- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Những sợi tóc bạc và năm dòng kẻ trắng

15 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101500)

pd1

  Nhạc sĩ Phạm Duy / Ảnh: Nhật Tấn


Nhạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt, không rào cản so với nhạc sĩ cùng thời. Người lắng nghe giao thoa những tiến triển nền âm nhạc Việt so với thế giới từ những năm 1930 cho đến nay.Từ cái bắt gặp đầu tiên trên bộ đồ bà ba xanh, đôi mắt sáng trên vành tai thính âm tài hoa ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy chợt cười, nụ cười nhéo mắt luôn điểm lại con người ấy từng nốt nhạc vượt không gian thời gian. Hồn nhiên Phạm Duy cười nói: : “Tôi có hai con mắt, một con trái mắt tỉnh tảo thực tế với dòng đời. Và mắt phải luôn làm việc sáng tạo.” Cuộc phỏng vấn sau đây ghi lại một vài nét về  cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy với thế hệ trẻ tại Việt Nam đang muốn cùng ông bày tỏ tâm sự.

Huỳnh Lê Nhật Tấn

 

 

Huỳnh Lê Nhật Tấn (HLNT): Một đông lực nào để ông thành nghệ sĩ khi thân sinh ông là Phạm Duy Tốn là nhà báo, nhà văn, doanh nhân chí sĩ yêu nước trong nền văn học mới, người bạn thân của Nhà dịch thuật, cải cách Nguyễn Văn Vĩnh. Hay thường gọi (Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố). Và là người hủi tóc ngắn và mặc âu phục đầu tiên tại VN? Xin ông có thể kể lại vài hình ảnh đáng nhớ về thân phụ cũng như trong một gia đình thăng hoa?

 

Phạm Duy (PD): Tôi không có may mắn được sống với cha vì Người qua đời khi tôi mới 2 tuổi. Nhưng khi tôi lớn lên, được biết mình là con một nhà báo, nhà văn nổi tiếng thì tôi khởi sự tìm hiểu về ông. Và tôi biết rằng ông là một trong những người “tân tiến” (khác với cổ hủ) của thời đại. Tôi yêu qúy ông và muốn được như ông cho nên khi quyết định làm người nghệ sĩ, tôi muốn tiếp nối sự nghiệp “hướng về cái mới” (progressif) của ông. Trong gia đình, tôi có thêm người anh cả Phạm Duy Khiêm cũng là một nhà văn (Pháp ngữ) lỗi lạc… làm cho tôi càng muốn là một nghệ sĩ tiến bộ, khai phá, xung phong…

 

HLNT: Là một nhạc sĩ thời kỳ tân nhạc Việt Nam, khi ông cho ra đời cuốn sách đặc khảo dân nhạc Việt Nam ông kỷ niệm gì ? Đặc biệt là ca khúc Buồn Tàn Thu được ông phổ biến rộng rãi với kỷ niệm đáng nhớ. Văn Cao người bạn nửa thế kỷ tràn bao thời kỳ lịch sử khó quên với 2 bài hát như Suối Mơ, Bến Xuân (lời Phạm Duy, Nhạc Văn Cao)…

 

PD: Trong những ngày xa xứ, vào khoảng 1990, tôi viết bài đăng trên báo VĂN HỌC (Santa Ana CA, USA) và soạn những chương trình phát thanh cho Đài BBC Luân Đôn để nói về sự thành lập và phát triển của Tân Nhạc, trên dưới 50 năm nay, đã có mặt ở trong và ngoài nước, và nhất là ở trong lòng ba, bốn thế hệ người Việt Nam rồi. Đơn phương làm công việc của một tập thể (như một Hội Nhạc Sĩ Việt Nam chẳng hạn), chắc chắn tôi vấp nhiều khuyết điểm, nhưng vào lúc đó, tôi cứ phăng phăng làm và nghĩ rằng sẽ có ngày được hội luận với mọi người trong ngành rồi sẽ sửa sai, bổ túc. Tôi có cơ hội tiếp súc với những người đã thành lập nên nền Tân Nhạc, ví dụ: các cụ Nguyễn Văn Tuyên 86 tuổi, Lê Thương 83 tuổi, vào năm 1990 này, đang còn sống ở Saigon… Đó là chưa kể trong những năm tháng trước đó, tôi đã xin được khá nhiều tài liệu bực một (de première source) ở nơi những vị kỳ cựu trong làng Tân Nhạc hoặc sống lâu năm bên Pháp như Nguyễn Văn Cổn, hoặc di tản qua Hoa Kỳ như các nhạc sĩ Vũ Thành, Hải Linh, Thẩm Oánh… trước khi các vị đó qua đời. Tôi cũng đã gặp nhạc sĩ Văn Giảng ở Australia, các bạn đồng nghiệp khác hiện ở rất gần tôi như Nguyễn Hiền, Ngọc Bích v.v… để trao đổi ý kiến về lịch sử Tân Nhạc.

