- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cầu cho tôi không cầu mong gì cả

05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96345)


dophan_112
 
Khách sạn Hoa Sơn nằm ở trung tâm thành phố Côn Minh. Toà nhà ba mươi tầng cao chót vót trong khu phố đi bộ. Con người đứng trên mặt đất càng như thu nhỏ lại. Chậm chạp. Rề rà. Ái ngại. Và lạ lẫm...Những cây ngô đồng xén tỉa công phu như một dấu nối xanh êm đềm đều đặn len lỏi giữa những khối nhà đồ sộ. Người Trung Quốc hiện đại không ngờ bắt kịp nền văn minh đô thị châu Âu nhanh đến thế? Nếu không có những chiếc cổng gỗ lợp ngói khổng lồ sặc sỡ sắc màu Trung Hoa bất ngờ mọc ra trên phố, rất dễ nhầm nơi đây với thành phố cảng Rotterdam ở Hà Lan.
Người bạn kiêm phiên dịch tiếng Trung tên là Quang đã đặt phòng sẵn cho chúng tôi. Với suy nghĩ lịch sự cố hữu, anh đặt riêng cho mỗi người một phòng. Ở tầng mười sáu. Có thể nhìn ra bao quát thành phố ẩn hiện trong sương mù cao nguyên Vân Nam. Nhiều lần sang Trung Quốc, tôi biết khách sạn bên ấy có một cách chuẩn hoá riêng. Nghĩa là không giống với những đẳng cấp mấy sao thông thường. Họ không cần những tiêu chuẩn quốc tế có lẽ bởi khách hàng của họ phần lớn là người Trung Quốc? Khách sạn bốn sao Hoa Sơn cũng vậy. Phòng ngủ chật hẹp. Chi li đồ đạc sắp đặt không thể nhúc nhích. Có lẽ vì thế anh bạn phiên dịch đã đặt cho mỗi người một phòng đôi. Là vừa vặn.
Cái vắng vẻ trong phòng khách sạn dù đã ở nhiều lần vẫn không dễ gì quen được. Không khí tịch mịch riêng tư có lẽ chỉ thuận tiện cho việc thủ dâm. Buổi tối, quanh đi quẩn lại với vài kênh truyền hình tiếng địa phương. Tìm hiểu cách sử dụng những thiết bị điện và điện thoại. Xả nước vào bồn tắm. Vật vờ ngâm mình trong ấy nửa tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại là quá thênh thang. Và bức bối. Như vừa bị bỏ quên ở một sân ga cuộc đời. Uể oải. Lỡ chuyến mà cũng không thể quay về nhà.
Còn may là khách sạn ở Trung Quốc không cấm hút thuốc. Nhất là ở Vân Nam. Quê hương của thuốc lá.
Lúc chờ check-in dưới sảnh tôi đã thấy mấy người khách Tàu răng ám khói rút thuốc lá ra ném cho nhau lần lượt từng điếu một. Cách mời thuốc có một không hai trên đời. Giống như bố thí? Họ say sưa nhả khói mù mịt. Hết bao thuốc, một người đứng dậy vào quầy bán thuốc lá mang ra bao mới. Lại ném cho nhau từng điếu một. Nhả khói...
Tôi mở toang cửa phòng. Tìm chiếc tẩu trong đáy vali. Chiếc tẩu ở nhà ít khi dùng đến. Đơn giản vì nhà chật. Mỗi lần hút tẩu là cả tuần sau trong nhà chưa hết mùi. Nhưng mùi thuốc tẩu sực nức của hãng Davidoff ở trong khách sạn này cũng không mảy may làm ai chú ý. Mùi thuốc lá Vân Nam còn thơm hơn thế nhiều lần. Và nhất là lại được nhiều người cùng nhả khói một lúc.
