- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mưa trong truyện ngắn của Trần Vũ

13 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 93451)
 mua_dinhcamly-content
 Mưa_photo Dinh Cam Ly
 

*Viết tặng nhà văn Trần Vũ

 

Tìm hiểu bút pháp của một nhà văn, là tìm hiểu những gì ám ảnh hay ít nhất đã gây ấn tượng trong tâm trí nhà văn để làm nên bút pháp ấy. Trần Vũ đã mở đầu bài ký Di vật [1] bằng những dòng bộc bạch: ‘‘Mỗi con người ngày nay mang trong mình một di vật. Với tôi là chiến tranh và tiểu thuyết. Chiến tranh của suốt tuổi hoa niên không bao giờ chấm dứt và tiểu thuyết của một thời đại đã biến mất...” Chỉ mấy câu văn ngắn ngủi nhưng đã cho tôi hiểu về anh nhiều hơn những gì mà câu chữ truyền tải.

 

Theo tôi, “di vật” của Trần Vũ không chỉ có chiến tranh và tiểu thuyết mà còn là những cơn mưa. Không ngẫu nhiên mà trong truyện ngắn của anh, mưa được miêu tả trở đi trở lại nhiều lần, rất đẹp và đầy biến ảo. Trong một lần trò chuyện, anh chia sẻ rằng: ‘‘Tôi ưa mưa. Tôi không thấy ở đâu mưa đẹp bằng ở xứ nhiệt đới. Mưa làm cảnh vật xanh um lá và làm dịu không gian. Mưa đem đến sự reo vui của âm thanh và sự trong trẻo của nước. Mưa ở Á châu cuồng mạnh và ầm ĩ. Mưa như xối nước, mưa vang tiếng cười trẻ thơ và sự giao hòa trời đất lồng lộng... Sống xa quê, tôi rất nhớ những cơn mưa quê nhà”.

 

Khảo sát trên những văn bản tác phẩm của Trần Vũ, tôi thu được một kết quả khá thú vị: có tổng số 13 trên 27 truyện ngắn mà trong đó có sự hiện diện hình ảnh của những cơn mưa. Điều này đủ để nói lên rằng mưa chiếm một vị trí nhất định trong ký ức của anh ― có thể nói gần như một nỗi ám ảnh.

 

Cắt nghĩa hình ảnh mưa trong truyện ngắn của Trần Vũ, bài viết của tôi chú ý hai phương diện sau: Mưa ― cảnh sắc thiên nhiên huyền ảo, dữ dội và say đắm; Mưa ― biểu tượng mang tính ẩn dụ đa nghĩa.

 

 

1. Mưa — cảnh sắc thiên nhiên huyền ảo, dữ dội và say đắm.

 

Đem theo ký ức vào những trang văn, mưa trong truyện ngắn của Trần Vũ trước hết được miêu tả với vẻ đẹp huyền ảo, nên thơ gợi sự say đắm, trong trẻo. Đó là hình ảnh của cơn mưa chiều được ví như một dải lụa dài mềm mại, thướt tha vắt ngang qua không gian bao la của núi đồi trong truyện ngắn Nhã Nam [2]: ‘‘Nhã Nam buổi chiều mưa căng qua rừng vải giống lụa ướt máng dài tới núi..”. Nhìn từ trên cao, dải lụa mưa ấy sáng lên vẻ lung linh và thanh khiết làm lay động hồn người không thôi: “mưa Nhã Nam trong, đẹp như hạt ngọc”. Nếu mưa Nhã Nam mang vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng thì những cơn mưa ở Thuận Hóa trong Cái chết sau quá khứ [3] lại mang vẻ đẹp vừa huyền ảo vừa cuồng nhiệt, đam mê, chan chứa. Đó là những trận mưa đầu thu với những hột mưa nhỏ mà tròn mọng: ‘‘mưa ở phá đẹp kì ảo. Cả một vùng trắng ngần trắng lịm, những tảng nước trắng xóa lồng lộn sa sầm xuống mặt đầm rồi tung bắn lên quẫy với hơi sương, giăng giăng mờ mờ, chạy chạy đường võng trên không. Mưa ở phá rầm rập ào ạt mạnh mẽ. Bầu trời trắng lòa lòa những nước là nước”. Còn là làn ‘‘mưa xuân trắng mờ mịt cánh đồng’’ khiến cho “cả một mặt ruộng như điểm sương, trổ mai trắng, mọc rưng rức đến ngút ngàn..”.

 