Tôi không dám nuôi và thực hiện một tham vọng quá lớn lao là viết một lược sử âm nhạc đương thời (contemporary music) trong 50 hay 60 năm chuẩn bị, thành lập và phát triển. Tôi chỉ xin đóng khung sự thành hình của Tân Nhạc trong khoảng một giai đoạn trên dưới 10 năm, nghĩa là từ 1935 cho tới 1945, một giai đoạn mà tình hình đất nước đang chuyển mình rồi về sau sẽ luôn luôn bị phân chia cho nên lòng người bị phân tán, sự thật về một ngành nghệ thuật có thể bị che lấp bởi chiến cuộc liên miên.

Lẽ dĩ nhiên tôi sưu tầm nhạc Văn Cao và kê khai toàn bộ nhạc phẩm của ông ta… trong đó có nhắc tới bài Buồn Tàn Thu mà tôi đem đi hát khắp nơi… và vài bài tôi soạn chung với ông.

 

 pd2

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt người chơi Hạ Uy Cầm đến thăm Nhạc sĩ Phạm Duy tại tư gia (Saigon 2009) (Ảnh: Nhật Tấn)

 

HLNT: Từ ngày đầu về Việt Nam đã có một bài thơ “Về thôi” nhà văn Lưu Trọng Văn có đề tặng Phạm Duy và ông đã phổ với tựa đề “ Trăm năm bến cũ.” Và năm 2001 ông đã thực hiện điều đó. Xin Nhạc sĩ cho biết tâm tình con người Việt với mảnh đất Việt?

 

PD: Vào năm 1994, lúc tôi đã có ý định trở về sống chết tại quê hương thì tôi nhận được một bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Văn, con trai của người bạn cũ mà tôi rất yêu quý là Lưu Trọng Lư, đăng trên báo Lao Động ở Saigon với nhan đề “Về Thôi, tặng: người tình già.” Bài thơ có những câu:

 

Làm gì có trăm năm mà đợi 
Làm gì có kiếp sau mà chờ…
 
Đất Mẹ – Đất Nàng
 
Con sáo sang sông tha cọng rơm vàng
 
Lót ổ
 
Mười chín năm bến cũ
 
Người tình già ơi! nhớ không?

đi kèm với những câu:

Trăm năm bến cũ, có còn đó không? 
. . . . . . .
 
Cây da bến cũ còn lưa,
 
O đò năm trước đi mô không về…

… để gọi một người trong nòi tình thì — dù tôi không còn cái thú soạn ca khúc nữa — tôi đã phổ nhạc nó ngay.

Rồi tôi không ngần ngại gì nữa, vào đầu năm 2000, khi có cơ hội được hồi hương… tôi đáp máy bay về Việt Nam, có lẽ cũng chỉ vì có tiếng gọi tha thiết của một thi sĩ, tiếng gọi mơ màng của một o đò, tiếng gọi nồng nàn của tình yêu…

 

HLNT: Nhìn lại chuỗi sáng tác chạy ngang dọc với nhiều thể loại trong đó có thể theo xu hướng xã hội đương đại thì đặc bit tục ca, vỉa hè ca như hỗn hợp và thích ứng nhu cầu phát triển tại Việt Nam trong tương lai. Xin  nhạc sĩ kể rõ về cách nhìn “đi trước thời đại” và bị nhiều người phản kháng, ca sĩ thì không hát, nay bị thất truyền?

