LTS: Hợp Lưu hân hạnh đăng tải hai nghiên cứu của Tiến sĩ Sử học Vũ Ngự Chiêu, được hoàn tất sau chuyến du khảo Việt Nam từ tháng 11/2004 và đến tháng 5/2005.
Dưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay. Bài này được trích dịch từ Phần III, “Sự tàn nhẫn của chính trị thế giới” [The Brutality of World Politics] của luận án “Những biến đổi xã hội và văn hóa tại Việt Nam giữa 1940 và 1946 [Social and Cultural Change in Vietnam Between 1940 and 1946], đệ trình tại Đại học Wisconsin- Madison tháng 12/1984. Tác giả đã liên tục bổ sung và hiệu đính chương này suốt hơn 20 năm qua, sau mỗi chuyến nghiên cứu tại các văn khố Pháp, Mỹ, và mới đây nhất là tại Việt Nam.
Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963, tác giả nỗ lực đưa sự cố này vào bối cảnh chung của cuộc nội chiến, và giới thiệu một số tài liệu gốc mới phát hiện, công bố lần đầu tiên trên thế giới.
Hợp Lưu đăng tải một Phụ bản tài liệu văn khố về ngày cậu Nguyễn Sinh Côn, tức ông Hồ Chí Minh sau này, được nhận vào trường Quốc Học Huế từ ngày 7/8/1908. Tư liệu này chỉ là một trong số hàng chục tư liệu khác về Hồ Chí Minh mà tác giả tìm thấy suốt hơn 30 năm qua. Nó làm sáng tỏ vài ba chi tiết đã ghi chép một cách sai lầm bấy lâu:
(1) Tên hồi nhỏ của ông Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Côn, không phải Nguyễn Sinh Cung.
(2) Nguyễn Sinh Côn được vào trường Quốc Học sau khi tốt nghiệp trường tiểu học Đông Ba, Thừa Thiên.
(3) Không có việc Nguyễn Sinh Côn bị trục xuất khỏi trường Quốc Học vì tham gia vào cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Huế—cuộc biểu tình chống sưu dịch xảy ra ngày 9 tới 12 tháng 4 năm 1908; tức gần bốn tháng trước ngày trò Côn được nhận vào trường Quốc Học.
Rải rác trong bài “Hồ Chí Minh—Nhà Ngoại Giao, 1945-1946,” quí độc giả sẽ tìm gặp rất nhiều tài liệu văn khố Pháp, Mỹ, Nga, Trung Hoa và Việt Nam giúp tái dựng lại một hình ảnh trung thực hơn về Hồ Chí Minh, khác biệt hẳn những lời cung văn và đào mộ của hai phe lâm chiến. Tương tự, bài “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ.
Tạp Chí Hợp Lưu
HỒ CHÍ MINH—NHÀ NGOẠI GIAO, 1945-1946
Sự việc Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập và thành lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] ngày 2 tháng 9 năm 1945 không bảo đảm rằng nền độc lập của Việt Nam và chế độ này được quốc tế công nhận. Người Pháp, dù tiến bộ hay bảo thủ, đều nhấn mạnh phải đưa “con thuyền lạc bến” Đông Dương trở lại với đế quốc Pháp, bằng vũ lực nếu cần. Những cường quốc khác, vì những lý do khác nhau, đều yểm trợ sự tái xâm lăng Đông Dương của Pháp.
Chính sách ngoại giao của Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ tháng 8/1945 tới tháng 12/1946 bởi thế tập trung vào chính sự sinh tồn của chế độ. Để đạt mục đích này, Hồ tìm cách quốc tế hóa chính nghĩa quốc gia của Việt Nam, kêu gọi quốc tế yểm trợ nền độc lập của Việt Nam và chống lại cuộc tái xâm lăng của Pháp. Nỗ lực của Hồ gồm kháng thư hay công hàm đến các cường quốc, phản đối sự xâm lăng của Pháp và gợi nhớ lại những nguyên tắc “cao cả” của Hiến chương Đại Tây Dương, bản tuyên bố của Liên Hiệp Quốc và Hiến chương San Francisco. Hồ đặc biệt quan tâm đến sự yểm trợ của Liên bang Mỹ, thậm chí yêu cầu được hưởng giống như tình trạng của Phi-lip-pin [Philippines] trong vùng ảnh hưởng của Mỹ. Tất cả những thỉnh nguyện của Hồ đều không có hồi âm. Hồ phải đương đầu với cả Trung Hoa và Liên minh Pháp-Bri-tên (sau đó, chỉ với Pháp) để sinh tồn. Với Trung Hoa, Hồ mua chuộc đút lót các quan tướng để họ cho Hồ được tự trị. Với người Pháp, vấn đề phức tạp hơn. Ngay sau cuộc cách mạng tháng 8/1945, Hồ cương quyết chống việc Pháp trở lại và nhấn mạnh trên nền độc lập toàn vẹn của Việt Nam. Sau đó, Hồ phải giảm dần đòi hỏi, chấp nhận thực tế, đồng ý được hưởng tình trạng một nước Việt Nam “tự do” trong Liên Bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp. Mặc dù Pháp chỉ thương thuyết với Hồ để kéo dài thời gian, hầu có thể tăng gia lực lượng và thiết lập sự thống trị quân sự trên toàn cõi Đông Dương, Hồ được gần một năm để thủ diễn vai trò nhà ngoại giao ngay tại Việt Nam cũng như tại Pháp. Hồ không đạt được những gì mình mong muốn, nhưng qua tiến trình thương thuyết, đã phần nào đạt được mục tiêu quốc tế hóa chính nghĩa của người Việt và đồng hóa mục tiêu của phe đảng Hồ với tinh thần quốc gia của người Việt.
I. ĐI TÌM “CHÍNH THỐNG”:
Sau hơn phần tư thế kỷ sống ở quốc ngoại và làm việc cho các cơ quan tình báo quốc tế—trước hết cho cơ quan Comintern (Bộ Phương Đông) của Liên Sô tại Trung Hoa và Xiêm, và các cơ quan tình báo Mỹ tại Việt Nam—Hồ Chí Minh hiểu rõ sự tàn nhẫn của nền chính trị quốc tế. Kể từ những ngày tháng đen tối ở Paris, khi kiếm tìm tài liệu để hoàn tất bản thảo Les Opprimés [Những kẻ bị áp bức], Hồ đã hiểu rằng nếu Việt Nam muốn giành được độc lập, phải phá vỡ lớp băng giá của sự thản nhiên (nếu không phải đồng lõa) của thế giới đối với các xứ thuộc địa. Hồ (lúc ấy còn mang bí danh Nguyễn Ái Quấc) đã có lần hy vọng được các nhà xuất bản và tác giả mà Hồ đã trích dẫn nhưng không xin phép sẽ truy tố Hồ ra tòa để được chú ý.(1)
Nhưng chuyện đó không xảy ra. Bị các cường quốc tảng lờ, Hồ chỉ tìm được nguồn tiếp trợ từ Liên Sô. Chua chát cho Hồ là “tinh thần quốc tế vô sản” cũng đầy mặn, ngọt, chua cay. Từ năm 1930, sau khi thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam [CSVN] ngày 6/1/1930, Hồ bị bỏ quên bên lề phong trào Quốc Tế Cộng Sản, không những bị chỉ trích là “nặng tinh thần quốc gia,” “thời cơ,” mà còn bị tình nghi là có liên hệ với tình báo tư bản. Ngay đến bí danh Nguyễn Ái Quốc cũng bị khai tử.(2)
Suốt bốn năm dài ở Mat-scơ-va từ tháng 10/1934 tới tháng 9/1938, dưới bí danh Lin (Lâm), Hồ chẳng được giao một công tác quan trọng nào, trong khi nhóm QTCS (Comintern) trẻ trung từ Nga về như Livitnov Lê Huy Doãn (Hồng Phong), Cinitchkin Hà Huy Tập, Kan Nguyễn Ngọc Vi (Phùng Chí Kiên), Bourov Dương Bạch Mai, Pallat Nguyễn Văn Phong (Minh), v.v... thống trị Đảng Cộng Sản Đông Dương [CSĐD] tại nội địa. Ngay đến người vợ cách mạng của Hồ là “Fan Lan,” tức “Nguyễn Thị Minh Khai” (1910-1941) cũng trở thành vợ Livitnov Doãn trong hai năm 1937-1938.(3) Mãi tới cuối tháng 9/1938, Hồ mới được phép trở lại Trung Hoa để chỉnh đốn lại Ban chấp ủy Trung ương Đảng CSĐD, đưa tổ chức này vào chính sách “mặt trận thống nhất” do CSQT tái phát động từ mùa Thu năm 1935.
Nhưng tới Diên An từ tháng 11/1938, Hồ vẫn không móc nối được với Ban Chấp ủy trung ương của Đảng CSĐD, trước khi các lãnh tụ cao cấp bị mật thám Pháp bắt giữ trong hai ngày 17-18 tháng 1/1940—phần nào do sự tố cáo gián tiếp của một liên lạc viên người Việt gốc Hoa của Hồ. Mãi tới tháng 2/1940, Hồ mới tái xuất hiện ở Côn Minh, thủ phủ Vân Nam, tiếp xúc với Ban Lãnh đạo Ở Ngoài của Đảng CSĐD tại đây, và trực tiếp chỉ huy nhóm Kan Vi, Hoàng Văn Hoan, Vũ Anh.
Sau ngày Pháp thất trận ở Âu Châu (23/6/1940), Hồ quyết định tìm đường về nước. Để che mắt chính phủ Tưởng Giới Thạch, Hồ quyết định khuynh đảo tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh [Việt Minh] của nhóm Hồ Học Lãm, biến tổ chức không Cộng Sản này thành cánh tay ngoại vi của Đảng CSĐD. Rồi, tháng 5/1941, Hồ triệu tập Hội nghị thứ 8, khóa I, tại Pác Bó, tái lập Ban chấp ủy trung ương Đảng CSĐD, với Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) làm Tổng thư ký.(4)
Trong Thế chiến thứ II (1939-1945), cuộc liên kết Tư bản-Cộng Sản của Đồng Minh chống phe Trục mang lại cho Hồ cơ hội để quốc tế hóa chính nghĩa đòi độc lập của Việt Nam. Dự đoán được vai trò thắng vượt của Liên bang Mỹ trong thời hậu chiến, Hồ không ngừng mua chuộc cảm tình của người Mỹ. Quyết định giải tán QTCS của Josef Stalin ngày 15/3/1943 cho phép Hồ theo đuổi một chính sách mềm dẻo: Hồ được tự do làm việc cho cả cơ quan tình báo Trung Hoa và Liên bang Mỹ. Đổi lại, Hồ được phóng thích khỏi nhà tù Trung Hoa ở Liễu Châu, tự do hoạt động trên lãnh thổ Trung Hoa, có những vật liệu cần thiết và triển vọng được Mỹ yểm trợ trong tương lai. Tháng 10/1944, sau khi về tới Việt Nam, Hồ có thể viết thư ngỏ thông báo với nhân dân là đã mang về món quà “cực kỳ quí báu,” đó là sự ủng hộ to lớn của 450 triệu dân Trung Hoa. (VKĐTT, 7, 2000:352-353)
A. ĐƯỜNG DÂY TÌNH BÁO MỸ:
Từ cuối năm 1944, đầu năm 1945, Hồ đã mở được đường dây liên lạc với Cơ Quan Tình Báo Chiến Lược [OSS] Mỹ.(5)
Trong mùa Hè 1945, đã có lúc hai toán tình báo Mỹ có mặt tại mật khu "Tân Trào," thuộc địa phận Kim Lộng, Tuyên Quang. Toán Con Nai (Deer Team) của Thiếu tá Allison K. Thomas đã giúp huấn luyện khoảng 100 binh sĩ Việt Minh và cứu thoát Hồ trong cơn đau thập tử nhất sinh tại Kim Lộng. Hồ có những thủ thuật đặc biệt để mua chuộc cảm tình của các quan tướng Mỹ tại địa phương. Một mặt, Hồ tự mô tả và diễn giải rằng các đồng chí mình là những người quốc gia chân chính đã bị người Pháp chụp mũ Cộng Sản. Mặt khác, Hồ cố tình chiều chuộng người Mỹ bằng những lời tâng bốc và tận lực thỏa mãn nhu cầu của họ.
Chính Thomas và các nhân viên thuộc toán Air Ground Aid Service [AGAS] của Không lực Lục Quân Mỹ nhiều lần khẳng định với cấp chỉ huy rằng tổ chức Việt Minh của Hồ "không phải là Cộng Sản, hay Cộng Sản kiểm soát, hay Cộng Sản lãnh đạo."(6) Thomas và đại diện OSS tại Côn Minh cũng chuyển cho Jean Sainteny, trưởng đoàn tình báo M-5 Pháp tại Hoa Nam, một lá thư của Việt Minh, đề nghị hợp tác.(7) Nhân viên OSS đã trên thực tế hành sử như Ban Ngoại Giao đầu tiên của Hồ.
Hồ rất rộng rãi trong việc ca ngợi sự vĩ đại và truyền thống dân chủ, chống thực dân của nước Mỹ. Từ tháng 7/1945, Hồ đã bàn thảo với các sĩ quan tình báo Mỹ tại Bộ Chỉ huy Việt Minh tại Kim Lộng [Tân Trào] về bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, chứng tỏ mình rất quen thuộc với văn kiện này. Vài tháng sau, Hồ đã khởi đầu bản Tuyên ngôn độc lập của mình bằng câu mở đầu của Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Sau đó, Hồ thường nhắc đến nước Mỹ như “vô địch về dân chủ” [“champion of democracy”] hay “cứu tinh của mọi quốc gia” [“saviour of the nations”]. (8)
Bản Hiến Chương Đại Tây Dương (14/8/1941) do Tổng thống Franklin D. Roosevelt đề xướng, bản Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc, và Hiến chương Liên Hiệp Quốc ký kết tại San Francisco (26/6/1945), và ngay cả bài diễn văn của Tổng thống Harry S. Truman (1945-1953) vào Ngày Hải Quân, 27/10/1945, cũng được ca ngợi nồng nhiệt chẳng kém gì chủ thuyết của Lê-nin hơn hai thập niên trước. (Public Papers of the President of the United States (Harry S. Truman, April-December 1945), pp. 433-434; US-Vietnam Relations, 1971, I:C-60-61)
Trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ ngày 22/10/1945, Hồ viết:
Những nguyên tắc cao thượng về công pháp quốc tế và sự bình đẳng trong Hiến chương Đại Tây Dương đã được người Việt hưởng ứng và đóng góp vào việc biến tổ chức kháng chiến Việt Minh trong chiến khu thành một phong trào chống Nhật trên toàn quốc, một phong trào phản ảnh mạnh mẽ khát vọng dân chủ của dân chúng. Hiến chương Đại Tây Dương được coi như nền tảng của nước Việt Nam trong tương lai. Một kế hoạch xây dựng quốc gia được soạn thảo theo đúng tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc tại San Francisco và đã được thực hiện trong những năm vừa qua... (US-Vietnam Relations)
Bài diễn văn ngày 27/10/1945 của Truman về chính sách ngoại giao hậu chiến của Mỹ—trong đó Truman không hề nhắc đến Đông Dương và đã khéo léo dùng cách diễn tả mơ hồ, chung chung hầu ai nấy đều có thể tự do diễn giải—được Hồ tán thưởng ngay là chứa đựng “những lý tưởng cao cả của sự độ lượng và nhân bản.” (Cable No. 4936, 13 Feb 1946, Smith to Byrnes; US-Vietnam Relations, Bk I, p. C-94) Sau đó, Hồ tuyên bố chế độ của Hồ “dựa trên, và lấy sức mạnh từ các điều thứ hai, thứ tư và thứ sáu trong bài diễn văn 12 điểm của Truman.” (Ho Chi Minh’s Note of 18 Feb 1946, to China, USA, USSR & Britain; US-Vietnam Relations, Bk I, p. C-99)
Về phương diện vật chất, Hồ chăm sóc các cán bộ OSS rất chu đáo. Trung úy Phelan [“John”] nhận xét:
[Hồ] là một người thật dễ thương. Nếu tôi phải chọn ra một điểm để nói về ông già nhỏ bé ngồi trên ngọn đồi trong rừng rậm đó thì đó là sự mềm mỏng của ông ta. [He was an awfully sweet guy. If I had to pick out one quality about that little old man sitting on his hill in the jungle, it was his gentleness].(9)
Frank Tan, một người Mỹ gốc Hoa lo việc truyền tin của toán GBT/AGAS tại Bộ chỉ huy của Hồ từ tháng 4 tới tháng 6/1945, cũng đầy thiện cảm với Hồ. Theo lời Frank, sau khi được biết Frank mới bị một cô gái Mỹ bỏ rơi, Hồ khuyến khích Frank “theo đuổi một cô nữ du kích [Việt] nào đó.” Hồ cũng tiết lộ với Frank rằng “trước kia Hồ rất yêu thương một cô gái nhưng sau khi đăng ký đi tàu đành phải quên cô ta.” (Fenn, Ho Chi Minh, tr. 83)
Khi Frank đã rời chiến khu, Hồ còn gửi tặng mấy cái vòng đeo tay bằng bạc để biếu các nhân viên tham mưu GBT tại Trung Hoa. (Fenn, Ho Chi Minh, tr. 83) Sau ngày đã nắm chính quyền vào tháng 8/1945, Hồ tiếp tục mua chuộc những người bạn Mỹ của rừng xanh. Thiếu tá Thomas và toán Con Nai được ăn uống sang trọng và chăm sóc kỹ lưỡng khi ở Thái Nguyên, giữa lúc những cuồng sóng bạo lực cách mạng loáng rộng khắp đất nước. Khi tới Hà Nội, họ cũng vẫn được tiếp đãi như thượng khách cho tới lúc lên đường hồi hương.(10)
Hai nhân vật Mỹ được người Pháp coi như bạn thân của Hồ là Thiếu tá Archimedes L. A. Patti, trưởng Đoàn OSS tại Hà Nội, và Thiếu tướng Philip E. Gallagher, Trưởng toán liên lạc bên cạnh Bộ Tư lệnh Trung Hoa ở Bắc Việt. Để mua chuộc cảm tình của OSS Mỹ, và cũng để quảng cáo cho sự "đồng minh" với Mỹ, bốn ngày sau khi Patti tới Hà Nội, sáng Chủ Nhật 26/8/1945, Võ Nguyên Giáp dẫn một phái đoàn 4 người tới thăm Patti ngay tại chỗ tạm trú. Sau khi chuyển lời chúc mừng cá nhân của Hồ, Giáp trang trọng mời Patti và thuộc hạ đến tham dự một buổi diễn binh đặc biệt để đón tiếp một số "ủy viên trong chính phủ và phái bộ điều tra Mỹ [của Patti] mới về Hà Nội." (Cứu Quốc [CQ] (Hà Nội), 29/8/1945) Ngay chiều đó, Hồ tiếp Patti tại Phủ Chủ tịch. (Patti, Why Viet-Nam, 1980:196).
