Tranh Đinh Cường
Thằng bạn Ba Lan sau hơn một tháng đóng vai "Tây ba lô" du lịch ở Việt -Nam về, gặp tôi nói giọng đầy cảm kích:
- Dân Việt nam bọn mày ăn chơi thật!
- Dĩ nhiên rồi! Tôi hào hứng hét lớn.
- Lại khoẻ nữa, nghĩa là cái khoản sex ấy mà!
- Đích thực là thế! Giọng tôi bắt đầu lạc đi vì quá phấn khởi .
- Nhưng mà bẩn. Đường xá chật chội, xe cộ đi lại tùm lum, không luật lệ, bụi mù mịt. Hàng quán thì toàn ruồi. Sex ở mọi nơi, mọi chỗ, mất vệ sinh lắm.
Nó nói những câu cuối một cách vội vã, rồi lấm lét nhìn. Còn tôi, đang phiêu diêu trên tận đỉnh ngọn tre vì được đi tàu bay giấy, thì bất ngờ bị quật cho một cú ngã giập bi. Híp một bên mắt vào cho cái sự nhìn tăng thêm phần tàn nhẫn, tay xoa đít, tôi căng óc ra tìm cách chống chế: "Thì ai bảo mày, nghĩa là tại mày..." Nhìn vẻ mặt thiểu não của tôi, thằng bạn thương hại: "Không tin thì cuối năm nay về, mày cứ thử tìm hiểu, để ý kĩ mà xem tao nói có đúng không?" Nén giận, nuốt cục nghẹn đang đầy ứ ở cổ họng. Tôi quyết định cuối năm về phải đi "tìm hiểu thực tế" để xem thực hư ra sao?
Buồn quá, vì hoá ra nó đúng! Thôi, không dám làm mất thì giờ của bạn. Xin miễn kể chuyện giao thông ở ta ra sao; đường xá chật chội, bẩn thỉu thế nào; xe cộ phóng bạt mạng, luồn lách hệt như cách sống của những người điều khiển nó. Cũng bỏ qua chuyện ăn uống; chỉ xin bạn đừng quá ngạc nhiên khi thường xuyên thấy trong bát phở có vài sợi tóc nằm hờ hững hay giữa vại bia có mấy chú ruồi cắm đầu bơi mải miết, hoặc là chuyện cả Hà Nội xôn xao lên vì bánh phở có phoóc môn ướp xác người... Chỉ xin sơ qua vài nét về cái "khoản kia", sơ qua thôi nhé, kẻo lại mang tiếng là "nhục dục, tầm thường, tục tĩu..." Hà hà! Hỡi những con người đáng kính, các ngài cứ việc trưng ra những quyển sách dày cộp, bìa cứng, gáy mạ nhũ vàng mà bản thân các ngài rất ít khi đọc, nếu có đọc thì chưa chắc đã hiểu gì; các ngài cứ việc rao giảng những điều không có thật trên đời này. Chỉ xin các ngài cho chúng tôi, (những kẻ người trần mắt thịt - thích được sống thật với mình) một khoảng trời riêng.
Ngày… tháng…
Dân ta quả thực là ...máu sex. Điều này được thể hiện một cách gần như công khai, nhan nhản trên các bảng hiệu quảng cáo. Tất cả những gì có đuôi "ôm", "thư giãn" đều đồng nghĩa với sex (có chăng chỉ trừ xe ôm). Này nhé: Đầu tiên là café ôm, sau đó đến bia ôm, karaoke ôm, bi da ôm, tắm ôm, lại còn ...câu cá ôm nữa chứ! Nhưng cho dù tên gọi có khác nhau, tựu chung lại, thực chất của vấn đề cũng chỉ là một trong “tứ khoái”! Để khỏi mất thời gian, mời bạn cùng tôi thưởng thức một loại hình mang tính tiêu biểu: Karaoke ôm.
Quê hương của karaoke bắt nguồn từ thành phố Kobe (Nhật Bản).
Karaoke là từ ghép tiếng Nhật: "kara" bắt nguồn từ "karappo"- có nghĩa là trống rỗng; còn "oke" là từ viết tắt của "okesutura" - nghĩa là ban nhạc. Thường thì một bài hát được thu thanh bao giờ cũng có phần âm và phần nhạc đệm. Các băng đĩa nhạc chỉ có phần nhạc đệm thì được gọi là karaoke.
Ở Hà Nội, mới chỉ khoảng dăm năm đổ lại, người ta tập tọng du nhập loại hình giải trí này về. Lúc đầu karaoke được kinh doanh theo kiểu mạnh ai nấy hát, màn hình bung ra vỉa hè, người hát lùi xuống lòng đường. Thực ra, đến quán karaoke là một thứ giải trí lành mạnh. Trong mỗi chúng ta đều có một nghệ sĩ đang ngủ, chỉ chờ dịp được đánh thức. Vả lại, ca hát là một nhu cầu cần thiết cho con người. Có thể là ta hát không hay, thậm chí không biết hát, nhưng khi cầm micro ngân nga theo tiếng nhạc, thả hồn vào lời ca và ta bỗng thấy trong một thoáng được làm nghệ sĩ. Hay lắm chứ! Không tin, bạn cứ để ý mà xem, từ chú nhóc con mặt mới nổi trứng cá đến những ông, bà dù đã có rất nhiều mảnh tình rách vắt vai, vẫn hết sức say sưa rên rỉ "đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn..."
Nhưng đấy là chuyện ngày xưa, còn ngày nay, đến karaoke hát chỉ là phụ. Không còn đâu đám người ngồi xổm ngoài vỉa hè vừa hát vừa cạy gỉ mũi, thay vào đó là những phòng hát thuộc loại model nhất: Tường ốp gỗ được trang trí bằng đèn huỳnh quang và tranh sex, sàn trải thảm, ghế bành mềm, và tất nhiên là một dàn karaoke loại "xịn".
