- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhà Hồng Bàng (2879-258 TTL)

21 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 99980)

suvannhahongbang-content

 

I. SỬ VĂN VỀ NHÀ HỒNG BÀNG (2879-258 TTL):

 

Qua những bài dạy sử địa từ cấp đồng ấu tiểu học của thế kỷ XX-XXI, sách giáo khoa chữ Việt mới (dựa trên chữ cái Latin, tiêu biểu là cuốn bài giảng sử ký và địa dư dùng cho các lớp Dự bị và Sơ đẳng bậc tiểu học của Trần Trọng Kim và Đỗ Đình Phúc xuất bản lần đầu năm 1927) lịch sử Việt Nam khởi từ nhà Hồng Bàng (2879-258 Trước Tây Lịch [TTL] kỷ nguyên), với mười tám [18] vua Hùng hay Hùng vương [Xiong wang]. Dù nội dung những bài học sử địa trên rút ra từ quốc sử triều Lê (1428-1527, 1543-1789), Tây Sơn (1778-1802) và Nguyễn (1802-1889, 1889-1945)–tức Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1697) của Ngô Sĩ Liên et al., Đại Việt Sử Ký Tiền Biên (1798-1800) của Ngô Thì Sĩ et al., và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], Tiền Biên [TB] (1884), Tự Đức et al.– rất ít tác giả, kể cả Trần Trọng Kim (1883-1952), dù thông thạo Hán và Pháp ngữ, được huấn luyện chuyên nghiệp, như triết lý sử, phương pháp viết sử, phương pháp sưu tầm, lượng giá, cùng sử dụng tài liệu một cách khoa học (như cách viết phụ chú, trích dẫn, v.. v...) Ngoài ra, còn những chỉ thị riêng từ các Toàn quyền, Khâm sứ, quan tây lẫn quan ta về thực thể “Đông Pháp” [l’Indochine francaise] và công ơn “khai hoá” của thực dân Pháp. Riêng về nhà Hồng Bàng, nhiệm vụ các giáo chức chỉ nhằm khiến học sinh “học cho biết,” nhưng “không nên tin làm truyện thực.” (1)

 

A. CÁC VUA HỒNG BÀNG:

Lộc Tục, dòng dõi Thần Nông [Shen Nung] hay Viêm Đế, được truyền tụng là vua đầu họ Hồng Bàng, tức Kinh Dương Vương. Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân (Sùng Lãm). Hùng Vương là con trưởng Lạc Long Quân. Hùng Vương dựng nước tên Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (nay là Bạch Hạc).

Hồng Bàng thị thủ viết Kinh Dương vương, tương truyền ngã Việt chi thủy [thỉ] quân dã. Sinh Lạc Long Quân. [Hùng] vương nãi Lạc Long Quân chi tử dã].

Hùng Vương kiến quốc hiệu Văn Lang, đô Phong Châu. (2)

Chữ Việt bộ Tẩu [ThC, 655-56]: vượt qua;

Chữ Lạc, bộ Mịch [ThC, 485]: quấn quanh, ràng buộc;

Chữ Hùng, bộ Chuy [ThC, 745], giống đực, hùng mạnh [CM, TB, I:1a, 2b (Sài Gòn: 1965), 2:8-9, 14-5; khác chữ Hùng bộ Hỏa [ThC, 373-74: con gấu, dũng sĩ; chỉ các vua Sở];

Chữ Lang bộ “Ấp,” có nghĩa chàng thanh niên, người chồng mới, ông quan trẻ.

 

1. Kinh Dương Vương:

Theo Ngô Sĩ Liên, [Nhâm Tuất, năm thứ nhất] cháu ba đời Thần Nông là Đế Minh tuần du phương nam tới Ngũ Lĩnh, lấy Vụ Tiên (hay con gái Vụ Tiên), sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục có thánh đức, Đế Minh yêu quí, muốn chọn làm vua, nhưng Lộc Tục nhường ngôi cho anh [khác mẹ] là Nghi. Đế Minh bèn phong Nghi làm hoàng đế đất Bắc, Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương nam, gọi nước là Xích Quỉ [Quỉ Đỏ].

[Sơ Viêm đế Thần Nông thị tam thế tôn Đế Minh, nam tuần chi Ngũ Lĩnh, thú Vụ Tiên nữ, sinh tử Lộc Tục, hữu thánh đức, Đế Minh kỳ ái chi. Dục sử tự vị, Lộc Tục cố nhượng kỳ huynh Nghi. Đế Minh ư thị lập Đế Nghi vi tự, trị bắc phương; phong Lộc Tục vi Kinh Dương Vương, trị nam phương. . . (3)

 

Trong tinh thần “Bình Ngô Đại Cáo” của Lê Lợi, các sử quan đời Hậu Lê thượng cổ hóa thời huyền sử tới năm 2879 TTL. Người sáng lập nhà Hồng Bàng (2879-258 TTL), theo họ, cũng là dòng giõi Thần Nông, “em” của các vua phương Bắc. (CM, TB 1:1; (Sài Gòn: 1965), 2:8-11, (Hà Nội: 1998), 1:71-2.

Người đọc sử Việt thường ít chú ý đến vai “em” này của quốc tổ Việt (Lộc Tục)–vì trong lịch sử bang giao hai nước, vua Trung Hoa tự xưng hoặc được cung văn là thánh nhân, con Trời [thiên tử], làm chủ cả thiên hạ. Vương quyền biến thái từ “tối thượng” [sovereignty] tới “bá chủ” [suzerainty] tùy theo sức mạnh quân sự của triều đại cai trị Hoa lục. Khi hùng mạnh, vua Trung Hoa cho mình quyền thôn tính lân bang, mở quận huyện, đặt vào bản đồ “Hoa hạ” hay “Trung nguyên.” Những đạo quân viễn chinh Hán tộc vác trụ mốc biên giới trên vai, hay chuyên chở bằng chiến thuyền, lừa ngựa tới các xứ hoang vực. Tiến trình quen thuộc là phá thành [Tusha], giết lãnh đạo, nô lệ hóa và đồng hóa dân bản xứ. (Xem, chẳng hạn, cuộc triệt hạ kinh thành Champa thế kỷ III và thế kỷ VII, hay thành Thăng Long dưới đời Trần vào các năm 1258, 1285 và 1287-1288, đời Hồ năm 1406-1407. Hành động tội ác chiến tranh này cũng tương tự như Đặng Tiểu Bình ở Tibet, Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí tại các tỉnh biên giới năm 1979. Một học giả Nhật đưa ra nhận xét người Hán còn ăn thịt nạn nhân; và ngay Khổng Khâu cũng từng ăn thịt người. [Consumption of human fresh was inevitable. Confucius apparently consumed human fresh, too].

Chiến lược jianbi qingye [bolt the fortress gates and clear the fields] Tusha: to take a city. After the city is taken, to slaughter all the people in the city. Cannibalism: cultural revolution.

Việt Nam là một thí dụ tiêu biểu sách lược “thôn tính thiên hạ” của Trung Hoa. Hiện tượng quen thuộc là chiến công vệ quốc ít khi là chiến thắng cuối cùng. Thực trạng địa lý-chính trị Đại Việt khiến không thể không duy trì liên hệ ngoại giao với phương Bắc, trong khuôn khổ “luật kẻ mạnh.” Thứ trật tự chính trị đặc thù Á Đông, qui tâm về Bắc Kinh này, dĩ nhiên, khó thể bình đẳng hay cân xứng. Vua quan Hán ngang ngược bắt vua chúa Việt phải chấp nhận thứ quan hệ “cha-con, giữ gìn nhau như môi với răng” [“do tử dữ phụ mẫu chi tương thân,” “phụ tử chi quốc, thần xỉ chi bang”], đánh nhẹ thì khoanh tay chịu tội, đánh mạnh thì bỏ chạy, “thuận trời thì sống, nghịch trời thì diệt” [thuận thiên giả xương, nghịch thiên giả vong]. (Thư Trương Lập Đạo gửi Trần Nhân Tông năm 1291; ANCL, q. V, 1961:102-3. Xem thêm Truong Buu Lam, “Intervention versus Tribute in Sino-Vietnam Relations, 1788-1790;” in John King Fairbank, (ed) The Chinese World Order: Traditional Chinese Foreign Relations (Cambridge, Mass: Harvard Univ Press, 1968), pp. 165-79; J. K. Fairbank, “Tributary Trade and China’s Relations with the West;” Far Eastern Quarterly, I (1942), 129-49; and, John K. Fairbank and Teng ssu-yu, “On the Ch’ing Tributary System;” Harvard Journal of Asian Studies, VI (1941), tr. 135-246.

 

Sử quan Nguyễn bác việc Đế Minh du nam, cho rằng sử quan nhà Lê “chỉ dựa vào chỗ bâng quơ mà biên soạn ra nhà Hồng Bàng, rồi e không có gì làm căn cứ cho người ta tin, lại phụ họa theo truyện Liễu Nghị đời Đường của nhà tiểu thuyết làm chứng cớ . . . .” Nhưng vẫn “dĩ nghi truyền nghi;” chọn Hùng Vương làm đầu mối quốc thống, chép trong phần Cương (chữ lớn), phụ chép Kinh Dương và Lạc Long ở phần Mục [chữ nhỏ, ghi chép chi tiết] theo kiểu mẫu của Chu Hy (Zhu Xi, 1130-1200) trong Thông Giám Cương Mục. (4)

 

2. LẠC LONG QUÂN:

Kinh Dương Vương [Lộc Tục] lấy con gái Động Đình Quân Thần Long, sinh ra Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai (con Đế Nghi) là Âu Cơ, sinh một trăm con trai. Tục truyền sinh 100 trứng. Đó là tổ Bách Việt.

[Lạc Long Quân thú Âu Cơ sinh bách nam, tục truyền sinh bách noãn, thị vi Bách Việt chi tổ].

[Việt bộ Mễ [ThC 474, nghĩa là đến]; Lạc bộ Mịch [ThC 485]

[Chữ Việt trong Bách Việt bộ “mễ,” Shiji, Ngô Khởi truyện, q. 2, tờ 36; có lẽ liên hệ tới trồng lúa, ăn gạo [ThC 474];.

Chữ Chỉ bộ phụ, [ThC 743], nghĩa là nền.

Trạch: ThC 140 [nhà ở, nơi ở, yên định], ThC 249 [chọn láng giềng], ThC 362 [chằm, đầm, chỗ đọng nước lớn]

 

Chi tiết này hơi khác với huyền thoại, theo đó, sau khi lên ngôi, Lạc Long Quân rút xuống ở trong động ngầm dưới nước. Mỗi khi dân cần gì đến vua, chỉ cần hô to “Bố đang ở đâu? Lại đây giúp ta,” vua sẽ xuất hiện ngay. Một hôm, khổ sở vì giặc phương bắc quấy nhiễu, dân gọi vua lên cứu giúp. Lúc ấy, Đế Lai con Đế Nghi đang đi tuần thú khắp nơi, để người yêu là Âu Cơ trong hành cung. Thấy Âu Cơ, vua thích lắm, bèn gây duyên chồng vợ. Âu Cơ sinh được 100 con trai; tục truyền là một cái bọc trăm trứng, nở ra 100 con. (5)

 

3. HÙNG VƯƠNG:

Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng, “Ta là giống rồng, nàng là giống Tiên, nước và lửa khắc nhau, khó mà hợp nhau được.” Bèn từ biệt nàng, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha xuống ở phương Nam. Lạc Long Quân lập con trưởng làm vua tức Hùng Vương. Đặt quốc hiệu là Văn Lang. Đóng đô ở Phong Châu, tương truyền được 18 đời, đều xưng là Hùng Vương.

Nhất nhật, Lạc Long Quân vị Âu Cơ viết: “Ngã thị long loại, nễ thị tiên loại, thủy hỏa tương khắc, hợp tinh vi nan.” Nãi dữ chi tương biệt, phân ngũ thập tử tùng mẫu qui sơn, ngũ thập tử phùng phụ cư nam, suy kỳ trưởng vi Hùng vương tư quân vị, kiến quốc hiệu Văn Lang quốc. Đô Phong Châu, tương truyền thập bát thế, giai xưng Hùng Vương].” (6)

 

Việc chia con, các truyền thuyết cũng có chỗ dị biệt. Có bản nói người con cả trong số 50 người theo mẹ lên núi Phong Sơn trở thành Hùng Vương thứ nhất; hoặc Hùng Vương thứ ba. (Kinh Dương Vương là vua Hùng thứ nhất). Truyền bản sử nhà Lê thì sửa lại là người con trai trưởng theo cha xuống miền nam lên làm vua. Có lẽ các nho gia Lê muốn tôn xưng thuyết phụ hệ, tức dòng cha mới là chính theo văn hoá Trung Hoa; bác bỏ phong tục mẫu hệ cũ còn áp dụng trong các xứ Mường.

Riêng kinh đô Phong Châu, tức Núi Hùng, được ghi là Nghiã Lĩnh Sơn, thuộc làng Sơn Vi, Bạch Hạc, phủ Lâm Thao, Phú Thọ. Hiện nay, Núi Hùng có ba đền: Hạ (Âu Cơ), Trung (vua Hùng), và Thượng. Tại đây, có câu đối “Đột ngột cao sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thánh vương vị.” Ngày Hội hàng năm cử hành ngày 10/3 âm lịch. (Năm 2005, tại đền Hạ, có hình Hồ Chí Minh đến thăm đền trong chiến tranh Việt-Pháp).

Cần nhấn mạnh, nguyên bản Ngoại Kỷ không còn lưu truyền. Nó được hay bị sử quan Hậu Lê hiệu đính, và viết thêm [tục biên] liên tục cho tới khi Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cùng các phần chép thêm [tục biên] hoàn tất và khắc bản in cuối năm 1697 hoặc đầu 1698 [tháng 11 Đinh Sửu, 13/12/1697-11/1/1698]. Tổng cộng trong 19 tập truyền bản ĐVSKTT, ngoài quyển I phần Ngoại Kỷ nêu rõ do Ngô Sĩ Liên biên soạn, chỉ còn 166 đoạn bình luận của NSL trích từ nguyên bản. (7)

Các truyền bản ĐVSK có nhiều chi tiết khác biệt, và đôi lúc đối nghịch nhau. Truyền bản Cao Huy Giu-Đào Duy Anh (1967), hay Ngô Đức Thọ et al. (2009) dịch không chép 18 đời vua Hùng. Sử nhà Nguyễn nhiều lần nhắc đến 18 đời trong “sử cũ,” nhưng không ghi từng đời vua. Hồ Tông Thốc, một nho gia/sử quan cuối đời Trần, (tác giả Việt Sử Cương Mục, thế kỷ XIV), liệt kê đủ 18 vua Hùng trong Việt Nam Thế Chí. Hàng năm, trong dịp Lễ Quốc Tổ [10/3 âm lịch] còn xuất hiện những tập sách nhỏ về 18 vua Hùng theo Hùng vương ngọc phả của Nguyễn Cố. Học giả Nhật Iwamura Shigemitsu ghi trong An Nam Thông Sử [An Nan T’ung Chih] danh sách 18 vua Hùng, từ Kinh Dương Vương, và Hùng Hiền Vương, tức Lạc Long Quân, trở xuống. 16 vua Hùng còn lại là Hùng Quốc Vương, Hùng Hiệp Vương, Hùng Hy Vương, Hùng Huy Vương, Hùng Chiêu Vương, Hùng Vĩ Vương, Hùng Định Vương, Hùng Vi Vương, Hùng Trịnh Vương, Hùng Quì Vương, Hùng Việt Vương, Hùng Anh Vương, Hùng Triệu Vương, Hùng Tạo Vương, Hùng Nhi Vương, Hùng Duệ Vương. Danh sách này cũng tìm thấy trong Thành ngữ điển tích Danh Nhân tự điển, của Trịnh Văn Thanh. (8)

Theo sử Lê, năm 257 TTL [Giáp Thìn], đời Hùng Vương cuối cùng, cháu Thục vương là Phán xâm lăng Văn Lang. Hùng vương nhảy xuống giếng chết. Nước Văn Lang mất.

Giáp Thìn. Chu, Noãn Vương, ngũ thập bát niên. Thục vương Phán lai xâm. Vương phó tỉnh tốt. Văn Lang quốc vong. (9)

 

Sử Nguyễn bác việc Thục Phán thuộc nước Ba Thục; nhưng đồng ý là Thục Phán tự xưng làm An Dương Vương [An Yang wang]; đổi tên nước là Âu Lạc [Oulo], đóng đô tại Phong Khê.

Giáp Thìn. Thục, An Dương Vương nguyên niên. Chu, Noãn Vương, ngũ thập bát niên. Thục Vương ký hữu Văn Lang. Cải quốc hiệu viết Âu Lạc, đô Phong Khê.

Cựu sử [ĐVSK, NKTT, I:5b]: Vương tính Thục, húy Phán, Ba Thục nhân dã. Thời vương ký tính Văn Lang, nãi cải quốc hiệu viết Âu Lạc, đô Phong Khê. (10)

Âu [Ou] bộ Ngoã [ThC, 401, còn có nghĩa cái âu, bồn chứa nhỏ]; Lạc [Lo], bộ Mịch [ThC, 485, nghĩa là quấn quanh, ràng buộc, cái lưới, bao la, thứ quả cây]

 

Từ Kinh Dương Vương [2879 TTL], đồng thời với Đế Nghi, truyền đến đời Hùng Vương cuối, chấm dứt năm Quí Mão [258 TTL], tức là năm thứ 57 đời Chu Noãn Vương, nhà Hồng Bàng cai trị 2622 năm [âm lịch]. Trung bình mỗi vua cai trị trên dưới 120 năm tức hai thế kỷ nguyệt lịch (60 năm). Ngô Thì Sĩ bác số tuổi trung bình trên, vì người chứ đâu phải vàng đá. (11)

 

B. SỰ CỔ THỜI CỦA NƯỚC VIỆT:

Theo Ngô Sĩ Liên, cổ Việt xuất hiện cùng thời Hoàng Đế huyền thoại Trung Hoa. Đời Nghiêu đế (Yao, 2357-2258 TTL), được biết như Nam Giao (2352 TTL). Từ năm Tân Mão thứ sáu [1110 TTL] đời Chu Cơ Tụng (Thành Vương, Zhou Zheng-wang, ca. 1115-1079 TTL) gọi là Việt Thường [Yue-shang].

Theo Kinh Thư, Nghiêu từng sai Hy Thúc xuống Nam Giao, nghiên cứu thiên văn và thực nghiệm công trình “đo bóng mặt trời” để làm lịch, định rõ ngày Hạ chí (mồng 5 tháng 5 âm lịch, hay 21-22/6 Tây lịch, khi ngày dài nhất, đêm ngắn nhất ở bắc bán cầu; nhưng ngược lại ở nam bán cầu). Những người chú giải kinh Thư đầu tiên–như Khổng An Quốc, cháu xa đời Khổng Khâu [Kongzi, 551-479 TTL]–chú thích Nam Giao là phương nam. Nhưng Tư Mã Trinh (Sima Zheng, thế kỷ VIII, đời Đường), trong Sử Ký Sách Ẩn, và Sái [Thái] Trầm hay Trừng, một chuyên viên Kinh Thư đời Tống (960-1279), trong Thư Kinh Tập Truyện, làm những bước nhảy vọt địa lý, ghi “Nam Giao là Giao Chỉ ở phương nam,” không đưa ra một chứng cớ nào.

Thư, Nghiêu điển: “Thân mệnh Hy Thúc trạch Nam Giao, bình trật Nam ngoa, kính trí nhật vĩnh tinh hoà, dĩ chính trọng Hạ, quyết dân nhân, điểu thú hy cách.” Thái thị: Nam Giao: Nam phương Giao Chỉ chi địa.” (12)

Tư Mã Thiên [Sima Qian, 145-86 TTL], tác giả Shiji [Sử Ký], chỉ chép “năm Tân Mão thứ sáu [1110 TTL ],” ở phía nam Giao Chỉ, sứ giả họ Việt Thường [Yueshang] sau hai ba lần thông dịch tới được kinh đô ở đất Fang (Phong), Shensi (Thiểm Tây), cống một chim trĩ trắng.

[6a] “Chu Thành vương tân mão lục niên, Giao Chỉ nam hữu Việt Thường thị trùng [6b] lai tam dịch nhi lai hiến bạch trĩ”].

Chữ Việt trong tên Việt Thường có bộ “Tẩu,” nghĩa là “vượt qua.” Nó thường dùng để chỉ người Ư Việt (ở Triết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Dương Việt (Giang Tây), Nam Việt (Quảng Đông). [Thiều Chửu, 655-656]. Chữ Việt bộ Tẩu còn xuất hiện trong quốc hiệu “Đại Cồ Việt” mà sử quan nhà Hậu Lê dùng cho nhà Đinh (968-980), Cự Việt, Đại Việt của nhà Lý (1054), rồi Việt Nam do sử quan Nguyễn và Thanh (từ năm 1804 tới 1838, và từ 1945 tới hiện tại).

Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện địa danh Giao Chỉ–chữ Giao [Jiao] bộ Đầu nghĩa là gặp nhau [ThC, 12]; và Chỉ [Chih] bộ Phụ, cùng nghĩa với chữ chỉ bộ Thổ, có nghĩa cái nền. [ThC 12, 107, 743]. Trên thực địa, tên Giao Chỉ xuất hiện đời Hán Vũ Đế (140-87 TTL) sau khi Lộ Bác Đức (Lu Pode) xâm chiếm Nan Yue [Nam Việt], “giết [tru] Lữ Gia, mở chín quận” năm 111-110 TTL.

 

Chu Công Đán, phụ chính của Cơ Tụng đến năm 1104 TTL, cho rằng nước nào chính lệnh chưa đến thì quân tử không bắt họ phải thần phục. Bèn cấp cho sứ Việt Thường năm [5] cỗ xe có vải che, đều làm theo lối chỉ nam, để hồi hương. Đoàn xe theo bờ biển tới Phù Nam [Funan], ngược lên Lâm Ấp [Linyi], đi trọn một năm về đến nước. (13)

Cũng có thông tin huyền thoại trên ghi trong Hàn Thi ngoại truyện: sứ Việt Thường trải qua chín lớp thông ngôn mới tới cống hiến, Công [Đán] hỏi vì duyên cớ gì mà đến, thì sứ đáp: Trời không có gió bão, không có mưa dầm, biển không có sóng dữ, đã ba năm, chắc là ở Trung Quốc có vị thánh nhân, nên tới chầu. (14)

Việc này không chép trong Kinh Thư, mà chỉ được Phúc Thắng ghi trong Thượng Thư Đại truyện. Sau được chép lại trong Sử Ký [Shiji], [Tiền] Hán Thư [q. 12:2a, 95] của Ban Cố [Ban Gu, 32-92] và [Hậu] Hán Thư của Phạm Việp [Fan Yeh, 348-446], [q. 116, 5a].

