- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Triết lý nghệ thuật trong thơ Á Nam Trần Tuấn Khải

26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99022)

a_nam_trantuankhai
 Á Nam Trần Tuấn Khải (1894-1983)

 
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.

Những tưởng con người chứng kiến lắm sự đổi thay ấy sẽ phải có nhiều thay đổi trong cách cảm, cách nghĩ, trong nghệ thuật. Thế nhưng không. Ông xuất hiện là một nhà thơ Cũ, cho đến khi ra đi, ông vẫn là một nhà thơ Cũ. Điều đó khiến cho chúng ta không khỏi có những suy nghĩ về ông. Ông không thể đổi thay, hay ông không muốn thay đổi? Ông là người “chung tình” với nghệ thuật thơ Cũ, hay ông muốn trình bày một triết lý nghệ thuật của riêng mình?

Những đóng góp nghệ thuật chủ yếu của Á Nam Trần Tuấn Khải

Á Nam Trần Tuấn Khải là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của văn chương Việt Nam đầu thế kỷ XX, trước khi có Phong trào Thơ Mới. Xuất thân trong một gia đình Nho học, đồng thời tiếp thu tư tưởng học vấn phương Tây, ông bước vào con đường nghệ thuật từ rất sớm. Ông bắt đầu sáng tác từ khi chưa đầy 20 tuổi. Năm 1921, ông cho xuất bản tập thơ đầu tiên Duyên nợ phù sinh, rồi sau đó là Duyên nợ phù sinh II năm 1923, Bút quan hoài và Hồn tự lập năm 1924, Bút quan hoài II và Hồn tự lập II năm 1927, Với sơn hà năm 1936, Với sơn hà II năm 1949… cùng nhiều sáng tác theo các thể loại khác như tiểu thuyết Gương bể dâu (1922), Hồn hoa (1925), Thiên thai lão hiệp (1935), và nhiều kịch bản, dịch phẩm, tản văn khác, từ những năm 20 cho đến những năm 80 của thế kỷ XX. Nhưng thành công nhất trong sáng tác của ông là trên lĩnh vực thơ ca.

Thơ Á Nam Trần Tuấn Khải dù qua bao đổi thay, mãi mãi dường như vẫn chỉ là thơ của những năm 20 của thế kỷ XX. Nội dung thơ ông chủ yếu nói về tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình đồng chủng, nghĩa đồng bào, những thuỷ chung, tiết nghĩa, ân tình… mang đậm màu sắc đạo đức truyền thống. Sống trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, thơ ông chứa đựng một cảm hứng yêu nước âm thầm được thể hiện qua những sáng tác về đề tài vịnh sử, hay gửi gắm trong các tác phẩm về đề tài sinh hoạt, như tả nỗi lòng cô gái gánh nước đêm trăng, niềm tâm sự của người vợ trẻ nhớ chồng chốn xa xôi, tâm sự của bác hát xẩm, của anh đồ, của người khách chốn bình khang, người khách sông Hương, hay cô hàng bán nước, cô gái nhà nông … Những bài thơ Tiễn chân anh khoá xuống tàu, Gánh nước đêm, Mong anh khoá, Gửi thư cho anh khoá, Nhắn khách sông Hương, Đêm đi tìm bạn, Chơi xuân, Hỡi cô bán nước… là những bài thơ chan chứa tình cảm thương nước. Nếu như tâm sự “Non Nước” là tâm sự yêu nước tiêu biểu trong thơ Tản Đà, và hình tượng “Non Nước” trở thành hình tượng đẹp nhất về lòng yêu nước âm thầm trong thơ của thi sĩ Tản Đà, thì trong thơ của Á Nam, ta cũng thường thấy xuất hiện tâm sự này. Nhưng Á Nam đã sáng tạo nên một hình tượng thơ khác, hình tượng “Anh Khoá”. Sự chia ly giữa Đất Nước với chủ nhân chân chính của nó là Nhân Dân được biểu tượng bằng sự chia ly giữa Non và Nước trong thơ Tản Đà, nay lại được biểu tượng bằng sự chia ly giữa Anh Khóa với người vợ trẻ trong thơ Á Nam. Sự chia ly ấy là do đâu và đến bao giờ, vẫn là điều day dứt trong tâm hồn mỗi người khi đọc lại thơ của hai ông. Có lẽ những hình tượng “Non Nước” và “Anh Khoá” đã trở thành những hình tượng điển hình, phổ biến nhằm ngấm ngầm bày tỏ lòng yêu nước thương nòi không chỉ của các nhà thơ, mà còn của đông đảo người Việt Nam mọi thời đại.

