- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vấn Đề Tài Liệu Nghiên Cứu Việt Sử (phần 2)

10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 97766)

320666_tunnel_0_300x200_1

Phần II.

Cần nhấn mạnh, mang quân xâm chiếm, chia ra quận huyện để đặt dân Việt vào “vòng lễ giáo” Hán tộc [kiểu cho đào mộ tổ tiên Lê Lợi năm 1418 (Thông sử, 208 [truyện Trịnh Khả]), hay thiến hoạn thiếu niên Việt], chỉ là hai trong những biện pháp lấn đất giành dân. Vua quan Trung Hoa không bỏ qua bất cứ cơ hội rối loạn chính trị, hay tranh chấp quyền lực nào trong nội địa Việt Nam để mở rộng bờ cõi. “Mềm nắn, rắn buông,” khi mạnh thì xâm lăng, chiếm đóng, chia đặt quận huyện, lúc yếu thì lên giọng giả đạo đức như chẳng xá gì một thôn động trong núi, hay ví thử có vàng mọc trên mặt đất cũng chẳng tham.

(Xem, chẳng hạn, cuộc chiến biên giới năm 1313 tại Du Thôn, Lạng Sơn; ANCL, q. 5, 1961:106 [105-107]; ĐVSKTB, 1997:415-416; CM 9:8-9; 1998, I:582-584)

Tháng 11/1313, Trần Anh Tông tấn công Trấn An, Qui Thuận và Dưỡng Lợi thuộc Quảng Tây, rồi định lại biên giới phía Đông Bắc với nhà Nguyên.

Tri châu Trấn An là Triệu Giác bắt người đi buôn châu Tư Lăng của Đại Việt cướp đoạt 1 lọ vàng, lấn hơn 1000 khoảnh ruộng, Anh Tông cho quân qua đánh châu Qui Thuận và Dưỡng Lợi để trả thù.

[Theo ĐVSKTB, Nguyên sử chép là quân Trần lên tới hơn 30,000 tiến vào Trấn An; rồi chia quân xâm lược châu Thuận. Đích thân Anh Tông vây hãm châu Dưỡng Lợi, phao tin Tri châu Trấn An là Triệu Giác bắt người đi buôn châu Tư Lăng của Đại Việt cướp đoạt 1 lọ vàng, lấn hơn 1000 khoảnh ruộng, cho nên đến báo thù]. (ĐVSKTB, 1997:415-416)

Ái Dục Lê Bạt Lục Bát Đạt (Nhân Tông 1309-1318) sai bọn Vạn Hộ Đăng Dực, Thiên hộ Lưu Nguyên Hanh [Lưu Hưởng tự Đạo Tông] và Triệu Trung Lương thuộc Soái Phủ Quảng Tây qua tra xét. Bọn Hanh tới Du Thôn [xã Bảo Lâm, huyện Văn Uyên, Lạng Sơn, nơi có ải Du Thôn], rồi gửi thông điệp cho vua Trần. Sau đó trình lên Ái Dục Lê Bạt Lục Bát Đạt yêu cầu cử người sang thương thuyết. Trần Anh Tông đồng ý bãi binh.

[Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục nhà Nguyễn ghi sơ lược hơn. (CM 9:8-9; 1998, I:582-584).

ANCL chép là năm Diên Hựu 3, tức Bính Thìn [25/1/1316-13/1/1317], Ái Dục Lê Bạt Lục Bát Đạt sai Lưu Hưởng gửi văn thư cho An Nam [Trần Thuyên hay Thuyến, tức Trần Minh Tông, 1314-1329). Anh Tông đã lên Thái Thượng Hoàng (1314-1320)]. Theo Hưởng, An Nam vẫn được “cơ mi,” hưởng quyền “phế trí.” Cống phẩm thì bạc, triều đình trả lại hậu, “cái ân huệ yên vỗ của triều đình rất đầy đủ.” Tuy một khoảnh đất trong sơn thôn không trọng hệ gì, nhưng quan hệ đến bản đồ quốc gia là việc rất lớn [Kim hồ tắc bất định, cầu yên tư khải, tuy sơn thôn chi địa, sở hệ chỉ vi, nhi quốc gia dư đồ, sở quan thậm đại].

Thế Tử An Nam sai Nguyễn Tất Quả và Đỗ Tắc Dương sang phúc đáp và tặng quà. Hưởng chỉ nhận thư, không nhận quà tặng. (ANCL, q. 5, 1961:106 [105-107])

 

Chua chát là từ đời con cháu nhà Trần trở đi, triều đại sắp bị diệt vong nào cũng tìm đến Trung Hoa cầu viện–và chỉ những người mới đẻ ngày hôm trước mới tin rằng có sự hiện hữu của thứ “viện trợ không mắc câu hay thòng lọng” hoặc “cống hiến vô tư” của Thiên Triều! Những chế độ mới lên cầm quyền ở Việt Nam thường phải đành “cắt đất đổi hòa bình”–chẳng khác biệt bao lăm những cuộc chiến nối ngôi ở Kampuchea hay Lào, và số đất đai cắt xén cho Đại Việt cùng Xiêm La Hộc.

Mỗi lần xuất quân xâm lăng Đại Việt, Trung Quốc đều tự xưng là “chinh phạt,” hầu đưa vua quan và quốc dân Việt trở về vòng giáo hóa. Hễ thua trận rút về thì đổ tội cho thời tiết khó chịu, đau ốm, vua nước Việt xin tha tội. Thí dụ tiêu biểu nhất là đoạn viết về cuộc xâm lăng Đại Việt năm 1288 dưới thời Lý Nhân Tông (1072-1128) trong Tống sử Cương Mục mà chính anh em Trình Di, Trình Hiệu phải cải chính trong Nhị Trình di thư.( Lê Quí Đôn, VĐLN, tr. 174-175)

[Xem thêm lý do rút quân Mông Cổ vào đầu năm 1258]

 

Hoặc như Triệu Quang Nghĩa (Tống Thái Tông, 976-997, em Khuông Dẫn) sai Vương Vũ Xứng viết thư cho Lê Hoàn vào tháng 9-10/980:

“Trung quốc đối với các nước mọi rợ như mình với tứ chi, khi vận động co ruỗi là tùy tâm, cho nên nói bậc đế vương là trái tim. Một người có chân hay tay đau, mạch máu không thông, thì phải uống thuốc để trị lành bệnh. Nếu uống thuốc không hết thì dùng châm cứu vào chỗ đau. Không phải không biết rằng thuốc uống thì đắng miệng, châm cứu thì tổn hại ngoài da, nhưng sự thiệt hại chỉ ít thôi mà sự ích lợi thì nhiều hơn. . .

Chức vi đế vương như ông thày chữa bệnh, trông thấy mọi rợ nào có chứng đau, thì tìm thuốc chữa.... Cho nên luyện đơn thuốc nhơn nghĩa, sửa soạn cái kim và mũi đá đạo đức, chữa bệnh nơi gần cho thật mạnh, rồi điều trị cả chín châu, bốn biển, chẳng còn đau ốm gì. [Cư đế vương chi vị, thị di địch chi bệnh... Ư thị, luyện nhơn nghĩa chi dược nhĩ, tu đạo đức chi châm biêm, đại liêu vu cận, nhi dũ ửu chau tứ hải, ký khương khả ninh]

[Xứ Giao Châu so với Trung Hoa chỉ như ngón tay, nhưng thánh nhân vẫn phải chữa].