Tưởng nên ghi thêm, không chỉ có sử quan Việt tự nhận dòng giõi Việt Thường. Dân Sản Lỳ hay Sa Lý ở tây nam Trung Hoa có truyền thuyết tổ tiên họ cống chim trĩ trắng đời Chu Cơ Tụng. Dân Lão Qua [Ai Lao], và dân Miến Điện (Myanmar hiện nay, theo sách Điền Nam Tạp Chí) cũng tự nhận là đất Việt Thường cũ. (15)

Chưa hài lòng với thời điểm nhà Chu, các tác giả thời Đường (Tang, 618-906) và Tống (Song, 960-1279)–như Trịnh Tiều (1104-1162), trong Thông Chí, và Kim Lý Tường (1232-1303), Tống Nho đời Nguyên (1260-1368) trong Thông Giám Tiền Biên–còn thêm vào lịch sử quan hệ Bắc-Nam hơn một nghìn năm nữa: Năm 2352 TTL [Mậu Thân thứ 5] họ Việt Thường đã tới cống Y Kỳ Phóng Huân, một con rùa sống trên ngàn tuổi. Trên lưng rùa có chữ giáp cốt, và “Nghiêu” đã dùng chế ra lịch rùa. Đời Thanh [Qing, 1644-1912], sách Ngự Phê Thông Giám Tập Lãm (q. 1) còn chép lại việc cống rùa.

 

C. QUỐC HIỆU:

Thiên tiểu thuyết lịch sử của Ngô Sĩ Liên và sử quan Lê còn khiến người đời sau khá nhức đầu về những quốc hiệu sử dụng trong thời Hồng Bàng.

1. Xích Quỉ:

Xích quỉ nghĩa là “Quỉ Đỏ” [Red Demons]. Chẳng hiểu tại sao Ngô Sĩ Liên chọn quốc hiệu này cho Kinh Dương Vương. Phải chăng hàm ý rằng phong tục, đời sống còn sơ khai, chưa được ánh sáng lễ giáo nhà Chu và Khổng Khâu chiếu rọi, khai hóa (Theo thuật ngữ xích tử chi tâm?) Linh mục/Giáo sư Kim Định đề nghị nhìn lại cổ sử dưới góc cạnh của Viêm tộc (do hai chữ Hỏa ghép thành)–tức phát minh ra lửa và dùng lửa để canh tác–nên Xích Quỉ có thể liên hệ đến quẻ Li (nghĩa là lửa). Chữ Quỉ Đỏ này còn có thể liên quan đến “Quỉ Môn Quan”–nơi mười người qua, chín người không trở lại, hay nước “tiểu man di” Quỉ Phương trong Chu Dịch: “Cao Tông nhà Ân phải cần ba năm mới thắng nước Quỉ Phương nhỏ bé” [Cao Tông phạt Quỉ Phương, tam niên nhi khắc chi]. Ngô Thì Sĩ đề nghị nên gạch bỏ, vì “Xích Quỉ là tên nào mà để làm tên nước.” (16)

 

2. Văn Lang [Wen Lang]:

Văn là tốt đẹp, sáng sủa, và chữ Lang bộ Ấp [Thiều Chửu, 695-96], nghĩa là một chức quan, một quan còn trẻ, tên gọi con trai các nhà cai trị cổ Việt [quan lang], và tiếng vợ gọi chồng [lang quân]. Địa danh Văn Lang trên thực địa xuất hiện vào đời Tùy [581-618]-Đường [Tang, 618-906], ghi trong Thông Điển của Đỗ Hữu/Hựu (Tu Yu, 735-812). Sau đó, được sao chép lại trong Hoàn Vũ Ký của Nhạc Sử (Yo Shi, 930-1007) đời Tống:

Phong Châu là quận Thừa Hóa, nước Văn Lang xưa [Phong Châu, Thừa Hoá quận, cổ Văn Lang quốc].

Lang bộ “Ấp.” (17)

Theo An Nam Chí Nguyên [An Nan Zhi Yuan], của Cao Hùng Trưng [Gao Xiong-zhong], sử dụng tư liệu Minh và Trần: Đất Giao Chỉ lúc chưa chia ra quận huyện, [....] gọi là nước Văn Lang, lấy việc thuần hậu chất phác làm phong tục, dùng giây thắt nút để cai trị, truyền được 18 đời.”

 [Giao Chỉ chi địa, vị hữu quận huyện thời, […] hiệu Văn Lang quốc, dĩ thuần phác vi tục, kết thằng vi trị, truyền thế thập bát. (18)

Chữ “lang” còn nhiều cách viết, với nghĩa khác nhau: Lang bộ Nữ [ThC 133]: Ngọc kinh lang hoàn: chỗ trời chứa sách vở; Lang bộ Nghiêm [ThC 180] hành lang, mái hiên; Lang bộ Mộc [ThC 297] cây quang lang [Cây quang lang: củ mài, có bột giống như bột mì, làm bánh ăn được; TKCS, ch. 37, “Diệp Du Hà,” Mão (2004), tr. 419]; cái gõ cá của ngư dân [minh lang]; Lang bộ Mộc [ThC 308]: trong tân lang [cây cau]; quang lang [cây quang lang]; Lang bộ Thủy [ThC 366]: chảy xiết; Lang bộ Khuyển [ThC 386]: chó sói [như Văn Lang di dẫn trong Thủy Kinh Chú]; Lang bộ Ngọc [ThC 393]: Ngọc lang can; Lâm lang: tiếng ngọc; Lang bộ Ngọc [ThC 399]: Lang bộ Hòa [ThC 448]: Eo vực; Lang bộ Trùng [ThC 588, 597]: Khương lang [bọ hung]; Lang bộ Kim [ThC 714]: Lang đang: cái khóa, cái xích.

Mặc dù thư tịch Trung Hoa về cổ Việt phong phú hơn từ thời điểm 111 TTL, năm Lưu Triệt (Hán Vũ Đế, 140-87 TTL) sai Lu Po-de [Lộ Bác Đức] và Yang Bu [Dương Bộc] diệt nước Nan Yue [Nam Việt] của nhà Zhao [Triệu], nho gia Hán hoàn toàn im lặng về nhà Hồng Bàng, Hùng Vương hay vương quốc Văn Lang. Ngay đến bộ Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu đời Trần, hay An Nam Chí Lược của Lê Tắc—hoàn tất khoảng năm 1333-1336—đều im lặng.

Sách sử Trung Hoa trước đời Tùy-Đường chỉ ghi bốn [4] tên đất và tên dân cổ Việt. Đó là Bách Việt [bộ Mễ, ThC 474, nghĩa là “đến”], Việt Thường [bộ “Tẩu,” ThC, 655-56, nghĩa là “vượt qua”], Nam Giao, và Giao Chỉ [giao, bộ đầu, ThC 12; chỉ bộ phụ, cùng nghĩa với chữ chỉ bộ Thổ, ThC, 107, 743, cái nền].

 

Từ thế kỷ thứ IV-VI xuất hiện trong cổ tích hay dã sử Trung Hoa những Hùng vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc Việt, Văn Lang (Lang bộ khuyển), v.. v... Viết và đọc theo lối Việt Nho hay quan thoại, những tên người và đất cổ Việt còn lưu truyền chỉ nhằm “dĩ nghi, truyền nghi,” chờ hậu thế tìm hiểu thêm. Thí dụ như sự xuất hiện của giống “mọi” Văn Lang ở huyện Chu Ngô quận Tượng Lâm, tức Nhật Nam. Dã sử Lâm Ấp Ký (Lin-Yiji, đã tuyệt bản) chép phía nam huyện Chu Ngô quận Nhật Nam có tộc Văn Lang di (Lang bộ khuyển, chó sói) sống ngoài đồng, không có nhà, ngủ trên cây, ăn thịt cá sống, thu hái cây cỏ thơm làm nghề nghiệp, trao đổi với nhau như thời thượng cổ. Thủy Kinh Chú của Lịch hay Lệ Đạo Nguyên (466 [472]-527) (q. 36, tờ 24a) chép lại thông tin trên từ Lâm Ấp Ký, và thêm chi tiết người ta dùng tên Văn Lang để gọi con sông ở gần đó [Văn Lang cứu]. Hoàn Vũ Kí (q. 171, tờ 7b), [2-3] của Nhạc Sử đời Tống (960-1279) cũng chép tương tự. Nhưng khi trích dẫn Lâm Ấp Ký về quận Nhật Nam, Lý Phưởng (Li Fang, 925-996) (tác giả Thái Bình Ngự Lãm, q. 172, tờ 11b; TKC, ch 36, tờ 24a), lại chép dân Văn Lang di cư ngụ tại quận Thương Ngô [ở lãnh thổ Dạ Lang cũ]– Sau khi chiếm Dạ Lang năm 111 TTL, Lưu Triệt (Hán Vũ Đế) đổi tên thành quận Kiến Vi, rồi tách làm hai quận Kiến Vi ở phía Bắc, Thương Ngô ở phía Nam. Vấn nạn khó giải đáp là những tên người hay đất tại Cổ Việt xuất xứ từ đâu? Do người Hán hay Việt đặt ra [invention], phiên âm [phonetic transcription], hay chuyển dịch [translation]?

Những quan chức Hán đương thời hiểu biết về phương nam cũng nói rất ít về cổ Việt–ngoại trừ An Dương Vương, và Bách Việt nói chung.

Năm 135 TTL [Bính Ngọ], khi Lưu Triệt muốn cử binh đánh Nam Việt [vì Nam Việt tấn công Mân Việt]. Lưu An (Hoài Nam Vương) viết biểu lên Lưu Triệt như sau:

Việt ở ngoài [biên giới], dân cắt tóc vẽ mình, không thể dùng pháp độ một nước đai mũ mà cai trị [Việt phương ngoại chi địa, tiễn phát văn thân chi dân, bất khả dĩ quan đái chi quốc pháp độ lý dã].

Việt không có thành quách, làng xóm, chỉ ở trong khe suối, hang đá và rừng tre, từ xưa tập luyện thủy chiến; đất đai ở sâu xa, tối tăm mà nhiều khe suối rất hiểm; sông núi cách trở gay go, cây cối rậm rạp, lui tới khó khăn không kể xiết. Mới trông qua thì tưởng dễ, mà muốn tới thì khó khăn. [Việt phi hữu thành quách ấp lý, xứ khê ốc chi gian, hoàng trúc chi trung, tập ư thủy chiến, quán ư dụng châu, địa thâm muội nhi đa thủy hiểm, sơn xuyên yếu tắc, hiểm trở lâm tùng, phất năng tận trứ, thị chi nhược dị, hành chi thậm nan]. (Hán chí, Nghiêm Trợ truyện, dẫn trong TKCS, ch 36: “Uất Thủy,” Mão (2004), tr. 364: ANCL, q. V, “Tiền triều thư sớ;” 1961:107 [107-9, Hán Thư, Hoài Nam Vương]; ĐVSK, NKTT, II:9a-11a, Thọ (2009), 1:171-73), Giu (1967), 1:79-80 [CM không nhắc gì đến Lưu An hay tờ biểu. Ngô Thì Sĩ không chép lại thư. Chỉ nói Lưu An dâng sớ khi Lưu Triệt muốn đánh Mân Việt, nhưng Triệt không nghe. ĐVSKTB, NK 12a, The (1997), tr. 61)

Đất họ không thể ở được, dân họ không thể chăn được, không bõ làm phiền đến [thiên triều]. Nay họ tự đánh lẫn nhau, mà bệ hạ phát quân đến cứu, thế là lại đem [Trung Quốc?] mà phục dịch Di Địch vậy.

Người Việt sức yếu, tài mọn, không biết đánh bộ, lại không biết dùng xe ngựa, cung nỏ. Thế mà không thể đem quân vào được vì họ giữ được đất hiểm mà người Trung Quốc thì không quen thủy thổ. ĐVSK, NKTT, II:9a, Giu (1967), 1:79. [ĐVSKTB không ghi] Tôi lại nghe nước Việt khác với Trung Quốc, trời đã hạn cho một dãy núi cao, xưa nay không ai bước chân tới, xe ngựa không thông, hình như trời đất đã cách biệt trong ngoài vậy.” (ANCL, q. V, “Tiền triều thư sớ,” 1961:108 [107-9]; TKCS, ch 36: “Uất Thủy,” Mão (2004), tr. 364 [Ngũ Lĩnh phân cách trong ngoài]. ĐVSK, NKTT bỏ không chép.

Nhà Tần lại ham sừng tê, ngà voi của đất Việt sai Đồ Thư mang 50 binh chia làm 5 đạo, một đạo ở Dâm Thành, ải Cửu Nghi, một đạo ở Phiên Ngung, một đạo ở Nam dã, một đạo ở sông Du Can, Ba năm không cởi áp giáp. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Quân Việt không chịu hàng, rút lên núi kháng cự. Bầu ra một quân chủ mới. Giết chết Đồ Thư. Quân Tần phơi thây mấy vạn người. [Doanh Chính bèn phái những người đi đầy tới đóng đồn làm lính thú. Hán Thư, Hoài Nam Vương: [Lưu An can Vũ Đế]; Hán chí, Nghiêm Trợ truyện, dẫn trong TKCS, ch 36: “Uất Thủy,” Mão (2004), tr. 364: ANCL, q. V: “Tiền triều thư sớ;” 1961:107 [107-9]; ĐVSK, NKTT, II:9a-11a, Thọ (2009), 1:171-73), Giu (1967), 1:79-80, 315n27; [CM không nhắc gì đến Lưu An hay tờ biểu. ĐVSKTB không chép lại thư]

[Theo Ngô Thì Sĩ, Lưu An dâng sớ khi Lưu Triệt muốn đánh Mân Việt, nhưng Triệt không nghe. ĐVSKTB, The (1997), tr. 61) Trong lời bình luận, chỉ chê loạn thần, tặc tử Dư Thiện giết anh, giết vua là Vương Sính [Dĩnh] thì nghiêm khắc chê trách, phê bình việc Vũ Đế nhận cho Dư Thiện đầu hàng; Ibid., NK 12b, The (1997), tr. 61) Họ Ngô, vì một lý do nào đó, không nói đến luật kẻ mạnh và tham tâm bành trướng, thôn tính thiên hạ của Hán tộc. Dụng ý có lẽ còn kém Lê Trắc một bậc–Trắc cổ võ việc hiếu hòa. Vì thế còn chép lại kế hoạch “dĩ man trị Man” của Lý Cố, hay biểu can Tống Thái Tông của Điền Tích]

Sử Ký chỉ nói Tần sai quan úy là Đồ Thư qua đánh, người Việt trốn vào rừng núi, đánh không được, đóng quân ở đám đất không, lâu ngày quân lính mệt mỏi, rồi người Việt ra đánh, quân Tần đại bại, bèn đem các người đi đày qua để giữ gìn. (ANCL, q. V, “Tiền triều thư sớ;” 1961:109) Sau đó sai Úy Đà đem quân giữ đất Việt. Đánh nhau suốt 10 năm. Bắc Nam đều thụ địch. Tiến không xong, thoái không được. Suốt 10 năm đàn ông không cởi áo giáp, đàn bà vận chuyển cực khổ. Người ta treo cổ trên cây đối mặt nhau. Kịp khi [Tần Thủy] Hoàng “băng,” cả thiên hạ nổi lên chống. ĐVSK, NKTT, II: Giu (1967), 1:315n27..

Trong khi đó trong ngoài rối loạn, dân sự rối ren, người đi không về, kẻ qua không trở lại, người người không vui sống, đua nhau chạy trốn, đâm ra trộm cướp, gây thành mối họa ở Sơn Đông. Lão Tử nói: Hễ quân lính ở đâu, chông gai mọc ở đó. [Thử Lão Tử sở vị: “sư chi sở xứ, kinh cức sinh yên” dã. (ANCL, q. V, “Tiền triều thư sớ,” 1961:108-9) Xem chi tiết trong ANCL, q. IV: Tiền triều chinh thảo, 1961:91]

Chu Dịch nói: “Cao Tông phạt Quỉ Phương, tam niên nhi khắc chi.” Quỉ Phương là “tiểu man di,” vua nhà Ân phải cần ba năm mới thắng, nên có câu dụng binh không thể không coi trọng [ngôn dụng binh bất khả bất trọng dã.” (ANCL, q. V, “Tiền triều thư sớ,” 1961:109)

Ngoài ra, suốt hơn nghìn năm bang giao, vua quan Hán quyết không thừa nhận hoặc im lặng về việc vua quan Việt tự nhận quyền kế thừa di sản của Bách Việt, hay Nam Việt của Triệu Đà.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các tác giả Pháp bắt đầu tấn công vào thành trì quốc sử phong kiến Việt. Tác giả được trích dẫn nhiều nhất là Henri Maspéro. Theo Maspéro, một chuyên viên Hán học, Văn Lang là sản phẩm cuối cùng của một chuỗi sự lẫn lộn, hoang mang [confusion] về địa lý cổ thời và sao chép sai lầm của văn gia Trung Hoa từ đời Tang [Đường, 618-906]; rồi, sử quan Việt đã chỉ chép lại những sai lầm đó. (19) Sự sai lầm của địa lý gia Trung Hoa về lãnh thổ rộng lớn của cổ Việt là do sự lẫn lộn [confusion] giữa hai tên Văn LangDạ Lang. Hai chữ Văn [ThCh 260, bộ Văn] và Dạ [ThC 14, bộ Đầu] gần giống nhau, sai lầm có thể xảy ra trong khi sao chép. Sách Thông Điển của Đỗ Hữu/Hựu (735-812), đời Đường chép Phong Châu [Fengzhou] là tên xứ Văn Lang [Wen Lang] [Lang bộ Ấp]–nhưng tên Phong Châu chữ Hán này chỉ được đặt ra vào đời Tùy-Đường (thế kỷ VI-VII). Trong khi đó, Nguyên Hòa Quận Huyện Chí [Yuan ho kiun hien tche] (khoảng 806-820) lại ghi Phong Châu là đất Dạ Lang [Ye Lang] [Lang bộ Ấp]; tương đương với huyện Tân Xương (giữa Quí Châu và Vân Nam hiện nay). Rồi chú thêm, trong lãnh thổ huyện Tân Xương còn suối Dạ Lang. Từ đầu đời Hán, đã thấy ghi hầu quốc Dạ Lang của người Miêu, lãnh thổ trải dài từ Quí Châu tới tây Vân Nam hiện nay, đông giáp nước Ba, tây giáp hồ Vân Nam Phủ. Bởi vậy, Maspero ước đoán rất có thể văn gia Đường đã gán lãnh thổ Dạ Lang cho Văn Lang. [Nguyên Hoà Quận Huyện Chí], q. 38, tờ 9b; Maspéro, “Van Lang,” 1918, 3:2]

 

Sai lầm thứ ba, theo Maspéro, là do sự lẫn lộn về tên và đất của tộc Văn Lang di. Lâm Ấp Ký (Lin-Yiji, đã tuyệt bản) nói ở phía nam huyện Chu Ngô quận Nhật Nam có tộc Văn Lang di (Lang bộ khuyển, chó sói) sống ngoài đồng, không có nhà, ngủ trên cây, ăn thịt cá sống. Thủy Kinh Chú (q. 36, tờ 24a) chép lại thông tin trên từ Lâm Ấp Ký, và thêm chi tiết người ta dùng tên Văn Lang để gọi con sông ở gần đó [Văn Lang cứu]. Hoàn Vũ Kí (q. 171, tờ 7b), [2-3] của Nhạc Sử cũng chép tương tự. Nhưng khi trích dẫn Lâm Ấp Ký về quận Nhật Nam, Lý Phưởng (Li Fang, 925-996), tác giả Thái Bình Ngự Lãm (q. 172, tờ 11b; TKC, ch 36, tờ 24a), đã chép sai chữ Chu Ngô ở Nhật Nam thành Thương Ngô [ở lãnh thổ Dạ Lang (Sau khi chiếm Dạ Lang năm 111 TTL, Lưu Triệt (Hán Vũ Đế) đổi tên thành quận Kiến Vi, rồi tách làm hai quận: Kiến Vi ở phía Bắc, Thương Ngô ở phía Nam). (20) Trong khi chép lẫn lộn tên Văn Lang thành Dạ Lang, Lý Phưởng lại đặt Văn (tức Dạ) Lang đúng vào đất Chu Ngô (q. 171, tờ 7b). Vì thế tên huyện Chu Ngô của Nhật Nam, nơi có người Văn Lang di trong Lâm Ấp Kí, trở thành quận Thương Ngô của Dạ Lang. (Thái Bình Ngự Lãm, q. 172, 11b, và Hoàn Vũ Kí, q. 170, tờ 10a). Khi đến tay các nhà địa lý Đường, sự lẫn lộn giữa Chu Ngô và Thương Ngô, cộng thêm với sự lẫn lộn giữa Dạ Lang và Văn Lang từ Nguyên Hoà Quận Huyện Chí và Thông Điển, đưa đến sự khai sinh tên Văn Lang, với chữ Lang bộ ấp: Phong Châu là [quận Thừa Hoá] nước Văn Lang cũ.

Năm 282, Tấn bỏ đô úy Nhật Nam. Lấy huyện Lô Dung làm Nhật Nam, lị sở tại huyện Tượng Lâm. TKCS, ch 36, Mão (2004), tr. 366.

