- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Xương, Thịt Đời Sau, Máu Rất Buồn,

30 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 62435)

loden-blackscorpion-content
  Photo by Blackscorpion

“tưởng ai oan khuất vừa quay gót
“xương, thịt đời sau, máu rất buồn!”
(thơ dtl.)

 
1.

Những cột đèn lẻ loi, ốm nhom, cố lách mình khỏi những tàng cây du mập ú, xum xuê, liên lủy rắc mưa lên mặt đường đen. Gương. Nước. Khu parking bên kia lộ cụt, lác đác dăm chiếc xe kiên nhẫn đợi chủ. Tôi không biết mưa khi nào? Chỉ nhớ lúc ấy, khoảng chín giờ rưỡi. T. vừa rời Fountain Valley Regional Hospital về nhà - - Sau một ngày dài lầm lũi theo sau chiếc xe lăn, đẩy tôi từ khu Emergency Room, tới phòng chụp X-Ray, Cat-Scan…Trước khi hai securities chuyển tôi lên lầu hai. Phòng 258B. Nơi có một tấm kính trong suốt, chạy hết chiều ngang căn phòng. Ở đây, ngay khi vừa tới, tôi đã được chào đón bằng những hồi hú, gào man rợ của bệnh nhân giường ngoài! 
Tôi không hiểu có phải vì mưa đêm, dăm ngọn đèn đường, con lộ cụt, những chiếc xe không có khả năng tự đi tìm chủ và, sự tĩnh lặng tưởng chừng đông đá của cả một khu vực rộng lớn, bị những building mái bằng, vô cảm, trấn ngự, ném tôi vào góc khuất, lãng quên?
 Tôi hối thúc T. về, khi những xao xác của bữa cơm chiều đã qua. Cuộc đổi ca của các y tá trực đã xong. Những thủ tục thăm, khám, dặn dò cuối cùng dành cho bệnh nhân cũng hoàn tất. Hành lang lặng. Vắng chân người. Cảm giác lãng quên bị dìm sâu có cơ hội trồi lên. Như thể chính nó mới là kẻ bị loại bỏ, chứ không phải tôi.
 
2.

Gác chân lên thanh ngang của chiếc bàn ăn di động, tôi lọt thỏm trong chiếc ghế bành, với cây cột treo bình nước biển, trên cao. Tấm áo choàng bệnh viện mầu xanh chấm trắng. Quá khổ. Tôi và lãng quên nhìn nhau. Cá cược xem kẻ nào thực sự bị loại bỏ? Lãng quên lắc đầu. Không tiếng. Tôi chợt hiểu, giữa chúng tôi khó thể có một cuộc trao đổi hay, tranh luận dù ngắn ngủi - - Khi cơ thể đã bắt đầu cho tôi những cơn nôn thất bại và, những đau nhức thấy rõ, do đầu ống giây nylon để lại những đường xước ở mặt trong thực quản. Đó là lúc hậu quả sự cọ sát của ống giây nylon luồn từ mũi tôi, thọc sâu xuống thực quản. Xuống nữa. Xuống nữa. Xuống nữa… Trước khi nó phải dừng lại nơi đáy bao tử. Đó cũng là lúc hai cô y tá người Phi, thay nhau hối thúc tôi “Nuốt xuống! Nuốt xuống! Nuốt xuống!” Tôi không thể nghĩ, cuối cùng rồi đoạn nylon dài ngoằng, có đường kính tương đương một chiếc đũa cả nhà bếp, lại có thể chuồi hết vào thân thể tôi. Những cơn buồn nôn thất bại, các vết xước bắt đầu tấy sưng, tiếng rú, thét hoang dại của người bệnh giường ngoài, cơn mưa dưới thấp…cuối cùng, cho tôi nhiều cảm-thức không rõ mặt!
Nó không hề là nỗi ngậm ngùi của kẻ một mình, đợi chết. Nó cũng chẳng là những cảm-thức mất mát, đỉnh cao! Cô đơn đáy vực! Nó như dăm cột đèn lẻ loi, ốm nhom, cố lách mình khỏi những tàng cây du mập ú, xum xuê, liên lủy rắc mưa lên mặt đường đen. Gương. Nước. Hay chiếc xe tự biết không có khả năng đi tìm chủ!
Nhưng cách gì, tôi vẫn thấy mình đang bị đông đá trong nhận biết: Thời gian đã hoàn toàn ngưng đọng tự sớm mai, khi T. cương quyết bắt tôi nhập viện.
 
