- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bà điên

22 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 117579)

phuonglanvn2011
 Phương Lan _VN 2011

LTS: Phương Lan là bút hiệu của cô sinh viên trường đại học Văn hóa TP. HCM. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu truyện ngắn “Bà điên” của Phương Lan đến với quí độc giả và văn hữu Hợp Lưu.
Tạp Chí Hợp Lưu


Gần cả tuần nay, ở cái chợ nhỏ bên sông nơi có đường quốc lộ chạy qua, mọi người cứ bàn tán xôn xao về sự xuất hiện một người đàn bà. Người đàn bà đó khoảng ba lăm đến bốn mươi tuổi, quần áo rách bươm, tơi tả để lộ cả bộ phận kín đáo của phụ nữ. Tóc tai bà bù xù, trước ngực đeo tòng teng một con nộm bằng rơm. Miệng lúc nào cũng huyên thuyên: “Đầu lòng hai ả tố nga. Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân. - Nàng Kiều đẹp đến nổi hoa ghen liễu hờn, nàng Vân cũng đẹp nhưng mây thua tuyết nhường... Đời là bể khổ, đàn bà hồng nhan là bạc phận. Có phải không mấy chị em?” Nói xong, bà ôm lấy con nộm đung đưa và hát: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh dài thức đủ vừa năm,...” Những giọt lệ tràn ra, chảy dài thành sợi trên khuôn mặt nhem nhuốc nhưng toát lên những nét hài hòa. Bà có đôi mắt buồn rất đẹp, ánh mắt ấy như đang chất chứa một nỗi sầu u uẩn. Giọng nói bà ấm áp và hát ru truyền cảm đến lạ kỳ. Lượt người vào chợ mỗi lúc một tấp nập. Có người nhìn bà điên thương hại, tò mò đứng lại nhìn. Dăm ba kẻ tỏ vẻ khó chịu, hằn học ra mặt.
Cứ mỗi tháng bà điên vất vưởng ở cái chợ này thì có ba ngày những người ở chợ nhất là buôn bán đồ ăn, thức uống phải khổ sở cùng bà. Bà điên mang cái mông nhầy nhụa một thứ nước màu đỏ đặc sếnh, chảy loang lổ xuống cả hai chân, gặp ai cũng đứng lại bắt chuyện. Mọi người đang ngồi ăn nhìn thấy bà điên chỉ muốn nôn thốc nôn tháo và bỏ chạy.
Những người bán ở chợ hợp sức lại khiêng bà ra bến sông. Họ chia nhau giữ chân, tắm rửa, kì cọ sạch sẽ rồi thay quần áo, bưng bít cho bà ta nhưng chỉ mấy tiếng sau đâu lại vào đấy. Họ đành phải trói bà lại và nhốt vào cái nhà kho gần bãi rác, tan chợ mới thả ra.
Thỉnh thoảng, có vài người đàn ông đào vàng trên núi xuống các quán nhậu quanh khu chợ này ăn uống. Say quá không về được, họ lại kéo nhau vào chợ nằm lăn lóc, hò hát ầm ĩ đến sáng. Đêm hôm qua, những người đàn ông đó lại đi ngang qua đây. Không ai biết đã xảy ra chuyện gì nhưng tinh mơ sáng hôm sau, có người đến dọn hàng sớm khen bà điên hôm nay ngoan ghê. Rồi khi ánh sáng ban mai đủ để nhìn thấy nhau, người ta mới kinh hoàng nhận ra khuôn mặt, thân thể bà điên bầm tím, phờ phạc, áo quần bị xé rách từng mảng. Bà ta ngồi chẳng khác nào sợi bún ẩm mốc vắt qua cái cọc tre ở giữa chợ. Ánh mắt vô hồn, rưng rưng nhìn trân về một hướng. Những người ở chợ vây quanh bà điên thoa dầu, cạo gió và không ngớt ruả những người đàn ông hôm qua đến thậm tệ. Vậy mà vừa tỉnh lại một chút, bà ta tiếp tục vung tay múa chân. Nói. Cười. Chửi…
 Có ai đó đang nắm tay tôi từ phía sau. Tôi hoảng hồn chút nữa là hét toáng lên khi thấy người đàn bà đó nhe răng cười ngây dại. Tôi rút tay lại trước khi bà ta buông ra một câu:
- Em đẹp lắm!
