- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sương rụng lưng chừng

17 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 103719)
califoniastorm_photolauranott-content

 California Storm / photo Laura Nott


“Mây bay bao năm tưởng mình đã quên…”

Trước đó vài giờ, chị không có ý định sửa soạn cho mình một chuyến đi. Chỉ độc chiếc vali với vài bộ đồ cần cho mùa lạnh. Chị nghĩ đến một nơi nào đó xa xa thành phố bụi bặm này, một vùng đất đủ sự mênh mang và xa cách.

Con tàu lùi lũi rời thành phố giữa lúc từng cơn mưa bụi gối lên nhau mê mải, những cung đường lồng lộng mở ra trước mắt. Phía sau lưng, thành phố đông đúc và ẩm ướt khuất dần. Ngày ra mắt họ hàng, anh cũng đưa chị về trên chuyến tàu như thế. Cũng một ngày mưa bụi gối lên nhau. Chị bảo: Em mơ thấy con tàu chạy ngược chiều trên toa tàu ghi những kí hiệu kì lạ. Anh cười: Kí hiệu kì lạ của em chỉ là những con số thôi mà. Rồi chị lại mơ, ai đó bảo những con số ấy nằm ngoài dãy số tự nhiên. Chúng cứ múa may chực rớt khỏi toa tàu. Nếu như vậy thì nó vô nghĩa, em yêu ạ. Anh nói mơ hồ khi cơn buồn ngủ ngập dần. Đó là câu chuyện vu vơ của mười mấy năm về trước.

 

Anh bảo anh cô đơn. Thằng con lớn hỏi: Mẹ cô đơn không? Chị cười nửa miệng: Cô đơn chẳng để làm gì. Chị đã mất anh bởi một con nhóc học trò. Con nhóc ấy vừa mang vẻ bề ngoài nhí nhố nhưng đôi lúc lại vừa tỏ vẻ chín chắn, trưởng thành. Nó ngồi ngay bàn đầu, thầy cô giảng gì cũng gật gật, đều đều một nhịp điệu như tiếng mõ sư thầy tụng kinh. Nó là đại diện của một chỉnh thể không thống nhất với cái đầu có khuôn mặt xảo quyệt, cái cằm nhọn hoắt, đôi mắt hay liếc ngang liếc dọc nhưng từ cổ xuống đến gót chân thì lúc nào cũng khúm núm, dáng đi cũng khúm núm như thể nó sẵn sàng làm bất cứ việc gì từ cao sang đến hèn hạ, từ bí mật đến công khai. Thế mà cuối cùng anh đã “phải lòng” nó (theo cách nói của mấy cô đồng nghiệp). Có thể lắm chứ. Sự khác biệt cho dù là lố bịch trong đời sống này nếu biết xuất hiện đúng lúc thì đôi khi cũng là chỗ bấu víu, an ủi cho sự cô đơn. Cái đầu gật gật của nó đã hằn một vệt trong trí nhớ anh giữa một lớp học đến mấy chục cái đầu không biết gật mà cũng chẳng khi nào lắc, mấy chục khuôn mặt như được nhân bản, cứ nghệt ra, vô hồn…

 

Bây giờ chị đang đứng trước con đường nguệch ngoạc như nét kí họa. Gã xe ôm nhận tiền rồi thả chị xuống lưng chừng con dốc phóng như bốc hơi theo làn sương. Ghé vào khu nhà nghỉ nằm chon von bên sườn núi, chị nhận phòng, thu xếp đồ đạc rồi khoác chiếc váy dạ và xỏ đôi giày bệt ôm vừa vặn đôi chân. Chị muốn đi dạo loanh quanh phố núi nhỏ hẹp này, hít thở không khí bảng lảng buổi chiều tà. Nhìn từ trên cao, sông Lô mờ như vệt mây uốn lượn cuối trời. Mùa này, từng cụm cỏ bồ công anh đơm hoa xoe tròn, dịu nhẹ như bông xoay tít theo chiều gió. Bên vườn rau xanh mướt mát, những người đàn bà lúp xúp nón mê, trùm khăn chỉ còn hở ra hai con mắt đang lom khom chăm chút khu vườn theo kiểu vừa lặng lẽ lại vừa cam chịu. Họ có khổ hơn mình không? Biết thế nào là khổ. Anh vẫn bảo rằng: Đời khổ nhất là chẳng ai biết ai đang nghĩ gì. Chị nhìn vào mắt anh, một vùng tối và sâu như hút xoáy. Chị nghĩ thầm: Biết rõ ai đang nghĩ gì có khi còn khổ hơn. Hai người ngồi đó mà như tan biến vào đêm khuya không dấu vết. Theo thời gian, những cuộc đối thoại giữa chị và anh cứ ngắn ngủi dần và rơi vào im lặng. Cũng có người bảo tại chị già trước anh.

