20159:25 SA(Xem: 30083)
Nắng tô vàng mái hiên chùa Sư về giũ áo gọi mùa xuân lai Nữa đêm rót bát trăng đầy Đánh chuông bát nhã một chày kình thiên
18 Tháng Hai 20159:17 SA(Xem: 31074)
những giây phút đầu của năm thứ bốn mươi hãy nói gì đi em với những thinh lặng bủa vây để rồi tự thương xót thân thể mình đã xanh rêu ký ức nhưng chúng ta đừng minh chứng cho một điều sợ hãi
18 Tháng Hai 20158:26 SA(Xem: 29821)
khóa nồng còn đứng loay hoay thèm nghe thân nhiệt cuối ngày luân lưu vàng mai rụng hết xuân kiều sao còn biếc ngọc tỳ kheo vết buồn
18 Tháng Hai 20156:51 SA(Xem: 28285)
Tết thường được nhắc đến với những món ăn đặc trưng “thịt mỡ dưa hành,” và những mùi hương gây nhớ “thoảng mùi khói pháo thoảng mùi nhang.” Nhưng mỗi đứa trẻ mang theo nó một món ăn một hình ảnh một mùi hương riêng, không hẳn giống như những gì chúng ta thường gợi nhắc.
18 Tháng Hai 20155:56 SA(Xem: 30769)
Nguyễn Hữu Sinh- hay người Lâm Di vẫn gọi là Má Giám Sinh. Má chứ không phải Mã như trong Kiều của cụ Tố Như. Là vì, khi đẻ ra má Sinh đã có một mảng chàm, chiếm đến hai phần ba má phải.
17 Tháng Hai 20153:10 SA(Xem: 29065)
Năm Mùi lại sắp đến và ta thường hỏi là tại sao tên gọi là Mùi, không là dê, dương hay vị ...? Phần này đưa ra vài cách nhìn hầu giải thích phần nào các lý do dẫn đến hiện tượng trên.
09 Tháng Hai 20152:59 SA(Xem: 31765)
Tôi gặp anh Nguyễn Trọng Hiền vào một dịp đi thăm một trại trồng cranberry ở New Jersey để xem người ta gặt cranberry ra sao, do một người bạn tổ chức vào một cuối tuần đầu tháng 10 nhân chuyến tôi đi thăm Miền Đông giữa thu vừa qua.