- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐI

22 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 107705)


tranmongtu_di

Bà nội Adora vừa đứng làm những chiếc bánh tamale vừa lắng tai nghe mấy người đàn ông đang chụm đầu vào nhau bàn bạc ở góc nhà. Cái bàn bé xíu mà có đến sáu người lớn nhỏ chen chúc. Trong đó có Camilo, con trai bà và thằng cháu nội mới 16 tuổi, thằng Edmundo. Bà vừa trải những mảnh lá bắp khô ra mặt bếp, tay cho chút bột ngô, mấy miếng mỡ vào, nhưng mắt vẫn thỉnh thoảng lại liếc về phía họ. Buổi trưa nắng gắt, táp vào căn bếp hướng tây chói chang nơi bà đang đứng nấu nướng, làm bà cứ thỉnh thoảng lại phải lấy tay dụi mắt, nước mắt bà cứ ứa ra vì mặt trời tra vào những giọt nóng bỏng.

Tiếng sóng biển ở một nơi thật xa nào đó bắt đầu đổ ầm ầm trong đầu bà, cái đầu đã xơ xác trắng phau, càng lúc tiếng sóng càng rõ hơn. Căn nhà này ở thật xa biển, nhưng sao sóng lại dội vào đến đây? Có phải cái tên biển được mang ra nói tới mỗi lẩn tụ họp đã mang theo cả sóng vào căn nhà này. Căn nhà bà và con trai, cháu nội đang cư ngụ do những người công giáo trong một họ đạo ở Mỹ (*)sang xây cho hai năm nay. Mỗi năm, những người đàn ông tốt bụng này, họ đã sang tận đây. Nhóm đổ nền xong, đi, nhóm kế tiếp lợp mái, đến. Họ tự bỏ tiền túi ra mua vé máy bay, bay sang, mua vật liệu về xây cất, họ thay phiên nhau cùng với người chủ gia đình làm cho xong ngôi nhà trong một mùa hè. Rồi họ lại tiếp tục làm cái khác vào mùa hè năm tới. Cái nước Mỹ là nước gì mà lòng tốt như biển và tiền bạc nhiều đến thế! Trách chi ai cũng muốn bỏ xứ sở mình đến đó.

Con dâu bà, ba năm trước đây nó đã bỏ đi, nó đi không tới nơi cũng không quay về. Bà nghe nói nó chết khi chưa ra khỏi một cái đường cống nào đó. Bà nhìn con trai, nhìn cháu nội, khóc hết nước mắt. Nhất định không bao giờ cho hai người này xa bà một bước nữa.

Nhưng thời gian lau khô những giọt nước mắt và hao mòn trí nhớ. Cả mấy tháng nay, người con trai duy nhất của bà lại bắt đầu toan tính một chuyện rất hệ trọng. Bắt đầu anh ta giấu bà, nhưng không giấu mãi được, vì chuyện hệ trọng đó còn dính đến thằng cháu nội cũng duy nhất của bà. Cuối cùng bà biết : hai cha con nó đang tìm đường đi sang cái xứ sở bờ sôi giếng mật đó. Hình như họ sẽ bơi trong sóng nước mà đi.

Họ nói hai cha con sẽ đi, đi đến một chỗ không thể mang bà theo được. Bà biết chỗ đó là đâu rồi. Bà biết bà có cản cũng không cản được. Ba năm đã trôi qua, họ đã quên cái bất hạnh đã xẩy ra cho vợ và cho người mẹ họ, họ nghĩ tới một nơi chốn ấm no, đầy đủ hơn nơi này.

Bà đặt cái đĩa có mấy cái bánh tamale còn bốc khói trước mặt mấy người đàn ông. Tiếng thì thầm im bặt, họ ngước mắt nhìn bà. Edmundo nhìn thấy hai mắt bà nội đỏ hoe vì nấu ăn. Camilo không dám nhìn mẹ lâu, anh cúi xuống nhìn mấy chiếc bánh đang bốc hơi, anh biết những giọt lệ của mẹ đã nhỏ xuống những chiếc bánh này, và chốc nữa anh sẽ nuốt hết vào trong bụng mình.