Vì thế cần mở lòng ngu tối của ngươi để được thấm nhuần thánh giáo.” Vì lòng nhân từ trùm muôn nước, phải chữa trị cho [Giao Châu] khỏi đau, sớm thấm nhuần thánh giáo, bỏ thói “cắt tóc ngắn,” “uống nước bằng lỗ mũi,” “nói líu lo như chim.”

Nếu theo thì tha tội, nghịch lại thì ta đánh [hướng hóa ngã kỳ xá, nghịch mạng ngã kỳ phạt]. (Thư Vương Vũ Xương gửi Lê Hoàn [980]; ANCL, q. 5, 1961:115-116 [trích Tống Sử]; ĐVSKTT, 1967, I:162-163. Người đưa thư là Lư Đa Tốn; CM, CB I:16, (Huế), 1998, I:250-251)

 

Việc phong tước hiệu cho vua Việt cũng phản ảnh thái độ trịch thượng cường quốc. Thoạt tiên, vua Trung Quốc chỉ phong cho vua Việt chức Tiết độ sứ, Tiết chế. Sau đó mới phong làm quận vương, hay Nam Bình vương. Mãi tới năm 1164 [hoặc 1175, nếu muốn], vua Tống mới phong cho Lý Anh Tông (1138-1175) chức An Nam Quốc Vương, tức nhìn nhận An Nam [Đại Việt] là một nước chư hầu, mà không phải một phủ hay quận nữa.

Mặc dù trong nước các vua Việt tự xưng làm vua, đặt các chức vương, hầu, khanh, tướng, với vua Trung Quốc, ít nữa trên lý thuyết, vua Việt đã chỉ “tiếm đặt” các chức trên. Vì, với triều đình Trung Quốc, vua Việt đã tự nhận làm thuộc quốc vương, và dân Việt chỉ là một thứ “phục di, nhuộm răng, xâm mình.” Thập niên 1720, nhà Thanh dựng một bia đá phân chia ranh giới, với hai chữ An Nam. (Xem bia “Trùng tu Trấn nam quan [1725]” và “Đi tuần biên ải An Nam” [1746] trong Lê Quí Đôn, VĐLN, tr. 160-165) Năm 1804, nhà Thanh đổi quốc hiệu nước ta thành Việt Nam, nhưng sách sử Trung Quốc vẫn giữ thói quen gọi nước Việt là Giao Chỉ, Giao Châu, Trấn Nam, hay An Nam (tức miền Nam đã được bình định).

 

Tưởng nên ghi thêm là qua văn thư của vua quan Việt gửi triều đình Trung Quốc, người đời sau không khỏi ngậm ngùi cho thái độ khúm núm quá mức của các nho gia Việt. Dù lối diễn tả của họ chỉ gồm những sáo ngữ ước lệ trích dẫn từ các kinh điển Khổng giáo, nhưng những sáo ngữ này tự hạ mình quá đáng, ví việc vua Việt thờ kính vua Trung Hoa như con với cha, “khúm núm” “run sợ” tâu trình, v.. v... Ngay đến thời Quang Trung, Càn Long vẫn còn muốn “Nguyễn Quang Bình” sớm qua Bắc Kinh làm lễ “bảo tất,” tức ôm đầu gối vua Thanh nhân dịp thượng thọ bát tuần (80 tuổi) hầu bày tỏ lòng trung hiếu! (Xem Đại Việt Quốc Thư, cả hai miền Nam và Bắc đều đã chuyển ngữ qua tiếng Việt mới).

Đáng ghi nhận là người chê trách Lê Quí Đôn nặng lời nhất, tức “Hán Văn Đế” ở Thuận Hóa, vào lúc cuối đời còn xin phụ thuộc vào nhà Thanh! (ĐNTLCB, IV, 35:89-91; Sogny, 1943:124-125)

Ngày 11/2/1882, Đường Đình Canh tới Huế, cùng Mã Phục Bôn [Bân]. Tự Đức không tiếp, sợ Pháp nghi kị. Cho Nguyễn Văn Tường và Trần Thúc Nhẫn tiếp. Canh mật báo với Tường kế hoạch đánh Bắc Kỳ của Pháp, dưới chiêu bài đuổi Lưu Vĩnh Phúc, mà Tăng Kỷ Trạch đã trình về Yên Kinh.

Tự Đức sai Tường yêu cầu nhà Thanh can thiệp. Đề nghị làm thuộc quốc của nhà Thanh, đặt đại diện ở Yên Kinh và Quảng Đông. Xin nhờ tàu Thanh đưa người Việt đi các nước Anh, Nga, Phổ, Pháp, Mỹ, Áo, Nhật Bản xem xét và học. [Theo tài liệu Trung Hoa: (1) Cho Đại Nam cử một đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở Yên Kinh, và gửi một số quan chức qua tập sự ở Tổng lý nha môn; (2) cho Đại Nam cử nhân viên qua Bri-tên và Pháp, làm việc tại sứ quán Trung Hoa, để khẳng định quan hệ truyền thống giữa hai nước; (3) Cho Lưu Vĩnh Phúc tới Quảng Châu để tiếp tế súng đạn, quân nhu. Tháng 3/1882, Đình Canh viết báo cáo gửi Lý Hồng Chương, nhưng Tổng lí nha môn không trả lời; Thọ, 1995:268).

Tự Đức cũng viết thư cho Lý Hồng Chương, Trương Thụ Thanh. (ĐNTLCB, IV, 35:89-91) Vua Thanh trả lời: “Khả, sỉ bắc phong tái biên” [Nous prendrons des mesures dès l’arrivée du vent du nord.”] Ngày 24/11/1882, Rheinart đã có được bản sao thư trả lời của vua Thanh. (Sogny, 1943:124-125)

 

Những người đả kích Lê Tắc và tập An Nam Chí Lược [ANCL] chưa tham khảo, hay tảng lờ các chi tiết này.

 

Những tựa sách sau của Trung Quốc chưa được dịch qua Việt ngữ:

(1) [Lưu] Tống thư [Sung shu, hay History of the (Liu) Sung Dynasty (420-479)] của Shen Yueh (Thẩm Ước, 441-513), gồm 100 truyện [chuan], bản in Po-na.

(2) Lương Thư [Liang shu, hay Annals of the Liang Dynasty, 502-57] của Yao Ssu-lien (d. 637). Chuơng 54 nói về Nam Hải. Sách dẫn nhiều tài liệu về Fu-nan [Phù Nam].

(3) Tấn thư, của Phòng Huyền Linh (578-648). Gồm 130 cuốn.

Tôn Thịnh cũng viết bộ Tấn Xuân Thu, tức Tấn Dương Thu.

(4) Tùy Thư [Sui-shu, hay Annals of the Sui Dynasty, 581-618], của Wei Cheng (581-643), đặc biệt là chương 82 về Malaya.

(5) Đường thư [T'ang shu]:

(a) Cựu Đường thư [Chiu T'ang shu, hay Old Annals of the T'ang Dynasty, 618-917], của Liu Hsu (Lưu Hú, 897-946) và những người khác.

Sách này gồm 200 quyển, có phần nói về những nước miền Đông Nam Á, như Kha lạc [Ko-lo], P'an P'an, Tan Tan, Lạc Việt [Lo yueh], Khả cô lạc [Ko-ku lo], Chieh-ch'a và Xích Thổ [Ch'ih t'u].

