- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Em Kể Anh Nghe Chuyện Đất Trời

08 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 116633)

tranmongtu__2011-content

 Trần Mộng Tú_ 2010



Hôm nay là 30 tết, em dậy sớm lo bữa cơm chiều cuối năm. Từ ngày cha mẹ qua đời, mỗi năm em nhận làm Bữa Cơm Cuối Năm mời các anh chị đến nhà xum họp trước bàn thờ bố mẹ, vừa cùng nhau tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, vừa mời các cụ về cùng đón với các con, các cháu một năm mới trước mặt. Sau đó Tết sẽ được tổ chức vào ngày cuối tuần cho cả gia tộc, với đầy đủ con, cháu, chắt của bốn gia đình.

Năm nay lạnh hơn mọi năm. Sương, tuyết và mưa nhiều quá nên những bụi hoa đào Nhật (Japanese quinces) không nở kịp. Hai hôm trước em đã trèo lên con dốc sau nhà thăm hoa, chỉ thấy những cái nụ rất nhỏ, em có cắt một vài cành vào cắm trong bình nước ấm, nhưng hy vọng hoa nở kịp ngày mồng một rất mong manh. Bàn thờ và phòng khách, phòng ăn chỉ có cẩm chướng đỏ, cúc đại đóa vàng, và thủy tiên đất.

Em cố muốn không nhắc đến những kỷ niệm ngày Tết xa xưa trên quê nhà, không muốn viết xuống những nỗi nhớ của mình về những cái Tết thời trẻ có cha mẹ bên cạnh nữa. Em đã viết về những tình cảm đó trong mấy chục năm nay rồi. Bây giờ em gói nó vào vuông lụa thật quý và đặt vào chiếc hộp thật đẹp, cất vào một góc thiêng liêng nhất của hồn em. Em không mở ra cho ai xem nữa đâu. Cái hộp đó là của riêng em, em mang theo bên mình, và em cũng chỉ mở ra cho một mình em nhìn vào thôi. Mở giữa một bình minh đẹp mùa xuân hay trong một đêm mưa lạnh mùa đông để trầm mình vào hạnh phúc đau thương chất ngất đó, một mình.

Sáng nay mặt trời đang rắc những chùm ánh sáng xuống như tấm lưới hồng rực rỡ tung trên mặt hồ xanh, có vài ba chiếc thuyền nhỏ kéo ra, nhưng không đủ hấp dẫn để em đứng ngắm, em còn lo chuẩn bị bàn thờ và bữa cơm chiều nay cho mười người. Em dậy thật sớm nên đến mười hai giờ trưa, mặt trời đúng ngọ, nắng vừa hắt trước hiên nhà em đã chuẩn bị xong bữa cỗ, Thật ra những món cá thu kho, thịt đông, vịt tiềm em đã làm hai hôm trước rồi.

Em nhìn chung quanh nhà, thấy vẫn thèm một cành đào. Mặt trời ngoài kia bỗng rực rỡ hẳn lên, em nghĩ mình phải đi lên dốc một lần nữa, may ra với sự hào phóng của ông trời, biết đâu những bụi đào đã thêm nụ.

Em mặc áo ấm, xỏ chân vào đôi giầy vải, cầm kéo leo lên con dốc sau nhà. Em muốn nói qua cho anh nghe về con dốc này. Khu xóm nhà em ở trên một vùng đất cao, chạy dọc và nhìn thẳng xuống hồ Samammish, nhà cửa cất trên ba từng đất. Nhà em thuộc từng thứ hai, giữa từng thứ nhất và từng thứ hai có một con đường mòn phân chia ranh đất, nơi đó là đất của thành phố, không thuộc về ai cả. Nhưng nhà phía trên và phía dưới đều được hưởng con đường mòn xanh biếc cỏ và những bụi dâu đen (black berries). Dốc nhà em từ trên cao đổ xuống sân sau, em đã xây thành một cái vườn ba từng, có hai mươi bậc thang leo lên. Năm nào, mùa hè em cũng bị gai đâm khi hái dâu chín. Ở đó, em cũng khám phá ra hai bụi Japanese quince khá lớn, nếu tháng 12 và tháng 1 dương lịch không lạnh lắm và tuyết rơi ít, hai bụi đó sẽ cho em những cành đào ngày Tết âm lịch (vào tháng 2 dương lịch )thật đẹp.