Vũ cầm chai rượu Jim Beam ban chiều uống dở sang phòng tôi, làm vài li cho đỡ buồn ông ơi, buổi tối lên xuống mấy chục tầng lầu cũng ngại, vả lại ở ngoài đường mình cũng như thằng câm, chẳng ai nói tiếng Anh! Vũ sang Trung Quốc nhiều lần hơn tôi. Nhưng cũng không thể uống được rượu Trung Quốc. Dù có là Mao Đài hay Khổng Phủ và Mai quế lộ anh cũng chỉ nhấm nháp qua loa. Thật lạ là những gì thuộc về rượu cả tôi và anh đều bắt đầu bằng những kiến thức đọc được từ sách Tàu mấy chục năm trước. Khi còn chưa biết uống. Nhưng rượu trong văn chương chữ nghĩa chỉ có thể đánh lừa được cái đầu. Những Lâm Xung, Lý Quỳ và hảo hán Lương Sơn Bạc uống mỗi bữa cả vò thì tin. Nhưng cái miệng mình uống không vào là không vào. Nhìn chung thì mùi vị của rượu Tàu thơm một cách ngờ vực và quá đáng. Sắp chuyển sang mùi khẳn khắm. Không thể nói là không gợi liên tưởng...

 ***
Cô gái áo đỏ đi qua cửa buồng tôi lần thứ nhất vào lúc 10 giờ 20 phút. Dãy hành lang trong lòng khách sạn hình như không có giờ? Ánh sáng vàng ủng hắt ra từ mấy ngọn đèn vỏ sò treo sát tường chỉ vừa đủ cho người ta nhìn thấy đường mà đi. Suốt năm. Ngày cũng như đêm thì phải? Và màu đỏ trên áo cô gái cũng là một màu ít gây chú ý nhất. Ở Trung Quốc, màu đỏ có thể được nhìn như màu trắng. Hoặc không màu? Khi mà tất thảy đều mang sắc đỏ, con người ta bị mù màu tạm thời. Nhìn cái gì cũng thấy xanh biếc. Trong veo. Chẳng biết vì sao trâu bò thường rất căm ghét màu đỏ? Trăn cũng vậy? Nó có thấy trong veo và xanh biếc? Không giống với môi trường mà nó đang sống? Phải liều chết tranh đấu với con người để tìm lại chỗ của mình? Đấu bò? Có lẽ vì thế Trung Quốc không thể chơi môn thể thao này?
Nhưng mặc áo đỏ ở Trung Quốc? Chẳng làm ai bận tâm. Chỉ như quả ớt chín ném thêm vào hũ tương ớt.
Vũ lơ mơ trong làn khói thuốc bất chợt nhổm dậy ngó ra hành lang. Lúc ấy là 10 giờ 40 phút. Cô gái áo đỏ vừa đi qua cửa buồng tôi lần nữa. Theo hướng ngược lại. Tôi có thói quen xem đồng hồ liên tục mỗi khi xa nhà. Thời gian là thứ chỉ dùng để “trôi đi” lúc ở nhà thì mỗi khi xa nhà tôi dùng để kiểm nghiệm những gì “trôi qua”. Cũng là một cách tiết kiệm. Một phút trôi đi vô nghĩa trong hành trình du lịch cũng có thể tính ra số tiền đã bị lãng phí?
Tôi ngừng hút tẩu. Bật hết cỡ quạt gió máy điều hoà không khí. Mười phút sau, căn phòng trở lại ngay ngắn trong mắt nhìn. Không còn khói thuốc mù mịt vấn vương. Chỉ còn dịu nhẹ mùi whisky ngô ngây ngất và bóng hình của một thân thể đàn bà nôn nóng dường như không mặc áo vừa êm ái lướt qua cửa buồng để ngỏ?
Màn hình TV đang chiếu cảnh múa lân trên khắp đất nước Trung Quốc. Sắp đến Tết Trung thu. Chẳng múa lân thì màn hình vốn đã được mặc định thiên về màu đỏ ngay từ trong xưởng sản xuất máy thu hình? Tôi và Vũ đã cố gắng không để mắt vào màn hình quá nhiều. Nhưng tiếng trống tiếng chiêng inh ỏi và những màn diễn náo nhiệt phiêu lưu của đám người múa lân đã thu hút con mắt không cưỡng lại được. Và kết quả là chúng tôi bị mù màu tạm thời. Đã không thể nhìn thấy chiếc áo đỏ khi cô gái đi qua cửa phòng tôi lần thứ ba. Vũ hấp tấp rút kính lão ra đeo lên mắt. Anh kinh ngạc hỏi, mình nhìn nhầm hay cô ấy thật sự không mặc áo? Tôi cười, ông nhắm chặt mắt lại một phút đi, sẽ bình thường ngay!