(b) Tân Đường thư [Hsin T'ang shu, hay New Annals of the T'ang Dynasty], của Ou-yang Hsiu (Âu Dương Tu, 1007-1072), Sung ch'i (Tống Kỳ, 998-1061), và những người khác.

Phần lớn chép lại Cựu Đường Thư, và bổ túc thêm. Gồm 225 tập, làm vào năm 1060.

(6) Tư trị Thông Giám của Tư Mã Quang. Chép từ thời Chiến Quốc (403-221 TTL) tới đầu đời Ngũ Đại (907-960).

Cuốn Thông Giám này theo thể biên niên. Chu Hy dựa trên bộ Tư trị Thông Giám của Tư Mã Quang viết lại theo lối sách Xuân Thu, và đặt tên là Thông Giám Cương Mục (cương = nét chính của biến cố; mục= giải thích chi tiết), gồm 294 chuan [truyện hay chương], với lời bình của Hu San-hsing (Hồ Tam Trinh, 1230-1302).

(7). Nguyên sử:

Do Tống Liêm đòi Minh soạn. Những tư liệu về Đại Việt rất sơ lược. Đặc biệt là những cuộc xâm lăng Đại Việt.

(8). Minh sử:

Gồm 336 cuốn, do Vương Hồng Tự hoàn tất dưới thời Thanh Khang Hy. Những tư liệu về Đại Việt rất sơ lược. Kể cả cuộc xâm lăng và chiếm đóng Đại Việt từ 1407 tới 1427.

(9). Thanh sử:

Những tư liệu về Đại Việt rất sơ lược. Đặc biệt là cuộc xâm lăng Đại Việt năm 1788-1789.

 

D. DÃ Sử TRUNG QUốC:

Vì thiếu tư liệu viết sử, sử quan Việt phải đi tìm dã sử Trung Quốc như nguồn tài liệu phụ. Những cuốn sách được nhắc nhở nhiều nhất có:

 

1. Hoài Nam Tử và/hay Hoài Nam Hồng liệt giải của Hoài Nam Vương Lưu An đời Hán.

Theo Lê Tắc (truyện “Việt vương thành” trong mục “Cổ tích”), năm 135 TTL, Lưu An (Hoài Nam Vương) viết biểu lên vua Hán như sau:

Đất [Nam] Việt ở ngoài địa phương Trung Quốc, dân họ đều cắt tóc vẽ mình, không thể dùng pháp độ của nước mặc mũ áo mà cai trị.... Nam Việt không có thành quách, làng xóm, chỉ ở trong khe suối, hang đá và vườn tre, từ xưa tập luyện thủy chiến; đất đai ở sâu xa, tối tăm mà nhiều khe suối rất hiểm, sông núi cách trở gay go, cây cối rậm rạp, lui tới khó khăn không kể xiết. Mới trông qua như tuồng là dễ, mà muốn tới thì khó khăn. (Tắc, ANCL, q. 5, 1961:107)

 

Theo Lê Quí Đôn, ở một đoạn khác, Lưu An còn viết:

Khí núi sinh nhiều con trai; khí đầm sinh nhiều con gái; khí nước sinh nhiều người câm; khí gió sinh nhiều người điếc; khí rừng sinh nhiều người yếu ớt; khí cây sinh nhiều người còng;. . . . (Lê Quí Đôn, VĐLN, tr. 41)

 

2. Giao châu ngoại vực ký: Nhắc đến Lạc điền, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng.

Hồi xưa, chưa có quận huyện, thì Lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy là Lạc dân, người cai quản dân ấy là Lạc vương, người phó là Lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và giải sắc xanh làm huy hiệu. [Vua nước Thục thường sai con đem ba vạn binh đi chinh phục các Lạc tướng. Nhân đó giữ đất Lạc mà tự xưng làm An Dương Vương. Triệu Đà cử binh sang đánh. . . .]

[Tích vị hữu quận huyện thời, Lạc điền tùy triều thủy thượng hạ, khẩn kỳ điền giả vi Lạc dân, thống kỳ dân giả vi Lạc vương, phó vương giả vi Lạc tướng, giai đồng ấn thanh thọ. (Thục vương thường khiển tử tương binh tam vạn, hàng chư Lạc, nhân cử kỳ địa nhi vương, tự xưng An Dương vương. Triệu Đà cử binh tập chi. . .)].( ANCL, q. 1, tr. 24 (Hán ngữ), 39 (Việt ngữ). Chữ Lạc dùng trong sách này có bộ “mã”].

 

Đã tuyệt bản, dẫn trong Quảng Châu Ký (thế kỷ III-IV), Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn (thế kỷ V), Thủy Kinh Chú của Lịch [Lệ?] Đạo Nguyên (thế kỷ VI?) [e.g., “Diệp Du Hà” (q. 37) [Nguyễn Bá Mão, 2004:427], Sử Ký sách ẩn của Tư Mã Trinh (thế kỷ VIII); An Nam Chí Lược của Lê Tắc (thế kỷ XIV, thiên Tổng luận và Cổ tích, q. 1).

Theo Henri Maspéro, Giao châu ngoại vực ký xuất hiện vào thời Đông Tấn, 303-416 [205-420?], tức thế kỷ III-IV.

 

3. Quảng Châu Ký: Có nhiều bản.

a. QCK của Cố Vi đời Tấn (205-420),

Bản này có trong thư mục của Học Viện Viễn Đông Pháp [Ecole Francaise d’Extrême-Orient, EFEO, thường dịch là Trường Viễn Đông Bác Cổ].

b. QCK của Bùi Uyên [hay Tuyên] (thế kỷ V).

Một sách địa lý về Quảng Châu (sau khi tách ra khỏi Giao Châu vào thế kỷ thứ III). Dẫn trong Thủy Kinh Chú (“Diệp Du Hà” q. 37 [Nguyễn Bá Mão, 2004:425]); Cương Mục, Tiền Biên. Theo Trương Bửu Lâm, Bùi Uyên không được ghi trong Trung quốc nhân danh đại tự điển. (CM, TB (Sài Gòn), II:63)

c. QCK của Đào Văn Hàm (thế kỷ VIII?)

Đất Giao Chỉ có Lạc điền, làm theo thủy triều lên xuống. Người ăn ruộng đó là Lạc hầu, [người ăn ở] các huyện gọi là Lạc tướng, có ấn đồng giải xanh, tức như quan lệnh ngày nay. [Con Thục vương đem binh đánh Lạc hầu, tự xưng là An Dương Vương, đóng đô ở huyện Phong Khê. Sau Nam Việt Vương Úy Đà đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ điển cai trị hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tức là Âu Lạc vậy].

[Đào thị án Quảng Châu Ký vân: Giao chỉ hữu Lạc điền, ngưỡng triều thủy thượng hạ. Nhân thực kỳ điền danh vi Lạc hầu, chư huyện tự danh vi Lạc tướng, đồng ấn thanh thụ....]

Léonard Aurousseau (1923, trang 213, n3), cho rằng đoạn văn này thiếu, cần phải so sánh với Giao Châu Ngoại Vực Ký mới hiểu được; và Quảng Châu Ký có xuất xứ từ Giao Châu Ngoại Vực Ký, hoặc cả hai sách là từ một nguồn tư liệu thứ ba nào đó. Đào thị ở đây, vẫn theo Aurousseau có thể là Đào Văn Hàm, tác giả một cuốn Quảng Châu Ký.

Dẫn trong Sử Ký Sách Ẩn của Tư Mã Trinh.