Những ngày ở Hà Nội, tôi hay đi "hát" cùng với thằng bạn học thời phổ thông và hai người bạn vong niên đã ở tuổi ngoài 70. Đó là hai gã rất ham chơi, cực thanh niên tính và có một tình yêu kinh khủng với cuộc đời này. Tôi không biết phải xưng hô thế nào cho phải đạo, vì ngoài đời thì cứ ông ông con con, nhưng mỗi lần đi "hát", trước khi vào cửa, hai gã lừ mắt: " Không có ông con gì đâu nhé, cứ bài cũ mà diễn, nghe chưa?" Hai chúng tôi "Dạ" ran. Bài cũ là thế này: Chúng tôi phải gọi một vị là "sư trưởng", vị kia là "chính uỷ" và xưng "em". Có trời mà biết tại sao hai ông già chơi trống bỏi này lại khoái kiểu xưng hô sặc mùi nhà binh như như vậy? Có lẽ cho ra vẻ phong trần? “Sư trưởng” tên thật là Hoàng, 75 tuổi, thời trẻ là một tay giang hồ mã thượng loại ác chiến, võ nghệ thấy bảo cũng vào loại khá, nay làm ngề châm cứu, tay nghề đáng bậc thầy thiên hạ. Đặt cả nắm kim trong lòng bàn tay trái, ngón cái và ngón trỏ của bàn tay phải nhặt từng chiếc, vê vê rồi nhanh như cắt, “sư trưởng” gật mạnh cổ tay, chiếc kim bay vù cắm phập vào đúng huyệt đạo. Con bệnh không kịp có cảm giác đau đớn, cho đến khi chiếc kim cuối cùng đã yên vị, ngay ngắn như người lính trong hàng quân. “Chính ủy” trẻ hơn, mới có 73, nguyên làm nghề chữa xe đạp ở ngay ngoài đầu ngõ nhà tôi. Không rõ ngài làm cái nghề này từ bao giờ. Chỉ biết rằng hồi tôi còn bé tí, đã thấy ngài suốt ngày cởi trần, mặc quần đùi ngồi chồm hỗm vá xe ở vỉa hè, hai hột dái luôn thò ra ngoài (mà ngài dùng thuật ngữ chuyên môn để giải thích một cách hết sức văn hoa rằng: ấy là hiện tượng “kẹp săm”!). Rất lạ, là ngài làm không hết việc, toàn khách quen; có mấy bà, mấy cô cứ vài hôm lại dắt xe đến cho ngài "vá". Riêng tôi, hồi đó rất sợ và ghét ngài, vì mỗi khi trông thấy tôi, bao giờ ngài cũng gọi lại, rồi chậm rãi, thong thả thò hai ngón tay vào lưỡi, vét một ít nước bọt bôi vào má tôi, sau đó bắt trật quần xuống, cũng lại hai ngón tay dính đầy nước bọt đó búng một cái đau điếng vào đầu chim - "Cho nó khoẻ!" - ngài cười hề hề, rồi quăng cho tôi năm xu để ăn ô mai. Không xa xôi gì, mới hôm trước, thằng con trai tôi từ đâu chạy về, mặt mũi méo xệch: "Bố ơi, cái ông gì ngoài đầu phố cứ bôi nước bọt vào mặt con, lại còn sờ chim nữa. Bố đánh ông ấy đi!". Ôm thằng con trai vào lòng, tôi cay đắng dỗ dành: "Hy vọng là đến khi mày lấy vợ và có con trai thì lão ta ngoẻo mẹ nó rồi! Chứ nếu không thì cả ba đời nhà mình bị lão bôi nước bọt và bóp dái đấy con ạ!". Độ mươi năm nay, “chính ủy” không còn vá xe nữa. Mấy đứa con của ngài và Hoàng “sư trưởng” sang Đức xuất khẩu lao động rồi ở lại luôn bên đó, thấy bảo làm ăn được lắm. “Chính ủy” và “Sư trưởng” chỉ việc ở nhà ăn chơi bằng tiền của con gửi về.
Lại nói, bọn chúng tôi hay rủ nhau đi "hát". Lang thang hết hang cùng ngõ hẻm, cứ chỗ nào hay là chúng tôi mò đến. Có một chỗ mà "sư trưởng" và "chính uỷ" cực thích, tiệm "Ấn Tượng". Danh bất hư truyền, quả thật là ấn tượng. Đó là buổi đầu xuất quân của bốn thày trò chúng tôi .
Ở đây, không khí bên ngoài lại vắng lặng khác hẳn những nơi khác. Các thượng đế lập tức được dẫn qua chiếc cầu thang trong bóng tối đen kịt và vào một căn phòng khoảng 16 m 2. Sau vài phút yên vị, cửa mở, bảy, tám cô gái (độ tuổi 20) trong bộ quần áo khêu gợi được dẫn ra "chào hàng" ...để khách thoải mái lựa chọn. Một cô lên giọng tuyên bố sắp bắt đầu màn trình diễn bằng thứ văn phong hành chính mà ta thường gặp ở trong các bản thông báo về giải toả nhà đất của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố: "Từ bây giờ các anh đền bù (tiền boa) thế nào thì chúng em giải toả (thoát y) thế ấy nhé!".
Mỗi tiết mục có giá biểu bất di bất dịch: 50.000 đồng cho mỗi "diễn viên". Tiết mục 1: Các cô ra mắt "ban giám khảo" chỉ với chiếc áo dây mỏng tanh và tự giới thiệu là "không quần, áo lót bên trong". Tiết mục 2: Bằng một động tác nhẹ nhàng, thành thục, các cô tháo nút dây duy nhất của chiếc áo phía sau cổ để nó bay xuống đất... Tiết mục 3: Bắt đầu các vũ điệu lắc mông, lắc ngực, uốn éo thân thể... trong tình trạng "giải toả trắng". Bối rối mất một lúc, chúng tôi cũng chọn được bốn em. Tôi cầm quyển danh mục, mân mê chỉ vào mấy bài hát thời chống Mỹ. Một em nhìn tôi như thể nhìn người Sao Hỏa, bảo: "Anh hát toàn bài lạ". Tôi hơi lóng ngóng rồi cũng quả quyết cầm lấy micro. Té ra lâu lắm rồi tôi mới được nghe từ chính miệng mình những giai điệu một thời nhiều người hát, nhiều người thích. "Tình ca", "Lá đỏ", "Bài ca Hà Nội"…
Tôi hát say sưa, chỉ hơi bực mình vì hình ảnh minh hoạ cứ lộn xộn, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thay vì màn tỏ tình thật lãng mạn, vài thằng cha nhảy múa loạn xị ngậu trong "Vòng tay cầu hôn". Ai đời hát về Hà Nội chỉ thấy Paris với tháp Eiffel lừng lững, hát "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" lại chỉ thấy mấy em người mẫu ưỡn ẹo ngoáy mông trên bờ biển. Trong khi đó, các em "ca ve "thoăn thoắt mở bia, bóc bim bim, bật nước hoa quả rồi dí vào tận mồm khách. “Sư trưởng” và “Chính uỷ” cũng góp vui gọi là lấy lệ bằng hai bài tiền chiến " Suối mơ" cùng "Tiếng sáo thiên thai". Xong nhiệm vụ, mặc kệ cho chúng tôi gân cổ hò hét, hai ngài khoan khoái lim dim ngả người vào lòng các em, mười đầu ngón tay điệu nghệ, lả lướt gảy những giai điệu kinh người trên chiếc đàn nhiều trăm dây và nốc bia ừng ực. Một lúc, nghe chừng men đã ngấm, “chính uỷ” quay sang “sư trưởng” hỏi nhỏ: " Gái nhá?". Sư trưởng "Rõ!" một cách rất rất dõng dạc đúng tác phong quân đội. Trong chớp mắt, hai cụ vận khinh công cắp các em vào nách nhảy hai bực cầu thang một lên tầng trên, nơi có phòng chờ sẵn.