Chưa hết, các nhà địa lí Đường lại vi phạm thêm lầm lẫn thứ tư: Đỗ Hữu [Hựu] và tác giả Nguyên Hòa quận huyện chí, (k. 58, 9b; dẫn lại trong Thái Bình Ngự Lãm, k 172, 11b) đưa Văn Lang và Phong Châu từ Hoa Nam xuống tới vùng Bạch Hạc và Việt Trì, Bắc Việt, nhưng với chữ Lang bộ Ấp, thay vì Lang bộ khuyển [trong Hoàn Vũ Kí, (q. 171, tờ 7b)] mới đúng. [3] (21)

Sẽ có người phản đối, Maspéro tiếp, vì Nhạc Sử ghi trong Hoàn Vũ Kí, (q. 171, tờ 7b) rằng tại huyện Tân Xương (tức nước Dạ Lang cũ) còn dấu tích Văn Lang thành–mà người Việt cho là đền Hùng Vương danh tiếng tại làng Hy Cương, gần Việt Trì, huyện Sơn Vi, Phú Thọ. Sự phản đối này có vẻ có sức nặng, dù trên thực tế đền Hùng chỉ dựng lên khoảng đầu thế kỷ XV dưới thời Minh thuộc (1407-1428), được nhắc đến trong Giao Chỉ Di Biên, Đại Minh Nhất Thống Chí [q. 90, 5b] và Việt Kiệu Thư [q. 1]. Trước đó, phụ đạo họ Lê cai trị huyện Sơn Vi, và thật đáng ngạc nhiên nếu sự thờ phụng Quốc tổ [người Việt] được cử hành ở một xứ mọi rợ. [3-4]

“Phong Châu Thừa Hóa quận, cổ Văn Lang quốc, tắc Phong Châu đương tức kim Sơn Tây chi Vĩnh Tường, Lâm Thao chư phủ địa hạt. Hựu Sơn Vi huyện hữu Hùng vương sơn, Hùng vương miếu khả cứu, bất khả chuyên chỉ Bạch Hạc dã.” (22)

Cũng vào dịp này, người ta đã lập thêm ở Vũ Ninh Sơn đền thờ Triệu Quang Phục–mà theo Ngô Sĩ Liên, là một vua đời Tiền Lý, hùng cứ Dạ Trạch sau khi Lý Bôn hay Bí chết–vì theo truyền thuyết, Triệu Quang Phục đóng đô ở gần đó. [4] Tóm lại, theo Maspéro, lỗi không ở các sử quan Việt, mà do sự lẫn lộn của tác giả Trung Hoa. Họ đã lầm lẫn biến Văn Lang (Lang bộ khuyển) ở Chu Ngô (Tượng Lâm) thành Văn Lang bộ Ấp; rồi nhập với tên Dạ Lang ở tây nam Trung Hoa, và cuối cùng, đưa thành Dạ Lang, dưới tên Văn Lang, xuống đất Bạch Hạc-Việt Trì.

Lập luận Maspéro phiến diện, thiếu khả năng thuyết phục:

1. Sử quan Việt hay Hoa khó lẫn lộn Dạ Lang thành Văn Lang hoặc ngược lại. Hai chữ Văn và Dạ hay Lang bộ khuyển [ThC 386], với Lang bộ Ấp [ThC 695] khác nhau khá xa.

Chính Maspéro cũng ghi nhận Nhạc Sử (Yo Shi, 930-1007) chép trong Hoàn Vũ Kí, (k. 171, tờ 10a) cả hai địa danh Thương Ngô và Chu Ngô, cũng như hai chữ Văn Lang (bộ Ấp và bộ Khuyển). [3n2] Nhưng Maspéro tảng lờ chi tiết này. Sự lẫn lộn, nếu có, của văn gia Hán là sự lầm lẫn cố ý.

2. Giả thuyết chép lầm cũng khó thuyết phục vì văn gia Hán hiểu rõ sự ngoắt ngoéo của Hán tự hơn Maspéro đánh giá. Những lầm lẫn, nếu có, chỉ ở những trường hợp thông thường. Thí dụ như đoạn nói về cuộc dấy binh kháng Hán của Trưng Vương trong truyền bản An Nam Chí Lược của Lê Tắc, có người muốn đọc hiểu chữ “công duyên quận ấp thành “công trị quận ấp. Lý do đưa ra là chữ “duyên” bộ Thủy [ThC 338, trong truyền bản An Nam Chí Lược nghĩa là ven, lân cận như duyên hải, duyên thủy], tương tự với chữ “Trì,” còn có âm khác là “Trị,” cũng bộ Thủy [ThC, 337, nghĩa là (1) sửa, (2) trừng trị, (3) sửa trị, (4) chỗ quan hành chính địa phương đặt trị sở, (5) tên xưng hô hay tên gọi quan trấn thủ [trị hạ]. Nhưng nếu “công duyên” khó hiểu, và chép sai, “công trị” vô nghĩa, chẳng những khó thuyết phục về cách dùng chữ, mà còn không phù hợp với đoạn văn của Lê Tắc: Không ai nói “đánh trừng trị các quận ấp.” Thói quen ham muốn “hiệu đính” cổ thư này khiến những truyền bản cổ thư đầy “chú” với “tiên” chỉ khiến người đọc lạc đường, và thiếu tính chất khả tín, trong các nghiên cứu nghiêm túc. Thủy Kinh Chú Sớ là một thí dụ tiêu biểu. Một nạn nhân khác là Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi.

Hơn nữa, sự lầm lẫn hay bất nhất, nếu có, về Văn Lang với Dạ Lang ở đây có thể ít nhiều liên hệ đến tham vọng nam tiến, khiến văn gia Trung Hoa dời dần những biên giới ngày một xa, rộng hơn. Trường hợp Tượng Quận đời Tần, và trụ đồng Mã Viện là thí dụ tiêu biểu. (23)

3. Sản phẩm chung cuộc của giả thuyết tam tứ sao thất bản Maspéro muốn đưa ra là quốc hiệu Văn Lang, nếu viết đúng, phải là Văn Lang với chữ Lang bộ khuyển. Người Việt đủ thông minh và kinh nghiệm để hiểu sự mọi rợ văn hóa của văn gia nước lớn, tức thích gọi bất cứ người ngoại quốc nào là mọi rợ, man di, trâu bò, chó, lợn. Giống như những từ Tây nhung [bộ qua, ThC 219], Bắc địch [bộ khuyển, ThC 384], Nam man [bộ Trùng, ThC 597], Đông di do Khổng Khâu hay những người mạo danh Khổng chia đặt cho các sắc dân chung quanh Trung Hoa. Kiến thức giới hạn của Khổng Khâu và 72 người hiền về địa lý, nhân chủng, hay dân tộc học này đã tạo nên ảo tưởng về sự tối cao [supremacy] của chủng tộc và văn hoá Hán, khiến “Bạch quỉ” và “Tây dương di” đua nhau xâu xé vật hoá thạch còn sống [a living fossil] suốt thế kỷ XIX, trương lên những bảng “Cấm chó và người Tần [Chinese]” tại công viên các nhượng địa.

Bởi thế mới có những thuật ngữ “Chinoiserie,” “Chinese-ness,” hay “đạo Nho” để chỉ những kẻ thích nói nhân, nghĩa, nhưng việc làm từ nhỏ đến lớn chỉ nhằm lợi nhuận–giống như lời phán của Triệu Quang Nghĩa (Song Taizong, 976-997) về việc thừa nhận và chế phong cho Lê Hoàn (980-1005), hay Triệu Hằng (Song Zhenzong, 997-1022) khi thừa nhận Lý Công Uẩn (1009-1028). (24) Khoảng một ngàn năm sau, Đặng Tiểu Bình cũng lập lại hầu như nguyên văn qua tuyên bố bất hủ, “mèo trắng hay mèo đen không quan hệ, chỉ cần bắt được chuột.”

4. Là học giả thời cực thịnh của phong trào thực dân trung cổ Tây phương [Pháp], Maspéro và người đương thời mang mặc cảm tự tôn [cultural supremacy]–dù ý thức hay không–chấp nhận một định đề tiên thiên là sứ mệnh khai hóa của các nước “văn minh,” hay có sức mạnh vượt trội các dân tộc khác. Không duyệt nghĩ đến yếu tố tự tôn, tàn ác và tham lam của những người tự cho mình sứ mệnh khai hóa–tức tiêu diệt mọi dấu tích nạn nhân của hành động thực dân, xâm lăng, hoặc xuyên tạc, sỉ nhục những nước yếu nạn nhân. Dưới thời Nhật đô hộ (1941-1945), học trò Việt từ bắc chí nam được Pháp truyền dạy bài học sử “Tổ tiên chúng ta người Gaulois [Gô-Loa].” Năm 1879, Petrus Trương Vĩnh Ký ghi vào tập bài giảng lịch sử cho các trường Nam Kỳ lòng tri ân người khai hóa và chủ Pháp mới. Năm 1944, sau khi vừa được Winston Churchill và Franklin D. Roosevelt giúp giải phóng nước Pháp khỏi ách cai trị Nazi Germany, “Charles vĩ đại” lập tức mưu tái chiếm Đông Dương, hợm hĩnh tuyên bố quyết đưa con thuyền lạc bến trở lại với mẫu quốc. Linh mục/Cao ủy Georges Thierry d’Argenlieu, thủ hạ thân tín của Charles de Gaulle, vận dụng mọi mưu mẹo thâm độc để tái chiếm Đông Dương với đủ thứ bảng hiệu–từ Tuyên ngôn 24/3/1945 tới mật lệnh của de Gaulle–biến Đông Dương thành một chiến trường nóng của cuộc chiến tranh lạnh 1947-1991, với kết quả chung cuộc là sau chín [9] năm máu lửa phải quị lụy xin Mao Nhuận Chi cùng Nikita S. Khrushchev cho rút quân trong danh dự–khởi đầu cuộc sụp đổ của đế quốc Pháp bằng Hội nghị Geneva 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ (1953-1954) do Mao Nhuận Chi, Chu Ân Lai và Quân Ủy Trung Ương dàn cảnh hầu bước lên hàng ngũ cường quốc.

Không tự kiềm chế Luật Kẻ Mạnh, Maspéro khiến nghiên cứu khá công phu chỉ đưa đến kết luận khẳng định, phiến diện.

5. Có lẽ vì mục tiêu chiến tranh chính trị, Maspéro còn tảng lờ mọi bằng chứng ngược lại với sự cả đoan của mình, coi cổ thư Trung Hoa là khuôn vàng, thước ngọc, mà quên mất lời khuyên của Mạnh Kha: “Tận tín thư bất như vô thư.” Ngay chính Ngô Sĩ Liên rồi Nguyễn Nghiễm đã cảnh giác độc giả rằng “tin sách chẳng bằng không có sách.” Từ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, các nhà sử học và khảo cổ thế giới cũng bắt đầu phát động phong trào tìm hiểu giai đoạn tiền Roma, trả lại sự thực lịch sử cho Trung Đông cùng con người Jesus Christ lịch sử.

6. Hơn nữa, Ngô Sĩ Liên và sử quan Lê không phải là người đầu tiên hay cuối cùng tô son, điểm phấn cho dĩ vãng dân tộc mình, như trong những tài liệu tuyên truyền được gán ghép danh hiệu quốc sử. Sử quan Việt cũng không là những người duy nhất dùng huyền thoại viết sử–họ là học trò ngoan ngoãn của sử gia Trung Hoa, bậc thày trong việc lưu truyền đủ loại thông tin thần rắn quỉ trâu. Tự hào thông kim, bác cổ sử văn Hán, nhưng Maspéro chẳng nhắc gì đến việc văn gia Hán tộc huyễn truyền về Ngũ đế, Tam vương, hay Bàn Cổ lập ra trời đất. Maspéro nghĩ gì khi có người yêu cầu từ bỏ niềm tin như “đấng Tạo Vật” hóa phép ra toàn vũ trụ trong sáu [6] ngày, hay thứ thiên đường đầy rẫy Mẹ Đồng Trinh cùng những thiên thần thập tự quân hai tay đẫm máu người Jews, Arabs và ngoại đạo? Hay địa ngục với đủ loại quỉ nhập tràng, phải dùng “thánh giá” đâm suốt qua trái tim mới ngăn cản được chúng trở lại nhân thế? Maspero sẽ trả lời ra sao nếu có câu tra vấn về dung mạo Thượng Đế hay Adam và Eva–mũi lõ mắt xanh, hay mũi tẹt, tóc quăn, da đen, vàng, nâu hay đỏ? Dù có sự khác biệt về chi tiết và cường độ huyền thoại, do sự khác biệt vũ trụ quan, nhưng bản chất tuyên truyền là hằng số. Có thể Maspéro chưa đủ kiến thức bàn về những thánh lệnh [papal bulls] phân chia thế giới không Ki-tô cho Portugal và Espania trong thế kỷ XV, nhưng Maspéro hẳn từng biết thủ cấp người Việt yêu nước (như Hoàng Hoa Thám và cận vệ tại Nhã Nam, Thái Nguyên; hay các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Yên Bái) bị phơi treo nhiều ngày trước các chợ búa? Các lãnh đạo chế độ Cộng Sản nghĩ gì khi được nhắc nhở rằng “cộng đồng nguyên thủy” [primordial community] của Karl Marx và Angels chưa bao giờ được nghiệm chứng? Và, ít người đặt ra với Marx cùng đệ tử như Mao Nhuận Chi hay Hồ Chí Minh câu hỏi then chốt: Dựa trên bằng chứng [evidence] nào để bàn về cộng đồng công hữu nguyên thủy? Hay, nhân danh thứ công lý gì để lập những “tòa án nhân dân” hầu tiêu diệt phong kiến, địa chủ, phản động, phản cách mạng, vừa ăn cướp, vừa đánh trống–chẳng cách biệt gì với những phiên tòa dị giáo [Inquisitions] ở Tây phương thời Trung Cổ? Đó là chưa nhắc đến tên “Cộng Sản” [gongshan] mà những người tự nhận Marxist đầu tiên của Trung Hoa trong Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư đã dịch một cách sai lầm từ thuật ngữ “communism.”

Sự hiện hữu của nước Văn Lang, bởi thế, vẫn là nghi án lịch sử muôn đời. Và Hùng Vương, mà không phải Lạc Vương, sẽ tiếp tục được tôn xưng như quốc tổ người Việt. Cho tới khi xuất hiện những tài liệu rõ ràng, có tính cách thuyết phục khoa học.

Quốc hiệu Văn Lang còn được ghi trong dã sử [Đại] Việt Sử Lược, không rõ tên tác giả–Sử Hy Nhan?, theo Trần Bá Chí– xuất hiện khoảng cuối đời Trần, trước nhà Hậu Lê: đời Chu Cơ Đà [Trang vương, 696-682 TTL], ở bộ Gia Ninh (Bắc Ninh ngày nay) có người lạ dùng ảo thuật thu phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang. Việt Vương Câu Tiễn (505-462 TTL) cho người tới dụ hàng nhưng Hùng Vương không theo. Như thế, Hùng Vương không mở dòng quốc thống của Văn Lang từ các vua thần thoại Trung Hoa mà Tự Đức và sử quan Nguyễn miệt thị gọi là “Ma Trâu, Thần Rắn” [Ngưu quỉ, xà thần]. (25)

Tuy nhiên, tác giả không hề trưng dẫn xuất xứ thông tin của mình, nên Việt Sử Lược không có giá trị sử học cao hơn các huyền thoại để khai triển thành một dã sử tiểu thuyết mới, dựa trên tư liệu khảo cổ.

 

D. LÃNH THỔ:

Vương quốc Văn Lang rất rộng; đông giáp Nam hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn tức Chiêm Thành. Trong Dư Địa chí dâng lên Lê Thái Tông (1433-1442) năm 1435, chép theo kiểu thiên Vũ Cống trong Kinh Thư, [còn gọi là An Nam Vũ Cống], Nguyễn Trãi (1380-1442) viết:

“Nước ta mới mở, gồm có sông núi, phía đông giáp biển, phía tây đến nước Thục, phía nam đến Chiêm Thành, phía bắc đến hồ Động Đình.”

 

Nguyễn Thiên Túng chú thích: Thục là tên nước, bây giờ là tỉnh Vân Nam. Chiêm Thành ngày xưa là nước Hồ Tôn. Động Đình Hồ là tên hồ, ở về đất nước Sở, chu vi tám trăm dậm. Trong hồ có hai ngọn núi. Tại núi Quân Sơn có đền thờ Tương Quân, con gái vua Nghiêu (vợ Thuấn).

Trên thực địa, Ba Thục, theo sử quan Nguyễn, có lẽ là hai quận Ba và Thục nay thuộc Tứ Xuyên [Xichuan], tây nam Trung Hoa. Động Đình hồ nằm sâu trong tỉnh Hồ Nam [Hunan]. Đây có thể là địa bàn Bách Việt [Po Yue] trước khi người Hán xâm lấn miền nam sông Dương Tử [Trường Giang], cướp đoạt tài sản, tàn sát dân bản xứ, xua đuổi một số chạy về phương nam (Nùng, Thái, Mèo [H’Mong], v.. v..), đồng hóa những người còn lại. Sông Dương Tử được coi như ranh giới tự nhiên của Trung Hoa và Bách Việt–cũng đường ranh của hai nền nông nghiệp lúa mì và lúa thóc. (26)

Hùng Vương chia nước làm 15 bộ. Có hai [2] danh sách khác nhau: Lĩnh Nam Trích Quái, và Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Sử Lê dựa theo danh sách của Nguyễn Trãi: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức, và Văn Lang, là nơi Hùng Vương đóng đô.

 

Phụ Bản II:

Văn Lang: 15 Bộ

1. Giao Chỉ [Jiao Chih]: Chỉ bộ Phụ; tức Sơn Nam (Hà Nội, Nam Định và Hưng Yên) Nguyễn Trãi et al.; Dư Địa Chí, số 3; Nguyễn Trãi Toàn Tập [NTTT], in lần thứ hai (Hà Nội: KHXH, 1976), tr. 212 [211-46]; ĐNNTC, q. XIII: Hà Nội (1997), 3:184 [159-236] [Tần: Tượng Quận; Hán, Giao Chỉ; Ngô: Tân Hưng; Tấn-Tề: Tân Xương; Tùy: Phong Châu; Đường, Phong Châu đô đốc phủ, đạo Lĩnh Nam], 217, 234 [183-264]; q. XV: Hưng Yên (1997), 3:286 [285-320] [Sơn Nam thượng; Sơn Nam hạ, Hán: huyện Chu Diên]; q. XVI: Nam Định, (1997), 3:322 [321-372] [bộ Lục Hải đời Hùng Vương; Trần, Thiên Trường]

Năm 971, một người họ Lưu được cử làm Thái sư đô hộ phủ [châu Giao] VSL, q. 1, 17a;

2. Chu [Châu] Diên: Sơn Tây [ĐNNTC, q. XXI: Sơn Tây, (1997), 4:184 [Tần: Tượng Quận; Hán, Giao Chỉ; Ngô: Tân Hưng; Tấn-Tề: Tân Xương; Tùy: Phong Châu; Đường, Phong Châu đô đốc phủ, đạo Lĩnh Nam], 217, 234 [183-264].

3. Phúc Lộc: Sơn Tây, [thành lập năm 663 [Nguyên Hòa quận huyện chí, q. 38, tờ 4a] hay 670 [Hoàn vũ kí, q. 171, tờ 11b]; Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:4]

4. Vũ Ninh: Kinh Bắc (Bắc Ninh) [ĐNNTC, q. XIX: Bắc Ninh, (1997), 4:54 [53-152]: Tiền Lê: Bắc Giang, Lý, Gia Lâm; Trần, Bắc Giang; thuộc Minh: Bắc Giang và Lạng Giang. [theo Tống thư, lập nên năm 271; q. 38, tờ 20a; dẫn trong Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:4] Nơi có Loa Thành của An Dương Vương. [ĐNNTC, q. XIX: Bắc Ninh, (1997), 4:57 [huyện Đông Ngàn; cũ là châu Cổ Lãm, Lê Hoàn gọi là Cổ Pháp; Lý là Thiên Đức; tây giáp huyện Yên Lãng, Sơn Tây; Đông giáp Tiên Du; nam giáp Tiên Du, bắc tới Yên Phong], 91 [thành Cổ Loa thuộc Đông Ngàn 92 [thành Xương Giang, xã Thọ Xương, huyện Bảo Lộc; thành Thị Cầu, huyện Vũ Giàng], 93-4 [giếng cổ Minh Châu] [53-152]:

Trường (990: Tống Cảo đi sứ; Tống thư, q. 448, tờ 2b; ANCL, q. III, 9b; 1010: đổi làm Trường Yên phủ],

Ái [989: Chàm tấn công; Lê Hoàn đi đánh; 1006: lại đi đánh; 1011: Lý Thái Tổ lại đi đánh],

5. Việt Thường: Từ Thuận Hóa tới Quảng Nam.

6. Ninh Hải: An Bang (Quảng Ninh). [quận đời Lương [thế kỷ VI, Hoàn Vũ Kí, q. 171, tờ 9b]; huyện năm 752; Hoàn Vũ Kí, q. 171, tờ 11a] dẫn trong Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:4] ĐNNTC, q. XVIII: Quảng Yên (1997), 4:6-7 [5-52] [bộ Ninh Hải đời Hùng Vương; Triều Dương; Lý Thái Tổ: Tĩnh Yên, Lê Thánh Tông: An Bang hay Yên Bang]; 8 [Dư Địa Chí số 25 của Nguyễn Trãi: “Vân Cừ, Phân Mao, duy An Bang.” (1976:225-26], 8-9 [1542: Mạc Đăng Dung cắt đất cho nhà Minh. Lê sử: 1 châu, 6 động; Khâm Châu Chí: 1 châu 4 động]; 25-27 [sông Bạch Đằng] Dư Địa Chí số 26 [Vân Đồn, 1976:226, 599-600]

7. Dương Tuyền: Hải Dương. [ĐNNTC, q. XVII: Hải Dương, (1997), 3:374 [373-466] [Thang Tuyền; Tần: Tượng Quận; Hán, Giao Chỉ; Trần: Hồng lộ; sau là Hải Đông; Hồng Châu và Nam Sách], 396-97 [núi Côn Sơn, đông bắc Chí Linh 21 lí], 401 [sông Lục Đầu, sông Hàm Giang], 407 [sông Bạch Đằng],

8. Lục Hải: Lạng Sơn, [ĐNNTC, q. XXIV: Lạng Sơn (1997), 4:365 [365-400]

9. Vũ Định: Thái Nguyên, [ĐNNTC, q. XX: Thái Nguyên (1997), 4:153 [153-82], Cao Bằng [huyện, 271; bỏ đời Trần; Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:5] [ĐNNTC, q. XXV: Cao Bằng (1997), 4:401 [401-30]

10. Hoài Hoan: Nghệ An. Huyện năm 743; Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:5]

11. Cửu Chân: Thanh Hóa.

12. Bình Văn: [khuyết], Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:5]

13. Tân Hưng: Hưng Hóa và Tuyên Quang. [theo Tống thư, lập nên năm 271; q. 38, tờ 21; dẫn trong Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:5] [ĐNNTC, q. XXII: Hưng Hoá (1997), 4:265 [265-332]; q. XXII: Tuyên Quang (1997), 4:333 [333-64]

14. Cửu Đức: [khuyết]. [Theo Tấn Chí của Phòng Huyền Linh (578-648) Cửu Đức do nhà Ngô đặt ra, nay là đất Hà Tĩnh]. Hồ Tôn là nước Chiêm Thành, nay là Bình Dịnh. [theo Tống sử, lập nên thế kỷ III; q. 38, tờ 21; dẫn trong Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:5]

15. Văn Lang. Nơi có kinh đô Phong Châu

Phong [990, vùng kinh đô của vua Lê?), [ĐNNTC, q. XXI: Sơn Tây, (1997), 4:184 [183-264] [Tần: Tượng Quận; Hán, Giao Chỉ; Ngô: Tân Hưng; Tấn-Tề: Tân Xương; Tùy: Phong Châu; Đường, Phong Châu đô đốc phủ, đạo Lĩnh Nam], 217, 234 [183-264].

