- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHỮNG LÁ THƯ CUỐI CÙNG CỦA NHÀ THƠ PHÙNG QUÁN

08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 102548)

 

chandung_phungquan-content 

 Nhà văn & Nhà Thơ Phùng Quán 

 Năm 1994, vì một bài viết của Phùng Quán “Cuối Năm Phùng Quán Tìm Thăm Nguyễn Hữu Đang”, chúng tôi cũng có ý định đi tìm người ấy, một người mà chúng tôi tưởng như các nhân vật trong những truyện kiếm hiệp truyền kỳ. 

 Người đó đã bị tai họa sau vụ Nhân Văn, 15 năm biệt giam, đến đó là chỉ để chờ chết, khó có thể trở về được. Sau đó là 20 năm quản thúc. Nhưng Nguyễn Hữu Đang đã không chết, đã không bị hủy hoại, đã lấy cóc nhái, rắn rết mà ăn như thuốc tễ trường sinh, lưng đeo lục lạc như lão Ngoan Đồng, và bình tĩnh tìm một chỗ trũng, dưới lũy tre đầu xóm, nếu có chết thì cố bò ra đó để khỏi làm phiền hàng xóm. Nhưng cái chết đã không đến. Tôi tưởng như ngày nào Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung bị giam dưới đáy hồ sâu vừa mới thoát lên khỏi mặt đất để còn nhìn được thấy ánh mặt trời.

 Một sự tình cờ, chính Phùng Quán lại là người chở cụ Đang về nhà, để chúng tôi gặp cả hai người. Trong dịp này chúng tôi cũng gặp được cả thi sĩ Hòang Cầm trong cùng nhóm Nhân Văn. Cả ba người sau này đều có liên lạc thư từ với chúng tôi về những chuyện văn thơ và cuộc đời của họ. Về cụ Đang, sau khi sưu tầm trong một số sách bằng Anh ngữ và Pháp ngữ viết về lịch sử Việt Nam trong những năm 1945, tôi đã gửi cho cụ một bản sao tấm hình lễ đài tuyên ngôn độc lập mùng 2 tháng 9 và một số trang có nhắc đến tên cụ. Theo như lời kể, tôi tin là cụ có mặt trong tấm hình đó, vì lúc đó cụ là Bộ trưởng Thanh Niên và người được Hồ Chí Minh giao cho việc dựng lễ đài. Chuyện của họ như những điều không tưởng trong một chế độ hà khắc ở bên kia lằn vĩ tuyến một thời.

 Phùng Quán cư ngụ ngay trong khuôn viên trường Trung học Chu Văn An, vì vợ ông là bà Vũ thị Bội-Trâm, một giáo sư dạy văn của trường, nay đã hồi hưu. Căn nhà rộng thoáng mát , ngay cạnh Hồ Tây, có một bể non bộ lớn, bên cạnh rải rác những chậu lan bằng sứ men xanh. Ông lại cất thêm một căn lầu bằng gỗ để tiếp các bạn văn, uống rượu ngâm thơ, mà ông đặt tên là “Chòi Ngắm Sóng”. Khác với nhiều người làm văn nghệ trong nước, Phùng Quán lúc đó có một đời sống tương đối thoải mái, vì theo lời nhà thơ Hoàng Cầm, trong thời gian ít năm trước đó, Phùng Quán đã được phục hồi, và do đó có thêm lợi tức do bản quyền các văn phẩm của ông.

 Không hiểu trong những lần gặp gỡ có gì quyến luyến mà Phùng Quán cứ muốn nhận chúng tôi là em. Phần tôi năm đó đã 60 tuổi, trong đời chưa có ai nhận mình như thế và chưa bao giờ muốn nhận làm em ai, Nhưng từ sau khi gặp, chúng tôi lúc nào cũng cảm thấy gần gũi thân thiết với Phùng Quán như người anh em ruột thịt. Sau này, đọc lại lá thư đầu tiên đề, chúng tôi mới hiểu được phần nào tâm trạng của Phùng Quán:

 “Hai em cho anh được gọi như vậy, vì anh thấy vui và hạnh phúc khi nghĩ rằng ở xa nửa vòng trái đất, mình cũng có người mà mình có thể coi như anh em ruột thịt. Và thỉnh thoảng lại nhắc nhở, thương nhớ nhau, nghĩ về nhau... Anh chỉ có một mình. Bao nhiêu năm nay, anh vẫn tiếc sao ngày xưa mẹ không cố gắng đẻ thêm cho mình mấy đứa em gái em trai. Chắc cụ cũng định cố gắng, nhưng cụ ông mất sớm, lúc đó mẹ anh mới ngoài hai mươi tuổi, mà không hiểu sao cụ nhất định không đi bước nữa... Nỗi buồn tiếc này luôn luôn ám ảnh anh, từ lúc thiếu thời:

 

 Ngày tôi lên đường cứu nước, cứu nhà

 Tôi chẳng được như bao nhiêu anh em đồng chí

 Có mẹ gấp áo quần, em gái nắm cơm...

 Có cha cầm tay dặn dò: Con cố gắng...

 Có người yêu đưa tiễn một quãng đường

 Tiễn đưa tôi

 Chỉ có sóng nước sông Hương dềnh cao chạm bờ cỏ

 Và trăng hạ huyền như một lưỡi gươm cong

 Trăng- Sóng thương tôi đưa một quãng đường...

 

 *

 Buổi sáng cuối cùng ở Hà-nội, Phùng Quán hẹn chúng tôi đến nghe thơ và thâu băng luôn thể. Trong hơn hai tiếng đồng hồ, Phùng Quán kể chuyện và đọc gần hai chục bài thơ mà nhiều bài chúng tôi chưa bao giờ được biết. Phùng Quán lại tặng tôi thêm một chiếc áo chàm xanh, lúc đem ra mặc, sờ vào trong túi vẫn còn những sợi thuốc lá vụn. Cuốn băng này, sau chúng tôi đặt tên là: “Bên Sóng Hồ Tây, Phùng Quán Kể Lại Một Đời Thơ”. Phải được nghe Phùng Quán đọc thơ mới thấy thấm, cái giọng nửa Huế, nửa Hà-nội, rưng rưng, bi hùng, bão táp ấy vẫn còn mê hoặc chúng tôi suốt bao nhiêu ngày sau khi rời Hà-nội cho đến tận bây giờ. Chưa có ai đọc thơ, đọc chứ không phải ngâm, hay đến thế!

 

 *

 

Nhìn vào số lượng tác phẩm thì có lẽ Phùng Quán là một nhà văn vì trong 40 năm, ông đã viết đến hơn 50 tác phẩm, mà số ấn hành thường là bốn chục hay sáu chục ngàn cuốn mỗi lần, và một số truyện ngắn dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Lý do là ông đã bị đưa đi lao động cải tạo 15 năm vì hai bài thơ chống đối chế độ. Sau đó bị cấm viết, thấy tên Phùng Quán là không ai dám in và đăng tải, nên ông đã phải “viết văn chui”. Trước đó, năm 22 tuổi, ông đã nổi danh vối cuốn tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo”, được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1955. Cuốn này đã được tái bản đến lần thứ năm, đem lại cho ông một số tiền nhuận bút khá lớn, có thể mua được 70 cây vàng lúc đó. Sau này, bộ truyện “Tuổi Thơ Dữ Dội”, gần như một tự truyện kể lại cuộc tham gia kháng chiến chống Pháp dành độc lập từ khi ông là một lính trinh sát 13 tuổi. Cuốn này cũng được giải thưởng văn học Thiếu Nhi Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1989 và đã được quay thành phim ảnh dài 155 phút và lại được Bộ Văn Hóa tặng giải thưởng phim hay nhất năm 1990. Cuốn truyện này gần ngàn trang, chỉ là một phần tư của một trường thiên mà ông thường gọi là “Chiến Tranh và Hòa Bình” của ông. Trường thiên này ông đã hoàn tất trong 15 năm, ngay khi còn bị khai trừ, nhưng phần lớn đã bị mối xông. Sau đó, ông đã khởi sự viết lại, nhưng chắc đã không đủ thời giờ. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch tại Nga, Trung Quốc..vv.. Ngoài ra, nhiều truyện ngắn của ông, dù dưới bút hiệu khác nhau, cũng được nhiều giải thưởng trong cũng như ngoài nước, trong đó tập truyện “Như Con Cò Vàng Trong Cổ Tích” được giải nhất của Moscow năm 1970 dưới tên Vũ Quang Khải.