Từ ngày này, Patti thay Thomas trở thành một cố vấn không chính thức của Hồ. Không những chỉ chuyển các thông điệp của Hồ về Oat-shinh-tân, qua Tòa Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh, hoặc Tòa Lãnh sự Côn Minh (Vân Nam), Patti còn dàn xếp cho Pháp và Việt Minh thương thảo, hay can thiệp với quan Tướng Trung Hoa khi cần. Vai trò của Patti làm lu mờ hẳn Trung tá A. Peter Dewey, trưởng toán Embarkment của OSS tại Sài Gòn (có nhiệm vụ điều tra các tội phạm chiến tranh tại phía Nam vĩ tuyến 16, và thu hồi tù binh), dù Dewey cũng thường xuyên liên lạc với các cán bộ Việt Minh địa phương, trước khi bị giết ngày 26/9/1945.(11)
Tuy nhiên, Hồ và rất nhiều người không biết rằng các nhân viên OSS Mỹ được lệnh phải hoàn toàn đứng ngoài cuộc tranh chấp quyền lực tại Đông Dương. Ngày 16/9/1945, toán Thomas rời Hà Nội. Các đoàn OSS cũng lục tục rời Việt Nam sau ngày Truman ký nghị định giải tán tổ chức này. Cái chết của Dewey, trưởng toán Embarkment, khiến giao tình giữa Hồ và OSS phần nào bị suy giảm. Ngày Chủ Nhật, 30/9/1945, hầu hết nhân viên OSS đều đã hồi hương. Ngày 11/10, Bộ trưởng Lục quân Mỹ George C. Marshall cũng thông báo cho Pháp biết sẽ tập trung tất cả người Mỹ ở Hà Nội, chờ di tản.
Phần Gallagher, Cố vấn của Lư Hán, được Hồ chiếu cố đặc biệt. Ngay sau khi Gallagher vừa đến Hà Nội, Hồ đã đích thân tới chào mừng. Trong một lá thư gửi Tướng Robert B. McClure, Phó Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Trung Hoa, Gallagher thuật lại về buổi hội kiến này như sau:
[Hồ] đến thăm tôi và nồng nhiệt chào mừng phái đoàn, tặng tôi một lá cờ có tên tôi trên đó và vài nhận xét về “nước Mỹ vĩ đại”, v.v... Hồ nhìn về nước Mỹ như người cứu nạn của các quốc gia, và mọi hành động của ông ta đều dựa trên lời tuyên bố của bản Hiến chương Đại Tây Dương, rằng các cường quốc sẽ bảo đảm nền độc lập cho các nước nhỏ. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng Hiến chương trên chẳng có chữ ký của ai cả.(12)
Sự khéo léo của Hồ và thiện cảm của Gallagher với nền độc lập của Việt Nam tạo nên một liên hệ khá chặt chẽ giữa hai người. Trong buổi gặp mặt đầu tiên, Gallagher khuyên Hồ “phải thu được lòng tin cậy của Lư Hán [tức Tư lệnh đạo quân Trung Hoa] và tìm cách liên hệ với ông ta.” (Ibid) Sau khi Patti rời Hà Nội vào cuối tháng 9/1945, Gallagher lại trở thành cố vấn của Hồ. Tư liệu văn khố cho thấy Gallagher đã chuyển các công điện của Hồ ra thế giới bên ngoài qua Tòa Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh. Gallagher, theo một nguồn tin, còn tham dự buổi họp thành lập Hội Hữu nghị Việt-Mỹ tại Hà Nội vào tháng 10/1945, và trong dịp này còn hát một bài hát tiếng Việt.(13)
Tuy nhiên, liên hệ tốt giữa Hồ và các quan chức Mỹ tại chỗ không bảo đảm rằng chính phủ Truman yểm trợ Hồ. Gallagher phản ảnh:
Cá nhân tôi muốn người Việt được độc lập, nhưng dĩ nhiên, chúng tôi chẳng có tiếng nói nào về vấn đề này.
Thật vậy, mặc dù sự hiện diện của người Mỹ có thể viện dẫn làm bằng chứng cho điều khoa trương rằng Hồ liên hệ thân thiết với Liên Bang Mỹ, điều tối đa mà các quan chức Mỹ tại chỗ có thể giúp Hồ là chuyển các điện tín tới Oat-shinh-tân hay thủ đô một số nước, và giúp Hồ sống còn dưới chế độ quân quản của Trung Hoa. (Xem US-Vietnam Relations, Bk I, C 63-104)
B. NỖ LỰC XIN MỸ NHÌN NHẬN:
Từ tháng 4/1945, Hồ đã bắt đầu vận động xin được chính phủ Truman nhìn nhận. Tuy nhiên, Patti đã nhấn mạnh với Hồ rằng liên hệ giữa hai người chỉ thuần túy có việc tình báo. Qua tháng 8, khi vai trò Hồ và Việt Minh ngày một lên cao, Hồ liên tục kêu gọi sự trợ giúp của Liên bang Mỹ. Ngày 15/8, một đại diện “Đảng Quốc Gia” của Hồ tại Côn Minh tuyên bố như sau về Ủy Ban Khởi Nghĩa Hà Nội:
Ủy Ban Trung ương muốn người Mỹ biết rõ rằng dân Đông Dương muốn được độc lập, và hy vọng rằng nước Mỹ, như một nhà vô địch về dân chủ, sẽ giúp Đông Dương được độc lập...
Tóm lại, dân Đông Dương muốn được hưởng tình trạng như Phi-lip-pin trong một thời gian vô hạn định. (Báo cáo ngày 22/8/1945, William J. Donovan gửi Byrnes; US-Vietnam Relations, 1947-1967, Bk I, C 67)
Trong một buổi nói chuyện giữa Hồ và George M. Abbott ngày 11/9/1946—tức ba ngày trước khi ký Tạm ước 14/9/1946 ở Paris—Hồ trực tiếp xin viện trợ quân sự và kinh tế. Hồ cũng nhắc đến vịnh Cam Ranh ở Trung Bộ. (US-Vietnam Relations, Bk I, tr. C 95-6) Cho tới tháng 12/1946, Hồ tiếp tục xin viện trợ Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám còn xin thẳng với Abbott L. Moffat, Trưởng Sở Đông Nam Á tại Bộ Ngoại Giao Mỹ, trong dịp Moffat đang viếng thăm các nước Đông Nam Á, là nhờ Mỹ giúp phát triển căn cứ Cam Ranh và can thiệp để Pháp ngừng chiếm đóng toàn nước Việt Nam. (Ibid., Bk I, tr. 96-7)
Trong giai đoạn từ tháng 9/1945 tới tháng 3/1946, Hồ còn mở nhiều cánh cửa cho việc phát triển liên hệ Việt-Mỹ. Ngoài việc thành lập Hội Thân hữu Việt-Mỹ, Hồ đề nghị gửi 50 sinh viên qua Mỹ để thiết lập liên hệ văn hóa giữa hai nước—giống hệt thủ thuật Hồ đã sử dụng hai thập niên trước, với kết quả là loạt cán bộ Cộng Sản đầu tiên huấn luyện tại Mat-scơ-va. (Ibid., Bk I, tr. C-103-104)
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ quyết định giữ trung lập, không hề chính thức hồi đáp các thỉnh nguyện thư của Hồ. Oat-shinh-tân chỉ khuyến khích hai phe Pháp và Việt Minh đạt một giải pháp chính trị qua thương thuyết. Ngày 29/9/1945, Gallagher khuyên Hồ nên gửi một phái đoàn qua Trùng Khánh, dù Tướng Marcel Alessandri, Đại diện Pháp ở phía Bắc vĩ tuyến 16, chỉ mời Việt Minh tham dự với tư cách một đảng mà không phải một chính quyền. (Memorandum of 29 Sept. 1945, Gallagher Papers; Porter, Documentation, vol I, tr. 80-81) Ngay tới tháng 12/1946, Moffat còn khuyên Giám nên tránh chiến tranh, đạt một thỏa ước với Pháp. (Thư Moffat gửi BNG (12/1945); trong Blum, United States and Vietnam, Phụ bản II, tr. 40-2) Quyền Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson còn đề nghị Hồ nên tạm thời bỏ đòi hỏi trưng cầu dân ý ở miền Nam để quyết định thể chế của Nam Kỳ. (Tel. ngày 5/12/1945, Acheson gửi Moffat (Sài-gòn); US-Vietnam Relations, Bk 8, VB2, tr. 85-6)
C. ĐƯỜNG DÂY LIÊN HIỆP QUỐC:
Trong giai đoạn từ tháng 8/1945 tới tháng 3/1946, Hồ cũng tìm chính thống cho chế độ qua các cơ quan Liên Hiệp Quốc. Một trong những thỉnh nguyện thư đầu tiên của Hồ liên quan đến vấn đề hội viên của Ủy Ban Tư Vấn Viễn Đông, nhóm họp ở Oat-shinh-tân ngày 30/10/1945. Ngày 17/10, tức gần hai tuần trước ngày Ủy Ban Tư Vấn nhóm họp, Hồ gửi cho Truman một điện văn, chỉ trích việc nhận Pháp làm hội viên. Theo Hồ, ghế hội viên của Pháp thiếu căn bản pháp lý cũng như thực tế. Việt Nam mới xứng đáng làm hội viên theo đúng tinh thần Hiến chương Đại Tây Dương, cũng như do thiện chí và lập trường dân chủ. (14)
Trong thư gửi Ngoại trưởng Byrnes ngày 22/10/1945, Hồ cũng trở lại vấn đề này. Sau khi bác bỏ lập luận của Bri-tên và Pháp về những gì diễn ra tại Đông Dương, Hồ yêu cầu cho một đại diện Việt Nam có mặt trong phiên họp khai mạc để nói lên quan điểm của Việt Nam. Hồ cũng đề nghị Liên Hiệp Quốc gửi một phái đoàn qua Đông Dương nghiên cứu tình hình, và yêu cầu LHQ nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam. (Ibid., Bk I, C 80-1) Sau khi chẳng nhận được hồi âm về kiến nghị của mình, Hồ lại gửi công điện cho Byrnes, khẳng quyết Pháp không có quyền đại diện cho dân Việt Nam tại buổi Hội thảo về Viễn Đông ở Oat-shinh-tân, và kêu gọi quốc tế can thiệp để chấm dứt việc giết chóc tại Nam Việt Nam. (Tel. No. 820, 26 Nov 1945, Chungking to Washington; Ibid., Bk I, C 92) Các viên chức Mỹ vẫn nghĩ rằng không nên có hành động gì. (Ibid., Bk I, C 71)
Ngoài việc kêu gọi Liên Hiệp Quốc yểm trợ và nhìn nhận, Hồ còn lợi dụng cả Cơ quan Cứu trợ LHQ [UNRRA] để được sự nhìn nhận trên thực tế chế độ VNDCCH. Hồ khẩn thiết kêu gọi cơ quan UNRRA lập tức yểm trợ để ngăn chặn nạn đói tại miền Bắc. (Ibid., Bk I, C 87-8) Nhưng UNRRA thích làm việc với Pháp hơn Hồ.
D. PHẢN ĐỐI CUỘC TÁI XÂM LĂNG CỦA PHÁP:
Trong tháng 10/1945, giữa lúc quân Bri-tên, dưới danh nghĩa giải giới quân Nhật, hướng dẫn quân Pháp đi chiếm đóng hầu hết các tỉnh lÿ quan trọng ở phía Nam vĩ tuyến 16, Hồ gửi nhiều điện văn đến các cường quốc—đặc biệt là Mỹ, Liên Sô và Trung Hoa—yêu cầu can thiệp.
Ngày 21/10/1945, John C. Vincent công bố chính sách của Mỹ về Đông Dương và Indonesia. Bài diễn văn này khéo léo đến độ cả hai phe Pháp và VM đều ca ngợi.
Thực ra, chính phủ Mỹ, hoặc ít nữa một số viên chức ngoại giao, tình báo và quân sự địa phương vẫn đặc biệt lưu tâm đến tình hình Việt Nam. Đã có những nỗ lực khuyến khích hai bên sớm giải quyết dị biệt bằng đường lối thương thuyết.
Ngày 30/1/1946, chẳng hạn, Thiếu tướng Gallagher, từng ở Hà Nội từ tháng 8 tới tháng 12/1945, thuyết trình về hiện trạng Đông Dương tại Bộ Ngoại Giao. Tham dự có Tân Tổng Lãnh sự Charles S. Reed; Woodruff Wallner, Vụ Tây Âu; Moffat và Richard L. Sharp của Vụ Đông Nam Á. Theo Gallagher, thái độ trung lập của Mỹ khiến cả Pháp lẫn Việt Minh đều thất vọng. Sainteny cho Gallagher biết Pháp sẽ thành công trong việc thương thuyết. Hồ Chí Minh sẽ thủ diễn một vai trò quan trọng trong những diễn biến ở Việt Nam. (15)
Ngày 28/1/1946, Ngoại trưởng Byrnes chỉ thị cho Phó vụ trưởng Đông Nam Á Kenneth P. Landon, lúc này đang ở Sài Gòn, ra Bắc và ở lại đây bao lâu cũng được để báo cáo về hiện trạng và diễn tiến cuộc thương thuyết Pháp-Việt Minh. Theo Byrnes, d'Argenlieu tiết lộ là thương thuyết đã diễn ra từ cuối tháng 11/1945, và có thể sẽ đạt được thỏa ước vào cuối tháng 1/1946. Lại có tin cho biết không hề có thương thuyết. Vẫn theo Byrnes, Linh mục/Cao ủy Georges Thierry d'Argenlieu từng tiết lộ là có thể cho Việt Nam tình trạng của Phi-li-pin [Philippines] trong vòng 30 năm, sau đó trả độc lập. Công điện này cũng thông báo là Lãnh sự Charles Reed sẽ tới Sài Gòn vào cuối tháng 2/1946. (16)
Vào tháng 1 và tháng 2/1946, sự kiên nhẫn của Hồ bị bào mỏng dần. Đối diện việc quân Pháp sẽ trở lại miền Bắc Việt Nam, Hồ viết cho Truman ngày 16/2/1946:
Sự xâm lăng [của Pháp] đi ngược lại những nguyên tắc công pháp quốc tế và những lời hứa của Đồng Minh trong Thế Chiến...
Sự xâm lăng của Pháp với một dân tộc hiếu hòa đe dọa trực tiếp nền an ninh thế giới. Nó hàm ý sự đồng lõa [complicity], hoặc ít nữa, là mưu đồ [connivance] của những cường quốc dân chủ. Liên Hiệp Quốc phải giữ lời hứa của mình. Liên Hiệp Quốc phải can thiệp để ngưng ngay cuộc chiến bất công này, và để chứng minh rằng họ muốn thực hiện trong thời bình những nguyên tắc mà vì đó họ đã chiến đấu trong thời chiến. (US-Vietnam Relations, Bk I, 1971:C-96)
Hai ngày sau, 18/2/1946, trong thỉnh nguyện thư gửi bốn cường quốc Mỹ, Liên Sô, Bri-tên và Trung Hoa, Hồ kêu gọi sự can thiệp tức thời để trước hết, ngăn chặn cuộc chiến tại Việt Nam và dàn xếp một giải pháp công bằng; và, thứ hai, đưa vấn đề Đông Dương ra trước Liên Hiệp Quốc. Hồ kết thúc bản thỉnh nguyện bằng tuyên bố dân tộc Việt “đã quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống lại sự tái thiết lập chế độ thực dân Pháp.” (US-Vietnam Relations, Bk I, 1971:C-100)
Các “đại cường dân chủ” không can thiệp cấp thời, mà có vẻ cũng chẳng coi trọng lời đe dọa của Hồ. Ngược lại, vì những lý do khác nhau, tất cả đều coi Đông Dương là vấn đề nội bộ của Pháp. Hơn nữa, dĩ vãng Cộng Sản của Hồ khiến các viên chức Mỹ ngần ngại. Ngay đến cố vấn của Hồ là Gallagher cũng khó thể quay mặt trước thành tích Cộng Sản của Hồ. Một trong những báo cáo đầu tiên của Gallagher ghi nhận Hồ là “một tay cách mạng lâu đời... một sản phẩm của Mat-scơ-va, một tay Cộng Sản.” (17)
Quan trọng hơn, giới ngoại giao Mỹ biết rõ liên hệ với QTCS của Hồ. Việc Hồ chính thức giải tán ĐCSĐD ngày 11/11/1945—hành động có một không hai trước ngày sụp đổ của Đông Âu và Liên Sô trong thập niên 1980—chưa đủ khiến các viên chức Mỹ xóa bỏ thành kiến về Hồ. Ngày 5/12/1946, chẳng hạn, trong khi cho lệnh Moffat ra Hà Nội gặp Hồ, Quyền Ngoại trưởng Acheson nhấn mạnh:
Nhớ kỹ rằng Hồ là một cán bộ QTCS, và chưa có bằng chứng nào về việc Hồ đã cắt đứt liên hệ với Mat-scơ-va... và sự yểm trợ của Đảng Cộng Sản Pháp mà Hồ nhận được. (18)
Mặc dù không được đọc điện văn trên trước khi gặp Hồ tại Hà Nội, Moffat có vẻ chia sẻ quan điểm trên. Vào giữa tháng 12/1946, Moffat báo cáo lên Bộ Ngoại Giao Mỹ:
[Hồ] nói tiếng Anh, nhưng tôi không hiểu rõ ý nghĩa của những chữ Hồ dùng. Tâm ý chính của Hồ là nụ cười và vẻ thân mật “Đừng ngại gì cả!”—trùng hợp với quan điểm của một thiểu số người Pháp có khả năng (khác với dư luận của đám đông) rằng nhóm cầm đầu Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn đầu là quốc gia, và sử dụng các thủ thuật cùng kỷ luật đảng để thực hiện mục tiêu cuối cùng; tình trạng một chế độ quốc gia như thế là điều kiện cần để thực hiện một chế độ Cộng Sản, mà hiện tại vấn đề thời gian chỉ là thứ yếu. (Thư Moffat gửi BNG (12/1945); trong Blum, United States and Vietnam, Phụ bản II, tr. 40-2)
Không kém quan trọng, ít nữa cho tới trước khi áp dụng chính sách bài Liên Sô tại Mỹ, có sự đồng thuận trong giới chức Mỹ rằng người Việt thiếu khả năng tự quyết. Vào đầu năm 1946, khi nói chuyện với Sharp thuộc Phòng Đông Nam Á BNG, Gallagher bày tỏ quan điểm riêng rằng mặc dù đòi hỏi độc lập lan tràn trong mọi giới, “người An-nam-mít chưa sẵn sàng để tự cai trị và trong cuộc chen vai với những nước khác, họ sẽ thua.” (Báo cáo ngày 30/1/1946 của Sharp; US-Vietnam Relations, Bk VIII, tr. 53-57)
Cách nào đi nữa, diễn đàn quốc tế hoàn toàn đóng cửa với Hồ. Vì sự sinh tồn của chính chế độ và đảng CSĐD, Hồ phải đương đầu với các thế lực trong nội địa Việt Nam. Mặc dù quân Pháp đã bắt đầu cuộc tái xâm lăng miền Nam từ tháng 9/1945, và dân quân miền Nam đã phất cờ kháng chiến sau ngày quân Bri-tên yểm trợ cho Pháp cướp chính quyền ở Sài Gòn ngày 22-23/9/1945, đối tượng ngoại giao khẩn cấp và trực tiếp của Hồ là Lư Hán và hơn 152,000 quân Tưởng Giới Thạch tại phía Bắc vĩ tuyến 16.
