- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bí mật nơi cây dầu đôi

01 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 95721)


dnv_hl_114


Ông nội tôi là người cuối cùng trong dòng họ còn biết chữ nho. Ông có chín người con, 2 trai 7 gái. Ba tôi là con trai trưởng. Cái thời của ông còn nặng nề “trọng nam khinh nữ”. Trước khi mất, ông ngã bịnh một thời gian. Biết mình không sống được lâu, ông cho gọi tất cả những người con từ khắp nơi trở về. Sau khi dặn dò nhiều điều cho các con, ông đem hết số tiền dành dụm, trừ đi số tiền chuẩn bị hậu sự cho mình, rồi chia đều cho các con. Phần đất hương hỏa, ông giao cho hai người con trai: Ba và chú tôi. Sau đó, ông nói với tất cả các người con rằng: ông có một ít giấy tờ muốn giao lại cho Ba tôi giữ. Trong số giấy tờ đó, ba tôi kể lại, có tập gia phả, phần đầu viết bằng chữ nho, do tiền nhân để lại cho đến đời ông Cố của tôi, phần sau viết bằng chữ quốc ngữ. Rồi ông bảo các người con đi ra, chỉ giữ lại ba tôi để dặn dò mấy điều mà ông Cố tôi truyền lại. Và tôi là cháu đích tôn trong họ, nên trước khi mất, ba tôi gọi tôi về, truyền lại những điều này.

***
Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Pháp phát triển đường xá từ Phan Rang ra Thành, rồi xuống Nha Trang, ra Ninh Hòa. Ông Cố tôi nằm trong số những người mà Pháp tuyển mộ để mở đường này. Và vì thông thạo chữ nho cũng như hiểu biết chút ít tiếng Pháp, sau một thời gian cần mẫn làm việc, ông đã tạo nên sự tin tưởng, và trở thành một người giúp việc gần gũi với vị kỹ sư đứng đầu công trình này. Trong những ngày tháng ấy, ông Cố tôi đã biết được nhiều việc, ông cho là hệ trọng, nên đã ghi lại và truyền lại cho ông Nội tôi. Trong số đó, có ba điều chính. Thứ nhất, là Lời nguyền của người Chăm được phát hiện ở đèo Rù Rì và sau đó được chôn lại trên đỉnh đèo. Thứ hai, bí mật được giấu trong cây dầu đôi. Thứ ba, kho tàng của nghĩa quân trên vùng núi Hòn Hèo, nơi có liên hệ đến phong trào Cần Vương chống Pháp, cuối thế kỷ 19.
Trong ba điều ấy, Lời nguyền của người Chăm, tôi đã kể lại trong truyện “Lời Nguyền Trên Đỉnh đèo Rù Rì”. Bây giờ tôi xin kể về bí mật giấu trên cây dầu đôi, từ hơn 100 năm trước.
 
***
Khởi đi từ ngã ba Thành chạy về hướng Nha Trang, nhìn bên tay phải, du khách sẽ nhìn thấy cây dầu đôi. Cây cao, nhưng tàn lá không nhiều. Đứng xa xa, có thể thấy cả ngọn. Đến gần, sẽ thấy rễ cuồn cuộn như những con trăn lớn uốn lượn trên mặt đất. Trên thân cây, cách mặt đất khoảng một đầu người, có một cái bướu lớn.
Ông Cố tôi ghi lại rằng, khi đường xá từ Phan Rang mở ra đến Thành, ông có nghe các vị bô lão trong vùng kể lại rằng: vào đầu thế kỷ 19, cây dầu đôi chỉ có một thân cao nghệu nghễ. Sau một đêm mưa to, sấm chớp đầy trời, sáng ra mọi người thấy cây mất ngọn, thân cây tét làm hai sau khi bị sét đánh. Người dân dọn dẹp khúc bị sét đánh ngã, và nghĩ rằng cây sẽ chết. Vậy mà không. Cây dầu đôi lại vươn lên từ chỗ bị sét đánh, hai nhánh chọc thẳng lên trời như thách thức ông Thiên. Không biết có phải từ đó được gọi là cây dầu đôi?
