- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

DÃ QUỲ TRẦM LẶNG

01 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 95660)

 

daquytramlang_dc-content

 Tranh Đinh Cường

Tặng họa sĩ Đinh Cường

 

Máy bay hạ cánh ở phi trường Liên Khương, trời Đà Lạt mát lạnh với buổi sáng sớm còn mờ hơi sương. Người đàn ông ngồi bên cạnh trên máy bay hẹn tôi sẽ lấy vé. Rồi anh biến mất trong dòng người. Tôi điện thoại cho Hà đến đón, xe honda 100 phân khối Hà phóng như bay trên con đường lộng gió, hai bên đồi thông bạt ngàn, hoa dã quỳ vàng rực rỡ.

 

Chợ Đà Lạt nhộn nhịp ngày cuối tuần, thành phố của các loài hoa nên tôi tha hồ lựa chọn. Phân vân một lúc, tôi quyết định đặt bó hồng vàng đến dự buổi khai mạc phòng tranh. Gian tiền sảnh khách sạn Đà Lạt-Hoàng Gia đã đông khách. Tôi không biết những người bạn mà tôi sắp gặp là ai, lao xao bóng người qua màn mưa sau lớp cửa kính, Đà Lạt se lạnh, mưa rắc nhẹ nhưng thấm nắng vàng. Tôi thật mừng khi nhận ra vợ chồng anh Trương Văn Dân - Elena trong một góc phòng, tôi đang tìm những họa sĩ tác giả phòng tranh thì anh Nguyên Minh kéo họa sĩ Đinh Cường đến, tôi xin lỗi vì đã đến trễ.

 

Từ ngày nghiên cứu về Trịnh Công Sơn tôi quen biết nhiều người bạn của ông và được họ ưu ái, giúp đỡ; đó là những hạnh ngộ mà mỗi người trong cuộc đời thật may mắn gặp được. Họ là những bậc đàn anh, lớn hơn tôi rất nhiều, tài hoa, đầy trải nghiệm. Và tôi đã học hỏi được rất nhiều từ họ.

 

Giữa buổi anh Lữ Quỳnh từ Cali gọi điện về thăm, hỏi tôi buổi triễn lãm ra sao, bạn bè đến nhiều không, anh Phạm Văn Đỉnh đang từ Toulouse qua Mỹ chơi. Tôi nói em thật kỳ cục đứng trước mặt họa sĩ Thân Trọng Minh, em hỏi ông Lữ Kiều là ai, làm mọi người bật cười.

 

Bửu Ý dòng dõi hoàng tộc, dịch giả tiếng Pháp, lần đầu tiên tôi gặp cách đây 8 năm, ngày cô Lợi còn sống ông tiếp tôi ở căn nhà đường Phạm Ngũ Lão, phòng khách nhỏ ấm áp chung quanh đầy tranh. Cô Lợi đoan trang áo dài thướt tha đi làm về, ông giới thiệu với cô tôi từ Quy Nhơn đến hỏi thăm tư liệu về người bạn nhạc sĩ thân thiết của mình. Ông khuyên tôi nên đi sâu vào mảng ca từ nói về tình yêu, đừng nghiên cứu rộng sẽ không sâu. Thời đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường đang bệnh, ông tiếp tôi ở phòng khách trên chiếc xe lăn, thỉnh thoảng có một thanh niên ra chăm sóc ông. Tuy giọng nói còn khó khăn, ông vẫn vui vẻ tiếp chuyện tôi cả buổi chiều và khuyên tôi nếu nghiên cứu Trịnh Công Sơn đừng nên bỏ dòng nhạc phản chiến, tôi cũng đồng ý với ông như vậy. Hoàng Phủ Ngọc Tường với những bài tùy bút tài hoa, ngôn từ diễm ảo, trước mặt tôi là một Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khác.