Tôi mở mắt ra khi nghe tiếng bước chân rất nhẹ ngoài hành lang. Cô gái áo đỏ rụt rè bên khung cửa với nụ cười bẽn lẽn. Tôi đánh bạo buông lời mời, em có muốn uống rượu hút thuốc cùng bọn tôi không? Nói xong chợt thấy hết sức vô duyên. Tán tỉnh nhăng cuội ở nơi chẳng ai nghe được thứ tiếng của mình?
Nhưng tôi đã nhầm. Cô ấy là người Việt. Nụ cười thân thiện trên môi, cô gái chậm rãi bước vào phòng, em định sang hỏi các anh mấy việc nhưng thấy các anh mải mê uống rượu quá nên không dám vào! Vũ nhướng mắt ngạc nhiên, làm sao em biết chúng tôi là người Việt? Dễ thôi mà, từ lúc ở dưới phòng khách em đã thấy các anh nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, em là Hồng Hoa, từ Hà Nội sang!
Gặp đồng hương ở nơi đất khách quả thật là của hiếm. Nhất là ở một nơi có đến hơn một tỉ người lạ. Da và mũi họ không có gì để phân biệt với mình. Họ cũng chẳng khác mình bao xa về tầm vóc nhân dạng. Nhưng chẳng thể hiểu nhau bằng ngôn ngữ. Ngay cả họ cũng không thể hiểu nhau nếu ở khác vùng miền.
Tôi rót rượu mời Hồng Hoa một li. Vào chiếc cốc đánh răng lấy trong phòng tắm. May mà kích thước và kiểu dáng chiếc cốc rất gần với li uống whisky. Chỉ cần tìm trong tủ lạnh vài viên nước đá là có một cốc whisky tiêu chuẩn. Nàng mỉm cười ý nhị nâng li cùng chúng tôi chạm cốc...
Tửu lượng của nàng rất khá. Vũ là người đầu tiên biết mình không phải là đối thủ. Anh nhăn mặt cố uống hết li thứ hai. Đứng dậy xin phép về phòng nghỉ.
Chỉ còn lại mình tôi với chiếc áo đỏ may bằng loại vải mỏng ôm khít lên một cơ thể căng tràn no đủ.
Chỉ còn lại mình tôi với cặp mắt to linh hoạt và đôi má hừng lên nóng bỏng. Nàng ngỏ ý, ngày mai các anh có đi lễ trên Chùa Kê Túc cho em đi cùng? Tôi đùa, lễ ư, chúng tôi là loại đi chợ không biết mua, đi chùa không biết cúng! Nàng cười, vậy thì em lại có thêm việc làm rồi, em sẽ cúng hộ các anh! Nhưng tôi không định kêu cầu cái gì cả, có lẽ bạn tôi cũng thế? Đấy là anh tưởng thế thôi, cầu cho mình không phải kêu cầu gì cả cũng là một cầu xin, có khi còn là cầu xin lớn nhất đấy!
Tôi hỏi nàng, thế em định cầu xin gì ở trên ấy? Bí mật! Nàng lảng sang chuyện khác, em đi có mỗi một mình thành ra chiều nay muốn vào mấy cửa hàng thời trang mà không dám! Tôi đùa, cửa hàng thời trang vốn là dành cho đàn bà, em còn ngại thì ai dám vào? Em ngại vì không biết tiếng, lại không mang tiền mặt, thanh toán bằng thẻ vô cùng phiền toái!
Nàng hình như đã khéo léo giới thiệu cho tôi về đẳng cấp của mình. Thanh toán bằng thẻ ở Việt Nam chỉ có các đại gia hay dùng. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Khi nàng mới bước chân vào, tôi và Vũ đã ngỡ như sắp sửa có một màn chào hàng quen thuộc. Mấy lần trước sang đây, đêm nào cũng có tiếng gõ cửa. Những cô gái hình như đã được khách sạn cung cấp cho số phòng chỉ có duy nhất một khách đàn ông. Họ không bao giờ gõ nhầm cửa. Tôi không có nhu cầu. Nhất là ở nơi lạ lẫm lại càng bị ức chế. Quang đã dặn dò chúng tôi kĩ lưỡng, nên cài dây xích mở hé cửa. Đừng để cho họ lọt vào trong phòng!
