- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGUYỄN KHOA ĐIỀM VÀ CHUYẾN NGƯỢC DÒNG VỀ “CÕI LẶNG”

12 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 90972)

coilang_nkdiem-content

Thơ hay không hẳn vì cái áo ngôn từ bay bổng mà hay bởi tính triết lý đằm sâu. “Cõi lặng” [1] của Nguyễn Khoa Điềm là như thế. Lời thơ chân thật, tuôn trào tự nhiên trong từng sát na. Nhưng ẩn bên trong là “động”, cái “động” nhân tình, suy tư, chiêm nghiệm của một chủ thể triết luận sắc sảo. Đón nhận chuyến ngược dòng trở về “Cõi lặng”, người đọc như bị mê hoặc trước một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm.

Một thời gian dài, tính từ tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” (1986), Nguyễn Khoa Điềm mới xuất bản tập “Cõi lặng” (2007). “Cõi lặng” được viết trong nguồn cảm hứng trở về, sau cuộc giã từ chính trường, “chia tay với điện thoại bàn, cạc-vi-dit, nắm đấm mi-crô”, sống trong tự do “một mình một ba-lô và xe đạp”. Bây giờ, “gió gọi anh đi” để anh trở lại là “một người trong mọi người”. Vì thế, nỗi niềm, giọng điệu của “Cõi lặng” rất thật. Nó như là những lời tự vấn, tự thú, sám hối của nhà thơ trước cuộc đời. Qua cuộc nói chuyện giữa Thanh Thảo với Nguyễn Khoa Điềm (do Trần Đăng ghi lại), chúng ta mới thấu hết tâm sự của một người khi trở lại với quê hương, với thơ: “Bây giờ cần phải có một dòng “văn học sám hối” ông à. Tôi ủng hộ ông tiếp tục làm thơ theo xu hướng đó, song ông mà dấn thêm điều này nữa thì mới… hoành tráng. Đó là, thi thoảng mình cũng nhớ đến “nắm đấm mi-cơ-rô và điện thoại bàn”, nhớ “giày đen, cà vạt” nữa chớ ông! Có thể ngay thời điểm này thì ông không nhớ đến ba cái thứ lằng nhằng ấy, song một năm nữa chẳng hạn, ông lại nhớ đến nó cho coi! Điều đó cũng bình thường thôi. Và khi ông “nhớ” những thứ ấy mà thành thơ được, ông mới chính là ông. Tôi tin rằng những bài thơ kiểu như thế sẽ rất hay vì nó đẩy con người đến chỗ tận cùng của sự trần trụi. Không sợ hãi và không che đậy” [2].

Ở “Cõi lặng”, người đọc nhận ra được một hình tượng nghệ thuật có dáng dấp con người thực của tác giả - cốt cách của một thi nhân. Những trăn trở từ đáy lòng đều được cởi trói. Người thơ ấy hòa vào mọi người, vào quê hương để soi chiếu gương mặt của mình, đứng trong hiện tại mà chiêm nghiệm, ngẫm suy.

Thơ ca đang đi trên con đường vô hạn của nó. Những cuộc đổi thay đều cần thiết cho gương mặt của nền thơ ca Việt Nam. Tuy nhiên, dù có cách tân, khoác lên nó chiếc áo hậu hiện đại hay là gì gì đi chăng nữa, thơ bao giờ cũng cần tính triết lý. Những đòi hỏi đó không thể chối bỏ và vĩnh cửu. Bàn về vấn đề này, Hồ Thế Hà nhận định: “Chất triết lý trong thi ca, đặc biệt ở những nhà thơ lớn, bên cạnh kiểu tư duy thuận lý, dường như bao giờ cũng thể hiện sự nghịch lý nhưng là sự nghịch lý nằm trong tính toàn thể của nó, bao gồm cả hình thức và nội dung, để cuối cùng người đọc nhận ra một nét riêng, một phong cách đặc biệt từ sự hài hòa này” [3]. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu tính triết lý. Một thứ triết lý đầy bản thể với trách nhiệm và ý thức đích thực của người làm ra nó.