 

Tranh họa sĩ Đinh Cường với mảng màu tối sáng mạnh mẽ, chủ đạo là sắc xanh lam huyền bí. Các bức tranh triễn lãm lần này gồm chân dung những người bạn, phong cảnh Đà Lạt, các thiếu nữ thanh thoát vai gầy, áo dài bay với chiếc cổ vươn cao, làm tôi nhớ đến các bức tranh vẽ thiếu nữ của Ngô trong “Mùa biển động”; nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã cho Diễm phê bình như vầy “Anh cứ vẽ cái cổ dài ngoằng, cái thân ốm tong teo, đến kỳ!”, Diễm cho rằng Ngô chịu ảnh hưởng của người họa sĩ gốc Ý Modigliani. Tôi không biết họa sĩ Đinh Cường có chịu ảnh hưởng ai không, nhưng hình ảnh các thiếu nữ vai gầy, với chiếc cổ vươn dài làm tôi liên tưởng đến bài hát Như cánh vạc bay của Trịnh Công Sơn.

 

Đà Lạt tháng 8 thật đẹp, không gian mát lạnh làm con người tự nhiên thư thái hơn, đường gập ghềnh đèo dốc, đổ xuống một thung lũng rộng vây quanh hồ Tuyền Lâm, làng biệt thự của Đào Nguyên Dạ Thảo đang xây ôm bên sườn đồi ven hồ thật tuyệt, Mimosa đang mùa hoa nở vàng mơ cả một dải rừng. Anh Dân tình tứ ngắt nhành Mimosa tặng Elena, chị reo lên thích thú nhớ nước Ý của chị cũng Mimosa đầy ngõ như vậy. Dạ Thảo năng động. Vợ chồng anh Nguyên Minh - chị Lan bình dị chân chất. Họa sĩ Hoàng Trọng Bân giản dị. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng phong trần kiểu cao bồi miền Tây với áo choàng, mũ phớt. Vợ chồng nhà văn Lữ Kiều tài tử, chị vợ duyên dáng trẻ trung, mọi người trèo lên dốc cao đến quán Thỏ rừng nằm cheo leo trên đỉnh đồi hực nắng.

 

Mùi thịt thỏ nướng thơm lừng bên bếp than hồng, chúng tôi ăn xuýt xoa vì nóng, vì lạnh. Anh Đinh Cường hiền lành ít nói, Anh Bửu Ý kín đáo nhẹ nhàng.

 

 Tôi không biết ngày xưa Đà Lạt đã gắn bó với họ thế nào, nhưng qua cách nói, ánh nhìn xa vắng tôi nghĩ họ đang hồi tưởng về thời thanh niên trong một đất nước đầy chinh chiến cùng những người bạn đã xa. Chắc hẳn thời trai trẻ nơi này đã lưu giữ trong họ bao kỷ niệm với những nỗi niềm thầm kín.

 

Buổi chiều cả đoàn đến thăm gia đình anh chị Lê Kim Ngữ - Bích Ngọc giáo sư dạy Pháp văn trước năm 1975. Ngôi biệt thự thật đẹp chung quanh hoa chuông đỏ rực, vườn rộng với nhiều giàn hoa sắc thắm. Chị vợ mến khách cười luôn miệng khoe bức tranh của họa sĩ Bé Ký tặng treo ngay phòng khách, chủ nhà vui mừng giới thiệu tủ sách đầy ắp, lấy ra bộ sách cổ nguyên bản tiếng Pháp từ thế kỷ thứ 19 khoe với Bửu Ý. Trà thật ngon ấm từng hơi thở, tôi chiêu từng ngụm nhỏ cảm nhận vị ngọt nơi đầu lưỡi.

 

 

 