3.

Đó là ngày thứ ba, giữa khi lượng nước trong cơ thể tôi bị vắt cạn. Bụng tôi căng. Cứng. Tưởng chừng nếu ai gõ vào, nó sẽ bật kêu như…trống! Đó là lúc những chuyển động dữ dội của từng khúc ruột bị chấn thương, lồng lộn tìm đường đào thoát khỏi cơ thể. Food poisoning / ngộ độc thực phẩm…
Tôi hiểu, khi chấp nhận nhập viện, thời gian không còn thuộc về tôi. Kinh nghiệm bước tới mé bờ sinh / tử cách đây bảy năm, kéo dài nhiều tháng, nhắc nhở tôi: Chẳng những thời gian không thuộc về tôi mà, đời sống thực sự, bên ngoài căn phòng giam lỏng này, cũng thuộc kẻ khác. Tôi chỉ là con vật thí nghiệm, hoặc một thứ con tin trong cuộc giành giựt giữa y khoa và, thần chết. Tôi như đống thịt, xương bầy hầy, được phủ, che bằng tấm drap trắng muốt, chuyển dịch từ building này, tới building khác. Điều duy nhất tôi có thể dành lấy cho mình là nín lặng. Và tự nhủ, dẫu sao, ta cũng còn may mắn !?. 
Mới đêm trước, trong mê sảng, đôi lần tỉnh thức, tôi thấy rõ hai ngón cái và trỏ của tôi, nhiều lần chập vào nhau. Tựa chúng cố gắng nhặt giúp tôi một sợi tóc, một mảnh vụn gì đó, dính trên ngực áo. 
 Khi trực nhận đó là phản ứng mất kiểm soát của một người sắp chết - - Mà, cụm từ bình dân gọi là “tay bắt chuồn chuồn,” (như quá khứ từng trải qua,) thay vì lay tỉnh T., tôi trộm nghĩ, đằng nào thì cũng chết! Sao không để T. bình an với giấc ngủ của T., sau một ngày làm việc căng thẳng trí não?
 Tôi cũng không chọn niệm, đọc lục-tự, theo chỉ dẫn của kinh điển Phật giáo, để được chư Phật độ trì, như cơ hội sau chót, khỏi sa địa ngục… 
Trong bóng đêm quánh đặc, với những cơn rét từng đợt xuyên suốt cơ thể, cùng lúc mồ hôi tươm ướt trán và tóc, tôi dành những phút cuối kia, cho sự kết toán sòng phẳng, một lần, đời mình.
 Tôi đặt cho tôi những câu hỏi (với sáng suốt bất thường của ngọn đèn hết dầu, vụt sáng):
“Sau gần bảy mươi năm làm người, ta có phạm điều ác nào, khiến lát nữa đây, ta chết không nhắm mắt?”
 Câu trả lời đến với tôi thẳng thắn, nhanh chóng rằng, tự xét, tôi thấy mình có nhiều sai, quấy. Nhất là với những người phụ nữ đã đi qua đời tôi. Nhưng đồng thời, tôi cũng tự thấy, những năm, tháng gần đây, tôi đã có được cho tôi một cuộc sống bình an, phẳng lặng. Tôi đã tự chế được tôi trước mọi cửa ngỏ. Mọi cám dỗ của những trạng huống tình cảm bất ngờ, đến từ nhiều hoàn cảnh, cơ hội…
Tôi nghĩ, chí ít, cuối cùng, tôi đã sống đúng với một người! Với T. Tôi đã đền bù phần nào những chịu đựng, cay đắng, nhục nhằn mà T. gánh, nhận kể từ ngày chúng tôi có lại nhau.
 Tôi lại hỏi tôi, có ân hận, hối tiếc gì không?
 Câu trả lời vẫn là “không!”
 Nếu có điều gì đáng để gọi là ân hận thì đó là, tôi tiếc đã không thể sống khác đi sớm hơn! Để những người liên hệ với tôi, những ruột thịt, máu mủ, bằng hữu tôi bớt khổ, đau, lo lắng, ái ngại cho những phần đời dằn xóc, sốc nổi của tôi! 
 Trong bóng đêm, bên cạnh hơi thở đều đặn, xen kẽ những nói mớ của T., tôi cũng tự thấy tôi đã ngay thẳng với chính mình, khi câu trả lời đứt khoát là “không!”
Tôi hiểu trên dặm trường nhân sinh, tôi đã có quá nhiều điều sai, quấy. Dù hầu hết sự kiện, không do tôi chủ động. Chúng cũng chẳng đi ra từ một toan tính, khao khát thầm kín nào! Cái sai, quấy lớn lao nhất của tôi, là tôi yếu đuối(!?!)
Tôi không biết, có phải mặc cảm cô đơn, bất an từ thiếu thời là thủ phạm dẫn dắt tôi tới những lối, nẻo bế tắc?!
 Tôi cũng không biết, có phải thèm khát được chăm sóc, nâng niu, vuốt ve, ôm ấp, dỗ dành, là ám ảnh thành hình rất sớm trong tôi? Từ bàn tay có tật, tới hoàn cảnh sớm mất cha, lại thường xuyên thiếu mẹ…chúng đã cù rủ tôi, tới những lối, nẻo tai ương?! 
Tuy nhiên, riêng tôi, tôi biết, tôi đã chân thực biết bao trong những lốc xoáy mê sảng từng giai đoạn, đời mình.
 