 
Cũng có người cho rằng, cây dầu đôi có 2 gốc, và lâu ngày, hai thân cây dính vào nhau nên gọi là cây dầu đôi. Không biết truyền thuyết nào đúng, nhưng hơn trăm năm nay, cây dầu đôi vẫn sừng sững giữa trời, mặc bao lịch sử đổi thay. Giờ đây, dưới gốc phải khoảng 7-8 người ôm mới hết, còn hai thân chọc thẳng lên trời thì mỗi thân ấy phải ba, bốn người cùng nắm tay, ôm không giáp vòng. Nhiều người kể rằng, bác sĩ Yersin, người khám phá ra Đà lạt, lúc sinh thời, mỗi lần từ Nha Trang qua trại chăn nuôi Suối Dầu làm việc, khi đi ngang qua cây dầu đôi, bác sĩ Yersin thường xuống xe, để ngã mũ như chào một bậc cao niên!
Vậy cây dầu đôi có niên đại bao nhiêu? Chưa có một câu trả lời chính xác. Chuyện kể rằng, năm Quý Sửu, 1793, thành Diên Khánh bắt đầu được xây dựng, sau khi Nguyễn Ánh rút quân từ Qui Nhơn về. Cả khu vực còn là những dãy rừng ngút ngàn. Quan đã cho lính và dân phu mở mang khu vực, tạo dựng xóm làng. Nhiều người từ miền ngoài được đưa vào lập nghiệp ở đây. Người ta cho rằng, ngay từ thời này, giữa những dãy rừng già đó, cây dầu đôi này đứng vượt trội hơn hết.
Đến nửa cuối thế kỷ XIX, thành Diên Khánh đã trở thành một địa danh quen thuộc, như các địa danh khác, chợ Thanh Minh, Ninh Hòa, Vĩnh Điềm, Ngọc Hội, Lư Cấm, Vĩnh Hội.v.v… của Khánh Hòa. Lúc bấy giờ, Nha Trang còn là môt bãi cát trắng mênh mông, hoang sơ với vài dãy nhà tranh lụp xụp, của ngư dân người Việt sống bên nhau bằng nghề đánh cá ở xóm Cồn. Con đường từ Nha Trang đi lên Diên Khánh lúc này chỉ mới là con đường rải đá sơ sài. Giao thông chủ yếu vẫn là con đường thủy qua sông Cái. Trung tâm buôn bán, sinh hoạt kinh tế, văn hóa tập trung tại Vĩnh Điềm Hạ. Đường liên lạc duy nhất với Huế và Sài Gòn chỉ là con đường biển.
Năm 1885, quân Pháp đổ bộ lên Nha Trang, phong trào Cần Vương lan tới Khánh Hòa. Do lực lượng địch quá mạnh, nghĩa quân Cần Vương dưới sự lãnh đạo của các vị Trịnh Phong, Trần Đường và Nguyễn Khanh, được người dân ca tụng là Khánh Hòa tam kiệt, đã phải chịu thất bại vào năm 1886.