Nàng chủ động vào phòng tôi. Và tôi thì vồn vã mời nàng uống rượu. Tửu lượng của nàng khá. Nhưng gần nửa đêm cũng say mềm. Tôi mạnh dạn cầm bàn tay nóng ấm của nàng, nếu không ngại, em có thể nghỉ tạm ở đây, phòng anh có hai giường? Và thật bất ngờ. Lời đề nghị khiếm nhã và có phần vô vọng của tôi bỗng trở thành sự thật. Nàng khẽ gật đầu và nằm xuống chiếc giường bên cạnh. Khoảng cách với giường tôi chỉ vừa đủ để đặt chân xuống nền nhà. Tôi gắng gượng đứng lên kéo tấm chăn giắt chặt dưới đệm đắp cho nàng. Đầu óc chênh chao, tôi nhoài mình lên chiếc giường còn lại chìm nhanh vào giấc ngủ.
Gần sáng, bỗng thấy một luồng hơi ấm lan man từ chân bò lên đến ngực. Tôi mở choàng mắt. Nàng đứng lom khom cạnh giường đang kéo chăn lên ngực cho tôi, em sợ anh bị cảm lạnh! Tôi cố trấn tĩnh dụi mắt. Nàng khoả thân hoàn toàn. Cặp vú căng cứng đồ sộ trắng. Màu da mịn màng như sữa chảy dưới ánh đèn ngủ góc phòng làm tôi choáng váng. Rất lâu rồi, tôi không có dịp chiêm ngưỡng những làn da như vậy. Những người đàn bà của tôi đã từ lâu không còn muốn khoe khoang những ưu điểm nay đã trở thành nhược điểm của mình. Họ chầm chậm vạch ra những lằn ranh ngăn cách. Bằng những kín đáo không cần thiết. Hờ hững. Lạnh...
Như có một cú đẩy bất ngờ khiến tôi bật dậy. Vòng hai tay xiết chặt lấy thân hình nàng nóng ấm. Nàng đổ người lên ngực tôi êm ái. Vồng ngực căng nhức nhối chật. Những nụ hôn rối rít ùa đến chứa chan không lời...
Nàng nằm lim dim mắt trong vòng tay tôi cho đến lúc những tia nắng đầu tiên óng ánh trên tấm rèm che cửa sổ hắt vào. Tôi với tay kéo rộng chiếc rèm. Một bình minh còn phảng phất hơi sương ngỡ ngàng ùa vào trên đôi má nàng hồng rực...

 ***
Quang và Vũ đã ngồi trong phòng ăn buffet buổi sáng. Họ biết ý không gọi tôi. Mà cũng không cần thiết. Bữa ăn sáng tự chọn thường kéo dài đến mười giờ. Đã có nhiều kinh nghiệm trong những cuộc đi chơi xa, chúng tôi thường nạp cho mình đủ năng lượng dùng trong một ngày. Vừa ngon lành lại vừa tiết kiệm được thời gian dành cho thăm thú.
Khi tôi bước vào, phòng ăn đã chật ních những người. Thật lạ là toàn người bản xứ. Hoặc là người ngoại quốc châu Á như mình. Có lẽ ngành du lịch của Trung Quốc sinh ra chỉ để phục vụ dân mình là chính? Đồ ăn được chỉ dẫn bằng tiếng Trung. Và cũng phần lớn là đồ Trung Hoa. Chỉ có một ít xúc xích tây đóng hộp và bình cà phê đen thẫm để cạnh bình trà cũng đen như vậy. Tất cả được gắn tên bằng chữ Trung Quốc. Tôi không còn cách nào khác. Phải rót cả hai bình ra ngửi...