 Nhưng với Phùng Quán, Thơ mới chính là sứ mạng mà Thượng Đế đã giao phó cho ông: “Thơ là mạng sống, là lý lịch đời tôi”, và dù: “...Một đời lao lực, một đời cơcực... một đời thơ...”. Thơ đã mang họa không ít cho ông, nhưng ông vẫn tin tưởng vào sức mạnh của thơ: “Có những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Một câu thơ tâm niệm của ông.

 Hầu hết những người ở miền Nam như chúng ta chỉ biết đến Phùng Quán qua hai bài thơ, “Chống Tham Ô Lãng Phí” và bài “Lời Mẹ Dặn”.

 

 Nhưng phải nhìn vào cả cuộc đời và sự nghiệp của Phùng Quán mới thấy ông là một con người khác thường hơn nhiều. Phùng Quán là một nhà văn, một nhà thơ của những kẻ khốn cùng, của những kẻ bị bất công, của cây cỏ, của đồng đội, của những người bạn trong lúc thế cô. Suốt cả cuộc đời, ông hành xử như một người hiệp sĩ đã được trao cho thanh gươm báu để xông pha cứu khốn phò nguy.

 

 *

 

 Tối hôm đó, chúng tôi đáp chuyến tầu tốc hành Bắc-Nam để đi Saigon, thay vì đi bằng máy bay. Chuyến tầu sẽ đưa chúng tôi đi qua những vùng đất nước chưa đi qua, và để đi lại những quãng đường mà chúng tôi đã đi để hoàn thành một cuộc hành trình từ trước đến nay vẫn còn bỏ dở. Non sông muôn đời vẫn gấm hoa, dù có qua những cuộc phế hưng, hưng phế. Đêm hôm đó nằm trong toa tầu, hình ảnh của Phùng Quán lúc nào cũng đậm trong trí chúng tôi. Cái hình ảnh ngang tàng, nhưng lại hiền hòa trong chiếc áo chàm, chòm râu bạc bay phất phơ trong gió in hình trên nền trời chiều, bên Hồ Tây mênh mông sóng nước.

 Trong những ngày tháng cuối cùng trong đời, cái thời gian mà trong một lần nói chuyện qua điện thoai, Phùng Quán vẫn cười cợt như không: “Anh đang cụng lyvới Tử Thần”. Ông có trao đổi với chúng tôi mấy lá thư, lá cuối cùng ông viết bẩy ngày trước khi mất. Chúng tôi có đem ra đọc lại, ngoài những đoạn về tâm sự, Phùng Quán viết cả đến quan niệm về thơ, về sứ mạng mà ông nhận lãnh, về nhân sinh quan của cuộc đời và những điều ước muốn trước khi nhắm mắt. Chúng tôi thấy những lá thư đó, có những phần chúng tôi muốn đem chia sẻ với những người đã từng mến mộ và muốn tìm hiểu thêm về Phùng Quán. 

 Phùng Quán sinh vào tháng 1 năm 1932 tại xã Thùy Dương, thành phố Huế. Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà-nội, có khoảng 800 người đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi chợt nghĩ đến bài thơ mà ông đã tặng Hoàng Cầm, người anh kết nghĩa, trong đó có câu:

 Ngày mai anh nhắm mắt

 Đi sau linh cữu anh

 Ngòai bạn hữu và gia đình

 Có cả con sông Đuống!

 

 Sông Đuống mặc đại tang

 Khóc bên bồi bên lở

 Sóng vỗ bờ nức nở

 Ngàn đời chịu tang anh…

 

 Phùng Quán đã sống một quãng đời dài bên cạnh Hồ Tây, chúng tôi tin rằng Hồ Tây cũng sẽ dậy “Sóng vỗ bờ nức nở, ngàn đời chịu tang anh”. Chúng tôi cũng tin rằng ngay cả núi Ba Vì sừng sững, mờ sương trước mặt, cũng đang nhỏ lệ để thương tiếc một người bạn đồng ẩm, vì đã có lần Phùng Quán đã từng nhắn nhủ với Ba Vì:

 

 Thôi bác cứ ngồi yên ở đó

 Còn tôi cứ tĩnh tọa ở đây

 Tôi thì làm thơ, bác làm núi

 Nhớ nhau, tưới rượu xuống Hồ Tây

 

 Phùng Quán nằm xuống, người hiệp sĩ đã để lại một “Thanh gươm Thơ báu” cho đời. 