Nền đô hộ của người Pháp tại Nha Trang chính thức bắt đầu từ đây. Cũng như các tỉnh khác ở Trung Kỳ, Khánh Hòa nằm dưới ách cai trị của hai thế lực: Chính phủ Bảo hộ (Pháp) và Chính phủ Nam triều (triều Nguyễn). Cấp chỉ huy tỉnh thuộc Nam triều đóng tại Diên Khánh (còn gọi là cơ quan tỉnh). Cơ quan lãnh đạo của Chính phủ Pháp đóng ở Nha Trang (gọi là Tòa Sứ). Từ đó Nha Trang trở thành tỉnh lỵ của Khánh Hòa. Nhằm phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa, Pháp không ngừng từng bước xây dựng và mở rộng khu vực Nha Trang, làm cho nơi đây trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

***
Cơn gió nhè nhẹ của buổi chiều, tạo nên những gợn sóng nhỏ lăn tăn trên mặt con sông Cái. Mặt trời đã ngả về tây, làm hực lên những áng mây hồng, phản chiếu trên sông, tạo nên một hình ảnh rất đẹp. Viên kỹ sư Pháp và ông Cố tôi đang đi dọc bờ sông. Y nói rằng, Y nhớ nước Pháp. Nhớ những buổi chiều đi dọc bờ sông Sein thơ mộng. Đó là lý do dường như mỗi buổi chiều, sau khi công việc xong xuôi, Cố tôi hay thấy Y hay đi dạo một mình.
Hôm ấy, như có gì muốn chia sẻ, Y đã gọi ông Cố tôi đi cùng. Cả hai sóng bước dọc theo bờ sông Cái. Sau khi hỏi han vài thứ, Y nói với Cố tôi rằng: con đường mở rộng từ Thành xuống Nha Trang có vài trở ngại. Tuy nhiên, có một điều làm Y áy náy mãi, đó là không biết có nên không, nếu phải chặt đi cây dầu đôi cao ngút để mở rộng con đường. Y im lặng thật lâu. Thả dòng suy nghĩ theo từng bước chân. Rồi đột nhiên, quay sang Cố tôi, Y hỏi, ông nghĩ thế nào. Ông Cố tôi không biết trả lời sao cho tiện, đang phân vân suy nghĩ. Bởi vì, trong lòng ông, sự hiện diện của cây dầu đôi như một nhân chứng qua bao sóng gió lịch sử. Giờ đây, nơi chân cây, còn cái miếu nhỏ thờ người anh hùng Trịnh Phong. Làm sao mà phá đi được! Nhưng làm sao góp ý với Y mà không để bị nghi ngờ?
Cái áy náy của viên kỹ sư Pháp không phải không có lý do. Bởi nơi cái miếu nhỏ, lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Người ta bảo rằng: miếu này rất linh thiêng. Chính ở cái khoảng tâm linh ấy, đã cắn rứt thâm tâm của viên kỹ sư này. Y không phải là mẫu người của tâm linh. Y trưởng thành trong cái nôi của công nghệ, được học tập kiến thức từ trường kỹ thuật. Tuy nhiên, có nhiều việc, mà Y đã từng thấy tại Phi châu, trong công việc của một kiến trúc sư, đã làm Y thay đổi.
Ngày ấy, khi còn là một kỹ sư cầu đường, mới ra trường, với lòng ham mê đi đó đi đây, Y đã hăng hái đi nhận nhiệm vụ tận Phi Châu. Công việc của Y là chỉ huy những công trình hạ tầng, xây dựng đường xá, cầu cống cho công việc đi lại được dễ dàng, và cũng để phục vụ cho mẫu quốc trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản và chuyên chở về những hải cảng một cách thuận lợi.
Trong một công trình, dựng một con đường lớn, băng qua nơi chôn cất của một bộ lạc thổ dân. Nếu làm con đường vòng, nó sẽ phải băng qua một khu đầm lầy rộng lớn, sẽ tốn nhiều thời gian, vật liệu. Và dĩ nhiên, thời gian thực hiện sẽ lâu hơn nhiều. Sếp của Y quyết định bằng mọi cách phải thực hiện con đường thẳng, bởi đó là khoảng cách ngắn nhất nối hai nơi. Trong quyết định này, thổ dân đã chống trả kịch liệt, vì con đường phải băng qua nơi thờ phượng, chôn cất của những người đã khuất của thổ dân. Bằng sức mạnh của nòng súng, người Pháp dễ dàng dẹp tan sự chống trả kịch liệt của họ. Tuy nhiên, không phải dễ dàng để họ khuất phục. Những công đoạn làm xong ban ngày, ban đêm thổ dân phá đi. Chuyện cứ tái diễn nhiều lần, người Pháp quyết định áp dụng bàn tay sắt và canh giữ nghiêm ngặt hơn vào ban đêm. Và dĩ nhiên, máu đã đổ xuống, của cả hai phía, và hận thù ngày càng dâng cao. Trong lúc công trình đang xây dựng, nhiều việc kỳ bí đã xảy ra. Chiếc cầu không lớn lắm, bắt ngang dòng sông nhỏ trên con đường ấy phải xây đến lần thứ ba mới hoàn tất.