4.

Tôi nghe một kẻ nào đó, trong tôi, cất tiếng, mách bảo, có tiếc, hận chăng là, tôi đã không còn đủ thời gian, khí lực để ngỏ lời cảm ơn những người đọc / nghe tôi. Những người làm thành tôi. Những tri âm không diện mạo. Tôi vẫn nói mỗi khi có dịp, ở nhiều nơi khác nhau rằng, nếu không có người đọc / nghe thơ, văn của tôi, chắc chắn sẽ không thể có tôi. Không thể có một sinh vật yếu đuối (và cô đơn,) mang tên Du Tử Lê!!!. 
Kẻ khác trong tôi bảo, có tiếc, hận chăng là, tôi đã không còn đủ khí lực, thời gian, để ngỏ lời cảm ơn bằng hữu. Những người bạn vô tình, thay mẹ tôi, nuôi, dưỡng tôi từ năm tôi mười ba, mười bốn tuổi. Năm tôi chính thức rời bỏ căn nhà số 1029, đường Trần Hưng Đạo, Saigon. Tôi bắt đầu bước chân vô định. Chỉ vì tự ái, ngông cuồng của khủng hoảng thời niên thiếu. Trong chỗ riêng tư, nhiều lần tôi nói với bằng hữu, bên cạnh tình yêu của những người nữ, sự sống tôi được gìn giữ, vun bồi bởi tình bạn. Không có tình bằng hữu bát ngát nắng, mưa kia, tôi đã cát bụi tự những ngày còn rất trẻ.
Tôi hiểu, những năm, tháng cuối đời, tôi còn nhận được thêm nhiều hơn nữa, thương, yêu từ bát ngát nắng, mưa ấy.
Kẻ khác trong tôi bảo, có tiếc, hận chăng là, tôi đã không còn đủ khí lực, thời gian, để ngỏ lời cảm ơn cả những kẻ thù ghét, nguyền rủa tôi - - Khởi tự tâm lượng vốn nhỏ hẹp, giới hạn hiểu biết, lại bị tính đố kỵ đóng xập mọi cánh cửa ý thức. Họ nhãng quên rằng: Tên tuổi, danh vọng, hào quang nào, rốt ráo cũng chỉ là hư, huyễn! Họ nhìn tôi như vật cản!? Họ thấy tôi như chiếc gai quá lớn trong mắt!
Tôi biết, tôi chỉ còn đủ thời gian, khí lực lặng lẽ đặt tay lên ngực T. Như bày tỏ (xác nhận?) cuối cùng rằng, cái thân tứ đại (đất, nước, lửa, gió) này, đang rã, tan. Những rã, tan vật lý. Một tiến trình trụ, hoại mà, sinh vật nào cũng phải đi qua. Nhưng định luật bất biến ấy, không có khả năng đứt đoạn, chia lìa tình, nghĩa đời riêng, chúng tôi. Tôi tin, rồi đây, mỗi khi nhớ lại, nhiều phần T. sẽ vui! Hiểu rằng, đấy là điều cuối cùng, tôi muốn T. nhận biết.
 Ý nghĩ này, giúp tôi an tâm, thanh thản chờ đợi cái chết xâm thực từng phần thân thể.

