- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Catherine Cusset Robbe-Grillet hay sự khủng bố văn chương

19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82955)
cathe_tranvu
Catherine Cusset
Robbe-Grillet hay sự khủng bố văn chương
Trần Vũ chuyển ngữ

Catherine Cusset, tác giả của tiểu thuyết Tương Lai Sáng Lạn thanh toán giáo hoàng của Tân Tiểu Thuyết mà bút pháp ru ngủ chỉ nhằm ca ngợi chính giáo hoàng. [Tuần san Marianne]

Khi tòa báo đề nghị tôi tham gia viết về các nhà văn mà giá trị được cường điệu cao hơn giá trị thật của chính họ, tôi đã nghĩ sẽ từ chối. Tại sao phải tự mình tạo thêm kẻ thù một cách miễn phí? Rồi Robbe-Grillet xuất hiện trong đầu. Trước tiên, ông đã chết, như thế tôi không thể gây tổn thương cho ông. Sau nữa, tôi cần thanh toán mối hận với ông từ thuở học dự bị Văn khoa. Tôi đã đọc tất cả những tác phẩm của Robbe-Grillet. Tôi từng viết một truyện ngắn lấy cảm hứng từ lối viết của ông và đã đưa truyện này cho một người bạn đọc. Kết quả chẩn đoán của cô bạn: chán bắt chết. Tôi đã cảm thấy thật sự bị xúc phạm. Thật may mắn, sự kiêu hãnh đang học lớp Văn chương Cao cấp, cho phép tôi kết luận là cô ta không hiểu gì hết.
Và rồi tôi đang viết về Alain Robbe-Grillet.
Tôi đã đi nghe nhà văn thuyết trình về Roland Barthes cách đây vài năm, dịp hội thảo tại đại học New York về Barthes. Trước một hội trường đầy người, nhà văn bắt đầu: “Lần cuối cùng tôi gặp Barthes, hắn đã nói thế này về tiểu thuyết của tôi…” tiếp theo là hai mươi phút cống hiến đặc biệt cho việc phân tích kỹ thuật viết văn của Alain mà không hề nhắc lại tên Barthes một lần nào nữa.
Tại sao phải ra sức kịch chiến với một nhà văn mà ngày nay gần như không còn ai đọc nữa? Vì ông ta là giáo hoàng vĩnh cửu của thể Tân Tiểu Thuyết. Ở con người Robbe-Grillet, sự thực hành văn chương luôn đi kèm với một lý thuyết, ngay cả khi Robbe-Grillet hạ bút viết vào dòng đầu tiên của tiểu luận Vì một nền Tân Tiểu Thuyết: “Tôi không phải là một lý thuyết gia về tiểu thuyết”. Robbe-Grillet là một gương mặt rất Tây. Trên xứ Pháp, người ta vẫn không ngừng tự hỏi tiểu thuyết đang ở đâu, phải làm gì giúp tiểu thuyết tồn tại, quan tâm về tiểu thuyết nhiều hơn so với ở Hoa Kỳ, nơi mà tính thực dụng lấn át sự trừu tượng và là nơi mà bút pháp được dạy trong chương trình Cao học Nghệ thuật như công việc của một thợ thủ công. Tiểu thuyết gia Hoa Kỳ không tìm tòi để đổi mới thể loại mà chỉ thêu dệt tác phẩm của mình một cách đơn giản bằng từng sợi chỉ, với tất cả khiêm nhường của một thợ khéo tay.