Như một đối tượng khách thể, mưa trong truyện ngắn của Trần Vũ không chỉ mang vẻ đẹp huyền ảo, nên thơ, trong trắng mà còn chứa đựng cả những gì dữ dội, bí ẩn và đầy khắc nghiệt của thiên nhiên. Những tính cách tưởng như rất mâu thuẫn ấy lại là đặc trưng của mưa nhiệt đới ― những cơn mưa vốn đẫm ướt trong kí ức của nhà văn. Ai đã từng đọc truyện ngắn Trần Vũ, hẳn còn nhớ trận mưa kinh hoàng của một cơn bão trên đại dương trong Biển san hô [4]: ‘‘Cơn bão đổ ập bất ngờ không báo trướcmưa rơi ngay sau đó, mạnh bạo bắn đâm lớp lớp xuống mặt biển cũng dậy sóng theo […]. Cả đại dương tối sầm, xám xịt không trông rõ quá ba thước. Hạt mưa nặng như mũi dao đâm lún vào da mặt mọi người. Tiếng sóng reo dậy lên ở tứ phía…”.Không phải ngẫu nhiên mà trận mưa trong Biển san hô được nhà văn đặc tả đầy dữ dội, hung hãn tựa như cơn cuồng nộ của đất trời. Theo lời kể của Trần Vũ, đó là một trải nghiệm mà anh không thể nào quên trong quãng đời thuyền nhân của mình: “chúng tôi đang đóng bè bơi lóp ngóp trên biển, bỗng một trận mưa sa xuống làm mặt biển Thái Bình Dương đang bằng phẳng dậy lên những cột gai mưa như bàn chông”.Trong truyện ngắn Vĩ Diên [5], sự cuồng nộ của mưa một lần nữa lại được tái hiện trên trang văn: ‘‘Trận mưa đầu của tuần lễ Tro trút lên mái tất cả giông tố của núi rừng”. Và hẳn độc giả cũng không quên “những cơn mưa Miên nóng và độc ” được Trần Vũ nhắc tới trong Đồng cỏ Miên [6]: “Những giọt mưa nóng và nặng hạt” của một vùng đất lam sơn chướng khí không làm mát mà chỉ gây khó chịu. Chưa hết, nó còn làm cầu nối tới cõi chết khi gieo rắc bệnh tật cho con người. Theo lời kể của Trần Vũ, đó là một trải nghiệm mà anh không thể nào quên trong quãng đời thuyền nhân của mình:“Bên cạnh đó, mưa trong truyện ngắn của Trần Vũ còn toát lên vẻ u ám, hiu hắt như cơn mưa của một ngày ám trời trên đầm Thị Nại trong Mùa mưa gai sắc [7]: “cả một mặt đầm gợn sắc mây, mưa lướt thướt mỏng như những cánh chuồn rù rì vẩn vơ trên mặt nước”. Hay mưa khô cằn ở Quy Nhơn: ‘‘Tôi biết Huệ đã lâu. Từ lúc Huệ còn niên thiếu, những trận mưa rào còn bất chợt đổ về qua qua ấp Tây Sơn, thứ mưa nóng và ẩm của vùng Qui Nhơn sỏi đá…” hoặc mang vẻ ảm đạm, đìu hiu, lạnh lẽo bao phủ không gian nghĩa trang trong Buổi sáng sinh phần [8]: ‘‘Mưa vẫn còn rơi lai rai khi Điềm vào tới nghĩa trang. Hai ven đường mồ mả mọc đìu hiu nằm men sau dẫy tường thấp. Gió thổi bời rời, phe phẩy dăm ba hột mưa ảm đạm. […] Trời mưa ri rỉ suốt cả một buổi làm bầu trời xám ngắt như đã ngã về chiều dù chỉ mới quá trưa”.

 

Tóm lại, với tư cách là một khách thể của thiên nhiên ― mưa trong truyện ngắn của Trần Vũ được miêu tả với dáng vẻ khá đa dạng: vừa huyền ảo, trong trẻo, say đắm vừa dữ dội, cuồng nhiệt và bí ẩn. Những giọt mưa, những cơn mưa trở đi trở lại, không còn thuần túy là những cơn mưa của tự nhiên mà đã đan dệt thành nhiều biểu tượng ẩn dụ đặc sắc.

 

 

2. Mưa — biểu tượng mang tính ẩn dụ đa nghĩa.

 

Trong văn hóa nhân loại, mưa được coi là biểu tượng của những tác động của trời mà mặt đất tiếp nhận được. Mưa là tác nhân làm cho đất sinh sản, nhờ mưa mà đất được phì nhiêu, màu mỡ. Mưa là ân trời, cũng là đức hiền minh. Mưa đem đến sự phong nhiêu tinh thần và vật chất. Bên cạnh đó, mưa còn được nhìn nhận như là biểu tượng của tính dục: nước mưa được coi như tinh dịch. Trong biểu tượng giao phối giữa Trời và Đất, mưa là tinh khí làm thụ thai. Có khi mưa còn được đồng nhất với máu.

 

Với tần số xuất hiện không nhỏ, mưa trong truyện ngắn của Trần Vũ còn xuất hiện với tư cách là một biểu tượng nghệ thuật đa nghĩa. Biểu tượng mưa trong truyện ngắn Trần Vũ không chỉ là sự tiếp nhận những ý nghĩa vốn có trong mẫu gốc mà thiên về sự sáng tạo, bổ sung các hướng nghĩa mới cho mẫu gốc. Tựu trung lại có một số hướng nghĩa chủ yếu sau đây:

 

 

2.1. Mưa — sức mạnh thanh tẩy, hồi sinh và tái sinh.

 

Mưa với tư cách là sức mạnh thanh tẩy, hồi sinh và tái sinh hiện diện trong một loạt truyện ngắn của Trần Vũ. Đó là những trận mưa được xem như nguồn ân sủng đặc biệt đối với những nữ giao liên trong Bên trong pháo đài [10]. Ngoài sự ngột ngạt, thiếu thốn, hiểm nguy của cuộc sống nơi những căn hầm nằm sâu trong lòng đất, họ còn có một nỗi khổ khó nói: ‘‘trong thâm tâm, lũ con gái mong mưa như đất hạn mong nước”. Mỗi khi trời mưa, họ ‘‘túa đi, thi nhau hứng những giọt nước trong suốt, rỉ nhiễu từ những rễ cây mọc len lỏi trong đất ”. Mưa đánh thức những kỉ niệm êm đềm và những tinh nghịch hồn nhiên trong họ: ‘‘Bốn đứa con gái vụt trở nên trẻ thơ, đùa giỡn tạt nước vào nhau…”. Sau những buổi tắm mưa như thế, cả thể xác và tinh thần của họ đều như được hồi sinh, tràn trề sức sống: “tóc Nhu óng ả mượt mà hẳn lên, thôi dính bệt từng mảng bùn đỏ ké… Da thịt Huệ cũng hồi sinh nuột nà, bay mất mùi bếp và tro than”. Họ cùng quây quần, thủ thỉ kể cho nhau nghe những mẩu chuyện góp nhặt được. Sự khốc liệt và gian khổ của chiến tranh như biến mất, chỉ còn lại tiếng cười khúc khích và sự thư thái trong tâm hồn của bốn nữ giao liên.