II. HỒ VÀ QUÂN TRUNG HOA:
Không rõ vào dịp nào Hồ được biết tin quân Tưởng Giới Thạch sẽ chiếm đóng miền Bắc Đông Dương. Chỉ biết ngày 26/8/1945—đúng ngày Hồ về tới Hà Nội, và hai ngày trước khi Thạch công bố chính sách chiếm đóng—Patti cho Võ Nguyên Giáp, và rồi Hồ biết sự thực này. (Patti, Why Viet-Nam, 1980:202; Giáp, KTNQ, 2001:18)
Hôm sau, Sainteny cũng báo cho Giáp và Dương Đức Hiền biết tin trên, với sự hiện diện của Patti. (Patti, Why Viet-Nam, 1980:209; Sainteny, Paix manquee, tr. 86-7. Giáp không nhắc đến chi tiết này)
Hồ và các thuộc hạ rất bối rối. Sự chiếm đóng của quân Trung Hoa sẽ tạo nên khó khăn muôn mặt. Trái ngược với dư luận và lời đồn đãi, quan tướng Trung Hoa biết rất rõ về Hồ và Việt Minh. Họ đã từng cầm tù Hồ hơn một năm vì tội nhập cảnh bất hợp pháp, tình nghi Cộng Sản, và vì các cán bộ của Hồ tìm cách phá hoại việc thành lập các đơn vị tiền tiêu Việt kiều trong kế hoạch Hoa quân Nhập Việt. Năm 1943, quan tướng Trung Hoa trả tự do cho Hồ, có lẽ vì áp lực Mỹ.
Một số Tướng Trung Hoa tại địa phương, nhất là Trung tướng Tiêu Văn, vốn không ưa Hồ. Thêm vào đó, quân Trung Hoa mang về nội địa nhiều tổ chức Việt kiều ở Hoa Nam. Ngoài hai nhóm nhỏ liên hệ với Đảng CSĐD bên cạnh Chỉ đạo thất Việt Cách tại Đệ tứ Quân khu (sau đổi thành Đệ nhất phương diện quân) của Trương Phát Khuê, đa số Việt kiều cũng chống Cộng hăng say như chống Pháp.
Việt Cách (hay Đồng Minh Hội) là tổ chức do quan tướng Trung Hoa lập nên từ mùa Thu 1944, để chuẩn bị cho chiến dịch "Hoa quân nhập Việt," dưới quyền Tiêu Văn. Tham gia tổ chức này có nhiều nhân vật tên tuổi ở Hoa Nam như Trương Bội Công (Nguyễn Văn Chiêu), Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trương Trung Phụng, Hoàng Lương, Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật, Vũ Kim Thành, Lương Văn Ý v.v... Chính Hồ cũng là một ủy viên dự khuyết của Ban Hành Động, và được Văn cho mang 18 cán bộ Việt Cách (kể cả “chị Thuần” Đỗ Thị Lạc) về nước vào tháng 9/1944. Tuy nhiên, Hồ móc nối được với cơ quan OSS, và sau tháng 3/1945, làm việc trực tiếp với OSS dưới bí danh "Lucius." Cho rằng sau khi Hồ bắt được chân cẳng Mỹ không còn kính trọng mình nữa, Tiêu Văn đã có lần nhắn tin đe dọa sẽ bắt sống Hồ và tiêu diệt Việt Minh.
Tổ chức Việt Cách—ít nhất trên danh nghĩa dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hải Thần, một nhà cách mạng đã qua Trung Hoa từ đầu thế kỷ XX, và bị Pháp kết án tử hình năm 1913 do những hành động chống Pháp—có một lực lượng quân sự khá mạnh. Mùa Hè 1945, Việt Cách có khoảng 500-600 người, với 150 súng. Vào tháng 6/1945, tại Bảo Lạc có 200 binh sĩ Việt Cách, 600 lính đào ngũ của toán Seguin, do Thượng sĩ Loung, thuộc đại đội 11, Tiểu đoàn 9 Cao Bằng chỉ huy. Tại Pan Cra có 200 quân; và giữa Bảo Lạc-Pan Cra có 500 dọc theo biên giới. Trong mùa Hè 1945, lực lượng Việt Cách cũng từng hoạt động phá hoại vùng biên giới Đông Bắc. (19)
Phần tổ chức VNQDĐ hải ngoại được Trung Hoa Quốc Dân Đảng bảo trợ, và sử dụng như những toán tiền tiêu của các đơn vị Vân Nam. Trong số các lãnh tụ có Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Chu Bá Phượng, Nguyễn Tường Tam v.v... Lực lượng VNQDĐ có khoảng 2,000 tay súng.
Bất kể sức mạnh của các tổ chức này ra sao, họ sẽ tạo nhiều rắc rối cho Hồ. Tháng 8/1945, Vũ Kim Thành đã về tới Móng Cáy. Sau đó, khi Việt Minh tuyên bố thành lập chính phủ, Thành cũng lập một chính phủ lâm thời, với Trương Bội Công phụ trách Quân sự vụ; Nguyễn Hải Thần làm Bí thư; Hoàng Lương, Ngoại vụ; và Nông Kính Giu, Tài chính. (20)
Vài ngày sau, Nguyễn Hải Thần cùng Nông Quốc Long mang quân vào Lạng Sơn. Long là một thổ hào Nùng, chạy qua Hoa Nam sau cuộc nổi dạy năm 1940. Việt Minh cố chống cự, nhưng cuối cùng phải rút lui. (CMTT, tập I, tr. 111. Xem thêm hồi ký của Thượng tướng Phùng Văn Tài, 2001)
Trong khi Nguyễn Hải Thần xuôi Hà Nội để gặp Lư Hán xin ủng hộ cũng như tiếp xúc các phe phái trong nước, đặc biệt là các tổ chức Đại Việt và thanh niên thân Nhật đã bị Việt Minh giải tán, đặt ra ngoài vòng pháp luật và tận tình truy diệt, Nông Quốc Long đóng quân ở Kỳ Lừa, một phố chợ nhỏ gần biên giới. Tuy nhiên, vài lãnh tụ Việt Cách thực ra là cán bộ Cộng Sản, như Hồ Đức Thành, hoặc đã bí mật ngả theo Cộng Sản như Lê Tùng Sơn và Bồ Xuân Luật. Sơn, một lãnh tụ trung ủy Việt Cách, trên thực tế hành sử như một cán bộ "ngoại giao" giữa Việt Minh và các lực lượng của Tiêu Văn.
Phía Tây Bắc, lực lượng võ trang Việt Quốc của Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam theo Quân đoàn 93 Vân Nam nhập Việt qua ngả Lào Cai. (21)
Họ chiếm một số thị xã như Lào Cai, Cốc Lếu, Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Bạch Hạc, Vĩnh Yên, Vĩnh Phú v.v... Vì tình trạng ngập lụt, đạo quân Vân Nam di chuyển chậm chạp như đoàn châu chấu khổng lồ. Ngoài ra, các đơn vị Việt Quốc nhiều lần chạm súng với Việt Minh. Mãi tới giữa tháng 10/1945, mới về tới Hà Nội. Vào thời điểm này, hầu hết đồng chí của họ trong nội địa đã bị các “đội danh dự” của Võ Nguyên Giáp tiêu diệt hay xử tử trước những “tòa án nhân dân” với bản án “Việt gian.” (22) Hàng ngàn người khác bị bắt giữ và an trí.
Nguy hiểm hơn nữa cho chế độ Hồ là quan điểm của quan tướng Trung Hoa đối với Việt Minh. Trong khi nghiêm cấm các quan tướng không được mở bất cứ liên hệ chính thức nào với chế độ Hồ, (Chen, 1969:126-7) Tưởng Giới Thạch tảng lờ mọi thỉnh nguyện của Hồ, kể cả việc xin cử một phái đoàn thân hữu qua thăm Trùng Khánh, (23) và lời kêu gọi Trung Hoa can thiệp để ngăn chặn việc Pháp xâm lăng Nam Việt Nam. (Tel. ngày 28/10/1945, Hồ gửi Tưởng; Ibid., Bk I, tr. C 91)
Đối với chính phủ Việt Minh, Hội đồng Quân quản Trung ương Trung Hoa không nhìn nhận; nhưng vẫn sử dụng nó như một công cụ hành chính để thu góp chiến lợi phẩm. Vì quan tướng Trung Hoa nắm quyền chỉ huy tại các tỉnh quan trọng miền Bắc, bất cứ buổi hội họp hay biểu tình nào phải xin giấy phép trước. Hồ và các bộ trưởng phải có giấy phép đi đường do Ban Cảnh vệ Trung Hoa cấp. Ngay đến Bộ trưởng Nội vụ Giáp từng bị câu lưu vài giờ trên đường đi ra Hà Đông. (Giáp, KTNQ, 1974:63; 2001:57) Tháng 11/1945, Tướng Chu Phúc Thành, Tư lệnh Lộ quân 53 Trung ương, từng tra vấn Hồ gần một ngày về việc ám sát một Pháp kiều tại Hà Nội. Sau khi phóng thích Hồ, Thành câu lưu tài xế và tạm giữ xe của Hồ. (Ibid., tr. 107-108; Idem., 2001:96-98; Sơn, Nhật ký, tr. 200ff ) Sự dọa nạt của quan tướng Trung Hoa trầm trọng đến độ đêm nào Hồ cũng phải thay chỗ ở. (Giáp, KTNQ, 1974:64; 2001:58)
Là tay lão luyện về nghệ thuật sống còn, Hồ mau chóng thay đổi “đường kách mệnh” để làm vui lòng quan tướng Trung Hoa. Ba thập niên sau, Giáp ghi nhận:
Với Bác, chân lý cách mạng là cụ thể. Vận động sách lược, cũng là cụ thể. Tuy tất cả bọn Tưởng đều là những tên phản động, nhưng với từng đối tượng cụ thể, ta cần có cách đối xử cụ thể... (Ibid., 1974:99; Idem, 2001:89)
Nói vắn tắt, theo Giáp, chiến lược chung của Hồ là tránh đụng chạm với quan tướng Trung Hoa bằng mọi giá. (Ibid., 1974:94; 2001:85) Trong khi đó, Hồ cũng thực hiện một chính sách thực tế và sáng tạo hơn là hối lộ quan tướng Trung Hoa về cả hai mặt tinh thần cũng như vật chất. Với những Tướng nhiều uy quyền, đặc biệt là Lư Hán và Tiêu Văn, Hồ đích thân đến chào và xin chỉ thị, cùng làm cho đầu họ to hơn với những lời ca ngợi Tam Dân Chủ Nghĩa của Tôn Dật Tiên. (US-Vietnam Relations, Bk I, C-99; Chen, 1969:84-5) Ngoài ra Hồ còn khiến ngay cả Giáp cũng phải sửng sốt khi thấy Hồ quen biết các quan cấp nhỏ Trung Hoa, nhờ họ mua chuộc các cấp chỉ huy cần hối lộ. (Giáp, KTNQ, 1974:98; 2001:88-89) Để có tiền hối lộ các quan tướng Trung Hoa, Hồ phát động nhiều chiến dịch quyên góp tiền bạc qua các Quỹ Độc Lập, Tuần Lễ Vàng, Tuần Lễ Văn Hóa, Quĩ Kháng Chiến v.v... Một số không nhỏ tiền và quí kim này—lên tới khoảng 20 triệu đồng và 375 [370] cân Tây vàng (Ibid., 1974:98; 2001:71-72)—cuối cùng lọt vào tay quan tướng Trung Hoa. Nhờ vậy, Hồ và chính phủ Việt Minh qua được nhiều cơn sóng gió. Ngay đến Tiêu Văn cũng ra sức bênh vực Hồ. (24)
Không những chỉ tự do bóc lột tiền bạc, quí kim, gạo và thuốc phiện, quan tướng Trung Hoa còn dàn xếp việc thành lập một chính phủ liên hiệp giữa Hồ với các lãnh tụ lưu vong mới hồi hương. Từ trung tuần tháng 9/1945 đã có tin đồn ở Hà Nội về việc thành lập một chính phủ liên hiệp, thân Trung Hoa. Theo những tin đồn này, Nguyễn Hải Thần sẽ làm Chủ tịch và Hồ làm Phó. (25)
Hàng rào ngăn cản là lập trường khác biệt giữa hai phe Cộng Sản và chống Cộng, mà sự hiềm khích đã hiển lộ tại Trung Hoa từ đầu thập niên 1940, nếu không phải sớm hơn. Việc chế độ Hồ ám sát, thủ tiêu và bắt giữ hàng ngàn người không Cộng Sản, đặc biệt là đảng viên Đại Việt và Việt Quốc, tạo nên một cuộc nội chiến sắt máu tại nông thôn và không khí ngột ngạt tại các thành phố và tỉnh lÿ. Cả hai tổ chức Việt Cách và Việt Quốc (tức liên minh VNQDĐ và Đại Việt) công khai tố cáo gốc gác Cộng Sản của Hồ. Việt Nam Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Việt Quốc, và các báo tư nhân ấn hành sau tháng 10/1945 công khai đả kích Hồ. (26) Từ khu tự trị Ngũ Xã (tây bắc Hà Nội), những cuộc đấu khẩu bằng loa phóng thanh ra rả ngày đêm. Và, dĩ nhiên, cũng có những cuộc biểu tình, ẩu đả, bắt cóc hầu như mỗi ngày.
Sự chống đối của phe không Cộng Sản mạnh mẽ đến độ Hồ không thể tổ chức được cuộc bầu cử Quốc Hội vào ngày 8/11/1945 như đã hứa hẹn. (27)
Bị dồn vào thế tiến thoái lưỡng nan, Hồ tung ra một thủ thuật cực kỳ độc đáo: Ngày 5/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSĐD "nghị quyết tự động giải tán Đảng... Những tín đồ của Chủ nghĩa CS muốn tiến hành việc nghiên cứu chủ nghĩa sẽ gia nhập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư [Marx] ở Đông Dương." Trường Chinh được cử làm Tổng Thư ký Hội Nghiên Cứu CNMKT này. (Cờ Giải Phóng [CGP], số 33, 18/11/1945) Mục đích của việc này, theo Hồ, là đánh tan tất cả những sự hiểu lầm, ở ngoại quốc cũng như trong nước, có thể khiến cản trở việc giải phóng Tổ quốc. (Ibid.)
Không rõ quyết định giải tán Đảng CSĐD này do thực tâm của HCM hay đây chỉ là màn kịch. Từ tháng 10/1945, tất cả các cán bộ Đảng CSĐD đã được lệnh rút vào bóng tối. Cơ quan ngôn luận của Đảng CS, tờ Cờ Giải Phóng, được cải danh thành tờ Sự Thật. Việc giải tán Đảng CS, bởi thế, thường được diễn giải như nhắm vào dư luận đám đông, làm hài lòng các quan tướng Trung Hoa cùng thế giới.
Việc làm của Hồ được các quan tướng Trung Hoa đón nhận nồng nhiệt. Trong những ngày kế tiếp, nhóm Thiều Bá Xương, Tiêu Văn và rồi Chu Phúc Thành đứng ra hòa giải giữa Hồ và các đối thủ. Tuy nhiên, Hồ phải tạm hoãn cuộc bầu cử Quốc Hội đến hai lần (23 tháng 12/1945, rồi 6/1/1946), vì mãi tới ngày 24/12, sau nhiều đợt thương thảo, Hồ và phe Việt Cách-Việt Quốc mới đạt được thỏa hiệp.
Mặt khác, sau khi Thạch chính thức đồng ý trao trả Bắc Đông Dương cho Pháp, quan tướng Trung Hoa còn khuyến khích Hồ phải thương thuyết với Pháp về việc cho phép Pháp thay thế quân Trung Hoa tại Bắc Đông Dương.