 

Họ đã lặn ở một chiều sâu nhất mà họ có thể làm được. Họ không nói gì được với nhau. Người cha bao giờ cũng bám sát cạnh con, cái khoảng cách giữa hai người trước sau chỉ dài bằng đúng một chiều dài của người cha. Ông vừa lặn vừa nghĩ, một là cả hai cha con cùng thoát, hai là một mình nó thoát. Nhất định không phải chỉ một mình ta. Nó còn trẻ, nó cần sống hơn mình. Người con bám sát cha,nó nghĩ cha có thể yếu sức chịu đựng hơn nó, mặc dù cha bơi lặn rất giỏi. Nó nhẩm lại số điện thoại, địa chỉ, tên của những người sẽ đến đón cha con nó, để ngộ nhỡ lạc mất cha và họ không đến kịp nó còn biết cách đi tìm sau này. Edmundo đã học thuộc lòng và nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần với cha, trước khi hai người trầm mình xuống nước. Nó nhớ khi nó mười ba, mẹ cũng tìm đường đi, nhưng mẹ không đến được nơi đó, mẹ cũng chẳng thể quay về. Người ta nói, một nhóm mười người, chỉ có hai người chui ra được khỏi đường cống đó, tám người còn lại bị động, không ra được, nước cống lên cao, lương khô mang theo hết. Họ chết vì đói hay vì chìm trong nước, không ai biết rõ. Hai người đi thoát, biên thư về, kể lại chỉ có vài câu giản dị: “Chết trong đường cống”, thế thôi. Rồi nhóm khác lại tiếp tục đi, có người thoát, có người bị bắt, gửi trả lại biên giới, có người chết trước khi bị phát giác. Họ được phía bên kia xứ sở đặt tên cho là “Wet Backs” Những Cái Lưng Ướt.

Camelo thỉnh thoảng lại quay đẩu lại nhìn con, ông không nhớ là đã ở bao lâu dưới nước, nhưng ông biết là không lâu lắm, chặng biển này không dài, cái ranh giới hải phận này ông đã thuộc lòng từng khúc và trước khi hai cha con lặn xuống họ đã biết lúc nào thì cần ngoi lên. Chỉ sợ lúc ngoi lên gặp ngay trực thăng tuần duyên của bên kia biển đang hoạt động. Giữa hai cha con ông thỉnh thoảng lại có bầy cá len vào giữa, những con cá nước mặn đầy mầu sắc, đôi khi một mảng rong vướng vào chân họ. Họ chẳng có tâm trí đâu mà nhìn ngắm. Edmundo nghĩ đến mẹ, sao mẹ không còn sống để cùng đi với cha và mình. Nó nghĩ mình sắp đến nơi rồi, sắp vào được vùng biển mà bao nhiêu thằng bạn mình ao ước.Nó lại nghĩ đến bà nội, bà nội lúc nào cũng làm bánh, lúc nào cũng hầm đậu với mỡ heo cho cha con nó. Tội nghiệp bà nội ở nhà một mình, rồi ai nuôi bà, làm sao bà có tiền mua đậu, mà dù có tiền mua đậu cũng đâu có ai ăn với bà. Ngôi nhà mấy người Mỹ làm phước, sang tận quê nó xây cho, có mái và bốn bức tường tốt, nhưng trong nhà trống trơn, bàn ghế lỏng chỏng, cái long chân, cái tuột đinh. Nó tự nói với mình là sẽ đi làm, sẽ gửi tiền về cho bà nội sắm đồ đạc tốt. Mà làm gì nhỉ? Khi bà chỉ còn mỗi một mình. Thì nó sẽ lớn hơn, sẽ có tiền, sẽ về thăm bà. Bà già rồi, nó biết, nhưng bà sẽ đợi nó mang tiền về. Nó tin như thế. Mấy người đi trước, thoát được, gửi tiền về ầm ầm, họ chuyên làm cắt cỏ, rửa chén ở những tiệm ăn, lau chùi chợ, khuân vác hàng. Dễ ợt, nó khỏe lắm, việc gì cũng làm được hết.