 

PD: Trong quá trình sáng tác của tôi, có những lúc tôi vui vì nước tôi đang tiến tới sự hưng thịnh thì tôi xưng tụng bằng những “quê hương ca” ngọt ngào, cao sang, hoành tráng… Khi tôi cảm thấy quê hương tôi đang lâm vào cảnh rối loạn thì tôi buồn giận và soạn ra những “xã hội ca” trần trụi, tối ám, thê lương. Nghệ sĩ vốn là loại người bén nhậy cho nên hãy cho phép tôi được “khóc cười theo mệnh nước”…

Nhưng nếu tôi chú trọng tới việc quảng bá mạnh mẽ những “quê hương ca” thì tôi không muốn truyền bá “xã hội ca,” chứng cớ là “tục ca, vỉa hè ca” không in được in ra và hát lên (nếu cần thì tôi cũng sẵn sàng khai tử chúng). Cũng có thể trong tương lai, khi lòng người VN rộng rãi hơn là khi chúng ta vừa ra khỏi thời tao loạn… thì “xã hội ca” sẽ được công nhận chăng?

HLNT: Từ những thập niên 60 một số anh em nghệ sĩ thời bấy giờ có câu: “Bài thơ nào mà nhạc sĩ phổ nhạc thì nổi lên…” kể ra như thơ của Huy Cận, Lưu trọng Lư, Hoàng Cầm, Vũ Hữu Định… Tại sao lại có sự họa nguyện đó về tư chất người nhạc sĩ sáng tác.

 

PD: Trong quá khứ đã có “truyền thống hát thơ” : Truyện Kiều của Nguyễn Du là một lối hát gọi là “kể kiều” (nghĩa là “ngâm” cũng thế), truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đẻ ra lối “nói thơ Vân Tiên,” dân ca VN là các lối hát phong dao, đồng dao, ca dao v.v… Tôi nghĩ khi mình phổ nhạc những bài thơ mới là mình đã đi theo truyền thống cũ vậy. Đừng cho rằng bài thơ nào mà tôi phổ nhạc cũng hay, có những bài dở ẹc!

 

HLNT: Xin ông kể vài kỷ niệm giai thoại đáng nhớ về những tác phẩm thơ phổ nhạc thành công nhất của ông ?

PD: Tôi khởi sự sáng tác bằng việc phổ nhạc một bài thơ hay : bài Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính. Từ đó, tôi sống trong một thời thơ mới Việt Nam nổi bật với rất nhiều thi phẩm đặc sắc và ngoài việc soạn ca khúc của mình, tôi phổ nhạc rất nhiều bài thơ hay của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Hữu Loan, Bích Khê, Phạm Thiên Thư, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tất Nhiên v.v… Các nhà thơ đó có gửi lời cám ơn tôi, nhưng thật ra tôi phải cám ơn các thi nhân đó chứ !

 

HLNT: Xin chân thành cảm ơn Nhạc sĩ Phạm Duy.

 