Lần thứ nhất, một tai nạn khủng khiếp khi hai nhịp cầu nối liền với nhau bị xụp xuống, dẫn đến cảnh người chết, kẻ bị thương la liệt, máu chảy lênh láng khi một nhịp cầu đổ nghiêng, đè xuống hàng trăm người đang thi công. Tiếng rên la thảm khốc. Và từ hôm đó, đêm nào nằm ngủ, Y cũng mơ thấy những tiếng kêu cứu, hãi hùng. Có khi là những tiếng hú, từ cõi xa xăm vọng về.
Lần thứ hai, khi cầu sắp hoàn tất, thì mùa nước lũ kéo về, và như chưa từng có trong lịch sử, cơn lũ cuốn phăng những chân cầu đang xây dựng, như cơn giận của đất trời giáng xuống, kéo phăng những gì mà người Pháp đã xây dựng trong vùng. Thế là đoàn của Y phải làm lại hoàn toàn, từ đồ án thiết kế, đến chi tiết thời gian xây dựng.
Lần thứ ba, khi cây cầu hoàn tất, lẽ ra Y được về Pháp nghỉ hè, nhưng cơn bệnh bất ngờ đã quật ngã Y. Một căn bệnh quái lạ: ban ngày nóng bức nhưng Y run lên cầm cập; ngược lại, ban đêm khí lạnh từ núi rừng lan tỏa, vậy mà Y lại tháo mồ hôi hột. Bác sĩ không tìm ra căn bệnh. Y nằm liệt rất lâu, sức sống xuống đến mức cùng kiệt, chỉ còn làn da bọc xương như những kẻ nhịn đói hằng tháng trời. Đến nỗi, về sau, có một người thổ dân, một bộ hạ của Y tỏ lòng thương hại, mách nước rằng: Y phải cúng giải thiêng, mới thoát khỏi những tai ương, vì Y và những người khác đã san phá những phần mộ và nơi chôn cất của những thổ dân. Những oan hồn đó đã vây lấy Y và quật Y gục ngã. Khi đang trong cơn bệnh ngặt nghèo, chỉ nằm chờ chết, y đành nghe theo. Và lạ thật, sau khi cúng kính theo quy tắc của thổ dân, người thầy cúng mà bộ hạ của Y kiếm về từ một vùng khác, đã cho y uống một thứ nước xanh lè, đậm đặc được chiết ra từ những loài cây gì đó. Ông ta dặn Y uống mỗi ngày 4 lần, mỗi lần gần 1/3 lít. Chỉ hai ngày sau, Y dần dần khỏe lại. Y uống tiếp thứ nước ấy đến ngày thứ bảy, thì bệnh tình của Y như chấm dứt hẳn.
Từ đó, Y trở thành một con người còn lòng tin vào đất trời, vào những oan hồn đã khuất. Đó là lý do, Y ngại ngùng phá cây dầu đôi. Mà thực ra, mấy tuần trước Y đã có ý định phá cây dầu đôi này. Y đã dùng một mũi khoan lớn, khoan xuyên thân cây, từ bên này qua bên kia, tạo nên một lỗ hổng, xuyên suốt. Đêm ấy, Y nằm mơ. Trong giấc mơ, Y thấy chân tay mình như bị cột tại gốc cây dầu đôi. Từng giọt mủ cây chảy ra, chạy dài từ mắt Y trở xuống, làm Y không mở mắt được. Và chung quanh Y, những bóng ma đang nhảy múa, la hét liên hồi. Khi bật dậy, người Y vã đầy mồ hôi, trong một tâm thần hỗn loạn.