Huyện Phong Châu có món nhậu vượn biết nói tiếng người. (Thủy Kinh Chú sớ [TKCS], ch 37, “Diệp Du Hà,” Mão (2004), tr. 428-29)

 

Mặc dù khó phủ nhận việc Hán tộc không ngừng xâm lược lân bang, giết lãnh tụ, nô dịch hóa dân chúng qua khuôn thước “thánh giáo”, và đất đai cổ Việt mất vào Trung Hoa không nhỏ, địa danh 15 bộ gây nhiều nghi hoặc trong giới Nho gia Việt. Thứ nhất, các địa danh trên đều là chữ Hán. Thêm nữa, chúng trùng hợp với tên các châu, huyện thời Bắc thuộc hay Đại Việt (Giao Chỉ, Chu Diên, An Nam) trước thế kỷ XV hay XVI, không phù hợp với lãnh thổ quá rộng lớn của vương quốc Văn Lang trong truyền thuyết. Bảng Nhãn Lê Quí Đôn nghĩ rằng “Không có chữ nghĩa gì truyền lại, tên quận huyện do nhà Hán, nhà Ngô đặt ra,” “các hậu nho góp nhặt, vay mượn chép ra, khó mà tin được.” (28) Đó cũng là nhận định của sử quan Nguyễn. Sau khi tham khảo Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư của Cố Viêm Vũ (1613-1692) và các sách khác, kể cả Đại Thanh Nhất Thống Chí của Từ Kiền [Càn] Học (1631-1694), Tự Đức than lên: “Không khảo cứu được,” làm sao biết biên cương Văn Lang đến đâu. (29)

Các sách địa lý TH đều mô tả chung chung là “An Nam phía Đông đến biển, phía Tây đến Vân Nam, Lão Qua, phía Nam đến Chiêm Thành, Bắc đến Quảng Tây.” “An Nam” là quốc hiệu chính thức đầu tiên nhà Tống đã phong cho Lý Anh Tông (năm 1164, hoặc 1175). Tư Mã Thiên, người đầu tiên nhắc đến sứ giả Việt Thường, thì chứng tỏ biết rất ít về địa lý cổ thời Đông Nam Á. Tác giả cho đoàn xe đưa sứ Việt Thường có kim chỉ nam hướng dẫn đi men theo bờ biển, tới Fu nan [Phù Nam], rồi Lâm Ấp, gần một năm mới về tới quê nhà. Nhưng Phù Nam chỉ thành lập vào khoảng năm 100, tức hai thế kỷ sau ngày Tư Mã Thiên hoàn tất Sử Ký hay Ban Cố hiệu đính xong sách của cha.

Phù Nam nằm về phía nam Lâm Ấp. Kim chỉ nam của Chu Công Đán rõ ràng có vấn đề về định hướng bắc-nam; hoặc việc cống trĩ trắng chỉ là một trò chơi trí tuệ của những Phúc Thắng, Tư Mã Thiên tới đời sau. Giống như môn khoa học đo bóng mặt trời “phát minh” từ thời Nghiêu–vì Nam Giao hay Giao Chỉ được khẳng định ở phía nam chỗ mặt trời mọc. Và cũng rất có thể Tư Mã Thiên không hề biết đến, hay viết ra địa danh Phù Nam; nó chỉ là sản phẩm của văn gia Hán tộc đời sau, khi chú giải Sử Ký và Hán Thư. (Hai sứ đoàn do Thứ sử Giao Châu là Lữ Đại (ca 226-256) gửi đi Phù Nam từ Giao Chỉ hay Giao Châu, do Khang Thái [Kang Tai] và Chu Ứng [Chu Ying], cầm đầu xảy ra vào thế kỷ thứ III Tây Lịch (226). (Tuy nhiên, nguyên bản Phù Nam Ký, Phù Nam Truyện, Phù Nam Thổ Tục, hay Fu-nan I-wu Chih và Fu-nan I-nan Chi] đã thất lạc, chỉ còn trích dẫn trong Thủy Kinh Chú, Thái bình Ngự Lãm, Nghệ vân loại tự, Shih Chi Cheng-i, v.. v ..) Những Nhan Sư Cố, Lê Hiển, Tư Mã Trinh, hay Đỗ Hữu/Hựu đời Đường mới nỗ lực viết lại cổ sử Trung Hoa cho phù hợp với kiến thức địa lý mới do các thương nhân mang đến hay những đạo quân viễn chinh mang về, từ đời Tam Quốc tới đời Lương-Tùy. Ngay đến những kinh điển Khổng giáo hay Lão-Trang cũng được chép lại, chia câu, ngắt đoạn, chú thích, diễn nghĩa–và, dĩ nhiên, bịa đặt thêm (như thiên Thu Thủy trong Nam Hoa Kinh của Trang Châu).

Tư liệu khảo cổ học giúp khẳng định Phù Nam và Óc Eo (An Giang)–có dấu vết ở Thoại Sơn-An Giang–là hai trung tâm thương mại lớn ở Đông Nam Á trong những năm đầu thiên kỷ thứ nhất Tây lịch. Sau này, Phù Nam bị dân Cát Miệt [Khmer] cướp phá, đặt vào bản đồ Kambojas (được biết trong sách sử Trung Hoa và Việt Nam như Chenla [Chân Lạp]). Dân Cát Miệt cũng từng trao đổi những cuộc tàn phá và cướp bóc với Chiêm Thành và Xiêm La Hộc từ thế kỷ XII-XIV.

Văn hóa Đồng Nai: đồ đồng, tương đương Đông Sơn, Sa Huỳnh

Văn Hóa Cần Giờ (Giồng Cá Vồ, 328 di cốt trong mộ chum, 64 phân định được tuổi [khoảng 500 TTL] Diệm et al., 2007:111.), Giồng Phệt

Vấn đề đặt ra là thực chăng Phù Nam hay Óc Eo (An Giang)–và Sa Huỳnh, (Quảng Ngãi)–đã trở thành quốc gia, hay đây chỉ là nơi hải tặc tập trung trao đổi những món đồ cướp bóc được của các thuyền buôn đủ quốc tịch. Singapura (Singapore), chẳng hạn, từng có tên “đảo hải tặc” trước khi được tiểu vương [sultan] Malaya bán cho công ty Đông Ấn của Bri-tên [British East India Company], trụ sở ở India vào đầu thế kỷ XIX.

Huyện Phong Châu có món nhậu vượn biết nói tiếng người. (Thủy Kinh Chú sớ [TKCS], ch 37, “Diệp Du Hà,” Mão (2004), tr. 428-29)

 

Đáng ghi nhận là thói quen sửa chữa hay thêm vào truyền bản cổ thư của người đời sau khiến giá trị của Dư Địa Chí là những dấu hỏi lớn. Thí dụ như Dư Địa Chí số 2, nói Kinh Dương Vương có đức của bậc thánh nhân, được phong sang “Việt Nam” . . . NTTT, (Hà Nội: 1976), tr. 211; Dư Địa Chí số 13 ghi trong sách chương [văn kiện ngoại giao] của Bắc triều lúc gọi nước ta là Việt Nam [Đế Minh phong Kinh Dương Vương làm Việt Nam Vương], Nam Việt, Giao Chỉ, An Nam, Nam Bình; nay cũng gọi là Việt Nam; NTTT, (Hà Nội: 1976), tr. 216; Nhưng quốc hiệu Việt Nam chỉ được Ngung Diễm tức Gia Khánh [Jiaqing] nhà Thanh (Qing) thừa nhận từ năm 1804. Trong chế phong Gia Long làm Việt Nam Quốc Vương, Ngung Diễm giải thích rõ chữ Việt do tên Việt Thường, hiếu cống đã lâu, không phải nước Nam Việt của Triệu Đà bị xâm lược năm 111 TTL, hay các xứ Việt trong lãnh thổ Lưỡng Quảng. (29)

Những trang sách ngắn ngủi về nhà Hồng Bàng cũng chỉ ghi vắn tắt về tục xâm mình để tránh thủy quái làm hại, anh hùng Thánh Gióng phá giặc xâm lược Bắc phương, cuộc nội chiến tranh hùng giữa Sơn Tinh-Thủy Tinh, đưa đến những cơn bão lụt hàng năm. Tuy nhiên, sử quan không nhắc gì đến tục ăn trầu, nhuộm răng đen, cắt tóc ngắn. Du khách lịch lãm nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện.” Trong chuyến đi sứ Hoa Lư cuối thế kỷ X, sứ nhà Tống nhắc đến việc Lê Hoàn mời ăn trầu. Nhưng cũng có người không dấu sự châm biếm: “Môn tiền thiếu nữ nha như thán; Lộ thượng hành nhân khẩu tựa dương” [Gái tơ trước cửa răng như mực; Trên đường khách bộ miệng tựa dê].( 30)

 

E. QUỐC SỬ HÓA HUYỀN THOẠI:

Trên cơ bản đoạn sử về nhà Hồng Bàng Ngô Sĩ Liên chính thức đưa vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gần giống huyền thoại “Mo đẻ con, đẻ nước,” cùng những thần tích và cổ tích trong Lĩnh Nam Chích Quái (1377?) của Trần Thế Pháp, do Vũ Quỳnh hiệu đính (1492), như truyện Hồng Bàng thị, Phù Đổng thiên vương (Uy Vũ miếu), Chử Đồng Tử, Sơn Tinh-Thủy Tinh, Bạch Trĩ, Rùa Vàng, v.. v.. Ngoài ra, có thể lấy thêm một số chi tiết trong Việt Điện U Linh (ca 1329) của Lý Tế Xuyên, ghi chép về các vị thần miếu, thần sông, thần đất, v.. v..... Hai bộ bách khoa tự điển của Lê Quí Đôn (Văn [Vân] Đài Luận Ngữ) và Phan Huy Chú (Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí) đã giới thiệu tóm lược các tác phẩm trên. Một số học giả Pháp, như Henri Maspéro và Emile Gaspardone, cũng bỏ công so sánh các truyện tích giống với phần Ngoại Kỷ của ĐVSKTT. (31)

Chính Ngô Sĩ Liên cũng nhìn nhận Ngoại Kỷ có nhiều điều quái dị, nhưng vẫn chép lại vì tin rằng vĩ nhân thời tiền sử “khác với người thường.” (32) Ngô Sĩ Liên et al. còn dùng cơ cấu tổ chức xã hội Mường như Quan Lang (con trai vua), Mị Nương (con gái vua), Bố Chính, Phụ Đạo để mô tả chính quyền của vua Hùng, (33) tới cuộc chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền cuối năm 938 hoặc đầu năm 939. Phần thứ hai, Bản Kỷ, mười [10] tập, chép từ nhà “Tiền” Ngô (939-944) tới ngày 3/1/1428, khi Vương Thông rời Đông Quan (Hà Nội ngày nay) mang quân về nước. Năm 1511, khi nhận lệnh Lê Tương Dực (1510-1516) soạn bộ Đại Việt Thông Giám Thông Khảo, sử quan Vũ Quỳnh (1452-1516) chọn Đinh Tiên Hoàng (968-979) thay họ Ngô nối dòng đại quốc thống [da guozheng] từ Hùng Vương, và được sử quan đời sau, kể cả những “Hán nhân” như Tự Đức, Phan Thanh Giản đồng ý. Trên cơ bản Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh dựa theo hai tập Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu (1272), đời Trần (1226-1400), và Phan Phu Tiên (1455) đời Lê Nhân Tông (1443-1459).

Nói chung, quốc sử Việt Nam từ đời Nguyễn trở về trước phảng phất không khí huyền thoại [legendary], thờ kính tiền nhân [ancestor worship] và bái vật [animism]. Sử quan Việt chỉ bắt chước các “tiên Nho” thỉnh thoảng chen các hiện tượng bất thường như nhật thực, nguyệt thực, động đất–thường không thể kiểm chứng–cùng huyền thoại vào lịch sử để lấp đầy chỗ thiếu sử liệu, hoặc với dụng tâm phục vụ mục tiêu chính trị/quân sự giai đoạn–nhất là thuyết Trời-Người Tương Cảm của Đổng Trọng Thư. Mặc dù Khổng Khâu từng tuyên bố “Kính quỉ thần như viễn chi” [kính quỉ thần nên ở xa], Kinh Thư, một trong ngũ kinh của Khổng Giáo, hay các bộ chính sử Trung Hoa vẫn đầy rẫy yếu tố quái lạ, huyền hoặc. Bàn Cổ, Ngũ đế, hay Tam vương đều là sản phẩm của trí tưởng tượng các Nho gia đời sau. Thần Nông (Shen Nung), Nghiêu (Yao), Thuấn (Yun) là di sản một thời bái vật, mê tín về một cõi vô hình cùng hiện hữu với nhân loại. Nghiêu [Yao], chẳng hạn, là sản phẩm của cuộc “cảm ứng” giữa Rồng Đỏ và vợ Đế Cốc ở một bờ suối, góc rừng, triền núi. Tiền bán thế kỷ XIX, khi chu trình toàn cầu hóa đã khởi sự qua những chuyến thám hiểm vòng quanh địa cầu và truyền đạo Ki-tô từ Âu Châu, Minh Mạng (1820-1841) còn bắt chước Trung Hoa đúc chín cái đỉnh ghi tên các thần núi, thần sông, đặt tại sân chầu. Sử quan Nguyễn khi thuật lại chiến công của Nguyễn Hoàng vào tháng 8-9/1572 [tháng 7 Nhâm Thân, 8/8-6/9/1572] trên sông Ái Tử, ghi nữ thần sông Qua Qua [“Trao trao”] phu nhân bày kế dùng mỹ nhân, giả đầu hàng, phục binh, giết được tướng Mạc Lập Bạo, rồi lập đền thờ nữ thần ở Cồn Tiên, gần Cửa Tùng. Ngày 23/5/1744, chín ngày sau khi đúc ấn An Nam Quốc Vương (14/5/1744), Võ vương Nguyễn Phước Khoát (1714-1765) tự lên ngôi vua, hứa sẽ “Dìu giắt thiên hạ đến cõi thái bình, mong thấy cảnh Thành Chu-Ngu Thuấn.” Hơn một thế kỷ sau, tự thoả mãn tâm nguyện “chín đời báo thù mới là đại nghĩa,” trước khi lên ngôi hoàng đế, Gia Long (1802-1820) vời nho thần Phạm Đăng Hưng vào cung để thuyết trình về đường lối “vô vi nhi trị” của Nghiêu Thuấn. Năm 1435, Lê Thái Tông (1433-1442) cũng muốn được Nguyễn Trãi dìu giắt lên hàng Nghiêu Thuấn, với kết quả chung cuộc là thảm án Trại Vải (Gia Định, Bắc Ninh), ngày 7/9/1442 [4/8 Nhâm Tuất] khiến người khởi xướng phong trào “Tân Khổng Giáo” [Neo-Confucianism]–chuyển tiếp từ quân phiệt chuyên chế sang quân chủ văn trị–bị tru di ba họ, bi phẫn nhắn lại với hai thái giám Đinh Thắng và Đinh Phúc là đã lầm lẫn, không theo lời khuyên của họ. (34)

 

II. HÙNG VƯƠNG V/S LẠC VƯƠNG:

Một thời gian, có cuộc tranh luận khá gay gắt về hai tiếng “Hùng Vương [Xiongwang]” và “Lạc Vương [Lowang].” Một số người cho rằng vua quan Hậu Lê đặt ra quốc tổ Hùng Vương, nhưng “sách sử Trung Hoa” ghi rõ ràng là “Lạc điền, Lạc dân,” vậy vua đầu tiên phải là Lạc Vương mới đúng. Khi Ngô Sĩ Liên chú thích trong một ngoặc đơn là Lạc tướng chép sai thành Hùng tướng, những người chỉ trích khẳng quyết rằng ngay đến tên Hùng Vương cũng đã chép sai. Nhiều người còn đòi thay tổ tiên dân Việt thành Lạc Việt.

Henri Maspéro, một chuyên viên Hán học Pháp, cũng có mặt trong nhóm “Không có vua Hùng, chỉ có vua Lạc” này. Lập luận “sao chép sai”–từ Lạc (bộ Chuy [TC: 746]: sông Lạc) thành Hùng (bộ chuy [TC 745]: con đực, hùng mạnh)–lại được sử dụng. (Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:7, 8-9)

 

A. HÙNG VƯƠNG [Xiongwang]:

Như đã lược nhắc, quốc sử Lê chép trong phần Ngoại Kỷ: Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu, nay là huyện Bạch Hạc. Chữ Hùng bộ Chuy [có nghĩa giống đực, hùng mạnh]. Vua Tự Đức và sử quan Nguyễn như Phan Thanh Giản, Phạm Thận Duật đều đặt nghi vấn về Hùng Vương–mà “Hán nhân” Tự Đức từng hạ bút phê là “ngưu quỉ, xà thần”–nhưng vì “đại quốc thống” chép vào phần Tiền Biên [TB] bộ quốc sử Nguyễn–và bắt đầu Chính Biên [CB] từ Đinh Tiên Hoàng (968-979). Trong số những cổ thư đề cập đến Hùng Vương có Hoàn vũ ký [q. 170, tờ 9a, 10a]. của Yo Shi (Nhạc Sử) đời Tống, Thủy Kinh Chú [Shui Jing chu] ([TKC] của Li Dao Yuan (Lịch (Lệ) Đạo Nguyên, 466 [472]-527) et al. [TKC, ch 37, 7a; Thủy Kinh Chú Sớ, ch 37; Mão (2004), tr. 427-28 [An Dương Vương])]; Sử Ký Sách Ẩn của Tư Mã Trinh (tk VII-VIII).

1. Thực tế, Nhạc Sử chỉ trích dẫn chi tiết “Hùng vương, hùng hầu, hùng tướng, hùng dân, hùng điền” [Hùng bộ Chuy; ThC, 745] từ Nam Việt Chí [Nan-Yue zhih] của Thẩm Hoài Viễn [Chen Huai Yuan], (thế kỷ V):

Đất Giao Chỉ rất màu mỡ, người ta di dân đến ở, chính họ là người đầu tiên khai khẩn đất này. Đất đen và xổi, hơi xông lên mùi hùng. Vì vậy người ta gọi ruộng đó là hùng điền, dân đó là hùng dân. [vua nước đó gọi là Hùng Vương]. . .

Phong Châu là quận Thừa Hóa, nước Văn Lang xưa. (35)

 (Tuy nhiên, Thủy Kinh Chú, còn dẫn một đoạn văn tương tự ghi là “Lạc Vương” [con ngựa đen], từ Giao Châu Ngoại Vực Ký.

2. Trịnh Hùng đời Đường ghi trong Phiên Ngung tạp ký: Đất Giao Chỉ nhiều màu mỡ. Xưa có vua là Hùng Vương; tướng văn là Hùng hầu, tướng võ là Hùng tướng. (36)

3. Hoàng Sâm [Tham] đời Minh (1368-1644) ghi trong Giao Quảng Ký [một sách địa lý về Giao Châu và Quảng Châu]: vua nước Giao Chỉ là “Hùng vương.” Chữ “Hùng” này bộ Chuy; ThC 745; khác với chữ “Hùng” [bộ Hỏa [con gấu, dũng sĩ; ThC 373-74] trong Sử Ký Tư Mã Thiên để nói về các vua Sở. Ngô Sĩ Liên cũng dẫn sách Giao Quảng Ký trên.

Tuy nhiên, Hoàng Sâm lại chép:

“Giao Chỉ có ruộng Lạc, làm mùa theo nước thủy triều lên xuống; người hưởng hoa lợi của ruộng đó gọi là Lạc hầu, các huyện tự xưng là Lạc tướng. [Về sau, con Thục vương đem binh đánh Lạc hầu, tự xưng là An Dương vương, đặt trụ sở ở Phong Khê.]”

“Giao Chỉ hữu lạc điền [Lạc bộ mã], ngưỡng triều thủy thượng hạ, nhân thực kỳ điền, danh vị Lạc hầu, chư huyện tự danh Lạc tướng; hậu Thục vương tử tướng binh thảo Lạc hầu, tự xưng An Dương vương, trị Phong Khê.” (37)

Một tác giả Việt nghĩ rằng Hùng vương cùng Lạc tướng, Lạc hầu hay Lạc điền không loại trừ lẫn nhau. Vua của Lạc dân, Lạc tướng, Lạc hầu vẫn có thể mang tước hiệu Hùng Vương.

4. Một truyền bản Việt Sử Lược cũng nhắc đến Hùng Vương–nhưng Hùng Vương này xuất hiện ở bộ Gia Ninh; dùng ảo thuật thu phục được các bộ lạc. Đa số sử quan CSVN thừa nhận vua Hùng này. Các nhà khảo cổ cũng dùng tư liệu trên làm khung cho việc diễn dịch những công trình “Lật đất lên, bốn ngàn năm lịch sử.” Bởi vậy, sự hiện hữu của Hùng vương rút lại còn đâu đó từ thế kỷ 12, 11 tới 600 TTL. (38)

 

B. LẠC VƯƠNG [LOWANG]:

Nhiều dã sử Trung Hoa dùng Lạc điền, Lạc dân, Lạc hầu, Lạc tướng để tả cổ Việt.

1. Chữ Lạc [Lo] thực ra có hai âm: “Hạc” và “Mạch.” Nho gia Việt thích đọc là Lạc.

Có ít nhất 11 cách viết khác nhau.

Lạc [Lo]: bộ Mã [lạc đà; Thiều Chửu, 780]

Lạc: bộ Khẩu [89]: khạc ra máu.