 

Chị mắc căn bệnh kì lạ ấy khi anh ngoại tình. Đôi lúc, bất chợt chị lăn đùng ra bất tỉnh. Cảm giác mình rơi tõm xuống vũng đen, tối và sâu như hút xoáy. Chị cố vẫy vùng mà không sao trốn thoát. Mọi thứ xung quanh chao đảo, hòa lẫn vào nhau. Nửa đêm chị lại tỉnh giấc, lặng lẽ, mò mẫm như bóng ma. Chị hát một mình. Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời. Nước mắt không hẳn lúc nào cũng xoa dịu được nỗi buồn. Trái lại, những giọt nước mắt chảy lẫn vào bóng đêm hằn vết thâm lõm chân chim trên mặt chị. Bác sĩ bảo: Hãy cẩn thận, da chị đang dần mất đi sự đàn hồi. Chị vẫn đứng trên ban công dán mắt xuống ngã ba trước ngõ, đêm nào cũng có một ả cave gương mặt trắng bệch, mái tóc xác xơ xõa ra mỏi mệt, mắt nhìn như thôi miên qua trạm xe bus bên kia đường, túm tụm từng nhóm sinh viên và dân lao động tỉnh lẻ. Anh phả những vòng khói thuốc và vào nhà muộn hơn. Chị luôn có cảm giác chính người đàn bà này sẽ mang anh đi xa. Hai đứa con chị, thằng nhỏ hỏi thằng lớn: Nó có bị HIV không nhỉ?. Cho chết cái lũ nhà quê dính vào. Giọng thằng lớn bỗng dưng cục súc. Nó không cần biết cái lũ nhà quê mà nó nói sẽ đụng chạm tới những ai. Rồi nhiều ngày sau đó, chị không còn nhìn thấy cô ả nữa. Hay chính anh, chính anh đã mang cô ả đi xa. Cảm giác mơ hồ luôn túc trực trong chị đã đảo ngược chiều lúc nào không hay biết.

 

Sương bay lan man như mưa bụi nhưng thanh thoát, mơ hồ. Cái lạnh của hơi nước rấm rứt cựa quậy trên da thịt. Con đường quanh co trước mắt chị bỗng dưng mất hút cùng vườn rau xanh và những nón mê lúp xúp. Sương mù như tấm lưới trời bủa vây tứ phía. Tầm nhìn lúc này có lẽ chỉ còn vài mét. Điện thoại câm sóng. Nếu như chỉ cách đó ít phút chị mong gặp người đi qua để hỏi đường về nhà nghỉ thì ngay khoảnh khắc này bỗng dưng chị thấy sợ. Một bóng người. Một tiếng bước chân. Thậm chí một vài bóng người. Đôi ba giọng nói… Tất cả đều có thể lọt thỏm và mất hút giữa nơi này. Trong làn sương mờ ảo, khuôn mặt con nhóc học trò và ả cave vẫn đứng trước ngõ hiện ra mồn một ngay sát bên chị, hai khuôn mặt, hai thân hình ấy hòa lẫn vào nhau, nhìn chị cười bí hiểm. Hay chính anh đã mang họ trở lại đây. Một luồng điện chạy dọc sống lưng. Có ma lực nào đó hất chị về phía trước. Chị vẫn còn vài giây tỉnh táo để kịp nghĩ: Biết gọi tên ai bây giờ?