 

 *

 

 Hồ Tây sáng sớm lạnh, đầy sương mù. Ngày 5/11/94

 

.....Anh ngồi bên cửa sổ nhìn ra Hồ Tây đầy sương mù, và cạnh anh là anh Đang đang ngủ say, đắp chiếc chăn hồ cừu vợ chồng em gửi tặng. Anh bỗng nhớ câu thơ của Nguyễn Du “Gió lạnh cả thế gian thổi thốc vào một người đơn độc”. Với tấm lòng và công trình của hai em và cháu đã ngăn bớt làn gió lạnh đó...Cụ Đang hết lời khen ngợi cái chăn đắp ấm mà nhẹ, nó không đè nặng lên ngực như chăn bông.

.........................................

 Ở đây các nhà thơ đều phải bỏ tiền ra in thơ. Mà họ có giầu gì cho cam. Phải dành dụm từng đồng, bớt xén tiền ăn của cả nhà, có khi đến mấy năm mới in được tập thơ. Mà in rồi chỉ đem đi tặng cũng đủ hết hơi. Thì ra trên thế gian này, thơ văn sinh ra để làm vất vả cho con người. Nhưng anh sắp tránh được cái quy luật vất vả đó, Hội Nhà Văn bao cấp in cho anh một tập thơ khoảng 200 trang. Nghĩa là mình không phải mất tiền. Để đền bù lại phần nào họ đã làm khổ mình trong 30 năm. Anh cười ngất. Tưởng là bở. Những một tập thơ để đền bù cho 30 năm thì kể cái giá cũng hơi quá...

.............................

 

 Rất cám ơn hai em đã đọc hết “Tuổi Thơ Dữ Dội” của anh và cả “Trăng Hoàng Cung”. Nói cho đúng ra, anh mới chỉ viết sơ sơ. Sợ độc giả chịu không thấu, nếu viết hết sự thật, thì cả Remarque cũng phải lè lưỡi. Sách anh vốn viết cho con nít đọc, mà trở thành cuốn sách của người già. Mấy ông già cùng thế hệ với anh họ ham đọc cuốn đó lắm. Anh sẽ in tặng hai vợ chồng phim “Tuổi Thơ Dữ Dội”, 2 tập, dài 155 phút, đã được quay màn ảnh rộng. Hôm chiếu ở cổ thành Quảng Trị, năm 1990, cả ngàn người ngồi xem khóc như trong một đám tang lớn, làm anh phát hoảng. Kể với các em như vậy, để nói rằng sách không bịa đặt chút nào hết. Lượm và Mừng, hai nhân vật trong đó chính là một phần đời anh. Anh cũng đang định viết tiếp. Thật ra là viết lại, vì cách đây 15 năm anh đã viết xong cả 4 tập “Chiến Tranh và Hòa Bình” của anh, mà “Tuổi Thơ Dữ Dội” là phần 1. Anh để tất cả vào cái hóm gỗ, hồi anh ở Nghi Tàm. Mối đã xông mất 3 phần. Phần 1 là mối chưa kịp xông, nên còn. Hôm đó anh đã khóc như con nít, vì tiếc cái công trình anh đã làm trong 15 năm.

.........................................

 Anh gửi kèm theo đây hai bài thơ của Tào Mạt, bậc danh bút của Việt Nam và là tác giả chèo lớn với bộ ba “Bài Ca Giữ Nước”. Tào Mạt hơn anh 1 tuổi, đã mất cách đây một năm.

.....................................

 Cho anh được gửi lời thăm bạn hữu bên đó và rất mong có ngày hội ngộ. Anh hi vọng ngày đó anh còn đủ sức làm đầu bếp để đãi hai em và cháu Th. A. một tiệc cá Tây Hồ.