 

Tương tự như vậy, trận mưa lớn trong Giấc mơ thổ [11] cũng được nhà văn miêu tả như một tác nhân làm hồi sinh mạnh mẽ từ cỏ cây đến vách đá vô tri: ‘‘Trận mưa mạnh, những hột mưa to, nặng, chậm, sâu… Mưa xắn xuống bao lơn tưới ướt chậu quất. Hơi mưa man mát lẻn vào buồng kêu tí tách. Vách tường ẩm rêu chảy nhờn nước. Khối đá xù xì sát cửa sổ bắt đầu hồi sinh”. Không chỉ làm hồi sinh mạnh mẽ thiên nhiên, cơn mưa ấy còn đánh thức những nhạy cảm bất ngờ trong tâm hồn nhân vật Vĩnh. Anh có thể nghe thấy vạn vật ngoài kia đang “cựa mình tắm mưa”. Hơn cả việc đánh thức sự nhạy cảm của giác quan, cơn mưa ấy đã giúp Vĩnh thanh tẩy “những ám ảnh còn sót từ giấc mơ..”, đem lại sự ‘‘khoáng đạt nội tâm bất chợt”. Nếu chén trà thổ như một liều thuốc đặc biệt ru Vĩnh ngược dòng thời gian, sống với những nỗi ám ảnh của quá khứ thì cơn mưa là tác nhân “làm loãng” ảnh hưởng của nó, đưa anh trở về với hiện tại ― để cảm nhận những gì đang xảy ra xung quanh mình.

 

Không chỉ là nguồn sức mạnh rửa trôi đi những bụi bặm cuộc đời, mưa còn như chiếc cầu nối giúp đôi bạn trẻ trong Đầm lầy hạnh phúc [12] nhận ra và thấu hiểu tình yêu của chính mình. Cơn mưa cuốn trôi đi những giận hờn, lầm lỗi, muộn phiền. Họ đứng trong mưa ― những giọt mưa và nước mắt của họ hòa chung với nhau. Thượng đế đang chia vui hay cảm thương cho tình yêu và hạnh phúc tội nghiệp của họ? Thật khó mà biết được. Chỉ biết rằng dưới cơn mưa ướt đẫm, họ hiểu rằng không thể sống thiếu nhau: ‘‘Mùa hạ còn hay hết? Không còn là vấn đề. Mùa hạ chấm dứt với mọi người dưới kia, dưới cơn mưa đầu thu tầm tã.’’ Nhưng Hạ là tên thiếu nữ, sẽ ở mãi với người thanh niên thuyền nhân từ đây.

 

 

2.2. Mưa tiếng gọi quyến rũ và đam mê của dục tính.

 

Dường như “hấp lực âm dương bẩm sinh thuộc bản tính khởi thủy hằng tồn trong bản thể con người’’ có một sức quyến rũ vô cùng kỳ lạ với tất cả những người cầm bút mà Trần Vũ không phải là một trường hợp ngoại lệ. Trong các truyện ngắn của mình, nhà văn không những khám phá con người từ chiều kích của dục tính mà đôi khi cũng tiếp cận thiên nhiên bằng chính lăng kính này. Điều đó lý giải tại sao không ít những cơn mưa trong tác phẩm của Trần Vũ vang vọng một thứ tiếng gọi của dục tính đầy đam mê, cuồng nhiệt và nồng nàn đến như vậy.

 

Đó là những váng mưa đài các, kiêu sa của Phú Xuân trong Mùa mưa gai sắc: “Mưa ở Phú Xuân là những váng mưa ngà ngọc, buông như buông trướng, kiêu sa đổ đều trên mái tường thành cung điện của Nguyễn Vương ”. Mưa được nhân hóa, gợi liên tưởng đến mái tóc của một người đàn bà đẹp đang làm duyên. Mưa như gọi mời chiêm ngưỡng vẻ đẹp lẳng lơ “da thịt” của Phú Xuân. Mưa còn như cất giấu trong mình nhung lụa, phú quý và quyền uy của nghiệp đế vương từ bao đời. Lần đầu tiên ra Phú Xuân, tắm mình trong những hột mưa đài các và lạnh lẽo ấy là “lần quan trọng nhất” trong đời Nguyễn Huệ. Từ đây ngọn lửa tham vọng trong mắt Huệ như cháy bùng lên mạnh mẽ và càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết ― như không bao giờ có thể dập tắt được. Rõ ràng, mưa ở Phú Xuân không chỉ là cơn mưa tự nhiên của đất trời mà là cơn mưa gợi những ham muốn quyền lực và khát vọng chiếm đoạt nơi Huệ. Sau này, Huệ thu phục Thăng Long bằng cách thức không khác gì hành động cưỡng bức chiếm đoạt thân xác của Ngọc Hân.

 

Tương tự như vậy, trong Cái chết sau quá khứ, mưa được miêu tả vô cùng quyến rũ. Mưa gợi lên những đam mê thầm kín nhưng cũng rất đỗi tự nhiên của con người. Mưa làm tỏa sáng vẻ đẹp quyến rũ của thân thể Ngự ― thân thể thiếu nữ tràn đầy sức sống và gợi tình: ‘‘Vải áo mớ ba chảy dán, bó rịt người, thân thể Ngự nổi lửng lên như một nhành lúa trổ vươn trên mặt ruộng lụt nước. Ngự xõa tóc xổ tung rã rượi, chân dầm trong nước, mắt dầm trong mưa. Ngự xòe hai cánh tay mở lòng đón mưa. Những hột mưa nhỏ và tròn mọng, Ngự bảo là đốt tay Phật, vỡ vào đâu, phúc đến đấy. Phật tắm phúc lên người Ngự. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn phúc của Thượng đế vỡ hoa trên da thịt Ngự”. Không chỉ là tác nhân làm bùng lên khát khao nhục dục, ở đây mưa còn là hiện thân của ước vọng thoát tục khi hóa thành những “giọt phúc” ― là ân sủng của đáng tối cao ban xuống. Tắm mình trong những “giọt phúc” ấy, vẻ đẹp của Ngự vừa gọi mời ái ân vừa rạng ngời sự thánh thiện tinh khôi.

