- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đọc ‘Lững thững giữa Đời’ của Lê Thiệp: Những nét phác thảo chân dung báo chí Việt Nam tự do

16 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 95317)

Nhìn cái tựa sách, ngắm bức hình người bạn đồng nghiệp (dư) cầm bút, đồng nơi sinh (Sơn Tây) và đồng tuổi (song thua tôi mấy tháng) chít cái khăn đầy vẻ giang hồ trên hình bìa, tôi không khỏi mỉm cười. Lững thững, theo vdict.com, là thong thả, ung dung, như trong “đi lững thững ở bờ sông,” và informatik.uni-leipzig.de cũng dùng cùng một định nghĩa.

Có thật bạn tôi lững thững? Những người thuộc thế hệ tôi là những người sinh ra vào lúc bắt đầu một cuộc chiến (chống Pháp và song song là những cuộc thanh toán tàn khốc người Quốc gia của Cộng sản); và, mặc dù chúng tôi có được mấy năm nếm mùi đại học vào đầu thập niên 1960 khi Miền Nam còn thanh bình, đã lớn lên vào lúc một cuộc chiến khác bắt đầu. Thế nên hình như thường xuyên mơ được… lững thững, theo chân mây, vừa đi vừa ngước nhìn lên những vì sao đặc trời, mong bắt gặp một cánh sao rụng(*) để ước nguyện một điều gì đó, có nhiều phần là hoà bình. Vì thèm thấy hoà bình, tôi suýt kẹt lại vào mùa xuân 1975, và bạn tôi cũng vì nó đã ở lại, nhưng không thấy nó, mà chỉ thấy hận thù và trả thù tàn bạo, nên đành khăn gói tìm đường ra đi. Giữa thập niên 1980, bạn và tôi một bữa cũng… lững thững ở San Francisco, không để đi dạo, mà đi… làm việc nước (hồi ấy với tờ Kháng Chiến của Mặt trận của ông Hoàng Cơ Minh); để rồi sau đó chia tay, tôi về đi học, và bạn đi sang miền đông… mở tiệm bán phở.

Tôi được bạn cho sách trong chuyến ghé Houston cuối tháng rồi, nhân một chuyến công tác với Hội Vietnamese American Heritage Foundation. Ba lần hẹn đều không gặp người, nhưng được sách. Na theo một mớ sách gíấy, bìa cứng, dầy trên 300 trang, mới in xong, còn thơm mùi mực, để tặng bạn bè, trong thời buổi “hành lý không được bay miễn phí” và… e-book (có phải tiện hơn không?), đã hẳn là quý không gì bằng. Và đã hẳn tôi phải na sách vượt mọi “cửa ải an ninh” tại phi trường mang về bằng mọi giá. Và đọc một mạch.

Sách do nhà Tiếng Quê Hương của Uyên Thao và thân hữu chủ trương tại Virginia xuất bản, gồm 23 bài vừa ký sự nhân vật, vửa tùy bút và truyện phóng sự, với phần lớn đề tài liên quan tới báo chí Miền Nam trước 1975 và một đôi bài về báo Việt hải ngoại. Ngoài ra, còn có phần phụ lục gồm bốn bài cũng về báo chí, đầy tính thông tin, do các nhà văn và ký giả của Miền Nam đóng góp, là Hoàng Hải Thủy (viết về nền tiểu thuyết đăng từng ngày trên nhật báo, gọi là feuilleton, một ảnh hưởng của báo chí Pháp và không có trên báo chí Mỹ); Tiến Sơn (viết về nghề phóng sự truyền thanh, đặc biệt là trực tiếp truyền thanh); Lê Phú Nhuận (về đời ký giả “nhà nước” từ phát thanh qua thông tấn xã, với các ký giả trẻ, thường là có tay nghề nhờ được huấn luyện, và họ vẫn được phép, tuy không chính thức, cộng tác với các báo tư nhân ở Miền Nam, một hợp tác độc đáo, một loại cộng sinh – symbiotic--, song cần thiết cho cả đôi bên chỉ có ở Miền Nam trước 1975); và đặc biệt bài của Nguyễn Khanh (viết về báo chí Việt ngữ hải ngoại).