 

 

 *

 

 

 

 

 Hồ Tây, ngày 29/12/94

 

 Anh xin thông báo tình hình sức khỏe hiện nay. Chứng bệnh Xơ gan, cổ trướng (Tên bệnh mà nghe như tên minh tinh điện ảnh Đài Loan). Hiện nay anh rất đep trai. Một lão trượng râu tóc bạc trắng, mang cái bụng sắp đến ngày khai hoa mãn nguyệt. Hàng ngày anh vẫn nhúc nhắc đi lại, sửa sang hoa cỏ, mỗi bữa cũng nuốt được lưng cháo, lưng cơm hoăc lưng sữa. Nhất là vẫn còn đọc được thơ (Tuy lực thơ có sút kém). Và viết được văn. Ngồi viết bị tức bụng thì anh nằm viết. Bởi vậy văn anh bây giờ toàn câu văn chỉ thiên. Rất mong hai em và các cháu yên tâm. Nghe tin anh ốm, bạn bè đến thăm đông như hội: “Phùng Quán mà cũng ốm kia à?”. Xưa nay, các bạn đặt anh vào hàng lim, thép, trời vật không chết. Nếu phải chết thì các bạn sẽ được chứng kiến cái chết của người Chiến sĩ-Nghệ sĩ, “Trông chết cười ngạo nghễ!”. Nhờ ốm mà anh được biết Hà-nội mình nhan nhản Hoa Đà, Biển thước, Tuệ Tĩnh, Lãn Ông...Anh hi vọng khỏi bệnh...

...........................

. Hai em khuyên anh bỏ rượu, nhưng rượu nó bỏ anh, vì từ khi anh bệnh, rượu thấy anh mất phong độ cuả bậc ẩm giả.

 Thư hai em anh chưa nhận được, chắc chỉ đến trễ, không mất đâu. Cuộc đời vui quá không buồn được!

.............................

 

 *

 

 

 

 

 

 Hồ Tây, sáng 5/1/1995

 

 Nhìn chữ anh viết chắc hai em cũng thấy anh chưa đến nỗi nào. Anh vẫn đi lại, tiếp khách, cười đùa, đọc thơ với cái bụng A Di Đà. Cơm, cháo, sưã uống rải rác trong ngày. Bác sĩ gan nổi tiếng vẫn thường xuyên chăm sóc anh. Nhờ em chuyển lời cảm tạ các bạn và thầy thuốc bên đó. Tình của các em sẽ góp phần giúp anh khỏi bệnh. Anh là nhà thơ của dân đen, của những ngưòi móc cống, quét rác... Trong đám này có rất nhiều lang vườn. Họ đòi được chữa trị cho anh. Họ mang tới những rễ cây đào trên các đỉnh núi đá tai mèo, và các thứ lá hái bên các đầm nước mặn. Anh cho sắc lên uống tất, vừa uống vừa cười: “Tôi chơi luôn cả Thiên Đường lẫn Địa ngục!”. Anh nói với họ: “Nếu không may tôi phải giã từ cuộc sống, thì điều hạnh phúc là thi thể tôi được các bàn tay hôi mùi nước cống, mùi phân rác, mùi thuốc nổ, bồng bỏ vào căn hộ bằng gỗ tạp”.

 Nhiều bạn thơ, trí thức trách cứ anh: “Nhà Phùng Quán có nhiều tạp khách!”. Họ đâu biết, chính vì những tạp khách đó mà anh trở thành nhà thơ. Hai em ạ, anh không đươc Thượng Đế ban cho ân sủng tìm thơ trong sự tinh khiết, đầy mầu sắc và hương thơm, giữa các vì sao và bầu trời .....

 Thượng Đế nghiêm khắc nói với anh: “Ngươi phải úp mặt xuống cống rãnh cuộc đời, trên các ao máu chiến trận không bao giờ khô cạn, trong khói đắng nghẹt của thuốc nổ...mà tìm lấy thơ”. Và anh đã phải thực hiện lời nguyền của Thượng Đế, từ lúc tuổi thơ cho đến nay, chương cuối cùng của cuộc đời anh...Anh Hoàng Cầm đến thăm anh luôn, có khi mang theo cả thầy lang, con trai của Yến Lan, tác giả “Ông Gìa Bến Mi Lăng”.

......................................

 Nếu chết, anh sẽ hóa thành một cây cỏ dại, cùng cỏ cây xanh tốt đất này...