 

Bên cạnh đó, mưa còn là chứng nhân cho cuộc tình vụng trộm ngang trái nhưng cũng vô cùng mãnh liệt của “tôi” và Ngự: ‘‘Mưa đêm nhỏ hột tâm tích, nước nhiễu tong tong […], hơi thở Ngự ấm rát. […] Ngự nhắm nghiền mắt, để yên cho da thịt nở dưới tay tôi. Bao nhiêu lửa ở đống củi, như chảy tuôn hết vào trong người Ngự, căng chín, nóng bỏng… tôi đang uống môi Ngự ngọt lịm nước mưa. Ngự là cuộc đời của lão Chu, là giọt nước tinh chất trong suốt vỡ trên cánh đồng tuổi trẻ bạt ngàn gió chướng trong tôi”. “Tôi” ân ái với Ngự hay ân ái với mưa? Bởi mỗi giọt mưa “tôi” uống từ môi Ngự là một giọt tình chảy lai láng vào trong mình “tôi”. Một bên muốn uống cho đầy nhưng vẫn không thỏa được cơn khát của tâm hồn khô cằn như cánh đồng hoang vu và cô độc. Còn một bên muốn bù đắp, gửi trao và giúp bên kia tìm lại những gì đã mất ― tuổi trẻ, mơ ước, khát vọng. Một cho đi và một nhận về.

 

Mặt khác, cũng trong truyện ngắn này, tác giả còn dành khá nhiều dòng văn để nói về mưa ― như một ẩn dụ khác của hành động tính dục nơi con người. ‘‘… Mà thịt da Ngự thẩm thấu lạ. Mỗi bận mưa giông cả một láng mưa, nhọn hoắt, buốt như kim quất qua mái chùa trước khi đâm xuống mặt hồ xanh ngọc, vậy mà khi gieo xuống mình Ngự, những kim mưa tan biến không để lại dấu vết”. Những câu văn không đơn thuần là tả thực mà còn khơi gợi một tầng ý nghĩa khác nữa. Phải chăng những giọt mưa từ trời rơi xuống cũng tựa như những giọt tinh dịch từ cơ thể người đàn ông trút sang cơ thể người đàn bà trong cơn cực cảm giao hoan. Tất cả đều biến mất, không để lại dấu vết bên ngoài.

 

Có thể nói, việc lồng ghép và miêu tả mưa qua lăng kính của dục tính là một trong những nét riêng của Trần Vũ. Cách tiếp cận này vừa quen vừa lạ. Quen vì đã phản ánh được điều mà tri thức văn hóa nhân loại đã ghi nhận: mưa là biểu tượng hôn phối của trời đất ― nước mưa rơi xuống làm vạn vật sinh sôi nảy nở, tốt tươi. Lạ, vì ngòi bút Trần Vũ táo bạo đồng nhất mưa với thân thể đầy quyến rũ gợi tình, gọi mời ái ân của phái nữ. Kiến tạo ý nghĩa cho biểu tượng mưa là một minh chứng cho thấy sự kế thừa và biến hóa trong sáng tác của Trần Vũ.

 

 

2.3. Mưa nỗi thống khổ của kiếp người.

 

Bên cạnh những nét nghĩa nói trên, mưa trong truyện ngắn của Trần Vũ còn là chứng nhân cho nỗi thống khổ của kiếp người. Đây là điểm ít thấy trong văn hóa phương Tây nhưng lại bắt rễ sâu xa trong văn hóa của người Việt. Nó kết đọng trong cách giải thích về nguồn gốc của mưa ngâu tháng 7 (truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ) và trong quan niệm coi mưa như nước mắt của trời khóc cho những mất mát của cõi người. Hướng nghĩa này có thể tìm thấy trong các truyện: Mưa bên chồng [13], Pháo thuyền trên dòng Yang–Tsé [14], Mùa mưa gai sắc, Cái chết sau quá khứ. Cả bốn tác phẩm đều phản ánh những bi kịch đau đớn của con người ở các hướng tiếp cận khác nhau. Trong mỗi tấn bi kịch ấy, đều có sự hiện diện của những cơn mưa ― vừa như nỗi oán hận, đau đớn, mất mát của chính những người trong cuộc, vừa tựa như là nước mắt của Trời nhỏ xuống khóc thương cho những kiếp người tội nghiệp.

 

Câu ca dao của người xưa: ‘Thân em như hạt mưa sa. Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày thật đúng với số phận của nhân vật Chuyên trong truyện ngắn Mưa bên chồng. Cuộc đời làm dâu của cô buồn nhiều hơn vui, cô đơn sầu tủi nhiều hơn là những phút giây êm đềm hạnh phúc. Chuyên đã sống trong mâu thuẫn giằng xé giữa một bên là bổn phận chung thủy của người vợ với một bên là khát vọng tình yêu nảy nở thầm kín nhưng mãnh liệt. Và cô đã đem nỗi lòng của mình bộc bạch với anh chồng ― người duy nhất có năng cảm thấu cô. Hành động vô tình này đã đẩy Chuyên đến bi kịch oan ức “tình ngay lý gian” khi bị chồng bắt gặp đang ngồi trong lòng anh chồng. Khoảnh khắc bi kịch đó, ngoài sự hiện diện của những người trong cuộc, mưa là một chứng nhân quan trọng. Ban đầu ‘‘mưa rơi nặng nề trên mái’’ như đồng điệu với tâm trạng của Chuyên rồi vụt chuyển biến thành cơn giận dữ ― mưa được ví như cơn thịnh lộ của lòng người bùng cháy lên: ‘‘Ngoài trời mưa đổ mỗi lúc một lớn. Mưa sắc như tiếng Bắc chanh chua của bố mẹ và em chồng. Mưa giận dữ như tiếng cãi vã to tiếng của anh cả và Trường trên lầu. Mưa vỗ thùm thụp trên mái tôn. Mưa vần vũ ngoài trời…”. Mỗi chi tiết tả mưa được đặt trong sự đối xứng song hành đã giúp lột tả rõ hơn tâm trạng bi kịch của nhân vật. ‘‘Mưa sắc, ‘‘mưa giận dữ”, ‘‘mưa vần vũ’’ hay chính là ẩn dụ khác về sự hà khắc của nề thói đạo đức, của những cay độc từ miệng lưỡi người đời trút xuống đôi vai của Chuyên. Nước mưa hay cũng chính là nước mắt của cô tự khóc thương cho chính mình: ‘‘mưa khóc ngất trong lòng nàng”. Ở đây mưa không còn đơn thuần là cơn mưa tự nhiên của trời đất mà là mưa của tâm tưởng ― mưa của một cõi lòng đau đớn, tan nát, sợ hãi và hoang mang.