Bà nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Đừng tin vào đàn ông, đều là lũ khốn nạn cả, nhớ chưa? nhớ nhé!
Cứ thế bà ta vừa đi vừa lảm nhảm đến cuối chợ, để mặc tôi ngơ ngác như kẻ mất hồn. Chị bán thịt lợn nhìn tôi mỉm cười:
- Không sao đâu em, bà ta bị điên mà, toàn ăn nói vớ vẩn như vậy thôi.
Tôi tò mò nên hỏi chị bán thịt:
- Thế nhà bà ta nơi nào, người thân đâu hết, sao lại ra nông nỗi này hả chị?
Chị bán thịt kể:
- Nhà bà ta ở bên kia sông, gần nhà chị. Bố mẹ đều mất cả rồi, có duy nhất một người anh trai cũng bỏ làng đi biệt xứ không biết sống chết nơi nào. Bà ta là giáo viên dạy văn cấp ba, ngày trước sắc đẹp nghiêng nước hương trời nhưng số phận đun đủi thế nào gặp phải thằng chồng mê gái, đã thế còn cờ bạc và nghiện rượu. Mỗi lần ra ngoài chơi về lấy tiền mà bà ta không đưa là nó đánh cho thâm mặt tím mày. Khi thằng bé đầu lòng được hai tháng thì chồng đem gái về nhà ngủ. Vừa sinh dậy, sức khỏe còn yếu lại bị sốc nên người bà ta cứ đờ đẫn, lấy nước sôi sùng sục ở trên bếp tắm cho con mà không biết. Tội nghiệp lắm, vừa đưa đến bệnh viện thì thằng bé tắt thở. Từ đó, bà ta bị điên bỏ nhà đi lang thang, ăn, ngủ đầu đường xó chợ. Lượm được cái gì là bà ta cho vào miệng liền, kể cả đồ thối rữa. Những người ở chợ thương tình, lâu lâu lại bớt đồ ăn đang bán của mình cho bà ấy.
Tôi thắc mắc:
- Thế chồng bà ta bây giờ ở đâu chị?
- Lão theo gái vào Nam rồi. Bây giờ giàu lắm, hôm trước về làng đi trên chiếc xe ô tô xịn, hãng gì của Mỹ ấy.
Tôi ngước mặt lên trời thở dài thườn thượt. Câu chuyện của bà điên cứ ám ảnh tôi suốt đêm, dù cố gắng cũng không thể nào chợp mắt được. Nhìn bà điên thương thật nhưng cuộc sống của tôi bây giờ cũng đâu có khá gì so với thời sinh viên. Giá cả thị trường leo thang, mà đồng lương thử việc của tôi chỉ có tám trăm ngàn đồng một tháng. Tiền thuê nhà, điện nước hết hai trăm, còn lại sáu trăm là tiền ăn. Mỗi ngày, tôi xài không được quá hai mươi ngàn. Nếu có vài cái đám cưới của bạn bè, đồng nghiệp thì tháng đó tôi ăn toàn mì tôm.
 Ngày trước cầm ba ngàn đồng ra chợ cũng mua được hơn một lạng thịt lợn, còn bây giờ ra chợ bảo bán cho chừng đó chắc người bán thịt sẽ la rộn lên, chẳng mấy chốc trở thành trò hề để người ta chỉ trỏ, cười cợt. Tất cả các mặt hàng ở chợ giá đều tăng gấp đôi, ai thắc mắc người ta đều đổ thừa cho xăng lên giá. Nghĩ về bà điên rồi nghĩ đến bản thân, chao ôi, sao mà nao lòng thế!
Rạng sáng ở đằng đông, mặt trời nhú lên như hòn than hồng. Một ngày mới lại đến và một ngày nữa phải lo toan. Nhảy xuống khỏi giường đánh răng, rửa mặt, thay xong áo quần rồi đến cơ quan, thói quen hằng ngày đó đã ăn hằn thành nếp nhưng chợt nhớ hôm nay là ngày nghỉ, cái bụng cũng đã sôi lên sùng sục. Sẵn quần áo đã mang, tôi lên chợ.
 Vừa đến cổng chợ đã đụng phải bà điên. Hai tay của bà cầm bánh rán vừa chạy vừa ngoái đầu nhìn lại, la hét om sòm:
- Đất đá thương tao, cỏ cây thương tao, con đường thương tao, chúng mày không thương tao...