Có một nhà báo đã bỏ công tổng kết, Hà Nội ít nhất cũng phải có trên 1.000 điểm karaoke mà trong đó một nửa là "ôm". Tính rụt rè, mỗi điểm 3 cô, Hà Nội đã có cả thảy trên dưới 3.000 cô - một con số đáng kinh ngạc nhưng lại còn lâu mới bằng thực tế. Các cô thường không ăn lương từ phía nhà chủ mà từ khách hàng. Mỗi lần ngồi trên lòng một anh nào đó là có 50.000 tiền "boa" trở lên, nếu chịu "thoáng" hơn tiền sẽ tăng lên. Một đêm lừa được 2 anh cũng có trăm hơn trăm kém, một tháng đôi ba triệu là chuyện vặt. Trộm nghĩ 3.000 "gái ôm" ở Hà Nội mỗi tháng moi ít nhất 9 tỉ đồng trong khoản "ngu phí" của cánh mày râu. Đấy mới chỉ là chi phí cho cái … tay! Cái sự chi này đem so với tất cả cuộc chơi lại chẳng bõ bèn gì. Thì đây: Bốn người vào quán, ngoài khoản "các em", những món tối thiểu phải tiêu là 20 lon bia, 8 bim bim, 8 bò khô, 8 mực ép, 8 nước khoáng, 8 khăn lạnh... Bạn không thể uống? Xin mời, các em sẽ tận tụy rót vào mồm. Những thứ còn lại đều bị bật nắp hoặc bóc vỏ, nghĩa là đã dùng đến. Mỗi thứ ở đây khiêm tốn cũng đắt gấp rưỡi thị trường. Như vậy, giá tối thiểu cho riêng các món uống và nhâm nhi đã không dưới 500.000đ. Chưa hết, khoản "chân phí" bao giờ cũng lớn nhất. Trò đời là thế, "thằng nhỏ" ăn một phát bằng "thằng lớn" ăn cả tháng luôn. Ăn chơi tốn kém, ai lại tính toán! H. tên em “ca ve” nói với tôi: “ Đến đây chủ yếu là những ông tiêu tiền chùa. Cặp bồ với dạng này khoái nhất, vì họ chi rộng tay, mặc dù “chơi” thì không ăn nhằm gì, toàn những ông bụng phệ. Nhưng thôi, miễn là nặng túi. Ghét nhất là mấy thằng công tử con quan, chỉ được cái hùng hục như chó, nhưng keo kiệt, hống hách thì không ai bằng. Thỉnh thoảng gặp được vị khách “khoái khẩu”, thì tụi em sẵn sàng free ngay!”
Ngày… tháng…
Có một Câu lạc bộ như thế!
Một chiều thứ bảy, đang “sở lượn” gần chợ Hàng Da, thằng bạn tạt vào một hiệu đồ sắt. Gã chủ hiệu nháy mắt một cách tinh quái, không nói không rằng, chìa cho nó một bọc nhỏ. Bạn tôi giở ra kiểm tra, vẻ hài lòng hiện ra mặt. Dọc đường về, nó hỏi tôi: “Mày có biết cái gì đấy không?” “Chịu!”, tôi thực thà đáp. Quả thật, tôi không hiểu được, những quả tạ sắt to cỡ ngón tay út đó dùng để làm gì? Chẳng lẽ đấy lại là đồ trang sức, mà tai nào chịu cho thấu, nặng chết bà. “ Tối nay đi với tao, mày khắc biết!” Nó tỉnh bơ.
Vốn đã quen với những trò ma giáo của nó và hai thanh niên già, nên tôi cũng không bận tâm gì nhiều.
Buổi tối, nó phóng xe qua, rủ tôi đến phòng tập. Nghe hai chữ phòng tập, tôi hào hứng hẳn, vì từ hôm về đến giờ chỉ ăn nhậu, chân tay nghe chừng ngứa ngáy, thấy nhớ cái bao cát. Thằng này thế mà khá, tưởng nó bỏ nghề võ rồi, hoá ra vẫn đeo đẳng à?
Phòng tập đây rồi, nhưng sao lạ thế này? Tôi đảo mắt nhìn quanh, không thấy bao cát, không thấy mộc nhân, chẳng côn, cũng không gậy. Căn phòng chừng 30 m 2, được chia thành mấy chục ô, quây ni lon đến ngang bụng, trong mỗi ô có để một chiếc ghế đẩu. Chưa hết, võ sinh gì mà ăn mặc kì quái thế kia, thằng nào cũng trần như nhộng, trên mình chỉ mặc độc chiếc quần xịp. Lạ thực, có tiết kiệm vải như môn phái Nhất Nam thì cũng phải đóng khố chứ, mà thằng này ngày trước dạy karaté cơ mà? Tôi không còn biết đầu cua tai nheo ra làm sao nữa.
Thấy thầy đến, chúng kính cẩn cúi chào rồi từng thằng một đi vào ô. Trời ơi! Tôi thất kinh khi thấy cả bọn điềm nhiên tụt nốt chiếc quần xịp và ngồi ngay ngắn, đĩnh đạc trên ghế đẩu. Mac kệ tôi đứng lặng đi vì ngạc nhiên, thằng bạn đến từng ô, phát cho mỗi đứa hai quả tạ nhỏ xíu mà tôi đã nhìn thấy hồi chiều.Tôi thực sự hoang mang và suýt ngất khi thấy chúng đeo những quả tạ xinh xinh đó vào ... ngón “thứ mười một”. Buổi tập bắt đầu bằng bài khởi động xoa nóng phần bụng dưới, đùi non, rồi thay vì "thất thập nhị huyền công" thì chúng “nâng lên hạ xuống” 72 lần.
Rít lấy rít để vài hơi thuốc, tôi hơi bình tĩnh trở lại và bắt đầu quan sát một cách chi tiết. Lớp có 15 học trò, phần lớn chỉ ngoài 20, có ba ông trạc ngũ tuần, đầu hói bóng như sư. Nhưng từ trẻ đến già, ai cũng rất nghiêm túc tập luyện, nét mặt thành kính. Mười lăm cái lưng trần bóng nhẫy mồ hôi gật gù theo nhịp lên xuống của …tạ. Thỉnh thoảng, lại nghe tiếng tạ rơi xuống nền bê tông đánh cạch, chắc anh bạn nào mệt quá. Sau phần tập... gân, các lực sĩ tháo tạ, chuyển sang khí công với hai bài của Phật gia. Bài bản lắm, tiếng thở nhẹ, sâu, đan điền cương lên, xẹp xuống, chứng tỏ chúng đã đạt đến một trình độ nhất định.