Tôi đọc lại một số tiểu thuyết của Robbe-Grillet. Tôi chấp thuận cách lập câu hoàn chỉnh, phẳng, chính xác: “Hiện giờ bóng của chiếc cột ― cây cột đang nâng đỡ góc tây-nam của mái ― chia vùng góc đối diện với hiên nhà thành hai phần bằng nhau.” Tiểu thuyết Ghen đã nhập đề như vậy. Thật lý thú khi nhận ra bút pháp. Nhưng bút pháp ở đây có cái gì đó chán ngắt. Tôi không thể tự ngăn mình đặt câu hỏi: tại sao những tác phẩm của Alain Robbe-Grillet lại có thể chán đến như thế? Và: sự tẻ nhạt có thủ tiêu việc bán tác phẩm văn chương? Đôi khi phải băng qua không biết bao nhiêu trang nhạt nhẽo trước khi được đưa đến một nơi khác. Ai không tự cảm thấy nhàm chán khi đọc Balzac mô tả lê thê kỹ thuật sản xuất giấy, và ai ngán trường thiên Ảo Vọng Đánh Mất? Nhưng người đọc nghĩ gì khi đọc hết nguyên một quyển tiểu thuyết mà hoàn toàn vô cảm? Không có tình cảm nào cháy bỏng và dễ dàng truyền đạt bằng sự ghen tuông. Trong tiểu thuyết Ghen: chủ đề vắng mặt, giọng văn đông cứng. Làm như Robbe-Grillet tìm cách tránh né những chiếc bẫy nhân sinh thay vì biểu cảm tình cảm của nhân vật kể chuyện. Tương tự trong tiểu thuyết Thần Linh, câu văn êm, đầm, không gồ ghề. Người kể chuyện tự xưng tôi và diễn đạt ước muốn của mình. Nhưng ước muốn đó không ai cảm nhận được. Tiểu thuyết gia của Người Phi Lý, Robbe-Grillet tự xem kế thừa Kafka. Nhưng, khác với Kafka, ông không truyền tải được cho chúng ta nỗi lo sợ trước sự phi lý. Ông không bước vào mà đứng bên ngoài, đùa vui nhẹ nhàng. Chúng ta muốn đúc kết: nhà văn không tin điều này, nếu không lập tức trông thấy ở khóe môi của nhà văn thông minh một nụ cười khẽ cho thứ từ vựng xưa đầy siêu hình mà ông đã vượt qua.
Lý thuyết về Tân Tiểu Thuyết giống như câu chuyện về những bộ y trang của nhà vua. Tương tự những thợ dệt bán cho đức vua bộ y phục lộng lẫy, nhà văn kiêm lý thuyết gia tuyên ngôn: “Những ai không nhìn thấy sự mới mẻ căn bản và cần thiết trong bút pháp của trường phái Tân Tiểu Thuyết là những kẻ thật sự ngu xuẩn.” Không ai còn dám thú nhận mình không thấu hiểu vì không muốn bị xem là những kẻ đần. Cuối câu chuyện, kẻ sắm vai trẻ con kêu lên: “Nhà vua hoàn toàn trần truồng!”, kẻ đó chính là công chúng, không dễ bị lừa vì biết đi tìm sự cảm thú khi đọc tiểu thuyết.
Đọc lại những trang phê bình của Nathalie Sarraute và Alain Robbe-Grillet công bố vào những năm từ 1950 đến 1961, tôi rất kinh ngạc bởi tính hiện đại trong các bài viết của họ, giống như câu hỏi đặt ra đối với tiểu thuyết không hề thay đổi trong vòng 50 năm qua. Họ tấn công vào những khái niệm về nhân vật, về tính chất, về cốt truyện, về tình tiết, và họ bảo vệ sự tiến triển cần thiết của thể loại tiểu thuyết. Bản ghi nhận của Robbe-Grillet năm 1957, mà tất cả các nhà văn hôm nay đều muốn nhận là của mình: “Thay vì mang bản chất chính trị, cách dấn thân, đối với một nhà văn, là ý thức trọn vẹn về những vấn đề của hiện tại qua ngôn ngữ của hắn, cùng niềm tin vào sự cực kỳ quan trọng này với ý chí giải quyết những vấn đề từ bên trong.”
Nhưng với tôi, dường như từ những câu hỏi giống nhau, các nhà văn của trường phái Tân Tiểu Thuyết đã trả lời hoàn toàn khác nhau. Sarraute viết trong Thời Hoài Nghi: “Cuộc đời mà bên trên xây cất nghệ thuật, sau cùng rồi, cũng chính cuộc đời đào thải những hình thái đầy hứa hẹn trước đây, để chuyển dịch đi nơi khác.” Bút pháp tiểu thuyết, trước tiên là công cuộc tìm kiếm sự thật phải giành được bằng thao tác khổ nhọc, một sự thật tìm thấy trong đời sống của con người, từ “những trạng thái tâm lý mới”, “phức tạp và tinh tế”, “tế nhị và bé nhỏ”, mà tiểu thuyết gia như một nhà khảo cổ đào bới tâm hồn, tìm cách khám phá.