 

4. Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn (thế kỷ V). Dẫn sách Giao Châu Ngoại Vực Ký nhưng lại dùng “Hùng vương, hùng hầu, hùng tướng, hùng dân, hùng điền”:

Đất Giao Chỉ rất màu mỡ, người ta di dân đến ở, chính họ là người đầu tiên khai khẩn đất này. Đất đen và xổi, hơi xông lên mùi hùng. Vì vậy người ta gọi ruộng đó là hùng điền, dân đó là hùng dân.

Thái Bình Hoàn Vũ Ký (thế kỷ X) sử dụng tài liệu này.[ Xem supra]

 

5. Giao Quảng Ký của Hoàng Sâm [Tham]:

Giao Chỉ có ruộng Lạc điền. Người ăn thuế ruộng ấy gọi là Lạc hầu. Các huyện tự xưng là Lạc tướng. Sau con vua Thục đem quân đánh Lạc hầu, tự xưng là An Dương Vương. Đóng đô ở Phong Khê.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại kỷ, của Ngô Sĩ Liên (1479) dẫn sách này. Nhưng sửa “Lạc” thành “Hùng”. (Toàn Thư [Nhượng Tống], tr. 70, chú 2) [CM không nhắc đến]

 

6. Sử Ký Sách Ẩn (Thế kỷ thứ VIII) của Tư Mã Trinh (chú giải Sử Ký của Tư Mã Thiên).

Dẫn Quảng Châu Ký. Đích thân Tư Mã Trinh chưa được đọc sách này, nhưng dựa theo lời của Đào Văn Hàm. [Xem supra]

7. Giao Châu Ký: Có nhiều bản.

a. Giao Châu Ký hay Giao Chỉ Ký của Tăng Cổn (Thế kỷ IX), một cựu quan chức ở Giao Châu.

Sách Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên và ANCL hay trích dẫn sách này.

Tăng Cổn còn có cuốn Việt Chí, chép: Giao Chỉ có lạc điền, tùy theo nước triều lên xuống. (Lê Quí Đôn, VĐLN, tr. 147)

[Theo Giao Châu Ký, năm 110 TTL có 3 Lạc hầu giắt trâu, mang 1000 chung rượu, cầm cả sách hộ tịch của 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam ra đón chào Lộ Bác Đức. Bác Đức để 3 người trên làm Thái thú 3 quận, và để Lạc vương, Lạc tướng như cũ.” [Giao châu ký viết: Lộ Bác Đức nhơn bài tam giả vi tam quận tú, Lạc vương Lạc tướng trị dân như cố]; (ANCL, q. 4, 1961:92)

 

b. Giao Châu Ký hay Giao Châu chí của Lưu Hân Kỳ. (Lê Quí Đôn, VĐLN, tr. 146; Lê Tắc, An Nam Chí Lược)

c. Giao Châu Ký của Lưu Trừng Chỉ. (Lê Quí Đôn, VĐLN, tr. 145)

8. Phiên Ngung tạp ký của Trịnh Hùng đời Đường.

Đất Giao Chỉ tốt, nhiều màu mỡ. Xưa có vua là Hùng Vương, tướng văn là Hùng hầu, tướng võ là Hùng tướng. (Lê Quí Đôn, VĐLN, tr. 147)

9. Thư Kinh Tập Truyện của Thái [Sái] Trầm, đời Tống (960-1279). Diễn giải kinh Thư.

Thiên Nghiêu điển của kinh Thư chép: “Vua Nghiêu lại sai Hy Thúc đến ở Nam Giao tại phương Nam, sắp đặt theo thời tiết ở phương Nam, kính cẩn ghi bóng mặt trời ngày hạ chí, là ngày dài nhất [trong một năm] và xem sao Đại hỏa để định cho đúng tiết trọng hạ [tháng 5 âm lịch]. Lúc đó dân cư tản mác, chim và thú thưa lông [vì nóng nực].

Thái [Sái] Trầm ghi chú “Nam Giao” là “Giao Chỉ”. (CM,TB [Sài Gòn], 1965, II:27.

10. Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi, đời Tống (960-1279): Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận là đất cũ của Bách Việt. (Cương Mục TB I:11b; (Sài Gòn: 1965), II:50-51)

Chu Khứ Phi (từng làm thông phán ở Quế Lâm (Quảng Tây?) đời Tống:

[Henri Maspéro cho rằng Tượng Quận đời Tần nằm trong lãnh thổ Hoa Nam hiện nay]

 

11. Nam Trung Chí, dẫn trong An Nam Chí Lược của Lê Tắc.

12. Chư phiên chí [Chu fan chi] của Chau Jin-kua (Triệu Nhữ Quát), vào khoảng cuối nhà Tống.

Sách này ít tác giả nhắc đến, dù có giá trị cao về hàng hải. Triệu Nhữ Quát là dòng dõi đời thứ 8 của Tống Thái Tông. Đáng chú ý đặc biệt là ba chương về Giao Chỉ, Chiêm Thành và Chân Lạp. Chúng tôi sử dụng bản dịch Anh ngữ của Friedrich Hirth & W. W. Rockhill (1911).

 

13. Lĩnh Nam Di Thư của Âu Đại Nhâm [Ngũ Sùng Diệu?] (nhà Minh, 1368-1644). Dẫn trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Sài Gòn) (II:47).

Nói về một người Việt tên Sử Lộc chở lương thực cho Đồ Thư đánh chiếm cổ Việt. [Theo Trương Bửu Lâm, Từ Hải chép rằng tác giả Lĩnh Nam di thư là Ngũ Sùng Diệu, không phải Âu Đại Nhâm. (Ibid., II:47,chú 1)].

 

14. An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng Trưng (thế kỷ XVII):

Đất Giao Chỉ lúc chưa chia ra quận huyện, có Lạc điền, tùy nước triều lên xuống [mà làm ruộng]; những người khai khẩn ruộng ấy gọi là Lạc dân, người cai trị dân ấy gọi là Lạc vương, những người phụ tá gọi là Lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và dây xanh. Gọi là nước Văn Lang, lấy việc thuần hậu chất phác làm phong tục, dùng dây thắt nút để cai trị, truyền mười tám đời. (CM, TB (Sài-Gòn: 1965), I:16-17)

 
E. VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ:

Khó khăn thứ tư là vấn đề ngôn ngữ. Cho tới đời Khải Định (1916-1925), văn tự chính yếu trong nước ta là chữ Nho hay Hán Việt (Hán ngữ đọc theo âm Việt, nên thương không thể đàm thoại với người Hán mà chỉ bút đàm). Mãi tới năm 1918, triều đình Huế mới chấm dứt lối thi cử dùng chữ Nho chọn quan lại. Bởi thế, muốn tìm hiểu về cổ sử Việt cần thông thạo cả Hán ngữ lẫn chữ Nôm. Vấn đề phức tạp hơn khi tìm hiểu các địa danh.

Từ thập niên 1860, một số tác giả Pháp đã khởi xướng việc viết lại lịch sử Việt bằng Pháp ngữ. Nhờ vậy, những tên tuổi như Théophile Legrand de la Liraye, Elician Luro, Henri Maspéro, Léonard Aurousseau, v.. v... trở thành những tên tuổi lớn.

Henri Maspéro, “Etudes d’histoire d’Annam, IV: Le Royaume de Van Lang; BEFEO, t. XVIII (1918), No. 3, pp. 27-48.