Bây giờ đọc lại thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, nếu không đặt vào hoàn cảnh lịch sử của nó, chúng ta khó có sự đánh giá khách quan. Trong cái không khí ngột ngạt và tối tăm của đất nước sau khi các phong trào cần vương kháng Pháp thất bại, thì đây có thể là những âm thanh nghệ thuật được xem là trong trẻo và lành mạnh nhất. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà nhiều bài thơ của ông, nhất là những bài thơ về “Anh Khoá” lại được độc giả nồng nhiệt chào đón, truyền tụng, yêu dấu. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà những bài thơ ấy lại bị những kẻ cưỡng chiếm đất nước này, mà lúc đó là chính quyền thực dân, sợ hãi, cấm đoán.

Điểm đặc biệt về nghệ thuật là thơ của ông hoàn toàn làm theo lối cổ. Ông là một nhà thơ hoàn toàn Cũ. Các thể thơ thường được ông sử dụng là các thể thơ Đường cổ xưa: bát cú Đường luật, tứ tuyệt Đường luật, ngũ ngôn luật, thất ngôn trường thiên, thi ca liên hành, từ khúc… Bên cạnh đó, ông cũng thường sử dụng những thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát, thơ hát nói và nhiều thể thơ ca dân gian như hát xẩm, ngâm khúc, ca lý… Những thể thơ ca đó hoàn toàn không mới.

Có người nói rằng ông không có đóng góp gì đặc biệt cho sự phát triển của nghệ thuật thơ ca. Có người cho rằng nghệ thuật của ông không theo kịp được thời đại. Nếu nhìn qua, thì có phần đúng. Trong khoảng thời gian những năm 20 của thế kỷ trước, văn học Việt Nam đã bắt đầu có những biến chuyển quan trọng, chuẩn bị cho sự hình thành nền Văn học Mới với những tiểu thuyết, truyện ngắn theo xu hướng hiện đại như các tác phẩm của Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Bá Học… và đặc biệt là Hoàng Ngọc Phách với tiểu thuyết Tố Tâm. Bên những vần thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết… tuy không mới về thể cách nhưng tràn trề nhiệt huyết và tinh thần cách mạng của Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…, bên những nhà văn miệt mài tìm kiếm cách tân hình thức, hay bên cây bút tài hoa Tản Đà tuy được xem là nhà thơ Cũ nhưng có những cách tân tuyệt vời về thi từ và thi cú, là người được chính các nhà Thơ Mới “cung chiêu anh hồn” khi khai trương đài Thơ Mới, thì nghệ thuật thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải dường như không thật ấn tượng, không thật đột xuất, không có cách tân. Điều đó càng rõ hơn sau khi Phong trào Thơ Mới rầm rộ chiếm lĩnh thi đàn Việt Nam.

Tuy nhiên, như chúng ta thấy, ông vẫn là một trong những nhà thơ nổi tiếng, có nhiều độc giả vào loại bậc nhất ở nửa đầu thế kỷ XX. Thơ của ông đi vào lòng người theo cách của nó, và phù hợp với tâm hồn một bộ phận đông đảo con người thời kỳ này. Thành công là bởi ông đã triệt để khai thác thế mạnh của những lời ca dân gian. Những bài thơ hay nhất của ông là những bài được viết theo phong cách của những lời ca dân gian. Có lẽ không có nhà thơ nào của đương thời đã ngân lên tiếng lòng của mình bằng những cung bậc của lời ca dân dã thành công bằng ông. Những bài thơ Đường luật của ông không thật ấn tượng. Nhưng những lời thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói, những điệu hát xẩm, hát ví, sa mạc, ca lý… đã thực sự làm say đắm lòng người, nhất là lớp bình dân cả ở chốn thị thành lẫn nơi thôn dã. Nhớ Á Nam là người ta nhớ tới những bài thơ - ca mang tính dân gian ấy.