Thằng bạn rỉ tai tôi: "Thực ra thì làm gì có chuyện cử tạ để cho khoẻ cái “của nợ” ấy. Cái quan trọng nhất là tập cho thạo mấy bài khí công của Phật gia và Vịnh xuân là đủ sung lắm rồi, đàn bà chỉ có khóc thét. Nhưng tao phải bịa ra để cho xôm trò, còn có cái mà dạy. Ở nhà mình bây giờ đang có mốt tập thể hình. Dân tình thi nhau cử tạ cho tay chân to như Lí Đức với Phạm Văn Mách, nên tao nói cử tạ cho to… thì cũng khối thằng tin!".
Giờ giải lao, tôi tranh thủ phỏng vấn mấy... "cu sĩ". (Vâng, thưa các bạn, tiếng Việt ta những năm gần đây xuất hiện khá nhiều từ mới. Ngoài những từ mà chúng ta nghe đã quá quen tai như: ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ..., thì do sự hình thành của một số nghề mới như khóc thuê, ăn mày chuyên nghiệp (hành khất) nên ta có thêm mấy từ mới nghe rất vui tai: khóc sĩ (chỉ người khóc thuê), khất sĩ (chỉ người ăn mày). Vậy xin bạn đọc và những nhà làm từ điển cho phép tôi mạo muội nghĩ ra một từ mới để chỉ những anh tập món cử tạ cu này là "cu sĩ".)
Trả lời câu hỏi của tôi - rất hồ hởi, hai cu sĩ trẻ không giấu nổi sự phấn khởi: "Hết sức hiệu nghiệm, anh ạ! Dài và nở ra trông thấy!" Biết tôi ở Tây về, một chú khuyên: "Anh nên học lấy cái nghề này, sang đó mở lớp dạy thì hái ra tiền, đỡ phải đi chợ vất vả!". Mấy cu sĩ già thì có vẻ từ tốn hơn: "Có thể do tuổi tác, bọn mình không thấy thay đổi gì nhiều về kích cỡ. Nhưng lúc lâm trận thì miễn chê, trường sức lắm. Từ hồi bọn mình đi tập, các bà xã thay đổi hẳn. Ngoan ngoãn, nhẹ nhõm cứ như là cháu ngoan bác Hồ ấy, gọi dạ bảo vâng, cơm dẻo canh ngọt, nhà cửa gọn gàng. Thỉnh thoảng lại còn ý ởn hát nữa chứ!"
Giờ giải lao kết thúc, các cu sĩ laị ngồi ngay ngắn trên ghế, những quả tạ xinh xinh được đeo vào. Bạn tôi quát: "Quản ca đâu, cho hát đi chứ!". Từ góc lớp, một cu sĩ mặt đầy trứng cá lom khom đứng dậy, cất giọng hò:
Này anh em ơi! Biết không?
Tức thì cả lớp đồng thanh: Ơi! Biết gì?
Anh kia tiếp tục, lần này hát theo một điệu chèo:
Không giàu thời phải đẹp trai... ì, ì
Không thông kinh sử.. ử, ử... ối a, ối a
Cả lớp hát đế theo rất bài bản: ối a, ôi à, ồi á…
Rồi nhất loạt gào lên hết sức hùng dũng: Phải dài con cu!
Thú thực, tôi đã dự nhiều tiệc rượu, khi tất cả đều say bét nhè đến mức đái cả vào chai và hát những bài hát hết sức kinh dị, đại loại như: "Mười lăm thằng trên hòm người chết, thùng rượu vang say bét say be, ì a, ì a..." Hoặc: "Ồ ề cái con gà vàng, ồ ề cái con gà quay. Ta đi lang thang khắp đó đây...", nhưng chưa bao giờ lại thấy bị xúc động mạnh như lần này, khi được mục kích cảnh mười lăm thằng đàn ông trần truồng, mồ hôi mồ kê ròng ròng, cơ bụng phập phồng theo nhịp tạ, mồm say sưa hát rất yêu đời cái điều mãi mãi là chân lí đối với cánh đàn ông:
Không giàu thời phải đẹp trai
Không thông kinh sử, phải dài con cu!!!
Ngày… tháng…
Chuyện nhỏ trên thành cổ
Thành cổ. Nắng.
Cái nắng quái cuối chiều tháng Tám không đủ sức làm người ta phát điên lên như lúc giữa trưa, nhưng vẫn khá gay gắt hành hạ những kẻ có lượng mỡ nhiều hơn mức cho phép. Toà thành sừng sững, uy nghi trong ráng chiều ngột ngạt sặc mùi mồ hôi, mùi cống rãnh, mùi nước hoa rẻ tiền các loại của khách thập phương. Thỉnh thoảng, một cơn gió thổi hắt lên từ sông Vixoa mang theo mùi bùn tanh nồng. Gió chui qua vòm nhà, gió lùa theo các hành lang dài hun hút, âm u, tạo nên những tiếng ù ù, rờn rợn, ma quái. Người tứ xứ lũ lượt kéo đến đây chiêm ngưỡng một chút vết tích còn sót lại mang dáng dấp thời trung cổ.
Ngồi nhâm nhi vại bia thứ ba bên chiếc bàn gỗ sồi đã lên nước bóng nhoáng vì mồ hôi người, vì gió bụi thời gian, kê chỏng gọng ở góc sân, hắn thản nhiên nhìn đám người xa lạ đang khó nhọc đánh vật với cái nóng. Đã hơn một lần hắn tự hỏi, chả hiểu bọn người kia phải nhọc công để xem cái của giả này làm gì. Ai mà chẳng biết cái thành cổ này là đồ nhái lại, vì từ viên gạch lát đường cũng bị phá hủy tan nát trong thời thế chiến II rồi còn gì? Cuộc đời thì ngắn ngủi, mà con người ta lại mất quá nhiều thời gian vào những trò vô bổ, nhiều khi chỉ để tự lừa dối chính mình.
Hắn vẫn thường lang thang ở đây vào những lúc rảnh rỗi, khi những gã cùng nhà với hắn chúi mũi vào đám tá lả hay vui vầy bên những cô gái điếm rẻ tiền. Vốn là một giáo viên dạy văn, hắn vẫn giữ được nếp sống mô phạm, tâm hồn đa sầu đa cảm kiểu quân tử Tầu pha nét nghệ sĩ, lãng tử mà nhiều người cho là lập dị. Hắn tìm cảm hứng sáng tạo, nhiều tứ thơ, áng văn, nốt nhạc đã loé lên ở đây, giữa cái đám nhân gian hổ lốn, nhặng xị này.