Nhưng cuộc đời không phải bao giờ cũng là vị ngọt, vị đắng tôi trãi đã nhiều. Nghiên cứu Trịnh Công Sơn tôi gặp biết bao vị đắng. Đắng đến sững sờ, đắng tê đầu lưỡi. Có lẽ ông Trịnh Công Sơn cũng không ngờ cô gái ngồi sau lưng ông trong đêm văn nghệ năm 98 ông về thăm Trường sẽ là người nghiên cứu cuộc đời và sáng tác của ông. Cô gái mà ông cứ quay xuống nhờ liên tục, “bé tìm giúp tụi anh một ít đá đi, không có đá tụi anh không uống rượu được”. Như để tìm thêm cảm xúc, ông và nhạc sĩ Thanh Tùng cụng ly liên tục. Hội trường lúc ấy nghẹt kín sinh viên, trên hành lang, trên cửa sổ, ngồi cả dưới đất gần sát sân khấu. Tôi không thể nào tìm được lối ra, cuối cùng đành leo lên sân khấu ra phía cánh gà có cửa ra vào dành cho diễn viên, tôi nhờ các sinh viên đang trực cửa tìm mua đá đem vào cho ông. Ngày ấy, tôi ở trong ban tổ chức nhà trường tiếp đón đoàn của ông, nhóm “Những người bạn” gồm Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên... Đó là một đêm đầy cảm động, sinh viên Quy Nhơn đón ông như đón một người anh trai lâu ngày trở về, các bạn cứ gọi sư huynh, sư huynh vì ông là khóa sinh đầu tiên của Trường. Khi Trịnh Công Sơn lên sân khấu tiếng vỗ tay không dứt, ông xúc động khi đứng trên sân khấu nhớ lại thời đi học những năm 60, kể cho chúng tôi nghe những năm tháng ấy và ông hát liên tục. Tụi sinh viên ngồi dưới hát theo như một dàn đồng ca đã được tập dượt trước. Đêm đã khuya chương trình như không muốn dứt.

 

Những ngày tháng báo chí liên tục đưa tin về tập sách Trịnh Công Sơn, tôi như người đi trên mây, sống không trọng lượng. Người ta bôi nhọ, phủ lên tôi những điều tôi không thể tin nổi: "phỉ báng xương máu của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống tô thắm nền hòa bình của đất Việt". Ngày ấy, tôi vô cùng khổ sở, hàng đêm tôi tự hỏi tại sao lại như vậy, ông Trịnh Công Sơn có linh thiêng hãy phù hộ tôi. Ngày làm luận văn khi đến nhà ông ở 47C Phạm Ngọc Thạch, chị Vĩnh Thúy em gái đầu của ông dắt tôi lên gác đến thăm phòng ông, tôi có cảm giác như ông đang đứng bên cạnh. Khi xuống cầu thang giày của tôi tự nhiên bị đứt, tôi không thể đi về bằng chân trần, chị Vĩnh Thúy phải cho tôi mượn giày của chị và nói vui, anh Sơn giữ chân em lại đó. Buối tối, tôi đến gửi lại giày cho chị và thắp hương viếng ông. Chụp với ông một tấm hình bên bức tượng. Có lẽ ông đã linh thiêng thật, nên đem những người bạn của ông về giúp tôi. Nghĩ lại, tôi thấy cuộc đời thật buồn, tại sao có những người ưa nhân danh những điều đại tự sự rồi tự cho mình cái quyền rao giảng, chụp mũ người khác. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng đã từng căn dặn tôi cẩn thận khi tham gia văn đàn. “Văn trường là chiến trường” người ta giết nhau chỉ vì chút hư danh.

 

 

 

Cuối chiều tôi tạm biệt những người bạn về lại Sài Gòn, những người bạn mà tôi biết rất khó gặp lại trong cuộc đời này, thời gian là những khoảnh khắc, và hãy sống hết mình cho những khoảnh khắc ấy.

 

 

 

Phi trường Liên Khương im vắng, tôi có ý tìm người đàn ông trên máy bay để cảm ơn, nhưng không thấy anh đâu. Anh có một khu rừng 5 hecta trồng hoa Lys ở Đà Lạt, hàng tuần đều từ Sài Gòn lên đây thăm nom, sáng đi chiều về nên quen thân các cô bán vé, nhìn anh có vẻ thân thiện nên tôi tin tưởng, người đàn ông đã lấy vé giùm tôi trở về Sài Gòn cùng chuyến. Giấc chiều vùng đồi núi hoang vắng thật buồn, có cái gì đó thật lạnh xuyên qua tâm hồn.