Không cầu kì về hình thức, câu chữ tự nhiên, đời thường, ít thủ thuật phân cắt con chữ, ông hóa giải hình thức thơ ca bằng những đào sâu chiêm nghiệm. Những chiêm nghiệm bắt nguồn từ mạch ngầm kí ức:

Nhà thơ cúi xuống tìm những hạt mồ hôi bỏ quên trên mặt đất

Bao người đã mất, đang còn

Sống âm thầm sau rặng tre khuất lấp

Không một dấu vết

Những mặt ruộng nứt nẻ

(Cánh đồng buổi chiều)

Hành động “cúi xuống” đã nói hết sự trân trọng của nhà thơ đối với những gì “đã mất, đang còn” của thân phận con người. Câu thơ dài, ngắn đan xen như chính từng giọt lòng của ông tan chảy vào đời.

Những chiêm nghiệm trong “Cõi lặng” được hành động hóa để đến và đi từ chốn thực thực hư hư như dòng sông Hương huyền thoại trôi mãi trong tâm khảm con người: 

Anh trôi đi

Không bắt đầu không kết thúc, không bờ bến

Anh mang tự do của nước đến với cuộc đời

Như sông từ hữu hạn đến vô hạn

Để mãi mãi có mặt

Để sống

Bên người

Phải chăng Sông Hương?

(Sông Hương)

“Trôi” ngỡ hồ nhẹ nhưng không nhẹ vì cái đích của nó là không cùng. Nhà thơ “trôi” với tư thế rất riêng: “Anh nằm cong như một con thuyền neo bên sông”. Tư thế trở trăn của một tâm hồn “Thơ ta, ta gửi đến bao người” dù đã “hăm hở đôi vai tuổi tác” nhưng vẫn “Bằng bước chân chậm rãi/ Nhà thơ lặng lẽ nối gót người nông dân đi mãi” để “quẫy đạp một hành trình mới”: “Cả người nằm trong đất, cả người đang đi trên đường/ Chúng ta nhìn đời bằng ánh mắt ngay thẳng/ Bởi chúng ta là người chiến thắng”. Một hành động, một tư thế, một hành trình vô tận... như thế rất thiết thực cho thơ và cho cả người thơ. Ngay trong cơn buồn đau, hư tàn, với Nguyễn Khoa Điềm vẫn là hy vọng:: “Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành/ Nỗi buồn đánh thức hy vọng” (Hy vọng). Nơi tàn nhẫn nhất, buồn nhất lại là “cõi lặng” để cọ xiết lòng mình trước âm ba cuộc sống.

Nhà thơ xem cuộc trở về này là một “định vị”. Mà quả đúng thế! Một người quả quyết “hút tâm trí đường bơi những con bống cát” “đi mãi vào cánh đồng buổi chiều”, chỉ còn lại “anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ” để khoáng đạt cõi tâm mình: “Giấc mơ xưa dù bao dâu bể/ Bên thềm xuân còn một nhành mai”. Cho nên, những hình ảnh con sông quê hương, cây long não nhà bạn, cánh đồng làng, cố nhân... trong thơ ông đều chứa chất tâm sự. Khi bạn lục đục vào nấu ăn, một mình nhà thơ với cây long não cũng trở thành câu chuyện cuộc đời: “Cây long não già mà lá trẻ/ Như ta giữa cuộc đời này.../ Năm tháng bên nhau/ Nhận lấy phần bụi bặm/ Trả ta hương lành/ Và một chút gì sâu xa/ Không rõ nữa” (Ngồi với cây long não nhà bạn).

Như vậy, kí ức trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là kí ức-hành động chứ không phải là kí ức-dĩ vãng. Nguyễn Khoa Điềm viết “Cõi lặng” nhưng đâu phải là chốn nhàn hạ, trốn mình mà là chốn sôi động của tâm hồn. Về với “cõi lặng” để giao cảm giữa mình và đời, để khẳng định bản lĩnh và nhân cách của một thi sĩ. Nên, chuyến về này là “chuyến về” để tiếp nối lộ trình con người:

Anh gọi đó là chuyến về không hạn định

Để là một người trong mọi người

Anh tham dự trận tấn công cuối cùng

Vào cái chết

Hãy lộn ngược da anh

Và ghi lên đó mật khẩu:

- Không lùi bước!

(Bây giờ là lúc...)