Cha nó chậm lại một chút, ngoái đầu nhìn nó, chỉ một bàn tay lên cao, nó biết là sắp đến chỗ ngoi lên. Nó bơi rướn lên song song với cha, hai cha con nhô đầu lên khỏi mặt nước, nghe ngóng. Biển vắng, không có bóng người, nơi đây không phải là bãi tắm đông đúc. Mùa đông, mặt trời lặn sớm, gió se lạnh, cả không gian có mầu xanh xám, nhưng sóng vỗ nhẹ, yên ắng. Họ vẫn ngâm mình dưới nước, chỉ có hai cái đầu tròn như hai cái nồi xoay qua xoay lại nghe ngóng.

Camelo nói với con:

- Khi mình lên khỏi nước, con không đứng thẳng, con lăn tròn và giấu mình trong cát, thật nhanh, thật kín, nhớ chưa?

- Con nhớ.

Đúng, Edmundo đã thực tập rất nhiều lần ở bãi biển phía quê mìnhvới đám bạn. Nó nghĩ nó làm được.

Hai cha con cùng ngước mặt lên trời một lúc, cùng nghiêng tai lắng nghe những tiếng động trên không. Tất cả vẫn im ắng. Camelo nói khẽ nhưng đủ rõ cho cả hai cha con nghe: “Vào bờ” Tiếng kêu bật lên như tiếng lò xo của một cánh cửa, như tiếng hô của một người lính ra trận. Hai cha con đứng thẳng lên như hai con cá heo trên mặt nước, chạy, rồi lăn ngay khi chân họ chạm vào bờ cát. Cả hai quay tròn , vừa quay vừa trũi mình vào cát. Bỗng ngay trong tích tắc của những vòng quay lăn tròn đó, họ nghe thấy tiếng cánh của trực thăng đảo qua đảo lại trên đầu họ, rồi bay mất hút vào một góc mây thấp nào đó. Chúng hiện ra thật nhanh và bay đi thật nhanh.

Camelo chưa kịp định thần, anh không biết mấy chiếc trực thăng đó từ đâu xuất hiện thình lình như vậy và chúng cũng biến mất chưa đầy năm phút. Anh bảo con:

-Cứ nằm im, chúng ta sắp có người đến đón rồi. Chúng ta đúng hẹn lắm.

Những người đến bới cát lôi hai cha con anh ra không phải là những người cùng xứ, không phải những người hai cha con mong đợi. Đó là những người lính canh giữ vùng biển nước Mỹ. Cha con anh được đưa vào trạm an ninh biên giới hải phận và điền tên vào giấy nhập cư bất hợp pháp. Họ sẽ gửi cha con anh trở về biên giới Mễ bằng đường bộ ngay chuyến xe đầu tiên ngày mai.

 

Bà nội Adora đứng ở trong căn bếp quay về hướng tây. Mắt đăm đăm nhìn ra con hẻm đầy nắng, mặt trời tra những giọt đỏ quạch vào mắt bà. Bà hình dung lại hai cái lưng của hai người đàn ông một già, một trẻ đó, khi họ quay lại phía bà, bỏ đi. Bà đứng đó hai hôm rồi, chờ nghe một người nào đó đến báo cho bà biết con và cháu bà đã đến được nơi chốn họ muốn đến.

Dưới ánh nắng gắt của mặt trời giữa ngày, hai người đàn ông đó đang thất thểu tiến về căn nhà, trên thân thể họ còn nguyên bộ quần áo lặn, nhưng chúng vẫn khô queo như chưa hề được dìm trong nước.

Con và cháu bà trở về với hai chiếc “Lưng khô”.

 

Trần Mộng Tú

3/2011

*Wet back” là danh từ gọi những người Mễ trốn sang Mỹ bằng các đường cống.