Vũ nhìn tôi cười đầy ẩn ý, có vẻ như ông đang định làm một cuộc cách mạng ở đây? Tôi ngẩn người, cách mạng nào vậy, có bao nhiêu cuộc cách mạng trên đời thì người ta đã làm cả rồi, đâu đến lượt tôi? Quang cười lớn, mảnh đất này là nơi nhiều nhà cách mạng gặp gỡ nhau, ông có định làm một cuộc cách mạng về quan hệ với chị em chẳng hạn? Tôi trơ trẽn lấp liếm, chính tôi là cuộc cách mạng người khác làm thì đúng hơn, ở đâu thì mình cũng là kẻ sắp hưu trí rồi! Vũ tủm tỉm, chưa chắc đâu, có thể chưa gặp đất...!
Rất may vừa lúc ấy Hồng Hoa bước vào ngồi xuống cạnh tôi. Một nụ cười mãn nguyện trên môi và cặp mắt mở to thích thú, lại gặp các anh ở đây rồi, em may mắn thật đấy, đi đến đâu cũng gặp đồng hương!
Bên tách cà phê, tôi giới thiệu Hồng Hoa với Quang. Chẳng cần giới thiệu thì có lẽ Vũ cũng đã thông báo rồi. Dường như đoán được nỗi băn khoăn của tôi, Quang bảo, ông mời luôn cả em đi cùng với mình cho vui! Tôi cười xoà, Hồng Hoa đi một mình và cũng đến nơi chúng ta cần đến...!
Hơn bốn trăm cây số đường cao tốc. Chiếc xe Buick bảy chỗ ngồi chỉ đi mất chừng bốn tiếng. Nàng và tôi ngồi băng ghế sau. Có lẽ vẫn chưa hết mệt vì trận rượu tối qua và cuộc làm tình buổi sáng, nàng ngả đầu lên đùi tôi ngủ vùi. Câu chuyện như pháo rang của Vũ và Quang cũng không mảy may làm nàng thức giấc. Tự dưng tôi hoang mang về những tình cờ. Tình cờ vứt bỏ công việc ở nhà chỉ để đi đến một nơi thâm sơn cùng cốc? Tình cờ gặp nàng? Tình cờ giở rượu ra uống? Tình cờ nước da trắng ngần. Tình cờ cặp mắt mở to ưu phiền. Tình cờ tôi ham muốn? Tình cờ...
Quang dẫn chúng tôi vào một quán ăn gần chân núi. Anh đã gọi điện báo cho chủ quán từ sáng. Món cháo Ấu tẩu hầm chân giò lợn là món phải đặt trước người ta mới làm. Ấu tẩu là một vị thuốc độc chết người. Dùng để ngâm rượu xoa bóp các vết thương. Muốn ăn, phải ninh kĩ cùng nhiều dược liệu khác chừng năm giờ đồng hồ cho hết độc tố. Nhưng ăn vào thì xương cốt và cơ bắp như muốn giãn ra tức thì. Cảm thấy danh hiệu vô địch thể hình dường như đã ở ngay trước mắt. Chẳng coi Lý Đức và Phạm Văn Mách ra gì?
Hồng Hoa ăn nhỏ nhẻ. Vị đắng của rễ cây Ấu tẩu có lẽ chẳng hợp với ai ăn nó lần đầu. Chính tôi ngày lên Hà Giang thăm bạn đã từng ăn. Và đắng. Đến mức phải uống hàng bát rượu men lá mới có thể át đi được.
Phải ngủ lại ngoài thị trấn Tân Xuyên. Một thị trấn mới gần Thành Đại Lí. Vẫn mỗi người một phòng đôi. Chỉ có tôi và Hồng Hoa dùng hết công suất phòng? Cũng không thể biết. Vũ và Quang là những người thuộc thung thổ nơi này. Họ chắc có cách...
Trong phòng tắm có một hộp chứa đầy bao cao su made in China. Người chủ khách sạn nói thạo tiếng Anh giải thích rằng đó là quy định bắt buộc. Người Trung Quốc đang phải khống chế tăng trưởng dân số! Lại hoang mang. Cái màng mỏng gần đến mức vô hình ấy liệu có chống cự lại được với truyền thống nối dõi tông đường? Tôi không có khát khao về người nối dõi. Đơn giản chỉ vì cuộc đời bận rộn vất vả và tẻ nhạt của mình chả lẽ lại cần thiết phải có người tiếp nối? Vả lại tôi không thích trẻ con. Dù rằng đứa trẻ sau này lớn lên có trở thành lãnh đạo thì cũng không thoát khỏi tuổi thơ ốm đau nghịch ngợm, đái dầm ỉa đùn. Một vài đứa còn có thể ăn cắp vặt.