Lạc: bộ Thủy [342]: sông Lạc

Lạc: bộ Thủy [365]: sông Lạc. Còn đọc là bạc [cái hồ, đầm: Lương Sơn bạc]

Lạc: bộ Hỏa [370]: Áp lửa, là [ủi]

Lạc: bộ Trảo [383]: Loài trâu có nhiều sắc loang lổ. [bác lạc]; rành rọt [lạc lạc]; xuất sắc [trác lạc, lỗi lạc]

Lạc: bộ Ngọc [392]: chuỗi, xâu ngọc

Lạc: bộ Mịch [485]: quẩn quanh, quay xe; quay tơ [lạc tị]; ràng buộc [liên lạc]; màng lưới, khuôn vây, bao la; quả quít [quất lạc]. Lạc Long Quân: bộ Mịch (CMTB, I:1a, (Sài Gòn: 1965), 1:8; Lạc Việt: bộ Mịch (CMTB, I:1a, 23a (Sài Gòn: 1965), 1:8, 96;

Lạc: bộ Thảo [561]: rụng, lá rụng, hoa rụng. Lạc đệ thi;

Lạc: bộ Dậu [701]: cạo sửa, sữa bò, sữa ngựa [miền Bắc TH].

Lạc: bộ Chuy [746]: sông Lạc

2. Cố Hy Phùng đời Lương (502-557), ghi trong Dư Địa chí:

“Thời nhà Chu (1122-256 TTL) nước Giao Chỉ gọi là Lạc Việt, thời nhà Tần (221-207 TTL) gọi là Tây Âu [Ou xi]; thế thì nước Tây Âu Lạc nằm về phía tây Phiên Ngô [một huyện thuộc Quảng Đông hiện nay].” (39)

3 Thủy Kinh Chú của Lệ [Lịch] Đạo Nguyên et al., dẫn Giao Châu ngoại vực kí (thế kỷ IV, tuyệt bản), chép Lạc vương, Lạc Tướng, Lạc điền, Lạc dân [chữ Lạc bộ mã, con ngựa đen], mà không phải Hùng Vương [mạnh] như Thẩm Hoài Viễn. (40)

4. Nhan Sư Cổ (581-645), làm việc dưới triều Lý Uyên (Đường Thái Tổ, 618-626) và Lý Thế Dân (Thái Tông, 627-647)–thường chú giải ngũ kinh và Hán Thư của Ban Cố, lừng danh kim cổ với thứ kiến thức “cách vật trí chi”: “Nhật Nam là nói về phía nam mặt trời; là bảo mở cửa phía bắc để hướng về [đón ánh] mặt trời”–ghi chú “Tây Âu tức Lạc Việt; Tây Âu Lạc Việt chi nhất, ngôn kỳ dịch thuộc Nam Việt dã.” [Tây Âu tức là Lạc Việt, Tây Âu và Lạc Việt là một, ý nói Tây Âu lệ thuộc và phục dịch nước Nam Việt [của nhà Triệu]. (41)

5. Tư Mã Trinh [Sima Zheng, thế kỷ VII-VIII], trong Sử Ký Sách Ẩn, dẫn Quảng Châu Ký, ghi Lạc vương [bộ Mã= con ngựa đen]. (42)

6. Tăng Cổn, đô hộ đời Đường, tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân (tức cổ Việt) từ 878 tới 880, ghi trong Việt chí hay Giao Châu Kí [đã tuyệt bản]: Giao Chỉ có lạc điền, theo nước thủy triều lên xuống. Truyền bản An Nam Chí Lược [ANCL] của Lê Tắc cũng chép theo Tăng Cổn, với chú thích: “Lạc tức Giao Chỉ.” Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi chép: Thục gọi nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê. Ngô Thì Sĩ ghép Tây Âu và Lạc thành một nước “Tây Âu Lạc.” [theo thuyết của Nhan Sư Cổ]. (43)

7. Cao Hùng Trưng [Gao Xiong-zhong], (Giáo thụ phủ Tư Minh, Quảng Tây, gần Lạng Sơn đời Khang Hi (Kangxi, 1662-1722), tác giả An Nam Chí Nguyên [An Nan Zhi Yuan] [sử dụng tư liệu Minh và Trần] cũng ghi khi Giao Chỉ chưa bị vua quan Hán chia ra quận huyện, gọi là “nước Văn Lang,” có Lạc điền, Lạc dân, Lạc Vương, Lạc tướng, lấy việc thuần hậu chất phác làm phong tục, dùng giây thắt nút để cai trị, truyền được 18 đời.”

[Giao Chỉ chi địa, vị hữu quận huyện thời, [hữu Lạc điền, tùy triều thượng hạ; khẩn kỳ điền giả vi Lạc dân, thống kỳ dân giả vi Lạc Vương, phó nhị giả vi Lạc tướng, giai đồng ấn thanh thụ,] hiệu Văn Lang quốc, dĩ thuần phác vi tục, kết thằng vi trị, truyền thế thập bát. (44)

8. Đầu thế kỷ XX, phe nghiêng về thuyết Lạc Vương được sự tăng cường của vài học giả ngoại quốc, kể cả Henri Maspéro. Maspéro khẳng quyết không có vua Hùng, chỉ có vua Lạc. Theo Maspéro, Nhạc Sử (Hoàn Vũ Kí) đã dẫn tên Hùng vương từ Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn [bộ Chuy, ThC 745, chim trống, giống đực, hùng mạnh]; Lịch Đạo Nguyên (Thủy Kinh Chú), theo Giao Châu ngoại vực kí, ghi Lạc vương [bộ Chuy, ThC 746, sông Lạc]. Một trong hai cổ thư trên chép sai, vì hai chữ Hùng và Lạc dễ lẫn lộn với nhau. May thay, một bộ cổ thư khác, Quảng Châu Ký, ghi Lạc vương [bộ Mã]. Như thế, chữ đúng là Lạc vương, cần bỏ chữ Hùng Vương. Lỗi ở tác giả TH, sử quan Việt không dám sửa lại. ĐVSKTT nói chữ Lạc tướng bị sửa thành Hùng tướng [NK, I:3a], thực ra chính hiệu vua Hùng cũng sai. (45)

Lối giải thích kiểu “sự thực nhân dân” hay luật đám đông này phần nào gò ép.

Thứ nhất, cả ba dã sử Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn (Hùng vương); Giao Châu ngoại vực kí (Lạc vương; bộ Chuy, ThC 746, sông Lạc); và Quảng Châu Ký (ghi Lạc vương [con ngựa đen, bộ Mã]) đều tuyệt bản, khó thể bảo đảm những tác phẫm trên từng hiện hữu, và/hoặc thông tin được trích dẫn là đúng. Vấn đề phức tạp hơn khi ứng dụng điều chính Maspéro cảnh giác: sự lầm lẫn xảy ra khi sao đi, chép lại (theo trí nhớ). Đọc những gì còn truyền lại trong cổ thư Trung Hoa, chỉ những người đẻ ngày hôm trước mới tin việc như đo bóng mặt trời để định khoảng cách từ Lạc Dương tới Giao Châu và Nhật Nam, hai quận mới mở nằm ở phía nam chỗ mặt trời “mọc” hay “lặn,” hay Mã Viện đã trồng cột đồng biên giới, với lời thề “đồng trụ triết, Giao Chỉ diệt.” Vậy mà nhà Nguyên rồi nhà Minh vẫn phái sứ giả xuống truy tìm dấu tích trụ đồng–năm 1405 bắt cha con Hồ Quí Ly cắt đất, rồi năm 1540-1541, hoặc năm 1542, theo tư liệu Minh, ông cháu Mạc Đăng Dung vẫn cam tâm “trả lại” cho nhà Minh năm châu biên giới, bao gồm cả Phân Mao Lĩnh, nơi cỏ tranh tự chia làm hai hướng bắc và nam; vì Mã Viện có thể đã dựng cột đồng biên giới ở đây. Thập niên 1800, Nguyễn Chủng cũng tảng lờ việc nhà Thanh lấn chiếm bảy châu động tây bắc, thuộc Hưng Hóa, rồi chia cắt lại đất đai cho đủ số 16 châu hay mương như cũ.

Thứ hai, cần nhấn mạnh: sự thực sử học không phải là cuộc thi tuyển số người yêu chuộng [popularity contest]–ngoại trừ loại “sử” tuyên truyền, do nhiều người viết hay được nhiều người ái mộ. Hai nguồn tư liệu nói Lạc Vương (Giao Châu ngoại vực kí và Quảng Châu Ký), trong khi một tư liệu nói Hùng Vương (Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn) chưa đủ cơ sở giúp nhảy đến kết luận thông tin giống nhau từ hai dã sử [đã thất lạc] đáng tin hơn một dã sử [cũng thất lạc]. Hàng triệu tài liệu trong nước ghi tên thực Hồ Chí Minh là “Nguyễn Sinh Cung”–nhưng điều đó sai lầm. Tên đi học của Hồ tại trường Pháp Nam Thừa Thiên (Đông Ba) và Quốc Học (năm 1908-1909) là “Nguyễn Sinh Côn.” (Xem Phụ Bản tư liện Nguyễn Sinh Côn, cựu học sinh trường Pháp-Nam Đông Ba, được nhận vào trường Quốc Học từ ngày 8/8/1908; trong “Phỏng Vấn Sử Gia Vũ Ngự Chiêu về Hồ Chí Minh” của Nguyễn Vĩnh Châu; Hợp Lưu website)

Thứ ba, Maspéro thường thích bắt những người chép hay khắc bản cổ thư Trung Hoa lẫn lộn chữ này sang chữ khác–như Lạc chép sai thành Hùng, Lang bộ khuyển chép thành Lang bộ ấp, hay Dạ đọc thành Văn [1918, 3:2]–vì những cặp chữ trên có vẻ giống nhau. Không để ý đến thói quen kị húy, hay sửa đổi chữ viết theo sở thích: Thí dụ khi viết tên sông Lạc nhà Hán đổi chữ Lạc (bộ thủy) sang chữ Lạc (bộ Chuy, ThC 746), vì nhà Hán vượng về hỏa, nên kị nước [Lạc bộ thủy].

Thứ tư, và đặc biệt quan trọng, là cả hai chữ Lạc và Hùng đều là Hán ngữ, không phải tiếng cổ Việt mà văn gia Hán mô tả nghe như “tiếng chim,” hoặc chữ viết thì giống hình nòng nọc, năm 2532 TTL Nghiêu cho chép lại làm “lịch rùa.” Rất có khả năng cả hai tên Hùng và Lạc đều do người Hán khai sinh hoặc chuyển âm sai. Kiểu Liên bang Mỹ [“United States of America”] trở thành “Hoa Kỳ” hay France thành “Phật Nhĩ Lan,” rồi “Pháp”–hai tên dịch quốc hiệu hoàn toàn vô nghĩa, nhưng trở thành chính thức ở Việt Nam hiện nay. Hay, kiểu chữ ký bằng cách vẽ bọ-cạp, ngựa, chim ưng, v.. v.. của các tù trưởng Indians [da đỏ] tại châu Mỹ trong các hiệp ước ký với viên chức thuộc địa và nhà thám hiểm Pháp và Bri-tên bốn, năm thế kỷ trước. (Tại văn khố Eau Claire, Wisconsin, còn lưu trữ nhiều “hiệp ước” kiểu này. Ngày mới di dân sang Mỹ (1975-1976) tác giả đã làm việc trên các tư liệu về các chuyến “thám hiểm” của người Pháp, nên có những địa danh như “Eau Claire” (nước trong), v.. v..). (Vấn đề dịch các chữ nôm như Bến Nghé thành Ngưu chử; Ba Giồng thành Tam Phụ (Ba Giòng), sông Cầu thành Nguyệt Đức, v.. v..)

Vấn đề cần đặt ra là chủ ý Maspéro ra sao? Tìm hiểu sự thực sử học hay tìm cách đả kích và sỉ nhục sử quan Việt?

9. Một số tác giả tự nhận là Marxist Việt, như Đào Duy Anh, nghiêng về thuyết “Lạc Việt.” Trong phần chú giải ĐVSKTT (ấn bản 1967), Đào Duy Anh không nhắc gì đến Nam Việt Chí (Hùng Vương), mà chỉ khẳng định Hùng Vương là do sự chép sai tên Lạc Vương. “Lạc” của Đào Duy Anh là “chim Lạc” ở miền Giang Nam khắc trên trống đồng và cán búa.

Xem những hình thuyền chạm trổ trên thân trống đồng Ngọc lũ, người ta lại thấy rõ ràng đó là thuyền đi biển có cột buồm và bánh lái mũi. Những điểm ấy khiến chúng ta thấy rằng những người đúc trống ấy–người Lạc Việt–tất đã từng vượt biển. Những chim Hậu điểu ấy, người ta thấy khắc trên trống đồng ấy, tức là người Lạc Việt. Tìm ý nghĩa chữ [Lạc, bộ Mịch ] hay [Lạc, bộ Mã] là họ, tức tên thị tộc của người Lạc Việt, chúng ta thấy chữ ấy chỉ một loài Hậu điểu ở vùng Giang Nam. Xã hội học cho chúng ta biết rằng các thị tộc ở xã hội nguyên thủy thường lấy tên các vật tổ mà đặt tên. Như thế thì chữ Lạc chính là tên vật tổ, tức loài chim hậu điểu mà chúng ta thấy hình dung trên trống đồng Ngọc lũ.” (46)

 

10. Cuộc tranh luận còn kéo dài vì ai cũng nghĩ chỉ có mình đúng. Thực ra, các học giả trên quên một điều cơ bản: Tất cả đều có thể sai. Chữ Hùng hay Lạc là Hán ngữ. Người Việt đọc hai chữ trên theo âm Việt, không phải âm Hán.

Giống như sau này các học giả Pháp, như Léonard Aurousseau, đi tìm nguồn gốc các địa danh mà họ gọi là Cochinchine, từ những tiếng “Coci” hay Cochin China, Cauchin China trên những tấm bản đồ thế kỷ XV-XVI. Rồi viện dẫn tên Caugigu từ cuốn “hồi ký” The Kingdoms and Marvels of the East [Các vương quốc và kỳ quan phương Đông] của Marco Polo. (47)

Thứ hai, không ai muốn thừa nhận rằng lập luận của mình chỉ dựa theo cảm hứng, không đưa ra một chứng cớ rõ ràng và hiển nhiên nào để bảo vệ các tước hiệu Hùng Vương hay Lạc Vương. Vài ba câu trong dã sử Trung Hoa, phần lớn đã tuyệt bản, có gì đáng tin cậy? Đặc biệt, chưa tác giả nào nêu được yếu tố ưa ngụy tạo tư liệu của văn gia Hán cho những mục đích giai đoạn–như trụ đồng Mã Viện, hay bà Triệu Ẩu vú dài ba thước! Giống mọi Bàn Hồ. Hay, những “công trình khoa học đo bóng mặt trời” để chứng thực việc Nhật Nam và Lâm Ấp là xứ ở phía nam điểm mặt trời mọc, và tính chất cổ thời của môn khoa học thực nghiệm trên đã được khởi đầu từ đời Nghiêu, Thuấn! (48)

Thứ ba, những người tham dự tranh luận thường có rất ít huấn luyện chuyên nghiệp về sử học–tức cách sử dụng tư liệu cho hợp lý. Đó là chưa kể mục tiêu truyền đạo hay chiến tranh ý thức hệ, kiểu đinh ninh có một cộng đồng nguyên thủy [primordial community] chỉ hiện hữu trong đầu óc hoang tưởng của Karl Marx, một triết gia hậu Trung Cổ; hay quả thực có những Nghiêu, Thuấn, v.. v.. của một thời thái bình, thịnh trị.

Ngắn và gọn, câu hỏi là hơn hai ngàn năm trước, cổ Việt đã tiến tới một tổ chức chính quyền quân chủ, phong kiến chặt chẽ? Hay còn trong tình trạng bộ lạc, lấy việc thắt nút giây thừng để ghi nhớ việc lớn, nhỏ như Cao Hùng Trưng chơi chữ? Hiển nhiên, tài liệu thành văn của Trung Hoa và gia tài truyền khẩu sử còn quá khiếm khuyết cho một kết luận khách quan sử học.

 

III. VUA HÙNG & DI TÍCH KHẢO CỔ:

THỰC CHĂNG NHÀ HỒNG BÀNG HIỆN HỮU?

 

Sự im lặng của thư tịch cổ Trung Hoa về nhà Hồng Bàng cùng các vua Hùng khiến việc tìm hiểu cổ Việt hầu như bất khả trước thế kỷ XX. Thật may mắn, những tài liệu khảo cổ phát hiện trong lòng đất giúp các sử gia bừng lên một hy vọng tìm ra ánh sáng ở cuối đường hầm. Trên báo Nhân Dân, có người từng viết: “Lật đất lên, bốn ngàn năm lịch sử.”

 

A. TƯ LIỆU KHẢO CỔ:

1. Tại Việt Nam, theo các nhà khảo cổ, đã tìm thấy 10 dấu tích hóa thạch của người vượn [Homo erectus]–xuất hiện khoảng 1,750,000 TTL [BC] biết dùng lửa, và ngôn ngữ sơ khai–tại Lạng Sơn: hang Thẩm Hai (1 răng lớn, 1964) và Hang Thẩm Khuyên (9 răng, 1965). Hai động này cách nhau 200 thước, cùng nằm trong dẫy núi đá vôi thuộc xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tây bắc thị xã Lạng Sơn 65 cây số. Răng hóa thạch của người Homo sapiens [người khôn ngoan sơ khởi] còn tìm thấy ở Nghệ An (Thẩm Ôm, xã Châu Thuận, huyện Quì Châu, 140,000-250,000 trước) và Yên Bái (Hang Hùm, xã Đồng Tâm, huyện Lục Yên, 1966, 70,000-60,000 năm trước). Hóa thạch người Homo sapiens sapiens [người khôn ngoan thế hệ sau, xuất hiện giữa 500,000-50,000 TTL], tìm thấy ở Thung Lang (Ninh Bình) và Kéo Lèng (Yên Bái), khoảng 30,000 năm trước [đồ đá cũ]. (49 [54])

 

2. Thời đại đồ đá:

a. Thời kỳ đồ đá cổ, bắt đầu từ khoảng 23,000 TTL [BC], tìm thấy nhiều tước nhỏ dùng làm nạo và mũi nhọn của thời người khôn ngoan sớm (Homo Sapiens) ở mái đá Ngườm (Võ Nhai). Tại núi Đọ (xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) phát hiện số lượng khá lớn lưỡi rìu sơ kỳ (cleavers or hachereaux) đồ đá cũ (ca 18,000-10,000 TTL [BC]). Xuân Lộc (Biên Hòa) cũng tương tự như ở núi Đọ. Tuy nhiên, bị hoài nghi vì khó định tuổi những dụng cụ bằng đá quá cổ (do ảnh hưởng của thời tiết và thời gian, thường gọi là weatherance). Ngoài ra, chưa tìm được đồ dùng thời đá cổ trung kỳ và hậu kỳ. Tại làng Sơn Vi, huyện Lâm Thao, Vĩnh Phú–nơi có đền Hùng–phát hiện một số dụng cụ đồ đá, đặc biệt là đá cuội. (50 [55])

b. Đồ đá giữa: Chưa tìm thấy ở Việt Nam.

c. Đồ đá mới: Dấu tích thời “Đồ đá mới” (xuất hiện vào khoảng 5,000 TTL) tìm thấy ở Hòa Bình và lưu vực sông Hoàng Hà [Huanghe]. Dụng cụ đồ đá mới xuất hiện nhiều nhất tại Bắc Sơn (6095 [60 B.P.] và Quỳnh Văn (4730 [75 B.P.]. Đó là công cụ hình hạnh nhân, hình dĩa của dân sống trong hang động. Mặc dù có trình độ chế biến cao, vẫn là đồ đá lớn (megalith), không có đồ đá nhỏ như ở Âu châu (ngoại trừ Indonesia). [Giả thuyết: Phải chăng vì người tiền cổ dùng tre, nứa?] Có dấu hiệu trồng trọt, nhưng chắc chỉ trồng củ.

(1) Đồ đá mới sơ kỳ (Early Neolithic Period, 6,000-3,000 TTL): Tại Việt Nam, có khá nhiều di tích thời Đồ đá mới sơ kỳ (6,000-3,000 TTL), tức đồ đá mài (song song với việc trồng trọt và nuôi gia súc tại các vị trí cố định).

Hòa Bình [trước Bắc Sơn]: đá cuội. Dân sống gần cửa hang. [đồ đá giữa và rìu ngắn [mài lưỡi], chày nghiền hạt, nông nghiệp sơ khai. Chôn người chết. Tín ngưỡng đạo vật tổ sơ khai. công cụ hình hạnh nhân, hình dĩa của dân sống trong hang động. [C14: 10,875+/-175 tới 7,500 BC] [C14 10,875 +/- 175.

Bắc Sơn: Dụng cụ đồ đá mới xuất hiện nhiều nhất tại Bắc Sơn [Lạng Sơn] (6095+/- 60 B.P.) (51)

Đó là công cụ hình hạnh nhân, hình dĩa của dân sống trong hang động, rìu ngắn [mài lưỡi] Bắc Sơn (Lạng Sơn) [C14: 10,295 +/- 200 tới 9,990 BC+/- 200] đã biết trồng trọt, nhưng chủ yếu vẫn là hái lượm và săn bắn. đồ gấm thô, nặn. Theo Mansuy: người Indonesian du nhập vào.

(2) Đồ đá mới [hậu kỳ] [Late Neolithic Period]:

(a). Quỳnh Văn (4730 +/- 75 B.P.):

Đồ đá mới [hậu kỳ] [Late Neolithic Period] được phát hiện tại Quỳnh Văn năm 1963 (khác với rìu Bắc Sơn). Cư dân có thể đã biết trồng trọt. Chế tạo các đồ gốm thô [Mansuy cho rằng người Indonesian du nhập vào].