 - Nhà thờ Công Giáo St. Louise ở Bellevue,WA có chương trình sang Mễ hàng năm xây nhà cho người nghèo ở Tijuana

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 36385)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, nhà văn Lê Minh Nhựt đang sống và làm việc tại Cà Mau Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu truyện ngắn "Hận Lò Đường" của tác giả Lê Minh Nhựt đến cùng quí văn hữu cùng bạn đọc Hợp Lưu.
30 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34299)
mặt trời trên da lửa đốt âm hồn cánh tay trần. phế tích. những nụ hôn đã hoang dại theo chiều tóc trắng có khi nao bồn chồn hơi thở ngắn
23 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 33341)
Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Lê Miên Ca là bút hiệu của Lê Công Chính sinh năm 1989 tại Bảo Lộc- Lâm Đồng. Lê Miên Ca tốt nghiệp Âm nhạc Dân tộc Nhạc Viện Tp HCM. Hiện sống và làm việc tại Đà Lạt. Quan niệm về thơ: “Tôi cảm nhận mọi thứ xung quanh mình trong trẻo. Nở vô vàn những bông hồng thơm tinh khôi. Qua những lo âu sợ hãi vặt vụn cuộc sống. Vẫn thế, vẫn mọc mầm xuân nụ cười tươi mở. Không còn những âu toan, không còn những rũ rượi tức tưởi vô nghĩa. Gương mặt cuộc sống thành thơ, thơ vi diệu tầng tầng nơi cõi sống tôi”(lmc). Chúng tôi trân trọng giới thiệu những thi phẩm của Lê Miên Ca cùng văn hữu và bạn đọc Hợp Lưu. 
23 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 32046)
tiêu lòn dục vọng hanh hao đêm qua nằm ụ dưới hào manh tâm thưa em nguyệt chiếu bữa rằm cồn lên ngực sóng bãi nằm phơi ngao
18 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34655)
Mấy dòng viết vội và muộn màng này chỉ là những hồi tưởng đứt đoạn để gửi tới một người bạn là Nguyễn-Xuân Hoàng...Nguyễn- Xuân Hoàng lại được biết tới nhiều hơn như một nhà văn một nhà báo tên tuổi từ những năm 1970.Hoàng là tổng thư ký tạp chí Văn Sài Gòn từ 1972, tiếp nối Trần Phong Giao, cùng với những tác phẩm đã xuất bản gồm tuyển tập truyện ngắn: Mù Sương, Sinh Nhật; tuỳ bút: Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu; tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ; và hai truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo…
17 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 39466)
t huở ấy tự đỉnh chiều áp thấp mỏm vực mưa ai đó gieo mình một màu sắc nhọn như đinh trổ vào lênh loang nhớ
14 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 37399)
K hác với quân đội của các đế quốc, quân đội Việt Nam đã luôn phải xây dựng sức mạnh trên chính lòng ái quốc của dân tộc mình. Ngay cả khi Đại Nam đạt đến sức mạnh của một đế quốc Đông Dương, quân đội Đại Nam chưa biết vận dụng sức lực của các sắc tộc Chàm, Ai Lao hay Thủy Chân Lạp. Sức mạnh của quân đội Việt Nam là sức mạnh của sự đoàn kết, chết để giữ đất và chết để mở đất, của sắc tộc Kinh. Mạc Cửu ở Hà Tiên là một biệt lệ.
12 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34280)
C hập chùng đồi núi mây vô ngại Thênh thang trang giấy nốt nhạc trầm Bùn sen ngan ngan trăng đại hải Cánh cửa xuân thì đương mưa râm.
11 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 38804)
T ôi luôn nhớ cái cách Peter áp sát vào người tôi, rối rít, cuồng si, dịu dàng, hung bạo và cho tôi một cảm giác kích thích chưa từng có. Cái cảm giác đó vượt qua tất cả, nó như mách bảo rằng hãy yêu, hãy đánh đổi hết, cả công việc, cuộc đời, tương lai, giá trị đạo đức cũ rích của loài người, để ôm trọn vẹn Peter vạm vỡ trong tay, để cảm thấy Peter trong người mình, cảm thấy sự sẻ chia ngọt ngào, đau đớn, điên cuồng, lạ lùng của một tình yêu vượt thoát trên mọi lý lẽ…
08 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 35214)
t rời đương nắng xin đừng ra bửa củi sợ mưa về kéo rụp cả chân mây trời hết nắng. thôi đừng ra sân nữa để ôn nhu còn đậm nét chơn mày