Sương đêm đè nặng lên thị trấn vùng núi yên tĩnh. Cái yên tĩnh đầy nghi hoặc ở một đất nước đông dân nhất thế giới? Căn phòng nhờ nhờ xanh ánh sáng của chiếc đèn cây trong góc phòng. Hồng Hoa thao thức. Tôi biết thế mặc dù nàng im lặng trong vòng tay tôi với cặp mắt khép hờ. Thân thể ấm nóng và những xao động thịt da li ti chạm vào tôi như những gọi mời...
Buổi sáng, xe đưa chúng tôi vào sát cổng chùa Kê Túc dưới chân núi. Gọi là một ngôi chùa có vẻ như không xứng với quần thể kiến trúc tôn giáo vĩ đại có đến hai nghìn năm tuổi này. Quang bảo, chỉ trong mười năm Cách mạng văn hoá, đám Hồng vệ binh chiếm giữ nơi này đã “có công” xoá đi gần hết dấu tích. Mười năm và hai nghìn năm? Ngôi chùa và những kiến trúc phụ cận mới được phục hồi tu bổ lại trong vòng ba mươi năm nay. Vẫn chưa hoàn toàn trở về nguyên trạng. Mười năm và ba mươi năm?
Một khu trại ngựa với vài dãy nhà lợp ngói ống nằm lẩn khuất trong bạt ngàn cây cổ thụ thân xanh rì rêu ẩm. Chỉ có một con đường độc đạo gồ ghề lát đá lên đến độ cao hơn hai nghìn mét. Và hai phương tiện lên núi như mấy nghìn năm trước. Bằng ngựa và bằng võng cáng. Những chiếc võng cáng bằng cành cây buộc nút mây cầu kì. Có thể nằm mà cũng có thể ngồi tựa lưng ngắm cảnh dưới chiếc lọng vuông tua rua chỉ ngũ sắc. Những người phu khiêng cáng nhỏ thó mặc quần ống chẽn ngồi túm tụm đánh bài dưới chân dốc. Nghe nói nghĩa đen của từ “đểu cáng” ban đầu là để chỉ những người này? Chẳng dại gì mà ngồi kiệu. Không phải vì sợ. Hồng Hoa bảo, ở thế kỉ 21 con người vẫn xử sự với nhau như thời lãnh chúa?
Những con ngựa dùng để leo núi có tầm vóc nhỏ bé. Chẳng thể cõng trên lưng cùng một lúc hai người. Tôi và Hồng Hoa đành phải mỗi người một ngựa. Bây giờ mới thầm thán phục mấy anh trai H’mông say rượu nằm vắt trên lưng ngựa đi hàng chục cây số trên đường núi mà không ngã. Và cũng thầm thán phục những thiếu nữ H’mông. Xuống chợ chơi chờ chồng uống rượu say chỉ để dắt ngựa cho chồng về nhà. Mua một que kem vừa đi vừa mút...
Dắt ngựa cho tôi là một người đàn ông bị tật một bên chân. Anh buộc chiếc áo mưa quanh bụng và đi một đôi giày ủng cao su màu vàng cam. Luôn miệng quát tháo mấy chú ngựa còm đi trước. Chẳng biết năng lượng tiềm ẩn ở đâu trong người đàn ông nhỏ bé tập tễnh ấy? Quãng đường không xa nhưng dốc ngược. Vó ngựa mài trên những bậc đá phát ra những tiếng động khô khốc. Ngay bên cạnh con dốc là những vực thẳm mịt mù mây. Lác đác những bụi trúc bị phạt ngọn nhọn hoắt nhô lên khỏi thung lũng rợn người. Cách nhau mươi mét đã không còn rõ mặt người. Ngựa đi theo trí nhớ? Không chút mệt mỏi trong suốt một giờ đồng hồ người đàn ông tập tễnh mới đưa được chúng tôi lên đến trạm cáp treo.