Mấy ngày nay, Y nằm thiêm thiếp như chờ chết. Cơn bệnh cũ từ Nam Phi tái phát. Y run cầm cập ngay cả trong những ngày nắng quái, trong lúc miệng khô khốc, nứt nẻ. Mỗi đêm, Y đều nằm thấy những cơn mộng dữ. Y cho người gọi ông Cố tôi tới, kể cho ông nghe những giấc mơ hãi hùng. Y bảo, trong giấc mơ, Y thấy một người trung niên Á châu, râu quai nón, dáng dấp bặm trợn, nơi thắt lưng, đeo một đoản kiếm. Ông ta bảo Y rằng: đây không phải là nơi của Y. Rồi bỗng nhiên, ông ta nắm chui kiếm đưa về phía trước. Y sợ hãi, lùi về phía sau, tay chụp khẩu súng ngắn. Nhưng tất cả đã muộn màng. Lưỡi kiếm quét ngang mặt Y, nhưng Y không cảm thấy đau đớn gì, mà nghe một mùi tanh lợm giọng quét ra từ đoản kiếm, và máu từ đầu kiếm tuôn trào, quét vào mặt Y. Chẳng bị thương tích gì, Y chỉ bị ngộp thở khi làn máu phun mạnh từ đoản kiếm quật vào mặt. Y cuối xuống, van lạy. Người trung niên đó bỏ đi, mà không thèm quay lại. Giấc mơ ấy cứ hiện ra hằng đêm.
Thấy Y kiệt quệ một cách đáng thương, ông Cố tôi gợi ý, tìm một thầy cúng trong vùng, để cúng cho Y. Y đồng ý. Ông tôi kiếm một thầy pháp nổi tiếng. Sau khi nghe kể hết sự tình. Ông thầy pháp ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Một hồi sau, ông lên tiếng.
“Tôi không muốn chữa bệnh cho những kẻ xâm lược. Tuy nhiên, theo ông nói, Y không phải là một con người tàn ác. Tôi sẽ cố gắng. Nhưng tôi biết chắc một điều: Y còn giữ rất nhiều thứ mà Y thu vét được. Y phải trả lại hết. Không phải trả cho tôi, cho ông, mà là gởi trả lại một nơi nào đó, mà Y muốn. Ngày nào Y chưa trả, nợ đó vẫn còn đè nặng trên vai, những oan hồn u uẩn còn bám víu Y. Y sẽ từ từ kiệt quệ mà chết. Nếu Y muốn sống, điều kiện duy nhất là phải thành thật, trả lại tất cả, và ra về với hai bàn tay trắng.Tôi sẽ trấn một lá bùa. Y phải đem lá bùa này cất cùng chung với tài sản đang có. Cất ở đâu, tùy Y. Và tài sản này, mãi mãi không bao giờ Y nên nghĩ tới. Ông về nói lại như vậy, khi nào Y đồng ý thì hãy tìm tới tôi.”
Ông Cố tôi thuật lại lời ông thầy pháp, trong khi viên kỹ sư nằm rên hừ hự, như môt kẻ sắp rời khỏi trần gian. Nhưng đôi mắt chợt sáng lên, khi nghe ông Cố tôi có nhắc đến những tài sản mà Y thu vét từ bao lâu nay. Nghe xong, Y gục xuống thiểu não. Y gật đầu, đồng ý. 