Đêm dần buông, hành khách cuối cùng vào sân bay, tôi nghe tiếng gọi của anh, bên khung cửa anh lao vào rên rỉ, tôi gọi cô đến cháy máy luôn sao không nhấc điện thoại, đợi cô ngoài hành lang cả tiếng rồi tưởng cô không đi. Anh lắc đầu và tự nhiên bực bõ, cô làm tôi mất một buổi chiều. Thật tức cười, tôi đi thật sớm mà, ai biểu anh chờ tôi ngoài cửa làm gì. Anh nói chưa bao giờ anh chờ đợi ai lâu, nóng lòng và gọi điện thoại liên tục như vậy, cô coi nè 20 cuộc gọi, sao cô không bắt máy. Trời ạ, máy tôi hết pin rồi làm sao nghe được. Chỉ mới gặp tôi 1 tiếng trên máy bay lúc sáng sao anh bức rức quá vậy… Chuyến về người đàn ông ngồi hàng ghế sau, anh cứ nhìn tôi vẻ trách móc. Sài Gòn về đêm mưa nặng hạt, tôi chạy ra ngoài phi trường đón taxi anh hỏi tôi ở đâu có thể đi cùng xe không, anh có xe. Anh tần ngần muốn nói điều gì đó nhưng cứ đứng im. Tôi vội vã làm như đang bận rộn lắm, cảm ơn người đàn ông và bước vội ra ngoài làm anh ngơ ngác.

 

Ngơ ngác như buổi chiều tôi nhận quà của họa sĩ Đinh Cường, người đưa thư trao tôi một bưu phẩm lớn. Bưu phẩm được gói cẩn thận hai lớp, tôi không nghĩ anh lại chu đáo gửi cho tôi bức tranh lồng sẵn trong khung gỗ có cả móc treo như vậy. Bức tranh đề tặng vẽ cảnh Đà Lạt trong trí nhớ năm 95 tại Virginia. Khung cảnh buồn, hồ Xuân Hương sắc xanh thăm thẳm làm chủ đạo khuôn hình. Xa xa nhà Thủy Tạ, khách sạn Palace, nhà thờ con Gà, tháp Trường Yersin màu trắng tương phản trên nền rêu phong cảnh rừng thông, đồi núi ẩn hiện. Phía trên cao ngọn LangBian màu lam sẫm bừng nhẹ một nét viền trắng, cả bức tranh toát lên không khí trầm mặc, lạnh, u hoài.

 

Tôi không biết giá trị của bức tranh anh như thế nào vì tôi là người ngoại đạo. Bức tranh anh tặng tôi trân trọng để nơi làm việc, mỗi lần mệt mõi tôi có thể thư giãn chìm trong cõi tĩnh lặng của rừng thông, của không khí mát lạnh huyền bí từ hồ Xuân Hương, để mỗi lần nhìn lên ngọn LangBian lại thấy bừng lên một chút tươi sáng.

 

 

 

Có phải những người bạn tốt là những người đem cho ta sự yên bình và tin tưởng.

 

 

 

23/9/2011

 

BAN MAI

 

---------------

Ghi chú của tác giả:

(*) Đà lạt trong trí nhớ, tranh Đinh Cường, Virginia 95.

(*) Họa sĩ Thân Trọng Minh còn có bút hiệu Lữ Kiều khi viết văn, làm thơ.

(*) Chữ bạn in nghiêng để nói đến những người bạn là bậc đàn anh, không phải bạn ngang hàng.