Vượt qua mấy trăm mét bằng cáp treo dốc ngược. Lên đến đỉnh cao hơn ba nghìn mét. Quang mở túi chia cho chúng tôi mỗi người một chiếc áo mưa. Trời im gió. Tai ù đặc. Vẫn còn phải leo dốc một đoạn khá xa. Mây lạnh luồn trong áo mưa tấm tách nhỏ giọt. Hồng Hoa không có vẻ mệt. Trái lại, ánh mắt nàng đột nhiên sáng ngời trước khung cảnh thần tiên của hàng chục nóc chùa mạ vàng ẩn chìm trong mây trắng. Nàng nhanh nhẹn bước vào gian nhà bán đồ lễ ngoài cổng. Mua rất nhiều hương hoa mang vào chùa.
Chùa chìm trong mây. Không còn giới hạn trong ngoài. Tượng phật ngồi trong điện thờ mờ nhạt khói hương và mây phủ. Những hạt mưa rơi đều trên nền Phật điện sũng nước. Hồng Hoa dâng lễ thành kính bái vọng lên mịt mờ Phật ảnh. Nàng khẩn cầu điều gì đó rất lâu. Không thành tiếng. Tôi rối bời...
Sau cuộc làm tình sáng nay, nàng úp mở cho tôi biết về mục đích đi lễ trên Chùa Kê Túc. Hình như để cầu tự? Chồng nàng, một doanh nhân thành đạt nhưng họ vẫn chưa có con. Người thành đạt rất cần người nối dõi? Tôi chẳng thể đem lí sự của mình ra để áp dụng cho trường hợp này. Tôi ừ hữ cho qua chuyện. Lòng lo lắng khôn cùng. Rất có thể tôi đã là món quà đức Phật gửi xuống cho nàng?
Hơn một giờ đồng hồ quẩn quanh trong những điện thờ. Tôi thờ ơ bỏ vào hòm công đức những đồng Nhân dân tệ lẻ. Chẳng cầu xin vái lạy gì cả. Hồng Hoa quay ra với gương mặt rạng ngời. Trên đôi môi nhợt nhạt vì nước mưa và mây lạnh vẫn lấp lánh một nụ cười mãn nguyện, em đã cầu xin hộ cho cả anh nữa rồi đấy nhé? Tôi ngạc nhiên, anh có muốn cầu xin gì đâu, em biết rồi mà? Nàng cười, thì đấy, em cầu xin cho anh không bao giờ phải cầu xin một điều gì cả!
 ***
Chuyến bay Côn Minh Hà Nội bị hoãn do lượng khách đột nhiên tăng vọt sau kì nghỉ trung thu. Tôi quyết định đi ôtô về cửa khẩu Hà Khẩu và nhập cảnh sang Lào Cai. Ở đấy đêm nào cũng có hai chuyến tàu du lịch về Hà Nội. Giả bộ có việc cần về, tôi định chia tay Hồng Hoa trong khách sạn, anh có việc ở Lào Cai, phải về trước bằng đường bộ, em gắng ở lại chờ máy bay, có khi còn về Hà Nội trước anh đấy! Hồng Hoa buồn rầu, anh sợ em quẩn chân mất rồi, em cũng không còn việc gì ở đây, nếu tiện thì cho em đi nhờ xe về Lào Cai! Tôi cay đắng nhận ra con người bất nghĩa trong mình. Có cần phải như vậy? Với một cô gái đơn độc ở xứ người? Cố trấn tĩnh, tôi bảo nàng, thế thì về cùng bọn anh cho vui!

 ***
Năm giờ sáng, đoàn tàu về đến ga Hàng Cỏ. Tôi giúp nàng mang vali xuống sân ga. Nàng nói khẽ rất nhanh vào tai tôi, đừng bao giờ tìm em nữa nhé, ta về đến nhà rồi!
Bóng nàng hoà lẫn vào dòng người uể oải chen chúc ở cửa ga phía bắc. Một chiếc ôtô Lexus màu hồng nhạt đã chờ sẵn bên ngoài. Nàng mất hút sau tiếng sập cánh cửa chắc nịch. Kỉ niệm cuối cùng của tôi và nàng chỉ là một tiếng động giữa muôn nghìn...
Kể từ đó tôi đã không bao giờ còn gặp lại nàng nữa dù rất muốn.