 

Cùng hiện diện với những thời khắc đầy bi kịch của con người, mưa trong truyện ngắn Pháo thuyền trên dòng Yang–Tsé bao phủ mối tình loạn luân của hai chị em ruột: Chi và Toàn. Tình yêu, tình thương, sự hy sinh là động lực để họ dám vượt qua rào cản của đạo đức để sống và yêu nhau. Tự thân hành động của họ mang ý nghĩa nổi loạn: nổi loạn với đạo đức xã hội và nổi loạn với chính mình. Trong khoảnh khắc họ trao thân cho nhau, làn mưa “rơi rả rích” ngập tràn không gian như là tấm màn che giấu, bao bọc cho tội lỗi của họ. Mưa kết hợp với ánh sáng làm họ trở nên đẹp hơn dưới cái nhìn của nhau: ‘‘Hai chúng tôi đứng gần nhau trong bóng tối, chỉ có ánh sáng của những hạt mưa, phản chiếu từ trụ đèn đường, hắt dội vào buồng điểm lăn tăn lấm tấm những hột nhỏ lóng lánh trên thân thể Toàn”. Mưa đồng lõa với họ nhưng đồng thời cũng cảnh báo họ. Đó là khi ánh chớp lóe lên, soi tỏ, đánh thức họ nhớ lại một biến cố kinh hoàng đã làm cho cuộc đời của họ bị biến dạng méo mó. Quá khứ vụt đồng hiện và sống động lạ lùng. Tưởng như những thanh mã tấu đang “bầm xuống xối xả, … từng nhát, từng nhát man rợ trên mặt mũi Toàn” và “sự đau đớn điên dại” của thân xác Chi đang hiện hữu trong tuyệt vọng. Chỉ một vài chi tiết nhưng cũng đủ nói lên rằng sự ám ảnh của vết thương quá khứ đến từ thảm họa vượt biển đối với họ là quá lớn. Sự ám ảnh không chỉ hiện hữu hằng ngày mà còn có mặt ngay cả những phút giây họ muốn quên đi nó nhất. Sau niềm hạnh phúc của những yêu thương máu mủ được gửi trao, họ bên nhau cảm nhận sự tĩnh lặng của đêm. Lúc này cơn mưa đã tạnh và trăng lên. Khung cảnh yên bình như đồng điệu với tâm trạng của họ: “Đêm thanh vắng che chở cho chúng tôi, không có con mắt của người ngoài, không có luân lý của cuộc đời, không có chi hết, chỉ có chị em chúng tôi yêu nhau”. Theo tôi, không phải ngẫu nhiên mà cuộc tình loạn luân của Chi và Toàn lại bắt đầu vào một đêm mưa. Mưa đấy ― là nước mắt của trời hòa cùng với nước mắt của người trong cuộc vừa cảm thương cho niềm hạnh phúc không trọn vẹn của họ: thứ hạnh phúc chắp vá lại sau những giông bão tàn khốc của quá khứ đã quét qua cuộc đời họ. Mưa đấy ― như lời nhắc nhủ họ rằng: bắt người thân phải hy sinh thân xác vì mình là ích kỷ và sự hy sinh thiếu lý trí sẽ dung túng tội ác. Có thể nói nhờ có sự hiện diện của mưa mà nỗi ám ảnh của mối tình “cật ruột” càng thêm đau đớn day dứt trong lòng những người trong cuộc cũng đồng thời là những nạn nhân tội nghiệp ― mối tình khởi đầu bằng một bi kịch và kết thúc là sự thắt lại của một bi kịch khác, không có lối thoát và chìm vào vô vọng.

 

Nếu Pháo thuyền trên dòng Yang–Tsé phản ánh bi kịch tình yêu loạn luân thì Mùa mưa gai sắc lại đào sâu vào một trong những bi kịch muôn thuở của người Việt: ‘‘hôn nhân, điền thổ, vạn cố chi thù”. Đằng sau mối tình của Nguyễn Huệ và Lê Ngọc Hân ― “người quốc sắc, kẻ thiên tài” vốn được lịch sử ngợi ca thực chất là gì? Thông qua lăng kính “siêu hư cấu”, Trần Vũ đã đem đến cho độc giả một cách tiếp cận mới. Thực chất cuộc hôn nhân của họ là sự phức hợp của những toan tính cá nhân đầy quyết liệt mà không hề được xây dựng trên nền tảng của tình yêu tự nguyện. Lê Ngọc Hân chấp nhận “bán thân xác” để thực hiện âm mưu trả thù và khát vọng trung hưng nhà Lê. Nguyễn Huệ chiếm đoạt, sở hữu thân xác Lê Ngọc Hân một mặt để thỏa mãn tham vọng quyền lực. Mặt khác, đó cũng là cách để lấp đi khoảng trống cô đơn trong tâm hồn. Có phải vì thế mà đêm hợp cẩn của họ thật bất thường: ‘‘Đêm hợp cẩn của Ngọc Hân, mưa xé qua rèm trướng phủ Chúa. Tất cả hầm bức của ban ngày nổ tung xuống góc lầu Tử Các. […] Tiếng sấm dậy vạch chớp những đường dài lóe rực nơi ô cửa ”. Không khí, ánh sáng rực rỡ sắc màu và sự rộn ràng hạnh phúc trong lòng những người trong cuộc hoàn toàn vắng bóng. Chỉ có duy nhất sự dữ dội, cuồng phong của đất trời xuyên qua màn mưa giông như tâm trạng “sắp thành đàn bà” của Lê Ngọc Hân: ‘‘tâm thần Ngọc Hân dao động theo giông bão trộn lẫn những bối rối lo lắng tìm cách khuất phục Huệ”. Suốt đêm hợp cẩn, Ngọc Hân bị hành xác bằng những trận mưa roi “vun vút cuồng nộ” và sự cưỡng bức thô bạo của Nguyễn Huệ. Mưa giông cũng vần vũ ngoài trời không ngớt: “những hột mưa gai sắc như muốn trổ mái bắn xuống mình Ngọc Hân ẩm ướt, tủi hổ”. Không phải là những giọt mưa bình thường mà là “những hột mưa gai sắc” ― những giọt nước như mang trong lòng nó sự cứng sắc, xù xì gai góc, nhọn hoắc mà chức năng duy nhất là làm đau đớn. Những hột mưa như những chiếc gai nhọn đâm vào, khoét sâu thêm mãi cõi lòng nhục nhã tan nát của Lê Ngọc Hân, nhân lên nỗi tủi hổ vô cùng.