 

Anh vẫn đúng giờ đi làm, đúng giờ tan sở, đúng giờ đón con, vẫn đều đặn thứ năm hàng tuần đưa chị tới phòng khám. Nhìn anh điềm tĩnh xoay vô lăng, chị hay nghĩ mông lung: Khi đi với con nhóc ấy chắc anh vẫn còn đủ sĩ diện để không đi bằng ô tô riêng thế này. Bác sĩ điều trị là một người phụ nữ đơn thân có cậu con trai nhỏ. Nghe nói, cô ta cũng từng mắc phải căn bệnh ấy. Trước đó, cô bị hết bệnh nọ tới bệnh kia. Mỗi lần đưa cô tới gặp bác sĩ, chồng cô lại càng thêm ngán ngẩm. Bác sĩ, đơn thuốc và cách điều trị thay đổi như thời tiết. Anh hết yêu vợ lúc nào không hay. Anh ta ngà ngà ở quán bia: Không lẽ bây giờ ra tòa. Lý do gì đây, chẳng nhẽ lại bảo tôi hết yêu vợ sau mỗi lần đưa cô ta đi bệnh viện. Ai nói và ai tin. Ngay cả đứa con trai đầu mới hơn bốn tuổi cũng tỏ ra ghét mẹ vì mẹ cứ hay ốm. Mẹ ốm, bố bận làm việc, bận công tác, không ai đưa nó đi chơi, mẹ không âu yếm nó, không kể chuyện cho nó nghe mỗi tối, chiếc áo nó thích bị vấy bẩn, mẹ bảo nó vứt đi mua cái khác. Phải mất bao nước mắt cô mới có được quyền nuôi con.

 

Hình như em đang gặp chuyện gì căng thẳng. Chị cười nửa miệng. Người bạn hơn mười năm không gặp bỗng xuất hiện trước mặt chị, đường đột như mơ. Phố núi mờ sương, Thiêm cùng nhóm bạn kéo nhau đi vẽ cảnh. Nhớ thời đại học, chị, Thiêm và anh thường phóng xe máy từ thành phố lên đây, bày đồ nhắm và rượu trên một tảng đá lớn từ lúc non trưa tới gần nửa đêm. Chị ngồi chênh vênh gần con suối róc rách, anh ngồi một góc tảng đá mà gần như chắn ngay chính giữa, còn Thiêm ngồi kề mấy chùm lá trúc đào lao xao rủ bóng. Ba người cười nói huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Thiêm bảo: Ra trường rồi mỗi đứa một nơi, hai người lấy nhau cho bớt phần xa cách. Không thể hiểu nổi cái ngụ ý “hai người” của Thiêm đang ám chỉ ai và ai trong số ba người. Anh vỗ đùi cười váng lên. Lẫn vào tiếng suối trong veo len lỏi, giọng chị nửa thật nửa đùa: Lấy nhau rồi có khi xa cách hơn. Thiêm bỗng nhìn vào mắt chị ăm ắp ngỡ ngàng. Không đâu, chẳng qua vì chúng ta đang gần nhau quá. Chỉ có anh vẫn thản nhiên đầy bí ẩn.

Tảng đá lớn ngày ấy vẫn vẹn nguyên, chỉ con suối là thay đổi. Người ta đặt đến mấy chục đường ống dẫn nước suối trực tiếp về các nhà nghỉ, còn lại những dòng chảy lạc loài tỏa đi như mất phương hướng.

Người ta bảo em mắc bệnh, em cần thu xếp nghỉ ngơi, còn anh, sao lên đây? Chị nói sau khi uống vài ly vodka ửng men lên má. Cũng như em thôi. Như em? Anh nghĩ vậy. Cuộc đối thoại được nối lại sau gần mười năm trong phút chốc bị hơi men làm ngắt quãng. Một trong ba người vắng mặt, chỉ có những dòng nước lạc loài vẫn chảy lan man.

 

Con nhóc ấy tống tiền anh bằng đoạn video nhạy cảm. Khốn nạn cái kiểu tống tiền vừa ăn cắp vừa la làng. Nó đến trước mặt anh khóc lóc kêu gào. Nó sụt sịt bảo: Mấy đứa nó quay trộm bằng điện thoại. Anh chết điếng người. Đứa nào? Quay…quay…lúc nào?. Một nhóm cơ, em không biết. Mà biết để làm gì? Giọng nó đột nhiên giãn ra, tỉnh bơ. Chỉ cần biết có đoạn video này là đủ. Rồi nó gục đầu vào vai anh khóc như cha chết. Đến nước này anh còn biết làm gì. Nửa đêm, anh ngật ngưỡng trở về nhà. Vợ chồng đụng nhau ngay ngưỡng cửa. Chị nhìn anh như biết rõ cả rồi. Anh luôn có cảm giác mình đang sụp đổ, đang vỡ vụn ra mỗi lần đối diện với chị. Anh cô độc quá. Hình như người đàn bà ấy chưa bao giờ thuộc về anh. Chị như dòng nước lạc loài bao năm nay cứ mặc nhiên chảy xiết qua anh không mảy may vướng bận. Chị mãi là một vệt màu khói sương, u uẩn còn sót lại trong những bức tranh của Thiêm ngày ấy.