Hôm nay là ngày cuối tuần, lại đang mùa du lịch nên có vẻ đông đúc hơn thường lệ. Dãy bàn phía bên trái là đám du khách người Đức và Mĩ. Các bà, các cô chỉ mặc độc cái coọc xê, hút thuốc phả khói inh như cháy nhà. Lũ đàn ông trần trùng trục phơi tấm thân lông lá đỏ như tôm luộc, hăng hái nốc bia ừng ực, nhồm nhoàm nhai gà quay và chăm chỉ đánh mắt một cách thích thú sang dãy bàn sau lưng hắn. Ở đó tụ tập một tụi choai choai hippi, điềm nhiên gí bật lửa hơ vào tấm giấy bạc trên có thứ bột trăng trắng rồi chuyền nhau hít. Mấy đứa con gái ăn mặc theo lối con nhà nghèo, tiết kiệm vải đến mức tối đa nhưng lại khá thừa thãi vòng khuyên xâu nhằng nhịt hai bên vành tai, cánh mũi và xuống tận rốn. Chừng như đã phê, chúng nằm ườn trên bàn, mắt lim dim, thỉnh thoảng rên rỉ, người cong lên khi những ngón tay của lũ trai dạo chơi cật lực dọc theo đùi non, tiến vào khu cấm địa. Vài bà già cổ đeo thánh giá to tướng, lia lịa làm dấu thánh, lấy tay che mặt, quay vội đi nơi khác.
Chợt tiếng nhạc ồn ĩ nổi lên từ phía cổng thành. Một ban nhạc rong đang tiến vào sân, hai ghi ta gỗ khua rổn rảng, một xăc xô phôn tí te, hai cô vũ nữ ngực đùi ngồn ngộn mặc váy xoè. Phường bát âm nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí ngay sát hàng rào trước quán Bar. Nhạc nổi lên, vẫn lại giai điệu muôn thuở của dân Ba lan: “Sto lat, sto lat…” [1]. Hai vũ nữ kiêm ca sĩ hát the thé, bù lại được khoản lắc mông, đánh ngực khá nhiệt tình, chân tay khua loạn xạ. Loáng thoáng đã có những đồng xu được ném ra từ đám thực khách, uể oải rơi vào chiếc hộp nằm tênh hênh trước mặt ban nhạc. Gã người Mĩ có cái bụng bự khiến người khác phải lập tức kính trọng hét lên một cách khó nhọc:
- Chơi bài gì tiếng Anh đi, chúng tao không hiểu tiếng Ba Lan.
Nhận ra sự có mặt của mấy ông khách ngoại quốc, ban nhạc dừng lại hội ý. Sau giây lát, họ cử bài “Chú Hà mã vui tính”. Lại hai cái giọng the thé cất lên, hai cái mông, cái ngực giật một cách hớn hở. Để tăng phần hấp dẫn, thỉnh thoảng hai đôi chân tròn quay tít vài vòng làm chiếc váy xoè tốc ngược lên cao. Bọn đàn ông phát cuồng, hò hét, huýt sáo ỏm tỏi. Bài hát vừa dứt, gã có cái bụng rất đáng kính trọng lặc lè tiến về phía ban nhạc, theo sau là một tay cũng có cái bụng không kém phần hùng dũng. Ôm nghiến lấy hai cô vũ nữ, loay hoay một lúc, chúng cũng nhét được vào ngực mỗi cô tờ 10 đô la trong tiếng hò hét, huýt sáo om xòm của đám đông.
Ngán ngẩm với tấn bi hài kịch đang diễn ra, hắn tính móc tiền thanh toán mấy cốc bia.
Chợt tiếng trẻ con khóc ré lên. Hai người đàn bà, một già, một trẻ, quần áo xộc xệch, lem nhem, trên tay ẵm hai đứa trẻ tiến vào quán. Trước ngực họ đeo tấm biển: “Chúng tôi là nạn nhân chiến tranh từ Kosovo. Vì Chúa, xin hãy giúp đỡ, cứu vớt lũ trẻ, chúng đói!.” Đứa con gái chừng độ gần một tuổi, quờ quạng, nhay nhay bầu vú của người mẹ, rồi nhả ra, khóc ngằn ngặt, giọng khản đặc vì khát sữa. Thằng anh độ ba tuổi, ngồi trên tay bà, đôi mắt đờ đẫn mệt mỏi, chán chường, chắc nó không còn sức để khóc nữa.
Đôi mắt. Hắn đã gặp đôi mắt vô hồn này ở đâu rồi nhỉ? Ôi, chiến tranh! Chiến tranh! Hắn đờ người, bải hoải. Từ một miền sâu thẳm trong tâm thức, kí ức thấp thoáng hiện về. Hắn nhìn thấy những khu nhà đổ nát hoang tàn, những xóm làng, thành phố bị huỷ diệt. Những đống xác người, những đôi mắt trẻ thơ vuốt bao lần không chịu khép...
Rồi kí ức đưa hắn về một mùa hè đỏ lửa: Thành cổ Quảng Trị 1972.
Ngày… tháng…
“Đại bác đêm đêm vọng về thành phố. Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe. Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy. Đại bác qua đây em thơ buồn tủi…” Có tiếng hát văng vẳng lúc xa, lúc gần, chập chờn bên tai, nghe hư ảo như từ cõi khác vọng về. Người lính bị thương mở mắt.. Đen ngòm. Đầu hắn đau buốt. Hắn cố nhúc nhắc hai tay. Hắn thử cử động hai chân.Chúng động đậy. Một chút thôi, nhưng động đậy. Ồ, thì ra hắn còn sống! Hắn nghe ngóng thấy một bên chân tê dại có cái gì chạy giần giật. Vẫn biết đau, nghĩa là hắn chưa chết. Hắn thấy ngạt thở như bị vật gì đè lên. Thu hết chút tàn lực, hắn cựa mình, đưa tay đẩy cái vật nặng trịch đè trên mặt, ngoi đầu lên. Một quầng sáng trắng gắt chói chang-mặt trời. Hắn nhắm nghiền mắt lại rồi hé ra từ từ. Bây giờ hắn có thể nhìn thấy nhưng gì chung quanh. Hắn đang nằm giữa một đống xác người. Cái vật đè lên làm hắn nghẹt thở cũng là một cái xác. Cái xác không đầu, chỉ còn từ phần vai trở xuống.