 

Cuối cùng, Cái chết sau quá khứ là một sự trùng phức hai bi kịch tình yêu: tình yêu đồng tính và tình yêu loạn luân. Tác giả đã khéo léo lồng ghép những bi kịch này trong mối tình của tôi và Ngự ― thực ra là mối tình giữa người mẹ và con gái. Mối tình này phản ánh một điều có thật của người Việt: đó là sự khăng khít, tình cảm quyến luyến gắn bó giữa mẹ và con gái đến mức sinh con ra rồi yêu con gái của chính mình như say người yêu ― yêu nhiều đến mức thành ra loạn luân. Và mối tình ngang trái này không thể thiếu mưa như là một nhân chứng quan trọng. Mưa có mặt trong giây phút yêu đương chan hòa hạnh phúc của họ, khi tôi “uống môi Ngự ngọt lịm nước mưa”. Rồi biến cố ập tới chia cắt họ thì mưa cũng mang nỗi đau của sự chia ly. Những giọt mưa không còn là những hạt nước trong ngần ấm áp mà mang trong mình tất cả sự lạnh lẽo và đau đớn của lòng người: ‘‘Những cơn mưa tầm thu trở về qua đất Thuận Hóa lạnh tăm tăm từ sau khi Ngự đi ở Nội. Váng mưa không còn trong mà đục. Hột mưa nặng như có huyết, nhễu xuống da buốt thấu xương tủy.[…] Mỗi giọt nước là một khối chờ đợi, thai nghén, thành hình, dâng tròn rồi căng cứng mạch máu đầu óc đến lúc vỡ tung vào hư không vắng lặng. Tất cả tẻ nhạt, trầm buồn, u uất”. Bằng phép so sánh lạ hóa, hình ảnh mưa nhân lên những xúc cảm và đem đến cho người đọc nhiều liên tưởng. ‘‘Hột mưa nặng như có huyết” ― mưa được đồng nhất với máu ― của xót xa khi Ngự bị đem tiến cung để đổi lấy vinh hoa phú quý. Mưa thoát thai từ những mong ước ấp ủ là ‘‘khối chờ đợi, thai nghén, thành hình …” của niềm yêu thương bị đánh mất, chỉ còn lại nỗi u uất.

 

Như những chứng nhân từ nỗi đau khổ của kiếp người, mưa trong truyện ngắn của Trần Vũ được nhìn từ khoảng cách rất gần với con người. Đôi khi, mưa không còn là hiện tượng tự nhiên khách quan mà nhập vào cõi lòng, hòa cùng tâm trạng của nhân vật. Lý giải điều này, có thể bắt nguồn từ cảm thức chủ quan và dụng ý sáng tạo của nhà văn.

 

 

*

 

Nói đến thành công về mặt bút pháp nghệ thuật trong truyện ngắn Trần Vũ, có thể kể ra một số phương diện tiêu biểu. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua hệ thống các biểu tượng trong tác phẩm của anh. Nhìn chung hệ thống biểu tượng trong truyện ngắn của Trần Vũ tương đối đa dạng, độc đáo và sinh động. Ngoài biểu tượng mưa, có thể kể đến hệ thống biểu tượng không gian và biểu tượng đồ vật: như đàn dương cầm trong truyện Dương Cầm [15], căn hầm trong Bên Trong Pháo Đài, bức tranh trong Vườn Thượng Uyển Bỏ Hoang [16], căn nhà trong Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu [17], bức tường trong Gia Phả [18], mồ mả trong Buổi Sáng Sinh Phần, v.v.. Giữa những biểu tượng này, mưa xuất hiện với tần số cao nhất và chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa biến hóa.

 

Còn không gian? Đọc lại nhập đề của Cái Chết Sau Quá Khứ một lần nữa để thấy hết chất dữ dội của thiên nhiên ập vào con người:

 

‘‘Ngày xưa, những cơn mưa đầu thu về qua đất Thuận Hoá tuyệt dữ dội. Lão Chu là người thường rủ tôi đi ngắm mưa. Lão đứng hàng giờ ở phá, ngẩng cổ, ngửa mặt thách thức cơn giận dỗi của trời đất. Mưa chúi xuống đất, mưa tắm lên đầu, mưa cắm đầy miệng lão, song lão Chu vẫn trơ trẽn cướp giật thức uống với thượng đế. Lão phá ra cười; tiếng cười sằng sặc lăn lộn trên sóng. Lão Chu nuôi tôi bằng tiếng cười khật khùng điên dại của lão. Nhưng dạo đó tôi còn trẻ, chưa khùng, cũng chưa dại. Tôi chỉ mới bắt đầu biết say mưa. Mà mưa ở phá đẹp kỳ ảo. Cả một vùng trắng ngần, trắng lịm, những tảng nước trắng xóa lồng lộn sa sầm xuống mặt đầm rồi tung bắn lên quẫy với hơi sương, giăng giăng mờ mờ, chạy chạy đường võng trên không. Mưa ở phá rầm rập, ào ạt mạnh mẽ. Bầu trời trắng lòa lòa những nước là nước.