Bên những nhà thơ, nhà văn bắt đầu lần mò tìm kiếm những lối diễn đạt mới cho nhưng tư tưởng nghệ thuật mới, hay bên những nhà văn, nhà thơ diễn đạt những tinh thần mới của thời đại một cách mãnh liệt, ồn ào trong những thể cách thơ văn cũ, thơ ông thật hiền lành, lặng lẽ. Thế nhưng, ông đã lặng lẽ tự tạo cho mình một phong cách riêng, một lề lối thể hiện riêng, và một tư tưởng riêng, khiến cho nhớ tới ông là người ta phải nhớ tới một tiếng thơ riêng, nhớ tới những lời ca tha thiết, du dương và đầy quyến rũ. Nó cất lên trong trẻo trên bầu trời tối tăm vần vũ của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, và in sâu mãi vào tâm hồn người đọc.

Lặng lẽ, âm thầm và kiên trì cất lên tiếng hát trong trẻo gửi người phương xa trong nỗi buồn nhớ và mong ngóng, chính là hình ảnh của Á Nam không chỉ ở những năm 20 đầu thế kỷ XX, mà còn mãi sau này. Đó là một hình ảnh tưởng là quê cũ, nhưng trong bối cảnh ồn ào của những phong trào “Âu hoá”, “hiện đại hóa”, của những chủ thuyết và khuynh hướng đến từ Pháp, Liên Xô hay Mỹ… thì thật là lãng mạn. Có lẽ để đánh giá những đóng góp của ông vào lịch sử văn học dân tộc, chúng ta cần chú ý nhiều đến điều này, một điều tưởng rất bình thường dung dị, nhưng lại không phải ai cũng làm được, và nhất là không phải ai làm được một cách đầy ấn tượng như ông.

Á Nam Trần Tuấn Khải là một nhà thơ Cũ, từ bắt đầu cho tới kết thúc

Những điều trên là để nói tới một Á Nam Trần Tuấn Khải của những năm 20 cách đây ngót thế kỷ. Nhưng còn một Á Nam Trần Tuấn Khải trước những biến động vô thường của lịch sử gần trăm năm qua thì sao? Lật giở lại thơ văn ông, thật kỳ lạ, dường như ông không hề thay đổi sau hơn nửa thế kỷ sáng tác. Những tưởng điệu lục bát, điệu ca, điệu lý, điệu xẩm, điệu ví ấy… chỉ là nghệ thuật của ông ở những năm 20 trước khi có Phong trào Thơ Mới xuất hiện? Những tưởng khi Thơ Mới đã thắng thế và ngự trị trong đời sống thi ca Việt Nam thì không còn chỗ cho những điệu Thơ Cũ đó nữa? Những tưởng sau bao tháng năm sống hết dưới chế độ “thực dân cũ” lại đến chế độ “thực dân mới”, rồi chế độ “xã hội chủ nghĩa”..., tiếp xúc với bao trường phái văn học từ “lãng mạn” đến “hiện thực”, từ “hiện đại” đến “hiện sinh”, từ “nô dịch” tới “cách mạng”..., thơ ông phải đổi thay đi, phải Mới lên?
 