Hắn đưa mắt nhìn quanh. Bầu trời trong vắt, những đám mây trắng bồng bềnh, mặt trời đỏ rực đang ngả về tây. Im ắng, tĩnh lặng. Nếu không có những đống xác người nằm ngổn ngang trên mặt đất bị cày xới nhằng nhịt, nát bét bởi những hố bom, hố pháo, tiếng ruồi nhặng vo ve và tiếng kêu “ quà quà” của bầy quạ đen đang tranh ăn thì hắn cứ ngỡ như đang nằm trên lưng trâu nghe tiếng sáo diều vi vút ở cánh đồng làng, chứ không phải ở tận đây - cái cối xay thịt khổng lồ - nơi mà hắn đã ngã xuống trong tiếng thét xung phong dậy đất, át cả tiếng gầm gào của đạn bom.
“Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng. Hàng vạn tấn bom trút xuống thị thành. Trẻ em quên sống, từng đêm nghe ngóng…”
Tiếng hát lại cất lên đâu đây, tiếng hát thật, tiếng người, chứ không phải hắn nghe thấy trong mơ. Nhưng đó là tiếng hát đi cùng tiếng rên rỉ, phều phào, yếu ớt.
Hắn lết người về phía có tiếng hát. Đây rồi, bên cạnh hố bom sâu hoắm, một xác người- không, một người vẫn còn sống nằm trong vũng máu, phần bụng bị phá vỡ toang hoác bằng miệng bát, phòi ruột ra ngoài. Từ nơi đó những chiếc bong bóng máu đỏ ngầu cứ phập phồng rồi vỡ ra theo tiếng hát. Hắn khựng lại, một tên lính phía bên kia. Hắn nhận ra bởi bộ quân phục nhiều túi đã nát bươm mà kẻ kia đang khoác trên người. Hắn bất giác lần tay vào thắt lưng, rút con dao găm. Rồi cố bò lại gần hơn.
Tiếng hát ngừng bặt. Tên lính bị thương dường như đã nhận ra sự có mặt của hắn. Đôi mắt đờ đẫn hướng về cái hình hài bê bết máu dang tiến lại gần, tay lăm lăm con dao sáng quắc. Hắn cũng chăm chú nhìn tên lính. Một khuôn mặt trẻ măng- chỉ trạc đôi mươi, cỡ tuổi hắn- trắng xanh, nhợt nhạt vì mất nhiều máu, đôi môi khô khốc, nứt nẻ, xám ngoét. Bốn mắt chạm nhau.
Mắt tên lính bị thương bỗng sáng lên khi nhận ra hắn đang lại gần, ngạc nhiên, mừng rỡ, tuyệt không có một ánh hận thù nào loé lên trong đôi mắt ấy. Và thật bất ngờ, không một chút nghi ngờ, không một chút sợ hãi, nó nhoẻn miệng cười. Nụ cười làm sáng lên khuôn mặt nhợt nhạt vì mất máu.
Hắn khựng lại. Hắn nhìn người lính nọ. Nhìn con dao trong tay. Và cũng thật bất ngờ, hắn cười như điên dại, mặc cho máu trào ra từ những vết thương đang quặn đau, nước mắt dàn dụa. Vứt con dao, hắn luýnh quýnh tìm gói bông băng cá nhân, loay hoay nhét đám ruột vào, băng bó cho người lính phía bên kia. Vẫn giữ nguyên nụ cười trẻ thơ, người lính khẽ lắc đầu: “ Đừng, vô ích thôi, tôi biết tôi không sống được nữa đâu. Anh hãy tự băng cho mình, máu ra nhiều quá rồi đấy. Khát quá, anh cho tôi miếng nước.”
Hắn lại lục tìm trong đống xác chết hỗn độn, bầy nhầy, không còn phân biệt được bên nào với bên nào, tìm được một cái bi đông. Hắn lắc nhẹ, thấy có tiếng nước óc ách. Hài lòng, hắn nâng đầu người lính bị thương lên, bón cho anh ta từng ngụm nhỏ. Chừng đỡ khát, người lính nhờ hắn đỡ cho ngồi, bàn tay run run lần tìm trong chiếc xà cột bên hông một quyển vở. “Nếu anh còn sống, nhờ anh chuyển giùm cho má tôi cuốn vở- hắn thều thào- Trong đó tôi ghi nhật kí và những bài hát mà tôi sáng tác . May mà chúng ta còn gặp nhau. Nhìn kìa, đúng là một cuộc nồi da nấu thịt. Cho đến giờ, khi sắp về với đất, tôi vẫn không hiểu, chúng ta -Người Viêt Nam cả- chúng ta giết lẫn nhau, để làm gì?”
Một cơn ho rũ rượi cắt ngang, người lính phía bên kia thở dốc, những cái bong bóng máu đỏ ngầu lại phòi ra. Mặt anh dại đi giây lát vì đau đớn, chỉ có đôi mắt buồn mênh mang, ôm trọn nỗi đau trần thế là còn tỉnh táo. Cái tỉnh táo của một con chim hót những tiếng cuối cùng trước khi vĩnh biệt cuộc đời. Tay run run mở quyển vở, người lính chỉ vào một bài hát: “Đây là bài hát cuối cùng của tôi. Anh có muốn tôi hát cho anh nghe không?”. Hắn gật đầu. Người lính cất tiếng hát bằng một thứ giọng trầm buồn:
“Anh nằm xuống, sau một lần đã đến đây. Đã vui chơi trong bầu trời này, đã bay cao trong vòm trời này, rồi nằm xuống, không bè bạn, không có ai…”
“Xin cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang…”
Không rõ từ lúc nào, hắn cất giọng hát theo. Trời ngả về chiều, bóng nắng đã nhàn nhạt, mặt trời dần khuất sau rặng núi phía xa. Tĩnh lặng, yên ắng. Dường như chiến tranh chưa bao giờ đi qua đây. Đàn quạ đã no nê xác người không còn tranh ăn nữa, nặng nề bay về tổ. Tĩnh lặng, yên ắng đến ghê rợn. Sự yên ắng trước một cơn dông bão. Đây đó rải rác những đống xác người. Có hai thằng lính ở hai chiến tuyến ngồi hát say sưa. Chúng quên mất tử thần đã cầm lưỡi hái đứng ngấp nghé sau lưng. Tử thần chống lưỡi hái, say sưa nghe chúng hát, mắt lim dim, mơ màng trên những đống xác người. Rất nhiều đống xác người.
Đang mải hát người lính phía bên kia sực tỉnh, hốt hoảng giục hắn: “Anh đi khỏi nơi này đi. Trước khi bọn nhặt xác tới, thể nào pháo bầy cũng giội vào đây đấy. Mặc tôi, đi đi, nhanh lên!”
Hắn lắc đầu! Hắn không thể bỏ người lính nọ nằm lại một mình. Cũng không thể dìu anh đi được, vì bản thân hắn cũng thương tích đầy người, một bên chân dập nát. Hắn sẽ ngồi lại đây với anh ta, muốn ra sao thì ra. Nếu một trong hai người chết trước thì vẫn còn người này vuốt mắt cho người kia, hắn buồn rầu nghĩ.