........................................

 

 *

 

 Hồ Tây sớm sương mù ngày 13/1/95

 

 Anh phải thông báo ngay là anh vẫn đang nằm ở nhà, vừa cười vừa nốc cạn ca đầy, cốc vơi các thứ dược liệu cỏ cây trị bệnh như thần! Anh hi vọng sẽ khỏi. Cỏ cây của cả đất nước lẽ nào không cứu nổi một nhà thơ?

..............

 Thư trước anh nhắc chuyện “Thơ và cống rãnh” là cốt để hai em biết thêm một khía cạnh về quan niệm thi ca của anh mà anh thường phát biểu để chống lại quan niệm “Con chim ngứa cổ hót chơi”. Với anh thì lời khen tặng sang trọng về thi ca là của nhà văn Dan Hich nói về Andersen: “Ông ta là người có khả năng kỳ diệu. Bất kỳ cống rãnh nào cũng mò thấy ngọc trai!”. Còn về bệnh thì anh tin sẽ lành, nếu anh vượt qua năm Tuất.

......................... Hiện nay anh đang bị một cú “Nốc ao”, và trọng tài đang đếm đến 6. Hai em cứ ở lại bên đó ăn cái Tết thật vui với các cháu. Thế là ở bên này anh khỏe.....

.......................................... ................. 

 

 * 

 

 Ngay sau khi Phùng Quán mất, chúng tôi có gửi thư về nhắc bà Phùng Quán cố giữ gìn các kỷ vật trong Chòi Ngắm Sóng, các tác phẩm và thâu thập các bài viết rải rác để làm một “Thư Viện Phùng Quán”. Chúng tôi đã gửi lại những lá thư mà Phùng Quán viết cho chúng tôi, đó là bút tích cuối cùng của ông. Cũng theo lời bà ngay cả cuốn băng mà chúng tôi có mấy tháng trước cũng là cuốn băng thơ độc nhất thu được những lời thơ của ông, chúng tôi cũng đã gửi về để bà giữ trong Chòi Ngắm Sóng.

 

 Những lần về thăm Việt Nam sau này, chúng tôi đều gặp cụ Đang, thi sĩ Hòang Cầm và bà Bội Trâm. Mỗi lần gặp lại, mỗi lần chia tay là mỗi lần tưởng như không bao giờ gặp lại. Cụ Đang đã mất và thi sĩ Hòang Cầm cũng đã mất. Cả hai đều được đông người mến mộ đưa tiễn.

 Lần cuối, chúng tôi gặp lại bà Bội Trâm vào dịp Tết Canh Dần năm 2009, và cô con gái từ Lào trở về thăm mẹ. Bà cư ngụ tại một cao ốc trong vùng Bưởi, ngọai ô thành phố Hà nội. Chòi Ngắm Sóng đã bị thành phố giải tỏa, không còn nữa, nhưng trong căn hộ mới vẫn còn những di vật của Phùng Quán. Trước khi chia tay, bà đã thu ghém một số sách mới xuất bản viết về Phùng Quán tặng chúng tôi. Hơn năm sau, chúng tôi được tin bà qua đời. Theo ước nguyện, phần mộ của Phùng Quán và bà Bội Trâm được cô con gái của ông bà di chuyển về quê của ông là xã Thùy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, cách thành phố Huế 6 Km về phía nam.

 

 *

 Phùng Quán đã được đưa về quê đúng như ý nguyện. Những người tổ chức di quan lại cũng đã hòan thành bổn phận đưa hai ông bà đến nơi có cuộc đời sau an bình hơn, không như những lời di chúc lúc cuối cuộc đời nghiệt ngã trong văn thơ của ông. Ngôi mộ được xây trên một vùng đất đẹp, được gọi tên là “Lăng Mộ Nhà Thơ Phùng Quán Nhà Giáo Vũ Thị Bội Trâm”. Đúng như một cái lăng nhỏ.

 

 Trong đời của Phùng Quán đã để lại nhiều bài di chúc, bài nào cũng dữ dội. Bài “Di Chúc Chiến Sĩ”, viết năm 1952, lúc còn là lính của tiểu đòan Trần Cao Vân trước khi công đồn. Bài thơ có những câu:

 

 Nếu tôi chết

 Xin đừng đưa tôi đi đâu hết cả

 Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã!