III. THƯƠNG THUYẾT VỚI PHÁP:
Từ mùa Hè 1945 đã có những dàn xếp cho Pháp và Việt Minh thương thuyết, nhưng không thành công. (28) Ngày 25/7, Hồ Chí Minh lại nhờ tình báo Mỹ làm trung gian để nói chuyện với một nhân vật cao cấp của Pháp. Thiếu tá Thomas của OSS Mỹ chuyển ý kiến này về Bách-sắc (Quảng Tây). Toán AGAS cũng chuyển ý kiến của Hồ sang Côn Minh (Vân Nam). (Giáp, KTNQ, 1974:222) Theo Jean Sainteny, người chỉ huy lực lượng M-5 tại Hoa Nam, thời gian này Việt Minh đồng ý chấp nhận sự trở lại của Pháp, với điều kiện "được độc lập trong vòng từ 5 tới 10 năm." (29)
Sau khi Việt Minh giành được chính quyền, ngày 27/8, Đại úy OSS Patti đã giới thiệu Sainteny với Võ Nguyên Giáp và Dương Đức Hiền; và chính Sainteny báo cho hai người này biết quyết định của tam cường tại Potsdam là sẽ chia Đông Dương làm hai vùng chiếm đóng. (Sainteny 1953:86-7; Patti 1980:209) Phần Hồ chỉ trực tiếp gặp các đại diện Pháp tại Hà Nội từ hạ tuần tháng 9/1945, tức gần một tuần lễ sau ngày Pháp tái chiếm Sài Gòn. Ngày 28/9—đúng ngày lễ giải giới Nhật tại Hà-Nội—Hồ tiếp Tướng Alessandri cùng Pignon. (Giáp, KTNQ, 1974:140; 2001:128)
Sau đó, Alessandri và Pignon bí mật thương thuyết với Hoàng Minh Giám. Từ ngày 15/10, giữa lúc đường phố Hà Nội như dầu sôi lửa bỏng vì tin quân Pháp đổ bộ ở miền Nam, và tin đồn về ám sát, hành hung loan truyền, Sainteny mới chính thức mật đàm với Hồ. (Sainteny 1970:51)
Tuy nhiên, những cuộc mật đàm này không đưa đến kết quả mong muốn. Có nhiều lý do. Trước hết, lập trường Hồ đã thay đổi, cứng rắn hơn. Hồ đòi hỏi Việt Nam phải được độc lập, và thống nhất lãnh thổ. Những điều kiện trên được bạch hóa trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày Thứ Bảy, 20/10. Dịp này, Hồ nhấn mạnh:
Pháp phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, bằng không thì không thể nói chuyện gì được cả. (CQ, 23/10/1945)
Phía Pháp, vì de Gaulle vẫn đặt quân sự lên ưu tiên hàng đầu, các đại diện của Paris muốn “mua thời gian.” Theo họ, Việt Minh chỉ là một trong những đảng phái tại Việt Nam, và Pháp muốn ký hiệp ước với một chính phủ đại diện mọi thành phần, khuynh hướng. Cũng với mục đích làm suy yếu Việt Minh, và đặt để những thành phần thân Trung Hoa vào chính quyền, nhóm Thiều Bá Xương, Tiêu Văn và rồi Chu Phúc Thành không ngừng áp lực Hồ phải liên hiệp—hòa giải, hòa hợp—với các lực lượng không Cộng Sản, đại biểu bằng Việt Cách và VNQDĐ, mới theo các toán quân chiếm đóng hồi hương. Mặt khác, quan tướng Trung Hoa khuyến khích Hồ phải thương thuyết với Pháp về việc thay thế quân Trung Hoa tại Bắc Đông Dương.
Thời gian này, chiến cuộc Nam bộ đang bùng nổ dữ dội. Ngày 23/10, chẳng hạn, Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, đi tin 4 cột trang nhất: "Chiến sự tại Nam Bộ; Quân ta đương thực hiện khẩu hiệu: Đốt Sài Gòn ra tro." (CQ, 23/10/45) Cũng ngày này, Hồ công bố quyết định chọn ngày 5/11/1945 làm Ngày Kháng Chiến Toàn Quốc. Trong khi đó, bạo động diễn ra trên đường phố, vì Ủy ban Hoa kiều treo cờ Liên Hiệp Quốc, kể cả cờ Pháp, trước một rạp hát để chào đón quan tướng Trung Hoa mà không treo cờ Việt Minh. Đám đông xé cờ Pháp, tấn công Pháp kiều, giết chết 2 sĩ quan Pháp lận súng ngắn trong người. (30)
Đầu tháng 11/1945, không khí Hà Nội ngày thêm bốc lửa. Tin đồn về đình công, bãi thị, hành hung hay bắn giết Pháp kiều ngày một gia tăng. Quan tướng Trung Hoa phải bắt giữ cả Trưởng Ty Công An Việt Minh tại Hà Nội. Ngày 3/11, Việt Minh đề nghị nói chuyện với Pháp về vấn đề an ninh, trật tự ở thủ đô. (Hale, 1945:24-5) Qua những cuộc thương thuyết này, ngày 25/11, d'Argenlieu có thể tuyên bố với một viên chức cao cấp Mỹ là "những cuộc thương thuyết với dân An-nam-mít để giải quyết những dị biệt tiến triển rất khả quan, và chúng tôi đã hứa không xét xử những lãnh tụ An-nam-mít như tội phạm chiến tranh". (Hale, 1945:30)
Đầu tháng 12/1945, do sự dàn xếp của Hoàng Minh Giám, Hồ, Giáp và Giám gặp Sainteny, Salan và Pignon tại Hà Nội, mở đầu một đợt mật đàm mới. (Chronique 1985:98)
Thái độ Hồ lúc này mềm dẻo hơn. Ngày 4/12, Giám thúc giục Pignon nên thương thảo càng nhanh càng tốt, và tiết lộ là Hồ muốn gặp d'Argenlieu. Ngày 7/12, Pignon bí mật giao cho Giám một bản dự thảo Hiệp ước. (Chronique 1985:99)
Qua ngày Thứ Bảy 8/12, Giám yêu cầu gặp Pignon hôm sau; và tiết lộ chính phủ Hồ sợ quân Trung Hoa làm đảo chính. (Chronique 1985:100) Trong buổi gặp mặt ngày 9/12 này, Giám tâm sự với Pignon rằng đây có lẽ là lần cuối cùng mình thương thuyết với Pháp, vì một chính phủ Liên Hiệp sẽ thành lập trong một tương lai gần. Một tuần sau, ngày 16/12, Pignon vào Sài Gòn gặp d'Argenlieu, báo cáo kết quả những cuộc mật đàm với Giám. D'Argenlieu đồng ý gặp Hồ trên chiến hạm Richelieu ngoài khơi Đồ Sơn trước cuối tháng 12/1945. Tuy nhiên, cuộc gặp mặt này không thực hiện được vì Sainteny sợ tướng Trung Hoa ngăn cản. (31)
Hơn nữa, tại Paris, giới quân sự khẳng quyết rằng ngoại trừ có một biến cố đặc biệt nào, vào khoảng đầu Xuân 1946, quân lực Pháp có thể làm chủ tình hình Đông Dương. (Note ngày 4/12/1945; Papiers Bidault; Valette 1984:4).
Thời gian này, tưởng cũng nên thêm, cả Paris lẫn Sài Gòn đều bắt đầu nghĩ đến việc tìm "một nhân vật mới" có thể dễ thỏa hiệp hơn Hồ. Nhưng khi Paul Mus, đặc sứ viên của d'Argenlieu về Paris, "nhân vật mới" trên, tức Hoàng Tử Vĩnh San (1900-1945), “đã tan biến như một giấc mơ đẹp.” (32)
Quan trọng hơn, ngày 20/1/1946, lãnh tụ lớn của nhóm Gaullist bỗng đột ngột từ chức. Cùng ra đi với de Gaulle là chính sách luật kẻ mạnh. Cuối tháng 1/1946, sau khi chính phủ Félix Gouin thành lập, có sự thay đổi đáng kể trong chính sách Đông Dương của Pháp. D'Argenlieu được lệnh phải xúc tiến nhanh việc thương thuyết. Phía Hồ, thời gian này cũng bận rộn vì sự dàn xếp một chính phủ liên hiệp để có thể tổ chức bầu cử Quốc Hội như đã loan báo, và thiết lập vị thế pháp lý hầu thảo luận với Pháp.
A. CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP-BẦU CỬ QUỐC HỘI:
Để bảo đảm sự hợp pháp của chính phủ VNDCCH, từ ngày Thứ Bảy, 8/9/1945, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 14, quyết định tổ chức bầu "Quốc dân đại biểu đại hội" trong vòng 60 ngày. (33)
Ngày 26/9, Hồ lại ký sắc lệnh số 39, thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Nhưng sau đó, phải dời ngày bầu cử tới 23/12/1945. Cả Pháp lẫn Trung Hoa đều tìm cách ngăn chặn việc tổ chức bầu cử nặng phần hình thức này. Do nhu cầu sinh tồn, từ tháng 10/1945, Việt Minh phải thương thuyết với Việt Cách và VNQDĐ về việc thành lập một chính phủ liên hiệp hầu có thể tổ chức bầu cử Quốc Hội như đã dự trù. Ngày 23/10, đúng ngày Hồ chọn ngày 5/11/1945 làm ngày Kháng Chiến Toàn Quốc, phe Hồ tung tin hai phe Việt Minh và Đồng Minh Hội (Việt Cách) ký thỏa ước hợp tác lần thứ nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là một màn kịch do Võ Nguyên Giáp và Lê Tùng Sơn chủ trương. (34) Ít ngày sau, Vũ Kim Thành rút chân khỏi Hội liên tịch Đồng Minh Hội và Việt Minh.
Những cuộc bạo động và công kích trên báo chí giữa Việt Minh và phe VNQDĐ-Đồng Minh Hội diễn ra hằng ngày. Tại Hà Nội, phe VNQDĐ-Đồng Minh Hội thành lập được một khu vực tự trị tại vùng Quan Thánh/Ngũ Xã, mở trận chiến phản tuyên truyền chống Việt Minh, tố cáo gốc gác Cộng Sản của Hồ cùng các tay chân thân tín. Các toán cảm tử VNQDĐ còn ám sát "Ba" [Đại úy Nguyễn Văn] Viên, một "đảng viên" phản bội, và mưu sát Bồ Xuân Luật. Trương Trung Phụng, người cầm đầu Đồng Minh Hội, cũng bị bắt cóc, nhưng sau đó Tiêu Văn can thiệp phải thả. Một vài cán bộ Cộng Sản, như Trần Đình Long—tốt nghiệp cùng thời với Litvinov Doãn và được bí mật cử làm người thay Litvinov Doãn trong thời gian tái tổ chức Đảng CSĐD vào đầu thập niên 1930, nếu có chuyện bất trắc, lúc ấy đang hoạt động dưới danh nghĩa Đảng Dân Chủ—bị thủ tiêu. Có lần, phe VNQDĐ còn bắt cóc được cả Võ Nguyên Giáp.
Theo Giáp, trong tháng 11/1945, Tướng Chu Phúc Thành, Tư lệnh Quân đoàn 53 Trung ương ở Hà Nội, cũng đã hỏi cung Hồ gần một ngày về cái chết của một người Pháp. Cuối cùng, Hồ được tha, nhưng tài xế và xe riêng bị giữ lại. Từ ngày này, mỗi tối Hồ đều phải thay đổi chỗ ngủ. (35)
Để đối phó với những lời tố cáo Việt Minh là Cộng Sản, từ tháng 9/1945, Trung ương Đảng CSĐD cho lệnh các đảng viên phải rút vào bí mật. Rồi, ngày 5/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSĐD "nghị quyết tự động giải tán,” hiệu lực từ ngày 11/11/1945. (CGP, 33, 18/11/1945)
Dưới áp lực của Tiêu Văn, ngày 24/11, ba phe Việt Minh, Việt Cách và VNQDĐ ký một thỏa ước liên hiệp, nhưng sớm đổ vỡ. (36)
Tại Hà Nội và các địa phương, Việt Minh và các đảng phái khác tìm đủ cách triệt hạ nhau. Ngày 10/12, chẳng hạn, Việt Minh tấn công một số căn cứ của VNQDĐ tại Vĩnh Yên. Phe Việt Cách cũng chia làm hai. Trương Trung Phụng tiếp tục hợp tác với Hồ; trong khi phe Nguyễn Hải Thần chống đối. Theo Thiều Bá Xương, sở dĩ việc thương thuyết liên hiệp bị bế tắc vì phe không Cộng Sản đòi ghế Chủ tịch và 6 ghế Bộ trưởng. Hồ thì chỉ chịu nhường 3 ghế Bộ trưởng và một ủy ban Cố vấn. (Thư Thiều Bá Xương gửi King C. Chen; Chen 1969b:129)
Do nỗ lực của Tiêu Văn, ngày 19/12, ba phe lại gặp nhau tại Bộ Tư Lệnh quân Trung Hoa. Rồi ngày 24/12, ký một thỏa ước "hợp tác tinh thành" khác tại số 40 đại lộ Gia Long, dưới sự chủ tọa của Văn. Thỏa ước này gồm 18 điểm, có những điểm chính sau:
1. Thành lập ngày 1/1/1946 một chính phủ liên hiệp với 10 bộ, do Hồ làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm phó. Số ghế được chia 2 ghế cho VM, 2 cho VNQDĐ, 2 cho Đảng Dân Chủ, 2 cho Đồng Minh Hội, 2 cho độc lập.
2. Tổ chức bầu cử ngày 6/1/1946.
3. VNQDĐ được dành 50 ghế, ĐMH, 20 ghế.
4. Các đảng tự nguyện không gây hấn với nhau. (37)
Hai ngày sau, 26/12, báo chí thủ đô đều đăng thông cáo "Đoàn Kết" của Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh. Nguyên văn thông cáo này như sau:
Ngày 24-12-1945, chúng tôi là Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh thay mặt cho Việt Minh, Quốc Dân Đảng và Cách Mệnh Đồng Minh Hội, cùng ký tên công nhận những điều ước sau đây:
1. Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết. Căn cứ vào thái độ thân ái, tinh thành cùng nhau thảo luận để giải quyết hết thẩy những vấn đề khó khăn trước mắt. Ai dùng ngang vũ lực gây nên những cuộc nội loạn sẽ bị quốc dân ruồng bỏ.
2. Kể từ ngày 25-12-1945, đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc tổng tuyển cử, quốc hội và kháng chiến.
3. Bắt đầu từ ngày 25-12-1945, đôi bên đều đình chỉ hết thẩy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động.
Ký tên: Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh. (CQ, 26/12/1945)
Ngày 26/12, trong một buổi họp báo, Hồ chính thức tuyên bố là từ ngày 1/1/1946, chính phủ lâm thời sẽ mở rộng, nhưng chỉ có 10 bộ. VNQDĐ sẽ nắm hai bộ Kinh Tế Quốc Gia và Vệ Sinh. Riêng Quốc Hội sẽ được bầu vào ngày 6/1/1946. Số nghị sĩ trong Quốc Hội sắp tới sẽ dành riêng 70 ghế cho phe Quốc Dân Đảng. (CQ, 28/12/1945; Giáp, KTNQ, 1974:110-1; 2001:99.)
Đúng ngày 1/1/1946, chính phủ Liên Hiệp lâm thời ra mắt tại Nhà Hát lớn, Hà Nội. Hồ vẫn giữ chức Chủ tịch; với Nguyễn Hải Thần làm Phó. Giáp mất chức Bộ trưởng Nội Vụ, nhưng được cử làm Chủ tịch Hội đồng Quốc Phòng, với Vũ Hồng Khanh (VNQDĐ) và Vũ Kim Thành (ĐMH) là hai trong những thành viên. Năm ngày sau, cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên của Việt Nam được tổ chức. Trong số 356 ghế dân biểu, như đã dàn xếp sẵn, Việt Cách (tức Đồng Minh Hội) và VNQDĐ được dành riêng 70 ghế, và Nam Bộ 18 ghế. (Xem danh sách 70 Đại biểu này trong TTLTQG 3 (Hà Nội), Kho QH, HS 1; Lịch sử QHVN, 2000:369-372)
Gần hai tháng sau, ngày 23/2, ba phe VM, VNQDĐ và Việt Cách lại đồng ý đổi tên Chính phủ Lâm thời thành Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Hai bộ Canh Nông và Công Chính dành cho miền Nam. Bộ Quốc Phòng và Nội Vụ dành cho người trung lập (Phan Anh và Huỳnh Thúc Kháng). Việt Minh và Đảng Dân Chủ được 4 bộ; VNQDĐ và Việt Cách 4 bộ còn lại. Hội Đồng Quốc Phòng được cải danh thành Ủy Ban Kháng Chiến Toàn Quốc. Đoàn Cố vấn quốc gia thì ngoài Vĩnh Thụy có thêm Lê Hữu Từ, Giám mục Ki-tô Phát Diệm. (38)
Ngày Thứ Bảy, 2/3/1946, Quốc Hội Việt Nam chính thức khai mạc. Ngày này, chính phủ Hồ từ chức. Quốc Hội ủy Hồ thành lập chính phủ mới. Nửa giờ sau, Hồ công bố danh sách "Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến" đã được bí mật dàn xếp từ trước. (39)
Ngày Thứ Hai, 4/3, chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến họp lần đầu tiên. Tuy nhiên, Thần vắng mặt. Tam cũng chưa chịu nhận chức. (40)
Trong khi đó, tin đồn Thần, và rồi Cố Vấn Vĩnh Thụy, tức Cựu hoàng Bảo Đại, sẽ thay thế Hồ được loan truyền khắp nơi. Theo một tin tình báo Mỹ, Hồ tuyên bố đã đề nghị nhường chức Chủ tịch cho Bảo Đại, nhưng nhiều lãnh tụ Việt không đồng ý, sợ làm mất tinh thần dân chúng. (US Senate, Hearings, 1946:330)
Tại Hà Nội và Hải Phòng, nhiều gia đình giàu có bắt đầu tản cư vì có tin quân Pháp sắp đổ bộ. Sự thờ ơ với quyền lực, chức tước của Hồ hay nhóm Tam, Thần này thực ra có hai nguyên ủy chính; đó là Hòa ước Trung-Pháp ngày 28/2/1946, và một hiệp ước Việt-Pháp đang thành hình. Cả hai hòa ước này có liên hệ mật thiết với nhau, và là môi sinh tạo nên những chuỗi diễn biến chính trị vừa lược thuật.
Việc thành lập chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến, thực ra, chỉ là sản phẩm của luật kẻ mạnh. Cả Trung Hoa và Pháp đều áp lực để có được chính phủ này. Các phe phái Việt Nam phải cách này hay cách khác cúi đầu tuân phục.