5.

Tôi có lại cái cảm giác của nhiều năm trước, lúc bị nhiễm trùng máu, chỉ ít ngày sau khi mổ, được cho về từ bệnh viện. Đó là cảm giác cái lạnh đi từ đầu ngón chân, men lần theo ống quyển…Tôi nghe được hơi thở ra của mình, tăng dần độ nóng. Và, phần không khí hít vào, mỗi lúc một sút giảm!
Dù tỉnh táo, tôi vẫn thấy không cần thiết niệm, đọc lục-tự. Tôi nghĩ, ngay cả khi tôi có bị đầy xuống địa ngục thì, lúc linh hồn tôi thoát khỏi đường hầm tối tăm, tôi tin, tôi vẫn được gặp lại thầy, me, các anh, các chị tôi trước nhất!
Tôi cũng tin, tôi sẽ được gặp cả những anh, những chị tôi chỉ nghe tên. Không biết mặt! Họ mất quá sớm! Nhiều chục năm, trước khi tôi được sinh ra…
Tôi chỉ không biết, đằng sau những máu mủ, ruột thịt của tôi, liệu có H.C.? Có T.N… chờ, đón tôi? Nếu có, tôi hỏi tôi, mình sẽ nói gì?
Không chắc lắm, nhưng nhiều phần, tôi sẽ xin H.C., xin T.N. tha thứ cho tôi. Như trước đấy không lâu, cùng với lời cảm ơn gửi mọi người, tôi cũng đã xin những trăng, sao, những mặt trời, những nắng, gió khỏa thân…hãy tha thứ cho tôi (dù tôi không thể ước, hẹn kiếp khác!)
 
6.

Trong khoảnh khắc hồi-dương trước khi chết, lúc khí lạnh lan tới bụng, tôi bỗng nghe được tiếng nói quen thuộc của mẹ tôi. Mẹ tôi nói từng câu ngắn. (Tuồng bà sợ tôi không kịp nghe hết): 
“Chưa chết đâu!”
“Chú chưa chết đâu!” 
Tôi luống cuống khua khoắng cánh tay còn lại! Tôi thấy cánh tay tôi chơi vơi. Không chạm đụng hình ảnh nào! Tôi nghe tim mình đập mạnh. Những lượng máu đâu đó, trong cơ thể, thình lình dồn dập chuyển.
Rồi, mẹ tôi hiện ra. Sống động. Đó là hình ảnh mẹ tôi giữa nguyên đán 1951. Mẹ tôi kể, trước khi chính thức được tin anh Uyển tôi đã bị máy bay Pháp bắn chết trưa mồng ba Tết, ở Nho Quan, bà trải qua những ngày ruột nóng như lửa đốt. Mẹ tôi linh cảm chuyện bất tường, xẩy đến cho anh tôi. Những người nghe chuyện mẹ tôi thuở đó, kết luận: “Thần giao cách cảm!”
Khi ấy, tôi lờ mờ hiểu rằng, đôi khi người chết rồi vẫn có thể “nói chuyện” với người sống, cách nào đó!
 Cũng thế, nhiều chục năm sau, khi tin đồn đãi tôi đã bị lạc đạn, chết tấp chân cầu xa lộ, ngày 30 tháng 4 - 1975, cuối cùng đến tai mẹ tôi! Tôi không rõ bà có bị bất ngờ? Hốt hoảng? Chỉ biết sau đấy, trong một lần nói chuyện với các dì, tôi nghe kể lại rằng, mẹ tôi đã quả quyết:
“Không. Chú ấy còn sống đấy! Chưa chết đâu!”
 Hơn nửa năm sau, khi lá thư đầu tiên của tôi, từ Hoa Kỳ, được chuyển về Saigon cho mẹ tôi, qua ngả Paris, xác nhận bà nói đúng!
 
7.