Thế nhưng, chúng ta vẫn chỉ thấy một Á Nam Trần Tuấn Khải không hề thay đổi. Đọc Với sơn hà I, xuất bản chính khi Phong trào Thơ Mới toàn thịnh năm 1936, chúng ta vẫn thấy ông lặng lẽ thả những dòng Đường luật, và nhất là vẫn ngân nga những câu lục bát, song thất lục bát, những điệu hát nói, những lời ca lý, xẩm, ví… cũ về những đề tài rất cũ, cả Khi tỉnh giấc, lúc Nghe người hàng xóm khóc, khi Trời mưa hỏi cô hàng gánh, lúc Cùng bạn văn học, Viết bức thư đêm… cho đến Với sơn hà II in năm 1949 cũng vẫn thế. Hay những bài thơ viết mãi sau này, gần cuối thế kỷ XX, như bài Mong tri kỷ viết năm 1970, Xuân Giáp dần viết năm 1974, Mừng xuân ất mão viết năm 1975… Và nhất là bài Mừng anh khoá về viết năm 1975, sau ngày đất nước hết cảnh chia ly, ta hoàn toàn bất ngờ khi gặp lại một Á Nam Trần Tuấn Khải dường như vẫn là một Á Nam của những năm 20 cách đó hơn nửa thế kỷ!

Năm 1914, khi mới vừa 20 tuổi, ông đã ví cảnh nước mất như sự chia lìa giữa người vợ với người chồng, giống như cảnh Nước - Non đôi ngả trong thơ Tản Đà, khi ông hoá thân trong vai một người vợ trẻ Tiễn chân anh khoá xuống tàu mà lòng ngơ ngác buồn:

Anh khoá ơi! Em tiễn chân anh xuống tận bến tàu
Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh…
Anh khoá ơi! Chữ tương tư vai gánh nặng nề
Giang hồ anh sớm liệu trở về kẻo nữa em mong…

Hơn 60 năm sau, năm 1975, ngay sau khi Nam – Bắc tái hợp, trong vai người vợ sau bao nhiêu năm mòn mỏi chờ chồng, ông nghĩ đó là một sự tái hợp, nên ông Mừng anh khoá về với nỗi mừng vui đến ngỡ ngàng, ngượng ngập và vẹn nguyên trẻ trung, xúc động:

Anh khoá ơi! Nhớ từ khi em tiễn chân anh xuống tận bến tàu
Mấy mươi năm đằng đẵng em những ôm sầu trông đợi tin anh…

Lúc đó, Á Nam xem sự tái hợp Nam – Bắc là một sự trở về của Non và Nước, của Đất Nước và Nhân Dân. Có lẽ sự liên tưởng nào về mặt nội dung của thơ ca cũng ít nhiều là gán ghép. Nhưng điều chúng ta thấy ở nghệ thuật thơ của Á Nam một thực tế khó phủ nhận, rằng, trong khi nhân tình biến đổi, thế cuộc vần xoay, và các hình thức nghệ thuật ào ào tiến lên phía trước, thì, hình như một mình Á Nam Trần Tuấn Khải vẫn đứng lại với thời xa vắng. Ông vẫn đắm mình trong những câu ca, điệu lý, giọng xẩm cổ xưa. Đọc những vần thơ của ông viết bây giờ (tức là những năm 70, 80 của thế kỷ XX), so với những vần thơ ông viết của hơn 60 năm trước, mà thấy dường như âm điệu không hề thay khác. Chúng ta bỗng nhận ra rằng, ông thật là lãng mạn. Ông vẫn như người vợ trẻ thuỷ chung chờ đợi “Anh Khoá” thuở nào, ông vẫn chung tình với những lời ca dẫu là rất Cũ nhưng thật trong trẻo, tha thiết và quyến rũ của “buổi ban đầu lưu luyến ấy”. Hỏi trong văn học của chúng ta, có mấy ai lãng mạn được như thế? Lãng mạn đâu phải chỉ là đuổi theo những mối tình mới. Lãng mạn có khi còn là ôm mãi một mối tình xưa cũ chẳng tàn phai. Và đến đây, hình tượng “Anh Khoá” sau hơn nửa thế kỷ dường như lại có thêm một ý nghĩa mới, không phải chỉ là cái hình tượng bày tỏ lòng yêu nước thương nòi trong sự chia ly có phần ai oán, não nề của Non và Nước, của Anh Khóa và người vợ trẻ, mà dường như vẫn ngấm ngầm bày tỏ niềm tin sắt đá về một ngày đoàn tụ nhất định sẽ đến sau những phong ba, bão táp của thế cuộc?