Chiều hôm đó, ông Cố tôi lại đi tìm ông thầy pháp và báo tin. Ông ta bảo ông tôi chờ. Gần nửa giờ sau, ông đem ra một cái gói nhỏ, màu vàng. Ông bảo, trong đó có lá bùa. Không ai được phép mở nó ra. Nếu không, người mở ra sẽ mang nhiều bệnh tật và tai ương, không chỉ một mình mà cả một gia tộc của người đó cũng phải gánh chịu. Ông dặn ông Cố tôi về giao cho viên kỹ sư người Pháp, và cho Y biết như vậy.
Trưa hôm sau, viên kỹ sư Pháp lại kêu ông Cố tôi lên, miệng thì thào: Tôi đã bỏ tất cả tài sản cùng lá bùa vào trong cái ống này. Y đưa cái ống lên và lắc lắc. Ông Cố tôi nghe như có cái gì chuyển động trong cái ống. Tiếng phát ra là từ những vật rắn chắc va chạm với cái ống đồng. Cái ống tròn, dạng như cái ống thổi lửa bằng tre của người nhà quê, dài khoảng hai gang tay, đường kính khoảng hơn 4 xăng ti mét. Y nói rằng: tất cả những tài sản mà Y kiếm được tại Châu Phi và Đông Dương này, đều nằm trong đó. Tuy nhiên, bây giờ, đối với Y không còn ý nghĩa gì cả. Y phải sống, phải về lại Pháp. Y không muốn cuộc đời Y tàn tạ, chết chôn vùi nơi xứ sở khỉ ho cò gáy này.
Ông Cố tôi chỉ lặng im. Một hồi sau, Y cho biết: đó chỉ là những viên đá nhỏ, có màu. Một số có màu trăng trắng, số lớn còn lại có màu xanh lục và hồng tía. Bên trong, kèm theo lá bùa của ông thầy pháp, y còn viết những dòng chữ trên một trang giấy vàng xỉn, bỏ chung với số tài sản và lá bùa vào trong cái ống đồng. Tối hôm đó, người thầy pháp đến làm phép và cúng cho Y.
Sáng sớm hôm sau, Y cho gọi ông Cố tôi lên, và bảo cùng đi ra chỗ cây dầu đôi. Y đứng lên, tự mình di chuyển, dù rất nặng nhọc. Rồi đích thân Y thắp hương, lầm bầm khấn nguyện. Trong lúc nhìn Y, ông Cố tôi chợt nhìn thân cây dầu đôi đang rỉ máu. Chỗ thủng mà y khoan hôm trước đã biến mất. Một phần vỏ cây, to bằng bàn tay, bịt lại bên ngoài thân, có dấu đinh đóng chặt. Một hàng mủ còn mới tinh nguyên đang rỉ xuống, như một con rắn, cái đuôi quấn vào bộng cây, cái đầu chúi mạnh xuống dưới. Y phóng tia nhìn rất sắc sang ông Cố tôi, rồi nhìn chỗ mủ đang rỉ ra, im lặng. Bỗng nhiên, Y quỳ xuống vái mọp, hai tay đặt hẳn lên mặt đất. Y xá ba xá, thành khẩn như một người mộ đạo chân chính. Thật lạ lùng, ông Cố tôi nhìn thấy chỗ mủ đang rỉ ra, chợt ngưng ngang và nó rút trở lại như con rắn chui tuột vào chỗ có dấu đinh đóng chặt. Ông dụi mắt, như không tin vào những gì mình vừa nhìn thấy. Cái lỗ mà Y khoan hôm nào, lành lặn trở lại thành một đóm tròn như cổ chai, sần sì như một cục u trên thân cây dầu đôi!
Không bao lâu sau, viên kỹ sư Pháp khỏi bệnh, Y trở về Pháp. Sau đó không lâu, một viên sĩ quan người Pháp khác thay thế, đường xá hoàn thành xuống Nha Trang, qua khỏi đèo Rù Rì, chạy dài ra đến đèo Rọ Tượng ở Ninh Hòa, thì Cố tôi xin nghỉ việc.