Từ khi biết say mưa, tôi đâm biết say Ngự. Những lần theo lão Chu ra phá, Ngự đẹp man dã. Vải áo mớ ba chảy dán, bó rịt người, thân thể Ngự nổi lửng như một nhành lúa trổ vươn trên mặt ruộng lụt nước. Ngự xõa tóc xổ tung rã rượi, chân dầm trong nước, mắt dầm trong mưa. Ngự xòe hai cánh tay mở lòng đón mưa. Những hột mưa nhỏ mà tròn mọng. Ngự bảo là đốt tay Phật, vỡ vào đâu, phúc đến ấy. Phật tắm phúc lên người Ngự. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn phúc của Thượng Đế vỡ hoa trên da thịt Ngự. Lão Chu lại rống tiếng cười sang sảng, thỏa mãn đã uống hết cơn bão mùa vào bụng. Lão trỏ ngón tay lóng nhọn chỉ lên trời, rồi chỉ vào bụng hỏi: Cuộc đời muốn cái chi? Lần nào cũng như lần ấy, trăm lần như một, lão Chu tự giải đáp một mình. Lão gọi Ngự, vít lấy đầu cổ ướt nhẹp của Ngự, cắn vào rái tai Ngự, rồi run run trả lời: Ngự là cuộc đời! Ngự là cuộc đời! Lão Chu lại ré lên cười the thé sung sướng. Mỗi lần lão Chu làm những cử chỉ khật khùng đáng ghét đó, thay vì bực tức, Ngự lại phát tiếng cười con gái đương thì ròn tan. Giọng cười của Ngự cũng như của lão Chu bắn theo mưa, châm chích, rả rích, làm tay chân tôi bủn rủn. Vì không hẳn chỉ đơn thuần là giọng cười mà là tiếng kêu khát vọng của một loài sinh vật thèm khát thiên nhiên lẫn hạnh phúc của sự sống. Lão Chu ngắm Ngự, rồi nhìn tôi kiêu hãnh. Bão đã đong đầy bụng lão, bão ngập trong ruột, bão làm căng lòng dạ khác thường của lão Chu. Lão tiến lại gần hỏi: Mi hiểu không? Tôi trả lời: Tôi hiểu, tôi hiểu... Mưa ở Thuận Hóa cực kỳ huyền ảo.’’

 

Và một đoạn khác nữa, đầy tương phản trong tính chất thơ mộng:

 

 “…Những cuống sen xanh mát rượi, những lá sen mượt mà trải rộng như những lát chiếu hoa điều đỏ nắng, che chở cho tôi với Ngọc Trản trốn Phật Thích Ca. Nước hồ lạnh mát. Trong vắt. Ngọc Trản lặn thât sâu, tóc bềnh bồng như vi cá. Lúc tôi với Ngọc Trản trồi lên giữa những đài sen nhụy vàng óng ánh, sư ông và các sãi đã về chùa, chỉ còn âm vang tiếng hét lão Chu váng âm rơi vỡ rợp trên những tàu sen chật mặt nước. Cả một đầm sen xanh ngắt run rẩy lay động. Các cuống sen cong búp, như thể tiếng kêu của lão Chu làm chúng sợ hãi. Từng hột nước, từng hột nước chảy lăn trên mình Ngọc Trản. Tôi cúi xuống vết thương giữa bụng Ngọc Trản còn nở ngát.”

 

 

Có còn là văn hay đã là họa phẩm? Tôi từng tự hỏi câu này, như nhà thơ Phan Tấn Hải từng nhận xét: Trần Vũ vẽ tranh dã thú, thuộc trường phái dã thú… Nếu đem vào những màn mưa giăng mắc để tạo không khí riêng cho mỗi câu truyện ― cho từng câu truyện thấm đẫm cảm giác hư ảo và mênh mang ― thì Trần Vũ đạt đến điều anh muốn. Dưới màn mưa không rõ tiếng, không rõ hình, ngòi bút của nhà văn lay động nhân vật biến chúng từ người thành thú, từ thú hóa người cực hung hãn, giao hoan giữa thú với thú, hay giữa thú với người hoặc ăn tươi nuốt sống nhau không còn là nghi vấn, vì người đọc thẩm thấu nét họa vô tình bước vào một thế giới tuy giả định đã đầy mê hoặc.

 

Văn chương, nói như Kundera, là cường độ của sự rung cảm. Sự rung cảm của một ngòi bút diễn ra qua suy nghĩ mà trong suy nghĩ có hình ảnh, rồi bên trong là tính tượng trưng của biểu tượng. Với Trần Vũ, là Mưa.

 

Nguyễn Hạnh Nguyên 

Hạ Long, tháng 2-2011.

 



[1] ký Di Vật, tập san Hợp Lưu in lần đầu năm 2008

 

[2] truyện ngắn Nhã Nam, nguyệt san Văn Học in lần đầu năm 1996

 

[3] trung thiên truyện Cái Chết Sau Quá Khứ , nguyệt san Thế kỷ 21 in lần đầu năm 90,

 

[4] trung thiên truyện Biển San Hô đăng lần đầu trên nguyệt san Làng Văn năm 1988

 

[5] truyện ngắn Vĩ Diên, tập san Hợp Lưu in lần đầu năm 2000,

 

[6] truyện ngắn Đồng Cỏ Miên đăng lần đầu trên nguyệt san Làng Văn năm 1988

 

[7] truyện ngắn Mùa Mưa Gai Sắc, tập san Hợp Lưu in lần đầu năm 1992

 

[8] ] truyện ngắn Buổi Sáng Sinh Phần, nguyệt san Văn in lần đầu năm 1991,

 

[10] truyện ngắn Bên Trong Pháo Đài, nguyện san Văn Học in lần đầu năm 1989

 

[11] trung thiên truyện Giấc Mơ Thổ, tập san Hợp Lưu in lần đầu năm 1994

 

[12] truyện ngắn Đầm Lầy Hạnh Phúc, nguyệt san Văn in lần đầu năm 1989, in lại trong tập Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu, nxb Thời Văn 1991