Khác hơn lần trước, lần này tuy T. vẫn cho tôi nhập viện bằng lối ngõ Emergency Room, nhưng tôi lại không thấy mình chấp chới rơi, lăn trên con dốc thần chết. Tôi không nghĩ vì bệnh viện, như ốc đảo lạnh lẽo cuối đáy con đường cụt, Mountain Hope, Fountain Valley, là nơi tôi từng tới, lui nhiều lần. Quen thuộc. 
Tôi nhớ, mới tuần trước thôi, tôi vào thăm Đỗ Hùng, người bạn năm lớp nhì, trường Hàng Vôi, Hà Nội, cũ. Một ngày sau, Hùng được xuất viện. Bạn tôi chấm dứt những ngày hè xám ngoét. Thất thần bay về DC.
Tôi nhớ, cũng building này, cũng tầng lầu này, tôi lui, tới nhiều lần thăm Khánh Trường. Lần sau cùng, xuất viện, cách đây khá lâu, Khánh Trường vẫn ngồi xe lăn - - Nhưng đã cầm cọ, vẽ lại.
Tôi nhớ một số bằng hữu khác của tôi, như Đào Quý Châu, Thảo Trường…cũng lui tới building này, nhiều lần. Nhưng họ sẽ không phải một lần thêm, trở lại. Họ đi xa. Những đi xa sẽ bị thời gian ăn khuyết từng phần trong trí nhớ nhiều người!
Tuy nhiên, lần này, cảm-thức bơ vơ (như vật bị bỏ quên,) cho tôi nỗi buồn mới. Nỗi buồn lớn, cao trên cái hữu hạn tới vô nghĩa của kiếp người. Nỗi buồn của một sinh vật mang tên con người: Khi cái chết tới, cuối cùng, nào hơn gì con vật?!. 
Và, tôi hiểu, nếu không đêm nay thì, cũng đêm mai, tháng sau, năm tới… tôi sẽ phải chia, lìa chính tôi, trước nhất!
Tôi chỉ không biết, khi ấy, tôi có còn đủ tỉnh táo, thời gian, khí lực để đặt tay lên ngực T. Như bày tỏ (xác nhận?) cuối cùng rằng, cái thân tứ đại (đất, nước, lửa, gió) này, đang rã, tan. Nhưng đó là những rã, tan vật lý…
 