Tôi vốn “mang tiếng” là làm báo ở Sàigòn trước 1975, qua vai trò chủ nhiệm tờ nhật báo Sóng Thần (1971-1975), một tờ báo thực ra là công của của nhiều người (xin xem phần trả lời phỏng vấn trên tạp chí Hợp Lưu về nhật báo Sóng Thần, tại http://www.hopluu.net/D_1-2_2-117_4-355_5-4_6-2_17-14_14-2_10-92_12-1/). Gốc của tôi thực ra là bên văn chương. Vì lý tưởng dùng báo chí để trong sạch hóa xã hội Miền Nam khỏi tệ nạn tham nhũng, tuy chỉ bằng một góc của Việt Nam dưới chế độ Việt cộng bây giờ, tôi “xâm mình” nhẩy vào báo chí.

Trong thời gian với tờ Sóng Thần, đôi khi vì nhu cầu tôi cũng viết phóng sự lai rai, viết theo cảm quan không có một ý thức gì về kỹ thuật, như phóng sự về chương trình hốt xác các nạn nhân chiến cuộc bị tử nạn do pháo kích của Việt Cộng trên đường di tản khỏi Quảng Trị trên khúc Đại lộ Kinh hoàng năm 1972. Hoặc như có lần điều khiển một nhóm phóng viên phái nữ, gồm Triều Giang, Thục Viên, và Lê thị Bích Vân, không nhớ là còn ai khác, làm một loạt các phóng sự, trong đó có đề tài mà chỉ có phụ nữ mới có thể len lỏi vào, đó là kỹ nghệ phá thai lén lút hồi ấy ở Sàigon. Hoặc như một dịp khác đứng ra mời các cây bút phái nữ nổi tiếng hồi ấy là các chị Túy Hồng, Nguyễn thị Thụy Vũ viết hồi ký đăng từng ngày, với dự tính sẽ mời tiếp hai chị Nguyễn thị Hoàng và Nhã Ca kế, là bốn cây bút phái nữ viết tiểu thuyết nổi tiếng hồi ấy ở Mièn Nam. Tôi hoàn toàn không có một ý niệm gì về báo chí, và, như nhiều nhà báo của Miền Nam hồi ấy, chỉ được nghề dậy nghề, khác với một lớp ký giả trẻ được huấn luyện hẳn hoi với kỹ thuật báo chí Mỹ vào cuối thập niên 1960 và đặc biệt vào đầu thập niên 1970 với sự hình thành của một số phân khoa đại học báo chí như Vạn Hạnh và Minh Đức.

Vì gốc gác là từ “tháp ngà văn chương,” tôi ít trà trộn và do đấy không biết nhiều về các sinh hoạt hậu trường của làng báo Miền Nam dạo ấy. Đọc “Lững thững giữa Đời” và đặc biệt các bài trong phần Phụ Lục, tôi như được “mở mắt” về cái thế giới mà sau này, khi cắp sách đi học lại ở tuổi ngoài bốn mươi, vì thích và tiện, tôi đã chọn lại, cũng là để “học cho xong một cái”, đó là ngành báo chí và chính quyền (Government – Journalism, một chứng chỉ đôi -- double major -- chỉ có ở Đại học Tiểu bang California ở Sacramento). Vì sinh hoạt trong giới báo chí Mỹ và chỉ thỉnh thoảng viếng thăm và viết bài cho báo Việt ngữ, tôi cũng ít có dịp biết nhiều chuyện hậu trường của làng báo Việt ngữ hải ngoại, như qua hai bài “Người Nữ Đằng Sau” (trang 33) về chị Lã Phương Loan, người bạn đời của cố ký giả Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập ra nhật báo Người Việt nhiều tuổi và vững vàng nhất hiện nay của làng báo Việt ngữ hải ngoại, do Lê Thiệp viết; và bài Phụ lục “Nói chuyện làm báo hải ngoại” (trang 320) của Nguyễn Văn Khanh, hiện điều khiển chương trình Việt ngữ của đài Á châu Tự do (Radio Free Asia) và là một nhà bình luận tin tức liên quan đến chính trị Mỹ bằng tiếng Việt khá sắc bén trên các đài truyền hình Việt ngữ.