Tìm thấy ở ven biển Bắc Bộ và Trung Bộ (Hạ Long [Quảng Ninh, 4000-3500 trước [2000-1500 TTL], Đa Bút [hạ lưu sông Mã, Thanh Hóa], Bàu Tró [ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, 4000-3500 trước [2000-1500 TTL]). Họ thuộc gia đình tiếng nói Melanesien, Australo-Melanesien, Australo-Mongoloid và Indonesien (Proto-Malay). (52)

(b). Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, [Vĩnh Phú] tỉnh Phú Thọ)

Cuối đá mới, chuyển sang đồng thau. [Lan, 1969:57-8] Cơ sở để nghiên cứu Hùng Vương. thẻ đá; ở Lũng Hòa, một chiếc qua bằng đá; hoa văn đồ gốm, tương đương đời Thương Ân, Tây Chu. [Lan, 1969:57] Mạt kỳ đồ đá mới. Gống văn hóa Thương-Ân] Khoảng 2000-1500 TTL. [Lan & Kỉnh 1968, tr. 36; Lan, 1969:56-8]

An Đạo, Phù Ninh, Vĩnh Phú

Hương Nộn, Gò Chùa

Thượng Nung, Gò Bòng, Tam Nông, Vĩnh Phú [có dấu vết đồ đồng] [Lan, 1969:57]

Lũng Hòa, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú

Đôn Chăn, Lập Thạch, Vĩnh Phú

An Thượng, Hà Tây

Yên Tàng,

Đậu Dương A: cơ sở chế tạo đồ đá nằm trên đồi hoặc gò cao (vùng trung du) [Lan & Kỉnh 1968, 37] [lưu ý: mực nước tăng lên sau đại hồng thủy]

Hình di tích: đa số là di chỉ cư trú (Phùng Nguyên, An Đạo, Yên Tàng, Văn Điển)

Lũng Địa hòa: nghĩa trang. [Lan & Kỉnh 1968, 37]

Phượng Cách (Hà Tây)

Văn Điển (Hà Nội) nhà cửa. [Lan & Kỉnh 1968, 38]

sinh thổ là đất sét hay đất đồi. [Lan & Kỉnh 1968, 38]

Di vật: đồ đá [Lan & Kỉnh 1968, 39-40] kể cả vũ khí, đồ trang sức

Đất nung: đồ gốm [Lan & Kỉnh 1968, 40-1]

Gò Chùa Thông (gần Văn Điển)

Vào thời hậu kỳ đá mới bắt đầu có trồng trọt, như tại Quỳnh Văn, nhưng căn bản vẫn là săn bắn và hái, lượm trái cây. (53)

 

3. Thời đại đồ đồng:

a. Đồng thau: Đồng thau: [đồng-chì-thiếc]

Theo Hà Văn Tấn, thời đại đồ đồng gắn liền với văn hoá Phùng Nguyên (Kinh Kệ/Lâm Thao/Vĩnh Phú, 1480-1280 TTL), khai quật năm 1959-1960:

- Lưu vực sông Hồng-Phú Thọ tới Hải Phòng)-Hoa Lộc (Hậu Lộc-Thanh Hóa): Luyện đồng tại ngay nước ta. [?]

- Sau đó di tích ở Vĩnh Phú (Gò Mun [1215-975 TTL], Đồng Dậu [1220-1020 TTL]) và Hà Tây. Ngoài gần 70 trống loại Heger I, người ta còn tìm thấy hai lưỡi cuốc có vai [shouldered hoe] bằng đồng tại Bú Trăn, khoảng 17 cây số tây bắc Vinh. (54)

a. Gò Mun (Việt Tiến, Lâm Thao): sơ kỳ Đông Sơn. [Lan, 1969:58]

Gò Mun, Thanh Đình, Phú Hậu (Phú Thọ [1500-1000 TTL])

Thụy Vân (Gò Tro), Nghĩa Hưng (Vĩnh Tường) [hoa văn gốm tinh xảo], Hoằng Ngô, Đại Áng: Giống Gò Mun, sơ kỳ văn hóa Đông Sơn = thời kỳ lập quốc của vua Hùng. [Lan, 1969:59]

Nông nghiệp: trồng lúa nước. tùy theo nước triều lên xuống [floating rice?]; ANCL của Lê Tắc, Thủy Kinh Chú của Lịch [Lệ] Đạo Nguyên, dẫn trong Vân Đài Luận Ngữ của Lê Quí Đôn.

b. Đồng Dậu: Yên Lạc, Vĩnh Phú: Nhiều tầng văn hóa. Cuối đá mới hậu kỳ, chuyển sang đồng thau: Gạch nối giữa Gò Mun và Đông Sơn. [Lan, 1969:59] [1500-1000 TTL])

Quế Dương (Vinh Quang, Hoài Đức, Hà Tây), Cổ Loa, Thọ Sơn (Việt Trì), Gò Chiền (Lâm Thao): Khoảng 400-600 TTL. [Lan, 1969:59-60]

Đậu Dương, Thiệu Dương (Thanh Hóa), Việt Khê (Hải Phòng), Vạn Thắng (Vĩnh Phú), Đào Thịnh (Yên Bái) trống đồng, thạp đồng, rìu lưỡi xéo, dao găm, lưỡi giáo, đồ gốm

c. Đông Sơn (Thanh Hóa): Đồng thau-sắt sớm [Lan, 1969:58] [1000 TTL-200]: trống đồng, 200 chiếc lưỡi cày bằng đồng, cuốc, rìu, thuổng, xẻng, v.. v...

Các di chỉ đều nằm trên đồi hoặc gò cao (vùng trung du) [lưu ý: mực nước tăng lên sau đại hồng thủy]. (55)

Đồng thau: làng Thọ Xuân, thị xã Việt Trì; Gò Mun, Thanh Đình, Phú Hậu (Phú Thọ); Phượng Cách (Hà Tây); Văn Điển (Hà Nội). Đa số là di chỉ cư trú (Phùng Nguyên, An Đạo, Yên Tàng, Văn Điển). Sau định lại niên đại vào khoảng 2,000-1,500 TTL (hậu kỳ thời đá mới), xếp thành “thời đồng thau.” (Lê Văn Lan cho rằng đó là cuối thời đá mới, đầu thời đồng thau.

Tuy nhiên, nên nhớ nhược tiểu, chậm tiến, định niên đại rất phức tạp) Việc trồng trọt và nuôi gia súc mới phát triển qua việc phát hiện những lưỡi cày bằng đồng. Tại cổ Việt, thời đại đồ đồng phát triển chậm hơn vùng Trung Đông (hiện nay).

Các di chỉ đều nằm trên đồi hoặc gò cao (vùng trung du) [lưu ý: mực nước tăng lên sau đại hồng thủy]

 

4. Thời đại đồ sắt:

Từ khoảng 2,000 TTL, các xã hội tân tiến bắt đầu dùng đồ sắt. Tại cổ Việt, theo Hà Văn Tấn, đồ sắt tìm thấy ở Đông Sơn (C-14 định tuổi vào khoảng từ 350 tới 285 TTL) và gò Chiên Vậy ở Hà Sơn Bình (khoảng 400 TTL). (56)

Lưỡi cuốc sắt [iron hoe] có lẽ nhập cảng từ phía Bắc. Nếu tin được sử Trung Quốc, một nguyên cớ đưa đến việc Triệu Đà tự lập làm vua là Lữ Thái hậu không chịu bán đồ sắt cho Nam Việt. (57)

Nhờ kỹ thuật định tuổi các di tích ngày một tân tiến, nhiều lập luận có vẻ khoa học của thế kỷ XX (như đo sọ người) trở thành lỗi thời. Ngày nay, các nhà khảo cứu bắt đầu sử dụng phương pháp trắc nghiệm DNA (một hợp chất nucleic acid [gồm purines, pyrimidines, carbo-hydrates, và phosphoric acid] chuyên chở đặc tính di truyền của tế bào) với mức chính xác rất cao.

Nhưng một số người, vì tín ngưỡng hoặc vì thành kiến, vẫn phủ nhận thuyết tiến hóa và các nghiên cứu khảo cổ học. Tin tưởng vào thuyết sáng tạo của Thượng đế (God hay Allah), cùng những cảnh giới gọi là thiên đường và địa ngục (mà Giáo hoàng John Paul II đã phủ nhận), đa số giáo mục và giáo dân với lòng cuồng tín Trung Cổ cực lực chống lại những điều mà họ mỉa mai là từ vượn lên người, hay duy vật. Trước viễn ảnh của khám phá mới về cloning [tái tạo], đang có khuynh hướng tân-Gallilei [neo-Gallileism] và tân Tòa dị giáo [neo-Inquisition] để ngăn chặn bước tiến của khoa học.

Nếu gạt đi những thành kiến tiên thiên về quốc hiệu Văn Lang, địa danh Phong Châu, hay vua Hùng hoặc Lạc, những tư liệu khảo cổ giúp xác nhận vài điểm cơ bản:

 

1. Những di tích khảo cổ tại Việt Nam, Hoa Nam, Đông Nam Á, và đặc biệt là Thái Lan (Non Nok Tha), vào những năm 1960 và thập niên 1970 (Smith và Watson, Early South East Asia, 1979)–song song với sự tiến bộ của các kỹ thuật định tuổi di vật bằng Radiocarbon (C-14 phóng xạ), phương pháp tỉ đối Flour/Uranium/Nitrogen, hay các vòng tuổi của cây, rồi mới đây phương pháp DNA–khiến đảo lộn từ rễ gốc nhiều lối phân tích từ trước tới nay; (như người Việt là Tàu lai (Olov R.T. Janse, Archeological Research in Indochina, 3 vols [Cambridge: 1947]), (58) hay di cư từ Trung Hoa xuống (Aurousseau đề xướng; Đào Duy Anh chế biến thêm với những hình khắc trên trống đồng, v.. v...); hoặc các dụng cụ được chế biến, nhất là kim loại, chỉ được nhập cảng từ ngoài vào (diffusionism).

 

2. Thuyết tiến hóa tại chỗ [local evolution]:

Người ta bắt đầu phác họa những thuyết về một chủng dân thật lớn ở Đông Nam Á, đã có mặt tại vùng này từ trước ngày mặt nước biển dâng cao từ 80 tới 120 thước như hiện nay. Như một hệ luận, thuyết di dân (như các dân tộc ở Đông Nam Á đã di cư từ Himalaya tới, hay ngược lại) bắt đầu bị thách thức và người ta đưa ra thuyết tiến hóa tại chỗ [local evolution].

Theo thuyết này, dân Bách Việt [Yue] có những nhóm đã sống đời người thuyền [boat people], cắt tóc ngắn và vẽ mình (người Đán). Phần đông những nhóm Bách Việt tại vùng nam sông Dương Tử [hay Trường Giang] dần dần bị Hán hóa, nhưng một nhóm dân Việt tại châu thổ sông Hồng và sông Mã thoát nạn mà lập nên dân tộc Việt Nam hiện nay. Dĩ nhiên, điều ấy không có nghĩa dân Việt (Hồng Hà) thuần chủng, mà đã có sự pha trộn với nhiều giống khác, kể cả người [ở cổ] Trung Hoa. (59)

 

3. Niên Biểu Mới Cho Cổ Sử:

Các di tích khảo cổ cũng giúp đặt lại vấn đề niên biểu của nhà Hồng Bàng cùng các vua Hùng. Người ta đề nghị rằng các vua Hùng xuất hiện đâu đó giữa thời khoảng 1,500 tới 600 TTL. Những truyền thuyết về cống rùa thần hay cống chim trĩ trắng có lẽ nên gạch bỏ. Liên hệ Bắc-Nam chỉ khởi đầu vào khoảng Doanh hay Lã Chính [Tần Thủy Hoàng, 221-210 TTL] và Lưu Triệt (Hán Vũ Đế, 140-87 TTL]. Rousseau thì đề nghị An Dương Vương là một tác nhân lịch sử, cai trị từ 210 tới 207 TTL. Nhưng Maspéro chỉ lùi một bước, cho rằng An Dương Vương, được nhắc đến trong cổ thư Trung Hoa, là “bán huyền thoại.”

 

4. Cần cảnh giác là sử dụng tài liệu khảo cổ không dễ. Mục tiêu hoặc khuynh hướng chính trị của nhà khảo cổ chi phối nặng nề các giả thuyết tiền sử. Nên không có gì ngạc nhiên khi thấy thuyết di dân và nhập cảng thống trị các nghiên cứu trước Thế chiến thứ hai (1939-1945), trong khi thuyết tiến hóa tại chỗ bắt đầu thăng tiến sau ngày các thuộc địa cũ giành được độc lập.

Ngay các nhà khảo cổ Xã Hội Chủ Nghĩa thân thiết như môi với răng, “vừa là đồng chí, vừa là anh em,” cũng từng to tiếng tranh luận. Các chuyên viên Việt Nam nặng lời chỉ trích học giả TH đã phủ nhận nền văn hóa Đông Sơn, phủ nhận nhà nước Âu Lạc cổ đại đầu tiên của Việt Nam, dù nhìn nhận có cuộc khởi binh của Trưng Vương, nhưng gọi đó là “giặc,” “làm phản,” “chống lại bọn tham quan” chứ không phải là giành độc lập, và hai bà thất bại là lẽ tất nhiên vì tách khỏi người Hán là đi ngược lại quyền lợi chung, hay từ thế kỷ X, Việt Nam mới có nhà nước, trước đó lệ thuộc vào nhà Tần đến nhà Đường. (60)

 

5. Các di tích khảo cổ cũng chỉ là những dữ kiện chết; không có dẫn giải hay phê bình. Thật khó để suy đoán nguồn gốc thực sự (ai sáng chế) của các di tích khảo cổ, nói chi thể chế chính trị hay sự hình thành quốc gia [state formation]. Những di tích về nhà máy sản xuất đồ đá hay đúc đồ đồng vẫn chưa được cộng đồng học giả thế giới thừa nhận.

 

6. Vấn đề sinh hoạt tinh thần cũng gây nhiều bàn cãi. Một đề tài gây nhiều tranh luận nhất là tô-tem hay vật tổ. (Emile Durkheim, Les formes élémentaires de la vie religieuse [Những hình thái sơ đẳng của sinh hoạt tôn gíáo]). Victor Goloubew dựa theo hình vẽ [hoa văn] trên trống đồng Ngọc Lũ ra sức chứng minh rằng vật tổ của người Việt là “chim hậu điểu.” (61) Đào Duy Anh–“một sử gia nhân dân,” có nhiều nghiên cứu và thông dịch tư liệu từ chữ Hán-Nho qua quốc ngữ mới, dựa trên chữ cái Latin–thì nghĩ rằng “tô-tem” (vật tổ) của người Việt là chim Lạc ở miền Giang Nam. Văn Tân bài bác lập luận này; thay bằng “rồng rắn”, “một loài bò sát,” (như cá sấu = giao long), sau chuyển thành “rồng” kiểu Trung Hoa. (tr. 24-5) Hà Văn Tấn, cho rằng tô-tem vừa có chim Lạc, vừa có giao long. Chim Lạc (tức cò hay sếu, tr. 76) khắc trên đầu thuyền để trấn áp gió. Giao long là cá sấu (trên búa Đông Sơn nữa, tr. 78-9). (62)

Cuộc bàn cãi, dĩ nhiên, sẽ chẳng bao giờ dứt. Sau khi ra sức đả phá sử phong kiến, thực dân, sử quan “Cộng Sản” Việt Nam bắt đầu viết lại những thiên tiểu thuyết dã sử khác về nhà Hồng Bàng–dựa theo khuôn mẫu duy vật đã được Karl Marx đề xướng: sự tiến hóa của lịch sử đi qua những giai đoạn ước lệ và hoang tưởng như cộng đồng nguyên thủy, sự biệt phân xã hội hay hình thành các giai cấp địa chủ, nô lệ hay nông nô, v.. v..

Dẫu vậy, tài liệu khảo cổ học tại Việt Nam và Hoa Nam–kể cả ngôi mộ vua Triệu Hồ ở Quảng Châu–nói riêng, toàn vùng Đông Nam Á nói chung, giúp người đời sau có một khái niệm về cổ Việt trước thế kỷ thứ I. Đại cương, trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay đã xuất hiện nhiều cộng đồng cư dân, bao gồm ít nhất tám hạt nhân chính trị-văn hóa-kinh tế trong dĩ vãng: Đại Việt [Da Yue], Da Le [Đại Lý], Da Nan [Đại Nam của họ Nùng], Mường Việt, Thái/Tày, Champa [Lâm Ấp/Lin Yi], Thủy Chân Lạp [Shui Chen La] và các nhóm ngôn ngữ Polynesian, Indonesian ở vùng cao nguyên miền Trung [Trung Nguyên].

 

B. CỔ VIỆT:

Không ai có thể chối cãi được một sự thực: Trước ngày bị Hán tộc xâm lăng, đã có một xã hội cổ Việt. Hạt nhân chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế cổ Việt là đồng bằng sông Hồng-sông Mã và vùng trung du. Về chủng tộc, tương đối thuần nhất. Khoảng hơn 90 phần trăm là người “kinh,” phân phối không đồng đều tại các vùng châu thổ, duyên hải và đồi núi trung du dài theo các sông ngòi. Mật độ dân số tại các đồng bằng châu thổ khá cao. Đa số sống bằng nghề nông và đánh cá. Đơn vị xã hội là thôn, xã–tiêu biểu gồm các xóm nhà vườn vây quanh bằng những lũy tre gai, hay nhưng ngôi làng nổi của ngư dân.

Trước đợt xâm lăng đầu tiên của Tần Thủy Hoàng, dân cổ Việt đã biết canh tác; không phải với cày và trâu như TH; nhưng lợi dụng thủy triều hoặc sử dụng những lưỡi rìu đá mài [houes de pierre polie]. Ngoài ra, họ còn đánh cá, đi săn, nhất là những sắc dân định cư ở vùng duyên hải và các cồn cát. Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:9]

Nhiều bộ lạc sống ở miền duyên hải, sống bằng nghề đánh cá. Một số sống trong các hang động đá vôi ở vùng thượng du và ngoài vịnh Hạ Long ngày nay. (63)

Ngoài ra, còn những cộng đồng ở vùng đồi núi trung du, đặc biệt là Sơn Tây, Vĩnh Phúc Yên.

Dân chúng thường xâm mình, để tóc dài, hay cắt tóc ngắn.

Giống như hầu hết các dân tộc Đông Nam Á, dân cổ Việt thích ăn trầu [chiquer de bétel]. Một du khách Trung Hoa ghi nhận cây cau là một thổ sản đặc biệt của “Nam Man.”

Về khí giới tự vệ, đã biết đúc mũi tên đồng và dùng chất độc. Nếu tin được Lưu An, một tôn thất nhà Hán phụ trách miền Nam, năm 135 TTL, dân Việt vẫn chưa có thành quách, sống ở ven suối, rừng rậm, rành nghề thủy chiến. Chi tiết này có thể bác bỏ việc dân cổ Việt đã tiến lên được tổ chức một nước, theo kiểu mẫu Trung Hoa hay Tây phương. Và, từ đó, giúp tăng bổ cho thuyết thành trì là do Hán tộc áp đặt, để đồn trú quan lại thuộc địa, quân lính và kho tàng. Thành Cổ Loa, chẳng hạn, có thể chỉ được xây dựng từ thời Hán. (Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:10]

Tôn giáo, tế lễ: Liên quan đến nghề nông. Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:9]

Triệu Đà [Zhao Tuo] gọi dân Âu Lạc là “xứ ở trần” hay khỏa thân [Royaume des Nus]. Cuối thế kỷ X, vua quan Tống còn miệt thị răn bảo Lê Hoàn nên từ bỏ lối ăn uống bằng lỗ mũi, trút bỏ áo quần bằng cỏ tranh và lá cây, thay bằng gấm lụa Trung Hoa:

Dân của khanh ngửng cổ mà bay, thì ta có xe và ngựa, dân khanh dùng mũi mà uống, thì ta có rượu thịt, để bỏ tục mọi rợ của khanh. . . . Dân khanh cắt tóc thì ta có áo mũ, dân khanh nói líu lo như chim thì ta có thi, thư để dạy dỗ phong tục cho khanh. Đất Viêm Giao nóng bức, mờ mịt khói mù thì ta mang chòm mây của vua Nghiêu để rưới cơn mưa ngọt; khí độc dưới biển bốc lên, như lửa đốt nắng thiêu, thì ta lên tiếng đàn vua Thuấn quạt ngọn gió êm; Khanh ngôi sao mờ, không ai biết đến, còn ta là ngôi sao Tử Vi đế tọa, các sao đều phải chầu bậc chí tôn; đất khanh có giống yêu ma, người ta thấy quái dị mà sợ, ta đúc cái đỉnh lớn khiến cho chúng không dám làm hại. Vậy thì khanh phải ra khỏi hòn đảo mọi rợ, đến xem lễ nhạc ở nhà Minh Đường, Bích Ung; bỏ lối ăn mặc đồ cỏ, lá cây, mà yêu chuộng đồ thêu thùa áo xiêm long phụng; . . . hễ theo thì được tha tội, nghịch lại thì ta đánh, [hướng hóa ngã kỳ xá, nghịch mạng ngã kỳ phạt]. theo hay không theo, trong hai đường ấy, khanh hãy xét lấy.(64)

Nhưng thực ra dân Việt đã chế biến được áo quần, dù chưa tinh xảo và đẹp mắt như lụa là, gấm vóc Hán.

Ngoại trừ trường hợp có những khám phá đặc biệt nào đó trong ngành khảo cổ học, các nhà cổ sử của thế kỷ XXI chỉ có thể nhìn về núi Hùng với sự bất lực ở nhận thức rằng có lẽ nhà Hồng Bàng mãi mãi là một thứ “dĩ nghi, truyền nghi.”

 

Houston, 13/11/2011

Vũ Ngự Chiêu

 

 

 

Những chữ viết tắt:

 

 

ANCL : Lê Tắc, An Nam Chí Lược, bản dịch Chen Ching Ho [Trần Kính Hòa] et al. (Huế: Đại Học Huế, 1961).

BAVH: Bulletin des Amis de Vieux Hué. (Huế, Việt Nam)

BEFEO: Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient (Hà Nội, Việt Nam)

CM, TB: Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], Tiền Biên [TB], bản dịch Trương Bửu Lâm et al., (Sài Gòn: 1960-1970), tập 1; Tiền Biên [TB] & Chính Biên [CB], bản dịch viện Sử học, 2 tập (Hà Nội: NXB Giáo Dục, 1998).

Dư Địa Chí: của Nguyễn Trãi, trong Ức Trai Di Tập (1868); bản dịch Viện Sử Học, trong Nguyễn Trãi Toàn Tập [NTTT], in lần thứ hai có tăng bổ và hiệu đính, (Hà Nội: KHXH, 1976), tr. 211-46, 543-662.

ĐNLT: Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên [TB] & Chính Biên [CB], 5 tập (1992); Tiền Biên [TB] (1995)

ĐNNTC: Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch Phạm Trọng Điềm và Đào Duy Anh, 5 tập (NXB Thuận Hóa, 1997),

ĐNTL: Đại Nam Thực Lục, bản dịch Viện Sử học, 38 tập (Hà Nội: 1962-1978)

ĐVSKTB: Ngô Thì Sĩ et al., Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Quốc sử quán Tây Sơn (1798-1800), 17 tập (7 NK, 10 BK), bản dịch Dương Thị The et al. (Hà Nội: 1997)

ĐVSKTT: Ngô Sĩ Liên et al., Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ, bản dịch Cao Huy Giu, 4 tập (Hà Nội: 1967), bản dịch Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (1944, 1964?); bản dịch Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu & Ngô Thế Long, 3 tập (Hà Nội: 2009).