B. HIỆP ƯỚC SƠ BỘ 6/3/1946:
Như đã nhắc ở một đoạn trên, lập trường hòa đàm đầu tiên của Hồ là Pháp phải chấp nhận nền độc lập và sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam. Pháp thì chỉ đồng ý cho Việt Nam tự trị, và Việt Nam chỉ có nghĩa phần lãnh thổ Bắc bộ và Bắc Trung bộ. (41)
Một biến cố vào đầu tháng 2/1946 khiến Hồ thay đổi hẳn lập trường. Ngày 2/2, tức đúng ngày mồng một Tết Bính Tuất, Hồ bị Chu Phúc Thành, Tư lệnh Quân đoàn 53 TH, tạm giữ vài giờ. (42)
Hai tuần sau, ngày 16/2, Hồ đồng ý bỏ hai tiếng độc lập, chấp nhận trên nguyên tắc gia nhập Liên Hiệp Pháp, và đồng ý cho quân Pháp thay thế quân Trung Hoa phía Bắc vĩ tuyến 16. Một trong những hứa hẹn mật là tương lai Nam Kỳ sẽ được thảo luận sau; và, chính phủ Pháp phải trả lời tức khắc. (43)
Sự lùi bước của Hồ khiến Paris vô cùng hồ hởi. Thực ra, từ ngày 14/2, chính Tướng Leclerc—lúc đó đang xử lý thường vụ chức Cao Ủy vì d'Argenlieu phải về Pháp nhận chỉ thị của chính phủ Felix Gouin—đã yêu cầu Pháp nên nhìn nhận tiếng "độc lập" vì trên thực chất chỉ có nghĩa tự trị. (SHAT (Vincennes), 10H 143. Tướng Juin giao công điện này cho d'Argenlieu ngày 18/2/1946 tại Paris; Chronique 1985:155)
Bởi thế, ngày 21/2, từ Paris, d'Argenlieu chấp thuận đề nghị của Hồ; nhưng nhấn mạnh: không bảo đảm rằng Việt Nam sẽ có cả Nam Kỳ. (Tel. số 232/C.I., ngày 21/2/46, D'Argenlieu gửi Sainteny; SHAT, 10H 143)
Vì đã có dụng tâm muốn quân Trung Hoa rút khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt, Hồ đồng ý. Tuy nhiên, sau gần một năm độc lập, tinh thần bài Pháp ở miền Bắc đã lên cao độ. Việc Pháp tái chiếm miền Nam và những chiến dịch tuyên truyền chống Pháp đã được Việt Minh phát động một cách tinh xảo càng như đổ dầu vào lửa. Đơn phương ký kết với Pháp lúc đó là một hành động tự sát chính trị. Khi các đối thủ loan tin Hồ đang bí mật thương thuyết với Pháp, dư luận chống đối đã bắt đầu nổi lên. Ngày 20/2, đối thủ Hồ tổ chức biểu tình đả đảo chính phủ tại Hà Nội, và yêu cầu Bảo Đại lên cầm quyền. (Giáp, KTNQ, 1974:142-4) Có lẽ vì thế đã có lúc Hồ ướm hỏi Bảo Đại muốn thay mình hay chăng.
Dẫu vậy, Hồ và Sainteny tiếp tục gặp nhau hầu như mỗi ngày để bàn về tương lai Nam bộ và Liên Bang Đông Dương trong Khối Liên Hiệp Pháp. Lúc này Hồ chỉ còn muốn được thống nhất lãnh thổ và quan tâm đến quân số Việt Minh. Sau khi Salan đã nhượng bộ về vấn đề quân sự, Hồ chịu nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ—tức đồng ý cho dân Nam bộ trưng cầu dân ý để tự quyết định thể chế tương lai như d'Argenlieu nhấn mạnh. (Xem công điện số 152/E, ngày 3/3/1946, d'Argenlieu gửi Sainteny; số 2960-2962, ngày 5/3/1946, và số 404-407, ngày 5/3/1946, Comrep [Sainteny] gửi Hausaire [d'Argenlieu]; SHAT (Vincennes), 10H 143)
Phần những lãnh tụ không Cộng Sản như Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam, trước một sự thực khó tránh, đã chọn giải pháp "mất tích" từ sau ngày ký Hiệp ước Pháp-Trung 28/2/1946. Tuy nhiên, dưới áp lực của Trung Hoa, họ cuối cùng vẫn phải tham gia chính phủ Liên Hiệp của Hồ. Tối 5/3, sau khi hội kiến với phái đoàn Trung Hoa, Hồ đồng ý chọn một giải pháp trung dung—chấp thuận ký Hiệp ước với Pháp, nhưng có một lãnh tụ VNQDĐ là Vũ Hồng Khanh đồng ký. Sau đó, Hồ và Sainteny duyệt lại lần cuối bản Hiệp ước. (44)
Sáng hôm sau, Hồ trình bản dự thảo Hiệp định cho Quốc Hội. 5 giờ chiều cùng ngày, Hồ cùng Khanh gặp phái đoàn Sainteny tại số 38 đường Lý Thái Tổ, và ký vào bản hòa ước chấp nhận cho quân Pháp thay thế quân Trung Hoa ở phía Bắc vĩ tuyến 16. (SHAT (Vincennes), 10H 143)
Theo Hiệp định sơ bộ này, Pháp nhìn nhận Việt Nam là một "quốc gia tự do" (L’Etat libre) trong Liên Hiệp Pháp (L’Union francaise); và dân Việt Nam sẽ tự quyết định sự thống nhất lãnh thổ của mình qua một cuộc trưng cầu dân ý (referendum). Trong bản Phụ ước về quân sự, 10,000 quân Việt Nam và 15,000 quân Pháp sẽ giữ nhiệm vụ "tiếp phòng" 180,000 quân Trung Hoa. Pháp còn hứa sẽ rút quân khỏi Việt Nam trong vòng 5 năm. (45)
Vì chưa biết rõ chi tiết trong những phụ bản quân sự, Paris cực lực hoan hỉ. Hai ngày sau, 8/3, Thư ký Ủy ban Đông Dương (Comindo) là François de Langlade viết thư khen ngợi d'Argenlieu. Ngày hôm sau nữa, 9/3, chính phủ Gouin cũng thông báo cho d'Argenlieu biết là chấp thuận Hiệp ước này. (SHAT (Vincennes), 10H 141. Đồng thời hỏi ý kiến về việc tạo một khu vực tự trị cho người Thượng)
Sự vui mừng của các viên chức Pháp có lý do của nó. Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 là chiếc chìa khóa cuối cùng về mặt ngoại giao để hợp thức hóa cuộc tái xâm lăng của Pháp. Hiệp ước, như Moutet nhận định hơn một năm sau, đã giúp tránh đổ máu cho 20,000 kiều dân Pháp bị Nhật tập trung ở Hà Nội, và bảo đảm rằng quân Pháp có thể chiếm lại Bắc Đông Dương không tốn một giọt máu, khi lực lượng quân sự hai bên hoàn toàn chênh lệch: Pháp chỉ có 16,000 quân so với "185,000" quân Trung Hoa, cộng thêm 30,000 lính Nhật. (AAN, 1947:876, col 2. Thực ra số quân Trung Hoa chỉ có 152,500 người.)
Tuy nhiên, khi nhận được những phụ bản về quân sự, Paris bắt đầu có ý nghĩ khác. Moutet không giấu sự bất mãn của mình, yêu cầu d'Argenlieu giải thích rõ ràng hơn, như ai sẽ chịu trách nhiệm trả lương bổng cho quân đội Việt Nam. D'Argenlieu cũng báo cáo là mình không hay biết gì về phụ bản quân sự này, và sẽ gửi Salan về Paris để giải thích tường tận hơn. Đồng thời, d'Argenlieu tìm cách “sửa lại” những điều khoản không hợp ý.
C. HỘI NGHỊ TRÙ BỊ ĐÀ LẠT:
Ngày Chủ Nhật, 24/3, Hồ Chí Minh, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Minh Giám cùng Sainteny và Pignon bay ra Vịnh Hạ Long, gặp d'Argenlieu trên soái hạm L' Emile Berlin. Hồ đề nghị sẽ dẫn một phái đoàn qua Paris để tiếp tục thảo luận hầu đạt được những hiệp ước chính thức giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, d'Argenlieu chỉ đồng ý họp ở Đà Lạt; và, cho một phái đoàn thiện chí 10 người của Quốc Hội Việt Nam qua thăm Quốc Hội Pháp đúng ngày Hội nghị Đà Lạt khai mạc. Sau đó, hai bên đồng ý là sẽ gửi một phái đoàn thiện chí qua Pháp, họp trù bị tại một địa điểm trên lãnh thổ Đông Dương, và rồi chính thức ký kết ở Paris. Vì Hồ cần trở lại Hà Nội trước buổi tối, hai bên đồng ý sẽ tiếp tục thảo luận thêm giữa Sainteny và Hồ tại Hà Nội. (Chính Đạo, VNNB, I:A, 1996:323)
Đáng lưu ý là dù Leclerc có mặt trên soái hạm L'Emile Berlin, d'Argenlieu không cho Leclerc tham dự vào những buổi mật đàm. Sự rạn nứt giữa Leclerc và d'Argenlieu từ mùa Thu 1945 đã bộc phát thành cừu hận sau ngày Leclerc gửi bức điện tín ngày 14/2/1946 cho Tướng Juin, yêu cầu chấp thuận hai tiếng "độc lập," trong khi d'Argenlieu đang trên đường từ Sài Gòn về Paris. Bởi thế, chiều ngày 24/3, Leclerc phải bỏ về Sài Gòn.
Giữa lúc Sainteny—theo chỉ thị mật của d'Argenlieu, và với sự trung gian của Louis Caput, một đảng viên đảng Xã Hội Pháp tại Đông Dương—đang cố thuyết phục Hồ bỏ ý định thương thuyết ở Paris, thay vào đó bằng Đà Lạt, tai nạn đầu tiên xảy ra ở Hà Nội. Ngày 27/3, Valluy cho quân Pháp chiếm Sở Tài Chính, tháo gỡ cờ đỏ sao vàng, ngăn cấm công chức vào làm việc. (Giáp, KTNQ, 1974:222) Hôm sau, 28/3, Valluy gặp Giáp và Khanh, cho lệnh phải nhường dinh Toàn Quyền cho Cao Ủy. Ngày 29/3, Việt Minh ra lệnh bãi công, bãi chợ. Valluy phải nhượng bộ, trả lại Sở Tài Chính. Cũng ngày này, một tiểu đoàn Pháp chiếm Huế. Sau đó, ngày 3/4, Giáp, Khanh cùng Salan và Valluy ký thêm một thỏa ước quân sự tại Hà Nội. Việt Minh đồng ý cho Pháp trú đóng 5,000 lính tại Hà Nội, 1,750 lính ở Hải Phòng, 825 tại Nam Định và Điện Biên Phủ; 650 tại Hải Dương, và 1,025 người ở Hòn Gay. (SHAT (Vincennes), 10H 141; Giáp, KTNQ, 1974:224-5) Hai bên thành lập một Ủy ban liên lạc và kiểm soát trung ương tại Hà Nội để kiểm soát việc "tiếp phòng" quân Trung Hoa. Hai bên cũng thỏa thuận thành lập một Ủy ban đình chiến vào Nam Trung Bộ. Đại diện Việt Nam là Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang).
Chính Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet cũng chỉ muốn thương thuyết diễn ra ở Đà Lạt. Nhưng Hồ vẫn cương quyết phải họp tại Paris. Cuối cùng, hai bên đồng ý sẽ mở một phiên họp trù bị tại Đà Lạt, rồi ký kết Hiệp ước tại Paris. Ít ngày sau, d'Argenlieu cử Tướng Jean Valluy làm Ủy viên Cộng Hòa miền Bắc, thay Sainteny về Paris chuẩn bị đón tiếp phái đoàn thiện chí của Việt Nam. Salan được cử vào thành phần của Liên Bang Đông Dương tham dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, rồi sau đó hoàn trả cho Bộ Tổng Tham Mưu cùng Leclerc.
Ngày 29/3, Pháp đã ra nghị định bổ nhiệm thành phần phái đoàn thương thuyết với Việt Nam. Chủ tịch phái đoàn này là d'Argenlieu. Các thành viên khác gồm có Bloch-Lainé, thuộc Bộ Tài Chánh; Bourgoin, công cán ủy viên thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính; Bousquet, thuộc Nha Kinh tế Bộ Pháp quốc Hải ngoại; Pierre Gourou, thuộc Đại học Bordeaux; Max André, Chánh Công cán ủy viên Bộ Quân lực, Pierre Messmer, Chánh văn phòng của Moutet; cùng 6 người do Cao Ủy Đông Dương chọn. (46)
Ngày 15/4, Phái đoàn đầu tiên của Ngoại trưởng Tam tới Đà Lạt dự hội nghị. Ngày hôm sau, 16/4, Giáp mới rời Hà Nội. Bị kẹt ở Paksé, hôm sau nữa Giáp tiếp tục bay qua Đà Lạt. (Giáp, KTNQ, 1974:251-2). Một phái đoàn khác từ Hà Nội vào Nha Trang, rồi từ đây lên Đà Lạt bằng đường bộ. Ngày 19/4, Hội nghị trù bị khai mạc tại trường Yersin. Tuy nhiên, ngay từ buổi họp đầu tiên đã bị bế tắc. Không khí càng trì trọng hơn sau khi Phạm Ngọc Thạch, đại biểu miền Nam, bị bắt ngày 22/4. (47) Mãi đến phiên họp ngày 29/4, hai bên mới đồng ý trên nguyên tắc về việc quan thuế và buôn bán.
Không khí hòa nghị được cởi mở hơn đôi chút khi Tướng Alphonse Juin, đặc sứ của chính phủ Pháp đi thăm thiện chí Nam Kinh, ghé Đà Lạt ngày 30/4. (48) Trong những phiên họp sau đó, cả hai phe chỉ đồng ý được một điều là bất đồng ý kiến về rất nhiều vấn đề, từ “Liên bang Đông Dương” tới vấn đề Nam Kỳ. Và, đồng ý sẽ tiếp tục thương thảo tại Paris.
Ngày 13/5, phái đoàn VNDCCH tham dự Hội nghị Đà Lạt về tới Hà Nội.
D. CHUYẾN VIẾNG THĂM HÀ NỘI CỦA D'ARGENLIEU:
Để đáp lễ Hồ, và cũng để thực hiện dự định thiết lập một Liên Bang Đông Dương gồm 5 xứ, ngày 14/5, d'Argenlieu bắt đầu chuyến kinh lý Bắc vĩ tuyến 16 kéo dài một tuần lễ. Trạm đầu tiên là Ban Mê [Buôn Ma] Thuột. Tại đây, d'Argenlieu chủ tọa lễ tuyên hứa trung thành của các sắc dân miền Cao nguyên Trung bộ, chuẩn bị thành lập một vùng Cao nguyên tự trị, trung lập. Đà Lạt sẽ chọn làm thủ đô Liên Bang.
Ngày 17/5, d'Argenlieu ghé Vientiane để thắt chặt liên hệ với vương quốc Lào. Chiều hôm sau, 18/5, d'Argenlieu ra tới Hà Nội. Như để đáp lễ cuộc duyệt binh long trọng ít tuần trước tại Vịnh Hạ Long, Hồ cử cả 6 Bộ trưởng ra tận phi trường Gia Lâm tham dự phái đoàn quan khách đón tiếp Cao Ủy Pháp. (Ra đón d'Argenlieu có Valluy, Tân Tư lệnh miền Bắc kiêm Đại biểu chính phủ miền Bắc; Lư Hán, Lãnh sự Mỹ và Swit-zơ-lên [Switzerland, Thụy Sĩ].) Tưng bừng hơn nữa, dân Hà Nội đã được lệnh treo cờ từ sáng ngày 18/5, dưới chiêu bài mừng “sinh nhật 19/5/1890" của Bác Hồ. (49)
Ngày 19/5, Hồ tiếp kiến d'Argenlieu. Nhưng thương thuyết mật chỉ diễn ra ngày 20/5. Hồ cực lực phản đối việc d'Argenlieu nhận lời tuyên hứa trung thành của dân Thượng tại Ban Mê Thuột. Trước khi rời Hà Nội ngày 22/5/1946, d'Argenlieu bảo Hồ: Nếu Nam kỳ tách biệt khỏi Hồ thì “bạo lực và bất công đã thủ diễn vai trò quan trọng." Theo d'Argenlieu, Hồ chẳng biết trả lời ra sao (n'a rien su répondre). (50)
IV. HỒ CHÍ MINH TẠI PHÁP:
Ngày 31/5/1946, Hồ Chí Minh lên đường qua Pháp. Cùng đi có phái đoàn VNDCCH dự Hội nghị Fontainebleau, gồm Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính v.v... Salan, trên đường hồi hương, tháp tùng phái đoàn. (Salan, I:382) Ngay trước khi Hồ bước lên phi cơ, Valluy cho Hồ biết tin chế độ Cộng Hòa Nam Kỳ [tự trị] sẽ được thành lập ngày hôm sau. Để Hồ có một ý niệm rõ ràng hơn về lập trường của Pháp, ngày hôm sau d'Argenlieu còn yêu cầu tòa đại sứ Pháp ở Egypt chính thức khẳng định tin trên khi phi cơ Hồ ngừng cánh tại đây.
Thời gian này, Pháp đang bị khủng hoảng chính phủ. Ngày 12/6, Hồ được đưa tới Biarritz, chờ thành lập chính phủ mới. (L'Humanité (Paris), 13/6/46.) Đảng CS Pháp và các nhóm tả phái, kể cả Hội Pháp-Việt—mới thành lập ngày 14/8, và qui tụ một số nhân sĩ như Justin Godart, Emmanuel Mounier, Andrée Violis, Paul Rivet—đòi hỏi phải tiếp Hồ ở Paris. (51) Đảng Cộng Sản Pháp và những nhân vật tả phái dành cho Hồ những nghi lễ khá trọng vọng. Trong số người ra đón Hồ tại phi trường—ngoài Moutet, Bộ trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại—có "bạn gái" của Maurice Thorez, Marie-Claude Vaillant-Couturier, Lucien Midel, Albert Petit (CS Pháp), Justin Godart, Francois Jourdain và đại diện CGT (Tổng Liên Đoàn Lao Công Pháp). Hồ còn được ở trong L'Hôtel de Ville như một quốc khách. Ngày 25/6, HCM tiếp xúc báo chí Pháp. (L'Humanité, 26/6 & 5/7/1946) Ba ngày sau, 29/6, Simone Terry viết trên L'Humanité bài "L'Oncle Ho [Bác Hồ]," hết lời ca ngợi Hồ, và đồng thời chuyển lời thăm hỏi của Hồ tới các cháu thiếu nhi Pháp. Mãi tới ngày 22/6, sau khi Georges Bidault được cử lập chính phủ, Hồ mới được đưa từ Biarritz lên Paris. (52)
A. HỘI NGHỊ FONTAINEBLEAU:
Ngày Thứ Bảy, 6/7, Hội nghị Fontainebleau khai mạc. Nỗ lực vận động để d'Argenlieu đọc diễn văn khai mạc và chủ tọa bị bác bỏ. (D'Argenlieu về Pháp với chủ định khai mạc Hội nghị Fontainebleau. Ngày 14/6, d'Argenlieu được Gouin và Bidault tiếp kiến) Max André tự đảm nhiệm chức chủ tọa, đọc diễn văn chào mừng phái đoàn Việt Nam. Nhưng ngay trong ngày đầu tiên này, không khí hội trường đã cực kỳ nặng nề, nếu không phải bế tắc. Phạm Văn Đồng tố cáo quân đội Pháp ở Đông Dương không tôn trọng các điều ước đã ký kết, theo đuổi chính sách "chuyện đã rồi" [fait accompli]. Pháp, theo Đồng, đang tìm cách cắt xén Việt Nam qua việc thành lập chế độ Nam Kỳ tự trị. Pháp chỉ dùng những hòa ước đã ký kết để vào miền Bắc một cách bình yên. (53)
Lời tố cáo của Đồng được các báo Combat và Le Populaire tường thuật một cách trung thực. Báo L'Humanité của Đảng CS Pháp thì nhiệt liệt tán thành. Riêng báo L'Aube của MRP [Phong trào Cộng Hòa Bình Dân] cho rằng thiện chí của Pháp không được đáp ứng. Tờ L'Ordre thì hàm ý rằng Việt Nam phải chịu trách nhiệm nếu hội nghị đổ vỡ. (FRUS, 1946)
Cao ủy Pháp, dĩ nhiên, tìm đủ cách biện bạch. Ngay ngày Thứ Hai, 8/7, d'Argenlieu viết thư lên Thủ tướng Bidault, phản đối những lời cáo buộc của Đồng. Hôm sau, 9/7, Bidault tiếp kiến d'Argenlieu. Bidault nói sẽ can thiệp với Hồ về những lời cáo buộc của Đồng, và tiết lộ thêm là đã bổ nhiệm Pierre Messmer làm Thư ký Ủy ban Đông Dương [Comindo], cơ quan tại văn phòng Thủ tướng Pháp do de Gaulle lập nên để đặc trách điều khiển việc tái chiếm Đông Dương.