(*) Dã quỳ là loài hoa có sắc vàng rực rỡ, đến mùa hoa nở, dã quỳ tràn ngập trên các sườn đồi, loài hoa đặc trưng của cao nguyên Đà Lạt – Lâm Đồng. Phi trường Liên Khương mới xây được thiết kế theo hình ảnh hoa dã quỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 117821)
LTS: Phương Lan là bút hiệu của cô sinh viên trường đại học Văn hóa TP. HCM. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu truyện ngắn “Bà điên” của Phương Lan đến với quí độc giả và văn hữu Hợp Lưu. Tạp Chí Hợp Lưu
22 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 106553)
C hiến tranh đồng nghĩa với bom đạn, với súng gươm, với giết chóc, với gian lao, khổ ải, với tàn phá, hủy diệt, ... mà lại nói tới lãng mạn, hay dù hẹp hơn, tới thi ca lãng mạn là một điều hoàn toàn nghịch lý, khó có thể tưởng tượng được. Nhưng đối với những người Việt Nam đã từng sống trong cuộc chiến ba mươi năm vừa qua, đây lại là một sự thực, một sự thực có bằng chứng hẳn hoi mà người tìm hiểu khó có thể chối cãi.
22 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 167142)
t háng sáu tàn sen rụng rơi mang theo mùa hạ tím đẩy cánh diều bằng lăng lên không trung cao xanh thế làm sao ta biết được nhúm thẳm sâu le lói mặt đầm lầy
06 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 137095)
M ấy năm trước anh về em dẫn người yêu đến gặp anh Mấy năm sau anh về em đưa em bé đến chào anh Thời gian đi qua đi qua Anh với tuổi già ngồi lại
01 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 115017)
Theo nguôn tin từ RFI - Đầu tháng Tư vừa qua, có một sự kiện văn hóa quan trọng. Đó là tác phẩm "Biển và Chim bói cá " của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được trao giải thưởng mang tên nhà văn Pháp chuyên viết về biển Henri Queffélec (1910 - 1992), nhằm tôn vinh những tác phẩm viết về biển trên thế giới.
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 135831)
đ ừng nhìn em như thế hãy để em ở cạnh anh theo cách của mình hãy để em yêu anh theo cách của mình ừ
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 120439)
N ăm đầu tiên Sài Gòn sập, tôi không nhớ được TV, Radio, và báo chí, có những gì nói những gì. Cả ngày quần quật, hết cái loa phường thét vào tai lại đến học tập chính trị ở trường, hội họp ở tổ dân phố và đi mít tinh (là cái gì cũng chưa hiểu hết). Ngoài đường thì vù vù xe Honda với băng đỏ trên cánh tay của bọn cách mạng 30, và cờ đỏ bán tràn lan tứ phía. Đêm về, cả nhà nhìn nhau lặng lẽ.
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 103777)
Mặt Trận Ở Sài Gòn’ sẽ tạo mối xúc động hay chú tâm cho những ai còn tha thiết tới số phận của Việt Nam. Nó cũng sẽ gây ngạc nhiên cho những ai ít hiểu biết về tâm trạng phức tạp của người dân miền Nam đối với cuộc chiến tranh mà cho đến nay vẫn còn để lại những hậu quả và ảnh hưởng trên số phận của họ.
26 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 92101)
Vì đấu tranh cho tự do tôn giáo và cho dân chủ, nhân quyền, Ngài đã bị nhà chức trách tống tù từ tháng 6 năm 1977. Đến năm 1982, Ngài cùng thân mẫu bị trục xuất về nguyên quán xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để quản thúc. Mười năm sau Ngài trở vào Nam hoạt động công khai đòi duy trì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tháng 1 năm 1995 Ngài lại bị Công an thành phố HCM bắt giam, kết án 5 năm tù và 5 năm quản chế.
26 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 93242)
Mùa xuân năm 2012 này, nước Pháp chuẩn bị bầu Tổng thống mới, nhiệm kì năm năm của Tổng thống tại chức Nicolas Sarkozy sắp hết hạn. Trong một nước dân chủ, ai cũng có quyền ứng cử trong vòng đầu, từ dân quèn cho đến chánh trị gia lão luyện, kể cả Tổng thống sắp mãn nhiệm, miễn là * tin mình có cơ được bầu, hoặc * muốn lợi dụng thời gian quần chúng chú tâm nghe đề giãi bày tâm huyết và í hướng của mình. Sau đó, hai nhà nào được nhiều phiếu hơn mấy người kia thì mới ứng cử tiếp. Trong vòng thứ hai này, người được đa số phiếu, từ 50,1% trở lên, sẽ đăng quang, chánh thức đóng vai Tổng thống trong nhiệm kì sắp tới.