Thông sử [ĐVTS]: Lê Quí Đôn, Đại Việt Thông Sử, bản dịch Ngô Thế Long, trong Lê Quí Đôn Toàn Tập (Hà Nội: 1978), tập III.

HL: Hợp Lưu (Fountain Valley, CA)

JAS: Journal of Asian Studies (Ann Harbor, MI, USA)

LSTL: Nguyễn Trãi, Lam Sơn Thực Lục, trong Ức Trai Di Tập; bản dịch Viện Sử Học, trong Nguyễn Trãi Toàn Tập [NTTT], in lần thứ hai, (Hà Nội: KHXH, 1976), tr. 43-74, 479-82.

LTHCLC: Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, (Sai Gòn: 1972), bản dịch Viện Sử học, 3 tập (Hà Nội: 1992)

NCLS: Tập san Nghiên Cứu Lịch Sử (Hà Nội)

Ngô Thì Nhậm: Tuyển Tập Thơ Văn Ngô Thì Nhậm, Mai Quốc Liên et al. dịch, 2 tập (Hà Nội: KHXH, 1978).

NTTT: Nguyễn Trãi Toàn Tập, tái bản có bổ sung (Hà Nội: KHXH, 1976),

PBTL: Lê Quí Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, bản dịch Lê Xuân Giáo (Sài Gòn: 1972)

TKCS: Thủy Kinh Chú Sớ, Lịch Đạo Nguyên, et al., bản dịch Nguyễn Bá Mão (Hà Nội: 2004).

VĐLN: Lê Quí Đôn, Vân [Văn] Đài Luận Ngữ, bản dịch Phạm Vũ và Lê Hiền (Sài Gòn: 1973?).

VSTA: Ngô Thì Sĩ, Việt Sử Tiêu Án (Sài Gòn: 1960, 1967).

Léonard Aurousseau, “La première conquête chinoise des pays ananmites;” Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient [BEFEO], XXIII (1923), tr. 213n3, 239-40: nhà Thục tồn tại 3 năm; Maspéro: bán thần thoại; T’Oung Pao, XXIII, 1924, tr. 373-79;

Đinh Văn Nhật, “ Đi tìm quê hương cũ của An Dương Vương Thục Phán.” NCLS, số 166 (2/1/1976), tr. 65-83, 87.

Henri Maspéro, “Etudes d’histoire d’Annam [Nghiên cứu lịch sử An Nam], IV. Le Royaume de Van Lang [Vương quốc Văn Lang];” BEFEO, Vol. XVIII (1918), no. 3:7 [1-10].

Nguyễn Linh. “Bàn về nước Thục của Thục Phán.” NCLS, 124 (7/1969), tr. 33-51.

Nguyễn Linh. “Về sự tồn tại của nước Văn Lang;” NCLS, 112 (7/1968), tr. 19-32

 

Phụ chú:

 

1. Nha Học Chính Đông Pháp, Sử Ký- Địa Dư Giáo Khoa Thư, Lớp Sơ Đẳng, do Trần Trọng Kim, Thanh tra các trường Sơ đẳng Bắc Kỳ, và Đỗ Đình Phúc, Sơ đẳng giáo học thượng hạng, biên soạn, Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư, in lần thứ nhất (Hà Nội: 1927), tr. 8. Trần Trọng Kim còn là tác giả Việt Nam Sử Lược, ấn bản 1919. Sách này nhiều lầm lỗi, nhất là giai đoạn Pháp xâm chiếm Đại Nam. Những bộ quốc sử Việt đều đã được dịch qua chữ Việt mới: Ngô Sĩ Liên et al., Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ [ĐVSK, NKTT], I:3a; bản dịch Cao Huy Giu, 4 tập (Hà Nội: 1967), bản dịch Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (1944, 1964?); bản dịch Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu & Ngô Thế Long, 4 tập (Hà Nội: 2009), 1:153; và, Bản Kỷ Thực Lục [BKTL], q. XIII:17a, Hoàng Văn Lâu (2009), 2:589; Ngô Thì Sĩ et al., Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Quốc sử quán Tây Sơn (1798-1800), 17 tập (7 NK, 10 BK), NK I:1a-11a; bản dịch Dương Thị The et al. (Hà Nội: 1997), tr. 39-46; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], Tiền Biên [TB], I:3a, bản dịch Trương Bửu Lâm et al., (Sài Gòn: 1965), 1:16-7; bản dịch viện Sử học, 2 tập (Hà Nội: NXB Giáo Dục, 1998), 1:74. Sử Nguyễn thường dùng tiếng “Hán nhân” để chỉ người Việt. Ngoài ba bộ quốc sử trên, sử quan có thể bị ảnh hưởng Nguyễn Trãi, Dư Địa Chí, số 1, trong Ức Trai Di Tập (1868); bản dịch Viện Sử Học, trong Nguyễn Trãi Toàn Tập [NTTT], in lần thứ hai có tăng bổ và hiệu đính, (Hà Nội: KHXH, 1976), tr. 211 [211-46], 543 chú 3-5 [543-662]. Xem thêm Quốc sử quán nhà Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí [ĐNNTC], q. XIII: Tỉnh Hà Nội, bản dịch Phạm Trọng Điềm và Đào Duy Anh, 5 tập (NXB Thuận Hóa, 1997), tập 3, tr. 223.

2. CM, TB, I:1A, (Sài Gòn: 1965), 2:8-9. Xem thêm Nguyễn Trãi et al, Dư Địa Chí, số 2, 3, 4, 7, 9, NTTT (Hà Nội: 1976), tr. 211-12, 214, 215.

3. CM, TB, I:1b-2 (Sài Gòn: 1965), 2:8-15; ĐVSK, NKTT, I:1b, 5b, Thọ (2009), 1:151, 155; Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (1944, 1964), tr. 33; Giu (1967), 1:59-60; ĐVSKTB, Ngoại Kỷ, I:1b-2a, The (1997), tr. 39-40; Dư Địa Chí, số 2, 3; NTTT, (1976), tr. 211-12.

4. CM, TB, I:2a, 3b-4a (Sài Gòn: 1965), 1:12-3. Xem thêm Tấu nghị ngày 11/7/1856 [mồng 10/6 Tự Đức 9]; CM, TB, Quyển Thủ:3b-4b, (Sài Gòn: 1960), 1:12-7; Dụ Chỉ 2 ngày 12/8/1856 [12/7 TĐ 9 [Bính Thìn]; Ibid., QT 9, (Sài Gòn: 1960), 1:34-7.

5. ĐVSKTB, Ngoại Kỷ [NK], I:3b-5a, The (1997), tr. 41. Các nhà nghiên cứu Tây phương thường dẫn như sách của Ngô Thì Sĩ, nhưng Ngô Thì Nhậm, con Thì Sĩ, cũng góp phần hiệu đính.

6. CM, TB, I:1b-2b (Sài Gòn: 1965), 2:10-5; Quyển Thủ:3b-4b, 9 (Sài Gòn: 1960), 1:12-7, 34-7 [Dụ Chỉ ngày 12/8/1856 [12/7 TĐ 9]; quyết định chọn Hùng Vương làm đầu mối quốc thống, (chép trong phần Cương, chữ lớn), phụ chép Kinh Dương và Lạc Long ở phần Mục [chữ nhỏ, ghi chép chi tiết]; ĐVSK, NKTT, I:2a, Thọ (2009), 1:152; Giu (1967), 1:60; Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (1944, 1964), tr. 34; ĐVSKTB, NK, I:3b, The (1997), tr. 41; Dư Địa Chí, 4, NTTT, 1976:212, 214; Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, [LTHCLC]; bản dịch (Sài Gòn: 1962); bản dịch (Hà Nội: 1992), 3 tập, 1:166.

7. ĐVSK, NKTT, “Tựa Đại Việt Sử Ký Tục Biên;” Quyển Thủ, 2a [1a-6a]; NK, I:1a, Thọ (2009), 1:112, 150-51; “Biểu dâng sách ĐVSKTT,” Quyển Thủ, 1a-6a, Thọ (2009), 1:115-16; Bản Kỷ Thực Lục [BKTL], XIII:17a, Lâu (2009), 2:589; Emile Gaspardone, “Bibliographie annamite [Thư tịch An Nam];” Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extreme Orient [BEFEO], số XXXIV (1934), tr. 59 [No. 127 (VĐULT) [126-28], 128 (LNTQ) [128-30] [1-167]. Hiện nay, có bốn bản dịch Việt ngữ của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: bản dịch Cao Huy Giu (trọn bộ, 1967, dựa theo bản Quốc Tử Giám Lê Hi [1697]), bản dịch mới nhất, năm 2009, dựa theo Nội Các quan bản [phủ Chúa Trịnh], Hà Văn Tấn hiệu đính, 4 tập. Xem thêm chi tiết trong Phan Huy Lê, “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Tác giả, Văn bản, Tác phẩm;” Ibid., Thọ (2009), 1:29-30 [13-102];

8. Phan Huy Chú, LTHCLC, “Văn tịch Chí,” q. XV, “truyện Ký,” 1992, 3:164 [163-64]; Henri Maspéro, “Etudes d’histoire d’Annam [Nghiên cứu lịch sử An Nam], IV. Le Royaume de Van Lang [Vương quốc Văn Lang];” Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient [BEFEO], Vol. XVIII (1918), no. 3:1 [1-10]; Iwamura Shigemitsu, An Nan T’ung Chih [An Nam Thông Sử] (tiếng Nhật) (Singapore: World Bank, 1957), tr. 9-10; Trịnh Văn Thanh, Thành ngữ điển tích Danh Nhân tự điển, 2 tập (Sài Gòn: Khai Trí, 1966), 1:554. Nguyễn Linh, “Về sự tồn tại của nước Văn Lang,” Nghiên Cứu Lịch Sử [NCLS] (Hà Nội), số 112 (7/1968), tr. 20-1, 20n2 [19-32]. [bảng so sánh huyền thoại Việt và Mường]; Idem., “Bàn về nước Thục của Thục Phán;” NCLS, 124 (7/1969), tr. 41cột 1 [33-51]; [Sẽ dẫn, Linh, “Văn Lang,” 1968, & “Thục Phán,” 1969]

9. ĐVSK, NKTT, I:5b; Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (1944, 1964), tr. 59; Giu (1967), 1:64; Thọ (2009), 1:156.

10. CM, TB, I:8a, Sài Gòn: 1965), 1:36-7; ĐVSKTB, NK, I:11, The (1997), tr. 45.

11. ĐVSK, NKTT, I:5a, 5b-11b, Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (1944, 1964), tr. 39-40, 59-60; Giu (1967), 1:63-4 [63-70]; Thọ (2009), 1:155, 156-62; ĐVSKTB, Ngoại Kỷ, I:9-10, 15, The (1997), tr. 44-5; CM, TB, I:7, 8a (Sài Gòn: 1965), 2:32-5, 36-7; (Hà Nội: 1998), 1:79; Léonard Aurousseau, “La première conquête chinoise des pays ananmites.” BEFEO, XXIII (1923), pp. 213n3, 239-40 [nhà Thục tồn tại 3 năm]; Idem., “Notes et Mélanges: Sur le nom de Cochinchine.” BEFEO, vol 24 (1924), tr. 563-79.

12. CMTB, I:5b (Sài Gòn: 1965), 1:26-7; (Hà Nội: 1998), 1:76-7. ĐVSK, NKTT, I:1a, Thọ (2009), 1:150; Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (Hà Nội: 1944, Sài Gòn: 1964), tr. 37; Giu (1967), 1:62, 313n5; ĐVSKTB, NK I:1ab, The (1997), tr. 39.

13. Ban Gu, [Xin] Han-shu [[Tiền] Hán Thư, History of the Early Han], Bk 95, p.3 verso, col. 13 to p.7 rector (b); Phạm Việp (Fan Ye, 348-446), Hou Han Shu [Hậu Hán Thư, History of the Later Han], Bk 116 [“Nam Man truyện,” q. 116]; Lê Tắc [Trắc], An Nam Chí Lược [ANCL], V: Tiền triều thư sớ, bản dịch Chen Ching Ho [Trần Kính Hòa] (dựa trên bản Lạc Thiện Đường, Ginko Kishida [Ngạn Điền Ngâm Hương] sưu tập và hiệu đính năm 1884) (Huế: Đại học Huế, 1961) tr.117-18; Dư Địa Chí, số 12; trong NTTT, (Hà Nội: 1976), tr. 216, 562-64; ĐVSK, NKTT, I:1a, 4a, Thọ (2009), 1:150, 154; Giu (1967), 1:59, 62. Theo Clae Waltham, xe có kim chỉ nam này là một trong số các huyền thoại về sự tích kim chỉ nam [“This legend of the south-pointing chariots is one of several concerning the origin of the compass”]; Shu Ching: Book of History (Chicago: 1971), p. 200.

14. Sima Qian [Tư Mã Thiên, 145-86 TTL], Shiji [Sử Ký], q. 113, “Nam Việt Triệu Đà truyện;” [Bk 113, “The Account of Southern Yueh”], Shih chi: Records of the Grand Historian of China, Ssu-ma Ch’ien, trans. into English by Burton Watson (New York: Columbia Univ. Press, 1961), vol. II, pp. 239-50; ANCL, q. V: Tiền triều thư sớ, (Huế: 1961), tr.117-18; ĐVSK, NKTT, I:1a, Thọ (2009), 1:150; Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (Hà Nội: 1944, Sài Gòn: 1964), tr. 37; Giu (1967), 1:62, 313n5; CM, TB I:6b-7a; (Sài Gòn, 1965), 2:28-33; (Hà Nội: 1998), 1:77; Shu (Waltham), 1971, pp. 199-200.

15. Dư Địa Chí, số 12; NTTT, (Hà Nội: 1976), tr. 564.

16. ĐVSKTB, Ngoại Kỉ, I:2a-b, The (1997), tr. 40; ANCL, q. V, “Tiền triều thư sớ,” 1961:109.

17. CM TB I:1a, 2a; (Sài Gòn: 1965), 2:8-9, 12-3. Tu Yu [Đỗ Hữu], Tong dian [Thông điển] (Shanghai: 1935), q. 184, tờ 25b; Hoàn Vũ Kí q. 70, 10a; dẫn trong Maspero, “Van Lang,” BEFEO, 1918, 3:2, 4 [1-10]; CM, TB I:2a, (Sài Gòn: 1965), 2:12-3;

18. CM TB I:2b-3a, (Sài Gòn: 1965), 2:14-7. Lang bộ “Ấp;” Giao Chỉ (Chỉ bộ Phụ)

19. ANCL, q. IV: Tiền triều chinh thảo, q. V, “Tiền triều thư sớ,” 1961: 91,107-9); Hán chí, Nghiêm Trợ truyện, dẫn trong TKCS, ch 36: “Uất Thủy,” Mão (2004), tr. 364: ĐVSK, NKTT, II:9a-11a, Thọ (2009), 1:171-73, Giu (1967), 1:79-80, 315n27; [CM không nhắc gì đến Lưu An hay tờ biểu. ĐVSKTB không chép lại thư. Ngô Thì Sĩ, vì một lý do nào đó, không nói đến luật kẻ mạnh và tham tâm bành trướng, thôn tính thiên hạ của Hán tộc. Dụng ý có lẽ còn kém Lê Trắc một bậc–Trắc cổ võ việc hòa hiếu. Vì thế còn chép lại kế hoạch “dĩ man trị Man” của Lý Cố, hay biểu can Tống Thái Tông của Điền Tích]

20. Maspéro, “Văn Lang,” 1918, 3:2-3, 7 [1-10]; Lâm Ấp Ký, Thái Bình Ngự Lãm, 981 [q. 172, tờ 11b]; Lịch Đạo Nguyên et al., TKC, ch 36, 24a; Maspéro, “Van Lang,” 1918:2-3 [1-10]; TKCS, ch 36, Mão (2004), tr. 373.

Hoàn Vũ Kí của Nhạc Sử (930-1007) đời Tống (960-1279)

Lý Phưởng (Li Fang, 925-996) (tác giả Thái Bình Ngự Lãm),

21. Thông điển, q. 184, tờ 25b, Maspero, “Van Lang,” XVIII, 3:2-4 [1-10].

22. CM, TB, I:2a (Sài Gòn: 1965), 2:12-3; Maspéro, “Văn Lang,” 1918, 3:4. Theo Louis Bezacier, đền Hùng Vương có thể thành lập vào đời Lý; Le Vietnam (Paris: 1972), tr. 22.

23. Chính Đạo, “Trụ đồng Mã Viện: Sự đàn hồi của biên giới đế quốc Trung Hoa;” Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 110 (tháng 6-7/2010), tr. 5-36. Năm 2011, Bắc Kinh chính thức tuyên bố chủ quyền lãnh hải biển Đông tức Nam Hải hay Nanpo. Rồi công bố ý định dùng tiền bạc để phát triển kinh tế Đông Nam Á qua những hiệp ước tay đôi với các nước thành viên Đông Nam Á. Chỉ có Ngoại trưởng Hillary Clinton của Liên Bang Mỹ tỏ ý chống đối. Ba trong những quốc gia đang đối diện hiểm họa bành trướng thực dân xã hội chủ nghĩa Hán tộc là Nhật Bản, Philippines, và Australia. Nếu Trung Nam Hải có khả năng làm nhái hàng không mẫu hạm mua của Cộng hòa Nga, Hawaii có thể trở thành một tiền đồn của Liên Bang Mỹ tại Thái Bình Dương. Không phải vô tình mà Ngoại trưởng Hillary Clinton cảnh giác Bắc Kinh, và gửi một đơn vị Mỹ tới Australia. Ôn Gia Bảo [Wen Jiabao] đang hành xử như một tội phạm chiến tranh ở Tibet và Đông Nam Á.

24. ĐVSK, BKTT, I:17ab [Lê Hoàn, 986], II:4b, Thọ (2009), 1:271-72, 298; Giu (1967), 1:190, 192, 332; ĐVSKTB, BK, I:23ab [Lê Hoàn, 986], II:2a, 7b [Lý Công Uẩn], The (1997), tr. 169, 193 [nhà Lê hay nhà Lý có khác gì nhau], 198; CM, CB, II:9, (Hà Nội: 1998), 1:285; LTHCLC, q. 46, 1992, 3:188-89.

25. Đại Việt Sử Lược [vô danh]; dẫn trong Maspero, “Van Lang,” XVIII (1918), 3:7. Gia Ninh nằm trong khoảng Bắc Ninh hay Hà Bắc ngày nay]. Maspéro đã giới thiệu Đại Việt Sử Lược khi bàn về danh sách 15 bộ nước Văn Lang; “Van Lang,;” XVIII (1918), 3:4 [1-10];

26. ĐVSK, NKTT, I:3a, Thọ (2009), I:153; Giu (1967), 1:61; CM, TB I:3-4b (Sài Gòn: 1965), 2:16-23; Dư Địa Chí, số 1 & 9 [Kinh Dương Vương, Xích Quỉ; Hùng Vương, Văn Lang, Phong Châu ...;; NTTT, (1976), tr. 211 [211-46], 215, 543-44. Đáng ghi nhận là thói quen sửa chữa hay thêm vào truyền bản cổ thư của người đời sau khiến giá trị Dư Địa Chí là những dấu hỏi lớn. Thí dụ như Dư Địa Chí số 2, nói Kinh Dương Vương được phong sang “Việt Nam” [tr. 211]; Dư Địa Chí số 13 ghi trong sách chương [văn kiện ngoại giao] của Bắc triều lúc gọi nước ta là Việt Nam [Đế Minh phong Kinh Dương Vương làm Việt Nam Vương], Nam Việt, Giao Chỉ, An Nam, Nam Bình; nay cũng gọi là Việt Nam; [tr. 216]; CMTB, I:3a-5a, (Sài Gòn: 1965), 2:16-25; Maspéro, “Văn Lang,” (1918), 3:1.

27. [Phân quốc vi thập ngũ bộ]; Dư Địa Chí, số 3 & 9, NTTT (1976), tr. 212, 215 [211-46, chỉ chép 14 bộ, không có Văn Lang], 544 [543-662]. ĐVSK, NKTT dựa theo danh sách này. [Maspéro, 1918, 3:4]; ĐVSK, NKTT, I:3a, Thọ (2009), 1:153; Giu (1967), 1:61; CM, TB I:3a, 4b-5a (Sài Gòn: 1965), 2:16-7, 22-5. Việt Sử Lược hay Đại Việt Sử Lược, ghi Nhật Nam thay vì Tân Hưng; q. 1, tờ 1a; Ibid, p. 544; Maspéro, “Van Lang,” (1918), 3:4-5; [1-10].Iwamura Shigemitsu, An Nam Thông Sử [An Nan T’ung Chih] (Singapore: World Bank, 1957), tr. 9-10 [có danh sách 18 vua Hùng, và bản đồ đời Hán dựa theo tư liệu Trung Hoa]. Xem thêm ĐNNTC, q. XXI: Sơn Tây (1997), 4:184-85, 224 (thành cổ Kinh Dương Vương), 226 (thành cổ Bình Đạo), 234 (miếu Hùng Vương) [183-264], và Ibid., q. XIX: Bắc Ninh (1997), tập 4:54 (bộ Vũ Ninh đời Hùng Vương; đời Hán là Luy Lâu và Long Biên (Giao Chỉ); Bắc Giang thời Tiền Lê; Gia Lâm đời Lý; Bắc Giang hay lộ Kinh Bắc đời Trần; Bắc Giang và Lạng Giang thời Minh thuộc; 82-3 (sông Nguyệt Đức tức sông Cầu), 83 (sông Thiên Đức, tức sông Đuống), 84-5 (Nhật Đức tức sông Thương), 85 (sông Lục Đầu, nước ba sông Nguyệt Đức tức sông Cầu, Thiên Đức, tức sông Đuống, Nhật Đức tức sông Thương, đổ vào sông Phan tỉnh Hải Dương; 91 (Cổ Loa), 93-4 (giếng cổ Minh Châu), 119 (Nguyễn Thiên Tích, huyện Tiên Du), 120 (Nguyễn Thiên Túng, huyện Đông Ngàn)[53-152] ; q. XV: Tỉnh Hưng Yên (1997), 3:286 (Sơn Nam thượng và hạ; Chu Diên đời Hán), 296 (sông Đuống tức Phổ Đà hay Đà Lỗ), 296-97, 306 (sông Luộc, tây bắc huyện Hưng Nhân 7 lí)

Lưu Triệt sai Lộ Bác Đức đánh Nam Việt năm Nguyên Đỉnh 6 [111 TTL]; Shiji [Sử Ký], q. 113, tờ 6a; Tiền Hán Thư, q. VI, tờ 15b-16b;

28. Lê Quí Đôn, VĐLN, q. III, “Khu Vũ Loại,” số 83, (Sài Gòn: 1973?), tr. 167 [165-67]; CM, TB, 4b, (Sài Gòn: 1965), 2:22-3), [VNC: Maspéro đã tham khảo tài liệu này]

29. Dư Địa Chí, số 2, & 13; NTTT, (Hà Nội: 1976), tr. 211, 216; CM, TB, I:3a-5a, (Sài Gòn: 1965), 2:16-25 [ghi Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Vân Nam, Tứ Xuyên là đất Thục và Sở ngày xưa].; Maspéro, “Văn Lang,” (1918), 3:1.