Hội nghị Fontainebleau chẳng có tiến triển nào đáng kể, và rơi vào bế tắc sau khi d'Argenlieu công bố là sẽ triệu tập một hội nghị tại Đà Lạt vào ngày 1/8/1946 để thảo luận việc thành lập Liên Bang Đông Dương.
Đại hội này, tưởng cũng nên lược nhắc, do Alessandri làm Chủ tọa (bế mạc ngày 13/8). Phái đoàn Pháp gồm có: De la Charrière, Chủ tịch; Granval, Ner, Davée, Labbey, Charles Bonfils, Lami, Thiếu tá Bichon, Thiếu tá Weil. Ngoài ra, còn các chuyên viên Beauvais (Chánh văn phòng của Cédile), Valmary (UV Bắc Lào), Loubet (Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Pháp-Miên), Morice và Caratani (Tư Pháp), Bertrand và de Villodon (Tài chính), Lesca (Giám đốc Quan thuế), Bernard (Giáo dục), Solier (Y tế), và Girod (Công chính, Giao thông).
Phái đoàn bản xứ có:
1. Nam Việt: Đại tá Nguyễn Văn Xuân (Phó Chủ tịch Cộng Hòa Nam Kỳ, kiêm Bộ trưởng Quốc Phòng, Trưởng đoàn); Trần Văn Tỷ (Tư Pháp), Nguyễn Thành Giung (Giáo Dục), Nguyễn Thành Lập (Tài Chính), và Ung Bảo Toàn (Thương Mại, Nông Nghiệp và Kỹ Nghệ). Các chuyên viên có Huỳnh Văn Chín, Đoàn Quan Tân, Huỳnh Trọng Tấn, và Thiếu úy Bùi Văn Hai. Quan sát viên là Bazé.
2. Chàm: Lưu Ái.
3. Thượng: Ma Krong, tù trưởng Ê-đê vùng Ban-mê-thuột, và Y sĩ Y Djac Ayun.
4. Miên cử Tiou Long, Bộ trưởng Tài chính, làm Chủ tịch; và 3 đại biểu là Sisowath, Sonn Voeunsai, Prak Sarinn. Các chuyên viên có Penn Nouth, Poc Thoun, Sonn Sann và Huot Samath.
5. Lào có Thái tử Chao Savang Vatthana làm trưởng đoàn. Các thành viên gồm Kham Mao, Boun Oum (Vua Bassac), Chao Singkeo, Thao Phoui; các chuyên viên có Ourot Souvannavong, Outhong Souvannavong, Thao Kou Abhay, và Thao Kham Phan.
Đại hội tán thành nguyên tắc Liên Bang Đông Dương trong Liên Hiệp Pháp; với thủ đô là Đà Lạt, và tiếng Pháp làm sinh ngữ chính. Sẽ có một Hội Đồng Liên Bang, gồm 10 người, và một Tòa Án Tối Cao Liên Bang. Về quân đội, có quân đội quốc gia và quân đội Liên Hiệp Pháp. Các Tổng Nha Liên Bang gồm các ngành tư pháp và kinh tế, vệ sinh, nghiên cứu khoa học và kinh tế, đại học, thông tin và du lịch, ngoại thương, thống kê, công chính, bưu điện và giao thông, di trú và tài chính. (54)
Ngày 2/8, Phái đoàn VNDCCH tại Fontainebleau từ chối họp để phản đối việc triệu tập Hội nghị Đà Lạt lần thứ hai nói trên. Cùng ngày, Hội nghị Đà Lạt cũng chính thức phản đối chính phủ Việt Nam tại Fontainebleau đã tạo sự hiểu lầm giữa ý chí của Bắc Kỳ và toàn thể Đông Dương. Hai ngày sau, 4/8, Liên Hiệp Các Sắc Dân Vùng Núi Cao Nguyên Trung Kỳ ("Cộng Hòa Tây Kỳ") ra đời.
Một biến cố khác ở miền Bắc khiến liên hệ giữa hai nước thêm căng thẳng. Ngày 3/8, Việt Minh và Pháp chạm súng dữ dội ở Bắc Ninh. Theo Pháp, một đoàn công-voa 40 chiếc của Pháp bị phục kích; nhiều người chết và bị thương. Lính Việt Minh cướp nguyên tiền lương tháng của một số đơn vị Pháp. Theo Võ Nguyên Giáp, đoàn xe này có 20 chiếc, từ Hà Nội đi Lạng Sơn. Qua Cầu Đuống, lính Pháp bắn ra hai lề đường. Cách Bắc Ninh 2 cây số, Pháp bắn vào một trạm gác Việt Minh, khiến 1 "vệ quốc quân" chết. Đoàn xe chạy vào thị xã Bắc Ninh, tiếp tục nổ súng. Bộ đội và tự vệ Việt Minh bắn trả. Xung đột kéo dài từ 7 giờ rưỡi sáng tới trưa. Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội bèn gửi một toán tiếp viện, có xe bọc sắt đi kèm. Lính Pháp bắn cháy nhiều nhà ở Cầu Đuống, Yên Viên và Từ Sơn. Buổi chiều, Ủy ban Liên kiểm Việt-Pháp tới nơi can thiệp nhưng không có kết quả.
Hôm sau, 4/8, Thiếu Tá chỉ huy đoàn quân Pháp ở Bắc Ninh đòi vào đóng trong trại lính khố xanh cũ; nhưng Việt Minh không đồng ý. Pháp bèn cho 4 phi cơ tới oanh tạc thị xã. Quân Pháp cũng không chịu rút lui. Ngày 6/8, Đại tá Crépin, XLTV Ủy viên Cộng Hòa miền Bắc, gặp Giáp phản đối vụ phục kích ở Bắc Ninh. Tình hình chỉ êm dịu hơn sau khi Tướng Morlière lên chức Ủy viên Cộng Hòa kiêm Tư lệnh Quân lực Pháp tại miền Bắc từ ngày 17/8. (Võ Nguyên Giáp ra phi trường đón; Giáp, KTNQ, 1974:324-5)
Ngày 10/9/1946, Hội nghị Fontainebleau chính thức tan vỡ. Ba ngày sau, 13/9, phái đoàn Phạm Văn Đồng rời Paris xuống Toulon. Ngày 14/9, Đồng rời Toulon bằng tàu Pasteur, và về tới Hải Phòng ngày 3/10. (55)
B. MODUS VIVENDI "14/9/1946"
Thực ra, thương thuyết không hoàn toàn bị đổ vỡ. Hồ Chí Minh vẫn nấn ná ở lại Paris cùng Hoàng Minh Giám và Bourov Dương Bạch Mai để hoàn tất những cuộc mật đàm với Bộ trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Moutet cũng như nhân viên của văn phòng Thủ tướng Bidault. Nguyên từ ngày 22/7, Hồ đã viết thư cho Moutet, xin thương thảo bí mật. Sau ngày Hội nghị Fontainebleau hoàn toàn bế tắc, những cuộc mật đàm mới có những tiến bộ đáng kể. Vấn đề then chốt vẫn là tương lai Nam Kỳ và Liên Bang Đông Dương.
Thời gian này, lập trường được công bố của Đảng Xã Hội Pháp nói chung, và Moutet nói riêng, là mở cửa cho Việt Nam gia nhập một khối Liên Hiệp Pháp "mới," trong đó chính sách kẻ chinh phục và người bị trị sẽ được thay thế bằng một liên hiệp các nước tự do, và phái đoàn Việt Nam được tự do thảo luận về những qui ước kinh tế, tài chính và văn hóa. (Le Populaire (Paris), 23/7/1946; SHAT (Vincennes), 10H 140) Ngày 8/8, sau khi Hội nghị Fontainebleau bị tạm ngưng họp, báo Le Populaire còn qui trách cho sự gẫy đổ này ở chính sách của d'Argenlieu. Những tai nạn xảy ra ở Bắc Ninh, vẫn theo Oreste Rosenfeld, là sự nổi dậy của dân Việt chống lại những Pháp kiều thực dân [colons]. (Le Populaire (Paris), 8/8/1946)
Tuy nhiên, trong hai buổi họp của Ủy ban Liên Bộ về Đông Dương ngày 10 và 12 tháng 8, quan điểm của Moutet hoàn toàn khác biệt với những điều Rosenfeld viết trên Le Populaire. Moutet khẳng định nước Việt Nam tự do sẽ có ba phần; không đồng ý cho Việt Nam được theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập; và, không có trưng cầu dân ý trong một tương lai gần. Ra điều trần trước Quốc Hội, ngày 18/8, Moutet tuyên bố Nam Kỳ là một thuộc địa Pháp cho tới ngày Quốc Hội có quyết định. (AAN, 1947:881, col 1)
Điều ít người biết là thực ra văn phòng Thủ tướng Bidault—có lẽ dưới áp lực Mỹ--đã tìm cách cứu vãn tình hình. Ngày 14/8, Bidault gửi cho Hồ một đề nghị là hai bên ký một hiệp ước giới hạn, đánh dấu sự tiến bộ từ Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946, và cho phép tiến đến việc bình thường hóa liên hệ giữa hai nước. Ngày 16/8, Hồ đồng ý trên nguyên tắc, với điều kiện sẽ có trưng cầu dân ý về Nam Kỳ. Hồ đề nghị sẽ thành lập một ủy ban tổ chức trưng cầu dân ý, gồm 30 thành viên. Việt Nam sẽ cử 15 đại biểu, và Pháp sẽ chọn 15 đại biểu khác trong số người miền Nam. Ủy ban này có nhiệm vụ giải quyết những khó khăn về vật chất trong việc tổ chức trưng cầu dân ý, và nhất là giải quyết những cuộc chạm súng tại địa phương, với một lực lượng cảnh sát đặc biệt. Ủy ban này sẽ dưới sự kiểm soát của một Ủy ban Quốc Hội, với số lượng đồng đều dân biểu Pháp và Việt. (Note ngày 14/8/1946 của chính phủ Bidault, và thư ngày 21/8/1946, Hồ gửi Bidault; Papiers Bidault [chưa mở cho công chúng])
Phần lo ngại những phản ứng bất lợi từ phe Gaullist, phần không dám liều lĩnh chống lại lời mở đầu của Hiến Pháp, chính phủ Bidault—đặc biệt là Messmer, tân Tổng thư ký Comindo, và trưởng phái đoàn hòa đàm Pháp—đi đến quyết định là phải bắt buộc Hồ hoặc chấp nhận đề nghị ngày 14/8, hoặc về nước tay không. Hạn kỳ là cuối tháng 8/1946. Để tránh tiếng là hòa đàm đổ vỡ và trấn an dư luận, Hồ và chính phủ Pháp có thể ký một bản tuyên cáo chung biểu lộ tình thân hữu. ( Xem Note ngày 21/8/1946, Messmer gửi Bidault; và báo cáo ngày 22/8/1946 của trưởng phái đoàn Pháp; Papiers Bidault)
Tuy nhiên, Bidault còn do dự vì không hiểu rõ ý định của Hồ ra sao. Hai Bộ trưởng Moutet và Michelet, cũng như Pignon, đều không thể hiểu rõ ý muốn đích thực của Hồ. Bởi thế, ngày 24/8, Bidault và các Bộ trưởng quyết định hai bên sẽ ra một tuyên cáo chung, được đúc kết ở buổi họp cuối cùng, hay dưới dạng thức một lá thư có chữ ký của cả hai phe. (Note ngày 24/8/1946 của văn phòng Thủ tướng; Papiers Bidault)
Ngày 2/9, chính phủ Pháp gửi cho Hồ một đề nghị mới với những điểm nêu trên. Một tuần lễ sau, Đồng gặp Pignon, tuyên bố Việt Nam chấp nhận đề nghị của Pháp với vài sửa đổi. Buổi tối, Đồng chấp thuận bỏ đòi hỏi có phái đoàn kiểm soát của Việt Nam. Trong hai ngày 10 và 11, hai phe nỗ lực làm việc để đạt thỏa thuận cuối cùng về một bản tuyên cáo chung, một thỏa ước [protocol], cùng những "notes [ghi nhận quan điểm] hay thư đính kèm với thỏa ước để giải thích một số điểm có thể chưa rõ ràng."
Điều đáng lưu ý là sáng ngày 11/9, Hồ bí mật gặp Đại sứ Mỹ Jefferson Caffery, tại Paris. Hồ tiết lộ Hội nghị Fontainebleau đã đổ vỡ. Nguyên cớ chính là vấn đề Nam Kỳ. Hồ khẳng định muốn ở trong Liên Hiệp Pháp; và cần sự trợ giúp của ngoại quốc, nhưng không nói rõ muốn gì. Thêm một lần Hồ minh xác không phải là Cộng Sản.
Buổi tối, Hồ gặp George M. Abbott, Đệ nhất Thư ký sứ quán Mỹ, một lần nữa. Theo Hồ, vì chính phủ Bidault chỉ là chính phủ lâm thời, Hồ đồng ý tạm ngưng Hội nghị Fontainebleau, chờ tái nhóm vào tháng 1/1947. Về bản dự thảo Hiệp ước tạm thời trù tính ký vào ngày 10/9, theo Hồ hai bên đã đồng ý về quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp, nền quan thuế chung, và một đơn vị tiền tệ chung. Nhưng khi đúc kết văn bản, hai bên gặp khó khăn ở chỗ Hồ không chấp nhận danh từ "Liên Bang Đông Dương" vì nó không hề hiện hữu. Về phía Pháp không chấp thuận đòi hỏi thực hiện tại Nam Bộ "những quyền tự do dân chủ" mà theo Hồ có nghĩa tự do báo chí, tự do hội họp và trả tự do cho các tù chính trị. Pháp cũng không đồng ý việc Hà Nội gửi một phái đoàn vào Nam để kiểm soát việc thực thi những điều khoản trên, đồng thời giúp chấm dứt cuộc chiến tranh du kích.
Hồ nhìn nhận rằng có những phần tử xấu trong phong trào kháng chiến Nam Bộ, nhưng nếu đại diện của Hồ có thể vào Nam giải thích với những người cầm đầu, sẽ có cơ hội phân biệt giữa người yêu nước và bọn cường đạo; hầu tận diệt những phần tử cướp bóc đó. Hồ cũng hy vọng sẽ ký được hiệp ước với Pháp, nhưng đã định sẽ rời Pháp ngày 14/9, vì xa Việt Nam quá lâu.
Nhiều lần, Hồ đề cập đến vấn đề viện trợ kinh tế của Mỹ. Theo Hồ, Hồ chống đối chính sách độc quyền kinh tế của Pháp. Mặc dù Hồ dành ưu quyền cho Pháp trong việc cung cấp chuyên viên và cố vấn, quyền khai thác tài nguyên, hay cung cấp trang bị, nhưng nếu Pháp không đủ sức, Việt Nam cần đến những người bạn khác. Hồ cũng đề cập đến vấn đề quân cảng Cam Ranh, cùng viện trợ quân sự và hàng hải. (FRUS, 1946, VIII:58-9; US-Vietnam Relations, 1971, Book 1-C 104)
Tưởng cũng nên nhắc, từ ngày 10/9, Ủy ban Nghiên cứu và Thông Tin về Đông Dương (Commission d'Etudes et d'Information pour L'Indochine, tức CEII)—gồm đại diện các công ty Pháp có quyền lợi ở Đông Dương như François Trives (Société Indochinoise d'Electricité), Angot (Société Française des Charbonnages du Tonkin), Candlot (Société des Ciments Portland et Artificiels de l'Indochine, và Société des Chaux Hydroliques du Long Tho), và Challamel (Société Indochinoise pour les Eaux et Electricité en Annam)—cũng được chính phủ Pháp khuyến khích tiếp xúc không chính thức (officieux) với đại diện của Hồ. Trong buổi gặp mặt cuối cùng ngày 12/9, các đại diện CEII được Đặng Phúc Thông, Hồ Đắc Liên và Trịnh Văn Bính khẳng định Hồ chỉ muốn độc lập về quốc phòng, còn mọi lãnh vực khác sẽ hợp tác tinh thành, chặt chẽ (Liên). Việt Nam hứa sẽ cung cấp nhân công và góp vốn (Thông).(56)
Về phía chính phủ Pháp, ngày 12/9, Moutet được chính thức thông báo về ý định của Hồ, và tái thương thuyết với Hồ. Buổi sáng ngày 13/9, Moutet đệ trình dự thảo tạm ước trên trước Hội đồng chính phủ. Ngay chiều đó, hai bên chính thức ký kết vào những văn kiện được biết sau này như "Modus Vivendi [Tạm ước] 14/9/1946." Đại cương, hai bên hứa tôn trọng tinh thần Hiệp ước Sơ bộ 6/3/1946, ngưng chiến vào ngày 30/10/1946, và hội nghị Fontainebleau sẽ tái họp vào tháng 1/1947. Đáng lưu ý hơn cả—ngoài những lời hứa hẹn—là một thỏa hiệp về "liên hiệp quan thuế" và thương mại cho toàn Liên Bang Đông Dương (điều thứ VI). (57) (Sự thỏa thuận này trở thành tấm bình phong pháp lý, cho phép Tướng Valluy và Morlière, Tư lệnh quân Pháp tại Bắc bộ, gây nên những biến cố đẫm máu tại Hải Phòng vào hạ tuần tháng 11/1946, dẫn đến cuộc tổng tấn công của Việt Minh tối ngày 19/12/1946, châm ngòi một cuộc chiến khốc liệt, toàn diện trên bán đảo Đông Dương trong nhiều thập niên sắp tới).