 

Lần cuối khám cho chị, cô bác sĩ bảo: Khá hơn nhiều rồi đấy, giai đoạn điều trị tiếp theo bản thân chị mới là yếu tố quyết định. Cô giữ chị lại ăn bữa tối và nói chuyện lâu hơn. Mùa hè năm nay, cô ta dự định gửi con về bên ngoại và đi hưởng tuần trăng mật lần thứ hai mãi Nha Trang. Chẳng hiểu vì đâu, trong căn phòng khách trông ra đường phố nườm nượp người xe, hai người đàn bà lại nói với nhau rất nhiều về cái chết. Ủ tách trà trong tay, chị lặng lẽ ngước nhìn những hạt hoa sữa có cánh loay xoay theo chiều gió. Cô bác sĩ mộng mơ hay lập dị đã gọi chúng là những xác chết cỏn con bay trên đầu thành phố. Chúng ta cũng đâu có ràng buộc nổi mình. Một người đàn ông làm cửu vạn trên thành phố, lam lũ, bốc vác quanh năm cũng tự cho mình cái quyền không lưu số điện thoại của vợ con mà toàn lưu số cave. Chị tin không? Tận mắt tôi chứng kiến hôm về quê đấy. Cô bác sĩ đem tặng chị một con sáo mỏ vàng và không quên dặn thêm: Đừng buộc nó phải học nói tiếng người. Chị đặt con sáo vào chiếc lồng nhỏ nhắn treo trên ban công. Đã có thêm một người bạn nhỏ. Nhất định hàng ngày chị sẽ ngắm nhìn con sáo mỏ vàng này mà nhớ đến cô ta.

 

Đêm phố núi buồn so ngay cả khi ngồi giữa cuộc ồn ào. Thiêm đưa chị xuống phố ăn đêm. Phần nhiều là những người trẻ tuổi ham vui, vài cặp tình nhân đứng tuổi dắt díu nhau lên đây để tìm lại kí ức ở góc quán có phần kín đáo. Hai người ngồi vỉa hè, gọi đồ ăn cũng mỏi cả tay, khản cả giọng. Bên cạnh họ là nhóm thanh niên tây ta lẫn lộn đang cao giọng chúc tụng nhau và… hát quốc ca. Sự ồn ào chớp nhoáng lây sang chị cảm giác chộn rộn. Những mảnh kí ức đứt rời như đang lầm lũi trôi về. Hai người lấy nhau cho bớt phần xa cách. Ngày xưa, Thiêm đã đặt ra phép toán oái oăm ấy khiến cả ba người hoang mang vì một lời giải đáp. Cũng buổi chiều mù sương, cũng trong khoảnh khắc tầm nhìn chỉ còn vài mét ấy, chị đã định gọi tên Thiêm, nhưng người xuất hiện trước mặt chị sau màn sương ấy lại là anh. Vẫn ánh mắt thản nhiên đầy bí ẩn. Chị nép vào anh âm thầm và cam chịu.

Những dòng nước lạc loài bất chợt âm vang róc rách. Anh vẫn đợi một ngày em quay lại phố núi này. Thiếu em nơi này vẫn đẹp, vẫn vui mà. Vẫn đẹp, vẫn vui, nhưng để buồn mới khó. Bàn bên cạnh, mấy bóng người uống rượu say hát nghêu ngao, lè nhè đập bàn gọi chủ quán tính tiền. Chị nhận ra con nhóc ấy loăn xoăn tóc vàng ngả ngớn bám vai một thằng nhóc trạc tuổi nhau. Mắt nó gườm gườm nhìn chị nhưng cái dáng điệu cũng lại khúm núm làm nên một kiểu đối thoại cùng lũ bạn. Điện thoại reo, giọng thằng con nhỏ. Con sáo chết rồi mẹ ơi. Sao mà chết, con? Con và anh quên cho nó ăn, à không phải, hình như có cho ăn nhưng nhầm thức ăn cá cảnh. Rồi sao nữa? Thì nó chết. Tai chị ù đặc. Cũng may chị chưa dạy nó nói tiếng người. Nếu biết nói tiếng người, lúc này không biết nó sẽ oán trách gọi tên ai? Chị dựa vào Thiêm. Những ngón tay nổi gân trắng xanh run rẩy. Chị vẫn đi tìm câu trả lời, ngày ấy, sau màn sương, sao Thiêm không xuất hiện.