Sự “chung tình” hay một triết lý nghệ thuật?

Đọc thơ ông, buộc lòng người ta phải đặt ra câu hỏi: Ông không có khả năng thay đổi? Hay ông không muốn thay đổi? Theo chúng tôi, hình như ông là người không muốn đổi thay. Ông mãi chung thuỷ với những vần thơ Cũ. Ông mãi là một nhà thơ Cũ giữa thời đại thơ Mới, giữa thời “hiện đại”, hay thậm chí “hậu hiện đại”. Bản thân sự việc đó chẳng nói lên điều gì hay sao? Cũng có thể ông không theo kịp thời đại như có người quan niệm. Cũng có thể ông bảo thủ và cố chấp. Nhưng chúng tôi không cho là như vậy. Và ông không có lý gì phải như vậy. Chúng tôi cho rằng, bằng nghệ thuật của mình, và bằng cả cuộc đời của mình, ông muốn trình bày một triết lý nghệ thuật mà ông kiên trì bảo vệ, rằng:
Không phải mọi cái Mới đều có giá trị và mọi cái Cũ đều vô giá trị. Mọi cái Mới rồi cũng sẽ Cũ, nhưng cái Cũ mà vẫn được chào đón thì nó là luôn luôn Mới. Hướng về dân tộc là một việc nên làm. Nguyễn Du học tiếng nói của người trồng dâu trồng gai trong những lời ca nơi thôn dã (“Thôn ca sơ học tang ma ngữ” – Thanh minh ngẫu hứng) để làm nên Truyện Kiều, thì ông cũng học tiếng ca của nhân dân lao động trong câu ví, điều xẩm, điệu lý để làm nên sức sống cho thơ ca của mình ngay cả khi phong trào “Âu hoá”, “Tây hoá”, “ngoại hoá” đã thành thời thượng trong văn hoá và văn học.
Trong cái thế giới lắm đổi thay thì không thay đổi cũng là một triết lý sinh tồn. Trong cái biến ảo khôn lường của nhân thế, khi vạn vật dường như chỉ còn là một “sát na”, một “điện ảnh” rồi tan biến vào hư không, ông muốn tìm tới chỗ “thường trụ” cho nghệ thuật của mình, đó chính là tiếng thơ, là âm thanh của dân tộc. Điều đó phải chăng là không mới, khi nó đã được kiểm định trong những hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt của văn học hiện đại Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua? Thơ ông đã vượt qua được hoàn cảnh đó. Nó đâu chỉ là lời ca tương hợp với tiếng lòng của con người trong một cung đoạn của lịch sử xa xưa, mà nó còn có thể tương hợp với tiếng lòng của không ít con người bây giờ, nhất là trong thời buổi mà Nhân Dân vẫn mải miết tìm kiếm vai trò chủ nhân của mình với Đất Nước mình, khi mà đời sống văn hoá, đời sống nghệ thuật dân tộc có nhiều dấu hiệu của một sự khủng hoảng, khi mà lơ lửng treo trước mắt nhiều nghệ sĩ bây giờ một câu hỏi chưa hẳn đã được trả lời rốt ráo: “Nghệ thuật của chúng ta đang đi về đâu?”
Tuy nhiên, sự “chung tình” một cách cố ý, thậm chí cố chấp của Á Nam Trần Tuấn Khải không phải bao giờ cũng thành công, nếu không muốn nói rằng nhiều khi thơ ông rơi vào lạc lõng trong thế giới đầy cách tân và thay đổi này. Nhưng ông đã khiến mọi người nghĩ ông đúng là như thế. Và như thế, phải chăng ông đã thành công? Nếu trầm lắng đọc thơ ông, chúng ta sẽ có thể ngộ ra nhiều điều thú vị. Dường như đấy là một triết lý nghệ thuật, thậm chí, một triết lý văn hoá! Theo cách mà Á Nam Trần Tuấn Khải thể hiện thì có thể hiểu, cái mà mọi sự đổi thay, cách tân, hiện đại cần phải dựa vào để tồn tại, chính là truyền thống dân tộc, chính là Dân tộc. Và trầm lắng dưới những dòng thơ hoài cổ của ông, ta vẫn thấy ngân lên thao thiết khát vọng xum vầy của Non và Nước, của Đất Nước và Nhân Dân.