 

[13] truyện ngắn Mưa Bên Chồng, nguyệt san Thế kỷ 21 in lần đầu năm 90, in lại trong tập Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu, nxb Thời Văn 1991

 

[14] truyện ngắn Pháo Thuyền Trên Dòng Yang-Tsé, Văn Học in lần đầu năm 1991

 

[15] truyện ngắn Đàn Dương Cầm, nguyện san Văn Học in lần đầu năm 1989

 

[16] truyện ngắn Vườn Thượng Uyển Bỏ Hoang đăng lần đầu trên nguyệt san Làng Văn năm 1988

 

[17] truyện ngắn Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu, Văn Học in lần đầu năm 1989

[18] truyện ngắn Gia Phả, tập san Hợp Lưu in lần đầu năm 1992,

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85445)
Ai nghe thấy tên thành phố Seattle đều ngán về cái mưa dai dẳng, một năm gần sáu tháng trời. Biểu tượng của Seattle là một người cầm dù. Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc Anh có về gọi nắng đến cho em…( Trần Mộng Tú) Vậy mà chúng tôi đã ở thành phố Seattle gần 36 năm trời .
10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85765)
Đ ổi mới, không thể viết như cũ, họ biết thế. Nhưng bắt đầu từ đâu? Họ chưa cơ hội nhận được thông tin đa chiều hay tiếp nhận nền thơ ca thế giới với bao nhiêu trào lưu như thứ cửa hàng bách hóa tổng hợp để tha hồ chọn lựa, như thế hệ thơ hậu đổi mới. Mở cửa, họ đối mặt với khoảng trắng mênh mông của sáng tạo, của ý thức và trách nhiệm của nghệ sĩ tự do. Họ cần làm mới, thức nhận rằng mình phải khác. Phải gánh lấy trách nhiệm định phận thi sĩ của thế hệ, của thời đại.
10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 98339)
M ón trà sữa trân châu rất thịnh hành trong giới trẻ ở Việt Nam, nhưng được biết là món trân châu nhập cảng từ Trung Cộng có pha chất nhựa rất nguy hiểm...
09 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85275)
N goại trưởng Mỹ nêu đích danh một số nước nặng tay nhất với việc sử dụng Internet như Saudi Arabia, Việt Nam, Sudan và Trung Cộng. Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ nhưng lại chống đối Hoa Kỳ đẩy mạnh việc cải thiện Dân Chủ trong thế giới Ả Rập.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 72121)
N gười mù, người câm, người điếc, ai cũng thấy hiện trạng xã hội Việt Nam đương đại đang xoay thế nào. Một xã hội bất bình đẳng kinh khủng với ngàn tệ nạn lớn-nhỏ, trẻ-già, sang-hèn. [...] Nhưng chúng ta đã nhìn thấy gì, đã viết được dòng nào từ nguyên liệu khổng lồ ấy? Hay rời rạc dăm câu thơ không rõ nghĩa, vài ba truyện ngăn ngắn kháy khía tủn mủn [...] ngồi nhìn bầu trời xám xịt ô nhiễm, gác chân cho những đứa trẻ tội nghiệp lau giầy, rên ư ử trong nhà hàng bia ôm máy lạnh mà làm thơ móc máy lẫn nhau.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 67564)
C hristine Falkenland, sinh năm 1967, đang là hiện tượng và hy vọng của văn chương Thụy Điển hiện nay. Cô viết tiểu thuyết và làm thơ. Những tác phẩm đã được dịch qua tiếng Pháp: Bóng Tôi (Mon ombre), Cơn Khát Của Hồn (La soif de l’âme), Búa Đe (Le marteau et l’enclume). Bút pháp tiêu biểu Bắc Âu. Văn phong đơn giản, cô đặc nhưng lại cực kỳ day rứt. Nội dung thường hướng về những đau đớn và khúc mắc ái, dục. Búa Đe là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Christine Falkenland được dịch ra tiếng Pháp, do nhà Actes Sud xuất bản tháng Sáu năm 1998.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 80895)
T hơ Việt đi về đâu? Đây là câu hỏi mà tập thể các nhà thơ và giới làm văn hoá-giáo dục VN phải trả lời, với sự đóng góp của ý thức và bản lĩnh từ mỗi cá nhân. Những trang dông dài trên đây chỉ muốn phác họa quang cảnh và vài xu thế chính mà các nhà văn nhà thơ VN đang chứng kiến và đối diện: Sự hình thành nền cộng hòa văn chương VN trong bối cảnh toàn cầu hóa một chiều, cộng thêm bóng đen của toàn trị-mafia và vòng kim cô tự kiểm duyệt trên đầu. May mắn được làm một người quan sát từ ngoài nước [...] Chỉ xin đóng góp ở đây vài ý kiến nghề nghiệp.
07 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 79017)
Q ua chiến tranh, Việt Nam đã chịu biết bao đau thương tan nát. Bằng những hình ảnh và những trang viết, Hợp Lưu 113 sẽ đưa chúng ta một lần nữa... lội qua chiến tranh. Nhìn lại, không phải để đào sâu thêm sự thù hận bởi biên giới chính trị, mà để suy nghiệm về cuộc chiến Việt Nam như những “trận hậu chấn” dần dần tan vào lịch sử...
04 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 111629)
K hông còn gọi là vũ khí, một khẩu colt giữa điệp trùng AK chỉ còn để yên tâm biết trong tay có bạn giữa mịt mùng núi rừng không tìm ra lối đi
04 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 77650)
... D ạo ấy tôi là người yêu của lính. Ban đầu là thiếu úy thông dịch viên chiến trường, xong tụt xuống chuẩn úy Quân Trường Thủ Đức, rồi leo lên trung úy Quân Y, chặp sau đại úy Hải Quân, cuối cùng trở lại hàm thiếu úy binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. [...] Mấy tay này, tiếc thay, chết như sung rụng. Tôi ôm nỗi buồn góa phụ cô đơn rên rỉ nhạc Trịnh anh nằm xuống sau một lần đã đến đây ...