30. ĐVSK, NKTT, I, Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (1944, 1964), tr. 56; ANCL, q. III: Tiền triều phụng sứ, Tống sứ, 1961:82-3 [Tống Cảo & Vương Thế Tắc]; Hành lục của Tống Cảo [ca 990]; LTHCLC, q. XLVI, 1992, 3:166; CM, CB I:24-26, (Hà Nội: 1998), 1:258-59)

31. “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Tự;” [Tựa sách Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư]; [1479]” ĐVSK, NKTT, Quyển Thủ, 2ab [1a-3b], 4a-5a, Thọ et al (2009), 1:51, 113 [112-16]; 153-54, 154-55; Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (1944, 1964), tr. 37; Giu (1967), 1:61, 62-3. Xem thêm bảng so sánh huyền thoại Việt và Mường trong Nguyễn Linh, “Văn Lang,” NCLS (Hà Nội), (7/1968), tr. 20-1 [19-32].

Lĩnh Nam Trích Quái và Việt Điện U Linh Tập đã được Lê Hữu Mục dịch qua chữ Việt mới (quốc ngữ hiện nay) (Ấn bản Khai Trí, Sài Gòn). Xem thêm ĐVSKTB, Ngoại Kỷ, I:2-4, 5b-7, The (1997), tr. 40, 42-5 [lời bàn của Ngô Thì Sĩ]; Gaspardone, “Bibliographie annamite [Thư tịch An Nam];” BEFEO, số XXXIV (1934), No. 127 (VĐULT) [126-28], 128 (LNTQ) [128-30] [1-167]; Maspéro, “Etudes d’histoire d’Annam [Nghiên cứu lịch sử An Nam], I. La dynastie des Lí antérieurs (543-601); II. La géographie politique de l’Empire d’Annam; III. La commanderie de Siang; BEFEO, Vol. XVI (1916-1917), pp. 1-26, 27-48. 49-55; Idem., IV. Le Royaume de Van Lang [Vương quốc Văn Lang];” BEFEO, XVIII (1918), 3:4 [1-10].

32. “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Tự;” [Tựa sách Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư]; [1479]” ĐVSK, NKTT, Quyển Thủ, 2ab [1a-3b], 4a-5a, NK Iá:1a,á1b, 2b; Thọ (2009), 1:51, 113 [112-16]; 151 [Liễu Nghị trong Đường Kỷ], 152 [khác thường], 153-54, 154-55; Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (1944, 1964), tr. 13-5, 37; Giu (1967), 1: 59-60; 61, 62-3; Phan Huy Lê, 2009:29-30) Xem thêm CM, TB, Quyển Thủ:3b-4b, (Sài Gòn: 1960), 1:12-7; Ibid., I:1A, (Sài Gòn: 1965), 2:8-9.

33. ĐVSK, NKTT, I:3a, Thọ (2009), 1:153; “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Tự;” [Tựa sách Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư]; [1479]” ĐVSK, NKTT, Quyển Thủ, 2ab [1a-3b], 4a-5a, Thọ et al (2009), 1:51, 113 [112-16]; 153-54, 154-55; Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống (1944, 1964), tr. 37; Giu (1967), 1:62,

34. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên [ĐNTLTB], I, 1962, 1:34-6; X: Thế Tông, 1962, 1:204-6 [201-29]; Chính Biên [ĐNTLCB], I, 3:254 [“vô vi nhi trị” của Nghiêu Thuấn], 282 [“Thiên tử là quí, châu ngọc có quí gì.”], 283-85 [Gia Long lên ngôi Hoàng đế ngày 28/6/1806 [Kỷ Mùi [12]/5 Bính Dần]; ĐVSK, BKTB, XVI, Giu (1967), 3:160; CM,CB, XXVIII:31-32; (Hà Nội: 1998), 2:157-58 [ghi là tháng Giêng Nhâm Thân, [15/1-13/2/1572]); Dư Địa Chí (1935), số 53; NTTT (1976), 245; ĐVSK, BKTL, XI:55b-56a, 56ab, Lâu (2009), 2:443 [Lê Thái Tông [Lê Lân] chết ngày 7/9/1442 [4/8 Nhâm Tuất]: Ghé thăm nhà Thừa chỉ Nguyễn Trãi. Dọc đường từ Côn Sơn về Đông đô vua bị bệnh “sốt rét” tại trại Vải [Lệ chi viên], làng Đại Lại, Gia Định (tức huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Có vợ lẽ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ vào hầu suốt hai đêm, nhưng vua vẫn chết ngày 7/9/1442 [4/8 Nhâm Tuất]. 19/9/1442 [16/8 Nhâm Tuất]: Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị làm tội chết, cả ba họ bị tru di; 444 [Đinh Thắng và Đinh Phúc bị giết ngày 22/10/1442 [9/9 Nhâm Tuất]; Peter K. Bol, Neo-Confucianism in History (Cambridge, Mass.: Harvard Univ. Asia Center, 2008) [li: principle, Wang Anshi’s New Policies, Wang Yang-ming, Cheng Yi, Chu Xi a theory of communal action].

35. Hoàn Vũ Kí, q. 170, tờ 9a, 10a; Maspéro, “Van Lang,” 1918, 3:7 [vua nước đó gọi là Hùng Vương];

36. Lê Quí Đôn, VĐLN, q. III, “Khu Vũ Loại,” số 66, 1973:147.

37. ĐVSK, NKTT, Mạc Bảo Thần-Nhượng Tống, tr. 70, chú 2; CM TB, I:9A; (Sài Gòn: 1965), 2:40-1. Hùng trong sử Nguyễn [CM, TB, I:1a, 2b (Sài Gòn: 1965), 2:8-9, 14-5] khác Hùng bộ Hỏa [con gấu, dũng sĩ; Thiều Chửu, 373-74; chỉ các vua Sở]

38. Đại Việt Sử Lược [vô danh]; dẫn trong Maspéro, “Van Lang;” (1918), 3:7 [1-10]; Gaspardone, “Bibliographie annamite [Thư tịch An Nam];” BEFEO, số 34 (1934), tr. 126-30; Nguyễn Linh, “Về sự tồn tại của nước Văn Lang,” Nghiên Cứu Lịch Sử [NCLS] (Hà Nội), số 112 (7/1968), tr. 20-1 [19-32]. [bảng so sánh huyền thoại Việt và Mường].

39. Lạc [Lo]: bộ Mã [lạc đà; Thiều Chửu, 780]

40. TKC, q. 37, tờ 7a; TKCS, Mão (2004), tr. 427-28; ĐVSK, NKTT, Giu (1967), 1:314n13, 16; Maspéro, “Van Lang,” (1918), 3:7;

41. Lạc bộ Mịch. CMTB, I:22b-23a (Sài Gòn: 1965), 2:96-7. [Không chép chữ Lạc: Nãi tự lập vi Nam Việt hoàng đế, phát binh công Trường Sa biên ấp, thủ số quận nhi hoàn. . . Vương nhân thử dĩ binh uy tài vật, chiêu phủ Mân Việt, Tây Âu dịch thuộc yên. Đông tây dư vạn lí, thừa hoàng ốc tả đạo, xưng chế dữ Hán tịnh]. CM, TB I:25a (Sài Gòn: 1965), 2:104-5chú 1 [giải thích Phục Lĩnh: bên ngoài cõi hoang, phía nam Ngũ Lĩnh; ngũ phục điện, hầu, tuy, yêu, hoang].

42. Sử Ký Sách Ẩn, q. 113, tờ 1b; Maspéro, “Van Lang,” (1918), 3:7, 8-9; (Thủy Kinh Chú Sớ [TKCS], ch 37; Mão (2004), tr. 427-28 [An Dương Vương])

43. Lê Quí Đôn, VĐLN, q. III, “Khu Vũ Loại,” số 66, 1973:147, nhắc đến Việt chí [và Giao Châu Ký] [đã tuyệt bản; Maspéro, 1918, 3:6] của Tăng Cổn–người thay Cao Tầm [không phải Biền] làm Đô hộ từ 878 tới 880, đời Lý Nghiễm (Đường Hy Tông, 874-888) [không phải “tiết độ sứ đời Ý Tông (860-870) [số 66, 1973:147]. Maspéro tin rằng Việt Điện U Linh tập chép lại nhiều đoạn trong Giao Châu Ký của Tăng Cổn. Maspéro, 1918, 3:6n2. ANCL, q. IV, “Tiền triều chinh thảo;” 1961, tr. 91; q.II, “Tiền triều thư mạng;” Ibid., tr. 63 [thư Lưu Hằng [Hán Văn đế, 179-157 TTL] gửi Triệu Đà [Zhao Tuo]; ĐVSK, NKTT, II:3b, Thọ (2009), 1:166. [Năm 183 TTL, sau khi Lữ Thái Hậu cấm vận kinh tế [đồ sắt và trâu], Triệu Đà xưng đế, mang quân đánh Trường Sa. Năm 181 TTL, Lữ Thái Hậu sai Chu Táo qua đánh, nhưng thất bại. Triệu Đà nhân cơ hội mở rộng bờ cõi, liên kết với Mân Việt (Min-yue), Tây Âu (Ouxi hay Western Wou) và Lạc (Lo-lo). Rồi bắt chước các phong tục, lễ nghi của triều Hán].. Tháng 7 Tân Dậu [179 TTL], Lữ Thái Hậu chết. Lưu Hằng lên ngôi. Sai Lục Giả mang thư sang thuyết phục Đà bỏ tước đế, lấy Trường Sa làm ranh giới phía nam, ĐVSK, NKTT, II:4a-5a, Thọ (2009), 1:166-67. Đà đồng ý, viết thư xin nội phụ; Ibid., II:5a-6a; Ibid., Thọ (2009), 1:168. Dư Địa Chí, số 9, NTTT, 1976:215; ĐVSKTB, The (1997), tr. 55. Nhóm phiên dịch của Đại học Huế cũng dùng Tây Âu Lạc; (1961:113 [Hán], 187 [Việt]).

44. CM TB I:2b-3a, (Sài Gòn: 1965), 2:14-7. Lạc bộ Mã; Lang bộ “Ấp;” Giao Chỉ (Chỉ bộ Phụ)

45. Maspéro, “Van Lang,” 1918, 3:7-9; Hoàn Vũ Kí, q. 170, tờ 9a, 10a; Lĩnh Nam Chích Quái ghi Lạc hầu, Lạc tướng, nhưng Hùng vương [LNTQ, q. 1, 15a; Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:7] Truyện Sơn Tinh-Thủy Tinh của ĐVSKTT sao chép và tỉnh lược truyện cùng tựa trong Việt Điện U Linh Tập, mà nguồn gốc là tập Giao Châu Kí của Tăng Cổn., Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:8].

46. ĐVSK, NKTT, I, Giu (1967), tr. 314chú13 [Hùng vương do Lạc vương viết sai]; Cổ sử Việt Nam [Hà Nội: 1956], tr. 83-4, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, tr. 86; dẫn trong Văn Tân, “Vài ý kiến với nhận định của ông Đào Duy Anh về vấn đề tô-tem của người Việt nguyên thủy;” Nghiên cứu lịch sử (Hà Nội), Bộ 2, số 4 (4/1959), tr. 15-16, 18 [10-25]. Văn Tân cho rằng Đào Duy Anh đã vay mượn những nhận định võ đoán thiếu cơ sở khoa học [tr. 14-15] từ những học giả “phản động Pháp” như Louis Finot, “Les grandes époques de l”Indochine;” Goloubew, “L’Âge du bronze au Tonkin et dans le Nord-Annam;” và Maspéro.

47. Léonard Aurousseau, “La première conquête chinoise des pays ananmites.” BEFEO, XXIII (1923), tr. 213n3, 239-40: [nhà Thục tồn tại 3 năm]; Idem., “Notes et Mélanges: Sur le nom de Cochinchine;” BEFEO, vol 24 (1924), tr. 563-79. Xem Frances Wood, Did Marco Polo Go to China? (Boulder, Colorado: Westview Press, 1996), về giá trị sử học của Polo.

Theo Marco Polo, Polo tới Trung Hoa vào đời Hốt Tất Liệt hay Qublai Khan (1260-1294), ở lại 17 năm. Polo được Hốt Tất Liệt cho chu du khắp vương quốc, rồi bổ nhiệm làm Tổng đốc Yangzhou (Dương Châu). Về nước, viết cuốn Description of the World (Những Kỳ quan của thế giới) trong tù. Tự nhận được Hốt Tất Liệt cử làm sứ giả gặp Giáo hoàng Ki-tô ở Roma.

Wood, một học giả Mỹ, cho rằng Marco Polo đã bịa đặt, chưa bao giờ đặt chân tới Trung Hoa, và tác phẩm của Polo chỉ là sự tổng hợp những huyền thoại nghe được tại Persia (Ba Tư). Polo không nói lên được những đặc thù của Trung Hoa vào thời gian này: Vạn Lý Trường Thành, súng bắn đá và thành Tương Dương, những món đồ sứ đặc thù của thế kỷ XIII, tục ưa ăn ngon của người Hoa, đặc sản của Suzhu (Tô Châu), v.. v... Wood ví Polo như một thứ Herodotus (480-425 TTL), “người chưa từng đặt chân tới những địa danh mà ông ta mô tả và trộn lẫn giữa sự kiện với chuyện hoang đường.” (tr. 150)

48. Vũ Ngự Chiêu, “Nhìn Lại Hoàng Sa;” Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), Xuân Canh Dần, số 108 (1-2/2010), tr. 5-25; Chính Đạo, “Trụ đồng Mã Viện: Sự Đàn Hồi của Biên Giới Đế Quốc Trung Hoa;” Hợp Lưu (Fountain Valley, CA). số 110, tháng 6-7/2010, tr. 5-37.

49. KCH, 2007:53-4)

50. P. I. Boriskokii, “Viet Nam in Primevial Time;” Soviet Anthropology and Archeology (Moscow), Vols. 7, 8 & 9 (1968-1970; “Bình luận ý kiến của Per-Sfrensen [Sorensen] về địa điểm sơ kỳ đá cũ Núi Đọ;” Khảo Cổ Học [Hà Nội], (1981), số 4, tr. 11-4).

51. R. B. Smith và W. Watson, Early South East Asia, (New York: Oxford Univ. Press, 1979), tr. 120).

52. KCH, 2007:56-7)

53. “Vài ý kiến về một số vấn đề khảo cổ học trong quyển Kinh tế thời nguyên thủy ở Việt Nam;” NCLS, số 136 (1/1971), tr. 45-52, 64).

54. Smith và Watson, Early South East Asia, 1979, tr. 126, 127, 128, 129, 130, 131, 133).

55. Xem thêm Lê Văn Lan, “Tài liệu khảo cổ học và việc nghiên cứu thời đại các vua Hùng;” NCLS (Hà-nội), Bộ 124, số 7 (7/1969), tr. 52-79; Lê Văn Lan, “Về tục hỏa táng ở thời đại của các vua Hùng;” NCLS, số 132 (5-6/1970), tr. 74-80; Lê Văn Lan và Phạm Văn Kỉnh, “Di tích khảo cổ trên đất Phong châu, địa bàn gốc của các vua Hùng;” NCLS, Bộ 107, số 2 (2/1968), tr. 34-46].

56. Smith và Watson, Early South East Asia, 1979, tr. 131).

57. CM, TB, I:25b-26a (Sài Gòn: 1965), 2:106-9; ĐVSK, NKTT, II:5a-6a, Thọ (2009), 1:168 [Thư Triệu Đà gửi Lưu Hằng (Văn Đế) năm 179 TTL]. Xem thêm Diệp Đình Hoa, “Sơ kỳ thời đại đồ sắt ở nước ta và vấn đề Hùng Vương-An Dương Vương;” NCLS (4/1969).

58. Olov R.T. Janse, Archeological Research in Indochina, 3 vols [Cambridge: 1947]),

59. William Meacham, “The Archeology of Hongkong;” Archeology, 33:4 (7-8/ 1980), tr. 16-23; “Local Revolution and Continuity in the Neo-lithic of South China: A Non-Nuclear Approach;” Current Anthropology, 18 (1977), tr. 419-40. Xem thêm Karl L. Hutterer, “An Evolutionary Approach to the Southeast Asian Cultural Sequence;” Current Anthropology, 17:2 (June 1976), tr. 221-42).

60. Hội nghị khoa học: “Phê phán quan điểm bành trướng, bá quyền của giới sử học Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam;” Nghiên Cứu Lịch Sử, số 2 [221] (1985), tr. 88-9 [87-90]

61. Victor Goloubew, “L'âge du bronze au Tonkin et dans le Nord Annam;” BEFEO, XXIX [1930], tr. 28.

62. Văn Tân, “Vài ý kiến với nhận định của ông Đào Duy Anh về vấn đề tô-tem của người Việt nguyên thủy.” NCLS (Hà Nội), Bộ 2, số 4 (4/1959), tr. 24-5 [10-25]; Idem.,, “Ý kiến trao đổi: trở lại vấn đề tô-tem của người Việt.” NCLS [9/1959?], tr. 66-79.

Văn hoá Phùng Nguyên (Kinh Kệ/Lâm Thao/Vĩnh Phú), khai quật năm 1959-1960. Sau đó một số di tích khác ở Vĩnh Phú và Hà Tây. [Niên đại: 2,000-1,500 TTL (hậu kỳ thời đá mới) sau đó, xếp thành “thời đồng thau.” LVLan: cuối thời đá mới, đầu thời đồng thau. Lê Văn Lan. “Tài liệu khảo cổ học và việc nghiên cứu thời đại các vua Hùng.” NCLS (Hà-nội), Bộ 124, số 7 (7/1969), tr. 52-79.

 

63. ĐNNTC, q. XVIII, “Quảng Yên,” 1997, 4: [5-51]; q. XXIV, “Lạng Sơn,” 1997, 4: [365-400];

64. Thư Tống Thái Tông, do Vương Vũ Xương soạn, gửi Lê Hoàn [năm thứ 5 đời Tống Thái Tông (980)]; ANCL, q. V, Tiền triều thư sớ, 1961:115-16 [trích Tống Sử]; ĐVSK, BKTT, I:10a-12a, Giu (1967), 1:162-64, 166ff; Thọ (2009), 1:263-65; ĐVSKTB, Bản Kỷ, I:15a-15b; The (1997), tr.162-63; LTHCLC, q. 49, “Việc Biên Cương;” 1992, 3:275-76; Người đưa thư là Lư Đa Tốn; CM, CB I:16, (Hà Nội: 1998), 1:250-51. Sử Ký, q. 113, 2a; BEFEO, 1916, 1:53; Maspéro, “Van Lang,”1918, 3:10];

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30102)
Đ ặng Mỹ Hạnh là một nữ nhiếp ảnh gia của những “Xứ sở rừng mưa” như tựa một bút ký của cô. Nếu nhiếp ảnh là đam mê chính, văn chương là đam mê thứ nhì mà cô tự định nghĩa: "Tiếp cận với nghệ thuật bằng ngữ ảnh của cảm xúc và viết ra cõi lặng bên trong như một nhu cầu thở." Một cõi lặng đôi khi ngấm ngầm dữ dội, như tùy bút "Những cơn man dại của trái phá".
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31309)
D ưới đây là bài “Nguyễn Hữu Hồng Minh - Nhà thơ hiện nay như con sói trụi lông...” của "Văn Chương Việt" phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Văn Chương Việt”TCHL
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37225)
Nhân viên mai táng đến thật đúng giờ khiến María Dos Prazerès, còn khoác áo choàng tắm và đầu gắn các kẹp tóc, chỉ kịp giắt một đoá hồng đỏ lên vành tai để không xuất hiện quá ít quyến rũ như bà đang ấn tượng về chính mình.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35136)
Đ êm đọc những bài thơ của em Quả thật không sao giấu được nụ cười Vài ý nghĩ muốn làm một tuyển tập Gồm những bài thơ cứt thời gian
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33043)
D ưới đây là bài “Trần Vũ: mỗi con người trưởng thành mang trong mình một tín ngưỡng văn chương” của Da Màu phỏng vấn nhà văn Trần Vũ. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Da Màu.” TCHL
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33069)
A nh giới thiệu với tôi tên cô nhưng không nói cô là gì của anh, một cách ngầm bảo tôi hiểu thế nào cũng được, cô có thể là tình nhân mà cũng có thể là em họ xa (chẳng hạn). Anh cũng nói thêm cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyến này sang Mĩ du lịch và định ở lại chơi chừng hai tháng. Cô đẹp, dĩ nhiên—tôi chưa thấy anh đi với người đàn bà không nhan sắc bao giờ—nhưng không còn trẻ nữa. Tuy thế thật khó đoán tuổi cô, có thể ngoài ba mươi, có thể hơn. Cô ít nói. Hình như cô chẳng để tâm gì đến câu chuyện giữa tôi và Quang mà chỉ ngồi trầm tư uống cà phê, phóng tia mắt ra ngoài khơi, nơi có những cánh buồn trắng dật dờ trên mặt biển như đang trôi về nơi vô định.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30379)
C on hẻm vắng người lạ kỳ dẫn cô vào một cửa tiệm u tối, ngoài cửa kính màu sắc thế kỷ thứ 18 chỉ treo vỏn vẹn một biển hiệu xộc xệch và bức tranh chân dung sỉn màu. Cô ghé lại gần nhìn kỹ và choáng váng; chân dung của chính cô, lệch lạc, méo mó nhưng đúng là đường nét Á đông của đôi mắt 1 mí cách xa nhau, sóng mũi thấp, gò má tròn dẹt và đôi môi hơi cong hai bên khóe.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 29877)
H đã rời bỏ nơi chốn chúng tôi cùng rong chơi “ nơi đó sặc mùi lừa bịp – H nói những cái thớt và những đứa liếm thớt H không chịu được mùi không phải của người”
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30056)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30638)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.