Phố phường Hà Nội thu về ngập tràn sắc đỏ. Sáu triệu con người có biết bao nhiêu là áo đỏ?

Đỗ Phấn
Hà Nội
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 32152)
Nghe nhiều người khen cuốn Ba người khác của nhà văn Tô Hoài, tôi cố tìm đọc. Đọc xong thì hoang mang… Nói cho ngay, đấy là cuốn sách viết khéo với nhiều cảnh đời sống động và được “lên hương” bằng yếu tố gợi dục đậm đà. Quả là cái khéo của bà hàng xén chợ phiên biết bày bán bắt mắt những món hàng xanh xanh đỏ đỏ …
17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 29064)
Tác giả của tập truyện “gối đầu giường” với biết bao nhiêu thế hệ độc giả “Dế mèn phiêu lưu ký” đã qua đời sáng nay, 6/7/2014 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.
17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 32532)
T rong một cuộc hành quân dài ngày cuối năm 1970 thế kỷ trước, chúng tôi những người lính tác chiến của Quân đội Miền Nam Việt Nam, được lệnh trang bị khá chu tất, từ súng đạn tới quân trang quân dụng. Tuy cồng kềnh, nặng trĩu, tôi vẫn cố sắp xếp để ba lô có được một khoảng nhỏ, đủ chứa vài ba cuốn sách, do vợ tôi, bấy giờ còn là “người yêu” gửi ra hậu cứ. Đó là bốn tác phẩm của Y Uyên, Dương Nghiễm Mậu, Hoàng Ngọc Tuấn, và Ngô Thế Vinh. Ba tác giả đầu tôi đọc say mê, đến Vòng Đai Xanh thì khựng lại...
07 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 36836)
ô i những ngón tay ứa mềm da thịt tôi vuốt tôi nghe đêm rất nồng nàn cơn-xác-thân hun hút muộn màng hồn sắp sáng nơi chân đời vỡ rạn
05 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 33742)
Trăng rắc sầu lên hai vai Cả phố, Gió, Đuôi mắt dài của em Còi xe đêm quất vào đêm Chất lên lưng chuyến người biền biệt xa.
30 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 36365)
M ùa hạ yêu kiều nép vào sau lưng rèm kể cho anh nghe về những cơn mưa khốn đốn những nỗi buồn ngày một lớn lên ban mai run run mang gương mặt hoài nghi nghẹt thở chờ lời giải đáp trên ma trận phức âm của lửa  một ban mai chết non trong mưa
30 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 35710)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, nhà văn Lê Minh Nhựt đang sống và làm việc tại Cà Mau Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu truyện ngắn "Hận Lò Đường" của tác giả Lê Minh Nhựt đến cùng quí văn hữu cùng bạn đọc Hợp Lưu.
30 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 33478)
mặt trời trên da lửa đốt âm hồn cánh tay trần. phế tích. những nụ hôn đã hoang dại theo chiều tóc trắng có khi nao bồn chồn hơi thở ngắn
23 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 32700)
Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Lê Miên Ca là bút hiệu của Lê Công Chính sinh năm 1989 tại Bảo Lộc- Lâm Đồng. Lê Miên Ca tốt nghiệp Âm nhạc Dân tộc Nhạc Viện Tp HCM. Hiện sống và làm việc tại Đà Lạt. Quan niệm về thơ: “Tôi cảm nhận mọi thứ xung quanh mình trong trẻo. Nở vô vàn những bông hồng thơm tinh khôi. Qua những lo âu sợ hãi vặt vụn cuộc sống. Vẫn thế, vẫn mọc mầm xuân nụ cười tươi mở. Không còn những âu toan, không còn những rũ rượi tức tưởi vô nghĩa. Gương mặt cuộc sống thành thơ, thơ vi diệu tầng tầng nơi cõi sống tôi”(lmc). Chúng tôi trân trọng giới thiệu những thi phẩm của Lê Miên Ca cùng văn hữu và bạn đọc Hợp Lưu. 
23 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 31586)
tiêu lòn dục vọng hanh hao đêm qua nằm ụ dưới hào manh tâm thưa em nguyệt chiếu bữa rằm cồn lên ngực sóng bãi nằm phơi ngao