Robbe-Grillet, phần ông, phán đoán bổn phận của tiểu thuyết gia là phải loại bỏ vũ trụ của những truyền đạt đã kế thừa (tâm lý, xã hội, chức năng) để thay thế bằng sự thật tinh ròng, vật chất, thế giới hữu hình và khách quan mà đến hôm nay chưa có ai thật sự nhìn thấy: “Chung quanh chúng ta, thách thức bầy tĩnh từ tâm linh hay vật chất, toàn cảnh là như vậy. Bề mặt của chúng rõ ràng và trơn tuột, nguyên vẹn […]. Toàn bộ văn chương của chúng ta chưa tiêu hao được một góc nhỏ nhất, để làm mềm đi bất kỳ đường cong nào.” Cách diễn tả quý báu của Robbe-Grillet giúp ông kháng cự lại cảm xúc: “Tĩnh từ khách quan, tả chân, là thứ tĩnh từ tự thu vào việc đo lường, định vị, giới hạn, định nghĩa, để cho thấy một cách khái quát con đường khó khăn của thể loại Tân Nghệ thuật Tiểu thuyết”.
Tư thế tiểu thuyết này với cách thức không muốn vận dụng xúc cảm, chống lại việc đào sâu bằng cách tôn trọng tính bề mặt của thế giới, không đứng vững. Robbe-Grillet, tự bản thân, vào năm 1961, trong một bài viết lấy tựa “Tân Tiểu thuyết, Tân Nhân sinh”, đã mâu thuẫn với các diễn văn trước đây. Ông viết: “Chủ thể trong trong tiểu thuyết của tôi không thể hiện diện bên ngoài những nhận thức của con người, thật sự hay tưởng tượng. […] Tùy theo tên gọi mà chúng ta đặt cho sự vật, chúng luôn hiện diện trong tác phẩm. Hãy nghĩ đến Balzac”. Balzac, mà Robbe-Grillet từng khước từ cách viết tiểu thuyết vì xem đã lỗi thời, mà bây giờ ông dùng như một tấm khiên. “Tân Tiểu Thuyết đến với những ai vững lòng tin”, Robbe-Grillet xác định, tìm cách thuyết phục độc giả đây là loại tiểu thuyết dễ đọc, chỉ có phê bình ác cảm đã lừa dối độc giả là khó khăn. Chúng ta thấy lập lại hội chứng y phục của hoàng đế. Tất cả những ai dám nói tiểu thuyết của Robbe-Grillet là chán chường, sẽ đơn giản bị quy kết là thiếu đức tin.
Tôi không tìm cách tấn công lý thuyết Tân Tiểu Thuyết đã trưng bày các giới hạn. Tôi không tin vào các lý thuyết mà tin vào những sáng tạo cá nhân. Nếu tôi tố cáo để chấm dứt một sự bịp bợm, chính vì sự bịp bợm của các diễn văn tập thể về văn chương, thuộc bất kỳ phe phái nào, đã đề ra các luật lệ, một chân lý hay những giáo điều nhằm khủng bố văn chương.

Catherine Cusset
Trần Vũ chuyển ngữ.

Nguồn: trang văn học của tuần san Marianne số 639 ra ngày 18 tháng 7, 2009
(*) Catherine Cusset sinh năm 1963, giảng dạy văn chương trong mười năm tại đại học Yale và là tác giả tiểu thuyết Tương Lai Sáng Lạn (Un brillant avenir).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 36267)
LTS. “Nghệ Sĩ Lưu Vong”, đó là nhan đề cuốn sách của Jane Katz, phỏng vấn các văn nghệ sĩ thế giới tới tỵ nạn trên đất Mỹ...Cuộc phỏng vấn Mai Thảo, được thực hiện ngày 10 tháng 07, 1980...Và sau đây là bản lược dịch của Tâm Bình từ nguyên bản tiếng Anh, trích từ cuốn sách Artists in Exile, American Odyssey của Jane Katz do Stein & Day Publishers, New York xuất bản 1983.
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 34289)
Gia đình chúng tôi có mười bốn anh chị em, gồm năm anh em trai và chín chị em gái. Anh Mai Thảo là người thứ năm trong gia đình. Hai người chị và một người em gái mất sớm. Tới năm 1975, chúng tôi còn lại là mười một người. Tính theo anh em trai, anh là con trai thứ ba. Anh cả tôi là Nguyễn Đăng Thiện, anh kế là Nguyễn Đăng Viên rồi đến chị Tuyết là người chị gái đã mất vì bệnh thương hàn năm chị hai mươi tuổi. Tiếp đến là anh Mai Thảo...