 

Một tác giả Việt, Petrus Key Trương Vĩnh Ký, cũng soạn xong cuốn Cours d’histoire annamite [Bài Giảng Lịch Sử An-na-mit] (1875-1879) dùng cho các trường tiểu học ở Nam Kỳ. Ngoài ra, còn những biên khảo về nhân chủng học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, v.. v... khá giá trị của Etienne Aymonier, Paul Pelliot, Léopold-Michel Cadière, v.. v.... Tuy nhiên, các tác phẩm Pháp ngữ này chỉ có những giá trị nhất định của thời đại “gánh nặng của người da trắng.” Kho sử liệu bằng Hán tự của nước Việt hầu như bị lãng quên trong một thời gian dài.

 

Mãi đến thập niên 1920, sau khi người Pháp đã dùng chữ viết dựa theo mẫu tự Latin làm quốc ngữ thay chữ Nho và chữ Nôm được hơn một thập niên, mới có phong trào nghiên cứu sử và phiên dịch sách cũ từ Hán ngữ hay chữ Nôm qua chữ Việt mới. Trong số những người có đóng góp giá trị phải kể học giả Trần Trọng Kim (tác giả bộ thông sử Việt Nam Sử Lược), Nguyễn Văn Tố (qua loạt bài so sánh giữa sử tavới sử Tàu và bộ Lịch sử đạo Thiên chúa), Đào Duy Anh (Việt Nam Văn Hóa Sử Cương), Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (viết về vua Quang Trung, sau thuộc nhóm dịch giả [Khâm Định] Việt Sử Thông Giám Cương Mục, v.. v...), Hoàng Xuân Hãn (La Sơn Phu Tử, Lý Thường Kiệt, và một số tư liệu giá trị khác như bản dịch tư liệu của Lê Quýnh, Ngụy Nguyên, v.. v...). Tuy nhiên, phần đông chỉ tự học, không được huấn luyện chuyên môn về phương pháp cũng như triết lý sử, nên ít sách sử Việt trước năm 1954 đạt được tiêu chuẩn quốc tế.

Từ sau năm 1954, cả hai chế độ Bắc và Nam Việt Nam đều có kế hoạch chuyển ngữ tư liệu viết bằng Hán ngữ như An Nam Chí Lược của Lê Tắc, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên et al [và những người khác]; Đại Việt Thông Sử, Phủ Biên Tạp Lục, Vân Đài Luận Ngữ của Lê Quí Đôn; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Thực Lục, v.. v... Lối làm việc của các dịch giả miền Nam có vẻ khả tín hơn miền Bắc, vì các bản dịch phần lớn gồm ba phần nguyên bản chữ Hán, phiên âm, và diễn nghĩa, giúp người đọc có thể so sánh bản dịch với nguyên bản. (Đồng thời còn là dụng cụ giúp những người muốn học Hán ngữ trau dồi kiến thức) Những công trình này giúp người nghiên cứu không rành Hán ngữ, hay không có dịp tham khảo các bản trên, những dữ kiện bác bỏ dần các biên khảo đầy tư tâm của các tác giả thuộc địa Pháp và cộng sự viên bản xứ.

Nhưng chẳng phải không có trở ngại. Nhiều dịch giả đã phiên dịch cả quan điểm của mình, tảng lờ nguyên tác. Trong khi dịch bộ Đại Việt Sử Ký [Ngoại Kỷ] Toàn Thư, chẳng hạn Nhượng Tống dịch chữ Mị nương [công chúa đời Hùng Vương] thành Mệ Nàng. Khi dịch An Nam Chí Lược [ANCL] của Lê Tắc, Trần Kính Hòa dịch chữ “man” thành “Mường.” Trong bài Nam Việt hành của Chu Chi Tài, ông Hòa dịch hai câu: “Thái dịch trì nội hồng phù dung, Tự lân trích tại man yên trung” thành “Ao Thái dịch phù dung một đóa, Chốn khói Mường đầy đọa tấm thân” (ANCL, tr. 189 [Việt ngữ]). Trong bài Thơ cảm đề tại đền thờ Phục Ba [Mã Viện?], ông Hòa dịch “Man binh tị Uất Lâm” thành “Rừng Uất đuổi binh Mường” (tr. 259). Đôi chỗ, có lẽ để làm vui lòng độc giả người Việt hoặc một thẩm quyền nào đó, ông Hòa đã dịch chữ “yêu đảng” ở đoạn nói về Bà Trưng thành “giành độc lập.” Trong các bản dịch bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục Đại Nam Thực Lục hay Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện do Hà Nội thực hiện thỉnh thoảng có những thuật ngữ như “nô lệ” hay “nhân dân” không hề có trong nguyên bản. Trần Kính Hòa cũng dịch “bách tính” thành “nhơn dân.” Đào Duy Anh, khi chú giải bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đã sửa chữa ngay vào nguyên bản, thay vì để vào cước chú. (Toàn Thư [Giu 1967], I:318chú 318)

Ngoài ra, còn một số sai lầm đáng tiếc khác trong khi chuyển ngữ (như “Lục bát y” thay vì “Lục thù y” trong truyện Đoàn Thượng; “kị binh” thay vì “kỳ binh” trong bản dịch Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên do Lê Hữu Mục ấn hành năm 1961).

Chưa hết. Chữ Việt trong quốc hiệu Đại Cồ Việt, Đại Việt, hay Việt Nam có nghĩa gì? Sách sử Trung Quốc dùng đến hai chữ Việt [Yue] khác nhau (nghĩa là đếnvượt). Những chữ Xích Quỉ trong quốc hiệu Xích Quỉ thời Hồng Bàng, Lang trong quốc hiệu Văn Lang, GiaoChỉ trong tên xứ Giao Chỉ, Hùng trong Hùng vương, Lạc khi nói về Lạc vương, Lạc tướng, Lạc dân, đều có thể tạo nên những cuộc tranh luận kiểu sẩm sờ voi. Hiển nhiên, đây chỉ là những tên Hán ngữ, không thể là tiếng Cổ Việt (mà chúng ta không, hoặc chưa, biết).

Vậy các tên trên là do người Trung Quốc đặt cho cổ Việt, hay văn gia Trung Quốc hoặc Việt đã Hán hóa tên cổ Việt bằng cách chuyển âm hay chuyển nghĩa? Thêm nữa, ngôn ngữ của bất cứ một dân tộc nào cũng đổi thay không ngừng qua các con triều văn hóa, kinh tế, chính trị. Chỉ một tiếng “Cồ” trong quốc hiệu “Đại Cồ Việt,” chẳng hạn, đã tốn nhiều giấy mực tranh cãi. Những tên nước, tên dân nêu trên còn lưu lại được bao nhiêu phần trăm ý nghĩa thuở cổ thời? Đây là những vấn nạn khó tìm đáp án. Lê Quí Đôn hữu lý khi bày tỏ sự nghi hoặc của ông về địa danh, chức tước thời cổ Việt, mà theo ông, có lẽ các hậu nho đã thêm thắt vào. (Đôn, VĐLN, 1972:167, 169)

Bởi thế, những tác giả Pháp như cựu Linh mục Th. Legrand de la Liraye, hay Giáo sư Elucian Luro trong thế kỷ XIX, và rồi những Henri Maspéro vào đầu thế kỷ XX đã giới thiệu những nghĩa xấu nhất của các từ trên, mà hầu hết các tác giả đương thời khó thể bài bác (như Giao Chỉ là đặc tính hai ngón chân cái nghiêng cong vào nhau của người cổ Việt; Văn Lang là do chữ Dạ Lang mà ra, với chữ Lang bộ khuyển; v.. v...). Vì, sách Lễ Ký đã nhắc đến chuyện hai ngón chân cái giao nhau, sách Địa Dư chí cũng chép tương tự. Ngay đến Lê Quí Đôn, người đã đọc và nhớ rất nhiều kinh điển Trung Quốc, cũng khó thể khẳng định người cổ Việt [Giao Chỉ, với chữ chỉ bộ túc] có đứng với tư thế hai ngón chân cái giao nhau hay chăng.( Lê Quí Đôn, VĐLN, tr. 148)

Trong khi đó, các tác giả Việt tha hồ tìm cách giải thích những tiếng trên theo ý riêng mình, trong khung trời kiến thức thường rất ít thâm sâu về các bộ môn khoa học áp dụng cho ngành thượng cổ sử.