Dù: “Mắt mũi ngày càng kém/ Chữ nghĩa rậm rịt điều cao xa/ Bao giờ, nơi nào, anh đọc được mình/ Qua nỗi đau nhân loại?” (Những quyển sách), nhà thơ vẫn không ngừng tiếp bước. Đấy là sự thiết lập tương hỗ giữa nhà thơ với cuộc thế. Người đọc có thể chưa hào hứng với tính “vô tư” câu chữ của “Cõi lặng” nhưng lại bị lôi kéo bởi lớp trầm tích trong đó. Những hình ảnh, con người đời thường, những chớp nhoáng của nỗi nhớ, của sự luyến tiếc pha chút ân hận... lôi kéo, đầy ma mị.

Những cảm hứng thế sự được nhìn nhận qua lời thơ thầm ẩn như “mùi thơm lúa khoai thân thuộc” mà lại tái tê, se thắt. Ông nhận ra mồ hôi quá rẻ rúng trước cuộc sống đầy cạm bẫy và rỗng rênh:

Hung bạo trên mạng, trên sàn diễn, trong lớp học

Hung bạo giữa bàn nhậu, cửa sau công sở, hung bạo đường phố

Hung bạo văn chương, tố giác nặc danh

Lạng lách thời thượng và sành điệu

(Nghe tin hai nhà khoa học bị tai nạn xe máy)

Sự sống được liệt kê, bày ra hết thảy. Trong cuộc sống hỗn độn ấy, mạnh yếu trở thành hý trường:

Những kẻ mạnh luôn đánh thắng

Những kẻ yếu luôn đổ máu?

Kẻ mạnh chiếm đa số trong nghị viện

Kẻ yếu bị rượt đuổi trên đường phố?

...

Kẻ mạnh ném bom ở Afghanistan, Irak

Kẻ yếu gom từng chút tự do gãy nát

Thế kỷ 21

Phải chăng thế kỷ của kẻ mạnh?

Theo Bakhtin, bản chất của thơ ca là bày biện thế giới nội tâm của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, hình tượng nhân vật trữ tình và tác giả đời thực dù có giống nhau nhưng không hoàn toàn trùng khít. Hình tượng nhân vật trữ tình luôn bị chi phối và kiểm soát bởi ý thức của tác giả. Bởi vậy, “Cõi lặng” ấy đâu chỉ dành cho riêng ông mà nó còn dành cho người đọc. Những sát na cõi lặng vô cùng quý giá. Cõi lặng giúp con người chiến đấu với chính mình: “Để mình còn là mình/ Mình là sự sống” (Sự sống).

Sự tự thể hiện suy ngẫm của mình ở “Cõi lặng” đưa thơ Nguyễn Khoa Điềm đến cách thể hiện trực diện. Ông đã nhìn uyên thâm đằng sau bức màn nhung của chính trường sự thực đầy những quằn quại về thân phận nhân sinh. Sự trở về của một cái tâm sáng, một người mạnh mẽ “Chào anh công chức rời những tờ giấy nặng” để làm mới cuộc đời mình:

Rồi con nhớ lại trong đời con cũng đã từng đứt bữa

Cũng đã từng lấy cơm chấm cơm

Mỗi hạt cơm cõng một củ sắn, củ khoai hoặc chỉ là rau dại

Lúc đó mỗi hạt cơm trong miệng con thật ngọt bùi, thơm thảo

Con không cần ăn đến sơn hào hải vị

Để biết đến vị ngon có thể có trong đời

Chỉ cần trong một sát-na con biết lắng mình vào cuộc sống

Một hạt cơm là cả cuộc đời”

(Tập Thiền)

Thiền như cái gương vô hình của cuộc sống. Điều cơ bản là người ta ngộ được chân lý Thiền. Hướng đến cõi thiền là hướng đến sự thánh thiện tâm. Tâm giác ngộ thiền. Thiền làm tâm sáng. Ngay trong bữa cơm, Nguyễn Khoa Điềm nhận ra chân lý thiền. Đó là sự giác ngộ của một tâm hồn đau đáu với cuộc sống nhân sinh khi soi vào cái mơ hồ - “cõi lặng” - chốn sâu nhất của bản ngã để tìm gương mặt mình: “Anh soi thấy mặt mình/ Với nỗi buồn trong sạch” (Cõi lặng).