Gần khuya, quán ăn bắt đầu đóng cửa, Thiêm đưa chị về nhà nghỉ. Con đường phía trước liêu xiêu như vắt mãi đến lưng trời. Sương xuống gần hơn. Ánh sáng lấp ló của mấy chòm sao và những chùm đèn đường rủ nhau trốn biệt. Sao em im lặng? Cả ba chúng ta giờ xa cách quá chừng. Phép cộng của Thiêm ngày nào giờ đã tìm ra đáp số. Nhưng những con số vẫn tự tách mình ra để kiếm tìm một phương hướng khác.

 

Chị quyết định quay về. Bỏ lại Thiêm với những bức tranh phố núi từ năm nảo năm nào vẫn luôn dang dở. Đêm hôm ấy, khi chị vờ ngủ say, Thiêm lặng lẽ kéo kín bức rèm màu khói và rời đi không tiếng động. Những ngọn gió từ đồi cao cứ thổi mãi, mơ màng như những đóa hoa bồ công anh. Thiêm phủ lên những bức tranh từng vệt sương mờ ảo. Trong một cuộc triển lãm, Thiêm trả lời cánh phóng viên: Không ai biết sau màn sương điều gì đang xảy đến. Sẽ đẹp hơn nếu chúng ta còn là bí mật của nhau. Chị lại thấy đoạn tàu chạy ngược chiều. Người ta bảo phía trước đoàn toàn ấy chẳng có sân ga nào đâu. Thế mà cứ nhấp nhô qua những ô cửa toàn người là người. Mỗi người đều được ghi bằng một kí hiệu kì lạ nằm ngoài bảng chữ cái và dãy số tự nhiên.

Anh đón chị ở ga. Trên người chị còn nguyên bộ váy dạ, đôi giày bệt và chiếc điện thoại mang về từ khoảnh khắc câm sóng.

 

Chẳng biết từ bao giờ tôi mắc căn bệnh ấy. Tôi nghĩ chuyện này có liên quan đến những nhân vật thường ghé thăm giấc mơ của tôi. Đôi lúc, mọi thứ cứ lẫn lộn vào nhau không tài nào phân định. Mà tôi thì luôn muốn rành mạch mọi chuyện. Ngay cả khi ngồi giữa cuộc ồn ào, tôi cũng bị rơi vào hút xoáy tối và sâu. Hình như họ vẫn thường đợi tôi ở đó. Nhưng lúc này, những nhân vật của tôi bỗng dưng biến đâu mất hút. Không dám nghĩ mình đang cô đơn. Anh bảo tôi nên có một chuyến đi xa. Và tôi chọn phố núi quanh năm sương rụng lưng chừng để vẽ lối về cho những dấu yêu còn lại.

 