Hôm nay, tuy vẫn lạnh, nhưng mặt trời đang chiếu xuống những tia nắng rực rỡ, không gian thơm mùi cỏ mới, không khí như cắn được dòn tan, em vừa bước vừa tránh những cành gai nằm lẫn trong cỏ, em thích đếm gót chân mình in nhẹ trên nền cỏ hơi ươn ướt. Em chỉ đi khoảng bốn mươi bước là tới chỗ hai bụi hoa của mình. Lòng em tràn trề hương xuân mới, thấy yêu đời, yêu người, yêu cái phần đất mình đang đứng trên nó, yêu mình đang có mặt trước bụi cây, ngọn cỏ, yêu cả những cành gai dâu mình vô ý dẫm phải.

Nhưng anh ơi! Anh có biết em đã nhìn thấy gì dưới một bụi hoa đào chưa kịp nở không? Anh đoán đi, em chắc anh không thể nào đoán ra được đâu, vì sẽ ngoài sự tưởng tượng của anh: Em thấy một đôi nam nữ đang nằm quấn vào nhau. Họ không nhìn thấy em, không nghe thấy tiếng bước chân em. Cái lưng của chàng trai úp bên trên, nên cái gáy không có mắt, cô gái nằm dưới tuy mặt ngửa lên, nhưng hai mắt lại nhắm nghiền. Họ đang say đắm hôn nhau, bốn cái tai chắc đang điếc hay chỉ lắng nghe tiếng thở của nhau, nên họ không thấy em và không nghe tiếng bước chân em trên cỏ. Hay tại em bước nhẹ quá. Hay tại em không hiện hữu dưới mắt họ. Em đứng im, gần như nín thở, ngay cả không dám quay lui vì sợ gây tiếng động. Đám mây trên trời như ngưng bay, gió không thổi, nắng rực rỡ như lửa than, và em như đá tảng. Nắng chiếu óng ánh trên mái tóc ngắn của cậu con trai, chiếc sơ mi mầu xanh dương hơi nhàu nơi hai bàn tay cô gái níu. Cô níu chặt quá, làm cái cổ sơ mi như muốn lật ngửa ra soi rõ một cái gáy thanh xuân mạnh mẽ. Cô gái nằm phía dưới tuy không nhìn rõ hết khuôn mặt, nhưng vầng trán nhô ra rất thanh tân. Em đoán họ độ mười lăm, mười sáu tuổi.

Em cứ đứng ngẩn ra, không dám thở mạnh, em nghĩ đến hình ảnh vườn Địa Đàng trong kinh thánh, bây giờ chỉ cần một con rắn nhỏ chui ra trong bụi hoa đào thì hai người trẻ trước mặt em sẽ có tên là “Adam và Eve” ngay lập tức. Em thấy cả một quang cảnh trước mặt em, nếu đem đóng khung lại, thì sẽ là một bức tranh xuân đẹp nhất trong những bức tranh một đời em được chiêm ngắm. Em hoang mang tự hỏi: người ta yêu nhau đẹp như thế này, sao Thượng Đế lại sai thiên thần đuổi họ ra khỏi vườn Địa Đàng hả anh?

Em dón dén cố đi giật lùi lại ít bước trước khi quay lưng lại họ, em không muốn đánh thức họ ra khỏi cơn mê ái tình. Em bước rất khẽ về phần đất nhà mình, em xuống hết hai mươi bậc đá của cái vườn thang và em ngồi xuống bậc cuối cùng, ngay dưới gốc cây mộc liên (magnolia)

Em thở hắt ra, tưởng như mình vừa làm xong một việc gì rất khó. Nắng bây giờ như mạnh mẽ hơn, em nheo mắt lại cho khỏi chói, nhìn chung quanh mình, em thấy đất trời như gấm dệt. Cây mộc liên với những tán lá dầy xanh thẫm như lá bàng ở quê nhà; những bụi cây bách diệp (cypress), cây hoa kim ngân (honey sucker), cây hoa tử đằng (wisteria), mùa này chưa ra hoa, nhưng những chùm lá ngọc bích có những con chim nhỏ, ríu rít bay ra, bay vào, hay vụt đến vụt đi trong một không gian trong trẻo và tĩnh lặng, sao thanh bình quá đỗi! Hình ảnh đôi người trẻ yêu nhau trong buổi trưa nắng mùa xuân dưới bụi hoa đào vẫn chập chờn trước mắt em, em bỗng nhớ ra: Hôm nay không phải cuối tuần, giờ này trường lớp còn trong giờ học, làm sao họ lại ở đây được nhỉ? Họ từ ở dẫy nhà bên trên đi xuống hay ở dẫy dưới này đi lên. Em tần ngần một lúc, nghĩ, hay là mình hoa mắt, làm gì có người trẻ nào lại có thể dắt nhau vào một cái lối mòn đầy gai góc này mà tỏ tình với nhau trong giờ học. Em tính đi vào nhà, xong trong lòng vẫn thắc mắc, em đứng lên và thấy chân mình quay trở lại con đường mòn trên dốc.