 Chạy được một đoạn, bà cho hết bánh vào miệng nhai ngốn ngấu. Chị bán bánh bực mình, cáu kỉnh:
- Con mẹ điên nhìn thế mà khôn đáo để, vừa ăn trộm vừa la làng đó bà con!
Chị ta châm lửa đốt tờ giấy lẩm bẩm rồi quay mặt về phía bà điên nói to:
- Ăn xong thì cút đi cho khuất mắt, đừng lai vãng ở đây nữa, để cho người ta còn buôn bán nghe chưa mụ điên kia!
 Nói xong, chị ngồi xuống đon đả mời khách.
Tôi tiến thẳng vào bên trong chợ. Nhìn thấy tôi, chị bán thịt đưa tay vẫy vẫy:
- Nhanh đến đây, chị kể cái này cho mà nghe!
Nhìn bộ dạng vội vã của chị như có chuyện gì đó nghiêm trọng lắm. Chị ghé sát vào tai tôi thì thầm:
- Em biết chuyện gì chưa?
Tôi lắc đầu, chị bán thịt nói tiếp:
 - Bà điên có người yêu.
 Tôi cười và không khỏi ngạc nhiên. Tôi nghĩ ai đó chắc cũng là kẻ “dở hơi cám lợn”, chứ người bình thường, qủa là chuyện động trời. Chị bán thịt nhìn tôi đưa cái cằm hất hất mấy cái về phía người đàn ông đang ngồi đối diện, như muốn nói cho tôi biết, chính ông ta đấy - Người yêu của bà điên.
Ông ta ngồi nhìn xa xăm, tóc tai bồm xồm, râu mọc tùm lum, che phủ gần hết cả khuôn mặt. Trông dáng người ông ta to cao, phong độ nhưng ăn mang xộc xệch.
Tôi cúi sát chị bán thịt hỏi nhỏ:
- Cũng bị điên hả chị?
Chị bán thịt thì thầm:
- Không biết nữa, mới xuất hiện chiều qua. Em đợi một lát đi, sắp có trò vui để xem đó.
Người đàn ông vẫn ngồi bất động trên sạp của một quán xép không người bán, hai tay ôm chặt lấy đầu, mặt cúi gầm xuống. Bà điên thì cứ lượn lờ, bước qua, lướt lại trước mặt ông ta. Bà tiến sang bên trái dùng tay đánh hai cái vào mông, lè lưỡi và nói những lời yêu thương nhưng sao rú lên một cách dữ dằn:
- Mày có nhớ tao không? Có yêu tao không?
 Bà tiếp tục trở về bên phải nhìn người đàn ông hồi lâu rồi phá lên cười điên dại. Tôi chứng kiến mà mặt cứ nghệt ra, không thể hiểu nổi. Chẳng lẽ, người điên họ tỏ tình như thế chăng?
Tất cả mọi người có mặt thường xuyên ở chợ nghe mãi, nhìn riết rồi cũng chán, không ai thèm quan tâm nữa và tôi tiếp tục hòa vào dòng người đang chen lấn trả giá thức ăn, mong sao chọn được những món ngon giá cả phải chăng để chuẩn bị cho buổi tối của mình.
Có tiếng xôn xao ở sau chợ, tôi đưa mắt nhìn về hướng đó. Ông điên chạy trước. Ba người thanh niên mang áo đỏ - Họ là những người thường bỏ hàng cho các quầy tạp hóa ở chợ, đang rượt theo sau:
- Cướp cướp…
Ông điên vấp phải cục đá ngã nhào. Mấy người đàn ông kia được đà xúm lại vừa đấm, đá, và chửi bới nhặng xị:
- Đánh chết mẹ mày này, dám móc ví của tao hả?
Mọi người đang quẩn quanh mua đồ hoặc đứng từ xa nhìn lại, có người không hiểu chuyện gì, thấy vậy cũng bâu lại xúm xít. Tự nhiên bà điên hét toáng lên không ai nhận ra được là bà đang khóc hay cười…
Ông điên bị đánh phọt cả máu mũi, không thể kháng cự được nữa. Một số người nhảy vào can. Một người đàn ông trong đám đông lên tiếng:
- Thôi, dừng tay lại đi mấy đứa. Dù gì ông ta cũng là người yêu của bà điên, đều là điên khùng cả thì chấp làm gì. Lấy lại ví tiền là được rồi. Bây mà đánh nữa lão chết mất, không khéo lại mang họa vào thân.