Tôi về, từ trên mây. Về một cách vội vã, ở lại chỉ trong vòng một tuần. Sau khi nghe Ba tôi giao lại gia phả của dòng họ, tôi đã đọc sơ qua. Tôi đã đến, đã quan sát cây dầu đôi. Thấy có một cái bướu lớn, chỗ cái bướu cao hơn đầu người, chứ không phải chỉ khoảng hơn một thước như Cố tôi thuật lại. Không biết có phải cái bướu hiện giờ và cái bướu mà Cố tôi nhắc đến, là một? Tôi không quan tâm đến chuyện đó. Tôi đã sờ lên vết sẹo của cây và thầm nhủ rằng: Cây đã mang những vết sẹo đời để cho người sống sót. Tôi chụp vài tấm hình. Tôi lấy cận ảnh cái bướu, như một chút kỷ niệm. Rồi vòng tay ra, ôm lấy thân cây, như ôm một thân tình, đã xa cách rất lâu, bây giờ mới gặp lại. Tôi áp tai mình vào lớp da sần sùi, nghe như tiếng rộn ràng di chuyển của nhựa sống. Tôi từ giã cây dầu đôi như từ giã một người thân thiết mà biết chắc rằng: phải lâu, rất lâu tôi mới cơ hội trở về.
Lạ lắm, khi tôi xuống Nha Trang rửa những tấm hình đã chụp. Không thấy cái bướu đâu cả. Hình tôi chụp cận ảnh cái bướu, bây giờ lại thấy lớp vỏ lành lặn và tương đối bằng phẳng chứ không ghồ ghề, nhô cao. Tôi quyết giữ điều lạ này cho mình. Tuy nhiên, gần đây, dù ở xa nửa vòng trái đất, tôi có nghe tin người ta đang bàn thảo, bứng cây dầu đôi này trồng lại một nơi khác, có thể gần thành Diên Khánh cũ, để “giải phóng” mặt bằng. Tôi nghe một niềm đau dấy lên từ phế phủ.
Tôi chỉ mới biết cây dầu đôi sau chuyến trở về ấy, nhưng lại thấy cây như một người thân quen, với thân vươn cao, tán lá bung ra như một chở che, rộng lượng. Với tôi, cây dầu đôi đã chứng kiến nhiều xáo trộn của lịch sử. Cây đứng sừng sững như một chứng nhân của đất trời Diên Khánh, đã chứng, đã nghe bao cảnh đổi dời. Cây cũng đã buồn bã dõi theo bao trận chiến ác liệt giữa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Cây cũng lắng nghe tiếng reo hò vang dậy của nghĩa quân, dưới sự thống lãnh của Bình Tây đại tướng Trịnh Phong, dùng thành Diên Khánh làm Tổng hành dinh để chống Pháp trong phong trào Cần Vương, do vua Hàm Nghi khởi xướng. Cây cũng đã mưng mủ, lắng nghe tiếng lòng của bao người dân nổi trôi theo vận nước.
Có cần không, cho chút mặt bằng, mà phế bỏ một chứng nhân im lặng của lịch sử?
Là một lưu dân, tôi ngậm ngùi nhìn cây nổi trôi theo vận nước.

Đoàn Nhã Văn
California 5/2011



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 91875)
T rong văn học sử Hoa Kỳ có hai hiện tượng nổi bật với nhiều điểm giống nhau, đó là nữ văn sĩ Margaret Michell với cuốn Gone With The Wind (1936) và nữ văn sĩ Harper Lee với cuốn To Kill A Mockingbird (1960). Cà hai cuốn tiểu thuyết cùng có bối cảnh là miền Nam Hoa Kỳ, cùng khai thác đề tài xung đột chủng tộc (da trắng và da đen), cùng bán được mỗi cuốn trên 30 triệu ấn bản (tính tới năm 2008). Cả hai tác phẩm lại cùng được giải Pulitzer danh giá, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và dựng thành phim rất thành công, chiếm được nhiều giải Oscar.