Bis.
Mấy ngày đầu, khi các bác sĩ ký giấy cho tôi xuất viện, T. chuyển cho tôi điện thư mới nhất của Trang Ng. Thư Trang Ng. viết từ một bệnh viện ung thư ở Singapore.
 Có dễ đó là lá thư buồn nhất trong thâm tình mười mấy năm giữa chúng tôi. Thư có đoạn:
“… (Bệnh viện) Ung Bướu VN đã làm một điều quá tàn nhẫn với em là chuẩn đoán sai và phẫu thuật cẩu thả. bây giờ, mỗi khi nhìn xuống ngực mình là em rớt nước mắt. không biết nó đã cứu em hay đã giết chết em bằng 1 cách nào đó. em rất muốn gặp 1 người phụ nữ mất ngực để hỏi xem bằng cách nào mà họ vượt qua nỗi đau đó mà sống yên vui. em chưa thể...”
Từ chỗ nằm gần như suốt ngày đêm, thư của Trang khiến tôi bật dậy. Ngồi trước màn hình computer, với lá thư được in ra giấy, tôi những tưởng mình có thể viết ngay, viết liền một thư dài cho Trang. Trong đầu tôi, ý tưởng hăm hở xô, đẩy nhau, như những đợt sóng không có một khoảng lặng tối thiểu.
Tôi nghĩ, tôi sẽ nói với Trang, một trong vài người bạn nhỏ thân thiết và, tin cậy nhất của chúng tôi nhiều năm qua rằng, có thể Trang không biết, tôi cũng mới nhập viện. Mới từ nhà thương về. Có thể Trang không biết, trong đêm, tôi đã lặng lẽ nói lời chia tay T...
Nhưng, cũng như Trang, giữa những-tưởng-ung-thư-tuyệt-vọng, Trang có cha và, bốn em vây quanh giường bệnh, xứ người - - Tôi có T. và thường xuyên Orchid, chăm sóc.
Nếu tôi có may mắn hơn Trang vì, tôi được gặp những lương y như Lê Tâm, như Vũ T. Khải, như Lê Trần Hoàng… Và, mới nhất, là Phương D. Dương, một Registered Nurse của Fountain Valley Regional Hospital - - Thế hệ thứ hai - - Cô tiên nhỏ với đôi đũa thần là, nụ cười và, lòng tận tụy nghề nghiệp.
Dẫu vậy, tôi cũng sẽ nói với Trang rằng, không phải vì bị “…chuẩn đoán sai và phẫu thuật ẩu tả” của ai đó, nơi bệnh viện ung thư Saigon mà, Trang không thể “vượt qua nỗi đau đó mà sống yên vui.”
Tôi nghĩ, tôi sẽ nói với Trang, với người bạn nhỏ thân thiết, tin cậy của chúng tôi rằng, tôi hiểu (rất hiểu) quan trọng biết dường nào, bộ ngực của người nữ dù ở phương Tây hay phương Đông. Nhưng, không phải vì không còn ngực, hay không còn tay, không còn chân (thậm chí không còn cả đôi tay, mất trọn cả đôi chân)…mà, người ta không thể vượt qua và sống an vui!
Ý nghĩa tận cùng của cuộc sống, theo tôi, nằm nơi bộ óc và trái tim. Bộ óc cho chúng ta phân biệt đúng, sai; trách nhiệm với kẻ khác. Trong khi trái tim là nơi ươm giữ và, xiển dương tình yêu.
Nó là ngôi đền thường trực lung linh những ngọn nến ơn nghĩa ruột thịt. Gia đình. Bằng hữu.
Nó là nơi lưu trữ và, không bao giờ ngưng, dứt tiếng hát ngợi ca thiên nhiên. Ngợi ca thời tiết nắng, mưa… (Luôn cả đêm tối, bão bùng, lốc xoáy…)
Tôi nghĩ, tôi sẽ bảo Trang, hãy đọc lại thơ Trang Ng. đi! Có phải những dòng thơ của Trang Ng. cũng ắp đầy những ngợi ca khổ đau / hạnh phúc / thiên nhiên / bất toàn / và, thảm kịch?
 Nếu tôi có may mắn hơn Trang (nhiều phần không chắc,) ngoài vợ, con, gia đình, ruột thịt, tôi còn có được khá nhiều thương yêu từ bằng hữu. Như một ngày trước khi phải nhập viện, một người bạn, ĐPP, bất ngờ ghé thăm tôi. Trong ánh sáng nhờ nhợ của buổi chiều đã xế, với những đám mây ủng nước từ sớm mai, vẫn chưa chịu buông tha bầu trời, trên giường, tôi kể P nghe, vắn tắt vài dữ kiện xẩy ra cho tôi, đêm trước…Tôi kết luận, có thể đó là những dự báo chắc tôi sẽ phải “đi” sớm.
“Tuy nhiên, tâm tôi bình an, thanh thản lắm P.!”
 P. nghe chăm chú. Căng thẳng.Thình lình, P. nhoài người đặt tay lên trán tôi, thốt kêu:
“Tốt lắm!Không sao! Không sao!”
Rồi cũng thình lình, P. ôm tôi. Bật khóc.
Tôi không biết P. khóc vì vui mừng, tin tưởng nơi cảm nhận riêng của P.? Hay P. linh cảm một điều gì khác? Chỉ biết ngay sau đấy, dường P. cho rằng biểu lộ của mình, không được đàn ông lắm, P. ngay người lại. Quay mặt. Tôi cũng không dám nhìn P. Tôi không có chọn lựa nào khác! Ngay khi ấy, tôi hiểu, cách gì thì, nước mắt cũng đã gọi nước mắt. (Tối thiểu, điều đó cũng đúng, với trường hợp của tôi.)
Tôi muốn kể Trang nghe chuyện ấy, chỉ để nhắc nhở Trang: Hãy sống tử tế, chân thành, chan hòa với bằng hữu. Chúng ta sẽ nhận lại nhiều hơn những gì cho đi.
 Tôi định. Định. Định…sẽ nói với Trang nhiều điều. Nhiều chuyện. Nhưng khi T. bảo tôi, vào lại thư của Trang. Sẽ thấy mấy tấm hình mới nhất của Trang. Với cha và các em.
Tôi trở lại internet. Bỗng thấy, không cần thiết nữa, phải viết thư cho Trang. Hình ảnh Trang Ng. trong bệnh viện Singapore là một Trang Ng. mới! Một Trang Ng. ốm hơn. Xinh đẹp hơn. Chiếc mũ len che kín đầu trọc. Cặp kính cận. Nụ cười trẻ thơ. Trước mắt tôi, Trang đã là một người khác. Trước mắt tôi, một câu thơ của Trang hiện ra, “Bởi bàn chân chưa bước khỏi hôm qua!” Nhưng, tâm hồn, trái tim Trang, đã là tâm hồn, trái tim một…ni cô. Một ni cô hồn nhiên. Thanh thản. Tách lìa khỏi thảm kịch dữ dội đời mình.
Tôi trở lại giường nằm với ý nghĩ, thong thả. Hãy thong thả. Lá thư viết cho Trang, sẽ không còn là thư viết cho “Con Trang” (ký tự cuối mỗi thư Trang viết cho T.) Mà, nó sẽ là “Thư gửi một Ni Cô.” Một loại thư tôi chưa từng một lần viết, trong đời mình.
Hôm nay, sau nhiều ngày cân nhắc, tôi nghĩ, chắc tôi sẽ phải nhờ T. mất thôi!
Một việc quá dễ với T.(?) So với những chuyện “tày trời,” T. từng làm cho tôi. Có phải? 
 