 

F. TÀI LIỆU TƯ NHÂN:

Ngoài quốc sử và dã sử Trung Quốc, còn có những biểu, tấu, hành hay thơ văn cảm khái của các sứ giả Trung Quốc từng qua phương Nam, hay những quan chức Bảo hộ ở Giao Châu, v.. v...

Chính qua những loại văn chương, thơ phú thư lại thường rất hoang tưởng [exotic] này chúng ta mới biết được những đặc thù, đặc sản của cổ Việt, dưới cặp mắt của người cổ Trung Quốc. Nào là Giao chỉ với nghĩa hai ngón chân cái nghiêng cong vào nhau của người cổ Việt; tục xâm mình, đã nhắc đến trong Lễ Ký, và câu thơ của Liễu Tư Hậu “Cộng lai Bách Việt văn thân địa;” nghĩa là, cùng đi tới đất Bách Việt là xứ người vẽ mình. (Lê Tắc, ANCL, q. 1, tr. 45 [Việt ngữ], 30 [Hán ngữ]). Tinh tinh ở đất Nghệ An, [cẩu hình, nhân diện, tại sơn cốc trung, hành vô thường lộ, bách bối vi quần; nhân dĩ tửu tinh thảo lý số thập tương liên kết, tri vu lộ gian, tinh tinh kiến chi, tức tri kỳ nhân tiên tổ tánh danh, . . ..”; (ANCL, q. 15, tr. 250)]; món nhậu “đười ươi” biết nói tiếng người ở Phong Châu (Thủy Kinh Chú Sớ, q. 37; Nguyễn Bá Mão, 2004:428-429)

Hay cảnh Thái hậu Cù Thị, vợ Triệu Minh Vương (124-113 TTL) và mẹ Ai Vương (113-112 TTL), buồn bã gõ trống đồng ở đất Nam Việt [Cẩm tán cao trương, kích đồng cổ], nên vừa gặp người tình cũ là đã âm mưu xin nhập Nam Việt vào cương thổ nhà Hán. (ANCL, q. 17, tr. 189 [Việt ngữ]) Trụ đồng do Mã Viện dựng lên sau khi đánh bại được Hai Bà Trưng (40-43), tái chiếm nước ta, với lời răn đe, “Đồng trụ triết, Giao Chỉ diệt” (Trụ đồng gẫy đổ, xứ Giao Chỉ sẽ bị diệt); khí hậu ở Đại Việt độc hại đến độ diều hâu đang bay trên trời bỗng rơi xuống đầm lầy [hạ lạo thượng vụ, độc khí huân chưng, ngưỡng thị phi diên, thiếp thiếp trụy thủy chung]. Đó là chưa nói đến thái độ tự tôn chủng tộc của các văn gia như Đỗ Phủ, Tô Đông Pha, v.. v... qua những lời ca tụng “công đức” Mã Viện ở Giao Châu.( ANCL, q. 1, tr. 24-25 [Hán ngữ], 39-41 [Việt ngữ])

 

Trong số những người ra công sưu tập các tư liệu này, ở tiền bán thế kỷ XIV, có một người Việt từng làm quan dưới triều nhà Trần (1226-1400), sau đầu hàng nhà Nguyên, hai ba lần dẫn đường cho quân Mông Cổ qua xâm lược nước ta. Đó là Lê Tắc [Trắc?], tác giả An Nam Chí Lược (1333?) đã nhắc và dẫn trên. Thập niên 1930, khi một nhà xuất bản ở Thượng Hải in lại tập ANCL, có người gay gắt chê trách nội dung ANCL và lên án Lê Tắc là phản quốc. Nhưng những cái mũ chính trị trên chẳng giúp gì cho việc đánh giá sử liệu chứa trong ANCL.

Thực ra, tác phẩm của Lê Tắc–chắc chắn đã bị “chấm câu,” sửa chữa, hiệu đính nhiều lần dưới tay các văn gia Trung Quốc trước khi được một nhà xuất bản Nhật ấn hành (xem phần cuối sách, q. 19)–phản ảnh trung thực quan điểm của văn gia Trung Quốc về Việt Nam: Những mắt nhìn từ đỉnh trụ đồng Mã Viện và đầu ngọn thương, mũi kích, lưng ngựa hay mũi chiến thuyền của một cường quốc đối với lân bang nhược tiểu. (Sử dụng những tài liệu này cũng nhức đầu như những nhà nghiên cứu hiện nay phải đối mặt những tác phẩm hoang tưởng của các tác giả Tây phương về bản thân họ hay các nhà truyền giáo Ki-tô và công chức thuộc địa Pháp như Pierre Retord, Paul Puginier, Francis Garnier, Paul Bert, v.. v...)

 

Các chiếu, hịch của vua quan Trung Quốc từ đời nhà Hán đến nhà Nguyên trích in trong An Nam Chí Lược còn cho thấy bản chất giả nhân, giả nghĩa của vua quan các triều đại quân chủ, phong kiến Trung Quốc. Ngạn ngữ Việt có câu già nắn, rắn buông. Hễ gặp cơ hội là vua quan Trung Quốc đánh chiếm đất nước ta, phân chia làm quận huyện, cắt đặt người cai trị. Nhưng sách sử, văn thư thì lúc nào cũng trang trọng những lời nhân nghĩa như khai hóa, phụ thuộc, phên dậu, nước nhỏ phụng thờ nước lớn để che đậy dã tâm luật kẻ mạnh (kiểu Đặng Tiểu Bình tuyên bố tại Tokyo vào đầu năm 1979 là sẽ “dạy Việt Nam” một bài học, rồi Giang Trạch Dân bắt Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu phải cắt đất đổi hòa bình vào ngày 30/12/2000).