10 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 94844)
Đ ược biết, trước Ngô Bảo Châu cũng đã có nhiều người Việt được trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Một trong những người nầy trong quá khứ là Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898) .
03 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 98923)
“ Sông Mekong đang bị đe dọa nghiêm trọng vì sự lạm dụng nguồn nước và hậu quả của biến đổi khí hậu. Nếu không có một chính sách khai thác thận trọng và hợp lý các nguồn tài nguyên sông Mekong, con sông hùng vĩ này không thể nào sống còn”. Abhisit Vejjajiva, Hua Hin MRC Summit 2010
31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106145)
T huyên nói nàng ở một mình trong một ngôi nhà nhỏ trên đồi rồi mời tôi lên chơi. Tôi đáp để chiều tôi sẽ lên sau khi nàng cho địa chỉ. Thuyên cười, bảo tôi sẽ đi lạc nếu không được dẫn đường. Nhìn đôi môi nàng con cớn, tôi tự ái đàn ông nói không cần, sẽ tự tìm ra nhà. [...] Ra đến cửa Thuyên quay lại, chỉ vào giỏ xách tay ny lông đen có lòi ra mấy bó rau. - Chiều ông tìm được nhà tôi thì mời ông ăn một bữa cơm tối ... Nhà có cổng gỗ với giàn hoa leo đấy.
31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106788)
T ôi chui vào ô tô. Chiếc xe mới coóng. Nội thất vẫn còn nguyên mùi hăng hắc, ngai ngái. Bóng lộn. Tôi khen chủ tịch phường mà sang trọng thế này thì dân được nhờ. Nói xong, chột dạ, sợ hắn nghĩ mình cạnh khóe, tôi vội ự…hừm, ý tôi là ông chủ tịch phường mà ăn nên làm ra thì dân cũng phất theo, chứ làm cán bộ địa phương thời nay mà nghèo quá, lúi xúi quá, thì cũng không có uy tín với dân. Anh nghèo mà làm lãnh đạo thể nào cũng sinh ra tính xà xẻo. Nếu anh giầu có rồi thì anh không tham nữa. Thế là dân được nhờ…Nói xong, tôi tự thấy cái lý luận của mình là loại lý luận ma cô. Lại chột dạ.[...] Rồi lại im không nói gì. Ngoài trời mưa như trút nước. Càng ngày càng to...
31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97730)
L oan cởi nhẫn cưới đeo vào cho Hoàng. “Anh cố giữ làm bùa hộ mệnh, lúc nào cũng có em bên cạnh”. Hoàng thấy vậy mà thương vợ thêm. Có người vợ biết chăm sóc từng li từng tí. Hoàng rưng rưng nước mắt bước ra khỏi nhà…
30 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 103580)
N gày 30 tháng Giêng năm 1948, một tên sát thủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu đã sát hại nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần Ấn Độ là ông Mohandas Karamchand Gandhi. Ông bị bắn ba phát đạn vào ngực và bụng trong khi đang trên đường đến nhà thờ để đọc lời cầu nguyện hàng ngày.
30 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 98136)
... C ó điều người ta cần phải ghi nhớ là người Tàu luôn luôn kiêu căng, tự coi nước mình là một nước lớn là duy nhất văn minh, chung quanh họ đều là man di mọi rợ, Việt Nam hay Đại Việt đi chăng nữa cũng chỉ là man, Nam Man, nằm ngoài rìa của Hoa Hạ, của Trung Hoa thời Dân Quốc, của Trung Quốc thời Cộng Sản hiện tại...Những chiến thắng của người Việt trong các thời Lý Trần, đặc biệt là chiến thắng chống quân Mông Cổ trong khi người Tàu thực hiện không nổi là những gì họ không chấp nhận được.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 96599)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 92063)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.