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 36587)
Tôi ít thấy ai yêu thơ như Mai Thảo. Thuộc rất nhiều thơ, đặc biệt thơ tiền chiến và thơ những năm đầu kháng chiến, Mai Thảo có thể nói chuyện về thơ miên man từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác. Dường như chỉ khi nói chuyện về thơ, Mai Thảo mới hoạt bát, sôi nổi, say sưa, gửi hết hồn mình trong từng tiếng trầm tiếng bổng. Ly rượu trên tay, đầu lắc lư, mắt lim dim, Mai Thảo nói về thơ với giọng vừa xúc động như khi người ta kể lại một mối tình đầu, vừa thành kính như một con chiên kể về cuộc đời của Người Cứu Thế. Với Mai Thảo, thơ là cái gì thiêng liêng, rất đỗi thiêng liêng, như một tôn giáo. Với Mai Thảo, thơ, "chỉ thơ, mới là ngôn ngữ, là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương"
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 34478)
Chiến tranh kết thúc trên quê hương cô. Gió hòa bình thổi suốt từ bắc chí nam. Nhà nhà say mê chiến thắng. Người người ngột ngạt với cơn sốc hòa bình. Không còn ai nhớ đến lỗ hổng nơi trái tim cô.
24 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 35591)
Nàng gặp một tỳ kheo. T ỳ kheo hỏi: Con đã quy y sao lại mê cờ bạc? Gia Ái đáp: Dạ, trong năm đều răn của nhà Phật (2) không có điều nào cấm cờ bạc. Tỳ kheo khẳng định: cờ bạc là gian dối… Gia Ái đáp: Dạ, càng không. Ở xứ Mỹ, đánh bạc trong các sòng bài đều minh bạch. Đánh bạc là một nghệ thuật kế hợp giữa trí tuệ và may mắn. Tỳ kheo lắc đầu, bỏ đi. Cờ bạc dễ kéo theo sân si. Tiếng xào xạc lá cây bồ đề khô xa dần xa dần rồi mất hút.
21 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 31255)
T ối nay em uống rượu gì Anh muốn biết nỗi buồn trôi đi bằng giọt trắng sake hay màu nho tím Hay em lại đốt vàng mã để hối lộ nỗi buồn đi xa Hay em đang viết những giòng thơ không hồi kết cuộc
21 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 34749)
Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Nhà văn Trần Thanh Cảnh sống và làm việc tại Việt Nam. Truyện ngắn " Giáo sư Kê" như " tiếng chuông cảnh tỉnh" cho tầng lớp "Trí thức đểu" mà hàng ngày họ góp phần lừa mị người dân trên các báo trong nước hiện nay. Đây là một truyện khá tâm đắc của tác giả gởi đến Hợp Lưu như một chia sẻ cùng quí văn hữu và bạn đọc.
20 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 33995)
Tôi nhìn thấy em bốc lửa ở Yosemite. Lửa trại cháy bùng ký ức. Ngàn năm sau tôi vẫn nhớ khuôn mặt em ngời sáng. Lửa bập bùng, củi nổ tí tách, những đốm than hồng nở xoè trong mắt em. Đôi mắt phượng dài hút đêm thâu. Càng về khuya, ánh lửa càng xanh biếc. Hơi nóng hun ngùn ngụt. Em phừng lên như ngọn lửa. Tôi nóng ran người, bừng bừng mặt.
18 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 32644)
Mở đầu cuốn Những cuộc đời song hành , Plutarque viết: “Sossius Sénécion ạ, khi miêu tả Trái đất, các sử gia đẩy ra sát mép bản đồ của họ những vùng đất mà họ không biết và chú ở bên cạnh: “vượt qua ranh giới này chỉ còn là sa mạc hoang vu và thú hoang nguy hiểm” hay “đầm lầy u tối” [1,75]. Hẳn rằng, nếu như không có sự ảnh hưởng trực tiếp, thì Trần Đức Tĩnh đã viết Đối cực (Nxb Trẻ, 2014) cũng với một cảm hứng gần như tương đồng với Plutarque trên góc độ quan niệm có những thế giới song hành, khác biệt nhưng lại tương tác nhân quả lẫn nhau.
18 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 33769)
m ùa lặng lẽ theo mùa rơi qua âm u tháng Tám  bỏ lại anh lạc lõng phía câu ca không lời dẫu hồn nhiên đứng lơ ngơ giữa ngã tư, ngã năm , hay ngã bảy vẫn nghe lòng lưa thưa vắng một mình thôi