“Cạch… ầm, cạch… ầm”, tiếng đề pa và tiếng pháo nổ chát chúa vang lên. Mặt đất rung chuyển mạnh, chao đảo. Đất vụn lẫn với mảnh xác văng tung toé. Người lính nhoài lên nắm lấy bàn tay hắn, siết chặt rồi bất ngờ đạp mạnh vào hắn. Hắn vừa kịp ngã lộn xuống hố bom thì “ầm”, một trái đạn pháo rơi ngay vào chỗ hắn vừa ngồi. Khói, bụi mù mịt, hắn cố mở đôi mắt cay xè nhìn sang, nơi hắn và người lính vừa nằm đã biến thành một hố sâu hoắm. Người lính đã trở về với Cát bụi [2]…
…Trong đoàn quân tiến vào Sài gòn không có hắn. Đồng đội đã tìm được hắn nằm thoi thóp dưới lòng hố bom, bàn tay nắm chặt quyển vở nhầy nhụa máu.
Tháng 10-1975 hắn vào Sài gòn, tìm đến nhà Sơn (tên người lính). Má Sơn đã mất, chỉ còn hai người em gái. Thắp ba nén nhang khấn Sơn, trao lại quyển vở- kỉ vật của người đã khuất. Hắn khóc nức nở. Trước hôm hắn lên đường ra Bắc, em gái Sơn nắm tay hắn, run run: “Đêm qua anh Hai em về báo mộng, biểu tụi em trao lại cuốn tập này cho anh. Không ai xứng đáng hơn anh để giữ nó.”
Ra Hà nội, học nốt hai năm cuối Sư phạm văn. Hắn đi dạy học, tối tối học nhạc ở một lớp nghệ thuật quần chúng, bộ môn kèn săc sô phôn. Hắn lân la làm quen với giới văn nghệ sĩ, đưa họ hát những bài hát của Sơn. Người ta yêu tiếng kèn của hắn lắm, nhất là khi hắn chơi những bài do Sơn sáng tác. Khi thổi những bài đó, hắn để cả tâm hồn cho kỉ niệm.
Ở trường, hắn là giáo viên dạy giỏi. Hắn từ chối không dạy mảng văn học chống Mĩ, mà xin dạy mảng văn học cổ làm mọi người đều khó hiểu, bởi lẽ ra một người đã từng lăn lộn, gửi một phần xương máu ở chiến trường thì phải tâm đắc với đề tài này lắm chứ. Mặc cho mọi người xì xào, hắn lẳng lặng làm phần việc của mình. Thế rồi một hôm, ông hiệu trưởng đích thân mời hắn vào phòng gặp riêng, giọng cầu khẩn: “Ngày mai có đoàn của sở về dự giờ, cậu Tâm giáo viên dạy giỏi thì lại ốm nặng. Lịch đã lên rồi, không thể hoãn lại được. Nhà trường chỉ còn trông chờ vào cậu nữa thôi. Cậu cố giúp bọn mình một tiết nhé!” “Gay đấy- hắn chần chừ- mảng của Tâm là văn học thời chống Mĩ, tôi không đảm đương được đâu”. “Cậu chỉ khiêm tốn. Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo cậu giảng bốc lửa, có hồn như thế thì mấy bài thơ vặt kia có gì mà khó khăn. Thôi, cố lên, coi như là cậu giúp mình đi!” - “Được, nếu anh đã ép thì tôi đành chịu. Song tôi sợ sẽ làm anh thất vọng.”. Đêm đó hắn không ngủ. Lôi kèn ra, hắn lại thổi những bài của Sơn và ngồi chờ trời sáng.
Chưa bao giờ hắn giảng say sưa, có hồn như hôm đó. Những đoạn nói về sự hi sinh xương máu của các chiến sĩ, của nhân dân, thực sự hắn xuất thần, mắt hắn ngấn lệ. Tụi học sinh và các vị ở Sở về vỗ tay đến mấy lần, nhiều người rút khăn mùi soa chấm nước mắt . Cả lớp học lặng đi. Bình xong câu thơ cuối cùng, khi những bàn tay đã giơ lên định đập vào nhau bôm bốp, hắn ra hiệu xin một phút im lặng, rồi nghẹn ngào: “Các con! Những điều ta vừa nói, đó là theo sách vở. Rồi thế hệ các con sẽ quyết định vận mệnh của đất nước, dân tộc. Rất có thể, trong số các con sẽ có đứa làm tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng… Ta muốn các con nhớ một điều, điều này, đáng tiếc, không có trong giáo án, nhưng mãi mãi là chân lí: Trong mọi cuộc chiến tranh, chiến tranh nào cũng vậy, không có kẻ thắng. Nhưng bao giờ cũng có một kẻ bại, một kẻ bại duy nhất - là nhân dân. Nếu có một ngày, các con trở thành ông nọ, bà kia, các con phải biết yêu đất nước, thương nhân dân bằng cả trái tim mình. Đừng lừa dối nhân dân bằng những lời nói suông. Nhân dân rất sáng suốt. Người ta biết ai là người trung thực và kẻ nào là tên bịp bợm. Hãy nhớ lời Nguyễn Trãi “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Lớp học lặng đi, các vị ở Sở há mồm nhìn nhau, tụi học sinh ngập ngừng giây lát rồi đồng loạt vỗ tay như vỡ trời. Chúng vỗ tay để vĩnh biệt người thầy thân yêu.
Quả thật, sau tiết học đó, hắn bay rất nhanh từ giảng đường ra… vỉa hè chợ Giời phụ thằng bạn buôn bán lặt vặt. Thế rồi hắn lưu lạc sang đất này…
… Tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt vì đói lôi hắn ra khỏi dòng hồi tưởng. Hai người đàn bà bế tụi trẻ đến từng bàn, họ lắp bắp khẩn cầu đám đông rủ lòng thương. Đám du khách tảng lờ quay mặt đi.. Nhiều kẻ còn chau mày, chun mũi ghê tởm cái mùi hôi hám bốc ra từ những con người khốn khổ.