Nếu cuốn “Văn học Miền Nam Tổng Quan” của nhà văn Võ Phiến (1986) cho chúng ta cái nhìn tổng quát về các sinh hoạt của giới cầm bút cả bên văn chương lẫn báo chí, thì những bài trong “Lững thững giữa Đời” cho người đọc cái nhìn khá chi tiết riêng về nền báo chí của Miền Nam, đặc biệt vào thời Đệ nhị Cộng hoà (1963-1975), bên cạnh sinh hoạt của báo chí Việt tự do tại hải ngoại. Người đọc đôi khi ước phải chi cuốn sách không chỉ là những bài viết ngắn, nhiều khi có tính cách tạp ghi, tùy bút, mà là một biên khảo có lớp lang và căn bản hơn, như cuốn “Tổng Quan” của Võ Phiến. Nhưng điều ước ấy cũng không kéo dài, vì chính những bài viết có tính cách hồi ký ấy, thực ra, tự nó có cái duyên ngầm lôi cuốn và khiến ta dễ nhớ các chi tiết. Cũng như lối hành văn kề cà kể chuyện rất bình dân của tác giả “Tổng Quan” làm dễ … tiêu hoá, nhập tâm, khiến người đọc như đang được nghe kể chuyện, hơn là đang đọc sách nghe nghiêm trang quá; cũng vậy là lối viết mà tôi gọi là phơi phới, đọc rất thú, của Lê Thiệp.

Vào một buổi sáng một ngày nào đó không biết – Lê Thiệp có tật (hay chủ ý, cho sát với trò chơi… lững thững?) không ghi ngày tháng vào bên dưới mỗi bài viết, và nhiều khi cả trong bài, nên người đọc mặc sức tự định lấy thời điểm của một câu chuyện kể -- tác giả đi xin việc ở toà báo Chính Luận, trong bài ký sự nhân vật về “Nhà Báo Nông Dân” (trang 159) về ông chủ bút Thái Lân của nhật báo Chính Luận. Được giao cho một bài dịch thử, dịch xong, “đưa, ông không hề liếc mắt, cầm bản dịch đó bỏ vào ngăn kéo, bảo: ‘Mai ông đến nhá’.” Mãi hai tuần sau tác giả “Lững thững” mới trở lại để xem tình hình ra sao, thì được hỏi: “Thế ông đi đâu mà hôm nay mới ghé? Ngày mai đi làm được không?” Và làng báo Sàigòn có thêm ông ký giả Lê Thiệp tay ngang vào nghề và được nghề dậy nghề.

Từ đó, Lê Thiệp lăn lộn với nghề báo, trong khi quan sát và ghi nhận những chuyện hậu trường của làng báo Miền Nam. Từ cái chung chung, như trong “Làng Báo Saigòn Thiếu Chân Chạy” (trang 51), tức phóng viên chạy ngoài, phần lớn vì hồi ấy thiếu người có huấn luyện nghề báo hẳn hoi; đến những nguồn tin mà các báo khai thác ngoài tin do phóng viên đem về, như trong “Từ Văn Đô đến Viễn Ấn” (trang 65), viết về các hãng hay cá nhân thu nhặt và bán tin cho các báo; rồi “Chuyện Cổ Tích Typo” (trang 99) mô tả khá linh động về những người thợ âm thầm nhưng vô cùng cần thiết của một toà báo, đó là các tay thợ sắp chữ, phần lớn còn vị thành niên.

Hai bài trong loạt ký sự về sinh hoạt của báo chí Miền Nam mà tôi đặc biệt thích, đó là “Một Thời Việt Nam Ký Sự” (trang 86) về một nhóm ký giả trẻ nhẩy ra lập hãng viết và phân phối ký sự (features syndicate) lần đầu tiên có ở Việt Nam, đầy nhiệt huyết đam mê của tuổi trẻ yêu nghề báo. Và một bài loại tùy bút mà tôi cho là có duyên nhất, “Con Chữ” (trang 106), viết về ngôn ngữ lóng của Miền Nam thời ấy, dùng chính những tiếng lóng làm thành câu chuyện kể.