Du Tử Lê

(Hợp Lưu 117)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 117010)
N hà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.
25 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 91668)
H ợp Lưu 115 đến với quí độc giả và văn hữu vào những ngày cuối tháng Mười khi “Cuộc cách mạnh Mùa Xuân Ả Rập” ở Lybia đã thành công bằng sự ra đi vĩnh viễn của Gaddafi, một tin ngắn của Reuters cho biết: “Ông Gaddafi và con trai đã bị thương, bị bắt sống nhưng sau đó đã chết. Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải chôn cất trong vòng một ngày, nên việc trưng bày xác chết cho người xem trong nhiều ngày đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu, nhưng […]mọi người và các nhà lãnh đạo Libya đều đến xem xác Gaddafi để rút bài học và đừng bao giờ đàn áp người dân.” Đoạn tin trên khiến cho chúng ta liên tưởng đến nhiều việc...
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89160)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105724)
D ưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay [...] Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963...
16 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89020)
H iệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Đông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)
15 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101580)
N hạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt, không rào cản so với nhạc sĩ cùng thời. Người lắng nghe giao thoa những tiến triển nền âm nhạc Việt so với thế giới từ những năm 1930 cho đến nay.Từ cái bắt gặp đầu tiên trên bộ đồ bà ba xanh, đôi mắt sáng trên vành tai thính âm tài hoa ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy chợt cười, nụ cười nhéo mắt luôn điểm lại con người ấy từng nốt nhạc vượt không gian thời gian. Hồn nhiên Phạm Duy cười nói: : “Tôi có hai con mắt, một con trái mắt tỉnh tảo thực tế với dòng đời. Và mắt phải luôn làm việc sáng tạo.” Cuộc phỏng vấn sau đây ghi lại một vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy với thế hệ trẻ tại Việt Nam đang muốn cùng ông bày tỏ tâm sự.
14 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 96613)
T rong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết có bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89432)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 119002)
Đ ó là Tetbury, một thành phố thơ mộng nằm về phía nam Luân Đôn khoảng 200 cây số (?).Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi. Thành phố nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà với mái xuôi nhọn hoắt, nằm liền nhau, phần lớn mở shop bày bán đồ cổ, quán ăn uống, tiệm cà phê.
08 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105303)
... k ể từ hôm nay(Oct 8-2011) , người ta không còn mua vi cá ở California được nữa. Thống Đốc tiểu bang California đã ký ban hành luật cấm thủ đắc và bán vi cá nhập cảng vào California. Trong bản tuyên bố sau khi ký ban hành luật, Thống Đốc Jerry Brown nói rằng việc cắt những vi của những con cá mập còn sống và ném thân chúng xuống biển không những là hành động tàn bạo mà còn làm ô nhiễm nước biển.