Họ không còn ở đó nữa, họ đã rủ nhau trốn ra khỏi vườn Địa Đàng hay họ chưa bao giờ vào? Em nhìn xuống, cố tìm dấu vết cây cỏ bị nằm rạp hay gai góc bị gẫy, em không nhìn ra được điều gì cả. Những cành gai dâu vẫn nằm vắt chéo lồng bồng trên nhau, cỏ vẫn còn nguyên, từng mảng mầu xanh ngậm nước, ngay cả dấu giầy em cũng không có, nhưng em lại nhớ rất rõ, cái mầu áo xanh dương của chàng trai, đôi mắt nhắm với vầng trán thanh tân của cô gái. Em đứng im như đá, hay em đã thành đá tảng thật rồi. Nước ở hồ dưới kia bốc lên một đám khói trắng, gần như phủ kín mặt hồ và những ngôi nhà.

Giữa em và hai người trẻ đó, ai có thật trong một khoảnh khắc uyên nguyên của mặt trời vừa đúng ngọ?

Trần Mộng Tú

Mồng Một Tết, Tân Mão/2011

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 107153)
N guyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, trong một gia đình gồm 7 anh chị em. Ông là người con thứ hai. Cha ông, một nhà giáo trong thời Pháp thuộc, thưở nhỏ ông cắp sách theo cha đi nhiều nơi vì thời gian đó nhà giáo luôn được thuyên chuyển công tác liên tục. Ông thừa hưởng nếp sống mô phạm từ cha mình.
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 99005)
Về Mùa biển động... V ới đôi mắt tinh tường, cái nhìn thàng hậu (nhân bản) Nguyễn Mộng Giác đã xây dựng lại cuộc đời của nhiều gia đình, nhiều nhân vật trong thế hệ những người đã sống hoặc lớn lên ở trong Nam, thời kỳ chia đôi đất nước... Là nhân chứng có con mắt bao quát và sâu xa, ông nhìn và viết lại xã hội miền Nam trước 1975, thuật lại biến cố Phật Giáo những năm 60, biến cố Mậu Thân thập niên 70, biến cố 30 tháng tư 1975, thuật lại cuộc di tản, thuật lại cuộc đời tha hương trên đất Mỹ.. .
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 96381)
Hồn tôi ngây ngây như người nhọc nhằn leo núi, lúc lên tới đỉnh chỉ thấy những khối đá tảng xù xì rêu phong, và nhìn trở xuống là một vực thẳm đầy mây". ( Tha hương , Văn Nghệ xuất bản 1989, trang 1849). Đó là hình ảnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác với Mùa biển động.
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 72125)
M ùa biển động tập 5, Tha hương là tập cuối, dày nhất, hơn 600 trang, quan trọng nhất và được độc giả mong đợi, để biết số phận nhân vật sẽ ra sao, qua cuộc «đổi đời» tháng 4-1975.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 85517)
H ồi xưa, mẹ tôi thường theo mùa mà gọi những người đàn bà bán hàng rong vào nhà để mua hàng của họ. Mùa sen, mẹ tôi mua sen để lấy nhụy ướp trà, mùa cà cuống, mùa cốm, mùa sắn dây…
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 91906)
T ôi có thể kể một câu chuyện giống như diễn tiến tự nhiên của cuộc sống. Tất nhiên điều đó không có hại gì cho sự nghiệp văn chương của tôi. Trừ phi tôi muốn dây dưa bằng những thứ ì xèo người ta gọi là vạ miệng. Con chữ giết người. Sự sứt mẻ tinh thần đem đến những mớ bòng bòng rắc rối. Và họa vô đơn chí sẽ có một vài kẻ bắt vạ không lương thiện. Họ làm tổn thương tâm hồn nhà văn của tôi.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 87756)
T ôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 90703)
T háng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 78003)
Một phóng sự ngắn về nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người vừa ra đi trong sự tiếc thương của bằng hữu. Mời quý vị theo dõi trong phóng sự sau đây  (video 3 phút).
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 99881)
V ì người tụng một thời Kinh Tôi đi rước nắng về in hiên trời Chiều trông chiều vẫn thảnh thơi Tôi đi hái thuốc về in hiên nhà...