Xen kẽ những ký sự sinh hoạt trên là một số ký nhân vật, như “Người Nữ Đằng Sau” (đã nói sơ ở trên) về chị Lã Phương Loan, tức phu nhân cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến, và lồng vào đó là chân dung của chính Đỗ Ngọc Yến. Đây là một bài viết rất khéo, khiên người đọc như đang nhìn một hình chân dung loại (tôi không biết phải gọi là gì) khi ta nghiêng hình sang bên này thì là hình ảnh một người, nhưng hơi chếch sang bên kia thì lại hoá ra người kia. Ngoài ra, còn có chân dung của ông “Nhà Báo Nông Dân” Thái Lân; và của người đã thay đổi, nếu không nói là cách mạng hoá cung cách săn và làm tin bằng việc áp dụng kỹ thuật báo chí Hoa Kỳ, và đã giúp xây dựng một thế hệ phóng viên trẻ có căn bản huấn luyện và làm việc hữu hiệu, đó là bài ký sự nhân vật “Nguyễn Ngọc Linh, Cuộc Đời Nhìn Lại” (trang 191).

Bên cạnh đó là các ký sự về một số bạn đồng nghiệp của tác giả nữa, người nào người nấy cũng được Lê Thiệp nhìn bằng cái nhìn bao dung, đôn hậu. Tôi có cảm tưởng có lẽ cái gì làm Lê Thiệp thù ghét chắc không có cách gì Thiệp thấy hứng thú vẽ lại được. Điều này nói lên điều tôi vẫn chiêm nghiệm lâu nay: phải có sự thông cảm (compassion) đối với nhân vật hay đề tài mới viết hay và cảm được người đọc. Ở Lê Thiệp, đôi khi cái sự cảm thông ấy lại hình như… đi hơi quá, khiến bài viết, đặc biệt với nhân vật chính xưng tôi, nghe như… người nhập đồng thay vì bị đồng nhập. Như trong cuốn truyện (hồi) ký “Đỗ Lệnh Dũng” (Tiếng Quê Hương, 2009) cho thấy y chang giọng lưỡi… cậu Thiệp, mặc dù là chuyện đời của ông Đỗ Lệnh Dũng, tuy vậy vẫn rất chính xác, vì chính tôi cũng đã có dịp phỏng vấn ông Dũng cho chương trình 500 Lịch sử Truyền khẩu khi hội Vietnamese American Heritage Foundationd đến công tác tại Virginia mùa hè năm ngoái. Bên trên chỉ là nhận xét, không có ý phê phán.

Cũng là ký sự nhân vật, nhưng không phải là nhân vật làng báo, Lê Thiệp còn cho bạn đọc gặp gỡ với một ông sư uyên thâm phóng khoáng nguyên là một anh lính Biệt Động Quân xưa trước 1975, qua “Tâm Kinh” (trang 207). Một ông sư khác cũng uyên thâm phóng khoáng không kém và là lãnh đạo tinh thần của đám thuyền nhân Việt tạm trú tại Nhật vào cuối thập niên 1970, qua “Nhớ Sư Ông Trí Hiền” (trang 220). Và một số nhân vật khác, kể cả một nhân vật lịch sử Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư mà tác giả vẽ lại dựa vào tra cứu, qua bài “Bán Than” (trang 235).

Lại cũng xen kẽ là vài bài đọc nửa như truyện ngắn nửa như ký sự (một thứ phóng sự tiểu thuyết chắc?), như “Mưa ở Mộc Hoá” (trang 114), “Trăng Đại Nội” (trang 122), “Ngã Tư Xoài Đôi” (trang 131), và “Tù Binh” (137).