Huỳnh Lê Nhật Tấn thực hiện

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Mười 201510:41 CH(Xem: 33781)
Tôi thích những định nghĩa về tự do của John Adams và yêu thơ Tagore. Cả hai đều khơi dậy cái sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người. Điều lạ lùng là dù ở hai vị trí rất khác nhau, một chính khách và một nhà thơ; song họ lại gặp nhau ở một điểm rất chung. Tôi có thể mượn cái quan niệm của John Adam để nói về Tagore. Cả hai đều cho rằng không có sự ưu việt nào bằng sự ưu việt của linh hồn và không có sự giàu có nào bằng sự giàu có của con tim.
18 Tháng Mười 20154:41 CH(Xem: 31028)
Ngồi giữa buổi chiều mênh mông hắn chờ một cuộc điện thoại, bầu trời mở rộng trước mắt hắn, một dãy nhà cao thấp lô nhô trải dài làm cho đường chân trời trở nên răng cưa, gấp khúc. Xa hơn nữa, ở một góc nhỏ xíu lóe lên những tia sét lẫn trong những đám mây xám, những tiếng sét không âm thanh chớp lên rồi tắt ngúm một cách vô thưởng vô phạt.
18 Tháng Mười 20151:23 CH(Xem: 33217)
Lạc Long Quân được viết chữ Hán là 貉龍 君, trong đó, chữ 貉 (bộ trĩ) mà người Việt, theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay vẫn đọc là “lạc”. Tiền nhân Việt dường như đã cố tình dùng chữ 貉 dành cho Lạc Long Quân và không đọc theo đúng phiên thiết từ thư Hán là hạc (thú giống như con cầy), mạch (tộc ở phương bắc Trung Quốc) nhưng nhất định là “lạc” chắc hẳn phải có một dụng ý sâu kín nào đó và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn văn tự...
18 Tháng Mười 20151:00 CH(Xem: 34865)
Ngôi nhà của anh không hoàn toàn im lặng, hoang vắng mà là một nơi chốn dừng chân của khách thập phương. Nó như là một thứ “trại tỵ nạn thứ hai” mà hầu hết những người lui tới gặp anh đều có mục đích khác nhau. Có người đến để nhờ anh “hợp tác” làm một công việc gì đó; có người đến vì cần một nơi chốn ở tạm; có người đến chỉ để bày ra những cuộc rượu say bí tử, ca hát, ngâm thơ, bày tỏ những tàn tích quá khứ, họ là những người lính đã từng tham dự chiến tranh kể về những trận đánh, trong đó có người đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến. Họ là những “linh hồn” vất vưởng, thất lạc giữa một khoảng trống mênh mông trong tâm thức bám vào cái hào quang quá khứ hào hùng, đau thương đầy căm phẫn tủi nhục của lịch sử. Có người rũ bỏ quá khứ, lột xác hội nhập vào đời sống mới của xứ sở tự do. Họ bước vào cuộc thử thách trong thương trường, khởi nghiệp bằng đôi bằng tay trắng.
16 Tháng Mười 201510:35 CH(Xem: 37267)
Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt". Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như là một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. [2]
16 Tháng Mười 201510:03 CH(Xem: 32317)
Em không thể đi hết còn đường còn lại của mưa, anh biết không, có thể chúng dài hơn điều em nghĩ, có thể chúng đang ghen tuông với điều tự do của gió
12 Tháng Mười 201512:25 SA(Xem: 29897)
không phải thơ đâu em chỉ là lời nguyện đêm tha thiết không phải sáng mai nào cũng trong veo như sáng nay gió về vẩn đục lời kinh rớt xuống lũng oan cừu
11 Tháng Mười 201511:40 CH(Xem: 31340)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Thanh Hiện có lối viết rất lạ như thơ xuôi, từ đầu đến cuối chỉ dấu phẩy, không chấm. Chúng tôi hân hạnh mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào không gian truyện của Nguyễn Thanh Hiện.
11 Tháng Mười 20154:46 CH(Xem: 28395)
Đang ngồi trầm tư bên ấm trà nóng, ông Hội bỗng giật nảy mình khi nghe ngoài sân có tiếng rên rỉ. Ai nửa đêm khuya khoắt lại vào nhà ông than khóc? Vội vã ông chay lại mở cửa. Ánh điện trên thềm hắt xuống sân, ông trông thấy một người phụ nữ nằm sõng xoài trong vũng nước. Phương. Đúng là Phương.
11 Tháng Mười 20154:38 CH(Xem: 28565)
Mùa thu sắp cạn. Những hàng cây trên phố phơi dần những cánh tay trơ xương. Cuộc sống trong gia đình ông Hội vẫn diễn ra như một vở kịch mà ở đó những người diễn viên luôn phải oằn mình thể hiện vai diễn trái ngược với nội dung kịch bản. Nhiều lúc Phương tự hỏi, thật ra những con người này họ đã và đang nghĩ suy gì trong tâm não?