 

Mùa Xuân năm 1960, các học giả Việt ở miền Nam từng bị một phen nhức đầu tương tự vì một tác giả Đài Loan. Do lời yêu cầu của Bộ trưởng Văn Hóa Trương Công Cừu trong một chuyến đi thăm Đài Bắc–là đã đến lúc sửa lại sách giáo khoa lịch sử hầu cải thiện và phát huy liên hệ giữa hai nước–ngày 26/1/1960, Tưởng Quân Chương đáp ứng bằng một bài trên tờ Trung Ương Nhật Báo ở Đài Bắc. Nhật báo Tự Do tại Sài Gòn cho người dịch lại để rộng đường dư luận. Ông Chương–chẳng hiểu vì muốn mỉa mai ông Cừu, hay vì kiến thức nông cạn–dạy ông Cừu (và trí thức Việt) dăm bài học phổ thông sử Đài Loan như: các vua Việt phần đông gốc từ miền Hoa Nam; các triều đại phong kiến Trung Quốc chẳng hề xâm lăng nước Việt, mà chỉ ra tay trượng nghĩa, cứu giúp con cháu những dòng họ bị lật đổ hay cướp ngôi; năm 40, hai bà Trưng nổi dạy không do tinh thần độc lập mà chỉ vì muốn báo thù riêng, lại toan xâm phạm thiên quốc nên mới bị Mã Viện mang quân qua đánh bắt; năm 1788, Tôn Sĩ Nghị chỉ mang có “8,000 quân” đưa Lê Mẫn Đế (Chiêu Thống, 1786-1789) về nước, trong khi “Nguyễn Văn Nhạc” (sic) sử dụng tới “100,000 quân” nên Nghị bị đại bại; người Pháp muốn chia rẽ hai dân tộc Trung Quốc và Việt Nam, nên đã khuyến khích tinh thần bài Hoa và sửa đổi lịch sử, v.. v... Nhiều tác giả Việt, kể cả các ông Nguyễn Hiến Lê-Nguyễn Ngu Í, và Lê Phục Thiện, chuyên viên Hán ngữ của Viện Khảo Cổ Sài Gòn, đã mượn tờ bán nguyệt san Bách Khoa trả lời ông Chương. Quí vị này nêu ra được một số lỗi lầm của ông Chương, nhưng phần lớn chỉ là tiểu tiết như không phải “8,000” mà tới “200,000” quân Thanh đã xâm chiếm Việt Nam, vua Quang Trung Nguyễn Huệ mà không phải Nguyễn Văn Nhạc đã đánh trận Kỷ Dậu (1789), v.. v...

Kiến thức sử học của Tưởng Quân Chương, tưởng cần nhấn mạnh, quá nông cạn. Trong giới sử gia về Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, rất ít người biết đến ông Chương cùng các biên khảo của ông ta. Bài viết về lịch sử Việt Nam của ông Chương cũng chẳng có gì mới lạ, ngoài những lập luận hàm hồ đầy rẫy trong các tập sử phổ thông Đài Loan (dành cho các lớp tiểu học, trung học). Sự thiếu hiểu biết của ông Chương, và chứng bệnh hàm hồ tương lân với sự thiếu hiểu biết ấy, đã được các tác giả Việt nêu ra trên tờ Bách Khoa ngay trong năm 1960.

Nhưng một trong những nhược điểm lớn của ông Chương chưa ai nêu lên là phương pháp sử. Khi đặt bút viết rằng hầu hết các vua Việt đều có nguồn gốc từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc, ông Chương đã lẫn lộn và mù lạc, không phân biệt nổi giữa Trung Quốc, với biên giới chính trị năm 1960, và các tiểu quốc với những nền văn hóa cổ Việt phía Nam sông Dương Tử khoảng hai ngàn năm trước. Tổ tiên một số vua quan Việt (như nhà Trần) có thể từ vùng Lưỡng Quảng, Quế Châu hay Vân Nam, nhưng cách đây khoảng 2,000 năm, đó không phải là lãnh thổ chính trị Trung Quốc. Các vùng đất này chỉ bị nhà Tần (221-206 TTL), nhà Hán (206 TTL-220 STL) chiếm đóng bằng vũ lực, rồi dần dần sát nhập vào biên cương chính trị Trung Quốc. Ngay đến cuối thế kỷ XX, qua bao nỗ lực Hán-hóa phương Nam, các chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đồng hóa nổi tất cả những sắc dân Lolo (Vân Nam), Mân Việt, Điền Việt, v.. v... Trong đời sống thường nhật, các sắc dân trên vẫn sử dụng tiếng nói riêng, có sinh hoạt văn hóa khác biệt với các tỉnh ở phía Bắc sông Dương Tử [văn hóa lúa mì]. Ngay đến thổ dân Đài Loan, nơi Tưởng Giới Thạch xâm chiếm năm 1949, cũng không phải gốc người Hán, và không muốn bị coi là một tỉnh của Trung Quốc. Nói chi những xứ Nội Mông, Mãn Châu, hay Tây Tạng (Tibet) mà Trung Cộng đang nỗ lực đồng hóa.

Hơn nữa, chỉ cần có một kiến thức sơ đẳng về di truyền học và hội nhập văn hóa (acculturation) thôi, ông Chương hẳn sẽ không đủ can đảm viết xuống câu gốc người Hoa Nam (thực tế, ông Chương liệt kê từng tỉnh hiện thuộc về Hoa Nam). Ví thử một vị tổ của dòng họ nào đó có từ miền Lưỡng Quảng di cư xuống phía Nam, chỉ ba bốn đời sau, dòng dõi đương nhiên trở thành người Việt. Tại Bắc Việt, trước năm 1945, gia phả thường chỉ chép ngược lên tới đời thứ 9. Từ đời thứ 10, quê hương của tổ tiên ở xứ nào đi nữa cũng không kể. Hơn nữa, liên hệ giữa cổ Việt cùng Mân Việt, Điền Việt còn mở rộng cho những cuộc tra cứu trong tương lai. Giả thuyết về một hạt nhân văn hóa [cultural core] miền Nam (bao gồm các nước Việt, trải rộng tới miền Đông Thái Lan hiện nay) không chỉ thuần là một giả thuyết.

Nhược điểm khác của ông Chương là việc dùng sử liệu. Dường như ông Chương không mấy chú ý đến tài liệu khảo cổ. Nếu nghiên cứu kỹ các tài liệu khảo cổ khai quật tại vùng Lưỡng Quảng hay Thái Lan mới đây, và được huấn luyện kỹ lưỡng về phương pháp sử học hoặc cổ sử học, hẳn ông Chương đã không cẩu thả hạ bút viết các vua Việt vốn gốc người Trung Quốc. (Một số nhà khảo cổ học hiện nay còn lý luận rằng cuộc giao lưu văn hóa giữa hạt nhân Hoàng Hà và phía Nam đi theo chiều từ Nam lên Bắc mạnh hơn từ Bắc xuống Nam như nhiều người lầm tưởng).

Sự yếu kém của ông Chương trong việc sử dụng tài liệu còn bộc lộ trong đoạn bàn về cuộc xâm lược nước Nam của Tôn Sĩ Nghị. Ông Chương có lẽ chỉ dựa vào tư liệu phổ thông Trung Qưốc, hơn so sánh và lượng giá nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Ông Chương khăng khăng cho rằng Nghị chỉ mang theo 8,000 quân vào Thăng Long mà chẳng trưng dẫn được sử liệu nào khả tín (như Châu bản nhà Thanh, Đại Thanh thực lục đời Càn Long, biểu, tấu của Tôn Sĩ Nghị và Phúc Khang An, v.. v...)– một đòi hỏi cơ bản của người viết sử. Điều này chứng tỏ dù được Linh mục Raymond de Jaegher, Tổng Đại diện Hội Thái Bình Dương Tự Do tại Viễn Đông, cấp học bổng The Asia Foundation để nghiên cứu sách giáo khoa ở Nam Việt Nam, có lẽ ông Chương không phải là sử gia chuyên nghiệp. Tôi chưa được tham khảo các châu bản nhà Thanh, nhưng từng đọc một số tài liệu thời nhà Thanh tiết lộ rằng Tôn Sĩ Nghị mang cả quân thủy, bộ (biền binh) bốn tỉnh Hoa Nam xâm phạm Đại Việt vào mùa Đông Mậu Thân (1788-1789) [dưới danh nghĩa giúp Lê Mẫn Đế chiếm lại ngai vàng]. Ngay đến Ngụy Nguyên, một người Thanh, tác giả An Nam Chinh Vũ Ký năm 1842, cho rằng Nghị mang khoảng 2 vạn (20,000) quân Thanh thuộc 4 tỉnh Hoa Nam sang xâm lăng (chinh phạt) Đại Việt (An Nam), nhưng đánh tiếng là “phò Lê.” [Xem “Vấn đề nghiên cứu nhà Tây Sơn”]