 Những người kia nghe có lý, họ lần lượt bỏ đi...có thằng còn nhổ lại bên cạnh ông ta một bãi nước bọt. Trên nền đất đỏ bụi bặm, ông ta gần như kiệt sức hoàn toàn nhưng để tránh những cái nhìn xỉa xói của đám đông ở chợ và những bàn chân vô tình dẫm lên thân hình nhừ đòn đau đớn, ông ta đang cố dùng tí sức lực còn lại bò vật vã, gắng gượng để đứng dậy…nhưng đứng lên lại khuỵu xuống, cuối cùng ông ta đành chun người lại nằm im và thở phè phè… những giọt máu ở mũi chảy ra nhanh chống được lớp bụi cuốn lấy. Một số người ở chợ xúm lại, nhao nhao quanh ông ta. Chị bán thịt lách đám đông bước vào bên trong vòng người, đưa tay vén mái tóc của ông ta để nhìn kỹ khuôn mặt. Chợt chị ấy xoay người về phía đám đông hét to:
- Ôi trời ơi! Tôi nhận ra người đàn ông này rồi, không phải là người yêu của bà điên mà là chồng, là chồng đấy bà con à!
Đám đông càng lúc càng nhiều, họ chen chúc, đua nhau nói, hỏi:
- Vậy à, lão ta về lúc nào? Nghe nói là giám đốc công ty gì đó lớn lắm ở Thành phố Hồ chí Minh mà.
- Ừ, có thật nhưng giám đốc bù nhìn thôi. Toàn bộ tài khoản cô vợ bé nắm hết. Mà công nhận lão đẹp trai không kém ngày trước mấy bác nhỉ? Bị đánh cho xơ xác thế mà vẫn đẹp.
- Tôi nghe thằng cháu của tôi ở trong đó về nói, vì lão ăn ở hai lòng, đèo bồng mấy cô chân dài nên con vợ bé rút hết cổ phần theo trai, công ty phá sản nên mới mò về đây đấy.
- Chắc lão muốn bám váy vợ cũ, ai dè... 
- Nhưng bộ dạng lão bây giờ thê thảm quá...
- Như thế là đáng “Nợ đời trời trả mà.’’
Sau những lời bàn tán xôn xao, như xem xong một vở tuồng, đám đông cũng tan dần. Mọi người rảo bước, đi nhanh trở về vị trí của mình. Người mua thì vào mua, kẻ bán thì vào bán. Riêng ở một góc chợ, dưới cái lều được che bằng bạt và nilông, bà điên vẫn ngồi co quắp nhìn chằm chằm vào người đàn ông đang nằm bất động trên đất. Đôi mắt ráo hoảnh, không chớp. Tôi chợt giật mình khi nhìn vào đôi mắt ấy, có cảm giác đấy là ánh mắt của một người đang rất tỉnh. Lẽ nào lại thế?