Nguyễn Phạm Hùng
(Đại học Quốc gia Hà Nội)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Giêng 201611:26 CH(Xem: 25614)
Tôi im lặng khóc lặng lẽ trên đường đến sân ga. Tôi cũng không hiểu vì sao mình lại khóc. Lần đầu tiên trong đời, tôi đi chuyến tàu đêm xuyên Việt – một mình – băng qua đất nước tôi với một tâm hồn nặng trĩu.
01 Tháng Giêng 201611:15 CH(Xem: 27413)
Sau khi hoàn tất xuất sắc công việc biên soạn, xuất bản và ra mắt phần một Én Liệng Truông Mây của bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử Tây Sơn Tam Kiệt, nhà văn Vũ Thanh đã miệt mài gần hai năm dài để hoàn thành tiếp phần hai Nhất Thống Sơn Hà mà quý độc giả đang có trong tay.
01 Tháng Giêng 20161:34 CH(Xem: 28595)
Muốn viết nhiều về hạnh phúc / về khúc ca nhẹ nhõm không lời / nhưng phút giờ này chỉ nỗi buồn hiện diện / chứng nhân cho màn đêm /
29 Tháng Mười Hai 20152:54 SA(Xem: 27657)
bản phụ lục mùa đông / mang hơi lạnh không nằm trong dự báo hôm nay / nhưng sẽ mạnh dần lên thành cơn bão ngày mai / nhấn chìm mọi thứ / kể cả em mỗi sáng hư gầy ...
28 Tháng Mười Hai 20152:57 CH(Xem: 26869)
Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Như Quỳnh de Prelle, hiện đang sống tại Brussels, vương quốc Bỉ. Đã từng là nhà sản xuất phim độc lập và hoạt động trong lĩnh vực truyền thông PR, viết báo về phim ảnh, văn hoá nghệ thuật và giải trí tại Việt Nam. Học bổng của Quỹ Ford tại Việt Nam về Biên kịch và sản xuất phim Khoá 4, Dự án điện ảnh.
28 Tháng Mười Hai 20152:10 CH(Xem: 26376)
Nguyễn Huyền Thoại Vy là tên thật. Là một giáo viên Ngữ Văn ở Đà Nẵng. Thơ Vy viết từ cảm xúc chân thực, nhẹ nhàng mang những nét trầm buồn, dìu dịu... Hợp Lưu xin giới thiệu những thi phẩm của Nguyễn Huyền Thoại Vy đến với bạn đọc.
20 Tháng Mười Hai 20159:19 CH(Xem: 26467)
Hay là mình thử yêu thật đi anh / Bắt đầu từ thế giới của anh, của em / Bắt đầu từ một hành tinh nào đó / Nơi tình yêu trở thành điều thiêng liêng không nhuốm màu của gió /
18 Tháng Mười Hai 20153:37 SA(Xem: 28022)
Khi chúng ta không còn online/ Trong mùa Giáng Sinh này / Thành phố vẫn ngủ và thức dậy / Một nơi không còn nghe thấy tiếng gà gáy / Em chỉ cảm nhận được lời cỏ cây / Xanh trong lời anh từng nói / Nhớ em /
18 Tháng Mười Hai 20153:13 SA(Xem: 26771)
Mọi thứ đều trở nên vội vã em lật lại ngày bao dung để chúng ta cùng già đi trong ngàn năm tuổi đợi chờ rong ruổi anh sẽ kể cho em nghe thật nhiều về lá thu chẳng kịp vàng năm ngoái em lật lại ngày khỏa lấp những mạc ngôn
18 Tháng Mười Hai 20153:00 SA(Xem: 27150)
/Mai mốt rồi thôi buồn cũng cũ / Mộng chút rong rêu phủ lại mình / Rồi cũng ngày qua mùi gió chớm / Trong tàn thư cũ mùa đau thương /