 …………….

 …quanh mộ tôi

 Xin đừng trồng bạch đàn, liễu biếc hay thùy dương

 ……………..

 Nếu phần mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn

 Xin đừng do dự gì tất cả

 Hãy đào mộ tôi lên!

 Quẳng hài cốt tôi đi!

 Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ!

 

 Xin đừng đưa tôi đi đâu hết cả

 Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã!

 

 Người chiến sĩ qua cuộc trường chinh dành “độc lập, tự do, hạnh phúc” đã không chết, nhưng đã bị phản bội và bị vùi dập khi nói lên quyền tự do của người cầm bút và chống lại tham nhũng. Những tai họa mà cường quyền giáng xuống quãng đời dài của ông đã khiến ông viết ra những câu thơ trong bài “Huyệt“, như một lời di chúc phẫn nộ, tuyệt vọng đến cùng cực:

 

 …………………….

 Tôi sẽ đào nấm huyệt

 Cạnh mồ cha mẹ tôi

 Tôi sẽ lăn xuống đó

 Thế là xong một đời!

 

 Đàn mối của quê hương

 Sẽ thay phu đào huyệt

 Bao nghiệt ngã trần gian

 Chỉ dăm ngày vùi hết!

 

 Căn mộ mới đáy huyệt

 Rượu đất tôi uống tràn

 Cụng ly cùng dòi bọ

 Mừng trắng nợ trần gian!

 

 Sau cùng, ít ngày trước khi mất ông đã viết trong một bức thư gửi cho chúng tôi: “Nếu không may tôi phải giã từ cuộc sống, thì điều hạnh phúc là thi thể tôi được các bàn tay hôi mùi nước cống, mùi phân rác, mùi thuốc nổ, bồng bỏ vào căn hộ bằng gỗ tạp”.

 

 *

 

 Chòi Ngắm Sóng không còn nữa, căn hộ của bà Bội Trâm vùng Bưởi không chắc có còn không. Không hiểu những di vật trong chòi Ngắm Sóng, những tác phẩm văn thơ của Phùng Quán nay ở nơi đâu! Thư viện Phùng Quán có được thực hiện ở Hà nội hay ở xã Thùy Dương không? Như ở các nước họ vẫn làm cho các danh nhân văn thi sĩ của họ.

 

 Có hai điều thật là ý nghĩa mà những người tổ chức đã thực hiện được là bên mộ của hai ông bà, một đọan trong bài thơ để đời của Phùng Quán “Lời Mẹ Dặn” đã được khắc lên một bia đá lớn:

 

 Yêu ai cứ bảo là yêu

 Ghét ai cứ bảo là ghét

 Dù ai ngon ngọt nuông chiều

 Cũng không nói yêu thành ghét

 Và dù ai cầm dao dọa giết

 Cũng không nói ghét thành yêu

 Tôi muốn làm nhà văn chân thật

 Chân thật chọn đời

 Đường mật công danh không làm

 ngọt được lưỡi tôi

 Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã 

 Bút giấy tôi ai cướp giật đi

 Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá 

 

 Và một Học Bổng Phùng Quán được thành lập và sẽ tồn tại mãi hàng năm dành cho học sinh tại xã Thùy Dương. Mong rằng những học sinh đọat giải này, nếu có noi theo gương, noi theo cái tinh thần của Phùng Quán, sẽ không bị vùi dập và sống một cuộc đời oan nghiệt như ông.

 

Nguyễn Công Khanh

 

 