 
Phương Lan






 
 







Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33507)
D ưới đây là bài “Trần Vũ: mỗi con người trưởng thành mang trong mình một tín ngưỡng văn chương” của Da Màu phỏng vấn nhà văn Trần Vũ. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Da Màu.” TCHL
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33527)
A nh giới thiệu với tôi tên cô nhưng không nói cô là gì của anh, một cách ngầm bảo tôi hiểu thế nào cũng được, cô có thể là tình nhân mà cũng có thể là em họ xa (chẳng hạn). Anh cũng nói thêm cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyến này sang Mĩ du lịch và định ở lại chơi chừng hai tháng. Cô đẹp, dĩ nhiên—tôi chưa thấy anh đi với người đàn bà không nhan sắc bao giờ—nhưng không còn trẻ nữa. Tuy thế thật khó đoán tuổi cô, có thể ngoài ba mươi, có thể hơn. Cô ít nói. Hình như cô chẳng để tâm gì đến câu chuyện giữa tôi và Quang mà chỉ ngồi trầm tư uống cà phê, phóng tia mắt ra ngoài khơi, nơi có những cánh buồn trắng dật dờ trên mặt biển như đang trôi về nơi vô định.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30839)
C on hẻm vắng người lạ kỳ dẫn cô vào một cửa tiệm u tối, ngoài cửa kính màu sắc thế kỷ thứ 18 chỉ treo vỏn vẹn một biển hiệu xộc xệch và bức tranh chân dung sỉn màu. Cô ghé lại gần nhìn kỹ và choáng váng; chân dung của chính cô, lệch lạc, méo mó nhưng đúng là đường nét Á đông của đôi mắt 1 mí cách xa nhau, sóng mũi thấp, gò má tròn dẹt và đôi môi hơi cong hai bên khóe.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30581)
H đã rời bỏ nơi chốn chúng tôi cùng rong chơi “ nơi đó sặc mùi lừa bịp – H nói những cái thớt và những đứa liếm thớt H không chịu được mùi không phải của người”
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30789)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31250)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31924)
T ình trạng dịch thuật hiện nay ở Việt Nam đang ở mức cần phải báo động. Radio RFI đã dành nhiều chương trình cho những buổi nói chuyện với nhiều dịch giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Sau Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên là những nhận định có phần nghiêm khắc của dịch giả Trần Thiện-Đạo đã sống ở Paris trên nửa thế kỷ. Trước 30-04-1975, Trần Thiện-Đạo cộng tác với các báoVăn, Tân Văn, Bách Khoa, Nghệ thuật... ở Sàigòn và hiện nay vẫn thường xuyên gửi bài in trên các sách báo văn học trong-ngoài nước. Ý kiến của Trần Thiện-Đạo sẽ như một liều thuốc đắng, may ra giã được một số tật cố hữu trong địa hạt dịch thuật của Việt Nam.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34133)
Trước 30-04-1975 Thế Phong là một nhà văn quân đội. Ưu điểm của Thủy và T6 nằm ở giọng văn chuyển tải suy nghĩ nhân vật liên tục không chấm dứt, qua đó, người đọc bắt gặp thủ đô Sàigòn về đêm. Một thủ đô phù phiếm dù mặt trận kề cận. Một Sàigòn vừa trải qua Đảo Chánh đã chờ đợi Chỉnh Lý. Thế Phong ghi lại tâm trạng bấp bênh của xã hội miền Nam mà các chi tiết vũ trường, thao thức nhân vật có thể chuyển hoán cho hôm nay, bây giờ. Bối cảnh truyện xảy ra năm 1964, năm khởi đầu của nền đệ nhị Cộng Hoà.(TCHL)
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34975)
C ánh tay tôi rơi dài bên tôi, tựa tiếng thở sâu từ ngàn năm trước. Tôi thở mơn man, dịu dàng trên đồi cao cùng người tình xa xứ đáng thương. Tôi thở lười biếng, hão huyền bên người đàn ông dậy nực phù sa sông Hồng. Tôi thở không thành tiếng trên triền cát vàng tựa chiếu chỉ vua ban, nghẹn ngào nuốt sâm quý hắc mùi đền đài Trung Hoa. Tôi thở dồn dập kích động, rên hú thanh quản từng hơi trong căn phòng Tim. Nước sông Hồng mùa đông cạn ráo. Dầu cho Hồ Tây tràn nước ra đường, sương mù dăng trắng thành phố. Không khí ẩm ướt đọng thành vũng trong những ngôi nhà phố cổ. Không ai, không gì biết đến sự tồn tại của tôi. Đồng loã cùng thân thể mát thơm, uốn dẻo và trái tim hỗn mang của tôi là màu đêm tối.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34206)
Tôi xô nó ra nói thôi mà, làm ở trong chùa tội chết. Nhưng thằng nhỏ giờ phút này còn có biết gì nữa, công an nó còn chưa sợ, sợ gì tội. Tôi ngó lên bức hình ông Quan Công trên bàn thờ, tôi nói coi chừng cái ông cầm cây Thanh Long đao kìa. Danh bước đến thổi tắt phụt ngọn đèn dầu. Trong phòng bỗng tối mực. Danh đã cởi áo tự hồi nào. Nó kéo tôi nằm ngữa ra nền xi-măng. Bóng tối như đêm làm cho dạn dĩ hơn, không còn mặc cảm tội lỗi nữa, tôi ôm Danh với tất cả ham mê. Thằng nhỏ tuổi trẻ mà tài cao. Nó làm tình như giông, như bão.