Mỗi bài thơ là một trải nghiệm. 56 bài thơ trong “Cõi lặng” là 56 nỗi niềm. Những nỗi niềm ấy gom lại kết nên một hồn thơ ưu tư, trăn trở. Sự trăn trở ấy cuồn cuộn khi đón nhận hạnh phúc ngay chính cuộc đời trụi trần này. Nó đã làm nên linh hồn, sức nặng của tập thơ: “Tôi đi mãi vào sớm xuân/ Làm một người trắng nợ/ Thong dong mà mới mẻ/ Cầm tay và giã từ...” (Thành phố, sớm xuân...). 

Đồng Hới, ngày 10-1-2011

H.T.A


-----------------

[1]. Nguyễn Khoa Điềm, Cõi lặng, NXB Văn học, 2007.

[2]. Trần Đăng, Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Bây giờ gió gọi anh đi", http://www.baobinhdinh.com.vn/.

[3]. Hồ Thế Hà, Những khoảnh khắc đồng hiện (tiểu luận-phê bình), NXB Văn học, 2007, tr 33-34.




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 107227)
N guyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, trong một gia đình gồm 7 anh chị em. Ông là người con thứ hai. Cha ông, một nhà giáo trong thời Pháp thuộc, thưở nhỏ ông cắp sách theo cha đi nhiều nơi vì thời gian đó nhà giáo luôn được thuyên chuyển công tác liên tục. Ông thừa hưởng nếp sống mô phạm từ cha mình.
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 99098)
Về Mùa biển động... V ới đôi mắt tinh tường, cái nhìn thàng hậu (nhân bản) Nguyễn Mộng Giác đã xây dựng lại cuộc đời của nhiều gia đình, nhiều nhân vật trong thế hệ những người đã sống hoặc lớn lên ở trong Nam, thời kỳ chia đôi đất nước... Là nhân chứng có con mắt bao quát và sâu xa, ông nhìn và viết lại xã hội miền Nam trước 1975, thuật lại biến cố Phật Giáo những năm 60, biến cố Mậu Thân thập niên 70, biến cố 30 tháng tư 1975, thuật lại cuộc di tản, thuật lại cuộc đời tha hương trên đất Mỹ.. .
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 96499)
Hồn tôi ngây ngây như người nhọc nhằn leo núi, lúc lên tới đỉnh chỉ thấy những khối đá tảng xù xì rêu phong, và nhìn trở xuống là một vực thẳm đầy mây". ( Tha hương , Văn Nghệ xuất bản 1989, trang 1849). Đó là hình ảnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác với Mùa biển động.
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 72294)
M ùa biển động tập 5, Tha hương là tập cuối, dày nhất, hơn 600 trang, quan trọng nhất và được độc giả mong đợi, để biết số phận nhân vật sẽ ra sao, qua cuộc «đổi đời» tháng 4-1975.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 85594)
H ồi xưa, mẹ tôi thường theo mùa mà gọi những người đàn bà bán hàng rong vào nhà để mua hàng của họ. Mùa sen, mẹ tôi mua sen để lấy nhụy ướp trà, mùa cà cuống, mùa cốm, mùa sắn dây…
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 91986)
T ôi có thể kể một câu chuyện giống như diễn tiến tự nhiên của cuộc sống. Tất nhiên điều đó không có hại gì cho sự nghiệp văn chương của tôi. Trừ phi tôi muốn dây dưa bằng những thứ ì xèo người ta gọi là vạ miệng. Con chữ giết người. Sự sứt mẻ tinh thần đem đến những mớ bòng bòng rắc rối. Và họa vô đơn chí sẽ có một vài kẻ bắt vạ không lương thiện. Họ làm tổn thương tâm hồn nhà văn của tôi.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 87853)
T ôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 90885)
T háng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 78098)
Một phóng sự ngắn về nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người vừa ra đi trong sự tiếc thương của bằng hữu. Mời quý vị theo dõi trong phóng sự sau đây  (video 3 phút).
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 99989)
V ì người tụng một thời Kinh Tôi đi rước nắng về in hiên trời Chiều trông chiều vẫn thảnh thơi Tôi đi hái thuốc về in hiên nhà...