Tóm lại, tập sách rất đáng đọc, qua lối viết nhẹ nhàng, đôi khi bông cợt, với những chi tiết hiếm có về làng báo Miền Nam mà ít người biết hoặc còn nhớ được, cũng như một số thông tin giá trị về làng báo Việt hải ngoại. Chỉ tiếc -- hay tại tôi méo mó nghề copy editing và, sau này, nghề làm thư viện? -- phần nhuận sắc/hiệu đính không được chăm sóc kỹ lắm, như nhiều chỗ dấu chấm rơi đi đâu mất, hoặc từ phần kể chuyện (narrative) qua đối thoại (trong ngoặc kép) mà không có dấu hai chấm. Hoặc, tôi không thấy cần thiết việc in nghiêng (italic) những đối thoại trong ngoặc kép, làm hơi xốn con mắt; và những sơ xuất typo lặt vặt khác. Ngoài ra, giá tác giả cho biết thời điểm của bài viết thì càng quý hơn cho những người muốn xử dùng một số bài như tài liệu cho một cuốn sử về báo chí Miền Nam. Tôi biết, khi đọc tới đây, cậu Thiệp chắc lại nheo mắt cười, và kêu toáng lên: “Thứ ấy, bà ơi, nhăm nhò gì!”

Thế nhưng, “thứ ấy” lại khiến tôi nghĩ tới tình trạng chúng ta lâu nay viết văn viết báo không dựa vào một hệ thống văn phong (style) nào, do đấy thiếu sự thống nhất trong cách chấm câu, dùng và bỏ dấu, cách phân biệt đâu là đối thoại (dialogue), đâu là kể chuyện (narrative), có khi trong cùng một bài viết, nói lên sự cẩu thả, có khi cả bất nhất trong tư tưởng. Trong sáng tác, người viết có toàn quyền thay đổi style, như người làm thơ tự do, vì mục đích của nhà tiểu thuyết cũng như nhà thơ không nhất thiết là để truyền đạt hay thông tin, viết mà gợi cảm thì có người đọc, lảm nhảm chẳng đâu vào với đâu thì không có người đọc. Nhưng trong các loại bài không phải tiểu thuyết (nonfiction), như biên khảo, bình luận, tin tức, ký sự, thì người viết phải tôn trong những quy luật văn phong, vì đây là những bài viết cho độc giả, nếu không có tính cách thông tin thì cũng là nhằm thuyết phục, do đấy, văn phong cần tề chỉnh, mặc dù văn chưong có bay bướm, hay ngôn từ có trào phúng, nội dung có châm biếm mặc lòng.

Vì chúng ta, những người viết báo Việt ngữ, chưa có một cuốn sách chỉ dẫn nào loại này, nên nay mặc dù đã về hưu, tôi vẫn giữ bên mình cuốn AP Stylebook – một thứ “thánh kinh” của các copy editors và cả phóng viên Mỹ -- để tra cứu, khi cần. (TD, 11/2011)

Chú thích:

(*) Những chữ nghiêng, trừ “lững thững,” là tựa của các truyện ngắn và tùy bút của tôi.

Hình ảnh:

lethiep-content 

Bìa sách “Lững thững giữa Đời” của Lê Thiệp, Tiếng Quê Hương, 2011. Sách đề giá 20 Mỹ kim, đặt mua tại nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044. E-mail: uyenthao1@yahoo.com.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 20155:56 SA(Xem: 34064)
Phường ấy là phường Văn Minh, trong phường Văn minh có tổ dân phố Văn hóa, trong tổ dân phố Văn hóa nhà nào cũng được tặng danh hiệu gia đình Văn Hóa. Nhờ có cảnh sát khu vực Kỳ, gọi là Kỳ Khu vực, lâu nay trong địa bàn chưa xảy ra vụ việc nào đáng kể. Kỳ Khu vực cao to đẹp trai, đầu óc thông minh thực dụng, biết lợi dụng chức vụ để kiếm tiền nên giàu có và lắm gái theo. Hàng ngày Kỳ khu vực đeo súng cưỡi xe Mô tô đi tuần khắp nơi, trông càng oai.
20 Tháng Chín 201512:07 SA(Xem: 29821)
Cánh đồng cỏ trải dài dường như bất tận, gió ào ạt thổi tràn qua cánh cửa, những ngọn cỏ xanh run rẩy không ngừng. Bị khung cảnh làm cho choáng ngợp tôi đứng im như tượng một lúc, tim đập liên hồi và trong trí óc của một đứa trẻ năm tuổi nảy ra đủ mọi ý nghĩ sợ hãi, kỳ quái.
12 Tháng Chín 201510:14 CH(Xem: 45594)
Về những nhà văn quân đội nổi tiếng với những tác phẩm (thơ cũng như văn) của họ, có thể kể những tên tuổi về thơ, như có Tường Linh, Phạm văn Bình, hay Linh Phương... Cả hai nhà thơ sau, đều nổi tiếng nhờ có thơ được cố nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc. (Phạm Văn Bình với ca khúc “Chuyện tình buồn,” và “Mười hai tháng anh đi”; Linh Phương với “Kỷ vật cho em”) (1). Về văn có thể kể Văn Quang (lớp trước). Lớp sau vài năm, có thể kể tới Trần Hoài Thư, Đào Vũ Anh Hùng, Huỳnh Văn Phú... Nhưng, nổi bật hơn cả, theo tôi vẫn là Nguyên Vũ (truyện) và, Phan Nhật Nam (bút ký, phóng sự).
08 Tháng Chín 201511:47 SA(Xem: 30096)
"Đời sống bên này có cái thực tế khắc nghiệt là vậy. Càng khắc nghiệt tôi càng trầm tĩnh. Nghiệm ra một điều: hãy làm hết sức mình cho một công việc tốt, cũng có lúc bù đắp lại. Những tấm tranh cũng đã từng nuôi sống tôi, tôi không thể bỏ vẽ được". (Đinh Cường)
03 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 28247)
khi những ngón tay không còn theo đuổi những thanh âm phím đàn nghẹn ngào góc tối cây tỳ bà bỏ quên bên vách tường và khóc hoang vu trăng xanh
02 Tháng Chín 201511:35 CH(Xem: 29414)
Có một sự xáo trộn trong mùa đông năm nay bắt đầu từ chiếc áo màu đỏ cô mặc. Đó là chiếc áo len mang hơi ấm của ba con người, ba cuộc đời kéo dài trọn một thế kỷ trừ ra những năm nó nằm vạ vật ở một nơi nào đó mà cô đã làm thất lạc.
01 Tháng Chín 201512:51 SA(Xem: 31394)
LTS: Cuối tháng 8, Hợp Lưu nhận được chùm thơ gởi từ Nguyễn Nhựt Hùng, một người làm thơ hiện đang sinh sống tại Vũng Tàu. Mặc dầu còn rất trẻ, anh sinh năm 1989. Nhưng thơ anh mênh mang như sóng biển của thành phố anh đang ở. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí văn hữu và độc giả những thi phẩm của Nguyễn Nhựt Hùng
01 Tháng Chín 201512:41 SA(Xem: 28623)
Con gái tròn 24 rồi, Má biết không Đã qua thuở thì ngồi đan chiếc khăn dài hơn nỗi nhớ Đã qua cái tuổi cam đoan rằng yêu là hạnh phúc Đã biết len lén nhìn, rồi lặng im
30 Tháng Tám 201511:39 CH(Xem: 30719)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Lưu Mêlan là bút hiệu của Nguyễn Thị Nguyệt, sinh năm 1989. hiện sống tại Sài Gòn. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu những thi phẩm của Lưu Mêlan cùng quí văn hữu và đọc giả Tạp chí Hợp Lưu.
28 Tháng Tám 201511:15 CH(Xem: 40115)
Mùa Thu, năm 1994, chúng tôi trở lại Hà-nội sau 40 năm xa cách. Một trong mục đích của chuyến đi này là đề gặp ông Nguyễn Hữu Đang, người đứng đầu trong nhóm Nhân Văn, sau khi đọc bài của Phùng Quán viết về chuyến đi thăm ông. Ông đã bị giam tại trại Cổng Trời gần 20 năm, đến đó là chỉ chờ chết, khó có thể trở về được.