Ý kiến bạn đọc
13 Tháng Mười 20141:16 SA
Khách
Đọc sách đã khóc nức nở rồi, vào đây đọc bài này lại ngồi khóc tiếp. Cám ơn tác giả đã viết bài này để ngày hôm nay đây tôi còn có thể biết thêm được về người, nhà thơ Phùng Quán, cám ơn Người
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 104206)
T ôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện lưu giữ khoảng 200 số tạp chí Văn, nói không phải “khoe”, đó là một số lượng không phải nhỏ. Có người gạ mua với giá cao, nhưng tôi không bán, bạn tôi tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu yêu đồ cổ nói bán làm gì; dĩ nhiên có thể copy lại để lưu giữ, tuy vậy đọc bản chính vẫn sướng hơn.
28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 126616)
Đ ời sống có khoảng nào cho riêng em Cho chiều nắng dịu dàng như lụa Tất cả lấp lánh sáng Tranh vẽ cũng cần màu nóng màu lạnh Em chọn màu bí ẩn mộng mơ...
28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 97078)
N hạc sĩ Nguyễn Đức Quang, một trong những người sáng lập Phong Trào Du Ca Việt Nam hồi thập niên 1960, vừa qua đời lúc 4 giờ sáng ngày 27 tháng 3 nhật tại California, Hoa Kỳ, thọ 68 tuổi.
26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 82871)
M ỗi lần trước khi trở lại miền Trung, điều tôi thường hỏi: ngoài đó bây giờ mưa hay nắng. Lần này cũng thế, người em tôi vừa từ Huế trở về sau hai mươi ngày công tác nói: trời đang nắng và thành phố đầy hoa phượng, hoa sen. Bây giờ ngoài đó mùa hè và tôi nhớ tới không khí oi bức trong những chuyến đi cũ vào những thời gian đầu mùa hè: hoa phượng đỏ trên những ngọn cây, hoa sen nở đầy trong hồ Tĩnh Tâm, chung quanh trường thành, những trái nhãn nhỏ sai trên ngọn cây trong Thành nội.
26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96276)
G he chòng chành giữa dòng nước, tôi sợ hãi ngồi bám chặt mạn thuyền, mắt láo liên nhìn trời đêm sáng lờ mờ ánh trăng mười chín. Chúng tôi ngồi dồn đống trong khoang thuyền. Hai tên đàn ông to người chèo ghe gõ nhẹ trên mui báo hiệu đã đến nơi tạm an toàn, chúng tôi có thể cử động đôi chút. Người chèo mũi vén tấm lá che mui nhìn vào.
26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 87099)
C húng tôi tới thị xã Cẩm Phả vào hồi mười giờ sáng. Một cơn mưa bất thường ập xuống, làm như trời cũng cảm được lòng người, nhỏ những giọt nước mắt của trời để làm chất xúc tác cho những giọt nước mắt của người có dịp tuôn trào.
25 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 79995)
Ở mức độ cao hơn một tiểu thuyết khiêu dâm, Florence Dugas dẫn người đọc tiến dần đến chỗ thưà nhận nỗi đau và sự chối từ hiện hưũ, mà nguyên nhân bắt nguồn từ một tuổi thơ bất hạnh. Viết thẳng tay bằng một văn phong sống sượng - nhưng không trơ trẽn - Florence Dugas, với tự truyện Thống Muội , đã bóc trần mọi tình huống, gây xót xa, băn khoăn, trăn trở nơi người đọc. Là giáo sư kịch nghệ của hàn lâm viện kịch nghệ tại Pháp, cô cho xuất bản Thống Muội năm 1996, lúc 28 tuổi.
25 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 82801)
C uộc phỏng vấn Cổ Ngư, Thận Nhiên, và Đỗ Lê Anh Đào với những tiêu đề: "Trở về cùng nhịp thở đất nước; Thơ, con đường ngắn nhất ; Việt Nam, không chỉ là một cuộc chiến" đã được Hợp Lưu thực hiện...
25 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 87166)
"Tôi mang đất nước tôi trong tim như một chàng trai mang chiếc bào thai đôi. Đó là sự nối kết dị thường. Nối kết với quê hương tôi và vì vậy bào thai đôi này phải được che đậy, bóp nghẹt, công nhận và cũng đồng thời bị từ chối. Thế là ta mang nó như mang một đứa trẻ đã chết. Sự nối kết dị thường buộc tôi phải có mối quan hệ với một đất nước khác.
24 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 92982)
N gay sau khi tỉnh dậy, Aisawa đã đi tìm bố mẹ và những người thân của mình. Mỗi ngày cậu bé đều để lại lời nhắn trên giấy: “Con sẽ đến vào 11h ngày mai, xin hãy đợi con. Con sẽ đến vào ngày mai”. Những dòng chữ nhắn nhủ của cậu bé này đã khiến cho bất kỳ ai dù là cứng rắn nhất cũng phải rơi lệ.