Tạm ước 14/9/1946, thực ra, chỉ là một cách hoãn chiến của cả hai phe. Theo Moutet, ông ta chấp thuận ký Tạm ước (Modus vivendi) ngày 14/9/1946 để chứng tỏ thiện chí của nước Pháp. Moutet đã nói với Hồ:
Tôi hiểu rằng khi ông trở lại [VN], ông sẽ thấy nhiều phần tử oán trách là ông không đạt được tất cả mọi sự. Tôi không chống đối (reproche) ý muốn độc lập của quốc gia ông... Tôi không chống đối ước muốn thống nhất ba miền của dân tộc An-nam; đó là một đòi hỏi mà tôi cho rằng chính đáng (légitime). Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, có thể nào tôi đưa ra trước Quốc Hội [Pháp ước muốn độc lập trên] với một danh sách mà tôi biết, ngày này qua ngày nọ, làng này qua làng kia, những hành động khủng bố, những cuộc ám sát các hào mục (notables), những cuộc thảm sát người Pháp và bạn bè họ? Có thể nào tôi yêu cầu Quốc Hội [Pháp] từ bỏ một phần chủ quyền [lãnh thổ] để thỏa mãn nguyện vọng của các ông mà chỉ thuần dựa vào những lời hứa hẹn thiện chí? Tôi không có quyền làm điều đó, tôi sẽ không làm. (AAN, 1947:877, col 3.)
Moutet cũng đề nghị triệu tập những ủy ban để bàn về một Liên Bang mà Hồ muốn gia nhập, nhưng mỗi lần tiếng "Liên Bang" được nêu lên, Hồ chỉ im lặng. Moutet cũng khẳng định với Hồ rằng "Việt Nam" trong bản Hiệp ước sơ bộ chỉ có nghĩa phần lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 16. Bởi thế mới có điều khoản tổ chức trưng cầu dân ý về số phận Nam Kỳ. (AAN, 1947:878, col 1.) Phần Hồ, chiều ngày 14/9 rời Paris xuống Toulon, rồi từ đây đáp tàu [aviso] Dumont d'Urville hồi hương. (58)
Một số đồng chí cũ—kể cả Hoàng Quang Giụ, người từng qua Liên Sô học trường Thợ Thuyền Đông Phương—tổ chức những cuộc biểu tình phản đối. Có người nóng giận gọi Hồ là Việt Gian. Nhưng bốn ngày sau, 18/9, chính phủ Bidault phê chuẩn Tạm Ước "14/9/1946."
V. THỰC TẾ VIỆT NAM:
Không ai hiểu tại sao Hồ đã chọn cách hồi hương bằng tàu Dumont d'Urville. Cũng chẳng ai biết Hồ nghĩ gì trong hơn một tháng lênh đênh trên biển cả. Chỉ biết ngày 18/10, d'Argenlieu cưỡi chiến hạm [croiseur] Suffren ra tận Cam Ranh để gặp Hồ. Hai bên tỏ ra rất thông cảm và hiểu biết. Xuất hiện trong một buổi họp báo ngắn ngủi trên soái hạm của d'Argenlieu, Hồ còn công khai lên án việc dùng bạo lực và khủng bố. (FRUS, 1946, VIII:61; Chronique, 1985:334-6.) Ba ngày sau, 21/10, Hồ về tới Hà Nội. (FRUS, 1946, VIII:61)
Những ngày kế tiếp, Hồ và các thuộc hạ ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Các mật khu thời chiến được tu bổ; các kho tàng nhu yếu phẩm được tăng cường. Một số cơ sở chính phủ và đơn vị chính qui được lệnh rút dần khỏi Hà Nội.
Cuộc đảng tranh đã tạm thời giải quyết xong. Võ Nguyên Giáp và Huỳnh Thúc Kháng đã giúp Hồ thanh toán gần hết các đối thủ chính trị, đặc biệt là Đại Việt và VNQDĐ. Sau vụ án Ôn Như Hầu ở Hà Nội và rất nhiều phiên tòa hình sự tại các địa phương, Giáp và Kháng đã cô lập hầu hết các phần tử đối lập trong các trại tập trung mang tên “cải tạo” ở những vùng ma thiêng, nước độc tại thượng du Bắc Việt hay Khu IV (Thanh Hóa tới Thừa Thiên), Khu V (Quảng Nam-Quảng Ngãi-Bình Định). Ngay đến các Dân biểu đối lập cũng hoặc bị “mò tôm” hay đi “cải tạo.” Nhờ vậy, ngày 28/10/1946, Hồ có thể triệu tập Quốc Hội để thành lập chính phủ mới. Chính phủ Kháng chiến ngày 3/11/1946 này vắng bóng hầu hết những thành phần không Cộng Sản. Những người chịu qui phục Hồ cũng chỉ được giao các chức vụ tượng trưng, và trên thực tế chẳng là gì hơn những tù nhân bị giam lỏng. ( 59)
Ngày 8/11/1946, Quốc Hội thông qua bản Hiến Pháp đầu tiên của Việt Nam. (QH, HS 6) Sau đó, Quốc Hội đồng thanh ủy quyền cho cho một ban thường trực hầu có phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền kháng chiến. (60)
Mặt Trận Liên Việt, mới được thành lập ít tháng trước để thay thế Việt Minh, cũng chìm dần vào quên lãng, hữu danh vô thực.
Nhiều nỗ lực lôi kéo các lãnh tụ tôn giáo về phe "kháng chiến" cũng được phát động. Bởi thế, mặc dù rời Phát Diệm từ ngày 14/10 để du thuyết một số giáo khu trong lãnh thổ Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Bùi Chu, Thanh Hóa để vận động dư luận và cải chính tin ngả theo Việt Minh, ngày 24/10, Giám mục Từ vào Bắc Bộ Phủ yết kiến Hồ, nhận chức Cố vấn chính phủ. (Lê Hữu Từ, tr. 96ff) Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ thì cương quyết chống lại khuynh hướng “về Tề” trong giới cộng sự viên thân cận, thành lập một Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt.
Tuy nhiên, Hồ vẫn chưa tuyệt vọng về một giải pháp chính trị với Pháp. Trong buổi tiếp kiến Phó lãnh sự Mỹ James O'Sullivan tại Hà Nội ngày 27/10, Hồ tuyên bố việc thực hiện Tạm ước 14/9/1946 tùy thuộc vào thái độ người Pháp. Nếu Pháp đồng ý thiết lập những quyền "tự do dân chủ", "phóng thích tù nhân chính trị" và ngưng việc tấn công người Việt, mọi sự sẽ tốt đẹp. (FRUS, 1946, VIII:62)
Đúng nửa đêm 29 rạng 30/10, ngưng bắn bắt đầu có hiệu lực trên toàn Nam bộ. Nhưng cả hai phe không nói chung thứ ngôn ngữ hòa bình. Thêm nhiều biến cố khác xảy ra. Chẳng những không phúc đáp việc Hồ đề cử Phạm Văn Bạch, đương kim Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Nam Bộ, làm đại diện bên cạnh Cao ủy Pháp, ngày 6/11, d'Argenlieu gửi công điện phản đối hành động "khủng bố" của Lâm Ủy Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ, và yêu cầu phải giải tán tổ chức này. Ngày 9/11, Hồ trả lời rằng Lâm Ủy Hành Chánh đã hiện hữu từ ngày 25/8/1945; từng liên lạc với Bri-tên và Pháp. Hai ngày sau, 11/11/1946, d'Argenlieu cảnh cáo Hồ rằng phải ngăn cấm Lâm Ủy Hành Chánh bạo động; hoặc tố cáo hành vi của tổ chức ngoài vòng pháp luật này.
Những ngày kế tiếp, Linh mục/Cao ủy d’Argenlieu, với sự tiếp tay của Tướng Valluy, Hội truyền giáo Pháp và các thành phần kiều dân bảo thủ, tìm cách khiêu khích đẩy Hồ vào thế phải rút khỏi Hà Nội ra bưng. Phe hiếu chiến của Việt Minh, đại diện bằng Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh, cũng quyết định răng đối răng, mắt đối mắt. Ngày 22- 23 tháng 11/1946, xảy ra biến cố Lạng Sơn-Hải Phòng. Rồi đến cuộc tổng tấn công của Việt Minh đêm ngày 19/12/1946, mở đầu cho đợt hai của cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1945-54).
Kết từ:
Vai trò nhà ngoại giao của Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1945-1946 thường bị lãng quên trong khối văn chương sử học hiện hữu.
Khảo sát kỹ lưỡng các tư liệu đã giải mật, một điểm rõ ràng khó thoát khỏi sự quan sát của chúng ta là Hồ cực kỳ khôn ngoan, quyền biến trên trận tuyến ngoại giao. Sự quyền biến hay linh động và cụ thể này chứng tỏ Hồ đã biết tận dụng “luật kẻ yếu”—uốn cong mà không gãy—để sinh tồn và tạo sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Việc tuyên bố giải tán Đảng CSĐD ngày 5/11/1945 cũng phản ảnh khả năng sinh tồn cao độ của Hồ. Tuy nhiên, những chuyên gia về CSVN và những người viết tiểu sử Hồ vẫn chưa có những phân tích tỉ mỉ và đứng đắn về quyết định có một không hai trước thập niên 1980 trong khối Quốc Tế Cộng Sản này. Cần có thêm những tra vấn sâu xa hơn về liên hệ giữa Hồ với Quốc Tế Cộng Sản từ năm 1920 tới 1943 để hiểu rõ hơn về cái gọi là “chất đỏ” trong Hồ.
VŨ NGỰ CHIÊU
Phụ chú: “Hồ Chí Minh: Nhà Ngoại Giao, 1945-1946”
1. CAOM (Aix), SLOTFOM, II, c. 6 (Hồ sơ M. Jean); Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & Huyền thoại, 1892-1969, tập I: 1892-1924, tái bản có bổ sung (Houston: Văn Hóa, 1997), tr. 202-3).
2. Các tác giả Việt Nam bắt đầu công bố về hoạt động của Hồ trong thời gian từ 1934 đến 1938, với tư liệu rút từ văn khố Quốc Tế Cộng Sản. Xem thêm Anatoli A. Sokolov, Quốc Tế Cộng Sản và Việt Nam, bản dịch Đào Tuấn (Hà Nội: NXBCTQG. 1999). Đây là tác phẩm xuất sắc nhất về các sinh viên Việt Nam tại Nga. Về việc khai tử Nguyễn Ái Quốc, xem “Biographie de Ho Chi Minh (1949);” Ibid., 19 PA, c. 4, d. 62; Huỳnh Kim Khánh, Vietnamese Communism, William J. Duiker, Ho Chi Minh (New York: 2000), tr. 618ns13,15.
3. Ngày 14 tháng 12 năm 1934, khi điền vào mẫu lý lịch [Ankieta] nhập học trường Đại học Phương Đông, Fan Lan khai rằng chồng cô là “Lin,” bí danh mới nhất của Nguyễn Sinh Côn (Ái Quốc) sau ngày được phóng thích khỏi Hong Kong. Chẳng rõ sau này ai đã xóa đi tên Lin trên bản lý lịch trên; RC 495, 201, 35. Người đầu tiên phát hiện tài liệu này là ký giả Sophie Quinn-Judge. Chúng tôi cũng được Tiến sĩ Anatoli Sokolov cung cấp bản Ankieta trên; nhưng không thể đăng lại vì vi phạm luật cấm của văn khố Nga. Khi chuẩn bị luận án Tiến sĩ, Quinn-Judge cũng tìm ra một số tài liệu khác tại văn khố Nga và Pháp giúp khẳng định quan hệ vợ chồng giữa Côn và Fan Lan. Xem Quinn-Judge, Ho Chi Minh: The Missing Years, 1924-1941 (Berkeley: Univ. of California Press, 2002), tr. 202-203; Idem, “Women in early Vietnamese communist movement: sex, lies, and liberation;” South East Asia Research (London), 2000, Vol. 9, 3:249.
4. Văn Kiện Đảng Toàn Tập, tập 7: 1940- 1945 (Hà Nội: 2000), tr. 96- 136, 137-147, 148-153 [Việt Minh], 154-156, 157-165. [Sẽ dẫn: VKĐTT, tập, năm xb, trang]
5. Xem, chẳng hạn, Charles Fenn, An Introductionary Biography of Ho Chi Minh (London: 1971); Phùng Thế Tài, Bác Hồ những kỷ niệm không quên (Hà Nội: NXB Quân Đội Nhân Dân, 2002), tr. 57-63, 82-87.
6. United States Congress. Senate. Causes, Origins, and Lessons of the Vietnam War. Hearings before the Committee on Foreign Relations, 92nd Congress, 2nd Session, May 1972. Washington: GPO, 1973), tr. 249. [Sẽ dẫn: US Senate, Hearings, 1973:]
7. Jean Sainteny, Histoire d'une paix manquée: Indochine, 1945-1947 (Paris: Amiot Dumont, 1953), tr. 68. [Sẽ dẫn : Une paix manquée]. Sainteny (tên thực Roger) tới Côn Minh ngày 30/7/1945; nhưng gặp Nguyễn Tường Tam mà không phải Hồ Chí Minh; Ibid., tr. 52-56; Archimedes L. Patti, Why Viet-Nam? Prelude to America's Albatros (Berkeley, Cal.: Univ of California Press, 1980), tr. 104. [Sẽ dẫn: Why Viet-Nam, 1980:]
8. Báo cáo ngày 22/8/1945, William J. Donovan gửi Byrnes; Bộ Quốc Phòng, US-Vietnam Relations, 1947-1967 (Washington, DC: GPO, 1971), Bk I, p. C 67.
9. Robert Sharplen, The Lost Revolution (NY: Harper & Row, 1965), tr. 31; US-Vietnam Relations, 1971, Bk I:C-58-59.
10. Gareth Porter, Ed. Vietnam: The Definitive Documentation of Human Decisions, 2 vols. (Stanfordville, N.Y.: Coleman, 1979), vol I, tr. 76-77. [Sẽ dẫn: Documentation]
11. Ibid., tr. 199-200. Toán EMBARKMENT tới Sài Gòn ngày 2/9/1945; CAOM (Aix), INF, c. 338, d.2717. Philippe Devillers, trong cuốn Histoire du Viet-Nam (tr. 202), cho rằng Hồ đã biếu Patti một số vàng lớn trích ra từ Tuần Lễ Vàng (18-25/9/1945).
12. Thư ngày 20/9/1945, Gallagher gửi McClure.
13. Leon B. Blum, The United States and Vietnam, 1944-1947 (Washington: GPO, 1972), tr. 4-5. Theo tài liệu Việt Nam, vào tháng 10/1945, hội này gồm 500 người Việt, 20 người Mỹ; Việt Nam Thời Báo (Hà Nội), số 3 và 4 (24 và 25/10/1945). David G. Marr tìm thấy một bản Điều Lệ của Hội này tại Thư viện Quốc Gia Pháp.
14. CĐ ngày 17/10/1945, Hồ gửi Truman; US-Vietnam Relations, 1971, Bk I, C 73-4. Ủy Ban Tư vấn Viễn Đông gồm 9 nước: Mỹ, Bri-tên, Pháp, Trung Hoa, Nu-zí-lân [New Zealand], Hâu-lân [Holland], Phi-líp-pin, Os-trá-li-a [Australia] và In-đi-a [India])
15. Foreign Relations of the United States [FRUS], 1946, VIII:15-20; US-Vietnam Relations, 1945-1947, Bk 8:53-7.
16. FRUS, 1946, VIII:15. Thực tế, Reed tới Sài Gòn vào thượng tuần tháng 2/1946. Năm 1947, Reed tiến cử “Ngô Đình Giệm” với Lãnh sự Hong Kong. Xem Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004)
17. Porter, Documentation, I, tr. 78. Trước đó, ngày 22/8/1945, Giám đốc OSS cùng một ý kiến: “The Viet Minh is 100% Communist Party, with a membership of approximately 20% of the active political element;” US-Vietnam Relations, Bk I, C-66.
18. Tel. ngày 5/12/1945, Acheson gửi Moffat (Sài-gòn); US-Vietnam Relations, Bk VIII, VB2, tr. 85-6. Trước đó gần hai tháng, ngày 9/10/1946, Acheson từng yêu cầu Tổng lãnh sự Reed ở Sài Gòn giải thích ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh—cờ của Liên đoàn chống Nhật của các sắc dân Malay [Malayan Peoples Anti-Japanese Union, hay MPAJU] cũng màu đỏ, 3 sao vàng (tượng trưng cho 3 sắc tộc ở Malaya); FRUS, 1946, VIII:6?). Chua chát cho Hồ là trong mùa Hè 1946, Dalburo ở Thượng Hải lên án Hồ và Bảo Đại là “bọn phản bội,” sau khi Hồ tuyên bố giải tán Đảng CSĐD.
19. CAOM (Aix), HCI, CP, c. 192; INF, c. 121, d. 1102. Xem thêm Chính Đạo, Hồ Chí Minh, II, 1993:288-304.
20. Theo Hsing Shen-chou, chính phủ lâm thời này thành lập ngày 1/9/1945; Báo cáo ngày 15/10/1945; Chen 1969b:123. Giu, hay Du, người Nùng, sinh năm 1879 tại Động Én, Lạng Sơn; chạy qua Trung Hoa sau binh biến Lạng Sơn năm 1940. Năm 1945, gia nhập Việt Cách. Tổ chức Việt Cách có 7 toán võ trang tuyên truyền: 5 ở Quảng Tây và 2 ở Vân Nam (Côn Minh & Khai Nguyên). Tại Liễu Châu có các báo Việt Hồn, Đồng Minh, Thời sự tuần báo và Mê kông Nộ trào [La Réveil de Mekong]. Trong số các cấp chỉ huy, có: Tĩnh Tây (QT), Trần Báo & Hoàng Quốc Chính; Long Châu (QT), Lê Nguyên Thọ; Pham Chong (QT), Nông Quoc Hung; Ha Cai (QT), Ngũ Qui Đông; Luong San (QT), Nông Nhat Thanh.
21. Vũ Hồng Khanh, tên thực Vũ Văn Giảng (1907-1993), trốn thoát qua Trung Hoa năm 1933. Sau khi Nguyễn Thế Nghiệp về đầu thú Pháp năm 1935, Khanh trở thành một trong những lãnh tụ VNQDĐ hải ngoại lừng danh. Phần Nguyễn Tường Tam (1908-1963), tức nhà văn Nhất Linh, được Nhật giúp trốn qua Trung Hoa năm 1941. Sau tháng 8/1945, liên kết với Khanh. Xem sơ lược tiểu sử trong Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, 1939-1975, tập III: Nhân Vật Chí, tái bản có bổ sung (Houston: Văn Hóa, 1997), tr. 610-2, 388-9. Về hoạt động của VNQDĐ, xem Idem., HCM, II, 1993:80-1, 104-9, 167-8. Theo một tài liệu CS, nhóm Khanh có khoảng 200 tay súng; Lê Tùng Sơn, Nhật ký một chặng đường (Hà Nội: 1978), tr. 180. Theo Nguyễn Hữu Thanh (Lý Đông A), Khanh, Tam cùng Nguyễn Hải Thần và Thanh còn bí mật đưa ra thuyết “Duy Dân,” và cử Thanh về nước để thiết lập một liên minh chống Cộng.