Ông Chương cũng tảng lờ, hoặc không biết đến, tài liệu Việt và Tây phương. Các sử gia chuyên nghiệp thường phải đối chiếu các nguồn tài liệu khác nhau trước khi đi đến một kết luận sử học. Nếu chưa được tham khảo các tài liệu Tây phương thì phải có sự thận trọng tối thiểu là cần lưu ý độc giả của ông rằng những lập luận của mình chỉ có tính cách tạm thời, trong khi chờ đợi những tư liệu còn thiếu sót được bạch hóa. Ngay cả khi tìm được các tư liệu gốc (như thủ bút, thư từ của các tác nhân lịch sử) cũng phải phân giải ý nghĩa các tài liệu trên trong bối cảnh chung mà tác nhân đang sống và sinh hoạt. [Xem bài Petrus Key]

Về vấn đề người Pháp sửa lại lịch sử bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, ông Chương chỉ dựa theo “cảm nhận” hoặc thứ kiến thức nhồi sọ lúc thiếu thời (tức trút bỏ mọi tội lỗi cho bọn Tây di; cũng giống như dân Arab hiện nay trút mọi tội lỗi lên đầu đạo Ki-tô và người Tây phương về tình trạng nghèo đói, phân hóa, chậm tiến, tham nhũng và xa cách dần Allah) hơn nghiên cứu một cách nghiêm túc. Chẳng hiểu ông Chương đã được đọc các tài liệu về Tạm ước Bourée-Lý Hồng Chương (chia Bắc kỳ mỏ cho nhà Thanh, và Pháp lấy Bắc kỳ gạo); hay, đường dẫn đến Hòa ước Thiên Tân (11/5/1884 & 9/6/1885) chưa? Nếu chưa đọc, chưa nghiên cứu tường tận, mà đã viết thì sợ rằng ông Chương thiếu sự lương thiện trí thức. Nếu đọc rồi mà vẫn bẻ cong lịch sử thì ông Chương phạm tội ngụy tạo lịch sử, một thứ tội ác tinh thần. (Thế gian này không thiếu những người thích lập danh đường tắt bằng trò ngụy tạo lịch sử; bất kể quốc tịch, tôn giáo, tuổi tác, học vấn) Nói cách khác, kiến thức sử học của ông Chương về Việt Nam không những khiếm khuyết, mà còn sơ đẳng, lỗi thời.

[Đáng buồn là phần nào do hậu quả của sự thiếu lương thiện trí thức hoặc tội ác tinh thần của ông Chương, vài người Việt đã “khải thắng,” “khỉ sự” (nguyên văn) rằng tổ tiên là người “Tàu” [Trung Quốc]. (Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Khai Sinh, 1965). Vài người khác có lẽ cũng đã ảnh hưởng trên cựu giáo mục Nguyễn Phương là nhà khảo cổ học Olov R. T. Janse, cùng các học giả Bảo hộ Léonard Aurousseau, Henri Maspéro].

 

Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu
Copyrighted 2002, 2009; All Rights Reserved

 

(còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 101017)
"Mới hay cũ, đời sống vẫn thế," anh chồng trả lời vợ. Anh leo lên giường làm tình với nàng, mắt nhắm đê mê, trong khi đó cái loa vẫn phát thanh bài hát mới, giọng nam và nữ lập đi, lập lại những lời hát... "Cộng Sản thật vĩ đại, thật vĩ đại, thật vĩ đại. .."
10 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 99656)
Không biết những người dân ngồi chờ đã bao lâu. 7giờ 58 phút trưởng Công an xã mới lù mặt tới. Hắn bước vào bàn và kéo chiếc ghế nhích ra ngoài, hắn lấy tờ “nhật trình” để trên bàn phất vài cái vào mặt ghế, hắn ngồi xuống. Tay trưởng Công an xã liếc qua chồng chứng từ, hắn không cần phải ngẩng mặt lên nhìn ai (có thể là một thói quen?), sau khi nghiền ngẫm xong từng tờ đơn xin hay khiếu kiện gì đó. Hắn lấy cây viết cài trên túi áo rồi hắn ký chậm rãi dưới những tờ đơn.
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 114419)
nhiều nghịch lý giữa trò chơi thách đố với đức tin ức đoán khiến ta cười số mệnh là thù cũng vừa là bạn cứu vãn được gì khi nước mắt rơi
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 102742)
LTS: Hai mươi tuổi ngồi vào bàn viết, tuổi trẻ hôm nay viết gì? Thường là câu hỏi của những ai quan tâm đến văn học và sáng tác trẻ. Mang trên vai tuổi đôi mươi cùng ý thức hành văn khá sớm, Lữ Thị Mai sinh 1988 là một trường hợp khá lạ.
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 131111)
Mẹ nó run lên từng đợt: “ Nữa, nữa... đấy... mạnh vào, mạnh nữa vào, nhanh lên...”. Cái người cưỡi trên mẹ nó như mụ mị, hắn chẳng quan tâm tới tiếng cánh cửa mở mà cứ thúc, cứ đẩy. Mẹ nó thì rên rỉ, mẹ nó hét. Thế là bố nó nhào tới đâm.
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 121281)
Con Thạch Sùng chẳng hiểu gì. Tất nhiên. Em không chấp nó. Anh nhỉ. Đứa con của chúng ta đã lớn rồi đấy
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 120767)
đúc lòng thú dữ. Tôi ngậm ngày giọt vuông ứa nóng vạn độ / cắt nhìn dân tộc móc nhau đu đưa tuần hoàn não bộ xưng mẹ toàn cầu ngôi nhà nổ tách từng cái miệng linh vị bay đến đỉnh cao tôi bốc câu chú giải nguyền rủa vi trùng tỉa giờ hối hả say.
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 103636)
Giữa tháng 4, bố có tranh được treo triển lãm. Cả nhà kéo đi xem. Tranh vẽ một cụ già đang ngồi bên ngọn đèn, mắt mũi kèm nhèm, khâu áo. Ai cũng nhận ra khuôn mặt của bà. Triển lãm nhan đề: “Mẹ - tôi”. Bà bảo: “Lũ đểu”.
06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 96710)
Hắn miên man thêm. Tình dục qua internet nè, tình dục qua e-mail nè, tình dục qua điện thoại nè, tình dục trong các công sở nè ... Có người không thích bóng gió thì cũng có người đậm mầu lãng mạn.
06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 127876)
Không ai biết tại sao giữa dòng sông ấy lại nhô lên một bãi đất. Rồi cũng không ai biết người ta đến đấy ở từ bao giờ. Họ chia đều những khoảng đất, họ trồng ngô, trồng rau xanh rì, họ dựng nhà họ nuôi con. Họ không nuôi đàn ông. Con họ nuôi chó, nuôi mèo.