Hắn đứng dậy, rẽ đám đông, tiến đến đỡ tụi trẻ và hai người đàn bà về bàn mình, đoạn vẫy tay gọi cô hầu bàn phốp pháp có bộ ngực bốc lửa lại nói nhỏ. Cô nhoẻn cười. Hắn là khách quen của cô, và là khách hào phóng. Cô mỉm cười đi nhanh vào phía trong quán. Ngay lập tức, những đĩa thức ăn nóng hổi được bầy lên bàn, trước mặt những người hành khất khốn khổ. Mắt hai đứa trẻ sáng lên, chúng ăn ngấu nghiến, không kịp đợi bón. Hắn thò tay vào túi. Thôi chết, ít quá! Nếu trả tiền bữa ăn thì còn lại chẳng là bao. Hắn không có thói quen mang nhiều tiền theo người. Sau giây lát suy tính, hắn đứng bật dậy, tiến về phía ban nhạc. Mọi con mắt đổ dồn theo từng bước đi của hắn. Từ khi đón hai người đàn bà và tụi trẻ về bàn mình, hắn đã là trung tâm của sự chú ý. Ban nhạc cũng đã ngừng chơi từ lâu, ngơ ngẩn đứng nhìn. Hắn nói điều gì đó với người nhạc công, anh này ngạc nhiên nhìn hắn rồi trao cây kèn sắc sô phôn.
Hắn nâng niu đưa tay vuốt cây kèn, rồi thành kính đưa lên môi.
Tiếng kèn vút lên, chơi vơi. Ô “My heart will go on”! Một vài kẻ nhanh miệng khi nhận ra âm thanh quen thuộc thì lập tức im bặt bởi tiếng suỵt của đám đông.
Tiếng sóng biển rì rào, tiếng gió. Đại dương bao la, con tàu Titanic bập bềnh. Từng đôi dìu nhau say mê trong điệu vũ lả lơi, cuồng nhiệt. Tiếng kèn rủ rỉ như lời tâm sự ở cung bậc trầm. Biển hiền hoà, nhân từ quá, nghe rõ cả tiếng hải âu vỗ cánh lao xao đỗ xuống boong tàu.
Chợt tiếng kèn lặng đi trong giây lát rồi bùng lên dữ dội, gấp gáp. Mưa, mưa quất xối xả. Con tàu oằn oại đâm vào núi băng. Nước tràn vào ồng ộc, tiếng kêu la tuyệt vọng. Tiếng kèn rúc lên, gấp gáp, khẩn thiết, những bàn tay quờ quạng tuyệt vọng trong nỗ lực cuối cùng để rồi chìm nghỉm dưới làn nước băng giá.
Tiếng kèn chơi vơi, biển lại hiện lên hiền hoà - Một vẻ hiền hoà man rợ với những xác người lềnh bềnh, dập dềnh theo nhịp sóng.
Nốt nhạc cuối cùng vừa dứt, hắn mở mắt ra. Mọi người trong quán BAR đã đứng dây tự lúc nào. Tất cả lặng đi, mắt long lanh xúc động. Tiếng vỗ tay nhất loạt nổi lên như sấm, tiếng hò la tán thưởng vang dậy.
Sau giây lát nghỉ lấy hơi, hắn laị đưa kèn lên môi. Tiếng hò hét, vỗ tay ngừng bặt, chỉ còn lại sự tĩnh lặng bao phủ khắp sân thành.
“Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn liễu rủ lê thê. Gọi bờ cát trắng say mê…”
Đám đông lặng đi, đờ đẫn. Cả bầu không gian im ắng của khu thành cổ buổi chiều tà vỡ oà ra trong tiếng kèn tha thiết, réo rắt. Tiếng kèn tròn đầy, ấm áp như hơi thở của biển; tiếng kèn ngân xa, man mác như nỗi nuối tiếc của đất liền; tiếng kèn lặng đi, nức nở như tiếng khóc của trái tim tan vỡ vì tình yêu.
“Hôm nao em về, bàn tay buông lối nhỏ. Đàn lên cung phím trầm, sầu lên dây hoang vu…”
Tiếng kèn lả lướt, dịu êm như nỗi nhớ. Tiếng kèn đẫm ướt trong tiếng lòng người nghệ sĩ. Hắn thả hồn vào bản nhạc; mắt nhắm nghiền, đê mê, mồ hôi vã ra như tắm. Cả không gian, thời gian như hoà quyện lại, lan xa theo tiếng kèn chơi vơi, chơi vơi…
Mở mắt ra, hắn thấy trên nóc cao nhà thờ, chỗ cây thánh giá có đám mây trắng tụ lại như hình của Sơn, hiền từ, mỉm cười với hắn, khuôn mặt xanh xao thoáng ánh vui…
Đám đông đã đứng vây quanh hắn tự lúc nào. Trật tự, lăng lẽ, họ cố giữ để không ảnh hưởng đến cảm hứng của người nghệ sĩ. Cả sân thành đã đổ dồn về phía có tiếng kèn.
Hắn không còn nhận ra cái đám đông của nửa tiếng trước. Vẻ hân hoan, hạnh phúc, xúc động lộ rõ trên khuôn mặt từng người. Họ ôm lấy hắn, bắt tay rất chặt. Những tờ giấy bạc được vuốt phẳng phiu, đặt ngay ngắn vào chiếc mũ rộng vành mà ai đó đã để trước mặt hắn tự bao giờ. Chiếc mũ đầy lên, tràn ra.
Trao lại cây kèn cho người nhạc công và ban nhạc đang đờ người ra vì cảm phục, hắn nghiêng mình trước đám đông: “Cảm ơn quí vị đã ủng hộ những người mẹ khốn khổ và hai đứa trẻ. Cảm ơn!”
Hắn bước đến bên bà mẹ, trao chiếc mũ đựng đầy tiền. Người mẹ và cô con gái chỉ biết nhìn hắn, nước mắt chứa chan. Hai đứa nhỏ đã thức dậy tự lúc nào. Chúng nhìn hắn, nhoẻn miệng cười. Nụ cười tươi tắn sáng bừng, làm hồng lên khuôn mặt xanh xao, vàng vọt. Hắn đưa tay bế đứa nhỏ: “Nào, chúng ta đi thôi! Tôi sẽ chở bà, cô và hai cháu đến trại tị nạn. Ít ra, ở nơi đó lũ trẻ sẽ không bị đói và được mái ấm che đầu.”
Họ đi trong ráng chiều vàng rực, bỏ lại sau lưng khu thành cổ uy nghi và đám đông thẫn thờ, lặng lẽ. Hoàng hôn tô đậm bóng họ, hắt về phía chân trời. Gió thổi tóc họ bềnh bồng. Bà mẹ níu chặt tay hắn: “Xin chúa hãy phù hộ cho con, chàng trai nhân hậu. Tên con là gì, con từ đâu đến?”.
- Tên tôi là một người Việt nam, Mẹ ạ!
TRẦN HOÀI VĂN
Warszawa, 30 tháng 4-2001
và những ngày Chợ Đuội 2002
[1] Trăm tuổi, trăm tuổi – một bài dân ca rất phổ biến tại Ba Lan
[2] Những chữ in nghiêng là tên và lời bài hát của Trịnh Công Sơn.
(Đã in trong HL 82)