22. Về định nghĩa kỳ lạ của hai tiếng “Việt Gian” này, xem Vũ Ngự Chiêu, “Social and Cultural Change in Viet-Nam Between 1940 and 1946,” Ph.D. dissertation, 1984, Univ. of Wisconsin-Madison, 1984, chương IX. [Sẽ dẫn: Vũ Ngự Chiêu 1984]) Một trong những vụ đàn áp VNQDĐ trắng trợn nhất là vụ án “Ôn Như Hầu,” để gọi là bẻ gãy âm mưu liên kết với Pháp làm đảo chính ngày 14/7/1946.” Xem VKĐTT, tập 8 (Hà Nội: 2001), tr. 104. Đích thân Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch Nhà Nước, đã tích cực tiếp tay Giáp trong việc này. Xem chi tiết trong Võ Nguyên Giáp, Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên, Hữu Mai viết (Hà Nội: NXB QĐND, 1974). Hiện nay, hồi ký này đã tái bản lần thứ 5 vào năm 2001. [Sẽ dẫn: Giáp, KTNQ].
23. Thư ngày 22/10/1945, Hồ Chí Minh và Nguyễn Vĩnh Thụy gửi Tưởng Giới Thạch; US-Vietnam Relations, Bk I, C-83. Mãi tới tháng 3/1946, Thạch mới cho phép một phái đoàn Việt Nam qua thăm Nam Kinh, do Nghiêm Kế Tổ cầm đầu)
24. US-Vietnam Relations, Bk I, C-82 (yêu cầu cho một phái đoàn Việt Nam qua thăm Trùng Khánh); Chen, 1969:127. Theo một tác giả Pháp, Hồ biếu Lư Hán cả một bộ bàn đèn hút thuốc phiện bằng vàng; Devillers, 1952:193.
25. Xem những tin tức về Hồ Chí Minh và Nguyễn Hải Thần trong Department of State, Interim Research and Intelligence Service, Research and Analysis Branch, RAA No. 3336, “Biographical Information on Prominent Nationalist Leaders in French Indochina (25 Oct 1945)”.
26. Việt Nam Thời Báo thường được biết như báo Việt Nam. Trong thư viện của Văn khố Bộ thuộc địa Pháp có 20 số báo này (vào năm 1983).
27. Nghị định số 14, ngày 8/9/1945; Cứu Quốc, 10/9/1945; Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia [TTLTQG] 3 (Hà Nội), Quốc Hội [QH], Hồ sơ [HS] 1. Xem thêm, Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc Hội, Lịch sử Quốc Hội Việt Nam, 1946- 1960 (Hà Nội: NXBCTQG, 2000), tr. 30-31.
28. Raoul Salan, I:353; d’Argenlieu, Chronique d’Indochine (Paris: 1985), tr. 229-241.
29. US Senate, Hearings [Causes, etc.]; Sainteny 1970:68. Xem thêm chi tiết trong Hồ Chí Minh: Con người & huyền thoại, II, 1993.
30. United States Senate, Committee on Foreign Relations, The United States and Vietnam: 1944-1947; A Staff Study Based on the Pentagon Papers, Prepared for the Use of the Committee on Foreign Relations United States Senate (Washington, DC: GOP, 1972), tr. 24)
31. Chronique 1985:106-7. Ngày 16/10/1945, Sainteny từng bị lính Trung Hoa bắt giữ ít giờ; nhưng sau đó được tha do sự can thiệp của Mỹ; CAOM (Aix), INF, c. 159, d. 1363.
32. Vũ Ngự Chiêu, Lá bài bí mật của de Gaulle: Hoàng tử Vĩnh Sang (1900-1945) (Houston, TX: Văn Hoá, 1992); Idem., Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập (Houston, TX: Văn Hoá, 1999-2000), tập III.
33. CQ, 10/9/45. Người thực sự ký SL này là Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ. Xem thêm TTLTQG 3 (Hà Nội), QH, HS 1.
34. CQ, 23/10/1945. Theo tài liệu CS, "Hội nghị liên tịch của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội" nhóm họp tại Hà Nội ngày Chủ Nhật 21/10/1945; sau đó, ra tuyên ngôn đoàn kết, đặt nước nhà và dân tộc lên trên hết. Đại biểu VM có Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền, Nguyễn Văn Ba, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Công Truyền. Đại biểu Đồng Minh Hội (Việt Cách) gồm có Đinh Chương Dương, Trương Trung Phụng, Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật, Hồ Đức Thành, Vũ Kim Thành, và Dương Thanh Dân; CGP (Hà Nội), 28, 25/10/1945. Thời gian này, theo Lê Tùng Sơn, Sơn được Giáp chỉ thị lập ra một hệ phái Đồng Minh Hội ly khai; cũng xuất bản báo Đồng Minh, để tấn công nhóm Nguyễn Hải Thần-Vũ Hồng Khanh; Sơn 1978:189-91.
35. Giáp, KTNQ, 1974:63; 2001:96-98; Sơn 1978:200ff. Phần Lê Tùng Sơn cũng bị bắt giữ. Không rõ chi tiết này có trùng hợp với tin Hồ bị bắt ngày 2/2/1946, sau cái chết của Beylin ngày 9/1/1946 hay chăng.
36. DPSG, Rapport mensuel, Décembre 1945 (7/1/1946); CAOM (Aix), CP, Carton 125.
37. Tài liệu Mật thám Pháp ghi ngày ký thỏa hiệp là 23/12. Chúng tôi dùng nhật kỳ 24/12/1945 theo bản Thông cáo ngày 26/12/1945 trên các báo Hà Nội. Theo Lê Tùng Sơn, cùng tham dự trong buổi này có Hoàng Cương, Tham mưu trưởng của Lư Hán, và Từ Xấu Thu, đại biểu của Tam Dân Chủ Nghĩa Thanh Niên Đoàn, cơ quan mặt nổi của tình báo Trung Hoa.
38. La République (Hà Nội), 10/3/1946. Theo Giáp, Hồ đã bàn về việc thành lập chính phủ Liên Hiệp này với Tiêu Văn; vì các đảng phái chống đối. Cuối cùng, hai bên đồng ý thành lập một chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến gồm 10 bộ; Giáp, KTNQ, 1974:149-50; 2001:136-137.
39. Chủ tịch: Hồ Chí Minh; Phó CT: Nguyễn Hải Thần (Việt Cách); Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng (độc lập); Ngoại Giao: Nguyễn Tường Tam (Đại Việt Dân chính); Quốc Phòng: Phan Anh (độc lập); Tư Pháp: Vũ Đình Hòe (Dân Chủ); Giáo dục: Đặng Thai Mai (Mác-xít) [tạm thời cho tới khi Ca Văn Thỉnh nắm quyền]; Lao Động: Nguyễn Văn Tạo (Mác xít); Xã hội-Y tế: Trương Đình Chi [hay Tri] (Việt Cách); Tài chánh: Lê Văn Hiến (Mác xít); Kinh tế: Chu Bá Phượng (VNQDĐ); Canh Nông: Huỳnh Thiện Lộc (Nam); Công Chính: Trần Đăng Khoa (Nam). Cố vấn tối cao: Nguyễn Vĩnh Thụy (Bảo Đại). Thứ trưởng: Hoàng Minh Giám (Nội Vụ), Tạ Quang Bửu (Quốc Phòng), Nghiêm Kế Tổ (Ngoại giao), Nguyễn Văn Hưởng (Tư Pháp), Đặng Phúc Thông (Giao thông, Công Chánh), Trịnh Văn Bính (Tài Chánh), Đỗ Đức Dục (Giáo Dục), Bồ Xuân Luật (Canh Nông), Đỗ Tiệp (Xã Hội); US-Vietnam Relations, Bk I, B-52.
40. Hồ tiết lộ với Sainteny ngày 1/3 là Tam đã nhận lời thay mình nắm chức Bộ trưởng Ngoại Giao; Chronique 1985:182. Tuy nhiên, Tam chỉ nhậm chức ngày 12/3/1946; Giáp, KTNQ, 1974:214; 2001:150-156.
41. Tháng 3/1947, tại Quốc Hội Pháp, Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet cho biết đã nhiều lần tuyên bố với Hồ rằng "Việt Nam" trong bản Hiệp ước sơ bộ chỉ có nghĩa phần lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 16. Bởi thế mới có điều khoản tổ chức trưng cầu dân ý [referendum] về vấn đề Nam Kỳ; AAN, 1947:878, col 1.
42. CAOM (Aix), INF, c. 126, d. 1125. Đây có thể là là lần thứ hai Hồ bị bắt. Theo Võ Nguyên Giáp, đầu tháng 12/1945, Hồ đã bị mời vào Bộ Tư lệnh quân Trung Hoa. Hồ đến nhà Tiêu Văn, được người của Chu Phúc Thành đón đến Bộ Tư lệnh ở nhà thương Đồn Thủy. Bị giữ gần trọn một ngày mới thả. Sau giữ lại xe và tài xế của Hồ. Lý do là Chu Phúc Thành nghi Lê Tùng Sơn đi trên xe của Hồ, giết chết một Pháp kiều; Giáp, KTNQ, 1974:107-108. Xem supra.
43. Tel No. 515/Cab, Cororient gửi EMGDN Paris, ngày 17/2/1946; SHAT (Vincennes), 10H 143; Chronique 1985:156-157.
44. Giáp, KTNQ, 1974:179-82. Theo Giáp, cuộc thương thuyết vẫn còn bế tắc vì hai chữ độc lập; Ibid. Điều này không đúng, và Giáp hoặc không rõ nội tình, hoặc không nói sự thực. Điểm khúc mắc là vấn đề thống nhất, tức Nam Kỳ—Hồ đồng ý bỏ chữ "độc lập" từ nhiều tuần trước. Ngoài ra, còn có vấn đề tìm "người tế thần.")
45. Mãi tới ngày 3/4/1946, Giáp, Khanh cùng Valluy, Salan mới chính thức ký Phụ bản Hòa ước về quân sự; Giáp, KTNQ, 1974:224-225. Ngày này, Tướng Valluy báo cáo rằng VM đồng ý cho Pháp trú đóng ở Hà Nội, 5,000 lính; Hải Phòng, 1,750; Nam Định, 825; Hải Dương, 650; Điện Biên Phủ, 825; Hòn Gay, 1,025. Dự định chiếm Nam Định ngày 7/4/1946.
46. Đó là Clarac, cố vấn ngoại giao; Maurice Gonon, cố vấn tài chính; Guillanton, cố vấn kinh tế; Pignon, cố vấn chính trị; Salan, đại biểu quân sự; và Torel, đại diện Tư pháp; Chronique 1985:247-8.
47. Giáp, KTNQ, 1974:258. Thạch chỉ được thả sau khi Hội nghị Đà Lạt kết thúc. Thạch là đại diện chính phủ trung ương tại miền Nam. Sau này Lê Đức Thọ thay; SHAT (Vincennes), 10H 4201; Chính Đạo, VNNB, I:A, 1996:327.
48. Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt (Sài Gòn: 1971), 47; Giáp, KTNQ, 1974:263-4.
49. Chiều ngày 17/8, VM ra lệnh dân treo cờ trong 3 ngày mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890), kể từ sáng hôm sau; Cứu Quốc, 17/5/1946. Từ đó, ngày 19/5 này, được kể như sinh nhật Hồ. Tuy nhiên, Hồ thường hay vắng mặt trong ngày sinh nhật này; Giáp, KTNQ, 1974:270. Người ta nghĩ rằng Hồ đã ngụy tạo ngày sinh để bắt dân Hà Nội treo cờ đón tiếp d'Argenlieu. Có người cho rằng 19/5 là kỷ niệm ngày thành lập Mặt Trận Việt Minh (Huỳnh Kim Khánh). Nhưng ngày 19/5, với Hồ, cũng là ngày ba mươi sáu năm trước, cha Hồ bị kết án bãi bỏ quan chức, phạt đánh 100 trượng, đầy đi xa vì tội ngộ sát! Xem, chẳng hạn, Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng, Vàng Trong Lửa (Thành phố HCM : Ban Khoa Học Xã Hội Thành Ủy, 1990), tr. I-60.
50. Nguyên văn: "Si la Cochinchine se sépare librement de vous, croyez-bien que vos violences et vos injustices y auront joué un rôle capital;" Thư ngày 26/5/1946, d'Argenlieu gửi Marius Moutet; CAOM (Aix), PA 28, c. 8, d. 173.
51. Chủ tịch: Justin Godart; Phó: Bà Andrée Violis, Tướng Petit, Georges Paillet. TTK: Francois Jourdain; Thủ quĩ: Charles Désiret. Ủy viên: Bà Cotton, Mounier, Bs Paul Rivet; L'Humanité (Paris), 14/6/1946.
52. Chính phủ Bidault gồm những nhân vật đáng kể sau: Thủ tướng kiêm Ngoại Giao: Bidault, MRP; Phó Thủ tướng: Maurice Thorez (CS) và Félix Gouin (Xã hội); Bộ trưởng Hải ngoại: Marius Moutet (Xã hội); L'Humanité, 23-24/6/1946.
53. L'Humanité, 7 & 8/6/1946; FRUS, 1946; US-Vietnam Relations, 1971:73. Ngày 21/6/1946, Valluy cũng trao cho Giáp một công hàm gửi Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch Nhà nước, thông báo Pháp sẽ chiếm Cao Nguyên Trung Bộ (Tây Nguyên). Sau đó, Pháp tấn công Đại Lãnh, Củng Sơn, Pleimeidden.
54. CAOM (Aix), AP, c.365. Trong công điện ngày 30/7/1946, d'Argenlieu biện giải với Paris về lý do tổ chức Đại hội Đà Lạt: Đó là Công điện số 370 CI 1146 ngày 3/4/1946 của Bộ Hải ngoại.
55. Ngày 3/10, phái đoàn Phạm Văn Đồng được tiếp đón đông đảo: Nguyễn Văn Tố, thay mặt Quốc Hội; Lê Văn Hiến, thay mặt chính phủ; và, Nguyễn Xuân Nguyên (Lê Quang Đạo), Chủ tịch Hải Phòng. Hôm sau, 4/10, Đồng về tới Hà Nội. Ngày 5/10, Đồng họp báo ở Hà Nội.
56. Ngày 13/9, Hồ cũng tiếp kiến Francois Trives, thuộc CEII, tại Royal Monceau, và yêu cầu Trives viết thành văn bản những điều đã thảo luận, nhưng sau đó, ngày 26/9, Trives không thuyết phục được các ủy viên khác của CEII; CAOM (Aix), INF, c. 158, d. 1362.
57. Xem "Nguyên văn bản Thoả Hiệp Án Pháp-Việt làm tại Paris ngày 14/9/1946;" Nam Kỳ (Sài Gòn), 23/9/1946. Xem nguyên bản Pháp ngữ trong phần Phụ bản. Tóm lược bằng Anh ngữ có thể tìm thấy trong FRUS, 1946, VIII:60.
58. Công điện ngày 17/9/1946, Caffery gửi Ngoại Giao; FRUS, 1946, VIII:59. Như thế, rất đáng nghi chuyện Hồ nửa đêm gọi điện thoại cho Moutet xin ký Tạm Ước 14/9/1946. Đáng lưu ý là thời gian này, báo L'Humanité, vì một lý do nào đó, loan tin Hồ rời Paris ngày 16/9; L'Humanité (Paris), 17/9/1946.
59. Chủ tịch: HCM; Ngoại Giao: HCM (Thứ trưởng, Hoàng Minh Giám); Quốc Phòng: Võ Nguyên Giáp (Tạ Quang Bửu); Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng (Hoàng Hữu Nam [Phan Bôi]); Kinh tế: Dành cho miền Nam (Phạm Vân Đồng); Tài chính: Lê Văn Hiến (Trịnh Văn Bính); Tư pháp: Vũ Đình Hòe (Trần Công Tường); Canh nông: Ngô Tấn Nhơn (Cù Huy Cận); Lao Động: Nguyễn Văn Tạo; Y tế: Hoàng Tích Trí; Cứu tế: Chu Bá Phượng; Giáo dục: Nguyễn Văn Huyên (Nguyễn Khánh Toàn); Giao thông, Công Chính: Trần Đăng Khoa (Đặng Phúc Thông); Không Bộ Nào: Nguyễn Văn Tố & Bồ Xuân Luật. Chính Đạo, VNNB, Tập A: 1939-1946 (Houston: Văn Hóa, 1996), tr. 354. Thực ra, danh sách chính phủ kháng chiến mới này được bầu ra ngày 31/10/1946 (Khóa họp thứ hai, 28/10-9/11/1946). TTLTQG 3, QH, HS 5.
60. Ban thường trực: 2/3/1946: Bà Lê Thị Xuyến (tức bà Phan Thanh, sau này kết hôn với Lê Văn Hiến); 9/11/1946: Bùi Bằng Đoàn; 29/1/1957: Tôn Đức Thắng. Mãi tới ngày 1 tháng 12/1953, QH mới được triệu tập khóa họp thứ ba để thông qua Luật Cải Cách Ruộng Đất. TTLTQG 3, QH, HS 9.
NOTE:
This was the first documented fact about Ho Chi Minh's youth: The Director of
the National School
[Quoc Hoc] informed the Resident Superior of Annam on August 7, 1908 that
Nguyen Sinh Con, a former student of the Thua Thien [Dong Ba] Franco-Annamese
primary school, was to be admitted to the National School
for the school year 1908-1909.
In the margin, an official noted: "Le ne Nguyen Sinh Con est admis comme eleve de Quoc Hoc" [The born Nguyen Sinh Con is admitted as a student of the National School]; with the stamp of August 8, 1908. So, the young Ho Chi Minh was not expelled from the Quoc Hoc for participating in the anti-corvee [forced labor] demonstrations in Hue, which took place between April 9 and 13, 1908, as widely reported.
Sources: Centre des archives d'Outre-mer [CAOM] (Aix), Gouvernement General de l'Indochine [GGI], Fonds Residence Superieure d'Annam [RSA], carton R1.
(BÀI ĐÃ IN TRONG HỢP LƯU 84 / tháng 8 và 9 -2005)