 Lữ Thị Mai

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 33442)
t ôi rượt mặt trời về bên kia núi hoàng hôn vỡ buồn bật khóc thơ ngây tôi thấy em của những ngày ngơ ngác nơi cuối trời hoan lạc tàn phai
28 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 34823)
N hư những giọt mưa từ trời muôn đời tìm về đất Ta tìm nhau Sài Gòn nỗi nhớ giăng mây Em giấu mưa đầy mắt
28 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 33150)
S au khi mẹ cô bỏ mấy chị em cô và cha cô đi theo tiếng gọi thăm thẳm của núi xa. Cô lại càng khát khao thấy núi. Cô giận mẹ. Nhưng Cô không thể hiểu cha. Người đàn ông của đồng bằng đơn giản , phẳng lặng đó không hề oán trách, hận thù người đàn bà đã nhẫn tâm từ bỏ gia đình. Cha gói ghém hành trang, dắt 2 chị em cô đi tìm mẹ.
28 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 35371)
“Bỏ Đảng hay là bỏ con Lan?”. Ông Kí trừng mắt nhìn thằng Rừng . Đời thằng Rừng chỉ có hai người mà nó thương yêu nhất . Đó là ông Sáu và con Lan . Ông Sáu thì chết rồi . Còn con Lan, chồng không về, mà cái bụng cứ lùm lùm ngày càng to biểu nó bỏ sao đành, vả lại như lời ông Kí nói . Cái chính trị ấy đâu phải là của nó . Nó là rừng, là mủ chai, là trái ư .. Thôi thì cứ cởi bỏ cái áo xã đội trưởng, mà dẫn con Lan về ngôi nhà cũ sinh sống. 
19 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 59635)
Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ qua ba giai đọan trong vòng ba năm tới và chế độ của nó sẽ cáo chung vào năm 2016, theo tạp chí Frontline của Hương Cảng, một tờ báo tập trung phân tích tình hình chính trị Hoa lục.
19 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 39637)
Chưa khi nào, từ lúc vung khẩu hiệu Hữu nghị Việt-Trung, Đảng cầm quyền ngậm đắng nuốt cay 16 chữ vàng như lúc này. Bao nhiêu khiếp nhược quỵ lụy dâng đất dâng thác với ôm hôn thắm thiết, vô ích. Đàn áp dân biểu tình chống Tàu để chứng tỏ hòa hiếu, vô ích. Gửi sĩ quan Việt sang cho Bắc Kinh tập huấn, ưu tiên các dự án thầu cho công ty Trung quốc, ngay cả chấp nhận điều kiện mai hậu nguy hiểm: cho phép Hoa kiều sinh sống đông đúc không cần chiếu khán trong các đặc khu, vẫn vô ích .
19 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 31084)
C ửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng được Nxb Văn Nghệ phát hành tại Hoa Kỳ lần đầu tiên năm 2000, đây là lần tái bản thứ ba ở hải ngoại nhưng là lần đầu tiên có sự hợp tác của một nhà xuất bản trong nước.
15 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 29413)
Lúc này, đám đông xuất hiện ở các con đường đã nhiều hơn. Họ đang cần cái gì đó để giải tỏa, cần một cái gì đó để đập phá, thể hiện sức mạnh của mình. Vừa chạy vừa điểm lại các sự kiện, Văn nhắc tôi rằng phần lớn những người có vẻ như chỉ huy, hướng dẫn mọi người, đều chạy trên các xe có biển số 36 – số Thanh Hóa. Tôi sực nhớ đến một người bạn ở Bình Dương đã nhắn tin nói với tôi về các cuộc bạo động xảy ra, một cách buồn phiền rằng “người Bình Dương không tệ như vậy, phần lớn các người gây bạo loạn đều đi xe số ba mươi mấy”. Quả là như vậy thật. Những người chạy trên những chiếc xe có số như 36, đều trang bị kỹ lưỡng bằng ống sắt, xà beng, cờ trống… như một cách có tính toán trước.
15 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 29197)
L úc 10g sáng ngày 14/5, Tôi cùng 2 người bạn là Thiên Văn và Phạm Thy quyết định chạy xuống khu Gò Vấp, gần Lái Thiêu, khi nghe nghe tin các công ty ở khu Tân Thới Hiệp bắt đầu có đình công. E rằng sẽ có đập phá và bạo động, chúng tôi không dám mang theo nhiều máy móc, chủ yếu là mang theo sự liều lĩnh, để tìm hiểu vì sao lại có những chuyện đập phá và cướp bóc như trên các trang mạng xã hội mô tả.
14 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 34090)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Hoàng Hải Lâm, sinh năm 1979, hiện đang sống và làm việc tại Quảng Trị, Việt Nam, đã có một số truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ, Lao động, Tiền Phong.... Với lối viết lạnh, khô khốc, truyện ngắn “Sông Tô Châu” của Hoàng Hải Lâm như vết cắt sâu về nỗi bất hạnh và đớn đau…Xin mời quí bạn đọc cùng chúng tôi đi vào không gian truyện "Sông Tô Châu". (Tạp Chí Hợp Lưu)